Category Archives: Góc đàn ông

Là trai tân, tôi cưới 1 “single mom” nạ dòng

Tôi vốn là một thằng đàn ông hơi cổ hủ. Từ khi còn choai choai, tiêu chuẩn của tôi về người bạn đời của mình là phải còn zin 100%, tôi phải là tình đầu cũng như tình cuối của người ấy. Vậy mà kết cục tôi lại lấy một người mẹ đơn thân, có 2 đứa con trai sinh đôi làm vợ.

Yêu gái 2 con
Yêu gái 2 con – Ảnh minh họa

Ở cơ quan tôi, ai cũng biết câu chuyện của Dung. Nghe đâu cô ấy bị người tình bỏ rơi, mang thai rồi nuôi 2 đứa con sinh đôi một mình. Mọi người xì xào nhiều lắm về cô ấy. Mọi người bảo “Chắc nó phải có cái gì đó thì người ta mới ghét rồi bỏ lúc đang bụng mang dạ chửa như thế!”, “Con đấy giỏi quá nên đàn ông sợ” rồi thì “Đàn bà mạnh mẽ quá không thu hút được đàn ông”.

 

Tôi thì chả thấy vậy. Tôi thấy Dung là gái 2 con mà thu hút chết đi được ấy. Không phải thu hút theo kiểu nam nữ, mà ở cô ấy có cái gì đó làm tôi trầm trồ và nể phục. Và tôi cũng tò mò tại sao một phụ nữ nhỏ bé, nhìn lại rất nữ tính như Dung lại làm được trăm công nghìn việc.

 

Khi tiếp xúc với Dung nhiều, tôi mới biết được thế nào là một “người đàn bà thép”. Cùng tuổi với nhau, cùng một vị trí như nhau mà tôi kém xa cô ấy về sự nhanh nhạy, tháo vát trong công việc. Doanh số của cô ấy cao hơn gấp rưỡi của tôi.

 

Công việc ở công ty đã đủ mệt, cô ấy còn chạy vạy bán hàng online trên mạng để kiếm sống. Giờ trưa mọi người nghỉ ngơi ngồi tám chuyện, Dung tất bật đi giao hàng cho khách. Lúc nào tôi cũng thấy cô ấy chạy tới chạy lui, quay cuồng việc này việc nọ, chẳng thấy có thời gian nghỉ ngơi.

 

Tôi bắt đầu để ý hơn đến Dung khi 2 đứa được phân đi tỉnh ký hợp đồng với đối tác. Tối hôm đó, tôi rủ cô đồng nghiệp cùng đi thăm thú chợ đêm và ăn thử đặc sản ở đó. Cô ấy vui vẻ đồng ý, nhưng cả chuyến đi lại chả thèm để ý đến tôi. Cô ấy còn bận gọi điện về nhà nói chuyện với con, hỏi han con, rồi hỏi các con thích mua gì để cô ấy mang về làm quà.

 

Giọng cô ấy dịu dàng và ngọt như đường làm tôi mê luôn. Nghe cô ấy nói chuyện, nhìn cô ấy cười khúc khích khi trò chuyện với các con mà tôi cũng chìm đắm vào câu chuyện của cô ấy.

 

Càng nhìn tôi càng thấy cô ấy đúng là mẫu phụ nữ mà tôi thích bấy lâu. Không điệu đà, giản dị, tháo vát, đảm đang, nói chuyện tình cảm, nhỏ nhẹ. Tôi chẹp miệng tiếc rẻ, giá như gặp sớm hơn vài năm có phải tốt hơn không.

 

Sau ngày hôm đó, tôi thân với Dung hơn và thi thoảng hỏi han nhau về công việc. Nhiều khi phải tăng ca, cô ấy mang luôn bọn trẻ đến chỗ làm. Tôi cùng bọn trẻ chơi đùa, rồi dẫn 3 mẹ con đi ăn khuya. Dần dần, tôi bị 3 mẹ con thu hút, yêu Dung lúc nào chẳng hay.

 

Khi biết chuyện, ai cũng bảo tôi điên. Thậm chí tôi cũng thấy mình điên, đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm. Nhưng tình yêu mãnh liệt quá không kiềm được. Tôi cũng từng thử lý trí, thử yêu vài người khác để quên đi. Nhưng càng làm vậy, tôi càng cảm thấy nặng nề, mệt mỏi hơn.

Sau hơn một năm vật vã trốn tránh, cuối cùng, tôi quẳng hết tất cả gánh lo, quyết định sống thật với tình cảm của mình.

 

Là trai tân, tôi đã yêu và cưới 1 "single mom" nạ dòng
Là trai tân, tôi đã yêu và cưới 1 “single mom” nạ dòng

Lời tỏ tình của tôi bị Dung từ chối đau đớn. Cô ấy còn hỏi thẳng tôi “Anh dở người à?”. Rồi cô ấy phân tích đủ kiểu để tôi nhận ra và từ bỏ cô ấy, nhấn mạnh vào “rào cản từ phía gia đình tôi” và “liệu có đủ bao dung để thương yêu 2 con trai cô ấy”.

 

Sau hơn 1 năm vật vã trốn tránh, cuối cùng, tôi quẳng hết tất cả gánh lo, quyết định sống thật với tình cảm của mình.

Tôi làm tất cả để chứng minh cho Dung hiểu sự chân thành của tôi. Tôi về nói luôn với mẹ về chuyện tôi đang yêu một single mom và bảo “Không phải cô ấy con chả cưới ai!”.

 

Mẹ tôi giận điên lên, còn xông đến tìm Dung định đe dọa. Sau khi hiểu ra tình cảm mới chỉ xuất phát từ 1 phía của tôi, mẹ càng bực tức. Một ngày bà phải hỏi tôi đến mấy chục lần câu “Mày điên hay sao mà đâm đầu vào gái nạ dòng. Đã thế nó còn xua như xua tà chứ có ham hố gì mày đâu. Rõ ngu!”.

 

Mẹ cũng tìm đủ cách để “cứu vớt” tôi nhưng chẳng được. Bà sốt sắng vì tôi đã già đầu mà còn thích chơi trò tình yêu vớ vẩn. Sau 3 năm dai dẳng, khi tôi vừa bước sang tuổi 30 âm thì mẹ tôi chính thức chịu thua.

