Tag Archives: kinh tế

Góp tiền chợ

Từ xưa đến nay, việc con cái lớn lên, đi làm, hàng tháng biếu tiền cho cha mẹ chi tiêu hay đóng góp vào quỹ sinh hoạt chung của gia đình đã trở thành thói quen và được coi là một cách thể hiện trách nhiệm của người con trong gia đình… Thế nhưng không phải ai cũng làm như vậy và họ đã có lý do riêng.

Anh Minh, 26 tuổi thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Chừa một khoản xài cho nhu cầu cá nhân, số tiền còn lại anh dồn hết vào một quyển sổ tiết kiệm. Anh lý giải: “Tôi chưa nghĩ đến việc phải đưa tiền phụ giúp gia đình vì theo dự định khoảng hai năm nữa tôi dùng số tiền tiết kiệm đó để đi du học ở nước ngoài”.

Không xài tiền cha mẹ

Hùng Văn, 24 tuổi, hiện là nhân viên công ty kinh doanh máy tính cho rằng, hiếu thảo với cha mẹ có nghĩa là người đó có thể tự làm việc nuôi sống bản thân, tự khẳng định việc qua thăng tiến trong nghề nghiệp, tự chứng minh khả năng cạnh tranh của mình trong xã hội là cách đền đáp cho cha mẹ thiết thực nhất. Theo Văn thì để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh trong công việc hiện nay, lớp trẻ phải không ngừng đầu tư cho việc trang bị kiến thức. Văn đặt vấn đề: “ Nếu tôi không đủ tiền để học thêm các khoá ngoại ngữ, marketing, vi tính, mua sắm các trang thiết bị cho cá nhân – mục đích cũng chỉ phục vụ cho công việc (như điện thoại di động, máy tính, máy ảnh) – rồi thua sút bạn bè, bị đào thải khỏi “sân chơi” thì cha mẹ có vui không?”. Chính vì thế mà theo Văn, không thể đo trách nhiệm đối với cha mẹ bằng việc đưa tiền phụ giúp gia đình mỗi tháng.

Cho bản thân là trên hết

Mỹ An, 20 tuổi làm nghề trang điểm cô dâu có mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Nhưng từ lúc đi làm đến nay, An chưa hề đưa về cho mẹ tháng lương nào ngoài món quà tặng là chiếc áo dài lúc An nhận tháng lương đầu tiên. Bản thân An sống rất tiết kiệm và mọi khoản kiếm được cô để dành theo học trang điểm và thiết kế thời trang ở Úc. An nói: “Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải làm được điều mình ưa thích mà không phiền đến cha mẹ. Khi bản thân tôi tự đạt được mong ước và trên hết là có thể sống tốt và đi lên với nghề nghiệp của mình thì chắc chắn cha mẹ tôi sẽ thích hơn là mỗi tháng tôi đưa tiền chợ cho mẹ”.

Có nhiều người cho rằng không lấy tiền cha mẹ là tốt lắm rồi, trách nhiệm với gia đình không nhất thiết là phải góp tiền hàng tháng… không chỉ có ở những gia đình khá giả, cha mẹ có của ăn của để, không đặt vấn đề tiền bạc thành gánh nặng. Nhưng thực tế những suy nghĩ này có thể gặp ở cả những gia đình có mức thu nhập khá lẫn sống theo kiểu ăn đong từng bữa. Chẳng hạn như bạn Huỳnh Thanh Tùng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng marketing chỉ tính toán đến việc đi làm thêm kiếm tiền để mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân, thậm chí gầy dựng tương lai sau này mà chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ phải đi làm kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ dù Tùng luôn được người thân đánh giá là ngoan ngoãn và biết suy nghĩ.

Ðúng hay sai?

