All posts by Goc Tam Su

GocTamSu.com - Tâm sự chia sẻ nhỏ to mọi góc cạnh của cuộc sống, tình yêu, công việc, gia đình, con cái ...

ANH TÀI XẾ GRAB BIKE HÀO PHÓNG NHẤT SÀI GÒN

Đã định không kể chuyện anh Thành nhưng cả mấy ngày nay newfeed toàn thấy chuyện buồn Thủ Thiêm nên mình lại kể chuyện này để thấy đời vẫn đẹp rực rỡ vì còn có nhiều người quá chừng dễ thương.

Câu chuyện cảm động của người chạy Grab Bike
Câu chuyện cảm động của người chạy Grab Bike

Anh Thành là người gốc Nhà Bè. Ba mẹ chia cho mảnh đất, anh làm nghề xây dựng nên tích cóp cất được cái nhà nhỏ rồi cưới vợ rồi có hai cậu con trai. Chị làm y tá ngoài trạm y tế xã. Cuộc sống gia đình ven đô cũng được coi là ổn định cho tới ngày anh bị ngã giàn giáo. Anh bị gãy tay không làm được việc nặng nữa nên chị bảo anh ở nhà lo đưa rước mấy đứa nhỏ. Chị tính về bên ngoại xin mảnh đất cất mấy căn nhà trọ cho thuê. Anh bảo là đàn ông mà ở nhà vợ nuôi coi không đặng. Mình cưới con gái người ta về không báo đáp cha mẹ vợ được thì thôi chớ mặt mũi nào để vợ về xin đất bên ngoại.

Thế là anh chạy xe ôm. Anh chạy từ sáng sớm đến giờ đón con thì về nhà rước hai ông nhỏ rồi lo phụ vợ chuyện cơm nước. Anh siêng chạy và cũng không cà phê, thuốc lá gì nên cũng có tiền đưa vợ mỗi ngày lo cho cả nhà.

Rồi anh gia nhập Uber. Uber khai tử anh bị cưỡng ép thành Grabiker. Anh kể Grab cho phép tài xế thấy điểm đến của khách nên nhiều tài chế gần, chê xa, chê không tiện đường sẽ không nhận khách. Anh thì chẳng chê khách bao giờ. Cứ có khách là xa gần gì anh chạy tuốt.

Bữa đó trời mưa sầm sập, khách book xe ra tận bến Miền Tây. Cuốc xe có 86 ngàn mà khách chỉ còn 80 ngàn để trả anh. Anh quay đầu xe được 1 đoạn thì khách gọi anh để nói cổ đánh rớt tờ 500 ngàn. – (Mình nghe đến đoạn này bụng bảo dạ, hóa ra cổ có tiền mà còn xù 6 ngàn tiền xe). – Mà anh Thành không nghĩ giống mình. Anh nghĩ có 6 ngàn mà cổ còn phải thiếu thì 500 ngàn với người ta phải quan trọng lắm. Thế là anh quay đầu xe tìm tờ 500 ngàn trong mưa. Mà tìm được mới hay chứ. Anh bảo hôm đó hên trời mưa nên tờ tiền dính mưa nằm chèm bẹp trên đường. Lượm được tờ tiền anh mừng húm báo lại cho khách thì khách bảo xe đã chuyển bánh rồi nên nhờ anh giữ giùm. Mấy bữa nữa ở quê lên cổ sẽ nhờ anh đi đón và nhận lại tiền.

Mấy bữa sau cô gọi anh ra bến xe đón. Bữa nay không mưa. Anh đưa cô về phòng trọ bên quận 8. Phòng trọ bé xíu có bà già và thằng bé cỡ 3 tuổi. Cái thằng bé dặt dẹo tới nỗi ảnh phải dừng đầu hẻm mua mấy hộp sữa vòng rồi vòng lại dúi cho mẹ nó rồi mới yên tâm quay về.

Rồi cổ thành khách quen. Anh hay đưa cô tới khám ở bệnh viện Hùng Vương. Có lần từ viện về cổ khóc như mưa. Hóa ra bác sĩ bảo khối u trong tử cung của cô không trì hoãn được nữa phải phẫu thuật nếu không sẽ có nguy cơ chuyển sang ác tính bất kỳ lúc nào. Tiện lúc có nước mắt cổ mới kể hôm anh chở cô lần đầu tiên là cô đi xuống miền Tây về nhà nội thằng nhỏ ốm nhom đó. Cô xin ông bà nội nhận thằng nhỏ về nuôi vì cô bệnh quá không nuôi nổi cả mẹ già và thằng nhỏ nữa. Mà người ta vẫn làm ngơ y như hồi cô bụng mang dạ chửa 3 năm trước.

Anh Thành an ủi, bác sĩ nói còn mổ kịp thì lo mổ đi chứ khóc lóc nỗi gì.

Bác sĩ nói tiền mổ không bảo hiểm, tiền thuốc men, viện phí cũng phải mất hơn 40 triệu. Cô đi làm công nhân khu chế xuất tằn tiện lắm mới đủ tiền trả tiền trọ và nuôi một mẹ già, 1 con dại thì lấy đâu ra ngần ấy tiền. Mấy chị em trong cùng dây chuyền sản xuất mỗi người cho mượn 1 chút cũng chỉ được hơn chục triệu chẳng thấm vào đâu.

Chở cô về phòng trọ rồi anh cứ nghĩ vẩn vơ. Cô mà chết thì đâu phải 1 mạng người. Mẹ già và con dại cũng chỉ có đường chết mà thôi.

Hôm sau cô không gọi xe nhưng anh đến nhà đưa cho cô 30 triệu. Anh chở cô vào nhập viện. Anh đóng tiền viện phí cho cô. Cô nhắn tin cám ơn anh và hỏi anh muốn gì cổ cũng đền đáp. Ngày cô xuất viện anh đến đón cô về nhà rồi anh chặn số máy của cô luôn.

