Category Archives: Tâm sự công việc

27 tuổi, chưa có bạn trai có nên học tiếp bằng 2 đại học

27 tuổi không còn sớm cho việc học hành. Và khi tôi tốt nghiệp thì cũng 30 tuổi rồi, hiện tại lại vẫn chưa có bạn trai, mặc dù ngoại hình cũng ưa nhìn…

 

Văn bằng 2 đại học
Văn bằng 2 đại học – Hình minh họa

Tôi đang rất băn khoăn về tương lai nghề nghiệp của mình nên mong nhận được những lời khuyên từ các bạn.

Năm nay tôi đã 27 tuổi, tốt nghiệp ngành kỹ thuật và đi làm 4 năm. Nhưng trong quá trình học thấy không phù hợp nên sau khi ra trường, tôi xin làm bên giao nhận thuộc bộ phận chứng từ.

Thời gian trôi qua, tôi thấy công việc đơn điệu nhàm chán và không phù hợp với mình. Ngày nào tôi cũng băn khoăn, tiếc nuối về quá khứ, về việc học sai ngành nghề. Gia đình cũng không khá giả, việc muốn phát triển bản thân và kiếm tiền luôn ám ảnh tôi. Khi thấy các bạn cùng lứa tuổi phát triển trong sự nghiệp, tôi luôn có cảm giác thua kém và tự ti với bạn bè.

Hiện tại tôi đang muốn học thêm văn bằng 2 của trường Đại học Ngoại thương để sau này có cơ hội làm công việc xuất nhập khẩu như: đàm phán, thương lượng hợp đồng, làm việc với đối tác nước ngoài.

Mong muốn là vậy, nhưng cái tôi băn khoăn và tiếc nuối là: 27 tuổi thì cũng không còn sớm cho việc học hành và bắt đầu những công việc mang tính thử thách nhất là công việc xuất nhập khẩu. Những nơi trên thì đòi hỏi năng lực cao và công ty tuyển dụng nào cũng đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm. Và khi tôi tốt nghiệp thì cũng 30 tuổi rồi, hiện tại lại vẫn chưa có bạn trai, mặc dù ngoại hình cũng ưa nhìn.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc kiếm tiền, phát triển bản thân là mối quan tâm lớn nhất của tôi, có lẽ do ám ảnh về tuổi thơ nghèo khó nên tôi luôn khát khao được làm giàu. Tôi nhận thấy chỉ có học thêm văn bằng 2 mới giúp mình đạt được nguyện vọng đó. Sự thôi thúc phát triển bản thân và cảm giác tiếc nuối, thua kém luôn song song trong con người mình, khiến cho tôi mệt mỏi ngày qua ngày.

27 tuổi, tôi chọn con đường học lại từ đầu và đến 30 tuổi mới có cơ hội thay đổi công việc, liệu như vậy có là quá muộn? Giờ tôi rất băn khoăn về điều này, mong nhận được lời khuyên chân thành từ các bạn.

 

Xương Rồng

Vợ sếp ghen với tôi

Thời gian trước, tôi và sếp có đi công tác, tôi chạy sang phòng sếp để ngủ cùng, phòng có sếp và anh trợ lý. Anh này ngại nên sang phòng tôi, sếp cũng vậy. Chỉ vì tự nhiên tôi sợ ma quá nên chạy sang phòng sếp định ngủ cho đỡ sợ.

Tôi có chồng và một con, ngoại hình bình thường, rất năng nổ trong công việc. Tôi có duyên gặp sếp từ khi đang là đối tác, vẻ ngoài hiền lành, điềm đạm khiến tôi về làm việc cho anh. Trong thời gian mang bầu cũng gặp trục trặc với chồng nên tâm trạng không được tốt, tôi có tâm sự với sếp, được anh chia sẻ và động viên tôi lại càng quý mến và tôn trọng anh nhiều hơn.

Về công việc, tôi làm luôn hết lòng vì công ty, cố gắng kiếm hợp đồng, một mặt cho công ty và một mặt cố gắng kiếm tiền cho con, chồng lương cũng không dư dả gì. Trong sâu thẳm tôi vẫn thầm đố kỵ với vợ anh, chị ta luôn tỏ ra tự tin, kiểu như ta là vợ sếp thì phải như bề trên, mọi người trong công ty yêu quý chỉ vì chị ta khéo nói chứ thực ra có giúp gì được chồng trong công việc đâu. Ví dụ chị ta cảm ơn tôi kiểu: Chị và cháu rất biết ơn vì sự nhiệt tình và tài giỏi của em, anh nhà chị tìm được một người giúp việc và trợ lý như em thật là tốt.

Thực ra sếp cũng có những mối quan hệ ngoài luồng nhưng chị vợ lại luôn tỏ ra cho cả thế giới biết chồng rất yêu gia đình. Tôi nghĩ chị ta biết những chuyện như thế mà vẫn tỏ ra như không có gì thì không phải người chân thành. Những chuyến công tác được đi cùng sếp trong lòng tôi thấy thật bình yên và vô tư hết mình vì công việc, mặc dù có những lúc con sốt, thậm chí những ngày đầu khi con chưa đầy năm tôi vẫn lặn lội đi công tác xa cả tuần cho công ty.

Trong một lần công tác cùng anh, chị ta gọi điện nói chuyển máy gặp tôi, sau mấy câu xã giao chị ta nói: Em đi công tác với chồng chị nên giữ ý, đừng có thể hiện tình cảm vô tư quá đà không hay. Chị ta nói mấy tuần trước có nghe anh trợ lý nói. Thời gian trước, tôi và sếp có đi công tác, tôi chạy sang phòng sếp để ngủ cùng, trong phòng có sếp và anh trợ lý. Anh này ngại nên sang phòng tôi, sếp cũng vậy. Chuyện chẳng có gì chỉ vì tự nhiên tôi sợ ma quá nên chạy sang phòng sếp định ngủ cho đỡ sợ. Thế mà chị ta gọi điện nói rằng: Chị rất xấu hổ khi nghe được chuyện như vậy, em có thể ngủ với chồng chị ở đâu thì chị không biết nhưng làm như vậy có người biết nói lại chẳng ra gì.

Tôi cảm thấy bị xúc phạm và bức xúc với cách nói kẻ cả của chị ta, tôi nói tại sao chị không gọi thẳng cho tôi mà phải gọi cho anh? Chị ta nói không lưu số. Tôi nói khi đi công tác xong sẽ gặp chị để nói chuyện về cách cư xử hồ đồ đó. Ngay việc đi công tác thường xuyên cũng khiến cho chồng tôi suy nghĩ và luôn ghen tuông vì anh tự ti rằng mình nhỏ con và xấu, còn sếp thì quá đẹp. Bây giờ gặp thêm chuyện này, tôi mệt mỏi và muốn xin nghỉ việc tại công ty, nhưng không đành lòng vì anh và công ty đang gặp khó khăn. Tôi phải nói gì với chị vợ kia và có nên thôi việc ở công ty để gia đình được vui vẻ không? Xin chân thành cảm ơn mọi người.

