Đã định không kể chuyện anh Thành nhưng cả mấy ngày nay newfeed toàn thấy chuyện buồn Thủ Thiêm nên mình lại kể chuyện này để thấy đời vẫn đẹp rực rỡ vì còn có nhiều người quá chừng dễ thương.
Anh Thành là người gốc Nhà Bè. Ba mẹ chia cho mảnh đất, anh làm nghề xây dựng nên tích cóp cất được cái nhà nhỏ rồi cưới vợ rồi có hai cậu con trai. Chị làm y tá ngoài trạm y tế xã. Cuộc sống gia đình ven đô cũng được coi là ổn định cho tới ngày anh bị ngã giàn giáo. Anh bị gãy tay không làm được việc nặng nữa nên chị bảo anh ở nhà lo đưa rước mấy đứa nhỏ. Chị tính về bên ngoại xin mảnh đất cất mấy căn nhà trọ cho thuê. Anh bảo là đàn ông mà ở nhà vợ nuôi coi không đặng. Mình cưới con gái người ta về không báo đáp cha mẹ vợ được thì thôi chớ mặt mũi nào để vợ về xin đất bên ngoại.
Thế là anh chạy xe ôm. Anh chạy từ sáng sớm đến giờ đón con thì về nhà rước hai ông nhỏ rồi lo phụ vợ chuyện cơm nước. Anh siêng chạy và cũng không cà phê, thuốc lá gì nên cũng có tiền đưa vợ mỗi ngày lo cho cả nhà.
Rồi anh gia nhập Uber. Uber khai tử anh bị cưỡng ép thành Grabiker. Anh kể Grab cho phép tài xế thấy điểm đến của khách nên nhiều tài chế gần, chê xa, chê không tiện đường sẽ không nhận khách. Anh thì chẳng chê khách bao giờ. Cứ có khách là xa gần gì anh chạy tuốt.
Bữa đó trời mưa sầm sập, khách book xe ra tận bến Miền Tây. Cuốc xe có 86 ngàn mà khách chỉ còn 80 ngàn để trả anh. Anh quay đầu xe được 1 đoạn thì khách gọi anh để nói cổ đánh rớt tờ 500 ngàn. – (Mình nghe đến đoạn này bụng bảo dạ, hóa ra cổ có tiền mà còn xù 6 ngàn tiền xe). – Mà anh Thành không nghĩ giống mình. Anh nghĩ có 6 ngàn mà cổ còn phải thiếu thì 500 ngàn với người ta phải quan trọng lắm. Thế là anh quay đầu xe tìm tờ 500 ngàn trong mưa. Mà tìm được mới hay chứ. Anh bảo hôm đó hên trời mưa nên tờ tiền dính mưa nằm chèm bẹp trên đường. Lượm được tờ tiền anh mừng húm báo lại cho khách thì khách bảo xe đã chuyển bánh rồi nên nhờ anh giữ giùm. Mấy bữa nữa ở quê lên cổ sẽ nhờ anh đi đón và nhận lại tiền.
Mấy bữa sau cô gọi anh ra bến xe đón. Bữa nay không mưa. Anh đưa cô về phòng trọ bên quận 8. Phòng trọ bé xíu có bà già và thằng bé cỡ 3 tuổi. Cái thằng bé dặt dẹo tới nỗi ảnh phải dừng đầu hẻm mua mấy hộp sữa vòng rồi vòng lại dúi cho mẹ nó rồi mới yên tâm quay về.
Rồi cổ thành khách quen. Anh hay đưa cô tới khám ở bệnh viện Hùng Vương. Có lần từ viện về cổ khóc như mưa. Hóa ra bác sĩ bảo khối u trong tử cung của cô không trì hoãn được nữa phải phẫu thuật nếu không sẽ có nguy cơ chuyển sang ác tính bất kỳ lúc nào. Tiện lúc có nước mắt cổ mới kể hôm anh chở cô lần đầu tiên là cô đi xuống miền Tây về nhà nội thằng nhỏ ốm nhom đó. Cô xin ông bà nội nhận thằng nhỏ về nuôi vì cô bệnh quá không nuôi nổi cả mẹ già và thằng nhỏ nữa. Mà người ta vẫn làm ngơ y như hồi cô bụng mang dạ chửa 3 năm trước.
Anh Thành an ủi, bác sĩ nói còn mổ kịp thì lo mổ đi chứ khóc lóc nỗi gì.
