Category Archives: Góc đàn ông

Một lần lỡ dại

Tôi tin chắc rằng, trong cuộc đời người đàn ông từng lập gia đình, chẳng ai không lỡ một lần “say nắng”. Có người “say” túy lúy, có người “cảm nhẹ”. Nhưng dù say nắng một cách vô tình hay cố ý, là đã có tội với vợ, gây ra cảnh gia đình xào xáo, tệ hơn là dẫn đến ly hôn.

Một lần lỡ dại
Một lần lỡ dại

Tôi say nắng khoảng nửa năm thì bị vợ phát hiện. Hoàn cảnh đưa đẩy tới cơn say rất tình cờ (không phải tôi ngụy biện). Lúc đó, tôi luôn dặn lòng: phải kín đáo, đàn ông “cảm nắng” cho đời thêm… ý nghĩa, miễn sao có trách nhiệm với vợ con, là được.

Phụ nữ vốn nhạy cảm. Ngày phát hiện chuyện động trời của tôi, cô ấy như người điên, không biết kiềm chế từ lời nói đến hành động. Tôi hoàn toàn thông cảm với cú sốc của vợ. Nhưng phụ nữ vốn dễ mềm lòng. Tôi vỗ về, an ủi, dần vợ cũng nguôi. Sau sự cố đó, trong khi tôi trở nên chỉn chu hơn, cố gắng bù đắp tình cảm cho vợ, tích cực sửa chữa lỗi lầm, thì vợ tôi trở thành kẻ “nổi loạn”. Cô ấy không còn chăm lo gia đình như trước, siêng ra ngoài và thường về trễ, thậm chí còn biết ăn nhậu, nói năng bỗ bã, hồ đồ…

 

Tôi lại một lần nữa phải khuyên răn, nhận lỗi về mình, vì tôi biết vợ không phải bỗng dưng trở thành người tệ như thế. Cô ấy lại một lần nữa mềm lòng vì tôi. Có thể tôi khéo ăn nói, hay vì những hành động chuộc lỗi của tôi là thành tâm, nên cô ấy đã chọn con đường sống tích cực hơn. Tôi âm thầm quan sát, thấy vợ ăn mặc đẹp hơn trước, biết nấu những món ăn ngon, biết làm đẹp vì chồng, chăm sóc con cái tốt hơn… Với tôi, đó là những tín hiệu vui, vì vợ đã “bật đèn xanh” xí xóa lỗi lầm của chồng. Nhiệm vụ của tôi bây giờ chỉ được phép… say vợ, hết lòng vì gia đình, tuyệt đối không được ngó nghiêng. Điều đó có thể khó khăn với không ít đàn ông, nhưng với tôi, được “bình yên” sau một lần lỡ dại đã là may mắn. Đôi lúc tôi thầm nghĩ, một lần say nắng của tôi coi vậy mà “được việc”, bởi sau sự cố ấy, chúng tôi biết trân trọng nhau hơn, biết phấn đấu và sống ý nghĩa hơn.

Dù ai cũng biết “say nắng” là đang lao vào trò chơi nguy hiểm, đầy rủi ro, là chỉ có “mất” chứ không có “được”. Nhưng tôi tin rằng, trường hợp của tôi không phải là cá biệt, “say nắng” mà còn làm cho cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn lên là điều… không tưởng. Có người bảo, vì tôi dẻo miệng, vì tôi biết sửa sai, vì vợ tôi vị tha, vì cô ấy vẫn còn yêu chồng, thương con… Tôi nghĩ, vì gì đi nữa, đã dám làm sai thì phải dám sửa sai, đâu thể để say nắng đến nỗi đánh mất hạnh phúc gia đình. Mấy ông bạn nhậu cứ nhìn tôi nửa đùa nửa thật: “Tao sẽ thử một lần say nắng, dù phép thử ấy có phần quá trớn, biết đâu hạnh phúc sẽ trở nên tươi mới hơn”. Tôi can họ, bởi cực chẳng đã mới say nắng, thiếu gì cách làm mới hạnh phúc của mình mà phải lao đầu vào trò chơi may ít, rủi nhiều ấy…

Lê Phi

Gia đình vợ chỉ coi tôi là người ‘phối giống’

Tôi cao 1m70, vợ cao gần 1m50, 33kg. Sinh con ra mạnh khỏe, xinh xắn là lúc tôi có cảm giác người ta chỉ nuôi cho mạnh khỏe, khi “xong” là lúc công việc hết. Gia đình nhà vợ từ đấy có những thái độ bất thường, đôi khi như muốn thách thức.

Tôi và vợ quen nhau 3 năm rồi cưới, từ đó đến nay được gần 2 năm. Cậu con trai xinh xắn được 6 tháng tuổi. Từ ngày con trai tôi ra đời đánh dấu một cuộc sống tôi cảm nhận không còn hạnh phúc. Trong tôi luôn khó chịu, hụt hẫng trống trải, muốn thoát ra khỏi cuộc hôn nhân này.

Tôi lệch với vợ vì chiều cao và dáng vẻ nên gia đình tôi ban đầu phản đối. Rồi bao sóng gió, tôi đã phải mất rất nhiều công sức để cưới được cô ấy. Bố mẹ tôi là nông dân, tôi là con trai út trên có 2 chị em gái. Tôi sinh sống làm ăn ở Hà Nội. Vợ sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức ở tỉnh lẻ, cuộc sống không phải quá giàu có, cũng khá giả nên được bao bọc từ miếng ăn giấc ngủ, đi lại.

Ngày sinh con, mẹ tôi cũng gạt qua chuyện cũ coi như cuộc sống bình thường. Mẹ ở quê mang lên đôi gà và yến gạo trước 2 ngày vợ sinh, vậy mà từ khi cháu khóc tiếng khóc đầu tiên cũng chính lần đầu tôi ngồi khóc. Cách cư xử của gia đình vợ làm tôi thấy thương mẹ vô cùng. Tôi tự hỏi thiên thần vừa chào đời kia có phải là giọt máu của mình không? Có là cháu nội của mẹ tôi không? Tôi thấy họ vồ vập cháu mà quên mất bà nội và bố cháu đứng bên cạnh. Tôi nhìn mẹ ái ngại, vì những điều mẹ dặn ngày xưa.

