All posts by admin

Hối hận thì đã quá muộn

Góc Tâm Sự Đàn Ông – Tôi là người đàn ông không may mắn trên con đường tình duyên, 43 tuổi đã hai lần đổ vỡ.

Lần thứ nhất, tôi kết hôn do mai mối. Vợ tôi trẻ đẹp, nấu ăn ngon. Tôi lo kinh tế, tạo dựng một cuộc sống đầy đủ về vật chất, vợ tôi chỉ ở nhà nội trợ. Thế nhưng, cô ấy lại sa vào đề đóm, cờ bạc làm hao hụt một số tiền rất lớn. Tôi tuy giận nhưng cũng đã tha thứ. Nợ nần trả hết được vài tuần, cô ấy lại tiếp tục cờ bạc, bị công an bắt quả tang, lập biên bản xử phạt. Lần này, tôi rất giận, quyết tâm ly hôn. May mà chúng tôi chưa có con.

Hối hận thì đã quá muộn
Hối hận thì đã quá muộn – Ảnh minh họa

Hai năm sau, tôi tái hôn với một người tôi thực sự yêu. Cô ấy lớn hơn tôi một tuổi, không chồng nhưng đã có con riêng! Con trai cô ở với bà ngoại. Khi đến với tôi, cô ấy chỉ hai bàn tay trắng. Tôi lo vốn liếng cho cô mở shop thời trang. Vợ sau của tôi thông minh, lanh lợi lại có giang buôn bán nên làm ăn phát triển, kiếm được không ít tiền. Chúng tôi có với nhau hai con một trai, một gái. Thời gian đó, tôi bận đi công tác triền miên nên giao phó hết tiền bạc, nhà cửa, con cái cho vợ quản lý. Rồi tôi nghe phong thanh vợ mình có nhân tình, nhưng hỏi thì cô ấy chối biến. Đến khi tôi “bắt tận tay, day tận trán” cô ấy mới xuống nước xin tha thứ. Chúng tôi chiến tranh lạnh với nhau. Giữa lúc chuyện còn chưa có hồi kết, cô ấy biến mất cùng tất cả tiền bạc, tư trang vợ chồng dành dụm bấy lâu. Cú sốc này với tôi thật kinh khủng. Tôi rơi vào hoàn cảnh “gà trống nuôi con” trong sự uất hận tột cùng. Tôi căm ghét đàn bà từ dạo ấy, quyết sống một mình nuôi dạy các con…

Đến tuổi 52, một lần nữa tôi lại vướng chuyện tình cảm. Lần này là phụ nữ lỡ thì, không xinh đẹp. Tôi thích cô ấy ở sự nhu mì, hiền thục. Thời trẻ, cô ấy đã hy sinh tuổi xuân để lo cho đàn em sáu đứa, khi các em đã yên bề gia thất thì cô cũng trở thành “gái già”. Cô thường lui tới nhà tôi dọn dẹp và chăm sóc các con tôi chu đáo. Hai con tôi cũng rất quý cô. Rút kinh nghiệm hai lần trước, giờ tôi chỉ muốn qua lại với cô như bạn tình chứ không có ý định thành vợ chồng. Cô ấy thì bảo muốn làm vợ hợp pháp của tôi, chỉ cần đăng ký kết hôn chứ cô cũng chẳng cần cưới xin. Tôi không chấp nhận yêu cầu đó, vì tôi từng thề với lòng sẽ không bao giờ có vợ thêm lần nữa. Ba năm thuyết phục tôi không lay chuyển, cuối cùng cô ấy chủ động rời xa tôi.

