Tag Archives: quản lý tài chính

Những người đàn ông keo

Chuyện quản lý chi tiêu trong gia đình lâu nay thường vẫn do các bà vợ làm chủ. Nhưng một thực tế cho thấy có rất nhiều người đàn ông bị buộc phải quản lý hầu bao của gia đình chỉ vì một lý do nào đó. Liệu có công bằng khi nhiều người xếp họ vào dạng “keo”?

Nắm nửa hầu bao

Cả hai vợ chồng anh Khánh đều làm việc cho các công ty nước ngoài nên thu nhập hàng tháng không dưới 10 triệu đồng. Hai vợ chồng anh thoả hiệp: mỗi tháng anh lo các khoản tiền điện, nước, điện thoại và tiền học cho con cái, còn chị lo ăn uống, quần áo và các vật dụng khác trong gia đình. Cách chi tiêu ấy xem ra có hiệu quả, gần 6 năm qua chưa bao giờ vợ chồng anh phải lời qua tiếng lại về tiền bạc.

Còn vợ của anh Khuê tuy không phải là người giỏi tính toán, tiền tháng nào là gần như vừa đủ hay chỉ dư chút đỉnh nhưng vẫn có thể chu toàn cho cuộc sống gia đình. Nhưng đó chỉ là chuyện trước đây, còn bây giờ để được bằng chị bằng em nên vợ anh rất chịu chơi trong việc chi tiêu, mua sắm quần áo, mỹ phẩm… Góp ý bao nhiêu lần vợ mình vẫn “chứng nào tật ấy”, cuối cùng anh đành chọn giải pháp: lương của vợ dùng để lo cái ăn cái mặc, anh lo khoản học hành cho con, mua sắm các vật dụng có giá trị kha khá. Vậy mà từ ngày phân chia rạch ròi như thế, không những vợ chồng bớt gây gổ nhau về chuyện tiền nong mà anh còn có thể gửi tiết kiệm mỗi tháng một ít.

Ðến quản lý 100%

Nhiều người chê anh Trọng Nghĩa là đàn ông gì mà lúc nào cũng tính toán chi li. Chuyện tiền bạc, chi tiêu trong gia đình phải do người vợ quản lý. Nhưng làm sao họ hiểu được nỗi khổ của một người có vợ lúc nào cũng chi xài không hề tính toán. Nếu như kinh tế gia đình thoải mái một chút thì có thể chấp nhận được, đằng này thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ khoảng 3 triệu đồng cho tất cả các khoản chi tiêu và tiết kiệm. Anh tâm sự: “Lúc mới cưới, bao nhiêu tiền lương đều đưa cho cô ấy, tôi chẳng quan tâm gì nhiều về vấn đề tiền bạc vì nghĩ phụ nữ tính toán và chi tiêu dè sẻn hơn. Ðến khi con trai bị bệnh, phải nhập viện để mổ thì tôi mới biết số tiền dành dụm mấy năm nay chỉ còn một ít. Như biết lỗi, cô ấy hứa sẽ thay đổi, nhưng chỉ được thời gian đầu, sau đó mọi việc như cũ. Vì vậy, tôi thà chịu tiếng keo để quản lý “hầu bao” cho có “trật tự”.

Cùng hoàn cảnh, anh Minh Quốc cũng phải chịu tiếng “Bùi Kiệm”. Vợ anh có cái “tội” là chạy theo mốt với các lý do nghe ra cũng khá thuyết phục: làm đẹp cho chồng mở mày mở mặt với bạn bè, còn trẻ đẹp không diện thì sau này già rồi muốn diện cũng không được… Không còn cách nào khác, anh đành phải quản lý để hạn chế bớt sở thích tốn kém đó. Anh chẳng vui sướng gì với việc giữ tiền và sẵn sàng bàn giao cho vợ nhưng “khi nào cô ấy có thể biết tính toán chi tiêu”.

