Tag Archives: con gai

Câu chuyện của người Cha sáng sớm phát hiện ra con gái ngủ với trai lạ trong phòng khách

CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI CHA SÁNG SỚM PHÁT HIỆN RA CON GÁI NGỦ VỚI TRAI LẠ TRONG PHÒNG KHÁCH

Câu chuyện của ông bố người Nga đang được phát tán mạnh trên mạng xã hội Reddit. Có ai dám làm như ông bố này? Góc Tâm Sự đồng cảm xin chia sẻ lại câu chuyện cảm động này.

Con gái ôm trai lạ ngủ trong nhà sáng sớm
Con gái ôm trai lạ ngủ trong nhà sáng sớm – Ảnh minh hoạ

Sáng đó, tôi đi xuống cầu thang và đập vào mắt tôi cảnh tượng này – đứa con gái 17 tuổi của tôi đang nằm ngủ với một chàng trai lạ. Chắc chúng đã trải qua một đêm “lao động nặng nhọc”. Tôi lặng lẽ làm bữa sáng, quay lên gác nói với vợ, con trai và con gái út của tôi giữ trật tự vì có người đang ngủ.

Bàn ăn của chúng tôi ở đầu kia của căn phòng, cách chiếc xa lông chừng 6 thước. Chúng tôi ngồi xuống và tôi kêu: “Này chàng trai” – chưa bao giờ tôi thấy ai vùng dậy từ trạng thái nằm sang trạng thái đứng nhanh như vậy. “Bữa sáng đã dọn ra rồi”. Tôi nói bằng giọng vui vẻ như thể tôi muốn hút hết linh hồn nó ra khỏi cơ thể. Tôi kéo chiếc ghế bên cạnh tôi: “Ngồi xuống đây”! Cả nhà tôi im lặng, ai nhìn vào đĩa người ấy, thậm chí không nhúc nhích.

Thật khó khăn cho chàng trai mông trần bước hết cái khoảng cách 6m ấy, cố gắng che giấu tình trạng “chào cờ buổi sáng”. Con gái út của tôi và và vợ tôi lộ rõ vẻ sợ hãi. Mặc xong mớ quần áo để cạnh bàn ăn, chàng trai ngồi xuống. Con trai tôi vỗ vai nó, nhìn thẳng vào mắt nó thở dài và lắc đầu. Chàng trai thực sự căng thẳng.

Tôi cất giọng: “Anh bạn này, tôi sẽ hỏi anh một câu hỏi. Câu trả lời của cậu sẽ rất quan trọng…đối với cậu”. Mồ hôi chàng trai úa ra như tắm.

“Cháu có thích mèo không?”

Chàng trai thật dễ mến và thân thiện. Rõ ràng cậu ít học, nhưng không ngu. Cậu có điều gì đó rất lạ. Con gái tôi cam đoan với tôi rằng cậu là người tốt, rất quan tâm săn sóc nó. Hai đứa quen nhau được gần một tháng.

Kể từ buổi sáng hôm đó ngày nào cậu cũng qua nhà tôi, nhưng không ở lại qua đêm. Cứ mỗi sáng nó qua chở con gái tôi đến trường trên chiếc xe đạp của nó, tan học nó lại chở con bé về nhà, giục giã con bé làm bài tập. Nó chăm sóc khi con bé ốm mà chúng tôi thì phải đi làm. Nó đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực. Mỗi khi con bé dở người, nó bộc lộ sự kiên nhẫn của một thiên thần.

Nó nói nó không có gia đình, không được học hành, không có việc làm tử tế. Nhưng con gái tôi yêu nó, nó yêu con gái tôi. Tôi là ai mà ngăn cản con gái tôi học từ những sai lầm của mình?

Sau hôm đó, mọi sự diễn tiến bình thường khoảng 8 tháng. Một hôm con trai tôi kể rằng nó đi điều tra và vỡ lẽ ra chàng trai không có nhà cửa gì cả. Bố nó là kẻ nát rượu đã tự sát. Ba tuần sau, người mẹ rạch giời rơi xuống của nó cũng biến mất.

