Tag Archives: chồng vô trách nhiệm

Gánh giang sơn

Hai chị tôi đều đã lập gia đình, ra riêng. Một bữa nhà có tiệc, mọi người tụ họp đông vui. Trong bếp, má và các chị bày biện nấu thức ăn. Trên phòng khách, hai anh rể xem ti vi, bàn chuyện thời sự.

Gánh giang sơn nhà chồng - Ảnh minh họa
Gánh giang sơn nhà chồng – Ảnh minh họa

Tôi để ý, chỉ trong nửa giờ đồng hồ, anh Ba đã hai lần rời chỗ ngồi, lăng xăng chạy xuống hỏi vợ: “Phụ gì không em? Để anh giúp cho, nhặt rau hen!”. Chị Ba tôi trừng mắt: “Ông đi lên giùm, chuyện đàn bà, rớ vô chi, bầy hầy ra hết!” khiến cả nhà bật cười. Anh Hai cũng cười, một cái cười khinh khỉnh. Rồi anh chặc lưỡi: “Chuyện đàn bà, chú xía vô chi mệt vậy. Ngồi yên đây đi”. Anh Hai nói xong, tôi phát hiện nụ cười trên môi chị Hai tắt ngúm. Chợt nhớ có lần, má tôi vu vơ: “Con Ba ôm đồm, sợ chồng nhúng tay hư việc, còn con Hai ngược lại, thèm được chồng chìa tay san sẻ, giúp đỡ mà không được”.

Có lần ghé chị Ba chơi, tôi thấy chị áo quần xộc xệch, vừa nấu cơm vừa giặt đồ. Chồng chị đi làm về, liền nhào xuống bếp trở con cá đang chiên. Thấy vậy, chị Ba la lên: “Để đó em, anh lên nhà đi”. Muốn giúp vợ nhưng không biết làm gì, xớ rớ một lúc, anh lấy cây chổi định quét nhà, lại bị vợ nạt tiếp: “Trời ơi, mắc công em quét lại”. Vô bữa cơm, thiếu mất đôi đũa, anh vừa đứng dậy, chị đã chạy trước ba bước: “Em lấy cho nhanh”. Tôi hỏi sao không để chồng san sẻ bớt, chị cười trừ: “Đàn bà có “giang sơn” đàn bà. Mấy ổng mà chen vô, rách việc lắm”. Cứ thế, chuyện gì mặc định là của mình chị không cầu viện sự giúp đỡ. Tính chị lại cầu toàn, tự mình làm mới thấy ưng. Một hôm anh rể đi làm về, thấy vợ ngồi chồm hổm trên mái nhà, sửa lại ống thoát nước nên bực mình mắng vợ sao giành chuyện đàn ông, chị chậm mồ hôi, kêu: “Em làm cũng được vậy, chờ anh phải đến Chủ nhật mới rảnh”. Má tôi nghe chuyện, mấy bận kéo chị về nhỏ to: “Cứ chia việc cho chồng, để nó giúp mình mới có thời gian nghỉ ngơi. Con như thế là dễ làm hư chồng lắm đó nghen!”. Chị phân trần: “Nhìn ảnh làm, con ngứa mắt lắm, không ưng”.

Anh rể tôi cứ thế dần bỏ mặc vợ. Thời gian rỗi, lẽ ra về giúp vợ dăm ba chuyện nhà anh lại bù khú bạn bè. Suy cho cùng, có về nhà, anh cũng chỉ biết cắm mặt vào laptop, xem ti vi… Trong khi chị một bên việc công ty, một bên giành gánh cả “giang sơn” của mình, đầu bù tóc rối, bận bịu đến nỗi giấc ngủ mỗi ngày chỉ tròm trèm còn năm tiếng đồng hồ. Đến một ngày, chị nghe đồn anh thường đưa một cô gái đi dạo phố, cà phê, mua sắm sau giờ làm. Chị ngất xỉu, nhập viện nằm ba ngày, bác sĩ nói do thiếu ngủ, suy nhược, rối loạn tiền đình, cần nghỉ ngơi. Chị khóc hết nước mắt, trách móc chồng: “Em có cầu toàn, giành làm mọi việc cũng chỉ mong mọi thứ được tròn trịa, vun đầy trong mắt anh”…

