Category Archives: Nhật ký yêu con

Bà nội trông cháu, lấy tiền công của con dâu

Bà nội trông cháu đòi lấy tiền công hợp lý không?

🍀 Mới đi làm được hai tuần sau thời gian nghỉ thai sản, Liên – cô đồng nghiệp cùng phòng gọi điện nhờ tôi tìm chỗ nào nhận trông trẻ mới 6 tháng tuổi. Tôi ngạc nhiên bảo: “Chẳng phải có bà nội giữ rồi hay sao, mà bé còn nhỏ thế ít nơi nhận lắm”.

Như khơi đúng nỗi lòng, Liên trút cả bầu tâm sự: “Em bực mình làm chị à, ai đời bà nội trông cháu mà đòi tiền công, như thế thà em đi gửi trẻ còn hơn”. Tôi nghe qua hiểu ngay Liên lại vướng chuyện mẹ chồng nàng dâu.

Câu chuyện mẹ chồng của Liên sòng phẳng, chẳng phải mình tôi biết mà cả cơ quan đều tường tận nhưng mỗi người một ý. Có người đứng về phía Liên, đả kích mẹ chồng, họ bảo: “Cháu chẳng phải máu mủ ruột rà sao mà phải lấy tiền công như thiên hạ, bà phải có trách nhiệm chứ”.

Nhưng nhiều người cho rằng việc mẹ chồng Liên muốn nhận tiền công không có gì quá đáng mà rất hay nữa. Như thế lại dễ sống, coi như tiền gửi con dùng để biếu bà, mất đi đâu mà tính toán.

Riêng tôi, khi đã tường tận sự việc thì mới hiểu ra chuyện gì cũng có lý do của nó. Trước đây, lúc bố chồng Liên còn sống, ông bà ở dưới quê gần nhà anh trai cả. Một tay bà chăm sóc mấy đứa cháu để anh chị yên tâm làm việc. Liên thấy thế cũng yên tâm đến khi mình sinh con, bà nội chắc chắn sẽ đỡ đần việc trông cháu.

Nhưng khi Liên mới có bầu vài tháng thì bố chồng đột ngột qua đời. Ngày trước, bố chồng từng làm cán bộ nên có lương hưu, cuộc sống của hai ông bà nhờ vào số tiền hàng tháng đó nên con cái không phải lo.

Đến khi ông mất, bà không lương, cháu cũng đến tuổi đi học, bà phải đi phụ nấu ăn đám cưới để lấy tiền trang trải qua ngày. Vợ chồng anh cả làm ruộng, chỉ giúp mẹ được ít thức ăn, vật dùng còn vợ chồng Liên cũng không dư giả gì lại đang ở nhà thuê nên mỗi lần về quê biếu mẹ được vài trăm ngàn là nhiều.

Mà ở quê thì ngày nào chẳng có việc. Nào là giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi… đủ cả, tiệc lớn tiệc nhỏ gì người ta cũng mời. Biết con cái vất vả, mẹ chồng Liên lâu nay gần như tự xoay xở, làm làm thêm việc này việc kia để kiếm tiền ở tuổi gần 70.

Đến khi Liên sinh con, vợ chồng cô đón mẹ ở cùng để nhờ bà chăm sóc cháu. Liên cứ nghĩ đơn giản, mẹ chồng sống chung thì cô đã lo hết chi phí sinh hoạt rồi. Vì thế, khi bà đề nghị mỗi tháng cô đưa thêm cho bà 2 triệu tiền trông cháu thì Liên mới bật ngửa.

Kể ra, mẹ chồng Liên cũng có nỗi khổ khó nói, tiền ăn uống thì con lo nhưng còn khoản tiền chi tiêu cá nhân hay lo việc dưới quê thì bà lấy đâu ra. Nếu không lên phụ con trông cháu, mỗi tháng bà đi làm kiếm được bốn, năm triệu đủ để trang trải mọi việc.

Tôi khuyên Liên nên bình tĩnh, đừng vì lời đề nghị đó mà làm um sùm mọi chuyện lên. Mẹ chồng Liên chẳng phải tính toán thiệt hơn gì mà hoàn cảnh bắt buộc bà phải thế. Việc bà tự đi làm kiếm tiền, không đòi hỏi con chu cấp đã thấy bà không muốn thêm gánh nặng cho con.

Tính ra, có bà trông cháu vẫn yên tâm, chứ con còn nhỏ đem đi gửi trẻ thì như ngồi trên đống lửa. Nhờ bà chăm cháu rồi thì gắng tìm việc làm thêm để tăng thu nhập mà phụ thêm chi phí cho bà. Đợi con cứng cáp, bà muốn về quê đi làm thì gửi trẻ cũng chưa muộn.

Tôi cũng thuyết phục Liên bỏ cái suy nghĩ cổ hủ “chăm cháu là nghĩa vụ của bà” bởi mình sinh con thì phải có trách nhiệm với con, chứ ông bà đã tới tuổi nghỉ ngơi rồi. Nếu ông bà giúp, thì việc gửi tiền công cho bà chăm cháu quá bình thường, chẳng có gì là trái khoáy cả, chẳng qua là chúng ta chưa quen mà thôi.

Thực tế có nhiều cô con dâu lại thèm được rõ ràng chuyện tiền bạc như thế cho bớt cảm giác mang ơn, để bị khắp thảy anh em nhà chồng so bì, kể lể …

🍁🍁🍁
Trúc Hân
VuLe Bt (Bài & Ảnh minh họa)

Tâm sự của một mẹ lười

Trưa nay bận quá không nấu đồ ăn cho bé được đành đi mua cháo dinh dưỡng một lần. Đứng chờ nhân viên mang cháo ra nhìn xung quanh tiệm cháo thấy có khu vui chơi cho trẻ dành cho ba mẹ đút cháo lúc bé đang vui chơi luôn.