Khi ấy nó mới 15 tuổi. Suốt 3 năm sau đó nó sống vất vưởng trên phố, ngủ trong công viên với đám bạn bè lang thang như nó. Rồi nó kiếm được việc ở công trường xây dựng.

Nó – một chàng trai tầm 18-19 tuổi, lễ phép, khi đến cũng cười mà khi đi cũng cười, biết chăm sóc, biết giúp đỡ mà không cần phải nhờ. Nó khiến con gái tôi hạnh phúc. Chàng trai ấy đã không có cơ hội được làm con.

Thỉnh thoảng nó bận việc không đến, chúng tôi thấy nhớ nó. Mặc dù không phải là bạn bè nhưng con trai tôi rất hợp với nó. Con gái út của tôi thì tin nó vô điều kiện, còn bản năng người mẹ của vợ tôi thì dường như đã trở nên lớn hơn. Nhiều khi tôi thấy lo cho nó. Tôi muốn nó được hạnh phúc.

Tôi kể cho vợ và con gái út những điều mà tôi biết về chàng trai. Cả hai đều khóc. Khó khăn lắm tôi mới kể được cho họ câu chuyện ấy. Tôi thấy thất vọng về con gái lớn của tôi. Nó biết chuyện, lẽ ra nó phải nói cho chúng tôi biết. Nó yêu thằng ấy, vậy mà đêm đêm nó vẫn để thằng ấy ra về. Về đâu???

Hôm sau, tôi đưa cho thằng bé chìa khoá nhà. Tôi bảo nó tôi chờ nó về nhà mỗi tối. Về nhà. Suốt mấy tuần sau đó, chúng tôi sửa lại căn phòng lâu nay vẫn bỏ không, tôi đưa nó đi mua đồ gỗ. Nó tỏ ra thạo công việc này. Nó thích xây cất và muốn làm chủ cuộc sống của nó. Chúng tôi thấy cần giúp nó học để có thể thực hiện được ước mơ của mình.

Đó là năm 2000. Giờ đây khi 15 năm đã trôi qua, đứa con trai nhặt được của tôi và con gái tôi đang làm chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra. Vợ chồng chúng đã tặng chúng tôi ba đứa cháu ngoại, trong đó có một bé trai và một bé gái sinh đôi hồi năm ngoái.

Vũ Mạnh Cường dịch

Hai lần đò…chìm

Tôi lấy chồng lúc 24 tuổi, sau cưới hai tháng thì anh mất do tai nạn lao động. Tôi với cái thai mới tượng hình cùng nhau đi qua gian khổ. Đến năm 42 tuổi, tôi lập gia đình lần hai vào năm 2012 với người hơn mình đúng… 20 tuổi. Tôi nghĩ anh có tuổi như thế, chắc sẽ chín chắn để cùng nương tựa vào nhau đến cuối đời.

 

Sau khi kết hôn 1 năm tôi quyết định cất lại nhà, mẹ tôi cho tôi một số đất vườn thì anh… xin đứng tên chung. Nghĩ vợ chồng là trăm năm nên tôi không từ chối. Con gái tôi thiếu tình thương cha từ nhỏ nên nó rất quý anh, ngọt ngào gọi “ba”, xưng “con”.

Ba người chúng tôi sống khá hạnh phúc nên từ một căn nhà nhỏ của mẹ con tôi, chúng tôi đã có một căn nhà khang trang. Tôi đã lấy giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng vay 90 triệu đồng. Căn nhà trị giá hơn 200 triệu đồng thì ngoài số tiền vay ngân hàng, bản thân anh, tôi và con gái tôi cũng góp vào mỗi người một ít. Anh làm thợ hồ, tôi phụ bếp ở một dịch vụ nấu đám cưới, con gái tôi đi may gia công.

Thế nhưng sự bất hòa đã bắt đầu từ giữa năm 2014. Anh nhậu nhẹt rồi về chửi bới, đánh đập vợ. Rất nhiều lần tôi đã bỏ qua vì cho rằng “rượu nói, rượu làm”. Ai ngờ anh càng nhậu và quậy nhiều hơn, không những anh chửi tôi mà chửi cả con gái tôi bằng những lời thô bỉ.

