Category Archives: Tâm sự gia đình

Mẹ chồng qua góc nhìn của tôi

Trong thâm tâm, đôi khi thấy thương ba má chồng hơn, vì ba má ở xa, con cái không ở cùng và lo lắng đầy đủ như ba mẹ mình.

Tôi có cô bạn cưới được 2 tháng, lúc nào cũng cảnh giác với mẹ chồng dù mình đã tiếp xúc với bác nhiều lần, khẳng định bác rất tốt. Cô nàng luôn phòng thủ và cảnh giác cao độ bởi cho rằng mình đã đọc nhiều thông tin, biết tỏng ý đồ của đa số mẹ chồng, nên tốt nhất đừng có thân quá, kẻo có ngày hối không kịp. Mình không nghĩ như vậy bởi quan điểm rất đơn giản, đã gọi là mẹ thì mẹ chồng hay mẹ mình cũng như nhau. Sống thật với tính mình là tốt nhất và quan trọng phải “biết điều”. Có lẽ mình may mắn khi có bà mẹ chồng hiền và dễ thương. Ngày đầu ra mắt má mình rất run, nhưng khi tiếp xúc rồi lại thấy thân thiện và dễ gần. Ngày đầu tiên làm dâu, mình mệt quá, ngủ luôn tới gần 8h sáng, mà ở quê giờ đó coi như gần trưa rồi. Mình run, rón rén đi ra phòng khách, định xin lỗi má nhưng vô tình nghe má với ba nói chuyện: “Bà đừng có kêu vợ chồng nó dậy, tội nghiệp tụi nó mệt, để ngủ thêm tí nữa”. “Tôi đâu có kêu chi, sáng giờ làm nhẹ nhẹ, sợ tụi nó giật mình, mà tí con nhỏ dậy, ông đừng có la. Dân thành phố chắc chưa quen, làm dâu xa lạ nó tủi thân”. Nghe ba má nói mình muốn khóc, tự nhiên thấy thương quá trời. Rồi bữa trưa, tranh thủ lúc má rảnh, mình nói: “Má, con xin lỗi, con mệt quá ngủ quên, có gì mai má kêu con dậy với nhé. Với lại con không biết nấu ăn, có gì má dạy cho con nhé”. Tưởng sao, má cười quá trời rồi nói luôn: “Giống má rồi, hồi đi lấy chồng, má cũng không biết nấu cơm, chiên trứng cũng không biết luôn, bà nội phải dạy đó. Không sao đâu con, từ từ học”. Mình đã ngạc nhiên quá cỡ, có ai đời má chồng đi khai hết tật xấu với con dâu không? Một điều mình thấy thú vị nữa là ba chồng rất thương con dâu nên sẽ là chỗ dựa vững chắc khi chồng làm sai. Có lần mình với chồng tranh cãi, tức quá không biết làm sao, mình gọi điện về tâm sự với má. 30 phút sau ông xã bị xử lý về tội không biết thương vợ, nói không biết nghe. Còn nhiều điều lợi từ việc hòa thuận với ba mẹ chồng. Với lại ông bà cũng không có kiểu mè nheo con cái phải chu cấp cái này hay cái kia. Thế mà bọn mình vẫn chu cấp cho ba má rất tự nguyện. Trong thâm tâm, đôi khi thấy thương ba má chồng hơn, vì ba má ở xa, con cái không ở cùng và lo lắng đầy đủ như ba mẹ mình. Một điều quan trọng nữa, mình thấy ông xã cũng tôn trọng và thương yêu ba má mình hơn. Vậy đó, có thể có những bà mẹ chồng kinh dị, những ông bố chồng hắc ám, những cô em chồng ghê gớm nhưng tựu trung, họ chỉ là số nhỏ, không phải toàn thế giới đều như thế. Cái quan trọng làm sao để thích nghi và tồn tại như câu “Định mệnh mang chúng ta đến với nhau, nhưng chính chúng ta làm cho định mệnh tồn tại”.

Tâm sự của Dương

Mẹ chồng dọa cho con trai đi “gửi nơi khác” nếu tôi không đẻ được

Tôi lấy nhà tôi được 3 năm rồi nhưng chúng tôi không thể có con. Lỗi tại tôi bị tắc ống dẫn trứng.

Vô sinh nên mẹ chồng đòi kiếm vợ khác cho chồng
Vô sinh nên mẹ chồng đòi kiếm vợ khác cho chồng

Sau một năm không thể thụ thai, tôi và chồng đã cùng nhau đi khắp các bệnh viện để tìm cách chữa trị, đông tây y kết hợp đủ cả nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười. Đến năm nay là năm thứ ba, chồng tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, anh ấy dù không nói ra nhưng rõ ràng không còn muốn cùng tôi tới viện nữa.

Cảnh lấy chồng không con rất tủi. Nhiều khi nhìn người ta cưới sau mình mà con đã bi bô nói mà tôi ứa nước mắt. Hàng xóm có người học hành tới nơi tới chốn, họ hiểu và thương cảm cho tôi, nhưng cũng không ít người cổ hủ ít học nói ra nói vào, họ mang nỗi khổ của tôi ra bàn tán, khoét sâu thêm, bảo tôi là “cây độc không trái”. Nếu hôm trước mà tình cờ gặp tôi trong viện sản, y như rằng hôm sau họ “hỏi thăm” mẹ chồng tôi: “Con dâu bà phấn đấu sự nghiệp hay sao mà mãi không thấy chửa?”. Mẹ chồng thấy vợ chồng tôi mãi không có con giờ cũng hết thương tôi. Hôm trước bà bóng gió nói đổng một câu: “Không đẻ được thì thôi cho nó đi “gửi” chỗ khác”. Tôi buồn lắm nhưng chẳng nói được gì. Tính tôi không thích trả treo, cũng vì ít nói, không biết khua mép múa mồm nên tôi không được lòng nhà chồng. Tôi biết cái “chỗ khác” mà mẹ chồng nói là chỗ nào. Cô ấy là người cũ của chồng tôi. Họ chia tay vì cô ấy có người khác. Khi cô ấy quay lại muốn nối với chồng tôi thì anh đã có tôi rồi. Dẫu thế cô ấy vẫn qua lại thăm mẹ chồng tôi và rất được lòng bà. 

Hôm trước tôi hỏi chồng “mẹ nói vậy anh tính sao?” mà anh ấy chỉ im lặng không trả lời. Tôi không biết phải đoán ý anh thế nào. Không lẽ tôi đành nhìn chồng mình đi ăn nằm với người khác để “gửi” một đứa con? Nếu tôi đồng ý cho chuyện ấy xảy ra, nếu tôi cho anh ấy được có con với người ta, thì hôn nhân của tôi sẽ thế nào, hạnh phúc hơn hay bất hạnh chồng chất?

