Tag Archives: con cái

Chọn gia đình hay sự nghiệp?

Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ đôi khi phải đứng trước sự chọn lựa: gia đình hay sự nghiệp. Và sự chọn lựa nào cũng có cái giá phải trả dù nhiều hay ít.

1. Trước kia vì hoàn cảnh gia đình, chị Bích Ngọc học hết cấp 3 rồi phải đi làm để phụ giúp gia đình. Anh Minh, chồng chị làm công nhân trong xưởng mộc, văn hoá chỉ tới cấp 2. Ðược cơ quan khuyến khích, chị thi vào đại học khi đứa con thứ ba tròn 5 tuổi.

Trong thời gian vừa học vừa làm, chị được sự giúp đỡ nhiệt tình của chồng vì theo anh “con cái ngày càng lớn, cha mẹ cần phải có văn hoá kha khá mới dạy được con”. Tưởng như thế là đã đủ cho một gia đình hạnh phúc, thế nhưng một năm sau ngày tốt nghiệp đại học, chị quyết định ra nước ngoài học lấy bằng cao hơn để “cống hiến được nhiều hơn cho xã hội”. Ngày tiễn vợ lên đường, anh Minh thở dài ngao ngán. Không phải anh là người ích kỷ nhưng theo anh, người phụ nữ dù giỏi giang đến đâu, dù có làm bà này bà nọ ngoài xã hội vẫn phải xem gia đình là trọng khi hai đứa con đang tuổi mới lớn rất cần bàn tay chăm sóc giáo dục của người mẹ.

Vì cha mẹ hai bên đều còn ở quê, thế nên anh vừa phải đi làm kiếm tiền vừa kiêm luôn việc dạy dỗ ba đứa trẻ. Anh nói: “Cực khổ vì mưu sinh tôi không ngại nhưng để dạy bọn trẻ nên người, theo tôi đó mới là chuyện “đại sự”. Tôi học ít, lo quần quật kiếm tiền, thời gian đâu có nhiều để theo sát mấy đứa nhỏ, nhất là hai đứa con gái đầu lòng. Ở tuổi này chuyện riêng tư gì nó đâu có nói với tôi”.

Hơn hai năm xa gia đình, ngày trở về cũng là ngày chị biết một sự thật đau lòng: hai đứa con gái bỏ học theo đám bạn ăn chơi lêu lổng, thằng con trai thì cứ hai năm một lớp. Chị trách móc anh không biết dạy dỗ con cái nên người, anh bảo hậu quả này do chị gây ra bởi chị chỉ nghĩ đến sự thành đạt của mình mà lơ là trách nhiệm làm mẹ. Không ai chịu ai, hai vợ chồng cãi nhau suốt ngày. Cuối cùng anh đành khăn gói ra đi bởi không “đấu lại trình độ lý luận sắc bén của vợ”, điều này đồng nghĩa với chuyện con cái không ra gì là tại anh.

2. Chị Thu Ba là người không nhanh nhẹn cũng không thông minh, nhưng cái cần mẫn, chăm chỉ đã giúp chị vượt qua 4 năm đại học một cách dễ dàng.

Trở về nhiệm sở cũ công tác thêm hai năm, chị được cơ quan ưu ái cho cái học bổng ở Thái Lan. Nhiều người trong cơ quan bàn tán, đa phần là phản đối. Không phải vì họ ghen tỵ mà vì chị “không có năng lực, học làm chi cho tốn tiền, phí thời gian” và “hai vợ chồng đang lục đục, chị cần ở nhà để củng cố tình cảm chứ đi vài năm e mất chồng”… Với mong muốn bằng chị bằng em, Thu Ba gạt bỏ mọi trở ngại quyết tâm lên đường du học.

