Tag Archives: gia đình

Những vòng xe ký ức

Chiếc xe đạp cũ như một kỷ vật mà bố để lại. Nó theo mẹ trên những nẻo đường không có bố. Nó để tôi chập chững những vòng xe đầu đời, những lần biết ngã đau nhưng vẫn phải đứng lên tiếp tục.

19 tuổi xa nhà đi học đại học, tôi quen dần với cái cảnh đường phố đông người với phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy và ô tô, đôi khi mới bắt gặp một vòng quay xe đạp chầm chậm, thong dong trên đường. Mỗi lần như thế, tôi như hòa vào trong cái vòng quay ấy, vòng quay đưa tôi trở về với những tháng ngày chưa xa với hình ảnh gia đình và chiếc xe đạp cũ.

Miền Trung nắng gió, cơ cực và những vòng quay xe đạp của mẹ là một dấu ấn khó quên trong ký ức tôi. Từ những câu chuyện mẹ kể mỗi đêm, ngày xưa bố mẹ lấy nhau trong cảnh khó khăn, mẹ chẳng có váy áo lung linh như người ta, bố chẳng có xe đẹp đến đón mẹ về, bố đạp xe hơn 30 cây số đón mẹ về bằng chiếc xe đạp cũ. Ấy thế mà bố mẹ vẫn sống với nhau hạnh phúc, thậm chí còn hơn nhà người ta nữa.

Tôi còn nhớ như in những lần cả nhà đi chơi trên chiếc xe đạp ấy, mẹ ngồi sau ôm anh trai tôi, còn tôi ngồi trên yên xe cùng với bố. Bố chỉ đạp những vòng xe chầm chậm, đi qua những con đường gió lộng, những cửa hàng ăn rồi bảo với tôi, với cả mẹ và anh trai: “Sau này có tiền nhà mình sẽ còn đi ăn ở những nhà hàng đẹp hơn thế, được không con gái”. Cả nhà cười lên thật vui, tiếng cười trẻ thơ của tôi và anh trai, tiếng cười của bố và mẹ thảnh thơi một chút sau bao nhiêu lo lắng cuộc đời. Tôi nhớ! Hạnh phúc 7 năm, rồi vì bệnh tật, vì cảnh nghèo mà bố đành bỏ mẹ lại một mình với hai đứa con thơ dại, bố về với thiên đàng.

Gạt đi nước mắt, mẹ từ một người yếu đuối bỗng trở nên thật mạnh mẽ. Mẹ từ chối những lời giới thiệu sang bên nước ngoài làm ăn, những công việc thật tốt với thu nhập ổn định vì thương hai đứa con còn quá nhỏ dại. Ngày nào mẹ cũng đạp xe đi qua không biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu con phố để kiếm việc làm.
Ngày ấy, vì gia đình khó khăn nên tôi không đi học ở nhà trẻ, ngày nào tôi cũng bị nhốt ở trong nhà, anh trai thì đi học, còn mẹ tôi dong duổi trên đường. Mỗi lần mẹ về tôi lại leo lên xe, đòi mẹ lai tôi đi một vòng phố. 3 tuổi, nụ cười của tôi vẫn vô tư và hồn nhiên, ôm mẹ thật chặt từ đằng sau cho khỏi ngã, la lớn lên mỗi lần đánh rơi dép trên đường. Còn mẹ, có lẽ, mẹ đang khóc. Khóc thầm.

Chúng tôi sống chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp xã hội và sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, và lớn dần lên theo những vòng quay xe đạp của mẹ. Những tháng ngày đạp xe dong duổi tìm việc làm của mẹ được đáp trả bằng một công việc phù hợp, mẹ được người ta nhận vào làm may, mẹ xin về nhà làm để tiện trông coi nhà cửa và được chấp nhận.

Công việc vất vả và không ổn định lắm, mẹ phải cố gắng hết sức mới lo được cho tôi và anh trai ăn học. Dù bây giờ mẹ không phải ngày nào cũng đạp xe hàng chục cây số tìm việc làm nữa nhưng đôi khi tôi thấy mẹ lặng lẽ dắt xe ra đường, mẹ lại chầm chậm đạp những vòng xe, chầm chậm đi qua những nẻo đường ngày xưa, nơi mà bố mẹ vẫn đến.

Chiếc xe đạp cũ như một kỷ vật mà bố để lại. Nó theo mẹ trên những nẻo đường không có bố. Nó để tôi chập chững những vòng xe đầu đời, những lần biết ngã đau nhưng vẫn phải đứng lên tiếp tục. Mẹ đã chở tôi đi học, ngày đầu tiên đến trường ngồi sau xe mẹ, nghe rõ những vòng quay mệt nhọc mà đầy hy vọng về tương lai. Lên cấp 2, tôi tự mình đạp xe đến trường, bằng chiếc xe đạp ấy. Cấp 3, vẫn chiếc xe ấy, tôi thướt tha trong tà áo dài đến lớp. Mẹ không lai tôi được nữa, tôi là người lai mẹ trên chiếc xe đạp ấy.

Tôi không thể đếm được hết mẹ đã đi bao nhiêu vòng xe, đã đạp bao nhiêu cây số trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng không biết được mình đã gửi gắm vào những vòng xe bao nhiêu ước mơ, khát vọng về tương lai. Những vòng xe cứ nối tiếp nhau ngoài kia, những vòng đời cũng cứ thế trôi đi. Chẳng biết được sẽ có bao nhiêu lần nữa tôi có thể ngồi hồn nhiên mà nghĩ suy, mà hoài niệm. Nhắm mắt lại muốn mình còn bé thơ, ngồi sau lưng mẹ, nghe rõ tiếng bánh xe chầm chầm, tiếng đời cũng chầm chậm theo

Nguyễn Thị Hà

Vì mẹ, chồng sẵn sàng sỉ nhục tôi

Anh sẵn sàng xúc phạm tôi trước mặt mẹ anh những câu chửi bậy thậm tệ mà mẹ ngồi đấy cũng chẳng nói một câu gì. Trước đây nghe anh xưng mày tao tôi cảm thấy buồn và khóc, dần dần rồi nói những câu tệ hơn. Giờ đây những câu đó là thường ngày rồi nên tôi đã quá quen.

Tôi năm nay 29 tuổi, đã kết hôn được 5 năm, cuộc hôn nhân của tôi cũng kết tinh từ một tình yêu đẹp sau 2 năm yêu nhau. Hiện nay tôi đã có một con trai gần 2 tuổi, có thể nói rằng cuộc hôn nhân của tôi rất êm đềm và hạnh phúc được khoảng hơn 3 năm lúc đang là “vợ chồng son”. Nhưng từ khi tôi sinh con, có mẹ chồng tôi dưới quê lên trông con giúp để tôi đi làm, thì từ đó cuộc sống vợ chồng bắt đầu “cơm không lành canh không ngọt”. Trước đây cũng có cãi vã nhưng thỉnh thoảng thôi, rồi đâu cũng vào đấy. Vợ chồng mà, giận rồi lại thương.

Nhưng điều đó có lẽ sẽ khó để tôi tiếp tục thương chồng nữa. Tôi và chồng học vấn cũng ngang nhau, anh và tôi đều tốt nghiệp trung cấp. Chồng tôi học ngành điện công nghiệp, còn tôi theo kế toán và cả hai cũng đang là nhân viên văn phòng. Cuộc sống chỉ đủ ăn thôi chứ không có dư giả vì chúng tôi phải ở trọ còn nuôi con nhỏ nữa.