H.Yến

Tín đồ phong thủy

Đi làm về, thấy em hì hụi xê xê, nhích nhích chiếc tủ lạnh, anh biết ngay em lại vừa nhận chỉ đạo từ xa. Mặt em tươi rói: “Anh, giúp em chuyển tủ lạnh sang bên kia”. “Chuyện gì nữa đây?” – anh hỏi.

 

Phong thủy nhà ở
Phong thủy nhà ở – Tín đồ phong thủy

 

Em dừng tay, vẻ nghiêm trọng: “Biết sao tuần trước vợ chồng mình gây nhau không? Là do bố cục nhà bếp không hợp phong thủy”.

Em huyên thuyên giải thích, vừa rồi kể cho mẹ nghe chuyện hai đứa gây nhau, mẹ bỗng dưng hỏi… cái bếp gas để đâu. Biết bếp gas… bị kẹp giữa tủ lạnh và bồn rửa chén, mẹ la toáng lên: “Trời ơi! “thủy hỏa bất tương dung”, lửa bó buộc giữa hai luồng nước, hơi khí nóng không thoát được, sao nhà cửa êm ấm đây?”. Anh chỉ còn biết thở dài. 

Những lúc quá khó chịu, anh lựa lời góp ý là em giãy nảy: “Anh muốn tai ương đổ xuống nhà mình phải không? Bất hạnh, xung đột trong gia đình xảy ra đều là do nhà cửa, vật dụng bố trí không thuận hợp. Anh không biết gì thì cứ nghe lời em đi”. Em viện dẫn, năm ngoái, chuyện anh đến thăm cô bạn cũ đang ốm nặng, bị đồn ầm thành anh ngoại tình khiến chức trưởng phòng thuộc về tay người khác, là do giường ngủ của hai vợ chồng đối diện với tấm gương tủ quần áo, hỏi sao không lục đục. Nghe lời em chuyển dịch chiếc giường, rồi không hiểu em đúng hay sự thật anh vô tội mà lời đồn đoán bỗng dưng không còn. Tin là nhờ vào sự thay đổi phong thủy ấy, em ngày càng lấn lướt. Cứ dăm bữa nửa tháng, nếu không nhích vật này sang phải một chút, kéo vật kia sang trái nửa bước chân hay xoay đổi chiều hướng chiếc giường, cái bàn, chiếc tủ… để tránh tai ương thì y như rằng, em ăn ngủ không yên. Rốt cuộc, có lần đứng từ ngoài nhìn vào, anh không khỏi ngao ngán thấy trong nhà vật dụng ngổn ngang, chương chướng, không gian sinh hoạt ngày càng teo tóp lại.

 

Tất cả những thay đổi đó em đều nghe theo chỉ đạo của mẹ. Mẹ sống ở quê, cách hơn 500 cây số nhưng các con xảy ra chuyện gì, thể nào dăm bảy phút sau bà cũng biết. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực, có tình, có lý, mẹ lại “đổ vấy” mọi chuyện cho nguyên nhân là từ cách trang trí nội thất. Mẹ yêu cầu chúng mình phải xê nhích vật dụng này, món đồ kia sao cho hợp phong thủy. Nghĩ chuyện tuần rồi mà lòng anh còn giận. Nửa đêm cu Bin sốt cao phải nhập viện, trong khi anh phải nghỉ việc chăm con thì em bận đi kêu thợ về đóng bít cánh cửa vì: “Mẹ bảo cửa sổ phòng con gần trụ điện cao áp, luồng “khí xấu” từ trụ điện ùa vào “bắt” bệnh nên phải đóng lại”. Đôi khi, anh không khỏi ngạc nhiên khi thấy mẹ dù ở xa, vẫn am tường nơi chứa đựng, đặt để từng vật dụng trong tổ ấm của mình. Đến chiếc mũ bảo hiểm anh hay mắc sau cánh cửa mẹ cũng biết, rồi dặn: “Cửa nhà phải thông thoáng để đón luồng “khí tốt”, đừng treo móc vật gì lên đó gây cản trở nghen con!”.

 

Sau đận mất chiếc ghế trưởng phòng ấy, tư thế ngủ của anh cũng bị đem ra mổ xẻ. Thì ra mẹ nhỏ to dặn dò con gái: “Đừng để nó nằm thế còng queo. Tướng ngủ mà cong cong, co ro trông khổ sở vậy biểu sao đường công danh thẳng thớm cho được!”. Không biết bao nhiêu đêm đang ngon giấc, anh bị em lay: “Anh lại nằm cong kìa!”. Bực bội, giận nhưng không thể trách được em bởi anh biết, em cũng đang mất ngủ vì lo canh giữ… thế ngủ ngay cho chồng. Sự nghiệp thăng tiến, công danh rạng rỡ đâu không thấy, chỉ thấy hai đứa đều gầy sọp, mắt thâm quầng, phờ phạc vì triền miên thiếu ngủ; công việc thì trễ nải, năng suất sút giảm…

 

Chuyện mua đất, xây nhà cách đây ba năm đến nay nhớ lại, anh còn rùng mình. Suốt hai tháng ròng, ngày nào hai đứa cũng ăn vội bữa cơm trưa rồi đội nắng đi xem đất. Mua được miếng đất đúng ý mẹ đã trần ai, chuyện xây nhà còn khủng khiếp gấp bội: “Xây nhà phải nở hậu, đúng hướng; cửa chính tránh chiếu thẳng vào nhà bếp mới êm ấm, thịnh vượng…”. Đồng ý với em, việc bố cục, bài trí, xây dựng nhà cửa là quan trọng; nhưng có cần thiết phải tuân theo như một tín đồ đến mức đôi giày cũng phải để sao cho “đường đời êm ái” không em? Anh nghĩ mãi không biết cuối cùng là mình nên thay đổi vật gì để em có thể nhận ra sự mệt mỏi, chán ngán của anh…

 

Theo Nguyễn Dân
Phụ nữ TPHCM

Con rể nướng 300 triệu của bố mẹ vợ vào chiếu bạc

Mẹ em đưa cho anh 300 triệu và dặn dò hai vợ chồng cố gắng bảo ban nhau làm ăn. Nhưng thật đau xót cho em, chồng em lấy hết số tiền đó đi miết 1 tuần chơi cờ bạc và bị thua hết.

