Tag Archives: con trai

Dung hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu

Nhiều người cho rằng, mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu là đề tài không có hồi kết, và rất khó dung hòa. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý giới tính – bác sĩ Lan Hải, nếu cả hai phía cùng nỗ lực, không khó để cải thiện mối quan hệ này.

Dung hoà mẹ chồng nàng dâu
Dung hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu

MẸ CHỒNG ĐỘ LƯỢNG, NÀNG DÂU NHƯỜNG NHỊN

Khi hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ cùng quan tâm đến “người đàn ông” của mình, rất dễ phát sinh mâu thuẫn. Mẹ chồng cậy quyền, đánh mất sự độ lượng, đẩy nàng dâu vào thế khó: im lặng, cam chịu, rồi than thân trách phận. Thật ra trong gia đình, ngay cả chị em ruột, mẹ con vẫn xảy ra mâu thuẫn. Vì vậy, đừng quá ”sốc” khi bất đồng quan điểm với mẹ chồng.

Nàng dâu phải biết khéo léo xử sự sao cho vẹn tình. Không phải cứ im lặng là tốt. Mẹ chồng – nàng dâu có quyền nhận xét về nhau, vấn đề là ý kiến có tính chất xây dựng, và lành mạnh hay không còn thể hiện bản lĩnh của người trong cuộc.

Lời nhận xét về nhau cần phải chân thành, không có ý bêu riếu, mỉa mai, lôi kéo người khác đứng về phía mình. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu ở mức độ nào tùy thuộc vào sự độ lượng của mẹ chồng và cách sống của nàng dâu. Nàng dâu nên kính nhường mẹ chồng, sẽ nhận lại sự ưu ái. Duy trì mối quan hệ ấy thật tốt, nàng dâu sẽ thu được nhiều mặt lợi, ngược lại, sẽ mất nhiều niềm tin, niềm vui, uy tín. Mẹ chồng cũng vậy, độ lượng với con dâu là thu về một “nội tướng” giỏi.

DÂU LÀ CON

Ông bà ta xưa nay vẫn quan niệm, dâu là con gái. Người làm dâu là làm nhiệm vụ gánh vác giang san, thu vén trong ngoài sao cho vẹn toàn. Trách nhiệm ấy không kém phần nặng nề, nếu không có sự hỗ trợ của những người thân phía gia đình nhà chồng, nhất là mẹ chồng. Người làm dâu phải khéo léo thể hiện, xem mình là con gái trong nhà.

Nếu chưa được lòng mẹ chồng, hãy chịu khó gần gũi, tìm hiểu, học cách kìm nén cảm xúc. Không nên giải tỏa cảm xúc bằng thái độ bất cần, thách thức với bạn bè, láng giềng, hay trên các trang mạng xã hội. Nên nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực, kiểu “mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

Mẹ chồng nếu bất đồng với con dâu, cũng nên giãi bày, giống như cách chỉ dạy cho con gái, đừng quá xét nét, hồ đồ, cũng không cậy quyền, dễ tạo mâu thuẫn, khoảng cách. Xác định “dâu là con”, con dâu sẽ thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình nhà chồng, không câu nệ, trách móc, dễ bỏ qua mọi điều mà mình cho là “khó ở”, bởi bây giờ mình đã trở thành “con gái” trong nhà, phải biết lắng nghe cha mẹ chỉ dạy.

Xác định “dâu là con”, mẹ chồng sẽ dễ thông cảm, không chấp nhặt, hay nặng nề với dâu. Từ đó, sự chia sẻ việc nhà, chuyện tình cảm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Khoảng cách mẹ chồng – nàng dâu sẽ được rút ngắn lại, dần đồng điệu, nhịp nhàng, cởi mở hơn trong mối quan hệ vốn được xem là nhạy cảm.