2 Lần Đò - Ảnh minh hoạ
2 Lần Đò – Ảnh minh hoạ

Chửi vợ xong, thấy tôi giận, anh về nhờ mẹ ruột anh sang… năn nỉ tôi để gia đình sum họp. Mẹ anh mất, con gái anh đi năn nỉ tôi tha lỗi cho ba nó cái tật nhậu vô là đánh chửi vợ con. Tôi cứ nghĩ, đời mình 2 lần đò mà cũng đã vào tuổi xế chiều, thôi thì cứ im lặng cho vẹn tròn một mái gia đình. Nhưng anh chửi quá, con gái tôi đã dọn ra nhà trọ. Tôi đắng lòng nhìn con gái xách gói ra khỏi căn nhà hai mươi năm êm ấm của mẹ con mà không biết nói lời nào…

Nhà còn lại hai vợ chồng, những tưởng anh sẽ được thoải mái. Nhưng anh bắt đầu “hành” vợ bằng những “chiêu” từ internet. Tôi không làm được như thế thì anh mắng: “Mày con thua mấy con đĩ nữa! Tao bảo sao thì tụi nó làm theo vậy, còn mày là vợ sao không biết nghe lời chồng gì hết!”. Đau đớn, tủi nhục tôi bỏ ra nhà trọ sống với con gái. Bây giờ tôi là người có nhà như không, đi làm cũng không dám vì ra đường sợ anh bắt gặp.

Tôi muốn ly hôn. Cuộc sống hôn nhân đã làm tôi đau đớn từ tinh thần đến thể xác. Nhưng nghĩ tới việc phải chia số tài sản mà trót để anh đứng tên chung thì thấy sao mà cay đắng quá! Mấy năm sống chung, ngoài số tiền anh góp với mẹ con tôi lúc sửa nhà thì anh không hề góp một khoản nào khác. Các khoản sinh hoạt phí của anh đều do mẹ con tôi “bao” hết. Vậy mà anh vẫn còn chưa hài lòng hay sao mà cứ khuấy động mái gia đình?

Muốn ly hôn nhưng nghĩ cảnh đứng trước tòa trả lời vì sao phải chia tay khi ai cũng đã bước vào cuối dốc của cuộc đời khiến tôi buồn thê thảm…

KIM CÚC

Đàn bà!

Chúng ta vẫn thường được nghe những câu như “hôn nhân là nấm mồ tình yêu”, “thân gái mười hai bến nước…”, nhưng hiểu rõ những câu ấy hơn chỉ khi chúng ta thực sự lâm vào hoàn cảnh đó.

 

