TÌNH MỘT ĐÊM

(Câu chuyện dành cho những ai đã và sắp là vợ chồng)

Gã đàn ông râu quai nón cố dùng ánh mắt đong đưa đầy tình ý nhìn chằm chằm vào mắt nàng và lia ánh nhìn xuống bên dưới, nơi có khe hở, lấp ló sự mượt mà bồng bềnh dưới chiếc áo cổ sâu nàng đang mặc. Gã cầm ly bia cụng cụng vào ly của nàng rồi ngưởng cổ uống sạch một hơi. Nàng cũng thế, nàng ngửa cổ tu sạch ly bia đắng ngắt. Đã rất lâu rồi nàng mới uống bia, cũng đã quá lâu rồi nàng mới tụ tập nơi quán xá đông nghẹt người, nghe tiếng ồn ào và sự tấp nập để biết rằng mình chẳng cần gì vội vàng để về nhà, nàng đã được tự do, cái tự do mà nàng khắc khoải mãi mới có được.

Con bạn thân lôi nàng đi nhậu với vài ba người bạn mới quen của nó, nàng mơ màng gật đầu bởi trí óc và trái tim nàng trĩu nặng nỗi buồn phiền, nàng muốn buông xả, nàng rất muốn khóc mà nước mắt cạn khô không rơi ra được nữa. Và thế là đi uống, chỉ cần nốc vài ly bia thì nàng đã muốn khóc, thật kỳ lạ…Kỳ cục hơn nữa là nàng muốn cởi mở và lả lơi mơn trớn ánh mắt của gã trai. Đó là lần đầu nàng biết đến cảm giác thích thú lờn vờn đôi mắt của đàn ông, và cảm giác da gà nổi theo tia nhìn soi mói vào giữa khe ngực phập phồng, ánh mắt thèm khát của gã có râu quai nón…

Rồi nàng say rũ rượi, gã trai xung phong chở nàng về…chẳng đợi nàng đồng ý gã đưa nàng vào thẳng khách sạn. Đêm đó nàng như lột xác, trong cơn say nàng để cơ thể bộc lộ hoàn toàn theo bản năng mà trời ban cho phận đàn bà. Nàng cuồng nhiệt và man dại trên thân thể một gã trai xa lạ. Nàng không có cảm giác ngại ngùng, không xấu hổ, không thẹn thùng lừng khừng như mỗi lần ân ái với chồng mình. Nàng trở thành một nàng bướm xinh đẹp như vừa thoát ra khỏi cái kén xấu xí, rũ bỏ hoàn toàn lớp áo một người vợ đoan trang để trở thành một người tình nóng bỏng…

Gã râu quai nón không quên được nàng, gã mê mẩn nàng sau cái đêm “trời ban” ấy. Gã chán những cô trẻ đẹp chân dài, những người tình sành điệu quen thuộc của gã… Gã nhớ như điên dại phút giây người phụ nữ vừa bỏ chồng ve vuốt miên man, say sưa trên thân thể gã. Người đàn bà “tầm thường” ấy đã cho gã một đêm hoan lạc quá ấn tượng, ấn tượng đến mức khiến gã không thể nào ngừng mong đợi được gặp nàng lần nữa…

Vậy mà nàng lại trốn và hất hủi gã. Có lẽ nàng đã trở thành bươm bướm thật sự, vì vậy nàng chẳng cần thêm một đêm xúc tác để biến đổi cơ thể nàng nữa. Mặc cho gã râu quai nón bảnh trai tìm mọi cách ve vãn cầu xin thì nàng vẫn lạnh băng như mặt nước hồ thu. Nàng đã hiểu chính nàng, nàng đã hiểu vì sao chồng nàng lại ngang nhiên ngoại tình, bỏ rơi nàng sau những năm tháng đồng cam cộng khổ. Nàng không trách chồng, nàng chỉ buồn và trách nàng ngơ ngơ dại dại và đần đần trong chuyện giường chiếu… Mỗi khi gần gũi chồng, nàng cứ cứng đơ, im lặng và chờ đợi chồng lên đỉnh như một khúc gỗ. Nàng không thể hiểu nổi tại sao nàng lại có những quan niệm “lệch lạc” trong quan hệ vợ chồng như thế. Sự thinh lặng không hồ hởi, không đòi hỏi và chỉ đơn giản là đáp ứng đã khiến cuộc hôn nhân của nàng kết thúc thật đáng tiếc!

Vô tình gặp lại tôi sau vài năm mất liên lạc, tôi ngỡ ngàng không nhận ra nàng. Nàng đã trở thành người phụ nữ duyên dáng và quyến rũ thật sự. Nàng vẫn chưa lập gia đình lần nữa, hỏi nàng vì sao nàng chỉ bảo để cho đàn ông thèm chơi rồi phá ra cười nắc nẻ… Tôi nhận ra sự khác biệt trong nhận thức và tư duy của nàng, khác rất nhiều so với ngày tôi hỏi nàng về đời sống hôn nhân sau đám cưới. Nàng nói với tôi nàng thật khờ dại và có lẽ hàng ngàn, hàng triệu người phụ nữ đang và sắp làm vợ cũng có thể dại dột như nàng.

Nàng bảo những cảm xúc dấu kín không bộc lộ trên giường là những cảm xúc vừa ngu vừa dại. Tại sao không trao ban cho người đầu ấp tay gối với mình sự hoan hỉ và nhiệt tình của kẻ đang được thưởng thức một món ngon tuyệt diệu. Tại sao cứ phải nằm thừ ra đấy, chờ đợi và lặng câm như một kẻ vô ơn không biết tán dương tài nấu của đầu bếp. Hãy đặt trường hợp bạn là đàn ông, bạn vồ vập và cuồng nhiệt chỉ để mong đối tác xuýt xoa và thưởng thức mê say cảm giác bạn trao ban cho họ, nhưng cái bạn nhận được chỉ là sự ơ hờ, thinh lặng như một đứa vừa câm vừa điếc thì bạn “tuột hứng” và xấu hổ biết chừng nào? Hãy thử một lần mở toang cảm xúc của bạn, bạn sẽ thấy mọi chuyện thật dễ dàng và giống như một dàn hợp xướng, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhạc công sẽ tấu lên một ca khúc tuyệt vời và bạn sẽ khiến đối tác phải thầm cảm ơn, quyến luyến và không thể nào quên được sự ân cần của bạn…

Nàng “giáo huấn” tôi xong thì tạm biệt ra về và để lại tôi ngẩn ngơ với câu chuyện tình một đêm thăng hoa của nàng, và những bài học rất thực tế trong đời sống vợ chồng. Tôi chép lại câu chuyện này, vô phép xin được dành riêng cho các bà vợ và nhất là các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân. Tôi không nghĩ rằng nó quá thừa thãi bởi sách vở, báo chí và phim ảnh đã đề cập đến vấn đề này quá nhiều, nhưng điều quan trọng tôi muốn nhắn gửi với các bạn rằng: đừng bao giờ nghĩ rằng mình chỉ đơn thuần là một người vợ với đầy đủ những đức tính tốt đẹp thế là đủ. Khi trên giường với chồng, bạn hãy thật sự là một người tình và xin hãy mãi là tình nhân của nhau trong suốt cuộc hôn nhân của đời bạn.

Bạch Cúc Homestay

Với tôi ngày 8 tháng 3 mãi là một kỷ niệm đẹp

Ngày ấy tôi và anh là những sinh viên học cùng lớp, tôi ngưỡng mộ vì tài học giỏi, anh luôn giữ vững thành tích học của mình với thứ hạng nhất nhì trường. Còn tôi thì học hành chẳng ra gì, không phải vì tôi không thông minh mà tôi muốn chống đối lại với bố mẹ mình vì ông bà đã ép tôi học ngành kế toán cho dễ xin việc nhà nước, trong khi đó sở thích của tôi là điện ảnh. Anh một người học giỏi nhất lớp được thầy chủ nhiệm chỉ định phải dạy dỗ thế nào cải thiện tình hình học hành của tôi.

8 tháng 3
8 tháng 3

Tuy đã học đến năm 2 nhưng tôi với hắn chưa hề nói chuyện với nhau vì hai chúng tôi là hai thế giới khác biệt hoàn toàn. Tôi chẳng nhìn thấy hắn có điểm gì thú vị mà sao bọn con gái trong trường trong lớp cứ nhốn nháo lên mỗi lần hắn đi ngang qua. Mỗi lần chạm mặt hắn là tôi lại hất cằm quay ngoắt đi cho bõ ghét còn hắn thì như biết được tôi không thích nên cũng không muốn lại gần tôi. Và điểm khác biệt nữa khiến tôi và hắn không thể nói chuyện được với nhau, đó là tôi luôn chơi với nhóm bạn sống theo phong cách của tiểu thư con nhà giàu có còn hắn thì chơi thân với mấy người bạn tỉnh lẻ.

Khi nghe thầy giáo chủ nhiệm yêu cầu hắn phải dạy dỗ tôi thế nào đó sao cho kết quả kỳ học này các môn học của tôi tối thiểu mỗi môn cũng phải trên 5 điểm, chứ không thể 9/10 môn phải thi lại như mấy kỳ trước nữa. Hắn phá lên cười nói với thầy trước cả lớp: “thầy ơi tha cho em, kiểu người dốt lâu khó đào tạo đó em xin đầu hàng, ai đời con gái gì mà thi toàn trứng với gậy mà không xấu hổ”. Nghe tức lộn ruột tôi đứng phắc dậy: “thưa thầy em không cần gia sư gì hết em tự biết mình phải học thế nào”. Thầy gạt phắt những lời nói trẻ con của chúng tôi mà vẫn giữ vững lập trường của thầy. Bị gượng ép học chung nên tôi và hắn chẳng vui vẻ gì chỉ liếc mắt nhìn nhau như muốn ăn tươi nuốt sống nhau.

Lần đầu tiên hắn đến nhà tôi câu đầu tiên hắn chào tôi là: “nhìn nhà bạn giàu có thế này thảo nào bạn học hành tệ hại vậy”. Nể hắn làm lớp trưởng nếu không tôi tống cổ hắn ra ngoài ngay lập tức rồi. Từ khi là sinh viên đến nay thì đây là lần đầu tiên tôi ngồi vào bàn học ở nhà chứ từ trước đến giờ tôi chỉ học trên lớp được chữ nào thì sài chữ đấy thôi. Hắn dạy nghiêm túc như một người thầy vậy, làm tôi không muốn học cũng phải căng óc ra mà suy nghĩ không hắn lại coi thường nói xấu việc tôi học dốt nữa thì thật ghét.

