Category Archives: Tâm sự hôn nhân

Yêu nàng mù bếp núc

Nhiều người bảo “biết nấu ăn ngon cũng giống như có thêm một lá bùa để giữ chồng”. Ngặt thay, ngày nay, không ít nàng coi thường tấm bùa hộ mạng này.

Đã yêu nhau rồi thì “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội”, vì thế mà chuyện phụ nữ tề gia, nội trợ ngày nay có lẽ được xem chỉ là… chuyện nhỏ. Đến ra mắt gia đình chàng, nhiều cô nàng đã phải đóng phim buồn, giọt ngắn, giọt dài, thậm chí phải chào thua vì gia đình người yêu quá xem trọng bữa cơm gia đình.

Chuyện nhỏ đắm tàu

Bảo Trân, nhân viên một công ty dược trên đường Trường Sơn, Q.10 tâm sự: ba mẹ bạn trai cô hơi khó tính nên ngày anh đưa cô về ra mắt gia đình, cô luôn chú ý từng cử chỉ của mình để ba mẹ anh vừa lòng. Nhưng Trân đâu ngờ ba mẹ anh muốn thử tài nấu nướng của cô. Mẹ anh rủ cô đi chợ, mặt cô cười tươi mà lòng thì đánh lô tô. Không hiểu cô lóng nga lóng ngóng thế nào mà lúc về nhà chặt thịt, nó cứ bay tứ tung. Đến phần nấu canh chua thì canh vừa mặn vừa chua, còn món thịt bò xào cứ dai nhách. Khi ăn, ba mẹ anh khen khéo làm cô ngượng đến mức muốn độn thổ. Thì ra cô cắt thịt bò sai thớ và xào quá lâu, canh chua thì quên cho đường. Sau lần đó, anh động viên cô học nấu ăn vì gia đình anh rất coi trọng chuyện nội trợ. Nhưng cô cũng tự bào chữa mình… không có thời gian. Sau vài tháng, cô về chơi nhà anh, thấy chuyện nấu ăn của cô vẫn như cũ, mẹ anh nói khéo để cô hiểu. Cuối cùng, không thắng nổi “chuyện nhỏ”, cô và anh nói lời chia tay. Cô chỉ còn biết trách chính mình kém chuyện bếp núc.

Không đến mức gặp gia đình bạn trai hơi khó tính, nhưng chị Bích Thuỷ, nhà ở chung cư Thanh Đa, Q.Bình Thạnh phải dở khóc, dở cười với người chồng kén ăn của mình. Cưới nhau về gần một năm mà vợ chồng chị cơm không lành, canh không ngọt cũng hết nửa năm vì mỗi chuyện cơm nước. Chị than, lúc yêu nhau cả hai thường xuyên ăn ngoài có nghe anh nói gì đâu? Nhưng lấy nhau chỉ một thời gian anh thấy ngán ngẩm vì cảnh thường xuyên phải dắt xe đèo vợ đi ăn, nay bún bò mai cháo, phở. Chị ấm ức, “nấu mệt anh ăn khen ngon còn thấy mát ruột mát gan, đằng này anh toàn chê là chê”. Tuy nói vậy nhưng chị cũng thấy lo lo, “chắc cũng phải nhờ bạn bè chỉ bí quyết nấu ăn để giữ chồng thôi, chứ không có ngày anh chán phở thèm cơm của người khác thì nguy lắm”, chị nói.

Tầm sư học nấu ăn

Anh Nhật Huy, nhà ở hẻm 575 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 cho biết cô người yêu của anh cái gì cũng được, riêng nấu ăn thì miễn bàn luận, nghĩa là cô không hề biết món gì khác ngoài mấy món sở trường: trứng luộc, rau luộc và trứng chiên. Trái lại, bố mẹ Nhật Huy là chủ quán ăn nên tài nấu nướng của anh cũng có tay nghề. Vì thế Huy tìm mọi cách để Thu Giang chịu học và tập nấu ăn, dù chỉ là các món ăn cơ bản trong bữa cơm gia đình. Lúc đầu cô nước mắt ngắn dài một phần vì tự ái, một phần vì quan niệm thời buổi bây giờ kiếm tiền mới quan trọng. Cô nghĩ: có tiền mướn người làm giúp, đi ăn ngoài cho khoẻ tội gì cả ngày cứ chúi mũi vào mấy chuyện nhỏ nhặt đó. Hai người suýt chút nữa thì chia tay. Khi mới bắt đầu học, cô nấu mà anh cứ chỉ tay 5 ngón, bảo phải làm cái này, cái nọ làm cô thêm bực. Lâu ngày Giang quen dần và thấy thú vị hơn vì nấu được món ăn ngon và còn được người yêu động viên khuyến khích.

Nếu như Thu Giang may mắn có người yêu biết nấu ăn để dạy cho mình thì Hải Duyên (hẻm 322 Lạc Long Quân, Q.Tân Bình) sau giờ đi làm về phải tất tả chạy đến Nhà văn hoá Phụ nữ học nấu ăn theo yêu cầu mà cũng là điều kiện của người yêu và gia đình. Duyên nói: phải chi hồi bé được bố mẹ kèm cặp chuyện nấu ăn cũng đỡ, lúc còn bé ở quê đã có mẹ lo hết. Vào thành phố học đại học, mẹ thương cô, giúp cô có cả người lo chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Giờ đây chuẩn bị lập gia đình, nấu ăn với cô là cả một vấn đề… không nhỏ. Vậy là  phải chịu khó học để trở thành dâu thảo, vợ hiền trong mắt anh và bố mẹ chồng.

Không nội trợ… vẫn hạnh phúc

Nghe chuyện những người bị điêu đứng chuyện tình duyên vì không thạo bếp núc, chị Hồng Nga tự hào khoe: “Con gái không biết nội trợ không có gì phải sợ ế. Nga không hề nấu ăn nhưng đã lập gia đình hơn 5 năm, sống chung với bố mẹ chồng mà vẫn hạnh phúc”. Chị là người rất sành ăn, có thể nhận xét món ăn này thiếu gia vị gì, thêm gì cho ngon nhưng lại là người không bao giờ chịu vào bếp cho dù chỉ để nấu một vài món ăn đơn giản. Lúc mới về gia đình chồng, ba mẹ chồng chị cũng lời nặng, tiếng nhẹ nhưng chị đã có bí quyết riêng để gia đình hạnh phúc. Bù cho những “yếu kém” đó, chị luôn quan tâm đến mọi người trong nhà và luôn sống vui vẻ. Không nấu ăn được nên chị thường mua những món ngon cho bữa cơm. Chị  thủ thỉ với mẹ chồng giúp để chị có thời gian kiếm tiền và lo cho con cái hơn.

Trường hợp như chị Hồng Nga, có lẽ không phải là hiếm trong cuộc sống ngày nay nhưng để được chồng và bố mẹ chồng thông cảm, san sẻ công việc gia đình thì còn tuỳ thuộc vào mỗi gia đình, mỗi người. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, người phụ nữ dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Các bạn gái trẻ nếu biết thêm công việc bếp núc, chợ búa và chăm sóc gia đình thì vẫn không bao giờ thừa vì nó luôn là thiên chức của người vợ và người mẹ.

QUỲNH NHƯ

Lấy nhau rồi mới biết…

Ngày cưới, bạn bè mừng vì anh lấy được người con gái xinh đẹp, dịu dàng. Ba mẹ anh vốn khó tính nhưng cũng hài lòng với con dâu. Nào ngờ, cưới nhau chưa đầy ba tháng, vợ chồng anh đã ra tòa ly hôn. Cả hai thuận tình ly hôn, lý do đưa ra là “không hợp nhau”.

