Tag Archives: ba

Ba

 Ba,

Ba mình là một nông dân, đúng chuẩn môt nông dân chân chất. Ba quanh năm suốt tháng gắng liền với ruộng đồng, với bộ quần áo dính đầy đất bụi,
Ba nông dân đến nổi dù có mặc comple hay sơ mi đóng thùng thì vẫn không phủi hết hình ảnh bác nông dân trên người.

Ba mình không biết ngồi quán cafe gặp bạn bè là gì, Ba minhf càng không biết nhà hàng, quán ăn sang trọng. Ngày trước Ba vô Sài Gòn mình dẫn Ba đi, Ba còn la ” mắc quá, mua về là cả nhà 5 người ăn no nê “….Rồi từ đó mình chỉ mua đồ ăn về nhà nấu cho cả nhà.

Ba mình một trí thức lỡ thời, học nông lâm xong ba không được đi làm đúng chuyên ngành vì ” tiền” và ” mối quan hệ” không cho phép. Ba ngậm ngùi dẫn Mẹ lên Tây Nguyên làm kinh tế mới với hai bàn tay trắng.
Ba tuy lam lũ nhưng chưa bao giờ Ba để con Ba lam lũ. Ba luôn động viên mình và em mình học hành đến nơi đến chốn. Ba nói cho học đến khi nào học không nổi nữa thì thôi.

vậy nên ngày bé, thay vì được thưởng quần áo, Ba thường thưởng cho mình những quyển văn học, lịch sử, khoa học…Nhưng Ba hay tặng nhất là sách lịch sử vì Ba nói con người có nguồn, có cội, dân mình phải biết lịch sử nước mình. Mình tuy bây giờ không nhớ gì nhiều về lịch sử ( tạm gọi là trí nhớ cá vàng), và hơn hết là càng biết về sử mình lại càng hoài nghi nó, nhưng Ba đã xây dựng cho mình một nền tảng tốt để mình học tập.

Ba mình một trí thức lỡ thời, nhưng kiến thức thì Ba rất chắc chắn: Ba biết ôn thi cho mấy bé lên cấp 3 trường điểm, Ba biết lướt web, dùng Facebook…đôi khi mình phải khâm phục sự tìm hiểu về công nghệ của Ba.
Nói chung Ba là một người cha tuyệt vời đối với con cái. Và Ba cũng là tấm gương về đạo đức để con cái noi theo.

Ba,

Một ông thôn trưởng, nói như phim hài ngoài Bắc thì là ” ăn cơm nhà – vác tù và hàng tổng”. Ba suốt ngày làm những công việc không công, cho bà con thôn mình, nhất là các dân tộc tiểu số ở thôn.

Ba đấu tranh cho hộ nghèo để mắc lòng mấy bác cán bộ bự, có người coi ba như cái gai trong mắt, muốn ba đừng làm nữa để họ có cơ hội ” chia chác”. Nhưng bà con dân tộc trong thôn vẫn bầu Ba làm. Gia đình mình không thích điều đó, nhăn nhó đủ điều nhưng Ba vẫn làm vì :” mình không làm thì ai dám lên tiếng để bà con có cuộc sống tốt hơn”.

Ba suốt ngày đi giải quyết các công việc xã hội, xin tiền ma chay cho hộ nghèo, xin gạo cho họ ăn tết, xin giống cây, phân bón, con giống…..
Tết này, Ba chỉ ăn tết đúng mùng 1, sau đó lại vác cặp đi xin tiền từng nhà cho một bạn bằng tuổi mình, gia đình nghèo bị tai nạn giao thông….Ba đi khắp, không lo việc trong nhà, không đi chúc tết với mẹ. Mẹ giận khóc, em út giận ba lắm, vì ba chỉ lo chuyện thiên hạ.

Ba làm vậy, nhưng chẳng bao giờ ba được ghi nhận, or có thì cũng chỉ là lúc đó tức thì…dân số có tri thức còn thấp, thì làm sao nhận thức được việc một người ” vác tù và hàng tổng” đang làm.
Ba bị một số người bêu rếu không tốt vì chặn miếng ăn của họ
Ba bị một số khác ganh tị vì dân thương ba
Gia đình lục đục vì ba dành thời gian quá nhiều cho công việc xã hội không tên.

Mình chẳng thấy Ba lợi được bất cứ điều gì khi mãi đấu tranh cho thôn xóm. Mình chỉ thương Ba lúc nào cũng vất vả việc nhà, việc xã hội. Nhưng đó là lựa chọn của Ba. Có thể Ba không được gì, nhưng những hi sinh của Ba cho thôn xóm sẽ giúp được nhiều người vượt qua khó khăn, sẽ là tấm gương cho con cái rằng giúp đỡ mọi người không cần phải được đền đáp, không cần phải lên tiếng, cứ âm thầm mà làm.
Vậy thôi, tự nhiên con gái sắp xa Ba, con gái thương ba quá, viết ra những dòng này cho nhẹ lòng.

Nguyễn Hương Thùy

Con có còn dư đồng nào không?

Truyện ngắn dành cho các bạn đọc để nhớ Ngày của Cha

Xe đạp cũ kỹ hay hư của ba
Xe đạp cũ kỹ hay hư của ba

Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước.

Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.

Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km.

Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…

Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:”Có dư đồng nào không con?”.

Tôi đáp:”Còn dư bốn ngàn ba ạ”.

Ba nói tiếp:”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.

Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…

(ST)