– Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu được không?
– Được chứ, gì vậy? – Người cha đáp.
– Bố, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?
– Đó không phải là chuyện của con, tại sao con lại hỏi bố như vậy?
– Con chỉ muốn biết một giờ bố kiếm được bao nhiêu tiền thôi mà, nói cho con nghe đi, bố – Cậu bé nài nỉ.
– Nếu con cần phải biết thì bố nói đây, bố làm được 20 USD một giờ.
– Vậy hả bố – Cậu bé cúi mặt đáp – …Con có thể mượn bố 10 USD được không?
Người cha nổi giận: “Nếu con vay tiền bố chỉ để mua đồ chơi vớ vẩn hay mấy thứ vô bổ gì đó thì hãy đi ngay về phòng, lên giường nằm và suy nghĩ xem tại sao con lại có thể ích kỷ như vậy. Bố phải làm việc vất vả suốt cả ngày rồi, bố không có thời gian cho những trò trẻ con như thế này đâu”.
Cậu bé lặng lẽ đi về phòng, đóng cửa lại. Người đàn ông ngồi xuống và càng tức giận hơn khi nghĩ đến những điều con trai mình vừa hỏi: “Tại sao nó lại dám hỏi mình những câu hỏi như vậy chỉ để xin tiền thôi nhỉ?”.
Khoảng một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, anh nghĩ có lẽ mình hơi nghiêm khắc với con. Có thể nó thật sự thiếu 10 USD để mua thứ gì đó và thực ra nó đâu có thường hay xin tiền mình. Anh tiến về phía phòng con trai và mở cửa.
– Con đã ngủ chưa, con trai? – Anh hỏi.
– Chưa bố ạ, con vẫn còn thức.
– Bố nghĩ có lẽ lúc nãy bố quá nghiêm khắc với con. Hôm nay là một ngày dài và bố đã trút sự bực mình lên con. Đây, 10 USD mà con đã hỏi – Người cha nói.
Thằng bé ngồi bật dậy, mỉm cười và reo lên: “Ôi, cảm ơn bố!”. Rồi nó luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Nhìn thấy tiền của thằng bé, người đàn ông lại bắt đầu nổi giận. Thằng bé chậm rãi đếm từng tờ bạc một rồi ngước nhìn bố nó.
– Tại sao con đã có tiền rồi mà còn xin bố nữa ? – Người cha nói trong giận dữ.
– Bởi vì con không đủ…, nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ… Bố ơi, bây giờ con có 20 USD, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con xin bố, con muốn được ăn tối cùng với bố – cậu bé nói.
Người cha như chết lặng người. Anh vòng tay ôm lấy cậu con trai bé nhỏ và cầu xin sự tha thứ.
Đây chỉ là một lời nhắc nhở rất ngắn ngủi gửi đến cho tất cả những ai đang làm việc vất vả cho cuộc sống của mình. Chúng ta đừng để thời gian vuột mất khỏi bàn tay mà hãy dành thời gian cho những người thực sự quan trọng với chúng ta, những người gần gũi với chúng ta nhất. Hãy luôn nhớ chia sẻ giá trị một giờ của bạn cho tất cả những ai mà bạn yêu quý.
Bởi, nếu ngày mai bạn chết đi, công ty nơi mà bạn đang làm việc sẽ dễ dàng thay thế người khác. Còn gia đình và bạn bè của chúng ta sẽ cảm thấy mất mát rất lớn trong suốt quãng đời còn lại. Hãy suy nghĩ về điều này bởi chúng ta luôn tự ép mình dành nhiều thời gian cho công việc hơn là gia đình.
Bạn thân mến, bạn nên biết và hiểu điều nào là quan trọng hơn
Suốt tuổi thơ tôi đã phải sống trong cảnh bố đánh chửi mẹ mỗi ngày nên tôi đã cảm nhận được nỗi khổ sở vất vả của mẹ tôi, chính vì vậy, nên khi lấy vợ tôi luôn trân trọng từng giây phút vợ chồng sống bên nhau. Tôi chăm sóc vợ từng chân tơ kẽ tóc, chiều chuộng vợ để tạo không khí gia đình luôn êm ấm mà tuổi thơ tôi đã không được hưởng.
Tôi làm nghề sửa chữa xe máy còn vợ tôi làm công nhân của công ty dày da, với một đứa con gái nên gia đình cũng có của ăn của để không phải vất vả về vấn đề kinh tế. Hàng ngày tôi dậy từ 5h sáng nấu bữa sáng xong thì gọi hai mẹ con nó dậy ăn, ăn xong tôi vội vàng trở vợ đi làm và con đi học, chiều về tôi lại đón về.
Mọi việc dọn dẹp nhà cửa tôi tranh thủ làm khi không có khách sửa xe, tôi luôn quan niệm là cố gắng làm việc nhà để vợ yên tâm làm việc công ty, bởi cô ấy đi làm cả ngày sẽ rất mệt nên để cho vợ nghỉ ngơi lấy sức chiến đấu với ngày mai. Vợ vừa về nhà tôi đã dọn sẵn cơm nước để cho em ăn xong cho đỡ đói rồi mới đi tắm rửa.
Thỉnh thoảng tôi bảo vợ cho con ăn và tắm cho nó để tôi rửa bát và giặt quần áo thì cô ấy bảo: “em mệt lắm anh làm giúp em với”, thương vợ nên tôi lại vui vẻ nhận làm hết mọi việc miễn sao em được hạnh phúc là tôi thoải mái lắm rồi.
Hạnh phúc không đơn giản như tôi mong đợi, một hôm tôi không nhìn thấy chiếc dây chuyền 5 chỉ trên cổ vợ nữa tôi vội lên tiếng: “ôi chiếc dây chuyền của em đâu rồi”. Vợ tôi giật mình cuống quýt xờ vào cổ: “trời ơi! Nó rơi đâu rồi anh ơi tìm em với”. Vậy là hai vợ chồng tôi tìm cả ngày cũng chẳng thấy, tôi mệt mỏi và an ủi vợ: “thôi em ạ, của đi thay người, có khóc cũng chẳng tìm thấy đâu”.
Mấy hôm sau tôi cần tiền để lấy phụ tùng nên đã mở tủ lấy tiền nhưng điều khủng khiếp đã xảy ra với gia đình tôi, toàn bộ số tiền tiết kiệm cùng với mấy cây vàng tổng cộng là ngót nửa tỷ đã không cánh mà bay. Nhìn vào cái hộp rỗng mà tay tôi bủn rủn lòng tôi như có lửa cháy trong người, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong nhà mình nữa.
Tôi vội vàng gọi điện thoại cho vợ: “em ơi nhà mình có trộm, toàn bộ tiền tiết kiệm của vợ chồng mình đã bị mất hết rồi”. Nghe em trả lời tỉnh bơ: “sao mà mất được chứ, anh ở nhà suốt ngày mà, anh tìm kỹ lại đi”. Tôi khẳng định với vợ là đã tìm mọi nơi rồi đều không thấy, đôi co với vợ một lúc là máy tôi hết tiền khiến tôi không nói được gì nữa.
Buổi tối cô ấy về tôi gặng hỏi xem vợ có lấy tiền làm gì không nhưng cô đều khẳng định là không động vào. Đang lúc bối rối hoài nghi không biết ai là người lấy thì có tiếng gọi của ai đó ngoài cổng, vợ tôi vội ra mở cửa. Ngồi trong nhà một lúc thì thấy tiếng chửi mắng ngoài cửa tôi chạy ra xem thì trước mắt tôi là cảnh 3 thằng thanh niên cầm dao hùng hổ đứng bên cạnh vợ tôi.