HÃY VÌ “NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA MÌNH”

Hãy thành thật với mẹ chồng bằng cách lấy “vũ khí” từ ông xã. Thông qua chồng, nàng dâu sẽ hiểu hơn về mẹ chồng, thậm chí nhờ chồng hiến kế cách dung hòa. Người chồng nào cũng mong vợ biết quan tâm, nhún nhường, an ủi, đỡ đần, yêu thương mẹ. Một nàng dâu thông minh còn phải biết ơn người sinh ra chồng mình, đã nuôi lớn, dạy dỗ, yêu thương, để rồi người đàn ông ấy… về tay mình, mà ăn ở phải phép. Khi ấy nàng sẽ được lòng cả hai.

Mẹ chồng cũng nên nghĩ rằng, mình cưới vợ là cưới cho con trai. Con trai ăn đời ở kiếp với vợ, chứ không phải với mẹ chồng, nên việc rộng lượng với con dâu sẽ khiến con trai hạnh phúc. Mẹ chồng phải biết tin vào sự lựa chọn của con trai, vào cách giáo dục của gia đình với con trai, và ngầm hiểu rằng, gia đình có thêm người con gái chứ không phải người ấy đã “cướp” đi con trai của mình.

Hiểu như vậy sẽ là bí quyết để hai bên tôn trọng, thành thật với nhau. Hãy gieo hạt giống của lòng chân thật, sự hiểu biết, tình yêu thương vào mái ấm gia đình, để nhận lấy mọi điều tốt đẹp.

Khi hai người phụ nữ cùng quan tâm đến “người đàn ông của mình” theo một cách riêng, sẽ dễ xảy ra bất đồng. Hãy nên tìm tiếng nói chung, chớ đẩy người đàn ông ấy vào giữa “hai làn đạn”.

 SONG NGUYÊN (ghi)

Khát con trai, tôi thấy mình thật xấu xa

Cũng như bao cô gái khác, tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, tôi xây dựng gia đình. Vợ chồng tôi đều là trí thức, có tư tưởng cởi mở, rất ghét những quan niệm phong kiến, cổ hủ, những suy nghĩ cực đoan, nhất là chuyện phân biệt con trai, con gái.

Phân biệt con trai con gái
Phân biệt con trai con gái – Ảnh minh họa

Ngày ấy cách đây hơn hai mươi năm chưa có siêu âm nên khi có thai không biết là con gì. Những người có kinh nghiệm chỉ nhìn bụng bầu mà đoán. Người ta bảo nếu bụng to tròn, kềnh càng và nặng nề thì đó là con gái, còn bụng nhọn, gọn gàng thì đó là con trai.

Từ khi tôi mang bầu đến khi chuẩn bị sinh thì hầu như ai cũng đoán là con trai vì bụng nhỏ gọn, đi lại nhanh nhẹn. Tôi không thuộc thành phần khát con trai nhưng nghe họ đoán thế vợ chồng tôi cũng mừng. Sinh con đầu lòng nếu là trai thì càng “chắc ăn”, hầu hết đó là tâm lý của các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con đầu lòng.

 

Mừng đến nỗi lúc nào tôi cũng nghĩ đến một đứa con trai khỏe mạnh và kháu khỉnh, nhất là tưởng tượng ra “cái mậm giềng” nho nhỏ với “trái vải thiều hồng hồng”, mỗi lần tè, nó vọt cần câu có khi vào cả mâm cơm – cái cảnh này tôi đã từng chứng kiến – khiến cả nhà được phen náo động và hỉ hả.

