Tôi đã đi qua nhiều người, và nhiều người cũng đã đi qua tôi. Cái chúng tôi trao nhau có những khi nhiều hơn một ánh mắt, dài hơn một con đường, hân hoan hơn cô dâu trong một lễ cưới và đau đớn hơn cả người bộ hành ảo tưởng về một dòng sông.
Có những người ở lại, và những người ra đi, có những người lại chỉ ngang qua như gió thoảng… Cái sự đến và đi, đôi khi ngỡ ngàng hơn chúng ta thường nghĩ. Cuộc đời con người vốn có nhiều cái giật mình, và một trong số đó là cái giật mình thảng thốt khi ta đánh rơi những cái vốn tin rằng sẽ mãi mãi bên cạnh. Người đời thường nói, chỉ đến khi mất đi, ta mới biết rằng mình đã có. Có lẽ vì vậy nên có những người đã được sắp xếp đến bên cuộc đời, chỉ để ta biết rằng cái giá của nuối tiếc chỉ được đánh cược trong một giây ta hờ hững.
Có những người tôi chọn đứng cạnh, và những người tôi rời bỏ (bỏ rơi?). Tôi sống chưa đủ lâu, nhưng cuộc sống của những người trẻ tự cho mình quyền vấp váp tin rằng đã đủ để biết được ai là người xứng đáng để mình tin. Chọn lựa một ánh mắt trong hàng triệu ánh nhìn ta bắt gặp trên đường để đi cùng nhau chẳng phải một điều dễ, cớ gì để không học lấy cách mà nâng niu?
Nhưng cuộc đời vốn không giản dị như cách người này tặng người kia một viên kẹo đường, rồi mỉm cười tin rằng bây giờ và vĩnh viễn về sau trên môi luôn ngọt ngào đến thế. Đã qua rồi cái tuổi tin rằng chỉ cần mình sống tốt, và cuộc sống sẽ cười. Cái tốt của mình, còn phải đặt trong hàng ngàn cái tốt khác nữa, có khó quá hay không?
Để một người đi qua cuộc đời, suy cho cùng vẫn luôn là một điều đáng tiếc, dù họ có mang đến cho chúng ta điều tồi tệ thế nào đi chăng nữa. Một bàn chân đi qua, thì kỷ niệm vẫn còn đó, vết thương còn đó, nỗi buồn và cả niềm vui vẫn ở đó, dù thời gian có đi dài đến bao nhiêu…
Chỉ là nước mắt mặn thêm, niềm tin bé lại, và ánh nhìn cuộc sống chậm rãi hơn.
Có một ngày, một người quan trọng nào đó cũng sẽ rời bạn mà đi. Nếu muốn ăn năn, hãy tự nhắc đến cái nỗi vô tâm, rong chơi dài rộng của bản thân, dù là vì lý do gì đi nữa mà họ để bạn lại một mình. Cứ tự trách mình rằng sao không yêu cho đủ, sao không sống thật hết lòng…
Nhiều khi chỉ ước cái nỗi vô tâm nhỏ như hạt cát, cái sự bận tâm về những điều day dứt còn bé hơn nỗi vô tâm.
Trước sau, tôi đã khóc, đã cười, đã sống, đã ngất nhiều giữa những mối quan hệ. Và rồi tôi lớn lên.
Tôi vẫn đang và sẽ buồn, đang và sẽ vui với những cái gặp mặt mà cuộc đời sắp xếp.
Chỉ mong rằng, Người Cần Tôi, Tôi Đến, Người Tôi Cần, Đừng Đi.!!!
Thế giới ngoài kia vẫn ồn ào, bận rộn mỗi ngày, như thể đất trời chẳng có gì đổi khác.
Xứ mình vẫn lồng lộng nắng, lồng lộng gió thổi từng trảng nóng qua đám cỏ úa khô bên động cát chơ vơ giữa đồng ruộng. Động cát ấy, chiều 8/3, đã có thêm một người nằm xuống.
Dòng ký ức chảy tràn về phía con như một cuộn phim tua ngược, từng nét rõ ràng, như chỉ mới 3 tuần trước đó thôi còn tung tăng bà cháu đi ăn sáng, còn ngồi trên ván nói chuyện Tết quê giờ khác xưa, còn chụp hình selfie cười khúc khích.
Nhớ dáng ngoại lúc nào đứng cũng ráng ưỡn vai ra sau, đưa bụng về trước để giữ lưng đừng còng. Cái dáng ấy, mỗi lúc con đi, đều ra đứng tiễn trước sân, gần khuất hẻm nhìn lại vẫn thấy ngoại một tay vịn cột, tay còn lại vẫy vẫy, cười nói vọng theo: ờ ờ, đi phẻ, đi phẻ nhen… Mới Tết đây thôi, cái dáng đứng thân thuộc ấy còn vẫy tay với con trong bộ bà ba xanh thẫm, có ngờ đâu lại là lần tiễn cuối cùng…
Mở tủ ra chỉ còn lủng lẳng những chiếc móc treo buồn bã. Những chiếc móc áo đủ thể loại cũng đã già non gần 20 năm phục vụ, xếp hàng cô đơn trong chiếc tủ trống trơn. Không còn gì để giữ lại mùi hương, ngoài chiếc nón lá, cái quạt nan và bọc kim chỉ với những rẻo vải con con ngoại giữ gìn để phòng khi vá vệt sờn vết rách. Mắt ngoại còn tinh, tay ngoại còn nhanh nhẹn. Lần trước con về còn thấy ngoại ngồi cặm cụi nhiếp lại vạt áo dưới vệt nắng sớm rọi qua giường. Cái dáng ngồi tỉ mẩn mà khoan thai ấy làm con thấy những bộn bề phố thị ngoài kia hình như bó cục lại, nhỏ bé đến vô cùng.
