Category Archives: Tâm sự gia đình

Tôi choáng váng khi thấy mẹ “trong vòng tay“ chồng mình

Đầu óc tôi muốn nổ tung. Tôi phải làm sao đây để đối diện với người mẹ, người chồng mà tôi luôn yêu thương nay lại phản bội tôi?. Bỏ chồng ư?. Hay bỏ người mẹ đã sinh ra và nuôi nấng mình?. Hay tôi chấp nhận sống tay ba với cuộc tình đầy ngang trái này?.

Mẹ và con rể`
Mẹ và con rể

Bố bỏ mẹ con tôi trong một vụ tai nạn xe máy. Lúc đó, tôi đang học ở trường. Khi cô giáo báo tin, tôi bỏ sách vở, vừa chạy bộ tới bệnh viện vừa khóc. Còn mẹ tôi thì ngất lịm khi nghe hung tin. Đám tang của bố vào một ngày trời giông bão khiến cho không khí càng thêm não nề, buồn thảm. Sau đám tang, mẹ ốm bẹp giường còn tôi và bà ngoại thay nhau chăm sóc. Phải mất một tháng sau, mẹ tôi mới đỡ buồn và bắt đầu đương đầu với cuộc sống mẹ góa con côi đầy khó khăn.

Trước đây, kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào bố tôi. Bố tôi làm tại công ty dược phẩm nên lương bổng có thể dư sức nuôi ba miệng ăn. Mẹ ở nhà chuyên tâm vào việc nội trợ, chăm sóc con cái. Nhưng khi bố ra đi, gia đình tôi thiếu thốn tình cảm và kinh tế khó khăn trông thấy. Chẳng còn ai gánh vác việc thu nhập ngoài mẹ.
Không xin được việc ở nhà nước hay công ty, mẹ tôi đành lên chợ hoa quả Long Biên lấy hàng về bán ở ngay đầu ngõ. Mưa nắng, đắt ế thất thường nên thu nhập của mẹ tôi chẳng đáng là bao. Tôi thương mẹ vô cùng nên không bao giờ dám đòi hỏi quần áo đẹp hay những bộ đồ chơi đắt tiền.
Nhìn thấy mẹ lam lũ vất vả mà thu nhập lại eo hẹp, tôi thầm hứa lòng mình sẽ học thật giỏi, thi đỗ vào trường Đại học, sau này dễ xin việc làm ở cơ quan nhà nước. Dường như quá vất vả với việc sinh nhai, nên mẹ tôi quên bẵng tuổi xuân của mình, lặng lẽ nuôi tôi thành người.
Rồi tôi cũng đỗ vào trường sư phạm. Vừa đi học, vừa đi làm gia sư nên đôi vai mẹ bớt nặng.  Sau 4 năm đại học, tôi được giữ lại trường làm trợ giảng rồi thành giảng viên. Thấy con nghề nghiệp ổn định, mẹ tôi giục tôi lập gia đình. Lúc ấy, có một anh hơn tôi 12 tuổi, (kém mẹ tôi 7 tuổi) ngỏ lời yêu tôi. Phân vân vì tuổi tác khá chênh lệch, tôi đưa anh về nhà giới thiệu, và xin ý kiến mẹ.

Vừa mới nhìn thấy anh, mẹ tôi có vẻ ưng ngay bởi dáng người cao to, khỏe mạnh, ăn nói điềm đạm và khuôn mặt khá điển trai phong trần. Mẹ tôi bảo, chồng hơn vợ 12 tuổi thì có gì mà nhiều nhặn. Chồng hơn nhiều tuổi, con càng được chiều. Ngoài tuổi tác, điều mà tôi phân vân nữa là anh lại là lái xe nay đây mai đó không hợp với tính cách thích bình yên, xum vầy của tôi.
Mẹ tôi lại khuyên, đàn ông phải đi đâu đi đó mới có cái nhìn phóng khoáng, chứ ru rú từ cơ quan tới về nhà thì chán chết. Thấy mẹ tôi nhiệt tình vun vào, tôi đã nhận lời cầu hôn của anh.
Vì là con một, sợ mẹ buồn không người chăm sóc khi tôi đi lấy chồng, tôi ra điều kiện anh phải ở rể, coi là người đàn ông gánh vác việc gia đình mình. Vì yêu tôi, anh gật đầu đồng ý.
Tôi lấy chồng mà vẫn ở bên mẹ, ngày cưới mẹ tôi hoan hỉ lắm. Sau khi cưới, mẹ tôi vui ra mặt vì dường như mẹ không phải gồng mình làm chủ gia đình nữa mà đã có chồng tôi gánh vác những việc lớn nhỏ trong gia đình như sửa nhà, chữa điện hỏng, hay đi về quê bố tôi cách vài trăm cây số lo việc hiếu hỉ thay mẹ.
Rồi chúng tôi sinh bé trai khiến gia đình thêm ấm cúng. Tôi nghỉ ở cữ 4 tháng. Lúc đấy, nghe nói đi buôn hoa quả lãi hơn bán lẻ, mẹ muốn kiếm thêm thu nhập đã bàn với chồng tôi cùng đi Lạng Sơn nhập hoa quả rồi về tiêu thụ ở một số đại lý (vì chồng tôi là lái xe đường dài).
Chồng tôi đồng ý. Và sau khi gom tiền, mẹ và chồng tôi bắt đầu đi Lạng Sơn nhập hàng. Sau chuyến đi đầu, hàng hóa tiêu thụ hết veo, trừ tiền ăn ở, đi lại, xăng dầu, vồn liếng, lãi thu về gấp nhiều lần bán lẻ khiến mẹ và chồng tôi phấn khởi vô cùng. Mới đầu một tuần mẹ và chồng tôi đi 1-2 ngày, nhưng rồi, lịch đi ngày càng dày đặc.
Những chuyến đường dài làm cho tình cảm mẹ và chồng tôi ngày càng khăng khít. Về tới nhà là họ nói chuyện phòng ngoài với nhau cả buổi để tôi một mình trong phòng chăm con. Mải chăm con nhỏ và nghĩ tới việc gia đình tăng thu nhập, tôi không hề nghĩ ngợi gì.
Cho tới khi, một lần, tôi đi chợ, một bà hàng xóm ghé tai tôi nói, con trai bà ấy đã nhìn thấy mẹ và chồng tôi vào một nhà nghỉ và ở chung một phòng. Tôi nghe câu nói đó định mắng té tát vào bà hàng xóm đó vì tội xúc phạm mẹ và chồng nhưng vì chốn đông người, tôi đành nuốt cơn bực, bỏ về.
Về đến nhà, nỗi bực tức của tôi ngày càng dâng cao cùng với đó là sự nghi ngờ bắt đầu xâm lấn trí óc tôi. Bất giác tôi chợt nhớ lại, đã từ lâu, vợ chồng chúng tôi không quan hệ và tình cảm bắt đầu nguội lạnh. Còn mẹ tôi dạo này đổi khác. Có kinh tế, mẹ không còn lam lũ ngày nào, thay vào đó là những chiếc váy hợp mốt và kiểu tóc bồng bềnh trông trẻ ra đến dăm tuổi. Tôi rùng mình với ý nghĩ của mình khi so sánh mẹ và anh trông cũng khá đẹp đôi. Nhưng rồi, tôi vội xua đuổi suy nghĩ xúc phạm tới mẹ và chồng. Tôi cố gắng kìm chế và trở lại với cuộc sống bình thường.
Một lần, trường tôi tổ chức tập huấn nâng cao trình độ giảng dạy, tôi xin đi một tuần. Xa con, xa nhà vài ngày mà tôi nhớ quay quắt. Vì con mọn nên tôi xin phép về sớm một ngày so với dự kiến. Nỗi nghi ngờ vưởng vất khiến tôi buồn chán nên cũng chẳng muốn thông báo gì.
Khi tôi về nhà là 8 giờ tối. Trời chưa khuya mà nhà tôi lại tắt điện đi ngủ sớm. Linh cảm chuyện chẳng lành, tôi lấy chùm chìa khóa riêng ra mở cửa. Cánh cửa bật mở, cảnh tượng đập vào mắt tôi là mẹ và chồng tôi đang quấn lấy nhau, người không một mảnh vải.
Tôi cũng chẳng biết mình đã tỉnh lại khi nào. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn không thể tin những gì mình đã nhìn thấy là sự thật. Tôi luôn như người mộng du trong chính cuộc sống thật của mình. Tôi có bất hiếu không khi có ý định bỏ đi thật xa để xóa bỏ quá khứ về một ngôi nhà như thế, một người mẹ như thế?.