30 triệu anh đi vay đóng lãi 3 triệu / tháng. Anh bảo cổ đẹp gái, khỏe mạnh rồi may mắn sẽ tìm được người đàn ông tử tế yêu thương, chăm sóc cho mấy mẹ con. Anh giúp cổ vì không đành lòng nhìn cả ba mạng người có thể mất đi chỉ vì thiếu 30 triệu viện phí. Anh không muốn cô hiểu lầm rằng anh giúp cô vì ý gì khác. Anh có vợ con rồi. Anh cũng chẳng thể giúp gì cô thêm được nữa.

Anh nói cổ lấy số máy lạ gọi anh mấy lần nhưng anh nghe giọng cô thì chỉ lặng lẽ tắt máy.

Từ lúc có khoản nợ 30 triệu. Anh Thành chạy xe thêm cả buổi tối. Tiền chạy xe ban ngày anh vẫn đưa đủ cho vợ. Tiền chạy xe buổi tối anh để dành đóng tiền lãi. Còn gốc thì chả biết mấy mùa mưa nữa mới trả xong.

Anh dừng xe ở Takashimaya. Anh bảo tiền tôi đã thanh toán qua thẻ rồi chỉ cần trả nón bảo hiểm là đi được. Tôi dúi vào tay anh ít tiền, bảo rằng tôi phụ anh chút tiền trả tiền lời tháng này. Mặt anh lúc ấy khó diễn tả lắm. Anh từ chối không nhận với 1 lý do chớt quớt: “Tôi có biết anh là ai đâu mà đưa tiền. Anh kể chuyện chỉ để tôi biết rằng ai cũng có thể làm điều tử tế thôi chứ không phải để xin tiền.”

Tôi phải thuyết phục anh rằng anh dám vay nợ để giúp người dưng mà, tôi chỉ có chút ít phụ anh. Anh nhận cho tôi thì tôi coi như cũng được làm điều tử tế.

Tôi bước đi thật nhanh để khỏi mất công anh từ chối thêm.

Tôi kể chuyện với 1 người bạn. Bạn tôi cười cười bảo tôi dễ bị lừa thật.

Rồi buổi trưa hôm ấy anh gọi điện thoại cho tôi. Anh bảo hồi sáng anh đứng khóc ở ngã tư. Anh hỏi khi nào tôi về nhà để anh mang tiền vào trả tôi chứ anh không nhận tiền của tôi được.

Tôi từ chối nhận lại tiền thì anh lại nhắn tin để anh chở tôi đi để trừ vào khoản tiền tôi đưa cho anh.

Hóa ra người tử tế vẫn chưa bị tuyệt chủng, đời vẫn còn tươi đẹp lắm phải không?

Thật ra mỗi chúng ta, ai cũng có thể là anh Thành của một ai đó theo cách của riêng mình.

câu chuyện trên, bạn tin cũng được, không tin cũng không sao. nhưng tôi thì tin. cứ tin đi để thấy cuộc đời sau bao sóng gió, thăng trầm, lừa lọc lẫn nhau… thì vẫn còn những người tốt. và bản thân chúng ta, hãy cứ sống tốt theo cách của mình.

“nhân chi sơ tính bổn thiện mà”, có phải không!

#tinvaodieutotdep

© from Tracy Vu

Ngày 8/3 không có hoa

Sáng nay đi xe ôm và được trọ chuyện với bác xe ôm về chủ đề chính của ngày 8 tháng 3:

Mình: sáng nay bác hơi bận thì phải ?

Bác xe ôm: Ừ, sáng giờ chạy giao hoa 8/3 muốn đừ luôn.

Mình: Ồ đúng rồi bác giúp em mua hoa đễ tặng các đồng nghiệp được không ?

Bác xe ôm: x#?%…Em còn trẻ mà sao mà dở hơi vậy ? Phụ nữ không cần hoa, họ chỉ cần sự tôn trọng mà thôi. Không cần phải hô hào, quà cáp theo kiểu hình thức. Quan trọng là khi phụ nữ làm cùng công việc thì nên đảm bảo cho họ có quyền lợi như nam giới và hơn thế nữa, cần có sự công nhận sự đóng góp của họ một cách bình đẳng.

Mình: Em thì thấy tích cực hơn đó bác, vì có thể có sự khác biệt trong cách ứng xử tùy theo thành thị hay nông thôn hoặc thậm chí hoàng cảnh cũa từng người mà có thể có nơi chưa bình đẳng, nhưng nhìn chung thì xã hội cũng khá công bằng đó chứ, với nhiều sếp trong các tập đoàn lớn cũng như trong bộ máy quản lý công quyền cũng có cán bộ cao cấp là phụ nữ rồi.

8-3 khong co hoa
8-3 không có hoa

Bác xe ôm: Trong thời gian qua đúng là có tiến bộ, riêng ở VN thì sự chênh lệch giữa nam/nữ chỉ có 600k đồng và cũng có các nữ tướng trong các cty lớn trong nước được truyền thông trong nước cũng như nước ngoài công nhận. Tuy nhiên, không phải có nữ lãnh đạo nổi bật là đồng nghĩa với sự bình đẳng trong xã hội. Cụ thể là Obama làm Tổng Thống Mỹ thì không có nghĩa là nước Mỹ có sự bình đẳng đối với người thiểu số trên nước Mỹ. Chính vì sự nổi bật của tổng thống Obama mà một số người cứ ngộ nhận rằng nước Mỹ không có sự phân biệt chủng tộc. Đôi khi sự nổi bật đó lại làm lu mờ đi các những vấn đề cần sự quan tâm của mọi người.

Mình: Cũng có lý nhưng em và những người bạn của em không thấy mình có sự thiên vị nào cả. Vậy thì làm sao biết được là trong mổi người chứng ta có thật sự là nhân tố góp phần trong việc bất bình đẳng giới tính ?