Ngày nào hắn cũng đến dậy bảo tôi tận tình khiến bố mẹ tôi rất quý và tin tưởng hắn, bố mẹ tôi khen hắn lễ phép hiền lành, còn tôi thì cũng dần dần có thiện cảm với hắn vì hắn học giỏi thật bài nào hắn cũng giải quyết thật nhẹ nhàng trong khi đó tôi dằn vặt suy nghĩ mấy ngày cũng chẳng ra.

Có những khi học nhiều tôi lại rủ hắn đi chơi cho vui tôi dẫn hắn đến những quán ăn vặt còn hắn dẫn tôi đến chỗ công viên hay đại loại chỗ nào không tốn tiền. Nhưng chuyện tiền nong không quan trọng mà quan trọng chúng tôi có những ngày thoải mái. Những lúc ngồi bên nhau nói chuyện tôi hiểu về hắn nhiều hơn, bố hắn là chủ tịch huyện còn mẹ hắn làm hiệu trưởng của một trường tư thục vậy mà sao hắn luôn thể hiện khiêm tốn tiết kiệm thế trong khi tôi lại hênh hoang tự mãn quá. Có lẽ hắn đã dậy cho tôi về bài học đầu đời về học làm người khiêm nhường.

Có lần tôi tò mò hỏi hắn có người yêu chưa thì hắn có vẻ do dự không muốn nói: “uhm, uhm có rồi”. Không cần hỏi người hắn yêu là ai tôi cũng đoán được đó là đứa con gái nhỏ tuổi hơn hắn suốt ngày hắn trở đi trở về nghe mọi người nói là hai người sống chung với nhau nữa chứ. Thế mà tôi lại càng ngày càng nhớ hắn, mỗi ngày hắn không đến dậy là tôi lại đứng ngồi không yên vừa muốn gọi điện thoại vừa muốn giữ thể diện của người con gái bất cần hắn.

Có người yêu rồi mà sao hắn vẫn nhìn tôi một cách tình tứ khác thường, đôi lúc bất chợt như linh cảm được hắn đang nhìn tôi thì liếc mắt sang hắn thì tự nhiên trái tim tôi đập thình thịch khi bắt gặp ánh mắt của hắn đang đắm đuối nhìn tôi không ngớt. Cách cư xử lạ lùng của hắn khiến tôi nghĩ hắn là kẻ đang muốn bắt cá hai tay, tôi sẽ không dễ mắc lừa hắn đâu. Dù trái tim tôi đang rất yêu hắn nhưng tôi vẫn phải cố kìm nén tạo khoảng cách để không bị trở thành người thừa trong cuộc tình tay ba của hắn.

Những lúc ngồi học bài chung hắn học rất nghiêm túc khiến tôi cảm thấy rất căng thẳng vậy mà sao dạo này nhìn hắn có vẻ thân thiện gần gũi lại hay trọc ghẹo tôi nữa. Có tiếp xúc nhiều với hắn tôi mới cảm nhận được hắn quả là một người đàn ông đáng để lấy làm chồng, hắn không bảo thủ cứng nhắc nhưng lại rất quả quyết khi hắn đúng, hắn dạy tôi cách nấu ăn khuyên tôi nên phát huy sở thích của mình chứ đừng cố gắng học cho bố mẹ mà lãng phí mất cuộc đời….Nhưng có lẽ hắn mãi mãi chẳng bao giờ thuộc về tôi.

Hôm ấy là ngày 8/3 dưới sự chỉ huy của hắn lớp tôi có một ngày đón chào ngày của chị em thật hoành tráng. Mỗi chị em phụ nữ một bông hoa hồng rất đẹp, nhiều bạn gái còn ôm mấy bó hoa nữa và tôi cũng có mấy bó hoa của mấy bạn trai trong lớp tặng riêng. Nhưng bó hoa tôi mong đợi nhất từ tay hắn thì vẫn mất hút, tôi tự nhủ thôi mình là gì của hắn mà hắn phải tặng chứ. Cả lớp đi ăn rất linh đình lại còn đi hát karaoke đến tận 22h đêm.

Suốt buổi tối hắn chẳng thèm quan tâm đến tôi mà chỉ lo lắng cho mọi người vậy mà đến giờ về hắn mới ngỏ ý đưa tôi về, tôi giận dỗi nói: “thôi bạn về với người yêu của mình luôn đi tớ có cuộc hẹn với người khác rồi”. Nói rồi tôi chẳng để hắn thanh minh giải thích phóng một mạch về đến nhà. Đang đứng đợi cổng chờ chị giúp việc mở cổng thì hắn cũng dừng xe ở bên cạnh. Hắn hớn hở cười toe toét: “nói hẹn với ai lại về nhà thế à? Thôi còn sớm đi theo tớ có chuyện cần nói”. Chưa kịp phản ứng gì hắn đã dắt xe tôi vào nhà và bảo tôi lên xe hắn chở đi. Tôi như cún con răm rắp làm theo sự chỉ huy của hắn vậy.

Hắn dẫn tôi đến công viên quen thuộc của hai đứa thường lui tới sau buổi học. Hai đứa ngồi im lặng như chờ nhau nói trước, không chịu được sự im lặng lẫn giận dỗi trong lòng tôi tung ra một chàng: “buổi tối nay cậu bận rộn nhỉ đúng là lớp trưởng gương mẫu nó khác, mà sao bạn không về với người yêu đi chứ ngày quan trọng thế này để người ta ở nhà một mình thật tội mà tớ không bao giờ yêu người đàn ông lăng nhăng đâu. Thôi bạn về đi mình vẫn ổn”.

Hắn chẳng nói chẳng rằng gì mà ôm chặt lấy tôi và đặt môi lên môi tôi khiến tôi không hiểu nổi hắn muốn gì nữa, cố giẫy giụa ra nhưng hắn khỏe quá khiến tôi phải ngoan ngoãn nằm trong vòng tay của hắn. Hắn buông tôi ra: “em đã nói xong chưa? Là lớp trưởng anh phải có trách nhiệm với cả lớp chứ, người anh hay trở mỗi ngày và sống chung đấy là em gái của anh đấy, em đừng có nghĩ lung tung mà tan nát trái tim anh. Em đồng ý làm vợ của anh nhé”. Niềm vui trong tôi như vỡ òa ra, tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết, vậy mà bấy lâu nay tôi cứ nghi ngờ hắn thật tội nghiệp hắn quá.

Hai con đã 10 tuổi rồi nhưng anh và tôi vẫn không thể quên được ngày 8/3 năm ấy, để kỷ niệm ngày đẹp năm đó, năm nào vào ngày này chúng tôi cũng đến công viên ngày ấy để ôn lại một thời giận dỗi nghi ngờ thăm dò nhau nhưng lại rất ngọt ngào da diết.

Hồng

 

MẸ NGHÈO.

Mẹ nghèo

🍀 Mẹ tôi mất cha lúc còn nằm trong bụng và mồ côi mẹ thuở mới lên ba. Mẹ về sống với dì Ba, em ruột bà ngoại, chúng tôi gọi bằng ngoại Ba.

Ông ngoại Ba là con cháu địa chủ nức tiếng một vùng, hành nghề nhập đồng bói toán. Giàu có, biết tiền vận hậu vận, thêm biệt tài yểm bùa chuốc ngải nên nguyên một vùng nhiều người người ái ngại. Chưa hết, nhà có tám ông con trai, ông nào cũng cao to vạm vỡ, tính hung dữ cộc cằn, thành ra người ta cũng ngại đụng chạm, sợ dây vào ổ kiến lửa nó thui.

Cũng không biết ông ngoại bói có đúng, bùa ngải có linh không, thực hư chuyện nhập đồng trù yểm không ai rõ, tại cả xóm đâu ai tới. Cơ bản việc đời một đồn mười, mười đồn trăm rồi khách thập phương về quỳ lạy cầu khấn – mê muội và chạy theo đám đông là cái lỗi lớn mà con người rất dễ mắc.

Mẹ kể, ở nhà ngoại Ba, mẹ đảm tất tật chuyện cơm canh, lau chùi, giặt giũ để rồi tới bữa ngồi co ở góc bếp, cạo cơm thừa quét canh cặn. Quần áo mặc mót của bà ngoại, cái thùng thình, cái già chát. Cũng xót cháu nhưng biết tính chồng gia trưởng, quản từ hũ vàng trong rương đến củ hành củ tỏi dưới bếp, mọi thứ trong nhà chỉ cần chệch ý ông sẽ phải trả giá ngay lập tức nên bà ngoại không dám ho he. Và mẹ đủ thông minh để hiểu nỗi phũ phàng đời mình nên không trách hờn, càng không dám trông chờ tình thương.

Sau này, mấy cậu lấy vợ sinh con, không lo làm ăn mà thi nhau tiêu pha nên tài sản tiêu tán, bói toán cũng hết thời, nhà ngoại Ba chỉ còn cái vỏ. Liền đó, ông ngoại đòi gả mẹ cho một người làm, cách gián tiếp đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ bảo, ông ngoại quy mẹ mang đến điều xui xẻo, tại cái bớt đen trước ngực. Như một người sinh ra đã mê tín, ngoại lý giải cái bớt đen là dấu vết tiền kiếp lưu lại, là biểu hiện của kiểu người “lòng lang dạ sói”, nếu không cũng đem đến tai ách. Đó là lý do “chính đáng” để mười ba tuổi mẹ ra khỏi nhà ngoại Ba. Dùng cách đó để đuổi cháu ra khỏi nhà thì quá tàn nhẫn. Và mẹ, vì bẽ bàng, vì tự trọng nên không bao giờ quay lại ngôi nhà cao rộng đó nữa, dù có lúc ôm cái bụng lép kẹp lê lết ngoài đường.

Mười ba tuổi, ẵm em cho người ta chai hông để đến năm mười lăm tuổi đã có thể xăm xăm đồng nọ núi kia như một lực điền có hạng. Vậy đấy, khi bị đẩy vào đường cùng, nếu không muốn bị vùi dập, người ta tự khắc sẽ kiên cường.

Năm mười bảy tuổi, vượt hai trăm cây số đi cắt lúa mướn, mẹ gặp ba tôi, cũng dân tha phương làm mướn. Cô gái mồ côi gặp chàng tuổi trẻ độc chiếc, thấy hiền hiền, mến mến, người lớn ghép đôi, vậy là thành vợ thành chồng. Hồi đó hôn nhân đi trước tình yêu mà.

Và như thế, chúng tôi, cả thảy năm anh em, là những đứa trẻ nhà nghèo. Càng nghèo hơn khi bốn mươi tám tuổi, mẹ mồ côi chồng. Bằng cách nào đó, mẹ lo các con có cơm ăn và cho đi kiếm chữ. Tiêu chí của mẹ là nghèo nhưng không được dốt, để làm được điều đó, mẹ phải nai lưng làm và tới bữa “ăn cá mút xương, ăn mắm mút dòi”.

