Category Archives: Tâm sự gia đình

Mùa đi vớt lúa

Nghe đài báo mấy hôm mưa lớn, mẹ lại gọi điện vào cho biết: “Bựa ni mưa to quá, lúa lại bị ngập hết rồi con ạ” khiến Ân trào nước mắt.

Lớn rồi đi làm ở xa, mùa mưa này không còn ai cùng mẹ và các em đi vớt lúa như công việc mà bao năm qua Ân vẫn làm. Sinh ra ở vùng đất miền Trung đầy nắng, gió, bão bùng, tuổi thơ anh gắn liền với những lần chạy nước lũ. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa tháng 7, tháng 8 là nước lại ngập vào làng, những nhà cao thì nước chỉ qua đầu hè, còn nhà thấp nước tràn vào có khi ngập gần hết giường. Ngày còn nhỏ, mỗi mùa nước ngập bố mẹ phải cõng hai anh em sang trú tạm ở nhà bác Tư đầu làng rồi mới gọi nhau ra đồng xem lúa.
Vớt lúa mùa lũ
Vớt lúa mùa lũ

Tháng 4, nước về bởi những cơn mưa to bất chợt đầu hạ không đủ sức làm ngập vào nhà nhưng “quật đổ” hết cả ruộng lúa. Năm nào vào thời điểm này, sau cơn mưa là cả làng lại í ới gọi nhau đi vớt lúa bởi tất cả đều bị đổ rạp. Hai anh Ân ban đầu còn sợ sệt nhưng sau dần theo chân người lớn đi làm cũng thành quen, có khi còn tỏ ra thích thú bởi là dịp để lũ trẻ con trong làng đùa nghịch bì bõm trong nước. Người lớn lội đến gần ước hết cạp quần, dắt bên hông bó rơm to được cắt gọn kĩ càng rồi lần từng đọn lúa buộc dựng lên. Với những ruộng lúa đã ngả chín gặt được, bao giờ bố mẹ cũng mang theo chiếc thuyền nhỏ rồi cắt gọn để vào đó tránh lúa lên mộng không ăn được.

Ân nhớ đôi bàn tay lấm lem của thằng em An lần lần vớt lên từng đọn lúa rồi buộc túm gọn lại để anh đi sau chỉ việc cắt bỏ vào thuyền. Cứ thế cùng bố mẹ làm, hai anh em Ân có khi đi đến lúc trời tối mịt mới về. Khi ấy mệt nhoài, Ân chỉ còn biết lăn ra ngủ còn bố mẹ lại tỉ mẩn bỏ ra đừng bó lúa hong cho khô để không bị ẩm.

Năm nay, đầu hạ trời mưa như trút nước, Ân lại mường tượng ra trước mặt là cánh đồng ngập trắng rồi liền sau đó là những tiếng thở dài, những ánh mắt hau háu thèm khát trời hửng để lại ùa ra đồng vớt lúa. Với người dân quê anh,không nỗi lo nào bằng mỗi mùa đi vớt lúa bởi nếu làm không nhanh, lúa ẩm mọc mầm phải bỏ đi không dùng được. Ân nhớ cả giọt nước mắt của mẹ khi đứng trước cả ruộng lúa ngập trong nước bởi mẹ lo các con phải đói.

Lớn lên rồi, không còn theo mẹ đi vớt lúa mỗi vụ nước về nữa nhưng lần nào nghe dự báo thời tiết mưa lớn, trong lòng anh lại thấy rưng rưng, khóe mắt cay cay nhớ mẹ. Ở quê, mùa này mẹ lại bắt đầu đi vớt lúa và anh hiểu lí do vì sao lưng mẹ ngày một còng rạp xuống. Cậu em đang đi học ở xa, bất giác nó gọi điện cho anh thông báo: “Bựa ni quê mình trời lại mưa to quá anh ạ!” càng khiến trái tim An thêm se thắt.

Phạm Oanh

Nỗi buồn tuổi 17

Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình khá giả , cuộc sống khá đầy đủ . Cứ ngơ cuộc sống của tôi sẽ mãi như vậy , không ngờ khi tôi lên lớp 3 thì ba mẹ li dị , tất cả đồ đạc điều phải chia đôi , ngay cả căn nhà đẹp như vậy cũng ngăn đôi .

Và tôi sống với mẹ , cuộc sống của mẹ cũng trỡ khó khăn từ đó , mẹ phải lên Thành phố làm việc và tôi phải ở nhà với bà ngoại còn cha vẫn lo lắng cho tôi nhưng do trách nhiệm nên cha phải cưới người phụ nữ kia dọn vào sống với người đó ,buổi tối trong căn nhà nhỏ chỉ có mình tôi ngủ , lúc đó còn bé nên tôi ko nghĩ ngợi gì nhiều, mãi lên lớp 6 tôi phải đi học cách xa nhà và tôi bắt đầu biết đi chơi vì tôi nghĩ mẹ tôi ở trên Thành phố nên sẽ không biêt ở đây tôi làm gì .

Còn cha tôi vẫn hay điện thoại  la mắng tôi vì tội đi chơi . Lúc đó dì ghẻ vẫn tốt với tôi vẫn hay rủ tôi vào nhà chơi , rủ tôi đi ăn , tôi cứ tưỡng có thêm người quan tâm tôi nhưng đó chỉ là suy nghĩ của trẻ thơ . Dì ghẻ chỉ được vẻ ngoài mặt là vui vẻ với tôi, khi dì biết cha cho tiền tôi sắm sữa đồ đạc đầy đủ và dì đã cãi nhau với cha tôi , không biết cãi như thế nào mà cha tôi phải bõ qua Tiền Giang mấy ngày mới về , và từ đó khi gặp dì tôi lại thấy chán ngắt , thậm chí ra đường thấy tôi , tôi nhìn chào còn không thèm nhìn tôi cùng cả đứa con gái của dì năm nay đã 18 tuổi đã làm vậy với tôi . Thế là tôi mất lòng tin 1 chút . Mãi cho đến khi tôi học lớp 10 , tôi muốn biết trước là sau này ai sẽ lo cho tôi khi tôi đi học trên Thành phố nên tôi muốn cha tôi mua cho tôi 1 chiếc xe , lúc đầu tôi không mơ gì phải là xe xịn nhưng khi tôi thấy cha tôi mua chiếc xe xịn cho dì ghẽ lòng ghen tức của tôi lại nổi lên tôi hỏi tại sao cha mua cho dì được mà không mua cho tôi đươc và lúc đó cha tôi rất giân tôi đã không liên lạc với tôi 1 tháng .