 
Theo Phapluatvn

Lấy chồng bộ đội

“Thôi mày ơi! Lấy chồng bộ đội khổ lắm! Đêm về cũng nằm chỏng queo” – cô Lan kêu lên khi hay tôi quen một anh chàng lục quân trên phố.

À, mà cũng được. Bộ đội cũng có cái hay”, rồi cô lại chống chế.

Chồng bộ đội

Chả là thế này. Chồng cô là sỹ quan đóng quân tận miền nam, 3-4 tháng, thậm chí nửa năm mới tranh thủ về thăm gia đình. Công việc to nhỏ, lớn bé, đối nội, ứng ngoại, chăm lo con cái, chú giao hết cho cô.

 

Lúc mang bầu cu lớn, bụng cô chửa nước phình to như cái thúng, di chuyển khệ nệ, khó khăn, nên mỗi lần đến viện khám thai, mẹ tôi phải đỡ. Có hôm mẹ bận, cô phải tự thuê xe ôm đi một mình. Nhiều người ở khoa sản tò mò nhìn cô đầy ái ngại. Những lúc như thế, cô sượng sùng hé lộ “em vợ bộ đội!” rồi chợt nghe vài tiếng “à” tỏ vẻ thấu hiểu loáng thoáng phía sau.

 

Cô Lan từng làm kế toán huyện. Nhưng sau khi sinh, không biết cậy nhờ ai trông giúp, cô đành xin nghỉ, ở nhà mở cửa hàng tạp hóa buôn bán cho thêm đồng ra đồng vào.

 

Còn nhớ, có lần lon ton chạy sang chơi, thấy cô hì hụi đóng đóng, đập đập chiếc chuồng gà, mồ hôi nhễ nhãi, tôi nhanh trí tót vào trong tìm quạt nan phe phẩy. Đang đong đưa nhịp nhịp thì nghe tiếng cô thở dài đánh thượt: “Tao mới vào bà chặt mấy cây tre về đóng cái chuồng to hơn. Chứ gà bắt đầu phổng phao rồi, chen chúc nhau tội quá. Tết năm nay chú mày về kiểu gì cũng có nhiều gà ăn. Ôi chao! Nhắc đến mới nhớ. Có chú mày ở nhà lúc này thì tốt biết mấy!”.

 

Ừ, mà quả thật, nếu chú tôi ở nhà, chắc cô cũng rảnh rang chút ít. Không phải lo vã mồ hôi hột khi con đột ngột sốt cao nhập viện. Không phải một mình vật lộn rửa bể nước mưa bám đầy rong rêu, bọ gậy giữa trưa nắng gắt. Cũng không phải táy máy ngồi sửa đường dây điện do chuột cắn, và còn nhiều thứ không phải khác nữa… làm sao kể hết. Chú vốn nổi tiếng khéo tay, lại chịu thương chịu khó, làm gì cũng nhanh cũng đẹp, thế nên nếu có chú ở nhà, thì cái chuồng gà này thấm tháp vào đâu, nhoằng cái đảm bảo xong ngon lành.

 

Năm nào cũng vậy, chú đều được nghỉ nguyên một tháng dành trọn vẹn bên vợ bên con. Khoảng thời gian ấy, đối với cô Lan lý tưởng như sống trên thiên đường. Sáng sáng nhiệm vụ duy nhất chú giao cho cô là đi chợ mua đủ số nguyên vật liệu theo đúng yêu cầu, kiểu gì trưa chiều cả nhà cũng được thưởng thức những món lạ độc đáo do chính tay chú xào xáo. Ngay cả chuyện đưa đón con đi học, chú cũng dành phần hết. Tối tối, sau bữa cơm đầm ấm có đủ 4 người, hai cô chú lại rủ nhau dạo quanh thôn xóm vòng vòng tập thể dục, hoặc tíu tít chở 2 con đi mua sắm, đến khu vui chơi, ăn ốc, ăn kem, chuyện trò rôm rả, bù đắp lại cho những ngày thiếu vắng.

 

Thằng bé thứ hai rất quấn bố. Chỉ cần thấy thấp thoáng dáng bố, nó đã chạy lại ôm hôn, la hét sung sướng. Nó khoái nghe bố kể chuyện doanh trại, thích bố chỉ cho cách vẽ biển đảo, vẽ những con sò ốc, san hô, những ngọn hải đăng, tàu thuyền neo đậu và cả hình chú hải quân giương cao ngọn súng đứng gác dưới ánh trăng trắng sáng rồi cười tít mắt khẽ bảo “con vẽ bố đấy”. Biết bố dặn kĩ “ở nhà phải ngoan” nên nó hoàn toàn vâng lời mẹ bởi trong cái đầu non nớt 5 tuổi ấy, nó luôn suy nghĩ “có ngoan bố mới chịu về chơi”.

 

 

 

Thằng lớn thì khác. Không phải nó cách xa hay ghét bỏ bố mà nó hoàn toàn “sáp” mẹ. Có lẽ do những năm đầu đời, quãng thời gian rất cần sự quan tâm, dưỡng dục của bố, thì chú lại thường xuyên vắng nhà, nên thành ra cu cậu “quấn hơi hướng” mẹ. Thế nhưng, mỗi dịp lễ tết, nếu bố không về, nó sẽ chủ động gọi điện hỏi thăm. Và ngay cả ngày 22/12, nó cũng chưa bao giờ quên gửi quà chúc mừng bố và chú bác cùng doanh trại.

 

Còn với cô Lan, khi chú trở về đơn vị, cô rất ít đi chơi, thường chỉ quanh quẩn vui đùa cùng hai con hoặc đưa thằng bé qua nhà tôi trò chuyện, để thằng lớn thư thả, yên tĩnh học bài.

C.Nguyễn

Ngột Ngạt Vì Bị Nhà Chồng Chà Đạp

Tôi và chồng tôi học cùng một lớp đại học. Chúng tôi yêu nhau khi hết năm học thứ 2. Về cơ bản, anh ấy là người hiền lành, chân thật, chu đáo và tình cảm. Nhưng điểm yếu lớn nhất của anh là tính cách nóng nảy và gia trưởng. Khi yêu, anh cũng đã thể hiện cả 2 mặt tính cách đó và cũng bảo tôi để không bị bất ngờ khi kết hôn.
Thực sự, nhiều khi tôi cảm thấy ngột ngạt khi ở bên anh bởi tính áp đặt và gia trưởng của anh. Anh bắt tôi phải thế này, phải thế kia. Ban đầu tôi gượng gạo làm theo, hy vọng anh nhận ra sự gượng gạo đó để không bắt ép tôi nữa. Nhưng anh lại bảo tôi quá nhu mì. Tôi tức nước vỡ bờ và phản kháng bằng cách thấy cái gì hợp với mình thì làm thì phản đối. Anh lại bảo tôi cứng đầu.

Tôi mệt mỏi, khó chịu với sự nổi nóng dễ dàng của anh. Sau mỗi lần giận dữ, quát mắng, hoặc bỏ mặc tôi, anh lại trở nên tình cảm, dịu dàng và xin tôi tha thứ. Tôi đã định chia tay anh không dưới 3 lần, nhưng nghe anh van xin, hứa sẽ thay đổi dần dần và nghĩ đến tình cảm có bấy lâu nên tôi đã tha thứ. Rồi chúng tôi làm đám cưới.

Nhà chúng tôi cách xa nhau hơn 200km nhưng vẫn tiến hành các thủ tục đưa đón dâu như bình thường. Vượt qua hơn 200km về đến nhà chồng, tôi đã rất mệt mỏi vì bị say xe nên sáng không ăn gì. Sau thủ tục hôn lễ, chúng tôi đi chúc rượu họ hàng, anh uống say mềm, bỏ mặc tôi giữa gia đình, họ hàng anh. Tôi đói bụng nhưng không biết ăn gì vì cỗ bàn thì quá ngán, cũng chẳng ai hỏi tôi có mệt không hay đi nghỉ đi.

