Chị em dâu

Chị về trước, em về sau, nhưng vẫn là chị em một nhà.

Chị về trong cái năm đói quay đói quắt, chiến tranh giặc giã để chị phải xa chồng. Chị về trong cái ngày có rổ khoai lang mời bà con xóm giềng và mặc bộ quần áo nâu sòng đất mẹ. Chị về, trong xót xa của bố mẹ, trong xót xa của anh!

 

Dâu trưởng - Ảnh minh họa
Dâu trưởng – Ảnh minh họa

Em về trong thời bình, bồng bềnh váy trắng, phấn son loẹt lòe giữa ngày hè. Em về trong niềm vui sướng của gia đình, của bản thân và trong niềm hân hoan của chị.

 

Chị về làm dâu, dâu trưởng. Trăm mối lo, nghìn gánh nặng ập lên đôi vai gầy. Chị gầy. Bé. Nhanh thoăn thoắt. Họ hàng bên gia đình chồng không ai chê trách chị nửa câu. Nhưng số ở đời, mẹ chồng, em chồng, nàng dâu, nên chị khổ.

 

Em về làm dâu, dâu út trong nhà, trăm mối lo toan, em không phải động mối nào. Em chậm, béo. Họ hàng bên chồng không ưng, chê bai, so sánh đủ điều với chị. Chị nhẹ nhàng nhắc mọi người không như thế, em mới về nhà chồng.

 

Chị không khỏe mạnh mãi. Ròng rã 25 năm bên nhà chồng, chị yếu hẳn. Anh từ chiến trường về, thương binh hạng nặng, không còn giấy tờ, mất hết ưu tiên, một tay chị chăm, chị cáng đáng gia đình. Bà nội chồng, bố mẹ chồng, em chồng, anh và 4 đứa con thơ, gánh nặng này tưởng như chị gục ngã, nhưng như sức mạnh vô hình, trách nhiệm người con, người vợ, người mẹ còn dở dang, chị vùng lên, tiếp tục sống. Chị không hé răng kêu khổ, dù số chị có khổ.

 

Chị hi sinh vì gia đình, vì mọi người, vì anh em. Chị không vì chị. Vừa đẻ đứa lớn được 5 hôm, chị hùng hục tã lót, làm đồng áng. Mẹ đẻ thương, đón về, nhưng bố mẹ chồng không cho. Chị không dám cãi lời, ở lại. Đẻ đứa út hồi trưa, đang làm ngoài đồng chị trở dạ. Cố lết về đến nhà rồi chị vật vã, chị sinh.

 

Chị chạy vạy đôn đáo bầu bí to đùng, mưa gióp sấm chớp vẫn đi vay lấy vài trăm, bỏ cả vốn anh trai cho vay mua con lợn giống chạy việc cho chú út. Chị kể, ngày xưa có 30 nghìn 1 con lợn giống, 6 nghìn 1 thùng thóc, thế mà chị chạy việc cho chú út phải bán cái ao, vay mượn khắp nơi lấy 6 triệu đồng, lãi hàng tháng chị đóng. Chị không kể ra, nhưng bà con họ hàng ai cũng biết. Suốt cả chặng đường chú út đi có bước chị đỡ. Nhưng giờ, lên đến tá, chú út phụ công chị mất rồi.

 

Em về, bầu bí 3 tháng đầu kiêng khem, tẩm bổ đủ mọi thứ trên đời. Anh chị nghèo, làm trang trại, em không giúp đỡ. Tiền em có gửi tiết kiệm nhưng em không bỏ ra.

 

Chị để 4 đứa con thơ ở nhà, đi làm xa tít tắp. Chị làm ve chai, gánh đá, quán cơm, hầm gà… chưa nghề nào chưa qua tay chị. Chị ngã tím bầm dập, về nhìn 4 đứa con, chị cười xòa: “Mẹ không đau”. Đứa thứ 2 khóc nức nở, nó thương chị thật nhiều. Anh cũng thương chị, nhưng anh đau ốm, mắt kém, đau dạ dày, mảnh đạn vẫn còn ở đầu, không giúp gì được cho chị. Nhiều đêm thương con, thương anh, chị nức nở ướt gối. Anh nén nước mắt, ôm chặt chị vào lòng, xót xa thương chị.

 

Em gần con, 2 đứa bé quấn bác, em không cho. Sợ chúng thương anh chị nhiều hơn thương em. Em bán hàng ngoài chợ. Chỗ che mưa che nắng đàng hoàng, nhưng em vẫn than mình vất vả.

 

Bố mẹ chồng thương em, vì em có con nhỏ, vì em đi chợ hàng ngày có tiền, vì em có lương hàng tháng chồng gửi về, vì em giàu có hơn chị.  Chị không được bố mẹ chồng thương, vì anh đau ốm triền miên, vì chị không có tiền dư giả, vì lo cho bố mẹ chồng là nghĩa vụ của chị, vì chị là dâu cả.

 

Bà nội chồng què quặt, nằm trong buồng không đi lại được. Bà thương chị. Chỉ có chị mới tắm giặt, cơm cháo, hoa quả cho bà. Em không tắm, không chăm bà. Em sợ bẩn.

 

Con chị, đứa lớn đã lấy chồng, sắp có con. Chị sắp thành bà ngoại. Đứa thứ 2 đi học xa nhà, nhớ chị, khóc ròng từng đêm, tự hứa phải phấn đấu. Hai đứa bé ở nhà, chuẩn bị thi hết cấp hai, ba. Học trường chuyên lớp chọn nên chị vui lắm.

 

Con em bé. Học không tốt, chị bảo đưa ra chị cho anh chị dạy. Em không nghe, chị thương cháu, hờn giận em. Em không ra chị nữa, chị buồn.

 

Chị như gương sáng, bao người noi theo chị. Em sống không như chị, nhưng chẳng bao giờ chị so bì. Chị khổ, nhưng chị luôn mong em vui. Nhưng đã là chị em một nhà, cũng nên thương nhau chứ?

 

Gọng Vó

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.