Khi đó tôi lại khóc và nghĩ tại sao lúc nào những điều tốt đẹp nhất của tôi cũng bị người ta lấy hết nói thẳng ra là bị hồ ly tinh lấy mất tôi ghen tị lắm rất là ghen tị . Nhiều khi ra đường thấy cha mẹ chỡ con cái đi công viên mà tôi thấy ghen tị với họ lắm tối ước gì thời gian tơ lại với gia đình hạnh phúc của tôi vào 10 năm trước , hạnh phúc lắm .

Vào năm lớp 10 , mẹ về lo lắng cho tôi và quen với 1 người đàn ông , người đó cũng rất tốt với tôi và người đó đã giúp đỡ mẹ rất nhiều nên tôi không có ý kiến . Thấy mẹ vui nên tôi cũng vui  cùng mẹ . Nhưng vui vẻ chưa được bao lâu thì ngày nào toi cũng thấy mẹ tôi cãi nhau với người đó , không phải cãi nhau như người ta mà chữi thề um sùm khắp cã xóm người ta nghe mà đối diện nhà là cô giáo dạy tôi nữa , mỗi lần vào học tôi không dám giơ tay phát biểu hay nhìn cô vì tôi rất ngại  , tôi nói với mẹ nhưng chỉ được 1 2 ngày rồi lại cãi nhau tiếp , thâm chí còn chữi tôi vô cớ khi giận người đó nữa . Lâu lâu người đó qua nhà tôi ở , tôi không nghĩ gì nhiều hết .

Lên 11 tức 17 tuổi , tôi bắt đầu có chút kiến thức về chuyện người lớn ( tôi không có làm . tôi chỉ tìm hiểu trên mạng thôi ) , thật tức cười khi con gái mà lại đi tìm hiểu chuyện đó , rồi tối bắt đầu để ý mỗi lần người đó qua là làm chuyện ấy . Tối biết là vì mỗi lần như vậy là tôi nghe tiếng đóng cửa , vì mỗi lần người đó qua là tôi lại không ngủ được , và tôi đã nghe , nghe mẹ tôi và người ấy xxx lúc đó tôi chỉ biết thầm khóc , trùm mền lại khóc . Có nhưng lúc tôi cố ý làm cho 2 người đó khỏi làm vậy nhưng lần đó không được thì còn nhiều lần sau . Nguyên năm 11 tôi không nói , và chỉ biết im lặng . Vốn rất thích ngủ với mẹ nhưng cũng khoảng nữa năm rồi tôi không bước chân vào giường mẹ ngủ vì mỗi lần đi ngang là tôi thấy sao sao ấy . Đến giời đã gần kết thúc năm 11 rồi thực sự là tôi không thể chịu nỗi , thậm chí mỗi lần nghĩ đến là tôi thấy không vui . Không vui vì mẹ tôi với người đó lại coi thường tôi như vậy , đó là nhà của tôi mà tại sao chứ ?

Tôi luôn đặt câu hỏi như thế . Đôi lúc tối cáu gắt  với mẹ vì chuyện đó , nhưng mẹ không hề biết và mắng tôi hư , tôi không muốn nói , thực sự là không muốn nói . Tôi sắp nổ tung cái đầu vì chuyện đó lắm rồi . giờ tôi không biết phải làm thế nào cho đúng , có ai giúp tôi , cho tôi 1 cách làm đúng với !!

Linh Linh

Mẹ là niềm tự hào vô bờ trong lòng con

Cả đời mẹ một nắng hai sương vất vả tảo tần vì đám con, khi chúng con sắp trưởng thành tai họa ập đến. Bố bệnh nặng đã bỏ vợ con ra đi mãi mãi, chưa một ngày được hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Mẹ cứng cỏi một mình lam lũ, công việc nhân đôi, vất vả cũng nhân đôi.

Mẹ - Ảnh minh họa
Mẹ – Ảnh minh họa

Ngày nào cũng thế, bất kể trời nắng hay mưa, trừ những ngày ốm phải nằm liệt giường, mẹ dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, cho lợn gà ăn, ăn sáng qua loa rồi vội vã đi làm nương rẫy, làm ruộng và kiêm luôn việc chăn trâu chăn bò. Chiều muộn khi những người dân bản đã đi làm về, bếp lửa trong nhà họ đã bập bùng cháy, nồi cơm trên bếp củi sôi sùng sục, mẹ mới quờ quạng trên con đường mòn từ nương, từ ruộng hay từ bãi thả trâu bò về.

Lúc thì mẹ về nhờ ánh trăng chiếu rọi, khi mẹ lại đi nhờ ánh sáng của con đom đóm bay trên đường, trong rừng, khắp ngả mẹ qua. Mẹ về đến nhà khi hàng xóm đã quây quần bên bữa cơm tối, chùn chân, mệt nhoài nhưng không quên đàn lợn đói đang kêu đòi cám, đàn gà con mới nở đang lép diều. Việc ở nương ruộng, ở rừng rồi lại việc ở nhà, mẹ ăn tối khi hàng xóm đã yên giấc ngủ, đi ngủ khi gà đã gáy nhất canh.

Mẹ tảo tần cả đời để nuôi con khôn lớn, làm việc không ngừng nghỉ kiếm tiền nuôi con ăn học. Ngày giáp hạt mẹ ăn cơm độn sắn, mẹ ăn phần sắn để con phần cơm, bát rau lang mẹ động viên con ăn cố, ngày sau gà lớn mẹ cho con ăn bù. Con nũng nịu đòi mẹ kể truyện cổ tích, mẹ kể nhiều nhưng con nhớ chẳng được bao nhiêu. Con đi học về ăn cơm trắng, mẹ đi làm chỉ mang phần sắn dính cơm ăn với rau rừng.

Cả đời mẹ một nắng hai sương vất vả tảo tần vì đám con, khi chúng con sắp trưởng thành tai họa ập đến. Bố bệnh nặng đã bỏ vợ con ra đi mãi mãi, chưa một ngày được hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Mẹ cứng cỏi một mình lam lũ, công việc nhân đôi, vất vả cũng nhân đôi. Làn da mẹ xưa hồng hào, căng tràn sức sống; nay hao gầy, cháy sạm nắng mưa. Xưa tóc mẹ đen mượt óng ả, nay đã đốm bạc và rụng nhiều hơn. Bàn tay mẹ chai cứng và thô ráp; gót chân mẹ thêm nhiều vết nứt sâu. Cả đời vì con mẹ không nghĩ đến thân mình. Quần áo mẹ hết thảy đã bạc màu, thậm chí rách to rách nhỏ được khâu vá lại thành chiếc quần, chiếc áo không tên.