Chúc mừng ngày Phụ Nữ Việt Nam 20-10
Chúc mừng ngày Phụ Nữ Việt Nam 20-10

 

Con mình cũng thuộc dạng biếng ăn, kiểu như còi còi nên mình lúc nào cũng mua đồ ăn ngon cho bé nên dư chất biếng ăn chăng? An ủi như thế… Nhưng nhìn cảnh phải chạy nhảy theo con để đút thêm vài muỗng cháo rôi tự hào rằng “con tôi nó ăn hết cả bát đầy thế này” thì nói thật mình thà cho bé nhịn đói luôn. Trẻ con nó không bao giờ tự bỏ đói mình đâu, mình cưng, mình yêu, mình thương thì ráng ráng dụ cho nó ăn thoải mái chứ cứ như hành hạ cả hai mình không làm được. Biết bao lần vì vấn đề này mà mình cãi nhau với nội, ngoại của bé suốt.

Không biết mình là người mẹ tốt hay lười, chỉ có điều ăn uống là vấn đề thiết yếu để sinh tồn mà bé không tự lập được. Thì ví dụ như vì một lý do nào đó mình không còn khả năng chăm sóc bé được nữa thì ai sẽ kiên trì làm công việc ấy??? Và đây là một trong số những việc mà cha mẹ luôn khiến bé ỷ lại và “lớn chậm” hơn các bé trên các nước.

Mình không sính ngoại nhưng mình nghĩ ở mọi lứa tuổi bé đều có thể làm được những việc vừa sức với bản thân. Ví dụ bé 1 tuổi không mang nổi vật nặng thì bé vẫn làm được việc tự gom đồ chơi sau khi chơi xong chỉ cần bạn kiên trì hướng dẫn bé. Chỉ cần mình đủ kiên trì và cương quyết không phải mình và bé đều thoải mái với nhau hơn sao?

Hôm rồi lúc đi chích ngừa cho bé, mình có nói chuyện với cặp vợ chồng kế bên, họ hỏi xem con mình bao nhiêu tháng, biết đi chưa? Và rồi họ bảo con họ hơn con mình 2 tháng nhưng vẫn chưa đứng vững, lý do là nhà cứ sợ bé bị té nên ẵm mãi. Chợt nghĩ lại ngày xưa mà ba mẹ mình cứ ẵm bồng mình như thế thì có lẽ nguyên nhà sẽ “cạp đất mà ăn” mất thôi.

Vẫn biết bây giờ mỗi nhà rất ít con nên việc cưng con cưng cháu là điều bình thường nhưng kể cả như vậy thì vẫn cần để bé được tự lập, tự chủ đối với cuộc sống của mình. Gieo một thói quen ỷ lại thì kết cục vẫn là thiệt thòi cho chính con mình thôi các bố mẹ trẻ ạ!

Còn hỏi mình con mình ra sao mà lên mặt dạy đời thế, thì mình xin bảo rằng con mình chả ra sao cả. Nó bị lọt giường suốt nên khi ý thức được vấn đề cao và thấp thì nó biết ngoảnh cái đít lại tuôt xuống chứ không bay thẳng. Trong quá trình tập đi cho bé nếu không ngã quá đau mình không bao giờ đỡ bé vì bé sẽ học được cách đứng dậy. Việc ăn uống của bé thì mình cho nó ăn thứ gì nó thích kể cả thứ đó ít chất dinh dưỡng cũng được, miễn là nó biết tự cho đồ ăn vào mồm để không đói là đủ. Mình là một người mẹ lười, khá vô tâm, và ít khi biết dỗ dành con trẻ lắm. Nói tóm lại là mình ích kỉ đó mà hihihi… Mỗi người đều biết yêu thương con của mình nhưng mình chỉ hy vọng các phụ huynh sớm tìm được phương pháp yêu con và dạy con tốt nhất.

Cuối cùng không liên quan gì nhưng chúc các bạn ngày 20/10 hạnh phúc bên gia đình nhé!

Chăm sóc bé lúc giao mùa

Dạo này thời tiết giao mùa nên sức đề kháng không khoẻ rất dễ bệnh nhất là vời người già và trẻ em. Mình chia sẻ với các mẹ những cách mình chăm con còi lúc giao mùa nhé. Vì những bạn lần đầu làm mẹ chắc sẽ rất bối rối mỗi khi bé bệnh.

Kinh nghiệm chăm sóc bé con
Kinh nghiệm chăm sóc bé con – Ảnh minh hoạ

– Lòng bàn chân bé chứa nhiều dây thần kinh quan trọng nên cần được giữ ấm không kém phần ngực mà các mẹ rất hay bỏ quên nè. Buổi tối trước khi ngủ nhớ xoa ít dầu khuynh diệp và mang tất chân cho con nhé. Các mẹ nên mua áo tay dài và vạt dài vì trẻ con thường ít có thói quen đắp chăn.

– Cho con ăn nhiều trái cây và uống nhiều nước. Nước cam là một lựa chọn lý tưởng cho bé để bổ sung nhiều vitamin C.

– Đối với bé dưới 1 tuổi mẹ có thể làm món quất chưng đường phèn cho bé dùng. Không phải ho mới cần uống nha, món này có tác dụng giúp phòng bệnh nhiều hơn chữa bệnh luôn, các mẹ chỉ cần cho bé chép miệng vài giọt cũng đủ rồi, nhớ pha nước ấm cho dễ uống nhé. Đối với bé trên 1 tuổi thì có thể dùng mật ong nhưng nhớ thử cho bé dùng 1 ít xem có dị ứng không đã nhé. Bé nhà mình thì thích món cam pha mật ong lắm. Nhưng các mẹ lưu ý mật ong dùng nhiều cũng nóng lắm đấy!

– Quần áo cho bé cần lựa chọn loại dễ thấm mồ hôi và cổ hơi kín một chút. Với những bé đã đi học hoặc ba mẹ muốn đưa bé đi chơi thì nên mang theo quần áo “đủ mùa” nhé, nghĩa là quần áo mát có và giữ ấm có để khi thời tiết thay đổi mình có thể thay ngay cho bé.

– Dạo này về đêm thường lạnh, nên các mẹ cho con nằm quạt hay điều hoà lưu ý có thể chọn chế độ tự tắt nên sơ mình ngủ quên nhé.

– Mình thì mỗi ngày đều nhỏ mũi con một lần trước khi ngủ. Còn nếu bé có triệu chứng sụt sịt thì nhỏ mũi cho bé nhiều lần hơn. Nếu không đỡ các mẹ nên rửa mũi và hút mũi cho con luôn.

