Category Archives: Góc đàn ông

Bà xã bắt tôi cưới vợ hai để trả thù

Nàng chủ động hẹn em và cùng tôi đến đình thần làng đốt hương, vọng chuông thề sẽ thương yêu bảo vệ em. Nàng đồng ý cùng em một chồng là tôi, bắt tôi và em phải thề cùng.

Tôi và nàng kết hôn gần 30 năm rồi, từ 2 bàn tay trắng, qua bao thăng trầm của cuộc sống, tôi bươn chải vật lộn, tiền làm được bao nhiêu tôi đều đưa hết cho nàng giữ. Bây giờ với tổng cộng 2 căn nhà, cửa hàng và 1 nhà nghỉ ở thị trấn nên cũng tạm gọi là có chút tiếng tăm, địa vị trong xã hội.

Tôi thú nhận cũng có tính trăng hoa, những khi vợ biết chuyện thì tôi chủ động cắt đứt để giữ mái ấm, gia đình là trên hết. Cho đến năm 2005, tôi quen một cô gái, gia đình cũng nghèo, trong một lần nghe lời bạn rủ đi làm tiếp viên nhà hàng ở Vũng Tàu, sang tháng thứ 2, sau khi lãnh lương xong, em gửi về nhà cho gia đình thì bị chủ quán bắt buộc phải ra ngồi bàn tiếp khách.

Em không chịu, chủ quán nhốt em lại, hoặc phải đền tiền, số tiền trời ơi từ đâu em không biết; hoặc phải tiếp khách thời hạn là 3 ngày. Tứ cố vô thân, điện về nhà thì ở nhà nghèo không có cách gì để lo số tiền đó, em chợt nhớ đến tôi trong một lần uống cafe ở quán em trước đó. Em biết số của tôi và em đã gọi điện cầu cứu. Tôi đã cho người ra tận Vũng Tàu cấp thời, đến quán đó thương lượng cứu em ra và đưa về nhà.

Từ đó em đến với tôi tự nguyện, tôi cho em học nghề tóc, em không chịu sự giúp đỡ của tôi mà tự lực đi học bằng cách vừa giúp việc nhà vừa học nghề. Năm 2008, có việt kiều Mỹ về xin cưới em, tôi đã khuyên em nên quên tôi để cùng chàng Việt kiều Mỹ xây đắp hạnh phúc và lo cho đình em.

Nhưng vợ tôi biết chuyện, nàng chủ động liên lạc với em, những lần điện thoại với nhau dài mấy giờ. Cuối cùng nàng tuyên bố chấp nhận em, khuyên em không nên lấy Việt kiều mà hãy về sống chung cùng vợ chồng tôi. Tôi không đồng ý, nàng chủ động hẹn em và cùng tôi đến đình thần làng đốt hương, vọng chuông thề sẽ thương yêu bảo vệ em, đồng ý cùng nhau một chồng là tôi, bắt tôi và em phải thề cùng.

Thời gian đầu, tôi chủ động xa lánh để em quay về nhà em còn kịp. Nàng đã tổ chức những buổi tiệc nhỏ chỉ có tôi, nàng và em tham dự và chuốc say tôi để tôi gần em. Nàng đã sang tận nhà em hứa hẹn với gia đình em sẽ bảo bọc, chăm lo cuộc đời em. Với tôi, nàng bảo: sau bao năm cùng cực, bây giờ anh hãy an hưởng đi.

Thế là mọi chuyện làm ăn, buôn bán tiền bạc nàng tiếp quản hết, chỉ mỗi ngày nàng cho tôi vài chục để uống cafe. Từ từ nàng bảo làm ăn khó khăn mà em thì cũng làm móng thuê đã có tiền rồi, nàng bảo: thôi anh hãy bảo nó đưa tiền cho anh xài. Tám tháng trời tôi không tiền trong túi, không dám đi uống cafe, chỉ khi nào em thấy tôi không đi, hỏi và biết tôi không tiền thì em đưa tiền cho tôi đi uống.

Tôi cầm thì không đành lòng, không thì nàng giận. Thương em, mới ra mua bán nên không lãi được bao nhiêu, trung bình tôi chỉ dám xài mỗi ngày một bao thuốc 4 nghìn đồng và ly cafe 4 nghìn thôi.

Mọi việc khi tôi có ý kiến gì nàng cũng bảo: bây giờ anh có vợ nhỏ rồi, anh nói con không nghe đâu, hay là anh hãy làm giấy để tài sản lại cho con hết đi, nó mới tin. Kẻo bây giờ nó sợ anh cho vợ nhỏ anh hết. Em cũng bảo tôi như thế: “em thương anh là thương con người anh, chứ em không thương tài sản của anh đâu. Thôi anh hãy làm giấy cho con anh hết đi, em không màng đâu, chỉ được sống gần anh như thế này là đủ cho em rồi”.

Và vợ tôi đưa cho tôi tờ giấy mà nàng đã nhờ người làm sẵn, khi nào tôi chết thì tất cả tài sản đều thuộc về 2 đứa con tôi, và tôi đã ký. Sau khi công chứng một tuần thì nàng bỗng kiếm chuyện, đòi tôi phải ký đơn ly dị. Gia đình om sòm lên nàng chửi, nàng rủa em, không khí căng thẳng vô cùng. Em buồn quá bỏ về gia đình, tất cả tiền bạc em để lại hết, khi đến em như thế nào thì khi đi em như thế đấy.

Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi với em, vì vô cùng thương tôi mà em đã đánh mất đời người con gái, thương tôi mà em lỡ chuyến đò cuộc đời. Chàng Việt kiều nọ đã cưới một cô gái khác ở xóm em rồi. Tôi hối hận trong khi vợ cương quyết đòi ly dị, thậm chí nàng còn buông những câu vô cùng xúc phạm: “mày ly dị với tao, tao cho mày ra đường mình không, cho mày chết cũng không có đất chôn”. Vô cùng tức giận tôi đã đâm đơn ra tòa ly dị. Sau những cuộc hòa giải, tôi nhất quyết ly dị, gia đình, họ hàng khuyên giải, nàng đã khóc lóc van xin tôi, hứa sẽ sửa đổi tính tình và tôi đã chấp nhận không ly dị nữa.