Cũng áo quần xộc xệch, tóc tai rối bù nhưng chị Hai trông còn… thảm hơn vì gánh giang sơn nhà mình trong nỗi tủi thân. Ghé qua thăm chị, thấy chị chênh chao đứng trên hai chiếc ghế đẩu, vói tay lau từng cánh cái quạt trần. Chị giải thích: “Ngày mai giỗ ba chồng nên phải dọn dẹp”. Chị khoe, mạng nhện đã một mình quét xong, góc vườn cũng dọn sạch, cả buổi sáng còn đi chợ mua sắm đủ thứ. Tôi hỏi anh rể không giúp gì sao, chị cười mà ứa nước mắt: “Ảnh có bao giờ động tay vô mấy chuyện này. Đưa cho cục tiền rồi thôi, hết trách nhiệm”. Tính anh rể gia trưởng, quan niệm đàn ông có “giang sơn” của mình, chỉ cần kiếm tiền; chuyện bếp núc, thu vén cửa nhà, lễ nghĩa họ hàng, làng xóm là bổn phận của đàn bà. Anh bỏ mặc vợ như thế nên có hôm, chị gọi điện hỏi tôi cách thay cái cầu chì ổ điện. Xe hư, chị hì hụi đẩy ra tiệm, trong khi chồng ngồi khểnh đọc sách. Chị Hai nói tủi: “Chị cũng khéo léo, ý nhị nhờ giúp đỡ nhưng anh ấy cứ ậm ờ, kêu để đấy. Cái “để đấy” có khi kéo dài mấy tuần chưa xong”.

Chị Hai về chơi, nhấm nhẳng với má: “Điệu này chắc ly hôn. Chồng gì mà thờ ơ, vô tình với công việc của vợ quá”. Nói xong, chị búi tóc đứng lên, xin phép về vệ sinh cái tủ lạnh, chiều hôm qua chồng bảo hôi… Chị đi rồi mà má còn bần thần. “Đàn bà mà ôm đồm, cầu toàn như con Ba cũng khổ, bị “lâm trận” kiểu con Hai càng khổ gấp bội”. Má thở dài tiếp: “Vợ chồng phải san sẻ công việc nhà với nhau. Giang sơn của ai thì cũng vì cái giang sơn chung là hạnh phúc, đầm ấm, yên ổn của gia đình. Có vậy mới yêu thương, khắng khít hơn, hôn nhân mới không mỏi mệt”.

 NGÂN DU/ Theo PhuNuOnline

Điên đầu vì bị chồng chơi xỏ

Công nợ tôi vay để vợ chồng kinh doanh anh đổ hết lên đầu tôi và nói tôi tự xoay sở. Anh còn nói vợ chồng mà suôn sẻ thì anh cùng tôi đòi nợ để trang trải, nếu không thì anh mặc kệ. Rồi còn can thiệp để họ chậm trả tiền tôi, vì anh biết tôi chậm thu nợ ngày nào thì phải chịu lãi cao ngày đó.

Khi tôi đang đau khổ vì chia tay mối tình đầu thì anh đến. Anh chăm sóc và chia sẻ buồn vui với tôi. Tôi đồng ý nhận lời yêu anh trong vòng 3 tháng quen nhau. Sau đó một năm, chúng tôi chính thức là vợ chồng. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với tôi nhưng ngược lại 8 năm sống bên anh tôi đã phải trải qua những thăng trầm tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.

Sau đám cưới một tháng, tôi tình cờ phát hiện ra anh đã có con riêng, đau khổ và thất vọng vô cùng, nhưng vì thương đứa con trong bụng và cũng vì anh đã xin lỗi, cầu xin nên tôi đã nén nỗi đau của mình mà không dám chia sẻ với ai. Tưởng chừng chỉ có vậy nhưng sóng gió bắt đầu nổi lên trong cuộc sống của chúng tôi.

Khi tôi mang thai đến tháng thứ 6, anh bị bắt vì gây rối trật tự nơi công cộng. Bụng mang dạ chửa vượt mặt, tôi lặn lội đi chạy để lo cho anh được tại ngoại. Hai năm sau tôi sinh tiếp bé thứ 2, do đó kinh tế bắt đầu khó khăn, lương tôi không đủ để trang trải. Vì gia đình chồng vốn có nghề kinh doanh, anh làm cho bố chồng tôi, nhưng vốn bố con không hợp nhau, cùng với sự bất đồng trong kinh doanh nên vợ chồng tôi xin phép ra làm riêng. Tôi đã đứng tên vay toàn bộ số tiền để đầu tư kinh doanh, tin tưởng anh sẽ cố gắng vì vợ vì con mà làm ăn, trước đây anh là kẻ ăn chơi trác táng – theo lời của bố mẹ chồng tôi, nhưng tôi đã nhầm.