Tâm sự đàn ông lẽ vợ 2 lần
Tâm sự đàn ông lẽ vợ 2 lần

Cô ấy đi đâu, làm gì tôi không biết nhưng vắng cô trong căn nhà rộng lớn, tôi bỗng thấy tâm hồn mình hoang lạnh vô cùng. Tôi biết mình đã yêu người phụ nữ đó và không thể sống thiếu cô. Nhận ra điều đó, tôi cất công tìm, khi gặp được thì cô đã kết hôn với người đàn ông khác. Tôi hụt hẫng, suy sụp tinh thần đến mức chẳng còn thiết tha gì đến việc làm ăn. Sau đó, tôi ngã bệnh. Nằm một chỗ trên giường bệnh, không có bàn tay phụ nữ chăm sóc, tôi càng cảm nhận rõ hơn nỗi cô đơn và bất hạnh của mình. Chính tôi đã tự đánh mất cơ hội hạnh phúc của mình, hối hận thì đã quá muộn…

TRƯƠNG SANG / PNO

Tình yêu tuổi học trò Tiếng nói của người trong cuộc

Từ “yêu em cho nó đỡ buồn” đến tình yêu hộ khẩu “made in thành phố”, yêu kiểu “một chân đạp hai xuồng”, một số sinh viên tỉnh léng phéng đi đêm và… đã gặp ma.

Nguyễn Văn Tân (sinh viên năm 2) có một câu thơ về tình yêu rất ấn tượng: Yêu em cho nó đỡ buồn. Ðến khi tốt nghiệp anh chuồn về quê. Tân cho biết, câu thơ trên đã trở thành “phương châm” của nhiều sinh viên tỉnh lên thành phố đi học.

Yêu “sơ cua”

Trước khi khăn gói lên đây dùi mài kinh sử, Tân đã có một mối tình “vắt vai” gần ba năm. Thời gian đầu, tình cảm của hai người hết sức tốt đẹp. Tuần nào, Tân cũng gửi thư về quê hỏi thăm và kể chuyện học hành. Cả hai còn hứa hẹn khi nào Tân tốt nghiệp ra trường sẽ tính tới. Vậy mà chưa đầy một năm, Tân đã bắt đầu chuyển hướng sang một cô bạn khác để “đỡ cô đơn nơi xứ lạ quê người”. Thế là một chân đạp hai xuồng, ở thành phố Tân ung dung thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng học, cùng ở) với cô người yêu mới; đến khi về quê lại “ân cần” chăm sóc người xưa. Còn Thanh Thảo (sinh viên năm 2) được mệnh danh là hoa khôi trong trường. Không biết có phải vì “hiểu” được ưu thế của mình hay không mà Thảo luôn “niềm nở” với bất cứ anh chàng nào muốn kết bạn với mình. Khi thì chàng X. với chiếc Spacy láng coóng, khi thì chàng Y. đưa đón tận sáng chiều. Mấy cô bạn học khuyên Thảo đừng chơi trò tay ba tay tư, Thảo đã “hồn nhiên” trả lời: “Mình chỉ giả vờ đưa đẩy vậy thôi chứ người yêu chính hiệu đang học bên Pháp kìa. Khi nào anh ấy về thì coi như kết thúc, còn bây giờ có người nhờ vả thì ngu gì không tận dụng”.

Tú Linh (sinh viên năm 2) đã duy trì mối tình “sơ cua” của mình hai năm qua mà chưa hề xảy ra tình huống “đáng tiếc” nào. Quê Linh ở vùng sông nước miền Tây, một năm Linh chỉ về thăm nhà hai lần vào dịp hè và tết. Trong khi đó, anh người yêu đã “theo” Linh suốt ba năm trời thì tháng nào cũng lặn lội lên thành phố thăm người yêu dù lương công nhân chỉ đủ dẫn Linh vào một quán ăn hạng xoàng. Vậy mà hình như Linh vẫn chưa bằng lòng với tấm chân tình của người yêu cho nên trước mặt bạn bè, Linh “trịnh trọng” giới thiệu “đây là anh họ”. Thế là, như một người hoàn toàn tự do, Linh đường đường chính chính đi lại với một anh chàng cùng trường mà không hề “sợ” đụng độ. Vì mỗi lần người yêu dưới quê lên thăm, Linh lại “nói nhỏ” với anh chàng cùng trường: “Em dẫn ông anh đi đây đi đó cho biết Sài Gòn”.

