Những bác sĩ có… “thần kinh thép”

(Dân trí) – Tiếng gào thét chấn động cả khu điều trị, một bệnh nhân hết đập phá lại chạy vòng quanh, hai mắt long sòng sọc, chân tay múa may sẵn sàng tấn công những bác sĩ muốn khống chế mình. Cảnh tượng đó vẫn thường diễn ra tại bệnh viện Tâm thần TPHCM. >>  Những câu chuyện “cười rơi nước mắt” của bệnh nhân tâm thần >>  Chuyện ở bệnh viện tâm thần ngày cuối năm

Dân gian quen dùng hai từ “kẻ điên” để chỉ những người mắc bệnh về hệ thần kinh mà trong y học gọi là bệnh tâm thần. Những con người ấy nếu không làm trò cười cho thiên hạ thì cũng gây nguy hiểm khôn lường cho người khác. Để giúp họ trở lại với cuộc sống đời thường, nhiều bác sĩ bằng tình thương và “thần kinh thép” vẫn ngày đêm thầm lặng giúp bệnh nhân chiến đấu với căn bệnh đặc biệt này.


Mới thấy bóng BS Trụ (trái) các bệnh nhân đã nhào tới… ôm hôn thắm thiết.

Những ngày tết do sử dụng rượu bia quá nhiều, anh N.V.D (46 tuổi, ngụ tại Đắk Nông) mắc phải chứng bệnh hoang tưởng. Anh hết nghi ngờ vợ ngoại tình lại nghi vợ bỏ thuốc độc vào thức ăn và lấy trộm tiền. Sau khi gọi điện cho cơ quan chức năng tố cáo không được, anh quay sang hành hạ vợ. Được chuyển đến bệnh viện Tâm thần TPHCM điều trị, anh D còn dọa giết cả bác sĩ.

Không dọa chém giết mọi người như D, anh T.Q.B (29 tuổi, ngụ tại TPHCM) sau khi bị bạn gái bỏ đã mắc phải chứng bệnh “cuồng yêu”. Các bác sĩ nữ và nhân viên điều dưỡng tại bệnh viện Tâm thần TPHCM mỗi lần giáp mặt B. đều được một phen hú vía vì bị anh ôm cứng lấy để… đòi yêu.

Do đặc thù của công việc nên không mấy người học nghề y mặn mà với ngành tâm thần. Theo quy định ở các nước tiên tiến, mỗi ngày một bác sĩ chỉ được khám và điều trị cho 3 bệnh nhân tâm thần. Lật chồng hồ sơ bệnh án với số thứ tự đã lên đến 28 bệnh nhân khi còn chưa hết giờ làm việc của buổi sáng, BS Đỗ Chính Thắng lắc đầu: “Thiếu nhân lực nên anh em tôi phải kiêm từ khoa cấp cứu cho đến khám và tư vấn cho bệnh nhân”.

Công việc căng thẳng nhưng đối diện với người bệnh, BS Thắng luôn nhẹ nhàng và ân cần từ cử chỉ cho đến lời nói. Tuy nhiên đã không ít lần anh bị bệnh nhân đập bàn chửi mắng, thậm chí lao vào tấn công. Nhưng theo anh, sự nguy hiểm ở khoa khám bệnh chưa ăn thua gì so với khoa khác.


BS Thắng tận tình tư vấn cho bệnh nhân, trên bàn chồng hồ sơ bệnh án còn chất cao

Theo chân BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, tôi đến khoa A nơi điều trị những trường hợp bệnh nặng. Vừa thấy bóng ông xuất hiện, nhiều bệnh nhân nhào tới, kẻ xoa đầu, người ôm hôn thắm thiết: “đại ca… em đang làm thơ đấy”, “bố ơi mấy hôm nay bọn chúng vẫn dọa giết con”, “bác sĩ tôi không có bệnh sao lại giam tôi”… vài người khác lẩm nhẩm những câu vô hồn. Trên chiếc giường trước mặt chúng tôi, một bệnh nhân đang cố gắng vùng vẫy khỏi sự khống chế của các bác sĩ.

Lau mồ hôi sau khi vật lộn với bệnh nhân, BS Vũ Đình Vương – quyền Trưởng khoa A – tâm sự: “Công việc của chúng tôi là thế đấy nhà báo ạ, lúc thì thủ thỉ to nhỏ từ chuyện trên trời dưới đất với bệnh nhân, lúc lại vật lộn với họ còn hơn cả đi đánh trận. Nhưng thiếu nó thì lại thấy buồn, có lẽ cái “nghiệp” này nó đã ăn vào máu tôi thật rồi, muốn dứt cũng chẳng được”.

Tốt nghiệp Y khoa Hà Nội từ năm 1983 rồi tiếp tục 5 năm trong lực lược sĩ quan dự bị, đến năm 1988 BS Vương được phân về công tác tại bệnh viện Tâm thần. Hơn 20 năm trời có lẻ ấy người bác sĩ này đã điều trị cho không biết bao nhiêu bệnh nhân, những con người gào thét, hoảng loạn khi nhập viện để rồi lại mỉm cười quyến luyến chia tay lúc lành bệnh.

Mỗi bệnh nhân nhập viện là một thử thách đối với bác sĩ, bởi lẽ căn bệnh tâm thần không cố định như những bệnh lý khác mà nó có những biến tướng khôn lường. Do đó bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bác sĩ phải dùng liệu pháp tâm lý để “bắt bệnh” thông qua những biểu hiện hành vi. Mỗi lúc hóa thân thành bệnh nhân để trò chuyện với họ các bác sĩ thường phải đối mặt với những hiểm nguy.


Bốn bác sĩ phải “đấu vật” với một người bệnh để chích thuốc

Nhớ lại những kỷ niệm “cười ra nước mắt” BS Vương trầm giọng: “Với những bệnh nhân không chịu uống thuốc chúng tôi buộc phải khống chế để tiêm, mỗi lúc như vậy bị bệnh nhân đấm sưng mặt là chuyện bình thường. Có điều dưỡng còn bị bệnh nhân đấm gãy cả răng. Chuyện đó anh em tôi đã quen rồi, nên mỗi khi ngồi trước bệnh nhân chúng tôi đều phải thủ thế.”

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi một bệnh nhân. “Báo cáo bác sĩ, trong ba lô của em có một cuốn truyện Kiều và cuốn bí kíp võ công, toàn là sách quý nên phải giữ chắc không thì bọn chúng cướp mất. Em luyện sắp thành công bí kíp này rồi, ít bữa nữa em sẽ dùng nội công để phá những thành trì thối nát”. Vừa nói dứt câu, anh ta quỳ thụp xuống “bác sĩ em có bệnh gì đâu, bác cho em xuất viện đi, nhà em sắp bị địch tấn công rồi”.

Vân Sơn

Source: Báo Dân Trí

One thought on “Những bác sĩ có… “thần kinh thép””

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.