Category Archives: Tâm sự gia đình

MẸ NGHÈO.

Mẹ nghèo

🍀 Mẹ tôi mất cha lúc còn nằm trong bụng và mồ côi mẹ thuở mới lên ba. Mẹ về sống với dì Ba, em ruột bà ngoại, chúng tôi gọi bằng ngoại Ba.

Ông ngoại Ba là con cháu địa chủ nức tiếng một vùng, hành nghề nhập đồng bói toán. Giàu có, biết tiền vận hậu vận, thêm biệt tài yểm bùa chuốc ngải nên nguyên một vùng nhiều người người ái ngại. Chưa hết, nhà có tám ông con trai, ông nào cũng cao to vạm vỡ, tính hung dữ cộc cằn, thành ra người ta cũng ngại đụng chạm, sợ dây vào ổ kiến lửa nó thui.

Cũng không biết ông ngoại bói có đúng, bùa ngải có linh không, thực hư chuyện nhập đồng trù yểm không ai rõ, tại cả xóm đâu ai tới. Cơ bản việc đời một đồn mười, mười đồn trăm rồi khách thập phương về quỳ lạy cầu khấn – mê muội và chạy theo đám đông là cái lỗi lớn mà con người rất dễ mắc.

Mẹ kể, ở nhà ngoại Ba, mẹ đảm tất tật chuyện cơm canh, lau chùi, giặt giũ để rồi tới bữa ngồi co ở góc bếp, cạo cơm thừa quét canh cặn. Quần áo mặc mót của bà ngoại, cái thùng thình, cái già chát. Cũng xót cháu nhưng biết tính chồng gia trưởng, quản từ hũ vàng trong rương đến củ hành củ tỏi dưới bếp, mọi thứ trong nhà chỉ cần chệch ý ông sẽ phải trả giá ngay lập tức nên bà ngoại không dám ho he. Và mẹ đủ thông minh để hiểu nỗi phũ phàng đời mình nên không trách hờn, càng không dám trông chờ tình thương.

Sau này, mấy cậu lấy vợ sinh con, không lo làm ăn mà thi nhau tiêu pha nên tài sản tiêu tán, bói toán cũng hết thời, nhà ngoại Ba chỉ còn cái vỏ. Liền đó, ông ngoại đòi gả mẹ cho một người làm, cách gián tiếp đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ bảo, ông ngoại quy mẹ mang đến điều xui xẻo, tại cái bớt đen trước ngực. Như một người sinh ra đã mê tín, ngoại lý giải cái bớt đen là dấu vết tiền kiếp lưu lại, là biểu hiện của kiểu người “lòng lang dạ sói”, nếu không cũng đem đến tai ách. Đó là lý do “chính đáng” để mười ba tuổi mẹ ra khỏi nhà ngoại Ba. Dùng cách đó để đuổi cháu ra khỏi nhà thì quá tàn nhẫn. Và mẹ, vì bẽ bàng, vì tự trọng nên không bao giờ quay lại ngôi nhà cao rộng đó nữa, dù có lúc ôm cái bụng lép kẹp lê lết ngoài đường.

Mười ba tuổi, ẵm em cho người ta chai hông để đến năm mười lăm tuổi đã có thể xăm xăm đồng nọ núi kia như một lực điền có hạng. Vậy đấy, khi bị đẩy vào đường cùng, nếu không muốn bị vùi dập, người ta tự khắc sẽ kiên cường.

Năm mười bảy tuổi, vượt hai trăm cây số đi cắt lúa mướn, mẹ gặp ba tôi, cũng dân tha phương làm mướn. Cô gái mồ côi gặp chàng tuổi trẻ độc chiếc, thấy hiền hiền, mến mến, người lớn ghép đôi, vậy là thành vợ thành chồng. Hồi đó hôn nhân đi trước tình yêu mà.

Và như thế, chúng tôi, cả thảy năm anh em, là những đứa trẻ nhà nghèo. Càng nghèo hơn khi bốn mươi tám tuổi, mẹ mồ côi chồng. Bằng cách nào đó, mẹ lo các con có cơm ăn và cho đi kiếm chữ. Tiêu chí của mẹ là nghèo nhưng không được dốt, để làm được điều đó, mẹ phải nai lưng làm và tới bữa “ăn cá mút xương, ăn mắm mút dòi”.

Mẹ không biết khóc, kể cả ngày chồng mất. Người ta chỉ trích, mẹ bảo mình không chết cùng được thì phải mạnh mẽ để lo hậu sự cho chồng, rồi lo mà nuôi con chứ khóc la gì. Mạnh mẽ và lý trí, mẹ khiến nhiều người kính nể nhưng cũng vướng nhiều thị phi. “Kệ! Không quan tâm người ta nói, nếu ai lo dùm các con, mẹ cũng sẽ ngồi lê, chao chát với đời”, mẹ nói.

2.

Các con của mẹ lớn lên, mỗi đứa một cảnh.

Chị Hai và các em kề học không sáng, lết qua lớp 9, mẹ hướng học nghề. Nhờ vậy mà mấy cô con gái có nghề nghiệp, đỡ phải bươn chải nắng mưa đồng cạn đồng sâu.

Nhưng cuộc đời đâu thể dễ dàng với tất cả. Riêng chị Bốn, trúng tiếng sét ái tình, đang học nghề may lại đành đoạn bỏ ngang lấy chồng vì “sự cố kỹ thuật”. Yêu bất chấp ai ngờ gặp tên vũ phu, ưa bài bạc. Chịu hết nổi cái lý “đánh bài kinh doanh”, chị nách ba con về mẹ. Mẹ bèn chia đôi ngôi nhà hình chữ L, mẹ con chị một bên, mẹ một bên.

Phần Út Chi mặt mũi dễ thương, học hành sáng dạ, mẹ không thôi hy vọng nó công thành danh toại. Mẹ bảo trong các con nó tội nhất vì sớm mồ côi cha. Mẹ xoa đầu, ráng học, tới đâu mẹ lo tới đó. Nhưng cuối cùng, Út Chi lại làm mẹ lao tâm khổ tứ, thiếu điều chết đi sống lại với nó.