Mẹ không biết khóc, kể cả ngày chồng mất. Người ta chỉ trích, mẹ bảo mình không chết cùng được thì phải mạnh mẽ để lo hậu sự cho chồng, rồi lo mà nuôi con chứ khóc la gì. Mạnh mẽ và lý trí, mẹ khiến nhiều người kính nể nhưng cũng vướng nhiều thị phi. “Kệ! Không quan tâm người ta nói, nếu ai lo dùm các con, mẹ cũng sẽ ngồi lê, chao chát với đời”, mẹ nói.

2.

Các con của mẹ lớn lên, mỗi đứa một cảnh.

Chị Hai và các em kề học không sáng, lết qua lớp 9, mẹ hướng học nghề. Nhờ vậy mà mấy cô con gái có nghề nghiệp, đỡ phải bươn chải nắng mưa đồng cạn đồng sâu.

Nhưng cuộc đời đâu thể dễ dàng với tất cả. Riêng chị Bốn, trúng tiếng sét ái tình, đang học nghề may lại đành đoạn bỏ ngang lấy chồng vì “sự cố kỹ thuật”. Yêu bất chấp ai ngờ gặp tên vũ phu, ưa bài bạc. Chịu hết nổi cái lý “đánh bài kinh doanh”, chị nách ba con về mẹ. Mẹ bèn chia đôi ngôi nhà hình chữ L, mẹ con chị một bên, mẹ một bên.

Phần Út Chi mặt mũi dễ thương, học hành sáng dạ, mẹ không thôi hy vọng nó công thành danh toại. Mẹ bảo trong các con nó tội nhất vì sớm mồ côi cha. Mẹ xoa đầu, ráng học, tới đâu mẹ lo tới đó. Nhưng cuối cùng, Út Chi lại làm mẹ lao tâm khổ tứ, thiếu điều chết đi sống lại với nó.

Nó thông minh nhưng ngang ngược, đua đòi từ nhỏ, mẹ ra sức kiềm, tôi cận kề định hướng nhưng lực bất tòng tâm. Nó luôn thấy mình là người thiệt thòi nhất, ở cái tuổi bạn bè khối đứa đã được quyền “hư hỏng”, nó học về còn phải đi rinh gạch, cắt lúa, dọn gốc rạ, chăn bò, vân vân… Nó vùng vằng bức xúc, mẹ không cằn nhằn, chỉ hét: “nhà mình nhà làm chứ hổng phải nhà chơi, nghèo rạc mà đua đòi, mai mốt có nước ra đường ăn xin”. Luôn luôn như vậy, con thì rất thương nhưng mẹ chỉ chiều chuyện chính đáng. Út Chi, tự nó thấy mình không sai. Có đứa con gái nào chẳng kiêu hãnh vì đẹp, và đương nhiên cái khao khát ăn diện để phô bày nhan sắc chẳng phải điều sai trái, rất tiếc nó bỏ qua hoàn cảnh. Đã không dưới chục lần, thằng anh khốn khổ tôi động viên nó ráng, từ từ học xong, đi làm có tiền anh bù cho nhưng nó vẫn ương bướng, lầm lì khó dạy.

Nó chính thức có “thành tích” nổi loạn năm học 12. Đi học mà rủ bạn bè huê hụi rồi ôm tiền đi chơi xả láng. Trước đó, cô giáo tới nhà báo nó có biểu hiện yêu đương lộ liễu, lập hội con gái đánh nhau. Mẹ hỏi chuyện, nó nhất quyết không nhận, tôi âm thầm điều tra chân tướng, nó dám nói “Anh khôn hồn thì ngậm miệng dùm em!”, sự hỗn hào của nó đã phục hồi sự cộc cằn mà tôi đã cố bỏ theo ý mẹ – tôi nổi điên chố cho một tát nảy lửa. Không nhằm nhò.

Chưa dừng ở đó, nó đùng đùng đòi vô đại học tư, mẹ gánh học phí cóng róng. Đang là sinh viên năm hai, yêu đương sao hổng biết, bị vợ người ta tìm về tận làng lu loa.

Sau vụ bê bối đó, nó bỏ học, la cà bạn bè chỗ nọ chỗ kia. Rồi một ngày nó đi không về, mọi liên lạc bị chặn hết. Còn đang hoang mang thì thằng xã hội đen gọi điện cho mẹ, chửi bới om sòm đòi nợ. Tôi tái mặt, mồ hôi bực ra đầm đìa. Trời ơi, nợ lần hai trăm triệu, chẳng biết nó làm cái giống gì mà đổ tháo cỡ đấy. Mẹ lại là người lãnh trận.

Mẹ nghèo, tôi quá biết, quá rõ. Mới thổ lộ muốn giải cứu cho em, vợ tôi đay nghiến, nó làm nó chịu, anh lo trả nợ cho em thì ai trả nợ cho anh, nói và đẩy hai cô công chúa tới trước mặt như… đe dọa. Tôi bối rối về thưa mẹ mình bó gối. Lúc đó, mẹ không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt khiến tôi đứt ruột. Hèn hạ, bệ rạc là cái thằng tôi. Đứa con trai độc nhứt, ăn học hết cơm, láng giềng khen hay khen tốt nhưng rồi trong cơn hoạn nạn lại chẳng giúp mẹ được gì.

Ngày trai trẻ, tôi không nổi loạn như con Út nhưng ích kỷ, chỉ nghĩ tới ước mơ mà bỏ quên hiện thực nhọc nhằn của mẹ. Hồi đó tôi mãn 12, mẹ “rón rén” khuyên học sư phạm cho nhẹ nhàng – học phí được miễn. Tôi biết, tôi hiểu nhưng cái khao khát đổi đời trong tôi quá lớn. Tôi quyết vào đại học. Mẹ chỉ còn cách đồng ý, những nếp nhăn giữa hai cặp chân mày của mẹ xuất hiện từ đó. Học xong, tôi được giữ lại trường, lấy vợ thành phố. Ngày cưới, tôi chiều ý nhà vợ danh giá, mượn chủ hôn tướng mạo sang trọng mà để mẹ ngồi chung với khách quê. Đổ lỗi cho tuổi trẻ là ngụy biện, nghĩ lại thật đáng hổ thẹn, cái sĩ diện đáng khinh bỉ. Là người có học mà tôi đã hành xử rất vô đạo với mẹ.

Mẹ bán nhà. Trả nợ và ngóng tin.

  • Nó sống như nữ hoàng lạc thú! Cái ngu của nó còn to hơn quyền lực của Thượng đế. – Chị Hai kết tội em và trách mẹ theo đuôi Út Chi, cứ bỏ dãi cho bọn chủ nợ gô đầu về, một lần ăn đòn sẽ tởn tới già. Mình dạy không được để giang hồ họ dạy!
  • Chuyện đã rồi thì lo giải quyết chứ chì chiết ích chi.

Mẹ nói bằng vẻ bình thản minh mẫn và rầu rĩ. Một con ngựa dày dạn roi vọt hẳn sẽ chẳng điều gì khiến nó sầu thảm tuyệt vọng nữa. Nhưng có can trường tới đâu cũng là một người mẹ – máu chảy ruột mềm. Em tôi dại khờ, nó bộc lộ bất hạnh bằng việc lao vào những thú chơi với trái tim căng đầy thèm muốn. Ngụp mình trong những trận vui bất tận. Lầm lạc lại nghĩ mình thấu suốt trần đời. Cái đầu ngang ngạnh của nó chắc không đời nào hiểu được tâm tư lúc này của mẹ. Héo hon, gầy rạc. Dưới gầm trời này, có lẽ không gì trọn vẹn bằng khổ hạnh.

3.

Rồi một đêm, mẹ chìm trong giấc ngủ và không thức dậy nữa…

Trong ngày buồn nhất đời mình, tôi tái tê quỳ gối tiễn mẹ về miền Cực lạc, và bây giờ, tôi muốn ngợi ca mẹ hơn là khóc lóc sụt sùi.

Đồ đạc của mẹ được sắp lại gọn gàng. Chỉ vài bộ đồ và một ít giấy tờ tùy thân.

Bên góc chiếc rương cũ có mấy cái cuống rốn. Đó là thứ duy nhất mẹ để dành cho mình.
🍁🍁🍁
Nguyễn Thị Bích Nhàn
VuLe Bt (Bài & Ảnh)

NGƯỜI ĐÀN BÀ CÂM

Người đàn bà câm

🍀 Chị bị câm, theo như lời người ta kể thì lúc lên sáu, chị vẫn ríu rít nói cười. Rồi một ngày, trời mưa nặng hạt, sấm chớp giật đùng đùng. Ba chị kịp dắt con bò về chuồng nhưng bò vừa vô đến cổng, một tia chớp sáng rực, ông bị thiên lôi gọi tên. Chị chứng kiến, sợ hãi, mặt cắt không ra giọt máu nhưng không khóc. Rồi từ đó đến nay, chị không một lời.

Trớ trêu thay! Người biết nói rành rõi lại không thích hoặc không thể giao tiếp với người câm. Dù chị có được học ngôn ngữ của người câm bao giờ, cách nói của chị cũng chỉ là bản năng. Rồi xung quanh chị, cái xóm núi nghèo nàn lạc hậu, người ta càng lạ với ngôn ngữ cử chỉ. Khổ nỗi, như bị trời đày, chị lại thích nói. Người ta khó lòng đứng lại trò chuyện với chị dăm phút, cuộc sống gấp gáp, cái ăn cái mặc làm người ta hối hả, tất bật. Chị vẫn không nản, vẫn kiên trì muốn “nói chuyện”, hầu như chị độc thoại, gặp ai chị cũng chỉ chỏ, ra hiệu không ngừng, miệng ứ ư liên tục. Ai nhìn chị cũng thương, những người vô tâm hơn cũng chỉ biết cười thầm. Có người thấy bất nhẫn quá thì cũng nán lại vài giây, giả bộ dùng cử chỉ ngôn ngữ, cũng ứ ư rồi khua chân múa tay. Chị cười vì được chia sẻ.

Người lớn thương cảnh ngộ của chị, dù không rảnh trò chuyện nhưng họ nhìn bằng ánh mắt thông cảm, đôi khi cả thương hại. Trẻ con trong xóm thì nghịch ranh. Chị vô tình trở thành đề tài của những trò nghịch như quỷ của chúng. Mỗi lần thấy chị, chúng chạy ào lại, tay múa lia lịa, rồi mấy đứa đứng sau lưng bụm miệng cười. Nếu cãi nhau, cãi không lại, tức quá thì rủa bạn mình câm như chị cho người khác nhờ.

Đã qua tuổi 25 nhưng chị vẫn một mình. Nói cho cùng, cuộc sống đầy rẫy những cô gái đẹp, có tri thức, ăn nói có duyên, ai lại đi lấy chị, một người đàn bà nhan sắc tầm tầm, lại câm.