Nhớ thúng rau muống của ngoại, theo đôi chân già đi từ vườn nhà ra đến chợ, chắt chiu từng đồng một cho bữa cơm đủ cá đủ canh ngày thơ trẻ. Nhớ tiếng vó ngựa lốc cốc gõ vào tâm trí trong buổi sớm bà cháu quá giang xe chở rau từ rẫy nho về Phú Quý cho kịp giờ con đi học, sau đêm ngủ canh giàn nho chín. Nhớ dáng ngoại mấy buổi tinh mơ gà gáy, quấn khăn choàng hầu, co trong 3 lớp áo ra mở cửa đón cháu học xa về. Nhớ mùi cơm chiên quen thuộc của ngoại đánh thức con dậy trong những sáng xa nhà về nằm ngủ nướng. Nhớ cái bụng ấm của ngoại con hay mò mẫm quờ quạng rồi cười hăng hắc mỗi tối bị nhắc nhở “tắt điện thoại, ngủ đi”. Nhớ cái nhíu mày của ngoại hồi trước khi cùng chơi đổ cá ngựa với bầy cháu mới lớn mà đứa nào đứa nấy chỉ khoái chí chực chờ để đá không cho ngựa ngoại về chuồng, mãi sau này, lớn hơn tí mới biết nháy mắt nhau vờ quên lượt để nhường cho ngoại về đích trước…
Giờ thì ngoại đã về đích rồi, chiến mã của ngoại đã vào chuồng ngủ yên không động đậy. Ngôi nhà ấy chẳng còn ai mở cửa đón con về ngủ trễ. Chiếc giường ấy chẳng còn ai nằm vắt chân đung đưa nghĩ ngợi. Chiếc mõ trên bàn thờ Phật ấy chẳng còn ai gõ tụng mỗi sớm. Chiếc ghế ấy chẳng còn ai kéo ra để ngồi coi tivi mỗi chiều…
Vẫn biết là “sinh ký, tử quy”, vẫn biết đời vô thường, có không không có, mà đường về, thiếu một bóng thương thuộc, đường trĩu nặng làm sao…
Tôi và anh quen biết nhau cũng đuoc 2 năm trong 1 nhóm hội bạn. Nhưng suốt thời gian đó chúng tôi chỉ là bạn . Anh năm nay 31 tuổi còn tôi 27 tuổi . Sau thời gian anh và tôi có người yêu nhưng rồi một thời gian cả 2 chia tay người yêu, tôi chia tay trước.
Thế rồi sau những lần đi chơi bóng rổ cùng nhau cả 2 phát sinh tình cảm thế là chúng tôi yêu nhau hiện tại cũng mới chỉ có 4 tháng chính thức là người yêu của nhau nhưng về tính cách hay mọi thứ chúng tôi đã hiếu quá rõ về nhau trước đó. Tình yêu đẹp, rồi về nhà ra mắt họ hàng hết rồi vì xác định lấy nhau . Nhưng 1 vấn đề không tốt đó là mẹ anh không cho chúng tôi kết hôn năm nay trong khi năm nay tôi 27t , mẹ anh sợ 2 đứa với mức lương không cao lum cả 2 gộp vào cũng dc tầm 8, 9 triệu thuận lợi gia đình đã mua nhà chung cư cho anh như vậy chúng tôi không phải thuê nhà. Mẹ a nói sợ 2 đứa không lo liệu được rồi khổ, muốn đợi thời gian nữa cho anh ổn định công việc vì anh mới vào nhà nước không lâu. Còn cũng để chúng tôi tìm hiểu nhau thêm vì mới yêu mà. Gia đình tôi thì lo con gái vì tuổi lập gia đình, sang năm kim lâu không cho lấy.
Chúng tôi đang đấu tranh và cố gắng thuyết phục gia đình. Nhưng có vẻ mẹ anh rất cương quyết, anh không dám trái ý mẹ vì bit đó cưới xin cũng gần gia đình lo kinh tế mà . Mặc dù anh và mẹ anh không hợp nhau, cãi nhau suốt. Anh nói nếu không được anh qua nhà nói chuyện với mẹ tôi để mẹ tôi hiểu và xin phép cho tôi và anh năm sau lấy. 2 đứa nghĩ vấn đề này mệt mỏi suy nghĩ, tôi và anh đều yêu nhau không ai muốn buông tay nhau vì lý do như vậy, bây giờ tôi không biết làm sao nữa mong chuyên gia tư vấn giúp tôi .
Tôi đã chụp bức ảnh này cách đây vài năm … bây giờ xem lại tôi vẫn không kềm được cảm xúc !!! và muốn chia sẻ cùng các bạn .
Tôi được gặp và được trò chuyện với Bà Cụ trong lần đến viếng thăm một trại Dưỡng Lão … Tôi vẫn còn nhớ như in cái không khí trầm lắng khi bước vào căn phòng của Bà Cụ , trong phòng có khoảng 8 chiếc giường được đặt song song với nhau chừa một lối đi nhỏ chưa đầy một mét … ở giữa mỗi giường có một cái lỗ được che lại bằng một miếng gỗ tròn lớn hơn một chút đó là chỗ đi vệ sinh của các cụ (sau đó có người sẽ đến và đem đi…)
Như thường lệ tôi đến từng giường thăm hỏi và trò chuyện với các Cụ trong phòng , bước vào chừng vài bước tôi giật mình … vì có một Bà Cụ huơ tay nắm chặt tôi và luôn miệng nói :”đừng đi con ơi ! đừng đi con ơi ! đừng bỏ Bà con ơi !!!” Tôi nghe mà nghẹn ở cổ họng ! nghẹn cả cõi lòng ! tôi vôi ngồi xuống bên Cụ và nói :”Dạ! dạ con không đi , Bà cần con giúp gì không?” (vì Bà Cụ không còn nhìn thấy gì nên mọi sinh hoạt của Bà cần có người giúp…) tôi nghĩ vậy nên lại nói :”Bà cần con giúp gì ạ? Không, không cần ! không cần …ngồi với Bà, ngồi chơi với Bà thôi !” tôi chợt hiểu …
Đôi mắt vẫn nhắm nghiền nhưng hai hàng lệ thì lăn dài … trên đôi má nhăn nheo gầy guộc ấy như chứa cả một nỗi niềm không biết chia sẻ cùng ai ???
“…Ngày xưa Bà là người đẹp nhất vùng , các chàng trai trẻ ngày ấy tranh nhau để được một lần đón đưa Bà ra chợ , về làng . Còn các cô bạn cùng thời thì ganh tị với những gì Bà có được … Vậy mà , bao nhiêu chàng trai đàng hoàng Bà không yêu , lại yêu một người đàn ông đã có vợ … Cha Mẹ can ngăn ! bạn bè khuyên bảo , Bà vẫn yêu say yêu đắm yêu dại yêu dột !!! yêu điên yêu cuồng !!!!!!
Bỏ nhà trốn đi với người mình yêu và TIN vào người ấy không chút mảy may nghi ngờ, không chút mảy may hối tiếc ! năm tháng dần trôi … con người ấy dần dần đổi thay, dần dần lạnh nhạt và thô bạo với Bà . Nhưng , mọi việc đã quá muộn màng !!!
…. Bà có một đứa con , nhưng vì không nuôi nổi nên đã cho người ta … sống lây lất với nghề làm thuê làm mướn , cực khổ là vậy ! tủi nhục là vậy ! đau đớn là vậy !!!nhưng Bà nhất quyết không một lần trở về lại làng xưa !!! ……. Thời gian cứ thế… cứ thế … cho đến ngày vào đây !!!
Tôi ôm Bà thật chặt trước khi bước ra khỏi phòng … vào nhà vệ sinh rửa mặt , sau đó trở lại Tôi đã chụp bức ảnh này !