Nó thông minh nhưng ngang ngược, đua đòi từ nhỏ, mẹ ra sức kiềm, tôi cận kề định hướng nhưng lực bất tòng tâm. Nó luôn thấy mình là người thiệt thòi nhất, ở cái tuổi bạn bè khối đứa đã được quyền “hư hỏng”, nó học về còn phải đi rinh gạch, cắt lúa, dọn gốc rạ, chăn bò, vân vân… Nó vùng vằng bức xúc, mẹ không cằn nhằn, chỉ hét: “nhà mình nhà làm chứ hổng phải nhà chơi, nghèo rạc mà đua đòi, mai mốt có nước ra đường ăn xin”. Luôn luôn như vậy, con thì rất thương nhưng mẹ chỉ chiều chuyện chính đáng. Út Chi, tự nó thấy mình không sai. Có đứa con gái nào chẳng kiêu hãnh vì đẹp, và đương nhiên cái khao khát ăn diện để phô bày nhan sắc chẳng phải điều sai trái, rất tiếc nó bỏ qua hoàn cảnh. Đã không dưới chục lần, thằng anh khốn khổ tôi động viên nó ráng, từ từ học xong, đi làm có tiền anh bù cho nhưng nó vẫn ương bướng, lầm lì khó dạy.

Nó chính thức có “thành tích” nổi loạn năm học 12. Đi học mà rủ bạn bè huê hụi rồi ôm tiền đi chơi xả láng. Trước đó, cô giáo tới nhà báo nó có biểu hiện yêu đương lộ liễu, lập hội con gái đánh nhau. Mẹ hỏi chuyện, nó nhất quyết không nhận, tôi âm thầm điều tra chân tướng, nó dám nói “Anh khôn hồn thì ngậm miệng dùm em!”, sự hỗn hào của nó đã phục hồi sự cộc cằn mà tôi đã cố bỏ theo ý mẹ – tôi nổi điên chố cho một tát nảy lửa. Không nhằm nhò.

Chưa dừng ở đó, nó đùng đùng đòi vô đại học tư, mẹ gánh học phí cóng róng. Đang là sinh viên năm hai, yêu đương sao hổng biết, bị vợ người ta tìm về tận làng lu loa.

Sau vụ bê bối đó, nó bỏ học, la cà bạn bè chỗ nọ chỗ kia. Rồi một ngày nó đi không về, mọi liên lạc bị chặn hết. Còn đang hoang mang thì thằng xã hội đen gọi điện cho mẹ, chửi bới om sòm đòi nợ. Tôi tái mặt, mồ hôi bực ra đầm đìa. Trời ơi, nợ lần hai trăm triệu, chẳng biết nó làm cái giống gì mà đổ tháo cỡ đấy. Mẹ lại là người lãnh trận.

Mẹ nghèo, tôi quá biết, quá rõ. Mới thổ lộ muốn giải cứu cho em, vợ tôi đay nghiến, nó làm nó chịu, anh lo trả nợ cho em thì ai trả nợ cho anh, nói và đẩy hai cô công chúa tới trước mặt như… đe dọa. Tôi bối rối về thưa mẹ mình bó gối. Lúc đó, mẹ không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt khiến tôi đứt ruột. Hèn hạ, bệ rạc là cái thằng tôi. Đứa con trai độc nhứt, ăn học hết cơm, láng giềng khen hay khen tốt nhưng rồi trong cơn hoạn nạn lại chẳng giúp mẹ được gì.

Ngày trai trẻ, tôi không nổi loạn như con Út nhưng ích kỷ, chỉ nghĩ tới ước mơ mà bỏ quên hiện thực nhọc nhằn của mẹ. Hồi đó tôi mãn 12, mẹ “rón rén” khuyên học sư phạm cho nhẹ nhàng – học phí được miễn. Tôi biết, tôi hiểu nhưng cái khao khát đổi đời trong tôi quá lớn. Tôi quyết vào đại học. Mẹ chỉ còn cách đồng ý, những nếp nhăn giữa hai cặp chân mày của mẹ xuất hiện từ đó. Học xong, tôi được giữ lại trường, lấy vợ thành phố. Ngày cưới, tôi chiều ý nhà vợ danh giá, mượn chủ hôn tướng mạo sang trọng mà để mẹ ngồi chung với khách quê. Đổ lỗi cho tuổi trẻ là ngụy biện, nghĩ lại thật đáng hổ thẹn, cái sĩ diện đáng khinh bỉ. Là người có học mà tôi đã hành xử rất vô đạo với mẹ.

Mẹ bán nhà. Trả nợ và ngóng tin.

  • Nó sống như nữ hoàng lạc thú! Cái ngu của nó còn to hơn quyền lực của Thượng đế. – Chị Hai kết tội em và trách mẹ theo đuôi Út Chi, cứ bỏ dãi cho bọn chủ nợ gô đầu về, một lần ăn đòn sẽ tởn tới già. Mình dạy không được để giang hồ họ dạy!
  • Chuyện đã rồi thì lo giải quyết chứ chì chiết ích chi.

Mẹ nói bằng vẻ bình thản minh mẫn và rầu rĩ. Một con ngựa dày dạn roi vọt hẳn sẽ chẳng điều gì khiến nó sầu thảm tuyệt vọng nữa. Nhưng có can trường tới đâu cũng là một người mẹ – máu chảy ruột mềm. Em tôi dại khờ, nó bộc lộ bất hạnh bằng việc lao vào những thú chơi với trái tim căng đầy thèm muốn. Ngụp mình trong những trận vui bất tận. Lầm lạc lại nghĩ mình thấu suốt trần đời. Cái đầu ngang ngạnh của nó chắc không đời nào hiểu được tâm tư lúc này của mẹ. Héo hon, gầy rạc. Dưới gầm trời này, có lẽ không gì trọn vẹn bằng khổ hạnh.

3.

Rồi một đêm, mẹ chìm trong giấc ngủ và không thức dậy nữa…

Trong ngày buồn nhất đời mình, tôi tái tê quỳ gối tiễn mẹ về miền Cực lạc, và bây giờ, tôi muốn ngợi ca mẹ hơn là khóc lóc sụt sùi.

Đồ đạc của mẹ được sắp lại gọn gàng. Chỉ vài bộ đồ và một ít giấy tờ tùy thân.

Bên góc chiếc rương cũ có mấy cái cuống rốn. Đó là thứ duy nhất mẹ để dành cho mình.
🍁🍁🍁
Nguyễn Thị Bích Nhàn
VuLe Bt (Bài & Ảnh)

CẠO GIÓ 

Hồi mẹ còn sống, mỗi khi trái gió trở trời là người mẹ lại đau nhức. Mỗi lần vậy là hắn hay bị dựng dậy nữa đêm để cạo gió cho mẹ. Trong cơn ngáp ngủ hắn vẫn thường cằn nhằn và hổng hiểu tại sao việc trời chuyển mưa thì nó lại liên quan gì tới cơ thể của mẹ. Giờ hắn cũng vậy, cứ mỗi khi trời chuyển mưa là cái cổ hắn lại đau nhức, cứ mỗi khi trời chuyển mưa là hắn lại nhớ về những kỷ niệm với mẹ nhiều hơn.