Nhưng, nguyên nhân thực sự là do họ thất vọng về nhau ngay từ những ngày đầu chung sống. Cũng vì khi yêu, ai cũng cố tạo cho mình vẻ ngoài thật hoàn hảo…
Vợ làm biếng
Lấy nhau rồi mới biết vợ làm biếng – Ảnh minh họa
Lấy nhau rồi anh mới biết, vợ mình lười nhác và thích đùn đẩy việc cho người khác. Ngày trước, khi còn yêu, nhà anh có việc gì cô đều về phụ giúp nhiệt tình, thể hiện mình là người đảm đang, khéo léo. Anh tự hào về vợ và cảm thấy mình may mắn. Nhưng, sau ngày cưới, những ngày giỗ chạp, vợ anh luôn tìm cách trốn việc, kiếm cớ để khỏi tham gia hoặc đến thật trễ, khi cỗ bàn đã xong xuôi. Áo quần bẩn của hai vợ chồng, cô dồn thành từng đống, anh thấy chướng tai gai mắt thì tự đi mà giặt. Nhà cửa bừa bộn cô cũng không thèm dọn dẹp, chỉ thích ngủ khi rảnh rỗi. Những bữa cơm gia đình trở nên nặng nề khi vợ nấu những món không thể nuốt nổi, anh kêu ca thì bị dội ngay gáo nước lạnh “tháng đưa có nhiêu tiền mà đòi hỏi này nọ”…
Còn vợ anh, ngày mới quen, nghe anh giới thiệu đang làm tại dự án X, cô đã nhẩm tính ngay tiền lương hàng tháng của anh và rất hài lòng. Lúc đó, có anh chàng đang làm hải quan ngấp nghé nhưng cô không thèm để ý. Vì vậy, khi nhận tháng lương đầu tiên từ tay chồng, cô suýt xỉu vì vỏn vẹn chưa đầy bốn triệu. Hình ảnh người đàn ông tháo vát, giỏi kiếm tiền của chồng sụp đổ thê thảm. Trái tim cô lại nghĩ về anh chàng nọ và hối tiếc vì sự lựa chọn của mình.

Chỉ chừng ấy thôi đã khiến vợ chồng anh thất vọng về nhau, không ngừng tung hê những cái xấu của nhau ra ngoài. Vợ anh công khai nhắn tin hò hẹn với người tình cũ, anh tìm đến rượu để giải sầu. Tổ ấm nhỏ vừa xây hoang tàn lạnh lẽo…

Giá như hai người chịu tìm hiểu kỹ trước khi cưới thì đâu đến nỗi phải “vỡ mộng” nhanh đến vậy…
Theo PNO

Khi tình cảm bắt đầu chông chênh

Trúc là giáo viên, chồng cô là một nhà kinh doanh lớn. Hai công việc của họ hoàn toàn độc lập nhau. Chuyện ai nấy làm nên vợ chồng chưa hề có mâu thuẫn trong công việc. Nhưng có phải vì việc ai nấy làm mà chồng của Trúc lại thực hiện luôn “tiền ai nấy giữ”? Hàng tháng, anh quy định đưa Trúc một số tiền vừa đủ chi tiêu trong gia đình mà anh đã ngầm cộng luôn tiền lương của Trúc vào.

Chông chênh
Chông chênh

Ban đầu, Trúc rất buồn nhưng rồi cô cũng dần quen. Vốn giàu lòng tự trọng, lại dễ tự ái, nên Trúc chẳng buồn bàn bạc vấn đề này với chồng nữa. Có lần, trong tháng đó, cô chưa kịp lãnh lương, mà số tiền chồng đưa hàng tháng thì đã hết, cô hỏi “mượn” chồng 500.000đ. Anh ta đưa mà vẻ mặt không được vui, lại còn hạch hỏi vài câu. Trúc giận quá. Ngay hôm sau, Trúc đi mượn tiền bạn trả lại cho chồng. Ðiều Trúc hơi bất ngờ là chồng cô đã đưa tay nhận lại số tiền ấy. Nỗi buồn càng lan rộng trong lòng Trúc. Tình yêu, lòng tôn trọng chồng hình như cũng vơi đi.
Trúc tâm sự với Mai, một người bạn thân, cùng là giáo viên trong trường. Mai tỏ vẻ ngạc nhiên. Gia đình của Mai cũng gần giống như Trúc, nhưng chồng cô đưa hết tiền bạc cho cô cất giữ. Thậm chí, chồng Mai, tuy làm ra nhiều tiền, nhưng hễ cần chi tiêu những khoản lớn nào đều hỏi Mai. Việc hàng tháng chu cấp cho cha mẹ chồng, cũng có sự bàn bạc, thoả thuận của cả hai vợ chồng. Trúc chạnh nghĩ tới hoàn cảnh mình, Trúc biết chồng mình nuôi cả nhà nhưng chưa bao giờ cô được biết cụ thể chút gì. Thực ra, Trúc chưa bao giờ có ý suy tính thiệt hơn với nhà chồng, nhưng việc Trúc không hề được biết sự gì đã khiến cô tủi thân. Mai chợt hỏi: “Có khi nào ổng cất giữ tiền để nuôi bồ nhí?”. Trúc giật mình, nghe nhói trong lòng. Mai kiên quyết: “Bạn phải đưa vấn đề ra, người vợ cất giữ tiền bạc là điều hợp lý, bình thường. Trừ phi vợ hoang phí, hoặc cờ bạc thì chồng mới cất giữ tiền. Nhưng bạn đâu phải là hạng đàn bà đó. Bạn còn quá tốt nữa là đàng khác. Kiểu sống như vậy là không bình thường đó. Cần phải xem lại, điều chỉnh lại!”.

Những lời nói của Mai làm Trúc suy nghĩ nhiều. Nhưng rồi cô chỉ biết im lặng chấp nhận sự việc. Trúc là người phụ nữ nhu mì, quen chịu đựng, sợ giông bão trong nhà. Trúc biết tính khí chồng nóng như lửa khó lòng mà có được cuộc trò chuyện ra đầu ra đũa… Hơn nữa, xưa nay, giữa vợ chồng chưa bao giờ cãi nhau về chuyện tiền bạc. Trúc vốn rất quý trọng đồng tiền, cô rất tiết kiệm trong chi tiêu, thế nhưng cô không bao giờ đặt đồng tiền lên trên tình cảm, trên giá trị con người. Cuộc sống gia đình cô vẫn tiếp tục như vậy, cô đành chấp nhận.
Có điều, tự đáy lòng, cô luôn cảm thấy buồn, cảm thấy mình không được tôn trọng, cảm thấy bất an về chồng. Và điều kinh khủng nhất là cô cảm thấy… dường như quan hệ giữa cô và chồng có cái gì đó chông chênh…

ÁI QUÊ

Tai nạn tin nhắn trong tình yêu hôn nhân gia đình

Dẫu biết rằng có rất nhiều người tai nạn vì tin nhắn, dẫn đến kết cục cuộc sống gia đình vợ chồng cơm không lành canh chẳng ngọt, thậm chí tan đàn sẻ nghé  và kết cục bi thảm cuối cùng là li hôn.

Hoàn cảnh của tôi hiện giờ cũng nằm trong tình trạng đó. Điều mà hoàn toàn tôi không bao giờ nghĩ nó lại xảy ra với mình, bởi điều đó chỉ là đùa mà thôi, nhưng chồng tôi đã nghi  ngờ và cho rằng tôi đã ngoại tình.