Đàn bà - Ảnh minh họa Ruthie Dean
Đàn bà – Ảnh minh họa Ruthie Dean
Bản thân tôi ngày trước chưa kết hôn cũng từng suy nghĩ về vấn đề này và vẽ vời rất nhiều về viễn cảnh ấy. Tôi luôn nghĩ rằng đàn ông ngoại tình không hẳn do họ lăng nhăng mà do họ quá quen nên chán vợ. Tôi luôn tự nhủ rằng sau này nếu kết hôn mình phải thật hoàn hảo vừa xinh đẹp trong mắt chồng mà phải vừa vun vén tốt mọi chuyện. Nhưng đó chỉ là một nửa của vấn đề.
Từ ngày còn độc thân tôi được tiếp xúc nhiều với người có gia đình và nghe họ tâm sự rất nhiều điều, nhưng chung quy lại “đàn bà phải chịu sự bất công đó như một lẽ dĩ nhiên”. Đến khi kết hôn rồi tôi mới lại càng vỡ lẽ là cuộc sống của một người đàn bà có gia đình có rất nhiều lẽ dĩ nhiên”.
Chồng ngoại tình thì ngoài việc nhận được những ánh mắt thương cảm của nhà chồng và những bạn bè chứng kiến thì chung quy lại sẽ có những câu như sau “đàn ông mà, kệ nó đi lo chăm con thui con ạ, chán rồi nó lại quay đầu về”, “có lẽ nó chỉ đam mê nhất thời, chứ nó cũng thương con lắm, điển hình là nó có bỏ con đâu”, “thôi đi mày ạ, còn con còn cái ba mẹ bỏ nhau chúng nó khổ chứ ai”…
Khi bị bạo hành vì ghen tuông hay nghiện rượu thì chúng ta lại nhận được câu “èo, nó thương nó mới ghen, nó đánh mày là sai nhưng nhìn lại thì cũng chỉ vì nó thương mày”, “nó nhậu thì mày cứ mặc nó ai bảo mày cằn nhằn chi cho nó đánh”….
Khi chồng vô tư, vô trách nhiệm thì lại được nguỵ biện bởi “ôi, đấy là việc đàn bà”, “nó đi làm cả ngày mệt thì phải cho nó nghỉ”, “ôi trời, bọn đàn ông coi vậy chứ nó còn trẻ con lắm, không được chín chắn như con gái bọn mình đâu, ráng đi biết đâu vài năm nó khác”….
Còn hàng tá, hàng tỷ vấn đề mà đây là ba chủ đề chính thường xuyên xảy ra. Nhưng xin thưa, vì hai tiếng “đàn bà”, vì con mà phải chịu lép mình cả đời sao? Muốn dạy con tốt thì phải cho nó môi trường phát triển tốt, cứ nín nhịn tâm lý không thoải mái thì làm sao mà làm tốt được.
Đàn bà ạ! Đàn ông đi làm, phụ nữ thì không chắc? Trong thời đại “bão giá” như hiện nay đa phần phụ nữ đều phải đi làm thì mới đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt thì sau khi hoàn tất công việc ở công ty họ còn có một công việc “không lương” gọi là “việc nhà” mà phải làm không công lại còn phải xem đó là nghĩa vụ thì có đúng không?
