Category Archives: Tâm sự gia đình

Mừng sinh nhật Mẹ yêu!

Mùng bốn tháng mười cái ngày bình thường hằng có của từng năm, ắt hẳn không ai chú ý tới nó, con cũng giống như họ lãng quên đi ngày này, để rồi hôm nay nghe bài hát “ Con yêu mẹ” con thấy mình lãng phí quãng thời gian khi xưa quá, con ước chi thời gian có thể quay trở lại con sẽ mang nụ cười dành cho mẹ nhiều hơn.

Sinh nhật mẹ
Sinh nhật mẹ – Ảnh minh họa

Mẹ thân yêu!

Không biết trên nhà mình có mưa không nhỉ còn Sài Gòn thì mưa lớn lắm mẹ yêu à. Ngồi nhìn mưa con thấy nhớ nhà da diết và dĩ nhiên con nhớ tới mẹ và cả ba con nữa.

23 năm mẹ dành cho con hết tình thương ấy vậy mà 23 năm qua con hờ hững không quan tâm tới mẹ. Con chỉ biết nghẹn ngào không dám đối mặt với mẹ khi con cãi lời mẹ quen bạn mà mẹ không thích, khi con lấy trộm tiền của mẹ mua điện thoại, để giờ đây con nhận ra trong 23 năm qua con khiến lệ mẹ rơi nhiều hơn nụ cười.

Người ta thường nói con gái là hiểu mẹ nhất nhưng dường như câu nói đó hoàn toàn ngược lại với con thì phải, làm gì có đứa con gái nào hợp mẹ mà lại hay cãi lời mẹ, hay hờn trách mẹ tại sao sinh ra mình khi mỗi lần mình thấy thua thiệt bạn bè, làm gì có đứa con gái nào chỉ biết nói cho hả giận để rồi đâu đó trong góc tối khi ánh đèn chợt tắt nước mắt mẹ đang rơi.

Tại sao giọt nước mắt đó 23 năm nay giờ con mới nhận ra, không biết nó đã trễ hay chưa nhưng con cũng mong mẹ tha thứ bởi giờ đây con đã hiểu vì sao khi xưa mẹ dạy dỗ nghiêm khắc như thế, con biết con đã sai rất nhiều.

Mẹ ơi! Mẹ có biết chăng giờ đây khi đi học xa nhà một mình con ngồi gặm nhấm nỗi đau ân hận dày vò trái tim, con thấy mình thật tệ khi để nước mắt mẹ rơi.

Chín tháng mười ngày mẹ mang nặng , để rồi mẹ nhớ từng ngày từng phút từng giây khi con chào đời, năm sau cũng vào giờ ấy mẹ dành cho con chiếc bánh sinh nhật thật to thế mà tại sao con lại không thể dù chỉ là lời chúc, con đã vô tình hay cố ý lãng quên nó.

Mùng bốn tháng mười cái ngày bình thường hằng có của từng năm, ắt hẳn không ai chú ý tới nó, con cũng giống như họ lãng quên đi ngày này, để rồi hôm nay nghe bài hát “ Con yêu mẹ” con thấy mình sao lãng phí quãng thời gian khi xưa quá, con ước chi thời gian có thể quay trở lại con sẽ mang nụ cười dành cho mẹ nhiều hơn.

Người ta thường nói ở đời có ba thứ không bao giờ lấy lại được đó là cơ hội, lời đã nói ra và thời gian trôi đi. Riêng con còn có thêm một điều nữa đó là nước mắt của mẹ.

Nước mắt của mẹ rơi ngay khi sinh con ra vì cơn đau, nước mắt mẹ rơi khi con trở bệnh, nước mắt mẹ rơi khi con trót làm sai, và nước mắt mẹ rơi khi mẹ mang căn bệnh gan nhiễm mỡ trong người. Con thấy đau lắm khi những gì đã qua con không bao giờ lấy lại được. Để giờ đây ngồi trong phòng trọ con thầm nguyện căn bệnh kia ơi mau tan biến hết đi hoặc chuyển sang con cũng được đừng để mẹ phải đau, vì mẹ đã đau suốt 51 năm qua rồi.

Nhân ngày hôm nay- ngày sinh nhật lần thứ 51 của mẹ, dù là sinh nhật thứ 51 nhưng con biết có lẽ mẹ cũng không nhớ nó bởi đây là lần đầu có người gửi lời chúc tới mẹ.

Mẹ yêu! Lẽ ra con nên làm điều này sớm hơn phải không ạ? Con biết tuy rất trễ nhưng con hiểu trong mẹ sẽ có một niềm vui, nhân đây con kính chúc mẹ mãi trẻ, luôn hạnh phúc bên ba con cùng anh em chúng con nhé, và dĩ nhiên chúng con sẽ đem niềm vui tới cho mẹ thay cho lời chúc- vì con mong những gì tốt đẹp nhất luôn dành cho ba mẹ kính yêu của con.  Con yêu ba mẹ nhiều lắm!

Vũ Thị Hoa

Gửi tới ba mẹ mình.

Không sinh được con, tôi muốn ly dị chồng

Không sinh được con cho chồng, tôi có nên ly dị để anh đi tìm hạnh phúc mới… để có con nối dõi tông đường

 

Tôi và chồng cưới nhau được hơn 10 năm nhưng vẫn chưa sinh được con. Chồng tôi lại là cháu đích tôn của một dòng họ và là con trai duy nhất của một gia đình có 5 người con.

Xin ly dị chồng vì vô sinh
Xin đơn phương ly dị để chồng có vợ khác có con nối dõi

Không sinh được con, bố mẹ và người nhà chồng luôn bóng gió bảo tôi ly dị để chồng đi tìm hạnh phúc mới. Chồng tôi thương vợ nên cũng tìm đủ mọi cách để có một đứa con, ai mách ở đâu làm được là vợ chồng tôi lại tìm đến, năm ngoái chúng tôi còn bỏ hết công việc để đi cấy ghép ở bệnh viện hàng năm trời, nhưng vẫn không đậu được thai.

Biết tôi không thể có con, bố mẹ chồng tôi giận lắm, tuy ông bà không nói thẳng với tôi nhưng cũng thường xuyên điện thoại gọi chồng tôi về và thúc giục chồng tôi sớm ly dị để cưới vợ sinh con.
Tôi cũng chẳng trách gì nhà chồng, mà chỉ trách số tôi không may mắn, nên đã không sinh được cho anh một đứa con. Tôi cũng thông cảm về sự sốt ruột của bố mẹ chồng tôi, vì chồng tôi tuổi cũng không còn trẻ.
Mỗi lần như vậy chồng tôi lại rất buồn, anh suy nghĩ đến rạc cả người. Tôi biết, anh đang rất khó xử vì không muốn bỏ tôi, nhưng lại cũng không muốn làm người con trai bất hiếu với gia đình, dòng họ.
Thương chồng, nhưng tôi cũng chẳng giúp gì được cho chồng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi yêu cầu anh ly dị, nhưng chồng tôi không đồng ý, anh bảo làm như vậy thì thiệt thòi cho tôi. Tôi biết, anh vẫn con thương tôi, lo cho tôi, nhưng anh càng thương tôi, lo cho tôi bao nhiêu tôi lại càng cảm thấy mình có lỗi với anh, với gia đình anh bấy nhiêu.
10 năm làm vợ anh, anh chưa bao giờ đối xử tệ bạc với tôi, vậy mà việc đơn giản nhất của một người phụ nữ là sinh cho anh một đứa con tôi cũng không thể làm được. Tôi muốn đơn phương làm đơn ly dị với anh, để anh đi tìm hạnh phúc mới cho mình.
Huyền

Đánh bóng

Tôi gặp chị lần đầu tiên trong chuyến đi tặng quà cho một trường tiểu học vùng ven. Ngoài sách vở và dụng cụ học tập, còn có mì gói và bánh kẹo. Tôi được phân công mua bánh kẹo, chia thành từng phần.