Buồn hơn, tôi bị mọi người sai đi mua sữa, mua thau và những thứ còn thiếu; con tôi họ cứ ôm như là của riêng bên nhà vợ. Đặc biệt chỉ sợ tôi và bà nội lại gần cháu. Trong khi tôi chạy đi lấy đồ và giấy tờ họ ngồi rất đông ở đó. Ngày xưa khi tôi về ra mắt, cách cư xử nhà vợ khác bây giờ lắm. Tôi cao 1m70, vợ cao gần 1m50, 33kg. Bên nhà vợ ai cũng đồng ý, vun vén.

Lúc sinh cháu ra mạnh khỏe xinh xắn là lúc tôi có cảm giác mình như người phối giống”, người ta chỉ nuôi cho mạnh khỏe, khi “xong” là lúc công việc của mình hết. Gia đình nhà vợ từ đấy có những thái độ bất thường, đôi khi như muốn thách thức. Tôi thất vọng và hụt hẫng vô cùng. Ngày xưa khi vợ sinh cháu trai đích tôn là ông bà nội vui và có quyền lắm, bây giờ chắc cháu bà ngoại là nhất.

Tôi là bố cháu mà gần như không có quyền với con trai mình. Mua gì, ăn gì, tắm ra sao, mặc quần áo gì, đi đâu là sự quyết định của vợ và gia đình vợ. Sinh cháu xong tôi cho mẹ con về với ông bà nội, vợ đã tính chỉ ở 1 tháng nhà nội, về ngoại 2 tháng, đủ 4 tháng là 27 tết về ông bà nội, được vài ngày sẽ lên nhà ngoại. Nội ngoại cách nhau 150 km.

Dù là tiêm phòng vợ cũng quyết, nếu tôi bảo cho hai mẹ con về quê chơi ít ngày, vợ chắc chắn phản đối, viện đủ lý do, con ốm hay nguy hiểm. Nếu về nhà ngoại hay đi đâu cùng ông bà ngoại vợ nhất trí liền. Tôi đã ngồi tâm sự với vợ và mẹ vợ rất nhiều lần. Với vợ tôi nói là mình phải tự lập như bạn bè, với bà ngoại tôi nói cứ để vợ chồng con tự lập dần đi cho quen không sau này ông bà già yếu sẽ khó hơn. Vậy cũng không được.

Đôi khi tôi đi làm tối ngày về, muốn bế con mà gặp bà hay vợ là không được, phải rửa tay xà phòng mới bế. Tôi có cảm giác bố mẹ vợ đã đi quá giới hạn của mình rồi. Tôi không thể chịu nổi mọi sự quản lý của gia đình vợ. Mọi điều vợ tuyệt đối nghe bố mẹ, tôi như người thừa trong gia đình. Nhiều lúc bực quá tôi đã muốn bỏ vợ, chỉ buồn vì thiên thần nhỏ kia tôi không thể làm thế. Đôi khi tôi nhịn để cháu được chăm sóc tốt mà thật sự khó bởi bản năng làm bố, bản năng thống trị của người đàn ông không cho phép.

Tôi nghĩ mình đã chọn nhầm cuộc hôn nhân không hạnh phúc và phụ thuộc. Tôi không hề phụ thuộc kinh tế nhà vợ, từ khi yêu tôi vợ thất nghiệp về làm công ty do chính tôi mở ra. Hàng đêm mơ về cuộc sống có một mái ấm gia đình nhỏ độc lập, tôi thèm khát, đôi khi ra công viên tôi muốn mình thoát khỏi cuộc hôn nhân này để tìm một tổ ấm khác, chỉ một điều băn khoăn là con trai bé nhỏ của tôi. Vợ và gia đình vợ không bao giờ thay đổi, tôi đủ tỉnh táo để biết rằng hạnh phúc không còn ở nơi đây.

Mẹ già

Cô con dâu : “Nấu nhạt tý thì bà chê nhạt nhẽo, giờ nấu mặn chút bà lại bảo nuốt không vô, rốt cuộc bà muốn sao đây?”

Mẹ nhìn thấy con trai vừa về đến nhà, một câu không rằng bèn gắp thức ăn bỏ vào miệng nhai. Cô ta hằn hộc nhìn chồng. Anh gắp thử một miếng ăn, nhả ra ngay tức thì.

Con trai nói : “Anh không phải đã dặn em rồi sao, mẹ bị bệnh không thể ăn quá mặn !”

Mẹ già
Mẹ già

“OK ! Mẹ là của anh, sau này do anh nấu nhé !” Con dâu giận dỗi đi thẳng vào phòng. Con trai chỉ còn cách thở dài, và quay sang nói với mẹ : “Mẹ, đừng ăn nữa, con đi nấu mì cho mẹ ăn.”

Mẹ nói : “Không phải con có chuyện muốn nói với mẹ sao, có thì giờ hẵn nói, đừng để trong lòng !”

Con trai nói : “Mẹ à, tháng sau con được thăng chức, con sẽ rất là bận … còn phần vợ con, cô ta nói muốn ra ngoài kiếm việc làm, cho nên ……”

Ngay lập tức mẹ hiểu ý con trai muốn nói gì : “Con trai ơi, đừng gửi mẹ vào viện dưỡng lão nhé con !” Giọng nói nức nghẹn như khẩn cầu van xin .

Con trai trầm tư nghĩ ngợi một hồi lâu, trong đầu anh ta như đang cố tìm một lý do tốt hơn để thuyết phục mẹ : “Mẹ à, thật ra viện dưỡng lão không phải là một nơi không tốt, mẹ biết rồi đấy, khi vợ con kiếm được công việc, nhất định sẽ không còn thời gian chăm sóc mẹ chu đáo nữa đâu. Trong viện dưỡng lão vừa có cái ăn, vừa có chỗ ở, lại có người chăm sóc, không phải tốt hơn nhiều so với ở nhà hay sao ?”

Tắm xong, ăn tạm một tô mì gói, con trai bèn đi vào phòng sách. Anh thờ người đứng trước cửa sổ, có vẻ do dự. Ngày ấy mẹ còn trẻ đã ở góa, ngặm đắng nuốt cay nuôi anh khôn lớn nên người, và còn gửi anh ra nước ngoài du học. Nhưng, bà chưa bao giờ dùng tuổi thanh xuân của mình đã một đời hy sinh vì anh đem ra uy hiếp mặc cả về sự hiếu thảo của anh, ngược lại là vợ đã đem hôn nhân ra uy hiếp anh ! Không lẽ phải cho mẹ vào viện dưỡng lão thật sao ? Anh tự hỏi bản thân, anh ta có chút không nhẫn tâm.