Đàn bà ạ! Đàn ông ngoại tình là chuyện hiển nhiên, phụ nữ ngoại tình là chuyện động trời… Vậy nếu đứng trên cương vị là người vợ bị ngoại tình đó, đàn bà có mạnh miệng thế không?
Đàn bà ạ! Khi có vũ lực xuất hiện phụ nữ luôn là người thiệt thòi nhất, nhưng đáp lại những chuyện như thế bao giờ cũng là câu nói “bỏ qua đi, nó nóng quá nên thế….” sau một tràng bla bla lý do sẽ là “tại mày …. nên nó thế? Nhưng đàn bà ạ, sẽ ra sao nếu ngày mai người phụ nữ bị bạo hành ấy là con gái của đàn bà?
ĐÀN ÔNG ạ, kết hôn rồi phụ nữ gánh chồng trên cái trách nhiệm mưu sinh là trách nhiệm là dâu, làm vợ, làm mẹ. Hàng tỷ tỷ việc cần làm, cần nhớ. Họ cũng chỉ có một đầu, hai tay và hai chân thôi “đàn ông” ạ.
Đàn ông ạ! Ai cũng muốn xinh đẹp và tươi mới – đó là bản chất, bản năng của phụ nữ rồi, nhưng tại sao lấy anh về họ lại xuề xoà, họ luộm thuộm không có thời gian chăm sóc bản thân thì phải chăng đàn ông nên xem lại chính mình trước khi trách vợ trông phát chán.
Đàn ông ạ! Phụ nữ khi kết hôn rồi thì đàn ông chính là ông trời, là mái nhà của họ. Họ sống hy sinh tất cả cho gia đình thì đàn ông hãy cư xử sao cho xứng đáng với điều đó. Một cô gái đẹp giúp đàn ông thoả mãn trong việc “rung rinh bốn cái chân giường” dễ tìm lắm nhưng một người vợ biết vun vén gia đình thì không so sánh được đâu. Đàn ông bảo đàn ông “yêu” tình mới vì họ hiểu, họ chiều đàn ông, nhưng đàn ông không nghĩ lại ngày xưa trước khi lấy nhau hai người không có điều đó sao. Đàn bà kết hôn rồi phải yêu cha mẹ mình, cha mẹ chồng, con cái mình thì làm sao dành hết tình cảm trọn vẹn cho đàn ông được. Đàn ông có bao giờ tự hỏi là mình có còn yêu, còn hiểu, còn chiều vợ mình như ngày xưa không? Liệu cô ấy có cảm giác như mình lúc này không?
Đàn ông mỗi khi sai chuyện gì thì lại abc xyz nguỵ biện rằng mình là trụ cột gia đình nên có quyền làm thế. Nhưng đàn ông biết không trụ côt gia đình nghĩa là đàn ông phải gánh vác hầu hết tất cả những việc trong gia đình, có như vậy đàn ông mới có quyền áp đặt phụ nữ. Còn đàn ông mà chỉ biết mỗi tháng đưa cho vợ vài đồng làm vợ mình phải vắt trán suy nghĩ cân đối chi tiêu mà cứ vô tư hò hét vào mặt vợ thì chỉ là ĐÀN ÔNG THỐI.
Chợt buồn, không chỉ buồn vì mình có con gái, không chỉ vì cách đàn ông đối xử với đàn bà mà còn buồn vì cách đàn bà đối xử với đàn bà. Đàn bà với đàn bà mà còn đối với nhau như thế thì nói sao đàn ông không đối xử tệ với đàn bà.
Mỹ Châu

