Tag Archives: gia đình

Chọn gia đình hay sự nghiệp?

Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ đôi khi phải đứng trước sự chọn lựa: gia đình hay sự nghiệp. Và sự chọn lựa nào cũng có cái giá phải trả dù nhiều hay ít.

1. Trước kia vì hoàn cảnh gia đình, chị Bích Ngọc học hết cấp 3 rồi phải đi làm để phụ giúp gia đình. Anh Minh, chồng chị làm công nhân trong xưởng mộc, văn hoá chỉ tới cấp 2. Ðược cơ quan khuyến khích, chị thi vào đại học khi đứa con thứ ba tròn 5 tuổi.

Trong thời gian vừa học vừa làm, chị được sự giúp đỡ nhiệt tình của chồng vì theo anh “con cái ngày càng lớn, cha mẹ cần phải có văn hoá kha khá mới dạy được con”. Tưởng như thế là đã đủ cho một gia đình hạnh phúc, thế nhưng một năm sau ngày tốt nghiệp đại học, chị quyết định ra nước ngoài học lấy bằng cao hơn để “cống hiến được nhiều hơn cho xã hội”. Ngày tiễn vợ lên đường, anh Minh thở dài ngao ngán. Không phải anh là người ích kỷ nhưng theo anh, người phụ nữ dù giỏi giang đến đâu, dù có làm bà này bà nọ ngoài xã hội vẫn phải xem gia đình là trọng khi hai đứa con đang tuổi mới lớn rất cần bàn tay chăm sóc giáo dục của người mẹ.

Vì cha mẹ hai bên đều còn ở quê, thế nên anh vừa phải đi làm kiếm tiền vừa kiêm luôn việc dạy dỗ ba đứa trẻ. Anh nói: “Cực khổ vì mưu sinh tôi không ngại nhưng để dạy bọn trẻ nên người, theo tôi đó mới là chuyện “đại sự”. Tôi học ít, lo quần quật kiếm tiền, thời gian đâu có nhiều để theo sát mấy đứa nhỏ, nhất là hai đứa con gái đầu lòng. Ở tuổi này chuyện riêng tư gì nó đâu có nói với tôi”.

Hơn hai năm xa gia đình, ngày trở về cũng là ngày chị biết một sự thật đau lòng: hai đứa con gái bỏ học theo đám bạn ăn chơi lêu lổng, thằng con trai thì cứ hai năm một lớp. Chị trách móc anh không biết dạy dỗ con cái nên người, anh bảo hậu quả này do chị gây ra bởi chị chỉ nghĩ đến sự thành đạt của mình mà lơ là trách nhiệm làm mẹ. Không ai chịu ai, hai vợ chồng cãi nhau suốt ngày. Cuối cùng anh đành khăn gói ra đi bởi không “đấu lại trình độ lý luận sắc bén của vợ”, điều này đồng nghĩa với chuyện con cái không ra gì là tại anh.

2. Chị Thu Ba là người không nhanh nhẹn cũng không thông minh, nhưng cái cần mẫn, chăm chỉ đã giúp chị vượt qua 4 năm đại học một cách dễ dàng.

Trở về nhiệm sở cũ công tác thêm hai năm, chị được cơ quan ưu ái cho cái học bổng ở Thái Lan. Nhiều người trong cơ quan bàn tán, đa phần là phản đối. Không phải vì họ ghen tỵ mà vì chị “không có năng lực, học làm chi cho tốn tiền, phí thời gian” và “hai vợ chồng đang lục đục, chị cần ở nhà để củng cố tình cảm chứ đi vài năm e mất chồng”… Với mong muốn bằng chị bằng em, Thu Ba gạt bỏ mọi trở ngại quyết tâm lên đường du học.

Ðối với người ta, thời gian học hành ở xứ người cực một, còn chị phải cực tới… hai lần. Bởi vốn liếng tiếng Anh không khá, lên giảng đường nghe tiếng được tiếng mất. Ðể khắc phục, chị phải thu băng tất cả lời giảng của giáo viên, tối rã băng nghe lại, phải tra tự điển từng từ, ráp nối câu cú. Dù cố gắng cách mấy thì cũng câu được câu mất. Ðã thế lớp học không có người Việt nào cả, vì thế việc trao đổi thông tin bài vở với nhau cũng hạn chế. Ðêm nào cũng vậy chị thức đến 3 – 4 giờ sáng, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Ðầu óc chị lúc nào cũng chỉ có một chữ học. Nó ám ảnh đến nỗi năm học thứ nhất vừa chấm dứt thì chị mắc luôn chứng bệnh tâm thần nhẹ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn trong 6 tháng.

Tiếc công “gieo hạt gần tới ngày gặt hái”, chị vẫn tiếp tục học bất chấp lời khuyên của bác sĩ. Lần này còn dữ dội hơn bởi phải hoàn thành bài luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Căng thẳng quá, thế là chị “bứt” luôn, trở nên người ngớ ngẩn phải bỏ ngang việc học về nước. Ở nhà, chồng chị đã có người phụ nữ khác. Mất chồng, việc làm cũng chẳng còn, chị phải về sống nương tựa vào ba má và mấy đứa em.

 

3. Khi con trai Minh Nhật được 6 tháng tuổi, hai vợ chồng chị Ánh Hồng gửi con cho ông bà nội để lên đường du học, anh học tại Mỹ còn chị làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Bốn năm ở nước ngoài, hai lần về phép thăm gia đình vỏn vẹn 30 ngày. Ra trường, chồng chị trở về nước nhận công tác còn chị nhận lời mời cộng tác với một công ty tầm cỡ quốc tế bên đó ba năm. Thời gian xa cách đủ để chồng chị có vợ khác. Ðứa con trai sau bao nhiêu năm thiếu thốn tình mẫu tử nay được bù đắp từ bà mẹ kế.

Vì vậy khi chị trở về, đứa bé không gọi chị bằng mẹ, mà cái từ thiêng liêng này nó dành cho bà mẹ kế, người đã thương yêu chăm sóc nó trong những năm qua. Rất đau khổ nhưng chị không nỡ tách con mình ra khỏi cái nôi hạnh phúc mà nó đang hưởng.

4. Bạn tôi tháng trước nhận được học bổng nghiên cứu sinh ở Mỹ, chị đã mạnh dạn từ chối. Bởi theo chị, kiến thức có thể đến bằng nhiều con đường một khi mình có chí cầu tiến. Vả lại chị đang có hai cô con gái đang tuổi mới lớn cần có mẹ ở kế bên chăm sóc dạy dỗ. Không chút băn khoăn tiếc nuối về quyết định này, chị cho biết: “Mặc dù vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong xã hội, nhưng vai trò “nội tướng” vẫn được coi là nghĩa vụ quan trọng nhất của người phụ nữ. Vì vậy một khi mình thấy không thể chu toàn cả công việc xã hội lẫn gia đình một cách tốt nhất, là người phụ nữ, mình chấp nhận hy sinh cho gia đình.

Quyết định trên của chị bạn tôi chưa chắc đúng nhưng cũng có thể giúp bạn tham khảo, cân nhắc trước khi chọn lựa: sự nghiệp hay gia đình?

Ý HẢO

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được đổi

10 năm chồng xa nhà, tôi vẫn không ngoại tình

Tôi và anh lấy nhau đến bây giờ đã được 10 năm. Thời gian đó, gần như số lần chúng tôi gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, tuy vậy, tôi vẫn yêu thương anh như ngày đầu, vẫn chung thủy chờ đợi anh.

10 năm chồng xa nhà, tôi vẫn không ngoại tình
Anh về thăm con được đúng dịp Tết thì lại phải đi, con chưa kịp nhớ mặt bố. Bố con nhớ nhau, anh cũng yêu quý và thích bế bồng con lắm. (ảnh minh họa)

 

Ngày lấy nhau, tôi biết anh phải ra nước ngoài lao động. Vì gia đình không giàu có gì nên anh đã cố gắng hết sức, xin ở lại được năm nào thì tốt năm đó. Nhưng vì tương lai, vì chuyện con cái, ngay từ khi bắt đầu đi, anh đã yêu tôi. Biết anh sẽ đi như vậy nhưng tôi vẫn cố gắng kiên trì vì tôi yêu anh. Chúng tôi cưới nhau ngay sau đó. Và cũng sau ngày cưới được khoảng 2 tháng thì anh phải đi lao động.

