Tag Archives: con dâu

Khổ sở vì không vừa ý mẹ chồng

Tôi kết hôn đã được hơn 5 năm. Cuộc sống gia đình chồng tôi ở Sài Gòn nên khi chuẩn bị kết hôn, dù đã được mọi người tham vấn kỹ vấn đề mẹ chồng, nàng dâu nhưng quả thực tôi không quan tâm lắm. Vì tôi nghĩ họ sống nơi đô thành thì tư tưởng phải thoáng. Nhưng không ngờ mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi.

 

Mẹ chồng với nàng dâu
Mẹ chồng với nàng dâu – Ảnh minh họa

 

Má chồng tôi là người khó tính nhưng không quá khắt khe, cưới về chúng tôi được sống riêng chỉ cần họp mặt với nhau mỗi cuối tuần mà có khi hai, ba tuần một lần nên chuyện gì tôi cũng không để tâm lắm vì thật sự cũng có ở cùng nhau đâu, thôi thì cứ gật đầu vâng dạ cho bà vui lòng mà êm chuyện.

Áp lực đến với tôi kể từ khi chúng tôi có con. Nhà ngoại ở xa nên nội hay qua thăm nom giúp vì lo cho cháu chứ nói thật cũng chẳng hề lo cho tôi. Vừa sinh được hơn 3 tháng là tôi đã phải làm đủ công chuyện nhà nào là quét nhà, rửa chén, nấu cơm, giặt giũ. Những việc ấy lúc trước khi còn sống riêng thì vợ chồng đều chia ra nhưng giờ có mẹ chồng thì chồng tôi ngại giúp vì sợ bà nói ra nói vào tôi này nọ. Rồi vừa làm chuyện nhà có khi không xong con khóc lại quẳng đấy dỗ con. Mọi việc nó cứ quấn lấy tôi như một vòng xiềng xích không lối thoát.

Mang tiếng sang phụ con dâu nhưng bà chỉ giúp tôi trông cháu, còn tất cả công việc nhà đều do tôi làm. Còn cho con bú nhưng công việc nó cứ quấn lấy không có thời gian ăn nhiều khi đến cử sữa mà ngực tôi xẹp lép, tội nghiệp thằng bé láu bú nhưng chẳng đủ no. Mâu thuẫn bắt đầu nhiều hơn khi con tôi ngày một lớn. Có một đợt mêt mỏi quá nên tôi xin về quê mẹ đẻ ở ít hôm. Trông bà có vẻ không vừa ý lắm nhưng tôi đành chịu vì tôi chẳng làm gì vừa ý bà và có lẽ vì một phần sẽ không ai nấu cơm cho con trai bà ăn.

Tôi mua cho con bộ đồ thì thể nào bà cũng chê nó nóng, nó ngắn, nó rộng nhưng chỉ cần là do cô của bé mua thì bà khen và đem khoe khắp xóm dù số lần đếm trên đầu ngón tay. Cũng cùng môt việc nhưng nếu do tôi làm thì ngay sau đó bà sẽ giáo huấn tôi một tràng rằng con nên làm thế này, thế kia nhưng nếu do con gái làm thì bà chỉ cười xoà. Dù biết trước con dâu và con gái mãi mãi cũng chẳng giống nhau nhưng sao cái cách thiên vị của bà làm tôi bức xúc lắm.

Con tôi do tôi sinh ra cực khổ nhưng lại chẳng có quyền quyết định điều gì. Bà ngoại thương cháu hay mua gửi đồ ăn lên nhưng nếu không phải là thứ đó không tốt, thứ kia không bổ thì cũng là nó không ngon. Nhưng nếu do con gái bà mua thì dù chỉ hộp đồ ăn đóng hộp đầy chất bảo quản và đã sản xuất hơn năm thì bà vẫn khen vì đó là hàng nhập.

Thực sự tôi cảm thấy mệt mỏi lắm, cứ như chỉ có con bà là giỏi, là hay. Còn tôi chỉ là dạng đỉa đeo chân hạt, được về làm dâu nhà bà là phước đức mấy đời. Tôi biết mình không là người hoàn hảo nhưng đối xử như thế quả thật tôi chẳng muốn làm gì theo ý bà.