So với những người phụ nữ khác ở quê, mẹ là người gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Mẹ khổ nhiều về đường con cái: nuôi con học hành nhưng chẳng được hưởng tiếng vinh; con cái chưa đủ lông đủ cánh thì chồng chết, mẹ góa bụa một thân gánh vác việc nhà. Mẹ thương bố, thương đàn con, nhiều đêm nằm khóc một mình, không ngủ, thức trắng đêm. Mẹ nuốt nước mắt vào trong, nén nỗi khổ đau chờ gà gáy canh tư dậy làm việc.

Cầu mong cho mẹ chân cứng đá mềm trên quãng đời còn lại. Dù có kiệt quệ trên bước đường con đi, mẹ vẫn là nguồn nước mát trong, dòng sữa mát lành con không thể thiếu. Mẹ là niềm tự hào vô bờ bến trong lòng con. Con hằng đêm nghĩ đến mẹ, thương mẹ nhiều lắm mẹ ơi. Xin mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu, con lớn rồi mà mẹ chưa được nghỉ ngơi, chân tay mẹ vẫn lấm lem bùn đất, sức yếu, lưng còng mẹ tảo tần sớm khuya.

Lý Thành

“Chui gầm chạn”

Là em gái, tôi không thể chạnh lòng khi nhìn thấy anh tôi sang nhà tôi với mấy bọc quần áo cũ nát, không có nổi một cái vali hay túi xách gì đó cho lịch sự so với ngoại hình của anh. Tôi lặng người đi, nước mắt cứ giàn giụa.

Chui gầm chạn
Chui gầm chạn

Anh và tôi vốn là những người con sống thiếu thốn tình cảm vì cha mẹ ly hôn khi chúng tôi còn rất nhỏ. Cha tôi bỏ đi biền biệt, chẳng một lần về thăm con. Anh sống với mẹ, tôi sống với cô hai. Dù sống trong gia đình nghèo nhưng anh được mẹ cho học hành không thua kém bạn bè.

Khi còn là sinh viên, anh quen chị. Lúc anh ra trường và xin cưới vợ là lúc mẹ gặp nhiều khó khăn nhất. Việc buôn bán thất bại, mẹ không thể tổ chức lễ cưới. Họ hàng cũng ra sức ngăn cản mẹ cưới vợ cho anh vì nghĩ đến tương lai của cháu mình. Thương con, mẹ nghe theo sự lựa chọn của anh. Lúc đó tôi còn là một cô sinh viên năm thứ hai. Mẹ và anh phải cùng nuôi tôi ăn học.

Đám cưới anh, mẹ chỉ mua được đôi bông tai cho con dâu, các sính lễ khác anh phải tự lo. Không biết bằng cách nào, anh cũng xoay xở đầy đủ và đám cưới được tổ chức bên nhà gái. Nhà trai không tổ chức vì họ hàng không đồng ý nhưng do anh thuyết phục, mọi người đành phải tham dự. Mọi người đưa rể sang nhà gái. Gia đình nhà gái cũng không cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình nhà trai thế nào. Anh an ủi mọi người: “Cha mẹ vợ thương con lắm, đây sẽ là chỗ dựa tinh thần cho con, mẹ và mọi người hãy cầu phúc cho con”.

Sau khi cưới, anh chị thuê nhà trọ sống gần nhà cha mẹ vợ cho tiện qua lại. Một năm sau, anh chị dọn về sống chung nhà cha mẹ vợ, lúc này chị đã sinh được một bé gái xinh xắn. Sợ con mình lâm cảnh “chó chui gầm chạn”, mẹ tôi và mọi người thuyết phục anh nên sống độc lập, nhưng anh không nghe. Anh muốn vợ và con gái được sống thoải mái vì nhà vợ đầy đủ tiện nghi.

Từ khi sống bên nhà vợ, dường như anh không còn tự do. Hàng ngày anh phải đi chợ, nấu ăn rồi đi làm. Sáng sớm, anh thức dậy để lo tưới rau, giặt giũ quần áo và cơm nước. Chiều về anh ghé qua chợ mua thức ăn, về nhà phải lo bế con. Vợ anh không động gì đến việc nhà. Anh phải lo việc trong, việc ngoài nhưng vẫn không thể vừa ý cha mẹ vợ. Theo cách nói của mẹ vợ, anh là người sống nhờ, đã được miễn phí tiền nhà thì phải biết điều, phải phục dịch.

Khi vui vẻ, cha mẹ vợ còn trò chuyện, cười đùa. Khi không vừa ý (nhất là về chuyện tiền nong), ông bà nặng nhẹ xua đuổi. Hàng xóm ai cũng biết anh bị mẹ vợ đuổi mãi nhưng cứ ở lì. Bà nội lên thăm cháu, ông bà ngoại cũng chẳng để ý. Chưa kể, anh chị em của chị dâu luôn coi khinh chàng rể “củ chuối”. Lúc này, tình hình công việc của anh khá ổn định nhưng lương hàng tháng chỉ ở mức trung bình.

Sau ba năm chung sống, vì chị quá thờ ơ và vô tâm với anh, tự ái đàn ông đã buộc anh phải từ bỏ gia đình. Gia đình bên nội cố hàn gắn, vun đắp lại hạnh phúc cho anh chị nhưng mẹ vợ thì nhất định không. Ban đầu, bà viện nhiều lý do, về sau nói thẳng: “Nó làm không có nhiều tiền, trước đây tôi nghĩ nó giỏi lắm. Đã bốn năm cưới nhau mà nó không có nhà cao cửa rộng, xe cộ gì hết. Nó không lo được cho vợ thì cưới vợ làm gì. Người khác bằng tuổi nó, nhà cửa, xe hơi đều có đủ. Ngày xưa, nó van xin, gia đình tôi mới gả con gái, từ đầu tôi đã thấy nó không được chút nào”.

Một sự thật không thể phủ nhận là gia đình chúng tôi quá nghèo, mẹ cũng chẳng cho anh được tiền bạc hay tài sản khi anh cưới vợ. Ở tuổi 28, anh chưa có cơ hội để kiếm được nhiều tiền như gia đình vợ mong đợi. Ngoài việc lo cho mẹ ở dưới quê, anh còn phải lo cho tôi ăn học vì anh rất thương tôi. Dù bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng không bỏ rơi tôi và bây giờ anh cũng không thể bỏ rơi con gái anh. Anh bỏ vợ, gia đình vợ, bỏ luôn mảnh đất và tài khoản gửi tiết kiệm do vợ đứng tên sở hữu, chỉ giành quyền nuôi con.