 

Gia đình anh đã cố gắng kiếm tiền chạy chọt, lo lắng cho anh có được một công việc. Chỉ cần anh sang đó, cố gắng kiên trì thì bố mẹ sẽ không khổ. Vì tiền lương lao động cũng được, không tiêu pha gì, tính chuyện tiết kiệm thì anh cũng lo cho được cả gia đình sống cuộc sống sung túc.

 

Thế là anh đi, tôi ở lại làm con dâu, và chuẩn bị làm mẹ. Vì khi đó thật may, tôi đã có bầu. Chúng tôi chia tay nhau trong nước mắt vì có điều kiện thì 1 năm anh mới về một lần, không thì 2 năm, thậm chí là vài năm. Tôi cũng buồn lắm nhưng vì tương lai của vợ chồng, của con cái, anh phải cố gắng. Bản thân người vợ như tôi không làm được nhiều việc giúp chồng, tôi chỉ còn cách ở nhà làm vặt rồi phụ giúp bố mẹ chồng, chăm sóc bố mẹ và con là anh yên tâm rồi.

 

Những ngày mới đi, khi nào anh cũng gọi về cho tôi.  Nhưng lâu dần, cũng vì công việc bận rộn với lại thời gian trôi đi lâu quá, anh cũng gọi thưa dần. Hàng tháng, anh gửi tiền về cho tôi và bố mẹ anh tiêu pha, tiết kiệm xây nhà xây cửa.

 

Được 3 năm anh đi, anh về được một lần và cũng mang kha khá tiền về. Chúng tôi tích cóp nên xây được căn nhà khá khang trang. Tôi lấy làm mừng lắm, bố mẹ chồng tôi cũng rất vui vì con có chí làm ăn.

 

Anh về thăm con được đúng dịp Tết thì lại phải đi, con chưa kịp nhớ mặt bố. Bố con nhớ nhau, anh cũng yêu quý và thích bế bồng con lắm. Anh nói tôi cố gắng ở nhà kiên trì đợi anh về, anh sẽ bù đắp cho tôi. Có lẽ anh thương tôi vất vả, nhưng so với anh thì xá gì, anh còn vất vả gấp trăm lần tôi chứ. Anh ra nước ngoài không người thân, không nơi nương tựa, cứ một mình bươn trải vì bố mẹ và vợ con, thật sự tôi rất tự hào vì anh.

 

Anh cứ đi như thế, ai cũng bảo tôi khổ vì chồng xa nhà, có chồng cũng như không. Nhiều người nhìn tôi xinh ra, vì có tiền của chồng gửi về cho sắm sửa, họ bàn tán xì xào. Người ghen ăn tức ở còn nói nói nọ về tôi, tôi chán nản lắm. Nhưng tôi  mặc kệ những lời đàm tiếu. Có mua sắm, có ăn diện tí thì làm sao, vì chồng cũng đâu cấm tôi làm chuyện đó. Chẳng lẽ cứ ăn mặc lôi thôi bôi nhếch thì mới là người vợ chung thủy sao?

 

Suốt thời gian anh đi cho tới nay đã 10 năm rồi, mà anh mới chỉ về được 7 lần. Bố mẹ tôi không phàn nàn gì về tôi cả, cả nhà yêu thương nhau. Bố mẹ chồng rất thương tôi vì họ biết tôi thế nào, biết tôi có thực sự chung thủy với chồng tôi không.

10 năm chồng xa nhà, tôi vẫn không ngoại tình
Anh cứ đi như thế, ai cũng bảo tôi khổ vì chồng xa nhà, có chồng cũng như không. Nhiều người nhìn tôi xinh ra, vì có tiền của chồng gửi về cho sắm sửa, họ bàn tán xì xào.
(ảnh minh họa)

 

Tôi chưa làm gì sai, cũng không bao giờ nghĩ mình đã làm gì có lỗi với nhà chồng. Nên tôi sống rất thoải mái và chờ chồng về. Chồng tôi đi xa nhưng anh đã cố gắng xây nhà, xây cửa, lo cho con cái, lo cho bố mẹ và giúp tôi có cuộc sống khá giả hơn. Trước đây tôi nghèo người ta coi thường tôi, khi tôi có tí thì người ta lại ghen ăn tức ở. Họ còn bảo chồng tôi đi 10 năm như thế, có vợ nào chịu được, không ngoại tình mới là lạ. Tôi mới thấy họ lạ, vì tại sao cứ nghĩ chồng đi xa thì vợ phải ngoại tình, sao cứ nghĩ không có người vợ nào thủy chung để chờ chồng 5 năm, 10 năm. Có phải là con người ta đã quá bi quan vào tình yêu, vào cuộc sống hôn nhân hay không.

 

Sống phải có niềm tin, phải có tình có nghĩa. Chồng tôi đã hi sinh tuổi trẻ, vì tôi như vậy, cớ gì tôi lại phản lại chồng, lại khiến chồng buồn lòng? Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ngoại tình. Tôi yêu anh và có với anh một đứa con, bố mẹ anh cũng tốt với tôi. Vậy tôi chỉ có trách nhiệm yêu thương và chờ đợi anh, chăm sóc gia đình anh và con của chúng tôi. 10 năm đó, tôi nào có ngoại tình, sao lại cứ nghi ngờ những người phụ nữ như chúng tôi?

Thanh Loan (Khampha.vn)

Nỗi đau âm ỉ khi bị xâm hại tình dục năm 10 tuổi

Đêm về, để chìm vào giấc ngủ đối với tôi là điều không dễ dàng, sáng thức dậy gối ướt, mắt sưng là chuyện bình thường. Đến bao giờ tôi quên được nỗi dằn vặt hàng đêm khi nghĩ đến thân xác mình bị xâm hại bởi gã đàn ông hung bạo?

Tôi năm nay 24 tuổi, có bạn trai gần 5 năm, gia đình tôi không được hạnh phúc vì luôn gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, sự khó khăn đó đã bắt nguồn từ nhiều năm trước. Gia đình rời quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp khi tôi vừa bi bô tập nói, cả nhà phải ở nhờ, làm thuê cho một người bà con của ba. Cuộc sống vất vả nhưng tôi thấy vui vì được ở một vùng đất mới, không lũ lụt như ở quê nhà.

8 tuổi, người cô trong họ hàng ba bán cho mảnh đất giá 25 triệu nhưng không làm giấy tờ với lý do cho trả góp khi nào trả hết nợ làm giấy tờ sau. Nhà tôi tin cô như chính chị ruột của mình, cũng vì nhà cô là gia đình cách mạng được nhiều người biết và tôn trọng, đặc biệt là ba. Chưa bao giờ ba có ý định thúc giục cô phải làm giấy tờ. Suốt 4 năm trời ba mẹ tôi làm không công cho gia đình cô một cách phụ thuộc và trả ơn, nào gặt lúa, làm rẫy hay bất cứ công việc trong vườn nhà đều một tay ba mẹ làm vì vợ chồng cô cũng lớn tuổi.

Nhà cô có một người con trai, tôi nhớ lúc ấy anh ta hơn 20 tuổi. Mọi chuyện có lẽ đã suôn sẻ nếu như không có chuyện đó. Chuyện xảy ra khi ba mẹ đi tưới cà phê trong rẫy phải ở lại qua đêm, tôi ở nhà một mình, đó là hè chuẩn bị tôi vào lớp 5. Anh con trai cô sang chơi, cũng như bình thường tôi ngồi học bài và ngủ thiếp đi trên bàn. Cảm giác có người bế mình đặt lên giường, tôi vẫn ngủ mê man, khi bị sàm sỡ, tôi bừng tỉnh giấc, hắn ngay lập tức bịt miệng tôi lại “Mày mà la tao đòi lại nhà, đuổi nhà mày ra đường hết”. Tôi im lặng, một sự im lặng trong đau đớn. Hắn ta ra về không quên đưa ánh mắt đầy đe dọa, tôi vội vã ra sau nhà rửa mà không dám bật điện.