Nhà chồng tôi ở Đồng Nai còn quê tôi ở miền Trung, vì thế phong tục và cách sinh hoạt ăn uống cũng có nhiều điểm khác nhau. Nhưng tôi cũng cố gắng để nấu những món ăn theo sở thích của chồng rồi tôi ăn theo. Lâu lâu tôi lại thèm những món ăn của quê mình, tôi lại làm riêng ra để ăn vì chồng không thích ăn những món kho.

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, tôi cũng luôn tránh nói những lời làm phật lòng người khác, tôi luôn sợ làm cho người khác buồn, làm gì tôi cũng nghĩ không biết người ta có hài lòng không, có lẽ vì thế mà tôi rất đa cảm, dễ xúc động. Từ khi quen chồng tôi, thấy anh thương yêu chăm sóc mình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Trước đây tôi tự hứa với mình sẽ không lấy chồng xa vì sợ lấy chồng xa lỡ sau này nếu không được chồng yêu thương tôi sẽ bơ vơ giữa đất khách quê người, tôi sẽ cô đơn như con chích lọt vào giữa bụi tre, rồi bố mẹ già “bát cơm, chén nước, ly trà ai dâng”. Bố mẹ tôi cũng mong cho con gái lấy chồng gần để lâu lâu cả nhà lại được đoàn viên sum vầy, bố mẹ tôi cũng lo cho tôi sẽ cô quạnh, lỡ khi ốm đau bệnh tật sẽ không ai chăm sóc tôi như bố mẹ tôi.

Nhưng điều gì đến cũng sẽ đến, chẳng ai nói trước được điều gì cả, như người ta nói do cái duyên số thôi. Có lẽ là như vậy, tôi lấy anh được 5 năm nhưng thỉnh thoảng ốm đau tôi cũng không được chăm sóc tận tình chu đáo, không chỉ riêng chồng tôi mà cả mẹ chồng đều không thích tôi bệnh. Có lần tôi bị viêm xoang nặng nên phải nằm viện mổ, chồng tôi cũng chăm sóc một cách hời hợt. Còn tôi vì mổ xong do mất máu nên đứng dậy hay bị xỉu, mẹ chồng tôi thấy vậy nói rằng “ốm yếu như thế thì lấy sức đâu mà đẻ”.

Bà cũng không hỏi tôi một câu là con khỏe chưa hay gì đó. Lúc này tôi mới nhận ra được câu nói “lúc hoạn nạn mới biết được lòng người ra sao”. Còn bình thường tôi ốm nhẹ, nằm ở nhà một chỗ mà mẹ chồng tôi đi qua đi lại với vẻ không vui mà cũng không thèm hỏi tôi một câu. Chồng tôi cũng thế, chỉ khi nào tôi nói anh cho con ăn, đi chợ giùm thì anh lẳng lặng làm còn tôi tự mò dậy đi mua thuốc uống.

Từ lúc đám cưới, tôi đã cảm thấy buồn về mẹ chồng, đám cưới hai vợ chồng tôi tự lo hết, vàng cưới chúng tôi cũng tự mua để mẹ đeo giùm cho đẹp mặt. Chúng tôi còn mua cho mẹ chồng một mặt dây chuyền vàng bằng đá, mẹ có dây chuyền to, bông tai, nhẫn. Nhưng cưới tôi mẹ không cho tôi một cái gì gọi là của mẹ kỷ niệm cho con dâu, mẹ còn lấy của tôi 2 chỉ vàng nữa, lúc này tôi chỉ biết ngơ ngác. Tôi thấy hơi kỳ cục nên nói với chồng nhưng anh không nói gì hết, vì anh rất có hiếu với mẹ, và mẹ là trên hết. Vì điều đó nên tôi cũng bỏ qua và luôn cố gắng làm hài lòng mẹ.

Cũng vì “mẹ là tất cả” mà anh không coi tôi ra gì, anh sẵn sàng xúc phạm tôi trước mặt mẹ anh những câu chửi bậy thậm tệ mà mẹ ngồi đấy cũng chẳng nói một câu gì. Tôi cảm thấy buồn đến tột cùng và không còn nước mắt để khóc cho những lần xúc phạm như thế. Trước đây nghe anh xưng mày tao tôi cảm thấy buồn và khóc, dần dần rồi nói những câu tệ hơn, giờ đây những câu đó là thường ngày rồi cho nên tôi đã quen với nó.

Tôi không hiểu nổi nhiều lúc đang nói chuyện vui vẻ, không có gì hết nhưng có một câu chuyện gì đó hai vợ chồng đang bàn luận thì anh ấy lại nổi nóng lên chửi bới. Hay những lúc anh ấy đang chơi với con mà tôi lại ùa vào chơi rồi con bị té mặc dù không phải lỗi của tôi, anh ấy cũng trợn mắt lên chửi. Cho con ăn cũng vậy, lỡ con bị ói anh ấy cũng không tha. Đôi lúc tôi bực mình quá, nói với anh ấy “con nít cho nó ăn rồi ói là chuyện bình thường, có gì đâu mà anh phải quát mắng như thế”. Anh ấy lại quay sang mắng tôi tiếp.

Tôi sinh con đầu lòng nên cũng luôn học hỏi những kinh nghiệm làm mẹ của mọi người , và tìm học hỏi trên sách báo, tôi thường lên mạng để tìm đọc những kinh nghiệm và cách chăm sóc con, nhưng chồng tôi với bản tính bảo thủ, cái gì anh ấy cũng cho mình là đúng. Anh ấy làm theo cách của mình, tôi có nói gì thì cũng bằng thừa.

Mặc dù đối với tôi như thế nhưng anh ấy rất thương yêu và chăm sóc con, cho ăn, tắm rửa, vì thế nên tôi cứ cho rằng tuy anh là một người chồng tồi nhưng là một người cha tốt, tôi cứ ngậm ngùi bỏ qua để giữ cho con một người cha. Nhiều lần tôi đã nói chuyện, tâm sự với anh, anh hứa, anh thề từ nay sẽ không chửi thề, xúc phạm vợ nữa, nhưng anh đã thề, đã hứa 1001 lần rồi.

Giờ đây tôi đã hết sức chịu đựng rồi. Đôi lúc tôi sẵn sàng đáp trả lại những lời xúc phạm của anh. “Tối ngày anh cứ xúc phạm bố mẹ tôi, anh có nuôi và cho bố mẹ ăn được miếng nào không? Ai cũng có bố mẹ, mẹ anh đấy, từ trước đến nay tôi chưa khi nào dám nói một câu gì làm phật lòng mẹ anh. Vậy mà bố mẹ tôi thì cứ bị anh lôi ra chửi hoài vậy? Giờ tôi xúc phạm mẹ anh như vậy anh nghe như thế nào hả? Anh là người có ăn có học mà sao anh ăn nói như kẻ vô học thế”.

Tôi vừa nói trong nước mắt tức tưởi, còn anh thì trừng mắt lên thách thức và không quên chửi câu cửa miệng. Nhiều lần anh ấy cứ xúc phạm, sẵn sàng chửi tôi bất cứ lúc nào nhưng tối anh ấy vẫn coi như không có chuyện gì, vẫn “làm chuyện đó” với tôi một cách bình thường. Còn tôi, tôi cũng phải âu yếm, làm cho vừa lòng anh, nhưng tôi không có chút cảm giác gì.