Hoa / Vnexpress

 

Chồng không muốn tôi đi làm

Anh bảo, tôi muốn đi làm chỉ thỏa mãn bản thân thôi, rằng tôi muốn giao lưu, chứ không hề nghĩ đến gia đình và các con.

Tôi đang rơi vào tình thế bi quan. Tôi đã có chồng, con. Từ khi ra trường, tôi và chồng cùng làm tại một công ty. Rồi sau đó, chúng tôi thành lập công ty riêng và cùng nhau làm ăn.

Công việc kinh doanh có nhiều thăng trầm, có những lúc bất đồng quan điểm, nhưng rồi chúng tôi cũng biết nhường nhịn nhau để nhìn về phía trước. Khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế qua đi, vợ chồng tôi xây dựng được một chút về kinh tế cho gia đình, có nhà riêng, có xe để đi… Nói chung, cuộc sống không còn thiếu thốn như trước nữa.

Đau đầu vì chồng không cho đi làm
Đau đầu vì chồng không cho đi làm – Ảnh minh họa

Bây giờ, công ty hết việc, chúng tôi quyết định giải thể. Anh ấy đi tìm việc khác phù hợp với bản thân mình, còn tôi ở nhà chăm sóc con cái, lo toan việc gia đình. Gần đây, ngồi nhà nhiều tôi thấy buồn. Tôi muốn đi làm và đã tìm được việc phù hợp với chuyên môn của mình. Nhưng đổi lại, anh ấy không muốn tôi đi làm. Anh ấy muốn tôi ở nhà, làm việc nhà cũng là làm, vì kinh tế có phải vấn đề bận tâm của chúng tôi đâu.

Anh ấy bảo, tôi muốn đi làm chỉ thỏa mãn bản thân thôi, rằng tôi muốn giao lưu, muốn có văn hóa doanh nghiệp… chứ không hề nghĩ đến gia đình và các con. Tôi buồn khi nghe những lời như thế. Tôi đã im lặng và không muốn tranh luận thêm gì nữa bởi tôi nghĩ đi làm là nhu cầu của mỗi con người. Ngoài vấn đề tài chính, người ta còn học hỏi, còn có kiến thức xã hội, cảm thấy thời gian trôi đi không trì trệ nữa. Tôi phân vân quá. Đi làm hay ở nhà thui thủi để giữ hạnh phúc gia đình? Giữa chúng tôi có những khoảng cách như thế…

Bởi tôi nghĩ đi làm là nhu cầu của mỗi con người, ngoài vấn đề tài chính người ta còn học hỏi, còn có kiến thức xã hội, còn cảm thấy thời gian trôi đi không trì trệ nữa. Tôi phân vân quá, đi làm hay ở nhà thui thủi để giữ hp gia đình? giữa chúng tôi có những khoảng cách như thế…

Độc giả giấu tên

Luôn bỏ tiền vào ví chồng khi anh thất nghiệp

Tôi chú ý đến lời ăn tiếng nói, thái độ, quan tâm động viên, vẫn nhờ anh chỉ cho cái này cái kia, mặc dù tôi cũng biết về những việc ấy. Tôi rất hay cười và động viên chồng bằng những câu châm ngôn hài hước.

 

Tôi năm nay 28 tuổi, lập gia đình được 2 năm, chúng tôi yêu và chỉ một năm sau đi đến kết hôn. Trước khi cưới, công việc của chồng tôi cũng rất ổn, còn tôi làm hành chính nên không dư giả gì. Nhưng sau khi cưới khoảng nửa tháng, chồng tôi phải sống cảnh không lương hơn một năm do công ty anh gặp nhiều vấn đề trong quá trình thanh quyết toán, không có lương trả cho anh em.

Suốt thời gian đó tôi luôn nghĩ chồng mình là người có năng lực nhưng do thời thế nên mới phải vậy. Tôi chú ý đến lời ăn tiếng nói, thái độ, quan tâm động viên, vẫn nhờ anh chỉ cho cái này cái kia, mặc dù tôi cũng biết về những việc ấy. Tôi rất hay cười và động viên chồng bằng những câu châm ngôn hài hước, hàng tháng tôi vẫn trích lương ra để vào bóp của anh.

Tôi không bao giờ hỏi về số tiền trước khi cưới anh đã làm được và luôn có suy nghĩ dù gì cũng phải đứng trên 2 chân của mình chứ không dựa vào người khác. Những việc làm ấy không cần nói anh cũng biết và rất thương tôi, đến nay khi công ty đã có khả năng trả lương cho nhân viên, anh rất tin tưởng và giao cho tôi phần lớn số lương của mình dù tôi không đòi hỏi việc này.

Ví dụ của tôi để Lan thấy rằng đàn ông cũng rất nhạy cảm, đặc biệt là chuyện không kiếm ra tiền nuôi vợ con. Tôi thấy chồng bạn cũng rất buồn, anh ấy không đi ra ngoài hay đi chơi thể thao cũng vì muốn tiết kiệm một khoản cho bạn vì bạn biết đàn ông thích tụ tập, thể thao xong cũng phải tụ tập.

Tôi thấy bạn nên nói chuyện với chồng nhiều hơn, tạo cho anh ấy suy nghĩ rằng bạn vẫn hàng ngày mong anh có thể kiếm được một công việc không phải chỉ để giúp đỡ vợ con mà hơn hết để không phí hoài tài năng của anh ấy. Ai cũng tiềm ẩn nhưng tài năng sẵn có mà chưa có cơ hội phát huy. Phải động viên khích lệ chồng và bạn cũng ít nhắc đến chuyện tiền bạc hơn, vì lúc khó khăn vẫn có một khoản nho nhỏ để xoay sở là tốt hơn nhiều người khác lắm rồi. Đôi lời chia sẻ cùng bạn.

Bích Hậu

Vì mẹ mà một cô gái sẵn sàng bán thân

Đã một tuần ăn chực nằm chờ trong bệnh viện, nhưng tôi vẫn không thể nào thích nghi được với không khí ở đây. Từ khoa điều trị của mẹ muốn xuống căng tin phải đi qua lối vào nhà xác. Mỗi lần hai mẹ con dìu nhau đi, tôi cứ phải cố dấn bước cho nhanh và mắt nhìn thẳng tắp. Để bảo vệ chút mạnh mẽ còn lại mà không đổ gục. Nhà tôi, mẹ góa con côi, nếu tôi cũng quỵ, sẽ chẳng còn ai làm chỗ dựa cho mẹ.