Một thằng quắc mắt chỉ chiếc dao vào mặt tôi: “vợ mày nợ ông chủ tao 200 triệu đồng, khôn hồn thì đưa tiền ra đây nếu muốn sống”. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra: “em! em sao họ lại đến đòi tiền nhà mình vậy?”. Vợ tôi cúi đầu xuống, một thằng khác đáp ngay: “vợ mày nợ tiền đánh bạc mấy tháng nay rồi, nó đã khất lần khất lần quá lâu rồi, hôm nay là hạn cuối cùng, đưa tiền ra đây ngay”.
Nghĩ đến chiếc dây chuyền và toàn bộ tài sản của gia đình đã không cánh mà bay hết là tôi hiểu rõ mọi chuyện rồi, vậy là vợ tôi đã không đi làm mà hàng ngày tôi trở vợ vào xới bạc mà tôi không hề biết, tôi đúng là thằng khờ khi tin tưởng yêu chiều người vợ hiền thục hết mực. Giờ đây tôi phải van xin những thằng côn đồ kia để gia hạn thời gian trả nợ để đi xoay tiền.
Ngồi đối diện với người vợ mà tôi luôn nâng niu chăm sóc mỗi ngày mà cổ họng tôi cứ nghẹn lại không thể thốt lên được lời nào nữa. Nuốt cục tức vào trong lòng tôi ném ánh mắt giận dữ và khinh bỉ vào mặt vợ: “nhìn vẻ mặt dịu dàng ngây thơ của cô vậy mà lại là kẻ lừa lọc chồng con nói dối không biết ngượng mồm, sao cô giỏi đóng kịch vậy?, tôi không ngờ được là người vợ đầu ấp tay gối của tôi lại là kẻ ham mê đỏ đen”. Cô ta chỉ biết cúi mặt xuống mà chẳng thể nói được lời nào.
Chán nản tôi mang rượu ra uống để quên đi nỗi buồn nhưng không hiểu sao càng uống tôi càng tỉnh, tôi đã khóc cho số phận hẩm hiu của mình, tôi cứ nghĩ rằng mình cố gắng thì sẽ được đền đáp. Vậy mà tôi đã chiều vợ chăm sóc tốt gia đình không bao giờ to tiếng quát nạt vợ con, rồi kết cục tôi còn thảm hại hơn là cuộc sống của mẹ tôi phải gánh chịu. Tôi phải lấy tiền đâu để trả nợ thay cho người vợ giả nai của tôi đây?
Nhìn đứa con đang chơi đùa một mình ngoan ngoãn mà lòng tôi quặn đau không biết nó sẽ sống thế nào khi bố mẹ chia tay? Tôi không thể chung sống được với người vợ đã lừa dối mình bởi tôi đã mất hết niềm tin và tình yêu vào cô ta rồi. Các bạn ơi nếu bây giờ tôi li dị cô ấy để giữ lại ngôi nhà cũng như không phải trả nợ thay thì tôi có ích kỷ quá không?
Rất mong sự chia sẻ của các bạn để tôi có thêm động lực để đưa ra quyết định đúng đắn.
Văn Anh
Mẹ tôi vẫn khóc suốt từ khi lên xe. Gã đàn ông không hề biết gì về mẹ và cũng chẳng cần phải quan tâm hỏi han khi thấy bộ dạng của mẹ lúc này. Ông xe ôm ấy chỉ lặng lẽ làm công việc của mình là hỏi “cô đi đâu”, rồi “cho cho tôi xin tiền xe”, vậy thôi. Tôi không nghe thêm bất kỳ câu hỏi nào khác nữa. Ông chỉ mong sớm chở khách đến nơi cần đến, chuyện của thiên hạ quan tâm chi cho mệt.
Khi đã đứng trước cổng ký túc xá, mẹ lại chần chừ vài phút. Trước tiên là lấy khăn lau nước mắt. Có một mớ tóc chỗ nầy chỗ kia bung ra bê bết như những kẻ đanh đá, mẹ dùng hai bàn tay chải chải lại mái tóc rối bù của mình. Cuối cùng là chỉnh sửa lại áo quần cho tươm tất trước khi bước vào. Mẹ không muốn người ta nhìn thấy mình trong bộ dạng như lúc nãy. Mẹ đã quá sợ những lời xì xầm về mình.
Mở khóa, mẹ đẩy hờ cánh cửa ra vừa đủ để thân thể mảnh khảnh lách vào, không quên khóa trái lại. Uể oải đặt balô xuống rồi gieo mình vật vã trên giường, mẹ lại khóc và trở về trong trạng thái lúc nãy một cách nhanh chóng. Lại đầu bù, tóc rối, mặt xanh xao và nhếch nhác, quần áo xộc xệch. Và, khóc hu hu như con nít. Mẹ lúc nầy nom giống một chú mèo mướp ướt sũng và bẹp dính trong mưa. Vài lọn sáng nhớt nhát hắt hờ từ cái đèn vàng vọt ngoài sân chảy dài trên mặt mẹ, lấm lem.
Đó là một ngày cuối tháng mười, thành phố khá ẩm ướt bởi sương, mát dìu dịu.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả cư dân trong thành phố nầy cũng đều sẽ mát. Vẫn có những người hừng hực bốc hỏa như lò than đang rực hồng.
Cái nóng trong cả hai chín hơn khi ba giáng vào mặt mẹ những lời nói thật tệ hại. Khóc là trạng thái đầu tiên mẹ có thể thực hiện lúc đó. Gương mặt mẹ thật đáng thương. Không hiểu sao tôi lại bắt đầu trỗi lên cảm giác ghét ba. Cách đây vài hôm tôi đã thấy ba ôm mẹ âu yếm và nói những lời ngọt ngào, bây giờ thì lại…
“Sao em lại để cho có thai?”.
Mẹ nói nhát gừng:
“Em… em… xin lỗi”.
“Xin lỗi gì mà xin lỗi. Anh đã dặn em kỹ lắm rồi mà”.
Tiếng hét của ba làm mẹ giật mình, mẹ cúi đầu xuống, giọng run run nói tiếp :
“Em… em không biết, em… xin lỗi. Anh…?”.
“Không xin lỗi gì hết. Bỏ đi!”.
Tiếng “bỏ đi” của ba nhẹ hều cứ như cái bào thai ấy chỉ là hình sương bóng khói.
“Sao? Anh… nói gì? Bỏ… bỏ con mình à?”.
Mặt mẹ biến sắc. Không ai có thể không khỏi bất ngờ trước câu nói ấy của ba. Tôi còn bất ngờ, huống chi mẹ. Chưa từng nghĩ người mà tôi gọi bằng ba ấy lại lạnh lùng phủi bỏ đứa con ruột thịt? Nhưng lời nói đã vừa thốt ra rành rành đó mà. Sao ba tàn ác đến vậy? Căm ghét trong tôi dành cho ba đang có chiều hướng tăng dần. Tôi mong câu nói vừa rồi chỉ bốc đồng trong lúc nóng giận, tôi mong sẽ nghe một câu nói khác lấp đầy vào lỗ hổng mà tôi và mẹ đang rơi. Nhưng không.