Bác xe ôm: Rất dễ để biết mổi người chúng ta có trọng nam khinh nữ hay không. Em chỉ cần trả lời câu hỏi là khi đến nhà một người thân, nếu thấy nhà bê bối không ai dọn dẹp thì người đầu tiên trong nhà mà xã hội chúng ta chỉ trách có phải là người vợ hay người phụ nữ trong nhà hay không ? Nếu em trả lời là phải hoặc em trả lời là xã hội sẽ trách ông chồng vì không biết dạy vợi thì em không cần đi mua hoa vì những gì phụ nữ cần không phải là hoa mà cần sự tôn trọng, cách nhìn đúng đắng. Cụ thể là em cần truyền thông cho mạng xã hội của em rằng phụ nữ có thể làm tất cả mọi việc nhưng không đồng nghĩa với việc là họ phải làm tất cả.

Mình: Em hiểu ý bác. Cám ơn bác nhiều.

Theo Fb: Tước Huỳnh.

Những người thầy/cô đã thay đổi cuộc đời của em.

Năm tôi học lớp 6, không có xe đạp nên đi ké bạn học, giữa đường tôi bị 1 chiếc xe máy quẹt phải, biển số xe đã cắt đứt gần hết phần đầu gối tôi. Nhà nghèo, chưa có tiền nộp bảo hiểm nhà trường, chi phí điều trị khá cao. Rồi một người thầy lúc đó dạy tôi môn sinh học, thầy ở quanh trường, sáng thấy thầy cầm cuôc đi làm rẫy, chiều thầy vào dạy chúng tôi. Thầy đã tìm cách và cuối cùng cũng giúp tôi có được bảo hiểm để điều trị cái chân, nếu không thì chắc sẽ khó có 1 đôi chân lành lặn. Đó là thầy A Quân Trần cùng với các giáo viên khác – Em cám ơn thầy!

Cũng vào lớp 6, một thầy mà trước đó đi lái máy cày, dạy tôi Tiếng Anh. Thầy khó tính nhưng vô cùng có trách nhiệm và thương yêu học trò. Thầy có chất giọng chuẩn của 1 người được Mỹ đào tạo… tôi chả có bằng cấp gì tiếng Anh, cũng chả được thằng Tây nào dạy, chỉ được Thầy dạy, đó chính là thầy Van Long Hung. Sau này thầy còn giúp cho có thu nhập bằng cách dạy lại Toán-Lý-Hóa cho các con Thầy.- Em cám ơn Thầy!. Sau Thầy còn có cô Trang tiếp tục dạy mình tiếng Anh. Em cám ơn Thầy/Cô đã giúp mình có được chất giọng tốt từ nhỏ để làm hành trang vào đời.

20-11 em chúc toàn thể thầy cô có nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp trồng người. Những người thầy/cô đã thay đổi cuộc đời của em.

Phan Thanh Giản

GÀ XÉ PHAY

Chiều về sớm lục đục luộc nửa con gà để xé phay. Vừa làm hắn lại vừa nhớ mẹ. Món gà xé phay thật đơn giản nhưng không phải ai cũng biết thưởng thức. Đi ăn quán nhiều khi gọi món gà xé phay thì họ mang ra một dĩa gỏi đúng nghĩa với rau càng cua, bắp chuối…. Gà xé phay phải là con gà ta thả vườn thịt thơm, ngọt và không mủn mủn như gà công nghiệp. Về khoản này mẹ hắn là số một, nhìn qua cái chân là mẹ biết gà nào là gà ta, gà nào là gà tam hoàng mà lái buôn mua về thả ra vườn vài bữa rồi bán giá gà ta. Sau khi luộc gà chín, để nguội rồi dùng tay xé ra từng miếng vừa ăn, rau răm vò vò cho nó dập dâp, thêm tí muối, tí bột ngọt và hạt tiêu xay nhỏ vào trộn điều cho ngấm gia vị rồi bày ra đĩa là có món gà xé phay cực ngon, nhiều người thường bỏ thêm củ hành tây nhưng không nên vì hành tây sẽ làm cho thịt gà mềm không ngon lắm, mẹ hắn vẫn hay dặn thế.

Gà xé phay
Khi làm món Gà xé phay hắn lại nhớ đến mẹ

Cái thủa nhà chạy ăn từng bữa. Nuôi được con gà nào cũng để dành bán lấy tiền mua mắm muối, thuốc men. Mà đâu phải đơn giản để nuôi được con gà đâu. Nào là những con chồn đèn tinh ranh luôn chờ cơ hội vồ lấy, nào là những kẻ trộm đang di cư vào ồ ạt mà họ gần như là trộm tất cả những thứ có thể cho họ cũng như heo gà lợn vịt của họ ăn được. Nhiều khi đàn gà đang mơn mởn cùng với niềm hy vọng về tấm áo mới của hắn thì bỗng nhiên lăn đùng ra chết hết do bệnh. Ngày đó thì chết do gì không biết những cũng thịt rồi ăn tuốt, đôi khi còn phải chôn bớt vì chúng nó chết đồng loạt, đến giờ nghĩ lại hắn còn nghe tiếng thở dài của mẹ.

Ngày đó mỗi khi nhà có khách là mẹ hắn vừa mừng vừa lo. Mừng vì có người thân ở xa tới thăm vì gia đình ở một nơi xa bà con lắm mà phương tiện thường chỉ có xe đạp hoặc đi bộ. Lo thì lo làm sao có bữa cơm coi cho được, lo vì phải chạy qua hàng xóm mượn vài chục ngàn gửi cho khách đi đường. Nhưng lúc đó hắn thì mừng lắm vì sẽ được ăn ngon hơn mọi ngày dù sau đó có thể ăn cá khô cả tuần. Nếu hôm đó nhà có làm gà thì thế nào hắn cũng được mẹ cho riêng một cái đùi ăn trước, thế mà lên buổi cơm nhìn dĩa thịt gà hắn vẫn còn chảy nước dãi nhưng phải giả lơ vì mẹ hắn luôn bảo “ăn xem nồi, ngồi xem hướng” nhất là khi nhà có khách. Cuộc sống dần cũng khá hơn dù hắn vẫn phải tha phương. Mỗi khi có dịp nghỉ gì đó là hắn chỉ về nhà với mẹ. Để được ăn món gà xé phay hay những món mắm mít. chốt môn, bánh bột lọc hay đơn giản là tô canh lá chua mà ngon lạ thường và không thể tìm ở đâu khác hương vị đó.