Tôi thay quần áo và cùng mọi người dọn dẹp. Một đêm tân hôn không mấy vui vẻ vì anh đến với tôi trong trạng thái ngà ngà và chẳng quan tâm đến cảm giác tôi có đau hay không. Dần dần ở với tôi, anh cũng đã thay đổi nhiều, bớt tính nóng nảy hơn, chu đáo hơn. Chúng tôi đã có với nhau 2 cậu con trai xinh xắn như tranh vẽ. Thi thoảng nóng nảy anh cũng dùng lời nhiếc móc tôi thậm tệ. Tôi quá ngạc nhiên và đau khổ vì chồng tôi, một người có vẻ bề ngoài ai cũng bảo hiền lành, đẹp trai, lịch lãm, thân thiện lại học cao mà sẵn sàng dùng lời lẽ thô tục để chửi vợ chỉ vì những việc không đâu.

Mà tôi cũng là người biết lo liệu, vun đắp cho gia đình nhưng đã mấy lần anh giơ tay tát tôi. Tôi đã khóc nhiều, đau khổ nhiều, giận dỗi nhiều. Nhưng cũng như khi còn yêu, anh lại xin lỗi, lại van xin, lại hứa. Mà chồng tôi có một biệt tài trong việc xin lỗi khiến tôi không thể cưỡng lại được, đành tha thứ và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Chuyện nghiêm trọng mới xảy ra hôm chủ nhật vừa rồi. Tôi có cô bạn thân làm cùng công ty cũ, mong mãi cũng đến ngày bạn cưới. Tôi đã báo lịch cho anh cách đó 1 tuần. Đám cưới ở Bắc Ninh, cách nhà tôi khoảng 60km. Tôi rủ anh đi và gợi ý cho cả 2 con đi để gia đình có một chuyến đi dã ngoại và anh đồng ý. Sáng chủ nhật tôi dậy từ 5h30, lay anh và hỏi “Anh có đi đám cưới không?”. Anh trả lời “có”. Tôi định, nếu anh không đi thì tôi để bố con anh ở nhà và tôi tự đi, nhưng anh đã nói có thì tôi nhanh chóng chuẩn bị quần áo cho 2 con, cho chúng ăn sáng và dự định xuất phát lúc 7h.

Nhưng hơn 6h anh thức dậy, lại dở máy bơm ra sửa, rồi xây hộ hàng xóm cái bậc đẩy xe máy. Mãi hơn 8h chúng tôi mới khởi hành được. Tôi đã hỏi và xem bản đồ đường đi từ cách đó mấy ngày trước và hướng dẫn anh lối đi. Nhưng anh không nghe và tự cho là mình biết đường nên đã đi đường khác. Đi được một lúc, hỏi thăm thì mới biết là đi đường đó xa hơn khoảng 15km, đành quay lại hỏi thăm đi theo đường của tôi đã hỏi trước đó.

 

Tôi có bảo anh là “Em đã hỏi đường trước rồi và xem bản đồ, đi đường này rất gần, thẳng tắp, cứ thế đi rồi sẽ đến, anh nên nghe em”. Anh tỏ ra khó chịu và bảo “Lần sau đi đâu em đừng rủ anh đi nữa, mà tự đi một mình nhé”. Tôi nói thật lòng mình “Vâng, em cũng định sẽ như thế.” Thế là anh nổi khùng lên, dừng xe lại và bảo tôi quay về. Lúc đó đã đi được khoảng 30km rồi. Tôi ngán ngẩm bảo anh và con quay về còn tôi tự đi. Giữa đồng không mông quạnh, chẳng biết làm thế nào, anh miễn cưỡng đi tiếp.

Rồi anh dồn hết áp lực lên tôi và bảo tôi phải hỏi đường, nếu đi nhầm bất kỳ đoạn nào sẽ phải quay về. Hỏi về đến thị trấn quê bạn tôi rất dễ, nhưng đường vào thôn xóm khá ngoắt ngoéo, tôi phải hỏi gần chục lần mới vào đến nhà bạn. Anh thả 3 mẹ con tôi ở cổng và bảo anh sẽ không vào. Lúc đó, tôi cũng ngán lên tận cổ với thái độ vùng vằng suốt dọc đường đi của anh, nhưng tôi vẫn bảo anh một câu “anh vào đi”, rồi dắt con vào trước. Tôi không ngờ, anh quay xe đi và không vào.

Tôi dự đám cưới trong tâm trạng ngổn ngang tơ vò. Tôi gọi điện nhiều lần định bảo anh vào ăn cơm nhưng anh tắt máy không nghe, gọi mãi thì trả lời là anh ăn quán rồi. Đến giờ nhà trai đến đón dâu rồi, tôi định về nhưng phải làm sao đây. Gọi điện lại cho anh nhưng vẫn tắt máy. Tôi tâm sự với người bạn thân là chồng dỗi nên không đến đón, để nhờ bạn hỏi xem xe đưa dâu có đi cùng chiều về không để đi nhờ một đoạn.

Bạn tôi bảo xe không đi cùng chiều và sẽ sắp xếp để đưa 3 mẹ con ra thị trấn rồi tìm anh. Tôi cố gắng gọi lại, anh bắt máy và bảo xe hỏng đang sửa và bảo mẹ con tôi đi nhờ xe ra thị trấn. Tôi nhắn tin van xin anh quay lại đón 3 mẹ con, rồi anh cũng đồng ý quay lại. Khi gặp các bạn tôi, họ chào anh, anh không nói không rằng mà quát tôi “Có về không?”. Tôi xấu hổ, chào bạn, dắt con lên xe. Đi về trong lòng đầy tâm trạng. Tôi không nói một câu gì vì tôi cảm thấy quá chán ngán, tủi thân, trách mình đã rủ anh đi nên thế này, và tôi khóc suốt.

Rồi chúng tôi cũng về nhà lúc 3h chiều. Tôi cho 2 con ngủ, phơi quần áo và dắt xe máy đi. Tôi định đi cắt tóc và làm tóc xoăn cho thay đổi vì tôi dự định từ lâu. Mỗi khi buồn tôi cũng hay thay đổi bản thân một chút để vượt qua cảm giác chán nản mà sống tiếp. Đi loanh quanh tìm mãi đến 5h30 chiều mới tìm được tiệm ưng ý. Tôi nhắn tin cho anh bảo tôi làm tóc đến gần 8h mới xong, anh và con ăn cơm trước. Chiều hôm đó, anh rể của anh đưa con gái lên nhập học và vào nhà tôi. 6h30 anh dùng máy anh rể gọi cho tôi và bảo về, tôi có bảo là tôi chưa xong nên sẽ về sau, rồi tôi tắt máy.

Anh đã gọi cho em họ tôi, mẹ tôi và tìm đến tiệm tôi làm tóc. Mặt anh hằm hằm bảo về nếu không sẽ cắt tóc tôi và bảo đi làm tóc để làm cave à. Mấy người chủ tiệm gàn và giằng kéo từ tay anh. Khi ra cửa tôi dắt xe, anh đã tát tôi 3 cái trời giáng trước sự chứng kiến của mọi người và bảo “Tao cảnh cáo mày”. Hai con tôi cũng ở đó. Tôi ô nhục và bật khóc. Tôi khóc suốt trên đường đi về vì cảm thấy chẳng có lý do gì mà anh hạ nhục tôi thế. Dọc đường đi anh cũng đánh tôi và chửi tôi, 2 con tôi khóc như xé vải.

Tôi đau xót đi về nhà, chào anh rể và cháu rồi lên tầng 2 tắm cho 2 con. Anh lấy kéo lên nhà tắm và định cắt tóc tôi tiếp. Tôi phản kháng, anh tát tôi mấy cái nữa, tôi đau đến ù tai và sái quay hàm. Anh nhiếc móc tôi chỉ chăm lo cho sắc đẹp, không lo cho gia đình. Làm dâu nhà này là phải nghe theo anh…

Đến bữa ăn, tôi không nuốt nổi nên không xuống, anh lại lên định đánh tôi nữa và bảo chết đi để anh lấy vợ khác. Tôi muốn ly dị thì bảo không cần ly dị, cứ biến đi, liệt kê hết những thứ anh nợ tôi, anh sẽ đền và sẽ trả công tôi sinh 2 đứa con. Tôi lấy áo khoác và ít tiền định định đi đâu đó ra khỏi căn nhà đó cho khuây khỏa. Tôi thấy ngột ngạt bởi sự chà đạp của anh. Tôi nghĩ đến việc lên Trúc Lâm Thiền Viện, mặc cho anh chăm con để anh hối hận. Nhưng anh rể gàn và giữ tôi, khuyên tôi nghĩ đến 2 con. Tôi không đi được.