“Có thể cùng cậu đi hết cuộc đời là vợ cậu, không nhẽ là mẹ cậu sao ?” Con trai của bác Tài thường hay nhắc khẽ anh như thế.

“Mẹ cậu đã lớn tuổi như thế, tốt số thì có thể sống thêm vài năm, Tại sao không tranh thủ thời gian đó sống thật hiếu thảo với bà cơ chứ ? Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà người còn đâu!” Bà con họ hàng thường hay khuyên nhủ anh như vậy.

Con trai không muốn suy nghĩ thêm nữa, sợ mình sẽ vì thế mà thay đổi quyết định. Ánh mặt trời tắt dần những tia nắng chói chang và khuất dần sau ngọn đồi, trả lại bầu trời một màn đêm u tịch. Một ngôi nhà quý tộc dành cho người già được xây dựng ở vùng ngoại ô trên đồi núi.
Đúng thật, tiền càng chi ra nhiều, con trai càng cảm thấy an lòng. Khi con trai dắt mẹ bước vào đại sảnh, một chiếc ti vi 42 inch mới tinh đang chiếu một bộ phim hài, nhưng người xem nơi ấy không hề nở một nụ cười.

Những người già mặc cùng một kiểu áo, tóc tai đều na ná nhau đang ngồi cô quạnh trên chiếc ghế sofa, thần sắc đờ đẫn đến u buồn. Có người thì đang ngồi lẩm bẩm một mình, có người thì đang chầm chậm cúi người xuống muốn nhặt lấy một mẫu bánh vụn đang nằm trên sàn nhà.

Con trai biết mẹ thích nơi tươi sáng, vì thế đã chọn cho bà một căn phòng đầy đủ ánh sáng. Từ cửa sổ nhìn ra ngoài, dưới bóng râm là một vườn cỏ thơm ngát. Mấy cô y tá đang đẩy những người già ngồi trên xe lăn, cùng họ tản bộ dưới ánh hoàng hôn, bốn bề tĩnh lặng khiến cho người cảm thấy xót lòng. Dù hoàng hôn có đẹp bao nhiêu, ánh chiều tà rồi cũng dần buông xuống, anh ngậm ngùi tiếc nuối.

“Mẹ ơi, con … con phải đi rồi !” Mẹ chỉ biết gật đầu.

Khi anh đi khỏi, đôi tay gầy guộc của mẹ giơ lên vẫy chào anh, miệng không còn một chiếc răng, đôi môi khô tái nhợt muốn lên tiếng gọi với anh, nhưng gọi không thành tiếng, lộ ra một ánh mắt ngập ngừng đậm vẻ u sầu.

Lúc này con trai chợt nhận ra mái tóc của mẹ đã bạc dần, đôi mắt sâu thẳm và khuôn mặt xuất hiện nhiều vết chân chim. Mẹ quả thật đã già đi rồi !

Anh chợt hồi tưởng lại một số chuyện ngày xưa. Năm đó anh mới 6 tuổi, mẹ có công chuyện phải về quê, không tiện dắt anh theo, nên đành phải gửi tạm nhà bác Tài vài hôm. Lúc mẹ sắp rời khỏi, anh sợ hãi ôm chặt lấy chân mẹ không chịu buông, khóc thật thê lương và kêu gào trong nước mắt : “Mẹ, mẹ ơi, đừng bỏ con mà đi ! Mẹ đừng có đi mẹ ơi !” Cuối cùng mẹ cũng không bỏ lại anh một mình ……

Anh vội rời khỏi phòng, tiện tay đóng cửa phòng lại, không dám ngoáy đầu nhìn lại, anh sợ, sợ cái ký ức ấy hiện về như bóng ma cứ lờn vờn bám lấy anh.

Anh về đến nhà, nhìn thấy vợ và mẹ vợ đang hăng tiết vứt bỏ tất cả những vật dụng trong phòng của mẹ với khuôn mặt khoái chí vui mừng.

Một chiếc huy chương —– đó là chiến lợi phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi viết văn hồi tiểu học của anh với chủ đề “MẸ CỦA TÔI” ; Một quyển từ điển Anh – Việt —– đó là món quà đầu tiên mẹ đã dành dụm tiền chi tiêu cả tháng trời để mua tặng anh ! Và còn nữa, chai dầu gió mẹ phải xoa trước khi đi ngủ, không có anh xoa dầu cho bà, gửi bà đến viện dưỡng lão thì còn ý nghĩa gì nữa kia chứ ?

“Đủ rồi, đừng vứt nữa !” Con trai tức giận.

“Rác nhiều như thế, không đem vứt đi, thì sao có thể chứa được đồ của tôi.” Mẹ vợ thở hổn hển nói.
“Thì đúng rồi đấy ! Anh mau mau đem cái giường cũ nát của mẹ anh khiêng ra ngoài đi, ngày mai tôi sẽ mua cho mẹ tôi một chiếc giường mới !”

Một đống ảnh lúc ấu thơ chợt hiện ra trong mắt anh, đó là những tấm ảnh mẹ đã dẫn anh đi sở thú chụp lưu niệm.

“Tất cả đều là tài sản của mẹ tôi, một thứ cũng không được bỏ !”

“Anh tỏ thái độ gì vậy hả ? Dám lớn tiếng với mẹ tôi ư, tôi bắt anh phải xin lỗi mẹ tôi ngay lập tức !”

“Tôi cưới cô là có nghĩa vụ yêu thương mẹ cô? tại sao? Cô lấy tôi thì không thể yêu thương mẹ tôi được sao ?”

Cơn mưa sau đêm tối mang một chút hơi lạnh lẽo, đường phố vắng lặng đìu hiu, xe cộ và người đi trên đường thưa thớt dần. Một chiếc xe hơi đang chạy vượt đèn đỏ và phóng qua những biển cấm nguy hiểm, không ngừng tăng tốc phóng nhanh trên đường. Chiếc xe hơi ấy chạy thẳng đến viện dưỡng lão được nằm trên lưng chừng đồi núi, anh ngừng xe và phóng nhanh lên lầu, mở cửa phòng ngủ của mẹ. Anh đứng nhìn bất động, mẹ đang lấy tay xoa đôi chân phong thấp của mình âm thầm khóc trong đêm.