Chị không có bạn, sống âm thầm bằng nghề đan lát. Kể cũng lạ, cái tật đi trước cái tài theo sau. Chị có đôi tay tài hoa, chị đan rất khéo và cũng giàu óc sáng tạo. Những món đồ thủ công của chị vừa đẹp vừa lạ, giá lại mềm. Tụi nhỏ hay vô cái cửa hàng mà mẹ chị làm cho để mua đồ tặng bạn bè. Chị cũng kiếm được đồng vào đồng ra.

Mẹ chị già lắm rồi, cũng không thể sống đời với chị mãi được. Rồi một ngày, bà qua đời. Chị lại côi cút, nhìn chị cũng không đoán được đang vui buồn hay hờn giận gì. Khuôn mặt chị, sức biểu cảm là trung dung, khó nắm bắt.

Anh hàng xóm bị bệnh, bệnh triền miên, dai dẳng. Lúc trẻ trai, khi còn sung mãn, anh làm lở núi lở non, chăm lo cho gia đình đầy đủ. Bây giờ tự dưng cơ thể trở chứng, bệnh hoạn hoài. Anh là trụ cột gia đình, giờ lăn đùng ra bệnh, tình cảnh rõ cơ cực. Các con nheo nhóc, chúng cứ như cỏ dại ven rừng, cằn cỗi nhưng vẫn sống. Đã vậy, lúc còn khỏe, anh không cho vợ đụng tay đụng chân, việc đồng áng anh lo tất, vợ chỉ cơm nước, giặt giũ. Bây giờ ra nông nỗi này, cái bệnh, cái nghèo đeo bám. Quả thật “họa vô đơn chí”, mấy hôm nay tự dưng chị vợ vắng nhà, đứa con nhỏ theo mẹ, đứa lớn ngồi cửa ngóng, anh nằm đợi, đợi mãi rồi không thấy vợ về.

Hai cha con, nhà không có đàn bà, rơi vào cảnh bi đát. Anh bệnh tật không ai chăm sóc, cơm cháo, giặt giũ, thuốc thang… Đứa con còn nhỏ, tự lo cho bản thân là giỏi rồi, cơm nước bữa khê bữa khét. Tuy câm nhưng chị rất giàu tình cảm. Chị thấy tội nghiệp, qua lại chăm lo chu đáo – cứ như hai cha con anh với chị là chỗ thân tình. “Giao tiếp” riết, thằng nhỏ bắt đầu hiểu được “ngôn ngữ” của chị. Và chị thích nghi, hòa hợp được với họ, những người biết nói.

Chị vợ bặt vô âm tín cả năm. Có người xa quê tình cờ gặp, nghe phong thanh chị ta đã theo một người đàn ông khá giả, sang trọng và được đổi đời. Anh không buồn, không oán giận, chỉ bảo hết duyên. Từ đó, anh với chị càng thân tình hơn, hai mảnh đời rách rưới đùm bọc, nương tựa lẫn nhau mà sống. Vậy là chị có chồng.

Cuộc sống của đôi vợ chồng êm ấm. Không phải vì chị câm nên không mồm mép, không thể càu nhàu như người vợ trước mà bởi lẽ chị rất ngoan hiền. Chị không nói được nhưng tâm hồn “biết nói”, hiền lành và thương chồng, yêu con. Chị chăm lo tận tâm, anh dần bình phục như có phép màu. Cái tiệm hớt tóc trước cửa nhà khách ra vô đều đặn, thêm mấy sào ruộng đưa người ta thuê, nói chung, không dư giả nhưng đủ rau cháo qua ngày. À, trước đó, khi chính thức về nhà anh, chị hoàn toàn tin tưởng nên không ngần ngại bán đi cửa hàng làm đồ thủ công. Chị bây giờ chỉ làm bà nội trợ. Cũng buồn đôi tay nhưng chị hạnh phúc. Sống đạm bạc nhưng êm đềm, nghèo tiền bạc nhưng tình thương dư giả.

Rồi một ngày, anh lại ngã bệnh. Càng ngày càng tiều tụy, gầy gò đến độ da bọc xương, da dẻ vàng chạch. Chủ quan vì nghĩ bệnh cũ tái phát nên anh cứ lần lựa. Chị lo lắng khi thấy sức khỏe chồng sa sút, muốn khuyên nhủ anh nhưng quả là quá khó. Rồi một ngày, khi bệnh càng trầm kha thì đi viện. Bác sĩ bảo ung thư gan giai đoạn cuối, đã di căn. Và anh đi. Anh bỏ chị một mình.

Anh mất, chị đau đớn, còn gì đau khổ bằng muốn khóc mà không khóc được. Khóc không ra tiếng, cứ nấc lên quằn quại, ruột gan càng đau đớn. Chị lủi thủi ra vào trong ngôi nhà quạnh vắng. Cuộc sống từng ngày trôi qua trong im lặng, trống trơn.

Người vợ năm xưa bỗng dưng xuất hiện. Chị ta ra mồ thắp cho anh nén nhang và về đuổi người đàn bà câm ra khỏi nhà. Bị câm nhưng chị vẫn hiểu khi người ta giao tiếp bằng tay chân. Thấy người vợ trước hung dữ nhặt đồ mình vứt hết ra ngoài đường là chị hiểu, mình không có quyền gì để ở trong ngôi nhà này. Ngôi nhà mà chị là “người dưng” còn người đàn bà đang sục sạo và quăng đồ đạc chị ra đường kia mới là vợ trên giấy tờ.

Chị lặng lẽ ra đi. Theo sự mách bảo của một số người trong thôn, chị theo xe vào thành phố bán vé số, lay lắt qua ngày. Bán vé số là một công việc không bỏ vốn nhưng vẫn có lời, người bán chỉ cần bỏ sức và dẻo mồm mời khách. Oái ăm thay, chị lại không biết nói. Gặp ai chị cũng giơ tập vé số ra, ánh mắt thiết tha. Một số người thấy tội nghiệp mua cho vài tờ, chị mừng húm. Gật đầu cảm tạ lia lịa.

Hôm đó vô quán nhậu, lũ trẻ choai choai tụm năm tụm bảy, đầu xanh, đầu bạch kim, hai lai… Chị giơ tập vé mời, một cậu trong bàn bất ngờ giựt hết cả tập, chạy vù khỏi quán. Chị chạy theo cậu nhỏ, miệng muốn la kêu mọi người chặn đòi tập vé số giúp nhưng không được. Chị kiên trì chạy theo cậu nhỏ một quãng. Bất lực, chị ngồi bệt xuống đường, buồn bã.

Một người đàn ông đứng trước mặt chị. Người này to cao, vạm vỡ, anh không đứng một mình mà tay dắt cậu bé lúc nãy đến xin lỗi chị. Chị vui mừng chụp tập vé số, nụ cười đang nở bỗng tắt ngấm. Chị buồn hiu hắt, đã hết giờ để trả lại vé cho đại lí rồi. Người đàn ông như hiểu được cảnh ngộ của chị, anh ta đưa tiền, mua hết tập vé số, rồi anh ta bỏ ngược lại tập vé số vào chiếc túi của chị và nhanh chân sải bước…

Chị về đại lý, mọi người thấy chị xác xơ nhưng vẻ mặt lộ rõ niềm vui. Mỗi người một dự đoán, chị biết điều thắc mắc đó nhưng tiếc là không thể chia sẻ được câu chuyện buổi chiều cho mọi người.

Và tối đó, chị dù không trúng tờ số nào nhưng nhớ tới cái cách người đàn ông lạ tặng chị xấp vé, chị ngồi cười đỏ mặt …

🍁🍁🍁
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
VuLe Bt (Bài & Ảnh )

Bà nội trông cháu, lấy tiền công của con dâu

Bà nội trông cháu đòi lấy tiền công hợp lý không?

🍀 Mới đi làm được hai tuần sau thời gian nghỉ thai sản, Liên – cô đồng nghiệp cùng phòng gọi điện nhờ tôi tìm chỗ nào nhận trông trẻ mới 6 tháng tuổi. Tôi ngạc nhiên bảo: “Chẳng phải có bà nội giữ rồi hay sao, mà bé còn nhỏ thế ít nơi nhận lắm”.

Như khơi đúng nỗi lòng, Liên trút cả bầu tâm sự: “Em bực mình làm chị à, ai đời bà nội trông cháu mà đòi tiền công, như thế thà em đi gửi trẻ còn hơn”. Tôi nghe qua hiểu ngay Liên lại vướng chuyện mẹ chồng nàng dâu.

Câu chuyện mẹ chồng của Liên sòng phẳng, chẳng phải mình tôi biết mà cả cơ quan đều tường tận nhưng mỗi người một ý. Có người đứng về phía Liên, đả kích mẹ chồng, họ bảo: “Cháu chẳng phải máu mủ ruột rà sao mà phải lấy tiền công như thiên hạ, bà phải có trách nhiệm chứ”.

Nhưng nhiều người cho rằng việc mẹ chồng Liên muốn nhận tiền công không có gì quá đáng mà rất hay nữa. Như thế lại dễ sống, coi như tiền gửi con dùng để biếu bà, mất đi đâu mà tính toán.

Riêng tôi, khi đã tường tận sự việc thì mới hiểu ra chuyện gì cũng có lý do của nó. Trước đây, lúc bố chồng Liên còn sống, ông bà ở dưới quê gần nhà anh trai cả. Một tay bà chăm sóc mấy đứa cháu để anh chị yên tâm làm việc. Liên thấy thế cũng yên tâm đến khi mình sinh con, bà nội chắc chắn sẽ đỡ đần việc trông cháu.

Nhưng khi Liên mới có bầu vài tháng thì bố chồng đột ngột qua đời. Ngày trước, bố chồng từng làm cán bộ nên có lương hưu, cuộc sống của hai ông bà nhờ vào số tiền hàng tháng đó nên con cái không phải lo.

Đến khi ông mất, bà không lương, cháu cũng đến tuổi đi học, bà phải đi phụ nấu ăn đám cưới để lấy tiền trang trải qua ngày. Vợ chồng anh cả làm ruộng, chỉ giúp mẹ được ít thức ăn, vật dùng còn vợ chồng Liên cũng không dư giả gì lại đang ở nhà thuê nên mỗi lần về quê biếu mẹ được vài trăm ngàn là nhiều.

Mà ở quê thì ngày nào chẳng có việc. Nào là giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi… đủ cả, tiệc lớn tiệc nhỏ gì người ta cũng mời. Biết con cái vất vả, mẹ chồng Liên lâu nay gần như tự xoay xở, làm làm thêm việc này việc kia để kiếm tiền ở tuổi gần 70.