cao-gio
Góc chợ làm hắn nhớ đến mẹ khi cạo gió

Hắn nhớ những ngày mưa tầm tã, hắn với mẹ cũng cố hết sức đẩy cái xe chất đầy nhưng bó rau lang xuống cái chợ quê rồi đứng bán trong cái lạnh tê buốt. Bữa nào mưa lớn quá không đi bán được thì cả nhà lại ba buổi ăn món đọt rau lang luộc chấm với nồi mắm ruốc kho lỏng bỏng vậy mà lúc nào cũng cảm thấy nồi cơm của mẹ thật ít. Nhưng cơn mưa của núi rừng nó kéo dài tới mấy ngày lận, bọn trẻ như hắn thì lúc nào cũng thích mưa, bởi lúc mưa thì hắn có không phải đi làm rẫy, hắn có thể đi cắm câu, đi bắt nhái bắt ếch, những hôm mưa dầm kết hợp với cái lạnh thì sáng hắn bật dậy thật sớm để đi tìm nấm mối…nhưng càng lớn lên hắn càng nhận ra nỗi lo của mẹ, của ba càng lớn hơn khi cơn mưa càng nặng hạt. Cái ngày mà hạt muối còn phải đi mượn hàng xóm thì mỗi khi những cơn đau nhứt, cảm cúm hành hạ cơ thể thì chỉ có cạo gió. Có những đêm mưa gió bão bùng, cơn đau lại ập đến mà đến một xíu dầu lửa để cạo gió cũng không còn. Tiếng mưa, tiếng gió, tiếng thở dài của mẹ cứ như vẫn vọng tới bây giờ.

Giờ đây, mỗi khi có dịp về thăm nhà, hắn lại vào nằm lên chiếc giường nơi mẹ hắn bao năm đã nằm. Nơi đó hắn đã từng rút đầu vào lòng mẹ để cho mẹ “mò chí”, để nghe những câu vè mẹ vẫn hay đọc cho hắn nghe, những câu chuyện về làng quê của mẹ nơi mà hắn vẫn muốn một lần cùng mẹ về thăm mà chưa làm được, và nơi đó hắn đã phải nhìn mẹ hắn chịu đựng nỗi đau mà căng bệnh quái ác hành hạ mẹ mà hắn không thể cạo gió, không thể làm gì để chia sẽ nỗi đau của mẹ. Nơi đó, trong vòng tay của gia đình, mẹ hắn đã ra đi vĩnh viễn.

Nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai, hắn biết thế. Nhưng mỗi khi trời mưa, hắn lại ước mình được cạo gió cho mẹ một lần nữa !

Nguyễn Phúc Hưng

Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!

Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến.

Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi của tôi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 đối với một nửa kia chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.

Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối.

Bởi ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, ông chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.

Ảnh minh hoạ bố dượng nấu ăn rất ngon
Ảnh minh hoạ bố dượng nấu ăn rất ngon

Thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng, mẹ đã có thiện cảm với ông ấy bởi tài nghệ nấu nướng của ông.

Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: “Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!”.

Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, bà đã ở lại. Ông không để bà động tay đến, thoáng chốc đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.

Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: “Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào”.

Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp thêm vài người lão niên khác nữa, tuy điều kiện của mọi người mẹ gặp đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.

Lí do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần được người ta chăm sóc lại.

Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau…

Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau.

Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, bên ngoài thì là bày tỏ sự tôn trọng đối với ông, thật ra là thông qua đó tôi thể hiện đẳng cấp của mình.

Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: “Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền”.

Chính tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô sỉ chẳng còn gì để nói nữa.

Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc.

Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: “Lần sau khi chú Phúc làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút”.

Tôi thấy sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.

Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: “Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Nấu ăn, sợ nhất là món ăn mình làm ra không có người ăn”.

Hôm chúng tôi ra về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: “Đừng có khen cơm bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được”.

Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: “Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu”.

Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà.

Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ đã đến giúp tôi cúng đất đai gia trạch cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục một cách cẩn thận, kỹ càng, đâu vào đấy. Nhưng, đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng ở trong tình trạng khóa máy.

Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để mang về nhà ăn.

Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng: “Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết”.

Mẹ nói: “Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?”.

Ông ấy an ủi mẹ tôi rằng: “Em tuyệt đối đừng thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Tân (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó”.

Lời của ông khiến mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, cảm giác trong lòng tôi lúc ấy rất phức tạp, đồng thời cũng cảm thấy rất xấu hổ. Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn.

Ông ấy âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi: thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.

Chỉ là không ngờ có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn rất nghiêm trọng. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ thì đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.

Tôi và con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây.

Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông lúc nào cũng mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.

Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền tiêu đi như nước; ông khóc.

Một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới từ cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.

Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông. Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không ló mặt đến một lần. Mỗi lần gọi điện thoại, anh ta đều nói rằng mình đang đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.

Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng đề xuất với tôi rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ chưa đăng ký, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả.

Mẹ nói với tôi rằng: “Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể mang một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được”. Đây chính là hiện thực tàn nhẫn.

Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này.

Tôi nói với ông, vẫn đang nằm trên giường bệnh rằng: “Chú Phúc, mẹ con bệnh rồi”. Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa. Tôi gắng sức nói tiếp những lời tàn nhẫn: “Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi”.

Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp: “Chú Phúc, chúng con còn phải đi làm, mẹ con sức khỏe lại không tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một bảo mẫu cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú”.

Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích: “Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần mời bảo mẫu, thật sự không cần…”.

Tôi bước ra khuôn viên của bệnh viện mà chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời.

Tôi thuê một bảo mẫu cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không đến đón, mà bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.

Tài xế sau khi trở về đã nói với tôi rằng: “Chú Phúc nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy”.

Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không duy trì được bao lâu.

Ngày Tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi cảm thấy có chút buồn tẻ, không còn một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.

Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày Tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói: “Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm”.

Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng nói nữa, nhưng con lại càng dữ dội hơn: “Tại sao mọi người không để ông nội về nhà đón Tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!”.

Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó như là đang đánh vào mặt tôi vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.

Tôi nhìn qua kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Đó là ngày 30 Tết buồn biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, được xây dựng trong sự lặng lẽ của một người.

Không biết giờ này, chú Phúc đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà cảm thấy tủi thân?

Sau khi đón giao thừa xong, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Phúc. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng thì nở nụ cười, nhưng mắt lại đẫm lệ.

Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng cho anh ta một trận, bắt đầu đồ xôi và kho nồi thịt kho cho ông.

Bảo mẫu đã về nhà đón Tết, trong tủ lạnh đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ.

Những nắm xôi nóng hổi cuối cùng đã giúp nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày Tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng, nước mắt lại rơi lã chã.

Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi uống rượu. Tôi đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy thê lương.

Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến: “Anh ở đâu vậy hả?”.

Tôi phát hỏa: “Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả? Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm chúng ta phải chăng đã bị chó tha mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!”.

Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi: “Con làm vậy là sao?”.

Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng: “Về nhà”.

Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món mỳ bò, muốn làm thẻ siêu nhân.

Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi: “Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?”.

Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy: “Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy.

Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi”.

Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: “Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy”.

Tôi nói: “Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?”.

Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: “Bố ơi, đừng có gửi ông nội về nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!”.

Tôi ôm con trai vào lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ấn tượng bất hiếu trong lòng của con.

“Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!”.

Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó…

GÀ XÉ PHAY

Chiều về sớm lục đục luộc nửa con gà để xé phay. Vừa làm hắn lại vừa nhớ mẹ. Món gà xé phay thật đơn giản nhưng không phải ai cũng biết thưởng thức. Đi ăn quán nhiều khi gọi món gà xé phay thì họ mang ra một dĩa gỏi đúng nghĩa với rau càng cua, bắp chuối…. Gà xé phay phải là con gà ta thả vườn thịt thơm, ngọt và không mủn mủn như gà công nghiệp. Về khoản này mẹ hắn là số một, nhìn qua cái chân là mẹ biết gà nào là gà ta, gà nào là gà tam hoàng mà lái buôn mua về thả ra vườn vài bữa rồi bán giá gà ta. Sau khi luộc gà chín, để nguội rồi dùng tay xé ra từng miếng vừa ăn, rau răm vò vò cho nó dập dâp, thêm tí muối, tí bột ngọt và hạt tiêu xay nhỏ vào trộn điều cho ngấm gia vị rồi bày ra đĩa là có món gà xé phay cực ngon, nhiều người thường bỏ thêm củ hành tây nhưng không nên vì hành tây sẽ làm cho thịt gà mềm không ngon lắm, mẹ hắn vẫn hay dặn thế.

Gà xé phay
Khi làm món Gà xé phay hắn lại nhớ đến mẹ

Cái thủa nhà chạy ăn từng bữa. Nuôi được con gà nào cũng để dành bán lấy tiền mua mắm muối, thuốc men. Mà đâu phải đơn giản để nuôi được con gà đâu. Nào là những con chồn đèn tinh ranh luôn chờ cơ hội vồ lấy, nào là những kẻ trộm đang di cư vào ồ ạt mà họ gần như là trộm tất cả những thứ có thể cho họ cũng như heo gà lợn vịt của họ ăn được. Nhiều khi đàn gà đang mơn mởn cùng với niềm hy vọng về tấm áo mới của hắn thì bỗng nhiên lăn đùng ra chết hết do bệnh. Ngày đó thì chết do gì không biết những cũng thịt rồi ăn tuốt, đôi khi còn phải chôn bớt vì chúng nó chết đồng loạt, đến giờ nghĩ lại hắn còn nghe tiếng thở dài của mẹ.

Ngày đó mỗi khi nhà có khách là mẹ hắn vừa mừng vừa lo. Mừng vì có người thân ở xa tới thăm vì gia đình ở một nơi xa bà con lắm mà phương tiện thường chỉ có xe đạp hoặc đi bộ. Lo thì lo làm sao có bữa cơm coi cho được, lo vì phải chạy qua hàng xóm mượn vài chục ngàn gửi cho khách đi đường. Nhưng lúc đó hắn thì mừng lắm vì sẽ được ăn ngon hơn mọi ngày dù sau đó có thể ăn cá khô cả tuần. Nếu hôm đó nhà có làm gà thì thế nào hắn cũng được mẹ cho riêng một cái đùi ăn trước, thế mà lên buổi cơm nhìn dĩa thịt gà hắn vẫn còn chảy nước dãi nhưng phải giả lơ vì mẹ hắn luôn bảo “ăn xem nồi, ngồi xem hướng” nhất là khi nhà có khách. Cuộc sống dần cũng khá hơn dù hắn vẫn phải tha phương. Mỗi khi có dịp nghỉ gì đó là hắn chỉ về nhà với mẹ. Để được ăn món gà xé phay hay những món mắm mít. chốt môn, bánh bột lọc hay đơn giản là tô canh lá chua mà ngon lạ thường và không thể tìm ở đâu khác hương vị đó.

Giờ đây mẹ đã không còn nữa, có dịp về nhà là anh em hắn lại làm món gà xé phay đầu tiên. Dù cũng làm theo tất cả lời mẹ đã dạy nhưng vẫn không tìm thấy cảm giác của ngày xưa nữa. Dù cố gắng không đau buồn để dành thời gian nghĩ tới những ký ức về mẹ nhưng trong lòng hắn vẫn thấy trống trãi và thiếu đi rất nhiều, rất nhiều thứ.

Nguyễn Phúc Hưng

Tâm sự phụ nữ xứ mình thiệt thòi lắm

“Phụ nữ mình, nhất là phụ nữ cái xứ mình, thiệt thòi lắm các mẹ ạ, khi số phận, cuộc đời vẫn cứ phải phụ thuộc vào hai chữ hên xui khi lấy chồng. Ơ, việc “””đ”” gì phải thế nhỉ, tại sao lại phải trao quyền quyết định hạnh phúc của mình vào tay một thằng đàn ông không phải máu mủ ruột già gì của mình. Trong khi đó, khi lấy mình, nó đúng là một vốn bốn lời, thằng nào nhọ thì vớ phải một em đỏng đảnh cưa cẩm nó nhọc nhằn tý, thằng nào son thì cưa roẹt cái xong. Lấy vợ rồi là xong, khóa sổ, từ đây, tha hồ xài, đời cứ thế mà phát, mà thăng, còn phụ nữ thì, lúc cưa cẩm dù cành cao tít hay cành thấp tịt, lấy chồng rồi số phận cũng na ná nhau cả.

Phụ nữ xứ mình thiệt khổ
Phụ nữ xứ mình thiệt khổ

Nói đùa thế thôi, nhưng như các mẹ thấy, tiếng là bình đẳng giới, là thời đại giờ tân tiến lắm rồi, nhưng những rào cản định kiến vô hình vẫn cứ tồn tại và trùm lên vai người phụ nữ, khiến mình luôn mang theo những nỗi sợ vô hình, phải gồng mình lên cố gắng sống một cuộc sống mà người ta cho là đúng, được xã hội / số đông chấp nhận, dù cuộc sống đó không mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình, thậm chí đôi khi khiến mình nghẹt thở.

Sống cuộc sống của mình, nhưng cũng cứ phải nghĩ đến quá nhiều người, bứt ra sống theo cách mình mong sống của mình thì không dám, mà tiếp tục thì áp lực cứ đè nặng mãi không thôi.