Đánh bài
Con rể mê đánh bài – Hình minh họa

Vợ chồng em mới cưới được 5 tháng và em đang mang bầu. Nhà chồng em ở quê, không có điều kiện còn em là gái thành phố. Thương con gái nên sau khi cưới, bố mẹ em cho hai đứa ở nhờ căn hộ mà trước đó bố mẹ em cho thuê. Gần đây, chồng em nói là đang cần ít vốn để góp chung làm ăn với bạn.

Em nói chuyện với bố mẹ em và ông bà rất ủng hộ. Mẹ em đưa cho anh 300 triệu và dặn dò hai vợ chồng cố gắng bảo ban nhau làm ăn. Nhưng thật đau xót cho em, chồng em lấy hết số tiền đó đi miết 1 tuần chơi cờ bạc và bị thua hết.

Em giận quá, từng suy nghĩ đến chuyện ly hôn và bỏ về ở nhà bố mẹ đẻ. Chồng em ở nhà chán nản, mang hết cả máy tính xách tay, xe máy của em mang đi cầm rồi lấy tiền tiếp tục đi chơi. Chơi bời chán chê thì anh bỏ đi rượu chè, đến khi say thì anh tìm về nhà bố mẹ đẻ em gây rối, nói em hỗn láo với anh, không chia sẻ khó khăn với chồng nên anh mới chán nản sinh ra hư hỏng như vậy.

Em chán quá, em gọi điện về tâm sự, chia sẻ với bố mẹ anh thì bố mẹ anh còn có thái độ lạnh nhạt với em. Sự việc đến mức ấy, thậm chí em còn bóng gió nói với bố mẹ anh chuyện em muốn ly hôn vì hai mẹ con thực sự quá mệt mỏi, thế mà bố mẹ anh cũng chẳng thèm hỏi han hay động viên em lấy một câu.

Vợ chồng em giờ thế nào hả chị ơi? Em chán lắm, không nghĩ sao chồng mình lại thay đổi và ra nông nỗi này! Con em còn chưa chào đời, em thương cháu quá…

Bạn đọc giấu tên gởi GocTamSu

Góp tiền chợ

Từ xưa đến nay, việc con cái lớn lên, đi làm, hàng tháng biếu tiền cho cha mẹ chi tiêu hay đóng góp vào quỹ sinh hoạt chung của gia đình đã trở thành thói quen và được coi là một cách thể hiện trách nhiệm của người con trong gia đình… Thế nhưng không phải ai cũng làm như vậy và họ đã có lý do riêng.

Anh Minh, 26 tuổi thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Chừa một khoản xài cho nhu cầu cá nhân, số tiền còn lại anh dồn hết vào một quyển sổ tiết kiệm. Anh lý giải: “Tôi chưa nghĩ đến việc phải đưa tiền phụ giúp gia đình vì theo dự định khoảng hai năm nữa tôi dùng số tiền tiết kiệm đó để đi du học ở nước ngoài”.

Không xài tiền cha mẹ

Hùng Văn, 24 tuổi, hiện là nhân viên công ty kinh doanh máy tính cho rằng, hiếu thảo với cha mẹ có nghĩa là người đó có thể tự làm việc nuôi sống bản thân, tự khẳng định việc qua thăng tiến trong nghề nghiệp, tự chứng minh khả năng cạnh tranh của mình trong xã hội là cách đền đáp cho cha mẹ thiết thực nhất. Theo Văn thì để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh trong công việc hiện nay, lớp trẻ phải không ngừng đầu tư cho việc trang bị kiến thức. Văn đặt vấn đề: “ Nếu tôi không đủ tiền để học thêm các khoá ngoại ngữ, marketing, vi tính, mua sắm các trang thiết bị cho cá nhân – mục đích cũng chỉ phục vụ cho công việc (như điện thoại di động, máy tính, máy ảnh) – rồi thua sút bạn bè, bị đào thải khỏi “sân chơi” thì cha mẹ có vui không?”. Chính vì thế mà theo Văn, không thể đo trách nhiệm đối với cha mẹ bằng việc đưa tiền phụ giúp gia đình mỗi tháng.

Cho bản thân là trên hết

Mỹ An, 20 tuổi làm nghề trang điểm cô dâu có mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Nhưng từ lúc đi làm đến nay, An chưa hề đưa về cho mẹ tháng lương nào ngoài món quà tặng là chiếc áo dài lúc An nhận tháng lương đầu tiên. Bản thân An sống rất tiết kiệm và mọi khoản kiếm được cô để dành theo học trang điểm và thiết kế thời trang ở Úc. An nói: “Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải làm được điều mình ưa thích mà không phiền đến cha mẹ. Khi bản thân tôi tự đạt được mong ước và trên hết là có thể sống tốt và đi lên với nghề nghiệp của mình thì chắc chắn cha mẹ tôi sẽ thích hơn là mỗi tháng tôi đưa tiền chợ cho mẹ”.

Có nhiều người cho rằng không lấy tiền cha mẹ là tốt lắm rồi, trách nhiệm với gia đình không nhất thiết là phải góp tiền hàng tháng… không chỉ có ở những gia đình khá giả, cha mẹ có của ăn của để, không đặt vấn đề tiền bạc thành gánh nặng. Nhưng thực tế những suy nghĩ này có thể gặp ở cả những gia đình có mức thu nhập khá lẫn sống theo kiểu ăn đong từng bữa. Chẳng hạn như bạn Huỳnh Thanh Tùng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng marketing chỉ tính toán đến việc đi làm thêm kiếm tiền để mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân, thậm chí gầy dựng tương lai sau này mà chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ phải đi làm kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ dù Tùng luôn được người thân đánh giá là ngoan ngoãn và biết suy nghĩ.

Ðúng hay sai?

Bà Ngọc Mỹ luôn than thở với hàng xóm về cậu con vô trách nhiệm. Theo bà, dù con trai làm giám đốc một công ty lớn, đi xe hơi hàng ngày, chăm lo khá tốt đời sống cho gần 300 công nhân nhưng chẳng thèm đưa về cho cha mẹ đồng nào đã làm cho bà thất vọng. Trong khi đó, anh Ngọc Quang, con trai bà lại có suy nghĩ khác: “Ba má tôi nội cái việc cho thuê nhà mặt tiền, ngoài chi dùng hàng ngày, ông bà còn có thể đi du lịch nước ngoài hàng năm, do vậy tôi cảm thấy việc mình thành đạt và được nhiều người yêu mến tin tưởng sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn. Theo anh, chính sự thành công của con cái mới là món quà xứng đáng để đền công dưỡng dục sinh thành chứ không phải là một ít tiền hàng tháng. Chính sự khác nhau trong suy nghĩ này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng, có lúc bà Mỹ đã giận không thèm nói chuyện với anh gần một năm. Bà Mỹ luôn cho rằng: con đem tiền bạc về biếu cha mẹ chi tiêu hàng tháng là trách nhiệm, cho dù bà có nhiều tiền đến đâu chăng nữa thì con cái phải thực hiện nghĩa vụ này. Còn tiền của bà dư nhiều thì sau này cũng để lại cho con cái mà thôi.

