Category Archives: Truyện ngắn

Phận dì tôi

Hồi bé, cũng những sáng mùa Thu thế này, khi màn sương mỏng chưa tan hết, mùi đất ẩm còn nồng, tôi lại tha thẩn theo dì ra đường cái quan đón ruổi. Hai bên vệ đường cây cối xay mọc um tùm, những cánh hoa vàng mong manh khẽ rung theo chiều gió…

Dì tôi - Ảnh minh họa
Dì tôi – Ảnh minh họa

Không hiểu sao người ta vẫn gọi những người bán cá là ruổi, chỉ biết từ sáng tinh mơ chưa rõ mặt người họ đã ra bãi ngang đón thuyền về, tiếng í ới gọi nhau, tiếng chành chọe tranh giành ầm ĩ. Có lẽ vì họ rong ruổi khắp từ bãi ngang lên đến phiên chợ xép nên gọi là ruổi, cũng vì “bản năng sinh tồn” trong môi trường như vậy nên bọn họ ai cũng có vài món võ chửi, chanh chua, đanh đá.

Sau khi chất cá đầy quang gánh, họ bắt đầu chạy. Hình như cuộc đời của họ sinh ra là để chạy. Chạy lên mười cây số, chạy về mười cây số, dọc đường ai hỏi mua thì dừng lại, có người hỏi thách không mua thì mấy bà văng vài câu chửi tục xong ghếch chân bên vệ đường tè “xả xui”. Chính cái vẻ ngoa ngoắt quá đáng đó nên mẹ ghét, mỗi lần bà sai đi mua cá là dì phải đi, dì thật thà hỏi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu không hề mặc cả nên mấy bà khoái, sáng bảnh mắt chưa thấy dì là dò hỏi um sùm…

Ngoài việc mua cá ra dì còn muốn tìm một chút gì đó là cảm giác yêu thương của người đi xa qua dáng vẻ tảo tần của những người đàn bà ốm tong teo miền biển. Dì và chú quen nhau khi hai Chi đoàn cùng tham gia làm đập thủy lợi. Dáng vẻ nhanh nhẹn, chắc nịch cùng nụ cười có duyên của chú đã hớp hồn dì ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hôm dì đưa chú về nhà, biết chú dân làng chài lại con nhà ruổi mẹ bực lắm, hết dỗ dành lại dọa nạt. Mẹ bảo “lấy chồng miền biển khổ lắm, lúc nào cũng lênh đênh sóng nước, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập. Với lại tao thấy thằng này mặt mũi nó có gì bất ổn, giả tạo lắm ”. Mặc! Dì chỉ ậm ừ cho qua rồi đâu lại vào đấy. Ngày chú nhập ngũ dì khóc như mưa, còn mẹ thì hí hửng, khoảng cách là kẻ thù của tình yêu mà lại. Thực ra mẹ thương dì thì đúng hơn, dì là con út nên bà và mẹ nuông chiều từ nhỏ, chỉ sợ dì vất vả…

Dì buồn ít nói và hay cáu gắt nên tôi không dám vòi vĩnh, dì nhìn theo vòi vọi bóng dáng mấy bà bán cá đi khuất, trong đôi mắt dì ẩn chứa những điều khó tả… Mỗi trưa thứ bảy dì lại ra cửa ngóng chú giao liên, hôm nào có thư dì khẽ đưa tay lên môi ra hiệu im lặng, dì lặng lẽ ra gốc chuối sau vườn đọc thư lúc nào đọc xong thư đôi mắt dì cũng đỏ hoe. Một lần vô tình bị tôi bắt gặp, dì lau vội nước mắt cất giọng ngăm nghe “bép xép với ai thì liệu hồn” nói vậy nhưng dì nhát như cáy nên một lúc đã đấu dịu “đừng nói với ai rồi vài hôm đi chợ huyện dì mua bánh trung thu cho”. Dì quái thật! Chỉ có cái bánh trung thu cái thứ thời bấy giờ hiếm như mì chính cánh với vị ngọt, mềm, bùi bùi, ngầy ngậy của miếng thịt mỡ dày cộp, mới nghĩ đến nước miếng đã tứa đầy mồm may ra mới có thể bịt được cái miệng bép xép của tôi. Những lúc dì đi vắng tôi còn tình nguyện nhận thư, giấu thật kỹ trưa mang ra cho dì, không quên nhắc lại điều kiện…