Sáng hôm sau mẹ về, tôi đã ôm chầm lấy mẹ khóc, tôi có nên nói không? Ba mẹ làm cực khổ không công chỉ ao ước có căn nhà để ở, dù là nhà ván có những đêm gió mưa xen qua những kẽ hở, mẹ phải lấy thau đặt mấy góc nhà. Tôi đã chọn cách im lặng vì sợ gia đình bị đuổi đi, bởi nhà cô chỉ có một đứa con duy nhất, lẽ nào cô không bênh vực mà đuổi nhà tôi đi thật?

Cứ như thế, bao nhiêu lần ba mẹ vắng nhà qua đêm là bấy nhiêu lần tôi bị đè ra trên chiếc giường của gia đình để làm chuyện đó. Tôi đau đớn, tủi thân, chỉ biết vùi khóc. Tôi còn nhớ có lần hắn dùng hai tay bóp mạnh miệng tôi, không quên đe dọa “Mày mà nói là ra đồng mà ở nha”. Tôi gật đầu không dám nhúc nhích.

Đỉnh điểm của câu chuyện là năm tôi chuẩn bị lên lớp 8, đêm đó ba đi đám cưới họ hàng xa nhà không về, hai mẹ con ôm nhau ngủ ngon lành, tôi bỗng nghe tiếng mẹ chửi ai đó là đồ mất dạy, tôi nhận ra hắn qua ánh đèn ngủ mờ mờ, mẹ gọi tôi dậy, nhưng sự sợ hãi đã khiến tôi giả vờ ngủ trong cơn mơ. Đến sáng hôm sau khi ba về, mẹ nói “Đêm qua thằng Minh mò sang nhà mình, lột đồ tôi, may mà tôi tỉnh dậy kịp, trói tay nó mà nghĩ tình họ hàng cho nó về, đợi ông về qua gặp chị nói chuyện”.

Ba mẹ tôi qua nhà cô, không rõ đã nói chuyện gì nhưng gia đình cô sau đó nói gia đình tôi là thứ vong ơn bội nghĩa, không biết phép tắc xử sự, dám bịa đặt chuyện đứa con trai có ăn có học làm chuyện không hay. Tôi đã thấy mẹ khóc rất nhiều, có lẽ nỗi đau trong mẹ còn lớn hơn nỗi đau của tôi những năm qua đã chịu đựng.

Gia đình tôi bị đuổi đi thật, không tiền, không nhà, ba mẹ rơi vào cảnh sáng cãi nhau, chiều đánh lộn. Tôi nhiều lần muốn nói ra sự thật để ba mẹ dỗ dành, nhưng nói ra để được gì khi sự thật trong mắt nhiều người chúng tôi cũng chỉ là kẻ bội ơn? Ba mẹ vay tiền mua được căn nhà nhỏ trong hẻm, tôi cảm giác từ nay mình sẽ quên hết, không còn chịu đựng hay nhớ đến những nỗi đau dằn vặt ấy nữa.

Cuộc sống dường như không buông tha cho gia đình tôi, họ hàng có những người ác miệng không rõ sự tình, chỉ muốn lấy lòng nhà cô để được nhờ vả. Dượng, chồng cô quen biết người có chức quyền, có lẽ tiếng nói sẽ có giá trị hơn ba mẹ tôi, những người phơi nắng dầm mưa. Kinh tế gia đình tôi cứ trượt dài như xuống dốc, mua được chiếc máy cày cho ba chở hàng thuê thì nay hư, mai sửa, cà phê khi thu được thì mất giá, lúc được giá lại mất mùa.

Ba lại một lần nữa tin lời người ta, vay 100 triệu mà không bàn với mẹ để mua xe tải nhỏ, những tưởng sẽ thay đổi cuộc sống khá hơn. Chạy được 3 tháng thì phát hiện ra dưới lớp sơn bóng bẩy phụ tùng đã rã rời, bán lại tính cả tiền sửa chữa, gia đình tôi mang khoản nợ gần 200 triệu. Từ đó trở đi, suốt những năm tôi vào Sài Gòn học, mỗi lần gọi điện thoại về nhà là giọng mẹ nức nở, khóc cho số phận, khóc cho những chiều người ta kéo đến nhà đòi nợ. Có năm tết đến, tối 30 còn có người đến nhà đòi tiền, tết năm đó đầy nước mắt.

Học năm 2, tôi có bạn trai, gia đình tôi cũng biết, những tưởng nỗi đau trong quá khứ đã qua. Tình yêu qua hơn 2 năm thử thách, tình cảm chúng tôi càng gắn bó thêm, chuyện quan hệ tình dục là điều không tránh khỏi, cả hai đều tự nguyện. Sau đêm đó, trên tấm ga trải giường màu trắng đã không có vết màu đỏ, tôi đã khóc nức nở, nhìn bạn trai mình sợ hãi, anh sẽ nghĩ gì về tôi, có cho tôi là loại con gái hư đốn không?

Tôi đã thành thật kể cho bạn trai nghe, đúng như tôi mong đợi, anh không chửi bới hay ghê sợ, ôm tôi vào lòng và bảo “Chỉ 10 tuổi mà em nghĩ đến gia đình, sợ bị đuổi đi mà em im lặng cho đến bây giờ. Anh thương em không hết sao trách em được, kẻ đáng trách là thằng cha kia, mình sẽ quên đi chuyện này nha em”. Sau chuyện đó, tôi càng yêu anh bao nhiêu thì càng tự trách mình bấy nhiêu, có những đêm cầm con dao đặt lên mạch máu muốn cắt cho chết đi, nhục nhã, nhưng chết đi rồi ai sẽ làm để trả nợ phụ ba mẹ, chính điều đó đã động viên tôi đi tiếp.

Sau những năm vừa học vừa làm thêm buổi tối, tôi đã có công việc ổn định, thu nhập mỗi tháng được hơn 5 triệu, gửi tiền về phụ gia đình 3 triệu nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, mẹ bảo không biết đến khi nào gia đình mới hết nợ. Ba tôi tối nào cũng tìm đến men rượu để mong ngủ được mà quên đi chuyện nợ nần, mẹ hay cằn nhằn và xung đột cứ xảy ra kéo gia đình tôi xa dần cái gọi là hạnh phúc. Thỉnh thoảng về quê, lại nghe người trong họ hàng nói chuyện gia đình tôi, những trận đòn ba đánh mẹ, những lời trách móc mẹ dành cho ba, tôi chỉ biết lặng im nghe mà lòng thắt lại.

Đã biết bao lần khuyên giải cha mẹ mà có được đâu, chén vỡ có dán lại bao nhiêu lần rồi cũng vỡ ra. Tôi chán nản, chuyện có vui gì để kể cho người khác, cứ ngậm ngùi đi làm, tiết kiệm hết sức để gửi tiền trả dần những khoản nợ. Lòng bảo quên nhưng không dễ gì quên được, mỗi lần ở bên bạn trai là lòng tôi đau, lại càng thù hận khi về quê vô tình gặp gia đình người từng hại tôi. Hắn ta lập gia đình, có 2 đứa con một trai một gái, vợ làm giáo viên cấp ba, từng là cô giáo tôi, chồng làm cán bộ xã, sống trong căn nhà vào bậc giàu của xã. Ba mẹ tôi đã quên đi chuyện ngày trước, thậm chí khi dượng mất, nghĩa tử là nghĩa tận, chính ba đưa linh cữu, đào huyệt xây mộ phụ gia đình cô không một lời trách móc, ra ngoài đường vô tình gặp mẹ, cô cúi đầu lảng sang hướng khác. Là nhục nhã hay vô tình?

Mỗi đêm về, để chìm vào giấc ngủ đối với tôi là điều không dễ dàng, có hôm sáng thức dậy, gối ướt, mắt sưng là chuyện đình thường. Mong ước của tôi lúc này là có khoản tiền để tiếp tục học liên thông đại học, nhưng mẹ bảo tôi đi học thì ai lo, ai phụ mẹ trả nợ? Tôi đành gác lại việc học mà thèm thuồng nhìn bạn bè bước lên bục nhận bằng cử nhân, học ngoại ngữ, học những gì mà các bạn ấy thích.