“Con gì mà con, đẻ nó ra rồi sao học hành? Em có nuôi nó nổi không? Rồi ba mẹ hai bên biết thì sẽ ra sao”.
Cơn giận càng lúc càng tràn trụa dài thượt trên mặt mẹ. Mẹ bắt đầu lạc giọng:
“Nó là cốt nhục, là máu thịt của mình?”.
“Không con cái gì hết! Bỏ nó ngay nếu muốn tiếp tục sống bên nhau”.
“Anh… anh…”.
Giọng mẹ lắp bắp, vẻ sợ sệt và mong chờ trong ánh mắt rũ rượi biến mất, nó dần dần sắc hơn. Tưởng như cái giọng đó, ánh mắt đó sẽ nổ tung ra.
“Anh quyết định bỏ nó?”.
“Ừ, bỏ nó đi!”.
“Đồ khốn nạn!”.
Bốp! Cái tát mẹ giáng vào mặt ba tôi nghe rất rõ.
Đó là những điều tôi đã thấy đêm nay. Tôi hiểu chúng.
-o0o-
Tôi, một bào thai hai tháng tuổi. Cũng như những bào thai khác, chúng tôi là những thực thể vô hình đang dần chuyển hóa thành hữu hình. Giai đoạn đó, cái chúng tôi dùng để tiếp xúc với thế giới bên ngoài gọi là “thức”. Nó và cơ thể không phải một mà tách bạch nhau. Với nó, chúng tôi có thể hiểu tất cả mọi khái niệm của cuộc sống như một con người đúng nghĩa. Lúc cơ thể hoàn thiện và chuẩn bị ra khỏi bào thai, sẽ hợp lại với thức và xóa sạch mọi ký ức, mọi sự hiểu biết. Sau đó, khi trở thành một con người, chúng tôi phải học lại chúng thời gian dài.
Tôi đã trải qua một giấc ngủ dài, khi tỉnh dậy thì đang sống trong bụng người con gái này. Tôi biết mình phải gọi cô ấy bằng mẹ. Mẹ tôi hai mươi tuổi, dáng cao, mảnh khảnh, nước da trắng và thích cột hai bím tóc hai bên. Mẹ đang là sinh viên đại học, ngành Văn. Tôi thấy mẹ thường ngồi trên máy vi tính gõ lốc cốc cái gì đó rất lâu. Chốc chốc mẹ lại nhìn vào bức tường trước mặt, cũng lâu lắm. Những lúc đó mắt mẹ chau lại làm lộ rõ hai gò má hóp háp và hai nếp nhăn chạy dọc theo sống mũi.
Tôi thì không thấy trên bức tường đó có gì khác ngoài màu trắng. Tôi thường hỏi: “Mẹ nhìn cái gì vậy? Trong bức tường đâu có gì đâu?”. Tôi cố gắng căng tròn mắt, ngó trân trân vào bức tường thêm nhiều lần nữa, cũng vẫn chỉ thấy toàn một màu trắng bết bát. “Vậy sao mẹ nhìn được?”. Mẹ không thể nghe những câu hỏi của tôi, cứ ghì mắt vào một cõi xa xăm nào vô định. Rồi mẹ viết tiếp, lát nữa lại nhìn, rồi lại viết, lại nhìn, như cố tìm một cái gì đó ẩn đằng sau màu trắng. Mẹ cứ như đang giằng co một thứ gì đó, đến nỗi mặt nhếch nhác, tóc rối bù, đôi môi khô ráp khẽ run run. Viết chán chê, nhìn chán chê, mẹ nằm vật vã trên giường, đôi lúc khóc dấm dứt.
Những khi không ngồi gõ máy vi tính thì mẹ thường viết bằng giấy, hai bàn tay thon nhỏ cứ di chuyển từ trái sang phải một cách nhanh chóng và đều đặn như có ai đang điều khiển. Viết xong một đoạn mẹ lại thở ra dài và rõ to (ít nhất là với cái bào thai dưới bụng) rồi lại nhìn đăm đăm vào bất cứ thứ gì trước mặt mình giống như nhìn vào bức tường lúc đánh máy. Cũng có những lần mẹ từ ngoài đường tất tả về nhà thật nhanh, vội vội vàng vàng lấy giấy ra viết, được một lúc lại ngồi thừ người ra ngó bâng quơ rồi vò tờ giấy lại quẳng vào sọt rác, khóc hu hu…
Có lẽ mẹ là một người đa cảm, dễ khóc. Lắm lúc đang thấy bà già đội mâm xôi đi bán, thằng con trai nhỏ xíu quần áo lấm lem đất cát đến mời mua vé số, thậm chí là xem phim hay đọc sách, mẹ cũng đều có thể khóc được. Nước mắt của mẹ là thứ không thể điều khiển. Mẹ thường nói với tôi: “Mẹ viết ra những câu chuyện đau khổ, những nhân vật nghiệt ngã, rồi lại cho họ tự đứng lên. Mai này con của mẹ chào đời, mẹ sẽ dạy con về những con người ấy để khi nên người đừng vấp ngã như họ nghen con!”.
Nhiều lúc tôi nghĩ những cung bậc cảm xúc trong lòng mẹ như một thanh kẹo dẻo, muốn để thẳng thì thẳng, muốn uốn cong thì cong, và muốn bẻ đôi thì cũng rất dễ dàng…
Mẹ thường đi chung với một chàng trai lớn hơn hai tuổi đang học Kinh tế. Người ấy có vẻ phong trần, từng trải, mái tóc trông hơi có vẻ “hách dịch”, thường nói năng cộc lốc. Đó là người mẹ vừa tát lúc nãy, tôi gọi bằng ba.
Ba có vẻ như hoàn toàn trái ngược với mẹ. Ba là người thực tế, không thích mơ mộng. Ba chìu mẹ tôi tất cả mọi thứ ngoại trừ mớ chữ nghĩa viển vông (cách nói của ba). Ba không thích mẹ cứ ghì đầu vào những cuốn tiểu thuyết, đọc say sưa đến quên trời quên đất, cũng không thích thấy mẹ đầu bù tóc rối với con chữ.
“Em đừng suốt ngày mơ mộng viển vông nữa, văn chương nó hại đầu óc em mụ mị đó, hãy nhìn vào thực tại nè!”.
“Văn chương hiện thực hơn bất cứ thứ gì khác”.
Ba mẹ thường hay giận nhau suốt cả tuần, không nói chuyện, không điện thoại, chỉ vì những chuyện vụn vặt như vậy. Ba vẫn nhất mực giữ quan điểm của mình: văn chương không có lợi, nó là liều thuốc phiện ra ngủ con người.
-o0o-
Đó là một buổi sáng bảng lảng sương. Thành phố miền Nam quanh năm chìm trong nắng, người ta gặp khói mỗi ngày chứ hiếm khi nào bị vây quanh bởi sương như thế này. Vì sương, nên tôi chỉ có thể thấy lờ mờ cái cửa hẹp mà mẹ vừa bước vào, nhưng không thể nhìn rõ nó chính xác là chỗ nào.
Tiếp mẹ là một người phụ nữ không còn trẻ, trong căn phòng sơn trắng chật hẹp, mùa thuốc sát trùng nồng nặc xộc lên mũi. Nhưng hồ như vẫn nghe mùi tanh tởm lợm đâu đây. Mẹ nằm dài trên chiếc giường trải vải trắng. Bà bác sỹ bắt đầu công việc của mình.