Ba tháng sau nàng lại rước em về sống chung, trang bị cho em một sạp bán tạp hóa ở trung tâm thương mại. Em vẫn hàng ngày sáng ra chợ mua bán sạp tạp hóa, chiều về phục dịch tôi và nàng. Nàng và em vẫn vui vẻ hòa thuận, nàng vẫn chở em đi mua sắm, ai thấy cũng khen.

Một hôm nàng bảo: con trai lớn đã có vợ, có con, căn nhà cửa hàng mua bán hàng gỗ nội thất nó đang ở, anh hãy sang tên cho nó, để nó chuyên tâm làm ăn, không chơi bời cờ bạc nữa mà lo cho con nó. Hợp lý quá! Mình tạo dựng được thì cũng vì con, trong lòng tôi cũng tính sẵn như thế nên đặt bút ký luôn, và còn cho thêm vốn liếng để làm ăn.

Còn thằng út mới 14 tuổi, tôi cũng cho luôn cơ ngơi nhà nghỉ đúc sẵn, nền đất luôn rộng gần 1000 m2. Hai tháng sau, khi giấy tờ nhà đất đã chính thức mang tên chủ mới, nàng lần nữa lộ bộ mặt thật ra. Tôi đi uống cafe về cũng bị mang tổ tiên ông bà ra chửi. Nàng lại đòi ly dị, em thấy gia đình căng thẳng thì cứ khuyên tôi hãy nhịn chị đi, và đến phiên em bị những trận đòn vô cớ.

Gia đình em bị những lời mắng chửi không đâu, những đám xã hội đen hành hung cha mẹ em mà điện thoại báo, thưa gửi chẳng ai xử, không đủ chứng cớ. Mặc dù nhà cửa bị phá tan hoang, cha em bị đánh chảy máu, nàng cứ chối trách nhiệm. Một lần nữa em buồn quá nên về nhà cha mẹ sống, ra đi chẳng mang theo gì cả, chỉ xin nàng 300 nghìn đồng làm lộ phí.

Thời gian sau, con lớn muốn làm căn nhà cho bằng mọi người, xin tiền nhưng tiền bạc của cải đã cho hết, chỉ còn một căn cửa hàng nên tôi buộc phải cho ngân hàng mướn 10 năm để lấy tiền cho nó. Số còn lại thì gửi lại ngân hàng lấy lãi. Nhưng khi ký hợp đồng với ngân hàng xong, rút trước một phần để cho con sửa nhà thì vợ tôi đòi phải cho con tôi đứng tên số tiền còn lại. Tôi không chịu, bây giờ tôi chẳng còn gì thì phải đứng tên một phần tiền đó để lấy phần lãi ra xài.

Thế là tôi bị cấm vận, đúng nghĩa cấm vận về mọi mặt, hàng ngày vợ cho tôi 50 nghìn để xài thì nay bị cắt. Tôi đi làm thuê để có tiền xài thì về ăn cơm bị chửi, vừa ăn cơm vừa chan bằng nước mắt, thấy chửi mà tôi vẫn cố lỳ ăn, nàng phán một câu xanh rờn: Bây giờ mày có tiền rồi, tự sinh tự diệt đi. Mày bây giờ không còn nhà nào để ở nữa, tao như mày tao tự tử chết cho rồi”.

Con lớn thì nghe mẹ nó điện bảo vào, không cần biết đầu đuôi ra sau, đau lòng quá, hùa với mẹ nó chửi rồi xông vào đánh tôi. Tôi vẫn lặng im không phản kháng, trong lòng ngao ngán cho thế thái nhân tình. Tôi điện thoại báo công an thị trấn nhờ can thiệp thì vợ lại bao che và chửi tôi.

Đi làm mướn thì bị vợ tôi điện thoại hăm dọa nên bị cho nghỉ, đi uống cafe hay đến nhà ai chơi cùng cho giải khuây đến lần thứ 3 là bị điện thoại dọa nên chẳng ai dám gần. Đến nhà em ruột chơi thì em mình bị điện thoại dọa cả gia đình với nặc mùi xã hội đen. Tôi hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài, chỉ được quyền tiếp xúc với những người ăn tiền nịnh theo vợ tôi mà khuyên tôi nên chết đi bây giờ cho rồi.

Tình cảnh của tôi bây giờ là vậy đó, suốt ngày cô độc, chỉ biết nói chuyện một mình. Với mọi người, nàng rêu rao là rất thương tôi, lo cho tôi từ miếng ăn giấc ngủ. Tôi tự ly thân suốt 8 tháng rồi nhưng về nhà gặp mặt là chửi xiên chửi xéo.

Bây giờ tôi rối lắm, chẳng biết nên làm gì cả, ly dị thì tôi chẳng sợ đói vì mình có bằng lái xe khách và nhiều tài lẻ cũng sống được. Nhưng chỉ có một câu hỏi mà mình tìm mãi mà chưa có câu trả lời: Tại sao vợ mình lại làm thế? Luật sư đã hiến kế cho nàng có nghĩ rằng gia đình này vậy là đã tan nát hết rồi? Vắng mình, nàng có trụ gia đình nổi không hay là sự nghiệp mình bỏ xương máu ra gây dựng cho con bỗng chốc tiêu tan, rồi đây con mình sẽ khổ.

Văn

Luật nhân quả

Sơn cười lên thành tiếng đầy chua chát. Sơn nguyền rủa bản thân ngày trước đã tàn nhẫn với giọt máu của chính mình, để giờ đây mọi thứ trở thành luật nhân quả giáng xuống cuộc đời anh.

Sơn từng là một chàng trai đào hoa và vô trách nhiệm với tình yêu. Ngày còn trẻ, anh tán tỉnh nhiều cô và cũng nhận về mình nhiều sự “hiến dâng”. Nhưng tất cả chỉ như gió thổi mặt hồ. Với Sơn đó chỉ là những cuộc “vui chơi qua đường” chứ không phải là tình yêu. Sơn thường tặc lưỡi: “Mỡ đến miệng mèo, chả dại gì không hưởng”. Vả lại, anh chẳng hứa hẹn điều gì với họ, đấy là họ tự cho rằng có thể ràng buộc Sơn bằng việc đó mà thôi. Hơn một năm trước, Sơn đã từng đưa một đống tiền cho Dung – người con gái yêu anh và trao cho anh tất cả, để yêu cầu cô từ bỏ cái bào thai đang lớn dần trong bụng. Với Sơn việc “ăn bánh” phải “trả tiền” là hết nghĩa vụ.