Các mẹ cứ ngẫm mà xem, phụ nữ mình liêng biêng một tý, đã bị gán ngay cho cái tội lẳng lơ, vô đạo, còn đàn ông có phang chịch bét nhè, thậm chí bồ bịch lòng thòng vợ con, nhưng có khi chỉ cần tỏ thái độ hối lỗi, quay đầu về bờ là lại được coi là vẫn còn tốt, còn tử tế, còn đạo đức. Ô, ở đâu ra cái quy định, không có cái xấu tức là một cái tốt thế, không có nhược điểm lại là một ưu điểm thế. Anh ấy có ưu điểm là không rượu chè trai gái cờ bạc, ô, thế tại sao chúng tôi lại không được Cô ấy có ưu điểm là không trai gái cờ bạc rượu chè

Cái viễn cảnh vợ xinh đẹp, thơm tho, kiều diễm, sáng dậy sớm làm bữa sáng cho chồng, đánh thức con dậy sửa soạn cho con đi học, chồng dậy sơ mi cà vạt phẳng phiu, tóc mượt mà ngồi ăn bánh mì ốp la, uống cà phê, vợ quay ra nhìn chồng mỉm cười hạnh phúc. Chiều chồng tóc mượt mà, sơ mi cà vạt phẳng phiu trở về nhà, vợ đang xinh đẹp diễm kiều nấu cơm trong bếp, nhạc bật dìu dặt, nhà cửa gọn gàng sạch sẽ như showroom nội thất, vợ dịu dàng “Anh đi tắm thay quần áo đi rồi ăn cơm!”, đèn tắt, vợ thơm tho nóng bỏng trên giường như Mario Ozawa – cái viễn cảnh đó, nó chỉ có trong phim Mỹ thôi. Mà kể cả phim Mỹ, đấy chuẩn như anh Richard Gere rồi mà vợ vẫn léng phéng kìa.

Còn thực tế hả, tất cả đã được lập trình như một cái máy: sáng vùng dậy đánh răng rửa mặt, gọi con dậy đi học, đứa nào ngoan thì nó dậy cho ngay, gặp thằng đang tuổi dở thì riêng chuyện gọi nó dậy ít nhất 15 phút. Dậy rồi có phải bê nguyên cục bông đó đi học đâu: lau mặt mũi, rửa đít rửa đoi, ngậm một thìa mật ong chanh đào trừ ho, nhỏ nước mũi trừ ngạt (cả 2 thứ đều phải làm ấm vừa đủ), may thì thằng con nó hợp tác cho nhỏ mũi, cho ngậm, hâm lên thì nó không chịu, không cho ăn, không nhỏ mũi thì sợ con ốm, thế là mẹ con lại nịnh nọt, oánh cãi nhau, mất 15 phút nữa. Rồi mặc quần áo cho chàng, may thì chàng hợp tác, nhọ thì chàng không chịu mặc áo nọ quần kia, không chịu đi tất đeo khăn quàng cổ đeo khẩu trang, lại thêm 15 phút nữa. 5 phút nữa không ra khỏi nhà thì muộn ô tô, tranh thủ quẹt cái mặt được tý, lao ra khỏi nhà, thấy miệng con còn lem nhem, hò chồng Lấy hộ em cái khăn em lau cho con cái, chồng càu nhàu đi ra dúi vào tay cho cái khăn khô rom – thế có muốn vứt mẹ nó cái khăn vào mặt không. Ở đấy mà mềm mại, dịu dàng.

Tối về cũng nguyên một chu trình: về phát thay quần áo, lấy hộp sữa chua / váng sữa ra cho bớt lạnh để tý con còn ăn, cắm cơm, chuẩn bị thức ăn, lùa con đi tắm, tắm xong nấu cơm, xong cho con ăn trước, xong đến mình ăn, may thì con nó phối hợp ăn uống tử tế, nhọ thì cả tiếng không xong nửa bát, nịnh nọt, quát tháo, không ép ăn thì sợ con đói, mà ép thì mệt mình mà cũng thương con. Trong quãng thời gian đó là: Mẹ ơi con tè, Mẹ ơi mẹ bế, Mẹ ơi lau tay cho con, Mẹ ơi lấy cái này / cái kia hộ con, Mẹ ơi mẹ giúp con, Mẹ ơi cái này cái gì, Mẹ ơi sao mẹ không chơi với con vv…vv Cơm xong lùa con đi chơi hoặc chơi gì đó với con, 9h lùa đi đánh răng, đi ngủ, có phải nằm cái ngủ ngay đâu, còn đóng bỉm, nhỏ mũi, xoa dầu vào gan bàn chân giữ ấm, kể chuyện, hát hò, xoa đầu xoa lưng. Chồng lững thững cầu lông, tennis, chạy bộ về tắm mát nằm dài chờ cơm, thấy hai mẹ con oánh nhau phán những câu cúng cụ kiểu Nó không ăn thì thôi, Em nấu thế anh cũng chẳng ăn được, xong đến khi ai đó phán câu hờ hững Thằng này dạo này nhìn gầy đi nhỉ thì lại Vợ không để ý chế độ ăn của con, thấy vợ kể chuyện hay hát cho con thì phán Truyện chả có ý nghĩa gì / Bài hát chả ăn nhập gì vv..vv. Thế có muốn choảng nhau không?

Thực ra thì tôi nghĩ, phụ nữ mình dễ ấy mà, không phải ai cũng muốn yếu lòng đâu, ai chẳng muốn được duy trì một tình yêu cuối cùng với người mình đã chọn. Mình có đòi hỏi gì nhiều đâu, chỉ cần chồng một điều duy nhất, là chỗ dựa cho mình, là cả vật chất lẫn tinh thần thì tốt, còn nếu buộc phải chọn một trong hai, thì hãy là chỗ dựa tinh thần. Mình đâu có cần chồng mình phải đội mưa đội gió tìm cho mình đúng loại hoa yêu thích vào ngày 8/3 đâu, phải tắt đèn thắp nến quỳ xuống chân tặng mình 100 bông hồng đâu, mình chỉ cần: chồng nghe vợ thở dài một cái biết đường quay ra hỏi: Sao thế em, biết ra vỗ vai vợ một cái khi thấy vợ quá tải với công việc nhà (tốt hơn nữa thì là Để anh làm cho!), mình chỉ cần khi mình vui hay buồn, dù là tin xấu hay tin dữ, người mình bấm gọi điện thoại để thông báo, để kể cho nghe đầu tiên sẽ là chồng, chứ không phải bất kỳ một người nào khác, dù là đàn ông hay đàn bà.

Chỉ cần thế thôi, mình sẵn sàng ngày đi làm, chiều tối về làm ô sin, đêm đến làm “”cave”” miễn phí cho chồng ngay.

DKNVT

Đàn bà hơn thua ai thì kệ, chứ hơn thua chồng mình được gì?

Con bạn gọi điện khóc: Tao chia tay chồng rồi mày?