Yêu “hộ khẩu”

Có lẽ thật buồn cười khi một cô gái mới lớn vô tư phát biểu: “Tiêu chí chọn người yêu của em rất bình thường… chỉ cần ảnh có hộ khẩu thành phố là được”. Ðó là tiêu chuẩn chọn người yêu của Thanh Mai, sinh viên năm cuối. Từ ngày lên thành phố, Mai đã lọt vào mắt xanh của một anh chàng bán báo gần trường. Có mấy người bạn thấy trình độ hai người không tương xứng, khuyên nhưng Mai chỉ cười “cần gì trình độ, chỉ cần ảnh có hộ khẩu thành phố thì sau này khi tốt nghiệp, mình chẳng cần phải lo không có việc làm. Vả lại được trở thành người thành phố thì ai mà hổng thích”.

Luôn được thầy cô và bạn bè tin yêu, Thành Vinh trở thành tấm gương cho những chàng trai nông thôn lên thành phố học. Thế rồi Vinh lại được cô con gái của ông chủ tịch một phường trong quận X. để ý. Ban đầu, Vinh chẳng hề quan tâm vì mục tiêu của anh là tốt nghiệp loại giỏi và trở về quê . Thế nhưng trong một lần nghe mấy đứa bạn chỉ dẫn: “Cưới được nhỏ đó thì cuộc đời mày coi như lên hương vì không những được nhập hộ khẩu mà còn được ông già vợ giới thiệu cho việc làm, sướng cả đời…”. Người ta nói mưa dầm thấm lâu quả không sai vì kể từ đó, Vinh bắt đầu hẹn hò với con ông chủ tịch.

Là con gái lại lần đầu tiên đặt chân lên thành phố nên Quỳnh Chi luôn mong muốn được làm quen với anh chàng nào đó, miễn sao là “dân Sài Gòn”. Mỗi lần lên mạng tìm bạn, hễ thấy cái nick nào mang tên “trai Sài Gòn” là Chi mải mê chat không dứt ra được. Cuối cùng Chi cũng quen được một anh chàng thành phố. Qua những lần hẹn gặp trên mạng, Chi rất hy vọng vào “tình yêu” của mình. Ai cũng tưởng từ đây, Chi vớ được của bở, nào ngờ…chuyện đời không đơn giản như là “đang giỡn”…

Bi kịch

Ði đêm ắt có ngày gặp ma, điều đó không sai vì Tân, người được nhắc đến phía trên, đã thú thật về chuyện “một chân đạp hai xuồng” của mình đã “không hay chút nào”. Thì ra, qua một người quen, cô người yêu ở quê đã biết được chút ít về chuyện Tân thuê phòng ở với người yêu. Ðến nước này thì chẳng còn gì để mất, “nàng 1” tiến thẳng lên lớp “tuyên truyền” về “bộ mặt thật” của Tân không một lời thương tiếc. Không chỉ có “nàng 1” ra tay mà “nàng 2” cũng nhất quyết làm cho ra lẽ. Chuyện thì đã kết thúc từ lâu nhưng “tiếng thơm” còn theo mãi Tân những năm học về sau. Với Thanh Thảo, người có quan niệm “có người nhờ vả ngu gì không tận dụng”, đã phải gánh chịu hậu quả khi cả hai anh chàng cùng đụng độ. Mặc dù Thảo đã cố gắng giải thích nhưng cuối cùng hỗn chiến vẫn xảy ra. Sau lần ấy, tai tiếng về cô nàng hoa khôi Thảo không cần quảng cáo cũng nhanh chóng lan khắp toàn trường.