Rồi Sơn gặp và yêu Nghi. Chưa bao giờ Sơn có cảm giác cần người khác đến như thế. Ngày nào không có Nghi, Sơn như người phát điên, chẳng làm được việc gì. Lần đầu tiên Sơn hiểu thế nào là tình yêu. Những lần trước, dù có chọn một cô nào đó làm bạn gái đi chăng nữa Sơn cũng phải hẹn hò, gặp gỡ thậm chí là “yêu đương” vài cô một lúc. Lần này thì khác hẳn, xung quanh Sơn có rất nhiều cô đeo bám nhưng anh tuyệt nhiên không có ý muốn “bắt cá hai tay”. Lần đầu tiên Sơn cảm thấy lo sợ về cái quá khứ “oanh liệt” của mình sẽ khiến Nghi không chấp nhận anh.

Sơn không còn để ý tới bất kì người con gái nào khác ngoài Nghi. Mọi việc xảy ra trong cuộc sống của cô đều là mối bận tâm của anh. Cô chỉ ho vài cái là tim anh thắt lại, Nghi chỉ ốm vài hôm là Sơn gần như phát điên lên vì lo lắng. Sơn tự nhủ với lòng mình: “Từ giờ trở đi anh sẽ là một người đàn ông tử tế để xứng với em và để được yêu em”.

Sơn không giấu giếm Nghi điều gì, anh khai thật hết tất cả những lỗi lầm của mình. Nghi nói cô cần suy nghĩ. Hơn một tháng sau Nghi mới tìm gặp Sơn, cô nói sẽ chấp nhận anh vì anh của ngày hôm nay đã thay đổi và mọi thứ là quá khứ, khi mà chưa có cô. Sơn hạnh phúc tới chảy nước mắt khi được Nghi tha thứ. Một đám cưới rình rang được diễn ra, Sơn cảm thấy vỡ òa sung sướng vì cuối cùng anh cũng lấy được người con gái anh yêu.

Cuộc sống của hai vợ chồng diễn ra thật ngọt ngào. Quá yêu thương vợ nên lúc nào Sơn cũng làm tốt vai trò của một người chồng. Nghi cũng là người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Cả Sơn và Nghi đều hài lòng với cuộc hôn nhân của mình và đang háo hức chờ đợi “quả ngọt” ra đời từ tình yêu của họ.

Nhưng rồi hơn một năm qua đi không có gì thay đổi, trong thâm tâm của cả Sơn và Nghi đều có chút lo lắng. Nhưng cả hai đều sợ tổn thương đối phương nên chẳng ai dám nhắc tới chuyện đó. Năm thứ hai sau đám cưới lại qua đi, nỗi thèm khát có tiếng trẻ bi bô trong nhà càng lớn hơn bao giờ hết. Quyết định giải quyết vấn đề, vợ chồng Sơn đi khám.

Cầm tớ kết quả trên tay, Sơn chẳng thể nào khóc nổi. Nghi không thể có con, đó là kết luận của bác sĩ. Biết chuyện, Nghi gào khóc, cô mắng mình là người đàn bà vô phúc mới không thể sinh con. Nghi yêu cầu Sơn ly dị để anh đi tìm hạnh phúc khác. Sơn ôm vợ vào lòng, cả hai cùng khóc lên nức nở.

Sơn yêu vợ, yêu nhiều lắm, yêu hết tất cả mọi thứ, làm sao anh có thể bỏ mặc người vợ của mình mà đi tìm niềm vui khác. Nhưng khát khao, mong mỏi được có một đứa con sẽ mãi mãi là điều mà người đàn ông nào cũng muốn.

Ngồi một mình trong căn phòng, Sơn cười lên thành tiếng đầy chua chát. Chính anh đã tạo nên nghiệp chướng này khi đã tự mình bỏ đi những giọt máu thiêng liêng, để giờ đây, luật nhân quả buộc anh phải trải qua nỗi đau đớn này. Sơn chỉ biết rằng, sẽ không bao giờ anh bỏ Nghi…

“Vợ giả”

Đàn ông có nhiều kiểu khổ vì vợ. Có người khổ vì vợ dữ, có người khổ vì vợ ghen, có người khổ vì vợ xấu. Vợ đẹp quá cũng khổ (vì suốt ngày lo ghen). Nhưng không biết có ông nào khổ cái kiểu kỳ cục giống tôi không: Khổ vì “vợ giả”!

Nghe đến đây, chắc nhiều ông nghĩ: “Chắc bà vợ cha này sống giả tạo lắm?”. Không hề, tính vợ tôi rất thật thà, dễ thương. Tôi nói “vợ giả” nghĩa là trên người vợ tôi, đồ… giả nhiều hơn đồ thật!

Vợ giả - Ảnh minh họa
Vợ giả – Ảnh minh họa

Cách đây 10 năm, lúc mới lấy nhau, vợ tôi là một phụ nữ bình thường, không đẹp cũng không xấu. Một ngày đẹp trời, chẳng hiểu nghe lời ai xúi dại, cô ấy đi sửa mũi với cái lý do hết sức dễ thương: “Em đẹp thì anh hưởng chứ ai hưởng”. Tôi không chịu thì cô ấy nhăn nhó, giận hờn đủ kiểu. Cuối cùng, tôi cũng phải xuôi.

 

Ai ngờ, sửa một lần rồi cô ấy đâm ra nghiện luôn. Từ đó, vợ tôi trở thành khách quen của nhiều thẩm mỹ viện trong thành phố. Có cái mũi mà cô ấy sửa đi sửa lại mấy lần. Hết mũi thì tới bơm môi, căng da mặt, độn cằm, hút mỡ bụng… Mà mỗi lần cô ấy sửa đâu có rẻ, bèo bèo cũng mất mười mấy triệu, còn mắc thì phải vài ngàn đô. Nếu giờ mà đếm đồ trên người cô ấy để tính tiền, chắc đủ để hai vợ chồng tôi xây căn nhà mới.