Ngày cưới, dì vui vẻ vì lấy được người mình yêu còn mẹ thì bực lắm nhưng đành chép miệng “đất không chịu trời thì trời đành chịu đất vậy”. Tôi còn bé nên không được đi đưa dâu, một mình ra đường cái quan khóc tấm tức. Con đường đất bụi cuốn lên đỏ quạch, những cụm cối xay khô quắt mỗi lần có cơn gió thổi cất tiếng kêu như tiếng chuông gọi về một cõi xa xăm.

Lâu lắm kể từ ngày lấy chồng dì mới có dịp trở lại, cùng đoàn ruổi quẩy cá lên bán. Dì có vẻ buồn hơn trước, trên gương mặt trắng mịn giờ đã sạm màu gió cát, hơi có vị tanh tanh mặn mòi của biển. Dì lùa vội bát cơm nguội từ tay mẹ rồi tất tưởi chạy cho kịp phiên chợ mai. Mỗi lần về dì lại khe khẽ lau nước mắt, ngoài vẻ lam lũ còn ẩn chứa nét cam chịu.

Lần này dì trở về mà không quẩy gánh cá như mọi lần, vừa vào nhà là sà vào lòng mẹ khóc nấc nở, trên mắt trái hằn một vết bầm tím, con mắt bầm máu đỏ lừ.

“Nó theo con mẹ chủ tàu nên ngược đãi dì phải không? Thôi! Lên đây, chị em rau cháo nuôi nhau”, dì càng khóc to hơn lắc đầu quầy quậy, nói vậy thôi chứ mẹ biết đời nào dì dám bỏ lại đàn con với bà mẹ chồng ngoài bảy mươi tuổi, ai bảo trời sinh ra dì có tấm lòng đức độ.

Buổi chiều tiễn dì về, nắng Thu trải màu vàng nhẹ khiến lòng buồn thăm thẳm. Dì cho tôi cái bánh trung thu nhỏ xíu, vẫn hương vị ngọt ngào nhưng mặn chát, lần đầu tôi thấy bánh không còn ngon nữa, bên vệ đường những quả cối xay khô quắt rung rung như tiếng chuông reo.

 

Đình Dũng

Giả vờ…

Mỗi lần về, em chỉ ở nhà với bố mẹ và các cháu, chẳng đi chơi đâu. Lang thang trên những con đường làm gì, khi mà chắc chắn nó sẽ gợi nhớ những ngày xưa, về những thứ mà em đang muốn cố quên đi, và luôn phải giả vờ là đã quên.

 

Giả vờ quên
Giả vờ quên

Em đã cố cầu mong cho xa cách sẽ làm nhạt nhòa tất cả, cho không còn day dứt, không nhớ thương vơi đầy nữa. Khi có ai vô tình nhắc đến anh sẽ không giật mình thảng thốt như xưa, có thể lặng yên nghe và cười. Em đã nhủ sẽ xem đó chỉ như một kỉ niệm đã qua, không hối tiếc, không níu kéo… Để mỗi lần nghĩ đến lại mỉm cười vì mình đã trải qua hết mọi cung bậc của tình yêu.

 

Rồi còn tự “lòe” mình bằng cách hi vọng rằng chỉ cần gặp tình cảm mới sâu sắc, mạnh mẽ, người yêu mới tuyệt vời, một gia đình hạnh phúc cùng người chồng hơn hẳn người yêu ngày xưa thì sẽ quên bẵng, quên hẳn luôn được, nhưng đến giờ cũng chẳng thể nào nhung nhớ ai ngoài anh, nên vẫn mãi trân trọng, mãi nhớ, mãi tiếc nuối tình cảm đã khiến em rung động, ngu ngơ, khờ dại… đó thôi.

