Tag Archives: bữa ăn

Cơm gia đình: mỗi nhà một kiểu

Bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên luôn được xem là biểu tượng của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng hiện nay, càng ngày, những bữa cơm gia đình càng có vẻ như hiếm đi dưới áp lực của công việc và sự vắng mặt của ai đó trong gia đình…

Cơm gia đình và suy nghĩ của trẻ con

Quang Minh, học sinh lớp 4 trường tiểu học Lê Hoàn, Gò Vấp cho biết hiếm khi nào gia đình em có bữa cơm chung vì buổi tối hai chị em của Minh phải học bài nên được ăn cơm sớm. Mẹ của Minh bữa thì phải đi học thêm, bữa làm ngoài giờ, ba thì hay đi chơi với mấy chú cùng cơ quan hay bàn việc làm ăn nên ít khi nào về nhà trước 9 giờ tối. Bởi các thành viên trong gia đình đều “bận rộn” như thế nên hiếm hoi lắm gia đình Minh mới có bữa cơm chung. Minh cũng rất muốn có ba mẹ ngồi ăn cơm chung như nhiều bạn học cùng lớp nhưng “nếu có ăn chung thì ba mẹ lại hay bàn chuyện làm ăn, chuyện cơ quan chứ ít khi nói chuyện với tụi em”. Minh kể mỗi khi em thắc mắc hay muốn kể chuyện gì đó, ba mẹ lại thường gạt đi “con ăn cơm lẹ đi rồi còn đi học, để ba mẹ bàn chuyện làm ăn”.

Ngọc Bảo, học sinh lớp 4 cho biết mẹ em buôn bán ngoài chợ, nhưng chỉ làm buổi sáng, còn ba chạy tắc xi ban ngày nên cả gia đình cũng thường hay ăn tối cùng nhau “nhưng cả nhà vừa ăn vừa xem ti vi, không thì chuyển sang coi phim hay đọc truyện, xem báo…”. Những câu chuyện trong bữa ăn của gia đình Bảo thường chỉ là bàn về nội dung hay chi tiết của các nhân vật trong bộ phim đang theo dõi hay các vấn đề thời sự đăng tải trên báo. Cũng có khi cả mấy anh em dắt nhau ra ngõ chơi, khi nào đói bụng mới về ăn tối, mẹ Bảo cũng không la mắng. Với gia đình Bảo, bữa cơm tối chỉ là dịp tình cờ “rảnh thì ngồi ăn chung” chứ không mấy quan trọng.

Còn Mai Khanh, cựu sinh viên khoa tài chính doanh nghiệp Ðại học Kinh tế cho biết với gia đình cô bữa cơm tối cuối tuần mới có mặt đầy đủ mọi người, còn những ngày khác thì thường chỉ có ba mẹ Khanh ngồi ăn với nhau. “Không riêng gì tôi mà các anh chị em trong nhà đều cảm thấy mất tự nhiên, không thoải mái khi phải ngồi ăn chung với… ba. Nói ra thì kỳ nhưng do ba tôi khó tính quá, không một bữa ăn nào là ông không càu nhàu hay chê bai chuyện này, chuyện kia nên dần dà ai cũng ngán ngẩm”. Khi chị em cô còn nhỏ, ba của Khanh thường sử dụng thời gian của bữa cơm gia đình với nhiều mục đích khác nhau: khi thì thuyết giảng hết chuyện này đến chuyện kia, từ chuyện ăn mặc, đi đứng đến chuyện chọn bạn để chơi, tiêu xài… mà chỉ toàn “độc thoại”, khi thì lại so sánh chị em Khanh với con của ông A., bà B. nào đó… nên càng ngày Khanh càng dị ứng và ngán ngẩm với bữa cơm đình. Lớn lên, lấy cớ là bận học, bận làm… chị em Khanh thường hay thoái thác các bữa ăn có ba mẹ “bữa nào tránh được thì tránh, còn không thì ăn thật nhanh rồi đứng lên đi, ngay cả ăn cũng bị ép buộc, có cảm giác không thoải mái thì khổ lắm”.