Quả thật lòng tôi không hề muốn nói xấu mẹ chồng nhưng giá như bà hiểu một điều, muốn được đối xử như mẹ đẻ thì hãy xem con dâu là con ruột, bởi con dâu nhưng vẫn được mẹ sinh ra, nuôi lớn. Bản thân mình muốn nó làm dâu nhà mình cũng phải nhờ hai họ mang trầu cau mang đón về mà lúc nào cũng tư tưởng coi thường con dâu khiến tôi mệt mỏi và chuyển sang cáu gắt với chồng và chẳng muốn ai đụng đến con tôi luôn. Lắm lúc nghĩ quẩn tôi lại muốn ly dị để có cuộc sống riêng với con. Dù thật tâm còn yêu chồng nhưng cứ nghĩ đến việc mỗi ngày lại tiếp tục chịu đựng những điều đó làm tôi chùn hẳn.

Phương Linh

 

Con dâu thì cũng chỉ là con…. người ta

Với tôi điều này thực sự đúng. Không phải cứ cho là sẽ được nhận. Bản thân tôi vốn cũng tâm niệm rằng đã quyết định cho thì sẽ không cần nhận. Nhưng đôi lúc việc bạn cứ mải cho cũng làm cho người ta ngộ nhận rằng đó là việc hiển nhiên.

 