 

Tốn tiền thật ra cũng không quan trọng lắm, nỗi đau khổ của tôi là càng ngày càng nhìn không ra vợ mình. Cứ chiều chiều đi làm về, tôi nhìn ngơ ngẩn người phụ nữ đang tồn tại trong nhà, đang nấu cơm cho mình ăn mà chẳng biết đấy là ai. Nhiều lúc nửa khuya thức giấc, mở mắt thấy cô ấy ngủ quay mặt vào tôi, tôi giật mình, tưởng mình… ngủ lộn nhà.

 

Nỗi khổ lớn nhất của tôi là vợ tôi giờ đây như dán lên người một cái nhãn tổ bố: “Hàng dễ vỡ, xin nhẹ tay!”. Vui vui nhéo mũi cô ấy, cô ấy la: “Trời, sụp bây giờ”. Hôn môi, cô ấy đẩy ra: “Đừng anh, em mới bơm”. Tôi nhớ hồi xưa có đọc đâu đó câu chuyện thần thoại, đại khái có ông vua bị thần thánh phạt, đụng tay vô cái gì cũng thành vàng, kể cả đồ ăn thức uống. Tôi giờ cũng vậy, nhìn được mà “ăn”… hổng được.

 

Còn nữa, tôi nghe nói mấy cái vụ sửa sang như thế dễ xuống cấp lắm. Tôi coi trên mạng, thấy mấy tấm hình chụp các bà dạng “hồi trẻ sửa phà phà, về già bị xuống cấp”, tôi giật mình thon thót. Nghĩ tới cảnh tương lai vợ mình như vậy, tôi lo quá. Không biết có ông chồng nào cùng cảnh khổ giống tôi không?

 

Theo PNO

Chả dại

Bạn bè thường bảo anh nhát như cáy, “miếng ngon” tới miệng cũng không dám ăn, anh chỉ cười trừ cho qua chuyện: “Có lẽ tớ có vấn đề thật rồi”. Là đàn ông ai không ham của lạ, nhưng anh chả dại lao vào thứ đam mê nhất thời để có thể đánh mất tất cả.

Anh chả dại lao vào thứ đam mê nhất thời để có thể đánh mất tất cả.
Anh chả dại lao vào thứ đam mê nhất thời để có thể đánh mất tất cả.

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ khóa dự án có 14 người: tám nam; sáu nữ; phần lớn đều đã có gia đình. Sau một thời gian dài công tác, bỗng dưng được cử đi học, ai cũng coi đây như một dịp để xả hơi và “tận hưởng”. Ngoài giờ lên lớp, mọi người rủ nhau đi chơi rất vui vẻ. Đàn ông xa vợ, phụ nữ xa chồng, lại gần gũi nhau ở một thành phố xa lạ, tự nhiên không ai bảo ai, mọi người đều… dễ dãi hẳn ra. Đã có mấy cặp thường xuyên đi chơi riêng với nhau. Buổi tối về, mấy anh bạn cứ rúc rích kể chuyện. Anh loáng thoáng nghe, nào là “hấp dẫn lắm”, nào là “khác bà xã mình nhiều”, “chắc tối nay sẽ lại nữa đây”… Hình như họ không băn khoăn chút nào, vì anh chỉ thấy toàn những gương mặt hí hửng đầy phấn khích mà thôi.

 

Trong nhóm học dự án, anh xem ra là người phong độ nhất (nghe mấy cô khen vậy). Có lẽ vì thế mà anh được để ý. Mấy anh bạn cùng lớp bảo: “Châu nó có vẻ kết cậu đấy, sao không vui vẻ tí”. Vui vẻ tí ư? Ừ thì có ai biết đâu nhỉ? Cô ấy cũng có gia đình, đâu dễ vì mình mà phá bỏ tất cả. Như tối qua, khi đi hát về, cô ấy cứ nhất mực đòi ngồi sau xe anh. Lại còn gợi ý là trời nóng, muốn đi hóng mát một chút. Nếu bảo anh nhất mực đòi về ngay thì anh là người nói dối. Báo cáo với em là anh có lưỡng lự. Nhìn kỹ thì cô ấy đúng là hấp dẫn thật. Con mắt lại lúng liếng đa tình nữa chứ. Đàn ông bình thường còn chết, huống chi đàn ông xa vợ lâu ngày. Nhưng trong phút giây thấy lòng mình “nghiêng ngả” ấy, anh bỗng nghĩ về em. Có lẽ giờ này em đã bày cho bé lớn tập viết xong. Thằng nhỏ chắc cũng ngủ khì từ lâu. Anh biết, mỗi lần nói chuyện với mấy chị đồng nghiệp, em đều kể với vẻ tự hào: “Ông xã em ấy à, ổng đang đi học lớp dự án của tỉnh tận trong Sài Gòn cơ!… Dạ!… Không có đâu chị, ổng nghiêm túc lắm!…”. Thà em cứ nghi ngờ, cứ thường xuyên dò xét. Đằng này, em như thế làm sao anh đành lòng? Vậy là anh quay xe về trước sự ngẩn ngơ của cô ấy.

 

Với anh, em thực sự là một người vợ hoàn hảo. Ở vào thời đại mà buổi sáng không thiếu những người vợ “xua” chồng con đi ăn sáng ngoài tiệm thì em lại cặm cụi dậy từ bốn năm giờ chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Anh là người khó tính trong ăn uống. Tuy bận rộn thế nhưng em lại có cách riêng để chăm sóc bản thân. Đồ em mặc không đắt tiền, nhưng em biết chọn màu, chọn kiểu phù hợp nên lúc nào nhìn cũng hấp dẫn. Hai con rồi mà sao anh nhìn em mãi không thấy chán.

 

Chắc em không thể ngờ, đôi khi những điều nhỏ nhặt như thế lại có thể giúp anh vượt qua được phút yếu lòng. Thế nên, dẫu bạn bè có chê là nhát như cáy, anh cũng chỉ cười trừ: “Ừ, có lẽ tớ có vấn đề thật rồi”…

 

Theo Nhân Trần

PNO

Tặng vợ nhân kỷ niệm ngày cưới

Vậy là chúng ta có 4 năm vợ chồng rồi em nhỉ. Thời gian ấy chưa đủ dài nhưng đã đúc kết được nhiều yêu thương và kết quả là “siêu nhân” của chúng ta ra đời trong sự háo hức chờ đợi của vợ chồng mình và gia đình nội ngoại.