Đến khi Liên sinh con, vợ chồng cô đón mẹ ở cùng để nhờ bà chăm sóc cháu. Liên cứ nghĩ đơn giản, mẹ chồng sống chung thì cô đã lo hết chi phí sinh hoạt rồi. Vì thế, khi bà đề nghị mỗi tháng cô đưa thêm cho bà 2 triệu tiền trông cháu thì Liên mới bật ngửa.

Kể ra, mẹ chồng Liên cũng có nỗi khổ khó nói, tiền ăn uống thì con lo nhưng còn khoản tiền chi tiêu cá nhân hay lo việc dưới quê thì bà lấy đâu ra. Nếu không lên phụ con trông cháu, mỗi tháng bà đi làm kiếm được bốn, năm triệu đủ để trang trải mọi việc.

Tôi khuyên Liên nên bình tĩnh, đừng vì lời đề nghị đó mà làm um sùm mọi chuyện lên. Mẹ chồng Liên chẳng phải tính toán thiệt hơn gì mà hoàn cảnh bắt buộc bà phải thế. Việc bà tự đi làm kiếm tiền, không đòi hỏi con chu cấp đã thấy bà không muốn thêm gánh nặng cho con.

Tính ra, có bà trông cháu vẫn yên tâm, chứ con còn nhỏ đem đi gửi trẻ thì như ngồi trên đống lửa. Nhờ bà chăm cháu rồi thì gắng tìm việc làm thêm để tăng thu nhập mà phụ thêm chi phí cho bà. Đợi con cứng cáp, bà muốn về quê đi làm thì gửi trẻ cũng chưa muộn.

Tôi cũng thuyết phục Liên bỏ cái suy nghĩ cổ hủ “chăm cháu là nghĩa vụ của bà” bởi mình sinh con thì phải có trách nhiệm với con, chứ ông bà đã tới tuổi nghỉ ngơi rồi. Nếu ông bà giúp, thì việc gửi tiền công cho bà chăm cháu quá bình thường, chẳng có gì là trái khoáy cả, chẳng qua là chúng ta chưa quen mà thôi.

Thực tế có nhiều cô con dâu lại thèm được rõ ràng chuyện tiền bạc như thế cho bớt cảm giác mang ơn, để bị khắp thảy anh em nhà chồng so bì, kể lể …

🍁🍁🍁
Trúc Hân
VuLe Bt (Bài & Ảnh minh họa)

RANH GIỚI MONG MANH

Ranh giới mong manh

Cô là dân marketing, lanh lắm, lại tươi tắn xinh đẹp nên công việc cũng thuận buồm xuôi gió.

Chồng cô là dân design, đẹp trai, lãng tử, để tóc dài bụi bụi, mặt thanh cằm nhọn lún phún râu. Mấy em nhìn phải nói là mê tít.

Hai đứa có với nhau hai cậu con trai khoẻ mạnh. Hai vợ chồng đều lương cao nên gia đình thường xuyên đi chơi xa khi có dịp.
Nhìn ảnh cô khoe, ai cũng ganh tị cô có một gia đình hạnh phúc.

Rồi một ngày đẹp trời, anh chồng kêu cô ra bàn chuyện nghiêm túc.

Anh nói : Công việc của anh cần nhiều cảm xúc, anh cần bay bổng, anh cần sáng tạo…mà giờ ở bên em anh mất cảm giác rồi, vậy sao anh làm việc được. Thôi thì mình chia tay nhau, anh để lại nhà cửa hết cho em, mỗi tháng chu cấp để em nuôi con, anh xách vali
quần áo ra đi là xong.

Cô ngồi nghe, sửng sốt, chết lặng, nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh và bất cần: Ok, vậy cũng tốt thôi. Lâu lâu ghé qua thăm hai thằng nhỏ là được rồi.

Chả trách dạo này mỗi lần hai người thân mật, anh hay lấy khăn đắp lên bụng cô che đi những vết rạn da do hai lần sinh nở. Chả trách dạo này anh hay ra ban công hút thuốc tận nữa đêm. Chả trách…

Sau đó anh bỏ nhà ra ngoài thuê nhà khác ở với một cô bồ cùng Cty.

Hiện tại đã là cô bồ thứ ba rồi.

Thỉnh thoảng cuối tuần anh sẽ đưa xe đến đón hai con đi chơi xa cùng với cô bồ nào đó mà anh đang ở chung.

Nhiều lúc cô thấy mình như một kẻ dư thừa bị đá khỏi cuộc chơi . Hai đứa con mỗi lần đi chơi về cũng tíu tít kể chuyện về cô bồ nào đó của ba có vẻ rất thân thiết.

Cô đổ gục một thời gian, bỏ cả việc làm, bị trầm cảm, rồi bị béo phì.

Cô hay ra sân nhìn vào khoảng không im lặng. Hoặc có lúc cô giận dữ chẳng vì một lý do gì cả. Cô mất ngủ và phải uống rất nhiều thuốc.

Có một ranh giới rất mong manh giữa bình tĩnh và bất ổn. Nhiều lần bạn vượt ranh rồi quay đầu lại. Nhiều lần như vậy, rồi sẽ có lần bạn sẽ vượt ranh mà không còn quay về được nữa. Người ta nói đó là bệnh tâm thần. Lúc đó bạn sẽ không còn người thân nữa, và không còn ai chịu đựng nổi bạn, họ chỉ muốn tống bạn vào bệnh viện cho rãnh nợ thôi.

Anh thì vẫn vậy, đẹp trai, phong độ, thay tình nhân như thay áo.

Rồi một ngày, trong phút giây tỉnh táo, cô nhìn vào gương và thảng thốt: Ôi chao! Ta đã làm chi đời ta vậy ?

Và cô sực tỉnh khỏi cơn mê.

Cô gửi con cho anh chồng giờ không còn là chồng cô nữa, đóng cửa, xách ba lô khăn gói lên đường. Cô chỉ đi mà không biết đâu là nơi đến. Trái tim cô mách bảo muốn sống sót thì phải ra đi.

Đã từ lâu cô không kết nối với trái tim mình. Trái tim cô như bị ghim chặt giữa những cuộn thép gai bởi đã bị thương tổn quá nhiều. Có một khoảng lặng chết chóc nơi trái tim cô. Và nội tâm cô giống như một vùng đất hoang vắng, đầy tàn tro và xám ngắt. Cô chỉ muốn đóng sầm tất cả mọi người ở bên ngoài. Nhưng kết cuộc là cô đã tự khoá mình ở bên trong, đơn độc và bất lực.

Lần này thì trái tim cô cất tiếng: hãy ra đi, ra đi, ra khỏi chốn giam cầm tăm tối, ngoài kia là trời đất bao la…

Cô ra đi, ngửi thấy hương thơm cây cỏ, ngửi thấy mùi nắng ấm áp, mùi hương mát lạnh của trăng thanh…Và cô cũng tìm thấy một vùng đất để dừng chân.

Cô làm bạn với dòng suối, với cánh rừng, với ngọn núi, với thiên nhiên hùng vĩ… Và Mẹ Thiên nhiên đã nuôi dưỡng cô sống lại một lần nữa.
Cô đã mang một gánh nặng, một vết thương và nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Và khi cô buông thả mình với thiên nhiên ở chốn này, cô cảm thấy cô đang dần tìm thấy chính mình.

Ngày mới đặt chân đến đây, cô đã bị vỡ tan thành hàng triệu mảnh nhỏ. Cô đã sụp đổ.

Người ta nói khi bạn sụp đổ là lúc bạn mạnh mẽ nhất vì bạn đã có những vết nứt. Huyền thoại Leonard Cohen nói rằng đó là khi ánh sáng có thể tràn vào. Và ánh sáng ấy đã tràn vào cô, xua tan bóng đêm, xua tan giá rét. Và trái tim cô dần mềm mại lại. Và cô một lần nữa quay lại với nụ cười.

Ngày nào cô cũng leo núi, lên rừng hái nấm, xuống suối giặt đồ.. cơ thể săn chắc gọn gàng, da thịt hồng hào khoẻ mạnh. Bỏ lại phía sau những muộn phiền đau khổ, trái tim cô một lần nữa nở hoa, gương mặt cô một lần nữa sáng đẹp như hoa.

Rồi cô quay về nhà cũ của mình.

Thăm dò thị trường một thời gian, cô mạnh dạn tự mở xưởng may chăn drap gối bằng nguyên liệu vải cao cấp nhập về từ Hàn quốc. Đã vài năm trôi qua, nhãn hàng của cô cũng được đông đảo người ưa thích, dần có chổ đứng trên thị trường. Công việc đã đi vào quỹ đạo, cô chuyển dần cho nhân viên quản lý nên cũng không còn mất quá nhiều thời gian . Cô quay về mảnh rửng xưa mua mảnh đất làm trang trại, trồng rau nuôi cá. Đa phần thời gian cô cắm rễ chốn này, thỉnh thoảng về Cty xem sổ sách, kiểm tra sản phẩm, rồi lại đi.

Các con cô đã đi du học nước ngoài. Nhà tận dụng làm văn phòng Cty, chỉ chừa một phòng nhỏ trên lầu để mỗi khi cô về có chổ nghỉ ngơi.

Nhiều lần anh ghé thăm cô, xin ở lại ăn cơm, xin uống bia, rồi xin ngủ lại. Cô từ chối, cô nói bây giờ mình chỉ đơn thuần là những người bạn mà thôi. Vậy đi cho lòng an yên.

Thật là điên rồ khi để bị sa ngã bởi một thứ gì đó. Thứ mà ngày hôm nay làm nhưng rồi ngày mai lại khiến mình trông như kẻ ngốc trước chính mình.

Anh nói : em đã khác xưa, em không còn yêu anh nữa.

Có những con người sống vô cùng ích kỷ, không phải nói là độc ác. Họ gây ra nổi đau cho người khác, rồi dửng dưng nhìn người ta vật vã, luôn nuôi ảo tưởng rằng mình mãi mãi là một vị thần, khi họ cần, họ gọi thì người ta chờ ở đó sẵn sàng và cun cút tới mà phục vụ.

Tất cả những gì chúng ta gọi là cuộc sống chỉ là bề mặt của những rung động. Ai đã từng nếm trải vị ngọt của sự tĩnh lặng sẽ biết được cái gì là chân thật và cái gì chỉ là ảo ảnh.

Những ảo ảnh về anh cô đã bỏ qua cùng với tình yêu ngỡ đã dìm cô mãi mãi vào vực sâu không có ngày quay lại. Giờ này đây anh lại nhắc nhớ cô, về cái tình mong manh hư vô đó, về cái tâm phù phiếm dễ đổi thay đó, về đoạn đường đầy hố sâu vực thẳm mà cô đã một mình ngoi ngóp vượt qua đó.

Cô nói: Anh cứ như vậy thì tình bạn của em với anh cũng không còn.