Các mẹ còn có thêm bí quyết nào thì chia sẻ cùng mình với nhé 🙂

Mẹ xin lỗi vì để con không có cha

Nhiều lần mẹ cầu mong cho gia đình ông ấy tan vỡ, để con có cha nhưng nghĩ lại mẹ thấy mình thất đức quá. 

 

Mẹ cha
Mẹ cha – Ảnh minh họa bài viết

 

Vậy là con trai yêu của mẹ đã vào lớp một. Cuộc đời mẹ không may mắn như các bạn cùng trang lứa. Ông ngoại bỏ gia đình theo một người đàn bà khác từ khi mẹ còn rất nhỏ, một mình bà ngoại tần tảo nuôi đàn con nheo nhóc, bà làm đủ thứ nghề để nuôi con vậy mà cuộc sống vẫn khó khăn. 13 tuổi, cuộc sống nghèo khó đã đẩy mẹ xa gia đình để đi giúp việc nhà cho một nhà giàu có, mong sao đỡ đần cho bà ngoại bớt khó khăn.

Mẹ bỏ học khi mới hết lớp bảy, số phận đưa đẩy mẹ không còn đi giúp việc nhà nữa mà về làm nhân viên cho một quán nhậu. 17 tuổi mẹ đã trở thành đàn bà với một người bạn trai làm chung, cũng ở nơi phức tạp này mẹ gặp ba con – một khách hàng thân quen của quán nhậu. Lúc đó mẹ biết ông đã có gia đình hạnh phúc, nhiều lần gặp vợ ông ấy đi cùng đến quán nhậu, biết vậy mẹ vẫn nhắm mắt lao vào. Có thể lúc đó mẹ đã bị lóa mắt vì những đồng tiền ông bo (bằng cả một tháng lương của nhân viên chạy bàn như mẹ).

Quen nhau được một thời gian, ông ấy tâm sự với mẹ chuyện gia đình không hạnh phúc, lấy vợ vì sức ép chứ không hề có tình yêu. Ba mẹ ông đã già rồi chắc chẳng còn sống được bao lâu, bảo mẹ hãy đợi một thời gian khi nào cha mẹ mất sẽ ly dị vợ và cho mẹ một danh phận rõ ràng. Mẹ nghe ông nói như rót mật vào tai, cứ nghĩ mình là người mang tình yêu và hạnh phúc đến cho ông ấy.

Qua lại với ông ấy được một thời gian mẹ có mang con, lúc đó còn trẻ nên mẹ nghĩ chỉ cần sinh con ra là ông ấy sẽ ly dị vợ để đón mẹ con mình về. Đợi mãi không thấy ông đả động gì đến chuyện ly dị vợ, sợ tai tiếng với đồng nghiệp, sợ làng xóm dị nghị, sợ bà ngoại buồn mẹ đã vội vàng làm đám cưới với người bạn trai lâu nay vẫn theo đuổi. Con ra đời trong sự vui mừng của gia đình bên nội và bà ngoại, mẹ đơn giản nghĩ con sinh ra đã có ba nhưng hạnh phúc của mẹ không như mong muốn vì con lớn lên không giống bên nội chút nào. Người đàn ông là chồng của mẹ dứt khoát đòi ly hôn. Thật ra lúc đồng ý làm đám cưới mẹ chỉ muốn con ra đời có một gia đình đầy đủ, có ba mẹ giống như bao đứa trẻ khác mà thôi.

Mẹ đã nhầm con trai yêu ạ. Ba con nói với mẹ gia đình ông ấy không hạnh phúc nhưng đến nay con trai mẹ đã vào lớp một, ông bà nội con đã mất lâu rồi nhưng ba con có ly dị vợ để đón mẹ con mình về đâu. Ông ấy vẫn hứa và mẹ vẫn là vợ hờ, không quyền lợi, không danh phận. Đôi khi ông còn nghi ngờ con không phải giọt máu của ông ấy, mỗi lần nghe nói như vậy mẹ nhục nhã chỉ muốn chết đi nhưng nhìn con còn nhỏ dại mẹ lại bỏ ngoài tai để sống. Mẹ chỉ cầu mong một ngày nào đó mẹ con mình chính thức được bước vào nhà đó vì muốn con có một gia đình thật sự. Nhiều lần mẹ cầu mong cho gia đình ông ấy tan vỡ, để con có cha nhưng nghĩ lại mẹ thấy mình thất đức quá.

Mẹ từng tự hào mình có giá trị với hai người đàn ông nhưng lại không cho con một gia đình đầy đủ. Con trai yêu ơi, trong mắt mọi người mẹ là người đàn bà vô cùng xấu xa nhưng với con thì mẹ vẫn là người mẹ tuyệt vời phải không con. Mấy năm làm vợ hờ, tài sản duy nhất ba con để lại cho mẹ là chiếc xe này để hàng ngày mẹ đưa đón con đi học. Mẹ sẽ cố gắng làm việc để con được học hành đến nơi đến chốn. Hãy cố gắng học giỏi con nhé, con sẽ là niềm tự hào của mẹ.

Lam

Viết cho con – đứa trẻ chẳng bao giờ chào đời

Con yêu, mẹ không phải là một người mẹ tốt khi đan tâm giết con khi con chưa chào đời, nhưng con hãy hiểu cho mẹ nếu mẹ để con chào đời không biết chừng số con còn khổ hơn.

 

Thiên thần nhỏ của mẹ
Thiên thần nhỏ của mẹ – Ảnh minh họa

 

Mẹ yêu con, thật lòng mẹ không hề muốn xa con, giá như, mẹ chỉ có thể nói giá như…. con đến chậm một thời gian thì có lẽ mẹ đã có thể giữ con lại. Người cha của con ấy mà, không xứng đáng làm cha con đâu con ạ. Hắn ta là một kẻ khốn nạn vô cùng. Ngày đó khi quen mẹ, hắn tìm mọi cách để có được mẹ. Mẹ cảm động vì hắn hy sinh và giúp đỡ mẹ nhiều lắm. Mẹ còn nghĩ rằng có lẽ cả đời mình sẽ chỉ ở bên hắn, hắn sẽ là người đàn ông duy nhất của mẹ.