“Cô quyết định bỏ nó?”.
“Dạ…”.
Chuyện gì đây? Mẹ bỏ tôi ư? Sao lại thế? Sao mẹ lại có thể bỏ tôi? Tôi không tin vào tai mình nữa. Tôi không tin đây là sự thật. Nó diễn ra quá nhanh, quá phũ phàng. Tôi chỉ mới gần gũi mẹ được hai tháng. Tôi phải ra đi lúc nầy sao? Ngoài kia phố dày đặc và người đông lắm, ai là người tốt ai là kẻ xấu? Giữa cuộc đời đông đảo và bốn bề hoang lạnh ấy, tôi chỉ là một sinh thể bé bỏng, cô độc. Ai sẽ chào đón tôi, ai sẽ che chở cho tôi? Có lẽ không ai cả. Con sợ lắm mẹ ơi?
Mẹ bắt dần trở nên đau đớn, nghiến chặt răng, mặt nhễ nhại mồ hôi. Sau đó mẹ khóc. Tôi cũng dần cảm thấy đau. Cơn đau mỗi lúc một dữ dội, hỗn láo và cong cớn. Toàn thân tôi lạnh loát. Trong đầu tôi trào ra nhiều hình ảnh. Tôi thấy khuôn mặt mẹ hốc hác, trắng bệt, nỗi buồn tơi xốp đến nỗi người khác có thể đọc trong mắt. Tôi hình dung ra khuôn mặt ba lầm lỳ và chai sạn, giấu nỗi lo toan lớn phía sau mấy sợi tóc lòa xòa trước trán. Khuôn mặt bà bác sỹ lập lờ những tia nhìn đồng lõa, trâng tráo. Tôi chào đón hàng trăm khuôn mặt của những người lạ người quen đang nổ tung trong sự sợ hãi. Tôi thấy mình càng lúc càng bị thu nhỏ lại, những màu sắc trên cơ thể nhạt dần rồi biến mất.
Cuối cùng, tôi phát hiện mình chỉ còn là một vệt máu đỏ sền sệt.
Tôi đang trôi tuột.
Tôi đang rơi.
Về phía không người chào đón.
Tôi còn nghe tiếng của mẹ, không phát ra bằng lời. Phải chăng từ tâm thức?
-o0o-
“Tạm biệt con của mẹ, đứa con mà mẹ biết mình sẽ không bao giờ có cơ hội thấy mặt. Con có hiểu cho mẹ không? Con có thể tha thứ cho mẹ không? Mẹ biết có lẽ điều đó quá xa vời đối với mình. Không phải vì muốn tiếp tục được sống bên cạnh người đàn ông đó mà mẹ bỏ con. Nhưng mẹ bất lực rồi. Mẹ không thể ê chề mang cái bụng to tướng lên giảng đường. Mẹ làm sao có thể chăm con khi mình còn gánh trên vai hai năm học đằng đẵng. Mẹ sẽ kiếm đâu ra tiền để nuôi nấng con thật tốt.
Không thể cho con một cuộc sống tốt đẹp, một gia đình đầm ấm. Thôi thì con hãy ra đi, cứ xem như mẹ con chúng ta chỉ có duyên với nhau đến đây thôi. Nhưng dầu thời gian ít ỏi, dầu chưa thể ôm ấp con, mẹ cũng đã cảm thấy hạnh phúc khi suốt hai tháng nay được bên con mỗi ngày. Mẹ xin lỗi con!
Con hãy đi tìm một xứ sở khác, tốt đẹp hơn. Mai này ở cuộc sống mới, mẹ mong con sẽ hạnh phúc, đừng vấp ngã như mẹ, nghe con!”.
Lại viết khi tâm trạng không ổn định nhưng gần đây tôi rất hay nghĩ về việc tự tử, tôi còn thường xuyên cáu gắt với tất cả mọi người, suy nghĩ vấn đề luôn rất bi quan. Mệt mỏi, thật sự mệt mỏi lắm.
Lấy chồng, ừ thì ai cũng lấy chồng, chồng do mình chọn chứ chả ai ép nên chả trách ai được, ừ thì trách mình…. Chồng không lăng nhăng, chồng chỉ ham chơi, chồng quá vô tư. Khi người phụ nữ lấy chồng, bản thân họ chẳng mong được chồng nuôi mà chỉ mong chồng nuôi được chính bản thân chồng và phụ giúp vợ nuôi con cái. Nhưng khi cái việc là đáng lẽ ra người đàn ông trụ cột phải đứng ra đảm nhiệm và suy nghĩ thì lại được đặt lên vai mình.
Con bé tý, nội ngoại chẳng ai giữ dùm đã đành, tiền giữ cháu thì cao ngất trời gần 2/3 tiền lương mình có thể đi làm nhưng cũng chả yên tâm được. Đã thế người thân thương trong nhà còn chẳng yêu thương nhau, tỵ nạnh nhau từng thứ mà những thứ ấy đươc thể hiện từ nhà chồng có lẽ mình cũng ít tủi thân. Nhà chồng thì còn vô cùng hồn nhiên và vô tư với suy nghĩ cưới vợ về thì tự tụi nó tính. Ừ thì mình cũng cố tính, nhưng tính cho lắm cũng chỉ được 2 mẹ con, nào tính được thêm cho chồng. Mà xin về nhà mẹ đẻ thì mẹ chồng chẳng vui, mẹ chồng chẳng vui chứ cũng 5,7 tháng phụ được 1 triệu gọi là có phụ tiền sữa cho cháu. Ăn uống thì bắt phải mua đồ tươi, ngon, bổ, nhưng không hề phụ một đồng nào. Ừ thì con mình, mình phải tự gánh vác chứ, nhưng con mình lại còn chẳng được nuôi theo ý mình khi làm gì thì nhà chồng cũng không vừa ý.
Con cái ngày lớn càng biết mè nheo mẹ, đeo mẹ suốt ngày, mẹ làm đã ít tiền còn quần cho mẹ mệt không có sức làm việc, nản, lắm lúc muốn xách ba lô lên và đi. Bỏ mặc mọi thứ, ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân như xưa. Rồi không làm được, lại cáu gắt với bản thân, với chồng, với gia đình, với con gái. Cái vòng lẩn quẩn chẳng bao giờ dứt được.
Uất ức, uất ức đến không thở được, đến mức nước mắt muốn chảy ngược cả vào trong. Phải chi chồng không có sức lao động mình cũng chấp nhận sự thật là một vai cáng đáng không lời than trách, nhưng sức dài vai rộng đi làm bao năm chả để dành được gì mà còn mơ tưởng thích làm chủ, chẳng thích làm thuê. Nản, nản cả cái gia đình chồng chiều chuộng đến hư chồng rồi trách mình không khuyên giải. Giờ cứ sợ đi ra đường bị hỏi “chồng làm gì?” “gia đình chồng có phụ không?” Đôi lúc cười trừ cho qua chuyện rồi lại tự hỏi bản thân sống sao mà để bị đối xử như thế?
Cũng chẳng thể than được, có than người ta cũng chẳng giúp đươc mà lại còn cười cho. Bế tắc không lối thoát, có khi nào mình cũng nghĩ quẩn không? Sống trong chăn mới biết chăn có rận. Ngày xưa đọc báo thấy người ta tự tử thì mắng sa sả vào mặt giờ bế tắc rồi mới hiểu cảm giác bị chửi là ích kỉ là thế nào. Âu cũng đáng lắm chứ!