Lâu rồi nó không gọi, gọi lại thông báo chuyện buồn. Mình không hỏi tại sao, nó cũng thút thít kể, cái rấm rức của một người “đàn bà” từng trải.

Anh đừng buông tay em - Tâm sự gia đình
Anh đừng buông tay em – Tâm sự gia đình

– Ổng có bồ mày à! Con bồ đó lại không bằng tao về ngoại hình, trình độ, lẫn công việc. Mày à! nhưng nó hơn tao là có được trái tim của chồng tao.

Nó vẫn cứ khóc, mình chẳng biết nói gì. Ừ thì bằng cấp, trình độ, ngoại hình….hoàn hảo nhưng trái tim người đàn ông nào cũng vài ba vết khuyết, có rồi lại muốn có thêm.

Bạn mình 27 tuổi xuân, lấy chồng 3 năm, con gái nay 1 tuổi. Ngoại hình xinh xắn, bằng cấp đầy mình, lương cũng khá cao. Chỉ là nó phải đi công tác thường xuyên, bếp nhà lúc nào cũng lạnh.

Nó lúc nào cũng tự hào bảo mình: “Mày phải tự do tài chính, có tiền chồng nó mới không khinh mình. Nhà tao tiền chồng chồng tiêu, tiền vợ vợ xài, không ai đụng ai hết. ổng đâu nói gì được tao đâu, mà tao cũng đâu cần vòi vĩnh ổng, thích là mua tự tặng mình à”

Chồng nó hay chọc vui với mình: Vợ anh nấu ăn không giỏi nhưng chọn quán ăn là giỏi nhất. Vợ chồng nhà anh 1 năm chẳng hết nổi bình ga, muốn ăn gì oder về là xong. Em coi có ai sướng như vợ chồng anh không, có con rồi mà như son rỗi đó.

Hồi đó, nghe chồng nó nói vậy mình thấy con bạn mình thật sướng, có ông chồng hiểu, chiều chuộng hết mình. Nhưng mà:

” Đàn ông nông cạn biển khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”

Ngày hôm nó phát hiện chồng ngoại tình, nó khóc lên khóc xuống, nó so sánh bồ nhí ông ấy:” Thà yêu ai đẹp hơn tao, giỏi hơn tao thì yêu mà yêu một con không bằng tao về mọi thứ, mày coi chịu được không”…. và nó rồi lại khóc.

Chồng nó gọi cho mình than thở: Anh đâu muốn chia tay, giá mà D đừng đem sự giỏi giang của mình ra nói. Giá mà D có thể làm một người phụ nữ bình thường, giá mà nhà anh như bao nhà khác, anh cực 1 chút cũng được. Anh về có cơm nóng, có vợ, có con, có gia đình cùng nhau quây quần em coi có gì khó không? Anh nói D bao nhiêu lần rồi, mà D vẫn cho rằng tự do tài chính, sự nghiệp thì tốt hơn….

Mình hiểu: lòng tự trọng của nó, tính cao ngạo của nó, sự hiếu thắng của nó với chồng, nhà chồng, xã hội….đã bị bôi đen, thẳng ra là thất bại. Nhiều hơn là tình yêu với chồng, hơn là cách giữ lửa một gia đình.

Chuyện của nó chưa kết thúc….nhưng suy nghĩ của mình lại mở ra….
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
Đã đành là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm , càng oan trái nhiều

Đàn bà hơn thua ai thì kệ, chứ hơn thua chồng mình được gì? Đàn ông muôn đời vẫn muốn mình làm phái mạnh, được chở che người phụ nữ họ yêu. Phụ nữ trong thời đại nào thì vẫn là người giữ lửa cho bếp gia đình, cho mái ấm không trở thành mái lạnh, dù họ có giỏi giang, thành đạt đến bao nhiêu, cuối cùng gia đình vẫn là quan trọng nhất.

Cũng chẳng thể trách sự độc lập của mỗi cá thể ở xã hội hiện địa này. Cũng ko biện minh cho hành động ngoại tình của chồng là vì hoàn cảnh.

Chỉ là mỗi người bớt 1 chút thời gian của mình, bớt đi cái tôi của mình để trở về sau một ngày dài vất vả. Cùng nhau gây dựng lên một gia đình, thì nhà sẽ mái ấm đúng nghĩa.

p/s: Cho một ngày cuối tuần giông gió…cho D….cho N….Mong 2 bạn được yên bình.

Nguyễn Hương Thùy

Cảm ơn vì ngày xưa con bé vấp hòn đá ngã Ba Mẹ đã không đánh vào hòn đá.

Cơm gia đình. Nghĩ gì gì đó trong đầu.
Cắm đũa xuống bát, tôi hỏi:
_Mẹ. Mẹ có xót con không?
_Xót con chuyện gì?
_Ví dụ như con yếu đuối, con cần được che chở.. bla bla…
Bà phá lên cười tưởng xém sặc cơm.
Cha.
_Còn cha?
_Con là đứa cha lo nhiều lắm. Nhưng cha chỉ có thể cho con được cuộc đời. Còn cay đắng khi nào chẳng có. Tự con phải chiến đấu giành lấy cuộc sống với những điều con mong muốn!.

Bữa cơm cứ thế lặng lặng với những tiếng canh nước, đằng hắng..

4 tuổi. Té khá nặng, Ba Mẹ để tôi tự hết đau, hết khóc rồi ngồi dậy băng bó.
14 tuổi. Thi rớt trường chuyên, Ba Mẹ cho tôi xách xe đi suốt 1 ngày, khi nào cái đầu nguội thì quay về nhà ăn cơm.
20 tuổi. Chia tay tình yêu đầu, ba mẹ để tôi khóc hết ngày, tự nhận thức lấy nguyên nhân nỗi khổ của mình rồi đứng lên đi tìm người xứng đáng khác.

Từ nhỏ đến lớn, mỗi khi nhìn thấy các bạn khác, được ba mẹ che dù, xách cặp, nâng đỡ.. Tôi nhìn lại mấy vết thương trên gối, trên tay, trên mặt mình.. Và tự hỏi: “Ba Mẹ có xót con không?!”
….
Ở tuổi này. Nhận thức của một đứa đủ lớn để hiểu Con thì lúc nào cũng là Con của Cha Mẹ. Cũng thương. Đau. Và xót..
Nhưng có lẽ, để con tự lớn và nhận thức cuộc sống của nó bao giờ cũng tốt cho nó hơn là ba mẹ phải sống giùm con.

“Cha chỉ cho con một cuộc đời
Còn cay đắng thì khi nào chẳng có
Như cây, phải lớn lên cùng nắng gió!..”