Chăm sóc con cực mà gia đình chồng không hài lòng
Chăm sóc con cực mà gia đình chồng không hài lòng
Làm dâu chưa lâu vì vốn dĩ cả tuần có khi cả tháng mới phải gặp mẹ chồng. Nhưng từ lúc có chồng tôi đã có em bé nên việc nhà tôi không thể quán xuyến tốt được. Vả lại nhà chồng tôi khá là to nên có khi 2, 3 hôm tôi mới dọn dẹp 1 lần. Tôi cũng chưa từng công nhận mình là đứa con dâu hoàn hảo, trái lại tôi rất vụn vì khi còn ở với mẹ tôi chưa từng phải làm tất cả mọi việc. Nhà tôi dân chủ lắm, mỗi người một việc mà làm.
Mấy cô em chồng được mẹ cưng chiều từ bé. Cô lớn thì chả đụng đến móng tay, cô út thì cứ bám theo mẹ dù đã 22, 23 tuổi. Chồng tôi cũng vậy, lúc nào cũng ỷ lại mẹ chả bao giờ biết tính toán chi tiêu cho gia đình. Mà tính tôi cũng không thuộc dạng cam chịu, ai sống sao mình sống vậy.
Lúc còn mang thai có hôm cô út về chơi. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, có khi đến tối thế mà khi về nhà thì nhà cửa tối om. Tôi còn sợ cô út có chuyện bảo chồng tôi vào xem sao, nào ngờ cô ấy ngủ cả ngày không thèm dậy nấu cơm ăn.
Tới khi tôi sinh em bé rồi về nhà chồng cũng vậy. Mỗi khi chỉ còn hai mẹ con tôi ở nhà thì cuộc sống khá thoải mái vì chồng tôi đi làm cả ngày. Nhưng khi có nội và mấy cô về thì tôi áp lực vô cùng. Con tôi không thích sữa nên ít bú vậy mà nội bắt tôi ép, chả biết ép đường nào khi mà nó còn bị trào ngược dạ dày, đụng tý là trớ hết cả ra. Rồi đến khi bé bỏ ti mẹ sớm, bé không thích sữa chứ không thích ti bình, nội thì bắt tập ti bình, cô thì bảo mua núm giả cho ngậm, hậu quả là nó thấy bình sữa là khóc thét, mãi mới tập cho đút muỗng được.
Quần áo thì giặt bằng máy, có hôm tôi giặt tôi phơi, biết nội kĩ tính nên tôi phơi rất cần thận, còn chồng tôi phơi thì nhăn nhúm cả lại. Có đợt nội về nói lớn “đứa nào giặt phơi hư hết áo của mẹ, áo mẹ mua cả triệu chứ ít”. Từ đó việc giăt đồ của nhà chồng tôi để cho chồng tôi hết. Tôi chỉ giặt đồ tôi và con thôi.
Tôi có con nhỏ nên sáng không thể đi chợ sớm, mà thực sự đồ ăn cho bé tôi nhờ mẹ tôi mua mang tới nên cũng ít đi chơ lắm. Lúc chưa có con tôi còn đi chợ nấu đồ ăn. Mà mấy cô ấy, ngon thì ăn không thì thôi. Đến lúc có con, loay hoay cả buổi sáng có khi đồ ăn trong tủ lạnh còn gì ăn nấy, hoặc ăn đồ thừa hôm trước. Hẳn mẹ nào có con nhỏ đều biết, khi hết cho con bú thì cái trứng hay nước tương cũng thành bữa cơm ngon, vì có được ăn đúng bữa đâu. Tôi cũng chẳng có thời gian và tiền bạc để hầu từng người
Con tôi thích ăn hơn thích uống sữa nên đến khi ăn dặm cái gì bé cũng xin. Tôi thì làm đủ món, tự tay nấu cho bé, nội và mấy cô chẳng mấy khi cho tiền mà lúc nào cũng bảo “ăn cá hồi thôi, cá hồi mới bổ, mấy thứ khác không bằng”, Mẹ tôi có lúc thương cháu mua cho hộp yến thì nội mỉa mai “thứ ấy bổ béo gì, con mua nguyên tổ cho nó ăn mới bổ”. Thử hỏi mình ở nhà chăm con không thu nhập, ai cho gì cảm ơn không hết, nội chẳng bỏ tiền nhưng thứ gì cũng chê.
Quần áo nội chưa bao giờ mua cho 1 bộ còn ngoại thương ngoại may cho thì nội bảo xấu, vải không tốt…. Nhà nhiều kiến lại có nhiều muỗi nên tôi mua cho cháu cái cũi, nội lại bảo “trời ơi, nó nhốt con vậy đó hả, sao không cho con tự do bò khắp nhà” Nhà sống có hai má con, những lúc tôi nấu cơm hay làm công chuyện ai coi bé, mà nhà nhiều muỗi, lắm chỗ tối, lại ổ điện….
Quả thật biết là bà thương cháu, nhưng chuyện gì cũng có lý có lẽ, bữa trước có người bà con ghé chơi hỏi “mẹ cháu chưa đi làm thế nội có phụ tiền không, vì ba cháu làm lương không cao mà”. Nội cười bảo “Không, tự tụi nó tính”. Vậy đó mà cô của cháu thì ra đường đi xe ga, xài Iphone, Ipad, đồ hiệu…. Không hề phụ tôi lo cho cháu mà 80% chi phí nuôi con đều do tiền tôi vậy mà tôi làm gì bà cũng không vừa lòng, cũng nói ra nói vào.
Giờ thì tôi mới hiểu con dâu thì vẫn là con…. người ta. Dù cho tôi có làm tốt cỡ nào nhưng vẫn không vừa mắt mẹ chồng. Ông bà ngoại cũng thương cháu nhưng khả năng kinh tế không có, lắm lúc dấm dúi cho cái này cái kia đã làm tôi vui lắm rồi. Có chồng có con mới càng thương cha thương mẹ, chưa báo hiếu cha me được ngày nào lại còn bắt cha me lo thêm. Bây giờ tôi chỉ muốn dọn về nhà tôi ở, tôi không muốn con tôi sống với môi trường đó rồi lại đi theo vết xe đổ. Lắm lúc tôi không biết có nên duy trì cuộc hôn nhân này nữa không?
Tâm sự Ngọc Linh gởi GocTamSu

Xin mẹ hãy đối xử với con dâu bằng chân tình

Con từng nghe câu này “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Vậy thì trước tiên mẹ hãy thực hiện điều thứ nhất. Sống chân thành với chính bản thân, và thực thà với con cháu. Chỉ cần mẹ làm được như thế là đã tích đức cho chúng con rồi mẹ ạ.

Con vẫn nhớ lần đầu gặp mẹ khi con trai mẹ đưa con về ra mắt. Gặp bố mẹ và các chị ai cũng vui vẻ, ân cần. Mẹ còn chỉ vào chị dâu bảo con “Chị được tiếng là đẹp người đẹp nết, có ăn có học, gia đình gia giáo, sau này con cứ theo gương chị mà học tập”. Lúc đó con thấy mình hạnh phúc khôn tả. Thật hiếm có mẹ chồng nào tình cảm và khen ngợi con dâu đến vậy. Con nghĩ mình thật hạnh phúc nếu được làm con dâu mẹ.