Còn tôi, đến bao giờ quên được nỗi dằn vặt mỗi đêm khi nghĩ đến thân xác mình bị xâm hại bởi gã đàn ông hung bạo? Đến bao giờ gia đình tôi sẽ trả hết nợ nần, tôi được học cho thỏa ước mơ của mình? Đến lúc nào tôi không cảm thấy tội lỗi khi ở bên người yêu thương dù anh không trách móc? Người ta thường bảo luật nhân quả không trừ một ai, vậy tại sao gia đình hắn ta vẫn ngày một giàu hơn, đất cho thuê, đất bán, đất kinh doanh, còn gia đình tôi vẫn khó khăn với từng bữa cơm, ba mẹ thay nhau đau ốm phải vào Sài Gòn chữa trị?

Tôi phải làm gì, có nên kể sự thật với ba mẹ, có nên trả thù chuyện đã cũ? Có nên gặp vợ hắn ta, cô giáo cũ của tôi để nói hết những điều đau đớn trong lòng? Mong mọi người hãy giúp để tôi sống tiếp và không ngừng hy vọng rồi cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Chân thành cảm ơn!

Thảo

Đánh bóng

Tôi gặp chị lần đầu tiên trong chuyến đi tặng quà cho một trường tiểu học vùng ven. Ngoài sách vở và dụng cụ học tập, còn có mì gói và bánh kẹo. Tôi được phân công mua bánh kẹo, chia thành từng phần.

Nhà tôi gần khu trọ sinh viên, í ới một tiếng là các em tụm lại chia chia gói gói một buổi xong mấy trăm phần. Hàng thì tôi tìm tận gốc để mua được rẻ nhất, hỏi han một lúc thì có người cho số điện thoại của chị. Chẳng những lập tức cho tôi số điện thoại của các nhà phân phối, chị còn hỏi tôi đang ở đâu để chị đến cùng đi chọn hàng cho vui.
Đánh bóng cá nhân bằng cách bỏ bê việc nhà chồng con lo làm từ thiện
Đánh bóng cá nhân bằng cách bỏ bê việc nhà chồng con lo làm từ thiện

Khi đã quen với việc mua hàng số nhiều, tôi có kinh nghiệm là người mua không cần đi mà bên bán sẽ cử nhân viên đem hàng mẫu tới cho, sau khi đã chọn lựa và ngã giá xong, họ cho xe chở hàng đến tận nơi mình yêu cầu. Sự thuận tiện này giúp tôi cân bằng được thời gian dành cho công việc ở cơ quan, việc chăm sóc gia đình và tham gia làm từ thiện trong những khâu mà tôi có thể.

 

Chị luôn khiến tôi khâm phục vì cũng có gia đình và hai con nhỏ như tôi nhưng luôn có mặt từ A đến Z trong mọi khâu, từ đi đến tận nơi để chọn lựa hàng cho đến việc có mặt ở nơi các em sinh viên đang gói hàng kiểm tra số lượng rồi hô hào chất hàng lên xe. Chị luôn là người có mặt sớm nhất trong ngày khởi hành ở mọi chuyến đi.

 

Ai cũng khen chị, đoán gia đình chị chắc hạnh phúc lắm khi có một người vợ, người mẹ việc gì cũng làm được. Vậy mà, đùng một cái, vợ chồng chị ly thân với lý do chồng chị không thích vợ đi làm từ thiện. Đàn ông gì mà ích kỷ, mọi người trong cơ quan đều nói vậy.

 

Đứa con lớn tạm ở với cha, phần chị là đứa con trai bằng tuổi con tôi, đang học lớp 3. Muốn chia sẻ với chị nhưng tôi chẳng biết mình có thể làm được gì. Một hôm, tôi hỏi chị cần tôi giúp gì không? Chị nói, ngày mai chị theo đoàn về vùng ven tặng quà, nhờ tôi đưa đón cháu đi học giùm.

 

Lúc đó chưa có lệnh cấm chở ba nên 6g30 tôi chở con ghé ngang nhà chị để cùng đi. Thằng bé vẻ mặt ngái ngủ đứng trước cánh cổng đã khóa. Tôi hỏi: “Cháu đợi cô lâu chưa?”. Thằng bé dụi mắt: “Từ lúc mẹ đi”. Tôi sững sờ, chuyến đi khởi hành lúc 5g sáng, chị đã khóa cổng để thằng bé bên ngoài đợi tôi từ khi đó. Sợ trễ học, tôi mua vội cho thằng bé ổ bánh mì ăn sáng, và kết quả là lưng áo của tôi dính đầy nước tương và xốt cà chua, cả áo trắng đồng phục của con tôi cũng bị dính. Con tôi phụng phịu: “Con không thích cho bạn đi chung xe nữa đâu”. Thằng bé òa khóc: “Cô chở cháu tới nhà ba đi cô”. Tiếng khóc càng lúc càng to, sợ thằng bé tự tuột xuống xe nguy hiểm, tôi đành chiều theo ý nó.

 

Chồng chị nhìn lưng áo lấm lem của tôi, thở dài: “Nếu vợ tôi lại nhờ thì cô có còn muốn giúp đưa đón con tôi đi học nữa không?”. Tôi lúng túng vì cứ như thế thì cũng ngại. Chồng chị chua chát: “Nói ra thì mang tiếng nói xấu vợ, nhưng cái áo nào của tôi cũng bị dính tèm lem như vậy đó. Cứ nhân danh đi làm việc thiện rồi bỏ mặc nhà cửa. Bao nhiêu lần tôi đi làm về thấy bếp núc lạnh tanh, trên bàn chỉ có mẩu giấy “Em đi theo đoàn từ thiện ngày mai về”.

 

Để hiểu được một người thật không dễ. Không tận mắt chứng kiến thì không thể tin một người hăng hái tham gia việc từ thiện lại xử sự với con mình như thế, nhất là khi con đang thiếu vắng sự chăm sóc của cha. Một lần đưa con chị đi học, suy nghĩ của tôi về chị đảo lộn. Nếu chị vắng mặt, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chuyến đưa hàng đi tặng, vậy mà chị nhất định phải có mặt, cho dù…

 

Chị luôn có mặt ở tất cả các khâu chỉ vì muốn ai cũng nhìn thấy mình, khen ngợi mình tốt bụng, biết quan tâm, chia sẻ. Nhưng, làm sao có thể nồng nhiệt làm việc thiện mà lại vô cảm với chính người thân của mình?

 

Theo Nguyên Hương
PNO

Gánh nặng làm cha

Mẹ sức khỏe không được tốt, phải về nghỉ mất sức, thành ra mình bố phải nuôi ba đứa con ăn học, sự vất vả luôn hằn trên đôi mắt trũng sâu của bố, những nhọc nhằn như khắc rõ lên mỗi nếp nhăn trên gương mặt. Bố lúc nào cũng khó tính, chẳng mấy ai dám lại gần.

 

Đã từ rất lâu bố chẳng ham mê bất cứ gì ngoài công việc, và cũng vì đặc thù công việc nên bố không thể thích thú với những trò giải trí như bia rượu thuốc lá, bố sống hoàn toàn lành mạnh nên sức khỏe cũng tốt, nhờ thế mấy đứa con đứa nào cũng muốn noi theo.

 

Ngày con đi thi tốt nghiệp cuối cấp, và ngay cả ở những kỳ thi tranh giải ở trường, bố mẹ các bạn đưa đi, thậm chí đứng chờ ở ngoài, còn con toàn tự đi bộ hoặc đạp xe mà đi, vì mẹ không biết đi xe. Ngày thi đại học cũng là anh đưa đi. Hồi đó con đã tủi thân rất nhiều, trách bố chẳng quan tâm.