Rồi. Mỗi khi tôi gặp một cú vấp nào trên con đường mình đi, vượt qua được, luôn biết ơn Ba Mẹ. Cảm ơn vì ngày xưa con bé, vấp hòn đá ngã, Ba Mẹ đã không đánh vào hòn đá và bắt nó xin lỗi con!.
🙂

100 ngày tiễn Ngoại…

Thế giới ngoài kia vẫn ồn ào, bận rộn mỗi ngày, như thể đất trời chẳng có gì đổi khác.

Xứ mình vẫn lồng lộng nắng, lồng lộng gió thổi từng trảng nóng qua đám cỏ úa khô bên động cát chơ vơ giữa đồng ruộng. Động cát ấy, chiều 8/3, đã có thêm một người nằm xuống.

Dòng ký ức chảy tràn về phía con như một cuộn phim tua ngược, từng nét rõ ràng, như chỉ mới 3 tuần trước đó thôi còn tung tăng bà cháu đi ăn sáng, còn ngồi trên ván nói chuyện Tết quê giờ khác xưa, còn chụp hình selfie cười khúc khích.

Nhớ dáng ngoại lúc nào đứng cũng ráng ưỡn vai ra sau, đưa bụng về trước để giữ lưng đừng còng. Cái dáng ấy, mỗi lúc con đi, đều ra đứng tiễn trước sân, gần khuất hẻm nhìn lại vẫn thấy ngoại một tay vịn cột, tay còn lại vẫy vẫy, cười nói vọng theo: ờ ờ, đi phẻ, đi phẻ nhen… Mới Tết đây thôi, cái dáng đứng thân thuộc ấy còn vẫy tay với con trong bộ bà ba xanh thẫm, có ngờ đâu lại là lần tiễn cuối cùng…

Mở tủ ra chỉ còn lủng lẳng những chiếc móc treo buồn bã. Những chiếc móc áo đủ thể loại cũng đã già non gần 20 năm phục vụ, xếp hàng cô đơn trong chiếc tủ trống trơn. Không còn gì để giữ lại mùi hương, ngoài chiếc nón lá, cái quạt nan và bọc kim chỉ với những rẻo vải con con ngoại giữ gìn để phòng khi vá vệt sờn vết rách. Mắt ngoại còn tinh, tay ngoại còn nhanh nhẹn. Lần trước con về còn thấy ngoại ngồi cặm cụi nhiếp lại vạt áo dưới vệt nắng sớm rọi qua giường. Cái dáng ngồi tỉ mẩn mà khoan thai ấy làm con thấy những bộn bề phố thị ngoài kia hình như bó cục lại, nhỏ bé đến vô cùng.
Nhớ thúng rau muống của ngoại, theo đôi chân già đi từ vườn nhà ra đến chợ, chắt chiu từng đồng một cho bữa cơm đủ cá đủ canh ngày thơ trẻ. Nhớ tiếng vó ngựa lốc cốc gõ vào tâm trí trong buổi sớm bà cháu quá giang xe chở rau từ rẫy nho về Phú Quý cho kịp giờ con đi học, sau đêm ngủ canh giàn nho chín. Nhớ dáng ngoại mấy buổi tinh mơ gà gáy, quấn khăn choàng hầu, co trong 3 lớp áo ra mở cửa đón cháu học xa về. Nhớ mùi cơm chiên quen thuộc của ngoại đánh thức con dậy trong những sáng xa nhà về nằm ngủ nướng. Nhớ cái bụng ấm của ngoại con hay mò mẫm quờ quạng rồi cười hăng hắc mỗi tối bị nhắc nhở “tắt điện thoại, ngủ đi”. Nhớ cái nhíu mày của ngoại hồi trước khi cùng chơi đổ cá ngựa với bầy cháu mới lớn mà đứa nào đứa nấy chỉ khoái chí chực chờ để đá không cho ngựa ngoại về chuồng, mãi sau này, lớn hơn tí mới biết nháy mắt nhau vờ quên lượt để nhường cho ngoại về đích trước…

Giờ thì ngoại đã về đích rồi, chiến mã của ngoại đã vào chuồng ngủ yên không động đậy. Ngôi nhà ấy chẳng còn ai mở cửa đón con về ngủ trễ. Chiếc giường ấy chẳng còn ai nằm vắt chân đung đưa nghĩ ngợi. Chiếc mõ trên bàn thờ Phật ấy chẳng còn ai gõ tụng mỗi sớm. Chiếc ghế ấy chẳng còn ai kéo ra để ngồi coi tivi mỗi chiều…
Vẫn biết là “sinh ký, tử quy”, vẫn biết đời vô thường, có không không có, mà đường về, thiếu một bóng thương thuộc, đường trĩu nặng làm sao…

Ái Vân

Đừng mong chờ điều gì ở bất cứ ai, hãy đứng lên và tìm lấy bát cơm cho chính mình

“Đừng mong chờ điều gì ở bất cứ ai, hãy đứng lên và tìm lấy bát cơm cho chính mình”
Đây là câu nói khắc cốt ghi tâm đối với tôi trong cuộc đối thoại lần đầu tiên giữa 3 đứa con cùng người Cha đáng kính.
20 năm về trước Ông là một người con có hiếu, người anh có trách nhiệm, người chồng hoàn hảo, người Cha mẫu mực. Ông gánh trên đôi vai mình biết bao nhiêu con người, ra đời lập nghiệp với đôi bàn tay trắng và xây dựng lên cơ ngơi của chính ông.
Có thể nói lúc bấy giờ không điều gì là ông không thể đạt được,không thể có được. Thời điểm này chúng tôi gọi đó là thời kỳ “Huy Hoàng” của Ông.

cha


Ông là mẫu người đàn ông mà có lẽ k cần phải thắc mắc tại vì sao Mẹ tôi lại ghen nhiều như thế. Ngoại hình đẹp trai, phong độ, hào hoa, hát hay, đàn giỏi, nấu ăn ngon, làm ra tiền… Phụ nữ theo ông, vây quanh ông rất nhiều… Cv lại cuốn ông đi khiến ông chẳng còn thời gian cho gia đình, cho chúng tôi… Thế nên ông cũng làm Mẹ buồn phần nào. Nhưng Ông lại thuộc tuýp người tình cảm, không thích thể hiện bộc bạch ra bên ngoài.. Vì thế chỉ có Mẹ mới hiểu, chịu đựng đc và chấp nhận Ông trong suốt bao năm.


Tôi thường trách ông sao Ba không cho chúng con thứ gì hết vậy? ( vì lúc tôi 8 tuổi mới nhận đc con búp bê đầu tiên do ông mua sau 3 năm chờ đợi).