Cái đêm tôi vượt cạn ở khoa sản bệnh viện tỉnh, có một đoàn sinh viên trường Đại học Y thực tập. Khi lên bàn đẻ dù rất đau và trước đông người nhưng tôi được an ủi hơn nhiều vì ý nghĩ sung sướng sắp được ôm chàng hoàng tử. Cùng tiếng khóc non nớt của con cất lên, nằm trên bàn đẻ dù rất mệt, tai tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng của một cậu sinh viên an ủi: Thế là chị có người cơm nước nấu nướng rồi nhé!
Bé gái đầu lòng ra đời, tuy không phải là con trai như vẫn nghĩ trước đây, nhưng cả gia đình tôi, chồng tôi, mừng vui chào đón vì đó là con đầu cháu sớm. Hơn nữa cháu rất kháu khỉnh, cặp mắt lanh lợi, thần thái tươi tỉnh rất đáng yêu.
Duy chỉ có tôi là chạnh lòng. Cái cảm giác mừng hụt cứ đeo bám. Thì ra tôi cũng “cay” con trai. Đến độ mỗi lần xi cháu tè, tôi thầm tưởng tượng và ước ao giá như “cái đó” là “mậm giềng”, hay giá như đến một ngày nào đó nó dần dài ra thành “con chim”. Nhìn những chị cùng phòng sinh con trai mà tôi thấy thèm khát. Tôi ước con mình là trai, kể cả sứt môi hay xấu xí một chút cũng được (tôi nói rất thật). Và tôi thấy mình thật xấu xa, tội lỗi, và tôi giấu kín những suy nghĩ này.
Thời gian trôi qua, tôi không còn nghĩ đến chuyện con trai, con gái nữa. Nhất là khi con gái tôi chập chững biết đi, biết nói, đáng yêu quá. Tôi cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc khó nói thành lời, đó là món quà mà ông trời ban cho gia đình tôi. Biết bao gia đình khác thèm muốn mà “trời không cho”. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, chạy chữa tốn kém, áp lực gia đình, họ hàng khiến tinh thần căng thẳng, chỉ ước ao một đứa con, bất kể trai gái mà mong chờ đến mòn mỏi. Nhiều người đã quá lứa, chuyện sinh con kể như đã chấm dứt, chẳng còn gì để mà mong chờ.
Chồng tôi không biết hiểu về tôi đến đâu nhưng anh vẫn tỏ rõ niềm hạnh phúc mỗi khi bên con, anh cưng chiều con gái như thể thế gian này mỗi mình anh có con. Anh luôn bảo anh quý con gái hơn cả con trai, nếu sinh lần thứ hai con gái cũng rất tốt, vì hai gái vẫn còn hơn là một. Tôi nghe vậy mà thấy nhẹ lòng.
Mỗi lần ở quê lên chơi với cháu, mẹ chồng tôi vẫn thường hay “xướng” lên cho cả nhà nghe rõ: “Trai mà làm gì, gái mà làm gì / Con nào có ngãi, có nghì thì hơn. Cứ hãy nuôi dạy nó tốt, con gái còn bằng vạn lần con trai”. Gương mặt bà rạng rỡ chứng tỏ bà nói thật chứ không hề động viên vợ chồng tôi. Tôi biết ơn bà về điều ấy.
Đúng như lời mẹ chồng tôi nói, và tôi cứ theo bà mà làm, con gái tôi giờ đã thành đạt. Những năm học phổ thông, cháu đều là học sinh xuất sắc, dẫn đầu lớp chuyên của trường Amstecdam- một trường chuyên bậc nhất thủ đô. Mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo thường đem cháu ra để làm gương, đến độ nhiều phụ huynh phải thốt lên: Con gái mà giỏi thế khiến tôi rất mát mặt.
Ai đã trải qua những phút giây như vậy thì mới thấy hạnh phúc không phải là tiền bạc, mà là những đứa con giỏi ngoan, bất kể là trai hay gái. Bởi tương lai của các bậc làm cha, mẹ chính là con cái.

Học hết phổ thông, nhờ trí thông minh, sự nỗ lực vượt bậc cộng với sự động viên dẫn dắt của bố mẹ, con gái tôi đã được nhận được học bổng của một trường đại học của Mỹ. Cháu sang Mỹ du học mà tôi như trong giấc mơ, điều mà trước đây thậm chí tôi không bao giờ dám mơ đến. Cả gia đình tôi đều tự hào vì con gái đã làm dạng danh mái trường nơi cháu học; rạng danh gia đình, dòng họ; hơn nữa là quê hương, đất nước.