Ngày Tự xuống ở hẳn dưới Bãi, Nhiên mang bầu thằng Thôi được gần bảy tháng. Buổi sáng, khi dắt xe ra khỏi cửa Tự còn chần chừ: Hay là đợi em sanh xong anh mới đi? Nhiên cười: Từ đây xuống Bãi có bao xa, đàn ông đàn ang gì mà dễ mềm lòng quá!
Thấy Tự vẫn còn lần khần chưa chịu nổ máy, Nhiên đẩy nhẹ vai chồng: Đi đi cha nội, ở nhà cũng có mần ăn được gì đâu! Tự ngượng ngập, vụng về đưa bàn tay đặt lên bụng vợ hồi lâu rồi mới chịu phóng xe ra khỏi cổng.
Nghe tiếng xe quen thuộc xa dần, từ trong nhà, con Phèn rối rít chạy ra, chồm chân lên cửa rào ngoắt đuôi sủa vọng theo. Chỉ còn lại mùi khói xăng phảng phất, con Phèn thất vọng, lê cái bụng lặc lè trở vào. Nhìn bộ dạng của nó, Nhiên bật cười. Sực nhìn xuống bụng của mình, thoắt lại muốn khóc.
Cách nhà hơn hai tiếng đồng hồ ngồi cao tốc lẫn đi xe gắn máy, Bãi đang neo toàn bộ vốn liếng của vợ chồng Nhiên dành dụm được sau sáu năm cưới nhau. Ở Bãi, Tự mua lại năm ngàn mét vuông đất nuôi tôm của người khác sau đó lại thuê xe ủi, xáng cuốc san lấp, đào bới thành từng đầm để chuẩn bị nuôi tôm thẻ chân trắng. Em đừng lo, hai tháng rưỡi là thu hồi vốn. Chỉ mất một năm là vợ chồng mình thành tỷ phú, lo gì! Nghe Tự trấn an, Nhiên cũng hơi yên tâm nhưng lo thì vẫn cứ lo.
Gần tới ngày sanh nở, lại bày ra chân trắng với chân đỏ, không biết thằng Tự nó nghĩ sao! – Bà già chồng của Nhiên cằn nhằn khi hay tin, ấy là khi Tự đã xuống Bãi được mấy ngày.
Hơn hai tháng nữa con mới sanh, với lại chừng nào sanh thì điện xuống, ảnh chạy về liền!
Sanh nở mà tụi bây cứ làm như chuyện giỡn chơi, có chuyện gì thì đừng kêu tao à nghen! Bà già chồng có vẻ giận, quày quả ra về mặc cho con dâu hối hả dọn cơm lên năn nỉ “má ăn chung cho vui nhà vui cửa”. Ra đến cửa, bà già chồng bỗng sựng lại nói vọng trở vào: Chừng nào đẻ xong, nuôi không nổi thì để tao nuôi, đừng cho ai hết. Nhiên giật thót người, ngẩng đầu lên. Hóa ra bà già chồng vừa vuốt đầu con Phèn đang è ạch nằm phơi nắng ngoài sân.
Nhiên xuống Bãi được một lần, đó là lần hai vợ chồng mang tiền giao cho bên bán và làm thủ tục sang tên nhận đất. Mảnh đất ấy thực ra không nằm ngay trên Bãi mà lún sâu vào giữa một khoảng rừng thưa thớt. Muốn vào đến nơi thì không còn cách nào khác là phải ngồi trên vỏ lãi, luồn lách theo một con kênh có cái tên là Trời Sanh chảy ngoằn ngoèo từ trong rừng, xẻ đôi Bãi, trước khi chảy tuột ra biển mênh mông. Cầm tiền xong, vợ chồng người chủ đất (đã trở thành chủ cũ) phóng ngay xuống vỏ nổ máy chạy thẳng một mạch mà không thèm ngoái đầu lại chào tạm biệt. Có lẽ họ mừng hết lớn vì có người tự dưng đâm đầu vô thế mạng! – Nhiên nghĩ thầm. Quay sang Tự thì thấy chồng mình không hề lo lắng gì trước cảnh heo hút trước mắt, mà trái lại, còn hưng phấn tột cùng cứ như đang đứng trước một mỏ vàng lộ thiên. Chỗ này là đầm lắng, đằng kia là mấy cái đầm nuôi. Chỗ mình đang đứng, anh sẽ cho ủi đất lên cất một cái nhà, à, còn phải kêu xáng đắp một con đê bao xung quanh ngăn nước dâng cao mỗi khi trở chướng…Tự hết chỉ bên này đến chỉ phía kia, giống như thuyết trình về một bản thiết kế thực sự đang được trải ra trước mặt. Tự quên hẳn hai vợ chồng họ vẫn đang đứng lút chân dưới bãi đầy sình lầy, xung quanh họ là lổn nhổn còng gió và cá thòi lòi đang trố mắt tò mò về hai con người bỗng dưng nhảy xuống, ý chừng muốn nhập đàn với chúng.
Nhiên tưởng tượng ra, chỉ sau vài tháng đày mình vào giữa nơi này, thì Tự có thể hiểu được lũ cá thòi lòi kia muốn gì khi chúng giương vây phùng mang đánh nhau; nói được cả tiếng của mấy con sóc đang chuyền từ nhánh đước này sang nhánh bần kia và biết đâu chừng, thêm một thời gian nữa là Tự sẽ tình nguyện lún sâu vào bãi sình. Mỗi khi Nhiên muốn gặp Tự thì chỉ có cách ngồi trên vỏ, chờ cho đến lúc nước ròng.
Chuyện Tự dám sang cả cửa hàng bán điện thoại di động ngoài thị xã để trút tiền vào mấy công đất ở Bãi, làm nhiều người thán phục. “Cái thằng còn trẻ mà táo bạo, dám nghĩ dám làm”; “con Nhiên chắc tu từ kiếp trước nên kiếp này lấy được thằng chồng xứng đáng, gặp thằng khác thì cứ đủng đỉnh làm chủ cái cửa hàng điện thoại di động cũng dư ăn”… Nhưng cũng không ít người lại ác mồm ác miệng, vu vơ: “coi chừng, tham quá thì thâm, mất cả chì lẫn chài”. Hàng xóm láng giềng cứ thỉnh thoảng lại chạy qua, hỏi thăm công việc của Tự đã được triển khai đến đâu, nhưng chủ yếu chỉ vì tò mò là chính. Nhiều lúc, Nhiên đâm hoang mang. Tự trách mình, sao không ngăn cái ý định của chồng khi nó mới hình thành hoặc không ngăn cản thì cũng nên tỏ thái độ không ủng hộ. Có khi, điều đó cũng khiến Tự suy nghĩ kỹ lưỡng hơn trước khi lao vào “canh bạc với bà cậu”. Nhưng Nhiên lại không có cái tính làm kỳ đà cản mũi chuyện làm ăn của chồng, bởi, Nhiên tin Tự. Hai vợ chồng từ hai bàn tay trắng được chút ít tài sản như bây giờ, phần lớn đều nhờ vào sự cẩn trọng của Tự. Nhiên tự nguyện lui về phía sau, làm chỗ dựa tinh thần cho chồng. Mà nào phải chỉ riêng mình Tự, cả xứ này như đang lên cơn sốt. Cơn sốt mang tên Thẻ chân trắng. Người ít đất thì nuôi một hai đầm, nhiều đất thì năm bảy đầm; người không có đất thì thuê mướn lại hoặc táo bạo như Tự, bỏ tiền ra để mua đất. Giá thẻ chân trắng vào lúc cao ngất ngưỡng đã buộc con tôm sú nhường lại mảnh đất quen thuộc và như một thứ men say dễ lây, nó đã mồi chài được nhiều người từ trước đến giờ chẳng biết chút gì về chuyên môn, kỹ thuật. Trong đó, có cả Tự.