Ba tôi đã bỏ trốn theo người đàn bà khác, quay lưng với vợ con và gia đình. Tôi đã thề sẽ không bao giờ tha thứ cho ông…
Tôi không bao giờ quên cái ngày ba bỏ mẹ tôi để chạy theo người đàn bà kia. Ba nói với mẹ là đi mua đồ ăn sáng, nhưng mẹ đợi đến trưa, đến chiều, lòng đầy lo lắng và đói lả vẫn không thấy ba quay lại.
Khi tôi nhận được tin đến nơi thì người ta đã chuyển mẹ tôi lên phòng cấp cứu. Bệnh tim của mẹ tái phát sau một thời gian điều trị ổn định. Chuyện xảy ra đã 7 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in.
Năm đó tôi 20 tuổi, đang học đại học năm thứ hai. Khi mẹ tôi phát bệnh, ba giao công việc lại cho anh hai để vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Ba nói: “Chỉ có ba mới hiểu ý mẹ, làm cho mẹ vui mà khỏi bệnh”. Tôi đã chứng kiến những tháng năm hạnh phúc của ba mẹ nên hiểu tấm lòng của ba trong câu nói đó. Vậy là anh em tôi thay nhau quán xuyến chuyện làm ăn để ba toàn tâm, toàn ý chăm lo cho mẹ.
Bác sĩ Trưởng Khoa Nội Tim mạch của một bệnh viện trên địa bàn quận 5, TP HCM là bạn thân của mẹ nên ba chọn bệnh viện đó để mẹ điều trị.
Sau khi tình trạng của mẹ ổn định thì ba đăng ký cho mẹ nằm ở phòng dịch vụ chỉ có 2 bệnh nhân. Người bệnh nằm cùng phòng với mẹ là một bác cũng trạc tuổi ba mẹ tôi. Nuôi bác là người vợ còn khá trẻ. Nghe đâu hai người mới chắp nối được vài năm sau khi người vợ đầu của bác mất vì bệnh hiểm nghèo.
Đồng bệnh tương lân nên hai gia đình khá thân thiết. Bên này có cái gì ngon cũng mời bên kia, bên này hết nước sôi thì bên kia đi đổ dùm, bên này có việc đi đâu đó thì bên kia trông dùm người bệnh, khi người này bận thì người kia đi lấy cơm cháo dùm…
Anh em tôi thấy vậy cũng mừng, nghĩ mẹ bệnh dài ngày, ba chăm sóc cũng vất vả, có người bầu bạn tâm sự cũng đỡ buồn. Hằng ngày, ba nhờ người phụ nữ kia mua cơm, sau đó họ cùng xuống căn tin của bệnh viện ăn cơm “cho khỏi mắc công rửa chén bát” như lời ba tôi nói. Cả ba tôi và người phụ nữ kia đều rất cảm kích trước sự chăm sóc tận tình của mỗi người dành cho người bạn đời của mình.
Cho đến cái ngày định mệnh. Ba tôi bảo đi mua đồ ăn sáng cho mẹ rồi không thấy quay lại. Bác Giao, người bệnh nằm cùng phòng với mẹ cũng lâm vào cảnh tương tự. Sau này bác kể, mẹ tôi cứ ngồi ngóng ra cửa phòng, chốc chốc lại ngoắc mấy người nuôi bệnh quen ở mấy phòng bên cạnh để hỏi “có thấy chồng em đâu không? Ảnh đi mua đồ ăn sáng cho em, không biết bị gì mà tới giờ chưa thấy về?”. Mẹ tôi sợ ba bị tai nạn hay bệnh hoạn bất ngờ…
Ở bên cạnh, bác Giao cũng nhấp nhỏm. Đến trưa vẫn không thấy vợ bác và ba tôi quay lại phòng, bác Giao đã gọi cho con mình. Họ túa đi tìm, đến tối vẫn không gặp họ. Cả hai người đều không mang theo điện thoại. Khu khám bệnh ban đầu còn xầm xì, sau đó thì bàn tán ồn ào về chuyện hai người nuôi bệnh dẫn nhau bỏ trốn, để lại hai người bệnh không người chăm nom.
Mẹ tôi ngất xỉu khi biết chắc là ba không quay lại. Khi anh em tôi nhận được tin báo, từ Đà Lạt chạy xuống thì mẹ tôi đã hôn mê sâu. Tôi chỉ kịp nắm lấy bàn tay đang lạnh dần của mẹ. Mặt mẹ ướt đầm nước mắt. Mẹ tôi ra đi mà vẫn không hiểu tại sao người chồng yêu thương lại có thể nhẫn tâm quay lưng, bỏ rơi mình trong lúc bệnh hoạn như vậy.
Đám tang mẹ tôi, ba không về. Tôi chẳng biết ông có biết tin không, hoặc là ông không dám về để chứng kiến hậu quả việc làm độc ác của mình.
Riêng tôi, cùng lúc mất cả cha lẫn mẹ đã khiến tôi rơi vào u uất. Tôi phải nghỉ học một năm trời để trị bệnh. Tôi hận ba tôi và người đàn bà kia và thề sẽ xé xác, phanh thây họ nếu gặp lại. Anh hai tôi thì trầm tĩnh hơn. Anh ôm tôi vào lòng: “Còn có anh hai đây mà cưng. Mẹ bệnh lâu quá rồi, có lẽ ba cũng bức bách. Thôi thì mình cứ cho là duyên nợ của ba mẹ chỉ có bấy nhiêu, em đừng giận, đừng trách ba làm gì, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi”.
Tôi không nói, không rằng nhưng tôi không dễ tha thứ như anh hai. Tôi nửa muốn đi tìm ba để hỏi tội, nửa muốn xem như ông đã chết rồi.
Cuộc đời thật trớ trêu. Ngay khi tôi gần như đã quên chuyện cũ thì bất ngờ tôi gặp lại ba mình. Công ty cử tôi về TP HCM tập huấn 6 tháng. Chỗ tôi ở cách trường học khá xa nên tôi phải đi xe ôm mỗi ngày. Và một trong những lần như vậy, tôi đã gặp người đàn ông của mẹ tôi. Khi nhận ra người chạy xe ôm là ông, tôi nhìn ông trân trối và không thốt lên được lời nào. Ông cũng vậy. Sau khi há hốc nhìn tôi, ông vội vàng nổ máy định phóng xe bỏ chạy nhưng tôi đã níu lại.
Trong suy nghĩ của mình, tôi không bao giờ hình dung người cha mà tôi kính yêu lại tàn tạ, hom hem như vậy. Khi đã tiêu hết số tiền dành chữa bệnh cho mẹ tôi, ông phải đi chạy xe ôm kiếm tiền nuôi người tình bụng mang dạ chửa. Sau khi sinh con, bà ta bị bệnh nằm một chỗ, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai ba tôi. Ông phải đem đứa con nhỏ gởi vào một mái ấm trên quận Thủ Đức.
Giờ đây, ngày ngày ông chạy xe ôm để kiếm tiền thuốc thang cho người đàn bà ấy. Họ sống trong một căn nhà tồi tàn ở tận ngoài Bình Chánh. Căn nhà này được mua bằng một phần tiền bán mạng mẹ tôi. Nếu ba không bỏ đi, ôm hết tiền theo thì mẹ tôi không chết tức tưởi như vậy.