 

Bà gọi tôi đến bảo “Thôi, mày thích lấy ai thì lấy. Duyên trời đã se duyên thì chẳng tránh được. Tao già lắm rồi, nhanh nhanh lấy vợ rồi sinh cháu cho tao. Thà mày lấy nạ dòng còn hơn mày không chịu cưới vợ!”.

 

Thế là nhờ lì đòn mà tôi đã thuyết phục được bà mẹ cổ hủ. Từ lúc có sự đồng ý của mẹ, Dung mới xuôi xuôi rồi chịu cưới tôi. Hơn 3 năm yêu và theo đuổi, tôi mới có được người phụ nữ của mình.

 

Mọi người biết chuyện đều bảo tôi hâm, không hiểu tôi thích Dung ở điểm gì. Bản thân tôi cũng không rõ, chỉ biết là lúc nào cũng yêu và sợ mất cô ấy.

 

Tôi sợ lắm, chẳng dám làm gì mếch lòng vợ. Vợ tôi tài giỏi, tự lập, chẳng cần có đàn ông cô ấy cũng sống tốt. Lỡ đâu có chuyện gì, cô ấy đá tôi không thương tiếc. Dung đã một lần chịu vết thương tình cảm nên nhạy cảm lắm, tôi không muốn để cô ấy buồn và thất vọng lần nữa.

 

Dung là người vợ đảm, tháo vát, lại biết điều. Nhà tôi chẳng chê được cô ấy điều gì ngoài cái tội “nạ dòng”. Nhưng thôi, kệ các cụ, các cụ lúc nào mà chẳng cổ hủ. Dung cũng chẳng bao giờ giận mẹ tôi vì thế, cô ấy còn bảo tôi “Em sẽ cố gắng hơn nữa để chuộc tội nạ dòng của em” .

 

Giờ gia đình tôi sắp có thêm một thành viên mới, cũng là 1 bé trai. Tương lai chắc chắn tôi sẽ rất mệt mỏi vì nhà có tận 3 quỷ sứ.

 

Tôi rất hạnh phúc và không bao giờ hối hận vì quyết định của mình. Đến tận giờ vẫn có nhiều người chọc ngoáy, buôn chuyện về gia đình của tôi. Nhưng ai nói gì kệ họ, chỉ cần chúng tôi sống vui vẻ bên nhau là được

Theo TTVN

 

Tâm sự khi có cảm xúc với single mom!

Chị 34 tuổi, là một người phụ nữ đã từng lỡ một lần đò. Lỗi là ở người đàn ông mà chị lấy làm chồng. Giờ chị đang nuôi con một mình.

Single mom  - Làm mẹ đơn thân
Single mom – Làm mẹ đơn thân

Tôi, một thằng con trai 27 tuổi, cũng đã từng yêu đôi ba lần nhưng kết quả đến giờ vẫn là một mình.

Tình cờ gặp chị, cảm giác rất lạ, hình như chưa xuất hiện bao giờ. Rồi thân nhau. Cho đến giờ khi biết nhiều hơn về chị tôi càng cảm thấy mình phải có một trách nhiệm gì đó với chị. Cũng không biết tại vì sao mà lại xuất hiện cảm giác đó nữa.

Chị nói với tôi là chán ghét và ghê sợ đàn ông. Trạng thái tâm lý đó cũng là do người chồng trước kia mang lại cho chị.

Tìm hiểu thêm tôi nhận thấy hầu như những mẹ đơn thân đều có thái độ phòng ngừa và xù lông nhím lên đối với những người tán tỉnh hoặc có ý định gì đó vượt quá giới hạn.

Càng tìm hiểu nhiều về single mom tôi lại càng không dám thể hiện nhiều ra bên ngoài bởi tôi biết phụ nữ khá nhạy cảm, đặc biệt là chị.

Tôi luôn cố kìm mình lại không thể hiện nhiều trạng thái, cảm xúc ra ngoài. Chỉ làm một người đàn ông đi song song với chị, giúp đỡ mọi thứ khi chị cần.

Không biết làm vậy có đúng không, nếu một ngày nào đó chị phát hiện ra được thì tôi cũng không biết phải xử lý thế nào.

Phân vân, lo lắng… cảm xúc lẫn lộn

 

Theo 100o.oman

Lấy vợ ở trên trời

Lâu nay chỉ nghe chị em than trách đàn ông chúng tôi, nhưng không hẳn thế. Mời chị em xem chuyện tôi kể rồi cho tôi xin một lời khuyên!

