Tag Archives: đi học

Thân gái đục trong

Chị em nó ít giao du chơi bời, suốt ngày ru rú ở nhà với bố mẹ. Bạn bè thường cười trêu, đúng là “hội chứng gà công nghiệp”.

Thân gái đục trong - Ảnh minh hoạ
Thân gái đục trong – Ảnh minh hoạ

Xa nhà, xa bố mẹ, đi học đại học, chị nó ở nhà bác ruột nên bạn bè xã hội của chị không mở rộng hơn là mấy. Chị vẫn sống rất nhút nhát, kín kẽ, với cả người nhà cũng ít khi chia sẻ, chị em gái chẳng mấy lúc chuyện trò.

Tới tuổi đi làm chị ra ngoài ở trọ. Bên ngoài thì ít giao lưu, hết giờ làm chị chỉ lướt mạng, cuối tuần nào cũng phóng xe về với bố mẹ, chưa thấy chị nói yêu ai bao giờ, có vẻ như quan hệ với đồng nghiệp cũng không được tốt.

Chị nó vẫn cứ vậy, cho đến một ngày con trai bà chủ nhà chị trọ vốn làm ở xa giờ thất nghiệp, về gần tìm việc, thấy chị nó hiền khô, bao năm chẳng yêu ai, công việc ổn định, gia đình cũng tương đối thì tấn công. Vào đúng thời điểm bố mẹ nó giục như hò đò, thậm chí là nhiếc chị việc hai tám rồi mà chưa chịu đi lấy chồng, thế là chị gật.

Nhưng không hiểu sao anh chị lấy nhau mãi chẳng có con, ai cũng buồn não nề. Đã thế hàng xóm còn ác ý cho rằng chị sống buông thả hồi xa nhà học đại học, nạo phá lắm vào giờ mới “tịt”. Tin đồn đến tai bố mẹ chồng chị, khiến mối quan hệ của chị với nhà chồng vốn đã trục trặc nay càng chẳng ra gì. Chị muốn ly hôn nhưng mẹ đẻ chị dọa sẽ từ mặt, sẽ đập đầu vào tường mà chết…

Dạo này ngôi nhà nhỏ càng trở nên u ám hơn. Bố mẹ nó chẳng còn thiết nhắc nhở, giục giã nó lấy chồng.

An Miên

Đánh bóng

Tôi gặp chị lần đầu tiên trong chuyến đi tặng quà cho một trường tiểu học vùng ven. Ngoài sách vở và dụng cụ học tập, còn có mì gói và bánh kẹo. Tôi được phân công mua bánh kẹo, chia thành từng phần.

Nhà tôi gần khu trọ sinh viên, í ới một tiếng là các em tụm lại chia chia gói gói một buổi xong mấy trăm phần. Hàng thì tôi tìm tận gốc để mua được rẻ nhất, hỏi han một lúc thì có người cho số điện thoại của chị. Chẳng những lập tức cho tôi số điện thoại của các nhà phân phối, chị còn hỏi tôi đang ở đâu để chị đến cùng đi chọn hàng cho vui.
Đánh bóng cá nhân bằng cách bỏ bê việc nhà chồng con lo làm từ thiện
Đánh bóng cá nhân bằng cách bỏ bê việc nhà chồng con lo làm từ thiện

Khi đã quen với việc mua hàng số nhiều, tôi có kinh nghiệm là người mua không cần đi mà bên bán sẽ cử nhân viên đem hàng mẫu tới cho, sau khi đã chọn lựa và ngã giá xong, họ cho xe chở hàng đến tận nơi mình yêu cầu. Sự thuận tiện này giúp tôi cân bằng được thời gian dành cho công việc ở cơ quan, việc chăm sóc gia đình và tham gia làm từ thiện trong những khâu mà tôi có thể.

 

Chị luôn khiến tôi khâm phục vì cũng có gia đình và hai con nhỏ như tôi nhưng luôn có mặt từ A đến Z trong mọi khâu, từ đi đến tận nơi để chọn lựa hàng cho đến việc có mặt ở nơi các em sinh viên đang gói hàng kiểm tra số lượng rồi hô hào chất hàng lên xe. Chị luôn là người có mặt sớm nhất trong ngày khởi hành ở mọi chuyến đi.

 

Ai cũng khen chị, đoán gia đình chị chắc hạnh phúc lắm khi có một người vợ, người mẹ việc gì cũng làm được. Vậy mà, đùng một cái, vợ chồng chị ly thân với lý do chồng chị không thích vợ đi làm từ thiện. Đàn ông gì mà ích kỷ, mọi người trong cơ quan đều nói vậy.