Khi hết tiền thì ký sổ nợ, ăn chịu hàng quen, thích trò đỏ đen, chơi hụi… là chuyện thường ngày của vợ anh Bảo. Vì thế bao nhiêu tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm đều không cánh mà bay mặc dù những khoản có được ấy không phải ít nếu biết tính toán chi tiêu. Anh Bảo cho biết cũng đã nhiều lần góp ý nhưng chẳng ăn thua gì, vì thế anh quyết định “nắm cái hầu bao”. Kể từ ngày bị soán ngôi, đi đâu, gặp ai chị cũng đều kêu ca vì ông chồng nhỏ mọn, tính toán chi ly với vợ con. Anh than: “Chỉ mong cô ấy thay đổi tính tình, không lẽ vì chuyện tiền bạc mà gia đình tan đàn xẻ nghé nên tôi chịu thiệt để bảo vệ mái ấm gia đình”.

Trước khi kết hôn anh là người tiêu xài lãng phí, gia đình hy vọng sau khi anh cưới vợ rồi thì sẽ có người quản lý tiền bạc giùm. Nhưng anh lại phải gặp một tình huống dở khóc dở cười, vợ anh xài tiền còn hơn cả chồng. Nhà chỉ có hai vợ chồng, lương tháng khoảng 4 – 5 triệu đồng vậy mà chỉ nửa tháng là hết tiền, những ngày còn lại sống nhờ bên nội vài ngày, bên ngoại ít hôm. Từ một người không biết tính toán, anh đành phải làm người đàn ông “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Nhưng theo anh: “Chẳng thấy vợ tôi có chút buồn phiền hay khó chịu. Gánh nặng này chắc tôi đành phải mang dài dài”.

Anh Phương Nam lại là người chồng rất hiểu và thông cảm cho việc mua sắm hoang phí của vợ. Anh thường hay bông đùa, đôi lúc trong cái hoang phí của phụ nữ lại có cả tình người và tấm lòng nhân hậu. Vợ anh đi chợ mua quá số tiền ngoài dự kiến cũng chỉ vì: hôm nay cô bán rau ế quá nên em mua giùm, mấy em sinh viên ở tỉnh lên đi bán hàng tận nhà giữa trời nắng không mua cũng thấy tội nghiệp. Kết quả là bữa ăn nhà anh lúc nào cũng đầy ắp thức ăn, nhiều lúc ăn không hết phải bỏ. Giải pháp cuối cùng mà anh chọn là hạn chế đưa tiền cho vợ để dành một khoản riêng để lúc cần không phải vay mượn ai.

Các bà vợ nghĩ gì?

Là người chưa bao giờ phải nắm giữ một số tiền lớn, chị Thanh Mai cho biết: “Tôi rất vụng về trong việc chi tiêu vì vậy mà chồng tôi phải nhận lấy trọng trách ấy. Ðã là vợ chồng thì không nên tính toán thiệt hơn, ai giữ tiền không quan trọng mà chủ yếu là phải biết sống hoà hợp và chi tiêu đúng mực. Tôi chẳng bao giờ thấy mặc cảm hay xấu hổ vì mình có phần lép vế để chồng quyết định mọi thứ”.

Không phải thuộc loại người phụ nữ như chị Thanh Mai, chị Anh Thư (nhân viên văn phòng của công ty nước ngoài ) cho rằng đàn ông giữ hầu bao gia đình thì khỏi phải bàn tới nữa. Nếu gặp một người chồng như vậy chắc có lẽ chị không thể chịu đựng được lâu. Ðàn ông mà như vậy thì phải thuộc loại người kỹ tính và khó chịu. Cùng quan điểm với chị Thư, chị Thảo, cho biết khi đàn ông giữ tiền thì đa số các phụ nữ thường rất dễ gặp tình huống bị áp đặt trong việc chi tiêu hoặc mỗi lần mua sắm thứ gì đều phải xin tiền chồng, khó chịu lắm.

Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình mà người nắm ngân quỹ gia đình có thể là vợ hay chồng, nhưng theo các ông chồng – “Người phụ nữ quán xuyến chi tiêu là tốt nhất vì họ giỏi tính toán, chu đáo và tiết kiệm hơn. Chứ đàn ông mà giữ tiền vừa nặng gánh vừa bị mang tiếng là ky bo, khổ lắm”.

QUỲNH NHƯ