Bà Sáu, mẹ của Mỹ An cũng vậy, khi con gái đi làm không đưa tiền chi tiêu hàng tháng, bà rất buồn nhưng không nói ra. Bản thân bà cũng biết Mỹ An đang dành dụm để đi du học. Bà nói: “Thấy con tự biết dành dụm để phấn đấu cho tương lai là rất tốt, nhưng đôi lúc tôi vẫn cảm thấy buồn”. Thương con, hiểu ý nghĩa của con làm nhưng bà vẫn muốn gia đình theo thói quen từ xưa đến nay: con lớn đi làm hàng tháng góp tiền cho cha mẹ.

Ngọc Thy, quản lý nhãn hiệu của một công ty khá bề thế luôn coi việc con cái trưởng thành, dù đã lập gia đình ra ở riêng hay còn độc thân sống chung với cha mẹ thì việc góp chi phí là bắt buộc. Bởi theo Ngọc Thy, sống cùng một nhà nếu ai cũng không góp tiền cho sinh hoạt chung không lẽ để cha mẹ già lo mãi. Ðồng tình với quan điểm của Thy, anh Minh Hiếu cho biết: “Cha mẹ thương con có thể hy sinh mà không đòi hỏi con cái phải có trách nhiệm lại với mình nhưng không vì thế mà con cái ỷ lại lơ là trách nhiệm với gia đình. Bởi theo tôi hễ là con người sống là phải có trách nhiệm, trách nhiệm đối với gia đình và đối với xã hội”.

Minh Thành

8 điều làm nên hạnh phúc gia đình

1. Sau ngày cưới, hai người nên có được những thoả thuận cần thiết trong cuộc sống gia đình. Về tâm lý, đây chính là thời điểm thuận lợi nhất để bàn bạc vì khi mới lấy nhau, cả hai người còn có nhiều sự quan tâm đến nhau, thông cảm và tha thứ cho nhau.

2. Khi bước vào tuổi trưởng thành thì tính cách của con người đã bền vững và khó thay đổi, trong cuộc sống mỗi người đều có ưu, nhược điểm, cho nên bạn muốn sửa ngay thì thật là sai lầm. Ðôi khi bạn cần phải biết dung hoà, tế nhị, mềm dẻo để uốn nắn những khuyết điểm của người bạn đời, đừng nên nóng vội, muốn “thiết quân luật” ngay. Muốn thế, bạn phải bớt “yêu mình đi” một chút để nghĩ đến gia đình, con cái. Khi lấy nhau thì tình yêu của tuổi trẻ biến thành tình nghĩa vợ chồng, cho nên cần có sự quan tâm, trách nhiệm yêu thương lẫn nhau.

3. Sự hấp dẫn về bề ngoài lẫn tâm hồn là rất cần
thiết để giữ gìn hạnh phúc. Việc kiếm tiền là quan trọng song nó không phải là tất cả. Khi có đồng tiền, nhiều khi chúng ta cũng không thể mua được những gì chúng ta cần. Tiền chỉ là phương tiện để phục vụ cuộc sống. Vì thế bạn đừng vì nó mà đánh mất đi những khoảng thời gian dành cho việc xây đắp “tình yêu vợ chồng”. Với người phụ nữ, việc nâng cao trình độ hiểu biết để không tụt hậu so với chồng là cần thiết.

4. Hôn nhân không thể không
có tình dục (dù người châu Á chúng ta sẽ hơi khó chịu khi đề cập vấn đề này), vì thế không nên xem nhẹ nó trong đời sống vợ chồng. Quan hệ tình dục ở con người không chỉ là vấn đề sinh lý đơn thuần mà là một vấn đề gần gũi yêu thương đặc trưng của loài người. Trong quan hệ cần có sự thống nhất và chia sẻ, nên có chuyện hoà hợp, người này biết chiều chuộng, đáp ứng người kia. Vì vậy cả hai đừng để một phe rơi vào tình trạng bị… ăn chay. Người chồng cũng không nên có cách hành xử thô bạo sẽ khiến để lại ấn tượng không thoải mái cho người vợ, ngoài ra còn ảnh hưởng về mặt tâm lý trong quan hệ sau này. Khi gặp những “khó khăn trong quan hệ”, đừng nên ngại mà hãy hỏi những người có chuyên môn.

5. Phải biết quên những quá khứ không hay để tìm hạnh
phúc hiện tại và tương lai, vì thế đôi bạn đừng bao giờ nhắc lại những quá khứ đó cũng như lấy nó để so sánh với hiện tại. Hãy biết xem xét cuộc sống hiện tại của mình để có thể xây đắp cho tương lai.

6. Biết quan tâm, không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà cả những công việc của nhau. Vui cùng sự thành công và chia sẻ nỗi buồn trong những lúc thất bại là việc nên làm. Ðây là động lực thúc đẩy hai người hiểu nhau hơn. Trong lúc thất bại, vất vả mà có lời động viên của chồng sẽ làm tan biến mọi sự mệt mỏi của người vợ; còn với người vợ, một lời nói ngọt ngào đúng lúc có thể giúp người chồng làm được việc gì khó nhất.

7. Khi ăn cơm là lúc nghỉ ngơithưởng thức. Vì thế nên nói những câu chuyện vui. Ðừng bao giờ đem những sự bực dọc tức giận ra để nói, hãy để lúc khác.

8. Trong mọi công việc, kiềmchế được bản thân luôn mang lại thắng lợi. Trước thiếu sót của người bạn đời mà mình không kiềm chế được thì chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”… Sự ghen tuông quá mức cũng không tốt. Nó không đem lại cái gì mà còn gây hại cho mình, dễ đánh mất sự trân trọng mà người bạn đời dành cho mình. Sự khéo léo tế nhị là cần có song nếu quá mức cũng không tốt. Trong gia đình nên chân tình, cởi mở và nhiều khi phải nhẹ nhàng nhắc yêu sự vô tâm của nhau, điều đó mới là cách cư xử tốt.