Hết một tuần, tất cả kết quả xét nghiệm đều đi đến chung một kết luận: Khối u của mẹ lành tính nhưng bắt buộc phải phẫu thuật.

Bán thân cứu mẹ
Bán thân cứu mẹ

Nỗi vui mừng chưa kịp nhen nhóm thì số tiền dự tính phải chi trả đã tàn bạo bóp nghẹt trái tim tôi lần nữa.

Tôi có bán răng, bán tóc, bán máu, bán cả nhà cũng không thể đủ một nửa con số trăm triệu đồng. Huy động tất cả người thân, bạn bè quen biết được vỏn vẹn hai chục triệu. Cây vàng mẹ định để dành làm của hồi môn cho tôi phải bán đúng lúc giá chạm đáy cũng chỉ gom thêm được bốn chục triệu nữa. Con số sáu mươi triệu đồng còn lại cứ như cái thòng lọng treo lơ lửng trên đầu tôi.

Không có nó, mẹ không thể phẫu thuật được. Thời gian càng kéo dài, xác suất an toàn sẽ càng giảm. Chưa bao giờ tôi lâm vào tình trạng quẫn trí như lúc này.

Sao các đại gia không vào hành lang bệnh viện mà tìm tình một đêm? Năm trăm đô, hai trăm đô cũng được. Tôi cao 1m68, ba vòng đủ chuẩn, mặt xinh, da trắng. Tôi sẽ bán tôi ngay để đủ tiền phẫu thuật cho mẹ.

Mỗi buổi sáng, bác sĩ điều trị cho mẹ đi qua thăm khám đều hỏi han về tình hình chuẩn bị của chúng tôi. Tôi chưa bao giờ khóc trước mặt bác sĩ, nhưng sắc mặt tôi trông còn thảm hơn cả khóc, nên bao giờ anh cũng ái ngại quay đi.

Phòng bệnh của mẹ có mười hai người, chen chúc trong sáu cái giường cá nhân. Buổi sáng hôm thứ sáu, bác sĩ điều trị của mẹ đi vào, mang theo mười hai cái phong bì, bảo là của các nhà hảo tâm gửi tặng. Mười một cái đều chỉ có một triệu đồng, riêng cái của mẹ tôi là năm triệu đồng, kèm theo tín hiệu “bí mật”. Có nhiều tiếng khóc cùng lúc sụt sùi. Bác sĩ thấy ngại sao đó mà đi ra ngay, còn bảo tôi cuối giờ lên khoa gặp.

Ai đã từng vào chăm bệnh nhân trong viện mới cảm nhận được hết cái thấp thỏm trong câu hẹn gặp với bác sĩ. Thường là vì tình trạng bệnh tiến triển không tốt bác sĩ điều trị mới phải gặp riêng người nhà. Cũng có khi vì phí điều trị tự nhiên lại đội lên quá cao. Với người giàu mà nói, đây không phải là khó khăn gì ghê gớm. Nhưng với dân nghèo như chúng tôi, mức độ sát thương của nó như các cư dân mạng hay nói, đúng là “vô đối”.

Cho nên, suốt cả ngày hôm ấy tôi hết đi ra lại đi vào, giơ tay xem đồng hồ liên tục, đến mức chính mẹ cũng bị lây cảm giác căng thẳng. Khi kim giờ chỉ đúng số năm, tôi lao như tên bắn qua hành lang bệnh viện. Ngồi trong phòng của anh rồi, hơi thở vẫn chưa điều hòa nổi, lòng bàn tay tôi túa mồ hôi lạnh toát.

Không có tiên liệu xấu nào cả. Anh chỉ cho tôi thêm một con đường sống.

Tôi phải cấp tốc mua bảo hiểm cho mẹ, trước thời gian phẫu thuật. Anh thậm chí còn giới thiệu người có thể giúp tôi đẩy nhanh và hợp thức hóa các thủ tục. Tôi trào nước mắt cám ơn. Anh lại lúng túng: Cũng không giúp được gì nhiều đâu, vì ca mổ của mẹ em là tự nguyện, nên bảo hiểm chỉ trả giúp một phần viện phí. Giảm được khoảng 20% tổng chi phí là cùng!

Tôi lẩm nhẩm trong óc, 20% của 120 triệu nghĩa là hơn hai chục triệu. Nghĩa là nỗi lo của tôi giảm xuống chỉ còn hơn ba chục triệu nữa thôi. Một triệu đồng lúc này cũng quý, nói gì đến hơn hai chục triệu.

Nhưng một tuần sau đó tôi vẫn không biết làm cách nào để xoay ra hơn ba chục triệu đồng. Túng quá hóa liều. Tôi một lần nữa gõ cửa phòng bác sĩ điều trị chính. Trong tay là một hợp đồng đã soạn sẵn, ký sẵn. Tôi mạo muội đề nghị anh bảo lãnh cho ca mổ của mẹ tôi. Tôi biết điều này là bất khả thi. Trong bệnh viện lúc nào cũng có người nghèo. Mạng ai cũng quý. Ai cũng muốn nhờ bác sĩ bảo lãnh. Mà bác sĩ thì không là thánh. Nhưng tôi có một niềm tin mơ hồ: Hình như anh để ý đến tôi. Có để ý mới đưa phong bị dày hơn những người khác. Có để ý mới nói giúp việc làm bảo hiểm, không bác sĩ nào rỗi hơi lại đi mách bệnh nhân cách lách luật rắc rối và có phần trái quy tắc như vậy?

Trong hợp đồng thảo sẵn, tôi đề nghị làm giúp việc không công cho gia đình bác sĩ trong 3 năm, bảy ngày trên tuần, ba giờ mỗi ngày. Không ngờ, anh nhìn tờ giấy rồi cười, đẩy lại phía tôi không nói gì. Cuống quá, tôi nói thẳng tưng mà không hề đỏ mặt: Hay là anh mua em đi, toàn quyền sử dụng trong một năm. Em cam tâm tình nguyện! Lần này, anh đơ ra một lúc, mặt đỏ bừng.

Tôi gần như tuyệt vọng, thiếu chút nữa thì nằm lăn ra phòng anh ăn vạ. Một lúc sau anh bảo tôi chuẩn bị, thứ ba sẽ mổ cho mẹ. Tôi gần như bay ra khỏi phòng anh, bất chấp nỗi ê chề bán thân vô tiền khoáng hậu kia. Trước mắt tôi chỉ còn viễn cảnh mẹ sẽ được phẫu thật, sẽ khỏi bệnh, khỏe mạnh trở lại. Tôi làm gì còn người thân nào khác trên đời này!

