Tag Archives: gia đình

Rơi!!!

Lại viết khi tâm trạng không ổn định nhưng gần đây tôi rất hay nghĩ về việc tự tử, tôi còn thường xuyên cáu gắt với tất cả mọi người, suy nghĩ vấn đề luôn rất bi quan. Mệt mỏi, thật sự mệt mỏi lắm.

Lấy chồng, ừ thì ai cũng lấy chồng, chồng do mình chọn chứ chả ai ép nên chả trách ai được, ừ thì trách mình…. Chồng không lăng nhăng, chồng chỉ ham chơi, chồng quá vô tư. Khi người phụ nữ lấy chồng, bản thân họ chẳng mong được chồng nuôi mà chỉ mong chồng nuôi được chính bản thân chồng và phụ giúp vợ nuôi con cái. Nhưng khi cái việc là đáng lẽ ra người đàn ông trụ cột phải đứng ra đảm nhiệm và suy nghĩ thì lại được đặt lên vai mình.

Con bé tý, nội ngoại chẳng ai giữ dùm đã đành, tiền giữ cháu thì cao ngất trời gần 2/3 tiền lương mình có thể đi làm nhưng cũng chả yên tâm được. Đã thế người thân thương trong nhà còn chẳng yêu thương nhau, tỵ nạnh nhau từng thứ mà những thứ ấy đươc thể hiện từ nhà chồng có lẽ mình cũng ít tủi thân. Nhà chồng thì còn vô cùng hồn nhiên và vô tư với suy nghĩ cưới vợ về thì tự tụi nó tính. Ừ thì mình cũng cố tính, nhưng tính cho lắm cũng chỉ được 2 mẹ con, nào tính được thêm cho chồng. Mà xin về nhà mẹ đẻ thì mẹ chồng chẳng vui, mẹ chồng chẳng vui chứ cũng 5,7 tháng phụ được 1 triệu gọi là có phụ tiền sữa cho cháu. Ăn uống thì bắt phải mua đồ tươi, ngon, bổ, nhưng không hề phụ một đồng nào. Ừ thì con mình, mình phải tự gánh vác chứ, nhưng con mình lại còn chẳng được nuôi theo ý mình khi làm gì thì nhà chồng cũng không vừa ý.

roi
Con là động lực mỗi khi tôi gục ngã

Con cái ngày lớn càng biết mè nheo mẹ, đeo mẹ suốt ngày, mẹ làm đã ít tiền còn quần cho mẹ mệt không có sức làm việc, nản, lắm lúc muốn xách ba lô lên và đi. Bỏ mặc mọi thứ, ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân như xưa. Rồi không làm được, lại cáu gắt với bản thân, với chồng, với gia đình, với con gái. Cái vòng lẩn quẩn chẳng bao giờ dứt được.

Uất ức, uất ức đến không thở được, đến mức nước mắt muốn chảy ngược cả vào trong. Phải chi chồng không có sức lao động mình cũng chấp nhận sự thật là một vai cáng đáng không lời than trách, nhưng sức dài vai rộng đi làm bao năm chả để dành được gì mà còn mơ tưởng thích làm chủ, chẳng thích làm thuê. Nản, nản cả cái gia đình chồng chiều chuộng đến hư chồng rồi trách mình không khuyên giải. Giờ cứ sợ đi ra đường bị hỏi “chồng làm gì?” “gia đình chồng có phụ không?” Đôi lúc cười trừ cho qua chuyện rồi lại tự hỏi bản thân sống sao mà để bị đối xử như thế?

Cũng chẳng thể than được, có than người ta cũng chẳng giúp đươc mà lại còn cười cho. Bế tắc không lối thoát, có khi nào mình cũng nghĩ quẩn không? Sống trong chăn mới biết chăn có rận. Ngày xưa đọc báo thấy người ta tự tử thì mắng sa sả vào mặt giờ bế tắc rồi mới hiểu cảm giác bị chửi là ích kỉ là thế nào. Âu cũng đáng lắm chứ!

Khổ sở vì có con ngay sau khi cưới….

Em lấy chồng năm 24 tuổi. Đám cưới sau đám hỏi 5 tháng. Em có bầu trước cưới một tháng. Cưới xong nhà chồng ra tối hậu thư không được có con sớm, lo làm ăn trước. Trước đó em hỏi chồng giờ muốn bỏ hay muốn giữ, nếu muốn bỏ thì em đi nơi khác sống, nuôi con một mình, không phiền ai. Nếu muốn giữ thì theo đúng kế hoạch ban đầu, tháng sau cưới. Chồng nói con hắn hắn không bỏ.

 

Sinh con ngay sau khi cưới 5 tháng
Sinh con ngay sau khi cưới 5 tháng – Ảnh minh hoạ

Trước khi cưới, mỗi lần về nhà chồng em đều được tiếp đón nồng nhiệt. Cưới xong phát là em được quì nghe thuyết giáo ngay tắp lự. Ức, nhưng cố kiềm chế. Thời gian ở chung với nhà chồng em không biết tới đồng lương của chồng méo hay tròn, toàn bộ đưa hết cho mẹ chồng. Lương em thì đóng góp 2 triệu tiền ăn chung với cả nhà. Còn dư lại 3 triệu thì biếu bố chồng 500k/tháng. Sáng trưa tối em đều ko ăn cơm ở nhà, do chỗ làm cách nhà 20km.

Sang tháng thứ ba thì em yếu quá, do nghén ko ăn được mà đi làm về vẫn phải phụ việc ở nhà chồng. Mang thai ba tháng e sút 4kg, cấp cứu hai lần. Sau lần cấp cứu thứ hai, nhà chồng em biết em có thai. Từ đó ngoài đuổi ra thì em còn nhận thêm vô vàn lời “hoa mỹ”, có hôm tới 2h sáng. Rồi em bị trầm cảm, bác sĩ gọi riêng cho chồng em nói chuyện. Hôm đó hai vợ chồng quyết định đi tìm nhà trọ, cũng bàn nhau nếu tối mà bị bố chồng đuổi nữa thì đi luôn. Trong túi em lúc đó còn đúng 1,5 triệu.  Đặt cọc nhà hết 500k. Tối đó gần 10h đêm, bố chồng lại chửi, đuổi. Chồng em gom hết quần áo, đồ đạc lôi em đi. Trước khi đi, em có quì gối xin lỗi bố chồng. Ra nhà trọ với vỏn vẹn 800k, không có bất cứ thứ gì trong phòng ngoài quần áo. Mẹ chồng cũng không đưa cho đồng nào trong khi ba tháng lương của chồng em trước đó đều đưa hết cho bà, tiền cưới vàng cưới cũng giữ hết. Mẹ đẻ cho em hai triệu, một tuần sau e đi nhận tiền nghỉ việc và bảo hiểm được 6 triệu (mừng hú vía luôn ạ).