Giờ đây mẹ đã không còn nữa, có dịp về nhà là anh em hắn lại làm món gà xé phay đầu tiên. Dù cũng làm theo tất cả lời mẹ đã dạy nhưng vẫn không tìm thấy cảm giác của ngày xưa nữa. Dù cố gắng không đau buồn để dành thời gian nghĩ tới những ký ức về mẹ nhưng trong lòng hắn vẫn thấy trống trãi và thiếu đi rất nhiều, rất nhiều thứ.

Nguyễn Phúc Hưng

CHIA TAY KHÔNG PHẢI CHẤM DỨT, MÀ ĐỂ HAI TA SỐNG CUỘC ĐỜI KHÁC, TỐT ĐẸP HƠN

Bây giờ đã là cuối mùa thu , cũng là hơn một năm chúng ta hò hẹn. Và cũng bằng ấy thời gian, ngoài Vietnam Idol Kids, cái tên Văn Mai Hương gần như vắng lặng trên thị trường âm nhạc – nơi lẽ ra phải thuộc về mình, và mình phải bừng sáng như mình từng mơ ước. Tôi không hề hối tiếc vì hơn 400 ngày qua đã chọn anh chứ không phải âm nhạc, chọn yêu một thanh tra xây dựng chứ không phải một soái ca ngôn tình. Album đã thu xong tôi ngừng ra mắt, MV đã xong concept tôi bỏ lại phía sau, những hợp đồng lưu diễn nước ngoài tôi đành xin lỗi đối tác… Khi yêu thì làm gì nghĩ sâu xa rằng mình sẽ được nhiều hay sẽ mất? Mình chỉ biết mình nhìn thấy người đàn ông này, ấm áp trong vòng tay người này, và người phụ nữ nào rồi thì cũng cần một gia đình ấm áp…🙂

van-mai-huong
Ảnh chụp từ FB ca sĩ Văn Mai Hương

Nhưng rồi, sau ngần ấy ngày tháng, sau rất nhiều biến đổi, cả trong lòng chúng ta cũng đổi thay những suy nghĩ về nhau, tôi chợt nhận ra con người tôi đang có không giống như con người mà anh muốn tôi thuộc về. Âm nhạc là máu đang chảy trong huyết quản tôi, không có chúng , tôi trở thành cô gái ngốc nghếch và tẻ nhạt.
Anh không thích tôi xuất hiện trước đám đông, không thích tôi chạy show tất bật, anh cũng sợ cả những người đàn ông lấp lánh cùng ánh đèn flash có thể kéo cô gái của mình đi mất. Sau mỗi lần đi show về là mỗi lần mình nhìn nhau bằng những ánh mắt không mấy trìu mến , những cuộc cãi vã dai dẳng mà chưa bao giờ giải quyết được vấn đề.
Nhưng, sau hơn hết, khi tôi ngốc nghếch và tẻ nhạt trong gian bếp, chính là hình ảnh mà anh chẳng bao giờ muốn nhìn. Tôi biết làm gì, khi âm nhạc là tất cả những gì có thể làm tôi tươi trở lại, khuôn mặt mới hơn hôm qua, và trái tim cũng rộn ràng không ủ ê sầu não?
Tôi chỉ là một cô gái yếu đuối, tựa vịn vào những bài hát để trưởng thành từng ngày. Khi tôi tách rời khỏi chúng, tôi thấy mình chẳng còn chút năng lượng gì để tiếp tục. Tôi vẫn còn trẻ, tôi còn cả thanh xuân trước mặt, mặc nhiên không thể chôn vùi…
Sai lầm lớn nhất của tôi là xách vali mang theo Coco và Kiwi ra Hà Nội 🙂
Và giờ đây tôi chọn ra đi, ra đi trong im lặng … một cách mà có lẽ chỉ những người vui chơi qua đường họ mới dùng … 🙂
Có thể anh sẽ không bao giờ biết, bữa tôi hát event ở Vincom, má anh đã đến. Má ôm bó hoa lớn, đứng nhìn tôi hát, lặng lẽ khóc. Xa anh có thể tôi không khóc, nhưng nhìn vào tình yêu thương của ba má , anh chị và các cháu anh dành cho tôi, một cô gái vốn từ xa lạ trở thành thân thuộc với gia đình, tôi đã không bình tĩnh được.
Lúc mới biết chuyện má anh có khóc và nói rằng: “Con hãy cho cả 2 một cơ hội , cho nó thêm 1 cơ hội để trưởng thành được ko con. Thực lòng chưa bao giờ má yêu quý và mong muốn ai làm dâu trong gia đình như con!”
Tôi buồn lắm nhưng cũng bình tĩnh nói: “Con nghĩ rằng con xứng đáng, nhưng tình yêu không phải là câu chuyện của sự công bằng, và ai xứng đáng hơn ai. Chúng con đã không còn đủ cảm xúc để nuôi dưỡng một cuộc tình, và con cũng không thể nào bỏ quên âm nhạc được. Nếu như có thể, cho con xin kiếp sau được làm dâu con trong gia đình”.
Và, nếu có nuối tiếc, thì tôi nuối tiếc sự nhã nhặn và nền nếp trong gia đình anh, một gia đình có gia phong đủ tốt để bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn được tựa nhờ, mà không mảy may trong lòng gợn lên vẩn đục.
Chúng ta đã chia tay nhau rồi. Tôi lặng lẽ chấp nhận và suy nghĩ nhiều ngày, trong bóng đêm một mình ngồi trên ban công nhìn ra phố đầy hoa sữa, trong căn phòng còn đầy mùi sơn mới mà tôi một mình dọn đến ở Sài Gòn, trên đường phố đầy những gương mặt xa lạ ở Tokyo, và cả những buổi tối náo nhiệt ở Bangkok… Anh biết không, người con gái khi yêu thường không giữ gì cho mình, nên khi đánh mất một cuộc tình, họ cần thời gian để hồi sức, để khâu vá lại những vết xước mà dù muốn dù không thì cuộc chia tay kia cũng cào xé đến tổn thương…
Ai cũng nói, tình yêu đẹp thế, chia tay đủ rồi, giờ nối lại cùng nhau đi. Tôi không phải không có lúc chạnh lòng nghĩ tới. Nhưng tất cả mọi điều, tôi đều đã không làm, tôi phải đi theo tiếng gọi của trái tim tôi thôi, anh à. Nếu có kiếp sau, biết đâu là duyên phận, thì may mắn ta làm lại từ đầu…
Và cũng có những vị nào đó xấu tính đồn thổi tôi bỏ nghề để chuẩn bị cưới , chăm lo cho gia đình nên gọi quản lý nói giờ k ai mời show nó nữa đâu ! Đấy chua chát lắm 😅
Ngày mai, anh sẽ thấy tôi trở lại, trên sân khấu, trong những bài hát mới, chứ không chỉ là những bài hát cũ của tôi anh để trong playlist trên xe hơi.
Ngày mai, anh sẽ thấy tôi vui tươi, dù không còn cánh tay mạnh mẽ của anh đỡ nâng, nhưng tôi đã lựa chọn ca hát, thì tôi phải tận cùng hạnh phúc. Vì đó là con đường mà tôi đã chọn.
Ngày mai, rồi ai trong chúng ta cũng sẽ có một tình yêu mới, thì hãy tin là tôi sẽ luôn dành cho tình yêu ấy của anh một nụ cười. Tôi không giận anh, không hận anh, chỉ là năm tháng thanh xuân còn rất xanh, và tôi đang đi tìm mùa quả chín. Chia tay không phải là chấm dứt, mà để chúng ta bước vào một cuộc đời khác, đẹp đẽ hơn…
Nhớ nhé! Tìm người nào đó để anh có thể tự tin vào công việc của người đó nhé! Đừng như anh đã từng nói với tôi : “ Anh tự hào về con người em chứ ko tự hào về công việc của em !” 😄
Chào anh, người đàn ông mà tôi đã yêu như yêu giấc mơ của chính mình…