Ca phẫu thuật của mẹ rất thành công. Lúc này tâm trí tôi mới trở lại trạng thái bình thường. Nghĩ đến cái hợp đồng vẫn bỏ lại trong phòng anh, không khỏi ngượng ngùng. Nhưng mãi vẫn không thấy khổ chủ đòi nợ. Gần ngày mẹ ra viện, tôi lần nữa vác mặt mo đi đề nghị người ta “nghiệm thu” mình.

***

Tôi ngoài ba mươi tuổi. Bác sĩ của một bệnh viện lớn. Độc thân nhưng hình như không có duyên lắm với phụ nữ. Lần đầu nhìn thấy em đã rung rinh. Em rất đẹp, lại hiếu thuận. Chăm chút mẹ từng li từng tí. Làm việc trong bệnh viện lâu rồi, tôi đã chứng kiến không ít cảnh các ông bố bà mẹ cô đơn vò võ điều trị nội trú, toàn bộ việc chăm sóc phó mặc cả cho điều dưỡng viên, con cái một tuần tới điểm danh một lần đã là nhiều. Thế nên, hình ảnh của em ngày ngày chăm chút mẹ tận tâm tận lực lại khiến tôi để tâm. Mẹ em phải phẫu thuật, lần lữa mãi mà không thu xếp đủ tiền, tôi cũng có chút động lòng.

Mẹ tôi năm nay ngoài bảy mươi tuổi. Bố tôi mất đã năm năm, sở thích còn lại duy nhất của bà là chăm tôi và làm từ thiện. Lương hưu của bà không đáng là bao, ngày ngày bà may áo, đan len, rồi cứ gom lại từng tí một, thành một chục là hớn hở mang cho trẻ con nghèo. Trước đây, mẹ cũng hay mang vào viện tôi nhưng từ khi tôi bảo: Bệnh nhân thường họ không thiếu mấy thứ mẹ cho, cái họ thiếu nhất là tiền, thế là mẹ chuyển mục tiêu sang mấy xã ngoại thành và các xã vùng núi theo chường trình của Hội Chữ thập đỏ.

Gần đây, mẹ vận động được cả các cô chú và bạn bè ở nước ngoài gửi tiền về làm từ thiện, thỉnh thoảng được một cục, mẹ lại tất tả đem cho. Tháng trước, mẹ đi đường bị xe tông gãy chân, thế là phải nằm một chỗ, không đi lại được. Cục tiền của mẹ, tôi phải làm nhiệm vụ mang vào viện phân phát. Thực lòng, tôi không quen làm việc này nhưng trước sức ép của mẹ, đành chia ra các phần bằng nhau, đem chia cho phòng điều trị của mình, năm phút là xong. Riêng phong bì của mẹ em, tôi cố tình nhét thêm bốn triệu đồng. Cũng như muốn bỏ bể mà thôi!

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được em lại đề nghị “bán mình” cho tôi với cái giá như vậy. Nhất thời không biết phản ứng thế nào nên cứ ngồi ngậm hột thị. Nhìn gương mặt tuyệt vọng của em, tôi biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác. Thế là rút tiền túi ra giúp bệnh nhân. Cũng chẳng phải vì lòng tốt như mẹ tôi, mà là vào cái thế không thể rút chân ra được nữa.

Ngày mẹ em ra viện, em lần nữa nhắc lại chuyện phải “thanh toán” hợp đồng. Tôi lại lần nữa bị ép phải nói rằng: “Cứ coi như nợ anh, khi nào có tiền thì trả!”. Không ngờ em “chốt hạ” ngay: Thế này vậy, nếu anh đã chê em thì làm theo phương án thứ nhất đi! Em biết mẹ anh đang ốm, cũng cần người giúp đỡ. Từ tuần sau, sau giờ làm em sẽ đến nhà anh giúp việc nhà. Em biết địa chỉ rồi, anh đừng ngại!

Em làm Ôsin cho nhà tôi được đúng sáu tháng thì mẹ tôi một hai đòi nâng cấp em làm con dâu.

Đến nước này tôi mà còn vờ vịt lập topic “có nên siết nợ bằng cách cưới con nợ hay không?” thì thật nhảm!!!

Theo – 24h.com.vn

Giá trị của đồng tiền

Có lẽ ở sâu thẳm tâm hồn anh vẫn còn một chỗ trống cần được lấp đầy, khi mà cuộc sống đối với anh quá dễ dàng, kiếm tiền dễ, tiêu tiền dễ, bạn bè tôn sùng. Có lẽ vì những điều đó mà anh không còn thời gian để phát hiện ra, chỉ dành thời gian cho những thứ phù phiếm xa hoa.

Giá trị của đồng tiền - Ảnh minh họa
Giá trị của đồng tiền – Ảnh minh họa

Tại sao? Tại sao lại có sự thay đổi từ một con người vốn chỉ coi đồng tiền là công cụ để mua vui. Một con người có thể nướng hơn ba triệu cho một chai Chivas chỉ một đêm trong vũ trường để rồi sáng mai lại phải đi cày kiếm sống. Có phải chăng đồng tiền mà người ta kiếm quá dễ dàng thì người ta cũng dùng nó dễ dàng như thế. Cho dù đồng tiền ấy chính do tay người đó kiếm ra, đồng tiền ấy do mồ hôi, nước mắt mới có được.

Tại sao? Tại sao một con người khi đã dành dụm được hơn 40 triệu lại có thể nướng nó không thương tiếc vào bar, vào nhậu nhẹt trong vòng một tuần. Tại sao? Và càng khó hiểu hơn, tại sao bây giờ có thể ngồi để nói với người khác “thực sự bây giờ anh mới biết kiếm đồng tiền là như thế nào”. Đồng tiền của anh là những lần chạy xe đường rừng cả trăm km, là những lần vác mấy tấn nông sản, là những hôm trời mưa phải nằm ngủ ngoài rừng giữ xe với đàn muỗi, con nào con nấy to như con ruồi bay vo ve.

“Anh quý lắm, quý lắm em ơi” anh nói khi mắt rưng rưng như muốn khóc. Rồi anh tiếp, ngày trước làm ngoài Hà Nội một tháng anh có thể kiếm gần chục triệu, còn bây giờ chỉ hơn sáu triệu nhưng anh lại thấy nó khác. Sáu triệu của anh bây giờ anh vẫn còn thấy nó những ngày cuối tháng, không giống như những đồng tiền của 10 triệu ngày trước. Ngày trước anh chỉ biết là mình đã kiếm được nó, còn nó ra sao chỉ có thể hỏi những người chủ quán bar hay quán nhậu, những chỗ mà anh và bạn bè thường xuyên lui tới, chả kể cuối tuần hay đầu tuần, chỉ cần có tiền là anh có thể đến được.