Và anh ta mang vẻ mặt đau khổ như bị tình phụ. Cô chỉ cảm thấy tội nghiệp anh ta, sao lại trở thành nô lệ cho cảm xúc cả đời như vậy chứ.

Từ dạo anh hay qua thăm quấy rối, cô cũng thưa về nhà. Cô ở luôn trên trang trại.

Cả năm nay bị hạn hán, phần lớn cây cối đã bị chết. Tuần trước đây đã có những cơn mưa đầu tiên. Và cô nhận ra, ở một kẽ nứt, những chiếc lá xanh bắt đầu xuất hiện. Khả năng hồi phục của những loài thực vật này đã dạy cô biết rằng nội lực trong bạn có thể sẽ không bao giờ thực sự mất đi. Nó chỉ nằm yên đó, chờ sự tỉnh thức lên tiếng gọi và vươn mình nở rộ.

Khi bị con người hay cuộc đời làm đau đớn, người ta sẽ có hai con đường lựa chọn. Một là tiếp tục giam mình trong đau đớn đó, dễ bị tổn thương hoặc đi tổn thương người khác. Hai là học được bài học nào đó, tự chữa lành rồi bước đi tiếp và khôn ngoan hơn.

Thời Đệ nhị thế chiến, ở đất Do thái, có một gia đình, đang đêm bị quân Đức lùa vào trại tập trung. Cậu em mới năm tuổi, mếu máo khóc và quên mang giày. Trên xe lửa, cô chị xót ruột tát vào đầu và mắng cậu tới tấp, em thật là ngu ngốc, chúng ta đã có quá nhiều rắc rối rồi, vậy mà em còn quên mang giày. Thời đó, vào mùa đông, không mang giày đi trên đường đồng nghĩa với cắt bỏ đôi chân. Cả gia đình sau đó bị chia cắt mỗi người mỗi ngả. Sau chiến tranh, cô chị còn sống, tìm các thành viên trong gia đình, nhưng họ đã hoàn toàn mất tích không một dấu vết. Cô nhớ cậu em trai bé bỏng của mình, nhớ đến những lời sau cùng cô đã nói với em trai mình. Lòng cô đau như dao cắt. Kể từ giây phút đó cô nguyện với lòng, những gì cô nói ra sẽ chỉ là những lời tốt đẹp, như những lời sau cùng cho lần gặp gỡ sau cùng, với bất kỳ ai. Cô đã chọn lựa sống khôn ngoan hơn.

Trên vùng cao nguyên này tiện nghi thiếu thốn, có trường nhưng không có giáo viên. Dạo trước cũng có một vài người đến ở nhưng chẳng trụ được bao lâu. Cô xin phép chính quyền địa phương tu bổ lại ngôi trường cũ, rồi gom lũ trẻ xung quanh làng về trường và mở lớp.

Nếu bây giờ có phải ước mơ một điều cho nhân loại thì cô ước tất cả mọi người có thể mở rộng trái tim mình. Mở ra, như một bông hoa.

Trái tim của ta hãy mở ra như một bông hoa, và hãy thơm ngát như một bông hoa.

Nếu bông hoa ấy có gai, thì ta hãy nhổ bỏ cái gai chết tiệt ấy đi!

Nhừng gì không cần thiết và không hữu dụng, hãy bỏ hết đi, ta chỉ cần mang bên mình những gì hữu ích.

“Cô giáo vô rừng hái nấm à?”
Cô ngẩng đầu lên cười xinh đẹp: Dạ.

Anh là thầy thuốc ở làng đã mấy mươi năm. Vườn thuốc của anh trồng sát rừng, mỗi lần đi ngang đây hương thơm lãng đãng dịu nhẹ. Anh mời cô vào uống tách trà.

Nghề của anh là cha truyền con nối. Cha anh cao tuổi mất đã vài năm. Cô hỏi sao anh lớn tuỏi vầy mà không lấy vợ. Anh nói chưa gặp được người vừa ý, chờ hoài gần hết đời mới gặp.

Hai người nói chuyện về những đứa học trò trong lớp học nghèo, về những người già yếu không con cái, nói về cây thuốc quý mới bứng được trong rừng về, nói về những chồi non mới mọc lên từ những kẽ đá trên vách núi, nói về buổi tối hôm qua trăng sáng đẹp quá chừng…

Anh đưa tay nhặt cánh hoa rơi trên tóc cô, hương hoa cùng với hương thơm cây thuốc trên tay áo anh phảng phất trong gió.

Buổi sáng an lành…

Saigon 03/04/2022

yenkim

Dứt khoát là em không lấy anh, kể cả trên đời này em ế nó mốc lên!

Anh này là người Việt sinh sống ở California (San Jose), người gốc Đà Nẵng, hồi đó sau khi ‘giải phóng’, cuộc sống sung túc quá, chịu không nổi nên “ôm phản lao ra biển” theo người ta, cuối cùng được qua Mỹ.

Hồi đầu những năm 2000 anh ấy về VN tìm vợ, cũng tán tỉnh nhiều cô lắm nhưng mà cái tính bủn xỉn, keo kiệt nên họ chạy hết (cái này hồi sau mới rõ).

Tới lượt mình, mặc dù được cảnh báo trước nhưng cũng không nghĩ tới mức như vậy, một phần thấy anh này cũng yêu mình nên cũng xúc động, cái gì chứ cứ ai yêu mình nhiều là xúc động ngay.

Lúc đó mình cũng hơn 30 rồi, mẹ giục dữ lắm “học cho lắm vào, lo mà lấy chồng đi”.

Anh này cũng không còn trẻ nữa nên thấy mình ưng là vội vàng dẫn về nhà, cha mẹ mất hết rồi chỉ còn các chị thôi.

Ra Đà Nẵng, ông ấy hỏi “em thích ăn cua không, mình đi chợ mua cua”.

Ừ thì đi. Lúc ra chợ. Cái chợ gì ở quận Cẩm Lệ ấy họ bán hàng rất trật tự. Họ ngồi một hàng từ đầu chợ tới cuối chợ.

Đầu chợ là những cái gì ngon và mắc tiền, cuối chợ là giá giảm dần.

Nhìn thấy con cua to lắm, mình nói “anh ơi, mua con này này” (chắc khoảng 1 kg/con).

Không, em, lại đây nè.

Mình qua hàng kế tiếp, cua nhỏ hơn, khoảng 800 gram 1 con.

Anh ơi, mua con này đi.

Không, xuống dứoi này đi em, ông ấy đi trước còn mình thì đi sau.

Mình lại vào hàng 1kg khoảng 2 con, “anh ơi, mua mấy con này đi”.

Không, em, xuống đây nè.

Lúc này mình thấy câu sấm truyền của bà chị ứng nghiệm rồi “thằng B nó hà tiện lắm đó em, mấy cô trước không ai chịu nổi”. MÌnh dừng lại, câm mồm, không nói gì nữa, cứ lẽo đẽo theo sau xuống mãi tận cuối chợ có hàng không phải cua mà là … ghẹ, con ghẹ bé tý mà chết ngắc rồi. Ổng ôm xô hết cả rổ đếm đươc 24 con. Ổng nói “ăn cái này nè em, 1 rổ này có mà ăn đã luôn”.

Về, lúc đó khoảng 7-8 giờ tối, mình chán lắm rồi, muốn bỏ về nhưng mà trong đầu lý trí bảo rằng không bỏ được, ít gì thì phải dắt về quê cho mẹ yên tâm cái đã rồi mình tính sau.

Ổng luộc 1 rổ ghẹ lên thấy toàn tay chân, không thấy thân mình con ghẹ đâu. Ổng giục mình “ăn đi em, ăn đi, ăn đi cho nóng”

Không, em không ăn. Muốn ăn thì ăn cho đàng hoàng, ăn cái kiểu năm Ất Dậu là em không ăn. Xong, ổng với mấy đứa cháu ngồi ăn. Ra tới bờ biển mà đi ăn ghẹ chết thì có mà điên. Tại sao phải ăn? “Mặc dù lương em thấp nhưng em ăn là đàng hoàng chứ kiểu 1 quả trứng luộc cắt đôi làm 2 bữa là em không ăn”.

Đáng lẽ mình không bực nhưng mà ông ấy khoe khoang quá. Lúc nào cũng nói là buôn bất động sản nhiều tiền, mới về hồi sáng, trưa dắt mình đi ngân hàng rút nửa tải tiền về quăng ở góc nhà. (chắc để thử lòng mình).

Tối dắt mình đi mua giày với mua cái “ăn đờ goe”, mình mua 2 đôi giày và tất nhiên là mình tự trả tiền. Về nhà khoe với bà em dâu liền “anh mới dắt cổ đi chợ nè, mua được 2 đôi giày, đẹp không, đẹp không?”

Đẹp cái đầu ông ấy, nói vậy người ta lại tưởng tôi lợi dụng ông.

Xong, đi mua cái “ăn đờ goe” thì ông ấy bảo “em mua cái ít tiền thôi, mặc ở trong ai mà thấy?”

Lúc này nóng máu rồi, cái thứ đàn ông gì mà miệng như đít vịt, nói nhiều mồm không kịp mọc da non.

Mình bảo “anh có im cái miệng đi không, em mua, em mặc, tiền của em, em muốn mua cái gì là quyền của em, mắc gì anh góp ý này nọ?”

Tại vì hồi đó mình làm kinh lắm, 80 giờ 1 tuần nên không có thời gian đi đâu cả, cho nên mới tranh thủ đi mua đồ lúc ra đó chơi.

Sau này còn dài nữa mà thôi, lúc khác kể.

Đại khái dẫn về nhà xong mẹ nói “mày định lấy thằng này hả, mẹ không thấy được, đàn ông đàn ang gì mà cái miệng y như đít vịt”

Dạ, không, con đâu có định lấy, tại mẹ giục quá nên con đưa đại về. Mẹ không thích thì thôi nhé, từ bây giờ kệ con, lúc này con muốn lấy thì con lấy, mẹ mà giục nữa con lại đưa thêm một cái đít vịt nữa về ra mắt đó”.

Xong, xuống Hà Nội. Ổng mua cho mình cái vé tàu nằm giường tầng 3 sát mái.

Ối cha mẹ ơi, nó nóng thấy mẹ luôn. Có hai mẹ con chị kia ở tầng 2 và tầng 1, chị con gái nói “em cá với chị, nếu vào SG mà chị không bỏ ông này em đi đầu xuống đất”.

Sau đó mình vào SG một mình còn ổng đi Mỹ luôn.

Mình email nói thôi là hết em đi đường em, kỷ niệm chúng mình chỉ có bấy nhiêu thôi.

Ổng xin lỗi, thôi anh biết rồi, em không lấy anh thì em lấy ai?