Theo FB Ca Sĩ Văn Mai Hương

Kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho trẻ con.

Mục đích của việc quyết định dạy tiếng Anh cho con mình, đó là muốn con chủ động tiếp thu kiến thức nhiều hơn thông qua sách vở và internet hầu hết là được làm bằng tiếng Anh sau khi lớn lên thay vì thụ động chờ được dịch sang tiếng Việt.

Dạy tiếng Anh cho trẻ em
Dạy tiếng Anh cho trẻ em

Có những nguyên tắc dạy tiếng Anh cho trẻ đúc kết từ nhiều nguồn và kinh nghiệm cá nhân.

– Nghe – Nói – Đọc – Viết: Phải theo thứ tự này. Trẻ em phải được nghe trước, sau đó chúng sẽ nói lại và tương tác, sau này mới tới phần đọc và viết. Cũng như các loài vật có thể giao tiếp tốt dù bỏ qua giai đoạn Đọc-Viết. Trong khi các trường hiện nay đang cố dạy Đọc – Viết trước

– Phải đủ 3 qua trình: Đầu vào (Nghe tiếng Anh: Youtube, cha mẹ, bạn bè, thầy cô) -> Tương tác (Nghe và nói lại: Cha mẹ, bạn bè, thầy cô) -> Tần suất của (1),(2) đủ nhiều và thường xuyên (> 3 tiếng mỗi ngày. Tốt nhất là 6-8 tiếng)

– Là một quá trình dài cần kiên nhẫn, không được đẩy nhanh tiến độ và ép học, hãy để trẻ chơi và khám phá thế giới, không được so sánh với trẻ em khác vì mỗi đứa trẻ là sản phẩm riêng của tạo hóa.

– Học ở trung tâm/ trường mỗi tuần 3,4 tiếng là chưa đủ vì chỉ mới đạt 1/6 tổng thời gian theo lý thuyết tần suất bên trên.

– Cha mẹ phải học cùng con thông qua sách + youtube. Cha mẹ không lấy cớ phát âm sai để không dạy mà hãy học cùng con từng từ 1, youtube và trung tâm ngoại ngữ sẽ điều chỉnh cho con.

– Trẻ em tiếp thu ngôn ngữ tốt nhất từ 0-6 tuổi. Ở 0-1.5 tuổi trẻ em muốn nói được 1 từ phải nghe khoảng 1000 lần (kể cả tiếng mẹ đẻ), và từ 2-5 tuổi sẽ giảm xuống còn 50 lần. Nên cứ nói với con từ khi chúng mới đẻ hoặc ở trong bụng cũng được.

– Trẻ con có 1 giai đoạn tiếp thu thụ động hay còn gọi là silent period mà lúc đó trẻ chỉ nghe và quan sát chứ không nói gì cả, cha mẹ không quá nóng vội vì tới một lúc nào đó trẻ sẽ phọt ra như dòng suối khi tích lũy đủ.

– Ở thế giới có khoảng 500 triệu người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh không nằm ở tiểu số của một số nước như Mỹ, Anh nữa mà phân bố rất nhiều nơi với nhiều giọng, vùng miền rất khác nhau nên sẽ không có 1 chuẩn chung tiểu số nhất. Ví dụ một người Mỹ nghe hiểu lưu loát tiếng Mỹ-Mỹ, Mỹ-Anh nhưng sẽ vẫn gặp trở ngại nhất định khi nói với người Scotland hoặc ireland. Như người miền Nam nghe người Nghệ An nói vậy.

– Mục tiêu với con học ngoại ngữ là phải rõ ràng, không cần nhiều từ nhưng mỗi từ phải rõ ràng, rõ và tròn vần.

– Người có điều kiện sẽ cho con vào trường 100% quốc tế thì con sẽ nói như bản ngữ là điều hiển nhiên. Nhưng người không có điều kiện, nếu kiên nhẫn con cái vẫn có thể đủ khả năng để học Anh Văn như một ngôn ngữ thứ 2 lưu loát.