Thùng nước gạo của mẹ làm xấu mặt con!

Cúp máy mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì nghe con nói có người yêu đã lâu, cứ thấp thỏm chờ đợi giờ mới được gặp mặt, nhưng lại lo nghĩ cách làm sao để đón tiếp con rể tương lai một cách chu đáo.

Cả đêm mẹ trằn trọc, hết xoay mình lại trở người. Bố thấy mẹ cọ quậy cũng thức giấc theo: “Sao không ngủ đi mà còn vắt tay lên trán thế?”. “Đang nghĩ xem ngày mai nấu món gì đây. Bạn nó sống trên đó chắc đã quen với món ngon, mấy món ở quê không biết nó có dùng được không?”. “Gì chứ thịt gà quê luộc và canh cua đồng thì còn gì bằng. Trên thành phố có tiền chắc gì đã mua được những thứ đó” – bố “hiến kế”. Mẹ thấy cũng có lý, đầu nhẹ bẫng đi nhưng vừa chợp mắt được một lúc thì đã nghe tiếng gà gáy.

Mẹ đã khóc - Ảnh minh họa
Mẹ đã khóc – Ảnh minh họa

 

Mẹ thức dậy, dắt chiếc xe đạp ra sân. Xe non hơi lại phải gọi bố dậy bơm. Trước khi đạp xe ra chợ, mẹ không quên quay lại dặn bố: “Bố nó nhớ quét cửa ngõ cho sạch sẽ rồi hẵng đưa trâu ra đồng thả nhé”. Bố ừ à rồi đùa “đón con rể mà cứ như đón tổng thống” ấy.
Trời nắng nóng 38, 39o, mẹ đi chợ về giữa đường thì xe bị xẹp lốp. Đứng chờ bác thợ sửa xe mà mẹ nôn nóng không yên. Về nhà cũng chẳng kịp thay quần áo, mẹ xắn tay vào bếp. Vừa đặt nồi cơm lên thì mất điện nên phải cho ra xoong gang nấu bếp củi, vừa canh lửa vừa tranh thủ giã cua. Nghĩ cảnh trời nắng con đi đường xa về chắc sẽ khát nên mẹ lại tất tả đi hãm ấm chè vối. Đang xoay vần trong bếp thì nghe tiếng xe máy vào ngõ, mẹ mừng quýnh vuốt mồ hôi chạy ra. “Con rể tương lai” nhìn thấy mẹ tươi cười chào hỏi còn con gái có vẻ không vui. Suốt bữa ăn con gái vẫn giữ nguyên vẻ mặt đó khiến mẹ thấy lo. Rồi mẹ cũng biết được lý do khi nghe con gái càu nhàu: “Con đã dặn mẹ dọn dẹp nhà cửa rồi mà cái thùng nước gạo mẹ vẫn để chềnh ềnh ở trước cổng, đi vào đập ngay vào mắt”. Mẹ lặng người nghe con gái trách móc. Tối qua mẹ đi lấy nước gạo về muộn, cơm nước xong lại phải dọn dẹp nhà cửa để đón bạn con về, sáng lại đi chợ sớm nên chưa kịp cất đó thôi.
Tưởng ngày nghỉ cuối tuần con sẽ ở nhà vài ba hôm, ai dè con bảo chiều sẽ lên thành phố luôn vì mai có việc. Trời chiều nắng vẫn còn chói gắt nhưng mẹ đã phải đội nón ra vườn hái túi chanh tươi để con mang lên dùng trong những ngày nóng, rồi lại hì hụi gói ghém cho con chục trứng gà.
Con gái đi rồi, bố lắc đầu nhìn mẹ: “Không biết là nó bận việc thật hay sợ ở nhà mất điện chịu không được? Có mỗi cái thùng nước gạo thôi mà nó cũng cằn nhằn mẹ, chẳng lẽ nó đã quên nhờ có cái thùng nước gạo mẹ nó nuôi lợn mới có tiền cho nó ăn học hay sao?”. Mẹ lẳng lặng đi vào nhà, lòng gợn buồn.

 

 

Sắp cưới tôi, anh vẫn sống chung nhà với vợ cũ

Ít hôm nữa anh đã chính thức là chồng tôi. Tôi vẫn chưa thể xuất hiện, mỗi tối vẫn phải tiễn anh về “căn nhà của anh và chị”. Lấy lý do chưa mua được nhà mới, con gái đang bị khủng hoảng, chị nhất định không chịu đi.

Tôi gặp và yêu anh khi anh và vợ cũ không còn tình cảm, 2 người đã sống ly thân khá lâu. Lúc đầu đến với nhau, tôi và anh đều là 2 con tim cô đơn lạc lối, không xác định gì cả. Tôi chỉ nghĩ mình sẽ là một phần nhỏ bé trong cuộc sống của anh. Anh còn có con gái, nó là tải sản, là tình yêu lớn nhất trong đời anh, mọi thứ anh làm đều vì con gái. Nói có thể mọi người không tin, khi yêu chẳng có người phụ nữ nào không ghen, nhưng tôi khác, tôi chỉ muốn anh hạnh phúc, tôi yêu anh và yêu tất cả mọi thứ thuộc về anh, kể cả con gái anh và “chị ấy” nữa.

Dù anh kể cho tôi rất nhiều điều về chị, nguyên nhân anh chị ly thân. Cách đây 4 năm khi anh bị ung thư bàng quang, tưởng không qua khỏi nên chị muốn xa lánh anh, đã có những hành động chiếm tài sản. Thật may anh khỏi bệnh, tuy chữa khỏi nhưng nguy cơ tái phát bất kỳ lúc nào, 6 tháng anh phải đi kiểm tra một lần. Dù thế nào tôi vẫn luôn mong muốn anh và chị có thể quay lại tình cảm vợ chồng ngày xưa, mỗi lần tôi khuyên nhủ anh, anh lại trả lời câu duy nhất “Mọi thứ hết rồi em à”.

Thời gian cứ thế trôi đi, tôi càng yêu anh nhiều hơn, bắt đầu khóc thầm mỗi khi nghĩ anh đang hạnh phúc cùng gia đình. Tôi tự nhủ “Mình không được ích kỷ như vậy, mình chỉ muốn đem niềm vui đến cho anh mà thôi”. Một buổi tối, khi tôi và anh đang hạnh phúc bên nhau, anh đã hỏi: “Em có muốn làm vợ anh không?” Câu hỏi quá bất ngờ, tôi òa khóc, khóc như một đứa trẻ, tôi lắc đầu “Không, không, anh đừng bao giờ hỏi em câu hỏi đó”. Anh nói “Anh sẽ hỏi đến ngày em gật đầu đồng ý”.