Đêm tôi lại nhịn ăn. Sáng hôm sau gọi điện báo cơ quan là sốt và đau đầu, xin nghỉ, vì tôi không muốn ra đường khi môi sưng vêu và mặt bầm tím. Tôi không ngờ, anh dọn quần áo 2 con và định đưa về ông bà nội, nếu làm vậy tôi sẽ mất hết. Tôi lấy hết sức bình sinh để giằng con với anh. Tôi giằng được 1 đứa, anh đưa đi 1 đứa. Tôi quyết định không tha thứ cho anh.

Nhưng tôi sẽ ở lại căn nhà đó để chăm sóc và nuôi con vì tôi không muốn các con tôi không có mẹ hoặc sống cảnh bơ vơ. Tôi không đủ can đảm để ly dị mặc dù trái tim tôi đã tan nát, lòng tôi đầy căm hờn và ô nhục. Nhưng tôi sợ con tôi sẽ bất hạnh nếu gia đình này tan nát. Tôi không biết phía trước sẽ còn xảy ra những chuyện gì, nhưng tôi sẽ chịu đựng để cho con tôi có 1 gia đình toàn vẹn, chịu đựng đến khi nào có thể. Liệu tôi có làm gì sai không? Quyết định của tôi có phải là quá yếu mềm không?

Chiều chồng thiệt gì

Lúc nào chị cũng tặc lưỡi “Đàn ông làm bếp núc hèn người đi. Chiều chồng đi đâu mà thiệt”, chị chăm sóc cho anh chu đáo từ bữa ăn giấc ngủ, từ lúc vợ chồng son cho đến khi chị mang bầu.

Chiều chồng ...
Chiều chồng …

Con ra đời thì thân chị còn lo chưa xong, người yếu nhớt, vậy mà chị vẫn thương chồng có khi phải cơm đường cháo chợ, đang mì tôm qua ngày cũng nên, vì anh có vào bếp bao giờ. Vậy là chị nhất quyết không về quê ở cữ, đẩy bà nội vào “bước đường cùng” thương cháu nên lọ mọ gác mọi công việc xuống trông hộ cho một năm rưỡi. Suốt thời gian ấy anh vẫn được những người phụ nữ thân yêu cần mẫn lo cho đến tận răng, nhàn rỗi như không.

Đẻ đứa thứ hai đâu được như đứa đầu, giờ bà nội bận trông con nhà chú em đang ở cùng ông bà. Chị đành cầu cứu bà ngoại ở cách xa hai chục cây số, nhưng bà chỉ trông cho được ba tuần thôi, rồi phải về lo thuốc men vì bố chị đang bị bệnh cần người túc trực. Vậy là sau đó, mình chị xoay sở tối tăm mặt mũi, hai đứa cùng bấu mẹ, không theo bố, có lúc chẳng quanh nổi bữa cơm. Nhà chật, lương lại thấp không thuê nổi người giúp việc.

 

Khi chị đi làm, “bài toán” mới gọi là nhức óc. Không thể để con nhếch nhác chị đành xa chồng để về nhà mẹ đẻ, chấp nhận đi làm xa một chút để có chỗ yên tâm gửi con, còn anh ở lại trông nhà. Vấn đề là anh còn chẳng tự lo nổi cho mình thành ra con bé đầu lại gửi về bà nội, còn cách nào khác khả dĩ hơn đâu.

 

Nghĩ cảnh nhà bốn người phải chia làm ba nơi mà chị ứa nước mắt, lo nghĩ chứ chẳng sung sướng gì khi cứ gọi điện là con bé lớn khóc gào vì nhớ nhà “Mẹ ơi, con ngoan mà, con không trêu em đâu, cho con về với bố mẹ”. Nhất là khi nhìn cảnh anh gầy rộc vì giờ phải tự lo liệu cơm nước, lúc thì ngược lên thăm con gái, khi thì xuôi xuống ngó vợ và con trai.

 

Đêm ngày chị trăn trở trách mình sai, đã quá ôm đồm và chiều chồng khiến anh thành ra như thế, đáng lẽ những việc lặt vặt chị hoàn toàn có thể giao cho chồng để hỗ trợ mình một tay và cũng để biết nấu lấy mà ăn. Giá anh thạo việc thì giờ gia đình nhỏ hoàn toàn có thể đoàn tụ, ông bà được nghỉ ngơi, già cả đau yếu suốt mà vẫn phải hầu cả con lẫn cháu, đành lòng không.

 

Chỉ việc nhà cỏn con mà anh còn lúng túng vụng về, cáu nhặng xị lên thì làm sao cùng chị gánh vác được việc lớn gia đình, dạy dỗ con cái sau này. Chị thở dài, giờ chỉ còn cách nỉ non với chồng, trước tiên là để anh hiểu và thông cảm tự nguyện giúp đỡ vợ con, sau để huấn luyện hai đứa, con trai cũng cần thạo việc nhà, ít nhất phải biết tự phục vụ mình.

TSL

Vì ‘lương tâm’, chồng tôi không thể bỏ bồ

Hơn 3 tháng bỏ nhà đi, giờ anh quay về nhưng không xin lỗi hay nói gì. Tôi kiên quyết bắt anh lựa chọn thì anh bảo: Làm người phải có lương tâm, anh không thể bỏ cô ta liền ngay lúc này được mà vẫn đi đi về về giữa 2 bên.

Tôi luôn quan tâm đến mục Tâm sự vì mỗi bài viết tôi đều bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Tôi cảm thấy bớt buồn hơn vì mình không phải là người duy nhất bất hạnh. Tôi lấy chồng năm 30 tuổi. Tôi và anh làm chung trong một công ty, lúc đấy anh đã có vợ nhưng chưa đăng ký kết hôn và cũng chia tay được hơn một năm.

Sau 6 tháng quen nhau tôi và anh quyết định đi đến hôn nhân, dù bị sếp và các đồng nghiệp ngăn cản vì cho rằng không hợp nhau. Chúng tôi vẫn quyết định cưới vì tôi không thể trở thành gái ế, còn anh chọn tôi vì tôi có đủ điều kiện về vật chất như anh mong muốn. Không may cho tôi trước ngày cưới một tháng thì bố anh mất, anh là con trai trưởng nên phải thọ tang bố 3 năm theo phong tục của người Bắc.

Đám cưới bị hủy, lúc này tôi đã mang thai 5 tuần. Anh bảo rằng vì không muốn mọi người cười chê nên đưa tôi đến bệnh viện để phá bỏ. Tôi may mắn gặp được bác sĩ có lương tâm đã giúp tôi giữ cái thai. Kể từ đó anh trở nên hằn học với tôi vì cho rằng tôi không giữ sĩ diện cho anh, mà anh không hề cảm thấy tội nghiệp cho tôi khi phải chịu búa rìu dư luận. Tôi chấp nhận tất cả chỉ mong có một ngày nào anh sẽ suy nghĩ lại và yêu tôi hơn.

Thế rồi 8 tháng sau tôi sinh được một bé trai đẹp như thiên thần, tôi thầm cảm ơn vị bác sĩ đã giúp tôi, cảm ơn ông trời đã chiếu cố đến tôi. Còn anh cũng rất tự hào vì con nhưng vẫn không thể yêu vợ.

Những tưởng có con rồi anh sẽ quan tâm và chăm sóc cho vợ con nhưng không ngờ càng sống chung với anh tôi mới phát hiện ra anh là con người vô cùng ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân. Anh không phụ vợ bất cứ việc gì trong gia đình, cũng chẳng hỏi han hay quan tâm xem hôm nay vợ con ở nhà như thế nào.