Không chỉ dừng lại ở chuyện “cảnh cáo”, trường hợp của Tú Linh còn dẫn đến sứt đầu mẻ trán. Chuyện xảy ra khi anh chàng người yêu ở thành phố phát hiện ra người mà Linh luôn miệng “khẳng định” là anh họ lại “thản nhiên ôm hôn” Linh ngay ghế đá khu nhà tập thể. Thế là không cần đắn đo, anh ta đã “tặng” cho ông anh đáng kính một cú đấm như trời giáng. Kết quả Linh mất trắng “cả chì lẫn chài”, đã vậy vì quá xấu hổ, Linh bỏ học về quê trong khi bạn bè đang háo hức bước vào giai đoạn chuyên ngành. Trong phút chốc, công lao cha mẹ nuôi ăn học bỗng tan thành mây khói chỉ vì bản thân quá dễ dãi trong tình yêu.

Thanh Mai – người đã bất chấp sự khác biệt về học thức để yêu một anh chàng bán báo lớn hơn mình gần một con giáp chỉ vì cái hộ khẩu “made in thành phố”, cuối cùng cũng rơi vào bi kịch khi cuộc hôn nhân diễn ra. Những tưởng khi mình lấy chồng thành phố sẽ có được một vị trí “hơn người” nào ngờ về làm vợ chưa được bao lâu, Mai đã phải ra sạp báo phụ chồng thay vì được đi làm ở một công ty nào đó. Không những thế, chỉ được dăm bữa nửa tháng, hai vợ chồng lại cãi một lần mà cốt lõi chỉ vì Mai nói nhiều mà “ổng” chẳng hiểu được bao nhiêu. Mỗi lần gặp lại bạn cũ, Mai chua xót bảo rằng “biết vậy về quê sướng hơn…”.

Còn rất nhiều trường hợp những chuyện tình yêu bắt đầu bằng vụ lợi và hậu quả mà nó để lại không chỉ làm tổn thương người trong cuộc mà còn gây nên nhiều “định kiến” xấu của người chung quanh. Phải chăng, một số người trẻ đã không biết được giá trị đích thực của tình yêu hay chính họ mới là người huỷ hoại cuộc sống của chính mình?

NGUYÊN PHONG

Nỗi niềm của người xa xứ

Về nước lần này, không biết khi nào anh mới trở lại Việt Nam. Trái với sự hồi hộp, náo nức mong trở lại quê hương trong những ngày sắp về Việt Nam sau gần mười năm xa cách, cảm xúc của anh giờ đây chỉ là sự chán nản, mệt mỏi, mỗi khi nghĩ tới chỉ thấy buồn.