Bà nhìn thấy con trai đang cầm trên tay chai dầu gió, cảm thấy an ủi và nói : “Mẹ quên lấy đi, cũng may con mang đến cho mẹ !”

Anh bước vội đến bên mẹ và quỳ xuống.

“Tối rồi, tự mình mẹ có thể xoa được mà, ngày mai con còn phải đi làm, hãy về nhà đi !”

Anh ngập ngừng một hồi lâu, nhưng cuối cùng không nhịn được khóc và nói : “Mẹ ơi, con xin lỗi, xin………. lỗi……..”

Sưu tầm Internet

Bối rối khi chồng vô sinh mà vợ có thai

Mình tự đi khám và biết không có khả năng sinh con. Thế rồi chiều qua, cô ấy đi làm về, lôi mình vào phòng và thông báo tin sốc: vợ có thai, được 6 tuần tuổi.

Mình là người rất yêu vợ. Vợ chồng mình lấy nhau được 4 năm mà chưa  có con, cô ấy buồn rầu và đi khắp nơi chạy chữa, cúng bái. Mình nói với cô ấy rằng chuyện con cái không còn quan trọng, miễn là cả hai sống hạnh phúc và yêu nhau. Có lẽ điều ấy với cô ấy là không đủ. Nhìn gương mặt của cô ấy lúc nào cũng buồn bã và nhìn những đứa trẻ hàng xóm bằng ánh mắt thèm muốn, mình thương vô cùng.

Mình đã đi khám và biết rằng không có khả năng sinh con. Mình day dứt không biết nói với cô ấy thế nào. Mình chỉ sợ nói ra cô ấy sẽ bỏ mình mà đi. Thế mà hôm qua, cô ấy vừa thông báo cho mình tin sốc: có thai được 6 tuần tuổi. Mình không biết nên làm gì trong hoàn cảnh này. (Minh)

Vợ báo tin có con trong khi chồng vô sinh
Vợ báo tin có con trong khi chồng vô sinh

Trả lời

Chào anh,

Cuộc sống luôn đặt con người vào những thử thách. Trong mỗi hoàn cảnh ta lại tìm thấy một lối thoát. Tôi nghĩ rằng với tình yêu thương của anh dành cho vợ và sự bình tĩnh, anh sẽ biết được mình cần làm gì.

Anh là người muốn có hạnh phúc và muốn giữ cô ấy lại. Cô ấy cũng vậy! Tuy nhiên, với mong muốn được làm mẹ, cô ấy đã “vượt rào” để tìm kiếm cho mình một đứa con, tôi nghĩ mong muốn của cô ấy là mong muốn chính đáng nhưng cách mà cô ấy làm đã khiến anh tổn thương.

Có lẽ chúng ta cũng cần có sự thông cảm bởi với nhiều người, đã kết hôn thì việc có con là niềm mong muốn và là nỗi khát khao day dứt. Việc anh giấu cô ấy về việc không sinh được con cũng không phải là điều nên làm, thay vì cùng tự giải quyết thì mỗi người lại tự làm theo cách của mình nên dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Trong hoàn cảnh này, anh cần cân nhắc đến việc nói chuyện lại với cô ấy. Tôi nghĩ rằng nếu anh im lặng thêm một lần nữa thì anh sẽ phải đứng trước sự lựa chọn: đó là cảm giác đau khổ vì bị phản bội, thậm chí anh cũng không thể biết rằng mình có thể im lặng cả cuộc đời mà không có bất cứ hành động nào vượt quá sự kiểm soát hay không. Nếu nói chuyện với nhau, việc chia sẻ ý nghĩ và vấn đề của mình sẽ giúp cả hai nói ra điều mà mỗi người đang suy nghĩ.

Hai vợ chồng quyết định về tương lai như thế nào sẽ phụ thuộc vào tình yêu của cả hai dành cho nhau, sự chấp nhận của anh và cả những suy nghĩ của cô ấy nữa.

Hy vọng rằng với tình yêu thương, sự bình tĩnh của anh, anh sẽ vượt qua được mọi chuyện

Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm

Vợ hồi xuân, chồng… hồi hộp

Ngày trước, mấy lão bạn anh hay dọa: “Vợ mà hồi xuân là ông khổ đấy nhé!”. Nghe vậy, anh chỉ cho là tầm phào, bụng thầm nhủ: “Vợ hồi xuân tức là trẻ lại, vậy thì sướng chứ sao lại khổ?”. Không ngờ, đến khi vợ thực sự bước vào giai đoạn hồi xuân, chồng mới “biết đá, biết vàng”.

Hồi Xuân
Hồi Xuân

Vợ chồng bao nhiêu năm, anh đã quen với cái vẻ ngoài giản dị của em. Ai ngờ, vừa hồi xuân là em thay đổi cái rụp, làm cả ba cha con anh choáng váng. Em chưng diện, chăm chút nhan sắc kỹ hơn. Nếu em làm đẹp, chưng diện một cách vừa phải, phù hợp với lứa tuổi thì anh chẳng có gì để than vãn; thậm chí còn mừng, còn khuyến khích. Đằng này, em chưng diện, em làm đẹp toàn theo kiểu quá lố, khiến anh đau đầu hết sức.

Mỗi ngày em hồi xuân là mỗi ngày cha con anh hồi… hộp, vì không biết hôm nay vợ mình – mẹ mình sẽ diện bộ cánh theo “trường phái” thời trang nào. Hôm nay em mặc bộ đầm ba bốn màu sặc sỡ, hôm khác em lại chơi bộ đồ của mấy em gái tuổi teen, đến nỗi con gái phải thốt lên: “Mẹ còn teen hơn con!”. Teen với sặc sỡ còn đỡ, có khi em còn hứng lên, diện đồ theo “trường phái gợi cảm”. Nói thật với em, nhìn em – đã gần lên chức bà ngoại – mặc cái áo mỏng tang theo kiểu xuyên thấu, hay cái áo hai dây thiếu trước hụt sau, anh chẳng thấy gợi cảm gì hết mà chỉ muốn nổi da gà…

Từ ngày em hồi xuân, cái tủ mỹ phẩm của em to hơn hẳn. Em tậu cơ man nào là son, là phấn, là sữa, là kem… đủ loại. Lúc trước, đi đến chỗ nào mang tính chất trang trọng em mới trang điểm. Còn bây giờ, em trang điểm mọi lúc mọi nơi. Ra đầu ngõ mua bó rau em cũng phải dặm phấn, tô son. Thậm chí, nhiều khi ở nhà em cũng trang điểm, chẳng hiểu để làm gì?

