Tag Archives: ben trong

Bên trọng, bên khinh

Linh xếp thêm áo quần của chồng và hai con bỏ vào hành lý. Ngày mai, Hùng – chồng Linh, sẽ đưa bọn trẻ về Quảng Ngãi thăm ông bà nội. Tay Linh chạm phải một chiếc túi nhỏ, mở ra là hai tuýp dầu nóng mà Thu, bạn Linh, gửi về từ Mỹ.

 

Cô kêu lên: “Anh ơi, sao mang về cho nội tới hai tuýp dầu nóng? Bữa trước em nói một cho nội, một cho ngoại mà”. Hùng từ trong buồng bước ra, mặt hầm hầm giật hai tuýp dầu trên tay vợ, thảy lại vào túi: “Giờ thăm nội trước, tính trước, chưa đến ngày thăm ngoại, tính làm chi? Nhờ soạn giúp mấy bộ đồ mà cũng càm ràm…”.

Linh ngỡ ngàng nhìn chồng. Chuyến này anh về nội, mang theo không ít đồ. Quà cho bên chồng, từ cô dì chú bác, các anh em nhà chồng cho đến ba mẹ chồng, Linh chuẩn bị không thiếu một thứ gì. Đã vậy, nửa tháng nay, ngày nào Hùng cũng kiểm tra, bắt vợ phải lo cho chu toàn. Anh nói quê xa, không về thì thôi, đã về phải cho ba mẹ được nở mày nở mặt.

Hùng là con trai thứ năm trong gia đình có sáu anh em. Khi quen Linh, Hùng đang là sinh viên năm thứ ba khoa xây dựng. Lúc đó, Linh vừa học, vừa làm kế toán cho cửa hàng vật tư y tế của người chị. Thấy gia đình Hùng quá khó khăn, chị Hai của Linh đã ngăn em gái đừng tiến xa hơn. Vì thương Hùng và biết không được ủng hộ, Linh mang cái thai bốn tháng làm sức ép để ba mẹ cho cưới. Thương con, gia đình Linh gom góp mua một lô đất nhỏ ở ngoại thành, cất căn nhà cấp bốn cho Linh. Có nhà, có vợ, Hùng tỏ ra là người có ý chí thật sự. Anh nỗ lực làm việc, dành dụm lo cho gia đình nhỏ của mình. Hùng lên kế hoạch: sẽ để dành tiền lo việc lớn như nhà cửa, xe cộ, tiền của Linh thì để sắm sửa, chi tiêu. Ngoài giờ làm ở công ty chính thức, Hùng còn nhận theo dõi thi công cho một vài công ty. Thấy chồng như vậy, Linh vô cùng tự hào. Sau 5 năm, vợ chồng cất được nhà mới, rộng gấp đôi nhà cũ. Mấy chị em gái của Linh bắt đầu yên tâm về người em rể thì đến lượt Linh lo lắng.

Chồng trọng nhà mình - Khinh nhà vợ
Chồng trọng nhà mình – Khinh nhà vợ – Ảnh minh họa

Có nhà, Hùng bắt đầu lên kế hoạch đón ba mẹ vào chơi. Hùng bắt Linh phải nghỉ phép ở nhà cả 10 ngày để đón tiếp, đưa ba mẹ và các cháu của anh đi thăm chỗ này, chỗ nọ. Linh vui vẻ làm theo ý chồng. Nhưng, đến lượt ba mẹ Linh từ Tiền Giang thu xếp lên mừng nhà mới của hai con, Hùng tỏ thái độ không vui. Nghe vợ nói sẽ xin nghỉ phép ở nhà chơi với ba mẹ, Hùng cằn nhằn: “Sao em rách việc quá, ba mẹ em lên Sài Gòn hoài chứ có phải mới lên lần đầu đâu mà bày đặt nghỉ phép. Phép để đó còn lo cho con lúc ốm đau”. Thấy chồng khó chịu, Linh đành nghe theo. Ba mẹ lên thăm mà cô phải đi làm suốt. Mẹ của Linh có tật ăn trầu, biết con ở thành phố kỹ lưỡng, lúc nào bà cũng kè kè cái ống bơ. Nhưng, mới ở nhà Linh được ngày thứ hai, Hùng đã nói: “Mẹ ăn trầu hôi không chịu được!”. Mặc cho ba mẹ vợ sững sờ, chàng rể bỏ dở bữa cơm đứng dậy lên phòng mình. Ba mẹ Linh thấy con gái khó xử, sáng hôm sau vội vã ra bến xe về quê, kế hoạch dành cả tuần thăm con ở thành phố của ông bà coi như phá sản.

Theo ý Hùng, tiền của anh là để lo “việc lớn”, nên mọi chi tiêu trong gia đình dồn lên vai vợ. Dù nhà có khách hay đang phải nuôi thêm em cháu gì của Hùng, Linh vẫn phải gồng mình lo cơm nước cho đầy đủ, chu toàn. Hai con trai đến tuổi đi học, Hùng cũng phó mặc cho Linh đóng học phí. Linh có cảm giác bất công, nhưng không dám mở miệng hỏi tiền chồng, vì có lần Linh hỏi, Hùng nạt ngang: “Phân công từ đầu, anh lo nhà cửa, em lo cơm nước, sinh hoạt phí, sao không biết thu vén, giờ còn hỏi…”. Linh hiểu, chỉ cần nhìn sơ, Hùng đã biết chị Hai của Linh thường phải tạo điều kiện giúp em. Ngoài mối mang cơ bản, Linh còn được chị giao cho các khách sộp để lấy thêm hoa hồng. Vì thế, không cần tiền của chồng, Linh vẫn có thể tự xoay xở được. Biết vậy nên Hùng để mặc vợ lo liệu toàn bộ trong ngoài, anh nói, anh còn phải gom góp tiền mang về quê cho ba mẹ xây nhà ở, cất nhà thờ họ…

Sáu năm qua, dù bận bịu đến mấy, anh cũng thu xếp hai chuyến về Quảng Ngãi thăm cha mẹ, họ hàng, mỗi lần gần nửa tháng. Lần nào chuẩn bị cho chồng về quê, Linh cũng có cảm giác tủi hờn. Vì thu vén quà cáp cho ba mẹ và họ hàng, Hùng cáu gắt suốt với Linh. Anh bắt Linh phải mất nhiều thời gian để chọn quà cho ba mẹ anh, dù chị đang đợt cao điểm giao hàng cho khách, không rảnh để chợ búa, mua sắm. Có lần Linh trách chồng sao cứ phải về bên nội mà ngoại ở gần, chẳng chịu đi thăm. Hùng buột miệng: “Ba mẹ em còn trẻ, còn khỏe, thăm hỏi làm gì!”…

Đến hôm nay, việc anh giật lại tuýp dầu đã vượt sức chịu đựng của Linh. Không phải cô không thể mua lại tuýp dầu khác cho ba mẹ mình, nhưng nghĩ đến sự nhỏ nhen, ích kỷ và phân biệt đối xử của chồng, Linh hoàn toàn thất vọng.

Linh nhận ra, chỉ gia đình, dòng họ của chồng mới là quan trọng với anh. Cha mẹ, anh chị em của Linh, dù có công hỗ trợ, nâng đỡ cô thế nào cũng chỉ là “gia đình bên vợ” mà thôi… Nhìn đi nhìn lại, khiếm khuyết đó đã khiến Linh luôn phải sống trong bất an. Cô mệt mỏi tự hỏi, liệu mình có đủ sức chịu đựng thêm nữa với người chồng như thế?

HẠNH CHI