Bà Ngọc Mỹ luôn than thở với hàng xóm về cậu con vô trách nhiệm. Theo bà, dù con trai làm giám đốc một công ty lớn, đi xe hơi hàng ngày, chăm lo khá tốt đời sống cho gần 300 công nhân nhưng chẳng thèm đưa về cho cha mẹ đồng nào đã làm cho bà thất vọng. Trong khi đó, anh Ngọc Quang, con trai bà lại có suy nghĩ khác: “Ba má tôi nội cái việc cho thuê nhà mặt tiền, ngoài chi dùng hàng ngày, ông bà còn có thể đi du lịch nước ngoài hàng năm, do vậy tôi cảm thấy việc mình thành đạt và được nhiều người yêu mến tin tưởng sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn. Theo anh, chính sự thành công của con cái mới là món quà xứng đáng để đền công dưỡng dục sinh thành chứ không phải là một ít tiền hàng tháng. Chính sự khác nhau trong suy nghĩ này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng, có lúc bà Mỹ đã giận không thèm nói chuyện với anh gần một năm. Bà Mỹ luôn cho rằng: con đem tiền bạc về biếu cha mẹ chi tiêu hàng tháng là trách nhiệm, cho dù bà có nhiều tiền đến đâu chăng nữa thì con cái phải thực hiện nghĩa vụ này. Còn tiền của bà dư nhiều thì sau này cũng để lại cho con cái mà thôi.

Bà Sáu, mẹ của Mỹ An cũng vậy, khi con gái đi làm không đưa tiền chi tiêu hàng tháng, bà rất buồn nhưng không nói ra. Bản thân bà cũng biết Mỹ An đang dành dụm để đi du học. Bà nói: “Thấy con tự biết dành dụm để phấn đấu cho tương lai là rất tốt, nhưng đôi lúc tôi vẫn cảm thấy buồn”. Thương con, hiểu ý nghĩa của con làm nhưng bà vẫn muốn gia đình theo thói quen từ xưa đến nay: con lớn đi làm hàng tháng góp tiền cho cha mẹ.

Ngọc Thy, quản lý nhãn hiệu của một công ty khá bề thế luôn coi việc con cái trưởng thành, dù đã lập gia đình ra ở riêng hay còn độc thân sống chung với cha mẹ thì việc góp chi phí là bắt buộc. Bởi theo Ngọc Thy, sống cùng một nhà nếu ai cũng không góp tiền cho sinh hoạt chung không lẽ để cha mẹ già lo mãi. Ðồng tình với quan điểm của Thy, anh Minh Hiếu cho biết: “Cha mẹ thương con có thể hy sinh mà không đòi hỏi con cái phải có trách nhiệm lại với mình nhưng không vì thế mà con cái ỷ lại lơ là trách nhiệm với gia đình. Bởi theo tôi hễ là con người sống là phải có trách nhiệm, trách nhiệm đối với gia đình và đối với xã hội”.

Minh Thành

Anh hứa em mới 19, giờ 30 em vẫn đợi…

“Anh yêu em lắm, thực sự rất yêu em, cán bộ của anh ạ…gắng đợi anh 6 năm nữa, anh về sẽ cưới em”. Tôi – khi nghe những lời anh nói đó đang 19 tuổi, giờ tôi đã 30… đã không còn tin những lời nói kiểu lãng mạn nửa vời ấy nữa nhưng chẳng hiểu sao khi nhớ lại vẫn thấy nhói lòng…

 

Lời hứa - Ảnh minh họa
Lời hứa – Ảnh minh họa

Tôi đã có một tình yêu lãng mạn, tình yêu duy nhất cho đến giờ phút này và giờ tôi vĩnh viễn hiểu tình yêu đó mãi là nỗi đau đã vượt ra xa tầm tay như cánh diều gặp gió lang thang ở chân trời vô định.

Ngày đó, anh là một sinh viên đại học, dáng người cao ráo và là một sinh viên ưu tú nổi tiếng của trường. Tôi mặc dù là học sinh một trường Trung cấp nhưng về nhan sắc tôi cũng thuộc hàng top của trường và học tập cũng vào loại khá của lớp. Trong một buổi giao lưu của thanh niên tình nguyện hè tôi và anh gặp nhau. Cả 2 đều có chút ấn tượng đặc biệt nên chúng tôi nhanh chóng trở thành tâm đầu ý hợp và thường xuyên liên lạc sau ngày đó. Mối tình của chúng tôi bắt đầu sau hơn 3 tháng. Sự đồng điệu, sẻ chia đã kéo chúng tôi lại gần nhau và từ ngày yêu anh tôi luôn được bao bọc bởi một tình yêu màu hồng với những lời yêu thương, sự quan tâm anh dành cho tôi.