Anh suốt ngày cắm đầu vào game online mặc kệ tôi với bộn bề công việc. Tôi thân gái nhưng suốt ngày bươn trải, ngày ngày rong ruổi hết tỉnh nọ tỉnh kia mưu sinh nhưng anh vẫn mặc kệ tôi với công việc và vẫn ngày đêm cày game. Anh lấy tiền hàng để mua đồ ảo trong game để thể hiện đẳng cấp của mình. Thị trường ngày càng có sự cạnh tranh, tôi loay hoay xoay sở một mình. Anh làm việc theo cảm hứng, khi nào thích thì anh làm, hoặc chỉ đạo đưa ra ý tưởng và kế hoạch còn người thực hiện là tôi.

Bố mẹ đẻ và anh chị vì thương tôi đã cho mượn sổ đỏ của gia đình để vay ngân hang, để có vốn kinh doanh. Nhưng tình hình kinh tế khó khăn, thị trường cạnh tranh từng tí một. Hàng bán ra không thu được tiền về trong khi đó tiền hàng tôi phải thanh toán với chủ, vì vậy tôi đã phải gánh những khoản lãi vay ngoài tương đối cao. Nhưng anh không vì đó mà quan tâm đến công việc. Anh vẫn vậy, vẫn rút tiền tiêu pha, vẫn tự đi thu tiền của khách hàng giấu tôi để tiêu. Khi tôi đòi họ thì mới té ngửa ra là anh đã lấy và tiêu hết rồi.

Tôi đã nói chuyện và khuyên anh nhiều lần, anh hứa sẽ thay đổi nhưng chỉ được một thời gian, đâu lại vào đấy. Không chỉ có vậy, kinh tế khó khăn, gia đình chồng cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó. Bố chồng nhờ tôi vay một khoản tiền, một lần nữa tôi lại mượn sổ đỏ nhà chị gái để vay tiền cho ông. Nhưng sau đó ông lại bắt tôi phải chịu khoản vay đó vì bảo chồng tôi đã lấy tiền của ông tiêu nên bây giờ tôi phải có trách nhiệm trả.

Tôi buồn chán vô cùng, suy nghĩ nhiều quá nên dẫn đến bị rối loạn lo âu trầm cảm, tôi như người sắp chết, mệt mỏi, căng thẳng nhưng vẫn phải gánh gồng công việc. Nhờ gặp thầy gặp thuốc tôi đã đỡ hơn. Tôi không phủ nhận chồng yêu mẹ con tôi, nhưng là yêu bằng lời nói, còn mọi sự chăm sóc con cái đều do tôi đảm nhận. Mẹ đẻ thương tôi nên đã đón con trai lớn của tôi về chăm sóc từ 2 tuổi đến giờ. Có lẽ tôi vẫn tiếp tục chịu đựng nếu không có việc xảy ra là bố mẹ chồng tôi khó khăn trong kinh doanh đã vay 500 triệu và đề nghị vợ chồng tôi đứng tên.

Tôi đã từ chối vì bản thân đang đeo một đống nợ trên đầu. Chồng tôi đứng ở phe trung lập, trước mặt tôi thì tỏ ra phản đối nhưng thực ra không phải vậy. Tôi chán nản vô cùng và sinh ra cáu gắt, vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Đến khi tôi bỏ về nhà bố mẹ thì anh rêu rao với mọi người là tôi bỏ anh lúc khó khăn. Công nợ tôi vay để vợ chồng kinh doanh anh đổ hết lên đầu tôi và nói tôi tự xoay sở. Anh còn nói với các nhân viên là vợ chồng mà suôn sẻ thì anh cùng tôi đòi nợ để trang trải, nếu không thì anh mặc kệ mà còn can thiệp để họ chậm trả tiền tôi, vì anh biết tôi chậm thu nợ ngày nào thì mất tiền ngày đấy vì tôi phải vay lãi cao bên ngoài.

Thực sự anh đã giết chết tình yêu của tôi, tôi cảm giác sợ khi nghĩ đến anh. Tôi buồn và suy nghĩ rất nhiều nên bệnh cũ có triệu chứng tái phát. Sau một thời gian suy nghĩ tôi đã nghĩ đến việc ly hôn vì nếu tiếp tục thế này chắc tôi sẽ phát điên, lúc đó con tôi sẽ ra sao. Bố mẹ và anh tôi chấp nhận gánh nợ cùng để tôi thoát khỏi con người vô trách nhiệm. Tôi đang rất rối bời không biết mình phải làm như thế nào vì nghĩ đến 2 con. Các bạn cho tôi một lời khuyên với.