Bây giờ, lo về điều đó cũng không có ích gì, bởi Tự đã xuống dưới Bãi, đi theo Tự còn có mấy đứa em bà con cả bên chồng lẫn bên vợ. Chưa nói đến mấy chuyện khác, nội chuyện cơm nước giặt giũ không có bàn tay đàn bà là Nhiên đã lo ngay ngáy, bởi cả bầu đoàn chỉ toàn đực rựa. Nỗi lòng của Nhiên lọt đến tai mấy đứa em gái bên chồng, bọn chúng còn ghẹo thêm: Bà lo cho ông Tự kìa, ổng ăn đúng cữ, quen mồi, chớ tụi thanh niên chưa vợ thì chắc là cũng không đến nỗi lên cơn ghiền bất tử đâu!
Nhiều ngày sau, khi Tự đi, Nhiên vẫn còn bần thần. Có khi vừa mới điện thoại cho chồng, ngắt máy xong, lại cứ mang máng hình như mình vẫn quên còn điều gì đó chưa kịp nói. Có khi mới ban sáng, Tự đã điện về hỏi thăm chuyện bầu bì thì quay đi quay lại Nhiên đã quên mất, còn trách thầm cả ngày nay, Tự vẫn chưa gọi điện về. Dù Tự mới xuống dưới Bãi có một tuần là đã quay về, chở vợ đi mua sắm đồ đạc, chuẩn bị cho ngày sanh thì khi Tự vừa vắng mặt là Nhiên lại cứ tưởng chồng đã vắng nhà cả năm trời.
Bà già chồng nói, đàn bà mang bầu thì tánh tình sẽ thay đổi, nhất là mang bầu con đầu lòng, sanh xong thì lại trở về như cũ, chuyện bình thường, không phải lo. Hồi tao mang bầu thằng Tự, hễ ổng đi nhậu khuya một chút là tao bứt rứt, đến nỗi tay chân ngứa ngáy, cứ nhè lá vách nhà mà rút. Tới sanh thằng Tự thì chỗ đó lủng một lỗ bằng cái lồng bàn.
***
Con Phèn tất tả tìm chỗ cho lũ con của nó sắp sửa ra đời. Hết gầm giường, kẹt tủ, đến dưới bếp…chỗ nào nó cũng không ưng ý, chắc vì nền gạch lạnh tanh, cứng ngắt. Cuối cùng, nó chạy ra phía sau nhà, nơi có khoảng đất nhỏ, chỗ mà khi xây nhà Nhiên đã đề nghị Tự không tráng xi măng, chừa chỗ cho liếp cải nho nhỏ, vài bụi hành, cây ớt hiểm để khi cần dùng là nhón tay hái được. Con Phèn hì hục cả ngày trời để dọn ổ. Nó bươi đất văng tung tóe để chỗ khoảng đất ấy lõm xuống thành một cái hố vừa vặn với thân hình rồi phóng xuống đó nằm khoanh lại. Nhiên lấy mấy tấm ván dựng lên thành một cái chòi kín đáo che chắn gió máy. Nằm trong căn chòi vừa được dựng lên, con vật thò đầu ra ngoài nhìn bà chủ, mắt nó ươn ướt như tỏ vẻ biết ơn.
Đêm đó, con Phèn chuyển dạ. Nó rên ư ử từ đầu hôm đến nửa khuya mới chịu sanh. Lúc con Phèn sanh, Nhiên đã mỏi mòn nên vào nhà đi ngủ, đang chập chờn thì nghe tiếng sủa thất thanh và tiếng cào cửa hối hả của nó. Mở cửa đi ra thì thấy cái bọc ối vẫn chưa chịu vỡ. Nhiên bặm môi nhắm mắt đánh liều xé bọc ối ra, trong đó chỉ có vỏn vẹn một chú chó con màu lông y hệt mẹ, đang say sưa ngủ.
Nhìn con Phèn âu yếm liếm nhớt rải trên mình con, bất giác nước mắt Nhiên chảy ròng xuống má.
***
Thằng Thôi lẫm chẫm biết đi thì Tự không về thăm nhà lần nào nữa. Đám em trai bên chồng lẫn bên vợ đều đã tự động rút khỏi Bãi sau mấy đợt trúng giá thẻ chân trắng. Ăn chia sòng phẳng theo tỷ lệ góp vốn thả con giống, vật tư… Tính của Tự trước giờ vẫn vậy. Nghe nói, sau mấy đợt trúng giá tôm thẻ, Tự đã sang thêm mấy héc-ta đất xung quanh lập trang trại gì đó và đường hoàng trở thành ông chủ, nhưng có điều bà chủ không phải là Nhiên. Tiền trợ cấp nuôi con, Tự vẫn gửi về đều đều hàng tháng, có khi còn nhiều gấp mấy lần số tiền mà hai bên đã thỏa thuận với nhau khi ra trước tòa. Số tiền đó, Nhiên không động đến một đồng mà gửi tiết kiệm để dành cho thằng Thôi sau này. Trong số tài sản của thằng Thôi, ngoài căn nhà hiện tại và số tiền ấy, còn có chiếc áo sơ mi cũ của Tự – chiếc áo mà ngày xuất viện, Nhiên đã dùng nó để quấn lấy con. Trong khi mùi mồ hôi quen thuộc của Tự ngày một phai dần thì trên chiếc áo ấy vẫn còn nồng nàn mùi nước mắt của Nhiên được tẩm mỗi đêm, từ lúc Tự chỉ mới rời khỏi nhà, như một dự cảm chẳng lành./.
“Đây là những dòng tâm sự mà tôi có thể viết nên lời, tôi thật sự rất đau, liệu có liều thuốc nào cho tôi để xoa dịu nỗi đau này không? – Hãy gọi tôi là Cỏ Lác Lim”
– Em à, khi nào em buông tay anh hả em?