Cuộc sống hôn nhân
Cuộc sống hôn nhân

Đến thời điểm này là tròn 13 năm kể từ ngày anh chính thức làm quen với em, tính ra cũng dài nhỉ. Người ta nói khi yêu nhau thì thời gian trôi qua mau, với anh cũng vậy, bấy nhiêu đó thời gian anh có cảm tưởng như mới ngày hôm qua. Khi nghĩ về em, anh rất vui, hạnh phúc.

 

Tình yêu của chúng ta cũng trải qua bao thăng trầm, giông tố, những giận hờn vu vơ, nhưng có lẽ ông trời còn thương anh, thương em nên để cho chúng ta có cơ hội được làm lại, qua đó chúng ta cảm nhận được mình cần nhau đến nhường nào, yêu thương đến nhường nào.

 

Giờ này ngồi nhớ lại anh vẫn còn thấy rõ bó hoa hồng tiểu muội tặng em một đêm mưa nhưng em không nhận ở nhà thờ Gia Định, những “bó hoa hội nghị” theo kiểu của anh, những lần cùng nhau ăn hủ tiếu gõ mà hai đứa vẫn vui vẻ. Anh và em chưa một lần vào nhà hàng sang trọng, thời sinh viên làm gì có tiền, món quà “giá trị” nhất anh tặng em có lẽ là chiếc áo khoác jeans. Thế mà em nhận như đón nhận tình yêu của anh vậy, anh thật sự rất vui. Và còn nữa, cái nắm tay đầu tiên của hai đứa thật thô lỗ, chẳng lãng mạn mà cũng chẳng giống trong phim chút nào!

 

Biết bao kỷ niệm của chúng mình anh vẫn luôn cất giữ trong tim, để mỗi khi bộn bề công việc, chỉ cần nghĩ về em, về con, và về những gì đã qua, trong lòng anh lại hạnh phúc.

 

Nhân kỷ niệm ngày cưới của chúng mình, gửi đến em và “siêu nhân” của chúng ta tất cả niềm yêu thương, trìu mến. Thương em và con nhiều!
Hoàng Huân

Đàn ông đích thực

Đã khuya lắm anh vẫn không ngủ được, trằn trọc suy nghĩ câu nói của cô bạn cũ: “Hạnh phúc lớn nhất của người vợ là được ủi từng chiếc áo cho chồng, nấu những món ăn mà anh ấy thích”. Còn vợ anh thì…

Đàn ông đích thực  Xmen
Đàn ông đích thực Xmen

Chiều nay, sau mấy ngày đi công tác xa chưa kịp về, vợ nhắn “xong việc chưa honey, anh tranh thủ về gấp nhé”. Được lời như cởi tấm lòng, anh bỏ luôn cả bữa trưa, chạy xe gần hai trăm cây số, chỉ mong được ăn những món ăn mà mình yêu thích như thường lệ. Hơn ba tiếng phơi mặt ngoài quốc lộ, về nhà đã gần 4 giờ chiều, chưa kịp thay đổi trang phục anh lao vào bếp định “quất” một hơi cho đã, nhưng, nồi cơm lạnh ngắt, đã bốc mùi chua bên cạnh nồi canh cũng đã lên men.

 

Thường ngày gặp “cảnh” đó, anh đã chạy ra phòng khách, mắt long lên, răng nghiến chặt và quát vợ. Nhưng hôm nay, anh chựng lại. Thằng bé đang khóc nhè và bên cạnh, bà ngoại nó đang chuẩn bị mấy viên thuốc uống cho cháu. Giận quá, anh không thèm “đếm xỉa” coi vợ đang làm gì. Không thể chịu nổi cái đói, anh hậm hực đun nước sôi, lôi ra một gói mỳ tôm. Chán nản, mệt mỏi anh lăn ra sofa đánh một giấc, mặc cho thằng bé vẫn đang ho sù sụ…

 

Anh thức giấc, đã gần 12 giờ khuya. Cục tức hồi chiều lại đến, nghĩ đến câu nói của bạn, anh quay vô buồng định bụng sẽ cho vợ một bài học về cái gọi là “bổn phận làm vợ”. Vợ đang ngủ, hình như vẫn còn nguyên bộ quần áo hồi chiều, tóc rối bù. Anh cúi xuống nhìn khuôn mặt “đáng ghét” rồi bỏ ra ngoài chiếc võng cạnh sofa. Ở đó, ngay trên tường, cũng là người phụ nữ mà anh vừa nhìn, đang nắm tay anh, “nàng” quá xinh đẹp. Nhìn kỹ, hình như không phải vợ anh đang nằm trong kia, đó một “bà cụ” hốc hác vừa đen vừa gầy. Mới có một con mà đã như thế, thật là chán. Anh cọt kẹt đưa võng, miên man rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay.

 

Thức dậy, ông Trời đã lên cao, anh dắt chiếc xe bụi bặm ra ngoài, phi thẳng đến cơ quan. Dọc đường, Chung nhắn ghé vô nhà nó có chuyện. Hóa ra nó nhờ anh gởi cho Sếp xấp tài liệu cho kịp chuyến đi công tác. “Tối qua lo lên mạng chưa kịp ủi bộ đồ mầy ơi”, nó nhe răng cười, trông hết sức vô duyên. Dù là bạn nối khố nhưng anh chúa ghét thằng này vì nó rất “mất đoàn kết” và hơn hết nó rất “đàn bà”. Liên hoan, tổng kết nó viện cớ “gan nhiễm dầu” để khỏi “trăm phần trăm” với anh em. Ở nhà thì chui rúc vào bếp với ông táo, thậm chí có lần anh còn bắt gặp nó đang “đánh giặc” một chậu đồ của cả nhà. Anh chỉ thấy nó hèn, vậy mà trong cơ quan, tất cả chị em đều lấy nó làm “điển hình tiên tiến” để dạy chồng?