 

Năm đó thi tốt nghiệp xong, bố mẹ đã xin cho tôi về quê làm tại một cơ quan nhà nước. Vì thương và không muốn phụ lòng bố mẹ và vì được anh động viên nên sau một thời gian suy nghĩ tôi đành quyết định gác ước mơ học liên thông lên Đại học để về quê làm việc. Tôi về quê với tâm trạng lưu luyến nhớ thương anh quay quắt, nhưng anh đã làm cho tôi tin là anh sẽ luôn ở bên tôi dù tôi ở nơi đâu, hãy cố gắng đợi anh ra trường lúc đó anh sẽ mang tôi về bên anh. Tôi đã tin anh và sống bằng niềm tin đó cho đến một hôm tôi nhận được email của anh: ”Anh đã bảo lưu kết quả học tập của mình tại trường và đi Campuchia làm kinh tế”.

 

Tôi ngạc nhiên vô cùng, quen anh từng ấy năm, tôi chưa từng thấy anh có biểu hiện gì của một sinh viên nghèo. Bố mẹ anh thường lên thăm anh, họ đều là những cán bộ nhà nước và anh đi Campuchia làm gì? Mà lại còn làm kinh tế nữa…

Tôi đã nhắn cho anh biết bao nhiêu tin nhắn từ tin nhắn ân cần thăm hỏi đến những tin giận hờn, trách móc, anh vẫn không hề nhắn lại. Cho đến tận 2 tháng sau tôi mới được biết tin về anh từ một người bạn là anh đã sang Campuchia, anh làm cho một quán bar bên đó và một thời gian nữa anh sẽ trở về thăm tôi. Tôi thấp thỏm chờ đợi trong nhớ thương. Thực sự thời gian đó giờ nhớ lại tôi vẫn thấy sợ, cảm giác yêu thương, lo lắng chồng chất khi mất tin người vô cùng thương yêu suốt hơn 2 tháng liền. Và anh về, mà về tận nhà tôi, anh đã mua cho tôi rất nhiều thứ tôi thích, trông anh già và đen đi nhiều nhưng phong trần hơn trước, không còn vẻ thư sinh nho nhã như trước.

– Anh cần phải kiếm nhiều tiền, thật nhiều, học hành chẳng đi đến đâu, tiền là thứ quyết định tất cả…
– Anh yêu em lắm, thực sự rất yêu em, cán bộ của anh ạ…gắng đợi anh 6 năm nữa, anh về sẽ cưới em!

Anh đã nói với tôi như thế sau khi đặt nụ hôn lên trán tôi và bước lên xe. Tôi đứng nhìn theo chiếc xe lăn bánh rời xa đưa anh đi khỏi đời tôi mãi mãi.

3 năm trôi qua, 3 năm thấp thỏm chờ đợi, tôi sống khép mình và buồn bã, không giao du và ít nói hẳn. Bố mẹ sốt ruột tìm người mai mối cho tôi nhưng tôi đều khước từ. Lời nói của anh năm nào vẫn vang vọng bên tai.

– Anh ấy liên quan trong một vụ vận chuyển hàng cấm ở biên giới, bị kết án 36 tháng…. Tôi nghe tin từ bạn anh nói, im lặng với nỗi đau của mình, cứ sống, cứ đợi và chẳng bao giờ nguôi được nỗi đau.

Điều tôi tự hỏi nhiều nhất đó là: Tại sao anh lại phải đánh đổi sự nghiệp học hành, đánh đổi cả tình yêu để sống chết về tiền như thế? Câu hỏi ấy mãi trong lòng tôi, cho đến tận bây giờ cũng không có lời giải đáp.

Giờ tôi đã 30 tuổi, tôi vẫn chưa lập gia đình, đã đợi anh 10 năm và chẳng biết sẽ đợi đến khi nào. Tôi không liên lạc được với anh từ sau lần đưa anh lên xe đó, tôi hoàn toàn mất tin tức về anh suốt 10 năm rồi. Chẳng biết giờ anh như thế nào? Có còn nhớ tới lời hứa hẹn năm nào với tôi không? Ước gì thời gian quay trở lại…

HV

Người thuê chung nhà

Em lập gia đình gần ba năm, có bé gái một tuổi. Vợ chồng em ở nhà thuê, tới tháng chồng em đưa ít tiền, trả tiền nhà xong thì không đủ tiền mua sữa cho con. Anh nói, còn phải giúp đỡ gia đình.