 

Trưởng thành hơn một chút, con mới dần hiểu cho nỗi khổ của trụ cột gia đình. Bố nghỉ một ngày nghĩa là một ngày không lương, nghĩa là một ngày ấy bao miệng ăn chẳng có chỗ trông vào. Giờ đây khi cùng chồng gánh vác việc gia đình con mới thực sự thấu hiểu sự vất vả, những buổi đi sớm về khuya và cả những buổi phải đi công tác triền miên của bố, tất cả chỉ để lo cho gia đình lớn nhỏ của mình. Vậy nên bố luôn biết cắt giảm những thú vui của mình để quay về bên vợ con, với bố thời gian đi làm xa gia đình mười tiếng một ngày là quá đủ.

 

Con biết bố mẹ luôn nghĩ đến các con, luôn tìm cách động viên kịp lúc, để khách quan đưa ra góp ý cho chúng. Con biết bố cũng luôn muốn quan tâm đến đời sống tinh thần của lũ trẻ, song nhiều lúc lực bất tòng tâm. Thi thoảng được bố chở cho lên cơ quan chơi, cho lên tháp nước ngắm toàn thị trấn từ tít trên cao, con vô cùng thích thú và con biết bố cũng rất vui.

 

Ngày con đi thực tập bố lại nhờ vả, nói khó với khối văn phòng để cho con vào đó học việc cho biết chứ không dám hi vọng được ở lại làm. Chính nhờ những ngày ngắn ngủi ấy lại là tiền đề cho những gì sau này con có được, chỉ một tháng thực tập mà có khi bằng kinh nghiệm hằng năm trời con đi học cố gắng tích lũy. Những điều ấy con vẫn ghi nhớ trong lòng bố ạ.

 

Vừa rồi, thấy các chú còn vất vả, bố lại quyết định chắt bóp để đứng ra xây căn nhà khang trang cho ông bà nội, cứ thế nên nỗi lo cứ tràn ngập nỗi lo.

 

Nghĩ về bố con thêm hiểu và thông cảm cho “gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” con trở nên đồng cảm với những trăn trở của chồng nên luôn tìm cách hỗ trợ anh ấy một tay, nhờ đó mà tình cảm vợ chồng thêm bền chặt.

 

Chúng con được như hôm nay tất cả nhờ sự chịu thương chịu khó của bố và tài thu vén khéo léo của mẹ. Giờ với chúng con chỗ dựa về tinh thần quan trọng hơn tất cả, con chỉ mơ ước bố mẹ mãi mạnh khỏe để dịp cuối tuần trở về tụ họp, được khoe bố mẹ cái nọ cái kia, chia sẻ những câu chuyện xảy ra với gia đình nhỏ của mình để mong nhận được những lời khuyên bảo.

 

Bố giờ đã già nhiều rồi, tóc đã sợi đen ít hơn sợi bạc, lâu lắm chẳng thấy ai còn khen bố đẹp trai phong độ, dù bố vẫn thế, vẫn mở mắt ra là lấy uống một ngụm nước muối, vừa ngậm xúc miệng vừa lấy chổi quét từ nhà, đến sân, sau đó là chạy bộ một vòng, rồi quay về rủ mẹ đi dạo bộ … và một ngày ý nghĩa với bố là ngày mà giúp đỡ được vợ con nhiều nhất. Bố à, con tự hào về bố.

TSL

“Chọn người như ba mà lấy”

So với nhiều người đàn ông khác, ba tôi không bằng một góc của người ta, không chức quyền, không giàu sang, không thành đạt, không to cao vạm vỡ. Nhưng ít ra, với những người phụ nữ trong gia đình tôi, ba là người đàn ông vĩ đại nhất thế gian này.

Ba chở con
Ba chở con – Ảnh minh họa

 

Cái hồi ba mẹ còn tán nhau, nghe đâu ba hay phì phèo điếu thuốc để làm thơ, đến lúc lấy mẹ về, tôi mon men ra đời thì ba bỏ hẳn thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con nhỏ. Đã vậy, rượu bia ba không đụng đến một giọt, ba minh chứng ngược lại cho cái lý “nam vô tửu như cờ vô phong.”

 

Lúc gặp gỡ ban đầu, mẹ chẳng thèm để ý tới ba, mẹ cao ráo xinh đẹp trong khi ba nom già nua và xấu trai lắm. Thế mà, duyên số đưa đẩy thế nào, ba gặp ông bà ngoại, lọt vào mắt xanh của hai người. Ông ngoại nhất nhất nói với mẹ “chỉ có thằng này là được”. Mẹ chẳng hiểu cái “được” mà ông ngoại chấm là sao, khi mà ba chẳng có gì nổi trội so với đám trai làng dập dìu trước ngõ.

 

Có ông bà ngoại hỗ trợ, ba dần dần chinh phục trái tim mẹ. Mẹ nhận ra, ở con người ấy có khối điều hay ho, tài giỏi mà những người cùng trang lứa không có. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn bảo, ba là chọn lựa đúng đắn nhất trong cuộc đời của mẹ.

 

Nhờ sự lựa chọn tuyệt vời đó, chị em tôi lần lượt ra đời.

 

Nhà nội vốn có truyền thống học giỏi nhưng không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Ba học lực xuất sắc, văn hay chữ đẹp nhưng phải nghỉ học từ năm lớp mười. Thi thoảng gặp bạn ba, mấy chú vẫn hay đùa “Ba con không học, chứ học hành tới nơi chắc phải làm to.” Nhìn ánh mắt đầy tôn trọng của họ dành cho ba, tôi thấy tự hào lắm lắm.

 

Ba ở nhà phụ nội mấy năm rồi xung phong đi bộ đội. Khi trở về, ba đã hơn ba mươi tuổi và mang theo một vết thương ở đầu. Huân chương kháng chiến treo ở góc nhà chẳng giúp được gì trong cuộc mưu sinh nhưng nó là minh chứng cho những năm tháng tuổi trẻ sống hết mình.

 

Lập gia đình, ba lại bắt đầu gồng gánh cho gia đình nhỏ. Ba làm đủ nghề để kiếm sống từ rà tìm phế liệu, xay gạo, buôn bán…

 

Ba vốn cẩn thận, đặc biệt trong việc chăm con. Mùa hè miền Trung nóng nực, tối đến cái nóng còn theo sát. Chị em tôi nằm ngủ thường để quạt ở đầu giường từ hôm đến sáng. Có lúc nằm ngủ mê man, chợt nghe tiếng lục đục, hóa ra, ba bê mấy chậu nước đặt trước quạt vì sợ con gái khô da.

 

Thời tiết chỉ hơi se lạnh, con cái nhà hàng xóm tung tăng đi ngoài đường, chị em tôi buộc phải ở trong nhà, áo ấm khăn quàng kín mít. Ba sợ mấy đứa bị cảm.

 

Lúc học tiểu học, hai chị em tôi thường dắt tay nhau đi bộ. Mỗi lúc trời mưa, ba lấy mảnh áo mưa che vội vào người rồi hốt hoảng đi đón chúng tôi. Dù ở cách xa mấy, tôi vẫn có thể nhận ra dáng đạp xe của ba, trên đầu đội chiếc nón tơi, tay cầm chiếc áo mưa cho hai chị em, khuôn mặt lo lắng, thất thần. Về đến nhà, thể nào ba cũng ướt nhẹp trong khi hai chị em tôi khô ráo.

 

Thế nhưng, ba cực kỳ nghiêm khắc và khó tính. Nếu làm một phép so sánh, có lẽ ba là người cha nghiêm khắc nhất so với những người cha của bạn bè từ nhỏ đến lớn của tôi.

 

Lúc nhỏ tới giờ, ba luôn hạn chế chị em tôi đi chơi, nhất là buổi tối. Ba khó tính đến nỗi bạn bè của chúng tôi đều e ngại khi đến chơi nhà. Tôi đã từng mường tượng trẻ con rằng, ước gì ba của mình được như ba của bạn này bạn kia, chiều con như vầy. Để rồi càng lớn, càng nhận ra rằng, chính sự nghiêm khắc của ba đã rèn giũa chúng tôi nên người, rèn sự bản lĩnh và tỉnh táo trước mọi điều không hay trong cuộc sống.