 

Đứa con lớn tạm ở với cha, phần chị là đứa con trai bằng tuổi con tôi, đang học lớp 3. Muốn chia sẻ với chị nhưng tôi chẳng biết mình có thể làm được gì. Một hôm, tôi hỏi chị cần tôi giúp gì không? Chị nói, ngày mai chị theo đoàn về vùng ven tặng quà, nhờ tôi đưa đón cháu đi học giùm.

 

Lúc đó chưa có lệnh cấm chở ba nên 6g30 tôi chở con ghé ngang nhà chị để cùng đi. Thằng bé vẻ mặt ngái ngủ đứng trước cánh cổng đã khóa. Tôi hỏi: “Cháu đợi cô lâu chưa?”. Thằng bé dụi mắt: “Từ lúc mẹ đi”. Tôi sững sờ, chuyến đi khởi hành lúc 5g sáng, chị đã khóa cổng để thằng bé bên ngoài đợi tôi từ khi đó. Sợ trễ học, tôi mua vội cho thằng bé ổ bánh mì ăn sáng, và kết quả là lưng áo của tôi dính đầy nước tương và xốt cà chua, cả áo trắng đồng phục của con tôi cũng bị dính. Con tôi phụng phịu: “Con không thích cho bạn đi chung xe nữa đâu”. Thằng bé òa khóc: “Cô chở cháu tới nhà ba đi cô”. Tiếng khóc càng lúc càng to, sợ thằng bé tự tuột xuống xe nguy hiểm, tôi đành chiều theo ý nó.

 

Chồng chị nhìn lưng áo lấm lem của tôi, thở dài: “Nếu vợ tôi lại nhờ thì cô có còn muốn giúp đưa đón con tôi đi học nữa không?”. Tôi lúng túng vì cứ như thế thì cũng ngại. Chồng chị chua chát: “Nói ra thì mang tiếng nói xấu vợ, nhưng cái áo nào của tôi cũng bị dính tèm lem như vậy đó. Cứ nhân danh đi làm việc thiện rồi bỏ mặc nhà cửa. Bao nhiêu lần tôi đi làm về thấy bếp núc lạnh tanh, trên bàn chỉ có mẩu giấy “Em đi theo đoàn từ thiện ngày mai về”.

 

Để hiểu được một người thật không dễ. Không tận mắt chứng kiến thì không thể tin một người hăng hái tham gia việc từ thiện lại xử sự với con mình như thế, nhất là khi con đang thiếu vắng sự chăm sóc của cha. Một lần đưa con chị đi học, suy nghĩ của tôi về chị đảo lộn. Nếu chị vắng mặt, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chuyến đưa hàng đi tặng, vậy mà chị nhất định phải có mặt, cho dù…

 

Chị luôn có mặt ở tất cả các khâu chỉ vì muốn ai cũng nhìn thấy mình, khen ngợi mình tốt bụng, biết quan tâm, chia sẻ. Nhưng, làm sao có thể nồng nhiệt làm việc thiện mà lại vô cảm với chính người thân của mình?

 

Theo Nguyên Hương
PNO

Vợ chồng “son”

Bà Nhàn cứ than ngắn thở dài, tựa như lỡ mua đắt mớ cá mớ tôm đâu ngoài chợ, miệng luôn lẩm bẩm “có hai mụn con mà giờ nhìn đi nhìn lại chẳng có đứa nào bên mình thế này”.

Vợ chồng son
Vợ chồng son – Ảnh minh họa

Hai ông bà chẳng phải là cán bộ công chức gì, chỉ là dân làm nông, buôn bán bình thường như bao người khác. Có điều, cả cái làng này, trong khi nhà ai cũng phải năm đứa con trở lên thì nhà ông bà hai đứa.

 

Ông Hựu bảo, ngày trước, cũng tại con gà mà tôi không muốn sinh đông đó chứ. Tình cờ sang chơi nhà ông anh thời chiến đấu, thấy nhà người ta ngồi ăn cơm mà chật bàn, đếm đi đếm lại thiếu hai người nữa là tròn mâm. Đĩa thịt gà lọt thỏm giữa sáu đứa con nom còn thòm thèm lắm. Ông chậc lưỡi, sau này mình có giàu cũng chả đẻ nhiều làm chi, đẻ ít thì của ít cũng hóa ra nhiều…

 

Rồi các con cũng lớn. Khi cô con gái đi học xa nhà, bà khóc rấm rứt mấy ngày liền. Đi vào đi ra lại than nhà cửa buồn hiu, chẳng ai bầu bạn. Thằng em nó ham chơi, suốt ngày ở ngoài đường nhiều hơn trong nhà. Ông Hựu lo cắm cúi ngoài đồng, về nhà lại bật tivi xem, chẳng để ý đến nỗi buồn của vợ.