Tôi năm nay 42 tuổi sinh ra ở miền Trung nơi quanh năm nắng gió, mưa bão, tuổi thơ tôi với lấm lem bùn đất với ngô khoai sắn, bữa đói bửa no. Năm lên 7 tuổi thì mẹ tôi mất để lại cho cha tôi 8 đứa con thơ, đứa nhỏ nhất 2 tuổi. 8 chị em đùm bọc nuôi nhau ăn học. 10 năm sau cha tôi mới được về hưu, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tất cả anh chị em trong nhà đều học hành đàng hoàng. Đến tôi thì quá khó khăn, tôi chỉ mong học nhanh ra trường kiếm cơm ăn nhưng sự đời không như mình nghĩ, học xong đi tìm việc khắp nơi, không được, tôi đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền xin việc, ở nhờ anh chị có khi ăn cơm chan nước mắt. Việc xin chẳng được, nợ tiền xin việc không có trả, tôi đành vào Nam kiếm việc làm hai bàn tay trắng. 4 ngày 4 đêm xe đò từ Tây Bắc vào Sài Gòn, không người thân anh em, tôi làm đủ các nghề từ bốc vác rửa xe, đóng hàng ở chợ, chạy xe ôm làm tiếp thị, vừa làm vừa học, làm ở đâu xin ở nhờ ở đó, vỉa hè hay chỗ rửa xe với tôi như thế đã hạnh phúc lắm rồi.
Trong quá trình đi học tôi quen anh bạn thành phố rất tốt vì cũng hoàn cảnh như tôi. Trong nhóm bạn của anh có vợ tôi. Do mặc cảm với hoàn cảnh nên tôi không dám nghĩ tới tình yêu, cũng không có nhiều khái niệm hay kinh nghiệm về tình yêu, chỉ lo làm kiếm tiền trả nợ, trang trải cuộc sống. Vì hai hoàn cảnh trái ngược nhau, tôi dân tỉnh, em dân thành phố, tôi nhà nghèo em nhà giàu, tôi lo làm ngoài đường, em ở nhà cũng có việc làm. Nói thật tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu, lấy em, nhưng trong đám bạn trai xung quanh thì cô ấy lại để ý tới tôi, không biết tôi có gì khác người không. Cái gì tới cũng tới cô ấy chủ động yêu, chủ động dâng hiến. Tôi như mảnh đất khô cằn được vở hoang mù mờ với đầy cảm xúc. Khi tỉnh dậy, đã quá muộn tôi đã 31 tuổi em 32. Lúc này bỏ thì thương, vương thì tội dù trong suốt thời gian đó, không ít lần, em xúc phạm tôi gia đình tôi . Vì nghĩ mình cũng có một phần lỗi tôi bỏ qua, chuẩn bị làm đám cưới, trước ngày cưới 1 tháng cha tôi mất như báo trước một điều không tốt lành. Tôi bảo em về nhà tôi làm đám tang cho cha, em không về bảo nhà xa và chưa chuẩn bị được gì.
Tôi phải về 1 mình, lo việc cho cha xong tôi quay vào Sài Gòn đi làm, nói phải chịu tang cha 3 năm theo phong tục, bị ốm 4 tháng, em không hỏi thăm hay chăm sóc gì. Khi tôi nhờ nấu cháo thì em bảo: “Con này chết rồi nó không quen hầu hạ người khác”. Bó tay, tôi chia tay, cô ấy quen vài người rồi chán vì không có tương lai, quay lại năn nỉ tôi. Một lần nữa, tôi lai bỏ qua , làm đám cưới. Tôi góp vơi gia đình vợ một số tiền để vợ làm ăn, phòng khi thất nghiệp vẫn có tiền cho vợ con sống.
Địa ngục bắt đầu từ đây. Lúc này tôi đã có nhà riêng, một công ty, đã có hộ khẩu thành phố như bao người. Vợ nói có bầu nên ở nhà mình cho tiện, không phải đi lại, tôi thương con thương vợ nên đồng ý. Trong suốt thời gian mang bầu, vợ, anh vợ cãi nhau vợ, mẹ vợ cãi nhau. Cứ mỗi lần như thế anh vợ lại điện thoại, sĩ nhục tôi không thiếu thứ gì tôi yên lặng không nói lời nào cho nhà được yên vì nghĩ vợ đang mang bầu không nên xúc động có hại cho con, mặc dù tôi không lỗi gì.
Vợ sinh 1 mình tôi lo hết, mỗi lần mẹ vợ vô thăm cháu tôi phải cho tiền xe ôm mới đi. Vợ sinh mổ hết thuốc mê đau, vợ la mắng, tôi phải xin lỗi bác sỹ . Phòng có 6 sản phụ lúc vợ nóng thì cho mọi người mở quạt, lúc vợ lạnh vợ bắt tắt quạt , những người đi nuôi không chịu, họ phản ánh trưởng khoa, mọi người đòi cho vợ ra ngoài hành lang, tôi phải xin lỗi mọi người đi nuôi sản phụ. Vợ không có sữa, tôi mua móng heo nấu đu đủ năn nỉ vợ ăn được vài miếng rồi bỏ. Tôi mua móng dê nấu cháo đậu vợ không ăn, không có sữa vợ đổ thừa tôi. Vợ đi tắm nước lạnh, không kiêng một tuần sau vợ bị liệt dây thần kinh số 7 méo mặt, xếch một bên mắt, vợ cũng đổ thừa cho tôi. Tôi yên lặng chịu đựng, hàng đêm thức 4 lần pha sữa cho con, ngồi ru con ngủ, đau hết cả lưng.
Con bú sữa ngoài 1 tuần đi viện 3 lần nhưng sáng tôi vẫn dậy sớm, rửa bình sữa cho con, phơi nắng cho con, chở vợ đi châm cứu gần 2 tháng mới khỏi.
Nghĩ rằng khi sinh nở phụ nữ hay stress, vợ muốn đi xem phim, tôi ở nhà trông con, cho vợ đi xem với bạn. Thấy chân vợ có vết thâm có sẹo tôi mua thuốc bôi làm mờ sẹo cho vợ, vợ không dùng còn la chồng. Khi có bạn bè rủ đi ăn, tôi mang vợ đi nhưng đến nơi không hòa nhập được về nhà vợ cũng chửi tôi. Đi đường thấy cô nào ăn mặc đẹp , vợ bảo tôi liếc gái, về nhà lại chửi chồng.
3 lần tôi viết đơn ly dị, vợ đều xé. Đỉnh điểm lá mùng 7 tết 2010, mẹ vợ dựng chuyện tôi ôm người làm trong nhà. thế là vợ và mẹ vợ cãi nhau. Anh vợ được thể nhảy vào chửi tôi, xúc phạm cha mẹ tôi. Hết chịu nổi tôi nói anh không đủ tư cách nói chuyện với tôi. Khi tôi về nhà, đang bế con lúc này được một tuổi rưỡi, anh tay cầm kềm, tay cầm búa định hành hung 2 cha con tôi, đuổi tôi ra khỏi nhà nếu không cúp điện, nước nhà tôi.
Tôi mời mẹ vợ vô nói vài câu rồi ra đi về nhà mình ở, lúc này vợ thưa anh vợ ra công an, anh bị công anh kêu lên quạt một trận, làm chị dâu phải xin lỗi. Có lẻ, mẹ vợ cũng thấy mình quá đáng nên cũng bảo tô về, tôi không về ,vợ, mẹ vợ bảo mua hay thuê nhà gần đây cho con nó qua lại có cha có con .Tôi vay mượn mua một căn nhà gần đó nhưng vợ lấy cớ không ở chung cư quen nên không về. Hai mẹ con bảo tôi lấy cớ đó ra đi khỏi phải trông con, bắt tôi bán nhà. Tôi kiên quyết không bán, ở 1 mình từ dạo ấy chạy qua lại với con. Tôi cũng ly thân vợ từ đây, tôi vẫn có trách nhiệm đóng tiền ăn học hàng tháng cho con. Tết đến, tôi vẫn đưa cho vợ khi 10 triêu có khi 12 triêu, gửi cho bà ngoại chút tiền.
Mặc dù có tiền đóng góp cho gia đình vợ làm ăn nhưng tôi không quan tâm. Lần nào đưa tiền thì đối xử có vẻ tốt, chỉ được vài hôm lại như cũ. Có lần, vợ còn thuê thợ mở khóa nhà lấy hết hồ sơ giấy tờ quan trọng bắt tôi phải chuộc. Tôi rất thương con cũng bỏ qua, vì tuổi thơ tôi cũng đã mồ côi nên tôi hiểu sự thiệt thòi của đứa con không đầy đủ cha mẹ, rất nhiều lần tôi định bỏ ra đi xong nhớ con không chịu nổi lại quay về.
Con trai gần 5 tuổi rồi bây giờ không còn nhỏ để ốm đau mỗi ngày cũng chưa đủ lớn để biết đau khổ, tôi định ra đi làm lại từ đầu, không biết có nên chăng? Còn ở lại vớ một người vợ không chịu lớn, muốn có chồng không muốn làm vợ, làm dâu 6 năm chưa một lần về quê chồng, muốn có con không muốn làm mẹ, chỉ muốn được không muốn mất, muốn nhận không muốn cho, ích kỷ bảo thủ thà bắt con phải xa cha chứ không chịu leo mấy bước cầu thang. Liệu phần đời còn lại của tôi có được hạnh phúc? khi con trai giờ cũng biết hùa theo mẹ chửi cha.
Liệu sự hi sinh của tôi có được đền đáp? Tôi như người không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm! Các bạn hãy cho tôi xin một lời khuyên!
Đỗ Ngọc Thành