Không, dứt khoát là em không lấy anh, kể cả trên đời này em ế nó mốc lên y như nấm mốc ấy thì em cũng không lấy anh, để nhện nó giăng tơ chơi vậy đó.

Bây giờ anh cho em biết, làm sao để em thanh toán lại cho anh 2 cái vé tàu, số tiền mà anh đã bỏ ra để mua vé cho em. Các bữa mình đi ăn ở biển ấy, anh cưa đôi sòng phẳng đi, mặc dù em không uống bia rượu gì nhưng anh cứ cưa đôi đi cho dễ.

Ổng không dám cưa và cuối cùng là coi như mình còn nợ ông ấy 2 cái vé tàu giá của 20 năm về trước.

Còn dài nữa mà tóm tắt vậy thôi. Kể nữa xấu mặt đàn ông rồi nhiều người lại tự ái, hehe.

Tác giả: Lê Nhàn

Điên thọai viên

Tôi là một tổng đài viên khá lâu rồi, không rõ các bạn nghĩ về nghề nghiệp này như thế nào nhưng riêng tôi rất thích nghề này. Vì sao? Cái nghề toàn nghe khách mắng mỏ, còn đối mặt với căn bệnh nghề nghiệp là giãn thanh quản và viêm màng tai, còn chưa tính đến gặp khách quấy rối.

Nhưng bên cạnh đó tôi vui vì luôn làm khách hài lòng, nhất là sau khi giải đáp được thắc mắc của họ tôi thấy rất tự hào rất vui.
Tôi gặp 1 khách hàng đã lớn tuổi gọi đến bác bảo tôi :”Cháu xem giùm điện thọai bác có hỏng không sao bác không nhận được cuộc gọi?”. Tôi vẫn hỗ trợ bác như công việc hàng ngày, điên thọai bác vẫn hoạt động rất tốt. Sau đó, bác nói 1 câu mà tôi luôn nhớ trong lòng :”Điện thọai không hỏng vậy sao bác không nhận được điên thọai con trai gọi về đã nửa năm rồi cháu? “. Thú thật ngay lúc nghe câu đó tôi đã khóc, nhưng vẫn phải cố giữ giọng bình thường để an ủi bác. Sau khi ngắt máy tôi vội chạy khỏi vị trí núp vào góc vừa khóc vừa gọi bố tôi, tôi xa nhà đã 3 năm rồi.

Hôm trước, lại có chị gái nghe giọng hơi đứng tuổi hỏi tôi sao số điện thọai chị lúc nào cũng không có tiền? Tôi thấy chị đã đăng ký rất nhiều dịch vụ khác nhau nên đã nói cho chị nghe. Chị khóc nói :”em ơi, chị đi làm hồ nạp tiền gọi chồng đi xuất khẩu lao động, mà trừ thế này làm chị không biết chồng chị bên đó sống chết làm sao. Em giúp chị hủy đi em”. Thế là tôi lại thắt lòng lần nữa.

Đó là khách hàng bình thường. Còn đa phần tôi nhận cuộc gọi hơn 60% chửi mắng khó nghe hoặc giận cá chém thớt.

Mới vừa qua có anh nghe giọgn chắc trẻ anh gọi đến nhờ tôi cắt mấy tin nhắn lung tung, thú thật 1 ngày làm rất mệt mà anh ấy cứ chửi bới nói chúng tôi lừa đảo các thứ, tôi hỏi xin thông tin thì anh ấy không nói rõ cứ nói mình bị lừa rút tiền. Tôi quá nóng nên lỡ lời nói anh ta nói sai, chỉ vậy thôi mà anh ta làm ầm lên rằng tôi dám nói anh ta sai, ngay sau đó tôi liên tục xin lỗi anh ta lại càng nói khó nghe hơn. Trong khi anh chủ cần bình tĩnh lại nói anh ta muốn gì, nhưng không. Cuối cùng tôi phải chịu cái lỗi là dám nói khách sai trừ mất 1 ngày lương.

Đây chủ là vài chuyện trong cả ngàn vạn câu chuyện khi tôi làm việc. Có những bạn vô cùng rãnh rỗi gọi đến cho chúng tôi trong khi không hề cần đến chúng tôi hỗ trợ. Chỉ đơn giản vì vui và làm cản trở công việc của người khác.

Vui có buồn có, đau lòng có nhưng trên hết tôi rất tôn trọng nghề nghiệp tôi đang làm. 1 ngày lương này giúp tôi nhớ được vị trí của mình là gì. Tôi không nói ra để mọi người đồng tình hay gì nhưng chỉ mong mọi người hay tôn trọng người điện thọai viên đang hỗ trợ mọi người. Các bạn hỏi chúng tôi trả lời và giải quyết nhưng nếu các bạn không để chúng tôi hiểu thì vấn đề của bạn ai sẽ giải quyết?

Co_De_Quen

CẠO GIÓ 

Hồi mẹ còn sống, mỗi khi trái gió trở trời là người mẹ lại đau nhức. Mỗi lần vậy là hắn hay bị dựng dậy nữa đêm để cạo gió cho mẹ. Trong cơn ngáp ngủ hắn vẫn thường cằn nhằn và hổng hiểu tại sao việc trời chuyển mưa thì nó lại liên quan gì tới cơ thể của mẹ. Giờ hắn cũng vậy, cứ mỗi khi trời chuyển mưa là cái cổ hắn lại đau nhức, cứ mỗi khi trời chuyển mưa là hắn lại nhớ về những kỷ niệm với mẹ nhiều hơn.

cao-gio
Góc chợ làm hắn nhớ đến mẹ khi cạo gió

Hắn nhớ những ngày mưa tầm tã, hắn với mẹ cũng cố hết sức đẩy cái xe chất đầy nhưng bó rau lang xuống cái chợ quê rồi đứng bán trong cái lạnh tê buốt. Bữa nào mưa lớn quá không đi bán được thì cả nhà lại ba buổi ăn món đọt rau lang luộc chấm với nồi mắm ruốc kho lỏng bỏng vậy mà lúc nào cũng cảm thấy nồi cơm của mẹ thật ít. Nhưng cơn mưa của núi rừng nó kéo dài tới mấy ngày lận, bọn trẻ như hắn thì lúc nào cũng thích mưa, bởi lúc mưa thì hắn có không phải đi làm rẫy, hắn có thể đi cắm câu, đi bắt nhái bắt ếch, những hôm mưa dầm kết hợp với cái lạnh thì sáng hắn bật dậy thật sớm để đi tìm nấm mối…nhưng càng lớn lên hắn càng nhận ra nỗi lo của mẹ, của ba càng lớn hơn khi cơn mưa càng nặng hạt. Cái ngày mà hạt muối còn phải đi mượn hàng xóm thì mỗi khi những cơn đau nhứt, cảm cúm hành hạ cơ thể thì chỉ có cạo gió. Có những đêm mưa gió bão bùng, cơn đau lại ập đến mà đến một xíu dầu lửa để cạo gió cũng không còn. Tiếng mưa, tiếng gió, tiếng thở dài của mẹ cứ như vẫn vọng tới bây giờ.

Giờ đây, mỗi khi có dịp về thăm nhà, hắn lại vào nằm lên chiếc giường nơi mẹ hắn bao năm đã nằm. Nơi đó hắn đã từng rút đầu vào lòng mẹ để cho mẹ “mò chí”, để nghe những câu vè mẹ vẫn hay đọc cho hắn nghe, những câu chuyện về làng quê của mẹ nơi mà hắn vẫn muốn một lần cùng mẹ về thăm mà chưa làm được, và nơi đó hắn đã phải nhìn mẹ hắn chịu đựng nỗi đau mà căng bệnh quái ác hành hạ mẹ mà hắn không thể cạo gió, không thể làm gì để chia sẽ nỗi đau của mẹ. Nơi đó, trong vòng tay của gia đình, mẹ hắn đã ra đi vĩnh viễn.

Nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai, hắn biết thế. Nhưng mỗi khi trời mưa, hắn lại ước mình được cạo gió cho mẹ một lần nữa !

Nguyễn Phúc Hưng

Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!

Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến.

Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi của tôi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 đối với một nửa kia chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.

Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối.

Bởi ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, ông chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.

Ảnh minh hoạ bố dượng nấu ăn rất ngon
Ảnh minh hoạ bố dượng nấu ăn rất ngon

Thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng, mẹ đã có thiện cảm với ông ấy bởi tài nghệ nấu nướng của ông.

Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: “Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!”.

Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, bà đã ở lại. Ông không để bà động tay đến, thoáng chốc đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.

Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: “Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào”.

Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp thêm vài người lão niên khác nữa, tuy điều kiện của mọi người mẹ gặp đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.

Lí do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần được người ta chăm sóc lại.

Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau…

Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau.

Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, bên ngoài thì là bày tỏ sự tôn trọng đối với ông, thật ra là thông qua đó tôi thể hiện đẳng cấp của mình.

Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: “Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền”.

Chính tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô sỉ chẳng còn gì để nói nữa.

Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc.

Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: “Lần sau khi chú Phúc làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút”.

Tôi thấy sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.

Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: “Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Nấu ăn, sợ nhất là món ăn mình làm ra không có người ăn”.

Hôm chúng tôi ra về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: “Đừng có khen cơm bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được”.

Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: “Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu”.

Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà.

Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ đã đến giúp tôi cúng đất đai gia trạch cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục một cách cẩn thận, kỹ càng, đâu vào đấy. Nhưng, đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng ở trong tình trạng khóa máy.

Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để mang về nhà ăn.

Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng: “Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết”.

Mẹ nói: “Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?”.

Ông ấy an ủi mẹ tôi rằng: “Em tuyệt đối đừng thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Tân (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó”.

Lời của ông khiến mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, cảm giác trong lòng tôi lúc ấy rất phức tạp, đồng thời cũng cảm thấy rất xấu hổ. Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn.

Ông ấy âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi: thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.

Chỉ là không ngờ có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn rất nghiêm trọng. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ thì đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.

Tôi và con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây.

Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông lúc nào cũng mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.

Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền tiêu đi như nước; ông khóc.

Một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới từ cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.

Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông. Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không ló mặt đến một lần. Mỗi lần gọi điện thoại, anh ta đều nói rằng mình đang đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.

Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng đề xuất với tôi rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ chưa đăng ký, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả.

Mẹ nói với tôi rằng: “Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể mang một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được”. Đây chính là hiện thực tàn nhẫn.

Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này.

Tôi nói với ông, vẫn đang nằm trên giường bệnh rằng: “Chú Phúc, mẹ con bệnh rồi”. Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa. Tôi gắng sức nói tiếp những lời tàn nhẫn: “Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi”.

Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp: “Chú Phúc, chúng con còn phải đi làm, mẹ con sức khỏe lại không tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một bảo mẫu cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú”.

Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích: “Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần mời bảo mẫu, thật sự không cần…”.