Nhà tôi gần khu trọ sinh viên, í ới một tiếng là các em tụm lại chia chia gói gói một buổi xong mấy trăm phần. Hàng thì tôi tìm tận gốc để mua được rẻ nhất, hỏi han một lúc thì có người cho số điện thoại của chị. Chẳng những lập tức cho tôi số điện thoại của các nhà phân phối, chị còn hỏi tôi đang ở đâu để chị đến cùng đi chọn hàng cho vui.
Đánh bóng cá nhân bằng cách bỏ bê việc nhà chồng con lo làm từ thiện
Đánh bóng cá nhân bằng cách bỏ bê việc nhà chồng con lo làm từ thiện

Khi đã quen với việc mua hàng số nhiều, tôi có kinh nghiệm là người mua không cần đi mà bên bán sẽ cử nhân viên đem hàng mẫu tới cho, sau khi đã chọn lựa và ngã giá xong, họ cho xe chở hàng đến tận nơi mình yêu cầu. Sự thuận tiện này giúp tôi cân bằng được thời gian dành cho công việc ở cơ quan, việc chăm sóc gia đình và tham gia làm từ thiện trong những khâu mà tôi có thể.

 

Chị luôn khiến tôi khâm phục vì cũng có gia đình và hai con nhỏ như tôi nhưng luôn có mặt từ A đến Z trong mọi khâu, từ đi đến tận nơi để chọn lựa hàng cho đến việc có mặt ở nơi các em sinh viên đang gói hàng kiểm tra số lượng rồi hô hào chất hàng lên xe. Chị luôn là người có mặt sớm nhất trong ngày khởi hành ở mọi chuyến đi.

 

Ai cũng khen chị, đoán gia đình chị chắc hạnh phúc lắm khi có một người vợ, người mẹ việc gì cũng làm được. Vậy mà, đùng một cái, vợ chồng chị ly thân với lý do chồng chị không thích vợ đi làm từ thiện. Đàn ông gì mà ích kỷ, mọi người trong cơ quan đều nói vậy.

 

Đứa con lớn tạm ở với cha, phần chị là đứa con trai bằng tuổi con tôi, đang học lớp 3. Muốn chia sẻ với chị nhưng tôi chẳng biết mình có thể làm được gì. Một hôm, tôi hỏi chị cần tôi giúp gì không? Chị nói, ngày mai chị theo đoàn về vùng ven tặng quà, nhờ tôi đưa đón cháu đi học giùm.

 

Lúc đó chưa có lệnh cấm chở ba nên 6g30 tôi chở con ghé ngang nhà chị để cùng đi. Thằng bé vẻ mặt ngái ngủ đứng trước cánh cổng đã khóa. Tôi hỏi: “Cháu đợi cô lâu chưa?”. Thằng bé dụi mắt: “Từ lúc mẹ đi”. Tôi sững sờ, chuyến đi khởi hành lúc 5g sáng, chị đã khóa cổng để thằng bé bên ngoài đợi tôi từ khi đó. Sợ trễ học, tôi mua vội cho thằng bé ổ bánh mì ăn sáng, và kết quả là lưng áo của tôi dính đầy nước tương và xốt cà chua, cả áo trắng đồng phục của con tôi cũng bị dính. Con tôi phụng phịu: “Con không thích cho bạn đi chung xe nữa đâu”. Thằng bé òa khóc: “Cô chở cháu tới nhà ba đi cô”. Tiếng khóc càng lúc càng to, sợ thằng bé tự tuột xuống xe nguy hiểm, tôi đành chiều theo ý nó.

 

Chồng chị nhìn lưng áo lấm lem của tôi, thở dài: “Nếu vợ tôi lại nhờ thì cô có còn muốn giúp đưa đón con tôi đi học nữa không?”. Tôi lúng túng vì cứ như thế thì cũng ngại. Chồng chị chua chát: “Nói ra thì mang tiếng nói xấu vợ, nhưng cái áo nào của tôi cũng bị dính tèm lem như vậy đó. Cứ nhân danh đi làm việc thiện rồi bỏ mặc nhà cửa. Bao nhiêu lần tôi đi làm về thấy bếp núc lạnh tanh, trên bàn chỉ có mẩu giấy “Em đi theo đoàn từ thiện ngày mai về”.

 

Để hiểu được một người thật không dễ. Không tận mắt chứng kiến thì không thể tin một người hăng hái tham gia việc từ thiện lại xử sự với con mình như thế, nhất là khi con đang thiếu vắng sự chăm sóc của cha. Một lần đưa con chị đi học, suy nghĩ của tôi về chị đảo lộn. Nếu chị vắng mặt, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chuyến đưa hàng đi tặng, vậy mà chị nhất định phải có mặt, cho dù…

 

Chị luôn có mặt ở tất cả các khâu chỉ vì muốn ai cũng nhìn thấy mình, khen ngợi mình tốt bụng, biết quan tâm, chia sẻ. Nhưng, làm sao có thể nồng nhiệt làm việc thiện mà lại vô cảm với chính người thân của mình?

 

Theo Nguyên Hương
PNO

Bí mật về “phi công trẻ” của mẹ chồng

Tôi đang giữ một bí mật mà tôi rất bàng hoàng, chưa dám nói với ai: Mẹ chồng tôi ngoại tình với một người đàn ông trẻ hơn bà chục tuổi.

Mẹ chồng với phi công trẻ từng yêu tôi
Mẹ chồng với phi công trẻ từng yêu tôi – Ảnh minh họa

Sau khi lấy nhau và có một đứa con trai, chồng tôi bị tai nạn giao thông qua đời. Tôi muốn xin ba mẹ chồng cho về với cha mẹ ruột ở Vĩnh Long nhưng ông bà thuyết phục tôi ở lại. Họ không muốn đã mất con trai, nay phải xa lìa cháu nội. Tôi sống cùng ba mẹ chồng đã gần 5 năm. Có ông bà an ủi, lo lắng, cuộc sống của hai mẹ con tôi cũng bớt buồn đau.