 

Tiếc vì đã không buông tay sớm hơn

Tôi từng có một cuộc hôn nhân mà tôi luôn nghĩ sẽ lâu dài, bởi chúng tôi tự nguyện đến với nhau bằng tình yêu. Thế nhưng…

Sớm ly hôn
Sớm ly hôn – Ảnh minh họa

Để vợ ở nhà lo việc nội trợ, mình tôi kiếm tiền cho gia đình. Tôi không bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể kiếm được tiền, vừa làm việc cơ quan, vừa tham gia biên tập cho một công ty sách, soạn chương trình cho các buỗi lễ, tiệc theo đơn đặt hàng, thậm chí kiêm luôn vai trò MC khi được mời.

Nhưng, vợ tôi không chịu nhận ra những nỗ lực của tôi. Nàng luôn so sánh tôi với những người đàn ông thành đạt và tự oán trách mình bạc phước, không lấy được người chồng giỏi giang. Thời gian nhàn rỗi, thay vì lo vén khéo chuyện nhà cửa, vợ tôi thuê một người giúp việc làm thay mình, còn nàng thì bắt đầu những cuộc hẹn hò với bạn bè thời con gái. Ban đầu là cà phê, sau lại đến vũ trường, quán bar. Hôm nào đi làm về tôi cũng chỉ gặp con gái và người giúp việc. Khi nàng về, kim đồng hồ luôn chỉ hơn số 10.

Thoạt đầu, tôi tỏ ý không hài lòng, vợ tôi còn ái ngại thanh minh này nọ nhưng lâu dần, nàng nói thẳng là sống với tôi nàng thấy quá nhàm chán, nếu không có bạn bè thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì. Tôi đề nghị nàng tìm một việc gì đó để làm, hoặc buôn bán thì nàng lu loa rằng bạn bè của nàng lấy chồng được cưng chiều, ở không hưởng phước, còn nàng thì vô phúc vớ phải ông chồng muốn vợ phải đi làm. Thế là tôi đành nhẫn nhịn cho qua chuyện.

Rồi đến lúc nàng có nhân tình. Hắn là bạn nhảy cùa nàng, là người hằng đêm thay tôi dìu nàng từ sàn nhảy đến… lên giường. Khi sự thật phơi bày, nàng chủ động đề nghị chấm dứt quan hệ vợ chồng với tôi. Mệt mỏi sau bao nỗ lực hàn gắn đều thất bại, tôi thuận tình ly hôn. Những người mẹ khác thì luôn muốn bắt con, vợ tôi ngược lại, giao con cho tôi nuôi. Nàng bảo, muốn hoàn toàn tự do để làm lại cuộc đời. Không hiểu sao, khi tòa tuyên ly hôn, tôi lại cảm thấy lòng nhẹ tênh chứ không vật vã hay đau khổ như tôi đã tưởng. Hóa ra, tình yêu trong tôi đã chết từ lâu, những cố gắng níu kéo chỉ vì con cái.

Giờ con ở cùng tôi, tôi thừa khả năng nuôi nấng và chăm sóc cháu mà không cần bàn tay mẹ nó. Khi trở lại làm người tự do, tôi chỉ hối tiếc vì mình đã không buông tay sớm hơn. Ly hôn với tôi thực sự là lối thoát….

Gia Khiêm

Gánh nặng làm cha

Mẹ sức khỏe không được tốt, phải về nghỉ mất sức, thành ra mình bố phải nuôi ba đứa con ăn học, sự vất vả luôn hằn trên đôi mắt trũng sâu của bố, những nhọc nhằn như khắc rõ lên mỗi nếp nhăn trên gương mặt. Bố lúc nào cũng khó tính, chẳng mấy ai dám lại gần.

 

Đã từ rất lâu bố chẳng ham mê bất cứ gì ngoài công việc, và cũng vì đặc thù công việc nên bố không thể thích thú với những trò giải trí như bia rượu thuốc lá, bố sống hoàn toàn lành mạnh nên sức khỏe cũng tốt, nhờ thế mấy đứa con đứa nào cũng muốn noi theo.

 

Ngày con đi thi tốt nghiệp cuối cấp, và ngay cả ở những kỳ thi tranh giải ở trường, bố mẹ các bạn đưa đi, thậm chí đứng chờ ở ngoài, còn con toàn tự đi bộ hoặc đạp xe mà đi, vì mẹ không biết đi xe. Ngày thi đại học cũng là anh đưa đi. Hồi đó con đã tủi thân rất nhiều, trách bố chẳng quan tâm.

 

Trưởng thành hơn một chút, con mới dần hiểu cho nỗi khổ của trụ cột gia đình. Bố nghỉ một ngày nghĩa là một ngày không lương, nghĩa là một ngày ấy bao miệng ăn chẳng có chỗ trông vào. Giờ đây khi cùng chồng gánh vác việc gia đình con mới thực sự thấu hiểu sự vất vả, những buổi đi sớm về khuya và cả những buổi phải đi công tác triền miên của bố, tất cả chỉ để lo cho gia đình lớn nhỏ của mình. Vậy nên bố luôn biết cắt giảm những thú vui của mình để quay về bên vợ con, với bố thời gian đi làm xa gia đình mười tiếng một ngày là quá đủ.