 

Ba hay vì người khác, hay thương người quên cả mình, nhiều độ mẹ giận lắm vì lòng tốt của ba. Ví như, năm nào đó ba đi khám bệnh, có người bệnh cần máu kịp thời, ba chẳng ngần ngại hiến máu cho người ta. Về nhà, ba giấu mẹ vì sợ mẹ lo, nhìn vẻ mặt xanh xao của ba, mẹ chẳng nỡ trách cứ.

 

Lúc trước, khi điện đài còn chập chờn, chưa có mạng lưới như bây giờ, mỗi lần cúp điện, nguyên cả xóm ngồi chờ ba. Chẳng hiểu sao, thanh niên trai tráng không thiếu nhưng chẳng ai đủ dũng cảm và hiểu biết để trèo lên sửa. Mỗi lúc thấy ba lúi húi trèo thang sửa điện, tôi đứng từ xa, mắt dõi theo không yên, giận luôn mấy anh mấy chú trong xóm.

 

Ba không bao giờ trau chuốt vẻ ngoài cho mình và cũng không hề khuyến khích chúng tôi điều ấy. Tôi từng có cảm giác xấu hổ khi ba xuất hiện trước mắt bạn bè tôi với vẻ nhàu nhĩ, xộc xệch. Tự hỏi sao ba chẳng thơm phức và chỉnh chu, bóng láng như ba của người ta. Hỏi rồi cũng tự trả lời, vì chị em mình nên ba như thế. Ba luôn bảo, vẻ ngoài chẳng quan trọng, người ta tôn trọng mình vì cái bên trong mình có chứ không phải bộ đồ bên ngoài. Càng lớn, tôi càng tự hào về ba.

 

Nếu được vẽ một bức tranh về ba, tôi không thể vẽ hình ảnh một người cha bác sĩ mặc áo blu trắng tinh, một người cha giáo viên mực thước, một người cha thành đạt chức cao vọng trọng. Tôi chỉ vẽ người cha chân thực với bàn tay thô ráp, gương mặt khắc khổ, mái tóc điểm màu thời gian, sẽ điểm tô nhiều nhất là mồ hôi. Mồ hôi ướt áo mỗi khi ba chở hàng cho người ta, mồ hôi lấm tấm khi ba hì hụi ngồi sửa đồ, mồ hôi chảy dài khi hai cha con ngồi đợi tàu tiễn tôi lúc tôi vào thành phố… Có nhiều lắm mồ hôi ba đã rơi, cũng nhiều lắm yêu thương ba dành cho cả gia đình, cho mẹ và mấy chị em tôi. Tất thảy đều không đong đếm được.

 

Mẹ chỉ nói với chúng tôi một câu ngắn gọn rằng, lấy chồng, hãy chọn người như ba mà lấy.

 

Diệu Ái

Lại yêu lần nữa

GocTamSu.com – Một buổi chiều tháng Ba năm 2010, tôi vào trang cá nhân của mình, bất chợt liếc qua phần “tình trạng hôn nhân”. Frank, người chồng 42 tuổi của tôi vừa mất được một tháng, nhưng ở đó vẫn ghi “có gia đình”.

Yêu lại lần nữa
Yêu lại lần nữa – Ảnh minh họa

Trong sự dứt khoát thoáng chốc của kẻ đang ngồi ở thế kỷ 21, tôi chuyển tình trạng hôn nhân của mình thành “góa bụa”. Chẳng từ nào diễn tả được chính xác hơn thế, “độc thân” nói lên quá ít. Tôi cũng nghĩ đến một lựa chọn khác là “Rất phức tạp” (có sự mất mát nào không phức tạp cơ chứ?), nhưng rồi lại thôi. Một số từ khác như “Chia cách” cũng hiện ra trong đầu, nhưng tình trạng của tôi còn bi đát hơn chia cách nhiều. Có những người vẫn hy vọng có thể tìm lại nhau dù chia cách. Còn với tôi, sự ra đi này là mãi mãi.

 

Vậy nên, ở tuổi 39, sau 7 năm kết hôn, tôi không còn là phụ nữ có gia đình. Tôi là bà góa. Bệnh tật và cái chết của Frank thuộc về anh ấy, nhưng chúng cũng làm thay đổi cuộc đời tôi, đưa ra những yêu cầu và đòi hỏi hy sinh. Con đường biến tôi từ một người vợ sang một bà góa rất dài, gập ghềnh và đau đớn. Hai năm trước khi Frank mất, tôi ở đó bên anh ấy, nhìn anh chống chọi với bệnh tật, không lúc nào không nuôi hy vọng và luôn nhắc mình phải lạc quan lên. Frank mắc một loại ung thư thực quản rất hiếm và quái ác. Khi tình trạng ung thư được kiểm soát, tôi vui với anh, khi nó xuất hiện trở lại, tôi đau nỗi đau của anh, tuyệt vọng cùng anh. Tôi nhào theo khi xe cấp cứu chở anh đến bệnh viện lúc nửa đêm, hỏi bác sĩ hàng ngàn câu hỏi về ung thư và ghi chép. Tôi khóc trên điện thoại khi gọi điện làm việc với bảo hiểm y tế. Rồi một sáng, khi tôi rời phòng bệnh có một lát để đi gọi điện, thì Frank qua đời. Lúc người ta thông báo, tôi quỵ xuống sàn, khóc lóc, đau đớn, dày vò tột độ vì đã không ở bên anh đúng giây phút cuối cùng.

 

Cho dù đã quyết định sẽ vẫn tiếp tục đeo nhẫn cưới suốt 1 năm sau khi Frank mất, 6 tháng sau, tôi cảm thấy vết thương đã dịu đi rất nhiều và có thể hẹn hò trở lại. Tôi bắt đầu nhớ cảm giác có đôi, có một người đàn ông làm bạn đồng hành. Thế nhưng khi quay lại hẹn hò, “góa bụa” lại trở thành vấn đề quá lớn. Đàn ông tránh nói về chủ đề đó với tôi.

 

Người đàn ông đầu tiên tôi thử hò hẹn là một vận động viên thể thao. Sau 2 tháng, anh ấy cố nặn nụ cười để nói với tôi lời “anh rất tiếc” trước khi đổi chủ đề từ “góa bụa” sang nói chuyện thể thao. Đó là một phản ứng thích hợp, nhưng chẳng cần nói tôi cũng đủ cảm thấy tiếc cho mình rồi. Sau chuyện này, tôi khó lòng chịu nổi việc ở bên ai đó cảm thấy tiếc cho tôi, thương hại tôi.

 

Một người đàn ông khác, khi biết “tiểu sử” của tôi thì “chạy” ngay tắp lự. Nhìn chung, đàn ông đến với tôi, cứ khi nào tôi thấy đủ thoải mái để kể chuyện của mình cho họ, thường là sau vài lần hẹn hò, thì họ sẽ ngãng ra, không email, không điện thoại nữa.

 

Tôi thừa nhận, việc tôi vẫn còn đeo nhẫn cưới và nói về Frank có thể là dấu hiệu để người ta nghĩ tôi chưa sẵn sàng sống tiếp. Nhưng tôi thực sự bị giằng xé giữa cảm giác quá gắn bó với những kỷ niệm về Frank và mong muốn bước tiếp về tương lai mà không có anh ấy.

 

Góa bụa dường như có một ảnh hưởng lạ kỳ nào đó lên cách đàn ông tiếp nhận tôi. Một số họ gọi tôi là “đầy nghị lực”, đến nỗi có lúc tôi thấy như họ đang nhìn tôi là một vị thánh sống. Còn cuộc hôn nhân đã qua của tôi trong mắt họ thì hoàn hảo đến không tì vết, mặc dù thực tế không phải vậy.

 

Cuộc hôn nhân ấy bình thường như hôn nhân của bao người khác, cũng có lúc thăng trầm. Một năm trước khi Frank ốm, chúng tôi có lúc còn phải gõ cửa trung tâm tư vấn, thậm chí đã thử chia tay, nhưng chưa bao giờ chúng tôi đặt câu hỏi liệu tôi có ở bên Frank không khi anh ấy ốm.