Lịch trình của anh là sáng ngủ dậy vệ sinh xong, ăn sáng rồi đi làm đến chiều về nhà xem tivi, ăn cơm và đi ngủ. Chủ nhật đi gặp bạn bè từ sáng đến tối, có khi qua đêm ở nhà bạn luôn. Trong khi anh vắng mặt ở nhà thì tôi không được phép điện thoại kêu về cho dù là con bệnh hay nhà có khách. Tiền lương thì anh đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu không được phép hỏi thêm, điện thoại hay bóp của anh, tôi không được đụng tới.

Chuyện vợ chồng anh cũng chẳng ham muốn. Tôi thực sự khủng hoảng khi phải sống với người đàn ông kỳ dị như vậy, tôi quyết định ôm con về quê dù con mới có 3 tháng. Rồi anh cũng về quê để đón mẹ con tôi lên nhưng tình hình không những không cải thiện mà còn tệ hại hơn.

Tôi vừa phải đi làm, vừa phải chăm con, cơm nước cho anh. Tất tần tật từ việc lớn tới việc nhỏ trong gia đình tôi đều phải gánh vác. Tôi dành dụm được ít tiền kêu anh đi mua nhà, anh bảo: “Có bấy nhiêu sao mua được”. Thế là tôi phải vác cái thân cò đi tìm và mua được miếng đất 100 m2. Rồi đến lúc xây nhà anh cũng bảo: “Có bấy nhiêu mà xây với sửa cái gì”. Vậy là tôi cũng phải đứng ra tự thiết kế, tự tìm người xây.

Bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của tôi bắt đầu từ giai đoạn này. Trong khi tôi mải lo kiếm tiền, con cái, xây nhà thì anh lại tìm cho mình người đàn bà khác. Điện thoại và bóp là vật bất ly thân, dù anh có đi ngủ hay đi tắm thì nó cũng luôn bên mình. Và cũng từ rất lâu tôi không muốn đụng đến điện thoại của anh làm gì. Thế nhưng trời xui sao hôm ấy anh đi qua đêm đến sáng về vội vàng đi tắm nên để điện thoại ở ngoài, lúc ấy tôi chuẩn bị đưa con đi học và đi làm.

Cả 5 năm rồi mỗi lần anh đi qua đêm, đều bảo anh đi làm hoặc giải trí với bạn bè nên tôi cũng chẳng hỏi nữa, để làm gì vì có hỏi cũng không có câu trả lời khác. Tôi tò mò với chiếc điện thoại cảm ứng mới mua của anh thì phát hiện ra một tin nhắn đang còn lưu chưa kịp chuyển, bình thường tin nhắn đi và tới sau khi đọc xong là anh xóa hết. Trời ơi! Anh gọi người đàn bà khác là “Vợ”, trong khi đi đâu anh cũng chỉ giới thiệu và gọi tôi là mẹ của con anh.

Tôi khóc lóc, chửi bới, van xin anh đủ kiểu nhưng anh vẫn không hề rung động. Anh nói rằng cần có một cuộc sống cho riêng anh nên đã dọn quần áo ra đi, mặc cho mẹ con tôi vật vã khóc lóc. Chỉ tội nghiệp cho con trai tôi mới 5 tuổi đầu đã chứng kiến cảnh đổ vỡ của ba mẹ nó. Nhưng nó không hề căm ghét hay chối bỏ ba nó mà lúc nào cũng bênh. Tối nào cũng vậy cứ bảo “Mẹ ngủ đi, ba đi làm vài bữa ba về mua sữa cho mẹ con mình”.

Ngày dọn về nhà mới tôi lại điện thoại van xin anh hãy thương lấy con, nó không có tội, hãy vì con mà quay về nhưng anh vẫn không về để cho mẹ con tôi sống bơ vơ tự lo lấy. Vừa sợ ma, vừa tủi lại vừa hận nhưng vì con, tôi đã vượt qua tất cả. Sau hơn 3 tháng anh bỏ nhà đi, hôm qua anh lại quay về nhưng không hề xin lỗi hay hỏi xem tôi đồng ý cho anh ở lại hay không, anh cứ ở. Tôi thương con, thấy ba về nó mừng lắm quấn quýt, hỏi han, quan tâm dù ba chẳng để ý.

Rồi tôi lại đọc được tin nhắn tới của người phụ nữ đó gọi anh là “Chồng yêu”, tôi cay đắng và đau khổ lắm mới nói chuyện dứt khoát với anh rằng: tôi sẽ bỏ qua tất cả khi anh quay về nhưng có một yêu cầu là anh phải chấm dứt ngay với cô ta. Anh bảo: Làm người phải có lương tâm, anh không thể bỏ cô ta liền ngay lúc này được mà vẫn đi đi về về giữa 2 bên.

Tôi không thể hiểu nổi cái chữ lương tâm anh đặt cho cô ta có nghĩa là gì nữa. Nếu có lương tâm anh đã không bỏ mẹ con tôi như vậy, nếu có lương tâm thì vợ anh tài giỏi, hiền lành như vậy, con anh xinh đẹp thông minh thế kia, họ có lỗi gì mà anh xem thường, chối bỏ và hành hạ tinh thần như vậy.

Tôi thật sự bế tắc không biết phải giải quyết như thế nào trước tình huống này. Tôi hoàn toàn không có sự lựa chọn, anh muốn đi thì đi, muốn về thì về, tôi có nói cũng không được mà không nói thì tức. Mình đâu phải phụ nữ không biết gì, sống bám vào chồng đâu mà bị áp đặt như vậy.

5 năm nay mình hy sinh như vậy mà có được đền đáp gì đâu. Tôi muốn ly dị nhưng còn đắn đo, bởi nếu tôi ly dị thì anh ta lại được tự do kết hôn lần nữa mà không vướng bận gì. Còn con anh ta thì anh muốn về tôi không thể cản được bởi vì không lẽ anh vào nhà tôi gọi công an tới bắt hay sao?

Kiều

Chị em dâu

Chị về trước, em về sau, nhưng vẫn là chị em một nhà.

Chị về trong cái năm đói quay đói quắt, chiến tranh giặc giã để chị phải xa chồng. Chị về trong cái ngày có rổ khoai lang mời bà con xóm giềng và mặc bộ quần áo nâu sòng đất mẹ. Chị về, trong xót xa của bố mẹ, trong xót xa của anh!

 

Dâu trưởng - Ảnh minh họa
Dâu trưởng – Ảnh minh họa

Em về trong thời bình, bồng bềnh váy trắng, phấn son loẹt lòe giữa ngày hè. Em về trong niềm vui sướng của gia đình, của bản thân và trong niềm hân hoan của chị.

 

Chị về làm dâu, dâu trưởng. Trăm mối lo, nghìn gánh nặng ập lên đôi vai gầy. Chị gầy. Bé. Nhanh thoăn thoắt. Họ hàng bên gia đình chồng không ai chê trách chị nửa câu. Nhưng số ở đời, mẹ chồng, em chồng, nàng dâu, nên chị khổ.

 

Em về làm dâu, dâu út trong nhà, trăm mối lo toan, em không phải động mối nào. Em chậm, béo. Họ hàng bên chồng không ưng, chê bai, so sánh đủ điều với chị. Chị nhẹ nhàng nhắc mọi người không như thế, em mới về nhà chồng.

 

Chị không khỏe mạnh mãi. Ròng rã 25 năm bên nhà chồng, chị yếu hẳn. Anh từ chiến trường về, thương binh hạng nặng, không còn giấy tờ, mất hết ưu tiên, một tay chị chăm, chị cáng đáng gia đình. Bà nội chồng, bố mẹ chồng, em chồng, anh và 4 đứa con thơ, gánh nặng này tưởng như chị gục ngã, nhưng như sức mạnh vô hình, trách nhiệm người con, người vợ, người mẹ còn dở dang, chị vùng lên, tiếp tục sống. Chị không hé răng kêu khổ, dù số chị có khổ.

 

Chị hi sinh vì gia đình, vì mọi người, vì anh em. Chị không vì chị. Vừa đẻ đứa lớn được 5 hôm, chị hùng hục tã lót, làm đồng áng. Mẹ đẻ thương, đón về, nhưng bố mẹ chồng không cho. Chị không dám cãi lời, ở lại. Đẻ đứa út hồi trưa, đang làm ngoài đồng chị trở dạ. Cố lết về đến nhà rồi chị vật vã, chị sinh.