Vợ chồng tôi yêu nhau một tình yêu rất đẹp chúng tôi đã không thể sống thiếu nhau cho dù khi đang yêu cha mẹ người thân hai bên không đồng ý. Nhưng rồi sức mạnh của tình yêu chúng tôi đã vượt qua để đến với nhau thành vợ thành chồng sinh được 2 con một trai, một gái. Vợ chồng tôi thật sự yêu thương nhau tin tưởng tuyệt đối về sự chung thủy của cả vợ và chồng. Trong suốt 23 năm chung sống tuy có lúc sóng to, sóng nhỏ xô bờ nhưng về cơ bản vẫn là hạnh phúc.

Câu chuyện của vợ chồng tôi bắt đầu dạn nứt, chồng tôi nghi ngờ và hiểu lầm về sự chung thủy của tôi bắt đầu từ  khi chồng tôi đọc được tin nhắc của tôi với một người đàn ông khác. Thực sự giữa hai chúng tôi hoàn toàn không có một tình cảm, tình ý riêng tư nào cả. Nội dung tin nhắn đó chỉ là tếu táo đùa cho vui trên điện thoại, bởi người đàn ông đó ở cách tôi rất xa (khác tỉnh) cách nhau 700  km.

Trong tư tưởng tôi chưa làm một điều gì sai trái, hẹn hò vượt quá giới hạn của hai người khác giới, chứ chưa nói là thực tế đã đi đến đến đâu cả. Đúng là chỉ có hai chúng tôi người trong cuộc mới biết đó là những lời tếu táo đùa cợt trên điện thoại thực tế không có gì cả và chỉ có trời, có đất chứng giám cho việc này và cho sự trong sáng, thủy chung của tôi đối với chồng. Nhưng chồng tôi nào có hiểu cho tôi tất cả mọi việc chồng tôi đều suy diễn và tưởng tượng ra đủ mọi thứ của những đôi tình nhân mây mưa trăng gió để mà mắng nhiếc, sỉ nhục tôi.

Thực sự tôi không biết phải làm thế nào để chồng tôi hiểu được đó chỉ là đùa thôi và tôi cũng đã biết lỗi của mình là đùa như thế là không được xin chồng tha thứ rộng lòng độ lượng của người chồng để cho cuộc sống tình cảm vợ chồng vui vẻ trở lại nhưng cũng chỉ được vài hôm chồng tôi lại nhắc lại chuyện cũ và còn ghi lại tin nhắn hàng đêm khi vợ chồng lên giường ngủ là mở ra đọc, suy ngẫm, phân tích từng câu từng chữ để mà  tượng tượng để mà suy diễn cho rằng vợ mình là thế. Tôi thực sự hoang mang, lo sợ vì chuyện tưởng chừng là nhỏ mà giờ chồng tôi như người bị bệnh hoạn, hoang tưởng do ghen tuông mà nghĩ ra đủ thứ, cái gì cũng liên quan đến quan hệ trai gái, quan hệ tình dục để mà suy diễn, tưởng tưởng… thực sự tôi vô cùng hoang mang lo sợ chồng mình lại mắc bệnh hoanng tưởng đến như vậy. Đây cũng là bài học quá đắt cho tôi và cũng là lời nhắn nhủ của tôi đến với mọi người đừng bao giờ đùa giỡn như thế. Hãy cho tôi và chồng tôi lời khuyên để cứu vẵn hạnh phúc nhé.

Trân trọng cảm ơn./.

 

Đi thăm chồng ốm, thấy anh đang chăm bồ đẻ

Đến giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt hốt hoảng của anh lúc đó. Anh đứng như trời trồng, miệng há hốc. Tôi cũng vậy.

Tôi nhớ cái ngày vét hết tất cả những thứ có giá trị trong nhà, kể cả cặp nhẫn cưới đem bán lấy tiền cho anh đi thành phố làm ăn, anh ôm tôi rất lâu: “Em ở nhà ráng lo cho mẹ, anh sẽ cố gắng làm kiếm thật nhiều tiền rồi rước em lên”.

Tôi nói rằng tôi không mơ giàu có mà chỉ muốn anh được thỏa chí bay nhảy và cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn. “Còn cái chuyện lên thành phố thì sau này tính vì em quen sống ở đây rồi, trên đó ồn ào lắm”. Tôi nói để anh đỡ lo chớ thật ra ai cũng bảo tôi chồng đâu thì vợ đó mới chắc ăn vì ở thành phố mọi thứ không đơn giản, nhất là đàn ông, không có vợ con bên cạnh, họ rất dễ sa ngã. “Nhớ là không được lo lắng bậy bạ nghe chưa. Anh chỉ có một mình em thôi”- anh ôm hôn tôi trước khi đi.

Anh lên thành phố hùn hạp với bạn bè mua bán phế liệu; được hơn 2 thành thì lập cơ sở gia công cơ khí. Có lẽ ông trời thương tình, cộng với tính tình chăm chỉ của anh nên chỉ 5 năm sau anh đã kiếm được 5 cây vàng mua miếng đất ở Bình Chánh cất căn nhà nhỏ. Khi nghe anh nói tôi rất mừng vì có nhà rồi, anh sẽ đỡ vất vả; hơn nữa có nhà rồi thì ngày vợ chồng sum hợp cũng không còn xa nữa.

Có lần mẹ chồng tôi bảo: “Hay là con dọn lên ở với nó, để mẹ về Cà Mau với con út chớ vợ một nơi, chồng một ngã như vầy, mẹ thấy không được”. Ý mẹ tôi nói chuyện con cái vì cưới nhau như vậy là đã được hơn 8 năm mà tôi vẫn chưa sinh cho mẹ thằng cháu nội. Đâu phải tôi không muốn có con mà vì thời gian đầu mới cưới còn nghèo quá nên vợ chồng kiêng cữ; còn kể từ khi anh đi Sài Gòn thì mỗi tháng anh về một lần rồi đi, tôi cũng van vái trời phật phù hộ cho tôi có một đứa con để hủ hỉ cho vui cửa, vui nhà nhưng mãi vẫn không thấy.

Cho đến một lần cách đây chưa lâu, anh gọi điện nói rằng anh bị bệnh nên không về được. Anh bảo tôi đừng lo, tiền chi tiêu trong tháng của hai mẹ con, anh đã bỏ vô thẻ cho tôi đầy đủ. Tự dưng tôi muốn khóc. Cái mà tôi cần là hơi ấm của một người chồng chứ đâu phải những đồng tiền vô tri mà tháng tháng anh gởi vào tài khoản cho tôi? Anh đâu biết rằng, tôi không hề đụng đến những đồng tiền đó. Lương giáo viên của tôi cộng với thu nhập từ tiệm tạp hóa của mẹ, hai mẹ con chi xài tằn tiện thì cũng đã đủ.

“Tháng này thằng Tuấn không về hả con?”- tối thứ bảy, mẹ tôi đột ngột hỏi. Tôi cứ tưởng mẹ quên, ra là mẹ vẫn nhớ. “Dạ, ảnh bệnh rồi mẹ”- tôi nói để bà đừng trông. Không ngờ bà bảo tôi: “Vậy thì con phải lên coi nó bị làm sao”. Bà giục tôi đi Sài Gòn. Thú thật nghe nói là tôi đã sợ. Tôi xem tivi thấy trên đó đủ thứ phức tạp thì rất sợ. Hơn nữa đường đi nước bước tôi đâu có biết, lỡ mà đi lạc thì không biết làm sao? “Đường đi trong miệng mình, cứ hỏi người ta thì ra hết”- mẹ tôi gắt.