Ðối với người ta, thời gian học hành ở xứ người cực một, còn chị phải cực tới… hai lần. Bởi vốn liếng tiếng Anh không khá, lên giảng đường nghe tiếng được tiếng mất. Ðể khắc phục, chị phải thu băng tất cả lời giảng của giáo viên, tối rã băng nghe lại, phải tra tự điển từng từ, ráp nối câu cú. Dù cố gắng cách mấy thì cũng câu được câu mất. Ðã thế lớp học không có người Việt nào cả, vì thế việc trao đổi thông tin bài vở với nhau cũng hạn chế. Ðêm nào cũng vậy chị thức đến 3 – 4 giờ sáng, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Ðầu óc chị lúc nào cũng chỉ có một chữ học. Nó ám ảnh đến nỗi năm học thứ nhất vừa chấm dứt thì chị mắc luôn chứng bệnh tâm thần nhẹ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn trong 6 tháng.

Tiếc công “gieo hạt gần tới ngày gặt hái”, chị vẫn tiếp tục học bất chấp lời khuyên của bác sĩ. Lần này còn dữ dội hơn bởi phải hoàn thành bài luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Căng thẳng quá, thế là chị “bứt” luôn, trở nên người ngớ ngẩn phải bỏ ngang việc học về nước. Ở nhà, chồng chị đã có người phụ nữ khác. Mất chồng, việc làm cũng chẳng còn, chị phải về sống nương tựa vào ba má và mấy đứa em.

 

3. Khi con trai Minh Nhật được 6 tháng tuổi, hai vợ chồng chị Ánh Hồng gửi con cho ông bà nội để lên đường du học, anh học tại Mỹ còn chị làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Bốn năm ở nước ngoài, hai lần về phép thăm gia đình vỏn vẹn 30 ngày. Ra trường, chồng chị trở về nước nhận công tác còn chị nhận lời mời cộng tác với một công ty tầm cỡ quốc tế bên đó ba năm. Thời gian xa cách đủ để chồng chị có vợ khác. Ðứa con trai sau bao nhiêu năm thiếu thốn tình mẫu tử nay được bù đắp từ bà mẹ kế.

Vì vậy khi chị trở về, đứa bé không gọi chị bằng mẹ, mà cái từ thiêng liêng này nó dành cho bà mẹ kế, người đã thương yêu chăm sóc nó trong những năm qua. Rất đau khổ nhưng chị không nỡ tách con mình ra khỏi cái nôi hạnh phúc mà nó đang hưởng.

4. Bạn tôi tháng trước nhận được học bổng nghiên cứu sinh ở Mỹ, chị đã mạnh dạn từ chối. Bởi theo chị, kiến thức có thể đến bằng nhiều con đường một khi mình có chí cầu tiến. Vả lại chị đang có hai cô con gái đang tuổi mới lớn cần có mẹ ở kế bên chăm sóc dạy dỗ. Không chút băn khoăn tiếc nuối về quyết định này, chị cho biết: “Mặc dù vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong xã hội, nhưng vai trò “nội tướng” vẫn được coi là nghĩa vụ quan trọng nhất của người phụ nữ. Vì vậy một khi mình thấy không thể chu toàn cả công việc xã hội lẫn gia đình một cách tốt nhất, là người phụ nữ, mình chấp nhận hy sinh cho gia đình.

Quyết định trên của chị bạn tôi chưa chắc đúng nhưng cũng có thể giúp bạn tham khảo, cân nhắc trước khi chọn lựa: sự nghiệp hay gia đình?

Ý HẢO

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được đổi

Tôi chưa dám ly hôn

Những ngày này, tôi đang ngược xuôi tìm mua căn hộ dạng nhà ở xã hội – tranh thủ cùng gói kích cầu 30.000 tỷ. Tôi đã nghĩ đến chuyện chuyển trường cho con và tìm thêm việc bán thời gian để có thể lo cho cuộc sống của ba mẹ con.