 

Hôm nay Sếp đi công tác nên mọi người có “lý do chính đáng” để ra căn tin. Anh khoe với cả hội về chiếc I-phone cáu cạnh – “hàng khủng” nhưng giá rất “bủn” – mà anh vừa “khiêng” về trong chuyến đi biên giới vừa rồi. Café, chat chít xong cũng đã gần 9 giờ 30. Vào phòng, anh lập tức thay đổi hình nền. Lướt qua các file hình, anh “chạm mặt” vợ. Lại tức. Anh bèn nhắn tin cho vợ theo cách mà anh hay làm mỗi khi có “chiến tranh”.

 

“Chuyện ngày xưa: thấy Lưu Bình ham chơi không lo công danh sự nghiệp, Dương Lễ bèn kêu đến và đưa một tô cơm hẩm và bát cà thiu, ý muốn nói “Phải lo học hành để thi đỗ làm quan”. Còn chuyện ngày nay: Có một ông chồng đi công tác, vợ gọi về gấp rồi cũng đưa ra một nổi cơm thiu và một nồi canh lên men. Vậy ý vợ muốn nói gì?”. Năm phút trôi qua, vẫn không có tin nhắn trả lời, rồi 60 phút, cũng không có. Ba giờ chiều, không ai rủ đi rửa điện thoại, anh uể oải lấy xe về nhà.

 

Chưa kịp vào nhà anh đã nghe tiếng nheo nhéo của bà Tư Lùn, hàng xóm mới chuyển đến, vọng sang. “Thằng nhỏ nhà bây hết ho chưa? Thật tội nghiệp, mấy ngày nay ở kế bên, nghe tiếng thằng nhỏ ho, tao muốn đứt ruột. Làm cha như chú cũng được hén, con đau, bây đi công tác xa cũng tranh thủ về, tối còn thức khuya canh chừng con, ngày đi làm tranh thủ về sớm lo tiếp cơm nước…”. “Dạ…” – anh lí nhí. “Có bây về, vợ bây cũng đỡ cực. Mấy đêm nay nó có ngủ được chút nào đâu, làm mẹ thật là khổ”.

 

Anh bước thật lẹ vào nhà, như sợ bà Tư biết sự thật, tự trách sao mình vô tư quá. Rồi anh lại dắt xe ra, chạy nhanh đến nhà Chung, để hỏi: “Đàn ông Xmen như tui, giờ muốn làm “nội trợ”, trước hết phải làm gì?”

 

Theo PNO

Biết là đau khổ, nhưng…

Mọi người giúp mình với. Thật sự chuyện của mình khó nói quá. Mình đang làm việc ở nước ngoài, chưa có gia đình, vậy mà mình lại đang chung sống với một người hơn mình 5 tuổi, đã có chồng con ở Việt Nam.

Mình chia tay - Ảnh minh họa
Mình chia tay – Ảnh minh họa

Mình ở với cô ấy được 3 tháng thì ở nhà có việc, mình phải về Việt Nam gấp. Thực lòng mình cũng muốn về nhà lần này, ở nhà luôn nhưng nghĩ cảnh cô ấy ở bên kia có một mình, nên mình lại muốn sang với cô ấy.

Nhưng rồi mình lại lo sợ, như lời cô ấy hay nói: dấn sâu vào cuộc tình này sẽ làm cả hai phải đau khổ. Mình khó xử quá. Mình càng rối hơn khi biết chồng cô ấy là một người đàn ông rất tốt, hôm về mình đã gặp, nói chuyện với anh ấy. Mình không biết làm thế nào nữa? Cứ ở lại Việt Nam hay sang nước ngoài với cô ấy? Mọi người góp ý cho mình với.

 

HUNG NGUYEN / Theo PhuNuOnline

“Cái ngàn vàng” là cái chi chi…

Có một điều “rất lạ mà quen” là hễ có ai đó nhắc đến “cái ngàn vàng” thì mọi người lại xôn xao bàn tán. Chuyện “còn, mất, dày, mỏng, méo, tròn…” luôn khiến người ta bận tâm, nhưng người bận tâm nhất dường như không phải chủ nhân của nó mà lại là các đấng mày râu.

Đa số cho rằng, điều quan trọng nhất trong tình yêu, hôn nhân là sự yêu thương, lòng chung thủy, hiểu biết, cảm thông và chia sẻ cùng nhau trên suốt con đường đời chứ không phải là cái màng mỏng manh kia.

 

Cái ngàn vàng
Cái ngàn vàng

Nói thì nói vậy, nhưng trong thực tế, đa số các anh vẫn xem cái ấy là một trong những tiêu chí hàng đầu khi chuẩn bị bước vào hôn nhân. Lý lẽ các anh đưa ra là “nếu không quý, người ta đã chẳng gọi đó là cái ngàn vàng”. Còn ai định giá cái đó “ngàn vàng” thì do tôi ít học nên không biết trước cụ Nguyễn Du, có ai đã từng trả giá cao ngất ngưởng như vậy chưa!

 

Một anh bạn của tôi làm bác sĩ thẩm mỹ đi du học bên Tây về, có lần nói nửa thật, nửa đùa: “Phàm ở đời, cái gì hiếm thì quý. Có khi vài năm nữa, cái ấy không phải ngàn vàng nữa mà là hàng vạn, hàng trăm ngàn mới mua được. Ở chỗ tôi, ngày ít thì vài chục, ngày nhiều thì cả trăm cuộc điện thoại gọi đến hỏi cách làm sao để vá víu, tân trang, thay thế lắp đặt hàng mới…”.

 

Chi mà khổ vậy trời? Tất cả chỉ là do cái quan niệm mà ra. Phương Tây họ không đặt nặng vấn đề này nên họ… khỏe re. Yêu nhau, hợp nhau thì sống chung, không muốn sống chung nữa thì chia tay. Xem phim, đọc báo thấy các đấng mày râu xứ họ chẳng bao giờ bận tâm “trước tôi, cô đã lên giường với thằng nào?”. Còn ở mình, do nghĩ rằng, cái đó đi kèm với “hên, xui, may, rủi” nên người ta mới cất công đi tìm.