 

Chị chạy vạy đôn đáo bầu bí to đùng, mưa gióp sấm chớp vẫn đi vay lấy vài trăm, bỏ cả vốn anh trai cho vay mua con lợn giống chạy việc cho chú út. Chị kể, ngày xưa có 30 nghìn 1 con lợn giống, 6 nghìn 1 thùng thóc, thế mà chị chạy việc cho chú út phải bán cái ao, vay mượn khắp nơi lấy 6 triệu đồng, lãi hàng tháng chị đóng. Chị không kể ra, nhưng bà con họ hàng ai cũng biết. Suốt cả chặng đường chú út đi có bước chị đỡ. Nhưng giờ, lên đến tá, chú út phụ công chị mất rồi.

 

Em về, bầu bí 3 tháng đầu kiêng khem, tẩm bổ đủ mọi thứ trên đời. Anh chị nghèo, làm trang trại, em không giúp đỡ. Tiền em có gửi tiết kiệm nhưng em không bỏ ra.

 

Chị để 4 đứa con thơ ở nhà, đi làm xa tít tắp. Chị làm ve chai, gánh đá, quán cơm, hầm gà… chưa nghề nào chưa qua tay chị. Chị ngã tím bầm dập, về nhìn 4 đứa con, chị cười xòa: “Mẹ không đau”. Đứa thứ 2 khóc nức nở, nó thương chị thật nhiều. Anh cũng thương chị, nhưng anh đau ốm, mắt kém, đau dạ dày, mảnh đạn vẫn còn ở đầu, không giúp gì được cho chị. Nhiều đêm thương con, thương anh, chị nức nở ướt gối. Anh nén nước mắt, ôm chặt chị vào lòng, xót xa thương chị.

 

Em gần con, 2 đứa bé quấn bác, em không cho. Sợ chúng thương anh chị nhiều hơn thương em. Em bán hàng ngoài chợ. Chỗ che mưa che nắng đàng hoàng, nhưng em vẫn than mình vất vả.

 

Bố mẹ chồng thương em, vì em có con nhỏ, vì em đi chợ hàng ngày có tiền, vì em có lương hàng tháng chồng gửi về, vì em giàu có hơn chị.  Chị không được bố mẹ chồng thương, vì anh đau ốm triền miên, vì chị không có tiền dư giả, vì lo cho bố mẹ chồng là nghĩa vụ của chị, vì chị là dâu cả.

 

Bà nội chồng què quặt, nằm trong buồng không đi lại được. Bà thương chị. Chỉ có chị mới tắm giặt, cơm cháo, hoa quả cho bà. Em không tắm, không chăm bà. Em sợ bẩn.

 

Con chị, đứa lớn đã lấy chồng, sắp có con. Chị sắp thành bà ngoại. Đứa thứ 2 đi học xa nhà, nhớ chị, khóc ròng từng đêm, tự hứa phải phấn đấu. Hai đứa bé ở nhà, chuẩn bị thi hết cấp hai, ba. Học trường chuyên lớp chọn nên chị vui lắm.

 

Con em bé. Học không tốt, chị bảo đưa ra chị cho anh chị dạy. Em không nghe, chị thương cháu, hờn giận em. Em không ra chị nữa, chị buồn.

 

Chị như gương sáng, bao người noi theo chị. Em sống không như chị, nhưng chẳng bao giờ chị so bì. Chị khổ, nhưng chị luôn mong em vui. Nhưng đã là chị em một nhà, cũng nên thương nhau chứ?

 

Gọng Vó

Dâu tập hai

Sau khi chờ đợi mòn mỏi, hy vọng gần tan biến, thì bà Lê Hoàng Lan ( phường 15, Bình Thạnh) nghe con trai báo tin: “Tui lấy vợ đó nghen”. Bà mừng húm như trúng số. Nhưng niềm vui tắt ngúm khi con trai bà đưa về một cô gái đã có chồng từ lúc 17 tuổi, bây giờ đóng vai vợ “tập hai” với con bà.

Con dâu tập 2
Con dâu tập 2

Cậu con trai lầm lì không nói nhiều, nên mọi sự bà càng khó hiểu. Con trai bà không thuộc loại chơi bời, cũng chẳng quen linh tinh. Hồi nó 22 tuổi, nó có để ý một cô bé hàng xóm, nhưng không dám nói, rồi cổ đi lấy Việt Kiều, nó hơi buồn buồn…Hành trình trái tim của con bà đơn giản vậy đó, còn cô gái này thì khiếp: “Yêu từ lúc 15 tuổi, 17 tuổi có thai, sống thử không đăng ký kết hôn, chồng hờ bỏ đi, nuôi con một mình, quen biết nhiều anh…”. Nói chuyện với bà, cô gái tỏ ra rất hiểu biết, từng trải, có ý chứng tỏ mình chẳng ham lấy chồng làm gì, chẳng qua là gặp được… tình yêu đích thực.

 

Sao con trai bà lại là tình đích thực của cô gái đó, mà không phải là một cậu nào khác? Chắc cô ta quá chán, quá sợ loại đàn ông mồm mép, coi tán gái như trò giải trí…nên rung động trước những anh có trái tim… lành lặn. Thế thì con bà thiệt thòi rồi. Bà mang tâm tư nhỏ nhẹ nói cùng con. Cậu con bảo mẹ đừng lo, yêu là yêu chứ có phải kinh doanh mua bán gì mà sợ lỗ lã, thiệt thòi. Thôi thì bà đành dựa vào số phận, con trai cũng chẳng mất gì lớn, nhưng bà cũng chẳng có gì để khoe với hàng xóm, bà con về nàng dâu tương lai.

Thế nhưng, cô con gái kia ngày càng làm bà yên tâm. Điều làm bà hài lòng nhất là cô ta không hề “ghen tỵ” với bà. Bà cứ mặc sức chăm sóc cho con trai, mua quần áo, thức ăn cho con như hồi con trai bà còn độc thân mà không đá động gì đến con dâu. Hóa ra, làm mẹ trước khi lấy chồng khiến cho cô gái hiểu rõ tình mẫu tử như thế nào, nên không thể cắt đứt theo kiểu: “Sao mẹ cứ theo chiều chuộng chồng con” như các cô con dâu tập một, chưa hề có kinh nghiệm. Cô này cũng lạ, gặp chuyện gì bất trắc đều rất bình tỉnh. Như con trai bà bỗng nhiên bị công ty sa thải. Bà mẹ biết tính con, ăn nói cộc lốc, thẳng thắn, chắc là cự chuyện gì với sếp lớn. Nhưng cô vợ không than phiền chồng, chỉ bảo: “Chẳng sao cả, trong cái rủi có cái may”. Ít lâu sau, công ty chồng cô phá sản, không trả đồng lương nào cho nhân viên, ông chồng mới thấy mình may, vì còn nhận được tiền lương trước khi nghỉ việc. Dần dần bà nhận ra con dâu dù chưa nhiều tuổi, nhưng đã trải qua nhiều “biến cố to lớn” trong cuộc đời, nên bây giờ thấy chuyện gì “lộn xộn, bất thường” cũng là chuyện nhỏ hết.

Dâu tập 2 làm hài lòng mẹ chồng
Dâu tập 2 làm hài lòng mẹ chồng – Ảnh minh họa

Ngày đám cưới con trai, bà Trần Thanh Dung, mời khách hạn chế, không phải vì bà tiết kiệm mà vì con trai bà là “hàng mới chưa đập hộp” trong khi con dâu chẳng những là hàng… “second-hand”, lớn hơn con bà 3 tuổi mà còn khuyến mãi cho nhà chồng hai đứa con riêng. Phân tích ngăn cấm đủ điều không được, bà phải ậm ừ bỏ qua để con trai không ra ngoài mướn nhà trọ. Có người an ủi: “Thôi kệ, con nhỏ đó coi vậy mà dễ bảo, chứ những cô ưu tú coi chừng lại khó thích nghi với nhà chồng”.