Đến tháng thứ 8, vì hàng xóm dị nghị, nên bố mẹ chồng ép vợ chồng em phải về sống chung. Em ra điều kiện với chồng hoặc là thay đổi, không chửi bới nữa, hoặc là em sẽ đi luôn. Chồng em về nói chuyện, bố chồng phang ngay câu: “mày là thứ núp váy vợ….” Về đâu được tầm mười ngày thì ngựa quen đường cũ, mọi thứ y như ngày trước, thai em lúc bảy tháng đi siêu âm là 2,5kg. Vậy mà về nhà chồng ởhai tháng tới khi đi đẻ, con em được 2,8kg. Ơ nhà chồng em thèm ăn đủ thứ mà không dám ăn. Mua về ăn thì bị chửi phung phí, ra ngoài ăn thì bị chửi là tham ăn một mình. Em gom góp dành dụm được 11 triệu để chờ sinh. Mẹ chồng phán phải đưa tiền để mẹ lo. Lương chồng tháng đó cũng hơn 11 triệu, cũng đưa mẹ lo. Vậy mà bữa ăn sáng của em là cái bánh tiêu, bánh cam hoặc bánh mì không. Có bữa em thèm cháo lòng quá, chồng chở đi ăn, bị bố chồng phát hiện, hai vợ chồng nghe chửi từ buổi sáng tới khuya. Đêm đi sinh,em ăn được gói mì tôm, trong túi còn vỏn vẹn 128k. Sinh xong em ngất luôn vì mất sức.

Mấy ngày nằm viện chỉ có bà ngoại chăm, ông bà nội dạo xuống rồi đi. Đã thế ông nội còn “mạnh tay” với cháu, bảo là không giống bố nó. Mẹ em tự ái, nói thẳng là con của em, không giống ai hết, chỉ giống em, để mẹ em nuôi. Ông ấy nghe thế định sừng sộ lên thì mẹ chồng em kéo ông ấy về. Cả phòng sanh ai cũng ngán ngẩm cho em. Mẹ chăm em được hai tháng là hai tháng con em tăng cân đều. Mới 2 tháng mà cu nhóc được 6,5kg.

Qua tháng thứ ba, mẹ bận việc không chăm được, em được mẹ chồng chăm với mì tôm và bánh mì. Con em đứng yên, không tăng cân thì họ nói do sữa em nóng. Ông bà nuôi bò sữa, dọn chuồng xong người dính đầy phân cũng vào chơi với cháu, con em bị nhiễm trùng đường ruột, họ chửi em không biết chăm con. Trôm vía thằng bé ngoan, không quấy đêm, không chắc không biết làm sao. Có hôm nó thức khuya, hóng hớt tí mà bố chồng chửi um lên rồi cúp cầu dao điện. Chịu đựng tới khi con năm tháng thì bọn em ra riêng. Khổ nỗi mua nhà cũng gần nhà ông bà, cách khoảng 3 km. Nên buồn buồn lại xuống chửi, đuổi. Con chín tháng thì có bác chồng vào chăm con cho em đi làm, khổ nỗi bác chồng lại hay săm soi. Để ý đến việc em mặc cái gì đi làm, em ăn cái gì, đi về có ăn cơm không….. Và bắt đầu to nhỏ với chồng em. Sau khi có bác chồng, chồng em thay đổi hẳn, không đưa tiền cho vợ, luôn khó chịu khi vợ đi làm,quát tháo,….

Con em thì hồi 9 tháng đã được gần 10kg, vậy mà bà chăm được 2,5 tháng thì còn 7 kg. Thằng nhóc bị nhiễm trùng hô hấp liên tục. Một hôm em đi làm về sớm thì phát hiện bà cho con em ăn rồi lấy miếng giẻ lau chân để lau miệng cho thằng nhỏ. Em giận lắm nhưng ráng kiềm chế và bàn với chồng em nghỉ làm ở nhà chăm con. Sau đó em nói chuyện với bác chồng là em làm lương ít, chắc xin nghỉ ở nhà, để em tìm việc khác cho bà. Vậy mà bà nhảy dựng lên nói với mẹ chồng là em láo. Nửa đêm 11h, gọi cả mẹ em lên rồi mắng vốn. Em điên tiết lên nói chồng thì mẹ chồng chỉ vào mặt em mà chửi mày là đồ con đĩ. Trước sau em vẫn không cãi lại, đến khi họ nói mẹ em, em tức quá em cãi lại: “mẹ con chẳng tội vạ gì mà phải nửa đêm nửa hôm hành hạ mẹ con như thế”. Bác chồng em chửi bảo là “mẹ mày đẻ ra mày mà ko dạy được”. Em phang luôn: “thế bác dạy con bác được ko ạ? bác dạy anh ấy vào tù ạ???”. Xong em đưa mẹ em về.

Sáng hôm sau em hỏi chồng em là anh chở em về ngoại hay em tự về??? Hắn lui cui chở em về ngoại. Vừa về tới thì mẹ chồng gọi điện bảo chồng em nó có chân cho nó đi, đi luôn, việc gì phải chở. Họ biết nhà em phức tạp, em không về nhà được. Sau đó em nói chồng em chở em vô chùa và nhất quyết không về nhà. Chẳng hiểu họ nghĩ sao, chiều hôm đó lại vào chùa ngọt nhạt với em, năn nỉ em về. Từ dạo ấy, hễ mẹ chồng nói gì không đúng là em nói lại luôn, không nhịn như trước nữa. Bà ấy không hài lòng thì lại gọi chồng em lên để chửi. Chồng em lo làm ăn, không chơi bời, nhưng rất nghe lời mẹ. Không biết thông cảm cho vợ, muốn vợ ở nhà chăm con, muốn nhà cửa sạch sẽ, còn muốn em kiếm ra tiền. Mẹ chồng thì rêu rao khắp làng xóm là em ở nhà ôm con ăn bám chồng (trong khi em vẫn buôn bán). Mẹ em ốm, nằm viện nửa tháng trời, chồng ko thèm hỏi thăm nửa lời. Em phải lấy tiền riêng của em đưa cho hắn, hắn mới lên thăm và biếu mẹ em. Mẹ kẹt tiền, vay hắn 4 triệu lo viện phí, được ba ngày hắn hỏi em chừng nào bà ngoại trả tiền??? Hỏi miết tới lúc em phải chạy tiền trả cho hắn mới thôi. Em bảo hắn bao giờ mẹ mổ thì em xuống chăm bà. Hắn hỏi lại: mẹ nuôi em đâu? Dì em đâu??? em trớt quớt luôn.

Em tính lo cho mẹ mổ xong sẽ lo thủ tục li hôn cho mẹ, thời gian đó mà hắn không sửa đổi thì em cũng li dị luôn chứ chịu không nổi rồi. Nhưng nói thật là em còn thương hắn nhiều…hic hic…với lại hắn cũng thương con….hic…mọi người cho em ý kiến với ạ!!

Thỏ Đá

Hãy buông nhau ra, anh nhé!

Anh à, bây giờ em cũng chẳng biết phải nói như thế nào nữa. Em thích anh, em yêu anh mất rồi đấy.

 

Tình yêu gia đình số phận
Tình yêu gia đình số phận – Ảnh minh họa

 

Anh lúc nào cũng nói muốn nghe em nói 2 câu nói đó, rằng anh đã mong chờ được nghe em nói câu ấy từ khi gặp em.

Đúng là em chưa từng nói với anh như vậy nhưng em đã nghĩ thế và tự nhủ với mình như thế.

Em không dám nói với anh những điều đó là vì em sợ. Em sợ sau câu nói ấy, chúng ta sẽ đều đi quá giới hạn. Dù sao thì em vẫn đang có 1 gia đình cần em vun vén, chăm sóc. Và anh cũng sắp đón thêm 2 em bé xinh xắn đáng yêu nữa.