Nhưng anh khổ nhất là cái vụ đi sửa sắc đẹp của em. Em xăm lông mày, xăm môi, rồi sửa mũi, hút mỡ bụng. Thậm chí, cái vòng 1 em cũng đi nâng cấp. Kết quả là đẹp đâu anh chưa thấy, chỉ thấy vợ mình ngày càng lạ hoắc. Đấy là chưa kể đến chuyện tốn kém tiền bạc. Từ ngày em siêng đi thẩm mỹ viện, ngân quỹ gia đình hao hụt thấy rõ…

Anh bực lắm, cũng góp ý em nhiều lần, hồi xuân thì hồi xuân, làm đẹp thì làm đẹp, nhưng phải đúng mực, hợp với lứa tuổi. Khổ nỗi, hễ anh nói là em giận, vì giờ em đã đổi tính, nhí nhảnh hơn, “teen” hơn ngày xưa, nên rất dễ giận, dễ hờn. Nói đụng đến, là dỗi ngay: “Tôi hiểu mà, già rồi, làm gì cũng đâu bằng được mấy em gái trẻ. Anh chán tôi cũng phải”. Mà giờ em dỗi cũng y hệt như lúc mới cưới, cũng mặt mũi lạnh tanh, cũng không thèm nói chuyện, cũng bỏ cơm bỏ nước. Anh phải dỗ chán dỗ chê, em mới hết giận. Nhiều khi dỗ em, anh thấy mình cũng đang… hồi xuân, trở về cái thời trai trẻ, tìm cách làm lành với cô bạn gái hay hờn dỗi.

Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Giờ anh hết dám “phản kháng”, chỉ biết cố gắng chịu đựng, hy vọng qua một thời gian, vợ anh sẽ về lại “vị trí cũ”. Chứ em cứ hồi xuân như vầy hoài, chắc anh “lão hóa” sớm…

Trần Ninh / PNO

Tôi linh cảm, đây sẽ là lần sau cùng…

“Đây là anh Tuấn, người yêu em. Anh ấy đang làm kỹ sư của Hãng Microsoft ở Mỹ”. Mỗi lần nghe Hương giới thiệu với bạn bè như thế, tôi thấy thật ngượng ngùng. Nhưng tôi không thể ngăn Hương đừng nói bởi tất cả những điều đó đều xuất phát từ tôi. Trong một thời gian dài, tôi đã không dám nói thật mình chỉ là một anh bồi bàn ở một quán ăn nhỏ của một người bà con bên Mỹ.

Tôi theo gia đình ra nước ngoài định cư ngay khi vừa tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Tuy nhiên, qua bên đó, những gì đã học không giúp tôi tìm được một công việc đàng hoàng. Tôi phải học thêm hai năm nữa để bổ sung kiến thức, sau đó nhờ người quen giới thiệu tôi được nhận vào làm ở một cửa hiệu bán đồ điện tử. Năm 2008, kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng, tôi thất nghiệp. Từ đó đến nay, công việc chính của tôi là phụ việc ở quán ăn. Bưng bê cho khách, rửa bát, lau nhà, chùi bồn cầu… tôi đều đã trãi qua.

Thế nhưng tất cả những điều đó tôi không thể nói với Hương bởi trong mắt cô ấy, tôi luôn là thần tượng. Nhà hai đứa cạnh nhau, Hương học kém tôi 3 lớp nên có bài vở không hiểu, cô lại chạy qua nhờ giải dùm. Cứ thế cho đến khi tôi tốt nghiệp đại học thì Hương vào năm thứ nhất. Năm đó, khi chia tay nhau, tôi hẹn 5 năm sau sẽ quay về.

Và tôi đã trở về nhưng không phải để tổ chức đám cưới và rước em sang bên ấy mà chỉ là để giữ lời hứa với người con gái mình đã ngỏ lời yêu…
Việt Kiều Mỹ - Ảnh minh họa
Việt Kiều Mỹ – Ảnh minh họa

Lần thứ hai tôi về nước cách lần đầu 2 năm. Ý định của tôi là sẽ nói thật với Hương tình cảnh của mình bây giờ để em quyết định. Thế nhưng, có cái gì đó cứ chẹn ngang cổ họng mỗi khi tôi muốn mở lời. Và trong cái mác “kỹ sư của Hãng Microsoft”, tôi đã vét túi rồi cà thẻ để đưa em đi chơi, mua sắm và… hứa hẹn. Nhìn Hương phấn chấn bao nhiêu, lòng tôi lại héo hắt bấy nhiêu.

Và lần này cũng vậy. Tôi lại về vì đã lỡ hứa với Hương dù khoản nợ vay cho lần về trước đến nay vẫn chưa trả hết. “Hôm qua mẹ hỏi chừng nào tụi mình cưới…”- một bữa Hương đột ngột nhắc tôi. Tôi giật mình nhưng rồi kịp trấn tĩnh: “Rồi em trả lời sao?”. “Em nói phải tùy thuộc vào anh. Thật ra em cũng muốn tụi mình cưới sớm để em được qua bên đó với anh. Mỗi đứa ở một chỗ như vầy, em thấy bất tiện quá. Với lại em cũng không còn trẻ nữa… Mấy năm nay em đã tập trung học tiếng Anh nên không sợ qua bên ấy không tìm được việc. Mà có thất nghiệp thì cũng đâu có sao phải không anh? Anh dư sức lo cho cho em mà…”.