Hôm cưới con, vì đường xa quá con say xe đến mật xanh mật vàng. Tối đó sau khi dọn dẹp xong con chỉ mong được nằm nghỉ cho hết cơn chếnh choáng của cảm giác trên xe. Vừa đóng cửa phòng con đã nghe tiếng mẹ gọi “chúng mày chưa được ngủ ngay đâu nhé, con phải sang ngồi chơi với chị đã, bao giờ chị ngủ thì hãy về”. Con nghĩ, vì chị mất chồng nên mẹ sợ chị sẽ tủi thân, buồn chán. Mẹ thật tâm lý.

Thời gian sau, khi chúng con đã ra ngoài chỗ làm ở, thình thoảng mẹ lại nhắc nhở phải gọi điện về cho chị động viên chị. Mẹ còn không quên nhắc nhở “chúng mày phải năng hỏi han nó, kẻo nó quên đi nó đi lấy chồng mất thì sao?”. Lúc đó con đã thấy ngờ ngợ. Chẳng lẽ sự quan tâm mà mẹ dành cho chị hóa ra là vì mục đích này sao? Con bảo chồng “Chị T sẽ chẳng bao giờ quên được anh H đâu, vì ngày nào chẳng có người nhắc, chưa kịp quên đã có người nhắc để nhớ rồi”.

Thế rồi, con nhớ lại thái độ của chị với bố mẹ và mọi người thật là lạnh nhạt. Từ ngày biết chị chưa bao giờ thấy chị sang nhà mẹ chơi, chưa bao giờ thấy chị chủ động chào hỏi vui đùa với mọi người. Phải chăng chị cũng nhận ra ý đồ của mẹ? Có lần mẹ điện ra bảo chị chửi bố ghê lắm sau đó chị không cho phép thằng cháu đích tôn của mẹ, tức là con chị được tiếp xúc nói chuyện với ông bà.

Mẹ bảo chồng con gọi cho chị xin chị thông cảm, đừng chửi bố nữa và cho bà được gặp cháu. Mẹ ơi, vì đâu ra nông nỗi này hả mẹ? Chẳng phải bố mẹ vẫn rất yêu quý chiều chuộng chị sao? Chẳng phải mẹ và mọi người vẫn thường bảo con phải nhìn vào tấm gương của chị mà học tập đấy sao?

Hôm nọ con về, nghe chị và mọi người nói lại thì nguyên nhân của việc cãi vã chửi bới đó là do chị muốn bố mẹ sang tên cho chị căn nhà mà chị đang ở, nhưng bố mẹ chưa đồng ý. Lý do là căn nhà đó xây trên đất của ông cha, tiền xây nhà thì do bố mẹ và chồng chị góp vào tạo dựng lên, nên bố mẹ không muốn sang tên cho chị, sợ là chị sẽ bán đi mà đi lấy chồng thì thằng cháu đích tôn của ông bà sẽ phải ra đường.

Con không đồng ý với suy nghĩ của bố mẹ, con đã nói chuyện với chị và các chị gái về quan điểm của con về việc này. Theo con thì của chồng công vợ, nhà đó dù cho có là của bố mẹ cho tiền xây nên, nhưng đã cho vợ chồng chị rồi thì nó là của vợ chồng chị. Giờ anh mất thì nó là của mẹ con chị thì nên để cho chị đứng tên, vì ông bà già rồi lỡ mà có chuyện không hay xảy ra, nhà cửa vẫn mang tên ông bà đến lúc ấy có xảy ra tranh chấp thì khổ cho mẹ con chị.

Chị là người mẹ đời nào lại để con mình đứng đường. Nếu chị có bán ngôi nhà đó thì chẳng qua cũng vì mâu thuẫn quá làm chị không còn muốn ở đó mà bán đi để mua chỗ khác chứ không đời nào chị bán nhà đi mà đuổi con chị ra đường. Trước mặt chị ấy, các chị nhà mình đều đồng ý với quan điểm của con. Nhưng con thật bất ngờ, khi không có chị ấy các chị đã không ngần ngại chửi vợ chồng con là ngu, không hiểu biết gì.