Hôm nay chủ nhật được nghỉ ở nhà, hai vợ chồng tôi đang nằm hai bên để dỗ cho con ngủ trưa. Do quá giờ ngủ mà con cứ mải chơi, tôi giấu đồ chơi để con ngủ thì nó lại khóc lên, trả đồ chơi lại mà dỗ cũng không nín. Tôi lại giả vờ hỏi chuyện để con nín khóc vì sợ mỗi lần nó khóc lên rồi ho và ói ra hết thì tôi lại bị một phen nữa, tôi định nói chuyện một lúc cho con quên đi rồi dỗ nó ngủ. Chồng tôi nằm một bên với mắt dim dim và lại chửi tôi.

Tôi ngồi đây để viết những dòng tâm sự này, xin những lời khuyên chân thành nhất.

Tuyết

Giá trị của đồng tiền

Có lẽ ở sâu thẳm tâm hồn anh vẫn còn một chỗ trống cần được lấp đầy, khi mà cuộc sống đối với anh quá dễ dàng, kiếm tiền dễ, tiêu tiền dễ, bạn bè tôn sùng. Có lẽ vì những điều đó mà anh không còn thời gian để phát hiện ra, chỉ dành thời gian cho những thứ phù phiếm xa hoa.

Giá trị của đồng tiền - Ảnh minh họa
Giá trị của đồng tiền – Ảnh minh họa

Tại sao? Tại sao lại có sự thay đổi từ một con người vốn chỉ coi đồng tiền là công cụ để mua vui. Một con người có thể nướng hơn ba triệu cho một chai Chivas chỉ một đêm trong vũ trường để rồi sáng mai lại phải đi cày kiếm sống. Có phải chăng đồng tiền mà người ta kiếm quá dễ dàng thì người ta cũng dùng nó dễ dàng như thế. Cho dù đồng tiền ấy chính do tay người đó kiếm ra, đồng tiền ấy do mồ hôi, nước mắt mới có được.

Tại sao? Tại sao một con người khi đã dành dụm được hơn 40 triệu lại có thể nướng nó không thương tiếc vào bar, vào nhậu nhẹt trong vòng một tuần. Tại sao? Và càng khó hiểu hơn, tại sao bây giờ có thể ngồi để nói với người khác “thực sự bây giờ anh mới biết kiếm đồng tiền là như thế nào”. Đồng tiền của anh là những lần chạy xe đường rừng cả trăm km, là những lần vác mấy tấn nông sản, là những hôm trời mưa phải nằm ngủ ngoài rừng giữ xe với đàn muỗi, con nào con nấy to như con ruồi bay vo ve.

“Anh quý lắm, quý lắm em ơi” anh nói khi mắt rưng rưng như muốn khóc. Rồi anh tiếp, ngày trước làm ngoài Hà Nội một tháng anh có thể kiếm gần chục triệu, còn bây giờ chỉ hơn sáu triệu nhưng anh lại thấy nó khác. Sáu triệu của anh bây giờ anh vẫn còn thấy nó những ngày cuối tháng, không giống như những đồng tiền của 10 triệu ngày trước. Ngày trước anh chỉ biết là mình đã kiếm được nó, còn nó ra sao chỉ có thể hỏi những người chủ quán bar hay quán nhậu, những chỗ mà anh và bạn bè thường xuyên lui tới, chả kể cuối tuần hay đầu tuần, chỉ cần có tiền là anh có thể đến được.

Con người anh mạnh mẽ là thế, ngang tàng là thế, nhưng sau khi trải lòng mình với những ký ức mà anh từng xem là oai hùng thì lại mềm yếu, cứ như một cọng bún chỉ cần vẩy thêm vài giọt nước nữa là tan ra. Ăn chơi là thế, giang hồ là thế nhưng tại sao? Tại sao, điều gì làm một con người tưởng chừng cả đời chỉ biết chửi thề và đấm đá lại có thể khóc khi thấy hai đứa bé mặt mày nhếch nhác cầm túi vào mua gạo ở xứ người.

Có lẽ ở sâu thẳm tâm hồn anh vẫn còn một chỗ trống cần được lấp đầy, một điều mà anh không thấy trước kia, khi mà cuộc sống đối với anh quá dễ dàng, kiếm tiền dễ, tiêu tiền dễ, bạn bè tôn sùng. Có lẽ vì những điều đó mà anh không còn thời gian để phát hiện ra, mà chỉ dành thời gian cho những thứ phù phiếm xa hoa, những thứ mà anh tưởng anh chỉ cần bỏ tiền ra mua là được.

Nhưng anh nói anh đã lầm, những thứ như vậy không ai bán mà mua, có chăng do mình tưởng tượng ra hoặc nếu có ai đó bán đi nữa thì anh cũng không đủ tiền để mua và duy trì những điều đó. Anh càng chạy theo nó thì càng bị cuốn vào và lại càng không thể dứt ra được, cứ như thế anh phải cày, cày để có tiền đổi lấy sự tôn sùng, cày để có tiền và xài tiền để có được tiếng thơm “thằng này chơi đẹp”.

Mọi thứ với anh bây giờ đã khác. Khác thật sự, không phải khác cách kiếm tiền vì anh vẫn làm nghề lái xe. Điều khác ở đây là ở cách anh đối xử với đồng tiền, ở chỗ anh nhìn nhận đúng giá trị thực sự của mình, ở chỗ mỗi lần anh nghĩ mình không thể làm được, không thể vượt qua được, những lần như vậy anh lại tự nhắc mình “người ta làm được tại sao mình lại không thể”.

Rồi anh lại nghĩ đến người mẹ ở quê, anh lại chảy nước mắt. Anh khóc, không phải khóc vì tuyệt vọng, vì sự kém cỏi của bản thân mà khóc cho những quyết tâm cộng thêm hình ảnh người mẹ lam lũ “một nắng hai sương”. Những điều đó giúp anh có thêm động lực hơn. Những lần như vậy lại càng làm cho anh cảm thấy thấm thía ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của đồng tiền. Đồng tiền không phải là những đồng tiền của 10 triệu, mà là đồng tiền của mồ hôi, của sự quyết tâm, của một ý chí kiên cường và cả của những giọt nước mắt anh rơi khi nghĩ về mẹ.

Anh nói “Cái số anh nó thế. Ban đầu trời cho sướng nhưng anh lại không biết trân trọng, khi mà mọi thứ đã vụt qua thì anh phải bắt đầu lại từ đầu với hai bàn tay trắng”. Có lẽ anh nói đúng nhưng trời không cho không ai cái gì, cũng không lấy mất đi của ai cái gì cả, mất cái này sẽ được cái khác.

Qua những việc trước đây mà giờ anh đã khác, khác theo nghĩa tích cực. Từ những thứ mà anh chưa bao giờ nghĩ tới và anh cho là những điều dở hơi. Giờ anh đã có một ước mơ, một ước mơ nghiêm túc, một ước mơ mà có nằm mơ trước đây anh cũng không mơ tới, một điều mà ngay cả khi nằm mơ anh cũng không dám nghĩ đến.

“Anh mơ sẽ có tiền mua con xe ben để chạy kiếm tiền, trước hết cho bản thân rồi sau đó mới tính tới chuyện khác”. Đối với nhiều người số tiền khoảng hơn 200 triệu là một việc “nhẹ như lông hồng” nhưng với anh và với nhiều người xuất thân ở vùng quê như anh thì đó là một “giấc mơ hạng sang”, một giấc mơ đáng phải mơ rồi.