 

Công ty tôi có Giám đốc kinh doanh mới, anh là sếp trực tiếp của tôi. Anh lớn hơn tôi một con giáp, chưa có gia đình, lối sống rất thoáng và cởi mở, xung quanh anh ta thường có nhiều cô gái trẻ đẹp. Thế nhưng không hiểu sao anh ta lại phải lòng tôi, quan tâm, săn đón tôi. Tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đi bước nữa dù chỉ mới ngoài 30 tuổi, bởi tình yêu tôi dành cho chồng quá lớn, còn anh ta quá ngọt ngào và đa tình, khiến tôi cảm thấy sợ…

 

Lấy cớ là Giám đốc, anh ta thỉnh thoảng đến thăm nhà tôi. Ba mẹ chồng tôi tỏ ra quý anh vì sự chu đáo đó. Rồi bỗng nhiên tôi phát hiện ra mẹ chồng tôi đặc biệt… thích anh ta. Mẹ chồng tôi mới ngoài 50 tuổi, là người hiện đại, biết chăm chút nhan sắc nên trông khá trẻ. Bà cũng là một chủ cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm nên hai người nói chuyện kinh doanh rất hợp. Anh ta “quên” tán tỉnh tôi. Ban đầu tôi thấy mình được yên thì thở phào. Thế nhưng tôi lại linh cảm có chuyện khác thường giữa mẹ chồng tôi và anh ta.

 

Một hôm, phòng kinh doanh làm việc muộn để hoàn thành nốt dự thảo hợp đồng. Anh ta có vẻ nôn nóng và đòi về sớm, bảo tôi ở lại làm nốt. Trên đường về, tôi nhìn thấy anh ta chở mẹ chồng tôi quẹo vào một khách sạn. Khi tôi về nhà, ba chồng đang ngồi chơi với con trai tôi, ông nói mẹ đi tiếp khách hàng rồi, không hề nghi ngờ. Tôi cảm thấy thương ông nhưng không biết mình nên làm gì để ngăn cản mối quan hệ này.

Theo Việt Ngân

Chồng cầu xin đưa con riêng vào hộ khẩu

Chị cần một lời xác minh đích thực về đứa con riêng của anh rồi sẽ tính tiếp tương lai của gia đình này…

Chồng câu xin đưa con riêng vào hộ khẩu
Chính chị cũng không biết phải làm sao đây. Dù chị có hiểu cho anh thì liệu sau này, chị có thể bao dung để sống với con bé? (Ảnh minh họa).

Chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ lâm vào hoàn cảnh trớ trêu này. Chị đang phải nhìn chồng van nài, rơi nước mắt để xin cho đứa con ngoài giá thú của anh ta vào hộ khẩu gia đình. Một cảnh tượng mà trước giờ chị luôn nghĩ nó chỉ có trong phim. Nhưng chị đã nhầm, chị có một người chồng không những đã lừa dối mình, mà anh còn dám đem cái hệ quả cuộc mây mưa bên ngoài về xin chị tha thứ.

Không kìm nổi, chị gào lên: “Anh nghĩ tôi sẽ chấp nhận đứa con riêng của anh với người phụ nữ khác vào cái nhà này à? Anh còn chưa hỏi tôi có tha thứ cho chuyện anh lăng nhăng của anh hay không mà đã đòi hỏi. Anh nghĩ tôi ngu đến thế sao?”.

Chị vừa nói, vừa khóc. Chị biết lúc này mình không được quyền yếu đuối, nhưng sự thật đã vượt quá sức chịu đựng của chị. Trước giờ chị không dám nói chồng mình hoàn hảo, nhưng anh là người thật thà, chăm chỉ, thương yêu vợ con. Có thể anh kiếm không nhiều tiền như chồng người ta, nhưng với chị thế là đủ, chị cần nhất sự chung thủy, an toàn, và chồng chị cho chị cảm giác đó.

Chị còn nhớ như in ngày mới lấy nhau, anh đã nói với chị rằng: “Vợ chồng sống với nhau vì tình, vì nghĩa, nếu sau này em có chán anh thì cứ nói với anh, nếu không thay đổi được, anh sẽ để em đi. Anh không thể chấp nhận được cảnh vợ chồng bằng mặt mà không bằng lòng, rồi dan díubên ngoài…”. Tất cả những điều đó khiến chị tin tưởng chồng mình hơn bất kì ai.

Có lần anh kể chị nghe chuyện một cô gái trẻ ở công ty cố tình lôi kéo anh. Cô ta không yêu cầu danh phận mà chỉ cần anh. Chị ghen, tất nhiên vì chị là phụ nữ, nhưng trên tất cả, chị biết ơn vì chồng đã thành thật với mình. Và sau cái lần chị gặp mặt cô gái bám riết lấy chồng đó, chị càng có thêm niềm tin hơn ở chồng.

Chồng chị có thể không đẹp, không giàu nhưng anh ân cần, chu đáo, không bao giờ sỗ sàng, vồn vã, đó là điều mà bất kì người phụ nữ nào cũng cần và thấy ấm áp khi bên anh. Tuy nói vậy nhưng cũng từ dạo đó, chị để mắt đến chồng nhiều hơn, nhất là từ khi biết ông chồng khù khờ của mình cũng có sức hấp dẫn đến vậy.

Nhưng chưa bao giờ chị nhận thấy điều gì khác lạ hay thay đổi ở chồng. Anh vẫn đi về đúng giờ, vẫn đưa tiền lương đều đặn và luôn kể cho chị những câu chuyện hàng ngày xảy ra quanh anh.

Đúng là một tuần gần đây, anh có vẻ mệt mỏi hơn, anh thường ngẩn người trong cả bữa ăn và khuôn mặt hay đăm chiêu. Nhưng vì trong thời gian đó, anh bị viêm họng nên chị nghĩ bệnh tật khiến anh trở nên như vậy.

 

Rồi bỗng nhiên hôm đó, đang trong giờ làm, chị nhận được một tin nhắn của chồng: “Trưa nay, sau khi xong việc em về nhà được không? Anh có chuyện cần nói với em”.

Chị cảm thấy hoang mang vì tin nhắn của chồng, anh có vẻ rất nghiêm túc và chuyện hẳn phải nghiêm trọng lắm nên anh mới không thể nói với chị qua điện thoại. Hơn nữa, cách nhắn tin, ngôn từ trong đó khiến chị thấy lo lắng, bất an. Chị càng hỗn loạn hơn khi gọi điện lại cho chồng không được, ruột gan rối bời cứ mong hết giờ làm.

Về đến nhà, chị ngạc nhiên khi thấy chồng đang ngồi bên cạnh một bé gái. Chị bước vào và hỏi: “Con gái nhà ai thế anh? Mà anh gọi em về gấp có chuyện gì à? Em gọi sao anh không nghe máy…”, thì chỉ thấy một sự im lặng đáng sợ. Đến khi chị giục mãi anh mới nhìn thẳng vào mắt chị rồi trả lời. “Em hãy bình tĩnh, nghe anh nói hết rồi mọi quyết định là ở em, được không?”.