Gần mười năm trước, anh lấy vợ rồi theo gia đình vợ xuất cảnh ra nước ngoài. Vợ chồng làm việc đầu tắt mặt tối, không dám ăn xài phung phí nên cũng dành dụm được kha khá. Hầu hết gia đình bên vợ anh đã định cư ở nước ngoài nên cô ấy chẳng phải lo lắng gì nhiều. Còn anh, ngoài những khoản lo cho gia đình riêng của mình, mỗi tháng anh đều dành ra chút ít gửi về lo cho gia đình vốn chẳng khá giả gì của mình (dĩ nhiên là có sự đồng ý của vợ anh). Ngày anh xuất cảnh ra nước ngoài, dưới anh còn 4 đứa em đang đi học, chỉ có anh Hai và chị Ba đi làm, gia đình tuy khó khăn nhưng vẫn đầm ấm, thuận thảo. Nay tất cả anh em đều đã có công ăn việc làm, có gia đình riêng, ai cũng có mối bận tâm riêng của mình. Theo anh biết, mỗi tháng mấy anh chị em của anh đều gửi một số tiền cho cha mẹ để dưỡng già, nhưng tuyệt nhiên không một ai ở gần bên để trông nom, chăm sóc cho hai ông bà ngoài cô bé giúp việc dù cả hai cụ đều đang cận kề cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Trong một phút chạnh lòng, cảnh tượng ấy khiến anh liên tưởng: nếu như các anh chị em của anh cũng đưa ba mẹ vào một viện dưỡng lão nào đó chắc cũng không khác gì cách sống ở xứ sở của anh hiện tại. Thời gian gần hai tháng lưu lại nhà đã giúp anh hiểu được lý do tại sao ngày anh về tất cả anh chị em cùng con cháu phấn khởi ra sân bay đón nhưng ngày tiễn anh đi chỉ loe ngoe có mấy người. Ở trong căn nhà cũ kỹ, tồi tàn của cha mẹ, nơi anh từng sinh ra và lớn lên, anh không khỏi bùi ngùi, xót xa khi đến thăm “cơ ngơi” của mấy anh chị em mình. Lúc trước, anh cứ ngỡ ai cũng khó khăn, nghèo khổ nên không đủ khả năng rước cha mẹ về lo, giờ tận mắt chứng kiến sự sung túc của mỗi người, ai cũng lo cho cái tổ ấm của mình, anh mới thấm thía hết vị mặn của những giọt nước mắt của mẹ anh trong ngày đón anh trở về. Người thì giải thích là do sợ phiền phức đến bên vợ (hoặc bên chồng), người thì lo ngại một gia đình có hai, ba thế hệ sống chung sẽ không hòa hợp… Nói chung là đủ thứ lý do, cái nào nghe cũng hợp lý, cũng chính đáng. Có điều, anh chẳng hiểu chữ hiếu các anh chị em mình đặt ở đâu, bản thân anh do hoàn cảnh mới phải xa gia đình chứ nếu còn ở đây, hẳn anh đã không để cho ông bà cụ đơn độc, quạnh quẽ lúc tuổi xế chiều như thế.

Trước khi về thăm nhà, anh đã chuẩn bị sẵn một số tiền, dự định để chia làm 6 phần cho anh chị em làm quà ngoài phần dành cho ba mẹ, điều đó cũng được anh báo trước với cả nhà cho mọi người vui nhưng nhìn thấy sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của ba mẹ anh, anh đã thay đổi ý định.

Những hôm đầu anh mới về, anh chị em anh người nào người nấy cũng vui vẻ săn đón, kêu anh về nhà mình ở cho thoải mái, lại còn sai con làm tài xế nhiệt tình đưa rước. Ðiều đó làm anh thấy vô cùng xúc động, ấm áp khi sống giữa tình thân và sự quan tâm của những người ruột thịt trong lần đầu tiên trở về với gia đình. Nhưng điều làm anh thật sự ngỡ ngàng, ngỡ ngàng đến thảng thốt, đó là khi mọi người thấy anh không làm đúng như lời hứa trước lúc về Việt Nam. Cầm số tiền ít ỏi của anh gửi mỗi người “làm quà cho các cháu”, có người cười mỉa mai, có người tỏ ra giận dỗi khi kể lể công lao lo cho ba mẹ, lại có người thẳng thừng trách anh vô ơn vì ngày xưa đã phụ giúp ba mẹ nuôi anh ăn học… Ðứng trước tình cảnh đó, không ăn ớt mà anh vẫn thấy cay, nghe như ai xát muối trong lòng, thật anh không sao tưởng tượng được mọi việc lại diễn ra như vậy. Anh muốn giữ lại một số tiền, một phần để chỉnh trang lại căn nhà của ba mẹ anh đang ở để sau này làm nhà thờ tự luôn, phần là để gửi vô ngân hàng, hàng tháng lấy lãi cho ba mẹ anh chi tiêu, phần vốn để phòng khi ông bà cụ có mệnh hệ gì để khỏi làm phiền đến các anh chị em anh. Không biết có ai nghĩ được như anh vậy không nhưng trước quyết định của anh, rõ ràng là mọi người không tán thành ra mặt.