Giờ anh đang từng bước hiện thực ước mơ của mình vì “Anh quý đồng tiền lắm em ơi”. Anh hỏi “Bây giờ có phải trễ không em, anh chuẩn bị 29 tuổi rồi, nếu thực hiện được dự định của mình thì anh phải mất hơn ba năm nữa”. Không có gì là trễ đâu anh, nhất là một người khi đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu sóng gió như anh. Như em đã nói, con người ta sống qua năm tháng không được cái này cũng được cái khác, ngày trước anh chỉ có sự trải nghiệm, kinh nghiệm sống, biết phân biệt được cái đúng cái sai, biết được giá trị thực sự của cuộc sống, giá trị của đồng tiền.

Còn ba năm tiếp theo đây của anh, nó giúp anh có tiền để thực hiện ước mơ, có thêm kinh nghiệm trong nghề lái xe, có được những bài học khi anh vượt qua những thử thách trong tương lai. Và có một điều quan trọng nữa là anh có cuộc sống cùng “một ước mơ sống”.

Trời đêm những ngày cuối năm ở Sài Gòn se lạnh, anh phải về để chuẩn bị chuyến xe đêm sang Campuchia. Anh từ biệt và không ngừng nhắc “anh thực sự quý đồng tiền”. Và tôi cũng chỉ kịp chúc anh một năm mới với những điều tốt đẹp và chúc cho ước mơ của anh sớm trở thành hiện thực.

Xuân Chung

Tâm thư gửi vợ lúc tan ca

Anh thật lòng rất muốn để em sống một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc, không có những lo toan tính toán, không có những phiền muộn. Anh chỉ muốn tất cả mọi vất vả khó khăn hãy chỉ để một mình anh gánh chịu, anh nguyện sẽ làm tất cả vì em.

Hân, vợ ngoan hiền của anh! Anh biết rằng từ ngày em theo anh, em đã phải chịu biết bao vất vả, thiếu thốn, khó khăn, mà đối với một người con gái hoàn hảo như em, thực ra, chỉ cần em muốn, em hoàn toàn có thể tìm được một người chồng tốt hơn anh, giàu có hơn anh, đẹp trai hơn anh rất nhiều. Em hoàn toàn không đáng phải chịu nhiều thiệt thòi như thế, không đáng phải hy sinh vì anh như thế.

Nói thật lòng, rất nhiều lúc anh cảm thấy thật có lỗi với em, dường như yêu em là anh đã hại em, đã để em phải khổ, đã làm lỡ cả cuộc đời của em. Anh đang từng bước cố gắng, học tập, lấy ngắn nuôi dài để chúng ta có một công ty cho riêng mình, cũng vì thế những công việc không tên luôn khiến em phải lo lắng vất vả.

Anh thật lòng rất muốn để em sống một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc, không có những lo toan tính toán, không có những phiền muộn. Anh chỉ muốn tất cả mọi vất vả khó khăn hãy chỉ để một mình anh gánh chịu, anh nguyện sẽ làm tất cả vì em.

Có lần em từng hỏi anh, nếu như phải lựa chọn giữa em và sự nghiệp, anh sẽ chọn cái gì? Cả hai em à. Anh nghĩ rằng nếu muốn em được hạnh phúc, đầu tiên anh phải có sự nghiệp vững vàng, rồi anh mới có thể mang lại hạnh phúc cho em.

Vợ yêu của anh!

Giờ đây với anh, ngoài công việc, thì bất cứ lúc nào anh cũng chỉ muốn được ở bên em. Anh biết rằng cả cuộc đời này số mệnh của chúng mình đã được định đoạt sẽ ở bên nhau trọn đời. Nếu không có em, cuộc sống của anh sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, anh sẽ vĩnh viễn cô đơn, vĩnh viễn khô cằn.

Em có biết, anh thích nhất là được ngắm nhìn lúc em đang ngủ say, anh sẽ nằm sát bên tai em, thầm thì nói với em rằng: “Anh yêu vợ lắm”. Dù em có nghe thấy hay không nhưng anh vẫn sẽ cảm thấy thật hạnh phúc. Có lẽ, yêu một người chỉ cần được ôm chặt cô ấy trong lúc ngủ say, nói cho cô ấy nghe rằng anh rất yêu cô ấy, đó có lẽ cũng là một niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Sắp tan ca rồi vợ yêu của anh. Bây giờ anh lại muốn bay về thật nhanh với em, được nhìn ngắm em, ôm em vào lòng và nói: “Anh rất yêu em”.

Thành

Biết thế em cưới anh sớm hơn

Từ khi lấy anh, cuộc sống của em đã tốt hơn rất nhiều. Anh luôn là chỗ dựa vững chắc cho em cả về vật chất lẫn tinh thần. Hơn thế nữa, anh cũng luôn yêu quý và lo lắng cho gia đình em.

Người ta nói: Là con gái nếu phải lựa chọn giữa người mình yêu và người yêu mình thì thà lấy người yêu mình chứ đừng lấy người mình yêu. Nhưng dù lấy người nào đi nữa thì niềm vui của ta cũng sẽ không được trọn vẹn, giống như đường tròn bị khuyết mất một nửa. Như vậy, thật hạnh phúc cho những ai lấy được người mình yêu mà cũng là người yêu mình. Và em là một trong những người may mắn đó.

Anh – người em yêu cũng là người chồng thân thương của em. Em nhớ mãi câu nói của anh lúc mới quen: “Sau này khi cưới nhau rồi anh sẽ yêu em nhiều hơn bây giờ”. Lúc đó em nghe vậy thôi chứ cũng không tin lắm, vì nghĩ rằng: khi yêu nhau thì người con trai nào mà chẳng nói lời ngon ngọt để làm vui lòng bạn gái, chứ cưới rồi thì chẳng thể nào còn được như lúc mới yêu. Nhưng giờ đây khi đã là vợ anh rồi, em ngẫm lại thấy anh nói đúng.

Em cảm nhận được tình yêu của anh dành cho em nồng nàn hơn, ấm áp hơn bởi vì em biết anh là người đàn ông có trách nhiệm luôn muốn lo lắng, bao bọc cho cuộc sống của vợ. Anh còn nhớ lần đầu tiên chúng mình đi chơi xa với nhau không? Đó là dịp Tết nguyên đán năm ngoái, anh đã xin cha mẹ dẫn em đi Đại Nam chơi, vì trong Đại Nam quá lớn, đi cả buổi sáng vẫn chưa hết. Đến trưa, mỏi mệt nên mình tìm chỗ nghỉ ngơi. Người ta thì có chiếu trải lên bãi cỏ nằm nghỉ, người thì có võng mắc lên cây nằm, còn mình thì chẳng có gì do không chuẩn bị trước.

Nhưng lúc đó, cả hai đều mỏi mệt và rất buồn ngủ, chẳng còn cách nào khác anh đã cởi áo khoác ra lót xuống cỏ cho em nằm, còn anh nằm ở ngoài đưa tay ra làm gối cho em tựa vào. Nằm được một lúc thì em cảm nhận được tay anh đang mỏi và đã từ chối không chịu nằm trên tay anh nữa. Em hỏi anh: Có mỏi tay không anh? Nhưng anh trả lời không và nói một câu mà em rất ấn tượng, còn nhớ như in: “Chỉ có chuyện nhỏ này mà anh không làm được cho em thì sau này anh có thể làm được gì cho em chứ?”

Anh bắt em nằm trên tay anh ngủ tiếp. Nhờ vậy mà em ngủ thật ngon, thức dậy cả hai đều khỏe khăn và sẵn sàng cho cuộc vui chơi tiếp theo. Từ việc làm tưởng như rất nhỏ nhoi đó của anh mà em biết rằng mình đã tìm đúng bến đỗ an toàn cho cuộc đời này.
Từ khi quen nhau tới giờ anh luôn mang đến niềm vui cho em, chưa bao giờ để em phải buồn hay giận hờn vì anh điều gì. Cũng chính vì tình yêu quá lớn của anh đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của em. Trước kia em luôn nghĩ, sau này ra trường mình phải đi làm 4, 5 năm gì đó để giúp đỡ cha mẹ một thời gian, rồi đến khi 28 tuổi trở lên mới có chồng vì thấy cha mẹ nuôi em ăn học vất vả.