Thật sự chị thấy sợ, nhất là khi có sự xuất hiện của một bé gái lạ ở nhà chị, nhưng chị vẫn cố bình tĩnh đợi chồng nói. Chị bàng hoàng nghe từng từ anh nói: “Đây là con gái anh, anh cũng chỉ mới biết đến sự tồn tại của con bé cách đây 1 tuần. Mẹ con bé là người yêu cũ của anh, trước khi anh quen em, cô ấy và anh chia tay nhưng anh không hề biết là cô ấy có thai.

Anh thề với em là chuỵện xảy ra trước khi anh quen em. Một tuần trước, bà ngoại con bé gọi điện cho anh đến nhận con, vì mẹ nó đi xuất khẩu lao động, không ai chăm nom nó, bà đã già… Anh thật sự không biết phải làm sao, nhưng biết mình phải nói với em. Anh xin em, hãy tin anh”.

Chị nghe câu chuyện như diễn ra trong phim. Chị thường thấy cảnh này trong các phim Hàn Quốc và thường mỉa mai rằng sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó xảy ra ngoài đời thực. Nhưng giờ như một cuốn phim quay chậm và chị đang diễn một vai trong đó. Chị ú ớ không nói nên lời, cũng không biết nên tra hỏi điều gì, bắt đâu từ đâu.

Chị phản ứng đúng kiểu người vợ khi biết chồng ngoại tình: “Tôi sẽ ly hôn, anh nghĩ tôi chấp nhận chuyện anh ngoại tình à? Anh nghĩ tôi sẽ chấp nhận đứa con riêng của anh gọi tôi là mẹ à? Anh đừng mơ…”.

Chị gào lên, khóc lóc. Còn anh quỳ sụp xuống trước mặt chị: “Anh xin em, đây là chuyện trong quá khứ, chính anh cũng không biết. Anh biết để em đồng ý chuyện này là yêu cầu quá đáng, nhưng con bé giờ không ai chăm sóc, anh là bố nó… Anh chỉ mong em tha thứ và hiểu cho anh”.

Chị đau đớn nhìn đứa bé với những đường nét giống chồng mình. Chính chị cũng không biết phải làm sao đây. Dù chị có hiểu cho anh thì liệu sau này, chị có thể bao dung để sống với con bé? Và đúng đây là chuyện quá khứ, nhưng liệu chị có tránh khỏi những ám ảnh mỗi khi gần gũi chồng. Chị hoang mang cực độ, chỉ muốn yên tĩnh một mình. Chị nói với chồng sẽ về nhà mẹ đẻ, đến khi nào có quyết định rõ ràng, chị sẽ nói chuyện với anh.

Ngước mắt nhìn chồng và con bé, chị bước đi. Trong đầu vẫn hình dung rõ ánh mắt như sắp khóc của con bé khi thấy chị gào lên mắng chửi anh.

Sau khi kể cho mẹ nghe, mẹ chị yên lặng hồi lâu rồi nói: “Mẹ biết chồng con, nó không phải là hạng người lăng nhăng, tất cả chỉ là quá khứ và nếu con yêu chồng, muốn gìn giữ gia đình thì con nên tha thứ. Nhưng trước mắt, mẹ muốn gặp chồng con, nói chuyện và bảo nó đi xét nghiệm ADN, nếu chắc chắn đó là con nó, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết, con đừng giận quá mất khôn…”. Chị lặng thin nghe từng lời mẹ nói, lòng có chút dịu lại khi nghĩ đến cuộc sống vợ chồng chị bấy lâu nay.

Chị không biết có thể cho con bé vào hộ khẩu gia đình như lời chồng van xin không? Nhưng trước mắt, chị sẽ nghe theo lời mẹ. Chị cần một lời xác minh đích thực về đứa con riêng của anh rồi sẽ tính tiếp tương lai của gia đình này…

 

Thanh Thanh – Theo Trí Thức Trẻ

Bên trọng, bên khinh

Linh xếp thêm áo quần của chồng và hai con bỏ vào hành lý. Ngày mai, Hùng – chồng Linh, sẽ đưa bọn trẻ về Quảng Ngãi thăm ông bà nội. Tay Linh chạm phải một chiếc túi nhỏ, mở ra là hai tuýp dầu nóng mà Thu, bạn Linh, gửi về từ Mỹ.

 

Cô kêu lên: “Anh ơi, sao mang về cho nội tới hai tuýp dầu nóng? Bữa trước em nói một cho nội, một cho ngoại mà”. Hùng từ trong buồng bước ra, mặt hầm hầm giật hai tuýp dầu trên tay vợ, thảy lại vào túi: “Giờ thăm nội trước, tính trước, chưa đến ngày thăm ngoại, tính làm chi? Nhờ soạn giúp mấy bộ đồ mà cũng càm ràm…”.

Linh ngỡ ngàng nhìn chồng. Chuyến này anh về nội, mang theo không ít đồ. Quà cho bên chồng, từ cô dì chú bác, các anh em nhà chồng cho đến ba mẹ chồng, Linh chuẩn bị không thiếu một thứ gì. Đã vậy, nửa tháng nay, ngày nào Hùng cũng kiểm tra, bắt vợ phải lo cho chu toàn. Anh nói quê xa, không về thì thôi, đã về phải cho ba mẹ được nở mày nở mặt.

Hùng là con trai thứ năm trong gia đình có sáu anh em. Khi quen Linh, Hùng đang là sinh viên năm thứ ba khoa xây dựng. Lúc đó, Linh vừa học, vừa làm kế toán cho cửa hàng vật tư y tế của người chị. Thấy gia đình Hùng quá khó khăn, chị Hai của Linh đã ngăn em gái đừng tiến xa hơn. Vì thương Hùng và biết không được ủng hộ, Linh mang cái thai bốn tháng làm sức ép để ba mẹ cho cưới. Thương con, gia đình Linh gom góp mua một lô đất nhỏ ở ngoại thành, cất căn nhà cấp bốn cho Linh. Có nhà, có vợ, Hùng tỏ ra là người có ý chí thật sự. Anh nỗ lực làm việc, dành dụm lo cho gia đình nhỏ của mình. Hùng lên kế hoạch: sẽ để dành tiền lo việc lớn như nhà cửa, xe cộ, tiền của Linh thì để sắm sửa, chi tiêu. Ngoài giờ làm ở công ty chính thức, Hùng còn nhận theo dõi thi công cho một vài công ty. Thấy chồng như vậy, Linh vô cùng tự hào. Sau 5 năm, vợ chồng cất được nhà mới, rộng gấp đôi nhà cũ. Mấy chị em gái của Linh bắt đầu yên tâm về người em rể thì đến lượt Linh lo lắng.