“Cái nhà đáng 500 mà nó bán 200 thì đầy thằng nhẩy vào mua”. Con nghe mà thấy chua chát. Con thấy chua chát cho chị ấy mẹ ạ. Giá như mọi người đừng tỏ ra quá tốt khi ở trước mặt chị ấy thì chị đã được sống với con người thật của mọi người, để mẹ con chị còn hiểu được mọi người mà đối ứng, đằng này…

Trước đây con từng rất giận mẹ và các chị gái khi mọi người đối xử quá bất công với con. Con từng rất giận chị ấy vì chị đối xử với mẹ con con chẳng ra gì. Nhưng bây giờ thì khác. Con thật sự thấy thương chị ấy và con lại nghĩ đến mình. Chị là người thiệt thòi, vậy mà mọi người còn đối xử bằng 2 bộ mặt với chị như thế, thử hỏi với con thì sao? Những tình cảm, lời nói của mọi người thể hiện trước mặt con có còn là sự thật?

Giờ đây con đang có chồng bên cạnh, con có việc làm, con có thể kiếm được chút tiền để biếu mẹ chi tiêu, giả sử nếu sau này có 1 lúc nào đó kinh tế sa sút, con không còn biếu xén mẹ được như bây giờ thì mẹ có khác với con? Con nhớ lại lời chị dâu lúc nói về mẹ “bà thì chỉ có tiền thôi, bà giả vờ tử tế với con cháu nhưng thực chất chỉ nghĩ đến tiền, bà ra vẻ tốt với tôi chẳng qua cũng chỉ vì muốn chiếm cái nhà này chứ đâu phải thật lòng”. Mẹ ơi! Chị nói đúng không hả mẹ?

Con còn nhớ lúc con mới cưới xong, mẹ bảo “ngày trước mẹ buôn bán cũng dành dụm được ít tiền, nhưng rồi anh (ý nói chồng của chị) lấy vợ mẹ lo làm nhà cho anh ấy, rồi còn ít tiền đưa nốt để nó làm vốn. Ngày trước các cụ vẫn suy nghĩ rằng có bao nhiêu trâu bò điền sản thì phải để cho con trưởng, để sau này về già sống với con trưởng và chết đi thì con trưởng còn cúng giỗ, mẹ cũng nghĩ vậy nên chẳng giữ lại gì. Nhưng giờ không may anh mất rồi, mẹ thì chẳng còn gì cả nên đành nhờ cậy ở các con thôi”.

Con thấy những điều mẹ nói là rất chân thực và con sẵn sàng với trách nhiệm của đứa con dâu út (mà chồng con giờ là chỗ dựa duy nhất của mẹ). Nhưng rồi bây giờ con nghe bố mẹ kể lể rằng đã giúp đỡ vợ chồng con này kia, rồi bố nói với mọi người rằng chẳng nhờ vả gì vợ chồng con cả. Trong khi tiền con vẫn đưa đều, đồ đạc con vẫn sắm, nhà cửa con vẫn sửa sang cho bố mẹ còn vợ chồng con thì vẫn phải thuê nhà ở, con con phải gửi bà ngoại trông hộ còn bố mẹ chồng thì con đã nhờ được gì đâu.

Mẹ vẫn thường đi lễ phật, và mẹ rất tín. Bằng chứng là mẹ đã lập cả điện thờ tại gia để thờ các quan. Con nghĩ mẹ đã quyết tâm tu để được về với Phật. Còn con vẫn còn là 1 cô gái trẻ nên việc lễ bái con chưa tham gia nhiều. Nhưng con cũng biết 1 câu rằng “Phật ở trong tâm”. Con người ta muốn “tu” thì trước tiên tấm lòng phải hướng thiện, và luôn sống thật thà.

Con từng nghe câu này “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Vậy thì trước tiên mẹ hãy thực hiện điều thứ nhất đi đã. Sống chân thành với chính bản thân, và thực thà với con cháu. Chỉ cần mẹ làm được như thế là đã tích đức cho chúng con rồi mẹ ạ.

Ngân

Cô con dâu “ích kỷ”

Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Chị đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má vì một điều mà chị vừa nghĩ đến: Không biết những người mà chị đã hết lòng tin yêu, chăm sóc có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của chị không?

 

Sau bữa cơm tối, mẹ chồng lại gọi chị vào phòng kín nói chuyện, vẫn với nội dung như lần trước những lần này giọng bà gần như van lơn khiến chị vừa thương vừa khó xử nhưng chị vẫn phải thành thật và cương quyết:

– Con xin lỗi mẹ, con không sinh nữa đâu mẹ ạ.