 

Con biết bố mẹ luôn nghĩ đến các con, luôn tìm cách động viên kịp lúc, để khách quan đưa ra góp ý cho chúng. Con biết bố cũng luôn muốn quan tâm đến đời sống tinh thần của lũ trẻ, song nhiều lúc lực bất tòng tâm. Thi thoảng được bố chở cho lên cơ quan chơi, cho lên tháp nước ngắm toàn thị trấn từ tít trên cao, con vô cùng thích thú và con biết bố cũng rất vui.

 

Ngày con đi thực tập bố lại nhờ vả, nói khó với khối văn phòng để cho con vào đó học việc cho biết chứ không dám hi vọng được ở lại làm. Chính nhờ những ngày ngắn ngủi ấy lại là tiền đề cho những gì sau này con có được, chỉ một tháng thực tập mà có khi bằng kinh nghiệm hằng năm trời con đi học cố gắng tích lũy. Những điều ấy con vẫn ghi nhớ trong lòng bố ạ.

 

Vừa rồi, thấy các chú còn vất vả, bố lại quyết định chắt bóp để đứng ra xây căn nhà khang trang cho ông bà nội, cứ thế nên nỗi lo cứ tràn ngập nỗi lo.

 

Nghĩ về bố con thêm hiểu và thông cảm cho “gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” con trở nên đồng cảm với những trăn trở của chồng nên luôn tìm cách hỗ trợ anh ấy một tay, nhờ đó mà tình cảm vợ chồng thêm bền chặt.

 

Chúng con được như hôm nay tất cả nhờ sự chịu thương chịu khó của bố và tài thu vén khéo léo của mẹ. Giờ với chúng con chỗ dựa về tinh thần quan trọng hơn tất cả, con chỉ mơ ước bố mẹ mãi mạnh khỏe để dịp cuối tuần trở về tụ họp, được khoe bố mẹ cái nọ cái kia, chia sẻ những câu chuyện xảy ra với gia đình nhỏ của mình để mong nhận được những lời khuyên bảo.

 

Bố giờ đã già nhiều rồi, tóc đã sợi đen ít hơn sợi bạc, lâu lắm chẳng thấy ai còn khen bố đẹp trai phong độ, dù bố vẫn thế, vẫn mở mắt ra là lấy uống một ngụm nước muối, vừa ngậm xúc miệng vừa lấy chổi quét từ nhà, đến sân, sau đó là chạy bộ một vòng, rồi quay về rủ mẹ đi dạo bộ … và một ngày ý nghĩa với bố là ngày mà giúp đỡ được vợ con nhiều nhất. Bố à, con tự hào về bố.

TSL

“Chọn người như ba mà lấy”

So với nhiều người đàn ông khác, ba tôi không bằng một góc của người ta, không chức quyền, không giàu sang, không thành đạt, không to cao vạm vỡ. Nhưng ít ra, với những người phụ nữ trong gia đình tôi, ba là người đàn ông vĩ đại nhất thế gian này.

Ba chở con
Ba chở con – Ảnh minh họa

 

Cái hồi ba mẹ còn tán nhau, nghe đâu ba hay phì phèo điếu thuốc để làm thơ, đến lúc lấy mẹ về, tôi mon men ra đời thì ba bỏ hẳn thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con nhỏ. Đã vậy, rượu bia ba không đụng đến một giọt, ba minh chứng ngược lại cho cái lý “nam vô tửu như cờ vô phong.”

 

Lúc gặp gỡ ban đầu, mẹ chẳng thèm để ý tới ba, mẹ cao ráo xinh đẹp trong khi ba nom già nua và xấu trai lắm. Thế mà, duyên số đưa đẩy thế nào, ba gặp ông bà ngoại, lọt vào mắt xanh của hai người. Ông ngoại nhất nhất nói với mẹ “chỉ có thằng này là được”. Mẹ chẳng hiểu cái “được” mà ông ngoại chấm là sao, khi mà ba chẳng có gì nổi trội so với đám trai làng dập dìu trước ngõ.

 

Có ông bà ngoại hỗ trợ, ba dần dần chinh phục trái tim mẹ. Mẹ nhận ra, ở con người ấy có khối điều hay ho, tài giỏi mà những người cùng trang lứa không có. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn bảo, ba là chọn lựa đúng đắn nhất trong cuộc đời của mẹ.

 

Nhờ sự lựa chọn tuyệt vời đó, chị em tôi lần lượt ra đời.

 

Nhà nội vốn có truyền thống học giỏi nhưng không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Ba học lực xuất sắc, văn hay chữ đẹp nhưng phải nghỉ học từ năm lớp mười. Thi thoảng gặp bạn ba, mấy chú vẫn hay đùa “Ba con không học, chứ học hành tới nơi chắc phải làm to.” Nhìn ánh mắt đầy tôn trọng của họ dành cho ba, tôi thấy tự hào lắm lắm.

 

Ba ở nhà phụ nội mấy năm rồi xung phong đi bộ đội. Khi trở về, ba đã hơn ba mươi tuổi và mang theo một vết thương ở đầu. Huân chương kháng chiến treo ở góc nhà chẳng giúp được gì trong cuộc mưu sinh nhưng nó là minh chứng cho những năm tháng tuổi trẻ sống hết mình.

 

Lập gia đình, ba lại bắt đầu gồng gánh cho gia đình nhỏ. Ba làm đủ nghề để kiếm sống từ rà tìm phế liệu, xay gạo, buôn bán…

 

Ba vốn cẩn thận, đặc biệt trong việc chăm con. Mùa hè miền Trung nóng nực, tối đến cái nóng còn theo sát. Chị em tôi nằm ngủ thường để quạt ở đầu giường từ hôm đến sáng. Có lúc nằm ngủ mê man, chợt nghe tiếng lục đục, hóa ra, ba bê mấy chậu nước đặt trước quạt vì sợ con gái khô da.

 

Thời tiết chỉ hơi se lạnh, con cái nhà hàng xóm tung tăng đi ngoài đường, chị em tôi buộc phải ở trong nhà, áo ấm khăn quàng kín mít. Ba sợ mấy đứa bị cảm.

 

Lúc học tiểu học, hai chị em tôi thường dắt tay nhau đi bộ. Mỗi lúc trời mưa, ba lấy mảnh áo mưa che vội vào người rồi hốt hoảng đi đón chúng tôi. Dù ở cách xa mấy, tôi vẫn có thể nhận ra dáng đạp xe của ba, trên đầu đội chiếc nón tơi, tay cầm chiếc áo mưa cho hai chị em, khuôn mặt lo lắng, thất thần. Về đến nhà, thể nào ba cũng ướt nhẹp trong khi hai chị em tôi khô ráo.