Tôi biết bà nóng ruột con trai nên mới như vậy chớ trước nay lúc nào bà cũng nhẹ nhàng với tôi. “Dạ, để con đi thăm ảnh, mẹ đừng lo, mẹ ngủ đi”. Tôi trấn an bà trong khi cả đêm tôi gần như không ngủ được. Tôi cũng không dám gọi cho Tuấn vì biết tính anh, một khi anh đã nói không được làm thì không được cãi lời.

Sáng sớm, tôi đón xe đi Sài Gòn. Lên tới Bến xe miền Tây thì đã 11 trưa. Tôi đưa địa chỉ cho một anh xe ôm nhờ anh chở đi. Anh ta săm soi tờ giấy rồi lắc đầu: “Ghi vầy ông nội tui tìm cũng hỏng ra nói chi tui”. Nhưng có lẽ thấy vẻ mặt thất vọng của tôi, anh ta tội nghiệp nên lại nói: “Thôi thì để tôi chở cô đi tìm nhưng nói trước là tôi coi đồng hồ để tính tiền đó nghen”.

Đúng là cái địa chỉ mà Tuấn nói và tôi ghi lại chẳng tồn tại trên đời này. Nó là một khu nhà xây dựng trái phép, chẳng có số nhà, cũng không có tên đường. Tôi nói với anh xe ôm: “Thôi, anh để tôi đi hỏi từng nhà, thế nào cũng kiếm được”. Anh xe ôm có vẻ ái ngại cho tôi: “Lỡ cô kiếm không ra thì sao?”. Tôi bảo anh đừng lo, kiếm không được tôi sẽ đón xe ra bến xe để về quê. Anh chỉ lấy 50 ngàn tiền xe dù phải mất cả buổi trưa chở tôi đi vòng vòng.

Cuối cùng rồi tôi cũng tìm được nơi cần tìm. Đó là nhờ tôi nhanh trí, kiếm nhà tổ trưởng dân phố để hỏi. Nhưng bà tổ trưởng cũng nghĩ nát nước mới nhớ ra: “À, nhớ rồi, hai vợ chồng ông này ở tuốt luốt trong hẻm. Nghe đâu vợ mới đẻ. Cháu là em ổng hả? Dưới quê mới lên hả?”. Tôi nghe vậy thì tin chắc rằng bà tổ trưởng đã nhầm lẫn, thế nhưng đã lỡ nhờ người ta dắt đi tìm, thôi thì cứ đến rồi cảm ơn và đi chỗ khác cũng không sao.

Thế nhưng bà tổ trưởng không lầm, chỉ có tôi lầm. Nhà đó đúng là có một người tên Tuấn, đúng là họ có hai vợ chồng và đúng là vợ anh ta vừa đẻ… Đến giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt hốt hoảng của anh lúc đó. Anh đứng như trời trồng, miệng há hốc. Tôi cũng vậy. Nhưng rồi chính tôi lại người giải vây cho anh. Tôi cố nén để đừng khóc: “Anh hai, mẹ nghe nói anh bệnh nên bảo em lên coi anh sao rồi”.

Bà tổ trưởng tươi cười: “Thôi, ở chơi với anh chị nghen, dì về đây”.

Khóc thâm trong nhà tắm khi chồng có vợ và con
Vào phòng tắm. Dường như sức chịu đựng của tôi chỉ đến đó. Tôi ngồi sụp xuống, ôm mặt bật khóc

Tôi chết sững nhìn chồng mình. Ra lý do anh không về là đây. Tôi nhìn vào buồng, nơi có tiếng con nít khóc oe oe rồi lại nhìn anh. “Ra là vậy!”. Tôi chỉ nói được có bấy nhiêu rồi quay lưng bỏ chạy. Anh đuổi theo kéo tôi lại: “Nghe anh nói, chuyện dài dòng lắm, không phải như em nghĩ đâu”. Tôi hất tay anh ra: “Tôi không muốn nghe”.

Tôi chạy như bị ma đuổi khỏi ngôi nhà không số, không có tên đường ấy. Đất trời như đổ sụp dưới chân. Đầu óc tôi quay cuồng.

Hôm đó tôi về tới nhà đã 11 giờ đêm. Mẹ chồng tôi vẫn còn thức chờ. Nghe tiếng kêu cửa, bà lật đật chạy ra: “Nó sao rồi con? Vô tắm rửa rồi ăn cơm. Để mẹ hâm đồ ăn”. Thấy mẹ luýnh quýnh, tôi thương bà đến nghẹn lời: “Ảnh chỉ bị cảm sơ sơ thôi mẹ”. Rồi tôi vào phòng tắm. Dường như sức chịu đựng của tôi chỉ đến đó. Tôi ngồi sụp xuống, ôm mặt bật khóc.

Giờ thì mẹ tôi đã biết. Bà nằm vùi mấy ngày. Bà khóc và xin lỗi tôi vì “con dại cái mang” nhưng trong chuyện này, tôi làm sao có thể trách mẹ? Nếu có trách là trách chồng tôi, anh đã không giữ được lòng mình, không giữ vẹn chữ thủy chung như đã từng thề thốt. Anh gọi điện về nói rằng, anh không dám về để gặp tôi, gặp mẹ. Anh nói do hoàn cảnh đưa đẩy chứ anh vẫn một dạ với tôi…

Thế nhưng giờ đây niềm tin trong tôi đã sụp đổ. Những tháng ngày trước mặt, tôi không biết phải làm sao với cuộc hôn nhân đã rạn vỡ của mình. Tôi phải buông bỏ để anh đi với người đàn bà kia hay là giành giật, níu kéo một con người đã không còn trọn vẹn thuộc về mình?

(Theo NLĐ)

Chồng dùng bạo lực để nói chuyện với tôi và con

Chồng không những đánh tôi mà còn làm như vậy để dạy dỗ con gái. Con bé hơn 2 tuổi, đi chơi bên hàng xóm không biết giờ về. Lúc cháu về đang uống sữa, anh tức giận lấy chân giúi lên đầu con bé.

Lúc viết những dòng này vợ chồng tôi đã không nói chuyện với nhau được ba tháng dù vẫn ở chung trong một ngôi nhà, vẫn ngủ chung trên một chiếc giường. Tôi không muốn nghĩ nhiều đến chuyện này, bởi những cuộc chiến tranh cả nóng và lạnh đã xảy ra trong nhà tôi không phải ít lần. Nhưng chả lẽ cứ để cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị ấy kéo dài ra mãi? Chúng tôi vẫn còn trẻ, tôi trân trọng hạnh phúc của mình nhưng nếu không có hạnh phúc thì biết phải trân trọng cái gì đây?

Tôi, một người phụ nữ vừa bước qua tuổi 30, anh hơn tôi 6 tuổi. Chúng tôi có học thức và đều là viên chức nhà nước, đồng lương tuy ít ỏi, nhưng cuộc sống không đến mức thiếu thốn. Anh là mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của tôi. Tôi chọn anh, tin tưởng anh vì thấy anh là người đàn ông mạnh mẽ, hiếu thảo, có trách nhiệm. Tôi nghĩ người đàn ông như thế nhất định sẽ không bỏ rơi vợ con, không phải kẻ hèn nhát. Trong mắt tôi, anh là một người tuyệt vời.