 Em sống với chồng mà có cảm giác như hai người ở trọ trả chung tiền nhà, ngoài ra không còn chút gì gọi là chia sẻ. Em muốn tâm sự để vợ chồng hiểu nhau, nhưng chỉ mình em nói, anh không trả lời. Nói căng thì anh dắt xe bỏ đi. Khi em có thai, bị động thai, lại bị cao huyết áp thai kỳ, anh không hề quan tâm, lo lắng. Chỉ khi về nhà nội thì anh trở nên khác hẳn: vui vẻ, hào phóng, cho tiền người này người nọ. Tiền lương tháng của anh cũng đem về gửi mẹ. Lúc trước chưa có con, lương mình em cũng đủ sống, giờ có thêm bé, em phải một mình vừa chăm con vừa đi làm. Đã vậy, má chồng còn xét nét đủ thứ, tháng nào lên thăm cháu cũng gom món này món kia đem về, còn nói em ăn xài phung phí. Em chẳng biết mình còn cơ hội để cứu vãn gia đình không, nhiều khi mệt mỏi quá em nghĩ ly hôn cho xong, lấy chồng như vậy cũng chẳng được thêm cái gì ngoài nỗi mệt mỏi chịu đựng.

Thanh Thảo (TP.HCM)

Hôn nhân gia đình người thuê chung nhà - Ảnh minh họa
Hôn nhân gia đình người thuê chung nhà – Ảnh minh họa

Vợ chồng có thể ở nhà thuê, nhưng không thể chỉ là những người thuê chung nhà. Trách nhiệm gia đình không phải ở chỗ trả tiền nhà là xong. Em không nói rõ chồng em giúp đỡ gia đình bên nội như thế nào. Nếu tiền lương hằng tháng đem hết về gửi mẹ, vợ con thiếu hụt anh ta không cần biết đến, khi em cần tiền hỏi cũng không có đồng nào, thì không ổn. Nhưng, nếu chồng em có dự định riêng chưa nói với em, gửi mẹ để dành tiền mua nhà mua đất, thì cũng nên nghĩ lại. Vợ chồng em không thể cứ ở nhà thuê mãi, nên cũng cần tiết kiệm dành dụm. Chỉ có điều, cả hai vợ chồng phải thống nhất với nhau cách chi tiêu, để dành.

Em nên nói chuyện với chồng về khó khăn của mình, lập sổ chi tiêu rõ ràng để chồng thấy em không phung phí. Cứ nhỏ nhẹ bền bỉ mà nói chuyện, không cần phải “căng” làm gì, sử dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”. Những lần bà nội lên chơi, em cũng nên tâm sự với bà những chuyện đó, đừng khư khư giữ kín trong lòng. Lấy nhau ba năm, em cần nắm rõ chồng em làm ra mỗi tháng bao nhiêu, đưa tiền cho em xong thì còn lại bao nhiêu, tiêu xài thế nào. Những khoản chi lớn trong nhà: tiền gửi con, tiền mua sữa, em thử “huy động vốn” của chồng xem sao. Đừng căng thẳng hạch hỏi, hãy sử dụng “sức mạnh cá nhân” của mình, em sẽ thấy kết quả không đến nỗi tệ!

Đọc thư em nghe như mọi chuyện đều có “hơi tiền”, Hạnh Dung hiểu em đang bị căng thẳng về tiền bạc. Hãy thử thoải mái một chút, bớt càm ràm chuyện tiền bạc, thay vào đó, hãy tìm hiểu vì sao khi anh về nhà nội lại “vui vẻ, hào phóng”, rồi từ đó tìm cách để anh cũng vui vẻ hào phóng với mẹ con em ở nhà. Ly hôn hay không là do tình yêu của vợ chồng em còn hay hết, chứ đừng vì lý do kinh tế khó khăn. Thời điểm này, em hãy cố gắng làm hết sức mình đã, hãy đặt mục tiêu cải thiện chất lượng sống của gia đình. Chúc em thành công và hạnh phúc.

Làng “khát” bên đập Vó Đại

(Dân trí) – Nhiều năm qua, hàng trăm người dân thôn Mỹ Lợi, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) phải sống trong cảnh “khát” nước sinh hoạt và sản suất. Kinh tế của người dân bị kìm hãm cũng vì cảnh thiếu nước. Continue reading Làng “khát” bên đập Vó Đại