MINH MINH (từ Internet)

Những người đàn ông keo

Chuyện quản lý chi tiêu trong gia đình lâu nay thường vẫn do các bà vợ làm chủ. Nhưng một thực tế cho thấy có rất nhiều người đàn ông bị buộc phải quản lý hầu bao của gia đình chỉ vì một lý do nào đó. Liệu có công bằng khi nhiều người xếp họ vào dạng “keo”?

Nắm nửa hầu bao

Cả hai vợ chồng anh Khánh đều làm việc cho các công ty nước ngoài nên thu nhập hàng tháng không dưới 10 triệu đồng. Hai vợ chồng anh thoả hiệp: mỗi tháng anh lo các khoản tiền điện, nước, điện thoại và tiền học cho con cái, còn chị lo ăn uống, quần áo và các vật dụng khác trong gia đình. Cách chi tiêu ấy xem ra có hiệu quả, gần 6 năm qua chưa bao giờ vợ chồng anh phải lời qua tiếng lại về tiền bạc.

Còn vợ của anh Khuê tuy không phải là người giỏi tính toán, tiền tháng nào là gần như vừa đủ hay chỉ dư chút đỉnh nhưng vẫn có thể chu toàn cho cuộc sống gia đình. Nhưng đó chỉ là chuyện trước đây, còn bây giờ để được bằng chị bằng em nên vợ anh rất chịu chơi trong việc chi tiêu, mua sắm quần áo, mỹ phẩm… Góp ý bao nhiêu lần vợ mình vẫn “chứng nào tật ấy”, cuối cùng anh đành chọn giải pháp: lương của vợ dùng để lo cái ăn cái mặc, anh lo khoản học hành cho con, mua sắm các vật dụng có giá trị kha khá. Vậy mà từ ngày phân chia rạch ròi như thế, không những vợ chồng bớt gây gổ nhau về chuyện tiền nong mà anh còn có thể gửi tiết kiệm mỗi tháng một ít.

Ðến quản lý 100%

Nhiều người chê anh Trọng Nghĩa là đàn ông gì mà lúc nào cũng tính toán chi li. Chuyện tiền bạc, chi tiêu trong gia đình phải do người vợ quản lý. Nhưng làm sao họ hiểu được nỗi khổ của một người có vợ lúc nào cũng chi xài không hề tính toán. Nếu như kinh tế gia đình thoải mái một chút thì có thể chấp nhận được, đằng này thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ khoảng 3 triệu đồng cho tất cả các khoản chi tiêu và tiết kiệm. Anh tâm sự: “Lúc mới cưới, bao nhiêu tiền lương đều đưa cho cô ấy, tôi chẳng quan tâm gì nhiều về vấn đề tiền bạc vì nghĩ phụ nữ tính toán và chi tiêu dè sẻn hơn. Ðến khi con trai bị bệnh, phải nhập viện để mổ thì tôi mới biết số tiền dành dụm mấy năm nay chỉ còn một ít. Như biết lỗi, cô ấy hứa sẽ thay đổi, nhưng chỉ được thời gian đầu, sau đó mọi việc như cũ. Vì vậy, tôi thà chịu tiếng keo để quản lý “hầu bao” cho có “trật tự”.

Cùng hoàn cảnh, anh Minh Quốc cũng phải chịu tiếng “Bùi Kiệm”. Vợ anh có cái “tội” là chạy theo mốt với các lý do nghe ra cũng khá thuyết phục: làm đẹp cho chồng mở mày mở mặt với bạn bè, còn trẻ đẹp không diện thì sau này già rồi muốn diện cũng không được… Không còn cách nào khác, anh đành phải quản lý để hạn chế bớt sở thích tốn kém đó. Anh chẳng vui sướng gì với việc giữ tiền và sẵn sàng bàn giao cho vợ nhưng “khi nào cô ấy có thể biết tính toán chi tiêu”.

Khi hết tiền thì ký sổ nợ, ăn chịu hàng quen, thích trò đỏ đen, chơi hụi… là chuyện thường ngày của vợ anh Bảo. Vì thế bao nhiêu tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm đều không cánh mà bay mặc dù những khoản có được ấy không phải ít nếu biết tính toán chi tiêu. Anh Bảo cho biết cũng đã nhiều lần góp ý nhưng chẳng ăn thua gì, vì thế anh quyết định “nắm cái hầu bao”. Kể từ ngày bị soán ngôi, đi đâu, gặp ai chị cũng đều kêu ca vì ông chồng nhỏ mọn, tính toán chi ly với vợ con. Anh than: “Chỉ mong cô ấy thay đổi tính tình, không lẽ vì chuyện tiền bạc mà gia đình tan đàn xẻ nghé nên tôi chịu thiệt để bảo vệ mái ấm gia đình”.

Trước khi kết hôn anh là người tiêu xài lãng phí, gia đình hy vọng sau khi anh cưới vợ rồi thì sẽ có người quản lý tiền bạc giùm. Nhưng anh lại phải gặp một tình huống dở khóc dở cười, vợ anh xài tiền còn hơn cả chồng. Nhà chỉ có hai vợ chồng, lương tháng khoảng 4 – 5 triệu đồng vậy mà chỉ nửa tháng là hết tiền, những ngày còn lại sống nhờ bên nội vài ngày, bên ngoại ít hôm. Từ một người không biết tính toán, anh đành phải làm người đàn ông “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Nhưng theo anh: “Chẳng thấy vợ tôi có chút buồn phiền hay khó chịu. Gánh nặng này chắc tôi đành phải mang dài dài”.

Anh Phương Nam lại là người chồng rất hiểu và thông cảm cho việc mua sắm hoang phí của vợ. Anh thường hay bông đùa, đôi lúc trong cái hoang phí của phụ nữ lại có cả tình người và tấm lòng nhân hậu. Vợ anh đi chợ mua quá số tiền ngoài dự kiến cũng chỉ vì: hôm nay cô bán rau ế quá nên em mua giùm, mấy em sinh viên ở tỉnh lên đi bán hàng tận nhà giữa trời nắng không mua cũng thấy tội nghiệp. Kết quả là bữa ăn nhà anh lúc nào cũng đầy ắp thức ăn, nhiều lúc ăn không hết phải bỏ. Giải pháp cuối cùng mà anh chọn là hạn chế đưa tiền cho vợ để dành một khoản riêng để lúc cần không phải vay mượn ai.

Các bà vợ nghĩ gì?