Ai cũng bảo em đừng nên có chồng sớm, nếu có chồng rồi sẽ không thể nào lo cho cha mẹ được đâu và em cũng tự nhủ như thế. Nhưng thật không ngờ mình lại kết hôn sớm hơn dự định. Dù biết là con gái mới ra trường chưa kịp lo cha mẹ được gì mà có chồng đã bị nhiều người bàn tán nhưng giờ đây nếu cho em lựa chọn lại em cũng sẽ quyết định như thế.

Từ khi lấy anh, cuộc sống của em đã tốt hơn rất nhiều. Anh luôn là chỗ dựa vững chắc cho em cả về vật chất lẫn tinh thần. Hơn thế nữa, anh cũng luôn yêu quý và lo lắng cho gia đình em và em cảm nhận được rằng anh xem cha mẹ em như cha mẹ ruột của mình luôn muốn cùng em báo đáp công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ.

Từ khi anh về làm rể, nhà em vui vẻ hẳn lên, có anh về ngôi nhà thêm rộn rã, xôm tụ. Em luôn tự hào về anh vì anh có khả năng giao tiếp, có kiến thức rộng, anh luôn tự tin khi tiếp xúc với mọi người vì thế dễ chiếm được thiện cảm của những người xung quanh. Em luôn hài lòng về anh và thấy mình thật may mắn khi được làm vợ anh. Nhưng cuộc sống không có gì là hoàn hảo cả. Vì hoàn cảnh công việc mà vợ chồng mình mỗi người một nơi.

Từ khi cưới nhau tới giờ ít khi nào mình được ngủ chung với nhau hơn 2 đêm, bởi anh thì làm ở Sài Gòn còn em sống với bố mẹ và đi làm ở Cần Thơ. Cuối tuần anh được nghỉ chiều thứ bảy và chủ nhật nên tuần nào anh cũng về thăm em. Lúc đầu thì chiều thứ bảy anh về chiều chủ nhật anh lại đi, nhưng dần dần chúng ta thấy thời gian ở bên nhau như vậy là ít quá. Bao nhiêu đó, chẳng đủ để em hết nhớ anh sau một tuần dài đăng đẳng. Vì thế chúng mình đã kéo dài thêm thời gian ở bên nhau bằng cách thay gì chiều thứ bảy anh đi thì mình đổi lại sáng thứ hai anh đi sớm.

Khoảng 3, 4 giờ sáng em thức dậy để đưa anh ra bến ra xe về Sài Gòn, khi về đến Sài Gòn thì cũng vừa đúng giờ anh đi làm luôn. Tuy thức sớm như vậy có hơi cực một chút nhưng đó là cách duy nhất để vợ chồng chúng ta có thêm thời gian ở bên nhau. Cứ như thế đã nửa năm trôi qua, anh vẫn đi đi về về để thăm em. Khoảng cách giữa Cần Thơ và Sài Gòn dường như đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi chúng ta cưới.

Nhiều người đã nói với em: em đã quá chủ quan khi dám để anh sống ở Sài Gòn một mình như vậy, đàn ông không có vợ bên cạnh rất dễ bồ bịch, lăng nhăng. Mặc cho ai nói gì em vẫn không quan tâm và luôn khẳng định với mọi người chồng em là người đàn ông rất mẫu mực, không bao giờ có chuyện vợ bé, vợ nhỏ đâu. Nghe xong mọi người đều cười và bảo em thơ ngây quá, trên đời này có rất nhiều chuyện không thể nào ngờ trước được đâu, chủ quan quá coi chừng mất chồng mà không hay.

Kể cả thằng bạn thân em nó cũng nói: tao là con trai nên tao hiểu đàn ông ai mà không ham “của lạ”, mày đừng có tin tưởng chồng quá. Nhưng dù cho có bao nhiêu lời nói ra nói vào đi nữa thì niềm tin của em dành cho anh vẫn nguyên vẹn như ngày đầu, cũng giống như tình yêu của anh dành cho em không hề thay đổi mà ngày càng sâu lắng và nồng nàn hơn theo năm tháng.

Dù chúng ta cưới nhau chưa lâu chỉ mới hơn nửa năm, bao nhiêu đó chẳng là gì so với quãng đời còn dài sau này của chúng ta. Nhưng em tin: Thời gian sẽ không làm phai phôi một tình yêu đẹp mà nó làm cho tình yêu ngày càng đẹp hơn và ngày một lớn dần hơn trong mỗi chúng ta. Đối với em, có được người chồng hiểu và thương vợ như anh đã là “hạnh phúc như mơ” của em rồi.

Vợ yêu

Chồng cũ đòi nuôi con vì muốn tôi tìm hạnh phúc mới

Sau một năm, giờ anh về đòi đứa con mà trước kia anh vứt bỏ. Anh viện lý do con ở với tôi, tôi sẽ khổ, vất vả. Anh nói tôi xinh đẹp, bảo tôi coi như không có con để bắt đầu cuộc sống mới.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp, văn hóa và kinh tế thuộc hàng khá giả. Bố mẹ là nhân viên công chức nhà nước, chị gái và tôi được bố mẹ cưng chiều nhưng cũng được bố tôi “huấn luyện” ra trò từ học vấn đến cách ứng xử rồi nội trợ. Mọi người vẫn khen nhà tôi không có con trai nhưng lúc nào cũng đầy tiếng cười.

Từ nhỏ tôi đã là niềm tự hào của gia đình, đi học luôn nằm trong top 3 của lớp, luôn được thầy cô bạn bè khen. Có lẽ mọi thứ sẽ trôi phẳng lặng như thế nếu như ngày đó tôi không gặp anh. Anh hơn tôi 7 tuổi và bắt đầu để ý từ khi tôi vào lớp 10, tôi không biết gì cho đến khi chuẩn bị thi đại học, anh chủ động nhắn tin cho tôi. Chúng tôi bắt đầu gặp nhau, nói chuyện và nhắn tin nhiều hơn.

Tôi lúc đó là một cô gái ngây thơ, không chút toan tính và luôn tin những gì tôi được kể. Anh đã nói với tôi rất nhiều, anh nói tốt nghiệp đại học Bách Khoa với tấm bằng ưu và đang làm ở công ty hóa chất tại Hải Phòng, gia đình anh khá giả này kia nhưng tất cả chỉ là dối trá. Anh nói đã mua đất ở Hải Phòng để sau này chúng tôi lấy nhau sẽ xây nhà ở đấy.

Tôi chưa bao giờ hỏi anh chuyện gì, tất cả đều là anh tự nói, tôi tin anh nên cũng chưa bao giờ nói anh đưa tôi về nhà chơi. Tôi tin anh tuyệt đối, anh biết tôi không ham của cải nhưng sau này anh lại nói vì gia đình tôi cao quá, anh sợ không nói thế tôi sẽ không yêu anh. Thật trớ trêu, hóa ra tình yêu tôi dành cho anh được tính toán như vậy sao.