Nhưng cuộc sống gia đình đã không như tôi tưởng. Ngày cưới anh gắt gỏng, cằn nhằn với tôi chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt. Tôi đã không có hạnh phúc trọn vẹn trong ngày lẽ ra là hạnh phúc nhất của đời người. Khi có thai 5 tháng, trong ngày mồng 2 Tết, anh đi đến đâu cũng nửa đùa nửa thật chê vợ mang bầu con gái. Con gái có tội tình gì chứ? Tôi thấy thương mình, thương con, nước mắt tuôn rơi, nhưng cố kìm nén. Đến khi vừa bước về nhà tôi òa khóc, anh hỏi, tôi không nói được, chỉ nước mắt tuôn trào. Anh đạp tôi, một vết bầm tím dưới bắp chân. Tôi đã lờ mờ nhận thấy viễn cảnh cuộc đời sau cú đạp đó của anh. Người đàn ông này đã nói sẽ không bao giờ đánh vợ, giờ đã làm điều ngược lại.

Rồi tôi tha lỗi cho anh. Sinh con được một tháng, anh đi học xa nhà vì đó là cơ hội. Tôi không cản dù lúc này cần anh nhất. Con vừa được hơn 2 tháng, tôi đi làm để không mất cơ hội việc làm, có thể trang trải cuộc sống gia đình. Quãng đường 50 km mỗi ngày tuy có vất vả nhưng đó không phải là trở ngại lớn nhất cho tôi. Mẹ anh, rồi mẹ tôi (có khi không có ai) thay phiên nhau chăm sóc cháu đến khi được 11 tháng rưỡi.

Bắt đầu từ đó, cuộc sống của tôi chỉ có 2 mẹ con. Có hôm đi làm về đã hơn 18h, thấy con sốt, tôi lại đi nhờ người chở hai mẹ con đi khám. Bố mẹ chồng ở xa, không thông cảm, lại trách tôi không thường xuyên gọi điện về thăm hỏi ông bà (dù chồng tôi đi học tuần nào cũng về giúp đỡ ông bà, và ông bà thì quan niệm chỉ con cái mới phải thăm hỏi cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ thăm hỏi con).

Chồng tôi, để vừa lòng bố mẹ cũng quay ra trách móc tôi. Thậm chí, nếu tôi không làm vừa lòng ông bà thì “tôi cho cô tự do luôn”. Anh nói thương tôi đi làm vất vả, chăm con vất vả, nhưng khi con bệnh anh bảo: “Làm cái gì mà để cho nó bệnh”, rồi giận dỗi, cả tháng trời không hỏi thăm mẹ con tôi một câu. Năm đầu tiên khi anh đi học, vì có mẹ ở chăm sóc cháu nên anh phải gửi thêm tiền về cho tôi.

Năm thứ hai, chỉ hai mẹ con nên tôi nói anh không cần gửi tiền về nữa. Khi con được 2 tuổi, anh học xong, về nhà, tôi giao số tiền ít ỏi tiết kiệm được để anh sửa nhà. Ai cũng nói chồng tôi đi học, vậy mà về còn có tiền sửa nhà. Tôi những tưởng như thế là đã qua cơn bĩ cực để tới hồi thái lai, vậy mà hơn 3 năm qua, chúng tôi đã có không biết bao nhiêu những giận hờn, cãi cọ. Đau đớn nhất là việc chồng tôi không chỉ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ mà còn thường xuyên làm như vậy để dạy dỗ con gái.

Con bé hơn 2 tuổi, đi chơi không biết giờ về, ba mẹ chạy bổ đi tìm, mãi mới thấy con đang ở bên nhà hàng xóm. Tôi đem cháu về, đang cho uống sữa thì anh về, tức giận lấy chân giúi lên đầu con bé. Tôi phản đối, nói “Nó còn nhỏ, biết gì đâu mà đánh nó như vậy”, anh ta thẳng tay tát vào mặt tôi. Tôi đi làm xa, trời mưa, đường ngập, về đến nhà than thở với chồng, anh không an ủi mà còn gắt: “Ngu, đi đường kia không đi còn kêu cái gì”. Tôi nói: “Đường kia cũng ngập, lại toàn xe tải, đi sao được mà đi”. Thế là qua vài câu nói đi nói lại, anh ta xông vào phòng tắm giữa lúc tôi không có mảnh vải che thân, đánh tôi. Đó là lần đầu tiên tôi chống cự, sau 3-4 lần bị chồng đánh, một nỗi nhục nhã, ê chề, là nỗi đau mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ quên được.

Vào mùa hè, khi con tôi 4 tuổi, gia đình về thăm quê, trước mặt bố mẹ anh, anh lại đánh tôi. Tôi nấu cơm không ngon, trước mặt bố mẹ anh, anh cằn nhằn mắng chửi. Ngồi xuống mâm cơm, con bé ăn chậm, anh đánh mắng con. Tôi giận không ăn, anh chửi đuổi mẹ con tôi đi. Tôn trọng bố mẹ anh, tôi đã nín nhịn tất cả. Đi tàu, tôi say tàu, lấy dầu gió ra bôi, anh cằn nhằn “Bôi dầu thì ra ngoài mà bôi”. Tôi chán nản không muốn nói gì, chiến tranh lạnh lại xảy ra. Có lần, ức quá, tôi mua thuốc ngủ về uống hơn chục viên, không phải để chết mà để ngủ một giấc cho dài, sâu.

Có lần, không sao ngủ được, tôi lấy rượu ra uống rồi nói ra tất cả những đắng cay, uất ức phải chịu, tất cả những gì tôi đã không muốn nói, muốn kể. Anh xin lỗi, thừa nhận sai nhiều hơn tôi, rồi kể tội tôi: “Em cũng phải xem lại, em còn gọi tôi là lão trước mặt bạn, như thế có được không”. Tôi hỏi còn gì nữa không, anh ta không kể được gì mà nói “Em tự xem lại mình đi”. Sau lần nói chuyện cởi mở đó, tôi tưởng đã hiểu nhau, nghĩ anh sẽ không bao giờ còn sử dụng vũ lực trong gia đình nữa.

Con tôi 5 tuổi, anh bắt cháu học, tối nào cũng bắt viết bài. Con bé thông minh, nhanh nhẹn, nhưng nó không kiên trì và viết không được đẹp lắm, anh ngồi kè kè bên con, quát mắng, rồi tiện tay đập con bất cứ chỗ nào. Anh còn đâm đầu nhọn bút chì vào tay con rỉ máu. Anh lấy thành tích đó ra dọa con: “Nhanh lên nào, có muốn ba đâm bút chì vào tay con không”. Con bé nước mắt ngắn dài trong suốt 2 tiếng được ba dạy.

Tôi nói: “Con mới 5 tuổi, đâu cần thiết phải học nhiều như vậy. Bé ở lớp bị nhốt trong phòng cả ngày, tối về phải được chơi chứ”. Anh không nghe, nói “Chơi nhiều hư ra, mai mốt lên lớp một không theo kip”. Tôi nói: “Viết chữ đâu phải là tất cả, con cần nhiều kỹ năng khác nữa: nhận thức, kỹ năng sống, những cái đó quan trọng hơn, sao anh không dạy”. Dù không muốn con học sớm, nhưng tôi vẫn phải giành lấy việc dạy con, để con đỡ bị đánh.

Ấy vậy mà tôi cho con nghỉ sớm anh nhảy vô bắt con học tiếp. Tôi cho con tự viết, anh lại bảo để ba dạy. Tôi can, không cho anh đánh con, anh xô tôi ngã sấp xuống nhà, giận dữ, tôi xé cuốn tập của con, nói: “Học để sống hay học để chết”. Anh làm con bị tổn thương ghê gớm, đến mức cho con đi chơi mà nhất định không cho mẹ rủ ba đi cùng. Con tưởng tượng chuyện: “Bé học thật giỏi, nên được cô khen, bé múa cũng đẹp, nên cô cho quà. Bé mang về nhà, tặng cho mẹ, mẹ đi mua quà, cho bé đồ nhỏ, cho mẹ đồ to”. Tôi hỏi: “Đồ của ba đâu”, con nói “Không có đồ của ba vì ba đánh con, ba đâm bút chì vào tay con chảy máu, ba còn ném mẹ ngã nữa nè”.