Là người chưa bao giờ phải nắm giữ một số tiền lớn, chị Thanh Mai cho biết: “Tôi rất vụng về trong việc chi tiêu vì vậy mà chồng tôi phải nhận lấy trọng trách ấy. Ðã là vợ chồng thì không nên tính toán thiệt hơn, ai giữ tiền không quan trọng mà chủ yếu là phải biết sống hoà hợp và chi tiêu đúng mực. Tôi chẳng bao giờ thấy mặc cảm hay xấu hổ vì mình có phần lép vế để chồng quyết định mọi thứ”.

Không phải thuộc loại người phụ nữ như chị Thanh Mai, chị Anh Thư (nhân viên văn phòng của công ty nước ngoài ) cho rằng đàn ông giữ hầu bao gia đình thì khỏi phải bàn tới nữa. Nếu gặp một người chồng như vậy chắc có lẽ chị không thể chịu đựng được lâu. Ðàn ông mà như vậy thì phải thuộc loại người kỹ tính và khó chịu. Cùng quan điểm với chị Thư, chị Thảo, cho biết khi đàn ông giữ tiền thì đa số các phụ nữ thường rất dễ gặp tình huống bị áp đặt trong việc chi tiêu hoặc mỗi lần mua sắm thứ gì đều phải xin tiền chồng, khó chịu lắm.

Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình mà người nắm ngân quỹ gia đình có thể là vợ hay chồng, nhưng theo các ông chồng – “Người phụ nữ quán xuyến chi tiêu là tốt nhất vì họ giỏi tính toán, chu đáo và tiết kiệm hơn. Chứ đàn ông mà giữ tiền vừa nặng gánh vừa bị mang tiếng là ky bo, khổ lắm”.

QUỲNH NHƯ

 

Cơm gia đình: mỗi nhà một kiểu

Bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên luôn được xem là biểu tượng của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng hiện nay, càng ngày, những bữa cơm gia đình càng có vẻ như hiếm đi dưới áp lực của công việc và sự vắng mặt của ai đó trong gia đình…

Cơm gia đình và suy nghĩ của trẻ con

Quang Minh, học sinh lớp 4 trường tiểu học Lê Hoàn, Gò Vấp cho biết hiếm khi nào gia đình em có bữa cơm chung vì buổi tối hai chị em của Minh phải học bài nên được ăn cơm sớm. Mẹ của Minh bữa thì phải đi học thêm, bữa làm ngoài giờ, ba thì hay đi chơi với mấy chú cùng cơ quan hay bàn việc làm ăn nên ít khi nào về nhà trước 9 giờ tối. Bởi các thành viên trong gia đình đều “bận rộn” như thế nên hiếm hoi lắm gia đình Minh mới có bữa cơm chung. Minh cũng rất muốn có ba mẹ ngồi ăn cơm chung như nhiều bạn học cùng lớp nhưng “nếu có ăn chung thì ba mẹ lại hay bàn chuyện làm ăn, chuyện cơ quan chứ ít khi nói chuyện với tụi em”. Minh kể mỗi khi em thắc mắc hay muốn kể chuyện gì đó, ba mẹ lại thường gạt đi “con ăn cơm lẹ đi rồi còn đi học, để ba mẹ bàn chuyện làm ăn”.

Ngọc Bảo, học sinh lớp 4 cho biết mẹ em buôn bán ngoài chợ, nhưng chỉ làm buổi sáng, còn ba chạy tắc xi ban ngày nên cả gia đình cũng thường hay ăn tối cùng nhau “nhưng cả nhà vừa ăn vừa xem ti vi, không thì chuyển sang coi phim hay đọc truyện, xem báo…”. Những câu chuyện trong bữa ăn của gia đình Bảo thường chỉ là bàn về nội dung hay chi tiết của các nhân vật trong bộ phim đang theo dõi hay các vấn đề thời sự đăng tải trên báo. Cũng có khi cả mấy anh em dắt nhau ra ngõ chơi, khi nào đói bụng mới về ăn tối, mẹ Bảo cũng không la mắng. Với gia đình Bảo, bữa cơm tối chỉ là dịp tình cờ “rảnh thì ngồi ăn chung” chứ không mấy quan trọng.

Còn Mai Khanh, cựu sinh viên khoa tài chính doanh nghiệp Ðại học Kinh tế cho biết với gia đình cô bữa cơm tối cuối tuần mới có mặt đầy đủ mọi người, còn những ngày khác thì thường chỉ có ba mẹ Khanh ngồi ăn với nhau. “Không riêng gì tôi mà các anh chị em trong nhà đều cảm thấy mất tự nhiên, không thoải mái khi phải ngồi ăn chung với… ba. Nói ra thì kỳ nhưng do ba tôi khó tính quá, không một bữa ăn nào là ông không càu nhàu hay chê bai chuyện này, chuyện kia nên dần dà ai cũng ngán ngẩm”. Khi chị em cô còn nhỏ, ba của Khanh thường sử dụng thời gian của bữa cơm gia đình với nhiều mục đích khác nhau: khi thì thuyết giảng hết chuyện này đến chuyện kia, từ chuyện ăn mặc, đi đứng đến chuyện chọn bạn để chơi, tiêu xài… mà chỉ toàn “độc thoại”, khi thì lại so sánh chị em Khanh với con của ông A., bà B. nào đó… nên càng ngày Khanh càng dị ứng và ngán ngẩm với bữa cơm đình. Lớn lên, lấy cớ là bận học, bận làm… chị em Khanh thường hay thoái thác các bữa ăn có ba mẹ “bữa nào tránh được thì tránh, còn không thì ăn thật nhanh rồi đứng lên đi, ngay cả ăn cũng bị ép buộc, có cảm giác không thoải mái thì khổ lắm”.

Người lớn: bữa cơm chung vẫn quan trọng

Chị Mỹ Hạnh đặt vấn đề: Tại sao cứ phải có bữa cơm gia đình, có nhất thiết mọi người cùng ngồi ăn chung không trong khi ai cũng có thời khoá biểu riêng, sở thích riêng, theo tôi mạnh ai nấy ăn là tốt nhất. Nhà chị có 5 người – hai vợ chồng và hai con trai, một đang học lớp 9, một lớp 5 và chị giúp việc. Chồng chị là thầu xây dựng nên thời gian làm việc không theo giờ giấc nhất định, chị hùn hạp với bạn bè mở shop bán quần áo sáng đi tối về, cậu con trai sáng đến lớp, chiều học thêm các môn cơ bản, tối rèn Anh văn. Ðể tiện phục vụ cho người nào việc nấy nên chị giúp việc cứ đến bữa thì nấu, ai về giờ nào ăn giờ đó, hiếm khi gia đình chị có bữa cơm chung. Chị lập luận: “Lúc đầu gia đình tôi cũng có bữa cơm chung nhưng hễ cứ đến giờ cơm là ông xã tôi đem chuyện thằng con lớn học “không bằng ai” ra la, tôi can thì ổng kêu bênh con làm nó hư. Riết rồi thôi luôn. Ðến giờ tôi đành chấp nhận mạnh ai nấy ăn để mọi người được vui vẻ còn hơn tụ họp lại rồi chì chiết, gây gổ nhau thêm mất tình cảm”. Tuy là nói như vậy nhưng chị vẫn mong muốn có một bữa cơm gia đình theo đúng nghĩa của nó.