Càng nghĩ tôi càng hận. Nỗi căm hận tưởng đã phai mờ 7 năm qua giờ lại bùng lên như ngọn lửa nhỏ gặp cơn gió to. Tôi hả hê nói với ba: “Đáng đời cho ông. Mẹ tôi chết là vì ông và người đàn bà kia. Đúng là ông trời có mắt, chuyện nhân quả ngày nay nó tới liền chứ chẳng phải đợi lâu”. Ba tôi cúi gầm mặt không nói lời nào. Tôi càng hả hê trong dạ.
Nhưng cảm giác ấy cũng chỉ được vài phút giây ngắn ngủi. Khi quay lưng đi là tôi bắt đầu khóc. Tôi nhớ những ngày tháng ấu thơ hạnh phúc ngập tràn bên ba mẹ. Ba rất thương và chiều tôi. Chưa bao giờ ba từ chối những yêu cầu trời ơi, đất hỡi của tôi. Nhớ có lần tôi bệnh bị sốt cao, nửa đêm ba cõng tôi chạy ra đường để đón xe lên bệnh viện tỉnh. Suốt mấy ngày liền, ba ngồi quạt cho tôi, đút cho tôi từng muỗng nước cam, từng muỗng cháo…
Ký ức về gia đình hạnh phúc, về tình yêu thương vô bờ bến của ba cứ cuồn cuộn chảy về trong tôi. Có lúc tôi nghĩ, đúng là ba có lỗi với mẹ nhưng với anh em tôi, cho đến ngày ba dứt áo ra đi theo tiếng gọi của một con tim lạ thì cũng vẫn vẹn nguyên hình ảnh một người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương con cái. Tôi không biết phải làm sao bây giờ?
Hình ảnh gương mặt hom hem của ba và người đàn bà gầy gò trong căn nhà nhỏ cứ ám ảnh tôi. Rồi câu chuyện về đứa nhỏ phải đem gởi ở nhà mở khiến lòng tôi ray rứt. Nếu tôi tha thứ cho ba thì tôi có lỗi với mẹ; còn nếu như cứ bỏ mặc ông như thế thì cũng có nghĩa là tôi tự đày đọa mình suốt phần đời còn lại bởi trong sâu thẳm lòng mình, tôi biết tình phụ tử là thiêng liêng và không gì có thể cắt rời…
Mẹ – đối với em đó còn là sự kính trọng, là nghĩa vụ của người con dâu, của một đứa con trong gia đình, và rộng lớn hơn – đó là chữ “Hiếu” mà em sẽ chia sẻ cùng anh trong cuộc đời này.
Quen biết em lâu như vậy rồi, thời gian yêu nhau tính ra cũng ngót 5 đầu ngón tay, anh phải hiểu rằng em là đứa con biết lấy chữ “Hiếu” làm trọng. Anh đã chọn em, đã cho em được chân thành gọi anh là “chồng chưa cưới”, thì cũng đã đến lúc anh nên để em được gọi bác là “Mẹ” – theo đúng nghĩa của phận làm con.
Mấy hôm mẹ nằm viện, chẳng may anh lại phải đi công tác xa nên không thể đến chăm sóc bà hằng ngày. Hôm đưa chìa khóa nhà cho em, anh nói: “Thỉnh thoảng, nếu rảnh thì em qua nhà nấu cơm cho mẹ giùm anh nhé, mẹ anh khá kén ăn, anh sợ bà không quyen với đồ ăn trong viện.…”.
Có một bài thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh mà em rất thích Mẹ của anh: “Phải đâu mẹ của riêng anh. Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi. Mẹ tuy không đẻ không nuôi. Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong. Ngày xưa má mẹ cũng hồng. Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau. Bây giờ tóc mẹ trắng phau. Để cho mái tóc trên đầu anh đen. Đâu con dốc nắng đường quen. Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần. Thương anh thương cả bước chân. Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao…”
Lúc đó, em chỉ lặng gật đầu, nhưng trong thâm tâm – thực sự lúc đó em đã chạnh lòng. Có lẽ với bất kỳ người con gái nào cũng vậy chứ không chỉ riêng em mới có cảm giác đó. Anh lo lắng cho mẹ, và phải chăng anh cũng đang lo em không thể tận tụy vào chăm sóc bà, sợ rằng em sẽ không thể phục vụ bà tốt bằng anh?
Một người con gái sắp làm vợ, làm con dâu mà người chồng sắp cưới của cô ta lại tỏ ra không tin tưởng, không an tâm với lòng chân thành và khả năng chăm sóc gia đình, liệu có cô gái trưởng thành nào sẽ không chạnh lòng?
Và…“mẹ anh”, cái từ mà anh vô tình buông lơi khi nói với em – phải chăng đó là khoảng cách, là sự phân biệt ? Em là vợ sắp cưới của anh, và bà sẽ sớm là mẹ của em mà! Thậm chí, ngay cả khi chưa chính thức kết hôn thì em cũng đã sớm coi bà là mẹ.
Ngày thứ hai của chuyến công tác, anh lại dặn em thật kỹ:
– Em à, buổi sáng em cho mẹ ra ngoài đi bộ một chút – ở nhà mẹ vẫn quen thế rồi, với cả nhớ cho mẹ uống sữa nhé! bà thích sữa không đường.
Những điều đơn giản đó em sẵn sàng có thể chủ động làm được mà (?!)
Từ lâu rồi, anh và mẹ tự chăm sóc cho nhau, luôn chỉ quen với cuộc sống của hai người, nên anh càng lo lắng – điều đó em hiểu. Nhưng tại sao anh lại tỏ ra khách sáo khi để em chăm sóc mẹ? Em sẵn sàng đến chăm bà thường xuyên, đó là điều cần, nên và phải làm của đứa con dâu tương lai, nhất là khi anh lại đang vắng nhà.
Lẽ đời đã đúc rút, liệu mấy ai có thể lo lắng, biết yêu thương cha mẹ một cách thực lòng hơn những đứa con ruột rà? Nhưng anh à, em sẽ là con dâu của mẹ, là con cái trong nhà, mà người ta vẫn thường nói: “con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về”. Em yêu anh, yêu tất cả những gì thuộc về anh. Nhưng anh ơi, mẹ – đối với em đó còn là sự kính trọng, là nghĩa vụ của người con dâu, của một đứa con trong gia đình, và rộng lớn hơn – đó là chữ “Hiếu” mà em sẽ chia sẻ cùng anh trong cuộc đời này.
Từ xưa đế nay, vẫn lắm chuyện “mẹ chồng – nàng dâu” chẳng hay ho gì, nhất là ở cái thời buổi vàng thau lẫn lộn như bây giờ thì con dâu đanh đá với mẹ chồng là chuyện không mấy lạ lùng nữa. Và ngay cả chuyện con dâu rất mực yêu thương mẹ chồng, coi mẹ chồng như mẹ đẻ cũng sẽ là chuyện khó… Nhưng em đã chọn anh, quyết định bước vào gia đình anh – gia đình vốn từ lâu chỉ có hai người. Em đủ chín chắn để hiểu về nghĩa vụ, trách nhiệm và tình yêu để có thể bảo vệ cuộc sống đó.
Hôm nay Út tốt nghiệp ngành học thứ nhất, chị hai hỏi Út có muốn chị hai đưa cha mẹ vào dự lễ không.. Út nói, không cần đâu.