Gia đình, bạn bè biết tôi yêu anh ra sức ngăn cản, bố mẹ nói tôi đang bị lợi dụng. Tôi không nghe, bạn bè khuyên tôi cũng bỏ ngoài tai, duy nhất chỉ có người bạn thân của tôi nói anh ấy hợp với tôi và nói tốt về anh rất nhiều. Chính những câu nói đó khiến tôi càng tin anh hơn. Nhưng đâu ai ngờ được bạn thân và người yêu tôi lại bắt tay đưa tôi vào tròng. 12 năm đi học tôi không bao giờ được phép đi chơi sau 19h, vì vậy tôi và anh chỉ có thể gặp nhau ban ngày nếu tôi không có giờ học. Trong một lần, anh và bạn thân lại đánh thuốc mê rồi đưa tôi vào nhà nghỉ. Vậy mà tôi vẫn tin anh sẽ chịu trách nhiệm và bao bọc tôi.

Bẵng đi một tháng tôi đi thi đại học, chúng tôi không gặp nhau cho đến ngày nhận được 2 giấy báo nhập trường cũng là lúc tôi biết mình đang có thai. Tôi hoang mang, lo sợ tột cùng, không dám nói với ai, anh biết nhưng không tin vì có một lần làm sao đã có thể. Thế rồi tôi cũng nhập học theo trường mà tôi thích, ngày ngày tôi đi xe bus 10km đến trường học cùng với đứa con ngày một lớn. Tôi giấu cho đến khi đứa bé được 6 tháng mọi chuyện mới vỡ lở, chúng tôi làm đám cưới trong sự tiếc nuối của thầy cô và bạn bè. Lúc này tôi mới biết những gì anh nói là dối trá, nhưng tôi không hề trách, không cảm thấy tủi thân vì tôi thương anh.

Bảo lưu 6 tháng sinh con, tôi tiếp tục học tiếp, vừa học vừa chăm con, lo công việc gia đình tại đất Hà Thành đắt đỏ. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến, anh mượn chuyện làm ăn thường xuyên cần tiền, tôi lại mượn ông bà ngoại cho anh làm ăn. Lỗ vốn anh về trách mắng đánh đập tôi, mẹ chồng luôn bênh con trai, mọi trách cứ tôi gánh hết, thương con tôi cam chịu.

Tôi ngậm đắng nuốt cay đem con về nhà bố mẹ đẻ vì chúng tôi không thể sống với nhau khi anh có người khác. Không một ai biết, tất cả trách tôi không làm tròn bổn phận. Hàng ngày, dậy từ 5h sáng đi chợ lo ăn sáng cho gia đình, rồi lên lớp học, trưa về lo cho con, cho gia đình, tôi không có một chút thời gian cho bản thân.

Cuối cùng chúng tôi vẫn ly hôn, tôi được quyền nuôi con và không yêu cầu anh trợ cấp. Tôi để con ở nhà tiếp tục lên Hà Nội học và đi làm thêm. Tốt nghiệp bằng giỏi, tôi có một công việc với mức lương khá ổn, mọi thứ bắt đầu cân bằng thì anh xuất hiện với giấy triệu tập của tòa án, anh đòi quyền nuôi con. Đến lúc này tôi mới biết anh lập gia đình và đã có con chỉ trong một năm, giờ anh về đòi đứa con mà trước kia anh vứt bỏ. Anh chuẩn bị rất kỹ lưỡng, anh biết lợi thế thuộc về mình vì anh có gia đình đầy đủ và anh muốn đưa con sang Trung Quốc cùng anh.

Tôi chết lặng, anh đâm tôi chết một lần, giờ anh lại đâm lần nữa. Anh viện lý do con ở với tôi, tôi sẽ khổ vất vả. Anh nói tôi xinh đẹp, đúng là trong mắt bạn bè tôi luôn là bông hoa nở rộ rực rỡ, nhưng ai biết được đằng sau nó là một trái tim luôn rỉ máu vì anh.

Tôi không thể chấp nhận ai vì biết không ai có thể đủ bao dung để tha thứ cho tôi và bao bọc mẹ con tôi. Anh biết điều đó, còn anh lại có gia đình, anh hoàn toàn có thể cho con chúng ta một gia đình hoàn chỉnh, nhưng tôi không cam tâm. Cả đời không gặp lại con tôi sẽ không thể yên tâm được. Anh có cần phải chia cắt mẹ con tôi thế không, tôi nuốt nước mắt bao năm nay vì con, giờ anh lại bảo tôi coi như không có để bắt đầu cuộc sống mới.

Hàng ngày, tôi vẫn đi làm, vẫn rạng rỡ trước mặt mọi người, không ai biết được tôi đang lo lắng tột độ. Tôi từ chối tất cả những người muốn gần, vì tôi luôn tự ti với hoàn cảnh của mình, tôi sợ khi họ biết được sẽ coi thường tôi. Tôi vẫn luôn khao khát được che chở, được yêu thương, được như bao cô gái tuổi 22 khác. Tôi nên làm gì, để con mình ra đi và bắt đầu cuộc sống mới hay gắng đến cùng để giữ con ở lại? Dù biết nếu đi với anh con có lẽ sẽ hạnh phúc hơn. Làm sao để tôi tiếp nhận tình yêu mới và thoát khỏi quá khứ. Xin hãy giúp tôi.

Thanh

 

Vì sao tôi điên

Tại bệnh viện tâm thần, bác sĩ hỏi bệnh nhân: “Đây là bệnh viện tâm thần, anh làm sao mà xin vào đây?”
– Tôi bị điên.
– Tại sao anh biết mình bị điên?
– Vợ tôi trước khi lấy tôi đã có một đứa con gái riêng, bây giờ đã là một thiếu nữ trưởng thành. Không ngờ bố tôi lại cưới nó về làm vợ, vì vậy, vợ tôi nghiễm nhiên trở thành mẹ vợ của bố chồng mình.
– Đúng, không cùng dòng máu có quyền lấy nhau.
– Và tôi đang là đứa con lại trở thành bố vợ của bố tôi.
– Đúng như vậy.
– Mới đây, con gái của vợ tôi, tức là mẹ kế của tôi, sinh được một đứa con trai. Tất nhiên thằng bé đó là em ruột cùng cha khác mẹ với tôi.
– Đúng vậy.
– Và đương nhiên vợ tôi và tôi đều là ông bà ngoại của nó.
– Đúng vậy.
– Sau đó một thời gian, vợ tôi sinh được một đứa con trai. Vậy là con ghẻ của tôi tức là mẹ kế tôi đồng thời là chị ruột của đứa con tôi, và cũng là bà nội nó. Nói cách khác: con tôi là em tôi và cũng là cậu tôi, vì là em của mẹ kế tôi.
– Có lý.
– Như vậy có nghĩa là vợ tôi trở thành con dâu của mẹ kế tôi, tức là con gái của vợ tôi trở thành dì của mẹ nó. Đương nhiên, đứa con tôi là cháu tôi và tôi là ông nội tôi và là anh của vợ tôi. Bác sĩ coi, chỉ luẩn quẩn trong cách xưng hô ở gia đình mà tôi phát điên lên!
– Nghe anh kể mà tôi cũng muốn phát điên lên đây!
=))

Đường cong

Tôi vốn là người thẳng tính, không thích màu mè hoa lá, nên mới gặp và yêu ông xã, cũng là một người nổi tiếng “thẳng tưng”. Con trai, con gái sinh ra trong nhà phần nào ảnh hưởng tính cách cha mẹ. Khi các con còn nhỏ, thỉnh thoảng “đường thẳng ba” và “đường thẳng mẹ” cũng va chạm chát chúa. Bây giờ các cháu lớn lên, 15, 17, thêm hai đường thẳng nữa, nên trong nhà bắt đầu thiếu những đường cong.