Lúc nào anh cũng trêu em: bọn đàn ông xung quanh em nhiều thế kia, làm sao anh chống chọi được? Nhưng anh không thấy sao, anh chỉ cần là anh, ngồi bên cạnh em và lắng nghe em nói bằng tất cả sự chân thành của anh, vậy là anh đã tự loại tất cả những đối thủ kia khỏi cuộc đua rồi…

Em đã khóc khi anh nói anh thấy mình bồi hồi, luống cuống khi ở bên cạnh em, được hẹn hò với em.

Khi chúng ta mới quen nhau anh đã nói nếu đến một lúc nào đó anh thực sự có tình cảm với em, anh sẽ tự điều chỉnh lại bản thân mình ngay. Thì anh ạ, đã đến lúc rồi đấy. Em nghĩ ngay từ bản thân em ra, em khuyên anh đừng nên chơi sổ xố với hạnh phúc gia đình.

Em không biết phải định nghĩa tình cảm giữa anh và em như thế nào, chỉ biết rằng nếu chúng ta cứ tán tỉnh nhau như thế này, em sẽ không vượt qua được đâu…Vì em đã yêu anh, yêu anh rất nhiều rồi!

Anh à, em muốn lắm một lần được anh ôm vào lòng, được nhắm mắt dù chỉ là 1 phút thôi trong vòng tay ấm áp và yên bình ấy. Nhưng lúc nào em cũng cố gắng để không thể hiện cảm xúc trước anh, để anh không biết rằng em yêu anh.

Em đã nghĩ rất nhiều, mình có yêu nhau bao nhiêu đi nữa thì cũng không thể được ở bên nhau, không thể công khai hạnh phúc của mình, đúng không anh?

Anh có nhớ hôm buổi trưa chúng mình vào ăn ở Lê Duẩn không? Chị chủ cửa hàng đã hỏi em: hai vợ chồng ăn gì? Câu hỏi ấy khiến em ngượng nhưng cũng đau lòng quá anh ạ! Không lẽ người ngoài thấy mình đẹp đôi thật vậy sao?

Có chăng, em sẽ cứ cố mạn phép được gọi anh là tình nhân, tình nhân yêu dấu của em trong những ngày tưởng chừng như em sắp bị cuộc sống quật ngã. Chỉ thế thôi là đủ anh nhỉ?!

…Em ước gì mình gặp nhau lúc anh chưa ràng buộc, và em chưa thuộc về ai… Nhưng số phận này đã an bài cho anh và em những cuộc đời riêng. Thôi thì, hãy buông tay nhau và xoá mọi kí ức về nhau anh nhé!

Em xin lỗi…

Hụt hẫng khi phát hiện chồng là kẻ tồi tệ

Tôi gần như chết đứng ở giây phút đó, tôi thực sự không biết phải làm sao? Đứa bé trong bụng người phụ nữ kia sẽ có kết cục thế nào? Đứa trẻ trong bụng tôi rồi tương lai sẽ ra sao?

 

Tôi bất ngờ khi đọc đoạn chát của chồng với người yêu cũ
Tôi bất ngờ khi đọc đoạn chát của chồng với người yêu cũ – Ảnh minh họa

 

Quen nhau gần 10 năm mới tiến đến hôn nhân. Anh là mối tình đầu của tôi, khi tôi thi rớt đại học buồn chán lang thang trên mạng thì gặp anh. Anh an ủi và động viên tôi thi lại, cuối cùng tôi cũng đậu. Mọi chuyện vẫn tiến triển tốt cho đến khi công việc anh gặp trục trặc, anh quyết định bỏ Sài Gòn về công tác ở tỉnh. Tôi không đồng ý với ý kiến này lắm nhưng vì anh kiên quyết nên tôi cũng mặc anh làm gì làm. Tôi có xuống thăm anh vài lần nhưng quả thật với thành kiến trước đó nên tôi chẳng vui vẻ gì với bạn bè đồng nghiệp của anh.

Gia đình anh rất quý mến và luôn coi tôi là con dâu nhưng anh xuất thân cũng từ một vùng quê nghèo và tôi không thể chịu được cái tư tưởng gia trưởng của anh. Không phải tôi phân biệt giai cấp nhưng cuôc sống của tôi từ nhỏ đã lớn lên ở Sài Gòn nhộn nhip, tôi không hình dung nổi cái ngày mình về làm dâu tỉnh lẻ, lương ba cọc ba đồng, suốt ngày xoay quanh bếp nút, con cái, cuộc sống không ánh sáng như vậy.
Nhiều lần cãi vã và chia tay nhưng rồi anh đều năn nỉ quay lại. Nhiều lần tôi muốn dứt tình với anh nhưng có lẽ do cái duyên cái phận cứ ràng buộc hai chúng tôi. Chúng tôi kết hôn và anh quyết định theo tôi về Sài Gòn. Nhưng gần đây tôi phát hiện anh từng có mối quan hệ không rõ ràng với một cô đồng nghiệp khi còn làm việc ở tỉnh, mà cô gái ấy lại đang có chồng. Cô gái đó còn trẻ. có lẽ lấy chồng lúc chưa nhận thức được vấn đề và dẫu sao tôi vẫn không phải cô ấy nên cũng không dám phán đoán nhiều.
Dĩ nhiên tôi biết lỗi lầm đều thuộc về cả hai người ho hoặc cả bốn chúng tôi, nhưng điều tôi không chấp nhận được là họ làm điều đó khi cô ấy đã có gia đình và anh đang yêu tôi. Việc này xảy ra gần như công khai vì sau này theo tôi đươc biết toàn bộ công ty anh ấy đều biết.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, một tối khi chồng tôi đi ngủ nhưng chưa shut down máy, tôi chỉ định tắt dùm anh nhưng vô tình những dòng tin nhắn cô ấy và chồng tôi lại hiện ra mồn một trước mắt. Nội dung chủ yếu là cô ấy đang mang thai nhưng không thể xác định được là con của chồng cô ấy hay chồng tôi. Rằng chồng tôi mới là người cô ấy thật sự…. Còn chồng tôi thì ngoài cách khuyên giả lả rằng cô ấy cứ bình tĩnh nếu không yên tâm thì cô ấy nên bỏ cái thai ấy đi. Rằng anh ấy vẫn yêu cô ấy nhưng còn trách nhiệm với tôi…. Một loạt những nguyên nhân được anh ấy nguỵ biện hết sức hoàn hảo.
Tôi gần như chết đứng ở giây phút đó, tôi thực sự không biết phải làm sao? Có lẽ nào người đàn ông tôi yêu thương bấy lâu nay lại là người ích kỉ, vô trách nhiệm và tham lam đến thế? Tôi phải làm sao để đối diện với gia đình vì cuộc hôn nhân này mới bắt đầu? Và nhất là có một hình hài nhỏ đang hình thành trong cơ thể tôi và lớn lên từng ngày, liệu tôi có nên cho nó có một người cha tàn nhẫn và bỉ ổi như thế không?

Mấy ngày qua tôi đều ăn không ngon, ngủ không yên. Đứa bé trong bụng người phụ nữ kia sẽ có kết cục thế nào? Đứa trẻ trong bụng tôi rồi tương lai sẽ ra sao? Tôi bắt đầu thấy ghê tởm anh, liệu tôi có nên cho anh biết về sự tồn tại của đứa con này không?

Hạnh

Con thấy quá mệt mỏi

Con thực sự cảm thây quá mệt mỏi rồi bố mẹ ạ!

Con không biết mình bị làm sao nữa …

Ước gì bố mẹ đừng bỏ rơi con một cách quá tàn nhẫn như thế .

Giờ đây con đang khóc , khóc một mình , trong chính ngôi nhà của chúng ta …

Ngôi nhà quá rộng còn con thì quá nhỏ bé , con cảm thấy quá trống trải .

Con biết bố mẹ đi làm kiếm tiền để nuôi nấng chúng con nhưng có khi nào bố mẹ quên mất là sự yêu thương quan tâm của bố mẹ mới là điều quý giá nhất không ?

Tất cả mọi việc trong nhà con điều biết , kể cả việc mẹ đang yêu người khác …

Mẹ ngoại tình …

Mắt con cay lắm , con không biết chia sẻ với bất kì ai .

Mẹ hôm nay lại không về , bố thì ở cơ quan , anh thì vẫn đi học ở Hà Nội và chẳng bao lâu nữa là anh sẽ bay sang Nhật .

Bố mẹ lúc nào cũng cãi nhau , tất cả con đều nghe thấy , con chỉ cố quên đi để đỡ đau trong tim những khó lắm .

Từ một gia đình quá đỗi hạnh phúc tại sao nó lại trở thành như thế này hả mẹ ơi ?

Hôm nay mẹ không gọi cho con một cuộc điện thoại nào , con đợi mãi nhưng có thấy đâu …

Con chỉ ước bố mẹ đừng như vậy nữa thôi , con buồn lắm , bố mẹ có biết không ?

 

Tâm sự của Tú Lê

Khổ vì chồng ghen

Tôi là gái tỉnh lẻ lên thành phố, sống cùng nhà bà con. Gọi là bà con cho sang chứ thực ra chỉ là họ hàng xa, chị con bác chủ nhà sinh em bé nên hai bác nhờ tôi lên ở chung, đỡ đần chị.

 

Chồng ghen
Chồng ghen – ảnh minh họa

Hàng tháng hai bác gửi biếu bố mẹ tôi dưới quê ít tiền, tôi biết đấy coi như là tiền công tôi đi giúp việc, nhưng hai bác không nói thế. Tôi cũng biết ơn vì thái độ này. Hai bác có bảo, tôi cứ ở lại nhà với hai bác và anh chị, đến tuổi bác gả chồng cho. Tôi ít chữ, học hành không đến nơi đến chốn, cho nên được như thế cũng là ấm tấm thân, bố mẹ tôi rất yên tâm khi gửi tôi lên thành phố.

Ở đây tuy công việc luôn chân luôn tay, nhà có trẻ sơ sinh nên lắm việc vặt, nhưng vẫn còn sướng hơn ở quê khối. Không nắng gió, không lấm bùn, tôi thay da đổi thịt từng ngày. Có người mới gặp tôi ở nhà bác lần đầu, vài tháng sau đã ngỡ ngàng nói trông tôi rất khác. Tôi cũng cảm nhận là như vậy. 20 tuổi, da tôi trắng, môi tôi hồng, dáng người thanh cao khỏe mạnh.

Có nhà người bạn của hai bác tôi, họ có anh con trai, 40 tuổi rồi nhưng chưa vợ. Anh ấy diện mạo không đến nỗi nào, phải cái chân thọt, đi cà nhắc. Nghe nói anh ấy bị tai nạn giao thông từ cách đây rất lâu nên chân bị tật. Bù lại, anh ấy giỏi giang buôn bán, là người biết kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền. Gia đình anh ấy có ý xin tôi về làm dâu. Lúc ấy tôi cũng đã 22, ở với nhà bác họ được mấy năm rồi. Con của chị họ tôi cũng đã lớn, nên hai bác hỏi ý tôi thế nào. Thân gái quê, chưa yêu ai bao giờ, nay lại có mối thành phố để ý muốn cưới nên tôi cũng ưng. Bố mẹ tôi ở quê mừng hết biết.

Thế là tôi đi làm dâu, làm vợ. Tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc hòa đồng với cách sinh hoạt của nhà chồng, bởi dù sao tôi cũng quen với thành phố được mấy năm. Gia đình nhà chồng đều làm ăn buôn bán. Cho nên khi tôi về cũng phải đỡ đần họ. Tính tôi nhanh nhẹn, cởi mở, dễ bắt chuyện nên được cho ra trông cửa hàng. Khách ra khách vào cũng vui. Tiền hàng tôi đưa chồng hết, anh là người quản lý. Một năm sau tôi sinh con đầu lòng. Sau ấy hai năm lại sinh đứa nữa. Nhìn ngoài thấy gia đình tôi rất hạnh phúc. Tôi cũng nghĩ số mình thế là sướng rồi. Chỉ mỗi một điều, chồng tôi vì yêu vợ quá nên rất hay ghen.

Hồi mới cưới tôi đã biết anh có tính này nhưng tình cảm vợ chồng lúc mới mẻ, còn ngọt ngào lãng mạn nên cũng dễ bỏ qua. Nhưng dần dà tôi bắt đầu thấy mệt khi cứ phải dỗ dành anh. Tôi không dỗ nữa thì anh càng tin là tôi thay lòng đổi dạ. Anh hay khó chịu, nhắc nhở thái độ tôi với khách. Tôi chỉ hơi cười nói anh đã cho rằng thiếu chính chuyên, nhưng bán hàng mà mặt đâm lê thì ai người ta mua bán với mình. Khổ cho tôi là đã hai con nhưng trông cứ hơ hớ, phây phây. Thực ra tôi cũng ý thức được rằng chồng hơn mình nhiều tuổi, trong khi anh đã xế chiều rồi thì tôi vẫn hừng hực sức xuân. Song vẻ ngoài là như vậy, chứ tôi chưa bao giờ để tâm chuyện chồng héo vợ tươi dù chỉ trong ý nghĩ. Chồng lại hay tự ti vì cái chân bị tật, nên anh cứ so bì, dù không rõ ràng, nhưng anh thường nói xéo, mỉa mai, bóng gió so sánh mình với “thằng khác” rồi kết luận rằng “thế bảo sao mà cô không thích nó”. Càng ngày thói ghen của anh càng leo thang đến độ tôi khó thở. Ở đâu làm gì tôi cũng có cảm giác đang bị anh trông chừng. Đêm đến anh hay dằn vặt, dỗi hờn tôi. Chẳng biết nghe ai nói ra nói vào mà anh nhất định rằng tôi bớt tiền hàng cho trai, siết chặt tôi về tài chính, anh trở nên chặt chẽ trong chuyện chi tiêu đến mức tôi không còn nhận ra anh. Tôi mệt óc đã đành, nhưng sợ nhất là thái độ ghen tuông của anh có thể làm hình ảnh tôi méo mó trong mắt hai đứa con đang mỗi ngày mỗi lớn.

Hôm trước không hiểu anh vô tình hay cố ý nhắc cho tôi nhớ về “gốc gác” của mình. Anh không quên nhấn mạnh rằng nhờ có anh mà tôi được đổi đời, cho nên tôi đừng “ăn cháo đá bát”. Tôi đau lòng lắm. Tôi đâu có quên mình là đứa nhà quê, đúng là khi lấy anh tôi cũng nghĩ nhiều đến chuyện đổi đời, nhưng tình nghĩa vợ chồng bao năm cùng hai đứa con đã ra đời chẳng lẽ không đủ cho chúng tôi gắn bó hơn ngoài lý do vật chất? Anh nói thế là anh coi thường tôi và tình cảm của tôi quá rồi. Chẳng lẽ tôi tỉnh lẻ, lấy chồng thành phố, ước muốn xây dựng một cuộc sống bình thường, hạnh phúc lại là sai?

T. Nhàn

Sung sướng “ngất trời” khi mình may mắn lấy chồng giàu

Nói chắc nhiều người không tin chứ lấy chồng giàu, mình thèm chè Thái là có thể bay sang Thái Lan thưởng thức, muốn mua áo quần thì cuối tuần đặt vé sang Singapore luôn, muốn tránh trời nóng nực thì qua Paris, Maldives. Đi nhiều đến nỗi, mình có luôn thẻ hạng bạch kim của các hãng hàng không lớn.

Trước khi bước vào hôn nhân, ở cái tuổi 26, mình không còn mơ mộng hão huyền nữa. Khác với những cô bạn mình cứ cho rằng, chỉ cần yêu là đủ, không cần biết người đó giàu nghèo, cha mẹ ủng hộ hay không, mình thì thấy yêu nhau thôi chưa đủ. Do đó, mình cứ ngầm chọn lọc những người đàn ông nào hình thức trung bình cũng được nhưng phải ổn định kinh tế, nhà có điều kiện nữa thì càng tốt.

Và may mắn thay, mình đã gặp được người đàn ông có điều kiện ấy. Chúng mình cũng hợp duyên hợp số nên kết hôn với nhau nhanh chóng. Từ khi cưới nhau đến giờ tròn 5 năm, mình càng thấy quyết định của mình là chín chắn và đúng đắn.

Lấy chồng giàu có
Với riêng mình, không gì sướng bằng việc lấy chồng có điều kiện. Bởi cuộc sống của mình mấy năm qua, khổ đâu không thấy, chỉ thấy những ngày hạnh phúc bất tận (Ảnh minh họa)

Với riêng mình, không gì sướng bằng việc lấy chồng có điều kiện. Bởi cuộc sống của mình mấy năm qua chỉ thấy những ngày hạnh phúc bất tận. Nhân một ngày phấn khích vì được chồng tặng xe mới nên mình xin chia sẻ niềm vui với mọi người.

Chồng mình không phải là giám đốc gì, song được cái việc làm khôn lanh, biết đầu tư đúng chỗ nên thu nhập cứ phải gọi là không thể đếm bằng tiền mặt. Nhờ đó mà đời mình được hưởng phúc an nhàn, sung sướng, mình đi làm cho vui, về đến nhà hết nằm khoèo ăn ngon mặc đẹp lại dậy đi mua sắm. Nói chung cuộc sống này của mình không khác gì thiên đường.

Nhà mình đang ở hiện tại thuộc cụm chung cư cao cấp của toàn sao xịn ở. Đỡ phải khản cổ gào hét lên thần tượng trong khi chỉ được thấy trên ti vi, mình gặp nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu hàng ngày.

Đến họ còn phải chủ động chào và thầm ngưỡng mộ mình, người thu nhập cao chưa chắc đã được ở đây, phải là siêu siêu cao mới đủ đẳng cấp. Lên mạng đọc tin thấy sao này sao kia hết khoe nhà đến nội thất, mình thấy khinh khinh thế nào, đồ dùng trong nhà mình nói thật còn “luxury” hơn cả họ ấy mà chưa thèm khoe đây.

Có tiền sướng hơn tiên, bgày trước mình chưa lấy chồng, tuy cũng khá giả nhưng đến bây giờ mới thực sự là “thượng đế”. Đi shopping, chỉ cần thấy xe mình là nhân viên đã đón từ ngoài đường rồi. Đi ăn, đi coffee cũng thế, bất cứ nơi đâu mình xuất hiện, mọi người đều thể hiện sự tôn trọng và phục tùng tuyệt đối. Chính anh đã mang thiên đường đến với mình.

Nhiều người hỏi mình về kế hoạch chi tiêu trong gia đình. Không hẳn là mình vụng về nhưng thật sự là mình không có kế hoạch. Thường thì thích gì tiêu đấy, chẳng tích cóp hay tiết kiệm, thế mà tiền vẫn đầy ra.

Với khả năng của chồng, túi tiền của vợ chồng mình như túi Thạch Sanh, vơi lại đầy rất nhanh. Tiền lương trong thẻ ATM của mình đến 9 tháng rồi vẫn chưa rút vì không cần dùng đến. Chồng mình thường trêu “vợ cứ việc tiêu, kiếm tiền để mình chồng lo”, sướng kinh người.

Nhờ thế mà vợ chồng êm ấm, gia đình hai bên nội ngoại cũng không mấy khi hục hặc mâu thuẫn. Cơ bản mọi xích mích đều xuất phát từ tiền, nên có tiền mọi thứ đều được giải quyết.

Nói chắc nhiều người không tin chứ mình thèm chè Thái là có thể bay sang Thái Lan thưởng thức, muốn mua áo quần thì cuối tuần đặt vé sang Singapore luôn, muốn tránh trời nóng nực thì qua Paris, Maldives vài tuần rồi về. Đi nhiều đến nỗi, mình có luôn thẻ hạng bạch kim của các hãng hàng không lớn. Mà đâu chỉ đi riêng hai vợ chồng, hứng thì mình mời thêm bạn bè, bố mẹ và tất nhiên là bao ăn ở sắm sửa từ a đến z.

Chị gái mình làm văn phòng, nay muốn tập tành mở shop áo quần qua mạng tăng thu nhập. Mình sợ chị thất bại rồi gia đình lục đục nên bảo thôi, để từ nay mỗi tháng cho chị thêm vài triệu để nuôi cháu. Số tiền ấy mình chỉ cần mè nheo xin thêm tiền tiêu vặt từ chồng là được.

Đi đón cháu ở trường mẫu giáo, thấy mặt cháu bị xước không hiểu vì sao, lúc ngồi trên xe thì nôn ra toàn bún, rõ là chế độ nuôi dạy và ăn uống ở trường rất kém. Mình xót quá nên xin chồng chuyển cho cháu đến trường quốc tế, học phí gấp 5 -6 lần nhưng được cái an toàn và đẳng cấp. Lại một lần nữa mới biết sự sung sướng vô biên của lấy chồng giàu. Mình chẳng cần phép màu nào xa xôi, chỉ cần chồng có điều kiện là có được tất cả mọi thứ.

Có chồng giàu đi nước ngoài mua sắm ăn uống du lịch thoải mái
Có chồng giàu đi nước ngoài mua sắm ăn uống du lịch thoải mái – Ảnh minh họa

Chồng mình tuy rất giàu có nhưng cũng không lắm tài nhiều tật như người ta. Anh thật sự đam mê kinh doanh và yêu vợ con nên chỉ lấy công việc và gia đình làm niềm vui. Anh tận tụy trong công việc thế nào thì về nhà yêu chiều vợ con như thế ấy. Mình được chăm bẵm không chỉ về vật chất và còn về cả tinh thần.

Nhiều lúc ngớ ngẩn mình tự hỏi đã bao lâu rồi mình không buồn, không khóc? Hình như từ sau khi lấy chồng, tâm trạng mình luôn phấn khởi, hạnh phúc như thế. Với mình, dù một cái nhíu mày lo lắng cũng chưa hề có. Thế mới biết lấy được người như chồng mình, cuộc sống của mình hoàn toàn thay đổi. Mình phải tu ngàn kiếp mới được may mắn làm vợ anh. Giờ, nhiệm vụ của mình là chỉ cần vỗ béo để sau 5 năm, vợ chồng mình sẽ chào đón đứa con thứ 2 nữa.

Đời phụ nữ có gì hạnh phúc hơn mỹ mãn hơn là may mắn lấy chồng giàu và tốt phải không mọi người? Chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một người chồng như thế là đủ. Mình rất muốn qua đây, những chị em có cùng hoàn cảnh hãy chia sẻ và lập hội những người lấy chồng dư dả để tiện “buôn dưa” đi. Còn các bạn gái đang yêu, hãy phấn đấu và tỉnh táo khi lựa chọn chồng lý tưởng cho mình nhé!

 

Tâm sự: Người vợ hạnh phúc – Theo Trí Thức Trẻ

Tâm sự của một người mẹ ăn cơm trước kẻng

Con yêu à….

 

Con đến với ba mẹ rất ư không đúng lúc. Con chỉ cần đến muộn vài tháng nữa thôi thì ba mẹ đỡ đau đầu biết mấy. Nhưng có lẽ con không đến vào thời điểm đó thì chưa chắc giờ ba mẹ còn ở cạnh nhau.

 

Ba mẹ gặp và yêu chớp nhoáng lắm. Nhưng không phải thứ tình yêu nhăng cuội mà ba mẹ đã xác định sẽ kết hôn. Hai bên gia đình gặp mặt coi ngày rồi xác định năm sau cưới. Con xuất hiện sớm hơn… Ba con sợ nội không chấp nhận lại sợ mẹ bị người khác xem thường nên quyết định sẽ chờ đứa con khác. Nhưng con đừng trách ba con nhé. Không phải ông ấy không yêu con mà vì ông ấy muốn mọi thứ hoàn hảo.

 

Nhưng ở đời, mấy khi việc vừa ý người. “Con cái là lộc trời cho” mẹ không biết chúng ta có cơ hội gặp lại con không… Mẹ không đành lòng xa con. Con đang sống trong cơ thể mẹ. Thở bằng tim của mẹ. Sống bằng máu của mẹ. Mẹ cũng dằn vặt bản thân nhiều nhưng vẫn quyết định giữ con lại. Mẹ thuyết phục ba và rồi ba đồng ý.

 

Ba mẹ đi khám thai định kì với hàng loạt xét nghiệm sàng lọc trước sinh và mẹ hoang mang thực sự khi biết mình bị thiếu máu Thalasami. Căn bệnh mà rất nhiều phụ nữ mắc phải và cực kì nguy hiểm vì khả năng ảnh hưởng thai nhi cao.  Cậu Hai và mợ Hai con vì điều này mà khi mang thai lần đầu đến tháng thứ 6 phải đành lòng bấm bụng bỏ con. May mắn mỉm cười với mẹ khi ba con không bị gì. Tiếp đó lại là bánh nhau thấp có nguy cơ sẩy thai cao bác sĩ yêu cầu mẹ ít đi lại. Lại một lo lắng nữa bắt đầu.

 

Con biết không mẹ sợ ngoại bắt mẹ bỏ con nên phải hơn 3 tháng mẹ mới cho ngoại con biết. Ngoại cũng thương con lắm nhưng ngoại sợ mẹ thiệt thòi. Ngoại sợ tiếng đời cay nghiệt. Ngoại sợ mẹ bị sự ghẻ lạnh của nhà chồng. Nhưng vì con mẹ chấp nhận. Mẹ luôn ích kỉ sống không nghĩ cho ai cho đến khi có sự có mặt của con. Từ bé mẹ đã không quan tâm miệng lưỡi thiên hạ. “Cái lưỡi không xương trăm đường lắt léo” mà. Mẹ sợ người ta cười con mẹ không cha. Mẹ sợ xã hội cay nghiệt với con. Còn với mẹ, mẹ quen rồi. Để con được mọi thứ tốt nhất mẹ chấp nhận hy sinh.

 

Rồi thì cuối cùng việc gì đến cũng đến. Đám cưới diễn ra như bao đám cưới khác và hầu như bạn bè ba và mẹ đều biết điều đó nên dù có nhiều sơ sót cũng không ai trách nhiều. Con biết không ngay khi đám cưới ở nhà hàng vừa dứt, về nhà nội bỗng dưng mẹ lại sợ khóc òa lên, tự dưng mẹ nhớ ngoại quá con à. Đến nỗi dù đang xỉn cha con cũng phải bật dậy ôm mẹ vỗ về. Chắc con nghĩ mẹ trẻ con lắm nhỉ, cũng đúng thôi vì mẹ chưa xa ngoại ngày nào. Nhà ngoại cũng cách nhà nội chừng 3km thôi ấy.

 

Tâm sự của người mẹ ăn cơm trước kẻng
Tâm sự của người mẹ ăn cơm trước kẻng với con yêu – Ảnh minh họa

 

Trái với sự lo sợ của mẹ nội và các cô con đều thương mẹ. Xã hội nói nhiều mệt nghỉ mà nói chung xã hội còn quá nhiều điều để nói nên mẹ nhanh chóng bị lãng quên. Lúc này mẹ chỉ tập trung đến sự phát triển của con thôi.

 

Sau đám cưới bụng mẹ đau âm ỉ. Đi khám thì bác sĩ bảo động thai và bắt nằm một chỗ 1 tuần liền. Sau đó là không được đi lại nhiều. Rồi rất nhiều lần khám thai sau mỗi lần siêu âm là tim mẹ thót lại, chỉ khi bác sĩ bảo không vấn đề gì mẹ mới thở phào nhẹ nhõm.

 

Như bao cặp vợ chồng mới cưới khác ba và mẹ cũng có mâu thuẫn, cãi nhau. Một phần vì ba và mẹ chưa thật sẵn sàng cho sự có mặt của con. Mọi thứ dường như đảo lộn. Mẹ không còn mặc vừa những bộ đồ sexy của mẹ. Thay vào đó là cơ thể mẹ lên cân mập ù ì ra. Lại không được trang điểm. Không được đi du lịch. Ăn uống phải xem loại nào tốt bổ mới được ăn… Mà nhìn cha con cứ phây phẩy mẹ phải ganh tỵ chứ. Hic hic.

 

Con yêu, trải qua biết bao nhiêu là chuyện. Mẹ hy sinh tất cả: dáng vóc, tự do, danh dự để giữ con lại bên mẹ. Mẹ dùng hết sức của mẹ để luôn giữ con an toàn. Và vì thế con hãy luôn cố gắng sống tốt con nhé.

 

Gửi các bạn trẻ – những người vô tình hay hữu ý đã tạo ra những sinh linh bé bỏng “Hãy mạnh dạn đứng lên bảo vệ con mình đi. Hãy sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Có những thứ mất đi không quay lại đâu. Làm mẹ cực lắm nhưng bạn bỏ lỡ cơ hội này lỡ sau này muốn cực cũng chẳng còn cơ hội. Mình không tốt đẹp nhưng việc tốt đẹp nhất là tạo ra đứa con bằng tình yêu và dùng hết sức cố gắng để bảo vệ nó”.

2J

Góp tiền chợ

Từ xưa đến nay, việc con cái lớn lên, đi làm, hàng tháng biếu tiền cho cha mẹ chi tiêu hay đóng góp vào quỹ sinh hoạt chung của gia đình đã trở thành thói quen và được coi là một cách thể hiện trách nhiệm của người con trong gia đình… Thế nhưng không phải ai cũng làm như vậy và họ đã có lý do riêng.