Gần 10 năm… một khoảng thời gian khá dài để vật đổi sao dời nhưng anh không trách thời gian làm thay đổi con người, chỉ buồn vì lòng người mau thay đổi. Anh chẳng mong nhà mình vẫn nghèo khổ như xưa để các anh em anh còn biết quý trọng chữ hiếu nghĩa, hay có khi sống trong cảnh xa xứ, lạc lõng nơi đất khách quê người như anh, biết đâu họ lại cảm thấy gia đình mới là điều thiêng liêng hơn cả? Bỗng nhiên anh nhớ đến những đứa con của mình, sau này không biết chúng có đối xử với vợ chồng anh như thế không?

TRẦN ÐỨC HÙNG VI

Tình yêu tuổi học trò Tiếng nói của người trong cuộc

Trong khi người lớn luôn lo lắng và tìm đủ mọi cách để “ngăn chặn” tình yêu mới chớm ở tuổi học trò thì “những người trong cuộc” cũng mong muốn được góp một phần “tiếng nói” của mình. Có thể những “chuyện tình” của họ sẽ kết thúc bằng một sự sai lầm hoặc để lại kinh nghiệm “xương máu” nhưng chắc chắn sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ con cái mình hơn.

Càng cấm càng yêu

Có thể nói, trường hợp càng cấm càng yêu khá phổ biến trong các gia đình có con ở độ tuổi bắt đầu yêu. Hồng Phương vừa mới học xong lớp 12 tiết lộ: “Năm ngoái, em có quen với một anh sinh viên trong lần đi xem ca nhạc. Tụi em thường trao đổi với nhau qua e-mail và điện thoại thỉnh thoảng có đi chơi với nhau, em nghĩ chuyện đó là bình thường”. Có lần Phương lén mẹ lên lầu gọi điện thoại cho bạn trai, đang nói chuyện, mẹ Phương đột ngột xuất hiện buộc Phương dừng ngay cuộc gọi, sau đó mẹ đánh Phương một trận. Trận đòn đó không đủ mạnh để Phương chia tay với bạn trai của mình theo như yêu cầu của mẹ mà nó còn khiến Phương oán trách gia đình nhiều hơn. Sau lần đó, thay vì anh bạn kia chủ động gọi điện thoại thì ngược lại Phương sẽ “canh” lúc không có ai ở nhà gọi cho anh ta rồi cả hai tha hồ tán gẫu, hẹn hò. Và thay vì đến lớp học thêm vào các buổi tối, Phương lén lút đi chơi với bạn trai. Phương tâm sự: “Phải chi mẹ hiểu em một chút thì tụi em đâu cần phải bỏ học lén lút hẹn hò như thế này”.

Năm học này, Minh Thành sẽ bước vào kỳ thi đại học nên bất cứ lúc nào Thành cũng bị người nhà thúc ép chuyện học hành, thi cử. Ðể bảo đảm cho cậu con trai an tâm vào chuyện học, chuyện vui chơi giải trí đều bị gạt ra khỏi thời khóa biểu. Trong một lần đi cắm trại với bạn bè (vì do nhà trường tổ chức nên gia đình phải miễn cưỡng cho đi), Thành quen được một cô bạn cùng tuổi học khác trường. Dĩ nhiên chuyện tình này của Minh bị gia đình phản đối và ngăn cấm quyết liệt. Từ đó Thành đâm ra ít nói, em tự nhốt mình trong phòng, không trò chuyện với ai. Nhưng theo Thành: “Em thấy mình không có lỗi gì trong chuyện này, có bạn gái là nhu cầu chính đáng miễn đừng lơ là chuyện học là được. Em muốn được giãi bày, được trao đổi thẳng thắn với gia đình, nhưng ba mẹ không dành cho em cơ hội”.