– Khi nào em buông tay anh, em sẽ nói trước với anh một tháng anh nhé!
…
“Ừ khi nào em buông tay anh, hãy nói trước với anh một tháng em nha!” Mỗi lần chúng ta gặp nhau, khi đưa em về anh đều nói với em câu này, anh còn nhớ không chàng lính nhỏ.
Em nhớ lúc mình mới quen, chỉ một đêm nói chuyện thôi, sáng hôm sau anh đã quyết định đưa em đi làm, em dậy trể, làm anh phải đợi hơn 30 phút, em biết anh rất bực mình em, nhưng chỉ cái giọng nói ngáy ngủ của em, mà anh bảo anh yêu em ngay giọng nói đó.
Ngày đầu tiên mình gặp nhau, tối hôm đó em bận làm, còn anh xuống ca trực, anh mang chiếc máy ảnh đi vòng vòng chụp ảnh, đợi em tan ca. Bến Ninh Kiều lúc nào cũng đẹp đúng không anh, mà anh và em chỉ được một lần đặt chân chung đến. Em và anh, hai con người, hai tuổi tác, hai công việc, hai hoàn cảnh, hai địa vị khác nhau, nhưng lại có điểm chung là ai cũng từng có quá khứ. Anh mới chia tay người yêu 2 tháng, còn em cũng mới chia tay bạn trai 1 tháng. Anh biết em buồn, nên đã đem những câu chuyện cuộc sống ra an ủi.
– Em à, anh ví dụ nhé, giả xử có một chiếc cầu, em đang đi trên chiếc cầu đó, nhưng vô tình chợt ngã, làm chân bị lấm, hỏi em có để đôi chân lấm mà đi tiếp, hay dừng lại rửa sạch rồi mới đi?
Lúc đó em đã nói với anh rằng:
– Em sẽ rửa sạch rồi mới dám đi tiếp, vì em sợ chiếc cầu sẽ bị dơ, làm người đi sau có thể ngã.
Anh lại hỏi em:
– Nếu sau này người yêu cũ em quay về, khi em có người yêu mới, em có bỏ người mới mà để họ quay lại với em không?
Em do dự không biết trả lời thế nào bằng câu hỏi ngược lại:
– Nếu là anh, anh có quay lại với họ ko?
– Không – Anh trả lời em một cách thẳng thắng.
Anh biết người yêu cũ của em không tốt với em, em đừng quay lại em nhé, họ chỉ lợi dụng em thôi, rồi họ sẽ để lại cho e những nỗi đau lớn hơn. Đối với anh ấy, em không còn được trân trọng, nhưng đối với anh thì khác.
…
“Hiểu đời”, anh đã cho em nghe, em không ngần ngại mượn bờ vai anh, để tìm chốn bình yên, và bên anh em bình yên thật, cảm giác mà trước đây em chưa từng có. Và mình đã yêu nhau.
Anh đưa đón em đi làm mỗi ngày, trong đôi mắt của bao người em là người may mắn.
Rồi em mất việc, anh cũng đến bên em động viên an ủi.
Tròn 40 ngày yêu thương, tình cảm mặn nồng, đôi ta như thuộc về nhau tất cả, em minh bạch không dấu anh điều gì cả, cả hiện tại lẫn quá khứ, vậy mà lúc nào anh cũng tỏ vẻ nghi ngờ. Tình cảm anh dành cho em bắt đầu thay đổi, không còn quan tâm em như trước nữa, em nhắn tin anh không trả lời, gọi điện thoại thì máy bận. Em vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn nhắn tin cho anh mỗi ngày. Em nghĩ chắc anh vì công việc, vì gia đình, vì buồn những lời nói vô tình của em nên anh mới thế. Em tự động viên mình, rồi anh sẽ về thôi mà, đừng buồn Cỏ nhé.
Rồi 1 tháng, 2 tháng trôi qua vẫn thế, anh vẫn im lặng.
Anh này chàng lính nhỏ, anh lỗi hẹn rồi, em đau lắm. Hôm qua em vô tình vào facebook của cô ấy, người yêu cũ của anh. Em biết anh chưa từng quên cô ấy, nhưng đã vội đến bên em, rồi khi cô ấy quay về, anh chọn cách im lặng với em, để quay lại với cô ấy. Anh có biết em đau như thế nào không, và những câu chuyện cuộc sống, những lời anh nói với em
ko còn ý nghĩa nữa. Em biết phải làm sao đây, kết quả của những ngày yêu thương, những ngày đợi chờ là thế sao, anh à, em nên cười hay khóc đây, khi anh cũng như bao người khác, cũng lừa dối tình cảm em. Có giọt nước mắt đã rơi trên phím chữ rồi…
Anh à còn nhớ câu này không: “Nếu em bỏ được quá khứ của em, anh sẽ dành nữa cuộc đời còn lại để chăm sóc và yêu thương em”. Em là một đứa ngốc phải không anh!
Em biết rồi, anh ạ, người yêu mới của em. Em chỉ là Cỏ thôi, bám bụi đường, vậy mà dám đi sánh cùng Hoa trong nhà cao vườn kính, làm sao được phải không anh.
“Khi nào em buông tay anh, em sẽ nói trước với anh một tháng anh nhé”, đúng như lời nói, em buông tay anh nhé, một tháng sao mình chia tay, dù anh và em không ai nói với ai lời nào, trả anh về với Hoa của anh đấy, người yêu cũ của anh.
Sáng nay trời lại mưa, vẫn trong em một chút buồn, dư âm ngày hôm qua, ngày hôm qua em đã khóc, gần 4h sáng mà em vẫn không thể dỗ mình vào giấc ngủ, thật khó để quên anh
lắm, nhưng phải quên thôi. Với anh em chỉ là một người thay thế, một trò đùa, hay cái cảm nắng mùa hè, hè hết thì cái cảm nắng ấy cũng mất đi. Em chấp nhận tất cả, thầm chúc anh và cô ấy hạnh phúc.
Chỉ còn 5 ngày nữa là đến lễ ăn hỏi của mình. Song từ hôm qua sau khi nghe lời đề nghị trơ trẽn của chồng sắp cưới mà tôi chán nản vô cùng và đang muốn hoãn cưới để suy nghĩ lại
Tôi và chồng sắp cưới yêu nhau gần 2 năm mới quyết định tiến tới hôn nhân. Anh hơn tôi 2 tuổi và đang làm nhân viên văn phòng một công ty truyền thông. Lương tháng của anh chỉ được khoảng 6 triệu. Còn tôi do thi không đỗ đại học nên tôi đi học nghề may. Tôi đang nhận may đồ đầm đồ kiểu tại nhà cho 2 tiệm may gần nhà. Do đó, thu nhập của tôi cũng được khoảng gần chục triệu/tháng.