 Diễm Nguyễn

Khát con trai, tôi thấy mình thật xấu xa

Cũng như bao cô gái khác, tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, tôi xây dựng gia đình. Vợ chồng tôi đều là trí thức, có tư tưởng cởi mở, rất ghét những quan niệm phong kiến, cổ hủ, những suy nghĩ cực đoan, nhất là chuyện phân biệt con trai, con gái.

Phân biệt con trai con gái
Phân biệt con trai con gái – Ảnh minh họa

Ngày ấy cách đây hơn hai mươi năm chưa có siêu âm nên khi có thai không biết là con gì. Những người có kinh nghiệm chỉ nhìn bụng bầu mà đoán. Người ta bảo nếu bụng to tròn, kềnh càng và nặng nề thì đó là con gái, còn bụng nhọn, gọn gàng thì đó là con trai.

Từ khi tôi mang bầu đến khi chuẩn bị sinh thì hầu như ai cũng đoán là con trai vì bụng nhỏ gọn, đi lại nhanh nhẹn. Tôi không thuộc thành phần khát con trai nhưng nghe họ đoán thế vợ chồng tôi cũng mừng. Sinh con đầu lòng nếu là trai thì càng “chắc ăn”, hầu hết đó là tâm lý của các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con đầu lòng.

 

Mừng đến nỗi lúc nào tôi cũng nghĩ đến một đứa con trai khỏe mạnh và kháu khỉnh, nhất là tưởng tượng ra “cái mậm giềng” nho nhỏ với “trái vải thiều hồng hồng”, mỗi lần tè, nó vọt cần câu có khi vào cả mâm cơm – cái cảnh này tôi đã từng chứng kiến – khiến cả nhà được phen náo động và hỉ hả.

Cái đêm tôi vượt cạn ở khoa sản bệnh viện tỉnh, có một đoàn sinh viên trường Đại học Y thực tập. Khi lên bàn đẻ dù rất đau và trước đông người nhưng tôi được an ủi hơn nhiều vì ý nghĩ sung sướng sắp được ôm chàng hoàng tử. Cùng tiếng khóc non nớt của con cất lên, nằm trên bàn đẻ dù rất mệt, tai tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng của một cậu sinh viên an ủi: Thế là chị có người cơm nước nấu nướng rồi nhé!
Bé gái đầu lòng ra đời, tuy không phải là con trai như vẫn nghĩ trước đây, nhưng cả gia đình tôi, chồng tôi, mừng vui chào đón vì đó là con đầu cháu sớm. Hơn nữa cháu rất kháu khỉnh, cặp mắt lanh lợi, thần thái tươi tỉnh rất đáng yêu.
Duy chỉ có tôi là chạnh lòng. Cái cảm giác mừng hụt cứ đeo bám. Thì ra tôi cũng “cay” con trai. Đến độ mỗi lần xi cháu tè, tôi thầm tưởng tượng và ước ao giá như “cái đó” là “mậm giềng”, hay giá như đến một ngày nào đó nó dần dài ra thành “con chim”. Nhìn những chị cùng phòng sinh con trai mà tôi thấy thèm khát. Tôi ước con mình là trai, kể cả sứt môi hay xấu xí một chút cũng được (tôi nói rất thật). Và tôi thấy mình thật xấu xa, tội lỗi, và tôi giấu kín những suy nghĩ này.
Thời gian trôi qua, tôi không còn nghĩ đến chuyện con trai, con gái nữa. Nhất là khi con gái tôi chập chững biết đi, biết nói, đáng yêu quá. Tôi cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc khó nói thành lời, đó là món quà mà ông trời ban cho gia đình tôi. Biết bao gia đình khác thèm muốn mà “trời không cho”. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, chạy chữa tốn kém, áp lực gia đình, họ hàng khiến tinh thần căng thẳng, chỉ ước ao một đứa con, bất kể trai gái mà mong chờ đến mòn mỏi. Nhiều người đã quá lứa, chuyện sinh con kể như đã chấm dứt, chẳng còn gì để mà mong chờ.
Chồng tôi không biết hiểu về tôi đến đâu nhưng anh vẫn tỏ rõ niềm hạnh phúc mỗi khi bên con, anh cưng chiều con gái như thể thế gian này mỗi mình anh có con. Anh luôn bảo anh quý con gái hơn cả con trai, nếu sinh lần thứ hai con gái cũng rất tốt, vì hai gái vẫn còn hơn là một. Tôi nghe vậy mà thấy nhẹ lòng.
Mỗi lần ở quê lên chơi với cháu, mẹ chồng tôi vẫn thường hay “xướng” lên cho cả nhà nghe rõ: “Trai mà làm gì, gái mà làm gì / Con nào có ngãi, có nghì thì hơn. Cứ hãy nuôi dạy nó tốt, con gái còn bằng vạn lần con trai”. Gương mặt bà rạng rỡ chứng tỏ bà nói thật chứ không hề động viên vợ chồng tôi. Tôi biết ơn bà về điều ấy.
Đúng như lời mẹ chồng tôi nói, và tôi cứ theo bà mà làm, con gái tôi giờ đã thành đạt. Những năm học phổ thông, cháu đều là học sinh xuất sắc, dẫn đầu lớp chuyên của trường Amstecdam- một trường chuyên bậc nhất thủ đô. Mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo thường đem cháu ra để làm gương, đến độ nhiều phụ huynh phải thốt lên: Con gái mà giỏi thế khiến tôi rất mát mặt.
Ai đã trải qua những phút giây như vậy thì mới thấy hạnh phúc không phải là tiền bạc, mà là những đứa con giỏi ngoan, bất kể là trai hay gái. Bởi tương lai của các bậc làm cha, mẹ chính là con cái.

Học hết phổ thông, nhờ trí thông minh, sự nỗ lực vượt bậc cộng với sự động viên dẫn dắt của bố mẹ, con gái tôi đã được nhận được học bổng của một trường đại học của Mỹ. Cháu sang Mỹ du học mà tôi như trong giấc mơ, điều mà trước đây thậm chí tôi không bao giờ dám mơ đến. Cả gia đình tôi đều tự hào vì con gái đã làm dạng danh mái trường nơi cháu học; rạng danh gia đình, dòng họ; hơn nữa là quê hương, đất nước.

Đó không chỉ là kết quả của sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo trong một mái ấm gia đình mà trước hết là từ một quan niệm đúng đắn của mẹ chồng tôi: Trai mà làm gì, gái mà làm gì / Con nào có ngãi, có nghì thì hơn.
Độc giả Tóc Tiên ([email protected])

Vợ không chia sẻ kinh tế và việc nhà

Tôi lấy vợ được 3 năm rồi nhưng kể từ ngày bước chân về nhà chồng, vợ tôi không bỏ tiền mua được gói tăm mà phó mặc tất cả cho chồng, từ kinh tế, gửi trẻ, chợ búa, cơm nước, giặt quần áo đến đón đưa con ở nhà trẻ.