Ba tháng qua, vì chuyện đó mà chúng tôi không nói chuyện. Anh không góp tiền xài chung nữa mà giữ lương xài riêng. Các khoản tiêu trong gia đình ai thấy thiếu, ai cần tự đi mua bằng tiền của mình. Gia đình anh có chuyện, dù giận nhau nhưng tôi vẫn đưa tiền, giục anh phải về. Anh không lấy tiền cũng không về. Chúng tôi cũng không có chuyện gì để nói nữa, tôi đã nghĩ đến chuyện dọn ra ngoài sống để đi làm cho gần hơn, cho cuộc sống bớt ngột ngạt. Nhưng như thế có tốt hơn không nhỉ? Cuộc sống của chúng tôi sẽ đi về đâu đây?

Yên

Thân tàn ma dại vì bỏ vợ con theo bồ

Ngày xưa anh cao to đẹp trai, ăn mặc bảnh bao, giầy bóng lộn, giờ chân đi dép lê, xe máy cà tàng, quần áo bẩn thỉu. Anh về nhìn thấy vợ con đàng hoàng nên ngượng không dám nhìn.

Tôi là người phụ nữ bình thường, sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm công chức về hưu, tôi là chị cả nên từ nhỏ phải vất vả rồi vừa đi học vừa bươn chải để kiếm tiền lo cho gia đình. Từ nhỏ tôi rất ghét những người ăn chơi, trăng hoa, ghét sự dối trá, lươn lẹo, tính tôi rất thẳng thắn, thật thà, mọi người nhận xét như thế. Chính vì sự ghét đó mà ông trời đã đùa với số phận tôi, ban cho hai người chồng có tất cả tính tôi ghét. Tôi cũng phải cảm ơn ông trời đã ban cho mình thần kinh bằng thép và trái tim bằng sắt để còn tồn tại được cho tới ngày hôm nay.

Tôi luôn lo lắng cho người khác mà không bao giờ biết nghĩ đến bản thân. Năm tôi 27 tuổi, kết hôn người chồng đầu hơn 8 tuổi, nếu anh không phải nghiện ma tuý có lẽ tôi sẽ là người hạnh phúc nhất trên đời. Anh yêu chiều tôi, sống với anh tôi lúc nào cũng như viên ngọc báu, nâng niu tôi từng ly từng tý. Chúng tôi hợp nhau về mọi mặt, có với nhau một bé gái, anh nghiện nên tôi quyết định bỏ từ lúc con được 6 tháng.

Thời gian đó tôi suy sụp vô cùng, lúc nào cũng nghĩ đến cái chết nhưng đứa con gái đã làm tôi thức tỉnh. Tôi sống thu mình, không nói chuyện, chơi với ai cả, chỉ biết sáng đi bán hàng trưa về với con, chiều đi bán hàng tối lại về với con. Tôi sống lặng lẽ thế cho đến khi con gần 6 tuổi mới kết hôn lần thứ 2.

Anh làm nghề lái xe, hơn tôi 5 tuổi, trong đầu tôi chỉ cần lấy được chồng tốt chứ không cần xấu đẹp, giàu nghèo. Anh có một đời vợ và đứa con trai ở với mẹ. Tôi đồng ý lấy vì thấy anh quan tâm và tốt với con gái mình. Bố anh mất sớm, chỉ còn mẹ, nhà anh có 3 anh em, anh là trai trưởng, dưới có một em trai bị nghiện đi tù và một đứa em gái không bình thường, sinh được đứa con trai giống mẹ, không được minh mẫn.

Lấy anh tôi không ở nhà chồng mà ở quê mình, hai nhà cách 7-8 cây số. Tôi thương mẹ anh hơn mẹ tôi vì thấy bà quá khổ. Bố chồng mất sớm, con cái bà như thế, kinh tế quá nghèo. Lần nào về tôi cũng mua thức ăn cho bà, thỉnh thoảng lại biếu bà tiền. Có lúc không có tiền tôi phải đi vay để mua thức ăn mang về cho bà hay biếu bà. Vậy mà trước mặt tôi bà khen hết lời, nhưng sau lưng sẵn sàng đặt điều, nói xấu tôi đủ điều.

Rồi tôi biết được từ ngày lấy tôi, chưa hôm nào anh không có gái, luôn có 2-3 người. Tôi chán vô cùng, từ đấy sống với chồng có mồm như câm, có tai như điếc, có mắt như mù cho đến khi sinh được bé trai. Con quấy khóc nhiều như thế anh cũng không giúp được gì, phó mặc tất cả cho vợ, ngày nghỉ anh cũng không về nhà, lấy cớ đi suốt. Tôi cảm giác như anh sợ về nhà vì con khóc nhiều quá làm anh mất ngủ.

Tôi biết chồng đi ở với gái nhưng vẫn câm lặng như thế cho yên cửa yên nhà, mỗi tháng anh đưa cho tôi từ 500 đến 1 triệu đồng lo mọi thứ trong gia đình, từ tiền thuê nhà cho đến lo cho con lớn, con bé. Tôi không thể chịu đựng được nữa và đã nói với mẹ chồng xem khuyên bảo anh, nhưng bà bảo đàn ông có quyền 5 thê 7 thiếp, mình đàn bà phải biết giữ chồng. Tôi quá thất vọng với mẹ chồng.

Con được gần một tuổi, tôi nói thẳng thắn với anh về chuyện anh gái gú, bỏ bê mẹ con tôi và yêu cầu anh phải có trách nhiệm với gia đình. Anh khùng lên vác balô đi ở hẳn luôn với gái, từ đấy không quan tâm đến mẹ con tôi nữa. Gần một tháng sau tôi biết anh đang ở với người phụ nữ hơn 14 tuổi, chồng chết, có cháu nội cháu ngoại. Anh mấy lần đưa chị ta về nhà mẹ đẻ ăn ở đấy.

Chị ta mua cái này cái nọ cho mẹ chồng nên bà cho chị ta ăn nằm với chồng tôi, giấu tôi. Bà còn nói giờ đứa nào lo được cuộc sống cho nhà bà thì bà nhận làm con dâu, bà nhận luôn bồ của chồng tôi là con dâu, tự hào với hàng xóm có con dâu giàu, lo cho đầy đủ. Từ đấy chồng tôi đưa chị ta về nhà như con dâu trong nhà, anh cũng không một lời hỏi thăm con hay lo cho con.

Từ ngày chồng bỏ mẹ con tôi đi ở hẳn với chị ta, mẹ chồng cũng không hỏi han gì đến cháu nội nữa, đến giờ 6 năm rồi. Hơn một năm trời con nằm viện chồng cũng không hỏi một câu xem con sống hay chết, không nghĩ vì sao anh lại tàn nhẫn đến mức đó.

Tôi có 2 đứa con ai nhìn thấy cũng phải khen, các cháu rất ngoan, học giỏi. Tôi không hiểu chị kia có bỏ bùa mê thuốc lú anh không mà sống như địa ngục, không được phút nào tự do. Chị ta quản chồng tôi từng giờ từng phút, mua ôtô cho anh lái xe Bắc Nam rồi đi theo để quản lý, kể cả điện thoại cũng bị theo dõi. Tiền nong chồng tôi tiêu một nghìn cũng phải ngửa tay xin, cuộc sống hai người suốt ngày cãi vã.