Nhưng mẹ nào có ngờ, hắn không chỉ đối xử với mình mẹ như vậy. Bên cạnh hắn còn nhiều người phụ nữ khác mà đến bây giờ khi bắt gặp tại trận mẹ mới biết. Hắn cũng chỉ xem mẹ như họ, những người phụ nữ mua vui cho cuộc đời hắn. Thậm chí đến bây giờ mẹ mới biết hắn còn tuyên bố với bạn bè hắn sẽ không bao giờ cưới mẹ làm vợ.

Nếu con đến chậm vài năm, con không làm con hắn, mẹ đã đi làm ổn định kinh tế, mẹ sẽ giữ con lại. Nhưng con biết không, mẹ không thể làm gì khác hơn khi mẹ vẫn là một cô sinh viên ngày ngày mài đũng đít quần trên ghế nhà trường, mọi chi phí đều phụ thuộc vào ngoai con. Mà số ngoại con đã khổ khi một mình nuôi mẹ thế này. Giờ biết tin này không biết ngoại con đau lòng đến độ nào.

Nếu có duyên mẹ vẫn muốn con một lần nữa đến bên mẹ, làm con của mẹ, mẹ nhất định, nhất định sẽ yêu thương đến suốt cuộc đời. Nếu sinh con ra ngoài chuyện con khổ vì thiếu thốn vật chất, con lại còn mang tiếng con hoang đến suốt cuộc đời. Mẹ không thể chịu đựng điều đó. Có thể con trách mẹ ích kỉ, rằng những lời nói này của mẹ đây chỉ là sự biện minh cho sự hèn hạ của mẹ. Thậm chí nếu con lăng mạ hơn thế mẹ cũng chấp nhận, nhưng nhìn những người thân yêu phải khổ sở vì lỗi lầm của mẹ gây ra, thật sự mẹ không còn muốn sống nữa con à!

Một ngày nào đó mẹ và con sẽ gặp nhau, không phải trong hoàn cảnh này, không phải ở thế giới này. Khi đó, con hãy hành hạ lại mẹ con nhé. Mẹ có thể cùng con đi đến thế giới bên kia, nhưng bỏ lại ngoại một mình, mẹ không đành đoạn…. Con yêu, mẹ biết mẹ còn không có tư cách gọi con như thế, nhưng con hãy chờ mẹ, khi mẹ trả hiếu xong cho ngoại và lo lắng mọi chuyện chu toàn, mẹ nhất định sẽ đến bên con.

Ngày mai, con sẽ chẳng còn ở bên trong cơ thể mẹ nữa, người ta sẽ đưa con ra ngoài, đến một nơi lạnh lẽo chẳng có mẹ bên cạnh. Nghĩ đến việc con chưa từng được mẹ ôm trên tay, chưa có sự chăm sóc ấm áp của mẹ mà đã phải chịu chung số phận với hàng ngày đứa trẻ khác nơi lạnh lẽo đó, mẹ đau lắm con à. Mẹ không dám xin con tha thứ, vì mẹ là một kẻ không ra gì, nhưng xin con, nếu có thể, hãy đến bên mẹ vào một thời điểm khác con nhé!

Mẹ sẽ luôn nhớ đến con, đứa con bé bỏng đáng thương của mẹ, chưa ra đời mà đã chịu sự ghẻ lạnh của cha. Ngày mẹ báo với hắn mẹ có con trong tâm trạng rối bời, hắn chỉ cầm tiền dúi vào tay mẹ và lạnh lùng bảo mẹ tự xử lý đi. Lúc đó tai mẹ như lùng bùng hẳn đi, chẳng còn nghe thấy gì. Tim mẹ quặn thắt lại tưởng chừng không thở nổi. Mẹ chẳng còn kịp nhận định sự việc thế nào thì hắn đã bỏ đi. Ngày hôm sau mẹ thấy hắn chở một cô gái khác, hai người vui vẻ ngồi cạnh nhau trên xe mà đến con kiến bò ngang còn phải ngạt thở. Thấy mẹ hắn ngại ngùng giả vờ chẳng quen. Mẹ cũng chẳng buồn buông lời cay đắng vì đến con hắn, ruột rà máu mủ mà hắn còn nói giết chả mảy may thương tình thì mẹ có là gì đâu.

Ngày mai con đi rồi, mẹ sẽ nhớ con lắm, và cũng sẽ dằn vặt cả đời. Mẹ viết những dòng này trong lúc tâm trạng vô cùng bối rối, chỉ mong cô gái ấy không có kết cục như mẹ và không có những sinh linh đáng thương như con – đứa con đáng thương của mẹ!

Hãy để con được lớn lên trên đôi chân của mìn

Bản thân mình là một người mẹ dĩ nhiên mình mong muốn con mình có những điều tốt nhất, nhưng mình thấy hiện nay cho thấy rất nhiều phụ huynh cứ để con phải lệ thuộc. Bản thân mình không hướng ngoại lắm nhưng vẫn cảm thấy phương Tây và nước Nhật có cách giáo dục rất hay.