Chị hai hỏi Út có muốn chị hai tặng quà gì không, Út nói, không cần đâu.
Út làm em chị hai được hai mấy năm rồi, từ ngày Út còn nằm trong bụng mẹ, chị hai vừa biết đi, hay khoái sờ bụng mẹ để nghe Út đạp..
Út lớn lên trắng trẻo cao ráo, 2 bên 2 má lúm đồng tiền, ngoan ngoãn, học giỏi, và là niềm tự hào của 2 bên nội ngoại. Chị 2 khác Út, chị hai cá tính nghịch mùa, thích những thứ ngược lại với số đông..
Út lớn lên, ngày càng lạnh lùng, ít cười ít nói, dành nhiều thời gian đọc sách và học hành. Bao nhiêu năm liền là học trò giỏi, bao nhiêu năm liền vẫn là bí thư chi Đoàn gương mẫu. Chị hai lại khác, chị hai làm cán sự được vài ngày là quăng hết giấy mía, xách dép bỏ chạy.
Tính Út thích mọi thứ đi vào khuôn nếp, còn chị hai thích mọi thứ tự do trong cái hỗn độn đầy phóng khoáng của nó.
Út đi sau, về trước. Chị hai đi trước, về sau..
Chị hai xem Út như phiên bản con trai hoàn hảo của mình. Út nhìn chị hai như phiên bản nữ đầy lỗi của Út.
Dù vậy, hai mấy năm, chị hai và Út vẫn sống chan hòa dưới một mái nhà, dù lắm lúc Út giận chị hai không muốn nhìn mặt, hay ngược lại..
Hôm nay Út tốt nghiệp, 1 năm sau Út lại tốt nghiệp, nghĩa là Út bước ra cuộc đời, bắt đầu lăn lộn làm một người đàn ông đúng nghĩa, kiếm tiền chăm lo cho gia đình.
Chị hai vô tư hơn, chị hai vẫn học, vẫn tung tăng với những sở thích của mình, vẫn nhẹ gánh cuộc đời hơn Út.
Cha mẹ ngày càng già đi, Út là trai duy nhất trong nhà, Út phải mang nhiều trọng trách hơn chị.
Dù hôm nay Út nói với chị, không cần đâu. Nhưng tận sâu trong lòng chị vẫn muốn chúc Út một lời chúc mừng tốt nghiệp, ngày lễ trọng đại của đời người. Chúc hoa hồng luôn tràn lấp trên con đường Út đi, với tất cả những cố gắng, tận tâm, em sẽ được đền đáp xứng đáng.
Chị hai vẫn là chị hai thôi, vẫn muốn một lần nào đó được ôm Út trong lòng, dỗ Út ngủ hay giả vờ dành đồ chơi cho Út khóc như thời thơ ấu, nơi mái nhà tranh rất nghèo, rất thiếu thốn mà chị em mình đã trải qua.. Có một điều luôn luôn tồn tại, tiếng cười và tình yêu thương.
Làm chị em, có kiếp này không có kiếp sau. Chị vẫn luôn tâm niệm thế từ lần đầu chị ý thức được bên đời chị có Út.
Tối hôm qua, anh Huân gọi điện nhưng chồng không có ở đó, vợ bắt máy trả lời. Không gặp được chồng, Huân cứ ấp úng không trả lời được lý do muốn gặp chồng làm vợ càng bực bội. Càng khó chịu hơn khi thấy thái độ của chồng cũng không khác gì anh ta khi vợ thắc mắc chồng liên hệ với Huân làm gì.
Huân chuyên thầu cá độ bóng đá. Tám năm trước (cũng đúng mùa World Cup), cũng vì thân thiết với anh ta mà chồng dính vô vụ cá độ, cả nhà mình một phen điêu đứng vì chuyện nợ nần của chồng, tưởng đâu cả nhà phải ra đường ở nếu không được ông bà nội giúp đỡ. Vợ vẫn chưa quên cái đêm chồng về nhà trong bộ dạng thiểu não chưa từng có, chồng van xin vợ tha thứ khi vợ còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra với chồng. Chồng thú thật vừa thua độ khá lớn mà nếu không chung độ chồng sẽ bị bọn xã hội đen “xử” ngay.
Vợ nghe như sét đánh bên tai, gom góp hết tiền bạc gửi tiết kiệm được hơn trăm triệu lẫn mấy món nữ trang cưới vẫn không đủ trả nợ, vợ ốm một trận cả tuần liền. Biết chuyện, bố mẹ chồng đã mắng chồng một trận ra trò. Ông bà giúp cho phần còn lại kèm theo cảnh cáo đây là lần đầu cũng như lần cuối, nếu chồng còn “tái phạm” ông bà sẽ từ mặt chồng luôn. Chồng hứa sẽ từ bỏ thói cờ bạc và đã giữ đúng lời hứa cho tới nay.
Thực ra trước kia chồng chẳng mê cờ bạc đỏ đen. Chỉ sau lần cá độ chơi cho vui cùng đám bạn cũng mê bóng đá và may mắn trúng đậm, chồng bỗng tin mình có “số may mắn” rồi đâm ghiền lúc nào không hay. Biết vợ không ủng hộ, chồng tự cắt xén khoản cà phê thuốc lá và “ém luôn” khoản tiền hoa hồng mỗi khi bán được hợp đồng nào đó để nướng vào vụ banh bóng. Vợ phát hiện, khuyên răn thì chồng viện đủ cớ, lúc thì kiếm ít tiền đổi cái xe tốt hơn, lúc lại bảo chỉ là cá độ vài chầu nhậu hoặc cà phê cà pháo cho “có không khí” thôi chứ có bõ bèn gì. Vậy mà rốt cục chồng “lậm” lúc nào không hay.
Chồng thấy có ai giàu lên vì cá độ không hay chỉ góp phần làm giàu cho mấy nhà cái? Nhà mình cũng đâu dư dả gì, mua trả góp xong căn nhà chung cư là hai vợ chồng muốn đứt hơi rồi. Giờ mà có dư được chút nào cũng phải dành dụm phòng khi hữu sự chứ? Hơn nữa, bây giờ con mình còn nhỏ, sau này con lớn mà chồng cứ mải mê banh bóng kiểu này thì sao làm gương cho con? Bài học từ hai mùa World Cup trước chắc chồng vẫn chưa quên. Vợ cũng mong chồng nghĩ đến vợ con, đến bố mẹ chồng mà không “ngựa quen đường cũ”.
Cũng may, bốn năm mới có một kỳ World Cup chứ nếu năm nào cũng có hay mỗi kỳ Wold Cup dài hơn một tháng chắc vợ xẹp như trái bóng hết hơi! Đừng để tim em phập phồng theo những đường bóng lăn, để mùa vui của các ông không trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của các bà vợ như em, chồng nhé!
Ước gì bố mẹ đừng bỏ rơi con một cách quá tàn nhẫn như thế .
Giờ đây con đang khóc , khóc một mình , trong chính ngôi nhà của chúng ta …
Ngôi nhà quá rộng còn con thì quá nhỏ bé , con cảm thấy quá trống trải .
Con biết bố mẹ đi làm kiếm tiền để nuôi nấng chúng con nhưng có khi nào bố mẹ quên mất là sự yêu thương quan tâm của bố mẹ mới là điều quý giá nhất không ?