Nói chung là tôi phải làm hầu hết mọi công việc, chỉ có nấu bột và cho con ăn bột là không phải làm. Xét về công việc vợ tôi ổn định hơn tôi rất nhiều. Vợ tôi là người nhà nước, là giáo viên cấp 3 tại một trường ở Hà Nội và biên chế được 9 năm rồi. Nhưng cô ấy luôn kêu lương thấp chỉ đủ ăn sáng và đổ xăng thôi, không có tiền để đóng góp xây dựng gia đình.

Tôi thương con và cố gắng đi làm, làm thêm để đủ tiền nuôi 2 con và bố, cộng thêm sự ăn bám của vợ vào những bữa cơm chiều. Tôi đã nhiều lần than vãn với vợ về tài chính và công việc gia đình, nhưng được trả lời vẫn một điệp khúc là lương thấp và bận làm giáo án chưa chia sẻ được công việc nhà.

Nói chung vợ tôi lười, ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình. Hiện giờ tôi rất buồn và chán vợ và đã làm đơn ly hôn nhưng chưa nộp, mong anh chị đóng góp ý kiến để tôi đi đến quyết định sáng suốt nhất.

Ác mộng làm dâu

Tôi không ngờ cuộc đời làm dâu của mình lại trái ngang thế này.

Từ ngày về làm dâu đến nay đã hơn 1 năm, ấn tượng còn lại trong con là 1 con số 0 tròn trĩnh. Người ta nói gia đình là chốn bình yên để mọi người trở về sau lo toan mệt mỏi, nhưng mỗi khi về nhà mình con có cảm giác sợ hãi hơn là bình yên, sợ hãi cái ánh mắt soi mói, sợ hãi cái cách sống giả tạo, sợ hãi cách miệt thị vì con là gái miền Nam, con không có công việc ổn định…

Con sợ cái cách mọi người cười trước mặt mà đâm chọc sau lưng… Nhà có 2 chị em với nhau nhưng bố mẹ hãy nhìn xem, con dâu mẹ ai sẽ là người tốt. Con muốn sống tốt, muốn hòa hợp với gia đình mình, ai là người có trách nhiệm, ai là người sống dối trá, ai là người vòi vĩnh bố mẹ? Con sinh ra vốn dĩ là người tự lập, không việc gì con chưa trải qua, để có được ngày hôm nay con đã phải cố gắng rất nhiều sau bao năm bươn trải.

Con vì theo con trai mẹ mà bỏ công việc hiện tại của mình và trở thành người thất nghiệp. Có lẽ mẹ không hài lòng về con. Con lầm lũi đi làm ngoài, cuối cùng cũng tìm được việc như mình mong muốn, có mức thu nhập đủ nuôi sống bản thân con, cày ngày, cày đêm để kiếm thêm. Biết bao giờ mới thay đổi cái quan niệm làm nhà nước mới ổn định của bố mẹ? Chồng con, ngoài giờ hành chính ở cơ quan, 2 năm ròng rã, tuần nào anh cũng về phụ giúp bố mẹ việc vườn rẫy, nhà hết thuốc, hết cám, hết thức ăn, lúc nào mẹ cũng í ới…người đi mua là con, người mang về là chồng con.

Ác mộng làm dâu - Ảnh minh họa
Ác mộng làm dâu – Ảnh minh họa
Tôi không ngờ cuộc đời làm dâu của mình lại trái ngang thế này.

Từ ngày về làm dâu đến nay đã hơn 1 năm, ấn tượng còn lại trong con là 1 con số 0 tròn trĩnh. Người ta nói gia đình là chốn bình yên để mọi người trở về sau lo toan mệt mỏi, nhưng mỗi khi về nhà mình con có cảm giác sợ hãi hơn là bình yên, sợ hãi cái ánh mắt soi mói, sợ hãi cái cách sống giả tạo, sợ hãi cách miệt thị vì con là gái miền Nam, con không có công việc ổn định…

Con sợ cái cách mọi người cười trước mặt mà đâm chọc sau lưng… Nhà có 2 chị em với nhau nhưng bố mẹ hãy nhìn xem, con dâu mẹ ai sẽ là người tốt. Con muốn sống tốt, muốn hòa hợp với gia đình mình, ai là người có trách nhiệm, ai là người sống dối trá, ai là người vòi vĩnh bố mẹ? Con sinh ra vốn dĩ là người tự lập, không việc gì con chưa trải qua, để có được ngày hôm nay con đã phải cố gắng rất nhiều sau bao năm bươn trải.

Con vì theo con trai mẹ mà bỏ công việc hiện tại của mình và trở thành người thất nghiệp. Có lẽ mẹ không hài lòng về con. Con lầm lũi đi làm ngoài, cuối cùng cũng tìm được việc như mình mong muốn, có mức thu nhập đủ nuôi sống bản thân con, cày ngày, cày đêm để kiếm thêm. Biết bao giờ mới thay đổi cái quan niệm làm nhà nước mới ổn định của bố mẹ? Chồng con, ngoài giờ hành chính ở cơ quan, 2 năm ròng rã, tuần nào anh cũng về phụ giúp bố mẹ việc vườn rẫy, nhà hết thuốc, hết cám, hết thức ăn, lúc nào mẹ cũng í ới…người đi mua là con, người mang về là chồng con.

Con nghĩ đó là trách nhiệm nên không toan tính cho dù số tiền bỏ ra không ít đâu, dù vợ chồng con phải sống trong nhà trọ 30m2, sống thiếu thốn thế nào cũng không bao giờ kêu ca. Bố mẹ có nhà cho thuê, đi xe hơi… tiền vàng cất, bố mẹ có bao giờ biết công sức vợ chồng con bỏ ra.

Không có 1 xu cho vợ chồng con, nhiều khi cần gấp tiền để làm gì đó cũng không dám mượn, Tết đến, quần áo con mua mẹ lại bảo: “Mày mang của nợ này về làm gì” và chê không mặc. Con mua cái gì mẹ cũng chê. Con từ 1 đứa học hành đàng hoàng, về vườn con vẫn vác từng bao cà phê, nhặt từng hạt tiêu, thức cùng mẹ may bao may túi… băm chuối, chăm gà vịt, thức khuya dậy sớm.