Chồng trọng nhà mình - Khinh nhà vợ
Chồng trọng nhà mình – Khinh nhà vợ – Ảnh minh họa

Có nhà, Hùng bắt đầu lên kế hoạch đón ba mẹ vào chơi. Hùng bắt Linh phải nghỉ phép ở nhà cả 10 ngày để đón tiếp, đưa ba mẹ và các cháu của anh đi thăm chỗ này, chỗ nọ. Linh vui vẻ làm theo ý chồng. Nhưng, đến lượt ba mẹ Linh từ Tiền Giang thu xếp lên mừng nhà mới của hai con, Hùng tỏ thái độ không vui. Nghe vợ nói sẽ xin nghỉ phép ở nhà chơi với ba mẹ, Hùng cằn nhằn: “Sao em rách việc quá, ba mẹ em lên Sài Gòn hoài chứ có phải mới lên lần đầu đâu mà bày đặt nghỉ phép. Phép để đó còn lo cho con lúc ốm đau”. Thấy chồng khó chịu, Linh đành nghe theo. Ba mẹ lên thăm mà cô phải đi làm suốt. Mẹ của Linh có tật ăn trầu, biết con ở thành phố kỹ lưỡng, lúc nào bà cũng kè kè cái ống bơ. Nhưng, mới ở nhà Linh được ngày thứ hai, Hùng đã nói: “Mẹ ăn trầu hôi không chịu được!”. Mặc cho ba mẹ vợ sững sờ, chàng rể bỏ dở bữa cơm đứng dậy lên phòng mình. Ba mẹ Linh thấy con gái khó xử, sáng hôm sau vội vã ra bến xe về quê, kế hoạch dành cả tuần thăm con ở thành phố của ông bà coi như phá sản.

Theo ý Hùng, tiền của anh là để lo “việc lớn”, nên mọi chi tiêu trong gia đình dồn lên vai vợ. Dù nhà có khách hay đang phải nuôi thêm em cháu gì của Hùng, Linh vẫn phải gồng mình lo cơm nước cho đầy đủ, chu toàn. Hai con trai đến tuổi đi học, Hùng cũng phó mặc cho Linh đóng học phí. Linh có cảm giác bất công, nhưng không dám mở miệng hỏi tiền chồng, vì có lần Linh hỏi, Hùng nạt ngang: “Phân công từ đầu, anh lo nhà cửa, em lo cơm nước, sinh hoạt phí, sao không biết thu vén, giờ còn hỏi…”. Linh hiểu, chỉ cần nhìn sơ, Hùng đã biết chị Hai của Linh thường phải tạo điều kiện giúp em. Ngoài mối mang cơ bản, Linh còn được chị giao cho các khách sộp để lấy thêm hoa hồng. Vì thế, không cần tiền của chồng, Linh vẫn có thể tự xoay xở được. Biết vậy nên Hùng để mặc vợ lo liệu toàn bộ trong ngoài, anh nói, anh còn phải gom góp tiền mang về quê cho ba mẹ xây nhà ở, cất nhà thờ họ…

Sáu năm qua, dù bận bịu đến mấy, anh cũng thu xếp hai chuyến về Quảng Ngãi thăm cha mẹ, họ hàng, mỗi lần gần nửa tháng. Lần nào chuẩn bị cho chồng về quê, Linh cũng có cảm giác tủi hờn. Vì thu vén quà cáp cho ba mẹ và họ hàng, Hùng cáu gắt suốt với Linh. Anh bắt Linh phải mất nhiều thời gian để chọn quà cho ba mẹ anh, dù chị đang đợt cao điểm giao hàng cho khách, không rảnh để chợ búa, mua sắm. Có lần Linh trách chồng sao cứ phải về bên nội mà ngoại ở gần, chẳng chịu đi thăm. Hùng buột miệng: “Ba mẹ em còn trẻ, còn khỏe, thăm hỏi làm gì!”…

Đến hôm nay, việc anh giật lại tuýp dầu đã vượt sức chịu đựng của Linh. Không phải cô không thể mua lại tuýp dầu khác cho ba mẹ mình, nhưng nghĩ đến sự nhỏ nhen, ích kỷ và phân biệt đối xử của chồng, Linh hoàn toàn thất vọng.

Linh nhận ra, chỉ gia đình, dòng họ của chồng mới là quan trọng với anh. Cha mẹ, anh chị em của Linh, dù có công hỗ trợ, nâng đỡ cô thế nào cũng chỉ là “gia đình bên vợ” mà thôi… Nhìn đi nhìn lại, khiếm khuyết đó đã khiến Linh luôn phải sống trong bất an. Cô mệt mỏi tự hỏi, liệu mình có đủ sức chịu đựng thêm nữa với người chồng như thế?

HẠNH CHI

 

Bố Của Con Gái

Có một người bố bắt xe hơn 600 cây số, nghỉ phép về nhà…rồi không nghỉ ngơi một chút nào chạy xe hơn 50 cây số nữa ra cùng con gái, chẳng là con gái bố đang sắp bước vào kì thi khó khăn nhất trong cuộc đời mà, bố phải ra với con gái bố, phải động viên cho con gái bố chứ….

 

Ngày của Cha - Ảnh minh họa
Ngày của Cha – Ảnh minh họa

Có một người bố chưa một lần dự sinh nhật cùng con, chưa một lần thổi cùng con gái một cây nến trong ngày sinh nhật, chỉ vì hơn mười tám năm con gái được sinh ra trên đời thì cũng bằng ấy thời gian người bố ấy lặn lội không sót một công trường nhà máy nào để cho con một cuộc sống tốt đẹp hơn, để con gái có thể bằng bạn bằng bè, để con gái không phải thua kém bạn đồng trang lứa..

Có một người bố, duy nhất một lần đánh con chỉ vì con ngủ gật trên bàn học, chỉ một lần, bố đánh con, lại làm con đau, đôi mắt con sưng mọng vì trận đòn của bố… B ố suốt ngày lao động vất vả, tay đao tay búa, bố đâu biết chỉ một cái bạt tai của bố lại khiến con gái yêu của bố đau đến như vậy, để rồi bố chạy khắp nơi nào mật gấu, nào thuốc xông, nào thuốc nhỏ mắt… Tất cả những gì bố có thể làm được là bố cố gắng để cho con gái bố, không để con gái bố đau…và chưa một lần nào nữa bố đánh con dù lỗi con phạm phải to gấp mấy lần cái lúc con ngủ gật trên bàn…

Có một người bố, trong lúc khó khăn nhất, trong lúc phải nghỉ làm vì không có việc, chỉ vì con gái bố đạt được giải trong kì thi học sinh giỏi, chỉ muốn mua cho con chút gì đó, bố đã mượn xe của ông nội…đi chạy xe ôm suốt cả buổi chiều chỉ để kiếm tiền mua cho con hai lát cá thu…ấy vậy mà sao con không biết, đủng đỉnh không thèm đặt đũa, trách bố sao không mua thịt gà cho con….lúc đó con đâu biết bố đã phải nuốt nước mắt vào lòng….

Có một người bố luôn để tấm hình hai con gái cưng vào nơi trang trọng nhất của ví tiền, của vali đi làm, bố còn dán cả vào trong số nhật kí giờ làm nữa, vì bố luôn nhớ tới con gái rượu và con gái bia của bố mà…

Có một người bố luôn hạnh phúc khi nhà mình có hai con vịt giời, luôn tươi cười tự hào về con gái bố, ừ công nhân đấy, nông dân đấy nhưng con gái bố vẫn có thể vào học trường chuyên của thị trấn, để rồi, khi con gái đạp xe đi học phía trước, bố lại đạp theo sau để an tâm là con gái bố không gặp chuyện gì trên đường trong những ngày mưa bão….