Anh và chị ra tòa, chưa đầy 2 tháng sau đã có quyết định ly hôn nhưng con gái anh lại bắt đầu có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Anh rất lo lắng, tôi cũng vậy. Trước khi ra tòa, anh chị đã có thỏa thuận viết tay về phân chia tài sản, anh lấy lại căn nhà và tiền bạc, xe cộ để lại cho chị để chị có thể mua căn nhà khác. Lấy lý do chưa mua được nhà mới, con gái đang bị khủng hoảng, chị nhất định không chịu đi.

Vì con gái sức khỏe không tốt nên tôi chưa muốn xuất hiện, chúng tôi lại muốn đăng ký kết hôn luôn, ít hôm nữa anh đã chính thức là chồng tôi. Tôi vẫn chưa thể xuất hiện, mỗi tối vẫn phải tiễn anh về “căn nhà của anh và chị”. Vì sao trước kia tôi không có tâm trạng như thế này? Giờ tôi luôn cáu gắt với bản thân, không dám trách anh, anh đã cố gắng mọi thứ vì chúng tôi. Tôi phải làm gì khi anh ấy sắp trở thành chồng tôi mà vẫn sống bên vợ cũ. Mọi người hãy cho tôi lời khuyên. Chân thành cảm ơn.

My

Khát con trai, tôi thấy mình thật xấu xa

Cũng như bao cô gái khác, tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, tôi xây dựng gia đình. Vợ chồng tôi đều là trí thức, có tư tưởng cởi mở, rất ghét những quan niệm phong kiến, cổ hủ, những suy nghĩ cực đoan, nhất là chuyện phân biệt con trai, con gái.

Phân biệt con trai con gái
Phân biệt con trai con gái – Ảnh minh họa

Ngày ấy cách đây hơn hai mươi năm chưa có siêu âm nên khi có thai không biết là con gì. Những người có kinh nghiệm chỉ nhìn bụng bầu mà đoán. Người ta bảo nếu bụng to tròn, kềnh càng và nặng nề thì đó là con gái, còn bụng nhọn, gọn gàng thì đó là con trai.

Từ khi tôi mang bầu đến khi chuẩn bị sinh thì hầu như ai cũng đoán là con trai vì bụng nhỏ gọn, đi lại nhanh nhẹn. Tôi không thuộc thành phần khát con trai nhưng nghe họ đoán thế vợ chồng tôi cũng mừng. Sinh con đầu lòng nếu là trai thì càng “chắc ăn”, hầu hết đó là tâm lý của các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con đầu lòng.

 

Mừng đến nỗi lúc nào tôi cũng nghĩ đến một đứa con trai khỏe mạnh và kháu khỉnh, nhất là tưởng tượng ra “cái mậm giềng” nho nhỏ với “trái vải thiều hồng hồng”, mỗi lần tè, nó vọt cần câu có khi vào cả mâm cơm – cái cảnh này tôi đã từng chứng kiến – khiến cả nhà được phen náo động và hỉ hả.