Tôi chưa dám ly hôn
Tôi chưa dám ly hôn – Ảnh minh họa

Nhưng, tính toán mãi tôi vẫn chưa đủ tiền mua căn hộ dù chỉ be bé vùng ven (cả tỷ đồng), đi vay dù được ưu đãi áp lực trả vốn lẫn lãi vẫn khó kham nổi khi tôi còn phải nuôi hai con nhỏ. Nghĩ đến việc tách hai con đang sống sung túc ở trung tâm thành phố dạt ra vùng ngoại ô thiếu thốn hoặc phải sống tạm bợ trong phòng trọ chật chội, tôi thật không cam lòng. Trụ cột kinh tế trong nhà là chồng tôi, nhưng cùng với đồng tiền đem về nhiều hơn anh ngày càng gia trưởng khiến tôi bị ức chế và tủi thân vô cùng. Tôi đã phải tập trơ lì cảm xúc để chịu đựng anh nhưng đôi lúc cũng muốn phát điên. Song, nhìn hai con đi mầm non về líu lo “con có ba, con có má…”, “bố là tất cả bố ơi bố ơi” là tôi lại như mềm rũ ra. Dù đối xử với vợ ngày càng tồi tệ nhưng anh vẫn là người cha yêu thương con cái và biết lo cho gia đình.

Tôi trăn trở đến trầm uất, nếu đưa đơn ly hôn chắc chắn anh sẽ ký ngay một cách ngạo mạn và giành nuôi cả hai đứa, có đấu tranh quyết liệt lắm, có thể tôi chỉ được nuôi một đứa. Hai chị em mới 3, 4 tuổi liền nhau, biết chia đứa nào? Nhiều đêm mơ thấy cảnh các con ngơ ngác gào khóc khi không thấy mẹ mà thay vào đó là người đàn bà khác trong nhà, tôi lại trào nước mắt buông xuôi. Không đành đoạn thôi thì nín nhịn mà chờ đợi, chờ phép màu thay đổi chồng tôi hoặc chờ đến ngày con đủ khôn lớn để tôi yên tâm rũ bỏ nợ nần. Nhiều người bảo tôi yếu đuối, cứ ly hôn rồi mọi thứ dần sẽ ổn, cuộc sống hậu ly hôn có khi sáng tươi vô cùng (?!). Có người nói tôi đa đoan, con gái sống với bố cũng tốt, thiếu gì cách chăm sóc con từ xa. Tôi xin nhận hết mọi chê bai, chỉ không chịu nổi cảnh con tôi thua thiệt. Chúng không thể là chuột bạch để tôi thử nghiệm cuộc sống ly hôn nếu chưa chuẩn bị sao cho cuộc sống mới không tệ hơn cái cũ. Chúng cần được sống xứng đáng mỗi ngày.

 

Ly hôn bây giờ sẽ giải thoát cho tôi khỏi người chồng độc đoán và ích kỷ nhưng là ngõ cụt cho cả ba mẹ con. Với hai con nhỏ, tôi không thể quay lại thời độc thân đua chen công việc để khẳng định mình. Các con bị tước đi quyền được chung sống với cả bố và mẹ, bị đoạt mất sự sung túc đầm ấm chúng đang và đáng được có. Chúng còn quá bé bỏng để phải chịu đựng và biết cảm thông. Cho dù cha chúng quan niệm ra sao, nhưng là mẹ, tôi không cho phép mình lấy đi của chúng hạnh phúc tuổi thơ đó, dẫu duy trì thêm nữa cuộc hôn nhân là rất bức bối cho bản thân tôi.

Duy trì hôn nhân là sống mòn, ly hôn là trốn khỏi chông gai này nhưng lại rơi vào gút mắc khác, thật bế tắc!

TRÂN CHÂU 

Chồng bạc đãi vợ nhưng hết lòng với bạn

Vợ là người đắp chăn cho khi hắn lạnh, nấu cơm, rửa bát, chăm con… nhưng hắn sẵn sàng đạp, đánh, chửi, thậm chí đuổi vợ đi.

 

Là một người vợ nhưng tôi cũng không biết chồng mình đang làm gì, đồng nghiệp có những ai và chồng tôi đang cảm thấy thế nào. Hắn chẳng bao giờ nói với tôi cả. Hắn có thể đi chơi với bạn bè cả ngày nhưng không thể chơi với con 30 phút.