Khác với chị Hạnh, anh Minh Tiến, hiện đang là kỹ sư tại một công ty xây dựng ở quận 10 cho biết, do tính chất công việc nên anh thường hay đi sớm, về muộn. Thế nhưng nếu không đi công tác xa, mỗi tuần gia đình anh phải có ít nhất hai bữa cơm chung. Thời gian không ấn định vào ngày nào, giờ nào – có thể là bữa ăn sáng, cũng có thể là bữa tối cuối tuần. Anh Tiến quan niệm bữa cơm gia đình rất quan trọng vì nó làm cho các thành viên trong nhà gần gũi và hiểu về nhau hơn. “Tôi học được điều này từ ba má tôi. Ngày còn nhỏ, đi đâu thì thôi chứ nếu có mặt ở nhà là tất cả các anh em chúng tôi đều không ai được phép vắng mặt hay bê trễ giờ cơm. Trong bữa ăn, ba má tôi thường hỏi han con cái về chuyện bạn bè, trường lớp hay học hành… Nói chung là những chuyện nhẹ nhàng và không gây nhức đầu, chán nản”.

Chị Thu Thảo, nhân viên phòng xuất nhập khẩu của một công ty tại Thủ Ðức cho biết chị cũng rất coi trọng bữa ăn gia đình, dù cả hai vợ chồng đều bận rộn với hết công việc ở cơ quan đến việc làm ăn riêng với bạn bè. “Nhưng dù gì thì mỗi tuần cũng phải về nhà ăn cơm với con vài ba bữa, để chúng biết được ba mẹ có quan tâm đến chúng. Hơn nữa đó là thời gian mình tranh thủ để tìm hiểu con cái xem chúng đang nghĩ gì, làm gì để có cách giải quyết thích hợp”. Gia đình chị Thảo cũng có một nguyên tắc là “không bàn chuyện làm ăn, không la mắng con cái vì bữa ăn là thời gian chung của cả gia đình”.

Ðể duy trì được một bữa cơm gia đình vui vẻ, ông Minh chủ nhà của một đại gia đình đông đúc (tính cả con cháu, dâu rể đến 15 người) đưa ra quy luật: đúng 7 giờ mỗi buổi chiều, mọi người phải tề tựu bên bàn ăn, trong giờ cơm không được nói đến công việc, học hành, những sai phạm của lũ nhỏ – những việc này nếu có là phải sau bữa ăn. Vì thế trong giờ cơm mọi người có thể kể những câu chuyện vui mà họ nghe được, thấy được trong cơ quan hay lớp học… Ông Minh thú nhận: “Tôi phải mất nhiều năm mới gầy dựng được bửa cơm gia đình như thế”.

Tuy mỗi gia đình có cách tổ chức bữa cơm gia đình khác nhau nhưng đều thống nhất rằng: bữa cơm gia đình là quan trọng, nó không chỉ là chất keo kết dính mọi người với nhau mà còn ảnh hưởng đến cách cư xử, nề nếp sống của các thành viên trong gia đình sau này.

Thục Quyên

Khổ vì gia đình vợ

Dường như chuyện các cô con dâu “ngại” gia đình chồng đã là chuyện bình thường, chẳng có gì để nói, riêng tôi – một người con rể – lại thấy “ngán” gia đình bên vợ. Nói cho ngay, chẳng riêng gì tôi mà chính vợ tôi cũng có vẻ ái ngại với những người thân của mình.

Gia đình vợ có tất cả năm người con, trong đó, bốn người đã lập gia đình, vợ tôi là trưởng nữ. Khách quan mà nói, vợ chồng tôi làm ăn tương đối “ngon lành” nhất. Theo quy ước mỗi tháng, bốn cặp vợ chồng đều gửi cho bố mẹ vợ của tôi một số tiền để lo cho ông bà và lo cho thằng em út đang đi học, số tiền đó tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi người. Chuyện đó là phải đạo, chẳng có gì đáng phàn nàn. Thế nhưng, cứ lâu lâu, tôi lại được ba vợ hỏi mượn tiền. Kể từ khi về hưu, chẳng biết có phải do rảnh rang mà ông bỗng sinh tật đỏ đen, ghiền đánh số đề như điếu đổ. Thỉnh thoảng ông cũng trúng, số tiền trúng ấy chẳng đáng là bao. Mấy người em vợ của tôi lúc đầu cũng dấm dúi cho ông chút đỉnh, nhưng về sau, họ nại lý do làm ăn thất bại, khó khăn này nọ để từ chối sự đòi hỏi liên tục của ông. Vợ tôi cũng biết điều đó, tội nghiệp, dù rất bực mình nhưng cô ấy chỉ biết khóc, biết ba mình làm như thế là sai trái nhưng con cái làm sao dám “góp ý” ? Mà ông nhạc khi cần tiền chỉ toàn gặp riêng tôi để hỏi chứ không hề nói qua vợ tôi. Ðã thế làm sao tôi dám từ chối ?

Chưa hết. Thằng em út của nàng vốn ham chơi hơn ham học. Nghĩ dù sao cũng là người một nhà nên tôi không tiếc những món tiền nho nhỏ lâu lâu dúi cho “cậu út” khi thì để đi sinh nhật bạn, lúc thì để đóng tiền học. Là đàn ông, tôi rất thông cảm với nó – một thanh niên mới lớn có biết bao nhiêu nhu cầu để tiêu xài. Thế nhưng nó chẳng biết nghĩ cho tôi mà thậm chí có lần còn đến tìm tôi với chiếc xe gần như nát bét để “mượn” tiền sửa lại, sợ về nhà sẽ bị mẹ mắng. Tôi thừa biết thói quen lạng lách của “cậu út” nên dù bực mình nhưng vẫn bấm bụng móc ra cho nó vài trăm ngàn kèm theo lời hứa sẽ không méc chị nó vì nó biết tính vợ tôi vốn nghiêm khắc, nếu biết được sẽ làm cho nó một trận ra trò.