Hằng

Chiều chồng thiệt gì

Lúc nào chị cũng tặc lưỡi “Đàn ông làm bếp núc hèn người đi. Chiều chồng đi đâu mà thiệt”, chị chăm sóc cho anh chu đáo từ bữa ăn giấc ngủ, từ lúc vợ chồng son cho đến khi chị mang bầu.

Chiều chồng ...
Chiều chồng …

Con ra đời thì thân chị còn lo chưa xong, người yếu nhớt, vậy mà chị vẫn thương chồng có khi phải cơm đường cháo chợ, đang mì tôm qua ngày cũng nên, vì anh có vào bếp bao giờ. Vậy là chị nhất quyết không về quê ở cữ, đẩy bà nội vào “bước đường cùng” thương cháu nên lọ mọ gác mọi công việc xuống trông hộ cho một năm rưỡi. Suốt thời gian ấy anh vẫn được những người phụ nữ thân yêu cần mẫn lo cho đến tận răng, nhàn rỗi như không.

Đẻ đứa thứ hai đâu được như đứa đầu, giờ bà nội bận trông con nhà chú em đang ở cùng ông bà. Chị đành cầu cứu bà ngoại ở cách xa hai chục cây số, nhưng bà chỉ trông cho được ba tuần thôi, rồi phải về lo thuốc men vì bố chị đang bị bệnh cần người túc trực. Vậy là sau đó, mình chị xoay sở tối tăm mặt mũi, hai đứa cùng bấu mẹ, không theo bố, có lúc chẳng quanh nổi bữa cơm. Nhà chật, lương lại thấp không thuê nổi người giúp việc.

 

Khi chị đi làm, “bài toán” mới gọi là nhức óc. Không thể để con nhếch nhác chị đành xa chồng để về nhà mẹ đẻ, chấp nhận đi làm xa một chút để có chỗ yên tâm gửi con, còn anh ở lại trông nhà. Vấn đề là anh còn chẳng tự lo nổi cho mình thành ra con bé đầu lại gửi về bà nội, còn cách nào khác khả dĩ hơn đâu.

 

Nghĩ cảnh nhà bốn người phải chia làm ba nơi mà chị ứa nước mắt, lo nghĩ chứ chẳng sung sướng gì khi cứ gọi điện là con bé lớn khóc gào vì nhớ nhà “Mẹ ơi, con ngoan mà, con không trêu em đâu, cho con về với bố mẹ”. Nhất là khi nhìn cảnh anh gầy rộc vì giờ phải tự lo liệu cơm nước, lúc thì ngược lên thăm con gái, khi thì xuôi xuống ngó vợ và con trai.

 

Đêm ngày chị trăn trở trách mình sai, đã quá ôm đồm và chiều chồng khiến anh thành ra như thế, đáng lẽ những việc lặt vặt chị hoàn toàn có thể giao cho chồng để hỗ trợ mình một tay và cũng để biết nấu lấy mà ăn. Giá anh thạo việc thì giờ gia đình nhỏ hoàn toàn có thể đoàn tụ, ông bà được nghỉ ngơi, già cả đau yếu suốt mà vẫn phải hầu cả con lẫn cháu, đành lòng không.

 

Chỉ việc nhà cỏn con mà anh còn lúng túng vụng về, cáu nhặng xị lên thì làm sao cùng chị gánh vác được việc lớn gia đình, dạy dỗ con cái sau này. Chị thở dài, giờ chỉ còn cách nỉ non với chồng, trước tiên là để anh hiểu và thông cảm tự nguyện giúp đỡ vợ con, sau để huấn luyện hai đứa, con trai cũng cần thạo việc nhà, ít nhất phải biết tự phục vụ mình.

TSL

Trả giá đắt vì quá tin tưởng nhà chồng

Tôi nhờ bố mẹ đẻ cắm nhà vay hộ bà gần 2 tỷ đồng. Sau đó bố mẹ chồng bán tài sản được gần 20 tỷ đồng nhưng giấu tôi, trả cho người khác mà không hề trả cho bố mẹ đẻ tôi đồng nào.

Tôi là độc giả trung thành của mục Tâm sự trong suốt 3 năm qua, tôi đã viết vài bài nhưng rồi lại xóa đi không gửi. Từ khi lấy chồng, bi kịch nối tiếp bi kịch khiến tôi không còn bình thường nữa, từ cô gái hiền lành tôi trở nên cáu gắt và sắn sàng đập đầu chết bất cứ lúc nào. Tôi sợ chính bản thân mình. Mong các anh chị em hãy giúp tôi tìm đường đi cho cuộc đời mình.