– Đừng sợ con nói tiếng Anh mà quên tiếng mẹ đẻ, khi mà trẻ đang sống ở đất nước mẹ đẻ. Một đứa trẻ có thể tiếp thu 3 ngôn ngữ cùng một lúc mà không gặp trở ngại gì.

– Và cuối cùng hãy để con bạn là ‘Language User’ chứ đừng biến con thành ‘Language Learner’. Vì vậy đừng phó thác hết cho một trường / trung tâm mà hãy học cùng con, bạn sẽ phát hiện ra rằng nói chuyện và chơi với con đó chính là món quà lớn nhất mà con bạn muốn nhận chứ không phải là những thứ đồ chơi mình mua cho.

P/s: Chả biết tương lai nó thế nào, nhưng từ khi có trách nhiệm dạy cho nó mình bớt nhậu nhẹt, xong việc là ưu tiên về nhà🙂.

Phan Thanh Giản

19 thói quen trẻ con nên được dạy trước khi lên 7.

Cha mẹ phải có trách nhiệm truyền thụ các thói quen vào con cái của mình, trẻ con như miếng mút, sẽ thấm tất cả những gì chúng nhìn thấy và nghe thấy. Người lớn phải là hình mẫu tốt chúng noi theo. Chúng ta làm gì chúng sẽ bắt chước y như vậy. Những tuổi đầu đời chính là thời gian tốt nhất để xây dựng các thói quen tốt.

Dạy cho trẻ học
Dạy cho trẻ học

– Nói ‘Vui lòng’ khi yêu cầu ai việc gì đó
– Nói ‘Xin lỗi’ khi định làm phiền ai đó
– Nói ‘Cám ơn’ khi được ai đó làm/giúp cho việc gì
– Luôn hỏi người khác về sự cho phép khi muốn lấy thứ gì đó
– Tôn trọng quyền riêng tư của người khác
– Không được chồm lên bàn để lấy thứ gì đó ở xa
– Không được xả rác và có ý thức bảo vệ môi trường
– Tự dọn dẹp sau khi chơi và sau khi ăn
– Có tin thần thể thao dù có thua hay thắng
– Luôn luôn có những nguyên tắc khi giao tiếp.
– Gõ cửa và chờ hồi âm khi muốn mở cửa
– Vui lòng giữ cửa, hoặc cửa thang máy khi mình đang có điều kiện thuận lợi giúp người khác.
– Khi nói chuyện với ai đó, cố gắng nhìn thẳng vào họ và cố gắng biết thêm tên họ.
– Luôn cởi giầy/dép ra khi vào bất kỳ nhà ai.
– Không được chen ngang khi người khác đang nói chuyện, trừ trường hợp khẩn cấp.
– Thật là bất lịch sự khi nói xấu về tính cách của một ai đó hoặc vẻ bề ngoài của họ
– Luôn biết ơn
– Che miệng khi ho hoặc hắt xì.

15 thói quen trên bàn ăn cần được học trước khi lên 7

Thói quen ăn uống cần được dạy khi trẻ còn nhỏ, vì những thói quen này sẽ rất hữu ích cho cuộc sống chuyên nghiệp theo suốt cuộc đời chúng sau này.

– Rửa mặt và tay trước khi ăn tối
– Cởi nón ra khi ngồi vào bàn ăn
– Đặt khăn ăn lên đùi (nếu có)
– Bắt đầu ăn khi mọi người cũng đã sẵn sàng, đừng ăn trước 1 mình.
– Ngồi ngay ngắn
– Nhai khi ngậm miệng và không nói khi miệng đầy thức ăn
– Nói “vui lòng chuyển giúp …” thay vì chồm lên lấy
– Nói chuyện với mọi người trong bàn ăn
– Đừng làm ồn ào bằng các âm thanh như tiếng húp đồ ăn rột rột
– Đừng làm ồn bằng cách hút ống hút rột rột
– Xin lỗi khi đứng lên trước sau khi ăn xong
– Cám ơn người đã chuẩn bị bữa ăn
– Đề nghị được dọn dẹp bàn sau bữa ăn.

Phan Thanh Giản

PHÉP LẠ

Bạn tôi gọi điện, giọng nghiêm trọng: Kiếm gấp giùm một người giúp việc nữ đứng tuổi, có năng khiếu săn sóc người già. Cho ai? Cho ông bà già, ông già bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối, đau đớn lắm, bao nhiêu người giúp việc thuê làm chỉ vài tuần là hoặc ông già đuổi, hoặc người ta bỏ việc vì tính khí cáu bẳn của ông già.

Giới thiệu đến người thứ 41 bạn tôi mới ưng ý. Vâng, siêu sao ôsin mà tôi giới thiệu là một người phụ nữ đẫy đà, có đủ các tiêu chuẩn đặt ra. Nàng khoảng 40 xuân xanh, chưa từng lấy chồng.

Một tuần sau khi đưa nàng vào chăm sóc ông già bạn tôi, tôi nhận được điện thoại của bạn gọi đến, giọng vui như chim sáo. Này nhé, tuyệt vời! Cả mấy tháng nay đêm nào ông già cũng đau đớn không ngủ được, các loại thuốc giảm đau gần như không còn tác dụng.

Vậy mà từ khi có nàng, ông già vừa rên lên khe khẽ, lập tức nàng đến đỡ đầu ông già lên, áp sát vào lòng mình, nơi có đôi gò bồng đảo phốp pháp mềm hơn gối lông ngỗng, ấm áp hơn nắng ban mai, lại thêm những tiếng đập thổn thức đều đặn của trái tim tràn nhựa sống, bàn tay nàng mềm mại vừa xoa nhẹ hai bên thái dương ông vừa hỏi giọng du dương:

– Ông ơi, ông nhìn lên bức tranh kia kìa, có đẹp không ông? Con hát ru cho ông dễ ngủ nghe!

– Ừ! Khẽ thôi!

Và thế là nàng hát, hát thật khẽ, thật nhẹ, thật hay. Và ông già ngủ thiếp đi một mạch cho đến sáng.

Này nhé, bấy lâu nay, lúc nào ông cũng gắt gỏng chuyện người ta cứ ép ông ăn ăn uống uống. Cuộc sống đối với ông như vậy là đã quá đủ rồi. Vậy mà nàng cứ bưng chén xúp đến, nhoẻn một nụ cười thật mộc mạc dễ thương với ông, lấy cái khăn ướt lau khắp mặt cho ông, đưa bàn tay mềm mại xoa nhẹ lên khắp bụng ông nói thì thầm:

– Ông ơi, bụng lại xẹp hết cả rồi, cho vào tí xúp ông nhá!

Ông lại nhìn nàng như muốn bật cười vì tính hay dụ dỗ ông của nàng:

– Ừ!

– Tí thôi í mà, con nấu cho ông đấy, ngon lắm!

Và cứ thế, đút cho ông một muỗng, nàng lại nói một câu, vuốt lên bụng ông mấy cái. Ăn xong nàng lại còn nghiêng tai áp sát xuống bụng ông, nói thì thầm:

– Bụng ơi, đủ chưa? Cố mà nghiền kỹ cho ông nha! Cố mà đánh nhau với mấy thằng ma cô cho nó chết hết đi cho ông mau hết bệnh nha!

Thế là ông lại cười, cười to nữa là đằng khác.

Này nhé! Mỗi lần lau rửa chỗ vết mổ, lau rửa cái của quí của ông, bàn tay nàng cứ như diễn viên múa chèo ấy, nâng nhẹ lên, lấy bông gòn nhúng nước ấm, lau cẩn thận như sợ chạm phải kíp mìn nổ, vừa lau vừa nhìn ông cười duyên hỏi:

– Ông ơi, con lau cho ông, ông có thấy dễ chịu không? Lau cho nó sạch sẽ, thoáng mát ông nha!

Ông lại nhìn nàng, ánh nhìn đầy vẻ biết ơn, ánh nhìn tràn ngập niềm vui sướng, thích thú. Trong đáy mắt ông có điều gì đó mới mẻ.

Phải nói, nghe chuyện của nàng, mũi tôi phình to hết cỡ.

Không đầy một tháng sau, bạn tôi lại gọi điện thoại lúc nửa đêm, giọng hốt hoảng, cầu cứu, hỏi địa chỉ và điện thoại liên lạc với nàng. Tôi ngơ ngác: nàng đang chăm sóc ông bà già mà? Không! Bà già đuổi nàng đi cả tuần nay rồi. Tại sao? Bà già ghen! Này nhé, không ghen sao được! Lúc đầu tìm được người chăm ông tuyệt vời thế bà mừng lắm, giao khoán trắng cho nàng chăm ông, bà lên lầu ngủ thẳng giấc.

Sau vài ngày, bà mới để ý thấy ông dạo này là lạ thế nào ấy. Này nhé, lâu lắm rồi không thấy ông cười, vậy mà mấy tuần nay cứ thấy ông cười nói vui vẻ! Này nhé, da dẻ ông cứ như là có sắc hồng ấy! Này nhé, chẳng thấy ông rên la đau đớn vật vã nữa!

Bà giành chén xúp trên tay nàng để ngồi xuống cạnh giường ông, cũng nhẹ nhàng đưa muỗng xúp vào miệng ông. Khó nhọc lắm ông mới há miệng ra, thức ăn chưa kịp đụng lưỡi ông đã nhăn mặt, nhè ra cả gối, mắng bà là cho cả ký muối vô chén xúp hả? Này nhé, tối đến, bà bảo nàng lên gác vào giường bà mà ngủ cho ngon giấc, để bà ngủ trong phòng nàng. Nàng tròn xoe mắt ngạc nhiên thưa cả tuần nay nàng có ngủ trong cái phòng dành riêng cho nàng đâu! Thế mày ngủ ở đâu? Dạ con ngủ luôn bên cạnh ông cho tiện, để ông trở mình là con xoa cho ông ngay. Thế là ba máu sáu cơn, bà đuổi nàng cuốn xéo khỏi nhà ngay lập tức.

Khổ nỗi, suốt một tuần rồi, không có nàng, ông cứ nằm yên, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, thực hiện khẩu hiệu ba không: không nói! không ăn! không ngủ!

Cuộc họp đại gia đình ngay lập tức được tổ chức để biểu quyết áp đảo bà già là phải chiều lòng ông già trong những ngày cuối cùng sống trên cõi đời này. Bà già ấm ức lắm, nhưng đành gọi các con lại để nói rằng mẹ nghĩ kỹ rồi. Thôi thì cứ gọi cái con đó lại đi, để ba con được nhẹ nhàng sung sướng trước khi ra đi!

Tôi đã phải vất vả mới truy tìm lại được nàng. Tôi tất tả, háo hức, đưa nàng trở lại nhà ông bà già bạn tôi. Tôi có cảm giác như mình đang thay Chúa Trời đưa nước thánh diệu kỳ đến ban cho một người đàn ông đang đau đớn vì bệnh tật trong những ngày cuối cùng, bớt đau đớn vật vã.

Nhưng không, muộn rồi, ông già vừa ra đi. Người ta phải vuốt mắt ông mãi ông mới chịu thôi không nhìn trân trân lên trần nhà để tìm kiếm phép lạ nữa.

Truyện ngắn của CHÂU THỔ

Yêu vợ

Trên con đường từ Đồng nai về Sài Gòn, tôi ngồi trên xe du lịch, hờ hững trông tầm mắt sang những cánh rừng cao su loang loáng vụt qua. Gần tới cầu Sài Gòn, bỗng nhiên tôi nhìn thấy những khối cao ốc hình chữ nhật bé nhỏ bắt đầu nhô lên phía chân trời…
Bất giác, tôi nhìn xuống đường, kìa, một thanh niên chạy CBR, quanh người đồ cột đầy mình, ba lô chất ngất phía sau, giáp trụ sáng lòa…anh ấy đang chạy những KM cuối cùng trên hành trình xuyên Việt của anh ấy. Cái cảm giác đó, cái cảm giác khi những cột cao ốc của thành phố HCM bắt đầu nhô lên ở phía chân trời, là cảm giác chiến thắng, chinh phục, là tột cùng của sự phấn khích, tột cùng của đam mê!

yêu vợ
yêu vợ – NAG: Le Viet Khanh

Tôi nhìn trở lại kính ô tô, ngồi ườn trên ghế xe là tôi của ngày hôm nay, trung niên, và đã lấy vợ!