 

Dẫu thế, có vẻ như sự ra đi của Frank đã làm dịu tất cả, những sần sùi, gai góc của cuộc hôn nhân, chỉ để lại điều gì đó thật lý tưởng đến không thể chạm vào, như một mối đe dọa với những người đàn ông định đến bên tôi vậy.

 

Cứ thế tôi hò hẹn được 2 năm, có những người chỉ gặp gỡ, chuyện trò duy nhất 1 lần, có người vài tháng. Dường như luôn có rào cản giữa tôi với họ, và đó thường là Frank. Ở tuổi còn trẻ, tôi đã kết luận rằng, “bà góa” khác với những người đàn bà khác, khác với mọi người. Và tôi thì là một trong những người đàn bà góa bụa.

 

Rồi gần đây, tôi gặp một người đàn ông – bạn của bạn. Anh ấy gặp tôi khi đang từ Châu Âu du lịch khắp New York. Chúng tôi hẹn nhau đi uống nước và có khoảng thời gian vui vẻ, kể nhau nghe những câu chuyện về thời thơ ấu, chia sẻ về cuộc sống của mình như thế nào khi là một nhà văn. Tôi cho rằng người bạn chung đã nói với anh ấy việc tôi mất chồng. Thực ra thì người bạn ấy không nói, nhưng tôi cứ cảm giác thoải mái trong khi trò chuyện như thể anh biết rõ về điều đó vậy. Có lẽ vì cuộc trò chuyện đó không thực sự giống một buổi hẹn hò. Thay vì “rất tiếc”, anh ấy phản ứng bằng sự đồng cảm: Anh ấy muốn nghe nhiều hơn, anh ấy hiểu, được nói ra hết quan trọng với tôi thế nào.

 

Đó là điều những người đàn ông khác còn thiếu. Buổi tối của chúng tôi kết thúc rất trong sáng, nhưng lại ngân lên những rung động lớn trong tôi, nhắc tôi một điều rằng mình vẫn có khả năng gắn kết với đàn ông.

 

Tôi không tin cái chết đồng nghĩa với một bài học nào đó cho chúng ta. Nhưng tôi biết Frank khi ốm chẳng mong muốn gì hơn là được sống thêm một ngày. Và đó là điều đáng ghi nhớ: Nên trân trọng mỗi ngày mà mình có. Tôi không chắc rồi mình có kết hôn nữa hay không. Cho dù có kết hôn lần nữa, cho dù “tình trạng hôn nhân” trên trang cá nhân của tôi lại thay đổi, tôi vẫn mãi mang theo trải nghiệm về cuộc sống của một phụ nữ góa chồng.

 

Song gánh nặng đã nhẹ hơn. Ở chính nơi mà ý nghĩ về việc yêu thêm lần nữa dường như chẳng bao giờ thành hiện thực, tôi đã mang một cảm giác khác. Tôi không cảm thấy bi kịch, dị thường. Tôi thấy sẵn sàng. Gần như là thế.

 

Huyền Anh
Lược dịch theo Rosie Schaap/MC

 

Có nên chờ đợi hay lựa chọn con đường riêng?

Em năm nay 29 tuổi, quê ở Hải Dương. Ở tuổi này cũng được cho là chin chắn trong tình yêu, công việc của em cũng đã tạm thời ổn định ở Hải Dương. Anh năm nay 28 tuổi, quê ở Thanh Hóa, đang làm việc tại Hà Nội là người sống có trách nhiệm với gia đình.

Chúng em yêu nhau được gần 3 năm, khoảng thời gian không phải là dài để đủ hiểu hết về nhau trong khi mỗi người ở một nơi làm việc, nhưng chúng em luôn tin tưởng và tôn trọng nhau. Em cảm nhận tình yêu anh ấy dành cho em rất nhiều. Chúng em đã có những dự định về tương lai hạnh phúc sau này sẽ lập nghiệp ở Hà Nội. Em cũng đã chuẩn bị những kế hoạch để chuyển nơi làm việc gần anh ấy hơn và thuận lợi cho tương lai hơn sau này của 2 đứa.

Trong khoảng thời gian gần 3 năm, đây là lần đầu tiên, em về nhà anh ấy chơi là vào dịp Tết vừa rồi và được anh ấy giới thiệu với gia đình em là bạn gái của anh ấy, em cảm thấy hạnh phúc và yêu thương mọi người vô cùng. Với tính cách và suy nghĩ của anh ấy việc giới thiệu bạn gái với gia đình đó là đã xác định để hai đứa có thể tiến xa hơn nữa.

Tuy nhiên,  em đã nhận được những góp ý từ gia đình anh ấy, mọi người cũng quý mến em, nói em tế nhị, khéo léo và xinh xắn là người biết quan tâm và chăm lo cho gia đình sau này. Nhưng gia đình anh ấy không đồng ý vì quê em xa quá, hai đứa không hợp tuổi và em chưa có công việc ở Thanh Hóa, bố mẹ anh ấy thích con dâu ở gần nhà hơn.

Khi em biết tin anh ấy phải về Thanh Hóa làm việc và sống gần bố mẹ, em rất bang hoàng vì những dự định của hai đứa đã sẵn sàng để có một mái ấm ở Hà Nội bây giờ lại chuyển về một nơi khác. Nhưng với tình yêu và sự quyết tâm, anh ấy động viên em tìm thấy 1 công việc nào đó ở Thanh Hóa và em thay đổi suy nghĩ và tìm việc để về quê anh ấy.

Ở tuổi 29, gia đình em rất lo lắng và thúc giục em lấy chống, bố mẹ ngày đêm hỏi thăm tình hình yêu đương của hai đứa để yên bề gia thất. Em đã nhiều lần nói khéo với bố mẹ về sự chậm chễ này để bố mẹ hiểu và thong cảm cho em. Em biết bố mẹ em buồn rất nhiều và yêu cầu em phải lấy chồng sớm. Cũng có một vài người đến hỏi em, nhưng dường như tình yêu của em dành cho anh ấy luôn là sức mạnh để em từ chối tất cả mọi người và mong muốn được  đến với anh ấy.

Anh ấy nói, chờ anh ấy đến cuối năm hoặc sang năm sau để anh ấy động viên và thu xếp gia đình anh ấy, sau đó 2 đứa sẽ tiến đến hôn nhân và trong thời gian này em sẽ tìm việc để về Thanh Hóa. Anh ấy muốn bố mẹ anh ấy vui vẻ khi đón em về.

Nhưng, thời gian gần đây, khi bố mẹ thấy hai đứa yêu nhau đã lâu nhưng anh ấy không nói chuyện với bố mẹ em về những dự định tương lai của hai đứa mà chỉ yêu để đấy mặc dù em đã giải thích với bố mẹ rất nhiều lần. Nhưng bố mẹ nói với em anh ấy không yêu thật long và không muốn cưới em vì vậy hãy xem ai trong số những người đến và đồng ý họ. Em đang bị sức ép từ gia đình và chính bản than em cũng muốn ổn định và yên bề gia thất sớm. Từ những ý nghĩ và sức ép đó em đã nói chuyện với anh ấy, biết rằng sẽ làm anh buồn nhưng em không thể không nói với anh ấy. Anh ấy nói em đang ép anh ấy và nếu cảm thấy không chờ được thì đi lấy người khác. Tim em đau nhói và nghẹt thở khi câu nói đó là từ anh ấy, em đã buồn và khóc rất nhiều tại sao anh ấy lại nói với em như vậy?  Có phải anh ấy đã thay đổi không? Hay là tại em nói làm anh ấy tự ái và nói ra như thế? Hơn một tuần nay, em và anh ấy không lien lạc với nhau, em đã cố tình liên lạc trước nhưng anh ấy không phản hồi lại, em hoang mang và lo lắng có phải em đã mất anh mãi mãi rồi phải không?

Em biết, chỉ có người trong cuộc mới nhìn nhận và đưa ra hướng đi đúng đắn nhưng tâm trạng em đang rất hoang mang và rối bời, em không biết nên làm thế nào, trong khi bố mẹ giục em lấy chồng còn anh ấy không liên lạc lại với em nữa? Em muốn nghe lời khuyên của anh (chị), em có nên tiếp tục chờ đợi anh ấy hay lựa chọn còn đường đi cho riêng mình?