 

Thế nhưng, ba cực kỳ nghiêm khắc và khó tính. Nếu làm một phép so sánh, có lẽ ba là người cha nghiêm khắc nhất so với những người cha của bạn bè từ nhỏ đến lớn của tôi.

 

Lúc nhỏ tới giờ, ba luôn hạn chế chị em tôi đi chơi, nhất là buổi tối. Ba khó tính đến nỗi bạn bè của chúng tôi đều e ngại khi đến chơi nhà. Tôi đã từng mường tượng trẻ con rằng, ước gì ba của mình được như ba của bạn này bạn kia, chiều con như vầy. Để rồi càng lớn, càng nhận ra rằng, chính sự nghiêm khắc của ba đã rèn giũa chúng tôi nên người, rèn sự bản lĩnh và tỉnh táo trước mọi điều không hay trong cuộc sống.

 

Ba hay vì người khác, hay thương người quên cả mình, nhiều độ mẹ giận lắm vì lòng tốt của ba. Ví như, năm nào đó ba đi khám bệnh, có người bệnh cần máu kịp thời, ba chẳng ngần ngại hiến máu cho người ta. Về nhà, ba giấu mẹ vì sợ mẹ lo, nhìn vẻ mặt xanh xao của ba, mẹ chẳng nỡ trách cứ.

 

Lúc trước, khi điện đài còn chập chờn, chưa có mạng lưới như bây giờ, mỗi lần cúp điện, nguyên cả xóm ngồi chờ ba. Chẳng hiểu sao, thanh niên trai tráng không thiếu nhưng chẳng ai đủ dũng cảm và hiểu biết để trèo lên sửa. Mỗi lúc thấy ba lúi húi trèo thang sửa điện, tôi đứng từ xa, mắt dõi theo không yên, giận luôn mấy anh mấy chú trong xóm.

 

Ba không bao giờ trau chuốt vẻ ngoài cho mình và cũng không hề khuyến khích chúng tôi điều ấy. Tôi từng có cảm giác xấu hổ khi ba xuất hiện trước mắt bạn bè tôi với vẻ nhàu nhĩ, xộc xệch. Tự hỏi sao ba chẳng thơm phức và chỉnh chu, bóng láng như ba của người ta. Hỏi rồi cũng tự trả lời, vì chị em mình nên ba như thế. Ba luôn bảo, vẻ ngoài chẳng quan trọng, người ta tôn trọng mình vì cái bên trong mình có chứ không phải bộ đồ bên ngoài. Càng lớn, tôi càng tự hào về ba.

 

Nếu được vẽ một bức tranh về ba, tôi không thể vẽ hình ảnh một người cha bác sĩ mặc áo blu trắng tinh, một người cha giáo viên mực thước, một người cha thành đạt chức cao vọng trọng. Tôi chỉ vẽ người cha chân thực với bàn tay thô ráp, gương mặt khắc khổ, mái tóc điểm màu thời gian, sẽ điểm tô nhiều nhất là mồ hôi. Mồ hôi ướt áo mỗi khi ba chở hàng cho người ta, mồ hôi lấm tấm khi ba hì hụi ngồi sửa đồ, mồ hôi chảy dài khi hai cha con ngồi đợi tàu tiễn tôi lúc tôi vào thành phố… Có nhiều lắm mồ hôi ba đã rơi, cũng nhiều lắm yêu thương ba dành cho cả gia đình, cho mẹ và mấy chị em tôi. Tất thảy đều không đong đếm được.

 

Mẹ chỉ nói với chúng tôi một câu ngắn gọn rằng, lấy chồng, hãy chọn người như ba mà lấy.

 

Diệu Ái

Xin lỗi vì bố không giữ được mẹ cho con

Mẹ đã quyết bỏ đi, bố nghĩ cũng không nên ngăn cản, khi nào lớn lên con sẽ tự hiểu. Nhiều khi bố không kèm cặp con chu đáo, không bên cạnh con thường xuyên mỗi tối như trước.

Bố đi họp phụ huynh về ngồi lặng lẽ, con trai hỏi bố sao thế? Bố nói không sao, bố đang buồn vì kết quả học tập của con. Bố gặp riêng cô chủ nhiệm, cô nói khuyết điểm của con cho bố nghe. Bố xin lỗi cô vì năm trước con không như thế, tất cả là tại bố.

Từ khi mẹ bỏ bố con mình ra đi, bố phải vừa làm mẹ, vừa làm cha, công việc luôn bề bộn, con còn nhỏ bé. Bố xin lỗi con vì không giữ được mẹ ở lại. Mẹ đã quyết bỏ đi, bố nghĩ cũng không nên ngăn cản, khi nào lớn lên con sẽ tự hiểu. Nhiều khi bố không kèm cặp con chu đáo, không bên cạnh con thường xuyên mỗi tối như trước. Bố ít có thời gian chở con đi chơi, con chỉ còn biết chơi game để giải trí. Con đã không còn siêng năng như trước, ngồi học mà nhớ đến em, đến mẹ, nhớ đến gia đình ta ngày xưa.

Kiểm tra bài thấy con làm toán được 3 điểm, bố biết rằng lỗi tại bố. Bố xin lỗi con vì biết tại sao con lại như thế. Bố hiểu rằng vì con đã không chú ý khi nghe giảng, dạo này con hay bị quên. Bố con mình sẽ cố gắng nhé con.

Đi dự lễ tổng kết năm học về con trai cầm hai tấm giấy khen của trường và quận, niền vui hiện rõ hơn thường ngày, bố đi làm về chưa kịp thay đồ đã ôm hôn con thật lâu. Con trai hỏi sao người bố hôi thế, xin lỗi con, bố rất vui.

Vợ ơi, anh là người lạ?

Đâu rồi vợ anh? Cô gái có khuôn mặt trái xoan, mái tóc dài buông xõa. Chỉ còn hình ảnh người phụ nữ cộc cằn, nóng tính, xuề xòa, tuềnh toàng trong ăn mặc. Anh thấy vợ như người lạ. Đi làm về, anh thường nằm dài trên giường để xem tivi giải trí sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Vợ anh ngày xưa đâu
Vợ anh ngày xưa đâu

Trong khi vợ ở dưới bếp lụi cụi nấu nướng, dọn dẹp, tắm rửa cho con. Có hôm vợ về muộn, nghe tiếng vợ gắt gỏng anh chưa cắm nồi cơm, chưa nhặt mớ rau, chưa đi đổ rác, anh chỉ tặc lưỡi cho qua chuyện.