Anh quá ân hận vì đã bỏ mẹ con tôi để đi ở với gái già nhưng không còn lối quay về nữa, phải chấp nhận. Từ ngày có được anh, chị ta không về nhà mẹ chồng tôi nữa, có khi 2-3 tháng mới cho anh về thăm bà một lần. Cách đây khoảng 5 tháng, anh có về thăm con một tý nhưng không có nghìn nào cho con. Nhìn anh gầy và tàn tạ, già đi rất nhiều.

Ngày xưa anh cao to đẹp trai, ăn mặc lúc nào cũng bảnh bao, giầy bóng lộn, giờ chân đi dép lê, xe máy cà tàng, quần áo bẩn thỉu. Anh về nhìn thấy mẹ con tôi đàng hoàng nên ngượng không dám nhìn tôi, không dám xưng bố với con trai. Anh biết mình đã làm những việc quá thất đức nên sợ đối mặt với tôi và con.

Hạ

 

10 năm chồng xa nhà, tôi vẫn không ngoại tình

Tôi và anh lấy nhau đến bây giờ đã được 10 năm. Thời gian đó, gần như số lần chúng tôi gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, tuy vậy, tôi vẫn yêu thương anh như ngày đầu, vẫn chung thủy chờ đợi anh.

10 năm chồng xa nhà, tôi vẫn không ngoại tình
Anh về thăm con được đúng dịp Tết thì lại phải đi, con chưa kịp nhớ mặt bố. Bố con nhớ nhau, anh cũng yêu quý và thích bế bồng con lắm. (ảnh minh họa)

 

Ngày lấy nhau, tôi biết anh phải ra nước ngoài lao động. Vì gia đình không giàu có gì nên anh đã cố gắng hết sức, xin ở lại được năm nào thì tốt năm đó. Nhưng vì tương lai, vì chuyện con cái, ngay từ khi bắt đầu đi, anh đã yêu tôi. Biết anh sẽ đi như vậy nhưng tôi vẫn cố gắng kiên trì vì tôi yêu anh. Chúng tôi cưới nhau ngay sau đó. Và cũng sau ngày cưới được khoảng 2 tháng thì anh phải đi lao động.

 

Gia đình anh đã cố gắng kiếm tiền chạy chọt, lo lắng cho anh có được một công việc. Chỉ cần anh sang đó, cố gắng kiên trì thì bố mẹ sẽ không khổ. Vì tiền lương lao động cũng được, không tiêu pha gì, tính chuyện tiết kiệm thì anh cũng lo cho được cả gia đình sống cuộc sống sung túc.

 

Thế là anh đi, tôi ở lại làm con dâu, và chuẩn bị làm mẹ. Vì khi đó thật may, tôi đã có bầu. Chúng tôi chia tay nhau trong nước mắt vì có điều kiện thì 1 năm anh mới về một lần, không thì 2 năm, thậm chí là vài năm. Tôi cũng buồn lắm nhưng vì tương lai của vợ chồng, của con cái, anh phải cố gắng. Bản thân người vợ như tôi không làm được nhiều việc giúp chồng, tôi chỉ còn cách ở nhà làm vặt rồi phụ giúp bố mẹ chồng, chăm sóc bố mẹ và con là anh yên tâm rồi.

 

Những ngày mới đi, khi nào anh cũng gọi về cho tôi.  Nhưng lâu dần, cũng vì công việc bận rộn với lại thời gian trôi đi lâu quá, anh cũng gọi thưa dần. Hàng tháng, anh gửi tiền về cho tôi và bố mẹ anh tiêu pha, tiết kiệm xây nhà xây cửa.

 

Được 3 năm anh đi, anh về được một lần và cũng mang kha khá tiền về. Chúng tôi tích cóp nên xây được căn nhà khá khang trang. Tôi lấy làm mừng lắm, bố mẹ chồng tôi cũng rất vui vì con có chí làm ăn.

 

Anh về thăm con được đúng dịp Tết thì lại phải đi, con chưa kịp nhớ mặt bố. Bố con nhớ nhau, anh cũng yêu quý và thích bế bồng con lắm. Anh nói tôi cố gắng ở nhà kiên trì đợi anh về, anh sẽ bù đắp cho tôi. Có lẽ anh thương tôi vất vả, nhưng so với anh thì xá gì, anh còn vất vả gấp trăm lần tôi chứ. Anh ra nước ngoài không người thân, không nơi nương tựa, cứ một mình bươn trải vì bố mẹ và vợ con, thật sự tôi rất tự hào vì anh.

 

Anh cứ đi như thế, ai cũng bảo tôi khổ vì chồng xa nhà, có chồng cũng như không. Nhiều người nhìn tôi xinh ra, vì có tiền của chồng gửi về cho sắm sửa, họ bàn tán xì xào. Người ghen ăn tức ở còn nói nói nọ về tôi, tôi chán nản lắm. Nhưng tôi  mặc kệ những lời đàm tiếu. Có mua sắm, có ăn diện tí thì làm sao, vì chồng cũng đâu cấm tôi làm chuyện đó. Chẳng lẽ cứ ăn mặc lôi thôi bôi nhếch thì mới là người vợ chung thủy sao?

 

Suốt thời gian anh đi cho tới nay đã 10 năm rồi, mà anh mới chỉ về được 7 lần. Bố mẹ tôi không phàn nàn gì về tôi cả, cả nhà yêu thương nhau. Bố mẹ chồng rất thương tôi vì họ biết tôi thế nào, biết tôi có thực sự chung thủy với chồng tôi không.

10 năm chồng xa nhà, tôi vẫn không ngoại tình
Anh cứ đi như thế, ai cũng bảo tôi khổ vì chồng xa nhà, có chồng cũng như không. Nhiều người nhìn tôi xinh ra, vì có tiền của chồng gửi về cho sắm sửa, họ bàn tán xì xào.
(ảnh minh họa)

 

Tôi chưa làm gì sai, cũng không bao giờ nghĩ mình đã làm gì có lỗi với nhà chồng. Nên tôi sống rất thoải mái và chờ chồng về. Chồng tôi đi xa nhưng anh đã cố gắng xây nhà, xây cửa, lo cho con cái, lo cho bố mẹ và giúp tôi có cuộc sống khá giả hơn. Trước đây tôi nghèo người ta coi thường tôi, khi tôi có tí thì người ta lại ghen ăn tức ở. Họ còn bảo chồng tôi đi 10 năm như thế, có vợ nào chịu được, không ngoại tình mới là lạ. Tôi mới thấy họ lạ, vì tại sao cứ nghĩ chồng đi xa thì vợ phải ngoại tình, sao cứ nghĩ không có người vợ nào thủy chung để chờ chồng 5 năm, 10 năm. Có phải là con người ta đã quá bi quan vào tình yêu, vào cuộc sống hôn nhân hay không.

 

Sống phải có niềm tin, phải có tình có nghĩa. Chồng tôi đã hi sinh tuổi trẻ, vì tôi như vậy, cớ gì tôi lại phản lại chồng, lại khiến chồng buồn lòng? Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ngoại tình. Tôi yêu anh và có với anh một đứa con, bố mẹ anh cũng tốt với tôi. Vậy tôi chỉ có trách nhiệm yêu thương và chờ đợi anh, chăm sóc gia đình anh và con của chúng tôi. 10 năm đó, tôi nào có ngoại tình, sao lại cứ nghi ngờ những người phụ nữ như chúng tôi?

Thanh Loan (Khampha.vn)

Tôi ngoại tình liên tục vì thiếu sex

Từ khi anh tha thứ, tôi gặp khoảng 5 người nữa. Tôi không muốn chỉ gặp một người, vì họ không thỏa mãn đủ, nhiều khi vừa hẹn người này xong tôi lại hẹn gặp người khác ngay lập tức.