Xin nói qua về gia cảnh nhà tôi và nhà anh. Nhà tôi ở Hà Nội nhưng kinh tế chỉ bình thường. Bố mẹ tôi đều hiện làm công nhân và vẫn phải nuôi em trai tôi học đại học. Còn nhà anh ở cách Hà Nội 40km. Nhà anh bố mẹ cũng đều làm nông nghiệp, kinh tế cũng chỉ ở mức trung bình. Nhà anh có 3 chị em và anh là con trai thứ 2 trong gia đình.
Tính đến hôm nay, còn 5 ngày nữa là đến lễ ăn hỏi của hai đứa (Ảnh minh họa)
Gần 2 năm chúng tôi quen và yêu nhau
, hai đứa cũng về ra mắt gia đình 2 bên. Hai bên gia đình thấy chúng tôi yêu nhau cũng rất ủng hộ tình yêu này. Tôi và anh mấy tháng trước cũng xác định lên kế hoạch cưới xin. Cưới xin xong, chúng tôi sẽ thuê nhà và ở Hà Nội đi làm. Do đó, để chuẩn bị cho đám cưới, chúng tôi đã đi tìm thuê 1 căn phòng trọ nhỏ. Mọi đồ vật đã được chuyển đến, giờ chỉ đợi qua lễ ăn hỏi, chúng tôi sẽ dọn về sống chung.
Tính đến hôm nay, còn 5 ngày nữa là đến lễ ăn hỏi của hai đứa. Hôm rồi, anh cũng xin nghỉ làm về quê để cùng gia đình lo toan cho ngày trọng đại này của mình. Tôi cứ nghĩ, mọi chuyện sẽ suôn sẻ bởi có gia đình anh đứng ra lo tất. Còn chuyện sắm sửa cho lễ cưới như váy cưới, ảnh cưới, mua sắm cho phòng cưới, tôi và anh sẽ cùng bỏ tiền ra để chi tiêu.
Thế mà tối qua anh gọi điện cho tôi. Anh bảo có chuyện muốn nói với tôi. Anh nói anh rất thương bố mẹ mình nên anh muốn đỡ đần tiền đám hỏi cho họ. Anh nói tôi còn tiền thì hãy bỏ tiền ra lo cả việc nhà trai cho bố mẹ anh với. Khỏi phải nói, khi nghe lời đề nghị ấy của chồng sắp cưới mà tôi sốc và ngạc nhiên.
Cố giữ bình tĩnh, tôi hỏi anh, giờ anh muốn tôi đỡ đần lo hộ nhà trai những khoản gì trong lễ ăn hỏi. Anh nói thẳng chẳng chút ngại ngần và kể lể ra danh sách các khoản tôi cần hỗ trợ nhà anh. Đó chính là: tiền mua 5 tráp ăn hỏi, tiền quà bánh, tiền phong bì lễ đen, tiền xe cộ từ nhà trai ra nhà gái ăn hỏi… Nghe anh liệt kê vậy, tôi không khỏi tức tối nhưng vẫn cố nói trêu ngươi anh.
Tôi nói với anh rằng, còn khoản nào nữa cần tôi hỗ trợ, anh cứ nói luôn với tôi. Anh bảo hết rồi, còn tiền làm cỗ mời người thân thì bố mẹ anh sẽ tự lo được. Rồi anh nói tất cả các khoản kể trên hết khoảng 30 triệu chứ mấy.
Nghe chồng sắp cưới nói mà tôi điên tiết. Tôi đã nói huỵch toẹt với anh là tôi không có tiền. Tôi bảo anh biết lo cho bố mẹ là tốt, thương bố mẹ là tốt, thế còn bố mẹ tôi, không lẽ tôi không thương họ chắc. Nhà trai không có cũng phải vay mượn mà lo cái tráp cho con chứ sao. Tôi cũng nói nhà tôi cưới xin cho con gái cũng chẳng có tiền.
Quá thất vọng, tôi cũng nói, nếu anh và gia đình chưa có tiền lo được những thứ căn bản nhất thì đừng lên kế hoạch cưới xin gì nữa, nên hoãn cưới luôn và ngay. Thấy tôi tỏ thái như thế, anh chẳng ngại ngần còn nói tôi là keo kiệt. Anh nói tôi bỏ tiền ra lo đám cưới cho mình mà cứ như bỏ tiền ra lo đám cưới cho ai. Rồi nếu đã xác định cưới rồi thì hai nhà như một.
Thật sự lời đề nghị của chồng sắp cưới tôi nghe mà không thể thông cảm nổi. Thật nực cười khi chồng chưa cưới đề nghị tôi phải mua tráp, phong bì lễ đen, xe cộ cho nhà anh. Có cô dâu nào phải mua những thứ này không?
Đàn ông nói chán vợ đôi khi là nói thật. Cô bạn thân của tôi đã gặp gã đàn ông li dị vợ hơn 2 năm nay. Anh giành quyền nuôi con. Anh đẹp trai, thành đạt, có địa vị trong xã hội, có thừa điều kiện để các cô gái trẻ mơ ước chọn làm chồng. Nhưng có một điều lạ là anh chỉ cặp kè với phụ nữ chứ không bao giờ có ý định cưới họ.
Anh hiện đang làm Giám đốc kinh doanh của một công ty Trang trí nội thất, lương cao ngất ngưởng. Có nhà riêng, xe hơi, thuộc top đàn ông giàu có nên quanh anh không bao giờ thiếu phụ nữ. Trước khi gặp cô bạn thân của tôi, anh và vợ đang hục hặc và li thân. Sau đó một năm thì mâu thuẫn vợ chồng ngày càng tăng và họ ra tòa li dị.
“Bồ đã tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao anh li dị vợ chưa?”, tôi lo lắng hỏi cô bạn khi nghe tin bạn nhận lời yêu anh chàng giàu có này. Bạn tôi tâm sự: “Anh nói vợ anh hỗn hào, coi thường chồng lại thêm tật ghen tuông vô lối khiến anh mệt mỏi”. Anh là dân kiến trúc, có máu nghệ sĩ nên thích cuộc sống tự do. Sau giờ làm, anh thích bù khú với bạn bè, có khi hứng lên lại theo nhóm bạn phượt vài ngày đến một tuần. Nhưng chị vợ lại là người sống nguyên tắc đến cứng nhắc.
Với chị đàn ông có gia đình hết giờ làm phải xách cặp về nhà, phụ vợ cơm nước, con cái. Chỉ quanh đi quẩn lại chuyện này mà hai vợ chồng thường xuyên cơm không lành canh chẳng ngọt. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là một lần anh đi nhậu với đám bạn, mải mê tăng 2-3 đến tận sáng hôm sau mới về. Sau một trận cãi vã kịch liệt, anh bạt tai vợ, kết thúc luôn cuộc tình 5 năm bằng lá đơn li dị.