Vợ ơi, anh là người lạ?! – Gia Đình – Tình Yêu – Câu chuyện gia đình – Chuyện vợ chồng – Cuộc sống vợ chồng – Tâm sự gia đình

Có lần thấy vợ quần xắn ống thấp ống cao, mồ hôi nhễ nhại, làm hết việc nọ đến việc kia. Vừa lau nhà xong, con lại chạy khắp nhà, bẩn cả nhà. Vợ quát um lên, con sợ, anh chạy lại cằn nhằn: “Sao em lại quát con thế”. Vợ chỉ quay lại nhìn, có vẻ cáu giận lắm: “Vì ai mà ra nông nỗi này?”.

Vợ chỉ còn là người hay cáu giận. Anh lảng tránh vội quay lại chiếc giường, tránh cái nhìn “ngạt thở” của vợ. Chiếc giường không còn êm ái như mọi hôm. Anh ngồi cứ như trên đống lửa.

Đâu rồi vợ anh? Cô gái có khuôn mặt trái xoan, mái tóc dài buông xõa, đôi mắt to tròn và tiếng nói dịu dàng. Chỉ còn lại hình ảnh người phụ nữ cộc cằn, nóng tính, xuề xòa, tuềnh toàng trong ăn mặc. Đâu còn cô gái lúc nào cũng thùy mị, nết na.

Anh thấy vợ như người lạ.

Ngẫm nghĩ một hồi, anh mới chợt nhận ra nguyên nhân. Có thể là cậu con giai nghịch như quỷ sứ, luôn bày bừa, cãi vã. Còn vợ anh vừa là quan tòa, cũng vừa là cai ngục. Có thể là những buổi ăn uống cuối tuần tụ tập, vợ một tay xào nấu. Thoắng một cái đã có một mâm nhậu toàn món ngon để anh hả hê với bạn bè.

Khi mọi người về hết, vợ lại là cô lao công, quét dọn từ nhà bếp lên tầng thượng, vừa ca cẩm vừa cằn nhằn. Có thể là tại anh. Ông chồng đểnh đoảng, quần áo và tất bẩn vứt khắp nhà, từ cửa ra vào tới đầu giường. Cứ về đến nhà là ôm cái tivi, tự cho mình ngồi thư giãn mà không biết làm hộ vợ việc gì. Vợ nấu cơm xong, mời anh ra ăn và sau đó phủi đít đi vào giường.

Anh tự thấy mình là người lạ. Chả mấy khi giúp vợ, chỉ miễn cưỡng làm những việc vợ sai bảo với thái độ khó chịu. Anh là người lạ nên mới không biết về nỗi mệt mỏi, vất vả của vợ.

Anh là người lạ nên mới chỉ biết ao ước: “Giá mà em như ngày xưa” mà chưa một lần tự vấn lại mình. Anh là người lạ nên không hiểu rằng anh đã góp phần vào những nếp nhăn, sự cáu kỉnh và tính tuềnh toàng của em.

Nguồn: Hanhphucgiadinh.vn

Gửi vợ yêu!

Trong thời gian gần em, anh cảm nhận được tình cảm của em dành cho anh. Vượt qua những khó khăn, chúng ta đến với nhau, chấp nhận nhau. Còn một số hạn chế của anh và quan trọng là anh yêu em, luôn dành cho em những gì tốt đẹp nhất, anh luôn nghĩ đến một tổ ấm nơi chúng ta đang từng bước xây dựng, tuy còn khó khăn!

      Căn nhà màu trắng với khu vườn mà chúng ta hằng mong ước, anh còn mong ước những đứa con của chúng ta được học hành bên sự hạnh phúc của hai đứa mình. Với anh, gia đình là quan trọng nhất, anh chỉ cần chúng ta đồng lòng, chung sức xây dựng cho tổ ấm. 

Em thân thương!

Trong khoảng thời gian này, em dành tất cả thời gian cho anh, anh thật hạnh phúc vì điều đó, điều đó quý giá lắm, nhiều khi em phải đánh đổi nhiều thứ. Không được đi chơi thoải mái với bạn bè, phải tranh thủ chuẩn bị bữa trưa cho anh…chuẩn bị sinh hoạt của một tổ ấm  và anh đã nâng niu trân trọng từng phút giây. Quan trọng hơn là chúng mình đã quyết định ngày cưới 21/4/2013, anh hồi hộp chờ đợi ngày đó; anh không sợ em thay đổi quyết định đó, nhưng anh nghĩ đến cuộc sống sau 3 năm kết hôn. Em phải chịu cuộc sống khó khăn khi phải sống căn phòng nhỏ bé, mọi sinh hoạt sẽ bị gò bó về không gian, vì anh.

     Anh cũng phải nói rằng, anh khá nhạy cảm với bất kỳ cảm xúc nào của em, sự mệt mỏi về thể xác thì anh có thể xoa cho em lúc mệt, hay mua thuốc cho em uống, anh sẽ làm được nhiều điều hơn thế nữa. Anh còn cảm nhận được những mệt mỏi trong tâm hồn em, những lo sợ của em trong những giấc mơ và cả một số suy nghĩ của em. Chuyện tình cảm trong trái tim mỗi con người có thể bị khóa hay tự khóa bất cứ lúc nào. Đôi khi nó bị loạn nhịp bởi quá nhiều tác động điều này đôi lúc làm em chưa hài lòng. Khi thấy em bị tác động những điều như thế, anh cũng cảm thấy mệt mỏi. Bởi trong tim anh chỉ có một mình em, anh không chấp nhận tình cảm của em dành cho anh bị chia sẻ. Điều này anh thừa nhận.

          Biểu hiện cảm xúc tình cảm con người của mỗi người khác nhau. Với em là một người có chút đa cảm, muốn chia sẻ, bù đắp những trống trải. Nhưng ở điểm này nó là vô cực. Phải chăng anh là người ghen lắm lắm. Những người có tình cảm một chiều… với em anh đều biết. Những biểu hiện của em lấp những vô cực đó nhiều lúc làm anh thấy khó thở, vì anh nghĩ giới hạn hẹp quá. Anh muốn cuộc sống chúng ta thanh bình hơn, không bị xáo trộn vì những điều không đáng có, vì tự bản thân mình có thể kiểm soát được.