38 tuổi tôi mới lập gia đình, có thể là muộn trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng với tôi thực ra là vẫn sớm! Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ không lấy vợ. Cứ sống một cuộc đời tự do cho đến lúc về già. Cá tính của tôi, cách sống của tôi, cái máu phiêu lưu lúc nào cũng chảy rần rật trong huyết quản của tôi vốn không thuộc về hai chữ lấy vợ.

Trước khi quyết định lấy nhau, vợ tôi hỏi: Thế lấy nhau rồi anh có đi nhiều thế này nữa không? Tôi quả quyết: Không, anh sẽ hy sinh vì gia đình. Nhất định sẽ ít đi hơn.

Thế là vợ tôi tin! Quyết đinh trao gửi hạnh phúc cuộc đời cô ấy cho tôi. Còn về phần tôi, căn bản lúc ấy cũng chả biết mình có làm được không, cứ hứa đại. Cưới trước đã!

Nhưng sau tôi thấy thương vợ tôi nhiều. Chả gì thì trước khi lấy tôi, cô ấy cũng là thiếu nữ vạn người mê, trâm anh tiểu thư. Chả hiểu sao lại yêu phải một thằng cùng trời cuối đất như tôi. Tiền bạc không có, nhan sắc cũng không nốt, sự nghiệp thì chả đâu vào đâu. Phấn đấu cả đời rút cục cũng chỉ thành một ông nhiếp ảnh dạo!

Tôi lại nhớ đến câu danh ngôn của cổ nhân: Một lời nói ra thì bốn con ngựa cũng không đuổi được. Tôi quyết định lấy vợ xong sẽ ở nhà cày tiền. Lúc nào không cầy tiền, thì lại lau nhà, cọ toa lét!

Thật tâm tôi cũng muốn để vợ thấy tôi có ý thức gìn giữ hạnh phúc gia đình. Mặt khác, tôi cũng muốn thể hiện rằng tôi biết giữ cái gì đó một lời đã xuất thì bốn con ngựa cũng không đuổi được. Thế nên hàng ngày lúc vợ tôi đi làm, thì tôi lại ở nhà làm ảnh trả khách, không thì lại cắm đầu vào toa let cọ cho mọi thứ sạch bong bòng bòng bóng lộn lôn.

Vợ tôi đi làm về, nhìn thấy tôi mắt đần thối, ngồi trong nhà. Cô ấy hỏi: Anh sao thế?

Tôi bảo: Có sao đâu!

Vợ tôi cười hì hì bảo tôi: Thôi anh đi đâu đi, đi Y Tý đi.

Thế là tôi xách ba lô đi, vui quá. Còn gì sung sướng hơn cái cảm giác chim sổ lồng sói về rừng. Tôi tung tăng đi chơi hè, chụp ảnh hè, livestream các kiểu. Cho đến lúc vợ tôi gọi điện hỏi:
Ơ, sao em thấy anh vui thế, vui hơn cả lúc ở nhà với em à?
Tôi biết ý, cun cút về. Lại cầy tiền và cọ toa lét. Năm tháng trôi qua. Một hôm tôi ốm. Ốm lay ốm lắt, ốm mãi không khỏi. Vợ tôi chăm bón thuốc thang đủ đường nước mũi vẫn toe toét ra như ống cống vỡ. Cuối cùng vợ bảo: Thôi anh đi đâu đi, em thấy anh cứ ra khỏi Hà Nội là khỏe lắm.

Vợ đúng là nhân bảo như thần. Tôi cùng đường đành phải xách ba lô ra khỏi nhà. Ô hay, vừa được đi cái khỏi ốm luôn! Tung tăng gió bể mưa nguồn, livestream các kiểu!

Cuối cùng tôi nhận ra một chân lý! Có vợ hiểu mình đúng là Vàng các bạn ạ. Hóa ra người nắm giữ hạnh phúc gia đình không phải là tôi, mà là cô ấy! Tôi đã thật sự may mắn khi gặp được một người vợ không bao giờ nói với tôi những câu đại loại như: “Sao anh đi gì mà lắm thế” “Anh đi mãi không thấy chán à?” “Nhà còn bao nhiêu việc mà cứ đi”…vvv…vv….

Yêu vợ!

Theo Fb Le Viet Khanh

Tình yêu thương Tạo hóa ban tặng riêng chỉ có ở “Con Người”.

Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.

Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.

Mẹ tôi khuyên: “Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm”.

Tiếng của đêm khuya
Tiếng của đêm khuya

Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm.

Có người khuyên: “Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu…”

Rồi người ấy nói tiếp: “… Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời, người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được.

Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm !”.

Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. Tôi tự nhủ: “Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi”.

Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở.

Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: “Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn…”

Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.

Mẹ tôi an ủi: “Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được”

Rồi… khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất.

Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.

Tôi nói với mẹ: “Mẹ nói đúng thật !”.

Nhưng tôi bỗng bất ngờ … khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ.

Mẹ tôi nghẹn ngào nói: “Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn, nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi. ”

Trong tình làng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy.

Cậu bé cúi thấp đầu tiến đến gần tôi và nói: “Dì! Nhiều lần cháu làm dì mất ngủ, cháu xin dì tha lỗi”.

Rồi cậu nói trong tiếng nấc : “Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, Nay mẹ cháu không còn nữa, dì ạ …”

Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra …

Tôi thấy mình quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác.

Cảm thông là tối cần trong các mối quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời,

Xin bạn đừng bao giờ khép lại lòng mình, Cầu mong cho con người chúng ta luôn hướng đến một nhịp đập trái tim quảng đại, một tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy tâm tình yêu thương Tạo hóa ban tặng riêng chỉ có ở “Con Người”.