Hương nói một hơi. Nhìn ánh mắt long lanh của em, tôi thấy lòng se thắt. Thật tình tôi không còn nuôi dưỡng ý định tổ chức cưới rồi làm thủ tục bảo lãnh Hương qua bên đó. Tôi sợ em sẽ vỡ mộng. Nếu chẳng may qua bên đó em phát hiện tôi đã nói dối, phát hiện tôi chỉ là một anh bồi bàn thì liệu em có còn yêu tôi, có còn thần tượng tôi nữa hay không? Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều gia đình tan vỡ khi qua bên ấy chỉ vì người vợ vỡ mộng. Họ bỏ cả chồng con để chạy theo người đàn ông khác có nhiều tiền  hơn. Đáng nói, đó không phải là cá biệt…

“Hương nè, chúng mình không thể tổ chức cưới trong năm nay được vì mẹ anh nói năm nay tuổi anh rất xấu…”. Tôi không hiểu sao mình lại lẹo lưỡi và tiếp tục nói dối. Nghe tôi nói vậy, Hương vùng vằng: “Anh định để em chết già hay sao? Nếu anh không cưới, người khác cưới ráng chịu. Anh có thấy anh Quang, bạn của anh hai cứ tới nhà hoài không? Ảnh làm giám đốc, có hai cái nhà bự ơi là bự ở quận 1…”.

Lần đầu tiên tôi nghe Hương nói về điều này. Bất giác tôi nghĩ: “Không biết những lúc mình ở bên kia thì ở nhà Hương thế nào nhỉ? Cô ấy có đi chơi, có bồ bịch với ai không? Mà cái tên Quang kia đúng là đáng ngờ thật. Mình thấy hắn tới nhà Hương mà cứ y như ở nhà mình…”…

Không nghe tôi nói gì, Hương kéo tay tôi: “Sao anh không trả lời em? Hay là mình cứ đăng ký kết hôn rồi anh bảo lãnh em qua bên kia cũng được, khỏi cần đám cưới”. Lại còn như thế nữa. Không lẽ Hương muốn qua bên ấy dữ vậy sao? “Em không hình dung được cuộc sống bên đó đâu. Nếu mình không giỏi thì cũng chỉ làm lao động chân tay thôi em à. Cực lắm mà lương không có bao nhiêu…”.

Vừa nghe vậy, Hương đã nhăn mặt: “Anh nói sao? Lương 3-4 ngàn đô mà anh bảo là không bao nhiêu à? Em là đầu tắt mặt tối, tháng nào giỏi lắm thì cũng chỉ được 5-7 triệu, tức là chưa tới 500 đô đó..”. Tôi phì cười: “Nhưng em quên là giá cả bên đó đắt gấp bao nhiêu lần bên này. Một tô phở tới 10 đô lận, biết không? Muốn ăn mấy cái bánh bột lọc, phải trả 30 đô… Rồi còn tiền nhà, tiền bảo hiểm, tiền trả góp mua xe và trăm thứ khác…”.

Nghe tôi nói vậy. Hương yên lặng. Rất lâu sau cô ấy thở ra nhè nhẹ: “Vậy mà em cứ tưởng…”. Tôi hỏi “tưởng gì?” thì Hương không trả lời.

Từ hôm đó cho tới hôm nay, đã 3 ngày rồi Hương không gọi điện, không nhắn tin; không đòi tôi dẫn đi ăn, đi chơi… Tôi không hiểu em đang nghĩ gì?

Chỉ còn một tuần lễ nữa là tôi quay về bên ấy. Lại quần quật từ sáng đến tối ở tiệm ăn với những công việc chưa bao giờ được học ở nhà trường. Tôi không biết phải nói với Hương thế nào trong lần chia tay này nhưng tôi linh cảm, đây sẽ là lần sau cùng chúng tôi gặp nhau…

Nguyễn Mạnh Tuấn / NLD.com.vn

Gia đình vợ luôn dùng tiền để khống chế tôi

Gia đình vợ tôi buôn bán nên luôn đưa tiền ra để làm tiêu chí đánh giá, dùng tiền để khống chế, gây áp lực với tôi. Thậm chí còn dọa đuổi vì lý do tôi đi làm nhà nước, về nhà không làm thêm để kiếm tiền.

Xin tâm sự với các bạn một điều: Gần chục năm nay tôi phải chịu đựng, không tìm được giải pháp để giải thoát cho bản thân. Tôi xây dựng gia đình 18 năm, vì chưa có điều kiện mua nhà nên tôi phải ở rể. Thời gian đầu tôi kiếm được tiền thì không có vấn đề gì xảy ra. Mấy năm gần đây thu nhập giảm đi, vợ tôi kinh doanh thu nhập cao hơn nên bắt đầu xảy ra mâu thuẫn giữa tôi với vợ.

Cô ấy luôn ỷ vào việc kiếm được nhiều tiền hơn để lên mặt, thích làm gì thì làm chứ không cần bàn bạc. Xe máy cô ấy mua thì khóa lại không cho người khác đi. Tôi nói với bố mẹ vợ thì các cụ không những không khuyên bảo, còn bao biện cho con gái.

Gia đình vợ tôi buôn bán nên luôn đưa tiền ra để làm tiêu chí đánh giá, dùng tiền để khống chế, gây áp lực với tôi. Thậm chí còn dọa đuổi vì lý do tôi đi làm nhà nước, về nhà không làm thêm để kiếm tiền. Vừa rồi tôi được phân một căn nhà, bán giá chênh lệch được 500 triệu, tôi muốn mua căn nhà nhỏ ra ở riêng nhưng vợ không muốn đi vì nhà không có con trai, vợ tôi lại ở với bố mẹ. Nhà tôi có 2 con gái, một 18, một 12 tuổi.

Giờ tôi rất khó giải quyết. Nếu ở lại tôi không thể chịu đựng thêm nữa, thậm chí ngày giỗ bố tôi cũng không được làm giỗ. Nếu mua nhà ra ở riêng thì vợ không đi, sẽ phải ly hôn. Tôi năm nay đã 50 tuổi, hơn nữa không muốn rời xa 2 đứa con, nhất là cháu lớn sắp thi đại học. Lương tôi hiện nay mỗi tháng được 9 triệu, tôi có thể nuôi được một cháu. Rất mong các bạn tư vấn cho tôi. Chân thành cảm ơn.