Người lớn: bữa cơm chung vẫn quan trọng

Chị Mỹ Hạnh đặt vấn đề: Tại sao cứ phải có bữa cơm gia đình, có nhất thiết mọi người cùng ngồi ăn chung không trong khi ai cũng có thời khoá biểu riêng, sở thích riêng, theo tôi mạnh ai nấy ăn là tốt nhất. Nhà chị có 5 người – hai vợ chồng và hai con trai, một đang học lớp 9, một lớp 5 và chị giúp việc. Chồng chị là thầu xây dựng nên thời gian làm việc không theo giờ giấc nhất định, chị hùn hạp với bạn bè mở shop bán quần áo sáng đi tối về, cậu con trai sáng đến lớp, chiều học thêm các môn cơ bản, tối rèn Anh văn. Ðể tiện phục vụ cho người nào việc nấy nên chị giúp việc cứ đến bữa thì nấu, ai về giờ nào ăn giờ đó, hiếm khi gia đình chị có bữa cơm chung. Chị lập luận: “Lúc đầu gia đình tôi cũng có bữa cơm chung nhưng hễ cứ đến giờ cơm là ông xã tôi đem chuyện thằng con lớn học “không bằng ai” ra la, tôi can thì ổng kêu bênh con làm nó hư. Riết rồi thôi luôn. Ðến giờ tôi đành chấp nhận mạnh ai nấy ăn để mọi người được vui vẻ còn hơn tụ họp lại rồi chì chiết, gây gổ nhau thêm mất tình cảm”. Tuy là nói như vậy nhưng chị vẫn mong muốn có một bữa cơm gia đình theo đúng nghĩa của nó.

Khác với chị Hạnh, anh Minh Tiến, hiện đang là kỹ sư tại một công ty xây dựng ở quận 10 cho biết, do tính chất công việc nên anh thường hay đi sớm, về muộn. Thế nhưng nếu không đi công tác xa, mỗi tuần gia đình anh phải có ít nhất hai bữa cơm chung. Thời gian không ấn định vào ngày nào, giờ nào – có thể là bữa ăn sáng, cũng có thể là bữa tối cuối tuần. Anh Tiến quan niệm bữa cơm gia đình rất quan trọng vì nó làm cho các thành viên trong nhà gần gũi và hiểu về nhau hơn. “Tôi học được điều này từ ba má tôi. Ngày còn nhỏ, đi đâu thì thôi chứ nếu có mặt ở nhà là tất cả các anh em chúng tôi đều không ai được phép vắng mặt hay bê trễ giờ cơm. Trong bữa ăn, ba má tôi thường hỏi han con cái về chuyện bạn bè, trường lớp hay học hành… Nói chung là những chuyện nhẹ nhàng và không gây nhức đầu, chán nản”.

Chị Thu Thảo, nhân viên phòng xuất nhập khẩu của một công ty tại Thủ Ðức cho biết chị cũng rất coi trọng bữa ăn gia đình, dù cả hai vợ chồng đều bận rộn với hết công việc ở cơ quan đến việc làm ăn riêng với bạn bè. “Nhưng dù gì thì mỗi tuần cũng phải về nhà ăn cơm với con vài ba bữa, để chúng biết được ba mẹ có quan tâm đến chúng. Hơn nữa đó là thời gian mình tranh thủ để tìm hiểu con cái xem chúng đang nghĩ gì, làm gì để có cách giải quyết thích hợp”. Gia đình chị Thảo cũng có một nguyên tắc là “không bàn chuyện làm ăn, không la mắng con cái vì bữa ăn là thời gian chung của cả gia đình”.

Ðể duy trì được một bữa cơm gia đình vui vẻ, ông Minh chủ nhà của một đại gia đình đông đúc (tính cả con cháu, dâu rể đến 15 người) đưa ra quy luật: đúng 7 giờ mỗi buổi chiều, mọi người phải tề tựu bên bàn ăn, trong giờ cơm không được nói đến công việc, học hành, những sai phạm của lũ nhỏ – những việc này nếu có là phải sau bữa ăn. Vì thế trong giờ cơm mọi người có thể kể những câu chuyện vui mà họ nghe được, thấy được trong cơ quan hay lớp học… Ông Minh thú nhận: “Tôi phải mất nhiều năm mới gầy dựng được bửa cơm gia đình như thế”.

Tuy mỗi gia đình có cách tổ chức bữa cơm gia đình khác nhau nhưng đều thống nhất rằng: bữa cơm gia đình là quan trọng, nó không chỉ là chất keo kết dính mọi người với nhau mà còn ảnh hưởng đến cách cư xử, nề nếp sống của các thành viên trong gia đình sau này.

Thục Quyên

Phòng the lạnh ngắt vì bão giá

Anh Thắng than thở: “Đêm đến, muốn gần gũi vợ một tí mà nàng cứ tỉ tê: ra Tết, cái gì cũng tăng giá. Xăng tăng rồi, ít hôm nữa lại là điện, tỷ giá ngân hàng thì biến động, lãi suất cao, nợ ngập đầu…”. Continue reading Phòng the lạnh ngắt vì bão giá

Con hạnh phúc vì tình yêu thương vô bờ bến của mẹ

Mẹ hy sinh cả tuổi trẻ, sức lực tâm huyết cho người mẹ gọi là chồng, là con. Mẹ mình làm tất cả những gì có thể để lo cho gia đình, từ công việc bán ve chai, đồng áng, đồng nát nhưng mẹ mình hiền từ, chưa bao giờ mình thấy mẹ đành hanh với ai bao giờ.>Hạnh phúc vì được là con của mẹ Continue reading Con hạnh phúc vì tình yêu thương vô bờ bến của mẹ