Mới đây cô em kế của vợ tôi đến hỏi mượn một số tiền khá lớn để hùn hạp làm ăn gì đó và hứa hẹn sẽ trả “cả gốc lẫn lời” khi công việc đã xong đâu vào đấy. Biết chắc món tiền đó nếu cho mượn cũng sẽ một đi không trở lại hoặc có lấy lại cũng trầy vi tróc vẩy như những lần trước đây vợ tôi từ chối với lý do chúng tôi sắp sửa sang lại căn nhà nên không thể cho mượn. Vì giận hai vợ chồng tôi nên gặp ai cô em vợ đều nói: “Ổng bả giàu như vậy mà khi em út có chuyện cần đến nhờ vả một chút cũng không được. Tình nghĩa anh em đâu chẳng thấy”. Nghe vậy, vợ tôi giận lắm định gặp hai vợ chồng cô em mắng cho một trận, thà là “mất lòng trước được lòng sau”; cũng may mà tôi biết nên ngăn lại kịp.

Tôi quan niệm chẳng thà cho luôn chứ nói tiếng “mượn” mất công người cho mượn cứ nghĩ đến lúc trả. Mà phải đâu tôi chưa cho bao giờ? Cứ mỗi khi có người em nào của vợ có con bệnh, gia đình cần tiền gì đó là vợ chồng tôi lại bàn với nhau giúp cho một ít mà không hề mong được trả lại, nói gì đến chuyện ơn nghĩa. Với mỗi người, lập gia đình riêng đâu phải là đã đặt dấu chấm hết với những mối quan hệ ruột thịt máu mủ của mình, vợ tôi cũng cần sống với gia đình mình, tôi hiểu điều đó nhưng thú thật mỗi khi nghĩ đến những người thân của vợ, tôi chỉ thấy… sợ. Nhưng chẳng lẽ tôi bảo vợ mình đừng qua lại với họ nữa? Vợ tôi là một người giàu lòng tự trọng, nàng cũng rất hay tự ái nên việc gia đình mình “quấy rầy” tôi như thế thật sự làm mất mặt dù tôi không tỏ ra phân biệt “nhà em” hay “nhà anh” gì cả. Những rắc rối, hục hặc nho nhỏ như thế liên tục xảy ra giữa chúng tôi, vợ tôi bực mình vì gia đình mình, còn tôi bực mình vì những điều bức xúc nhưng không tiện nói ra.

Với không ít người, tiền là một công cụ để người ta làm đẹp lòng nhau nhưng với tôi, tiền chẳng khác nào một con dao hai lưỡi, sẵn sàng cắt đứt tình nghĩa giữa những ai không khéo cư xử. Tôi không muốn kể xấu gia đình vợ bởi tính tôi vốn chẳng nhỏ nhen, hẹp hòi nhưng trong một số trường hợp, chính quan niệm “cái gì của anh cũng là của em” đã hại tôi. Tôi không tiếc tiền mà chỉ khó chịu vì cảm giác bị làm phiền, bị lợi dụng lòng tốt quá nhiều. Nếu tôi là con ruột hẳn không có gì để bàn, nhưng đằng này, ở vào vị trí con rể tôi rất sợ “há miệng mắc quai”, sợ bị quy chụp vào cái tội bủn xỉn, hà tiện với gia đình vợ trong khi thực tâm tôi nào phải thế. Hơn nữa, nếu nói ra “xấu chàng” thì “hổ thiếp” chứ có được gì.

Tôi không biết mình còn phải sống trong tình trạng này đến bao giờ nữa…

V. N. T. L

Thư gửi cháu yêu!

Hôm nay nđã chuyển sang ngày thứ tám rồi, còn 22 ngày nữa là cô sẽ được gặp cháu không biết cháu có nôn hay không nhưng sao cô nôn gặp cháu quá, cô ước ao giờ này được ẵm cháu hôn cháu cho thỏa thích.

Cháu yêu à!

Hôm nay là ngày tuần đầu tiên đánh dấu cháu trai cưng của cô cùng cả nhà đón ánh nắng mặt trời, cô cùng ông bà nội thấy vui lắm vì cuối cùng cũng có cháu trai, cô tin chắc rằng ba mẹ cháu còn hồi hộp hơn cả cô nữa thì phải, cô đi học xa nhà không có thời gian về thăm lúc cháu trào đời, cô thấy tiếc nuối lắm.

Không biết hôm nay về tới nhà cháu có khóc vì lạ chỗ không ta? Không biết mặt mũi cháu thấy ghét như thế nào nhỉ? Có giống cô hay giống ba con không, cô thấy hồi hộp vì đứa cháu cả nhà mong đợi này quá. Ngồi trong phòng mà cô nôn nóng tới ngày đầy tháng cháu để cô về.

Không biết lúc đó cháu có nặng thêm chút nào không, hay cháu có cho cô ẵm không nhưng cô biết cháu sẽ nhìn cô mỉm cười phải không nè.

Gia đình mình có ngũ long công chúa rồi, cháu là hoàng tử duy nhất đó cho nên cháu sẽ là cục vàng không chỉ của cô mà còn cả nhà mình nữa, mọi người thường ghẹo nhà mình sẽ không có cháu trai giờ thì mọi người cũng nhìn rõ rồi phải không cháu yêu.

Cô đang đau đầu suy nghĩ không biết nên đặt tên cháu là gì nữa, Bảo Bảo hay Thiên Bảo, hai cái tên ấy cô đều thấy rất hay và dễ thương. Cô nghĩ đặt cái tên thật là tuyệt vời để sau này cháu của cô sẽ trở thành một nhân vật nổi tiếng.

Ba mẹ cháu chắc vui lắm, cô sẽ dành tiền mua cho cháu một món quà thật là hoành tráng, cô đã nhắm mấy bộ quần áo của cảnh sát giao thông nhí cho cháu rồi đó. Cô thích lắm khi nhìn bộ quần áo này là nghĩ tới cháu liền.

Hôm nay đã chuyển sang ngày thứ tám rồi, còn 22 ngày nữa là cô sẽ được gặp cháu không biết cháu có nôn nóng không nhưng sao cô nôn nao mong gặp cháu quá, cô ước ao giờ này được ẵm cháu hôn cháu cho thỏa thích.

Cô cảm ơn ba mẹ cháu đã sinh ra đứa cháu cưng cho cô đi khoe với bạn bè, cô thấy vui và hãnh diện vì sự xuất hiện của cháu.

Cô cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ dành cho cháu của cô từ ngày trào đời cho tới mãi mãi và cả kiếp sau kiếp sau nữa, cô yêu cháu nhiều lắm.

 

Theo tâm sự của Hoàng Anh