Bảo / Theo VnExpress

Phút mê cuồng

Bất ngờ em gặp tôi, ríu rít như chưa hề xa cách. Em, niềm khao khát của tôi từ thời trai trẻ…
Tình yêu học sinh
Tình yêu học sinh

… Ngày ấy, dưới mái trường làng, ở độ tuổi trăng rằm, Thùy nức tiếng vì xinh đẹp, em khiến trái tim bao gã trai mới lớn, không ngày nào ngủ yên. Nhà em ở sát nhà tôi, cách hàng rào có rặng dâm bụt đỏ hoa quanh năm. Mỗi buổi chiều, hai đứa vẫn ngấp nghé hỏi bài nhau, nhấm nháp cánh hoa dâm bụt, để cho vị ngọt thanh tan ra nơi đầu lưỡi. Thế rồi, năm lớp 11, tôi theo gia đình chuyển lên TP. Tôi xa em mà tiếng yêu chưa gọi thành tên, chỉ lưu giữ trong miền kí ức, mái tóc em thơm nồng mùi hương bưởi, thoảng trong gió mỗi chiều đạp xe tới trường…

 

Em bây giờ vẫn xinh đẹp, nhưng dáng hình gầy guộc, mong manh như nén tiếng thở dài. Em rưng rưng kể cho tôi nghe về kiếp “hồng nhan bạc mệnh” của mình. Sau khi gia đình tôi chuyển đi hai năm, mẹ em mất vì căn bệnh ung thư ruột. Bố em phải lòng người đàn bà góa làng bên, tình nguyện ôm quần áo theo người tình, rồi họ phiêu bạt nơi nào em cũng không rõ. Căn nhà nhỏ còn lại mình em và cậu em trai mới bước vào cấp 2. Để kiếm tiền, em ra chợ bán hoa quả, lãi đâu chẳng thấy, còn bị lừa mất cả xe, cả vốn. Cùng đường, em gửi cậu em trai cho người dì ruột, rồi lên TP kiếm việc…

… Nhìn em len lén chấm những giọt nước mắt, tôi thương em vô hạn. Bất giác, tôi muốn đánh đổi cả thế giới này để em được hạnh phúc. Tôi muốn ghì chặt em trong lòng, hôn lên mái tóc dịu mềm để che chở cho em và thỏa nỗi khát khao chiếm hữu. Nỗi khát khao được hun đúc từ hồi còn theo lũ bạn cởi trần tắm mưa, giờ lại vừa chợt trỗi dậy, căng tràn trong mạch máu…

Tối ấy, chúng tôi sánh bước bên nhau giữa chộn rộn phố phường. Em tin cậy ngả đầu vào vai tôi, khiến trái tim gã đàn ông chưa vợ như tôi lại trở lên loạn nhịp. Bên nhau, ôn bao kỷ niệm vui buồn, rồi chúng tôi kết thúc cuộc hành trình… trong nhà nghỉ, như một lẽ tự nhiên. Tỉnh giấc, em đã đi tự khi nào, chỉ để lại cho tôi mẩu giấy ngắn ngủi: “Em mượn tạm của anh 500 nghìn. Cảm ơn anh nhiều!”. Tôi mở ví, cười nhạt: “Em = 500 nghìn?”

Bẵng đi một tuần, tôi gặp Hải, bạn học cùng lớp với Thùy, giờ là phóng viên báo Xã hội. Vừa gặp, cậu bạn thân từ hồi nối khố đã thì thầm vào tai tôi: “Mày biết không? Hôm qua đi làm phóng sự, tao gặp em Thùy, cái con bé hoa khôi ngày xưa mày chết mê chết mệt ấy…”. “Ờ thì sao?”. “Em giờ là cave, mới bị CA ‘‘quét’’ về đồn. Em là một trong số những cave đang bị nghi nhiễm AIDS…”.

Nghe Hải kể, mắt tôi hoa lên, tai ù đi, còn tim thì đập loạn xạ, đầu óc quay cuồng: “Sao em lại sa chân làm gái? Sao em không thú thật với tôi? Sao lại lên giường với tôi dễ dàng như thế mà không nhắc tôi “phòng bị”…???”. Nếu Thùy bị AIDS, chắc chắn cô ấy đã truyền HIV sang tôi, trong lần quan hệ không dùng bao cao su ấy?

Tôi phải làm sao bây giờ? Tôi đã có vợ sắp cưới. Vợ sắp cưới của tôi là người tốt. Tôi không muốn gây tai họa cho cô ấy? Tôi có nên trì hoãn kết hôn để chờ kết quả xét nghiệm sau 3 tháng nữa? Tôi phải lấy lý do gì để vợ sắp cưới và gia đình cô ấy thông cảm cho tôi? Chúng tôi đã ăn hỏi xong, ảnh cưới cũng chụp xong, cỗ bàn cũng đã đặt sẵn…

Hạnh Nguyễn

Được yêu mà tôi không biết hưởng

Cô ấy đã ly hôn để đến với tôi nhưng tôi lại ích kỷ, không nhận ra những điều cô ấy muốn làm chỉ dành cho tôi.

Tôi và cô ấy gặp nhau trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Hai chúng tôi đều đã có gia đình. Chúng tôi đến với nhau qua những lần nói chuyện rất cởi mở, kể cho nhau nghe về cuộc sống, công việc của mỗi người. Từ khi đó, chúng tôi có những đồng cảm, muốn gặp nhau để ngồi với nhau, chia sẻ với nhau những vui buồn, tâm sự về cuộc sống gia đình.

Tôi rất thương cô ấy, muốn được ở bên cạnh và là bờ vai cho cô ấy được dựa những ngày mưa nắng. Rồi tình yêu giữa chúng tôi nảy nở từ khi nào tôi cũng không biết nữa. Chúng tôi đã đến với nhau bằng tình yêu mà hai người yêu nhau bình thường vẫn có – một tình yêu trong sáng, không vụ lợi. Cô ấy cũng đã dành cho tôi tất cả những gì yêu thương nhất. Cô ấy đã rất hạnh phúc khi bên tôi và tôi cũng thấy như mình đã tìm thấy một nửa trái tim của mình. Tình yêu của chúng tôi cùng sưởi ấm trái tim đã đóng băng từ lâu.