          Trong gia đình anh, anh là người được mẹ dành nhiều yêu thương, mẹ cũng đã qua cái tuổi lo nghĩ việc ăn học cho đàn con, tóc đã bạc nhiều vì năm tháng. Đang mong ngóng bước trưởng thành của anh, từng ngày mong anh có một tổ ấm, sức khỏe của mẹ yếu lắm, phải dùng thuốc thường xuyên. Người ta nói “ mẹ già như chuối chín cây”. Tình cảm dành cho mẹ thì không diễn tả hết bằng lời, hãy làm những hành động nhỏ để mẹ vui là tâm niệm của anh.

          Những tình cảm của bố mẹ mình trên đó, anh từng ngày cảm nhận được sự yêu thương, lo lắng cho chúng ta. Anh luôn kính trọng, tôn trọng bố mẹ. Nhiều lúc anh cần thêm hơi ấm của cha. Anh cũng phải nhắc lại em rằng, bố mẹ sinh ra ta chỉ có một, có thời gian, hãy thể hiện tình cảm dù là nhỏ nhất. Mình nghĩ đi, bố mẹ nuôi chúng ta ăn học, rồi chúng ta lập gia đình, quan tâm đến gia đình nhỏ của mình đôi lúc sao nhãng chưa quan tâm đến bố mẹ. Điều đó anh nhắc em và em phải nhắc anh nhé.

          Với anh, em là người quan trọng nhất đối với cuộc đời anh-là vợ, là mẹ của các con của chúng ta.

          Anh đang nâng niu, giữ gìn những gì chúng ta đang có, xây dựng tổ ấm của chúng mình em nhé!

Chồng Yêu

Xin lỗi em lời cuối

Em đừng ghen tỵ với hạnh phúc của người ta, đừng ghen tỵ với niềm vui chính em đã đánh mất, đừng ghen tỵ vì một phần của em sẽ thuộc về người khác. Em không xấu xa, nhưng tham lam, ảo mộng, ích kỷ, muốn tốt đẹp là của riêng mình, điều này thật khó và quá sức anh rồi.

Phượng Hồng - Ảnh: Hùng Quốc Nguyễn - Hà Nội
Phượng Hồng – Ảnh: Hùng Quốc Nguyễn – Hà Nội

Hà Nội mùa hoa phượng đỏ thắm cũng là mùa chia ly những kỷ niệm học trò, còn ta thời đó đã qua nên thả mặc hồn mình theo gió phiêu du. Màn đêm buông xuống, nhấn chìm mọi vật bằng một màu đen tối, mịt mờ. Không gian tĩnh lặng đến lạnh người. Ký ức ùa về như cuốn phim quay chậm đưa ta về với ngày xưa, ở đó có hai người và tình yêu còn dang dở đầy tội lỗi.

Hơn 5 năm trôi qua, làm bạn, người yêu, quan tâm, động viên, chia sẻ tất cả ngọt bùi đắng cay trong cuộc sống, cứ ngỡ như một gia đình, cuối cùng lại là những người bạn. Em có nhớ lần đầu anh đón em trên con phố nhỏ thân quen, lúc đó em đã lặng nhìn bóng dáng anh cao gầy? Em cười đầy hạnh phúc, thân hình nhỏ bé gầy guộc vì vất vả, cuộc sống của em vẫn nằm trong anh.

Càng ngày anh càng thương yêu em nhiều hơn, những lần tranh cãi, những lời động viên, bên em bất cứ khi nào em cần một cách vô điều kiện. Còn em mải miết nhìn về quá khứ mệt nhoài, hằn trong tim, quá khứ không thuộc về em. Em vô tâm, vô tình làm trái tim anh tổn thương. Anh buồn, lặng lẽ nhìn em bước đi. Anh vẫn bên em và gom tất cả mọi sự thiệt thòi về mình như một điều hiển nhiên.

Anh đã nói: “Tình cảm là cho đi mà không cần nhận lại”. Em mỉm cười khóe mắt cay cay. Ngày tháng qua đi, em không đủ can đảm để nắm lấy hạnh phúc của mình, em sợ đó không phải là của em hay sợ chính mình bị tổn thương lần nữa. Em ích kỷ, anh lại quá cảm thông, cứ như thế bỏ qua bao cơ hội dành cho nhau.

Em chạy, anh đuổi theo, em dừng lại, anh đứng xa lặng nhìn. Em mải miết chạy, anh bỏ cuộc sau lưng, biến mất trong sự ngỡ ngàng. Em bơ vơ, hụt hẫng, ngoảnh mặt lại không còn anh phía sau. Em lạc lõng giữa dòng người qua lại, giữa thế giới chẳng phải của em. Em hận anh, hận cái kiểu thích thì quan tâm quá mức, hết thích thì lạnh lùng làm ngơ.

Trò đời thật trớ trêu, số phận đẩy ta xa rời nhau, rồi ngồi đây gặp mặt làm ngơ. Anh vẫn ở bên em để mỗi khi cần chia sẻ, đó là điều em vẫn được nhận từ anh. Anh luôn nghiêng bờ vai cho em ngả vào, chỉ mong em có khuôn mặt hồn nhiên, không còn nụ cười buồn. Mắt em đừng ướt lệ, tim không đau thắt, môi mỉm cười chúc hạnh phúc cho anh.

Anh lùi dần đi về phía khuất của riêng mình, phía anh thường đứng dõi theo em để cảm nhận cảm giác của anh bao ngày qua. Anh tìm được lại những gì đã đánh mất, còn em mất đi một phần vĩnh viễn.

Em đừng ghen tỵ với hạnh phúc của người ta, đừng ghen tỵ với niềm vui mà chính em đã đánh mất, ghen tỵ vì một phần của em sẽ thuộc về người khác. Em không xấu xa, nhưng tham lam, ảo mộng, ích kỷ, muốn tốt đẹp là của riêng mình, điều này thật khó và quá sức anh rồi. Em thật ngốc! Ngốc khi không nhận ra tình cảm của anh chân thành sâu đậm. Bấy lâu nay em vô tình vứt bỏ, ngốc khi anh dừng lại em cũng dừng lại đứng im, để sau này em ngồi nhìn kỷ niệm. Xin lỗi em lời cuối.

Dương