Tôi cũng chẳng bao giờ biết chuyện gì từ chồng, người ngoài còn biết rõ về hắn rõ hơn tôi. Hắn sẵn sàng lấy tiền ăn của cả nhà cho thằng bạn, còn mặc kệ không cần biết vợ con có bị đói hay không? Nhưng tôi chẳng thấy thằng bạn nào tốt với hắn cả.

Chồng đối xử tệ bạc với vợ - Ảnh minh họa
Chồng đối xử tệ bạc với vợ – Ảnh minh họa

Tôi cảm thấy tôi và hắn chỉ là vợ chồng vì cái giấy đăng ký kết hôn. Tôi thậm chí không bằng người ngoài. Hầu như chuyện gì tôi biết về hắn cũng nghe từ người ngoài kể lại. Tôi cũng không hiểu gia đình này rồi sẽ đi đến đâu nữa. Tôi nói hắn, hắn mặc kệ không cần biết. Hắn cần gì phải vun vén cho gia đình này? Hạnh phúc đối với hắn là những giây phút thả phanh bên những thằng bạn tồi tệ, là những giờ ngồi dài chơi AOE, là những buổi nhậu đến tận 1h đêm?

Sau đó, khi về đến nhà, vợ là người đắp chăn cho khi hắn lạnh, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo và chăm con và giúp hắn mỗi khi khó khăn. Nhưng hắn sẵn sàng đạp, đánh, chửi, thâm chí đuổi vợ đi. Mọi tội lỗi trong nhà đều do vợ gây ra hết, vì ở nhà đấy chỉ có mỗi vợ hắn là người ngoài. Vợ hắn giờ đây chẳng biết phải làm gì nữa, cứ buông xuôi cho cuộc sống đến đâu thì đến.

Béo xinh

Luật nhân quả

Sơn cười lên thành tiếng đầy chua chát. Sơn nguyền rủa bản thân ngày trước đã tàn nhẫn với giọt máu của chính mình, để giờ đây mọi thứ trở thành luật nhân quả giáng xuống cuộc đời anh.

Sơn từng là một chàng trai đào hoa và vô trách nhiệm với tình yêu. Ngày còn trẻ, anh tán tỉnh nhiều cô và cũng nhận về mình nhiều sự “hiến dâng”. Nhưng tất cả chỉ như gió thổi mặt hồ. Với Sơn đó chỉ là những cuộc “vui chơi qua đường” chứ không phải là tình yêu. Sơn thường tặc lưỡi: “Mỡ đến miệng mèo, chả dại gì không hưởng”. Vả lại, anh chẳng hứa hẹn điều gì với họ, đấy là họ tự cho rằng có thể ràng buộc Sơn bằng việc đó mà thôi. Hơn một năm trước, Sơn đã từng đưa một đống tiền cho Dung – người con gái yêu anh và trao cho anh tất cả, để yêu cầu cô từ bỏ cái bào thai đang lớn dần trong bụng. Với Sơn việc “ăn bánh” phải “trả tiền” là hết nghĩa vụ.

Rồi Sơn gặp và yêu Nghi. Chưa bao giờ Sơn có cảm giác cần người khác đến như thế. Ngày nào không có Nghi, Sơn như người phát điên, chẳng làm được việc gì. Lần đầu tiên Sơn hiểu thế nào là tình yêu. Những lần trước, dù có chọn một cô nào đó làm bạn gái đi chăng nữa Sơn cũng phải hẹn hò, gặp gỡ thậm chí là “yêu đương” vài cô một lúc. Lần này thì khác hẳn, xung quanh Sơn có rất nhiều cô đeo bám nhưng anh tuyệt nhiên không có ý muốn “bắt cá hai tay”. Lần đầu tiên Sơn cảm thấy lo sợ về cái quá khứ “oanh liệt” của mình sẽ khiến Nghi không chấp nhận anh.