Ân hận
Ân hận – Ảnh minh họa

Rồi cô ấy đã ly hôn để đến với tôi. Chúng tôi sống cùng nhau 5 năm đầy ắp kỷ niệm và tiếng cười. Chúng tôi từng nghĩ rồi một ngày tôi sẽ làm người lái xe đưa cô ấy lên xe hoa. Tôi muốn cho cô ấy tất cả, bù đắp cho cô ấy những gì mà người xưa đã lấy đi của cô ấy cả tuổi xuân mơn mởn. Trong lòng tôi luôn mơ có một gia đình nhỏ với cuộc sống thật ấm cúng, mỗi ngày đi làm về có cô ấy vui cười bên cạnh tiếng trẻ thơ.

Cô ấy là một người phụ nữ cá tính. Tôi yêu cô ấy cũng vì những tính cách mạnh mẽ này. Ngày tôi cầu hôn cô ấy và cô ấy cũng nhận tình yêu của tôi đúng vào hôm sinh nhật tôi – ngày 8/3. Đó là một ngày mà tôi và cô ấy không bao giờ quên. Cuộc sống vợ chồng của chúng tôi thật hạnh phúc. Tôi luôn ao ước sẽ đẹp như những gì đã và đang diễn ra, dù không giàu có nhưng chúng tôi vẫn thật hạnh phúc. Cô ấy lúc nào cũng muốn vun đắp cho tình yêu, hâm nóng tình yêu trong tôi.

Điều đáng tiếc nhất mà tôi đã ích kỷ không nhận ra tất cả những điều cô ấy muốn làm là dành cho tôi. Cô ấy luôn nâng niu, trân trọng thì tôi lại càng nghĩ là cô ấy muốn rời xa tôi. Tôi chưa hiểu hết bản chất của tình yêu, của một trái tim hết lòng vì mình. Cứ nghĩ như vậy và tôi đã đánh mất mình từ bao giờ không biết nữa. Giờ đây tôi muốn trở lại là chính mình khi trước nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu nữa.

Phạm Việt

Anh mong vợ đừng đòi hỏi nhiều quá

Anh thấy mình khổ, mệt mỏi và ngột ngạt quá vì tính ghen tuông, ích kỷ, sự đòi hỏi quá đáng và cách cư xử, ăn nói vô lối của em. Anh quá thất vọng, bởi em là người có học thức, con nhà gia giáo nhưng cư xử không công bằng, thiếu chuẩn mực.

Em à! Không biết anh còn đủ sức để gọi em hai tiếng “Vợ yêu” nữa hay không? Anh cảm thấy mệt mỏi và chán lắm rồi, những gì cố gắng làm cho em, anh đã làm hết. Có lẽ em không hiểu và cả cuộc đời này em sẽ không bao giờ hiểu cho anh. Em cứ bình tâm mà suy nghĩ thật kỹ rồi hãy phán xét anh. Anh không bao giờ là người đàn ông xấu và đặc biệt sẽ không bao giờ là người chồng, người cha thiếu trách nhiệm với vợ con.

Cuộc sống có bao nhiêu điều phải làm, phải lo nghĩ. Vậy mà em suốt ngày làm khổ anh và khổ cả em nữa. Em không biết trân trọng anh, trân trọng những gì chúng ta đã có với nhau trong suốt thời gian qua. Anh biết rằng so sánh sẽ là vô cùng nhưng em thử nhìn nhận một cách khách quan xem có kém bạn bè nào cùng trang lứa không?

12 năm lấy nhau, có hai cậu con trai khỏe mạnh, xinh xắn thông minh học giỏi, anh chưa một lần để em phải mất lòng tin về chuyện tình cảm. Hai vợ chồng tay trắng, anh và em đã cố gắng làm việc không ngừng nghỉ để đến bây giờ vợ chồng mình có một công ty làm ăn uy tín và không ngừng phát triển. Công ty ổn định anh lại tiếp tục con đường chính trị mà anh từng đeo đuổi. Chúng ta có nhà mặt phố, có nhiều đất và nhà chưng cư bậc nhất Hà Nội. Xe ô tô thì trước đây anh một cái, em một cái, bây giờ khó khăn và không có nhu cầu đi lại nhiều anh bán bớt đi một xe.

Kinh tế đang vào giai đoạn khó khăn nhất, vậy mà ngày nào em cũng bảo anh phải mua xe ô tô trả lại cho em. Rồi anh đã làm được việc đó trong khi đó mình vẫn còn nợ ngân hàng. Ai nhìn vào cũng nghĩ vợ chồng mình sung sướng và hạnh phúc. Vậy mà anh thấy mình khổ, mệt mỏi và ngột ngạt quá vì tính ghen tuông, ích kỷ, sự đòi hỏi quá đáng và cách cư xử ăn nói vô lối của em. Anh quá thất vọng bởi em là người có học thức, con nhà gia giáo nhưng cư xử không công bằng, thiếu chuẩn mực và chưa xứng với những gì em có.

Em có biết anh buồn và cảm thấy bị tổn thương như thế nào không khi Valentine năm trước anh đưa cả nhà đi ăn nhà hàng, rồi mua hoa, socola tặng em; nhưng em bảo không cần vì hoa xấu, nào là anh không dành thời gian đầu tư vào quà, em không cần hình thức. Mặc dù lời nói của em rất mâu thuẫn nhưng anh không cố chấp.

Rồi ngày 8/3 nữa, anh đã phải dậy sớm đưa con đi học, quay về tất bật chọn hoa thật đẹp tặng em rồi mới đến cơ quan Đại hội Đoàn thanh niên cho kịp thời gian. Vậy mà em cũng không hài lòng, em bảo là chỉ được cái hình thức còn thời gian và tâm hồn anh dành hết cho cơ quan và người ngoài. Nhưng em đâu có biết đó là công việc, là quan hệ ngoại giao tối thiểu của bất kỳ người đàn ông nào khi đang làm việc trong tổ chức, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp…

Anh nghĩ rằng có lẽ từ bây giờ những ngày lễ anh sẽ xin nghỉ làm ở nhà, không ra ngoài đường, không mua quà tặng em nữa và anh cũng sẽ không nên nhớ đó là ngày gì. Như vậy, em sẽ hài lòng vì có một thể xác là anh luôn bên em cả ngày. Em muốn như vậy đúng không? Anh không biết khi ngày lễ đó qua đi sẽ còn gì đọng lại trong em và anh, cảm giác của em có anh cả ngày đó sẽ thế nào? Có lẽ câu trả lời sẽ có vào ngày 8/3 năm sau.

Hùng