Con người anh mạnh mẽ là thế, ngang tàng là thế, nhưng sau khi trải lòng mình với những ký ức mà anh từng xem là oai hùng thì lại mềm yếu, cứ như một cọng bún chỉ cần vẩy thêm vài giọt nước nữa là tan ra. Ăn chơi là thế, giang hồ là thế nhưng tại sao? Tại sao, điều gì làm một con người tưởng chừng cả đời chỉ biết chửi thề và đấm đá lại có thể khóc khi thấy hai đứa bé mặt mày nhếch nhác cầm túi vào mua gạo ở xứ người.

Có lẽ ở sâu thẳm tâm hồn anh vẫn còn một chỗ trống cần được lấp đầy, một điều mà anh không thấy trước kia, khi mà cuộc sống đối với anh quá dễ dàng, kiếm tiền dễ, tiêu tiền dễ, bạn bè tôn sùng. Có lẽ vì những điều đó mà anh không còn thời gian để phát hiện ra, mà chỉ dành thời gian cho những thứ phù phiếm xa hoa, những thứ mà anh tưởng anh chỉ cần bỏ tiền ra mua là được.

Nhưng anh nói anh đã lầm, những thứ như vậy không ai bán mà mua, có chăng do mình tưởng tượng ra hoặc nếu có ai đó bán đi nữa thì anh cũng không đủ tiền để mua và duy trì những điều đó. Anh càng chạy theo nó thì càng bị cuốn vào và lại càng không thể dứt ra được, cứ như thế anh phải cày, cày để có tiền đổi lấy sự tôn sùng, cày để có tiền và xài tiền để có được tiếng thơm “thằng này chơi đẹp”.

Mọi thứ với anh bây giờ đã khác. Khác thật sự, không phải khác cách kiếm tiền vì anh vẫn làm nghề lái xe. Điều khác ở đây là ở cách anh đối xử với đồng tiền, ở chỗ anh nhìn nhận đúng giá trị thực sự của mình, ở chỗ mỗi lần anh nghĩ mình không thể làm được, không thể vượt qua được, những lần như vậy anh lại tự nhắc mình “người ta làm được tại sao mình lại không thể”.

Rồi anh lại nghĩ đến người mẹ ở quê, anh lại chảy nước mắt. Anh khóc, không phải khóc vì tuyệt vọng, vì sự kém cỏi của bản thân mà khóc cho những quyết tâm cộng thêm hình ảnh người mẹ lam lũ “một nắng hai sương”. Những điều đó giúp anh có thêm động lực hơn. Những lần như vậy lại càng làm cho anh cảm thấy thấm thía ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của đồng tiền. Đồng tiền không phải là những đồng tiền của 10 triệu, mà là đồng tiền của mồ hôi, của sự quyết tâm, của một ý chí kiên cường và cả của những giọt nước mắt anh rơi khi nghĩ về mẹ.

Anh nói “Cái số anh nó thế. Ban đầu trời cho sướng nhưng anh lại không biết trân trọng, khi mà mọi thứ đã vụt qua thì anh phải bắt đầu lại từ đầu với hai bàn tay trắng”. Có lẽ anh nói đúng nhưng trời không cho không ai cái gì, cũng không lấy mất đi của ai cái gì cả, mất cái này sẽ được cái khác.

Qua những việc trước đây mà giờ anh đã khác, khác theo nghĩa tích cực. Từ những thứ mà anh chưa bao giờ nghĩ tới và anh cho là những điều dở hơi. Giờ anh đã có một ước mơ, một ước mơ nghiêm túc, một ước mơ mà có nằm mơ trước đây anh cũng không mơ tới, một điều mà ngay cả khi nằm mơ anh cũng không dám nghĩ đến.

“Anh mơ sẽ có tiền mua con xe ben để chạy kiếm tiền, trước hết cho bản thân rồi sau đó mới tính tới chuyện khác”. Đối với nhiều người số tiền khoảng hơn 200 triệu là một việc “nhẹ như lông hồng” nhưng với anh và với nhiều người xuất thân ở vùng quê như anh thì đó là một “giấc mơ hạng sang”, một giấc mơ đáng phải mơ rồi.

Giờ anh đang từng bước hiện thực ước mơ của mình vì “Anh quý đồng tiền lắm em ơi”. Anh hỏi “Bây giờ có phải trễ không em, anh chuẩn bị 29 tuổi rồi, nếu thực hiện được dự định của mình thì anh phải mất hơn ba năm nữa”. Không có gì là trễ đâu anh, nhất là một người khi đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu sóng gió như anh. Như em đã nói, con người ta sống qua năm tháng không được cái này cũng được cái khác, ngày trước anh chỉ có sự trải nghiệm, kinh nghiệm sống, biết phân biệt được cái đúng cái sai, biết được giá trị thực sự của cuộc sống, giá trị của đồng tiền.

Còn ba năm tiếp theo đây của anh, nó giúp anh có tiền để thực hiện ước mơ, có thêm kinh nghiệm trong nghề lái xe, có được những bài học khi anh vượt qua những thử thách trong tương lai. Và có một điều quan trọng nữa là anh có cuộc sống cùng “một ước mơ sống”.

Trời đêm những ngày cuối năm ở Sài Gòn se lạnh, anh phải về để chuẩn bị chuyến xe đêm sang Campuchia. Anh từ biệt và không ngừng nhắc “anh thực sự quý đồng tiền”. Và tôi cũng chỉ kịp chúc anh một năm mới với những điều tốt đẹp và chúc cho ước mơ của anh sớm trở thành hiện thực.

Xuân Chung

Lương 20 triệu, người yêu vẫn chê nghèo

Xung quanh cô ấy toàn những người có thu nhập cao, 40-50 triệu đồng một tháng, họ hàng cũng giàu có nên cô ấy cảm thấy ngại khi giới thiệu mình với người thân, bạn bè.

Lo lắng kinh tế ảnh hưởng tình yêu
Lo lắng kinh tế ảnh hưởng tình yêu

Mình 31 tuổi, cô ấy kém 2 tuổi. Hai đứa quen nhau hơn một năm. Mình thực lòng yêu và muốn lập gia đình với cô ấy trong năm nay. Gần đây tình cảm giữa chúng mình sứt mẻ và cãi nhau liên tục, nguyên nhân chính là cô ấy không an tâm khi mình kiếm tiền ít, sợ mình không làm trụ cột gia đình, không chăm lo được cho vợ con sau này.