Sơn không còn để ý tới bất kì người con gái nào khác ngoài Nghi. Mọi việc xảy ra trong cuộc sống của cô đều là mối bận tâm của anh. Cô chỉ ho vài cái là tim anh thắt lại, Nghi chỉ ốm vài hôm là Sơn gần như phát điên lên vì lo lắng. Sơn tự nhủ với lòng mình: “Từ giờ trở đi anh sẽ là một người đàn ông tử tế để xứng với em và để được yêu em”.

Sơn không giấu giếm Nghi điều gì, anh khai thật hết tất cả những lỗi lầm của mình. Nghi nói cô cần suy nghĩ. Hơn một tháng sau Nghi mới tìm gặp Sơn, cô nói sẽ chấp nhận anh vì anh của ngày hôm nay đã thay đổi và mọi thứ là quá khứ, khi mà chưa có cô. Sơn hạnh phúc tới chảy nước mắt khi được Nghi tha thứ. Một đám cưới rình rang được diễn ra, Sơn cảm thấy vỡ òa sung sướng vì cuối cùng anh cũng lấy được người con gái anh yêu.

Cuộc sống của hai vợ chồng diễn ra thật ngọt ngào. Quá yêu thương vợ nên lúc nào Sơn cũng làm tốt vai trò của một người chồng. Nghi cũng là người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Cả Sơn và Nghi đều hài lòng với cuộc hôn nhân của mình và đang háo hức chờ đợi “quả ngọt” ra đời từ tình yêu của họ.

Nhưng rồi hơn một năm qua đi không có gì thay đổi, trong thâm tâm của cả Sơn và Nghi đều có chút lo lắng. Nhưng cả hai đều sợ tổn thương đối phương nên chẳng ai dám nhắc tới chuyện đó. Năm thứ hai sau đám cưới lại qua đi, nỗi thèm khát có tiếng trẻ bi bô trong nhà càng lớn hơn bao giờ hết. Quyết định giải quyết vấn đề, vợ chồng Sơn đi khám.

Cầm tớ kết quả trên tay, Sơn chẳng thể nào khóc nổi. Nghi không thể có con, đó là kết luận của bác sĩ. Biết chuyện, Nghi gào khóc, cô mắng mình là người đàn bà vô phúc mới không thể sinh con. Nghi yêu cầu Sơn ly dị để anh đi tìm hạnh phúc khác. Sơn ôm vợ vào lòng, cả hai cùng khóc lên nức nở.

Sơn yêu vợ, yêu nhiều lắm, yêu hết tất cả mọi thứ, làm sao anh có thể bỏ mặc người vợ của mình mà đi tìm niềm vui khác. Nhưng khát khao, mong mỏi được có một đứa con sẽ mãi mãi là điều mà người đàn ông nào cũng muốn.

Ngồi một mình trong căn phòng, Sơn cười lên thành tiếng đầy chua chát. Chính anh đã tạo nên nghiệp chướng này khi đã tự mình bỏ đi những giọt máu thiêng liêng, để giờ đây, luật nhân quả buộc anh phải trải qua nỗi đau đớn này. Sơn chỉ biết rằng, sẽ không bao giờ anh bỏ Nghi…

Đường cong

Tôi vốn là người thẳng tính, không thích màu mè hoa lá, nên mới gặp và yêu ông xã, cũng là một người nổi tiếng “thẳng tưng”. Con trai, con gái sinh ra trong nhà phần nào ảnh hưởng tính cách cha mẹ. Khi các con còn nhỏ, thỉnh thoảng “đường thẳng ba” và “đường thẳng mẹ” cũng va chạm chát chúa. Bây giờ các cháu lớn lên, 15, 17, thêm hai đường thẳng nữa, nên trong nhà bắt đầu thiếu những đường cong.