Con đã cố gắng rất nhiều, bầu bì nhưng con vẫn vác bụng đi khắp nơi, đi gần đi xa, đường gập ghềnh ngồi cứ ôm bụng sợ ảnh hưởng em bé, con chui xuống gầm xe, đi vào kho bãi, đi đo đạc công trình, thức khuya dậy sớm xử lý hồ sơ để kiếm vài trăm ngàn đồng. Người ngoài còn xót cho con, lo cho sức khỏe của con, hỗ trợ con.

Con kiếm từng đồng và tích cóp, chi tiêu cho gia đình nhỏ của con. Tụi con cưới nhau 1 năm nhưng dư chừng đó là mãn nguyện lắm rồi, dù sao đi nữa con cũng chỉ mới đi làm 8 tháng. Chồng con, ngoài giờ làm, đêm anh còn đi kiếm việc làm thêm để cùng con lo cho em bé sắp chào đời, vợ chồng cật lực mẹ có hiểu đâu. Còn anh chị, họ dư giả, của ăn của để, nhà, đất…bố mẹ còn bỏ tiền xây nhà cho họ, xây xong nhà thật hoành tráng rồi để trống 1 năm nay. Trong khi tụi con, nay ở nhà trọ này, mai ở nhà trọ khác, vợ chồng ôm nhau khóc khi chủ nhà lấy nhà không báo trước, dầm mưa đi tìm nhà trọ.

Rồi con bị động thai, cái thai đã không còn nữa, con phải nằm viện một tuần mẹ cũng không hỏi con lấy một lời. Cuộc sống tần tảo, mẹ chưa bao giờ cho con một miếng ăn ngon lành. Mẹ cứ giáng cái tội lấy vợ nghèo của con trai mẹ thì phải tội, còn mẹ không liên quan gì.

Anh nhẹ nhàng ôm con vào lòng, một câu nói của anh làm con hạnh phúc và quan trọng hơn tất cả. Bố mẹ à, nước mắt chảy xuôi, hãy sống suy nghĩ sâu hơn sống tình nghĩa hơn để mai này khi nằm xuống, khi bệnh tật không phải nhìn con bằng ánh mắt hối tiếc. Cuộc đời này vốn là như vậy, để xem ai sẽ hơn ai? Ai sẽ là người cán đích trước, vợ chồng con và anh chị ai sẽ là người kề cận chăm sóc lúc bố mẹ nằm xuống. Giờ đây con đang suy nghĩ, mình sẽ làm gì tiếp theo?

Theo Eva

Tết nhà nghèo

Ba mươi Tết, ba tôi vẫn lọc cọc chạy chiếc xe cũ chở khách, má tôi vẫn lui cui bày quán bán hàng. Hai mươi năm qua, chưa lần nào tôi đón một cái Tết trọn vẹn.

Tết nhà nghèo - Ảnh minh họa
Tết nhà nghèo – Ảnh minh họa

Tôi về quê lúc Tết đã cận kề, ngày hai bảy tháng Chạp. Những gia đình khá giả trong xóm đã bắt đầu treo cờ, chưng mấy chậu mai hay cây cảnh được tỉa tót và chăm bón trước Tết cả tháng trời. Vài gia đình có con từ nước ngoài về, đang quây quần bàn bạc xem Tết này nên đi đâu, làm gì. Đâu đó nhà nào đang vo nếp, mùi đậu xanh thơm lừng, màu xanh tàu lá chuối bày la liệt giữa sân, mọi thứ được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tạo ra món ăn không thể thiếu trong ngày Tết – bánh chưng. Dọc đường không ngớt người qua lại, bàn tán xôn xao, ai cũng háo hức chờ đón khoảnh khắc giao thời.

Ba má tôi không có ở nhà, mình thằng em đang ngồi xem phim. Thấy tôi, nó mừng như bắt được của vì khi nào về tôi cũng có quà cho nó. Thấy nó nhai ngồm ngoàm mấy cái bánh quy mà lòng tôi không khỏi xót xa. Vừa ăn, nó vừa tíu tít kể chuyện: “Chị ba biết không? Anh hai dạo này quấy lắm, ba đã xin cho chỗ đi làm vậy mà không lo làm, suốt ngày chỉ thấy đi chơi với mấy người bỏ học và tụ tập ăn nhậu thôi. Hai chẳng thương ba má chi hết”. Anh hai tôi hơn tôi một tuổi, từ nhỏ nổi tiếng quậy phá. Má tôi phải khóc lóc, năn nỉ lắm anh mới học hết lớp 12 mà không có nổi tấm bằng tốt nghiệp. Những năm anh tôi còn đi học, ba má phải chắt chiu từng đồng, làm ngày làm đêm. Đôi lúc má tôi mê sảng, khóc thét khi mơ thấy anh tôi chơi với kẻ xấu, bất chấp sự can ngăn của gia đình. Giờ anh tôi vẫn thế, chơi nhiều hơn làm. Tôi tự hỏi không biết ba má phải trăn trở, lo lắng cho anh đến bao giờ?
Tôi đảo mắt nhìn quanh, chợt giật mình nhận ra từ ngoài ngõ vào trong nhà, từ phòng khách xuống nhà bếp mọi thứ vẫn lạnh ngắt, không được làm mới cũng chẳng được trang hoàng gì thêm. Lòng tôi thắt lại. Tết đã về tận ngõ nhưng không gõ cửa gia đình tôi.

Năm nay em tôi không có quần áo mới. Ba má tôi quyết định hai năm mới sắm đồ Tết cho nó một lần, dành số tiền ít ỏi đó cho tôi ăn học. Ngày giáp Tết, ba tôi vẫn đứng ở cổng chợ, “bòn” từng người khách một; má tôi tranh thủ từng chiếc vé số kiếm thêm vài đồng cho mâm cỗ tối giao thừa. Vậy là Tết này không bánh chưng xanh, không quần áo mới, không phong bì đỏ, chỉ có tình yêu thương của ba má luôn đủ đầy, ấm áp.

Tôi không trách ba má tôi vô tâm, vì với gia đình tôi, Tết cũng như những ngày khác trong năm. Không, hình như có khác đấy! Khác là những ngày đó ba má tôi sẽ bận rộn hơn đôi chút, tất bật hơn đôi chút vì… công việc làm ăn. Bận đến nổi quên mất đứa con gái đi học xa đã về nhà từ hồi nào, để đến khi tôi khăn gói vào lại Sài Gòn, má chỉ kịp ôm tôi, bật khóc rồi giúi vào tay tôi mấy tờ giấy bạc, nói trong nghẹn ngào: “Tiền ba má kiếm được mấy hôm Tết vừa rồi đó, con giữ lấy mà tiêu”.
Ba tôi tủi thân, không ra tiễn tôi. Tôi đã bước đi khá xa, nước mắt lăn dài, phía sau vẳng lên tiếng thằng em tôi “Má ơi, hết Tết rồi hả má?”.