Cái đêm tôi vượt cạn ở khoa sản bệnh viện tỉnh, có một đoàn sinh viên trường Đại học Y thực tập. Khi lên bàn đẻ dù rất đau và trước đông người nhưng tôi được an ủi hơn nhiều vì ý nghĩ sung sướng sắp được ôm chàng hoàng tử. Cùng tiếng khóc non nớt của con cất lên, nằm trên bàn đẻ dù rất mệt, tai tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng của một cậu sinh viên an ủi: Thế là chị có người cơm nước nấu nướng rồi nhé!
Bé gái đầu lòng ra đời, tuy không phải là con trai như vẫn nghĩ trước đây, nhưng cả gia đình tôi, chồng tôi, mừng vui chào đón vì đó là con đầu cháu sớm. Hơn nữa cháu rất kháu khỉnh, cặp mắt lanh lợi, thần thái tươi tỉnh rất đáng yêu.
Duy chỉ có tôi là chạnh lòng. Cái cảm giác mừng hụt cứ đeo bám. Thì ra tôi cũng “cay” con trai. Đến độ mỗi lần xi cháu tè, tôi thầm tưởng tượng và ước ao giá như “cái đó” là “mậm giềng”, hay giá như đến một ngày nào đó nó dần dài ra thành “con chim”. Nhìn những chị cùng phòng sinh con trai mà tôi thấy thèm khát. Tôi ước con mình là trai, kể cả sứt môi hay xấu xí một chút cũng được (tôi nói rất thật). Và tôi thấy mình thật xấu xa, tội lỗi, và tôi giấu kín những suy nghĩ này.
Thời gian trôi qua, tôi không còn nghĩ đến chuyện con trai, con gái nữa. Nhất là khi con gái tôi chập chững biết đi, biết nói, đáng yêu quá. Tôi cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc khó nói thành lời, đó là món quà mà ông trời ban cho gia đình tôi. Biết bao gia đình khác thèm muốn mà “trời không cho”. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, chạy chữa tốn kém, áp lực gia đình, họ hàng khiến tinh thần căng thẳng, chỉ ước ao một đứa con, bất kể trai gái mà mong chờ đến mòn mỏi. Nhiều người đã quá lứa, chuyện sinh con kể như đã chấm dứt, chẳng còn gì để mà mong chờ.
Chồng tôi không biết hiểu về tôi đến đâu nhưng anh vẫn tỏ rõ niềm hạnh phúc mỗi khi bên con, anh cưng chiều con gái như thể thế gian này mỗi mình anh có con. Anh luôn bảo anh quý con gái hơn cả con trai, nếu sinh lần thứ hai con gái cũng rất tốt, vì hai gái vẫn còn hơn là một. Tôi nghe vậy mà thấy nhẹ lòng.
Mỗi lần ở quê lên chơi với cháu, mẹ chồng tôi vẫn thường hay “xướng” lên cho cả nhà nghe rõ: “Trai mà làm gì, gái mà làm gì / Con nào có ngãi, có nghì thì hơn. Cứ hãy nuôi dạy nó tốt, con gái còn bằng vạn lần con trai”. Gương mặt bà rạng rỡ chứng tỏ bà nói thật chứ không hề động viên vợ chồng tôi. Tôi biết ơn bà về điều ấy.
Đúng như lời mẹ chồng tôi nói, và tôi cứ theo bà mà làm, con gái tôi giờ đã thành đạt. Những năm học phổ thông, cháu đều là học sinh xuất sắc, dẫn đầu lớp chuyên của trường Amstecdam- một trường chuyên bậc nhất thủ đô. Mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo thường đem cháu ra để làm gương, đến độ nhiều phụ huynh phải thốt lên: Con gái mà giỏi thế khiến tôi rất mát mặt.
Ai đã trải qua những phút giây như vậy thì mới thấy hạnh phúc không phải là tiền bạc, mà là những đứa con giỏi ngoan, bất kể là trai hay gái. Bởi tương lai của các bậc làm cha, mẹ chính là con cái.

Học hết phổ thông, nhờ trí thông minh, sự nỗ lực vượt bậc cộng với sự động viên dẫn dắt của bố mẹ, con gái tôi đã được nhận được học bổng của một trường đại học của Mỹ. Cháu sang Mỹ du học mà tôi như trong giấc mơ, điều mà trước đây thậm chí tôi không bao giờ dám mơ đến. Cả gia đình tôi đều tự hào vì con gái đã làm dạng danh mái trường nơi cháu học; rạng danh gia đình, dòng họ; hơn nữa là quê hương, đất nước.

Đó không chỉ là kết quả của sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo trong một mái ấm gia đình mà trước hết là từ một quan niệm đúng đắn của mẹ chồng tôi: Trai mà làm gì, gái mà làm gì / Con nào có ngãi, có nghì thì hơn.
Độc giả Tóc Tiên ([email protected])