 

Đường cong - Ảnh minh họa
Đường cong – Ảnh minh họa

Con trai, con gái đều thích K-pop (nhạc nhẹ Hàn Quốc), nên một bữa về nhà, tôi hoảng hồn thấy đầu tóc con trai bỗng nhuộm hung nâu, tỉa tót rất điệu đà. Câu chuyện về cái đầu Hàn Quốc của con trai nổ ra ngay trong bàn ăn tối hôm đó. Ông xã tôi lớn tiếng bài trừ cái đầu của thằng con: “Thứ đàn ông con trai tỉa tót đầu tóc là thứ không ra gì, quan trọng là cái có trong óc chứ không phải là cái mọc ngoài da đầu”. Con trai, con gái bỗng đứng về cùng một phe: “Ba mẹ không hiểu tụi con. Ba mẹ thứ gì cũng ngăn cấm, ba mẹ không có quyền…”. “Để rồi coi tao có quyền không, tao xách đầu mày ra gọt sạch ngay bây giờ!”. Chuyện lan đến cả việc học hành của hai đứa, đến cả đám ảnh thần tượng hai đứa dán đầy tường. Kết quả là nước mắt của con gái, cú đóng cửa phòng đánh sầm của con trai, gương mặt hằm hằm của ba và bản đơn ca buồn của mẹ.

Nhà căng thẳng cả tuần liền. Thằng con trai ra vô là đóng cửa, chắc hẳn nó sợ ba túm lấy nó cạo đầu thật. Con gái cũng đóng chặt cửa phòng, bảo vệ mấy tấm ảnh thần tượng của nó. Tôi dần dần nhận ra mình phải làm… một đường cong. Chỉ có những đường cong mới có khả năng tiếp xúc với nhiều điểm nhất.

Việc đầu tiên là ông con trai đi cùng mẹ ra tiệm để nhuộm lại tóc. Không ngờ việc này khi tôi nói một hai câu nhẹ nhàng, cháu đồng ý ngay: bản thân cháu cũng thấy mình kỳ cục với cái đầu nhuộm hung và bộ đồng phục đi học, khác hẳn các bạn, lại bị thầy giám thị gọi lên làm việc một hai lần. Khi tóc đã về màu nguyên thủy, cậu thợ cắt tóc (có xi nhan trước của mẹ) nịnh cháu vài câu, đề nghị cắt bớt những đuôi tỉa tót kỳ quái để gương mặt được sáng và “men-lỳ” hơn, cháu gật đầu cái rụp. Chiều hôm ấy về nhà, nhìn đầu tóc của con, gương mặt chồng tôi dịu hẳn. Sợ anh lại lỡ miệng nói câu gì khiến con tự ái, tôi giỡn: “Tóc ba muối tiêu rồi kìa, lại dài nữa, thôi đi ra tiệm tút lại luôn rồi về ăn cơm!”.

Bữa cơm tối ấy đã bớt căng thẳng đi nhiều. Anh xã từ tiệm hớt tóc về, tắm rửa sạch sẽ rồi ngồi vô mâm cơm, con gái lấy đôi đũa cho ba, sảng khoái sao đó mà anh khen con gái một câu: “Tóc bé Út giống tóc mẹ hồi xưa, thẳng tưng, bóng mướt!”. Út cười tủm tỉm, vuốt vuốt tóc mẹ: “Hồi đó mẹ có duỗi tóc không mẹ?”. Câu chuyện trở về ngày xưa, tôi thấy mình trong lời kể của chồng: cô nhỏ ngỗ ngược, lông mày rậm rì, tóc dày mượt, ngồi bàn trước túm tóc lên thả một cái rớt đầy vở của thằng con trai ngồi bàn sau, mực dính tèm lem vở, mới mở miệng than một câu, nhỏ trợn mắt làm thêm lần nữa, nổi tiếng trong lớp về sự nghịch ngợm và tính nói thẳng (bụm miệng cười thì thầm: y như một cây thước kẻ vậy đó!).

Cây thước kẻ đã mềm đi nhiều, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, qua những lần sinh nở, nuôi con. Tôi biết mình là người đầu tiên phải thay đổi, phải giữ được bình tĩnh để nuôi dạy và uốn nắn con. Ai chẳng muốn mình thẳng tưng cho khỏe, nhưng mình thẳng mà lỡ chồng con phải cong thì… nên tôi chủ động làm một đường cong của gia đình, để kết nối được các thành viên trong tròn vẹn yêu thương…

 

Yên Thảo / Theo PhuNu Online