Tất cả mọi việc trong nhà con điều biết , kể cả việc mẹ đang yêu người khác …
Mẹ ngoại tình …
Mắt con cay lắm , con không biết chia sẻ với bất kì ai .
Mẹ hôm nay lại không về , bố thì ở cơ quan , anh thì vẫn đi học ở Hà Nội và chẳng bao lâu nữa là anh sẽ bay sang Nhật .
Bố mẹ lúc nào cũng cãi nhau , tất cả con đều nghe thấy , con chỉ cố quên đi để đỡ đau trong tim những khó lắm .
Từ một gia đình quá đỗi hạnh phúc tại sao nó lại trở thành như thế này hả mẹ ơi ?
Hôm nay mẹ không gọi cho con một cuộc điện thoại nào , con đợi mãi nhưng có thấy đâu …
Con chỉ ước bố mẹ đừng như vậy nữa thôi , con buồn lắm , bố mẹ có biết không ?
Ngày xưa mỗi khi mẹ bắt đầu điệp khúc này là mình tìm cách trốn ngay. Giờ có con rồi biết, trong mắt mẹ bao giờ con cũng là trẻ con.
Lâu rồi mới viết về mẹ. Tôi và mẹ vốn là hai tuổi xung, tôi tuổi Tỵ còn mẹ tuổi Thân nên hai mẹ con chưa bao giờ nói chuyện lâu với nhau. Cuộc đời của mẹ vốn số khổ long đong lân đận, tuy không thuộc tuýp người lệ thuộc vào chồng nhưng mẹ lại sợ bơ vơ nếu rời xa nên cứ chịu đựng ba. Ba tôi là người khá gia trưởng, khắt khe, có phần độc đoán lại ích kỉ. Có lẽ các bạn cho rằng tôi đang nói xấu ba mình… nhưng quả thật từ lúc biết đánh giá con người và sự việc tôi chưa bao giờ đứng về phía ba.
Kể về gia đình tôi thì hơi phức tạp, Ba mẹ đều lầm lỡ mới đến được với nhau nên nhà người ta hai dòng con là đủ chuyện phức tạp, nhà tôi đến ba dòng con, May mắn tôi là con chung nên luôn được ưu ái hơn.
Hồi bé ba giữ tiền nên đưa tiền đi chợ cho mẹ ít lắm. Mẹ vốn tính rộng rãi lại muốn mua đủ thứ đồ cho tôi và anh hai nên hay lén “rút” tiền ba lắm. Rồi ba phát hiện cãi nhau chửi mẹ một trận tơi bời, lúc đó tôi còn ngu lắm cơ, mẹ lấy tiền mua đồ cho mình mà tôi lại toàn đi méc ba.
Khoảng thời gian học cấp 1 là quãng thời gian đẹp nhất với tôi.Ba thương tôi lắm, mẹ hay dấm dúi cho tui vài đồng mỗi bữa đi học. Đến cấp hai kinh tế khó khăn vì chỉ có ba là lao động chính nên mẹ tôi quyết định đi học nghề nấu ăn đãi đám tiệc kiếm thêm thu nhập. Một thời gian sau vì vốn có khiếu tay nghề mẹ thành thạo mẹ ra nấu riêng nên ba và mẹ có hai nguồn thu chi độc lập. Ba vẫn muốn mẹ đưa tiền ba giữ nhưng mẹ lại muốn giữ để tiện xài không phải hỏi ý ba. Thế là mâu thuẫn hàng loạt xảy ra chung quanh việc ai giữ tiền.
Đỉnh điểm nhất là khi tốt nghiêp cấp ba tôi không đạt vào trường ba mẹ kì vọng, suốt ngày sống trong sự so sánh từ bé đến lớn, lại thêm chì chiết và chỉ trích, lần đầu tiên trong đời tôi quyết định bỏ nhà ra đi. Mà cái suy nghĩ bỏ nhà ra đi của tôi ngày xưa trẻ con lắm. Cầm theo 500k lúc ấy lớn lắm í, tôi đi lên Sài Gòn học đi xe buýt, nghĩa là học người ta mua vé leo lên mấy chiếc xe bus chạy quanh Sài Gòn rồi quay về bến xe rồi đi tiếp, rồi đi Đầm Sen… chiều về gặp đứa bạn bảo ba mẹ mày tìm mãi mấy ngày rồi mẹ mày lo lắm. Cũng đi về với tâm trạng đắc thắng lắm nhưng khi thấy hai tay của ba đen sạm phân màu rõ rêt chỗ tay áo ngắn với phần cánh tay, lòng tôi se lại. Mẹ thì tóc bạc hơn hẳn, mắt sưng húp vì khóc tự dưng tôi cảm thấy lúc đó như “núi đè Tôn Ngộ Không”. Thương mẹ lắm cơ biết mình có lỗi nhưng đến tận bây giờ chưa nói đươc câu xin lỗi nào cùng mẹ.
Lớn lên biết đi chơi hay về tối lúc nào cũng nghe tra hỏi “đi đâu”, “với ai”… ngán tận cổ. Giờ có con rồi nằm đêm suy nghĩ giờ con còn nhỏ đeo mẹ, nhưng nhỡ lớn lên ham bạn bè bỏ mình thì sao? Bất giác nằm khóc.. nhớ lại ngày xưa sao mẹ lúc nào cũng coi mình là con nít. Xin đi du lịch với trường cũng không cho. Giờ đọc báo thấy nhiều vụ học sinh đi với trường chết đuối bla bla mới hiểu.
Dù ba có lỗi với mẹ nhiều, nội chẳng bao giờ thương mẹ, vì mẹ từng lầm lỡ, có lần nghe kể lại lúc sinh mình nhà nghèo lắm nhưng nội nấu cơm lại giấu ở gầm giường chẳng cho mẹ ăn, mình tức anh ách, nhưng mẹ vẫn dạy phải sống đúng với nghĩa vụ của con của cháu. Mẹ bảo người đó sai thì sẽ có quả báo nên bản thân mình phải sống đúng.
Mẹ không là người tâm lý lại càng không biết thể hiện tình cảm nên từ bé đến giờ chưa được ôm mẹ lần nào. “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm” Câu nói đơn giản lắm nhưng chưa lần nào thốt ra khỏi miệng, chưa lần nào dám ôm mẹ một cách tình cảm Chiều nay ngồi chơi với mẹ và con gái, tự dưng nhìn lên thấy mẹ già đi nhiều. Chẳng biêt mẹ có đợi nổi đến ngày minh báo hiếu không? Tự dưng nước mắt lăn dài. Minh già rồi hay sao lại suy nghĩ lắm chuyện. Đêm đêm nằm chỉ cầu mong cho cha mẹ sống đời với con.
Mẹ ơi, lắm lúc con làm mẹ buồn nhưng chỉ có mẹ là yêu thương con vô điều kiện, không đòi hỏi. Mẹ ơi, ngày xưa sống trong vòng tay mẹ, con chỉ ao ước mau lớn lên để được tự quyết định mọi thứ, giờ khi đã làm mẹ, làm vợ, làm dâu, con lại chỉ ao ước cho mình được bé lại để được mẹ la rầy. Cuộc sống này với bao trách nhiệm và nghĩa vụ khiến con mệt mỏi quá mẹ à!
Kim Oanh
– Nhỏ to tâm sự chuyện tình cảm tình yêu hôn nhân gia đình và cuộc sống