 

Đường cong - Ảnh minh họa
Đường cong – Ảnh minh họa

Con trai, con gái đều thích K-pop (nhạc nhẹ Hàn Quốc), nên một bữa về nhà, tôi hoảng hồn thấy đầu tóc con trai bỗng nhuộm hung nâu, tỉa tót rất điệu đà. Câu chuyện về cái đầu Hàn Quốc của con trai nổ ra ngay trong bàn ăn tối hôm đó. Ông xã tôi lớn tiếng bài trừ cái đầu của thằng con: “Thứ đàn ông con trai tỉa tót đầu tóc là thứ không ra gì, quan trọng là cái có trong óc chứ không phải là cái mọc ngoài da đầu”. Con trai, con gái bỗng đứng về cùng một phe: “Ba mẹ không hiểu tụi con. Ba mẹ thứ gì cũng ngăn cấm, ba mẹ không có quyền…”. “Để rồi coi tao có quyền không, tao xách đầu mày ra gọt sạch ngay bây giờ!”. Chuyện lan đến cả việc học hành của hai đứa, đến cả đám ảnh thần tượng hai đứa dán đầy tường. Kết quả là nước mắt của con gái, cú đóng cửa phòng đánh sầm của con trai, gương mặt hằm hằm của ba và bản đơn ca buồn của mẹ.

Nhà căng thẳng cả tuần liền. Thằng con trai ra vô là đóng cửa, chắc hẳn nó sợ ba túm lấy nó cạo đầu thật. Con gái cũng đóng chặt cửa phòng, bảo vệ mấy tấm ảnh thần tượng của nó. Tôi dần dần nhận ra mình phải làm… một đường cong. Chỉ có những đường cong mới có khả năng tiếp xúc với nhiều điểm nhất.

Việc đầu tiên là ông con trai đi cùng mẹ ra tiệm để nhuộm lại tóc. Không ngờ việc này khi tôi nói một hai câu nhẹ nhàng, cháu đồng ý ngay: bản thân cháu cũng thấy mình kỳ cục với cái đầu nhuộm hung và bộ đồng phục đi học, khác hẳn các bạn, lại bị thầy giám thị gọi lên làm việc một hai lần. Khi tóc đã về màu nguyên thủy, cậu thợ cắt tóc (có xi nhan trước của mẹ) nịnh cháu vài câu, đề nghị cắt bớt những đuôi tỉa tót kỳ quái để gương mặt được sáng và “men-lỳ” hơn, cháu gật đầu cái rụp. Chiều hôm ấy về nhà, nhìn đầu tóc của con, gương mặt chồng tôi dịu hẳn. Sợ anh lại lỡ miệng nói câu gì khiến con tự ái, tôi giỡn: “Tóc ba muối tiêu rồi kìa, lại dài nữa, thôi đi ra tiệm tút lại luôn rồi về ăn cơm!”.

Bữa cơm tối ấy đã bớt căng thẳng đi nhiều. Anh xã từ tiệm hớt tóc về, tắm rửa sạch sẽ rồi ngồi vô mâm cơm, con gái lấy đôi đũa cho ba, sảng khoái sao đó mà anh khen con gái một câu: “Tóc bé Út giống tóc mẹ hồi xưa, thẳng tưng, bóng mướt!”. Út cười tủm tỉm, vuốt vuốt tóc mẹ: “Hồi đó mẹ có duỗi tóc không mẹ?”. Câu chuyện trở về ngày xưa, tôi thấy mình trong lời kể của chồng: cô nhỏ ngỗ ngược, lông mày rậm rì, tóc dày mượt, ngồi bàn trước túm tóc lên thả một cái rớt đầy vở của thằng con trai ngồi bàn sau, mực dính tèm lem vở, mới mở miệng than một câu, nhỏ trợn mắt làm thêm lần nữa, nổi tiếng trong lớp về sự nghịch ngợm và tính nói thẳng (bụm miệng cười thì thầm: y như một cây thước kẻ vậy đó!).

Cây thước kẻ đã mềm đi nhiều, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, qua những lần sinh nở, nuôi con. Tôi biết mình là người đầu tiên phải thay đổi, phải giữ được bình tĩnh để nuôi dạy và uốn nắn con. Ai chẳng muốn mình thẳng tưng cho khỏe, nhưng mình thẳng mà lỡ chồng con phải cong thì… nên tôi chủ động làm một đường cong của gia đình, để kết nối được các thành viên trong tròn vẹn yêu thương…

 

Yên Thảo / Theo PhuNu Online

Hạnh phúc không phụ thuộc vào giỏi hay dở “chuyện ấy”

Cưới nhau được sáu năm, chồng tôi luôn yêu thương vợ hết lòng. Nhiều người xuýt xoa, tôi có bí quyết gì mà khiến chồng mê dữ vậy, có phải do tôi giỏi… “chuyện ấy”?

Hạnh phúc gia đình
Hạnh phúc gia đình

Thực tế, tôi cũng như bao phụ nữ Việt Nam khác, bản tính vốn e ngại, rụt rè nên trong chuyện chăn gối chồng vẫn là người chủ động. Phải khẳng định, tôi chưa bao giờ giỏi chuyện ấy cả, dù cũng chẳng biết thế nào là giỏi – dở.

 

Biết tình dục góp phần làm thăng hoa cảm xúc đời sống lứa đôi nên vợ chồng tôi luôn tạo cảm giác thoải mái, hài lòng cho nhau. Chúng tôi xây dựng một “thời khóa biểu” hợp lý cho chuyện chăn gối dựa trên sức khỏe và thời gian cho phép của cả hai. Và, chúng tôi luôn tôn trọng lẫn nhau.

Có những hôm chồng “muốn” mà vợ mệt thì anh cũng đồng ý “hoãn binh” trong vui vẻ chứ không chèo kéo hoặc ép uổng. Ngược lại, thi thoảng tôi muốn tạo bất ngờ nên chủ động gợi ý và anh tỏ ra vô cùng thích thú. Lại có những hôm vợ chồng hưng phấn quá thế là “phá lịch” để có được lần yêu ra trò. Nhờ thế mà tôi và anh luôn cảm thấy thỏa mãn, hài lòng.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ gia đình có hạnh phúc hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào việc người vợ giỏi hay dở “chuyện ấy”. Quan trọng nhất là tình yêu thương vợ chồng dành cho nhau. Đó chính là cái cốt lõi để cứu vãn mọi gia đình. Có tình yêu thương, chồng sẽ muốn làm cho vợ vui, vợ cũng muốn chồng được hạnh phúc.

Đồng thời, các ông chồng cũng nên nhớ, giá trị của một người vợ không hề được đo bằng việc cô ấy giỏi hay dở chuyện tình dục. Bởi lẽ, nếu đo như thế thì tôi dám cá, chẳng ai qua được… gái điếm. Một người vợ tốt, trước hết là phải thực sự yêu thương chồng con, biết lo toan cho gia đình. Liệu các ông muốn giữ người vợ đoan chính, đảm đang hay muốn giữ một người chỉ được mỗi “chuyện ấy”?

 

Thừa nhận tình dục là yếu tố quan trọng trong đời sống hôn nhân, là gia vị không thể thiếu trong bữa tiệc hạnh phúc nên tôi nghĩ các bà vợ đừng xem nhẹ nó, mà hãy cải thiện để đời sống tình dục tốt hơn. Nhưng, các ông chồng cũng nên quan tâm đến vợ, đừng lúc nào cũng chỉ mong vợ phải đáp ứng đủ. Hãy yêu thương và chia sẻ chân tình cùng vợ!