Anh Minh, 26 tuổi thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Chừa một khoản xài cho nhu cầu cá nhân, số tiền còn lại anh dồn hết vào một quyển sổ tiết kiệm. Anh lý giải: “Tôi chưa nghĩ đến việc phải đưa tiền phụ giúp gia đình vì theo dự định khoảng hai năm nữa tôi dùng số tiền tiết kiệm đó để đi du học ở nước ngoài”.

Không xài tiền cha mẹ

Hùng Văn, 24 tuổi, hiện là nhân viên công ty kinh doanh máy tính cho rằng, hiếu thảo với cha mẹ có nghĩa là người đó có thể tự làm việc nuôi sống bản thân, tự khẳng định việc qua thăng tiến trong nghề nghiệp, tự chứng minh khả năng cạnh tranh của mình trong xã hội là cách đền đáp cho cha mẹ thiết thực nhất. Theo Văn thì để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh trong công việc hiện nay, lớp trẻ phải không ngừng đầu tư cho việc trang bị kiến thức. Văn đặt vấn đề: “ Nếu tôi không đủ tiền để học thêm các khoá ngoại ngữ, marketing, vi tính, mua sắm các trang thiết bị cho cá nhân – mục đích cũng chỉ phục vụ cho công việc (như điện thoại di động, máy tính, máy ảnh) – rồi thua sút bạn bè, bị đào thải khỏi “sân chơi” thì cha mẹ có vui không?”. Chính vì thế mà theo Văn, không thể đo trách nhiệm đối với cha mẹ bằng việc đưa tiền phụ giúp gia đình mỗi tháng.

Cho bản thân là trên hết

Mỹ An, 20 tuổi làm nghề trang điểm cô dâu có mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Nhưng từ lúc đi làm đến nay, An chưa hề đưa về cho mẹ tháng lương nào ngoài món quà tặng là chiếc áo dài lúc An nhận tháng lương đầu tiên. Bản thân An sống rất tiết kiệm và mọi khoản kiếm được cô để dành theo học trang điểm và thiết kế thời trang ở Úc. An nói: “Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải làm được điều mình ưa thích mà không phiền đến cha mẹ. Khi bản thân tôi tự đạt được mong ước và trên hết là có thể sống tốt và đi lên với nghề nghiệp của mình thì chắc chắn cha mẹ tôi sẽ thích hơn là mỗi tháng tôi đưa tiền chợ cho mẹ”.

Có nhiều người cho rằng không lấy tiền cha mẹ là tốt lắm rồi, trách nhiệm với gia đình không nhất thiết là phải góp tiền hàng tháng… không chỉ có ở những gia đình khá giả, cha mẹ có của ăn của để, không đặt vấn đề tiền bạc thành gánh nặng. Nhưng thực tế những suy nghĩ này có thể gặp ở cả những gia đình có mức thu nhập khá lẫn sống theo kiểu ăn đong từng bữa. Chẳng hạn như bạn Huỳnh Thanh Tùng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng marketing chỉ tính toán đến việc đi làm thêm kiếm tiền để mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân, thậm chí gầy dựng tương lai sau này mà chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ phải đi làm kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ dù Tùng luôn được người thân đánh giá là ngoan ngoãn và biết suy nghĩ.

Ðúng hay sai?

Bà Ngọc Mỹ luôn than thở với hàng xóm về cậu con vô trách nhiệm. Theo bà, dù con trai làm giám đốc một công ty lớn, đi xe hơi hàng ngày, chăm lo khá tốt đời sống cho gần 300 công nhân nhưng chẳng thèm đưa về cho cha mẹ đồng nào đã làm cho bà thất vọng. Trong khi đó, anh Ngọc Quang, con trai bà lại có suy nghĩ khác: “Ba má tôi nội cái việc cho thuê nhà mặt tiền, ngoài chi dùng hàng ngày, ông bà còn có thể đi du lịch nước ngoài hàng năm, do vậy tôi cảm thấy việc mình thành đạt và được nhiều người yêu mến tin tưởng sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn. Theo anh, chính sự thành công của con cái mới là món quà xứng đáng để đền công dưỡng dục sinh thành chứ không phải là một ít tiền hàng tháng. Chính sự khác nhau trong suy nghĩ này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng, có lúc bà Mỹ đã giận không thèm nói chuyện với anh gần một năm. Bà Mỹ luôn cho rằng: con đem tiền bạc về biếu cha mẹ chi tiêu hàng tháng là trách nhiệm, cho dù bà có nhiều tiền đến đâu chăng nữa thì con cái phải thực hiện nghĩa vụ này. Còn tiền của bà dư nhiều thì sau này cũng để lại cho con cái mà thôi.

Bà Sáu, mẹ của Mỹ An cũng vậy, khi con gái đi làm không đưa tiền chi tiêu hàng tháng, bà rất buồn nhưng không nói ra. Bản thân bà cũng biết Mỹ An đang dành dụm để đi du học. Bà nói: “Thấy con tự biết dành dụm để phấn đấu cho tương lai là rất tốt, nhưng đôi lúc tôi vẫn cảm thấy buồn”. Thương con, hiểu ý nghĩa của con làm nhưng bà vẫn muốn gia đình theo thói quen từ xưa đến nay: con lớn đi làm hàng tháng góp tiền cho cha mẹ.

Ngọc Thy, quản lý nhãn hiệu của một công ty khá bề thế luôn coi việc con cái trưởng thành, dù đã lập gia đình ra ở riêng hay còn độc thân sống chung với cha mẹ thì việc góp chi phí là bắt buộc. Bởi theo Ngọc Thy, sống cùng một nhà nếu ai cũng không góp tiền cho sinh hoạt chung không lẽ để cha mẹ già lo mãi. Ðồng tình với quan điểm của Thy, anh Minh Hiếu cho biết: “Cha mẹ thương con có thể hy sinh mà không đòi hỏi con cái phải có trách nhiệm lại với mình nhưng không vì thế mà con cái ỷ lại lơ là trách nhiệm với gia đình. Bởi theo tôi hễ là con người sống là phải có trách nhiệm, trách nhiệm đối với gia đình và đối với xã hội”.

Minh Thành

Cơm gia đình: mỗi nhà một kiểu

Bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên luôn được xem là biểu tượng của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng hiện nay, càng ngày, những bữa cơm gia đình càng có vẻ như hiếm đi dưới áp lực của công việc và sự vắng mặt của ai đó trong gia đình…

Cơm gia đình và suy nghĩ của trẻ con

Quang Minh, học sinh lớp 4 trường tiểu học Lê Hoàn, Gò Vấp cho biết hiếm khi nào gia đình em có bữa cơm chung vì buổi tối hai chị em của Minh phải học bài nên được ăn cơm sớm. Mẹ của Minh bữa thì phải đi học thêm, bữa làm ngoài giờ, ba thì hay đi chơi với mấy chú cùng cơ quan hay bàn việc làm ăn nên ít khi nào về nhà trước 9 giờ tối. Bởi các thành viên trong gia đình đều “bận rộn” như thế nên hiếm hoi lắm gia đình Minh mới có bữa cơm chung. Minh cũng rất muốn có ba mẹ ngồi ăn cơm chung như nhiều bạn học cùng lớp nhưng “nếu có ăn chung thì ba mẹ lại hay bàn chuyện làm ăn, chuyện cơ quan chứ ít khi nói chuyện với tụi em”. Minh kể mỗi khi em thắc mắc hay muốn kể chuyện gì đó, ba mẹ lại thường gạt đi “con ăn cơm lẹ đi rồi còn đi học, để ba mẹ bàn chuyện làm ăn”.