Bác sĩ nói tiền mổ không bảo hiểm, tiền thuốc men, viện phí cũng phải mất hơn 40 triệu. Cô đi làm công nhân khu chế xuất tằn tiện lắm mới đủ tiền trả tiền trọ và nuôi một mẹ già, 1 con dại thì lấy đâu ra ngần ấy tiền. Mấy chị em trong cùng dây chuyền sản xuất mỗi người cho mượn 1 chút cũng chỉ được hơn chục triệu chẳng thấm vào đâu.
Chở cô về phòng trọ rồi anh cứ nghĩ vẩn vơ. Cô mà chết thì đâu phải 1 mạng người. Mẹ già và con dại cũng chỉ có đường chết mà thôi.
Hôm sau cô không gọi xe nhưng anh đến nhà đưa cho cô 30 triệu. Anh chở cô vào nhập viện. Anh đóng tiền viện phí cho cô. Cô nhắn tin cám ơn anh và hỏi anh muốn gì cổ cũng đền đáp. Ngày cô xuất viện anh đến đón cô về nhà rồi anh chặn số máy của cô luôn.
30 triệu anh đi vay đóng lãi 3 triệu / tháng. Anh bảo cổ đẹp gái, khỏe mạnh rồi may mắn sẽ tìm được người đàn ông tử tế yêu thương, chăm sóc cho mấy mẹ con. Anh giúp cổ vì không đành lòng nhìn cả ba mạng người có thể mất đi chỉ vì thiếu 30 triệu viện phí. Anh không muốn cô hiểu lầm rằng anh giúp cô vì ý gì khác. Anh có vợ con rồi. Anh cũng chẳng thể giúp gì cô thêm được nữa.
Anh nói cổ lấy số máy lạ gọi anh mấy lần nhưng anh nghe giọng cô thì chỉ lặng lẽ tắt máy.
Từ lúc có khoản nợ 30 triệu. Anh Thành chạy xe thêm cả buổi tối. Tiền chạy xe ban ngày anh vẫn đưa đủ cho vợ. Tiền chạy xe buổi tối anh để dành đóng tiền lãi. Còn gốc thì chả biết mấy mùa mưa nữa mới trả xong.
Anh dừng xe ở Takashimaya. Anh bảo tiền tôi đã thanh toán qua thẻ rồi chỉ cần trả nón bảo hiểm là đi được. Tôi dúi vào tay anh ít tiền, bảo rằng tôi phụ anh chút tiền trả tiền lời tháng này. Mặt anh lúc ấy khó diễn tả lắm. Anh từ chối không nhận với 1 lý do chớt quớt: “Tôi có biết anh là ai đâu mà đưa tiền. Anh kể chuyện chỉ để tôi biết rằng ai cũng có thể làm điều tử tế thôi chứ không phải để xin tiền.”
Tôi phải thuyết phục anh rằng anh dám vay nợ để giúp người dưng mà, tôi chỉ có chút ít phụ anh. Anh nhận cho tôi thì tôi coi như cũng được làm điều tử tế.
Tôi bước đi thật nhanh để khỏi mất công anh từ chối thêm.
Tôi kể chuyện với 1 người bạn. Bạn tôi cười cười bảo tôi dễ bị lừa thật.
Rồi buổi trưa hôm ấy anh gọi điện thoại cho tôi. Anh bảo hồi sáng anh đứng khóc ở ngã tư. Anh hỏi khi nào tôi về nhà để anh mang tiền vào trả tôi chứ anh không nhận tiền của tôi được.
Tôi từ chối nhận lại tiền thì anh lại nhắn tin để anh chở tôi đi để trừ vào khoản tiền tôi đưa cho anh.
Hóa ra người tử tế vẫn chưa bị tuyệt chủng, đời vẫn còn tươi đẹp lắm phải không?
Thật ra mỗi chúng ta, ai cũng có thể là anh Thành của một ai đó theo cách của riêng mình.
câu chuyện trên, bạn tin cũng được, không tin cũng không sao. nhưng tôi thì tin. cứ tin đi để thấy cuộc đời sau bao sóng gió, thăng trầm, lừa lọc lẫn nhau… thì vẫn còn những người tốt. và bản thân chúng ta, hãy cứ sống tốt theo cách của mình.
“nhân chi sơ tính bổn thiện mà”, có phải không!
#tinvaodieutotdep
© from Tracy Vu