Bé yêu - Baby cute
Bé yêu – Baby cute – Ảnh minh họa

Có một người bạn ở Nhật của mình kể rằng khi con chị ấy đến tuổi gửi đi học thì chị ấy cũng cho đi học để có thời gian đi làm. Hai tuần đầu bé chỉ học nửa buổi, trong tuần đầu tiên chị ấy đi rước bé thấy cô giáo đang lo cho các bé kia ngủ, con chị ấy ngồi riêng một mình với bát cơm còn nguyên. Bù lại về nhà bé ăn khá ngoan chẳng hề mè nheo như trước. Chị ấy còn cho mình xem một clip đưa con đến trường sau đó con tự xách giỏ đi vào lớp, trước khi vào lớp còn biết để dép lên kệ và bye bye kêu mẹ về đi. Sau khi đi học chính thức như các bạn thì bé về nhà còn biết tự xếp đồ, đi ngủ sớm, có lẽ do ban ngày vận động nhiều quá, cơm tối tự giác ăn không còn bắt mẹ đút như trước. Quả thật chị ấy cũng rất bất ngờ về điều này luôn.
Mình vẫn cảm thấy nguyên nhân trẻ biếng ăn ở nước mình nhiều như vậy là do các mẹ, các bà vì quá thương cháu và xót nhau mà cái điệp khúc lười ăn, ép ăn, sợ ăn, biếng ăn cứ xoay vòng vòng. Kể cả khi thấy cái thực đơn của viện dinh dưỡng đưa ra mình cũng choáng luôn.
Mình có chị bạn có con biếng ăn nên cả nhà quyết định bù sữa, dù đổi hàng loạt sữa từ đắt tiền đến rẻ tiền nhưng con cũng chả tăng cân, thức ăn thì mua toàn đồ bổ nhưng có vẻ con chẳng hấp thu đươc bao nhiêu. Rồi lại bắt đầu cho uống thuốc bổ, cũng mua đủ loại nhưng còi vẫn còi. Bây giờ đi học bé có phần khá hơn, mình nghĩ do vào lớp có nhiều bạn nên bé cũng học được cách tự giác ăn và ăn chung với các bạn vui vẻ.
Bản thân mình có con cũng nhiều lúc biếng ăn nhưng thường vào những giai đoạn đó mình lại mặc nó. Nhiều lúc nấu xong lại đổ đi, xót con kinh khủng nhưng cứ nghĩ như người lớn mình lắm lúc cũng chả thèm ăn vẫn sống được. Qua được giai đoạn đó bé lại ăn ngoan. Nhiều lúc mình cũng bị stress với các bà lắm nhưng cứ suy nghĩ đến viễn cảnh ngồi năn nỉ, doạ nạt đến cả tiếng đồng hồ chỉ để đút được bát cơm hay ly sữa, trưa nắng chang chang mà phải dắt bé đi khắp xóm để ăn là mình sợ. Không phải lười hay không kiên nhẫn nhưng mình muốn con mình biết đói và biết quý trọng đồ ăn. Bạn cứ nghĩ bao tử bé bé tý mà cứ 2 tiếng đút ăn một lần nếu là bạn bạn có chịu nổi không? Thay vào đó mình nghĩ nên cho bé vận động, mệt thì tự khắc đói, cần gì phải làm khổ nhau?
Bây giờ cuộc sống đầy đủ nên ba mẹ cứ sợ con đói chứ cái thời cha mẹ mình và cả mình cũng vậy. Lúc mẹ còn nhỏ nhà đông anh em, gia đình lại nghèo mỗi bữa cơm tranh nhau mà ăn chứ làm gì có chuyện biếng ăn. Ăn xong tự chơi với nhau mệt thì lại lăn ra ngủ. Mẹ bảo lúc mình còn nhỏ mẹ mải lo làm đến lúc nhớ ra tìm mình cho ăn thì thấy mình ngoài sân đeo theo con dê bú ngon lành. Mẹ bảo lúc đó có đồ ăn là tốt rồi có khi ba mẹ quần quật lo làm bỏ đói nhăn răng, bò lại tủ thờ bốc trái cây ăn là chuyện bình thường. Thời giờ ba mẹ bỏ mặc con cho Ipad, Iphone, chứ thời mình được xem ké cái băng thiếu nhi bên hàng xóm là mừng rơn rồi. Mọi thứ bây giờ đều sẵn nên đa phần các trẻ lười suy nghĩ, lười vận động rồi lại suy nghĩ tiêu cực
Mình cũng chứng kiến nhiều bạn của mình đến nhăm tuổi đầu vẫn phải bắt ba mẹ lo cái ăn cái mặc mà mình sợ, chính xác là sợ luôn ấy. Bản thân mình 18 tuổi tốt nghiệp cấp ba đã phải xin đi làm thêm, muốn có thêm cái áo cái quần thì nai lưng ra cày, ba mẹ chỉ cho tiền học dù nhà cũng chẳng thiếu thốn như lúc bé nữa. Lắm lúc muốn hư hỏng cũng chả có tiền mà đua đòi.
Nạn bạo hành trẻ con ngày càng nhiều, lắm lúc mình nghĩ lỗi không hoàn toàn ở giáo viên đâu. Một mình mình với con thôi mà lắm lúc nó biếng ăn mình còn muốn điên đầu huống gì cô giáo lần giữ chục đứa. Mình thiết nghĩ nếu tư tưởng muốn con to khoẻ của phụ huynh được cải thiện thì việc giáo dục ở trường sẽ giúp bé tự lập có phải tốt hơn không?
Bé sẽ tự học cách tự ăn và muốn ăn hay thích ăn món gì chứ không phải bị ép buộc.
Bé sẽ học cách chăm sóc bản thân nữa nè.
Học cách có trách nhiệm nè.
Sẽ tự tin hơn khi không bị so sánh.
Thương yêu bé là tốt nhưng bảo bọc con quá thì hình như không ổn. Con cái cũng cần được lớn lên theo thời gian. Hiện trạng tội phạm phần lớn là trẻ vị thành niên cũng bắt đầu từ game, suy nghĩ lệch lạc, quen được chu cấp nên sinh ra lười biếng, được bảo bọc kĩ nên ra đời bị lừa gạt rất phổ biến, thậm chí mình biết những gia đình càng khó thì trẻ có thai trước khi kết hôn có tỷ lệ cao nữa là khác.
Mình cũng tập đầu có con, có thể suy nghĩ có phần chưa được chu đáo lắm nhưng mình nhớ lúc còn đi học cũng từng được dạy một câu rất nổi tiếng của Bác Hồ “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”.  Không ước ao gì nhiều, chỉ mong sau này lớn dạy con được tính tự lập. Mong cho con trở thành người quyết đoán và không lệ thuộc ai. Không cần phải học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền nhưng phải biết làm chủ bản thân.
Mình có tham quá không nhỉ?
Hằng Lê

Mẹ à, con mới là mẹ của bé!

Có con với tôi là niềm hạnh phúc tột cùng. Nhưng sau khi sinh con niềm vui chưa dứt thì áp lực lại đè nặng lên vai tôi. Áp lực từ mẹ chồng đã đành, đằng này áp lực với tôi lại từ mẹ đẻ.