 

Có lần, bất chợt nhìn bức ảnh chụp đứa bạn cũ đang vui đùa trên con phố có hàng cây xanh rì quen thuộc, mà lòng em đã lặng trong giây lát, sẽ sàng nhớ nhung. Cả một bầu trời yêu em vẫn ấp ủ, canh cánh trong lòng hiện về. Và em luôn tự băn khoăn hỏi mình, em vẫn yêu anh, hay chỉ là đang thầm tiếc quá khứ quá đỗi hạnh phúc ấy? Ngày anh ở bên, đâu có ai được hãnh diện và may mắn nhiều bằng em.

 

Anh quyết tâm ra đi vì có lẽ cái tôi trong anh còn lớn hơn cả tình em, khiến cho con bé cứ phải giả vờ mỉm cười mà không hay nước mắt đã đầy ứa con tim. Em cứng cỏi dối lòng rằng xa anh em vẫn ổn, không việc gì phải theo anh đến cái nơi xa lạ, đầy hào nhoáng vô vị ấy. Để rồi lúc không được nghe giọng nói thân thương, em mới hay hóa ra mình quá yếu đuối. Muốn biết tin tức về anh đến cồn cào ruột gan, mà cứ giả vờ như không thèm để ý…

 

Ngày tháng trôi đi, em cứ giả vờ bận rộn, cố làm cho mình thấy đã không nhớ đến ai từ rất lâu rồi. Vẫn giả vờ mạnh mẽ, dẫu vẫn rất yếu lòng nơi góc phố mang tên Kỉ niệm.

 

Em cứ giả vờ lạc quan, em xinh xắn, em yêu đời, em tràn đầy sức sống thế, rồi anh sẽ trở lại, với nồng nàn, mãnh liệt. Nhưng em dần cảm thấy và không hiểu vì sao mình bỗng trở nên dễ tuyệt vọng đến vậy.

 

Em mãi ra vẻ mình đang vô cùng hạnh phúc, quá đầy đủ và rất hài lòng với cuộc sống tự do, tự tại làm mọi điều mình thích. Con bé tội nghiệp cứ giả vờ. Giả vờ mãi… cho đến khi lòng chùng xuống, nhận ra, đâu còn ai muốn quan tâm xem mình đang giả vờ hay không?

Và giờ đây, em vẫn nhớ anh, rất nhiều. “Phương trời xa anh bình yên nhé!”

Theo Bình Yên/ Dân Trí

Nghĩa tình tấm mẳn

Trên đường về quê, chồng sắp cưới của tôi dặn dò: “Ông bà ngoại của anh theo đạo “hồi”… đó. Em nghe có chán thì kiếm cớ lảng ra, ví như là xin phép đi ra đồng chẳng hạn. Nhớ đừng hỏi ông bà ngoại điều gì thêm nha”.

Tình già

Biết anh dọa cho vui, nhưng cũng thấy lo, vì đây là lần đầu tiên tôi ra mắt ông bà của chồng sắp cưới. Nhưng, khi thấy ông bà ra đón chúng tôi tận cổng, nỗi lo ấy đã nhanh chóng biến mất. Ông cười móm mém: “Sắp nhỏ đi ngoài đường thấy tụi mày xuống xe, chạy u về cho ngoại hay”. Gỡ điếu thuốc rê trên môi xuống, ông tiếp: “Vô nhà nghỉ ngơi rồi ăn cháo vịt. Mấy con vịt xiêm này hồi mới đem về bằng nắm tay, bà ngoại mày nuôi sao có mấy tháng mà nó lên ba, bốn ký”.

Anh bấm tay tôi, nháy nhó: “Sắp rồi, sắp rồi…”. Y như rằng, bà ngoại tiếp: “Thì cũng nhờ ông, hồi tụi nó mới mặc áo lá, ông lo thuốc men, nên mới khỏe vầy…”.