 

Chính vì có cung nên mới có cầu. Và người ta bắt đầu nghĩ tới chuyện… làm cái ngàn vàng giả; kéo theo sự ăn nên làm ra của các cơ sở thẩm mỹ; các nhà sản xuất, nhà buôn. Hiện nay, trên thị trường, “cái ngàn vàng… giả” trôi nổi đủ cả Tây, Tàu, Nhật Mỹ… Các cô thì lắp ráp hàng giả, các anh thì xài hàng giả mà vẫn tưởng mình ngon.

 

Có ai dám khẳng định rằng, khi lên giường với cô gái còn trinh thì thấy “ngon” hơn, sung sướng hơn với người đã mất? Có ai nói khi cưới cô gái còn trinh về làm vợ thì “yêu” lần đầu tuyệt vời hơn, còn những lần sau thì tệ hơn? Tất cả những thứ đó đều do “cái đầu”, đúng hơn là cái suy nghĩ mà ra, còn thực thể thì quan hệ lần đầu chẳng bao giờ viên mãn cả.

 

Chúng ta không khuyến khích quan hệ tình dục bừa bãi nhưng “của người ta, người ta có quyền cho ai mà người ta thấy xứng đáng”. Một anh chồng quan hệ với không biết bao nhiêu cô gái nhưng khi lấy vợ vẫn muốn cưới gái trinh. Như thế thì có quá vô lý, quá bất bình không?

 

Tình dục, đó là cảm xúc, là nhu cầu của con người. Khi yêu thương nhau, ai cũng muốn ăn đời ở kiếp, muốn có nhau suốt đời; đâu có ai biết sau này mình không nên vợ nên chồng mà tính toán? Đặc biệt, đối với hầu hết phụ nữ, con đường đi đến tình dục phải qua tình yêu hay chí ít cũng phải có tình cảm nên một khi chị em đã “cho” tức là họ đã có sự lựa chọn chứ không phải “bạ đâu cho đấy”. Họ khác với đàn ông ở điểm này.

 

Chỉ có điều là những người nhận có khi lại chẳng ra gì. Nhận xong thì cho rằng cô gái ấy không biết giữ gìn nên bỏ, nhận xong thì chán nên bỏ, nhận xong thì “đi kiếm cô gái còn cái ngàn vàng để cưới làm vợ”… Nhưng ở đời, gieo nhân nào, gặt quả ấy. Anh bạn bác sĩ thẩm mỹ của tôi nói chắc nịch: “Khi gần con gái người ta, anh nào cũng tươm tướp muốn chiếm lấy, vậy thì còn đâu các cô trinh nữ mà các anh kiếm tìm chi cho mệt? Nếu tìm được thì hẳn là… kiếp trước có tu; còn không thì… vớ phải hàng giả là cái chắc!”.

 

Mới đây, anh bạn tôi đã “vá víu, tân trang” cho một “chân dài bán dâm” ở một tỉnh nọ. Cô bảo: “Tốn bao nhiêu cũng được, miễn sao như thật”. Chồng cô là con nhà danh giá. Vừa rồi thấy đám cưới họ tổ chức linh đình, anh cười mím chi cọp, phán luôn: “Trông mặt anh chồng thấy tội tội sao á…”.

 

Nói gần, nói xa cuối cùng cũng phải tóm lại: Cái gì mình cho là quý thì nó quý, cho là tầm thường thì nó tầm thường. Cũng giống như nước ở sa mạc thì quý, còn kim cương ở đó thì chẳng qua cũng chỉ là một loại đá…

 

“Ngàn vàng là cái chi chi; sao cho có nghĩa, có nghì thì hơn”…

 

Theo NLĐ

Tạm biệt em, người con gái cuối cùng anh thương

Anh từng có một giấc mơ đẹp cùng em, nhưng dẫu sao giấc mơ nó chỉ mãi là giấc mơ thôi. Có lẽ yêu em cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi. Bên cạnh em có biết bao người tốt hơn anh nhiều mà.

Anh đã hứa với bản thân là không bao giờ để một người phụ nữ nào khóc, ít nhất là khóc vì anh. Bây giờ em sẽ không phải buồn, mệt mỏi vì anh nữa. Vậy là cuối cùng chúng mình cũng xa nhau em nhỉ! Giờ anh chỉ biết ở đây viết những dòng tâm sự này chúc em hạnh phúc, mặc dù anh biết sẽ chẳng bao giờ em đọc được những lời tâm sự này của anh.

Em nói: “không muốn làm bất kỳ ai tổn thương và nhất là anh”. Anh thấy mệt mỏi và bị tổn thương nhiều lắm rồi. Em đã hứa sẽ mãi ở bên anh, sẽ luôn ở bên mỗi lúc anh cần, sẽ mãi là người con gái làm cho anh cười. Vậy mà chỉ sau vài tin nhắn em đã quyết định rời xa anh, chỉ trong có mấy phút thôi em nhỉ! Vậy có nhanh quá không em? Có lẽ với em là không, nhưng với anh nó quá đột ngột. Bỗng dưng anh thấy mọi chuyện, cuộc đời thật khó hiểu.

Ngày còn bên nhau mới hứa hẹn đủ điều, em hứa sẽ chờ anh lập nghiệp, em bảo sẽ chờ ngày trăng mật nơi ấy, vậy mà…! Mỗi việc anh buồn vì một vài chuyện đáng buồn thôi mà em. Đời ai có thể tránh được những nỗi buồn xảy đến đâu chứ. Có thể với em là ủy mị, bi quan; nhưng với anh đó là nỗi buồn khi mất đi một người từng cứu sống chính sinh mạng của anh.

Anh cứ tưởng nhìn thấy chính mình trong con người em, anh tưởng anh hiểu em lắm, và anh cũng tưởng em phải hiểu anh lắm chứ. Hóa ra chỉ là anh nghĩ vậy mà thôi. Có lẽ anh sẽ không mất em nếu bố mẹ anh không làm nông, nếu anh bắt đầu sự nghiệp sớm hơn. Giá như, giá như, muôn vàn cái giá như em nhỉ, nhưng muôn vàn thứ ấy nó vẫn chỉ là chính nó, là thứ sinh ra đã thế rồi làm sao còn có cái giá như nữa hả em?