NGUYÊN CHI / Theo PhuNuOnline

Báu vật

– Tin tôi đậu đại học khoa Ngữ văn được lan khắp xóm. Tôi là đứa duy nhất trong xóm cùng khoá thi năm đó đậu đại học ngay năm đầu. Thế nhưng, một vài người trong xóm dè bỉu “học văn chỉ tổ tốn áo tốn quần, sau này lấy gì mà ăn, đủ sống là may lắm rồi, giàu không có”.

 

Valy - Báu vật suốt cuộc đời
Valy – Báu vật suốt cuộc đời

Nghe tin tôi đậu đại học, ba tôi mừng lắm, ba bỏ qua những lời xì xào của hàng xóm. Ba biết năng khiếu của tôi là học văn giỏi từ nhỏ nên ba ủng hộ tôi hết mình. Sáng hôm sau, ba bàn với má, vô chợ mua cho tôi cái vali để chuẩn bị khăn gói vào nhập học.

Ngày tôi đi, má gói ghém cho tôi đủ thứ. Vì là lần đầu tiên xa nhà nên má tôi cố gắng thu dọn hết tất cả vật dụng cần thiết của tôi từ quần áo, sách vở, xấp hình gia đình những lần đi chơi chung, cái quạt giấy của nội… Ba ngồi uống trà trước nhà, vừa uống vừa nhắc chừng má tôi lấy thêm cái này, cái kia bỏ vào vali cho tôi kẻo sót. Ba kêu tôi ra, đưa tôi mấy chai dầu gió, bảo bỏ vào vali để phòng trái gió trở trời, bụng tôi yếu nên phải mang vào mấy chai để phòng hờ, vào đó mua đồ gì cũng mắc. Trưa, ba và tôi đón được chiếc xe dù từ Bắc vào. Hai cha con chen chúc, tôi được ngồi phía ghế trên, ba ngồi ghế xúp. Cái va li to tướng nằm cạnh ba, thỉnh thoảng ba ngủ gật tựa đầu vào nó. Mỗi lần có khách, xe lại dừng, cố nhét người vào hết cả lối đi giữa. Mỗi lần lơ xe đi xuống thu tiền y như rằng họ “đạp trên đầu” những người ngồi hàng giữa như ba tôi để đi. Ngồi phía trên nhìn xuống thấy ba như vậy, tôi thấy thương ba vô cùng, tôi tự nhủ với lòng vào phải ráng học, không phụ lòng ba đã khổ cực vì tôi.

 

Vào đến Sài Gòn mới 3h sáng, chưa kiếm được nhà trọ, ba và tôi đi bộ tới Văn phòng Ban chỉ huy Quân đội quận 3, chỗ cậu tôi làm việc để nhờ tá túc mấy ngày đầu. Cậu ở tít tầng 5, ba phải xách chiếc va li nặng nề bước lên hết cầu thang bộ. Tôi đi sau, nhìn dáng ba khom khom, đội chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mắt sâu hoắm vì 1 đêm thức trắng với chuyến xe lắc lư không có chỗ ngồi. Chiếc vali trở nên nặng nề với ba hơn vì chứa trong đó bao nhiêu sách vở tôi cố nhét vào. Tôi định bụng “vừa học vừa ôn lại để năm sau thi tiếp, để hàng xóm không dè bỉu vì mình học văn chương chỉ giỏi lãng mạn mà không kiếm ra được tiền”. Lúc đó tôi không biết số sách vở mà tôi cố đem theo kia lại làm cho ba tôi thêm phần vất vả. Tôi thấy sống mũi mình cay cay.

Vào ở trọ, chiếc vali là “chiếc hộp bí mật” mà tôi để trong đó tất cả những tài sản quý giá mà mình có vì lúc đó tôi không có tiền mua tủ sắt. Ngăn lớn chiếc vali là dùng để quần áo 1 bên, chồng sách vở 1 bên, ngăn nhỏ tôi để viết, mấy chai dầu gió của ba và một lốc thư viết tay của người yêu thời trung học. Mỗi khi hết học kỳ về nhà tôi lại gói ghém trước tất cả vật dụng vào chiếc vali để sẵn đó, chờ thi xong môn cuối là tức tốc xách vali ra bến xe. Qua năm thứ 2, tôi đi dạy kèm, lần đầu tiên nhận quà ngày 20-11, phụ huynh cho tôi 1 gói bột ngọt, 1 bịch đường và 1 chai dầu ăn to tướng cùng với mấy bịch bánh tôi cũng chất đầy vào chiếc vali, vượt đường xa hơn 600 cây số để về khoe với mẹ.

Rồi những năm tháng sống ở Sài Gòn, mỗi lần chuyển nhà trọ, chiếc vali lại theo tôi hết chỗ ở này đến chỗ ở khác. Lớp vải bao phía ngoài của nó đã bắt đầu ngả màu, mấy chữ viết bằng bút lông ba viết tên tôi phía ngoài sợ lộn với những chiếc vali khác cũng nhạt dần theo. Phía trong chiếc vali, 1 phần vải đã bị rách lộ ra mấy tấm nhựa “xương sống” của nó, 1 bên nút bấm cũng bị hư, khoá dây kéo cũng bắt đầu rỉ sét, không trơn tru như trước. Tôi mang ra cho thợ sửa đồ cũ thay chiếc dây kéo mới dù cháu tôi đã bảo “cháu thấy cái vali này cũ quá rồi, hay dì bỏ đi”. Tôi gạt đi  “nó cũ nhưng vẫn còn xài được, hơn nữa đó là cái vali mà ông ngoại mua cho dì, nên dì không bỏ được”. Chiếc vali gắn bó với tôi theo những năm tháng học đại học, theo chân tôi những ngày đi tình nguyện Mùa hè xanh ở vùng đất Trà Vinh và cùng tá túc ở đền thờ trước chợ An Giang những ngày thực tập. Chiếc vali trở thành người bạn thân thiết mà mỗi bước chân của tôi đi, mỗi nơi tôi đến, tôi ở đều có sự hiện diện của nó.

 

Ra trường, đi làm, rồi tôi gặp được một nửa yêu thương và cũng đến ngày tôi rời nhà trọ để dọn về nhà chồng. Trước ngày cưới, ông xã bảo tôi “cái vali cũ quá, hay em bỏ đi, anh mua cái khác”. Tôi cười bảo “Cái vali này nó đi theo em suốt mười mấy năm rồi, em quý nó như 1 người bạn thân thiết vậy, nó là cái vali mà ba mua cho em hồi em nhập học đó”. Ông xã hiểu ý tôi nên thôi không nói ý định mua cái vali mới nữa. Vậy là, ngày đám cưới, chiếc vali cũ kỹ nghiễm nhiên theo tôi về nhà chồng. Sau bao năm tháng khổ cực, oằn mình với những sách vở, quần áo… giờ đây, chiếc vali của tôi cũng được “nghỉ hưu” trên đầu tủ quần áo trong phòng vợ chồng tôi. Thỉnh thoảng tôi lại lôi nó ra giặt giũ phòng ngừa mấy bác nhà Tý chui vào tá túc.

Vậy đấy, gia tài ba tôi không có gì cao cả, chỉ là một cái “vi-la” di động, đi cùng tôi từ lúc mới bước chân vào Sài Gòn. Cái “vi-la” của ba không lớn nhưng đủ rộng để chở cả niềm ước mơ, hoài bão và cả tình thương ba dành cho tôi. Chiếc vali đã đi theo tôi cùng với những bước ngoặt của cuộc đời.

HUYỀN NGA / PhuNuOnline