Trân trọng cảm ơn!

Hằng

Mẹ là niềm tự hào vô bờ trong lòng con

Cả đời mẹ một nắng hai sương vất vả tảo tần vì đám con, khi chúng con sắp trưởng thành tai họa ập đến. Bố bệnh nặng đã bỏ vợ con ra đi mãi mãi, chưa một ngày được hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Mẹ cứng cỏi một mình lam lũ, công việc nhân đôi, vất vả cũng nhân đôi.

Mẹ - Ảnh minh họa
Mẹ – Ảnh minh họa

Ngày nào cũng thế, bất kể trời nắng hay mưa, trừ những ngày ốm phải nằm liệt giường, mẹ dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, cho lợn gà ăn, ăn sáng qua loa rồi vội vã đi làm nương rẫy, làm ruộng và kiêm luôn việc chăn trâu chăn bò. Chiều muộn khi những người dân bản đã đi làm về, bếp lửa trong nhà họ đã bập bùng cháy, nồi cơm trên bếp củi sôi sùng sục, mẹ mới quờ quạng trên con đường mòn từ nương, từ ruộng hay từ bãi thả trâu bò về.

Lúc thì mẹ về nhờ ánh trăng chiếu rọi, khi mẹ lại đi nhờ ánh sáng của con đom đóm bay trên đường, trong rừng, khắp ngả mẹ qua. Mẹ về đến nhà khi hàng xóm đã quây quần bên bữa cơm tối, chùn chân, mệt nhoài nhưng không quên đàn lợn đói đang kêu đòi cám, đàn gà con mới nở đang lép diều. Việc ở nương ruộng, ở rừng rồi lại việc ở nhà, mẹ ăn tối khi hàng xóm đã yên giấc ngủ, đi ngủ khi gà đã gáy nhất canh.

Mẹ tảo tần cả đời để nuôi con khôn lớn, làm việc không ngừng nghỉ kiếm tiền nuôi con ăn học. Ngày giáp hạt mẹ ăn cơm độn sắn, mẹ ăn phần sắn để con phần cơm, bát rau lang mẹ động viên con ăn cố, ngày sau gà lớn mẹ cho con ăn bù. Con nũng nịu đòi mẹ kể truyện cổ tích, mẹ kể nhiều nhưng con nhớ chẳng được bao nhiêu. Con đi học về ăn cơm trắng, mẹ đi làm chỉ mang phần sắn dính cơm ăn với rau rừng.

Cả đời mẹ một nắng hai sương vất vả tảo tần vì đám con, khi chúng con sắp trưởng thành tai họa ập đến. Bố bệnh nặng đã bỏ vợ con ra đi mãi mãi, chưa một ngày được hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Mẹ cứng cỏi một mình lam lũ, công việc nhân đôi, vất vả cũng nhân đôi. Làn da mẹ xưa hồng hào, căng tràn sức sống; nay hao gầy, cháy sạm nắng mưa. Xưa tóc mẹ đen mượt óng ả, nay đã đốm bạc và rụng nhiều hơn. Bàn tay mẹ chai cứng và thô ráp; gót chân mẹ thêm nhiều vết nứt sâu. Cả đời vì con mẹ không nghĩ đến thân mình. Quần áo mẹ hết thảy đã bạc màu, thậm chí rách to rách nhỏ được khâu vá lại thành chiếc quần, chiếc áo không tên.

So với những người phụ nữ khác ở quê, mẹ là người gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Mẹ khổ nhiều về đường con cái: nuôi con học hành nhưng chẳng được hưởng tiếng vinh; con cái chưa đủ lông đủ cánh thì chồng chết, mẹ góa bụa một thân gánh vác việc nhà. Mẹ thương bố, thương đàn con, nhiều đêm nằm khóc một mình, không ngủ, thức trắng đêm. Mẹ nuốt nước mắt vào trong, nén nỗi khổ đau chờ gà gáy canh tư dậy làm việc.

Cầu mong cho mẹ chân cứng đá mềm trên quãng đời còn lại. Dù có kiệt quệ trên bước đường con đi, mẹ vẫn là nguồn nước mát trong, dòng sữa mát lành con không thể thiếu. Mẹ là niềm tự hào vô bờ bến trong lòng con. Con hằng đêm nghĩ đến mẹ, thương mẹ nhiều lắm mẹ ơi. Xin mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu, con lớn rồi mà mẹ chưa được nghỉ ngơi, chân tay mẹ vẫn lấm lem bùn đất, sức yếu, lưng còng mẹ tảo tần sớm khuya.

Lý Thành

Chồng thực dụng

Lúc mới quen, cô rất nể phục anh vì tính chịu khó, siêng năng và tinh thần cầu tiến, ham học hỏi dù anh đã có một cơ ngơi đáng kể.

Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em nên anh luôn muốn thoát khỏi cái nghèo bằng mọi cách. Trong nhà anh, chỉ có anh thành đạt nên anh nghiễm nhiên là trụ cột kinh tế và là niềm tự hào của cả gia đình.
Chồng thực dụng
Chồng thực dụng

 

Lẽ ra cô phải hạnh phúc khi có được một người chồng như thế nhưng mặt trái của những ưu điểm đó đã bộc lộ khi hai người thành vợ chồng. Thành đạt từ lúc còn khá trẻ nên anh rất tự mãn, coi thường người khác nếu họ thua kém anh. Anh luôn xem tiền là thước đo của mọi giá trị, lúc nào cũng nghĩ đến việc làm sao để có thật nhiều tiền, bất chấp mọi điều, kể cả lòng tự trọng và sĩ diện. Cô không cho rằng sự gian khó thuở ấu thơ đã ám ảnh anh đến mức tôn thờ đồng tiền đến vậy, bởi nhiều người cũng nghèo, thậm chí còn nghèo hơn anh mà người ta có nô lệ đồng tiền đến vậy đâu? Người quen đến nhà chơi với bộ dạng không được tươm tất thì y như rằng anh cho là họ muốn nhờ vả gì đó, tỏ thái độ khinh khỉnh ra mặt, khiến họ chẳng muốn lui tới thêm lần nào nữa.

Ngược lại, anh luôn ân cần, niềm nở với những người thành đạt, khá giả. Người thân ở quê gặp khó khăn, hỏi vay tiền, anh tính lãi sòng phẳng. Em trai cô bị hư xe, mượn xe cô đi làm đỡ một bữa. Lúc trả xe, anh cứ nhăn nhó khi thấy cậu em đi hết xăng mà quên đổ. Anh với một đồng nghiệp kèn cựa nhau vì một khoản huê hồng nào đó ăn chia không đều, cô khuyên anh bỏ qua vì số tiền không đáng nhưng anh không chịu. Vụ việc lùm xùm thế nào tới tai sếp, kết quả là cả hai cùng bị kỷ luật! Anh ra làm ăn riêng nhưng cũng chẳng ai hợp tác với anh được lâu vì không chịu nổi tính “cò kè bớt một thêm hai”, “xem đồng tiền to như bánh xe bò” của anh.

Cô khuyên anh rất nhiều, rằng cuộc sống không chỉ cần có tiền nhưng anh bảo cô sống giữa thời buổi này mà cứ như người trên mây, không thực tế. Mâu thuẫn giữa họ trở nên trầm trọng khi cả hai ngày càng tiến về hai thái cực đối nghịch nhau: cô sống thiên về tinh thần, tình cảm; còn anh quá nặng về vật chất. Cứ mở miệng ra là họ cãi nhau. Cô thấy lo sợ vì đây là khởi điểm dẫn đến sự tan vỡ của nhiều cặp vợ chồng. Dần dần, cô có thói quen câm lặng, nín nhịn mọi thứ cho nhà cửa đỡ ồn ào, con cái đỡ bị tổn thương nhưng cứ như vậy hoài xem ra cũng không ổn.

Kể lại với tôi, cô kết thúc bằng câu hỏi: với người chồng chỉ biết có tiền, thậm chí xem tiền quan trọng hơn cả vợ con, cô phải sống vì lẽ gì: vì tình, vì nghĩa hay vì con?

Theo Giao Lê
PNO