Ngọc Bảo, học sinh lớp 4 cho biết mẹ em buôn bán ngoài chợ, nhưng chỉ làm buổi sáng, còn ba chạy tắc xi ban ngày nên cả gia đình cũng thường hay ăn tối cùng nhau “nhưng cả nhà vừa ăn vừa xem ti vi, không thì chuyển sang coi phim hay đọc truyện, xem báo…”. Những câu chuyện trong bữa ăn của gia đình Bảo thường chỉ là bàn về nội dung hay chi tiết của các nhân vật trong bộ phim đang theo dõi hay các vấn đề thời sự đăng tải trên báo. Cũng có khi cả mấy anh em dắt nhau ra ngõ chơi, khi nào đói bụng mới về ăn tối, mẹ Bảo cũng không la mắng. Với gia đình Bảo, bữa cơm tối chỉ là dịp tình cờ “rảnh thì ngồi ăn chung” chứ không mấy quan trọng.

Còn Mai Khanh, cựu sinh viên khoa tài chính doanh nghiệp Ðại học Kinh tế cho biết với gia đình cô bữa cơm tối cuối tuần mới có mặt đầy đủ mọi người, còn những ngày khác thì thường chỉ có ba mẹ Khanh ngồi ăn với nhau. “Không riêng gì tôi mà các anh chị em trong nhà đều cảm thấy mất tự nhiên, không thoải mái khi phải ngồi ăn chung với… ba. Nói ra thì kỳ nhưng do ba tôi khó tính quá, không một bữa ăn nào là ông không càu nhàu hay chê bai chuyện này, chuyện kia nên dần dà ai cũng ngán ngẩm”. Khi chị em cô còn nhỏ, ba của Khanh thường sử dụng thời gian của bữa cơm gia đình với nhiều mục đích khác nhau: khi thì thuyết giảng hết chuyện này đến chuyện kia, từ chuyện ăn mặc, đi đứng đến chuyện chọn bạn để chơi, tiêu xài… mà chỉ toàn “độc thoại”, khi thì lại so sánh chị em Khanh với con của ông A., bà B. nào đó… nên càng ngày Khanh càng dị ứng và ngán ngẩm với bữa cơm đình. Lớn lên, lấy cớ là bận học, bận làm… chị em Khanh thường hay thoái thác các bữa ăn có ba mẹ “bữa nào tránh được thì tránh, còn không thì ăn thật nhanh rồi đứng lên đi, ngay cả ăn cũng bị ép buộc, có cảm giác không thoải mái thì khổ lắm”.

Người lớn: bữa cơm chung vẫn quan trọng

Chị Mỹ Hạnh đặt vấn đề: Tại sao cứ phải có bữa cơm gia đình, có nhất thiết mọi người cùng ngồi ăn chung không trong khi ai cũng có thời khoá biểu riêng, sở thích riêng, theo tôi mạnh ai nấy ăn là tốt nhất. Nhà chị có 5 người – hai vợ chồng và hai con trai, một đang học lớp 9, một lớp 5 và chị giúp việc. Chồng chị là thầu xây dựng nên thời gian làm việc không theo giờ giấc nhất định, chị hùn hạp với bạn bè mở shop bán quần áo sáng đi tối về, cậu con trai sáng đến lớp, chiều học thêm các môn cơ bản, tối rèn Anh văn. Ðể tiện phục vụ cho người nào việc nấy nên chị giúp việc cứ đến bữa thì nấu, ai về giờ nào ăn giờ đó, hiếm khi gia đình chị có bữa cơm chung. Chị lập luận: “Lúc đầu gia đình tôi cũng có bữa cơm chung nhưng hễ cứ đến giờ cơm là ông xã tôi đem chuyện thằng con lớn học “không bằng ai” ra la, tôi can thì ổng kêu bênh con làm nó hư. Riết rồi thôi luôn. Ðến giờ tôi đành chấp nhận mạnh ai nấy ăn để mọi người được vui vẻ còn hơn tụ họp lại rồi chì chiết, gây gổ nhau thêm mất tình cảm”. Tuy là nói như vậy nhưng chị vẫn mong muốn có một bữa cơm gia đình theo đúng nghĩa của nó.

Khác với chị Hạnh, anh Minh Tiến, hiện đang là kỹ sư tại một công ty xây dựng ở quận 10 cho biết, do tính chất công việc nên anh thường hay đi sớm, về muộn. Thế nhưng nếu không đi công tác xa, mỗi tuần gia đình anh phải có ít nhất hai bữa cơm chung. Thời gian không ấn định vào ngày nào, giờ nào – có thể là bữa ăn sáng, cũng có thể là bữa tối cuối tuần. Anh Tiến quan niệm bữa cơm gia đình rất quan trọng vì nó làm cho các thành viên trong nhà gần gũi và hiểu về nhau hơn. “Tôi học được điều này từ ba má tôi. Ngày còn nhỏ, đi đâu thì thôi chứ nếu có mặt ở nhà là tất cả các anh em chúng tôi đều không ai được phép vắng mặt hay bê trễ giờ cơm. Trong bữa ăn, ba má tôi thường hỏi han con cái về chuyện bạn bè, trường lớp hay học hành… Nói chung là những chuyện nhẹ nhàng và không gây nhức đầu, chán nản”.

Chị Thu Thảo, nhân viên phòng xuất nhập khẩu của một công ty tại Thủ Ðức cho biết chị cũng rất coi trọng bữa ăn gia đình, dù cả hai vợ chồng đều bận rộn với hết công việc ở cơ quan đến việc làm ăn riêng với bạn bè. “Nhưng dù gì thì mỗi tuần cũng phải về nhà ăn cơm với con vài ba bữa, để chúng biết được ba mẹ có quan tâm đến chúng. Hơn nữa đó là thời gian mình tranh thủ để tìm hiểu con cái xem chúng đang nghĩ gì, làm gì để có cách giải quyết thích hợp”. Gia đình chị Thảo cũng có một nguyên tắc là “không bàn chuyện làm ăn, không la mắng con cái vì bữa ăn là thời gian chung của cả gia đình”.

Ðể duy trì được một bữa cơm gia đình vui vẻ, ông Minh chủ nhà của một đại gia đình đông đúc (tính cả con cháu, dâu rể đến 15 người) đưa ra quy luật: đúng 7 giờ mỗi buổi chiều, mọi người phải tề tựu bên bàn ăn, trong giờ cơm không được nói đến công việc, học hành, những sai phạm của lũ nhỏ – những việc này nếu có là phải sau bữa ăn. Vì thế trong giờ cơm mọi người có thể kể những câu chuyện vui mà họ nghe được, thấy được trong cơ quan hay lớp học… Ông Minh thú nhận: “Tôi phải mất nhiều năm mới gầy dựng được bửa cơm gia đình như thế”.

Tuy mỗi gia đình có cách tổ chức bữa cơm gia đình khác nhau nhưng đều thống nhất rằng: bữa cơm gia đình là quan trọng, nó không chỉ là chất keo kết dính mọi người với nhau mà còn ảnh hưởng đến cách cư xử, nề nếp sống của các thành viên trong gia đình sau này.

Thục Quyên