Theo THUÝ ANH / PNO

Biết thế em cưới anh sớm hơn

Từ khi lấy anh, cuộc sống của em đã tốt hơn rất nhiều. Anh luôn là chỗ dựa vững chắc cho em cả về vật chất lẫn tinh thần. Hơn thế nữa, anh cũng luôn yêu quý và lo lắng cho gia đình em.

Người ta nói: Là con gái nếu phải lựa chọn giữa người mình yêu và người yêu mình thì thà lấy người yêu mình chứ đừng lấy người mình yêu. Nhưng dù lấy người nào đi nữa thì niềm vui của ta cũng sẽ không được trọn vẹn, giống như đường tròn bị khuyết mất một nửa. Như vậy, thật hạnh phúc cho những ai lấy được người mình yêu mà cũng là người yêu mình. Và em là một trong những người may mắn đó.

Anh – người em yêu cũng là người chồng thân thương của em. Em nhớ mãi câu nói của anh lúc mới quen: “Sau này khi cưới nhau rồi anh sẽ yêu em nhiều hơn bây giờ”. Lúc đó em nghe vậy thôi chứ cũng không tin lắm, vì nghĩ rằng: khi yêu nhau thì người con trai nào mà chẳng nói lời ngon ngọt để làm vui lòng bạn gái, chứ cưới rồi thì chẳng thể nào còn được như lúc mới yêu. Nhưng giờ đây khi đã là vợ anh rồi, em ngẫm lại thấy anh nói đúng.

Em cảm nhận được tình yêu của anh dành cho em nồng nàn hơn, ấm áp hơn bởi vì em biết anh là người đàn ông có trách nhiệm luôn muốn lo lắng, bao bọc cho cuộc sống của vợ. Anh còn nhớ lần đầu tiên chúng mình đi chơi xa với nhau không? Đó là dịp Tết nguyên đán năm ngoái, anh đã xin cha mẹ dẫn em đi Đại Nam chơi, vì trong Đại Nam quá lớn, đi cả buổi sáng vẫn chưa hết. Đến trưa, mỏi mệt nên mình tìm chỗ nghỉ ngơi. Người ta thì có chiếu trải lên bãi cỏ nằm nghỉ, người thì có võng mắc lên cây nằm, còn mình thì chẳng có gì do không chuẩn bị trước.

Nhưng lúc đó, cả hai đều mỏi mệt và rất buồn ngủ, chẳng còn cách nào khác anh đã cởi áo khoác ra lót xuống cỏ cho em nằm, còn anh nằm ở ngoài đưa tay ra làm gối cho em tựa vào. Nằm được một lúc thì em cảm nhận được tay anh đang mỏi và đã từ chối không chịu nằm trên tay anh nữa. Em hỏi anh: Có mỏi tay không anh? Nhưng anh trả lời không và nói một câu mà em rất ấn tượng, còn nhớ như in: “Chỉ có chuyện nhỏ này mà anh không làm được cho em thì sau này anh có thể làm được gì cho em chứ?”

Anh bắt em nằm trên tay anh ngủ tiếp. Nhờ vậy mà em ngủ thật ngon, thức dậy cả hai đều khỏe khăn và sẵn sàng cho cuộc vui chơi tiếp theo. Từ việc làm tưởng như rất nhỏ nhoi đó của anh mà em biết rằng mình đã tìm đúng bến đỗ an toàn cho cuộc đời này.
Từ khi quen nhau tới giờ anh luôn mang đến niềm vui cho em, chưa bao giờ để em phải buồn hay giận hờn vì anh điều gì. Cũng chính vì tình yêu quá lớn của anh đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của em. Trước kia em luôn nghĩ, sau này ra trường mình phải đi làm 4, 5 năm gì đó để giúp đỡ cha mẹ một thời gian, rồi đến khi 28 tuổi trở lên mới có chồng vì thấy cha mẹ nuôi em ăn học vất vả.

Ai cũng bảo em đừng nên có chồng sớm, nếu có chồng rồi sẽ không thể nào lo cho cha mẹ được đâu và em cũng tự nhủ như thế. Nhưng thật không ngờ mình lại kết hôn sớm hơn dự định. Dù biết là con gái mới ra trường chưa kịp lo cha mẹ được gì mà có chồng đã bị nhiều người bàn tán nhưng giờ đây nếu cho em lựa chọn lại em cũng sẽ quyết định như thế.

Từ khi lấy anh, cuộc sống của em đã tốt hơn rất nhiều. Anh luôn là chỗ dựa vững chắc cho em cả về vật chất lẫn tinh thần. Hơn thế nữa, anh cũng luôn yêu quý và lo lắng cho gia đình em và em cảm nhận được rằng anh xem cha mẹ em như cha mẹ ruột của mình luôn muốn cùng em báo đáp công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ.

Từ khi anh về làm rể, nhà em vui vẻ hẳn lên, có anh về ngôi nhà thêm rộn rã, xôm tụ. Em luôn tự hào về anh vì anh có khả năng giao tiếp, có kiến thức rộng, anh luôn tự tin khi tiếp xúc với mọi người vì thế dễ chiếm được thiện cảm của những người xung quanh. Em luôn hài lòng về anh và thấy mình thật may mắn khi được làm vợ anh. Nhưng cuộc sống không có gì là hoàn hảo cả. Vì hoàn cảnh công việc mà vợ chồng mình mỗi người một nơi.

Từ khi cưới nhau tới giờ ít khi nào mình được ngủ chung với nhau hơn 2 đêm, bởi anh thì làm ở Sài Gòn còn em sống với bố mẹ và đi làm ở Cần Thơ. Cuối tuần anh được nghỉ chiều thứ bảy và chủ nhật nên tuần nào anh cũng về thăm em. Lúc đầu thì chiều thứ bảy anh về chiều chủ nhật anh lại đi, nhưng dần dần chúng ta thấy thời gian ở bên nhau như vậy là ít quá. Bao nhiêu đó, chẳng đủ để em hết nhớ anh sau một tuần dài đăng đẳng. Vì thế chúng mình đã kéo dài thêm thời gian ở bên nhau bằng cách thay gì chiều thứ bảy anh đi thì mình đổi lại sáng thứ hai anh đi sớm.

Khoảng 3, 4 giờ sáng em thức dậy để đưa anh ra bến ra xe về Sài Gòn, khi về đến Sài Gòn thì cũng vừa đúng giờ anh đi làm luôn. Tuy thức sớm như vậy có hơi cực một chút nhưng đó là cách duy nhất để vợ chồng chúng ta có thêm thời gian ở bên nhau. Cứ như thế đã nửa năm trôi qua, anh vẫn đi đi về về để thăm em. Khoảng cách giữa Cần Thơ và Sài Gòn dường như đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi chúng ta cưới.