“Anh có hối hận vì chia tay vợ không?”. Khi bạn tôi hỏi điều này, anh lắc đầu không chút đắn đo. Anh bảo thực sự từ khi cưới về, anh đã thấy vợ không “hợp” với mình về mọi mặt. Chị quá bảo thủ, nguyên tắc khô khan, lại luôn thích làm theo ý mình, coi chồng dưới dép….Anh không cần một người vợ học hành cao mà chỉ cần người biết nghe lời, tôn trọng chồng. Bạn tôi thở phào vì cô ấy đáp ứng mọi điều mà anh mong muốn.
Nhưng từ khi ngỏ lời yêu đến nay đã hơn 2 năm nhưng chưa bao giờ nghe anh bàn đến chuyện cưới xin. “Con gái thường yếu lòng…”, bạn tôi buồn bã khi kể lại chuyện đã để anh sống chung như vợ chồng gần một năm nay. Anh vẫn quan tâm, săn sóc, chiều chuộng nhưng chỉ có điều mỗi lần cô bạn tôi xa gần chuyện cưới thì anh đánh trống lảng.
Dù bận bịu với công việc, yêu đương nhưng anh vẫn dành thời gian chăm lo cho cô con gái riêng với vợ cũ. Đi đâu, làm gì, anh cũng gọi điện thoại về nhà hỏi thăm con gái dù ở nhà đã có ông bà nội và mấy cô chăm sóc cho bé. “Em rất yêu trẻ con. Em nghĩ làm mẹ kế không khó…”. Một lần cô bạn thân tôi mạnh dạn nói với anh chuyện cô ấy chấp nhận tâm lý làm mẹ kế nhưng anh gạt ngang.
Anh nói bạn tôi sao phải thích kết hôn, ràng buộc nhau làm gì, là tình nhân không thoải mái, hạnh phúc hơn sao? Anh không biết hay giả vờ không hiểu khi bạn tôi đã ngấp nghé tuổi băm và khát khao có một mái ấm gia đình, được làm vợ, làm mẹ. Anh luôn miệng nói: “Anh có một đời vợ nên hiểu rõ hôn nhân, nó là nấm mồ chôn tình yêu…”.
Tôi khuyên cô bạn thân nên dứt khoát với mối quan hệ phức tạp, lửng lơ con cá vàng này. Nhưng bạn tôi đã trót yêu anh nên cứ âm thầm hi vọng một ngày nào đó anh sẽ chán cuộc sống độc thân mà ngỏ lời cưới bạn. Nhưng ngày ấy có lẽ mãi không xảy ra. Cách đây một tuần, cô bạn điện thoại cho tôi, khóc thút thít. “Anh ấy phản bội mình, thì ra anh ta có rất nhiều bồ…”, bạn vừa khóc, vừa kể. Anh có vài số điện thoại và luôn cài pass nên không dễ gì bạn có cơ hội lục lọi “đời tư” của anh.
Anh cũng luôn gần xa, bóng gió chuyện không ưa vợ cũ vì cái tật hay lục mail, điện thoại và nghi ngờ, ghen tuông vô cớ. Bạn sợ là “bản sao” của vợ cũ anh nên không dám hỏi han những mối quan hệ bên ngoài của anh. Nhưng bạn đâu biết rằng sau những lần qua lại vui vẻ bên bạn, anh cũng đầu tư tiền bạc, mua sắm, chu cấp cho hàng tá cô chân dài chỉ để họ phục vụ chăn gối cho anh. “Anh ta là thằng đàn ông ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ cho riêng mình…”, bạn tôi cay đắng nhận ra bản chất của gã đàn ông “chán vợ” ấy. Có lẽ anh ta không yêu người phụ nữ nào ngoài bản thân mình. Anh ta sợ cưới vợ vì sợ sự ràng buộc, kiểm soát. Anh ta chỉ thích cặp kè để có chỗ giải quyết nhu cầu sinh lý mà vẫn đảm bảo cuộc sống tự do.
“Đừng là vợ là chồng
Rồi nhìn nhau chán ngán
Hãy cứ là tình nhân
Để tình ta mênh mông”
Tôi nhớ tới ca khúc một bài hát “Hãy cứ là tình nhân” mà chua xót cho bạn tôi. Đời con gái của bạn, tình yêu, lòng tự trọng và sự tổn thương, tất cả sẽ dày vò, đeo bám theo bạn rất lâu khi bạn kết thúc cuộc tình này.
Tôi lấy chồng lúc 24 tuổi, sau cưới hai tháng thì anh mất do tai nạn lao động. Tôi với cái thai mới tượng hình cùng nhau đi qua gian khổ. Đến năm 42 tuổi, tôi lập gia đình lần hai vào năm 2012 với người hơn mình đúng… 20 tuổi. Tôi nghĩ anh có tuổi như thế, chắc sẽ chín chắn để cùng nương tựa vào nhau đến cuối đời.
Sau khi kết hôn 1 năm tôi quyết định cất lại nhà, mẹ tôi cho tôi một số đất vườn thì anh… xin đứng tên chung. Nghĩ vợ chồng là trăm năm nên tôi không từ chối. Con gái tôi thiếu tình thương cha từ nhỏ nên nó rất quý anh, ngọt ngào gọi “ba”, xưng “con”.
Ba người chúng tôi sống khá hạnh phúc nên từ một căn nhà nhỏ của mẹ con tôi, chúng tôi đã có một căn nhà khang trang. Tôi đã lấy giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng vay 90 triệu đồng. Căn nhà trị giá hơn 200 triệu đồng thì ngoài số tiền vay ngân hàng, bản thân anh, tôi và con gái tôi cũng góp vào mỗi người một ít. Anh làm thợ hồ, tôi phụ bếp ở một dịch vụ nấu đám cưới, con gái tôi đi may gia công.
Thế nhưng sự bất hòa đã bắt đầu từ giữa năm 2014. Anh nhậu nhẹt rồi về chửi bới, đánh đập vợ. Rất nhiều lần tôi đã bỏ qua vì cho rằng “rượu nói, rượu làm”. Ai ngờ anh càng nhậu và quậy nhiều hơn, không những anh chửi tôi mà chửi cả con gái tôi bằng những lời thô bỉ.