Bà cũng hy vọng vậy, và từ từ bà nhận ra con trai bà biết nhìn người. Cô con dâu rất biết điều, biết thân biết phận. Bà mẹ chồng ở nhà nấu cơm, cô lãnh phần rửa chén, dọn dẹp. Ông chồng và hai đứa con của cô phụ trách trồng rau sạch trên sân thượng. Không bao giờ, cô dòm ngó chuyện gia đình chồng, không nhiều chuyện linh tinh. Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ dạy cho cô nhiều bài học về cách tổ chức gia đình.

Chẳng những vậy, càng ngày cô con dâu càng chứng tỏ là “người phụ nữ thời đại”. Cô ủng hộ bà mẹ chồng nhiều sở thích mà lâu nay bà cảm thấy ngại ngùng, như làm đẹp, mát xa, du lịch. “Má còn trẻ, mặc cái váy ngắn cho đẹp, má uốn cái tóc lên, nhuộm màu đi…”.

Ngoài mặt thì ít nói chuyện, chứ trong lòng bà thích cô con dâu…thoáng. Chưa hết đâu, chồng bà mất gần 4 năm, cô con dâu rất đồng cảm chuyện bạn bè của mẹ chồng: “Thấy ông nào được là má tiến tới luôn, không thì “nói chuyện cho vui”, khỏi cần kết hôn cho vướng bận”. Sao con dâu bà hiểu được lòng mẹ chồng nhiều đến thế. Có gì đâu, thì hồi sống với chồng trước, cô cứ hy sinh cho gia đình, hầu hạ bố mẹ chồng, cất hết sở thích của bản thân, cuối cùng chồng có bồ, bảo vợ nhạt, không có cá tính. Rồi khi sống một một mình nuôi con, cô ấy nhận ra phụ nữ cũng có quyền vui chơi miễn là lành mạnh, cũng có quyền sống như mình muốn…

Không phải cô nào qua đổ vỡ tan nát cũng rút kinh nghiệm một cách thành công, nhưng những bà mẹ hiểu con trai mình thì sẽ hiểu được vì sao con mình lại bỏ qua những “trăng tròn” để chọn một “vầng trăng khuyết”.

 

PHƯ CHU
(Tuổi Trẻ Cười)

Đón ngay con riêng của chồng về nhà khi chuyện vỡ lở

“Ngày mai, ông đưa tôi đến gặp ngay con để tôi đón con về gia đình ra mắt họ hàng”. Trước mặt họ hàng bà tuyên bố: Gia đình nhà tôi nay có thêm cậu út, tôi sẽ đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai tôi.

 

Tôi xin kể một câu chuyện diễn ra cách đây hơn 10 năm trên quê hương Vĩnh Phúc của tôi: Một vị lãnh đạo sở của tỉnh Vĩnh Phú xưa, gia đình ông có 6 người con gái, không có con trai. Ông cũng là con trưởng của gia đình. Khi ông về hưu, nhân ngày cả gia đình và các con gái về chơi, ông chậm dãi nói với bà: “Tôi có lỗi với bà và các con. Tôi có một thằng con trai với một cô giáo, nay nó đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại Hà Nội. Nó chuẩn bị lấy vợ.

Bà vợ ngồi im chưa nói gì, các cô con gái, con rể và cháu ngoại đều lên tiếng, người tỏ bất bình, người lại bảo từ từ để xem thế nào. Một lúc sau bà vợ đứng phắt dậy đi ra giữa nhà chỉ tay về phía ông mà nói: Ông làm lãnh đạo nhiều năm mà lại hồ đồ như vậy à? Ông xem lại mình đi, ông để con trai của mình bao nhiêu năm nay sống không có bố chính thức, như vậy mà ông vẫn sống được à?

Mọi người đều im lặng, bà nói tiếp: Ngày mai, ông đưa tôi đến gặp ngay con để tôi đón con về gia đình ra mắt họ hàng. Quả thật ngày hôm sau, nhà ông lại có cỗ, họ hàng đến rất đông, câu chuyện rất rôm rả đa chiều. Trước mặt họ hàng bà tuyên bố: Gia đình nhà tôi nay có thêm cậu út, tôi sẽ đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai tôi.

Về sau bà làm như tuyên bố, bà tâm sự với mọi người rằng: Tôi làm như vậy để giữ lấy nếp nhà, mai kia có chết đi còn có người hương khói, có chỗ cho các con gái về tụ họp mỗi khi giỗ cha mẹ chúng. Chứ con gái lấy chồng rồi theo nhà chồng, nó có mang bát hương về nhà chồng được đâu. Ít lâu sau cậu út sinh con, bà bảo với bà hai: Tôi đã chăm sóc cho ông ấy cả đời rồi, bây giờ đến lượt dì đi mà chăm ông ấy. Tôi phải xuống Hà Nội trông cháu nội tôi. Đến nay gia đình họ vẫn hòa thuận hạnh phúc.

Lê Thanh

Trả giá đắt vì quá tin tưởng nhà chồng

Tôi nhờ bố mẹ đẻ cắm nhà vay hộ bà gần 2 tỷ đồng. Sau đó bố mẹ chồng bán tài sản được gần 20 tỷ đồng nhưng giấu tôi, trả cho người khác mà không hề trả cho bố mẹ đẻ tôi đồng nào.

Tôi là độc giả trung thành của mục Tâm sự trong suốt 3 năm qua, tôi đã viết vài bài nhưng rồi lại xóa đi không gửi. Từ khi lấy chồng, bi kịch nối tiếp bi kịch khiến tôi không còn bình thường nữa, từ cô gái hiền lành tôi trở nên cáu gắt và sắn sàng đập đầu chết bất cứ lúc nào. Tôi sợ chính bản thân mình. Mong các anh chị em hãy giúp tôi tìm đường đi cho cuộc đời mình.

Tôi 33 tuổi, có con trai 6 tuổi, tôi là giáo viên còn chồng là kỹ sư xây dựng. Chúng tôi đến với nhau tự nguyện từ sự cảm mến và ngưỡng mộ nhau. Tôi là con nhà gia giáo, xinh đẹp, nề nếp. Anh đẹp trai, lịch sự, con trai thành phố nhưng không ăn chơi mà rất giản dị.

Yêu anh, tôi cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc chu đáo, với tôi như thế là đủ. Chúng tôi hạnh phúc sau một năm cưới nhau. Sau khi tôi sinh con đầu lòng một tháng thì chồng bắt đầu đổ đốn và bắt đầu chuỗi bi kịch của đời tôi. Anh lăng nhăng với cô đồng nghiệp khi vợ đang ở cữ, tôi phát hiện đưa đơn ly dị và anh hứa sẽ chừa. Tôi tạm tin tưởng và tha thứ vì con.

Anh không chỉ dừng ở đấy mà cả ngày bia rượu triền miên, về nhà say xỉn tìm cớ để hành hạ đánh đập vợ mặc dù tôi không có tội tình gì. Tôi là người phụ nữ truyền thống, luôn được mọi người khen ngợi, tôi luôn lo toan chu đáo việc nhà và rất mực lễ phép, tôn trọng nhà chồng. Đây cũng là tiền đề cho bi kịch tiếp theo của tôi.

Bố mẹ chồng làm kinh doanh buôn bán, khi kinh tế khó khăn, bà đã cầu khẩn tôi giúp bà vay tiền để thoát khỏi khó khăn. Nghĩ thương mẹ chồng, tôi đã đi vay bạn bè và nhờ cả bố mẹ đẻ của tôi cắm nhà vay hộ cho bà với số tiền lên đến 2 tỷ đồng. Bố mẹ chồng luôn đối xử tốt với tôi và bà hứa sống chết dù có phá sản thì bà sẽ trả nhà tôi đầu tiên, tôi tin bà như tin mẹ đẻ mình.

Bố mẹ chồng bán các kho hàng và tài sản cố định được gần 20 tỷ đồng nhưng giấu giếm tôi, trả cho người khác mà không hề trả cho bố mẹ đẻ tôi đồng nào. Tất nhiên bà vẫn nợ và có thể phải đối diện với đơn từ kiện cáo của người khác. Vợ chồng tôi lang thang đi thuê nhà với 2 bàn tay trắng, vì tôi có bao nhiêu tiền cũng thật thà bị bà khéo léo lấy sạch.