Thu nhập của mình không cao (khoảng 20 triệu một tháng), nhưng mình tin tưởng với khả năng của mình thì việc lo cho vợ con một cuộc sống no đủ trong tương lai là hoàn toàn có thể.

Mình đã cố gắng thuyết phục cô ấy tin tưởng vào tình yêu của mình. Nếu 2 vợ chồng chăm chỉ làm ăn thì việc sống đầy đủ là không có gì khó. Chính việc tin tưởng và yêu thương nhau lúc cả 2 còn nghèo, vẫn trân trọng và quan tâm nhau mới đáng quý và sau này, khi có tiền bạc rồi, tình cảm sẽ càng bền chặt hơn.

Hiện mình có nhà ở Hà Nội nhưng chưa xây lên được. Dự định nếu lập gia đình sẽ xây để vợ chồng có chỗ ở và để cô ấy không ái ngại với họ hàng cô ấy (sẽ phải vay mượn thêm chút).

Mình biết cô ấy vẫn yêu mình, và không có người thứ 3. Dù nói chia tay nhưng cả mình và cô ấy vẫn không dứt được ra, vẫn liên lạc và nhớ về nhau, nhưng cứ nghĩ đến chuyện tiền bạc là cô ấy buồn chán và lại muốn chấm dứt. Cô ấy bảo mình phải kiếm nhiều tiền, để cô ấy không lo lắng gì thì mới tính chuyện lập gia đình. Mình không biết phải làm sao trong hoàn cảnh này. Mình không muốn chia tay. (Minh Hoàng)

Chồng bạn tôi bị nhân viên giăng bẫy tình

Anh chồng bạo dạn lấy đại chìa khóa nào đó ở nhà khách rồi dắt cô lên phòng vì cô ta bảo xỉn và tối quá. Anh đưa tới phòng, mở cửa ra thì cô ta thấy phòng có 2 giường và mời anh ở lại luôn vì cũng đã qua khuya.

Tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện một người bạn của tôi đề các chị em đề phòng và răn đe các anh chồng trước khi sập bẫy tình. Một người đàn ông đi công tác xa làm việc trong công ty khoảng 30 người, hầu hết đều đã có gia đình hoặc cũng có người yêu 4-5 năm. Vợ anh rất an tâm vì dù gì cũng tìm hiểu kỹ về môi trường cũng như con người ở nơi đây, nên không hề để ý đến những thay đổi của chồng.

Rồi cái gì đến cũng đến, chị vợ phát hiện anh có gian tình với một nhân viên trong lúc anh mời cô ta đến nhà chơi. Cô ta xin chuyển công tác về nơi anh ở trước đây để tránh dư luận và chị thấy biểu hiện của chồng cứ thích đụng chạm với cô ta dù là cái đụng chạm nhẹ đi ra đi vào toilet. Chị gặng hỏi thì anh bảo chỉ thích, vì thường xuyên tâm sự.

Chị vợ nghe thế thì cũng nghĩ là chưa có gì thôi thì anh đừng tâm sự nữa và em sẽ tha thứ cho anh nếu anh chỉ có tâm sự với cô ấy, để lâu thì sẽ nguy hiểm hơn. Nhưng anh cũng nhiều lần làm chị suy đi nghĩ lại vì nói yêu vợ 60 %, còn vô hình 40 %. Và rồi người chồng thấy cắn rứt lương tâm vì chuyện cũng xảy ra và anh nhận anh là người có lỗi trước và chủ động.

Anh mới kể thật với vợ là đã ngủ với cô ấy trong một lần quá say, không kìm chế được vì xa vợ con. Vợ anh đã chủ động gọi đến cô gái này, lúc đầu cô ấy tưởng anh chỉ mới nói thích thôi nên cô ta đã lên giọng: em không phải là loại người như thế, chị đừng có mà nói em thế nhé. Thế nhưng chị vợ bảo chị sẽ đưa em ra ánh sáng nơi mà em đang làm để người ta biết bộ mặt thật của em.

Đến nước này thì cô ta bắt đầu sợ và quay ra năn nỉ: chị ơi chuyện cá nhân mà chị. Và rồi cô ả kể hết câu chuyện của cô ta và anh ấy. Khi thu thập các tin tức từ chồng và cô ta thì đã có một kết luận rằng: đây là cái bẫy mà cô ả tạo ra rồi cô ta tự tháo gỡ nó. Trong cái tối hôm đó là bữa tiệc liên hoan của cơ quan, nhà ả thì ở nơi đó nhưng ả bảo ả phải ở nhà trọ (chính cô ta kể với chị vợ chứ không biết có đúng hay không).

Nhậu khuya quá mà nhà trọ thì đóng cửa 10h, giờ đã gần 1h sáng, định lên nhà bạn ngủ thì nhà bạn quá xa, anh ấy thì không thể để cho lính của mình mà là con gái đi về đêm hôm nên nói để anh đưa cô về nhà bạn. Cô lại bảo là xa lắm, thôi để em thuê khách sạn nào nghỉ đỡ. Trong khi cô ấy đã có người yêu 4-5 năm gì đó, sao lại không gọi người yêu tới chở về? Tối đó anh ấy gọi mà cô chẳng thèm nghe máy. Và rồi anh chồng này lại không biết đưa cô ta đi khách sạn nào nên đã đưa vào nhá khách nơi anh mới lên đây ở với vợ.

Do quá trễ nên khi vào nhà khách, chỉ thấy chìa khóa trên bàn lễ tân còn mọi người thì đã đi ngủ hết, vì thế anh chồng bạo dạn lấy đại chìa khóa nào rồi dắt cô lên phòng vì cô ta bảo cô ta xỉn và tối quá. Anh đưa tới phòng, mở cửa ra thì cô ta thấy phòng có 2 giường và mời anh ở lại luôn vì cũng đã qua khuya, dù gì có 2 giường mà anh, không sao đâu.

Anh cũng đang mệt lả người, lại được nghe thế thì thấy cũng ok và ở lại. Chuyện gì đến cũng đến, đàn ông xa vợ lâu ngày lại nằm kế bên là cô gái trong lúc xỉn nên đã làm sai với cô ta. Có điều không ngờ là cô ta cũng nhiệt tình đón nhận mặc dù đã có người yêu. Tối đó người yêu cô gọi hoài không thấy bắt máy, sáng hôm sau có tới nhà cô thì nói cả đêm không về. Thay vì cô giấu, nói nhậu khuya nên tìm chỗ ngủ thì có ai biết, nhưng cô cố tình nói trước mặt anh chồng để anh ấy biết là cô vì anh mà bỏ người yêu luôn. Và chàng kia nghe cô ta ngủ với người đàn ông khác là chạy dài, không thèm đau buồn gì cả, mừng ra mặt.