Có một người bố, chưa được tốt nghiệp cấp ba đâu, nhưng vẫn luôn kiểm tra bài tập của con gái, luôn nhắc nhở con gái phải học thật chăm chỉ để không phải sống khổ cực như bố mẹ… người bố đó đã khóc khi đọc được bài văn con gái viết khi cô giáo cho đề bài viết về người thân… một bài văn nhận một con 7, bình thường như bao bài văn khác, nhưng đối với bố đó là cả niềm vui lớn lao… vì con gái viết về bố, về tất cả những gì con gái biết về bố, nhưng con gái bố nào đâu biết đâu, bố con gái đã khóc vì nó…

Có một người bố bắt xe hơn 600 cây số, nghỉ phép về nhà…rồi không nghỉ ngơi một chút nào chạy xe hơn 50 cây số nữa ra cùng con gái, chẳng là con gái bố đang sắp bước vào kì thi khó khăn nhất trong cuộc đời mà, bố phải ra với con gái bố, phải động viên cho con gái bố chứ….

Có một người bố, ngày tiễn con gái đi xa hết kiểm tra vali lại gọi điện cho nhà xe…bố sợ con gái của bố chậm giờ..bố chỉ dặn con gái một điều “ra ngoài con chịu thiệt đi một tí nhưng đừng để ai nói gì mình con nhé!” và đó là câu nói mà con gái luôn mang theo bên mình…Và còn nhiều điều nữa về bố, mà con gái không thể kể hết ra, cũng như không thể nói thành lời…

Một người bố, có thể với tất cả mọi người nó cũng như bao người bố khác trên đời, nhưng đối với con gái…đó là cả một khoảng trời mà không bao giờ con gái quên …

Bố của con gái, một người đàn ông như bao người đàn ông khác, nhưng chẳng có một từ ngữ nào có thể nói lên được hết niềm tự hào của con gái dành cho người. Bố là niềm tin, là hạnh phúc, là nơi mà con gái tìm đến những lúc con vấp ngã trên đường đời, là bóng cây mát mẻ mỗi trưa hè con tìm về đợi gió, là chiếc ô che chắn cho con….

Bố! Con gái luôn biết, bố luôn mang trong lòng một nỗi mặc cảm về mình. Bố không là ông này ông nọ, bố không thể là sếp này sếp kia…Bố chẳng thể một tay cho chúng con đầy đủ như bao lứa bạn bè ở quê. Nhưng mà, từ lúc sinh ra, chúng con đã hiểu được tất cả những nỗi nhọc nhằn và cả tình yêu thương bố dành trọn cho chúng con…

Ai bảo sinh con gải ra chẳng được nhờ bố nhỉ? Ai bảo nhất thiết là phải có con trai nối dõi đâu phải không bố. Tất cả những gì bố dành cho mẹ, cho con, và cả em con nữa…đó là những thứ thiêng liêng cao cả nhất mà duy chỉ có một người bố mới dành cho chúng con thôi!!

Con gái rất yêu bố, con gái nhớ bố, con gái thương bố rất nhiều!!! Đêm lạnh, con nằm trong chăn ấm nệm êm, nhưng con biết ngoài kia, bố vẫn đang phải vật lộn với mưu sinh cuộc sống, vẫn hằng ngày hằng giờ làm việc, chỗ bố nằm là những tấm ván ghép tạm, chăn bố đắp là chiếc áo sờn hết cả đường chỉ…Con gái hứa, sẽ không phụ lòng của bố, sẽ học hành thật giỏi giang và thành công trong cuộc sống!

Bố thân yêu!

Cách dạy con của bà mẹ phương Tây

Dâu Tây dạy con, mẹ chồng đại khai nhãn giới” với mong muốn chia sẻ cùng độc giả cách dạy con ở tuổi lên 3 của một bà mẹ nước ngoài.

Con trai tôi du học, sau khi tốt nghiệp thì định cư tại Mỹ, và đã kiếm cho tôi cô con dâu người Tây tên Susan. Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi. Mùa hè năm nay, con trai đăng ký visa “thăm người thân”. Thời gian 3 tháng tôi lưu lại Mỹ, con dâu Tây Susan có cách giáo dục con cái làm tôi đây – người mẹ chồng – phải đại khai nhãn giới.

Không ăn thì cứ nhịn đói

Mỗi buổi sáng, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sáng lên bàn và bận rộn làm việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy giày, tự mình mặc lên. Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ ràng mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải.

Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không có gì là không thoải mái, vậy thì tùy. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết.

Một lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rồi, đúng không? Lusi là con nhà hàng xóm, năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi, bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.

Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5 – 6 tuổi chưa biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang theo trung học dạng ký túc xá, mỗi cuối tuần là đem một đống quần áo dơ về nhà.

Có một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Và tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!

Buổi chiều, Susan bàn với tôi, nhờ tôi nấu cho bữa tối. Tôi lại thầm nghĩ, nhất định Susan thấy sáng nay cháu không ăn gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon và nhiều hơn. Tôi bèn trổ tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích nhất, món tôm, và còn dùng mì Ý để làm món mì kiểu Việt Nam mà Peter rất thích, người nhỏ nhỏ như thế mà có thể ăn được một tô lớn.

Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó”. Peter nhìn nét mặt nghiêm túc của người mẹ, “òa” lên khóc, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm”. “Không được, nói rồi là phải giữ lời”. Susan không một chút động lòng. Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi: “Ở nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ”. Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi. Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trừng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn như hổ đói. Đến đó tôi mới biết dụng ý của Susan khi nhờ tôi nấu. Tôi tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, nhất định sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn.

Buổi tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!”. Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi hẳn ra.

Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì “tuyệt thực” mà lỡ bữa ăn ngon, và chịu cực hình bụng đói. Mỗi lần nhìn thấy Peter ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu ngoại, hồi bằng tuổi Peter; mấy người cầm tô cơm đí theo sau đuôi nó, dỗ dành, mà nó còn chưa chịu ngoan ngoãn ăn, mà còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm mua một kiện đồ chơi, ăn thêm một chén thì mua thêm một kiện đồ chơi…

Ăn miếng trả miếng

Có một lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh, Peter đã cùng hai cô bé chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mủ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ, những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi oà khóc thật lớn. Cháu gái kia thấy tình hình vậy cũng òa khóc theo. Đại khái, Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một bên, trợn mắt nhìn. Susan đi tới. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?” Peter vừa khóc vừa lắc đầu. Tôi tin rằng, lần sau nó sẽ không làm thế nữa.

Cậu của Peter tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, khư khư giữ làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm, là bạn thân của Peter, đã mấy lần thỉnh cầu Peter cho chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter không đồng ý. Một lần, mấy cháu đang chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý, lén lén nhảy lên chiếc xe và đạp mau đi. Khi biết ra, Peter rất phẫn nộ, đến méc mẹ.