Mẹ chồng chị giận chị ra mặt, trách chị là đứa con dâu ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến tương lai của gia đình nhà chồng. Trách chị rồi bà trách lây sang chồng chị là không dạy bảo được vợ. Chồng chị trấn an: Mẹ cứ từ từ để con đả thông tư tưởng cho nhà con.

Từ hôm đó để thực hiện lời hứa, chồng chị không ít lẩn “rủ rỉ” với chị để chị sinh thêm đứa con thứ ba. Anh đưa ra rất nhiều lý do để thuyết phục chị rằng mình sinh con nhưng không phải nuôi, vừa có thêm con lại vừa giúp vợ chồng bác cả giải tỏa tư tưởng, vừa được lòng ông bà… Anh nói với chị rất nhiều, chị cũng đã giải bày những nỗi niềm của mình để mong anh thông cảm nhưng cũng như để bố mẹ chồng hiểu. Khi thuyết phục chị không được anh quay ra quy kết chị bằng những lời thật khó nghe: Hy sinh cho gia đình một chút mà sao cô khó khăn đến vậy? Ở cái nhà này không ai cần cô phải thăng tiến đâu mà cô phải giữ… Từ hôm đó, chị dường như bị nhà chồng “cô lập”.

Mà nào chị có tội tình gì đâu, chị đã sinh cho nhà chồng một trai, một gái ngoan ngoãn, kháu khỉnh nhưng chỉ vì vợ chồng bác cả không có khả năng có con chạy chữa nhiều nơi mà vẫn chưa có kết quả nên ông bà mới tính đến chuyện “nhờ” chị sinh thêm đứa nữa. Đứa con đó vợ chồng bác cả sẽ nuôi, vẫn là con mình cháu mình mà không phải tốn công tốn của, không phải nhận con nuôi thế là vẹn cả đôi đường. Chị đã mất rất nhiều đêm để suy nghĩ về chuyện này nhưng càng nghĩ chị càng thấy không ổn. Chị nghĩ cho vợ chồng bác cả, nói gì thì nói hai bác vẫn cứ mong có được một đứa con là cốt nhục của mình, dù hôm nay chưa có kết quả nhưng cùng với sự phát triển của y học biết đâu một ngày không xa, niềm mong ước đó sẽ thành. Còn mong ước nghĩa là còn hy vọng.

Rồi chị nghĩ đến đứa con mà chị sinh thêm nó sẽ sống với hai bác, chẳng lẽ giấu nó về “nguồn gốc” chào đời của nó ư? Mà nếu không giấu thì như một lẽ tự nhiên nó sẽ tìm về với bố mẹ nó và cũng là lẽ tự nhiên sẽ thích sống ở nhà bố mẹ nó, chẳng lẽ chia cắt nó ư? Và chị, bản năng của một người mẹ lúc nào chẳng muốn ôm ấp con mình, lúc đó bác cả sẽ nghĩ sao, chẳng lẽ đưa đứa trẻ ra để làm trò kéo co ư? Cái tội mà bố mẹ chồng và chồng chị quy kết chị lại nghĩ đến sau cùng. Chị không phải là mẫu người phụ nữ tham vọng nhưng chị cũng đã từng tốt nghiệp đại học với cái bằng loại giỏi, rồi học lên cao học với biết bao sự cố gắng, nỗ lực để công việc, vị trí làm việc của mình ngày một tốt hơn. Chị cũng mong muốn được khẳng định mình lắm chứ? Chính vì gia đình nên chị đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thăng tiến ngay cả việc chị tốt nghiệp cao học muộn hơn bạn bè cùng khóa cũng chỉ vì dành thời gian để chăm sóc mẹ chồng khi bà bệnh nặng. Nhưng chị chưa bao giờ thấy ân hận hay nuối tiếc. Chị không ngại “hy sinh” nhưng sự “hy sinh” trong hoàn cảnh này là không công bằng với chị, với người mà chị gọi là chị dâu và cả với con của chị nữa.

Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Chị đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má vì một điều mà chị vừa nghĩ đến: Không biết những người mà chị đã hết lòng tin yêu, chăm sóc có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của chị không?

 

Theo Đời sống gia đình