Chắc là lâu nay chàng đã muốn chia tay rồi nhưng mà vẫn còn “dùng được” nên lại thôi, giờ cơ hội này thì quả là tuyệt. Anh chồng sau lần ấy thấy có lỗi với cô ta và đã không làm gì nữa vì vợ anh lên chơi, và anh cũng không làm gì để vợ anh biết. Vợ anh ấy có tham gia dự tiệc sinh nhật của ả kia nhưng ả không hề đả động gì tới chị ấy, không thèm chào hỏi như mấy lần trước nữa.

Sau khi chị vợ về thì bắt đầu cô ta gọi điện thoại kêu anh ấy ra và kể rằng cô ta thấy anh và chị quấn quít bên nhau nên đã tự tử vì quá yêu anh. Anh chồng nghe thế thì lại thấy tội lỗi đầy mình và từ đó đã lừa dối vợ để qua lại với cô ả. Khi bị vợ phát hiện thì anh có kêu vợ khuyên nhủ giùm cô ta vì sợ cô ta lại tự tử, chứ nếu không thì anh thà ở dậy không cưới ai hoặc cho anh có vợ nhỏ, tiền đi làm về thì đưa vợ hết, chỉ có ở bên cô ta để an ủi động viên thôi.

Chị vợ không chịu và đòi ký đơn ly dị. Lúc đầu anh cũng ký nhưng sau đó lại lén xé đi và năn nỉ vợ khuyên nhủ giùm. Chị vợ gọi điện thoại hỏi giờ hai người muốn sao, yêu nhau thì ở với nhau đi, nhưng với điều kiện là cả hai người phải nghỉ làm ở đây, chứ nếu không chị sẽ báo với cơ quan. Anh chồng lúc này đi năn nỉ vợ và mong được tha thứ, không biết là vì lý do sợ mất mặt hay đã đến lúc dừng lại, nhưng bạn tôi đã tha thứ cho anh ấy.

Anh ấy đã thực hiện đúng lời hứa của mình là không liên lạc với ả ta nữa và chấm hết. Nhưng thời điểm quay về gần đây anh ấy có vẻ ít quan tâm đến bạn tôi, trong quan hệ vợ chồng thì anh ấy lại có vẻ không như ngày xưa nữa.

Tôi cũng không biết là tha thứ cho người đàn ông ngoại tình có tốt không, nhưng chị đã gặm nhắm nỗi đau này quá nhiều, suy nghĩ quá nhiều. Vì chị hỏi thì anh nói đã hết với cô ta và không rõ đó là phải là tình yêu không? Mặt khác, chị tin anh phản bội là do cô ta gài và anh trước giờ là người tuy cộc cằn nhưng lại tử tế. Với bạn bè, ai cũng khen anh vì họ không biết được sự thật này.

Các bạn có thể thấy đây là bài học kinh nghiệm cho sự tin tưởng qua mức. Đàn ông không đáng được như thế, niềm tin của phụ nữ chỉ dành cho họ 80 % thôi nhé các bạn. Và cũng nên chú ý một số bạn gái thời nay, họ chỉ muốn vấn đề về quan hệ chứ thực chất tình yêu không phải thế, vì vẻ đẹp trai lịch lãm bề ngoài, vì chức quyền mà đánh đổi tất cả thì cũng không gọi là yêu.

Đàn ông khi đánh mất mình họ không nghĩ tới chuyện gì khác đâu ngoài việc thỏa mãn bản thân, đặc biệt là đàn ông có vợ. Tuy ở bên người tình nhưng miệng lúc nào cũng kêu nhớ vợ con, nhưng những kẻ thứ 3 cứ thích đâm đầu vào.

Ngân

“Mất mặt” chồng

Hôm đó, anh mời đồng nghiệp về nhà mình chơi nhân dịp được lên chức. Với em, đây là một dịp trọng đại nên vừa mừng, vừa lo, lại vừa bị áp lực khi lần đầu “ra mắt” đồng nghiệp của chồng.

Chuẩn bị cho “sự kiện” này, em đã nghiên cứu và tham khảo kỹ bạn bè xem nên làm những món gì đãi khách để vừa lạ lại vừa hấp dẫn, ngon miệng. Sợ một mình sẽ không chu đáo, em nhờ chị bạn thân đến chơi cho thêm phần xôm tụ, vui vẻ, lại có thể hỗ trợ em phần nào.
Mất mặt chồng
Mất mặt chồng
Bạn bè anh đến, mọi sự đều diễn ra tốt đẹp. Không khí vui vẻ, thân tình, ấm cúng… Em đọc được sự mãn nguyện trong ánh mắt, tiếng cười của anh, khi bạn bè khen bà xã anh khéo léo, nấu ăn ngon lại rất chu đáo. Dù liên tục chạy lên chạy xuống lấy thêm món này, bổ sung món kia, rồi quan sát bàn tiệc xem thiếu đủ thế nào em vẫn có thể biết bạn anh nói gì. Em cảm thấy phần nào yên tâm, bớt dần đi những áp lực… May mà có cả bạn em giúp nên mọi sự thật suôn sẻ.

Đang loay hoay chuẩn bị thêm món mới, bỗng anh gọi em. Đưa ly bia đầy, anh nói em và chị bạn phải cùng uống cho hết mới được. Em vốn không quen cái “khoản” này, nhất là những “quy tắc” ứng xử khi uống bia, em cũng ít khi nào để ý. Vì vậy, nghe anh bảo uống, lại đang dở dang dưới bếp, em cầm lấy ly bia uống một hơi hết luôn nửa ly rồi… “hồn nhiên” đưa sang chị bạn! Nhìn chị ấy nhẹ nhàng đón lấy ly bia, trang trọng cụng ly từng người, rồi mới xin phép uống là em đã nhận ra sự “vô duyên”, thất thố của mình.