Susan đang ngồi nói chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, liền mỉm cười trả lời con: “Chuyện của chúng con thì chúng con tự giải quyết, mẹ không xen vào được.” Peter bất lực quay đi. Một lát sau, Lusi chạy chiếc xe về. Vừa thấy Lusi, Peter lập tức chạy tới đẩy bạn té xuống đất, giật lại chiếc xe. Lusi ngồi bệt dưới đất, khóc ré lên. Susan ẵm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với những bạn còn lại. Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia chung. Nó chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa: “Mẹ, con muốn chơi với Lusi và tụi nó”.

Susan không đả động gì và trả lời: “Con tự kiếm mấy bạn ấy vậy!” “Mẹ ơi, mẹ đi với con nhen”, Peter thỉnh cầu. “Chuyện này không được rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mọi người, vậy con phải tự đi giải quyết vấn đề”. Peter leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược đi. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào mà Peter và Lusi lại vui vẻ với nhau, hợp thành nhóm ồn ào.

Dạy dỗ chăm nom con cái là chuyện của cha mẹ

Song thân Susan biết tôi đang ở Mỹ, nên lái xe từ California đến thăm chúng tôi. Nhà có khách tới, Peter rất hào hứng, chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái thùng đựng đầy nước, rồi xách đi tới đi lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy lần rồi, rằng không được làm nước văng lung tung trong nhà. Peter để ngoài tai. Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Chưa thấy mình làm sai, Peter còn đắc ý dẫm đạp lên vũng nước, làm ướt hết quần áo.

Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan giật lại cây lau nhà và đem đưa cho Peter, nói với nó: “Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và tự mình giặt sạch”, Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan”.

Một lát sau, Peter không khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: “Mẹ ơi, con sai rồi!” Susan đứng ở ngoài hỏi: “Thế giờ con biết phải làm gì chưa?” “Con biết”. Susan mở cửa ra, Peter chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao gấp đôi nó ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cởi quần áo dơ ra, xách trên tay, trần truồng chạy vô nhà tắm, hí hửng giặt đồ. Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng.

Ở rất nhiều gia đình Trung Quốc, cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn đề “đại thế chiến”. Trẻ luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ chồng cãi nhau, gà bay chó chạy.

Sau này, tôi và ông bà ngoại của Peter trong khi trò chuyện có nhắc đến chuyện này, một câu họ nói đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi: “Con trẻ là con cái của cha mẹ chúng, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ”.

Đứa bé tuy còn nhỏ, nhưng thường mang tính nghịch ngợm bẩm sinh. Nếu quan sát thấy các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn, nó sẽ nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này không cải thiện hành vi của nó, và chẳng ích lợi gì cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn gây ra những vấn đề khác.

Ngoài ra, nếu các thành viên trong gia đình xung đột, không khí gia đình không hòa thuận, trẻ sẽ có cảm giác bất an, sự phát triển tâm lý của nó sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Cho nên, dù ông bà cha mẹ bất đồng về cách giáo dục con cháu, hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau, cũng không nên để lộ sự mâu thuẫn trước mặt con cái. Ông bà ngoại của Peter ở lại một tuần và chuẩn bị về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter rất nghiêm túc hỏi con gái mình: “Peter muốn chiếc xe đào đất, ba có thể mua cho nó chứ?”. Susan suy nghĩ rồi nói: “Ba mẹ lần này đã mua cho nó đôi giày trượt băng làm qùa rồi. Đợi đến Noel ba hãy mua chiếc xe đó cho nó!”

Tôi không biết ông ngoại của Peter nói như thế nào với thằng nhóc này, mà sau đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi, khoe: “Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này” với giọng thích thú và mong đợi.

Susan nghiêm khắc với con như vậy nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi chơi ở ngoài, cháu hay thu thập một số hoa lá mà cháu cho là đẹp rồi trịnh trọng tặng mẹ. Người ngoài tặng quà cho cháu, cháu luôn gọi mẹ cùng mở quà; có thức ăn ngon, cháu luôn để phần một nửa cho mẹ.

Nghĩ đến nhiều đứa trẻ coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không kính phục cô con dâu Tây này của tôi. Theo tôi, cách giáo dục con cái của bà mẹ Phương Tây này rất xứng đáng để các bà mẹ Phương Đông như tôi học theo…

(Sưu tầm)

Vết nứt

Ngày chị để anh quay về sau những lỗi lầm, ai cũng khen chị cao thượng. Hiếm người phụ nữ nào đủ lòng vị tha để hành động như chị.

Vết nứt
Vết nức – Ảnh minh họa

Vợ chồng chị kết hôn hơn mười bảy năm, có với nhau hai mặt con đủ nếp, đủ tẻ. Chị là kế toán một cơ quan nhà nước, chồng chị mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng. Nhờ biết tính toán làm ăn nên vợ chồng chị có một cơ ngơi đáng mơ ước: nhà lầu, xe hơi và vài miếng đất ở khu đô thị mới khi tuổi còn khá trẻ. Giông bão ập đến. Chồng chị sinh tật mê cờ bạc, gái gú. Tài sản lần lượt đội nón ra đi. Rồi chồng chị quyết định đi theo nhân tình, hối thúc chị ly hôn, chia đôi ngôi nhà đang ở để lấy tiền. Thủ tục ly hôn được giải quyết nhanh chóng. Chị ngậm ngùi bán nhà, đưa cho chồng nửa số tiền, còn mình thì tìm mua một mảnh đất mới xây nhà cho ba mẹ con. Nhiều lúc chị tưởng mình đã gục ngã trước số phận nhưng nhìn hai con đang tuổi lớn, chị lại gắng gượng đứng lên.

Mẹ con chị dọn về nhà ngoại ở tạm vì chị chưa tìm được mảnh đất nào ưng ý. Gần nửa năm sau, chị quyết định mua mảnh đất ngay phía sau nhà cũ, tuy nhỏ và ở hẻm cụt nhưng môi trường sống đảm bảo, hàng xóm thì đã quen thuộc. Chị kiếm thợ làm nhà, khởi công được một tuần thì chồng chị đột ngột trở về. Chẳng nói với chị một lời, anh lao vào phụ xây nhà, mua vật liệu, chỉ đạo thợ xây…

Dù anh em nhà ngoại và đứa con gái lớn phản đối quyết liệt hành động ấy của anh nhưng chị chỉ im lặng. Vợ chồng đầu gối tay ấp mấy chục năm, chị hiểu anh đã nhận ra sai lầm. Thì ra, sau khi lấy nửa số tiền bán nhà, anh đưa cho cô nhân tình lấy vốn làm ăn. Chưa đầy nửa năm, tiền cạn dần, cô ta bắt đầu cặp kè với người khác. Anh biết mình bị lừa, cùng đường không biết đi đâu, đành trở về với chị theo cách không giống ai… Thấy chị không nói gì, anh đoán chị đã mở lòng nên đánh liều đưa số tiền còn lại cho chị như thỉnh cầu “cho anh góp chút ít làm nhà”. Chị không nhận, anh lấy tiền đó tự ý mua thêm vật liệu…