Chăm con
Chăm con theo ý mẹ chồng và mẹ ruột

Tôi chủ trương nuôi và dạy con theo cách cho mình được nhàn hạ. Tôi không “sính ngoại” nhưng tôi chọn cách để con được tự lập từ nhỏ nhưng không hiểu sao khi tôi cố gắng rèn cho bé theo nề nếp thì bà lại đi ngược với điều đó nghĩa là muốn bé sống phụ thuộc vào người khác.
Tôi sinh được một bé gái, cứ nghĩ ở gần mẹ đẻ để được bảo ban chăm sóc tốt hơn khi ở bên nhà chồng. Nào ngờ ngược lại, khi tôi rèn cho bé nếp ăn không xem ti vi, đến bữa là ngồi vào ghế ăn và ăn rất ngoan. Nhưng mẹ tôi thì ngược lại cứ lúc nào đi ngang thấy bé đòi bà là bà lại bảo để bà đút, rồi lôi ra ngoài cho nằm ăn nên lần nào cũng trớ, sau đó bà lại nói do tôi nấu dở nên bé nôn (vì tôi nấu không hề nêm gia vị cho bé, tôi được biết bé dưới 1 tuổi chưa cần thiết phải nêm gì). Mấy hôm nay bà lại bắt mở nhạc cho bé nghe mỗi khi ăn dù không có bà bé ăn rất ngoan cũng rất ít khi trớ. Chưa dừng lại ỏ đó bà lại bắt bé ăn đêm lúc 9, 10 giờ.
Khi dọn về nhà chồng thì tôi được tự do hơn nhưng khổ nỗi mẹ chồng tôi còn mắc trông cháu ngoại mà tôi còn phải đi làm không có ai trông cháu. Thế là mẹ con lại phải vác đồ về nhà ngoại ở nhờ.
Lần này bà chê bé còm hơn các bạn trong xóm nên lại bắt ăn nhiều đồ ăn, đến nỗi có hôm khó tiêu bụng bé cứ sôi ùng ục, bà lại bảo do tôi bỏ đồ ăn tủ lạnh, nhưng chỉ có nồi cháo là tôi bỏ tủ lạnh còn thức ăn thì nấu mỗi bữa vì cháo hầm lâu nhừ hơn. Chưa hết, đi làm cả ngày tôi chỉ mong có buổi tối được ở gần con, ngủ cùng con thì bà lại bắt vào ngủ với bà. Càng ngày tôi càng thưc sự chịu hết nổi. Ngẫm nghĩ mình còn ở nhờ nên nhiều lúc tôi ngại gây với bà. Nhưng tôi vẫn là mẹ nó chứ có phải là người đẻ thuê, đẻ mướn đâu. Phải chi tôi không trông nom thương yêu nó thì bà làm thế tôi không nói. Nhưng cả ngày tôi đi làm, thời gian ban ngày tôi ở nhà cũng phải lích kích chuẩn bị đồ ăn cho bé. Đêm về chỉ mong được ôm con, hôn con bà cũng giành mất. Từ ngày sinh con xong tôi cứ có cảm giác mình là người thừa. là osin trong nhà vậy.
Mà phải những điều này do mẹ chồng tôi làm tôi còn có thể nói được với chồng tôi. Còn đằng này lại là mẹ đẻ thực sự tôi không biết nên làm thế nào? Nói không khéo có khi bà lại giận, làm gì cũng không vừa mắt bà, lắm lúc tôi vừa hờn, vừa tủi, cứ muốn khóc rồi nói ra hết, đem ra làng xóm phân xử cho đúng lẽ phải. Ngẫm nghĩ ngày xưa mẹ cũng có con, đáng lẽ những điều tôi cảm thấy me phải biết chứ?
Mẹ Hải Yến

Có con, mẹ mất nhiều thứ lắm!

Có lẽ điều đầu tiên con nghĩ trong đầu khi đọc bức thư này là mẹ se dạy bảo con những điều gì hay sẽ kể cho con nghe mẹ yêu con đến nhường nào đúng không? Những điều ấy sau này con tự học lấy có lẽ sẽ giúp con ghi nhớ sâu hơn là mẹ viết sẵn cho con mà con chẳng có trải nghiệm nào.

 

Có con niềm vui của mẹ
Có con niềm vui của mẹ – Ảnh minh họa

 

Bức thư này mẹ sẽ kể lể thôi, để con biết có con mẹ phải mất nhiều thứ như thế nào:

Thứ nhất, mẹ mất tự do,  Kể từ khi mang thai, mẹ không còn được tự đo đi cà phê cùng bạn bè mà ông ngoại, bà ngoại con toàn bắt mẹ ở nhà, đi làm thì ba con đưa đón, hôm nào ba con bận thì ông ngoại lại xung phong làm “xe ôm cao cấp cho mẹ”. Từ khi sinh con xong, mẹ lại càng không có thời gian đi đâu vì con gái cứ quấn lấy mẹ như “keo dính chuột” mà không một loại hoá chất nào có thể thay thế được. Khi nào phải bỏ con ở nhà là mẹ đi mà đứng ngồi không yên. Nếu ngày xưa mẹ tìm mọi cách để đi khỏi nhà thì giờ mẹ chỉ muốn tìm mọi cách để ở nhà với con thôi.
Thứ hai, mẹ bỗng dưng bị béo phì, Con biết không chỉ cần lên 1 kg thôi là mẹ đã nhảy đổng lên rồi, từ khi có con mẹ lại bị ép ăn cho tăng kg vèo vèo hơn nữa. Mỗi ngày thay quần áo ra đường là ác mộng với mẹ. Ngày con chào đời mẹ nghĩ cái bụng mẹ sẽ xẹp xuống, khi còn nằm trên bàn mổ mẹ vui lắm, nhủ thầm có thể mặc lại đồ cũ rồi, nhưng ác mộng với mẹ là ngày hôm sau bước xuống giường vào nhà vệ sinh me thấy nó chẳng xẹp được bao nhiêu. Nói thật cảm giác của mẹ lúc đó như muốn đột quỵ luôn trong phòng tắm ấy. Rồi lại tiếp tục cái sự nghiệp ăn uốn để làm “bò sữa” cho con. Oà oà.
Thứ ba, nếu ngày xưa leo lên giường là mẹ ngủ ù ì một giấc đến sáng, thì từ khi có con mẹ y như cái đồng hồ “báo thức” rất đúng giờ lúc con cần mẹ, điều này thể hiện rõ hơn những khi con bệnh, con sốt.
Thứ tư, tiền của mẹ cứ vô tư “bay” đi, Con yêu, ngày chưa có con thì mỗi tháng mẹ đều sắm sửa cho mình một thứ như quần áo hay túi xách. Giờ thì mỗi tháng mẹ chả sắm được gì, lên mạng online cũng toàn để ý đồ trẻ con, mẹ học cách chọn lựa kĩ nguồn gốc mỗi món đồ cho con cũng như giá trị của nó sao cho phù hợp từng thời điểm và kinh tế của cha mẹ.
Thứ năm, mẹ bỗng dưng biết tất cả mọi thứ, Nếu ngày xưa chưa có con mẹ chẳng cần đụng đến móng tay thì giờ mẹ biết lau nhà cho con chơi được sạch mát, mẹ biết làm đủ món ăn không nề hà cực khổ chỉ cần nhìn thấy con mum ngoan là mẹ mãn nguyện. Mẹ học may, học làm từng thứ cho con bằng đôi tay mẹ để con có những thứ tốt nhất và an toàn nhất.
Thứ sáu, năng lượng của mẹ ngày xưa là thức ăn thì giờ được thay thế bằng những nụ hôn của con. Dù cho ngày hôm đó mẹ mệt đến cỡ nào thì chỉ cần con hôn mẹ, mẹ lại có thêm năng lượng để tiếp tục công việc.
Thứ bảy, cân nặng của con trở thành áp lực của mẹ và đôi khi điều đó lại trở thành mâu thuẫn của mẹ với nội và ngoại của con. Đối với mẹ chỉ cần con nằm trong chuẩn không suy dinh dưỡng, chơi vui khoẻ là mẹ vui, mẹ không chạy theo chỉ tiêu “bà hàng xóm” nào cả.
Thứ tám, mẹ không có quyền bị…. bệnh. Vì từ bé mọi thứ của con đều do chính tay mẹ làm, mẹ không yên tâm khi giao con cho ai chăm sóc. Mẹ luôn ám ảnh rằng không ai chăm sóc con tốt hơn mẹ.
Thứ chín, mẹ học làm tất cả chỉ cần việc đó kiếm được tiền mà không phạm pháp. Chính vì không yên tâm giao con cho ai ở cái thời đại mà chữ Tiền đặt trước chữ Tâm, nên mẹ quyết định thay vì gửi con đi làm để có thời gian nhàn hạ và thêm thu nhập, mẹ chọn cách ở nhà tìm đủ công việc làm thêm, tiền có ít nhưng mẹ có thời gian bên con. Tuổi thơ của con là thứ mà mẹ có nhiều tiền cũng không mua được.
Thứ mười, mẹ học cách mạnh mẽ vì ngoài bảo vệ mẹ, mẹ còn phải bảo vệ con. Mẹ không cho phép ai ức hiếp con, vì mẹ biết rằng sinh ra làm con gái ở một đất nước còn nặng tư tưởng gia trưởng, độc đoán này thì càng lớn con sẽ càng thiệt thòi, nên khi còn có thể mẹ muốn bảo vệ con một cách trọn vẹn.
Con yêu, mười điều này chỉ là cơ bản mà bất kỳ bà mẹ nào cũng sẽ phải gặp phải kể cả con sau này. Nhưng họ đều tự nguyện đón nhận và làm điều tốt nhất họ có thể để bảo vệ và nâng niu con của họ. Nên điều mẹ mong con là dù có chuyện gì xảy đến với con sau này thì hãy những điều mẹ đã làm, đã hy sinh cho con mà trân quý bản thân mình. Đừng để bất cứ ai bắt nạt và nhất là không được tự làm tổn thương chính mình vì những người không xứng đáng, bởi nếu họ xứng đáng thì con đã không cần làm vậy. Hãy học cách yêu thương mình và chia sẻ sự yêu thương với mọi người xung quanh và những người kém may mắn hơn mình.
Hãy sống có ích cho xã hội, không cần làm người phi thườn nhưng tuyệt đối không được tầm thường. Con là cuộc sống, là tất cả của mẹ. Mẹ cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường lần đầu có con nên đôi lúc những áp lực cuộc sống đè nặng lên vai mẹ, mà có lúc nào mẹ không dịu dàng với con thì con cũng hãy bỏ qua cho mẹ nhé! Có thể mẹ không thể hiện tất cả tình yêu thương với con vì nhiều lý do trong đó có lý do để con nên người nhưng trên hết con hãy biết rằng từng thứ mẹ làm đều là vì con.
Mẹ chúc cho con gái của mẹ thêm tuổi mới sẽ luôn hạnh phúc, khoẻ mạnh, vui tươi. Mẹ muốn cho con tất cả những thứ tốt nhất của mẹ, chỉ cần bệnh tật và buồn phiền hãy để phần mẹ con nhé!
Tâm sự của một bà mẹ trẻ sau khi có con tên dễ thương An Hạ

Sữa mẹ là vạn năng? Sữa công thức là thuốc độc?

Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Câu khuyến cáo trong bất kỳ quảng cáo nào về sữa trên truyền hình mỗi khi bạn xem TV với giọng đọc lướt nhanh trong mỗi TVC quảng cáo sữa.

Sữa mẹ tốt nhất cho bé
Sữa mẹ tốt nhất cho bé – Ảnh minh họa

Không ai phủ nhận điều này. Các loại sữa bột hay sữa bò khi quảng cáo đều phải kèm theo câu này. Vì loài nào thì uống sữa loài đó là tốt nhất. Cũng giống như khi bạn hiến máu, chúng ta được đều được học về những nhóm máu chuyên cho hay chuyên nhận, nhưng sự thật thì máu nào cho
máu đấy vẫn là lựa chọn hàng đầu của bác sĩ.