Khi mọi người về hết, anh trách móc em đủ điều, rằng em thiếu lịch sự, em vụng về, quê mùa đã làm “mất mặt” chồng… Anh còn nói rằng em cũng đi làm việc, cũng từng dự tiệc, sao không biết học hỏi người ta? Cho dù anh không “kết tội” thì em đã cảm thấy rất xấu hổ và áy náy vì sự vụng về của mình. Em đã tự trách mình, đã rất buồn và tự nhủ sẽ không bao giờ để xảy ra việc tương tự. Nhưng hình như anh cũng chưa vừa lòng. Điều đáng nói là từ đó anh tránh đi cùng em trong những cuộc vui chung với bạn bè. Những dịp đưa vợ con đi chơi đây đó như trước cũng trở nên thưa thớt dần bởi muôn vàn lý do…

Em buồn lắm, dù là lỗi của em nhưng xét cho cùng nào phải em muốn vậy. Chị bạn em, người được anh khen có cách ứng xử “sành điệu” đó, động viên em rằng, đâu có ai sinh ra trên đời là có thể biết hết mọi chuyện. Chị ấy cũng từng phải học mới biết. Chị bảo, chị luôn có chồng bên cạnh, trong mọi nỗi lo toan và trong cả những niềm vui, nỗi buồn… Đi đâu họ cũng có nhau. Chính điều đó đã cho chị ấy sự tự tin vào chính mình. Còn em? Em vừa đi làm, vừa thay anh gánh vác, quán xuyến hết thảy mọi chuyện trong ngoài để anh được yên tâm với sự nghiệp của mình. Hết giờ làm việc là em chỉ biết về nhà ngay để lo cho các con với đủ mọi điều lo toanđời thường…

Em luôn tâm niệm, làm sao cho các con luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi, làm sao cho gia đình mình luôn vui vẻ, hạnh phúc mà không hề để ý đến điều gì khác. Em đã bỏ qua những cơ hội giao lưu, những dịp vui vẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp để về với các con khi anh luôn đi vắng. Riết rồi em dở tệ trong giao tiếp, trong ứng xử. Đó cũng chính là khiếm khuyết, là nỗi thiệt thòi củariêng em.

Theo PNO

“Bởi vì em thật đặc biệt”

Sáng ra, nó nhận được lệnh sếp nhờ phiên dịch hộ tay chuyên gia người Ấn vốn sang đây từ đầu tuần. Xuống đến chỗ hẹn thấy mỗi anh bạn người Ấn đang toe toét cười khoe hàm răng trắng thẳng tắp, chúc buổi sáng tốt lành. Nó cười thân thiện đáp lại.

Trái tim đặc biệt
Trái tim đặc biệt

Capin có vẻ vui, chuyện tía lia: “Tôi cũng hay nói nhưng mọi người có vẻ không hiểu lắm”, nó tủm tỉm nghĩ thầm thì anh nói khó nghe thật mà và nhìn anh khẽ dặn: “Anh nói chậm một chút đi”.

 

Capin bối rối giải thích: “Tôi không thể nào ăn được thức ăn Việt Nam, may mà đã kịp qua siêu thị mua ít đồ khô ăn sẵn”, nó cười và hiểu ra là vì đói nên mới nhờ nó đi cùng xuống nhà bếp, để xin nước nóng và mượn lò vi sóng cho anh hâm thức ăn. Nó chẹp miệng, người như con tịnh thế kia mà mấy ngày liền phải ăn mì tôm và thức ăn khô kể cũng tội.

 

Đôi khi dáng vẻ thất vọng của anh ta khi nói mà nó không hiểu, khiến nó buồn cười. Nó vui vẻ bắt chuyện phiếm với Capin: “Ngày trước bố tôi cũng làm cho công ty của Ấn Độ, mấy người sếp của ông đều phải lôi theo một đầu bếp đi theo. Họ ăn khá nhiều nên rất khỏe mạnh, và hiếm khi phải ăn mì tôm như anh”. Capin cười thích thú, hỏi: “Bố cô có hay kể chuyện về người Ấn Độ không?”. Nó nói thi thoảng và khoe: “Hồi đám cưới anh trai tôi mấy ông sếp cũng đến dự, họ rất thân thiện và hay cười, giống anh vậy”. Capin cười khiêm tốn, và biểu lộ sự quý mến nó.

 

Nó cũng dành cho anh tình cảm và sự quan tâm ấm áp: “Anh có nhớ nhà không?”. “Ồ, một chút thôi, tôi hay phải đi công tác nên cũng quen rồi”.

 

Nó vốn không thích nấu ăn nhưng rồi mủi lòng nên lên mạng mày mò món của Ấn Độ nấu thử cho Capin ăn. Anh thực sự bất ngờ, thốt lên: “Tối qua tôi có tìm được một quán nấu đồ ăn của Trung Quốc, gần giống món của Ấn Độ nhưng quả thực món em nấu ngon hơn rất nhiều”, nó cười và cho rằng đó là một lời khen xã giao cho phải phép.

 

Nó dẫn Capin đi chơi quanh thành phố sáng đèn, nó kêu lạnh và giục anh về nhưng bàn tay to của anh nắm được cả đôi bàn tay của nó, còn tay kia vén mái tóc đang lòa xòa vì gió, tiếng anh cũng như bị gió thổi cho thêm gầy guộc: “Anh sẽ nhớ em lắm”.

 

Nó cũng không hiểu nổi sao Capin lại khiến mình nghĩ nhiều về anh ta đến thế, đôi mắt, nụ cười và phải chăng là một cái gì đó rất biểu cảm từ gương mặt, một sự mạnh mẽ pha lẫn với lạnh lùng, kín đáo. Đó là một người nước ngoài và họ có cách sống, cách cư xử hết sức văn minh, hiểu biết… Một người khác lạ so với những người nó từng gặp, cũng như anh hay nói với nó rằng nó rất đặc biệt.

 

“Sự dịu dàng của em đã sưởi ấm trái tim anh ở một nơi vốn xa lạ này. Nụ cười của em làm anh luôn tin vào điều kỳ diệu. Anh đã từng ước được cùng em đón giáng sinh tại đây, nhưng…”.

 

Đọc xong tin nhắn, nó chẳng biết phải đáp lại như thế nào, nhưng thực sự nó muốn nói với Capin rằng, nếu có kiếp sau, nó mong sẽ lấy được người như anh, còn kiếp này chỉ là duyên thoáng qua thôi.

 

Phải chăng đây chính là ngoại tình tư tưởng, nó cũng đâu có làm gì sai với người chồng sắp cưới, chỉ là xao động và mơ mộng khi nhìn thấy một người quá dễ mến như vậy thôi.

 

“Anh muốn ở bên người thân yêu nhất trong dịp giáng sinh này, nên anh phải về sớm. Cảm ơn em về tất cả”, nó dường như đọc được nỗi buồn trong ánh mắt anh, và cũng hiểu lý do anh về trước kế hoạch.

 

Ngày nó về nhà chồng cũng là ngày Capin lên đường về nước, quà cưới anh tặng nó là một khung ảnh gỗ to có khắc chữ tiếng Anh “Bởi vì em thật đặc biệt”.

TSL