 

Hoc xong, cô con gái ở lại thành phố làm, nói mấy nó cũng không chịu về quê. Thì ra, tình yêu của nó ở trong đó. Bà thở dài, ngẫm đời chua thật, mình yêu thương nó trước cả khi thằng đó yêu nó vậy mà giờ vì thằng đó, nó gạt mình ra.

 

Cho con gái lấy chồng xa, nó cứ tíu tít vui mà không thấy nước mắt mẹ đang chảy dài. Hôm đưa dâu, bà cứ sờ nắn tay nó, rồi ôm nó nức nở. Kể ra con bé cũng vô tư quá hay tại nó bản lĩnh không biết, thấy mẹ thế nó còn cười được, miệng líu lo mẹ cứ yên tâm, anh ý thương con lắm, con không khổ đâu. Ờ, thì cả đời này mẹ cũng chỉ mong vậy thôi.

 

Nhiều lúc nhớ con quay quắt, bà chỉ biết lấy áo quần con ôm ngủ. Thi thoảng vào phòng nó dọn dẹp vài ba thứ, để nó có về thăm đột xuất cũng có chỗ sạch sẽ mà ngủ.

 

Thằng em lận đận lắm cũng tốt nghiệp cấp ba xong rồi đòi vào tận Sài Gòn học nghề.

 

– “Nghề gì học gần đây cũng được, có nhất thiết phải đi xa không con”.

 

Nó ngắc ngứ: “Con chỉ thích học trong đó”.

 

Ờ, thì nó thích, mình đành chịu.

 

Ngoài làm nông, ông bà cũng buôn bán thóc lúa cho những mối lớn trên huyện nên có đồng ra đồng vào. Ngôi nhà bây giờ xây khang trang, rộng rãi mà trống huơ trống huếch. Hết ông đi lên lại gặp bà đi xuống, hai ông bà nhìn nhau mà thở dài thườn thượt.

 

Bà biết, ông không nói ra nhưng ông cũng nhớ chúng nó lắm. Cái hồi tới mùa gặt, nhìn mấy nhà trong xóm con cái đứa nấu ăn, đứa phụ gặt, đứa gánh lúa về, không khí đông đúc vui vẻ nom thèm làm sao. Bên ruộng này, mỗi hai ông bà già lụi hụi làm, có việc gì to tát lại đi thuê người.

 

Nghe tiếng trẻ nít từ nhà bên cạnh, bà bấm điện thoai gọi con gái, thôi mày mau có cháu đi, đẻ xong đem về đây tao nuôi cho. Con gái bà ậm ừ, bà nội để làm gì, việc gì mẹ phải nhọc như thế. Mẹ cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

 

Gọi vào cho thằng con trai, nó bảo ông đừng gọi chi nhiều, nó bận lắm. Hình như chỉ lần nào hết tiền, nó mới gọi để bảo ông chuyển tiền thì phải. Những lúc ấy, ông phấn khởi làm sao, cố khơi chuyện mà nói rồi lại chuyển máy cho bà. Nó tắt máy từ hồi lâu mà ông bà còn cầm cái máy áp vào tai tưởng như làm vậy là cảm nhận được hơi của thằng con. Hóa ra, thời đại bây giờ, gần con cũng trở nên xa xỉ đến thế.

 

Hôm ông ốm, bà bắt con gà làm thịt, hai ông bà đùn qua đẩy về, ăn mãi cũng không hết nửa con, phải chi có chúng nó ở nhà.

 

Lại nhắc chuyện ông bạn thời chiến đấu của ông, nhà có sáu đứa con. Mấy đứa trẻ nhà ấy cứ luân phiên nhau, đứa này đi học xa thì đứa kia ở nhà đỡ đần bố mẹ. Ngày Tết cũng vui, vợ chồng con cái trong nhà thôi mà y như có hội.

 

Hai ông bà cứ như vợ chồng son già cỗi, ngày ngày vào ra trông ngóng con. Chẳng mấy chốc lá rụng về cội, hai cái thân già rồi cũng dìu dắt tiễn nhau đi, không lẽ cứ sống mòn mỏi rồi chờ cái ngày ấy.

 

Diệu Ái