Nhưng nếu trường hợp các mẹ ít sữa không đủ nhu cầu của bé thì sao? Nói xui xẻo thì lỡ do đẻ khó mà mẹ mất thì sao. Trường hợp đó không cho bé dùng sữa công thức thì bắt ba em bé kích sữa à?

Không mẹ nào hoặc hiếm có mẹ nào muốn nuôi con bằng sữa ngoài. Đa số bản thân người mẹ đều muốn dành thứ tốt cho con nên không ai muốn dùng sữa công thức cho con mình cả. Trên
một số diễn đàn về Hội nuôi con bằng sữa mẹ luôn “thần thánh hóa” sữa mẹ và phát tán những thông tin gây hoang mang cho các mẹ. Hôm trước có một bài viết rằng “cho bé uống sữa công thức là hại dạ dày…” kèm theo những dẫn chứng hình ảnh không biết ở đâu làm một mẹ rất stress đến mức thà để con đói chứ không cho ti sữa công thức. May mà mẹ ấy tỉnh ngộ kịp thời không thì hậu quả khôn lường.

Có một lần khi có một mẹ hỏi “mình thiếu sữa thì nên bổ sung
sữa công thức loại nào?” thì nhận được một tràng xỉa xói “ác lắm mới cho dùng sữa công thức” “sữa công thức là bla bla bla dơ bẩn, độc hại…”.

Nhưng thử hỏi như trường hợp mình mẹ mình sau khi sinh bị băng huyết phải nằm viện không dùng sữa công thức không lẽ nấu cháo nuôi mình lớn sao? Nói một hồi chung quy rồi các mẹ ấy quay về chủ đề chính là bán thuốc nam lợi sữa, trà lợi sữa,  bla bla….

Mình luôn khuyến khích các mẹ
nuôi con bằng sữa mẹ, rất ngưỡng mộ các mẹ giúp đỡ nhau trong “cuộc chiến” kích sữa cho con, mình có bà chị đi làm còn vắt sữa ở nhà cho con đến một tuổi rất đáng quý nhưng xin các mẹ nếu chỉ vì lợi nhuận thì đừng tuyên truyền những thông tin độc hại gây hoang mang cho các mẹ bị thiếu sữa, gây stress và hoang mang chưa kể hại bé thì tội lắm.

Đồng ý sữa giờ bị giả rồi nhiễm khuẩn… nhiều lắm. Nhưng thay vì chọn các loại sữa đắt tiền tạo điều kiện cho bọn làm sữa giả có
lời. Hoặc nhập sữa ngoại rất đắt thì hãy tìm thương hiệu sữa phù hợp túi tiền mình mà lại có date mới nhất.

Ai cũng thương con nhưng hãy thương theo cách sáng suốt nhất của bản năng người mẹ nhé. Chúc cho các bé và mẹ luôn khỏe mạnh và vui tươi.

Đây là thông tin chia sẻ tham khảo từ bạn Liên Anh

Xử lý sao khi con bạn bị ức hiếp?

Tôi có một con gái được 11 tháng tuổi, vì vài lý do nên phải về nhà mẹ đẻ sống. Nhà tôi có đứa cháu là con anh hai tôi, bé 3 tuổi nhưng được nuông chiều từ nhỏ nên hay ức hiếp các bé khác không riêng gì con tôi.

 

Trẻ nhỏ đánh nhau tôi phải làm sao
Trẻ nhỏ đánh nhau tôi phải làm sao? – ảnh minh họa

Dẫu biết trẻ con cũng không nên nói làm gì nhưng bé rất ngỗ nghịch, nhiều lần chỉ tay hay giơ tay lên đánh người lớn khi bị mắng vì làm sai, Mẹ bé thì rất bênh con, cho rằng ai chỉ thì bé mới làm theo, nên nhà tôi cũng ngại khi nói với mẹ bé những khi bé làm sai, mỗi lần nói như vậy chị dâu tôi lại lấy cây đánh lẫy bé và tỏ thái độ không hài lòng như là cả nhà tìm cách nói xấu bé.
Môt vài lần thì không sao nhưng gần đây bé có biểu hiện ganh tỵ và giành hết đồ chơi cho mình. Mặc dù khi mang con về ngoại tôi đã mua riêng đồ chơi cho con tôi nhưng bé cũng giành luôn. Hàng xóm ngày xưa rất hay rủ bé sang nhà chơi vì bé rất lanh nhưng gần đây không ai cho con chơi chung với bé vì bé hay đánh con họ.
Bé rất khôn “ranh”, mỗi khi muốn xin xỏ gì thì bé tỏ ra rất ngoan và nghe lời nhưng sau đó thì lại như cũ ngay. Quả thật thì là cháu ruột tôi cũng không muốn nhìn bé lớn lên như thế, nhưng giờ đây lại không dám dạy bảo cháu vì sợ mẹ cháu buồn và suy nghĩ này nọ.
Nhiều lần xót con tôi chỉ con biết ôm con mình đi chỗ khác và không báo giờ dám lơ là khi có sự xuất hiện của bé ở gần con tôi. Nhiều lúc con tôi đang ngồi chơi một mình bé chạy lại đẩy hoặc xô làm con tôi ngã.
Chiều nay có người bạn đến chơi nhà, mang theo con nhỏ, biết tính cháu nên tôi kêu bé ngồi tránh ra chơi để trúng em, bé càng cố sát lại rồi rình lúc không ai để ý đánh vào đầu bé kia. Cha bé cũng chỉ la nhưng bé không sợ, rồi lại đánh bé kia tiếp.
Các ban đã làm cha mẹ có kinh nghiệm trong chuyện này làm ơn chỉ mình với, làm sao để mình yên tâm vì còn phải làm việc không thể suốt ngày ngồi canh các bé, lại không muốn làm mất lòng người lớn và muốn tìm cách dạy cho cháu họ cách yêu thương mọi người xung quanh. Bởi vì nhiều lúc mình cũng bực lắm, con mình sinh ra nâng niu từng ly từng tý không dám mạnh tay mà cứ bị ăn hiếp vô cớ. Gần đây con tôi có biểu hiện bắt chước bé như la hét, ăn vạ, tôi bối rồi quá không biết làm sao?