Cứ vậy, ông ngoại một câu, bà ngoại tiếp một câu. Thấy khuôn viên nhà ngoại rộng mênh mông, trồng toàn cây ăn trái, hoa kiểng, tôi thắc mắc: “Trời, rộng vầy sao ông bà ngoại chăm sóc nổi?”. Ông ngoại đầy vẻ tự hào: “Nhằm nhò gì, hồi ông bà ngoại mới về đây, chỗ con đứng là ruộng. Rồi ông đào ao, bà bưng đất đổ, cả năm trời mới thành cái nền này”. Chỉ bộ ván gõ dày cả tấc, ông kể, có được là do hồi bà ngoại đi mua bán gạo ngoài chợ để dành tiền sắm. Bà nói, ngoại mang tiếng vậy thôi chớ hồi đó gánh gồng, khuân vác gạo đều do một tay ông ngoại bây. Cảm động nhất là khi nói về từng người con cháu qua những tấm hình được lộng kiếng nơi cái bàn gỗ dài để giữa nhà, ông bà nhớ rõ từng chi tiết như: “Hồi sanh con Hai, ổng ẵm ngoại chạy băng băng qua mấy cánh đồng”; “Hồi bả sanh thằng Tư, ông bị bệnh gan nằm liệt cả tháng trời, vậy mà hổng hiểu sao bả vừa chăm ông, vừa chăm con được ráo”. Rồi chỉ lên bàn thờ, có hình ông bà cố, giọng ông ngoại đầy phấn khích: “Hồi còn sống, ông bà cố cưng bả lắm nghen. Đi đâu cũng khoe con dâu tui”…

Mỗi lần ông nói, bà nghiêng nghiêng đầu lắng nghe rồi cười, mắt nheo nheo, lấp lánh nhìn ông. Gần 60 năm chung sống, có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, nhưng với ông bà ngoại hình như những điều buồn phiền không hề đọng lại một chút gì, hoặc nếu có thì lập tức được biến sang sự sẻ chia, nương tựa, như khi nói về chuyện người con gái đã chết vì tai nạn giao thông, bà chỉ tay sang ông: “Hồi đó không có ông ngoại bây an ủi sớm tối, chắc tao chết theo dì Út bây rồi”.

Càng lúc, tôi càng bị hút vào câu chuyện của ông bà ngoại, khâm phục từng chút trân trọng ông bà dành cho nhau. Có lẽ chính từ sự trân trọng đó mà ông bà được cả xóm đem ra làm gương cho con cháu. Riêng tôi, những chương hồi trong cuộc đời ông bà là bài học lớn, dạy tôi biết trân quý tất cả những gì người khác mang đến cho mình, mà gần nhất là với người sẽ cùng tôi đi đến hết cuộc đời sắp tới.

NGỌC QUÝ

Khoảnh khắc

Cô tự nhủ đây là lần cuối cùng mình khóc cho quá khứ, sống trong quá khứ.

Đêm nay là 15 âm, trăng sáng, sáng vô cùng, sáng đến mức tưởng như soi rọi mọi ngóc ngách tâm hồn Hạ Vân. Thời gian trôi đi nhanh quá! Đã rất lâu rồi, cô cũng không nhớ rõ, có lẽ là kể từ ngày ấy… cô đã không ngồi ngắm trăng. Khi lấy chồng rồi công việc gia đình, công việc riêng bận rộn, cô cứ đặt mình là ngủ, chẳng nghĩ ngợi được gì nhiều. Cứ tưởng cuộc đời sẽ lặng lẽ trôi đi như vậy.

Cứ ngỡ quá khứ đã ngủ yên. Vậy mà trong khoảnh khắc này, đối diện với ánh trăng, cô như đang chìm vào một cõi khác. Giọt nước mắt lăn trên má, “Mình khóc ư?”, cô giật mình lau vội. Chiếc điện thoại trên tay run bắn, tin nhắn cứ xóa rồi lại viết, rồi lại xóa… Cuối cùng nó cũng được gửi đi mà không có một từ nào. Tin nhắn trống nhưng lòng cô không trống. Có những điều lời nói chẳng bao giờ san sẻ được.