Ông gọi 3 đứa vào và bảo với chúng tôi rằng: “Những gì Ba có hôm nay là do đôi tay này làm ra, do đôi chân này bước đi, do bộ não này phán đoán và do con người này kiên trì cố gắng. Hôm nay Ba có tất cả nhưng biết đâu ngày mai Ba không còn nữa những thứ này cũng sẽ không còn nữa, các con đừng mong chờ vào những thứ này. Hãy đón nhận cái Ba dành cho các con đó là sức khoẻ, cuộc sống, tri thức và gia đình. Để dựa vào đó các con có thể kiếm lấy bát cơm cho chính mình, chỉ có của mình các con mới ăn ngon mà không sợ bị người khác cướp mất”…


Quả nhiên Ông nói không sai? 1 time sau đó biến cố lớn xãy ra đối với gia đình chúng tôi. Ông không còn bên cạnh chúng tôi nữa… Nhưng những bài học, những lời nói của ông luôn dõi theo chúng tôi. Cho đến ngày hôm nay tôi thầm cảm ơn ông đã cho tôi những hành trang rất giá trị để bước vào đời, để trưởng thành và để bảo vệ gia đình mình.


Nơi tôi có thể chia sẽ mọi thứ, có thể dựa vào bất cứ lúc nào. Vui buồn gì tôi cũng nghĩ đến đầu tiên. Cùng nhau trải qua sóng gió mà tưởng chừng như chúng tôi không thể gượng dậy được nữa…đó là gia đình tôi. Tất cả nằm trong sự yêu thương, thấu hiểu, lắng nghe, gắn kết, nghị lực mà chúng tôi có được từ Cha. Thầm hứa với lòng, với ông đứa con gái nhỏ bé này sẽ làm hết sức có thể để bảo vệ gìn giữ gia đình luôn tràn ngập tiếng cười, sự yêu thương, hạnh phúc và sẽ chia.
Con yêu Ba!
-Sg 03/03/16-

Trần Mỹ Linh

Ba

 Ba,

Ba mình là một nông dân, đúng chuẩn môt nông dân chân chất. Ba quanh năm suốt tháng gắng liền với ruộng đồng, với bộ quần áo dính đầy đất bụi,
Ba nông dân đến nổi dù có mặc comple hay sơ mi đóng thùng thì vẫn không phủi hết hình ảnh bác nông dân trên người.

Ba mình không biết ngồi quán cafe gặp bạn bè là gì, Ba minhf càng không biết nhà hàng, quán ăn sang trọng. Ngày trước Ba vô Sài Gòn mình dẫn Ba đi, Ba còn la ” mắc quá, mua về là cả nhà 5 người ăn no nê “….Rồi từ đó mình chỉ mua đồ ăn về nhà nấu cho cả nhà.

Ba mình một trí thức lỡ thời, học nông lâm xong ba không được đi làm đúng chuyên ngành vì ” tiền” và ” mối quan hệ” không cho phép. Ba ngậm ngùi dẫn Mẹ lên Tây Nguyên làm kinh tế mới với hai bàn tay trắng.
Ba tuy lam lũ nhưng chưa bao giờ Ba để con Ba lam lũ. Ba luôn động viên mình và em mình học hành đến nơi đến chốn. Ba nói cho học đến khi nào học không nổi nữa thì thôi.

vậy nên ngày bé, thay vì được thưởng quần áo, Ba thường thưởng cho mình những quyển văn học, lịch sử, khoa học…Nhưng Ba hay tặng nhất là sách lịch sử vì Ba nói con người có nguồn, có cội, dân mình phải biết lịch sử nước mình. Mình tuy bây giờ không nhớ gì nhiều về lịch sử ( tạm gọi là trí nhớ cá vàng), và hơn hết là càng biết về sử mình lại càng hoài nghi nó, nhưng Ba đã xây dựng cho mình một nền tảng tốt để mình học tập.

Ba mình một trí thức lỡ thời, nhưng kiến thức thì Ba rất chắc chắn: Ba biết ôn thi cho mấy bé lên cấp 3 trường điểm, Ba biết lướt web, dùng Facebook…đôi khi mình phải khâm phục sự tìm hiểu về công nghệ của Ba.
Nói chung Ba là một người cha tuyệt vời đối với con cái. Và Ba cũng là tấm gương về đạo đức để con cái noi theo.

Ba,

Một ông thôn trưởng, nói như phim hài ngoài Bắc thì là ” ăn cơm nhà – vác tù và hàng tổng”. Ba suốt ngày làm những công việc không công, cho bà con thôn mình, nhất là các dân tộc tiểu số ở thôn.

Ba đấu tranh cho hộ nghèo để mắc lòng mấy bác cán bộ bự, có người coi ba như cái gai trong mắt, muốn ba đừng làm nữa để họ có cơ hội ” chia chác”. Nhưng bà con dân tộc trong thôn vẫn bầu Ba làm. Gia đình mình không thích điều đó, nhăn nhó đủ điều nhưng Ba vẫn làm vì :” mình không làm thì ai dám lên tiếng để bà con có cuộc sống tốt hơn”.

Ba suốt ngày đi giải quyết các công việc xã hội, xin tiền ma chay cho hộ nghèo, xin gạo cho họ ăn tết, xin giống cây, phân bón, con giống…..
Tết này, Ba chỉ ăn tết đúng mùng 1, sau đó lại vác cặp đi xin tiền từng nhà cho một bạn bằng tuổi mình, gia đình nghèo bị tai nạn giao thông….Ba đi khắp, không lo việc trong nhà, không đi chúc tết với mẹ. Mẹ giận khóc, em út giận ba lắm, vì ba chỉ lo chuyện thiên hạ.

Ba làm vậy, nhưng chẳng bao giờ ba được ghi nhận, or có thì cũng chỉ là lúc đó tức thì…dân số có tri thức còn thấp, thì làm sao nhận thức được việc một người ” vác tù và hàng tổng” đang làm.
Ba bị một số người bêu rếu không tốt vì chặn miếng ăn của họ
Ba bị một số khác ganh tị vì dân thương ba
Gia đình lục đục vì ba dành thời gian quá nhiều cho công việc xã hội không tên.

Mình chẳng thấy Ba lợi được bất cứ điều gì khi mãi đấu tranh cho thôn xóm. Mình chỉ thương Ba lúc nào cũng vất vả việc nhà, việc xã hội. Nhưng đó là lựa chọn của Ba. Có thể Ba không được gì, nhưng những hi sinh của Ba cho thôn xóm sẽ giúp được nhiều người vượt qua khó khăn, sẽ là tấm gương cho con cái rằng giúp đỡ mọi người không cần phải được đền đáp, không cần phải lên tiếng, cứ âm thầm mà làm.
Vậy thôi, tự nhiên con gái sắp xa Ba, con gái thương ba quá, viết ra những dòng này cho nhẹ lòng.

Nguyễn Hương Thùy