Đó không chỉ là kết quả của sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo trong một mái ấm gia đình mà trước hết là từ một quan niệm đúng đắn của mẹ chồng tôi: Trai mà làm gì, gái mà làm gì / Con nào có ngãi, có nghì thì hơn.
Độc giả Tóc Tiên ([email protected])

Đón ngay con riêng của chồng về nhà khi chuyện vỡ lở

“Ngày mai, ông đưa tôi đến gặp ngay con để tôi đón con về gia đình ra mắt họ hàng”. Trước mặt họ hàng bà tuyên bố: Gia đình nhà tôi nay có thêm cậu út, tôi sẽ đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai tôi.

 

Tôi xin kể một câu chuyện diễn ra cách đây hơn 10 năm trên quê hương Vĩnh Phúc của tôi: Một vị lãnh đạo sở của tỉnh Vĩnh Phú xưa, gia đình ông có 6 người con gái, không có con trai. Ông cũng là con trưởng của gia đình. Khi ông về hưu, nhân ngày cả gia đình và các con gái về chơi, ông chậm dãi nói với bà: “Tôi có lỗi với bà và các con. Tôi có một thằng con trai với một cô giáo, nay nó đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại Hà Nội. Nó chuẩn bị lấy vợ.

Bà vợ ngồi im chưa nói gì, các cô con gái, con rể và cháu ngoại đều lên tiếng, người tỏ bất bình, người lại bảo từ từ để xem thế nào. Một lúc sau bà vợ đứng phắt dậy đi ra giữa nhà chỉ tay về phía ông mà nói: Ông làm lãnh đạo nhiều năm mà lại hồ đồ như vậy à? Ông xem lại mình đi, ông để con trai của mình bao nhiêu năm nay sống không có bố chính thức, như vậy mà ông vẫn sống được à?

Mọi người đều im lặng, bà nói tiếp: Ngày mai, ông đưa tôi đến gặp ngay con để tôi đón con về gia đình ra mắt họ hàng. Quả thật ngày hôm sau, nhà ông lại có cỗ, họ hàng đến rất đông, câu chuyện rất rôm rả đa chiều. Trước mặt họ hàng bà tuyên bố: Gia đình nhà tôi nay có thêm cậu út, tôi sẽ đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai tôi.

Về sau bà làm như tuyên bố, bà tâm sự với mọi người rằng: Tôi làm như vậy để giữ lấy nếp nhà, mai kia có chết đi còn có người hương khói, có chỗ cho các con gái về tụ họp mỗi khi giỗ cha mẹ chúng. Chứ con gái lấy chồng rồi theo nhà chồng, nó có mang bát hương về nhà chồng được đâu. Ít lâu sau cậu út sinh con, bà bảo với bà hai: Tôi đã chăm sóc cho ông ấy cả đời rồi, bây giờ đến lượt dì đi mà chăm ông ấy. Tôi phải xuống Hà Nội trông cháu nội tôi. Đến nay gia đình họ vẫn hòa thuận hạnh phúc.

Lê Thanh

Chồng bí mật cưới thêm vợ để có con trai

Chồng tôi đã lén lút cưới một cô gái còn kém cả tuổi con gái lớn của tôi và họ có với nhau 2 con trai, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Anh cầu xin tôi chấp nhận 2 con trai riêng của anh cùng người vợ trẻ.

Tôi 53 tuổi, có hai con gái. Con gái lớn đã có chồng con, con gái út đang học đại học. Cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước. Nhìn bề ngoài, ai cũng nói gia đình tôi hạnh phúc. 30 năm qua, vợ chồng tôi đã thương yêu nhau nhất mực, cùng nhau nuôi dạy 2 con khôn lớn trưởng thành. Tôi rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại.