Em quyết định ra đi. Anh tôn trọng em và tôn trọng cả quyết định của em. Nếu như em rõ ràng từ lúc ấy chắc anh bây giờ chẳng thế này. Anh từng có một giấc mơ đẹp cùng em, nhưng dẫu sao giấc mơ nó chỉ mãi là giấc mơ thôi em nhỉ? Có lẽ yêu em cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi. Bên cạnh em có biết bao người tốt hơn anh nhiều mà.

Vì yêu em anh sẵn sàng làm tất cả, và giấc mơ của anh, anh dám tin rằng sẽ thực hiện nó. Nếu lúc đó có được một lời động viên khích lệ từ phía em thì giờ chắc không như bây giờ. Có thể anh yêu em nhiều hơn nên em đã cho mình được cái quyền làm như vậy, nói ra đi những lúc em thích, em có biết những lúc đó anh thế nào không? Có bao giờ em đặt em vào hoàn cảnh của anh không, chắc là không phải không em?

Tuổi thơ của anh không hạnh phúc như các bạn, không như những người cùng trang lứa, anh đã phải chứng kiến quá nhiều nỗi đau, quá nhiều nước mắt. Anh đã học được cách để gạt đi nó mà không bao giờ rơi nước mắt, có lẽ cũng vì thế mà từ hồi còn rất nhỏ anh đã không bao giờ khóc.

Em chọn cách ra đi nếu đó là cách để em được hạnh phúc. Anh từng hứa sẽ không để cho bất kỳ ai phải buồn, ít nhất là buồn vì anh. Chỉ còn mấy tháng nữa thôi anh sẽ rời xa nơi này, rời xa nơi đã có quá nhiều điều để anh lưu luyến, rời xa nơi từng đưa anh gặp em. Tạm biệt em người con gái cuối cùng anh yêu thương.

Nhật

Mất tất cả khi chung sống với bồ

Vẻ đẹp bốc lửa của người tình không lấp nổi nỗi cô đơn và mất mát trong tôi. Kể từ khi ly hôn, sự nghiệp của tôi xuống dốc, các mối quan hệ một mình tôi không cáng đáng nổi, điều mà trước đây vợ cũ tôi rất giỏi.

 

Tôi cũng là người đàn ông bị vợ ly hôn vì nhậu nhẹt. Ngày ấy tôi cho rằng đó là công việc cần phải giao tiếp, không có các cuộc nhậu ấy tôi sẽ không ký được hợp đồng. Vợ tôi là người có học, là giảng viên đại học. Cô ấy là một phụ nữ thuần Việt mà tôi nghĩ khó có thể tìm được ở những cô gái trẻ hiện đại thời nay.

Chúng tôi cưới nhau khi tôi hai bàn tay trắng, cô ấy đã bên tôi với lòng tin từ nghèo mà sau này ăn nên làm ra thì tôi biết quý trọng đồng tiền hơn. Tôi đã không phụ lòng tin cô ấy, sau 10 năm cưới nhau, chúng tôi đã có nhà lầu, ôtô và tôi là giám đốc của một công ty có tiếng.

Chúng tôi có đứa con chung rất thông minh mà vợ tôi đã phải hy sinh cả sự nghiệp để cho tôi có được hạnh phúc ấy. Nhưng tôi còn sai lầm nữa là đã có con riêng trong khi vợ đi tu nghiệp ở nước ngoài. Khi ấy tôi đã choáng ngợp bởi sự ngưỡng mộ của cô gái ấy, cô ấy rất dịu dàng và luôn luôn cần sự che chở của tôi, cả về kinh tế và tình cảm.

Tôi thường xuyên tặng hoa và đưa cô ấy đi ăn ở những nơi lãng mạn, cô ấy trẻ và đẹp hơn vợ tôi. Trong khi đó vợ tôi thường nấu ăn tại nhà, nhà tôi có bếp rất đẹp và phòng ăn tinh tế, sang trọng do vợ tôi bày biện. Các bạn bè tôi luôn được chào đón những khi có dịp gặp gỡ hay lễ tết. Nhưng tôi không có được cảm giác thăng hoa và thoải mái khi ra ngoài ăn trong không gian lãng mạn.

Kết thúc là vợ tôi quyết định ly hôn, tôi không đồng ý. Cô ấy nói đã tìm được hạnh phúc khác, là một nhà nghiên cứu trí thức, không nhậu nhẹt như tôi, biết yêu thương cô ấy. Tôi đành buông và chung sống với người tình.

Hậu quả là khi chung sống với người mà tôi có con sau này, tôi mới cảm nhận được sự chu đáo và đằm thắm của vợ cũ. Từ phòng ngủ đến bếp, một sự khác biệt quá lớn, sự dịu dàng cùng với vẻ đẹp bốc lửa của người tình không lấp nổi nỗi cô đơn và mất mát trong tôi. Kể từ khi ly hôn, sự nghiệp của tôi xuống dốc, các mối quan hệ một mình tôi không cáng đáng nổi, điều mà trước đây vợ cũ tôi rất giỏi. Cô ấy rất giỏi chuyên môn, có vị trí xã hội, nhưng cũng có thể đến nấu hơn 10 mâm cỗ cho đối tác của tôi ở quê.

Gần đây tôi biết vợ cũ đã bị người tình bỏ rơi vì vợ tôi phải làm nốt nghiên cứu ở nước ngoài và ở nhà anh ta đã có người khác. Nhìn vợ tôi đau đớn, tiều tụy và lặng lẽ, tôi không thể cầm lòng. Tôi muốn ôm chặt cô ấy vào lòng mà che chở, nhưng cô ấy lảng tránh tôi, có lần nói “tình yêu chết rồi, em không thể sống bên anh được nữa”. Tôi đau như bị đâm vào tim.

Bây giờ tôi thực sự ân hận và rơi nước mắt khi đọc bài “Hối hận sau ly hôn” của anh ĐG. Anh vẫn còn cơ hội vì anh chưa có bồ và con bên ngoài, vợ anh vẫn có thể tha thứ cho anh. Còn tôi, có lẽ tôi phải sống trong ân hận đến hết cuộc đời của mình. Tôi muốn nói với vợ rằng: hãy cho anh cơ hội, hãy vị tha, anh hứa sẽ làm sống lại tình yêu và lòng tin trong anh.

LDD