Nếu không gặp lại Lâm – người bạn từ thuở sinh viên, có lẽ cô cũng sẽ không trải qua những phút giây như thế này. Trong câu chuyện về một thời để nhớ, Lâm đã gợi nhắc đến một cái tên: “Anh Thanh Sơn mới về nước đấy”. Vân đỏ mặt, tròn xoe mắt. Lâm lại tiếp tục: “Anh ấy trông già đi nhiều lắm nhưng vẫn rất đẹp trai, mày nhìn xem số điện thoại của anh ấy, chứng tỏ vẫn không quên được mày đâu”.

09… 151. Vân lặng người. Ba con số cuối cùng như nhảy nhót trước mắt. Trái tim cô loạn nhịp bồi hồi. Con số của quá khứ. Con số của kỷ niệm. Con số trọng đại. Chính vào ngày của những con số ấy, Thanh Sơn đã vượt qua biết bao anh chàng con nhà giàu bước vào trái tim Vân. Số điện thoại này chỉ nhìn một lần là Vân đã nhớ, đã không thể loại nó ra khỏi đầu nữa.

Đêm nay ánh trăng sáng quá! Sáng như ánh trăng của ngày ấy. Bởi vậy Vân đã không thể cầm lòng. Sau khi nhắn tin xong, cô vội tắt máy. Cô thấy sợ. Cô lên giường nhắm mắt. Cô không ngủ được. Cô dạy bật ti vi rồi lại tắt. Cô lại bật điện thoại và chạy ra ngoài. “Em!”- Tin nhắn đến chỉ thế thôi cũng đủ để trái tim cô tan chảy.

Đã một tuần trôi qua, Vân luôn sống trong đau khổ pha lẫn hạnh phúc. Thanh Sơn vẫn còn yêu, thậm chí yêu mãnh liệt. Vân có lẽ cũng vậy. Nhưng cô lại đang sống trong dằn vặt ghê gớm. Cô nghĩ bấy lâu nay mình chưa sống thật với chính mình. Cô nghi ngờ tình cảm mình dành cho chồng. Cô mong anh đi công tác lâu hơn nữa để cô không phải chia tay với giấc mơ ngọt ngào này. Chồng cô không đẹp trai, không lãng mạn, không ngọt ngào… không phải là mẫu người đàn ông như Thanh Sơn nhưng anh chân thành, yêu cô thật sự – một tình yêu giản đơn có phần chất phác.

Trong suốt hai năm xa Thanh Sơn, nếu không có anh, cô có lẽ sẽ không vượt qua nổi những khó khăn chồng chất. Hai năm đó không thể đếm hết số lần cô đã khóc. Những lần đó, anh luôn đến bên cô và lần nào cũng vậy, lặng lẽ đưa khăn giấy cho cô lau nước mắt. Lâu dần, cô đặt biệt danh cho anh là “anh khăn giấy”. Cô luôn nghĩ anh chàng ngốc đó chỉ biết yêu thôi mà chẳng biết làm gì khác để thể hiện tình yêu, để chinh phục trái tim cô. Vậy mà Thanh Sơn hai năm không liên lạc, cô nhận lời lấy anh. Vì sao ư? Cho đến tận bây giờ cô cũng chẳng hiểu được. Và nếu không có những khoảnh khắc tâm lý bị dồn nén như lúc này, cô cũng sẽ chẳng bận tâm cắt nghĩa mà mặc nhiên nhận lấy tất cả.

Hôm nay anh sẽ về, Vân đứng ngồi không yên. Cô sợ phải đối mặt với anh. 2h đêm, anh đã ngủ say mà Vân không thể chợp mắt. Thấy có tin nhắn, cô vội vã ra ngoài: “Em! Anh muốn gặp em. Ngày mai tại khách sạn… vào lúc 8h… anh đợi em”. Mắt cô nhòa đi. Cô lóng ngóng đánh rơi điện thoại khi giật mình nghe tiếng chồng bên tai:
– Vân! Không ngủ được à? Em khóc à? Trán em nóng lắm, em ốm à?
Vân bất thần gục vào anh như hàng trăm lần trước đây từng như vậy, líu ríu:
– Em xin lỗi, em ốm, ốm thật rồi.

Hôm sau, Vân xin nghỉ ở nhà. Anh ở bên chăm sóc cô cả ngày nhưng đến tối lại có việc phải đi gấp, chắc phải mấy ngày nữa mới về. 7h30, cô chạy vào tủ tìm bộ quần áo đẹp nhất rồi ngồi vào bàn trang điểm. Nhìn mình trong gương, cô tự hỏi mình đang làm gì thế này? Nếu mình đi, mình sẽ đi để được ôm anh, cái ôm mà mình khao khát bấy lâu. Nếu mình đi, anh ấy sẽ thế nào? Hai năm vợ chồng… Khoảnh khắc này thật quá áp lực với cô.

12h đêm… thị xã đã đi ngủ. Hôm nay trời không trăng nhưng có rất nhiều sao, cô vẫn ngồi bất động nhìn lên bầu trời, nước mắt tuôn rơi. Cô tự nhủ đây là lần cuối cùng mình khóc cho quá khứ, sống trong quá khứ. Còn ngày mai, sẽ khác…

12h đêm, tại một khách sạn cách đó không xa, một người đàn ông cũng ngồi bất động nhìn lên bầu trời đầy sao. Anh đã ngồi như thế từ lúc 8h. Rồi bỗng nhiên, anh ứa lệ. Anh lau vội bằng chiếc khăn giấy trên tay, chiếc khăn giấy đã nhiều lần anh lau nước mắt cho vợ nhưng đây là lần đầu lau cho mình. Anh cười hạnh phúc: “Vợ ơi! Cảm ơn em, cảm ơn em đã không đến!”…

Hiểu Mai / (Truyện ngắn của tôi)

Nếu giận anh, hãy mở quà

Anh hay nhường nhịn và tôi cũng thường im lặng tự vấn lại mình, thành ra hai đứa hiếm khi cãi nhau. Anh cũng như tôi luôn sợ sự cáu giận để lâu gom lại, một ngày nổ bung ra thì nguy to. Hai đứa cứ mãi lo xa như thế.

Nhân ngày “không sinh nhật”, anh ôm tặng tôi một hộp quà ghi tên “Trút giận” to cỡ màn vi tính 17 inch, dài bằng cái bàn phím, gói kỹ càng đặt trong chiếc túi với lời nhắn: “Giận anh, hãy mở quà”. Tôi rất háo hức song lại không mong chờ ngày ấy. Thành ra cứ thấp thỏm, mở hay không.

Nếu giận anh, hãy mở quà
Nếu giận anh, hãy mở quà
Tôi gần như quên nó cho đến một ngày, anh khiến tôi cáu nên hằm hằm bỏ về trước. Anh không kịp đuổi theo… Về đến nhà, tôi điên tiết tắt máy, nằm gác tay lên trán, mặt nóng bừng bừng. Đúng lúc ấy hộp quà treo trên tường đập vào mắt. Tôi liền hạ nó xuống, lấy dao dọc mở thật cẩn thận.

Một hộp nhỏ hơn nằm lọt bên trong hộp to ấy, phía trên dán tờ giấy: “Em giận anh thế cơ à? Sao không gặp thẳng anh nói chuyện, mở quà ra làm chi? Dù có thế nào anh cũng muốn nói với em: Hãy bình tĩnh người yêu dấu, anh luôn yêu em, vì em là lẽ sống của đời anh”.

Tôi bất ngờ, tự dưng thấy nguôi nguôi khi nghĩ lại nguyên nhân khiến mình đùng đùng bỏ về cũng thật vô lý. Đang định dẹp tất cả sang một bên, lao đi tìm anh và làm hoà nhưng rồi tôi lại tò mò bóc tiếp, vì thấy tựa như búp bê Matrioshka của Nga, khi phía trong lại là hộp quà nhỏ hơn, trên mặt là một icon cười nhăn nhở, giơ tấm biển mang dòng chữ “Xin lỗi mà” ngộ nghĩnh, đáng yêu không thể tả. Kẹp phía trong có bức hình chúng tôi đang cười hạnh phúc bên nhau, và vẫn kèm theo hộp quà gói giấy màu bé hơn, trên là tấm hình có lẽ anh copy trên Internet. Một cậu bé mặt buồn thiu, đang cõng nặng trĩu trên lưng còng gập, dòng chữ “Hối hận” bằng tiếng Anh. Miệng “I’m sorry” nom thật tội nghiệp.

Tôi bật cười, không nén nổi háo hức, liền hăm hở mở. Bên trong là chiếc hộp nhỏ xinh bằng thuỷ tinh chứa năm mươi đồng xu hai trăm đồng kêu leng keng vui tai tượng trưng cho tổng số tuổi của hai đứa. Đến lúc này thì tôi không còn giận anh một chút nào nữa. Giờ có mở thì cũng chỉ vì tò mò cố đi đến tận cùng của “câu chuyện” thôi chứ không phải trút giận gì ai.

Đưa tay đây, anh chỉ cho em hạnh phúc

Xung quanh em mọi người đều hạnh phúc, vậy em thì sao?

 

Em!

 

Đã bao giờ, em tự hỏi trong những hạnh phúc em đang đi tìm đâu mới là hạnh phúc em cần chưa?

 

Em đã bao giờ, thử một lần suy nghĩ về những điều em đang cố gắng, cho thứ hạnh phúc em gọi là hạnh phúc mong chờ chưa?

 

Đã bao giờ em nghĩ những gì mình làm là đúng hay sai, là sai lầm hay đúng đắn chưa?

 

Tôi biết, em đã từng đi qua những tháng ngày đau thương không đáng có, vì em đã yêu bằng một trái tim quá nhiều mộng tưởng.

 

Em cứ như nàng công chúa, mãi sống trong thế giới cổ tích của mình mà không chịu bước ra cùng hiện thực.

 

Em đã mơ những giấc mơ đẹp quá, em đã tin những niềm tin lung linh quá, và em đã yêu một tình yêu mà em luôn hy vọng sẽ đẹp như những giấc mơ kia… Đấy chỉ là mộng tưởng thôi em…

 

Tôi biết em đã khóc cho những nỗi đau rỉ máu trong tim từng ngày, từng ngày qua.

 

Những nỗi đau chẳng ai làm chủ, những nỗi đau chỉ của riêng em và cũng chỉ mình em hiểu..

 

Em đã khóc như thể em đang trút đi nước mắt, em có biết tiếc không em những giọt yêu thương, em có biết tiếc những niềm vui bị chìm trong nước mắt?

 

Đưa tay đón hạnh phúc
Đưa tay đón hạnh phúc

Em có tiếc không em những ngày em nhìn đời qua đôi mắt khóc?

 

Tôi hiểu, em luôn muốn tìm cho mình một chỗ dựa, một cái ôm, một bàn tay, tôi cũng hiểu em cần một ai đó nhiều hơn những gì em thể hiện, em yếu đuối gấp ngàn lần cái vẻ ngoài mạnh mẽ của em…

 

Nhưng sao cứ phải gồng mình lên như thế hả em?

 

Em đang cố làm chỗ dựa cho bao nhiêu người, nhưng chính em lại không có nỗi cho mình một điểm tựa, thì em sẽ ngã thôi em à…

 

Ngã vì gánh lên mình quá nhiều đau thương của đời…

 

Em đã bao bao giờ nhận ra mình mù quáng khi luôn tặng đi những yêu thương vẹn nguyên để rồi nhận về những mảnh vỡ nát tươm…

 

Em có biết em thật ngốc bởi sau mỗi lần đau, em lại yêu nhiều hơn và niềm tin cũng vì thế mà nhân lên…

 

Có thể em thích sống với những suy tư của mình, em muốn sống trong cuộc sống nội tâm của em mà chỉ mình em hiểu…

 

Em luôn muốn mọi người chia sẻ với em những vần đề của họ, em luôn muốn những người quanh em coi em là một ai đó họ cần khi tâm sự, nhưng những suy nghĩ của em, em chưa từng dám chia đi cho bất kỳ ai…

 

Em chỉ dám giữ nó cho riêng mình… Em biết thế là ích kỷ không em?

 

Sao em cứ cố chấp giữ những mảnh vỡ yêu thương kia cơ chứ, chẳng phải tim em đang rách ra vì những vết cứa kia ư? Sao em không dám cho đi để về cùng thanh thản? Sao em lại sợ chính yêu thương em mong đợi?

 

Em đã bao giờ nhận ra suốt những ngày qua em đi tìm một thứ chỉ nằm trong giấc mơ, trong khung tranh mông tưởng chưa?

 

Em có nhận ra, cuộc đời em với những tháng ngày đã qua luôn là những cái ngoái đầu để nhớ và những cái nhìn với theo…

 

Em luôn vô tình ngoái đầu lại phía sau, để rồi gặp một ai đó, một cái nhìn mà em luôn mải miết đi tìm những ngày sau đó, những cái chỉ đến duy nhất một lần. Và cũng là em luôn thích đứng nhìn ai đó từ phía sau lặng lẽ

 

Em luôn ở đâu đó phía sau nhưng lại chẳng bao giờ đủ can đảm để có thể ở bên ai đó, một cách song song, để một ngày giữa dòng người bon chen, bóng hình đó vút xa khỏi tầm mắt em, và em lại tiếp tục đi tìm hình dáng em vô tình để lạc…

 

Em cứ mãi nhìn với theo khoảng không trống vắng trước mắt em, em cứ mãi tìm cho dù là không thấy…

 

Đã bao giờ thử một lần tập quên những cái nhìn: một lần rồi nhớ mãi kia chưa?

 

Đã bao giờ em thử tiến lên để đứng cạnh ai đó em yêu thương chưa?

 

Đừng mãi làm cái bóng đi sau ai đó mãi thế em, thử bước lên đứng trước hạnh phúc của mình một lần đi em!

 

Em sẽ thấy cuộc đời em không chỉ mãi là những cái nhìn ngoái lại và những lần với theo thế nữa.

 

Sao em lại yêu những cảm xúc của mình nhiều như thế?

 

Sao em lại yêu những giấc mơ kia đến thế?

 

Sao em cứ để những thứ chỉ thoáng qua kia in hằn mãi trong trí nhớ?

 

Đó chỉ là một cái nhìn, một cảm xúc đã qua, một giấc mơ chẳng thể thành hiện thực thôi em à!

 

Tạm cất chúng đi ngay cả khi chúng là những kỷ niệm rất nhiều và rất đẹp… Gói gọn chúng vào miền quá khứ đi em…

 

Đưa – tay – đây, tôi kéo em về cùng hiện tại…

Đưa – tay – đây, tôi chỉ em lối đến yêu thương…

 

Hạnh phúc mùa Xuân

( “Em muốn sinh con”, Khương ngái ngủ: “Bao giờ?”.
Ngay bây giờ, em muốn làm tình không dùng bcs”. Khương giật mình, tỉnh cả ngủ…)

* * *

Lần đầu gặp mặt, Hân ngỡ ngàng khi “đối tượng” là một thanh niên mặt búng ra sữa. Thế nhưng, hắn luôn mồm xưng anh và gọi cô là em.

Hân quen Khương trên một trang web hò hẹn online. Tất cả khởi đầu từ một đoạn giới thiệu mang đầy tính khiêu khích: “Trần Lê Ngọc Hân, viết lách tự do, sinh năm 1974, tuổi Dần. Ai không sợ bị thịt thì cứ nhào vô”.

Anh sẽ lại cưa em nhé

Phần 1 : Yêu có cần phải nói

NHỮNG CÁNH TRẦU MANG ƯỚC MƠ BAY

Tác giả : Nguyên Lê

Đau khổ nhất là khi người ta có thể nhìn thấy nhau , biết mình cần nhau , mà phải lẳng lặng chôn vùi yêu thương , vì những duyên cớ số phận sắp đặt an bài

Continue reading Anh sẽ lại cưa em nhé