Tôi 32 tuổi, có chồng và một bé gái 5 tuổi, ngoài nhìn vào ai cũng thấy gia đình tôi thật hạnh phúc. Thật ra không như mọi người nghĩ, tôi và chồng suýt nữa ly dị, nguyên nhân do tôi. Anh là người đàn ông tốt, biết thương yêu vợ con, thành đạt trong sự nghiệp, ngược lại anh bị bệnh yếu sinh lý, còn tôi rất mạnh mẽ trong chuyện ấy, anh không thỏa mãn được cho tôi.

Anh đi làm từ sáng đến tối mới về, không muốn cho tôi đi làm, chỉ ở nhà chăm lo cho con, vì thế tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi. Tôi lên mạng chat cho vui, giết thời gian. Tôi chat với nhiều người, trẻ có già có, đề tài nói với nhau cũng xung quanh vấn đề tình dục, trao đổi webcam để cùng thỏa mãn. Trong số đó có người đàn ông lớn tuổi ở Mỹ, đang có gia đình, vợ ông ta chắc nhiều tuổi nên không còn muốn chuyện vơ chồng. Hai tháng sau ông ta nói sắp về Việt Nam chơi, đi cùng gia đình, ông hỏi tôi có muốn gặp không để sắp xếp cho thuận tiện. Tôi không cần suy nghĩ, trả lời đồng ý gặp.

Chồng hoàn toàn tin tưởng vào tôi, anh không bao giờ kiểm soát giờ giấc, vì thế tôi và ông ta gặp nhau quá dễ dàng. Trong thời gian ông ở Việt Nam, chúng tôi gặp nhau 3 lần, tôi có những cảm giác mà chồng chưa bao giờ đem lại, ông ta cũng tỏ ra rất say mê tôi. Khi gặp ông rồi tôi không muốn gần gũi với chồng nữa dù biết vẫn yêu chồng. Sau đó chúng tôi thường xuyên chat trên mạng.

Đúng là làm chuyện xấu sớm muộn gì cũng bị phát hiện, một lần chồng mượn laptop để lên mạng, tôi sơ ý quên tắt email, bao nhiêu chuyện của tôi, chồng đều biết hết. Anh không tỏ ra giận dữ, chửi bới gì hết, chỉ ngồi im lặng, không nói lời nào. Sáng hôm sau, anh nói nên ly dị vì không thể chấp nhận người vợ như vậy. Anh đã tin tưởng tôi tuyệt đối, trong khi tôi lại làm ra chuyện anh không bao giờ nghĩ đến.

Tôi khóc lóc, van xin anh tha thứ vì còn yêu anh lắm, chưa bao giờ nghĩ sẽ rời xa anh, nói đủ thứ lý do làm cho anh xiêu lòng. Sau đó, anh đồng ý tha thứ, nói nếu xảy ra lần nữa sẽ ly dị ngay, mãi mãi không gặp lại tôi nữa. Anh dành nhiều thời gian ở nhà với vợ hơn, không nhắc gì chuyện tôi ngoại tình nữa, chuyện chăn gối vẫn như vậy, không có gì thay đổi.

Không hiểu sao tôi lên mạng chat lại. Quen biết nhiều người, nói chuyện một thời gian lại hẹn gặp nhau ở ngoài. Từ lúc đó đến giờ tôi gặp khoảng 5 người nữa, họ đều có gia đình như tôi, không hiểu sao tôi lại có nhiều đòi hỏi như vậy. Tôi không muốn chỉ gặp một người, vì họ cũng không thỏa mãn được, nhiều khi vừa hẹn người này xong tôi lại hẹn gặp một người khác ngay lập tức. Lúc đó tôi không còn nghĩ gì đến chồng và hậu quả nữa.

Tôi biết mọi người đọc xong sẽ chửi rủa, nhưng tôi không muốn như vậy, chỉ vì cơ thể tôi quá đòi hỏi chuyện đó, chồng lại không đáp ứng được. Đến giờ chồng vẫn chưa biết chuyện tôi lại ngoại tình, sau những cuộc vui đó, đêm về nằm bên chồng tôi lại cảm thấy hối hận, sợ anh biết. Ở bên anh tôi hạnh phúc vì có người chồng biết chăm lo, thương yêu vợ con, nhưng anh lại không làm cho tôi thỏa mãn.

Tôi có ý nghĩ hay ly dị để anh tìm người phù hợp và xứng đáng với anh? Tôi biết mình là người vợ không ra gì, không xứng đáng với tình yêu anh dành cho. Còn tôi cũng có thể tự do đi tìm những gì anh không có. Các bạn hãy cho tôi lời khuyên, chân thành cảm ơn.

Hảo

 

Nhát cắt vô hình

“Chị làm ơn bày cách cho em làm sao để ly dị mà không phải chia tài sản cho anh ấy bởi thật ra mọi thứ trong nhà đều một tay em sắm sửa chứ ảnh có bao nhiêu, không cho anh em thì cũng tiêu hết cho bạn bè…”. Vợ anh đã gọi điện thoại cho em, vừa khóc, vừa nói như vậy.

Nhiều năm trước em cũng giống cô ấy bây giờ. Nhưng em không bận tâm về việc phải chia chác tài sản như thế nào. Lúc đó chúng mình còn ở nhà thuê, công việc bấp bênh. Hồi đó, thỉnh thoảng em vẫn phải chạy về nhà mẹ xin mấy lon gạo, chai nước mắm, ít bột ngọt…
Rồi con bệnh, phải vay đầu nọ, hỏi đầu kia để chạy chữa. Nợ nần phát sinh từ đó. Vợ chồng bắt đầu cắng đắng nhau từ đó. Thế nhưng nếu cho rằng chỉ vì nghèo mà đổ vỡ thì cũng không đúng. Em nhớ khi anh có việc làm ổn định ở một công ty nước ngoài, có lần được thưởng một khoản tiền lớn, anh hí hửng khoe: “Để anh cho thằng út mua chiếc xe máy để chở ba đi khám bệnh”.
Chia tài sản vì chông chỉ chăm lo cho anh em gia đình mình
Chia tài sản vì chông chỉ chăm lo cho anh em gia đình mình mà quên cả vợ con – Ảnh minh họa
Em thấy có lý nên cũng chấp nhận dù tiền nợ chữa bệnh cho con vẫn chưa trả được. Những lần sau cũng vậy. Hết thằng út tới anh hai, chị tư… Em nhiều lần tự hỏi: Dường như trong mắt anh không có vợ con… Dường như anh chưa bao giờ nhận ra vợ mình đã mặc chiếc áo ấy 2 năm, con mình thấp còi vì không đủ dinh dưỡng…
Những câu hỏi ấy cứ ngày càng nhiều thêm và trở thành một nhát cắt vô hình khoét sâu vào tình cảm vợ chồng. Khi em ra đi, anh chỉ đơn giản nghĩ rằng, em quá ích kỷ, quá đòi hỏi… Thế nhưng một người vợ đòi hỏi được yêu thương, quan tâm, chăm sóc chẳng phải là chính đáng hay sao?

Và bây giờ, anh lại đi vào con đường cũ. Em nghĩ người phụ nữ hiện tại của anh cũng đã chán ngán khi phải sống với một người đàn ông quá đỗi vô tình. Chắc chắn cũng như em, khi ra tòa, cô ấy sẽ không thể nào nói ra cái lý do tưởng rất buồn cười ấy để chia tay…

Thùy Mai