Tôi bước ra khuôn viên của bệnh viện mà chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời.

Tôi thuê một bảo mẫu cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không đến đón, mà bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.

Tài xế sau khi trở về đã nói với tôi rằng: “Chú Phúc nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy”.

Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không duy trì được bao lâu.

Ngày Tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi cảm thấy có chút buồn tẻ, không còn một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.

Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày Tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói: “Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm”.

Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng nói nữa, nhưng con lại càng dữ dội hơn: “Tại sao mọi người không để ông nội về nhà đón Tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!”.

Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó như là đang đánh vào mặt tôi vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.

Tôi nhìn qua kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Đó là ngày 30 Tết buồn biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, được xây dựng trong sự lặng lẽ của một người.

Không biết giờ này, chú Phúc đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà cảm thấy tủi thân?

Sau khi đón giao thừa xong, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Phúc. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng thì nở nụ cười, nhưng mắt lại đẫm lệ.

Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng cho anh ta một trận, bắt đầu đồ xôi và kho nồi thịt kho cho ông.

Bảo mẫu đã về nhà đón Tết, trong tủ lạnh đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ.

Những nắm xôi nóng hổi cuối cùng đã giúp nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày Tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng, nước mắt lại rơi lã chã.

Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi uống rượu. Tôi đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy thê lương.

Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến: “Anh ở đâu vậy hả?”.

Tôi phát hỏa: “Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả? Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm chúng ta phải chăng đã bị chó tha mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!”.

Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi: “Con làm vậy là sao?”.

Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng: “Về nhà”.

Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món mỳ bò, muốn làm thẻ siêu nhân.

Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi: “Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?”.

Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy: “Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy.

Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi”.

Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: “Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy”.

Tôi nói: “Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?”.

Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: “Bố ơi, đừng có gửi ông nội về nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!”.

Tôi ôm con trai vào lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ấn tượng bất hiếu trong lòng của con.

“Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!”.

Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó…

ANH TÀI XẾ GRAB BIKE HÀO PHÓNG NHẤT SÀI GÒN

Đã định không kể chuyện anh Thành nhưng cả mấy ngày nay newfeed toàn thấy chuyện buồn Thủ Thiêm nên mình lại kể chuyện này để thấy đời vẫn đẹp rực rỡ vì còn có nhiều người quá chừng dễ thương.

Câu chuyện cảm động của người chạy Grab Bike
Câu chuyện cảm động của người chạy Grab Bike

Anh Thành là người gốc Nhà Bè. Ba mẹ chia cho mảnh đất, anh làm nghề xây dựng nên tích cóp cất được cái nhà nhỏ rồi cưới vợ rồi có hai cậu con trai. Chị làm y tá ngoài trạm y tế xã. Cuộc sống gia đình ven đô cũng được coi là ổn định cho tới ngày anh bị ngã giàn giáo. Anh bị gãy tay không làm được việc nặng nữa nên chị bảo anh ở nhà lo đưa rước mấy đứa nhỏ. Chị tính về bên ngoại xin mảnh đất cất mấy căn nhà trọ cho thuê. Anh bảo là đàn ông mà ở nhà vợ nuôi coi không đặng. Mình cưới con gái người ta về không báo đáp cha mẹ vợ được thì thôi chớ mặt mũi nào để vợ về xin đất bên ngoại.

Thế là anh chạy xe ôm. Anh chạy từ sáng sớm đến giờ đón con thì về nhà rước hai ông nhỏ rồi lo phụ vợ chuyện cơm nước. Anh siêng chạy và cũng không cà phê, thuốc lá gì nên cũng có tiền đưa vợ mỗi ngày lo cho cả nhà.

Rồi anh gia nhập Uber. Uber khai tử anh bị cưỡng ép thành Grabiker. Anh kể Grab cho phép tài xế thấy điểm đến của khách nên nhiều tài chế gần, chê xa, chê không tiện đường sẽ không nhận khách. Anh thì chẳng chê khách bao giờ. Cứ có khách là xa gần gì anh chạy tuốt.

Bữa đó trời mưa sầm sập, khách book xe ra tận bến Miền Tây. Cuốc xe có 86 ngàn mà khách chỉ còn 80 ngàn để trả anh. Anh quay đầu xe được 1 đoạn thì khách gọi anh để nói cổ đánh rớt tờ 500 ngàn. – (Mình nghe đến đoạn này bụng bảo dạ, hóa ra cổ có tiền mà còn xù 6 ngàn tiền xe). – Mà anh Thành không nghĩ giống mình. Anh nghĩ có 6 ngàn mà cổ còn phải thiếu thì 500 ngàn với người ta phải quan trọng lắm. Thế là anh quay đầu xe tìm tờ 500 ngàn trong mưa. Mà tìm được mới hay chứ. Anh bảo hôm đó hên trời mưa nên tờ tiền dính mưa nằm chèm bẹp trên đường. Lượm được tờ tiền anh mừng húm báo lại cho khách thì khách bảo xe đã chuyển bánh rồi nên nhờ anh giữ giùm. Mấy bữa nữa ở quê lên cổ sẽ nhờ anh đi đón và nhận lại tiền.

Mấy bữa sau cô gọi anh ra bến xe đón. Bữa nay không mưa. Anh đưa cô về phòng trọ bên quận 8. Phòng trọ bé xíu có bà già và thằng bé cỡ 3 tuổi. Cái thằng bé dặt dẹo tới nỗi ảnh phải dừng đầu hẻm mua mấy hộp sữa vòng rồi vòng lại dúi cho mẹ nó rồi mới yên tâm quay về.

Rồi cổ thành khách quen. Anh hay đưa cô tới khám ở bệnh viện Hùng Vương. Có lần từ viện về cổ khóc như mưa. Hóa ra bác sĩ bảo khối u trong tử cung của cô không trì hoãn được nữa phải phẫu thuật nếu không sẽ có nguy cơ chuyển sang ác tính bất kỳ lúc nào. Tiện lúc có nước mắt cổ mới kể hôm anh chở cô lần đầu tiên là cô đi xuống miền Tây về nhà nội thằng nhỏ ốm nhom đó. Cô xin ông bà nội nhận thằng nhỏ về nuôi vì cô bệnh quá không nuôi nổi cả mẹ già và thằng nhỏ nữa. Mà người ta vẫn làm ngơ y như hồi cô bụng mang dạ chửa 3 năm trước.

Anh Thành an ủi, bác sĩ nói còn mổ kịp thì lo mổ đi chứ khóc lóc nỗi gì.

Bác sĩ nói tiền mổ không bảo hiểm, tiền thuốc men, viện phí cũng phải mất hơn 40 triệu. Cô đi làm công nhân khu chế xuất tằn tiện lắm mới đủ tiền trả tiền trọ và nuôi một mẹ già, 1 con dại thì lấy đâu ra ngần ấy tiền. Mấy chị em trong cùng dây chuyền sản xuất mỗi người cho mượn 1 chút cũng chỉ được hơn chục triệu chẳng thấm vào đâu.

Chở cô về phòng trọ rồi anh cứ nghĩ vẩn vơ. Cô mà chết thì đâu phải 1 mạng người. Mẹ già và con dại cũng chỉ có đường chết mà thôi.

Hôm sau cô không gọi xe nhưng anh đến nhà đưa cho cô 30 triệu. Anh chở cô vào nhập viện. Anh đóng tiền viện phí cho cô. Cô nhắn tin cám ơn anh và hỏi anh muốn gì cổ cũng đền đáp. Ngày cô xuất viện anh đến đón cô về nhà rồi anh chặn số máy của cô luôn.

30 triệu anh đi vay đóng lãi 3 triệu / tháng. Anh bảo cổ đẹp gái, khỏe mạnh rồi may mắn sẽ tìm được người đàn ông tử tế yêu thương, chăm sóc cho mấy mẹ con. Anh giúp cổ vì không đành lòng nhìn cả ba mạng người có thể mất đi chỉ vì thiếu 30 triệu viện phí. Anh không muốn cô hiểu lầm rằng anh giúp cô vì ý gì khác. Anh có vợ con rồi. Anh cũng chẳng thể giúp gì cô thêm được nữa.

Anh nói cổ lấy số máy lạ gọi anh mấy lần nhưng anh nghe giọng cô thì chỉ lặng lẽ tắt máy.

Từ lúc có khoản nợ 30 triệu. Anh Thành chạy xe thêm cả buổi tối. Tiền chạy xe ban ngày anh vẫn đưa đủ cho vợ. Tiền chạy xe buổi tối anh để dành đóng tiền lãi. Còn gốc thì chả biết mấy mùa mưa nữa mới trả xong.

Anh dừng xe ở Takashimaya. Anh bảo tiền tôi đã thanh toán qua thẻ rồi chỉ cần trả nón bảo hiểm là đi được. Tôi dúi vào tay anh ít tiền, bảo rằng tôi phụ anh chút tiền trả tiền lời tháng này. Mặt anh lúc ấy khó diễn tả lắm. Anh từ chối không nhận với 1 lý do chớt quớt: “Tôi có biết anh là ai đâu mà đưa tiền. Anh kể chuyện chỉ để tôi biết rằng ai cũng có thể làm điều tử tế thôi chứ không phải để xin tiền.”

Tôi phải thuyết phục anh rằng anh dám vay nợ để giúp người dưng mà, tôi chỉ có chút ít phụ anh. Anh nhận cho tôi thì tôi coi như cũng được làm điều tử tế.

Tôi bước đi thật nhanh để khỏi mất công anh từ chối thêm.

Tôi kể chuyện với 1 người bạn. Bạn tôi cười cười bảo tôi dễ bị lừa thật.

Rồi buổi trưa hôm ấy anh gọi điện thoại cho tôi. Anh bảo hồi sáng anh đứng khóc ở ngã tư. Anh hỏi khi nào tôi về nhà để anh mang tiền vào trả tôi chứ anh không nhận tiền của tôi được.

Tôi từ chối nhận lại tiền thì anh lại nhắn tin để anh chở tôi đi để trừ vào khoản tiền tôi đưa cho anh.

Hóa ra người tử tế vẫn chưa bị tuyệt chủng, đời vẫn còn tươi đẹp lắm phải không?

Thật ra mỗi chúng ta, ai cũng có thể là anh Thành của một ai đó theo cách của riêng mình.

câu chuyện trên, bạn tin cũng được, không tin cũng không sao. nhưng tôi thì tin. cứ tin đi để thấy cuộc đời sau bao sóng gió, thăng trầm, lừa lọc lẫn nhau… thì vẫn còn những người tốt. và bản thân chúng ta, hãy cứ sống tốt theo cách của mình.

“nhân chi sơ tính bổn thiện mà”, có phải không!

#tinvaodieutotdep

© from Tracy Vu

– Nhỏ to tâm sự chuyện tình cảm tình yêu hôn nhân gia đình và cuộc sống