Nhà xây xong, anh dọn về ở cùng ba mẹ con. Chị vẫn im lặng. Từ ngày về, anh chỉn chu hơn trước, bỏ cờ bạc và biết lo lắng mọi việc trong nhà. Nhưng, gia đình chị không còn được như xưa. Hai đứa con đủ lớn để hiểu việc bố chúng đã làm. Chúng cãi lời anh, thậm chí nhiều lần hỗn láo hét vào mặt anh: “Nhà này đâu phải nhà của bố”. Thấy con như vậy, chị vẫn im lặng. Nhiều lần anh đề nghị hai người đi đăng ký kết hôn lại nhưng chị vẫn lưỡng lự. Trong thâm tâm chị, chưa bao giờ thôi ám ảnh chuyện cũ và không khỏi khinh bỉ anh. Mỗi lần xem phim hay nghe kể chuyện ngoại tình, chị chì chiết người ta như thể mắng anh. Anh sống như một cái bóng trong nhà…

Cuộc sống của gia đình chị như tấm gương đã một lần bị vỡ, dù cố hàn gắn nhưng vết nứt đã quá lớn…

HÀ LAM

Vợ chồng “son”

Bà Nhàn cứ than ngắn thở dài, tựa như lỡ mua đắt mớ cá mớ tôm đâu ngoài chợ, miệng luôn lẩm bẩm “có hai mụn con mà giờ nhìn đi nhìn lại chẳng có đứa nào bên mình thế này”.

Vợ chồng son
Vợ chồng son – Ảnh minh họa

Hai ông bà chẳng phải là cán bộ công chức gì, chỉ là dân làm nông, buôn bán bình thường như bao người khác. Có điều, cả cái làng này, trong khi nhà ai cũng phải năm đứa con trở lên thì nhà ông bà hai đứa.

 

Ông Hựu bảo, ngày trước, cũng tại con gà mà tôi không muốn sinh đông đó chứ. Tình cờ sang chơi nhà ông anh thời chiến đấu, thấy nhà người ta ngồi ăn cơm mà chật bàn, đếm đi đếm lại thiếu hai người nữa là tròn mâm. Đĩa thịt gà lọt thỏm giữa sáu đứa con nom còn thòm thèm lắm. Ông chậc lưỡi, sau này mình có giàu cũng chả đẻ nhiều làm chi, đẻ ít thì của ít cũng hóa ra nhiều…

 

Rồi các con cũng lớn. Khi cô con gái đi học xa nhà, bà khóc rấm rứt mấy ngày liền. Đi vào đi ra lại than nhà cửa buồn hiu, chẳng ai bầu bạn. Thằng em nó ham chơi, suốt ngày ở ngoài đường nhiều hơn trong nhà. Ông Hựu lo cắm cúi ngoài đồng, về nhà lại bật tivi xem, chẳng để ý đến nỗi buồn của vợ.

 

Hoc xong, cô con gái ở lại thành phố làm, nói mấy nó cũng không chịu về quê. Thì ra, tình yêu của nó ở trong đó. Bà thở dài, ngẫm đời chua thật, mình yêu thương nó trước cả khi thằng đó yêu nó vậy mà giờ vì thằng đó, nó gạt mình ra.

 

Cho con gái lấy chồng xa, nó cứ tíu tít vui mà không thấy nước mắt mẹ đang chảy dài. Hôm đưa dâu, bà cứ sờ nắn tay nó, rồi ôm nó nức nở. Kể ra con bé cũng vô tư quá hay tại nó bản lĩnh không biết, thấy mẹ thế nó còn cười được, miệng líu lo mẹ cứ yên tâm, anh ý thương con lắm, con không khổ đâu. Ờ, thì cả đời này mẹ cũng chỉ mong vậy thôi.

 

Nhiều lúc nhớ con quay quắt, bà chỉ biết lấy áo quần con ôm ngủ. Thi thoảng vào phòng nó dọn dẹp vài ba thứ, để nó có về thăm đột xuất cũng có chỗ sạch sẽ mà ngủ.

 

Thằng em lận đận lắm cũng tốt nghiệp cấp ba xong rồi đòi vào tận Sài Gòn học nghề.

 

– “Nghề gì học gần đây cũng được, có nhất thiết phải đi xa không con”.

 

Nó ngắc ngứ: “Con chỉ thích học trong đó”.

 

Ờ, thì nó thích, mình đành chịu.

 

Ngoài làm nông, ông bà cũng buôn bán thóc lúa cho những mối lớn trên huyện nên có đồng ra đồng vào. Ngôi nhà bây giờ xây khang trang, rộng rãi mà trống huơ trống huếch. Hết ông đi lên lại gặp bà đi xuống, hai ông bà nhìn nhau mà thở dài thườn thượt.

 

Bà biết, ông không nói ra nhưng ông cũng nhớ chúng nó lắm. Cái hồi tới mùa gặt, nhìn mấy nhà trong xóm con cái đứa nấu ăn, đứa phụ gặt, đứa gánh lúa về, không khí đông đúc vui vẻ nom thèm làm sao. Bên ruộng này, mỗi hai ông bà già lụi hụi làm, có việc gì to tát lại đi thuê người.

 

Nghe tiếng trẻ nít từ nhà bên cạnh, bà bấm điện thoai gọi con gái, thôi mày mau có cháu đi, đẻ xong đem về đây tao nuôi cho. Con gái bà ậm ừ, bà nội để làm gì, việc gì mẹ phải nhọc như thế. Mẹ cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

 

Gọi vào cho thằng con trai, nó bảo ông đừng gọi chi nhiều, nó bận lắm. Hình như chỉ lần nào hết tiền, nó mới gọi để bảo ông chuyển tiền thì phải. Những lúc ấy, ông phấn khởi làm sao, cố khơi chuyện mà nói rồi lại chuyển máy cho bà. Nó tắt máy từ hồi lâu mà ông bà còn cầm cái máy áp vào tai tưởng như làm vậy là cảm nhận được hơi của thằng con. Hóa ra, thời đại bây giờ, gần con cũng trở nên xa xỉ đến thế.

 

Hôm ông ốm, bà bắt con gà làm thịt, hai ông bà đùn qua đẩy về, ăn mãi cũng không hết nửa con, phải chi có chúng nó ở nhà.

 

Lại nhắc chuyện ông bạn thời chiến đấu của ông, nhà có sáu đứa con. Mấy đứa trẻ nhà ấy cứ luân phiên nhau, đứa này đi học xa thì đứa kia ở nhà đỡ đần bố mẹ. Ngày Tết cũng vui, vợ chồng con cái trong nhà thôi mà y như có hội.

 

Hai ông bà cứ như vợ chồng son già cỗi, ngày ngày vào ra trông ngóng con. Chẳng mấy chốc lá rụng về cội, hai cái thân già rồi cũng dìu dắt tiễn nhau đi, không lẽ cứ sống mòn mỏi rồi chờ cái ngày ấy.

 

Diệu Ái