Nhưng chồng tôi, từ trong sâu thẳm, tôi hiểu anh vẫn ao ước có con trai, anh là con trưởng nên muốn có con trai nối dõi tông đường. Có lần anh nói với tôi, nếu anh có con trai riêng thì sao, tôi gạt phắt và tỏ ý cương quyết không chấp nhận.

Thế rồi cách đây 10 ngày, cô bạn thân điện thoại hốt hoảng báo tin gặp chồng tôi đang bế bé trai khoảng 2 tuổi. Cô ấy vô cùng sửng sốt vì trong mắt bạn bè, gia đình tôi luôn là gia đình hạnh phúc. Cô ấy bí mật tìm hiểu mới biết chồng tôi đã lén lút cưới một cô gái còn kém cả tuổi con gái lớn của tôi và họ đã có với nhau 2 con trai, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi.

Đến nước này chồng tôi mới thú nhận, rằng anh rất yêu thương tôi, yêu thương các con, anh luôn coi gia đình tôi là tổ ấm của mình, rằng anh chỉ khao khát con trai nên mới phải bí mật lén lút cưới cô gái kia để có con trai. Anh cầu xin tôi chấp nhận 2 con trai riêng của anh cùng người vợ trẻ và vẫn muốn tồn tại hai gia đình như đã từng tồn tại hơn 8 năm qua.

Tôi thật sự sốc nặng, bao nhiêu năm qua tôi hoàn toàn tin tưởng chồng, đồng cam cộng khổ, hết lòng yêu chồng thương con, chắt chiu nhặt nhạnh từng mẩu vụn của hạnh phúc. Tôi là người đàn bà đáng thương, quá hiền lành và ngu ngốc để bị anh lừa dối suốt 8 năm mà không hề hay biết, giờ đây nghĩ lại tôi mới thấy mình thật quá tin người.

Hơn 10 năm qua, chồng không hề đưa cho tôi một đồng lương nào vì anh nói cơ quan anh đang có khó khăn, lương chỉ được vài triệu để anh chi tiêu riêng do anh có nhiều mối quan hệ, nhiều bạn bè, nhiều việc phải chi. Tôi hoàn toàn tin tưởng, không bao giờ đòi hỏi vì nghĩ đàn ông không làm ra tiền dễ bị tổn thương.

Có lúc, tình cờ tôi nghe được anh điện thoại rất tình cảm và âu yếm hai mẹ con một người phụ nữ. Tôi hỏi thì anh nói là gọi điện cho cô em gái. Tôi cũng tin anh. Có lần tình cờ tôi thấy trong máy điện thoại của anh (anh không bao giờ rời xa chiếc điện thoại) có nhiều cuộc điện thoại đến bác sĩ sản khoa mà cả hai vợ chồng đều biết. Tôi hỏi thì anh trả lời hỏi giúp con một đồng nghiệp chuẩn bị sinh con. Tôi cũng tin.

Không biết trên đời này còn có ai cả tin và ngu ngốc như tôi không? Sao người chồng đầu gối tay ấp trong 30 năm qua có thể gây ra tội ác tày trời? Làm sao chiều chiều anh vẫn về với mẹ con tôi, vẫn tình cảm với vợ con mà lừa dối tôi khủng khiếp như vậy? Bây giờ tôi phải làm gì, mong các bạn hãy giúp tôi những lời khuyên để tôi có thể vượt qua cơn bão tố khủng khiếp này, để có thể sống tiếp quãng đời còn lại. Xin cảm ơn các bạn.

Thảo

Lâm Tâm Như nhận 999 bông hồng trong ngày Tình yêu

Nữ diễn viên khiến người hâm mộ bất ngờ khi chụp ảnh cùng một người được cho là bạn trai mới của cô cùng 999 bông hoa hồng anh tặng cô trong ngày Tình yêu 6/8 vừa qua.> Lâm Tâm Như, Lâm Chí Dĩnh bất đắc dĩ gặp mặt Continue reading Lâm Tâm Như nhận 999 bông hồng trong ngày Tình yêu