Nhiều người đã nói với em: em đã quá chủ quan khi dám để anh sống ở Sài Gòn một mình như vậy, đàn ông không có vợ bên cạnh rất dễ bồ bịch, lăng nhăng. Mặc cho ai nói gì em vẫn không quan tâm và luôn khẳng định với mọi người chồng em là người đàn ông rất mẫu mực, không bao giờ có chuyện vợ bé, vợ nhỏ đâu. Nghe xong mọi người đều cười và bảo em thơ ngây quá, trên đời này có rất nhiều chuyện không thể nào ngờ trước được đâu, chủ quan quá coi chừng mất chồng mà không hay.

Kể cả thằng bạn thân em nó cũng nói: tao là con trai nên tao hiểu đàn ông ai mà không ham “của lạ”, mày đừng có tin tưởng chồng quá. Nhưng dù cho có bao nhiêu lời nói ra nói vào đi nữa thì niềm tin của em dành cho anh vẫn nguyên vẹn như ngày đầu, cũng giống như tình yêu của anh dành cho em không hề thay đổi mà ngày càng sâu lắng và nồng nàn hơn theo năm tháng.

Dù chúng ta cưới nhau chưa lâu chỉ mới hơn nửa năm, bao nhiêu đó chẳng là gì so với quãng đời còn dài sau này của chúng ta. Nhưng em tin: Thời gian sẽ không làm phai phôi một tình yêu đẹp mà nó làm cho tình yêu ngày càng đẹp hơn và ngày một lớn dần hơn trong mỗi chúng ta. Đối với em, có được người chồng hiểu và thương vợ như anh đã là “hạnh phúc như mơ” của em rồi.

Vợ yêu

Cô con dâu “ích kỷ”

Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Chị đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má vì một điều mà chị vừa nghĩ đến: Không biết những người mà chị đã hết lòng tin yêu, chăm sóc có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của chị không?

 

Sau bữa cơm tối, mẹ chồng lại gọi chị vào phòng kín nói chuyện, vẫn với nội dung như lần trước những lần này giọng bà gần như van lơn khiến chị vừa thương vừa khó xử nhưng chị vẫn phải thành thật và cương quyết:

– Con xin lỗi mẹ, con không sinh nữa đâu mẹ ạ.

Mẹ chồng chị giận chị ra mặt, trách chị là đứa con dâu ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến tương lai của gia đình nhà chồng. Trách chị rồi bà trách lây sang chồng chị là không dạy bảo được vợ. Chồng chị trấn an: Mẹ cứ từ từ để con đả thông tư tưởng cho nhà con.

Từ hôm đó để thực hiện lời hứa, chồng chị không ít lẩn “rủ rỉ” với chị để chị sinh thêm đứa con thứ ba. Anh đưa ra rất nhiều lý do để thuyết phục chị rằng mình sinh con nhưng không phải nuôi, vừa có thêm con lại vừa giúp vợ chồng bác cả giải tỏa tư tưởng, vừa được lòng ông bà… Anh nói với chị rất nhiều, chị cũng đã giải bày những nỗi niềm của mình để mong anh thông cảm nhưng cũng như để bố mẹ chồng hiểu. Khi thuyết phục chị không được anh quay ra quy kết chị bằng những lời thật khó nghe: Hy sinh cho gia đình một chút mà sao cô khó khăn đến vậy? Ở cái nhà này không ai cần cô phải thăng tiến đâu mà cô phải giữ… Từ hôm đó, chị dường như bị nhà chồng “cô lập”.

Mà nào chị có tội tình gì đâu, chị đã sinh cho nhà chồng một trai, một gái ngoan ngoãn, kháu khỉnh nhưng chỉ vì vợ chồng bác cả không có khả năng có con chạy chữa nhiều nơi mà vẫn chưa có kết quả nên ông bà mới tính đến chuyện “nhờ” chị sinh thêm đứa nữa. Đứa con đó vợ chồng bác cả sẽ nuôi, vẫn là con mình cháu mình mà không phải tốn công tốn của, không phải nhận con nuôi thế là vẹn cả đôi đường. Chị đã mất rất nhiều đêm để suy nghĩ về chuyện này nhưng càng nghĩ chị càng thấy không ổn. Chị nghĩ cho vợ chồng bác cả, nói gì thì nói hai bác vẫn cứ mong có được một đứa con là cốt nhục của mình, dù hôm nay chưa có kết quả nhưng cùng với sự phát triển của y học biết đâu một ngày không xa, niềm mong ước đó sẽ thành. Còn mong ước nghĩa là còn hy vọng.

Rồi chị nghĩ đến đứa con mà chị sinh thêm nó sẽ sống với hai bác, chẳng lẽ giấu nó về “nguồn gốc” chào đời của nó ư? Mà nếu không giấu thì như một lẽ tự nhiên nó sẽ tìm về với bố mẹ nó và cũng là lẽ tự nhiên sẽ thích sống ở nhà bố mẹ nó, chẳng lẽ chia cắt nó ư? Và chị, bản năng của một người mẹ lúc nào chẳng muốn ôm ấp con mình, lúc đó bác cả sẽ nghĩ sao, chẳng lẽ đưa đứa trẻ ra để làm trò kéo co ư? Cái tội mà bố mẹ chồng và chồng chị quy kết chị lại nghĩ đến sau cùng. Chị không phải là mẫu người phụ nữ tham vọng nhưng chị cũng đã từng tốt nghiệp đại học với cái bằng loại giỏi, rồi học lên cao học với biết bao sự cố gắng, nỗ lực để công việc, vị trí làm việc của mình ngày một tốt hơn. Chị cũng mong muốn được khẳng định mình lắm chứ? Chính vì gia đình nên chị đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thăng tiến ngay cả việc chị tốt nghiệp cao học muộn hơn bạn bè cùng khóa cũng chỉ vì dành thời gian để chăm sóc mẹ chồng khi bà bệnh nặng. Nhưng chị chưa bao giờ thấy ân hận hay nuối tiếc. Chị không ngại “hy sinh” nhưng sự “hy sinh” trong hoàn cảnh này là không công bằng với chị, với người mà chị gọi là chị dâu và cả với con của chị nữa.

Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Chị đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má vì một điều mà chị vừa nghĩ đến: Không biết những người mà chị đã hết lòng tin yêu, chăm sóc có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của chị không?

 

Theo Đời sống gia đình