Tôi 33 tuổi, có con trai 6 tuổi, tôi là giáo viên còn chồng là kỹ sư xây dựng. Chúng tôi đến với nhau tự nguyện từ sự cảm mến và ngưỡng mộ nhau. Tôi là con nhà gia giáo, xinh đẹp, nề nếp. Anh đẹp trai, lịch sự, con trai thành phố nhưng không ăn chơi mà rất giản dị.

Yêu anh, tôi cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc chu đáo, với tôi như thế là đủ. Chúng tôi hạnh phúc sau một năm cưới nhau. Sau khi tôi sinh con đầu lòng một tháng thì chồng bắt đầu đổ đốn và bắt đầu chuỗi bi kịch của đời tôi. Anh lăng nhăng với cô đồng nghiệp khi vợ đang ở cữ, tôi phát hiện đưa đơn ly dị và anh hứa sẽ chừa. Tôi tạm tin tưởng và tha thứ vì con.

Anh không chỉ dừng ở đấy mà cả ngày bia rượu triền miên, về nhà say xỉn tìm cớ để hành hạ đánh đập vợ mặc dù tôi không có tội tình gì. Tôi là người phụ nữ truyền thống, luôn được mọi người khen ngợi, tôi luôn lo toan chu đáo việc nhà và rất mực lễ phép, tôn trọng nhà chồng. Đây cũng là tiền đề cho bi kịch tiếp theo của tôi.

Bố mẹ chồng làm kinh doanh buôn bán, khi kinh tế khó khăn, bà đã cầu khẩn tôi giúp bà vay tiền để thoát khỏi khó khăn. Nghĩ thương mẹ chồng, tôi đã đi vay bạn bè và nhờ cả bố mẹ đẻ của tôi cắm nhà vay hộ cho bà với số tiền lên đến 2 tỷ đồng. Bố mẹ chồng luôn đối xử tốt với tôi và bà hứa sống chết dù có phá sản thì bà sẽ trả nhà tôi đầu tiên, tôi tin bà như tin mẹ đẻ mình.

Bố mẹ chồng bán các kho hàng và tài sản cố định được gần 20 tỷ đồng nhưng giấu giếm tôi, trả cho người khác mà không hề trả cho bố mẹ đẻ tôi đồng nào. Tất nhiên bà vẫn nợ và có thể phải đối diện với đơn từ kiện cáo của người khác. Vợ chồng tôi lang thang đi thuê nhà với 2 bàn tay trắng, vì tôi có bao nhiêu tiền cũng thật thà bị bà khéo léo lấy sạch.

Tôi không thấy khổ vì lam lũ từ bé quen rồi, tôi có thể ăn cơm muối trắng cả tháng cũng không sao, chỉ thương con quá nhỏ. Có thể lòng tốt của tôi đặt nhầm chỗ, có thể tôi bị lợi dụng. Tôi chỉ ân hận và đau đớn khi nghĩ đến cảnh bố mẹ đẻ ở quê phải gồng gánh nợ nần khi tuổi cao sức yếu, đến cái nhà tổ tiên cũng không giữ được. Lòng tin của tôi đặt nhầm chỗ đã phải trả giá quá đắt.

Tôi suy sụp một thời gian, bây giờ đã bình tĩnh lại, tự an ủi mình để có sức khỏe làm việc và trả nợ. Điều tôi buồn nhất là chồng không bao giờ san sẻ với tôi bất cứ việc gì từ khi lấy anh. Anh được nuông chiều theo kiểu công tử bột nên quen rồi, vợ phải là ô sin, làm tất cả, có lúc tôi đã ngất đi vì quá mệt mỏi, tôi gầy đi trông thấy.

Cuộc sống khó khăn nhưng anh vẫn giữ lối sống sung sướng trước đây khiến tôi khổ sở vô cùng, nói thì anh thẳng tay không thương tiếc. Tất cả mọi chi phí trong nhà tôi đều lo, còn anh có đồng nào thì đổ vào quán nhậu, mặc cho vợ nhai cơm nguội đi làm còn anh thì phải ăn phở, ăn đồ ngon. Anh như một đứa trẻ không bao giờ chịu lớn, liên tục rượu về là hành hạ tôi, sáng ra lại xin lỗi. Điệp khúc ấy lặp đi lặp lại suốt 4 năm nay.

Tôi mệt mỏi, chán nản, không đủ sức chịu đựng những cơn cuồng ngộ của chồng nữa, anh sẵn sàng đánh, lôi tôi ra khỏi nhà một cách vô lý, bịa đặt để chửi tôi. Tôi tha thiết xin mọi người hãy giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn.