Category Archives: Truyện ngắn

Chuyện của người thu ngân

Một câu chuyện đơn giản của người thu ngân dành cho những ai đang cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ. Thành công không dễ có, bởi thành công chỉ đến với những người có tâm.

Bạn nghĩ sao nếu tôi nói những câu chuyện thành công của những người nổi tiếng như Bill Gates, Steve Jobs đang góp phần tạo ra một thế hệ ảo tưởng. Nhiều người trẻ tuổi chỉ nhìn thấy mặt vinh quang của thành công, vội vàng cuống cuồng chạy theo thời đại, muốn nhanh chóng thể hiện mình để trở thành “ông nọ bà kia”.

Chân không tiếp đất, mơ hồ bay lên không trung, ta cứ tưởng trái thành công dễ hái, chỉ vươn tay là tới. Thế nhưng, không thành công nào không phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng sự nỗ lực và kiên trì gấp 10, gấp 100 lần bình thường. Làm việc này chưa xong, ta đã vội vã tìm cho mình cơ hội đổi mới. Đến khi gặp chút trở ngại hoặc thất bại, ta chỉ biết suy sụp, mất lòng tin và bỏ cuộc. Ta oán trách mọi người sao không ai nhận ra tài năng của mình, ta đổ lỗi ông trời sao không cho ta chút may mắn…

Bản thân tôi từng nôn nóng và từng gặp nhiều thất bại. Cũng có lúc tôi đã muốn bỏ cuộc. Một lần, tôi tình cờ đọc được câu chuyện của tác giả Haruhiro Kinoshita in năm 2008, được đăng trên blog One minute impressions và nhanh chóng được cộng đồng mạng tại Nhật yêu thích. Đó là câu chuyện của môt người thu ngân, đơn giản thôi nhưng khiến tôi suy ngĩ nhiều về tình yêucông việc và sựthành công. Tôi xin chia sẻ lại với bạn câu chuyện ấy.

Chuyện người thu ngân

“Sau khi tốt nghiệp đại học, như bao sinh viên mới ra trường khác, tôi hăm hở lao đi tìm việc làm. Thành tích khá cộng thêm chút may mắn nên tôi nhanh chóng tìm được việc làm đầu tiên tại một công ty chế biến sản xuất.

Tuy nhiên, sau 3 tháng thử việc, tôi cảm thấy không thể nào hòa hợp với vị sếp ở đây. Đơn giản thôi, không thích thì nghỉ. Tôi nhanh chóng chuyển qua làm tại một công ty phân phối sản phẩm, rồi làm nghề nghiên cứu thị trường, kiểm tra thông tin… Không công việc nào phù hợp với tính cách và nguyện vọng của tôi. Biết làm sao được, phải phù hợp mới có thể gắn bó lâu dài chứ?

Cứ thế, phần thông tin kinh nghiệm làm việc trong lý lịch của tôi ngày càng kéo dài, kéo dài. Một tỷ lệ nghịch cũng không mấy ngạc nhiên là càng nhiều “kinh nghiệm làm việc”, tôi càng khó kiếm việc làm. Không còn công ty nào muốn nhận một người nhảy việc nhiều như tôi.

Vậy là tôi đành xin việc làm dạng thời vụ và cộng tác. Tuy nhiên, ngay cả dạng công việc ngắn hạn này cũng không giữ được bước chân tôi. Hễ có rắc rối hay điều gì không vừa ý, dù là nhỏ nhất, tôi cũng nghỉ ngay. Cứ vậy, danh sách công ty thời vụ trong đơn xin việc cũng ngày một dài ra.

Một ngày nọ, tôi nhận được một công việc tạm thời là thu ngân tại một siêu thị nhỏ. Hồi trước, siêu thị không dùng mã vạch như bây giờ nên thu ngân phải tự nhập hàng, nhập giá bằng máy tính. Sau vài ngày được hướng dẫn cách đánh máy tôi bắt đầu ngán đến tận cổ công việc quá sức dễ dàng và nhàm chán này.

Không thể nào, tôi không thể nào làm công việc này được!

Thế nhưng, chán công việc ấy một thì tôi cũng ngao ngán chính mình đến mười. Tôi nhận ra việc gì mình cũng làm kiểu đại khái cho qua. Tôi tự giận chính bản thân sao không đủ kiên nhẫn để theo đuổi một công việc ổn định. Tôi phải thay đổi, tôi phải cố gắng tiếp tục công việc này, bởi có lẽ đây là cơ hội cuối cùng của tôi. Tuy nhiên, thật sự là cho dù có cố gắng đến thế nào đi chẳng nữa, tôi cũng không thể tiếp tục nổi với những con số khô khan, những gương mặt không thân quen lướt qua tôi mỗi ngày. Tôi quyết định sẽ thu dọn đồ đạc và về quê. Đơn nghỉ việc tôi để sẵn trên bàn, chỉ đợi ngày gửi.

Trong khi dọn dẹp, tôi vô tình tìm ra cuốn nhật ký thời thơ ấu đang nằm lặng lẽ trong góc của ngăn bàn. Tôi cứ tưởng đã lạc mất sau nhiều lần di chuyển, nhưng không ngờ nó vẫn còn ở đây.

Tôi bồi hồi giở ra những trang giấy còn ngô nghê nét chữ học trò: “Tôi muốn trở thành nhạc công chơi đàn dương cầm”. Đó là giấc mơ hồi trung học của tôi. Nhớ lúc đó, ngày nào tôi cũng chăm chỉ tập đàn piano. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì rồi một ngày, tôi cũng bỏ ngang.

Càng nghĩ, tôi càng giận bản thân. Đâu rồi tôi của một thời đầy đam mê và mộng ước. Nhật ký của tôi bây giờ ư? Chỉ là danh sách những công ty tôi từng xin việc và nghỉ việc. Thay vì nuôi dưỡng những giấc mơ, tôi chỉ ghi lại những cố gắng nửa vời và những lần thất bại của mình.

Tôi đóng cuốn sổ nhật ký lại, gọi về nhà mà nước mắt dâng trào. Dẹp tờ đơn xin nghỉ việc sang một bên, tôi quyết định ngày mai sẽ tiếp tục đi làm. Đúng, phải tự tìm lấy cảm hứng làm việc cho dù bắt đầu cùng cái bàn phím chán ngán này.

Tôi nhắm mắt hồi tưởng lại những bài học piano ngày trước, mường tượng từng ngón tay mình đang lướt trên phím đàn. Tập piano rất khó, phải kiên trì luyện tập ngày qua ngày, sai hết lần này đến lần khác, tôi mới có thể nhớ hết các phím đàn cả tay trái lẫn tay phải và cuối cùng có thể đàn mà không cần nhìn đến bàn phím. Thế là… Tôi tự đặt ra mục tiêu: phải thuần thục bàn phím như ngày trước từng thuần thục các phím đàn.

Chuyện của người thu ngân - Ảnh minh họa
Chuyện của người thu ngân – Ảnh minh họa

Tôi tập nhớ những tổ hợp phím tắt, vị trí từng con chữ, sắp xếp làm sao để có thể đánh máy mà không cần nhìn xuống. Vài ngày sau, tôi đánh máy nhanh hơn hẳn, rồi dần dần tôi có thể hoàn toàn không cần nhìn đến bàn phím. Không cần phải cắm cúi xuống bàn phím, tôi có thời gian để quan sát thêm khách hàng của mình. Đây là quý cô Chỉ-mua-hàng-giảm-giá, kia là quý ngài Chỉ-đến-trước-giờ-đóng cửa. À, còn có cả quý bà Chỉ-mua-hàng-thượng-hạng nữa chứ?

Một lần, quý bà Mua-hàng-trước-khi-sắp-hết-hạn mang đến cho quầy tính tiền một con cá tươi ngon và khá đắt tiền. Tôi ngạc nhiên buột miệng hỏi: “Có dịp lễ đặc biệt gì hả bác?”. Bà trả lời: “Cháu tôi vừa đoạt giải thưởng bơi lội, tôi mua về ăn mừng”.

Tôi cười đáp: “Cháu bác giỏi quá ” và bỗng nhiên, tôi cảm thấy mình cũng vui lây khi nói chuyện cùng khách hàng. Sau một thời gian, tôi bắt đầu ghi nhớ từng gương mặt, tên của khách hàng và giúp họ có thể chọn mua hàng tốt nhất.

“Bà Tanaka ơi, bà có chắc là muốn mua loại chocolate này không? Còn một loại cũng ngon mà rẻ hơn ở dãy 3 đấy ạ”.

Tất cả khách hàng tính tiền ở quầy của tôi đều cảm ơn tôi vì những lời khuyên mua sắm hợp lý. Càng giao tiếp với khách hàng, tôi càng thích thú làm việc và không còn nghĩ đây chỉ là công việc thu ngân nhàm chán.

Một hôm, tôi cảm thấy quầy hàng của mình có vẻ đông hơn bình thường, nhưng bận tập trung vào công việc và trò chuyện với khách hàng nên tôi chẳng quan tâm. Tiếng người quản lý vọng lên trong loa thông báo: “Xin quý vị vui lòng chuyển sang quầy tính tiền còn trống để được phục vụ ngay”.

Lời nhắn ấy được nhắc đi nhắc lại, đến lần thứ ba, tôi mới ngẩng đầu lên nhìn. Cả 5 quầy tính tiền bên cạnh đều còn trống trong khi tất cả khách hàng tập trung chờ tính tiền tại quầy của tôi.

Vị quản lý chạy vội đến và nói với khách hàng: “Làm ơn chuyển sang quầy khác, như vậy các vị sẽ không phải đợi lâu”.

Bà Ito, vị khách chỉ mua sữa trong bình thủy tinh lên tiếng: “Lý do duy nhất tôi đến siêu thị này là để được trò chuyện với cô gái này đây. Tôi không muốn đến quầy thu ngân khác đâu”.

Tôi ngẩn người, ngân ngấn nước mắt vì xúc động.

Bà Ito tiếp lời: “Thật ra siêu thị ở đầu đường giá bán rẻ hơn ở đây, nhưng tôi đến đây để trò chuyện. Cảm ơn anh quan tâm, nhưng tôi sẽ xếp hàng đợi cô ấy ở đây”.

Đến lúc này, không nén nổi cảm xúc, tôi bật khóc. Lần đầu tiên trong được tôi mới hiểu được ý nghĩa công việc là thế nào”.

Thay lời kết

Như bao câu chuyện thành công khác với kết thúc có hậu, không lâu sau đó cô gái được đề bạt lên vị trí quản lý. Với cương vị mới, cô tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình hướng dẫn những thu ngân mới cách tìm niềm vui trông công việc cũng và quan tâm chăm sóc khách hàng.

Câu chuyện kể về một phụ nữ Nhật xa lạ nhưng mặt nào đó cũng rất quen thuộc với chúng ta. Trong thời đại này, ai cũng muốn có được kết quả càng nhanh càng tốt. Thế nên, đôi khi chỉ gặp một vài chướng ngại, chúng ta đã vội nản và bỏ cuộc. Chúng ta chỉ mải đi tìm đáp án ở đâu đó xung quanh, nhưng nào biết câu trả lời đã có ở đó, tận sâu trong chính ta. Khi trao trọn vẹn trái tim cho điều mình làm, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được niềm vui và sự thành công ở đó.

Bàn tay đeo nhẫn

5 năm trước hai người họ quen nhau, sau đó anh phải đi Nhật du học. Trước khi anh đi một ngày, hai người họ cùng nhau tản bộ trên đường.

Nhẫn
Nhẫn

Góc phố có một cô bé bán nhẫn, cô cứ nhìn về phía đó. Anh bỏ tiền, mua một chiếc nhẫn đeo cho cô. Chiếc nhẫn đó chỉ có giá 8 tệ, nhưng cô cảm thấy chiếc nhẫn thần kỳ không gì so được.

Tháng 3, anh đi rồi. Trước lúc đi anh nói, mùa xuân năm sau sẽ trở lại thăm cô, nếu như cô đồng ý gặp anh, thì ngày 14 tháng 2 đứng đợi anh dưới gốc cây ở đường Tân Kiện. Anh nói, đừng đánh mất chiếc nhẫn đó.

Mùa thu, cô đánh mất chiếc nhẫn anh tặng. Cô từng hứa sẽ đeo nó mãi mãi, nhưng chớp mắt thời gian … cô trở thành một cô gái xinh đẹp, sau khi đánh mất chiếc nhẫn, trái tim cô dù không thay đổi, nhưng ngoài nó ra tất cả đều thay đổi.

Anh quả nhiên trở về. Ngày 14 tháng 2, đã hẹn cô. Đời người quan trọng nhất là lời hứa, nhưng cô không có dũng khi để thực hiện lời hứa đó. Cô không thể chịu đựng hơn được, cô nhờ bạn đi gặp anh. Bạn cô chưa gặp qua anh, sau khi trở về nói, nhìn thấy một người đàn ông mặc áo choàng đứng dưới gốc cấy, trên tay cầm một đoá hoa hồng, đêm hôm đó cô khóc, ướt đẫm cả khăn mùi xoa.

Lễ tình nhân thứ hai, cô vô hồn bước trên đường, không biết làm cách nào lại đi đến đường Tân Kiện.

Dưới gốc cây đó có một chàng trai đang đứng, trái tim cô đập loạn, không thể điều khiển được đôi chân mình, cứ thế đi về phía chàng trai. Chính là anh.

Anh đưa đoá hoa hồng ra trước mặt cô, anh nói: “Anh biết năm nay nhất định có thể đợi được em đến.” cô hỏi : “Nếu như em không đến?” anh cười rồi trả lời “Thì năm sau anh lại đợi”

Cô thuỷ chung không nhận hoa của anh. Lúc cô quay lưng ra đi thì nghe thấy anh hỏi : “Chiếc nhẫn ngày xưa em còn giữ không ?” – “Xin lỗi em đánh mất nó rồi “. Cô không dám quay lại nhìn anh.

Từ đó về sau cô không gặp anh nữa. Chớp mắt đã mấy năm qua đi. Cô nghe tin anh sắp kết hôn.

“Em yêu anh”, câu nói đấy cô đã giữ trong lòng bao năm nay, nhưng cô không có cách nào mở miệng nói cho anh. Có lẽ anh chỉ thỉnh thoảng mới nghĩ về cô, nhưng thực sự cô có nỗi khổ của riêng mình.

Mấy năm trước, trong lúc đi thực tập, cô mất đi không chỉ là chiếc nhẫn anh tặng, còn có cả một bàn tay trái.

Sưu Tầm

Tình đầu

Hai bàn tay với những ngón dài rám nắng đặt trên đầu gối, cặp mắt không chớp treo lơ lửng ánh nhìn vô định, từ khóe mi bên trái một giọt lệ lớn rơi xuống, lóng lánh như kim cương. Tôi cá là cậu ấy đang chìm đắm trong một thế giới khác, bởi lẽ cậu ấy hoàn toàn không phát hiện ra cái con bé tọc mạch – là tôi, đang chống xe đạp ngay phía bên trái mà nhìn chằm chặp vào cậu ấy.

Tình đầu - Ảnh minh họa
Tình đầu – Ảnh minh họa

Tôi không biết mối tình đầu của mọi người đến như thế nào nhưng tôi biết chắc mối tình đầu của tôi đến ra sao. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, dưới bầu trời đang dần sẫm màu, trước khi tôi kịp nhận ra, thứ hương vị vừa chua vừa chát của tình yêu đầu đời đã vội vã ập đến, vươn từng nhánh từng nhánh li ti rậm rạp trong bộ rễ ô rô, len vào mỗi ngóc ngách, bấu chặt lấy trái tim nhỏ bé của tôi.

Tôi không biết cậu ấy là ai và cũng không đủ can đảm để đến làm quen. Dù có ngu ngốc đến mấy tôi cũng hiểu rằng lúc này cậu ấy chẳng cần bất kì ai – đặc biệt là cái con nhóc xa lạ với thứ tình cảm chớm nảy mầm vụng về ngây dại lân la phiền hà. Và tôi đi. Phóng thật nhanh như thể bản thân phạm phải lỗi lầm gì đó thật khủng khiếp.

Một tháng. Hai tháng. Rồi nửa năm. Tôi không gặp lại cậu ấy nữa. Dù cố tình đạp xe ngang nhà thờ hàng trăm lần. Dù thầm cầu nguyện hàng ngàn lần. Có lẽ cậu ấy chỉ là một giấc mơ. Hoặc là cơn gió đã vụt qua thì không cách chi quay trở lại được nữa.

Tháng 12. Đất trời khô cong như mẩu bánh đa. Da mặt tôi bỏng rát trước những cơn gió bấc đầy sương muối. Nhưng vẫn không có cách gì dập tắt nỗi háo hức khi Giáng sinh đang ngày một gần. Tôi thường trát kem ẩm đầy mặt, quấn lên cổ chiếc khăn len to sụ và bám càng anh hai la cà khắp phố xá. Thành phố khoác lên mình bộ xiêm y rực rỡ, là lượt và ấm sực. Anh hai đổ đầy hai tay tôi những hạt dẻ lớn thơm phức, canh giữ tôi hệt canh giữ một con sóc ngốc nghếch. Anh chỉ lo lạc tôi giữa dòng người đông đúc tuôn ra từ mọi ngõ hẻm ngược xuôi to nhỏ. Tôi yêu Giáng sinh. Với tôi, đó luôn là mùa nhiều phúc lành và niềm vui nhất trong năm.

Đêm 24. Tôi nằng nặc đòi anh hai đưa đến nhà thờ, phớt lờ mọi lời cảnh báo kinh hoàng về nguy cơ bị đè bẹp bởi đám đông khủng khiếp. Đêm còn lạnh hơn tôi hình dung. Anh hai chụp lên đầu tôi cái nón đỏ rực và liên mồm nhắc nhở rằng phải theo sát anh. Tôi vâng vâng dạ dạ, ngoan ngoãn bám chặt vào ống tay áo màu xám bạc của anh.

Sự thật đã chứng minh lời của anh hai là hoàn toàn đáng tin cậy. Giữa đám đông nhốn nháo đầy kinh khiếp, tôi có cảm tưởng bản thân đã biến thành một nhúm bột mỏng, bị cán qua cán lại, hết đập dẹt rồi lại cuộn tròn, cuối cùng thì bị thả vào chảo dầu đang sôi sùng sục, chiên đi chiên lại, chiên đến nỗi lục phủ ngũ tạng đều rách bươm. Anh hai vừa cố gắng chen lên vừa chốc chốc kiểm tra xem tôi đã thiếu dưỡng khí mà ngất đi chưa.

Tôi núp sau lưng anh, vừa khổ sở vừa háo hức, chỉ cầu mong có phép dịch chuyển tức thời, phắt một cái là vào bên trong nhà thờ. Rồi không biết bằng cách nào, trong cái khoảng hỗn độn nhòe nhoẹt ấy, bằng sức mạnh bí ẩn không thể giải thích, tôi nhìn thấy cậu ấy. Vẫn cái dáng cao cao, vẫn mái tóc dày mềm mại.

Cậu ấy quàng chiếc khăn len xanh thẫm, khuôn mặt lấp loáng ánh đèn, đang bị cuốn trôi đi trong dòng người ồn ã như cơn lũ dữ. Khoảnh khắc đó cả thế giới xung quanh đều tiêu biến, chỉ còn lại mình cậu ấy, yếu ớt và cô độc, rơi vào trong đáy mắt tôi. Khi tỉnh lại từ cơn mê man choáng ngợp, tôi chỉ kịp nhận ra mình đã thả tay anh hai, cố gắng chạy về phía cậu ấy tự lúc nào. Bên tai ù đi, phảng phất như có tiếng ai gọi, phảng phất lại an tĩnh tuyệt đối. Tôi bám chặt vào hình bóng của dải khăn tựa lạch biển mềm mại, cứ thế kiên nhẫn bước tới, từng chút một.

Cậu ấy muốn thoát khỏi đám đông bao quanh nhà thờ. Tôi nhìn bóng lưng càng lúc càng xa kia, gấp đến độ bật khóc. Chẳng kịp nghĩ ngợi, tôi lột phăng chiếc mũ len đỏ chói, nhắm hướng cậu ấy quăng tới. Túm len đỏ rực lao đi, tạo thành một vòng cung duyên dáng rồi đậu xuống dải khăn xanh thẫm. Cậu ấy túm lấy nó, ngẩng lên, chần chừ đôi chút rồi nhìn về phía tôi. Khoảng cách không gần nhưng tôi vẫn thấy được đôi con ngươi đen bóng ánh lên nét ngỡ ngàng, phản chiếu vô số ánh đèn màu lấp lánh.

Tôi thở hổn hển, cố gạt bỏ nỗi xấu hổ đang lan nhanh như cỏ dại, dùng hết sức lực lảo đảo chen về phía cậu ấy. Cậu ấy không nhúc nhích, chiếc nón len đỏ để ngang ngực, hình như đang chờ tôi. Túm lấy dải khăn phía trước của cậu ấy, tôi ngẩng đầu hổn hển đứt quãng:

– Giúp tôi… được không? Tôi… không chịu nổi cái đám đông… kinh khiếp này nữa!

Cậu ấy hơi do dự nhưng vẫn gật đầu. Nắm chặt khuỷu tay tôi, cậu ấy lôi tôi ra khỏi dòng người hỗn độn. Cách mấy lượt áo dày và chiếc găng tay nâu sẫm, tôi vẫn như nhìn thấy những ngón tay dài rám rắng im lìm trong bóng hoàng hôn trước kia.

Bằng cách nào đó, thông qua những con đường bí mật có lẽ chỉ mình cậu ấy biết, cậu ấy đưa tôi tránh vào khu vườn phía sau nhà thờ. Hít đầy lồng ngực làn không khí thoáng đãng trong lành, cả hai chúng tôi bất giác im lặng thật lâu. Khu vườn được thắp sáng bằng những ly nến nhỏ, cành lá đen thẫm mảnh mai tựa những nét vẽ thủy mặc. Phía trên chúng tôi là bức tượng Chúa cứu thế trầm mặc nghiêm nghị, vừa lạnh lùng vừa tò mò dò xét. Tôi vuốt ngực, chỉ nghe thấy trái tim đập cuồng loạn. Tôi cúi mặt không dám nhìn cậu ấy, hai vành tai nóng đến bốc cháy.

– Cậu… có sao không?

Âm thanh xa lạ vang lên trong màn đêm tĩnh mịch mang theo sự quyến rũ khó cưỡng. Tim tôi dường như muốn đập cửa xông ra. Tôi lắc đầu, cảm giác cổ họng cũng đã bốc cháy. Vươn tay chỉ vào chiếc nón len đỏ thẫm, tôi rụt rè thanh minh:

– Tôi… không cố ý… Tại… có người đụng tôi!

– Không sao – Cậu ấy nói, thuận tay đưa cho tôi cái mũ.

– Cám ơn! – Tôi lí nhí.

Điện thoại trong túi hơi rung lên. Tôi thò tay vào, lén lút tắt máy rồi cười, tìm đề tài thăm dò.

– Cậu có vẻ rành đường đi lối lại trong nhà thờ ha?

– Thỉnh thoảng tôi có đến thăm người quen ở đây nên cũng biết được chút ít.

– Vậy sao? Sao tôi không thấy cậu bao giờ nhỉ? – Tôi thắc mắc, nhìn vẻ mặt cậu ấy lại vội vàng bổ sung -Tôi cũng hay tới đây lắm!

– À, tôi chỉ loanh quanh ở khu đằng sau nên hiếm khi thấy ai hết.

Tôi gật đầu ra vẻ đã hiểu, bộ dạng thản nhiên nhưng bên trong lại đang gào thét vui sướng, rốt cục tôi đã ‘tóm” được cậu ấy rôi! Tôi chìa tay, trưng ra vẻ mặt cởi mở tự nhiên nhất:

– Tôi là Quân. Rất vui được làm quen với cậu!

Cậu ấy hơi khựng lại. Qua một giây chờ đợi, vành môi nghiêm nghị khẽ cong lên, cậu ấy phóng khoáng nắm lấy tay tôi:

– Tôi là Bách. Cũng rất vui được làm quen với cậu!

Tối hôm đó tôi tự mình về nhà, hoàn toàn quên béng chuyện anh hai có lẽ đang tìm tôi điên cuồng. Khi mẹ gọi điện thông báo cho con trai rằng chú thỏ đi lạc đã trở về an toàn thì tôi vẫn bê nguyên bộ dạng lơ ngơ lên giường, cuộn tròn trong chiếc chăn ấm áp, nhắm tịt mắt và… mơ thấy Bách. Tôi đã thất bại khi cố gắng hỏi xin số điện thoại của cậu ấy. Bách phân trần rằng điện thoại vừa bị móc mất trên xe bus, hiện tại cậu ấy chưa có tiền sắm cái mới. Tôi biết Bách nói dối. Nhưng không sao hết, tôi không buồn lâu, con bé si tình bướng bỉnh đã có kế hoạch “vĩ đại” cho “nửa kia” của trái tim.

Tôi thật sự nghi ngờ khả năng tồn tại cái phần trăm Bách không nghĩ tôi là một đứa mặt dày. Chính bản thân tôi còn tự cảm thấy lớp biểu bì phía trên cổ của mình là “vô địch thiên hạ” cơ mà! Sau đêm Noel, cứ cách hai ngày tôi lại mò tới nhà thờ một lần. Tôi học thuộc lòng Kinh Thánh, làm thân với các cha đạo, chỉ thiếu điều chưa dập đầu trước Chúa mà thôi! Nhưng chính nhờ vậy mà tôi biết thêm khá nhiều về Bách. Cậu ấy bằng tuổi tôi. Không theo Đạo.

Tới đây vào ngày cuối tuần để giúp các Cha lau dọn. Nửa năm trở lại đây chỉ đi một mình nhưng trước kia luôn đồng hành cùng một cô bạn gái xinh đẹp. “Bạn gái cũ!” tôi đoán. Có sao đâu, chỉ là bạn gái “cũ”, quan trọng là giờ đây cậu ấy đang cô đơn và tôi thì có cơ hội, phải không?

Tôi cũng bắt đầu phụ giúp dọn dẹp trong nhà thờ vào ngày cuối tuần. Hiển nhiên chỉ có hai đứa là cùng độ tuổi nên tôi và Bách sẽ nói chuyện. Bách không lạnh lùng như tôi thoạt đầu lầm tưởng. Bằng chứng là mặc dù biết chắc tôi có “lòng hươu dạ vượn” nhưng cậu ấy luôn cư xử với tôi rất lịch thiệp. Chúng tôi dần thân nhau. Bách rốt cục đã cho tôi số liên lạc. Sau đó, thỉnh thoảng hai đứa sẽ hẹn nhau cùng đi ăn, xem phim, chọn sách, chọc ghẹo và cười đùa. Như những người bạn thân. Thế thôi!

Kết quả này chưa hẳn làm tôi mãn nguyện. Tôi đã dũng cảm và nhiệt tình hết mức với tình cảm đầu đời của mình. Tôi mong mỏi một cái kết hoàn mỹ. Nhưng luôn có cái gì đó trong ánh mắt của Bách khi nhìn tôi khiến tôi biết rằng mình chỉ nên đi đến đây thôi, bởi lẽ nếu tôi cố gắng tiến thêm một bước nữa có thể tất cả những gì tôi kỳ công xây dựng từ trước đến giờ sẽ tan biến như bong bóng xà phòng.

Hôm ấy là một ngày mưa bụi. Bách gọi tới giữa lúc tôi đang dằn vặt giữa một bên là đống bài tập đại số khó nhằn và một bên là chiếc chăn bông ấm áp.

– Đi ăn bánh bao rán nhé! Tớ mời!

– OK! – Tôi nhảy cẫng lên như một chú kanguru, bắt đầu cuộn chăn lại với tốc độ ánh sáng – Cậu tới đón tớ?

– Yes!!! 20 phút nữa nhé tiểu thư!

Bóng chiều nhập nhoạng như nuốt chửng Bách khi cậu ấy xuyên qua làn mưa lạnh buốt tới chỗ tôi. Bách đưa cho tôi cái ô to, cười cười:

– Tụi mình đi xe đạp cho ấm nhé!

Tôi gật đầu như giã tỏi, nhảy phốc lên xe, một tay cầm ô, một tay níu chặt thắt lưng Bách. Ngả đầu vào lưng cậu ấy để chắn gió tôi cười tới không khép miệng lại được, bỗng dưng cảm thấy cơn mưa mùa đông cũng thật đáng yêu.

Hai đứa chọn một quán nhỏ trong ngõ hẻm. Bách gọi thêm trà nóng cho tôi. Hai đứa vừa ăn vừa chuyện phiếm. Hôm nay Bách ăn rất nhiều cũng cười rất nhiều. Tôi cũng vậy. Nhưng rồi tôi biết có gì đó không ổn ở đây. Có lẽ là trong nụ cười của Bách. Có lẽ là ở cách cậu ấy cúi đầu, tỉ mỉ lau sạch đôi đũa của hai đứa. Hoặc có lẽ là ở đôi mắt của Bách, cứ thẫm lại, mênh mang như màn mưa mùa đông. Tôi biết Bách sẽ không nói cho tôi nghe gì cả. Cậu ấy chỉ cần một ai đó ở bên vào lúc này và ngẫu nhiên người được chọn là tôi. Không hơn! Đây là may mắn hay sự mỉa mai dành cho tôi? Lần đầu tiên tôi thấy bản thân đang nổi đóa với Bách. Tôi không muốn thế này! Tôi ghét cái cảm giác thấy được trái tim Bách mà không cách chi lại gần được. Rõ ràng gần bên mà cũng xa thật xa! Đặt đũa xuống, tôi nhìn thẳng vào Bách, đề nghị:

– Chơi trò chơi không?

– Trò gì?

– Oản tù tì, hỏi thẳng đáp thật.

– Nghĩa là sao? – Bách hơi khựng lại, có phần cảnh giác.

Tôi nhe răng cười:

– Vui thôi mà anh chàng chết nhát!

Tôi nghĩ rằng ở một mức độ nào đó vẻ mặt vô tư của tôi đã lừa được Bách nên rốt cục cậu ấy cũng đã đồng ý tham gia trò chơi…

– Oản tù tì kéo búa bao! A tớ thắng!… Xem nào… chuyện xấu hổ nhất cậu từng va phải là gì?

– Cậu xấu tính! – Tôi la lên.

– Cậu mới là người đặt ra luật lệ! – Bách cười hì hì.

– Chuyện xấu hổ nhất…a…a…a…thôi được! Tớ từng “vồ ếch” trước toàn trường khi lên bục lãnh phần thưởng!… Đừng cười nữa… tớ cảnh cáo nếu cậu còn dám cười … tiếp…tiếp…tiếp…tớ phải phục thù!

– Oản tù tì kéo búa bao! Tớ lại thắng nhé!

– …

– Oản tù tì kéo búa bao!…

Bách thắng tôi liên tiếp mấy trận. Nhìn vẻ mặt trẻ con tràn đầy đắc chí của cậu ấy, tôi bên ngoài thì làm bộ đau khổ nhưng bên trong lại cười thầm. Trò “oản tù tì” này đích thân anh hai dạy cho tôi, đã luyện tới mức “xuất quỷ nhập thần” rồi, tuyệt không thua trong tay kẻ nghiệp dư là Bách. Thả cho Bách vài trận chỉ là kế tung hỏa mù, nhằm giảm sự cảnh giác của cậu ấy tới mức thấp nhất mà thôi. Giờ mới là lúc ra tay. Tôi hít sâu, bàn tay không thuận giấu trong túi áo bất giác co chặt lại.

– Oản tù tì kéo búa bao!… Á á á tớ thắng nhé…tớ thắng nhé!

– Xem ra cuối cùng cũng đến phiên cậu nở mày nở mặt a! – Bách cười.

– Cấm chạy làng nha! – Tôi nói.

– Yên tâm! – Bách bày ra vẻ mặt tử sĩ, khoát tay – Mời!

– Ừ – Tôi ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt Bách – Cậu từng có bạn gái, đúng không?

Im lặng. Trong khoảnh khắc tôi cứ ngỡ Bách sẽ bật dậy, rời khỏi cái quán nhỏ này ngay tức khắc. Nhưng không. Cậu ấy thậm chí cũng không tránh né ánh mắt của tôi. Cậu ấy không cười. Tôi cũng không cười. Cả hai chúng tôi đều hiểu rằng đây không còn là chuyện chơi cho vui nữa. Có những thứ không thể giả vờ không biết, không thể giả vờ không hay mãi mãi. Chẳng biết qua bao lâu, dễ tới cả thế kỷ, cuối cùng Bách mới chớp mắt, cười khẽ:

– Quân thật sự muốn biết?

– Ừ!

– Ừ!

– Cậu “ừ” cái gì?

– “Ừ” cho câu hỏi của cậu chứ gì nữa! – Bách nâng côc trà nóng lên miệng uống một ngụm lớn rồi nói tiếp – Cậu còn gì muốn hỏi thì hỏi đi?

– Không cần “oản tù tì…” nữa sao?

– Không cần thiết! Cậu hỏi đi, bao nhiêu cũng được, tớ sẽ trả lời hết!

Tai nóng lên vì xấu hổ, tôi nâng cốc lên bắt chước Bách uống một ngụm. Nước trà ấm, vị trà chan chát ngòn ngọt quẩn quanh đầu lưỡi không tan.

– Tớ muốn biết hết! Cả chuyện trước kia lẫn chuyện bây giờ! Tại sao cậu thường đến nhà thờ? Tại sao hôm nay cậu lại tới tìm tớ?

Bách cười.

– Cậu đúng là một kho câu hỏi! Tớ hiểu rồi, tớ sẽ kể cho cậu nghe hết. Chuyện của tớ ấy à, không biết nên bắt đầu từ đâu nhỉ?…

… Phương là bạn từ nhỏ của Bách. Hai nhà là hàng xóm từ lúc hai đứa còn chưa sinh ra. Phương hơn Bách một tuổi. Cô là điển hình của con gái theo đạo, dịu dàng nhưng luôn có niềm tin mãnh liệt vào Đấng bề trên, vào bản thân, vào định mệnh. Bách chưa bao giờ gọi Phương một tiếng “chị”, càng chưa nghĩ sẽ coi Phương là chị. Cậu thích Phương. Nhiều đến mức đôi khi ngay bản thân cậu cũng bất ngờ rằng một cậu choai ở cái tuổi đầy bất ổn đó lại có được một tình cảm như thế. Cậu thổ lộ với Phương. Cậu theo Phương tới nhà thờ hàng tuần làm công việc dọn dẹp một cách tình nguyện và vui vẻ. Phương nói với Bách hãy cho cô thời gian suy nghĩ. Cô vẫn để cậu ở bên như từ trước tới nay. Cô không thích ai khác nhưng cũng không đến với cậu. Phương như gần, như xa. Còn Bách, cậu chẳng biết làm gì ngoài chờ đợi. Cho tới hơn nửa năm trước, Phương đột ngột chìa ra trước mặt Bách tờ giấy gọi nhập học của một trường đại học quốc tế danh tiếng, thông báo cô sắp đi xa…

– Tớ thậm chí đã cầu xin cô ấy – Bách kể – Xin cô ấy đừng đi! Hay ít nhất hãy chờ tớ, 1 năm thôi, tớ nhất định sẽ không để cô ấy thất vọng. Nhưng cô ấy chỉ lắc đầu.

– Và… – Tôi hỏi

– Cô ấy nói tất cả đều là ý Chúa. Chúa nhất định có lý do khi sắp xếp mọi chuyện như thế. Tớ hỏi cô ấy có bao giờ thích tớ không, dù chỉ một chút. Cô ấy chỉ cười. Rồi cô ấy lẳng lặng rời đi, đến câu chào tạm biệt cũng luyến tiếc. Hồi ấy tớ như kẻ mất hồn ý! Buồn cười lắm! Nhưng trên hết là giận. Giận cô ấy vô tình! Giận bản thân ngu ngốc! Cô ấy đi rồi, dứt khoát như thế, quyết tuyệt như thế, vậy mà tớ vẫn không buông được, vẫn đến nhà thờ hàng tuần, vẫn đêm đêm canh giữ yahoo và facebook, vẫn ngóng chờ trong vô vọng!

Bách nhắm mắt, một vết hằn hiện rõ trên vầng trán cao của cậu ấy. Tôi cũng nhắm mắt, nước mắt ngấp nghé đầu mi. Tình cảm của Bách là vô vọng, và có lẽ của tôi cũng thế. Tôi biết rằng chẳng thể nào có chỗ cho tôi, cho thứ tình cảm non nớt ngây ngô đầu đời trong trái tim sâu sắc mãnh liệt sớm già dặn của cậu ấy. Mưa ngoài phố vẫn giăng mắc không thôi. Quán nhỏ yên tĩnh đến lạ lùng Chỉ có nỗi buồn rầu của hai đứa chúng tôi là vẫn ngân nga như một giai điệu buồn thương bất tận không dứt.

Tôi không đến nhà thờ nữa. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi và Bách cắt đứt liên lạc. Tôi vẫn đều đặn nhắn tin cho Bách, có khi là mấy câu hỏi thăm vu vơ, có khi là mấy mẩu truyện cười nhạt thếch. Sau buổi tối đó, dù muốn dù không giữa tôi và Bách đã có thêm một thứ vô hình chen vào, khiến hai đứa không thể tự nhiên như trước. Tôi vùi đầu vào sách vở, tự biến mình thành một con nhóc trầm lặng chăm chỉ. Đôi lúc ngẩng lên, buông bút sách, bỗng thấy xa lạ với chính bản thân. Bao nhiêu nhiệt thành bao nhiêu dũng khí dường như đã theo cơn mưa mùa đông trôi sạch thì phải? Có tối tôi nằm mơ thấy Bách như lần đầu tôi nhìn thấy cậu ấy, mái tóc dày, những ngón tay rám nắng tĩnh lặng, và cả giọt nước lấp lánh nơi khóe mi. Cuộn tròn trong chiếc chăn lớn ấm áp, tôi khóc, bỏng rát cả hai gò má nứt nẻ. Điện thoại rung lên. Tin nhắn của Bách.

– “Cậu ổn chứ?”

Tôi trả lời:

– “Cậu vẫn luôn thích cô ấy đúng không?”

Không có hồi đáp. Tôi không để ý, nhắn tiếp.

“Tớ thích cậu. Không nhiều như cậu thích Phương nhưng cũng là thích. Thật lòng tớ mong cậu sẽ quên Phương và ở bên tớ. Nhưng trên hết, tớ mong cậu luôn vui vẻ và hạnh phúc. Cậu vui thì tớ cũng sẽ vui. Nhưng tớ chẳng biết nên làm sao? Bách à, nói cho tớ biết, phải làm thế nào thì cậu mới vui?”

“Tớ không tin vào Chúa. Tớ tin rằng vận mệnh do mỗi chúng ta tự mình nắm bắt. Hãy dũng cảm lên! Nếu chỉ có ở bên cô ấy cậu mới vui thì hãy đến bên cô ấy! Đừng sợ hãi cũng đừng buồn rầu!”

“Bách à, cậu còn nợ tớ một câu hỏi nhớ không? Rằng sao hôm đó cậu lại tới tìm tớ?”

Lần này Bách trả lời tôi.

“Tớ tới tìm cậu vì lúc ấy người đầu tiên tớ nghĩ tới là cậu. Tớ quý mến cậu rất nhiều, dù đó có lẽ không phải là thứ tình cảm cậu mong muốn. Quân, cậu biết không, hôm đó tớ đã nhận được giấy gọi từ trường mà cô ấy theo học. Nhưng tớ không vui, tớ chỉ thấy sợ, sợ rằng cố gắng là thế nhưng biết đâu đổi lại vẫn chỉ là thất vọng. Tớ chẳng biết tớ nên làm thế nào?”

“Đừng làm gì khiến bản thân cậu phải hối tiếc” – Tôi gửi đi tin nhắn cuối cùng rồi tắt máy.

… Hôm Bách đi là một ngày nắng đẹp. Chúng tôi nắm tay nhau tới tận lúc sân bay gọi loa thúc giục hành khách vào làm thủ tục. Bách buông tay tôi, cúi xuống thầm thì:

– Cậu là cô gái dũng cảm tuyệt vời nhất mà tớ từng được gặp!

Rồi cậu ấy hôn tôi. Nụ hôn ngắn ngủi nhẹ như hơi thở. Môi Bách mềm, ấm và có vị của nước mắt. Khi cậu ấy ngẩng lên, đôi con ngươi đen bóng khô ráo nhìn tôi chăm chú.

– Cậu là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất tớ từng nhận được. Tớ không tin Chúa trời nhưng tớ cám ơn ông ấy vì đã đưa cậu đến cho tớ. Đã muộn nhưng tớ vẫn muốn tặng cậu món quà Giáng sinh này – Bách đặt vào tay tôi chiếc hộp nhỏ – Cám ơn… và tạm biệt Quân!

Tôi đã tự nhủ bản thân rằng không được khóc. Nhưng khi nhìn những dòng chữ nghiêng nghiêng mảnh dẻ Bách chép tặng tôi trên tấm thiệp thì nước mắt vẫn rơi xuống, lặng lẽ, thanh thản:

  “Thật kỳ lạ tình đầu
Như cây khô khát nắng
Tưởng rằng sẽ nói nhiều
Mà suốt đời im lặng” (Thơ Exenin)

Sưu Tầm

Đôi tai của tâm hồn

Một cô bé vừa gầy vừa thấp bị thầy giáo loại ra khỏi dàn đồng ca. Cũng chỉ tại cô bé ấy lúc nào cũng chỉ mặc mỗi một bộ quần áo vừa bẩn, vừa cũ lại vừa rộng nữa.

Cô bé buồn tủi ngồi khóc một mình trong công viên. Cô bé nghĩ: Tại sao mình lại không được hát ? Chẳng lẽ mình hát tồi đến thế sao ? Cô bé nghĩ mãi rồi cô cất giọng hát khe khẽ. Cô bé cứ hát hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả mới thôi.

“Cháu hát hay quá!”. Một giọng nói vang lên: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ, cháu đã cho ta cả một buổi chiều thật vui vẻ”. Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô bé là một ông cụ tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền đứng dậy và chậm rãi bước đi.

Đôi tai của tâm hồn
Đôi tai của tâm hồn

Hôm sau, khi cô bé tới công viên đã thấy ông già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước, khuôn mặt hiền từ mỉm cười chào cô bé. Cô bé lại hát, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe. Ông vỗ tay nói lớn: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ của ta, cháu hát hay quá!” Nói xong cụ già lại chậm rãi một mình bước đi.

Cứ như vậy nhiều năm trôi qua, cô bé giờ đây đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Cô gái vẫn không quên cụ già ngồi tựa lưng vào thành ghế đá trong công viên nghe cô hát. Một buổi chiều mùa đông, cô đến công viên tìm cụ nhưng ở đó chỉ còn lại chiếc ghế đá trống không.

“Cụ già ấy đã qua đời rồi. Cụ ấy điếc đã hơn 20 năm nay” – một người trong công viên nói với cô. Cô gái sững người. Một cụ già ngày ngày vẫn chăm chú lắng nghe và khen cô hát lại là một người không có khả năng nghe?

Nỗi niềm của người đàn ông lấy vợ xấu

Nàng xấu. Gã nhắm mắ nhắm mũi mà lấy nàng. Vì gã trót “gieo” vào nàng giọt máu sau một đêm say.

Mặt gã méo xẹo và chảy ra như bánh đa nhúng nước. Nàng cười. Cái cười của một người đàn bà tự nhận thức được mình không đẹp. Nàng bảo gã không phải lo, nàng sẽ không quàng cho gã bất kỳ trách nhiệm nào cả. Nàng cảm ơn gã vì đã cho nàng đứa con. Vì nàng yêu gã.

Gã thoáng mừng thầm. Nhưng nhìn vẻ mặt vừa hạnh phúc vừa buồn của nàng, gã lại thấy thương thương. Chẳng lẽ người đàn bà xấu lại không được phép có hạnh phúc?! Tình thương của gã và trách nhiệm của một thằng đàn ông không cho phép gã ruồng bỏ nàng và giọt máu của gã. Một đám cưới diễn ra.

Nỗi niềm của người đàn ông lấy vợ xấu
Nỗi niềm của người đàn ông lấy vợ xấu

Gã đàn ông nào lại không mong mình lấy được vợ đẹp? Gã không dám nhẫn tâm tả lại chân dung với từng vẻ “xấu” của nàng, vì như thế thật độc ác với nàng. Dù gã có thương nàng đến mấy thì cũng có lúc gã phải tỉnh táo nhìn bằng lí trí của gã và ngậm ngùi rằng: Nàng không đẹp.

Kể từ ngày lấy nàng làm vợ, gã ít khi muốn nhìn vào nàng. Khi có việc cần nói với nàng, đôi mắt gã như nhìn vào một kẻ thứ ba đang đứng ở trên đầu nàng hay ở cạnh nàng. Gã thường say khướt khi về nhà. Và đôi khi gần gũi vợ, gã phải nghĩ đó là một người phụ nữ đẹp, để khi tỉnh táo gã thấy mình thật tồi, nhưng cứ nhìn vào mặt vợ gã lại tặc lưỡi: Thà như thế còn hơn!

Thà rằng gã cũng cứ xấu xí như vợ gã lại thành một lẽ. Trớ trêu thay gã lại là một kẻ đẹp trai, phong độ. Và nhiều em xinh đẹp lại “cố tình” tạo điều kiện cho gã trở thành chồng hư.

Vợ gã sinh con. Gã ngoại tình, để rồi mỗi khi nhìn thấy vợ, gã lại thấy tội lỗi. Một buổi tối về nhà, gã nhận được đơn ly dị từ vợ: “Em xin lỗi. Không nhan sắc không có tội nhưng nó làm cho em không thể mang lại hạnh phúc cho anh. Cảm ơn anh vì đã cho em một đứa con. Mình nên chia tay thì hơn”.

Gã chới với: “Sao em lại nói thế?”. Hình như vợ gã biết chuyện gã ngoại tình. Gã quỳ xuống trước mặt vợ: “Em, anh xin lỗi. Chuyện đó… chỉ là… Anh biết mình đã có phút ngã lòng. Nhưng anh… anh yêu em. Anh cần con và em. Cho anh một cơ hội em nhé!”.

Lần đầu tiên khi mọi thứ sắp vụt mất, gã mới chợt nhận ra rằng gã yêu vợ gã. Gã cần nàng. Gã nhớ lại. Gã yêu cái giây phút nàng kể chuyện về gã, một người đàn ông, một người cha tốt cho đứa con còn chưa ra đời của gã. Gã yêu cái giây phút vợ gã hát ru con. Gã yêu cái khoảnh khắc vợ gã tận tình chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau trong bệnh viện. Gã yêu hình ảnh vợ gã ngủ gục bên mâm cơm tươm tất chờ gã về… Vợ gã đẹp đấy chứ! Không đẹp lồ lộ mà đẹp bởi sự nhẫn nhịn và dịu dàng. Gã còn định kiếm tìm hạnh phúc ở đâu nữa?!

Gã ôm chặt lấy vợ như sợ nàng sẽ không tha thứ mà bỏ gã đi. Những người đàn bà xấu, khi có chồng, khi yêu chồng thương con, dường như họ đẹp hơn.

Khuất sau một thế giới…. viết cho mùa Vu Lan báo hiếu

Tôi là đứa bụi đời, được ai sinh ra, làm sao mà lớn lên đến thế này, tôi cũng không rõ. Cái tôi biết là hàng ngày đi lượm ve chai về bán cho vựa, xong lấy tiền, mua cái gì đó bỏ bụng, có hôm không lượm được gì là phải đánh nhau, giành giật với tụi “đồng nghiệp” thì mới có cái ăn. Cuộc sống cứ thế, sáng làm, tối về ngủ trên mấy cáp sạp người ta bán hàng trong chợ.

Tôi cũng không biết má tôi là ai, mà cũng chẳng cần phải biết để làm gì, quen biết thêm một người, lại phải chia một miếng cơm. Cuộc sống của những đứa con đường phố, đơn độc là tốt nhất…

Khuất sau một thế giới - Mùa vu lan báo hiếu
Khuất sau một thế giới – Mùa vu lan báo hiếu

Tôi để ý cứ đến tháng 7 hàng năm là cái chùa gần chỗ tôi ngủ, người ta rộn rịp tổ chức tháng Vu Lan, và cứ đến ngày rằm là hàng loạt khách đi chùa ồ ạt, lũ lượt kéo nhau đến cúng bái. Tôi cũng không quan tâm lễ ấy là lễ như thế nào, tôi chỉ mong tới đó để có cơm chùa ăn, đỡ phải lo mấy ngày lượm ve chai vất vả, thế thôi. Năm nay cũng thế, đầu tháng 7 là chùa bắt đầu trang hoàng hoa trái, cờ phướn, nhang đèn, sửa sang để chuẩn bị đón khách thập phương. Ngày rằm, tôi đến chùa sớm, chuẩn bị chờ các thầy dọn bàn đãi cơm cho khách. Đi ngang qua một đám đông, tôi tò mò thấy người ta đứng xếp thành một hàng dài, trên là sư thầy, đang cầm những bông hoa hồng màu đỏ, nhiều màu đỏ lắm, gắn lên áo khách đi chùa, một số người hơi lớn tuổi thì được gắn hoa màu trắng, hết thảy mọi người đều xúc động. Tôi cũng tò mò lẻn vào, đến lượt tôi, sư thầy hỏi:

– “Bé con, mẹ con còn sống hay đã mất?”

– Con không biết, con sống lang thang từ nhỏ.

Tôi thấy mắt thầy hình như cũng ngấn nước, thầy ôm tôi vào lòng, gắn lên ngực tôi một bông hoa màu đỏ và nói:

– Thầy cho con một bông hoa đỏ, khi nào tìm được mẹ thì đến thăm thầy nhé, bé con.

Chuyện đó rồi cũng thoáng qua nhanh, chủ yếu tôi đến ăn cơm chùa mà. Ních căng bụng, tôi còn xin thêm miếng bánh để dành đến chiều. Xong, tôi trở về sạp ngủ một giấc, mệt quá rồi. Đang thiu thiu ngủ thì tôi phát hiện có ai đó giật lấy cái bánh trên ngực, bất giác tội vùng dậy đuổi theo, thì ra là một con bé nhỏ xíu, tới số rồi, giật bánh của tôi. Chẳng khó khăn để tôi nắm áo con bé lại: “À, gan nhỉ, dám trộm đồ của tao”. Con bé sợ hãi tím mặt, khóc lóc, nói không thành câu: “Em xin anh…tha cho em, bánh này em không ăn, em….. đem về cho mẹ” – “Mẹ mày không tự đi mua được sao mà sai mày đi ăn cắp hả con nhóc?” – “Mẹ em mất rồi, hôm qua em mơ thấy mẹ bảo mẹ đói, mà cả ngày hôm nay em không kiếm được gì cúng mẹ cả, anh ơi tha cho em” – “Xạo, chết rồi ăn sao được, mày bịp tao à?”. Con bé nấc lên, tiếng khóc nghe nghèn nghẹn, nó bảo sẽ dắt tôi đến mộ mẹ nó. Nó bảo nếu tôi không cho thì cho nó mượn, cúng mẹ nó xong rồi trả lại. Tôi cũng đồng ý, miễn đừng mất miếng bánh là được. Nó dắt tôi đến khu nghĩa trang gần chùa, xung quanh các ngôi mộ đều được dọn dẹp sạch sẽ, chúng tôi tiến đến cái một nom có vẻ bừa bộn nhất, cả mọc um và đầy rác. Con bé quì xuống, lấy đôi tay nhỏ nhổ nhanh mấy ngọn cỏ cao, cào rạch rác, nó đặt bánh trước mộ, rồi khóc: “Mẹ ơi! Quà của mẹ, con không kiếm được gì cả, mẹ đói thì ăn đi, xong con còn phải trả bánh cho anh nữa”. Tôi nhìn di ảnh, mẹ con bé không phải là rất đẹp, nhưng nhìn bà rất hiền, đuôi mắt nheo lại, chứng tỏ hồi trẻ bà cũng từng lam lũ, cuộc sống cũng chẳng sung sướng gì. Đợi một lát sau, nó vái vái rồi trả tôi cái bánh. Rượt nhau cả buổi, đói meo, cầm cái bánh cắn một phát ngon lành, tôi vẫn thấy con bé nhìn, ánh mắt thèm thuồng, tôi bẻ nó nửa cái, thấy cũng tội nghiệp…

Vy – tên con nhóc, cũng là đứa bụi đời, nhưng nó hơn tôi nhiều thứ, nó có tên, và quan trọng hơn, ngày trước, nó cũng từng có mẹ. Những ngày đi lượm ve chai chung, lúc rảnh, nó hay kể nó tôi nghe về mẹ nó: “Mẹ em đẹp lắm, hồi đó mẹ hay hái bồ kết gội đầu cho em, ôm em vào lòng, mẹ còn hát ru em ngủ, tới giờ em vẫn còn nhớ nhá….Này này bé Vy ngủ ngoan, ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh…..” Kể đến đó, nó lại khóc. Tôi lêu lêu chọc nó mít ướt, nó nấc lên trong nước mắt “Anh có mẹ đâu mà biết” – “Ờ thì tao có mẹ đâu, mày làm như có mẹ vui lắm ấy, chả phải mày đang khóc bù lu bù loa thế hả?”. Ừ thì, tôi thấy có mẹ chẳng vui gì cả, mà còn phải khóc nhè….

Rồi một ngày, ở xóm ve chai xuất hiện một người đàn bà. Người gầy gầy, nhưng có gương mặt thật hiền, bà cũng đi nhặt ve chai, tụi con nít không thích có thêm một người đến chia phần, trong đó có cả tôi. Nhưng hình như bà rất thích xem tụi tôi chơi với nhau, cười đùa đủ thứ. Tôi để ý thấy lúc đó, bà cũng lén khóc. Một bữa đói bụng vì cả buổi không lượm được thứ gì, tôi về sạp định đánh một giấc cho quên cái đói, tôi thấy bà đang ăn ổ bánh mì, them quá, tôi cứ nhìn, bà bẻ nửa ổ cho tôi, bảo tôi lại ngồi cạnh. Đang đói, tôi gặm nhanh phần bánh. Nửa ổ bánh hết veo, tôi cũng chưa no, bà cười nhẹ nhàng bảo:

– “Con còn đói à? Đây má cho, con ăn từ từ thôi kẻo nghẹn.”

– Tôi là con bà hồi nào mà bà xưng má hả?

– Nếu con má ngày xưa không thất lạc, chắc cũng trạc tuổi con.

Rồi từ từ, chậm rãi bà kể tôi nghe về người chồng và đứa con thất lạc trong một trận lũ lớn. Giờ bà không biết chồng, con ra sao, còn hay mất. Trôi dạt về vùng quê nghèo này, không làm gì được, bà đành nhặt ve chai sống qua ngày. Bà bảo tôi gọi bà là má, rồi 2 má con rau cháo nuôi nhau mỗi ngày mà sống. Tôi không nghĩ ngợi nhiều, hồi đó giờ tôi chưa có má, nhưng ngày trước nghe con bé Vy kể, thì thấy má nó thật tuyệt, tôi cũng muốn thử xem sao, miễn bà nuôi được tôi trong những ngày đói. Tôi đồng ý….

Hai má con thế là cứ dựa vào nhau mà sống. Bà thường dậy rất sớm, kiếm gì đó cho tôi ăn, rồi đi nhặt ve chai. Tháng 8, tháng 9 mưa suốt, mưa rào cũng có, mưa ngâu cũng có. Đối với những kiếp người lang thang như chúng tôi, những ngày mưa là những ngày cơ cực, chủ vựa ít làm, chúng tôi cũng chẳng nhặt được gì nhiều, là những ngày ăn không khí thay cơm. Ấy thế mà, má tôi vẫn đều đặn đội mưa, đội gió, cần mẫn nhặt từng cái bọc nilon, những hộp sắt vụn,…đổi lấy khi thì ổ bánh, khi thì bát bún, má nhường hết cho tôi, má chỉ ăn thừa những vụn bánh còn lại, hay húp nước bún trừ cơm Giờ thì tôi bắt đầu hiểu lời con bé Vy, có má là không lo đói. Buổi tối, tôi bảo má hát ru tôi ngủ, má ôm tôi vào lòng rồi hát “Gió mùa thu, má ru con ngủ, năm canh canh chày, ầu ơ, năm canh chày, thức đủ vừa năm….” Nằm bên má, tôi thấy ấm hơn những lúc một mình co ro trong manh chiếu rách, đôi khi tôi nắm lấy bàn tay má, nó sần sùi đến kinh khủng, với những vết sẹo do nhặt ve chai bị cắt, rồi những vết chai….Cuộc đời dần theo năm tháng, tôi và má nương tựa nhau mà sống, có khi má còn dạy tôi đọc chữ, má cầm cành cây viết trên nền cát, dạy tôi đọc, đánh vần, rồi còn tính toán nữa, giờ tôi có thể bập bẹ được những cửa hiệu mà tôi đi qua, rồi biết đếm tiền bán ve chai cho vựa. Có má là không có ngu dốt nữa, từ ấy mà cái đầu tôi hết tăm tối….

Tháng 7 lại tới, tôi háo hức chờ đến ngày rằm, không phải chỉ để ăn cơm chùa, mà là thăm sư thầy ngày trước, má cũng vui. Tôi dắt má đến chỗ thầy phát hoa, đến lượt tôi, không cần thầy hỏi, tôi reo lên liến thoắng:

– “Thầy cho con cái hoa màu đỏ đi thầy, con có má, má con đây nè thầy”

Sư thầy mỉm cười vui vẻ, thầy cài cho tôi một cành hoa hồng đỏ: “Bé con, giỏi lắm”. Tôi reo lên với má, tôi thấy má cười vui lắm, vui hơn những lúc nhặt được ve chai nhiều. Má ôm tôi vào lòng rồi nức nở . “Giỏi lắm, giỏi lắm, con là cuộc đời của má”.

Mỗi ngày đi lượm ve chai, má để dành một ít, bảo tới cuối năm má cho mua cho tôi một bộ đồ mới. Ui cha, cả cuộc đời lượm ve chai, tôi không nghĩ một ngày có thể mặc được đồ mới. Tôi hùn với má, mỗi ngày 1000, 2000đ,…Có những hôm đi lượm mắc mưa, về tôi sốt, bao nhiêu tiền dành dụm mua đồ mới, má mang ra tiệm thuốc, tôi xót lắm “Má để dành tiền mua đồ đi, con bệnh vài ngày khỏi à” – “Con khờ quá, phải mau hết bệnh, mặc đồ mới mới đẹp”. Má xoa đầu tôi, má thức trắng canh tôi bệnh, lúc nào má cũng đắp lên trán tôi cái khăn ướt, má ôm tôi vào lòng, lại hát ru tôi đi vào giấc ngủ. Sáng ra, tôi thấy mắt má thâm quầng, tóc lại thêm vài sợi bạc, nhìn những nếp nhăn lại hằn lên thêm trên gương mặt má, tôi thương má lắm. Tôi biết những ngày nằm bệnh, má phải một mình lượm ve chai nhiều hơn trước để lo tiền thuốc, tiền thức ăn ngon cho tôi khỏi bệnh. Gánh nặng trên vai má lại chồng chất, thêm một đứa con, là má phải oằn lung, vậy mà má vẫn thương tôi hết mực. Tôi nghĩ về bé Vy, nếu gặp nó, tôi sẽ cho nó biết má tôi còn tuyệt hơn má nó nhiều nhiều lắm….

Thu qua, đông tới, những cơn gió bấc về, mang cái hơi lạnh phả khắp vào không gian mù sương đẫm nước. Xóm ve chai nghèo lại sắp đón một mùa xuân. Tết đến, tôi lại nhớ tới bộ đồ má hứa, nhưng tiền thuốc cho tôi hết veo tiền để dành của má lâu rồi. Thôi kệ, miễn là má con tôi vui là được, không có áo mới cũng chẳng sao, với tôi, giờ có má là điều sung sướng nhất. Một ngày, chiều về, tôi chờ má mãi vẫn không thấy má mua cơm về, không biết má đi đâu nữa. Gần tối, tôi chạy ra đầu hẻm, thấy người ta xúm xít bu quanh một chiếc xe tải lớn, không biết chuyện gì xảy ra, tôi lách qua đám người đông nghịt…. Trời ơi, hãy nói với tôi rằng không phải là một cơn ác mộng, tôi nhìn rõ, má tôi nằm đó, máu chảy nhiều ở hai bên thái dương, tôi chạy gào lên, tôi chạy xuống ôm má lên, tôi gào lên như thác đổ, sao không ai cứu má tôi hết vậy? Tại sao mọi người có thể hờ hững đến như vậy, hàng đống người đứng xem mà không ai mảy may một lời chua xót, má tôi. Tôi khóc thét: “Má ơi, má ơi, má có sao không má ơi, đừng bỏ con má ơi, đừng má ơi…” Má tôi khóc nói được nữa, tôi chỉ thấy má nhìn tôi, rồi tràn nước mắt. Tôi nắm lấy đôi tay ướt máu, má đang cầm bộ đồ mới mua cho tôi ở tiệm. Vẫn đôi bàn tay, chai sần đến kinh khủng ấy, bây giờ gần như bất động, chỉ có đôi môi mấp máy, và hai hàng nước mắt vẫn lăn dài trên gương mặt má tôi….cuộc đời ơi, ông thật tàn nhẫn, thật tàn nhẫn với những kiếp người khốn khổ….

Sư Thầy nhận chôn cất má tôi ở cạnh chùa, gần ngôi mộ má bé Vy, tôi không còn má nữa…Mỗi ngày lượm ve chai về, trong sự cô đơn kinh khủng, tôi nhớ hình ảnh người đàn bà có khuôn mặt thật hiền, với đôi tay chai sần theo năm tháng, mỗi sang mua đồ ăn cho tôi, dạy tôi đánh vần và tập viết…đôi bàn tay ấy dang rộng ôm tôi trong những ngày mưa bão, chở che cho tôi trong những đêm giá lạnh ghê người. Đôi bàn tay mà ngày ngày phải lượm ve chai, đắp cho tôi từng mảnh khăn khi tôi sốt. Rồi những đêm thức trắng, với những sợi tóc bạc và vết chân chim, quãng đời sau này, tôi tìm đâu ra má nữa….Tận sâu trong tâm hồn, tạo hóa ban cho tôi đến 2 người mẹ, nhưng chỉ có má là cho tôi những tháng ngày hạnh phúc, không sung sướng đủ đầy như thiên hạ, những cũng bao bọc cho tôi trong cái gió mưa khắt nghiệt của cuộc đời. Má không mạnh mẽ, không như những siêu nhân huyền thoại, nhưng má có can đảm, má có tình thương, sự hy sinh cho đứa con bé bỏng, dù không phải má rứt ruột mang nặng đẻ đau mà chỉ vì tình thương cho một kiếp người lang bạt. Tôi nhớ lời má “Con là cuộc đời của má”. Vì tôi mà má đã hy sinh cả cuộc đời còn lại, má đem cả mạng sống để mua cho tôi một niềm vui trong cái số phận hẩm hiu, bụi đời đơn độc. Ôi những đêm lạnh về sau, ai sẽ hát cho tôi nghe những khúc hát ru đến não lòng, làm sao tôi có thể ngủ được trong những tháng ngày không có đôi bàn tay má đỡ nâng, che chở….Bây giờ, tôi mới thấy chua xót cho câu nói ngày xưa của bé Vy “Anh không có má, sao anh biết….” Phải, bây giờ tôi không có má, mãi mãi không bao giờ có má. Sẽ không có lần thứ 2, một vòng tay dang ra chào đón tôi như má đã từng làm. Khuất sau một thế giới, tôi cô độc thật rồi….

Trần Anh Tuấn

Đại học Tôn Đức Thắng, Q7, TpHCM

SĐT: 0989 246 313

Mưa rơi trên nỗi đau này

Kí ức hôm nào lại tràn về trong anh. Nó chợt ào đến rồi chóng đi cùng cơn gió lạnh. Và khi anh nhận ra bao tình nhân thắm thiết bên nhau, thì chỉ có mình anh lẻ loi trên con đường, con đường ướt đẫm sau mưa.

 

Con đường ngày xưa mình thường chung lối. Nhưng giờ đây thì chỉ còn mình anh với con đường xưa. Con đường chẳng thay đổi. Và anh cũng như thế.
Những âm thanh ồn ào xung quanh cũng làm khuấy động phần nào tâm hồn tĩnh lặng trong anh. Những âm thanh, hình ảnh ngày xưa thỉnh thoảng chợt ùa về. Đến nhanh rồi đi cũng nhanh như em vậy. Gợi cho anh nhớ về những ngọt ngào, cay đắng mà mình đã trải qua.

Mưa rơi
Mưa rơi

Anh lang thang đi đến những nơi mình đã từng ở cạnh nhau. Anh đứng lặng lẽ thật lâu ở mỗi nơi và tưởng tượng lại những hình ảnh mình ngày xưa. Em có từng một lần nghĩ đến những nơi đó khi mình xa nhau không? Mình sẽ còn gặp nhau ở những nơi này phải không em? Anh tin chắc là thế. Nhưng lúc gặp nhau anh chẳng cười, chẳng nói, nhìn em rồi đi. Và anh sẽ chẳng đến những nơi đó nữa. Bởi vì em đã dùng hạnh phúc cùng niềm vui mới xé nát những kỉ niệm của mình.
Anh vẫn sống như những ngày mình chưa quen biết nhau. Dù cuộc sống chẳng nhiều màu sắc khi mình còn bên cạnh . Cuộc đời này mình còn gặp lại không em? Gặp lại mình sẽ ra sao khi những cay đắng em dành cho anh nhiều hơn tình yêu anh trao em. Anh sẽ buồn và mãi buồn vì tình yêu này. Vì khi cây đinh rút ra tấm ván sẽ còn mãi sẹo. Dù ngày trước anh cố gắng bỏ qua vết sẹo đó để nhìn những bề mặt phẳng lặng. Nhưng dường như một vết sẹo với em chưa đủ. Và một nỗi đau em dành cho anh chưa làm em hạnh phúc.

Anh luôn tự hỏi sao anh vẫn luôn yêu em, nhớ em. Dù đôi lúc lí trí anh bị lấn át bởi những nỗi đau kia. Nỗi đau đầu tiên trong anh. Những hạnh phúc ngày nào tay trong tay tưởng chừng anh nắm chặt thì nay đã ra đi trong lặng lẽ. Những kỉ niệm đẹp anh ít khi nhớ mà giờ đây anh âm thầm tìm lại trên lối xưa.
Bốn năm, bốn tháng. 4 tháng trôi qua với anh dài vô tận. Vậy mà 4 năm yêu nhau vô tình trôi quá nhanh. Anh đã không kịp chuẩn bị nó. Giống như ngày trước em chưa chuẩn bị để yêu anh.
Mưa rồi sẽ ngừng rơi, nỗi buồn trong anh sẽ chóng phai. Riêng tình yêu anh dành cho em sẽ vẫn còn mãi nơi từng thuộc về đôi ta.

Theo Những truyện ngắn hay 

Chạy trốn

“… Bên anh cô mới cảm nhận được dư vị của tình yêu. Đêm như ngắn lại, khắc khoải, mùi khăm khẳm của lũ vịt, mùi tanh tanh của bùn đất, mùi mô hôi khen khét… tất cả quyện vào nhau trong không gian chật chội của lều vịt…”

 Chiếc xe tốc hành lao nhanh dưới cơn mưa nặng hạt. Nhìn qua ô cửa kính, những cánh đồng ngập ngụa, lênh láng một màu trắng xóa, gương mặt Quyên cũng nhạt nhòa nước trong mưa.
“Tình yêu, tôi biết sức mạnh của nó nhưng cũng là thứ mơ hồ nhất và khi nó qua đi thì chỉ còn lại nghĩa vụ, sự chán nản và trống rỗng ghê gớm…”. Tiếng người đàn bà ấy như vẫn còn văng vẳng khiến trái tim cô buốt nhói. Chỉ ngày mai thôi cả cái xóm bãi bồi sẽ có vô khối chuyện để đàm tiếu về cô. 

Tại sao ông trời lại bất công thế? Cho cô những tuyệt đỉnh của mọi cung bậc cảm xúc trong cuộc tình éo le ngang trái rồi bất chợt giật phắt đi khiến cô rơi tõm xuống vực sâu của thực tại trong đau đớn nhục nhã thế này? Anh đến với cô bằng tất cả nồng nàn của tình yêu đã ngủ quên thêm một chút từng trải, một chút bụi bặm đầy bản năng của anh chăn vịt chạy đồng, bằng ấy thôi đã khiến cô ngây ngất.

 

Lúc đầu chỉ là cậu đến thăm cháu bị tai nạn, giúp đỡ cháu dâu trong cơn bĩ cực. Dần dà chính anh đánh thức cái bản năng đàn bà trong cô đã chết từ lâu…

Chạy trốn tình yêu
Chạy trốn tình yêu

 

Ngày Quyên về làm dâu của cái xóm bồi này, ai cũng ngoái đầu nhìn lại khi cô đi ngang qua. Quyên đẹp không phải từ mỹ phẩm hay ăn diện mà từ sự nền nã thuần khiết của một cô thôn nữ với gương mặt bầu bĩnh bĩnh phúc hậu, ngực nở eo thon, mái tóc dài đen nhánh. Những chàng trai lâu nay trồng cây si mà không được đáp lại giờ nhìn cô với Sơn tay trong tay mà nước mắt lưng tròng.

 

Sau tuần trăng mật ngắn ngủi Sơn hiện nguyên hình là một kẻ thích chinh phục và thích tiền. Với anh ta, tất thảy có thể quy thành tiền kể cả nhan sắc của vợ, danh dự của bản thân. Từ một đại lý vật tư nông nghiệp nâng cấp thành công ty nhằm dễ tiếp cận nguồn vốn và dĩ nhiên cái nét duyên dáng của cô là “mồi” cho những hợp đồng tín dụng bẩn, những đêm thức trắng cô thấy tởm lợm cho chính bản thân mình bên cạnh người chồng nồng nặc mùi bia ngáy như sấm rền, những trận đòn ghen trong cơn say Sơn không làm chủ được khiến cô tàn tạ như tàu lá úa. Thêm ba tháng trời chăm sóc gã bị tai nạn nằm liệt một chỗ khiến cô chỉ còn là cái xác không hồn, khô quắt.

 

Ngày Sơn qua đời cô như trút được một gánh nặng, tuyệt nhiên không một chút xót xa, thương cảm hay hụt hẫng. Thì ra khi con người ta rơi vào trạng thái vô cảm thật đáng sợ, dù yêu dù ghét còn có cái mà nghĩ về nhau, đằng này…

 

Căn nhà rộng thênh giờ lặng như nhà mồ. Sơn ra đi để lại cho cô khoản nợ khổng lồ, những gì có thể bán đã bán, kể cả miếng đất mặt tiền làm trụ sở và cửa hàng. Những lần mùa lụt cả cánh đồng nước ngập một màu trắng xóa, một mình ôm con dưới ánh chớp nhì nhằng, tiếng sấm rền âm u Quyên mới thấy hết sự trống trải và sợ hãi. Không biết từ bao giờ cô yêu thích tiếng lách cách mở khóa chuồng vịt. Tiếng đàn vịt quang quác đòi ăn, tiếng bì bỗm lội nước mỗi lúc một gần giúp cô đỡ cô đơn, sợ hãi hơn.

 

Bên cậu, không, bên anh cô mới cảm nhận được dư vị của tình yêu, dư vị mà mấy năm trời bên Sơn không hề có. Vượt qua rào cản luân lý, đêm như ngắn lại, khắc khoải, mùi khăm khẳm của lũ vịt, mùi tanh tanh của bùn đất, mùi mô hôi khen khét… tất cả quyện vào nhau trong không gian chật chội của lều vịt.

 

Cái lãnh địa tội lỗi chỉ là hư vô ảo ảnh. Quyên đợi chờ một trận đòn “ngứa ghẻ hờn ghen”, nhưng không. Người đàn bà ấy có gương mặt khá đẹp giờ đã chùng xuống vì những nếp nhăn còn ẩn chứa nét chịu đựng, nhẫn nhục. “Cô có yêu anh ấy không”, “ một câu hỏi xưa như Trái đất, bà cũng dám nói về tình yêu ư, nếu thế chắc hẳn anh ấy không sà vào lòng người khác”. Dường như hiểu được những ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu cô nhưng bà vẫn im lặng chậm rãi “ tình yêu, tôi hiểu sức mạnh của nó nhưng khi nó qua đi chỉ còn lại trách nhiệm, nghĩa vụ và sự chán nản. Cô còn trẻ, có sắc đẹp, cô thừa sức tìm kiếm một niềm hạnh phúc mới với tình yêu trọn vẹn chứ không phải mèo mả gà đồng trái luân lỗi đạo thế này”.

 

Bà còn nói nhiều nữa nhưng tai cô ù đặc, thì ra cái người đàn bà nhỏ thó quê mùa lúc nào cũng liêu xiêu trên cánh đồng theo đàn vịt này không đơn giản như cô nghĩ. Bao nhiêu khôn ngoan biến đâu mất khiến cô trơ ra như phỗng. “Thì ra mày cũng chỉ là con đàn bà hư hỏng, giật chồng người khác mà đó là ai, là cậu của chồng mày…”.

 

Đã ngớt mưa nhưng bầu trời còn nhuốm một màu u ám. Quyên mường tượng trên cánh đồng ấy có một người đàn ông liêu xiêu, co ro theo đàn vịt chạy đồng trong lòng trĩu nặng mối lo cơm áo và còn vương tơ một mối tình, một mối tình đáng bị nguyền rủa.

 

Chiếc xe dừng lại trước hàng rào chắn. Đoàn tàu kéo một hồi còi dài lanh lảnh, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray. Trong số những con người lố nhố đang ngồi trên kia có ai cùng tâm trạng chạy trốn như cô không? Chắc có vì ai cũng có tính ích kỷ của con người.

 

Đình Dũng

Đứa con nuôi và chiếc dép rách

Người ta nói anh và chị là 1 cặp đôi hoàn hảo, đơn giản vì anh tên Hoàn và chị tên Hảo. Chứ ở đâu mà có cái hoàn hảo. Vợ chồng anh chị sống hạnh phúc lắm, họ cất 1 ngôi biệt thự bề thế ở trong 1 khu vườn rất rộng, 3 mặt giáp sông. Cứ coi như họ đang ở trên 1 ốc đảo thần tiên, tận hưởng cuộc sống rất hạnh phúc. Coi như hoàn hảo rồi còn gì?!

Nhưng họ sống với nhau ngót nghét 4 năm rồi, mà không có 1 mụn con. Có con là cái điều mà họ khao khát nhất. Nếu có con thì cuộc sống hạnh phúc của họ trọn vẹn biết mấy. Nhưng cái ngày đi khám, bác sĩ phát hiện ra khối u trong người chị, khối u không ác tính, nhưng làm chị vô sinh. Chị rất đau đớn, anh thì còn đau hơn. Anh đau cho anh và đau cả cho vợ mình.

Họ đấu tranh với nổi đau tinh thần bằng cách tìm ra giải pháp. Phải có 1 giải pháp để họ không cảm thấy vắng lạnh trong ngôi nhà rộng thêng mà chỉ vỏn vẹn 2 vợ chồng. “Hay là mình nhận con nuôi nghen em” “Em cũng nghĩ vậy, chỉ là cảm thấy lo sợ về mặt xã hội, về mặt nhân đạo. Sau này không biết tình cảm đối với con nuôi sẽ thế nào. Rồi còn chuyện kế thừa, nối dõi, chuyện cha mẹ ruột… Em thật thấy lo” “Em đừng nghĩ nhiều, mình nhận nuôi thì dần dần sẽ ổn thỏa tình cảm. Mọi việc khác xuôi theo tự nhiên đi em” “Được rồi anh, vậy mai mình sẽ đến trung tâm bảo trợ xã hội”

Con bé mắt đen lay láy, môi nó mấp máy như muốn nói điều gì với anh chị mà nói không ra. Nhìn nó anh chị thấy rất ưng ý. Không biết tại sao con bé duyên thế kia mà cha mẹ nó lại bỏ rơi nó thế này. Con bé khóc thét lên khi anh chị dẫn nó đi, thể như nó đang hoang mang không biết số phận nó về đâu.

Đời sống giờ có thêm 1 sinh linh bé nhỏ. Ngôi nhà lớn giờ có thêm tiếng trẻ thơ. Thật ấm áp. Anh chị cảm giác rất hạnh phúc. Đôi khi chị nhìn vào đôi mắt tròn xoe xoe của nó mà bật khóc vì sung sướng. Anh chị rất yêu con bé. Họ mua đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh. Căn phòng họ giờ có thêm thành viên mới, đồ đạc cũng mới, và trở nên chật chội kinh khủng. Với 1 con bé lên 6, thì đồ đạc như thế là quá đầy đủ so với những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Nhưng con bé không đoái hoài gì đến mớ đồ hỗn độn anh chị dành cho nó. Từ lúc ở trại trẻ mồ côi về đến giờ, anh chị thấy nó luôn khư khư 1 chiếc dép rách rưới. Nó giữ chiếc dép đó rất kĩ. Họ cũng đoán ra được chiếc dép này là kỉ vật của cha mẹ con bé.

Từ lúc có con bé, anh chị cứ cười hoài. Họ như trở thành trẻ con. Còn con bé thì lại không thấy cười. Không biết ở trại trẻ mồ côi nó có cười không, nhưng giờ thì vắng bóng hẳn. Anh chị nghĩ nụ cười của con bé chắc sẽ đẹp lắm đây. Nhưng nó không cười thì biết sao được.

Đi đâu anh chị cũng dắt nó theo, đôi mắt nó nhìn cái gì cũng xoe tròn. Rồi lại càng tròn hơn khi nó nhìn thấy 1 con bé giống y hệt nó trên đường. Cứ như soi vào tấm gương và thấy mình trong đó. Nhưng không, đang giữa đường làm gì có gương. Rõ ràng nó thấy 1 con bé giống mình. Nhưng ngược đường. Có 1 người đàn ông và 1 phụ nữ dắt con bé kia đi trên vĩa hè bên kia.

Đứa con nuôi và chiếc dép rách - Ảnh minh họa
Đứa con nuôi và chiếc dép rách – Ảnh minh họa

 

Con bé tên Hằng. Cái tên này do mẹ ruột nó đặt chứ không phải anh chị. Anh chị thì thích gọi nó là bé Xíu, tại thấy nó nhỏ xíu khi anh chị ẵm nó lọt thỏm vào lòng. Con bé có vẻ thích cái tên anh chị gọi nó. Nhưng đồ đạc anh chị mua cho nó thì nó vẫn không ngó ngàng tới nhiều như chiếc dép rách. Lí lẽ của trẻ thơ nhiều cái anh chị đâu thể hiểu nổi, chỉ biết vậy thôi.

Giống như chuyện con bé Xíu gặp 1 con bé y ran khuôn đúc đó, nó đâu có kể lại cho anh chị nghe. Trong đầu óc non nớt của nó cũng suy nghĩ mông lung lắm. Nó chỉ mong gặp lại con bé kia để hỏi xem nó là ai.

Vậy mà phải đến chục năm sau nó mới gặp được con bé đó.

Chục năm đủ để con bé Xíu thành thiếu nữ 16 trăng tròn. Bây giờ anh chị không còn gọi nó bằng cái tên thân mật bé Xíu nữa vì nó lớn rồi. Anh chị kêu bằng cái tên cúng cơm của nó – Hằng. Chục năm là 1 chặng dài bao nhiêu buồn vui sướng khổ. Nhưng ở Hằng thiếu 1 niềm vui thực sự. Nụ cười vẫn không xuất hiện trên gương mặt, khiến cho Hằng trở nên lạnh lùng, nội tâm.

Bước vào ngưỡng cửa cấp 3. Học chung với 1 đám bạn mới và lạ. Với người lạ thì Hằng không dòm ngó ai, nhưng bất ngờ thay có 1 người khiến Hằng phải tròn mắt, chính cái người cách đó chục năm cũng từng làm Hằng tròn mắt. Bạn bè và thầy cô cho rằng Hằng và cô bé kia là 2 chị em song sinh. Cô giáo chủ nhiệm sắp chổ 2 đứa ngồi kế nhau. Hằng cứ vo tròn đôi mắt nhìn người bạn mới giống y hệt mình, và cô bé kia cũng vậy chăm chú nhìn Hằng. Cả 2 nhận ra nhau sau chục năm gặp.

Đứa con nuôi và chiếc dép rách - Chị e sinh đôi
Đứa con nuôi và chiếc dép rách – Chị e sinh đôi

Cả 2 đều có linh cảm là 2 chị em song sinh. Nhưng hoàn cảnh côi cút lưu lạc thưở nhỏ khiến cả 2 xét hỏi nhau bao nhiêu thì cũng không rõ đích xác. Không biết ai chị ai em. Mà theo cái tên thì khả năng Hằng là chị.

2 đứa nhanh chóng thân nhau, không cần nói nhau nhiều mà cũng hiểu. Thậm chí có nhiều cái 2 đứa giống nhau y hệt như 1 số sở thích, tính cách… càng làm cho thân hơn. Sau mỗi buổi học, Hằng và Hà rủ nhau ra bãi cát, nhặt những cục sỏi thuồng thuổng như hột vịt, rồi lên 1 cây cầu cao ngút gần đó, ném xuống sông để coi những lượn sóng tròn lan ra, coi ai làm văng nước cao hơn, rồi cười tung tóe. Những nụ cười mà hơn chục năm Hằng chưa từng hoặc quên lãng. Xem ra tình cảm thiêng liêng giữa họ giải tỏa được những u uất trong lòng. 2 đứa kể nhau nghe một số chuyện xảy ra trong hơn chục năm qua. 2 tuổi Hà đã được 2 vợ chồng nhà kia xin về nuôi. Lúc đó nhỏ quá Hà cũng không nhớ hết chuyện, không nhớ là mình có 1 người chị song sinh. Nhưng lớn lên nghe cha mẹ nuôi kể lại. Hà có hỏi “Sao cha mẹ không xin luôn về nuôi” Cha mẹ Hà chỉ thở dài “Lúc đó nhà mình khổ lắm, cha mẹ cũng muốn mà không đủ khả năng”. Cha mẹ Hà nói vậy thì nghe vậy, chớ biết sao giờ.

Hằng rủ Hà “2 đứa mình đi tìm cha mẹ ruột” “Làm sao tìm bây giờ” “Để coi” Từ lúc đó 2 đứa bắt đầu nhen nhóm kế hoạch tìm cha mẹ ruột tụi nó. Sau mỗi buổi học thay vì ra bãi cát như trước thì 2 đứa đi lại những nơi có thể hỏi thăm ra. Hỏi thăm thì cũng được 1 mớ thông tin, nhưng hỏi tới tung tích cha mẹ tụi nó thì ai cũng lắc đầu.

Ngày tháng cứ trôi, 2 đứa nó vẫn tìm mãi miết. Có bất cứ tung tích gì là 2 đứa nháo nhào lên. Nhưng dần dà tin tức càng ít đi, chặng đường đi tìm càng lúc càng mơ hồ. Hà hỏi Hằng “Còn cách nào không, bao nhiêu cách đã thấy không ăn thua” “Còn 1 cách” Rồi Hằng lôi chiếc dép rách ra. Hà trố mắt “Cái gì thế?” “Cái cha mẹ để lại” “Làm gì với cái này?” “Chụp hình đăng báo. Thử coi sao” 2 chị em hý hoáy chụp hình chiếc dép, rồi gửi lên 1 tòa soạn báo có tiếng, đăng tìm cha mẹ. Cái nào lóe tia hy vọng thì cứ thử vậy thôi.

Ngày tháng cứ lạnh lùng trôi tiếp mà chẳng thấy ai liên lạc với 2 chị em nó hết. Bao nhiêu cách đã sử dụng đều không có kết quả gì. Dần dà 2 chị em cũng quên bén việc tìm kiếm cha mẹ. 2 đứa đang chuẩn bị tốt nghiệp và thi đại học. Chưa kịp thi gì thì Hà cho Hằng hay “Em sắp đi” “Đi đâu” “Qua Mỹ” “Theo cha mẹ em hả” Hà gật đầu. Vậy là 2 chị em sắp chia tay, 2 đứa mặt xụi lơ. Xa không biết bao giờ gặp “Khi nào về?” “Em không biết luôn” “Nhưng phải về thăm chị đó nghen” 2 đứa ôm nhau khóc ngon lành.

Vậy là Hà đi. Cái đêm trước ngày đi, Hằng dẫn Hà ra bãi cát, đưa cho Hà chiếc dép rách “Em giữ theo đi. Chị sẽ tìm cha mẹ tiếp” “Không, chị giữ đi. Mà tìm được cho em hay nghen chị” Hà giúi lại chiếc dép vô tay Hằng, 2 đứa lại ôm nhau khóc dài khóc ngắn.

Hằng lo tất bật chuyện thi cử, thi rất nhiều nên tạm gác chuyện tìm cha mẹ. Lên chat với Hà, Hà hay hỏi thăm “Tìm được chưa chị” “Vẫn chưa tìm em à”. Lần nào cũng thế. Hằng có cảm giác đang chán nản việc tìm cha mẹ. Không còn sốt sắng như trước. Cũng không hiểu sao. Có lẽ cái tình với cha mẹ vốn không có từ nhỏ nên Hằng không cảm nhận được thứ tình cảm đó hoặc cảm nhận thì cũng rất mơ hồ. Với Hằng, những cô chú ở trại trẻ mồ côi, và cha mẹ nuôi mới là những người thân thiết, và hiện hữu tình cảm thực sự.

Tưởng chừng quên thì tự nhiên có người đàn ông, khuôn mặt hốc hác tìm Hằng. “Cháu là Hằng, đăng tin trên báo này phải không?” Ông chìa tờ báo cũ, nát nhàu. “Dạ đúng. Chú có tin tức gì hả?” Người đàn ông thở dài nói tiếp “Cháu cho chú mượn chiếc dép đó 1 chút” Hằng lấy chiếc dép rách đưa cho người đàn ông. Ông ta cầm lấy chiếc dép, tay run rẩy, rồi bật khóc ngất. “Chú … chú … là chú ruột của cháu” “Vậy… cha mẹ của cháu… …” Người đàn ông không trả lời, chỉ ra hiệu Hằng đi theo ông. Hằng xách xe chạy theo sau xe người đàn ông, đi mãi, đi mãi rất xa mới đến 1 nơi cây cối um tùm. Người đàn ông bỏ xe, đi bộ, Hằng cũng lo lắng dòm dáo dác, chẳng biết ông ta dẫn Hằng đi đâu. Hằng lại hỏi “Đi đâu vậy chú” “Gặp cha mẹ cháu” “Ở trong này?” Ông ta không nói gì nữa. Dẫn Hằng đến trước 1 nơi cỏ um tùm, ông ta chỉ vào đó, dòm kĩ thì thấy 2 ngôi mộ, dây leo và cỏ phủ ngập như lâu lắm không người dọn. Người đàn ông chợt lao vào lùm cỏ, bứt xé loạn xạ. Rồi khóc. Hằng thì không biết nên làm gì, cứ đứng chết trân mà nhìn. Ông ta quay lại nói với Hằng “Cha mẹ cháu mất sau khi cháu chào đời 1 thời gian” Ông ta đằng hắng kể mọi chuyện “Sức khỏe của mẹ cháu rất yếu, mang song thai, nên nguy cơ cao lắm. Bác sĩ nói nếu sanh có thể mất tính mạng. Bác sĩ khuyên cha cháu nên cứu tính mạng người mẹ. Nhưng mẹ cháu cương quyết đòi sanh… Sau khi mẹ cháu mất, cha cháu buồn sanh tật rượu chè, cứ uống say từ sáng tới tối. Lâu ngày sanh bệnh, bị xuất huyết bao tử mà chết… Lẽ ra lúc đọc tờ báo này, chú đã đến gặp cháu, nhưng chú bị chứng rối loạn thần kinh, lúc nhớ lúc quên, nên mãi đến bây giờ mới…” Hằng đến mộ cha mẹ, đặt chiếc dép rách xuống và khấn…

Tối Hằng lên chat với Hà, vừa chat vừa nghĩ đến những việc mới xảy ra, ứa nước mắt. Hà vẫn hỏi câu quen thuộc “Chị tìm được cha mẹ chưa?” Hằng im lặng 1 chút rồi thở dài “Chưa em à”. Hằng tự hỏi không biết có nên nói với Hà chuyện về cha mẹ hay không. Có thể sẽ có 1 lúc nào đó Hà cũng cần biết, nhưng bây giờ có lẽ không nói tốt hơn?! Nhưng nhất thiết phải kể lại cho cha mẹ nuôi biết cái đã – Hằng nghĩ thế rồi nhìn chiếc dép rách và bật khóc. Không dưng thấy thương cha mẹ nuôi quá chừng, bao nhiêu năm nay Hằng mang bao nhiêu đôi dép lành lặn rồi…

Cô em “nho xanh”

Vừa ghé qua phòng kế toán, có đứa con gái đen thùi lùi đang ngồi đó, gã chán nản bỏ về, sai đàn em lên lấy tài liệu hộ, rồi làu bàu than với đám lâu la trong phòng: “Cứ thấy con nào xấu là chỉ muốn nhắm mắt, không buồn nhìn”.

Cô em nho xanh - Ảnh minh họa
Cô em nho xanh – Ảnh minh họa

Gã trêu tay kế toán trưởng: “Ông xem người tiền nhiệm của ông, tuyển nhân viên như người mẫu thế, còn ông “nhặt” được hai đứa thì “cá sấu” cả hai, phải biết tạo cảm hứng cho anh em còn làm việc chứ”. Vừa lúc đó Diệp được dẫn đi làm quen nhà máy, nghe có tiếng sếp mình, liền tò mò đứng lui lại xem ai mà hống hách, rồi tiến vào phòng làm như muốn chào mọi người.

Vốn tính thân thiện nên gặp đồng nghiệp Diệp hay chào hỏi, thấy con bé cứ hay cười với mình, gã đâm tưởng bở, kênh kiệu nghĩ thầm: “Nho còn xanh lắm cô em ạ”, và luôn làm ra vẻ khó gần, mặt lúc nào cũng đăm đăm. Lần Diệp nghe nhầm nên xuống tìm, bị gã quát tháo om xiên “Điếc à, Sang chứ không phải Giang nhé!”

Mọi người chẹp miệng đùa: “Ba mươi tuổi đầu chưa lấy được vợ nên thành ra thế đấy, em thông cảm”. Diệp lại cười và hơn một lần tỏ vẻ ngưỡng mộ, nói với mọi người, anh Giang quả có chí lớn tài cao, bằng ấy mà đã là một quản lý sản xuất đầy tiếng tăm. Tất nhiên lời khen này chẳng mấy chốc bay đến tai, khiến gã sướng âm ỉ.

Rồi cũng có lúc gã phải làm việc trực tiếp với con bé xấu người ấy, song phải thầm công nhận, cái đầu thông minh kia đã chứa những cái nhìn rất mới, giúp cải tiến công việc, góp sức khá nhiều trong việc quản lý, khiến gã khối phen thán phục.

Hôm đang đi Diệp bị vấp ngã, gã nhìn thấy thì cười nhạo rồi tranh thủ chọc: “Đoạn này anh đã đo đạc cẩn thận rồi, đâu cần đến em”, con bé nhăn răng cười còn tươi hơn: “Các anh làm ăn quan liêu, mới đo dài rộng thôi đúng không, em vừa đo cả độ cứng nữa đấy”, gã nhìn theo và tủm tỉm, ứng đối nhanh ra phết, tư duy có vẻ không đến nỗi nào.

Từ đó gã thích sán đến gần trò chuyện, nhiều khi chả có việc gì, cũng kiếm chuyện làm quà, cố thể hiện sự hài hước: “Cái máy chấm công vân tay kia như có ma ấy, rõ ràng nhìn chẳng có ai, thế mà thi thoảng lại thấy nó nói “Xin cảm ơn”. Diệp cười khanh khách: “thế có khi anh phải bố trí một người đứng ở đó, để những lúc ấy còn đáp lại “không có gì”. Gã cười phá lên, công nhận Diệp vui tính, biết pha trò.

Càng ngày gã càng hay để ý đến Diệp, mà sao con bé càng ngày càng xinh ra thế nhỉ, khi “nó” cười, hàm răng trắng muốt cứ ẩn hiện, nổi bật bên làn da màu mật, lại còn cái điệu chun mũi đáng yêu và đôi mắt lúc nào cũng ánh lên vẻ sáng dạ, tinh nghịch. Duyên quá đi mất!

Gã mất ngủ nhiều hôm, cứ trằn trọc mãi, sắp tới phải tiếp cận thế nào nữa đây. Rồi vạch đủ mọi kế hoạch, rủ đi chơi, đến thăm nhà, hay là nhờ bọn thân tín “bắn tin” hộ nhỉ, đang váng đầu nghĩ cách thì một sáng mùa thu trong xanh, vừa mới nghe loáng thoáng tiếng ai lảnh lót “mùa cưới đến rồi” thì gã bỗng thấy Diệp thẹn thùng tiến đến chìa tấm thiệp màu nhũ vàng lóng lánh “Chúng em yêu nhau lâu rồi, cũng muốn để công việc của em ổn định hơn nhưng bố anh ấy lâm bệnh nặng, khó qua khỏi nên…”.

Tai gã cứ ù đi, miệng cố nặn một nụ cười song trông thật ngu ngốc, sau đó lạng chạng bước chân vào văn phòng xưởng, gã lẩm bẩm như bị hâm: “Nho chín nẫu mất rồi còn đâu”.

 

TSL