Tôi không thấy khổ vì lam lũ từ bé quen rồi, tôi có thể ăn cơm muối trắng cả tháng cũng không sao, chỉ thương con quá nhỏ. Có thể lòng tốt của tôi đặt nhầm chỗ, có thể tôi bị lợi dụng. Tôi chỉ ân hận và đau đớn khi nghĩ đến cảnh bố mẹ đẻ ở quê phải gồng gánh nợ nần khi tuổi cao sức yếu, đến cái nhà tổ tiên cũng không giữ được. Lòng tin của tôi đặt nhầm chỗ đã phải trả giá quá đắt.

Tôi suy sụp một thời gian, bây giờ đã bình tĩnh lại, tự an ủi mình để có sức khỏe làm việc và trả nợ. Điều tôi buồn nhất là chồng không bao giờ san sẻ với tôi bất cứ việc gì từ khi lấy anh. Anh được nuông chiều theo kiểu công tử bột nên quen rồi, vợ phải là ô sin, làm tất cả, có lúc tôi đã ngất đi vì quá mệt mỏi, tôi gầy đi trông thấy.

Cuộc sống khó khăn nhưng anh vẫn giữ lối sống sung sướng trước đây khiến tôi khổ sở vô cùng, nói thì anh thẳng tay không thương tiếc. Tất cả mọi chi phí trong nhà tôi đều lo, còn anh có đồng nào thì đổ vào quán nhậu, mặc cho vợ nhai cơm nguội đi làm còn anh thì phải ăn phở, ăn đồ ngon. Anh như một đứa trẻ không bao giờ chịu lớn, liên tục rượu về là hành hạ tôi, sáng ra lại xin lỗi. Điệp khúc ấy lặp đi lặp lại suốt 4 năm nay.

Tôi mệt mỏi, chán nản, không đủ sức chịu đựng những cơn cuồng ngộ của chồng nữa, anh sẵn sàng đánh, lôi tôi ra khỏi nhà một cách vô lý, bịa đặt để chửi tôi. Tôi tha thiết xin mọi người hãy giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn.

 

Đũa có đôi

Năm nào cũng vậy, sau ngày giỗ ba là má tổ chức một chuyến trở về nhà cũ, nơi cả gia đình từng sống hơn 20 năm trời. Má nói, trước thăm bà con lối xóm, sau là nhắc nhở con cái nhớ lại những năm tháng gia đình đầm ấm để thương nhau nhiều hơn.

Còn một điều má giấu trong lòng, nhứt định không chịu nói ra, mà con cháu thì biết hết ráo, đó là má muốn hình dung lại bóng dáng của ba qua từng gốc cột, mái hiên, giếng nước, cây ổi, cây mít, cây mãng cầu…

 

Sáng nay, khi mọi người chuẩn bị lên xe thì Út chạy tới báo tin: “Đêm qua ba chồng con bị khó thở phải nhập viện. Giờ chỉ con với hai đứa nhỏ đi thôi. Chồng con về quê từ hồi khuya rồi”.

 

Má chưng hửng, lớn giọng, hỏi mà không cần nghe trả lời: “Sao con không đi về quê với chồng? Bậy, bậy, con làm vậy là bậy lắm… Rồi má biết ăn nói làm sao với anh chị ở bển”.

 

Út gân cổ cãi: “Tại ảnh biểu, nói một mình ảnh về được rồi, bệnh ba chồng con là bệnh già mà. Con đi sẵn dịp cho hai đứa nhỏ tắm biển luôn”.

 

Má không nói gì, ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết định: “Tất cả lên xe, theo má thăm anh sui”. Trên đường đi, má phân bua, “chuyện về thăm nhà cũ hay ghé biển cho mấy đứa nhỏ chơi khi này không được thì khi khác, thiếu gì dịp. Còn sức khỏe của ông sui thì không biết ngày mai ra sao. Thời khắc này con cần có mặt bên cạnh chồng, để cùng sớt chia nặng nhẹ với nhau”.

 

Út xưa nay vốn cứng đầu, bực mình vì không được đi biển, lầm bầm trách má lo xa, người ta không nghĩ như mình đâu, mọi thứ đơn giản lắm, mắc công chuyện thì không về, đông người càng thêm rối… Giọng má nhẹ bâng: “Ờ, nhưng mà cuộc đời đâu đơn giản như mình nghĩ. Tao mà như tụi bây…”.

 

Má bỏ lửng câu nói. Cả nhà biết má muốn nói đến chuyện hồi xưa. Lúc đó đã có anh Hai, ba làm công chức, má làm thợ may. Đùng một cái, ba bị chuyển nhiệm sở về một vùng biển heo hút. Ba đi tháng trước, tháng sau má tém dẹp tiệm may, ôm con ra theo. Nhà tập thể chật chội, trống trước trống sau, lại không có nước ngọt, mùa nắng mua được đôi nước cũng trần ai khoai củ. Bà ngoại lặn lội đi thăm, thấy cảnh sống của con cháu rớt nước mắt biểu, mày không thương thân mày thì cũng phải thương con, bắt nó ở đây thiếu thốn trăm bề. Má cương quyết: “Người ta sống được, mình sống được”.

 

Ít tháng sau, má mở tiệm vừa bán tạp hóa vừa may vá quần áo. Thu nhập tất nhiên không nhiều nhưng biết sống căn cơ cũng đủ ăn. Ba yên tâm, làm việc tốt, được thăng chức, lên lương. Rồi ba má mua đất cất nhà, sắm sửa xe cộ, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn. Bởi vậy, hồi nghe anh Hai báo tin đang làm thủ tục ra nước ngoài học lấy bằng tiến sĩ, để chị Hai và cu Bin ở lại, má đâu chịu. Anh Hai nói, vợ chồng đã bàn tính kỹ rồi, sự nghiệp của chị đang phát triển, thu nhập lại cao ngất ngưởng, đi theo chồng có nghĩa là mất hết, mai mốt phải làm lại từ đầu, cực lắm. Phần anh thì dứt khoát không thể bỏ lỡ cơ hội này. Anh còn ghẹo má lo xa quá mau già, da nhăn hết trơn, tới đâu hay tới đó cho khỏe. Vậy rồi anh đi, năm đầu về thăm nhà, thấy vợ hơi khang khác, năm thứ hai về, vợ chìa tờ đơn ly hôn với lý do không còn tình cảm, anh bị stress, phải dở dang việc học để trị bệnh. Giờ thì chị Hai đã đưa con sang Úc sống với ông chồng mới, thằng con thỉnh thoảng gọi điện thoại về thăm ba, thăm nội, chỉ nói vỏn vẹn được vài câu chào hỏi rồi thôi.

 

Chuyện của Út chưa đến nỗi như anh Hai, nhưng rõ ràng là nguy cơ ngày càng lớn… Nguyên nhân bắt đầu từ chuyện Út quyết định xin nghỉ việc ở xí nghiệp chế biến xuất khẩu, rời quê chồng, đưa hai đứa con lên thành phố lập nghiệp với nghề buôn bán thủy hải sản. Chồng Út không chịu vì còn cha mẹ già phải phụng dưỡng. Út nói, cứ làm công ăn lương thì lâu giàu lắm, con cái không có tương lai. Vậy là gia đình nhỏ chia hai. May là bây giờ đường sá dễ dàng, vài ba bữa, nhớ vợ con, chồng Út lại phóng xe cái vèo lên thăm, mất chừng hơn hai giờ là tới. Nói nghe dễ ợt chớ đêm nằm không có vợ con chắc là chồng Út buồn lắm. Chừng một năm trở lại đây, dòm tướng mất phong độ hẳn, ốm nhom, già sọm, hỏi Út, con nhỏ xì một cái: “Nhậu quá mà”. Nhưng hỏi biết tại sao chồng nhậu sa đà vậy không, Út nín thinh.

 

Tất nhiên má đâu có tha cho Út. Cứ mỗi lần Út tạt qua nhà, má tụng cho một bài… Má nói, đũa mà tách ra mỗi chiếc một nơi thì làm nên trò trống gì. Trừ những trường hợp bất khả kháng, như trong thời chiến, còn thì theo má cứ chồng đâu vợ đó, dẫu nghèo dẫu khổ mà chia hai cũng đỡ nhọc nhằn hơn. Chuyến này hình như má đang quyết liệt bắt Út quay về quê chồng. Kinh nghiệm cho thấy, má bao giờ cũng có lý.

 

Theo PNO