Chửi vợ xong, thấy tôi giận, anh về nhờ mẹ ruột anh sang… năn nỉ tôi để gia đình sum họp. Mẹ anh mất, con gái anh đi năn nỉ tôi tha lỗi cho ba nó cái tật nhậu vô là đánh chửi vợ con. Tôi cứ nghĩ, đời mình 2 lần đò mà cũng đã vào tuổi xế chiều, thôi thì cứ im lặng cho vẹn tròn một mái gia đình. Nhưng anh chửi quá, con gái tôi đã dọn ra nhà trọ. Tôi đắng lòng nhìn con gái xách gói ra khỏi căn nhà hai mươi năm êm ấm của mẹ con mà không biết nói lời nào…
Nhà còn lại hai vợ chồng, những tưởng anh sẽ được thoải mái. Nhưng anh bắt đầu “hành” vợ bằng những “chiêu” từ internet. Tôi không làm được như thế thì anh mắng: “Mày con thua mấy con đĩ nữa! Tao bảo sao thì tụi nó làm theo vậy, còn mày là vợ sao không biết nghe lời chồng gì hết!”. Đau đớn, tủi nhục tôi bỏ ra nhà trọ sống với con gái. Bây giờ tôi là người có nhà như không, đi làm cũng không dám vì ra đường sợ anh bắt gặp.
Tôi muốn ly hôn. Cuộc sống hôn nhân đã làm tôi đau đớn từ tinh thần đến thể xác. Nhưng nghĩ tới việc phải chia số tài sản mà trót để anh đứng tên chung thì thấy sao mà cay đắng quá! Mấy năm sống chung, ngoài số tiền anh góp với mẹ con tôi lúc sửa nhà thì anh không hề góp một khoản nào khác. Các khoản sinh hoạt phí của anh đều do mẹ con tôi “bao” hết. Vậy mà anh vẫn còn chưa hài lòng hay sao mà cứ khuấy động mái gia đình?
Muốn ly hôn nhưng nghĩ cảnh đứng trước tòa trả lời vì sao phải chia tay khi ai cũng đã bước vào cuối dốc của cuộc đời khiến tôi buồn thê thảm…
Trời không mưa, không nắng mà những chiếc lá vẫn cứ úa màu phai. Em không vui, không buồn mà cứ ở lưng chừng nỗi nhớ. Có khi nhớ quay quắt, có khi miên man gọi về miền ký ức không màu, nhẹ hẫng.
Sợ mùa mưa sẽ trở thành mùa nhớ, nên đôi khi bỗng thấy cần một chút nắng nhàn nhạt lúc chiều tàn. Để nhuộm tím nỗi buồn và đôi chút cô quạnh. Thấy đời mình cũng như ly café đắng chảy tràn trong cơn mưa lạc mùa. Cô liêu đến hoang tàn, nhàu nhĩ một bờ vai và một cái xiết tay vội vã, rồi buông, ơ hờ trong hoang hoải mùa mưa. Thương… và nhớ.
Người ta vẫn thường nói: xa thương gần thường. Em không cố phân biệt đúng sai, đôi khi, chẳng biết vô tình hay hữu ý, ta cứ nhớ nhau quay quắt, cứ lục tung những kỷ niệm cũ mèm để hong ấm lòng mình, để khỏa lấp khoảng trống cứ ngày càng rỗng rễnh phía không anh, và không em. Vậy mà… khi ta gần nhau lắm, khi ta cố với bàn tay mình trong gió, sẽ chạm vào bàn tay kia, lại cứ thấy xa vời, lại cứ thấy khoảng cách giữa hai đứa càng rộng dài thêm nữa. Có lẽ, em sợ nhìn vào ánh mắt anh, sợ chạm vào những khắc khoải trong chiều đông ủ dột. Em sợ chạm vào đồi dã quỳ vàng thẫm trong nắng sớm cao nguyên. Sợ không thoát ra được rẫy cà phê chín bói, thi thoảng lại đỏ lên những khoảng lặng như màu máu tim đau. Có lẽ, anh sợ chạm vào mong manh trước cơn gió cuối mùa. Sợ chạm vào giọt nước mắt rớt xuống đời còn ấm nóng. Có lẽ, ta… sợ chạm vào nhau.
Tình yêu… như trò cút bắt. Càng gần thì càng xa, càng xa lại càng gần. Càng cố nắm bắt thì càng thấy mơ hồ. Càng cố thoát khỏi lại càng bị trói chặt như vô thức. Thi thoảng, em vẫn ngược về miền nhớ, tìm trong đó đôi chút bình yên đã đi qua, cũng chẳng biết để làm gì. Có lẽ, để thấy lòng ấm lại khi Sài Gòn đã vào mùa mưa, lạnh, và trống trải. Thi thoảng, em vẫn một mình lên cây cầu không tên – nơi ngày xưa anh đã đứng đó, cười với em nụ cười chao chát nắng Tây Nguyên. Em thả rơi lòng mình trong gió. Gió nhiều lắm. Gió của những ngày chớm thu. Gió của chút heo hắt đông về. Gió thổi tóc em bay theo những vụn vỡ trong lòng.
Ngày xưa, ta đã đứng đây, ngay chỗ em đang đặt bàn chân mình lên những kỷ niệm. Ngày xưa, em đã giấu đi giọt nước mắt yếu mềm vào màn đêm đặc quánh, và… lặng im. Em đã không òa lên rằng tim em đang ồn ào, đang mệt mỏi, đang ngổn ngang lắm. Em đã không bật khóc thành lời để nhạt nhòa gọi anh ôm em đi, ôm chặt thêm chút nữa. Em dựa vào vai anh và nhắm mắt, để mặc bao cảm xúc cứ hằn lên những vệt xước trong lòng. Em đã gạt đi tất cả, để lòng mình rỗng lặng, để nghe hơi thở mềm của anh đang chảy nhẹ vào đêm. Em chẳng đan tay mình vào tay anh để khỏa lấp khoảng trống đang dần đầy lên, chỉ lặng nhìn anh đánh rơi đáy mắt ở phía xa xa chân trời, nơi đó, có vì sao nhỏ nhoi và cô độc, như anh, và như em khi quay quắt tìm hoài phía không nhau…
Những chiếc lá tiễn mùa đã nhạt phai đời mình một nửa. Chẳng còn xanh nổi đêm nay khi những cơn gió đã gọi mùa mới đến, và… mùa cũ đi qua. Em ngồi đây, lặng nghe lòng mình trống vắng. Nhặt sợi tóc vô ý rơi trên áo, bỗng thấy thương vai mình gầy. Đừng xa nhau nữa được không? Đừng tự dối lòng mình để nỗi đau lại vỡ òa tiếng khóc. Người ta vẫn thường nói “Có những sai lầm sẽ mãi là sai lầm và ta đau khổ khi nhận ra mình sai lầm, nhưng nhờ có nó ta bỗng giật mình: điều sai lầm duy nhất của ta là phủ nhận những gì trái tim ta thật sự cảm nhận…”. Đừng phủ nhận những rung động của con tim, ở đâu đó quanh đây, em vẫn nhìn thấy nụ cười anh lấp nắng, như những chiếc lá đang nắm tay nhau tiễn mùa đi.
Thương, và nhớ….
NGÔ THÚY NGA
– Nhỏ to tâm sự chuyện tình cảm tình yêu hôn nhân gia đình và cuộc sống