Bế tắc dẫn đến bỏ nhà, tự tử

Là con gái của một gia đình có tiếng trong giới kinh doanh xuất nhập khẩu, ngay từ nhỏ Hoàng Lan đã được cưng chiều hết mực. Khi Lan lên lớp 11, mẹ em đã “ôm ấp” hy vọng gả con gái mình cho người xứng đáng. Chính vì lẽ đó, Lan không được giao thiệp với những bạn trai cùng lớp mặc dù tình bạn của các em rất vô tư, trong sáng. Cuối năm 11, em kết bạn với Khánh cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ ngoại ngữ của trường. Lúc đầu, cả hai chỉ giúp nhau trong học tập, trao đổi kinh nghiệm nhưng vì thấy Khánh thường xuyên gửi quà tặng Lan, nên mẹ em đã có những lời xúc phạm đến bạn ấy. Một phần xấu hổ với Khánh vì cách cư xử của mẹ, một phần cảm động trước sự quan tâm, chịu đựng của “người ấy” nên trong một lần bị mẹ mắng trước mặt mọi người, Lan đã bỏ nhà ra đi. Không quen biết ai ngoài mấy người bạn gái cùng lớp, Lan đã đến tìm Khánh. “May là lúc đó em được mẹ của bạn Khánh đã thông cảm và khuyên nhủ em rất chân tình đồng thời ba má em cũng sẵn sàng bỏ qua hành động nông nổi kịp thời đón em về nhà. Chứ không thì hậu quả khó lường”, Lan hú hồn mỗi khi nhớ lại chuyện cũ.

Cũng là con một trong gia đình khá giả nhưng ba mẹ của Thanh Xuân thường xuyên có những trận cãi nhau. Trong suy nghĩ của Xuân, em phải tìm cho mình một người yêu để bù đắp những trống vắng ấy. Thế rồi, qua một người bạn, Xuân bắt đầu để ý đến một anh “đẹp trai, ga lăng lại giàu có”. Vì ba mẹ Xuân lúc nào cũng mải mê kiếm tiền nên không ai quan tâm đến giờ giấc đi lại bất thường của con gái. Xuân thường đi sớm về muộn, thậm chí có hôm đi cả đêm gia đình cũng không hay biết. Hậu quả là Xuân có mang, bạn trai chối bỏ trách nhiệm, mà cũng không thể đòi hỏi gì hơn bởi cậu ta cũng chỉ mới có 16 tuổi. Cùng đường, Xuân chọn cho mình cái chết, cũng may được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Sau cú sốc đó, Xuân sống khép kín, mặc cảm với gia đình bạn bè, “phải chi em được gia đình quan tâm nhiều hơn, thậm chí có thể “o ép” em vào kỷ luật nào đó, có lẽ quãng đời học sinh của em “bằng phẳng” ít chông gai hơn bây giờ”.

Có lẽ, chuyện tình yêu của tuổi học trò nói mãi cũng không bao giờ hết. Chỉ mong rằng, “người trong cuộc” luôn biết mình cần phải làm gì trước những rung động, biến đổi tình cảm của tuổi mới lớn để có cách ứng xử thật sáng suốt. Bên cạnh đó, “người ngoài cuộc” hãy dành thời gian cho con em của mình nhiều hơn nữa để “luôn lắng nghe và chia sẻ”…

NGUYÊN PHONG

Góp tiền chợ

Từ xưa đến nay, việc con cái lớn lên, đi làm, hàng tháng biếu tiền cho cha mẹ chi tiêu hay đóng góp vào quỹ sinh hoạt chung của gia đình đã trở thành thói quen và được coi là một cách thể hiện trách nhiệm của người con trong gia đình… Thế nhưng không phải ai cũng làm như vậy và họ đã có lý do riêng.

Anh Minh, 26 tuổi thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Chừa một khoản xài cho nhu cầu cá nhân, số tiền còn lại anh dồn hết vào một quyển sổ tiết kiệm. Anh lý giải: “Tôi chưa nghĩ đến việc phải đưa tiền phụ giúp gia đình vì theo dự định khoảng hai năm nữa tôi dùng số tiền tiết kiệm đó để đi du học ở nước ngoài”.

Không xài tiền cha mẹ

Hùng Văn, 24 tuổi, hiện là nhân viên công ty kinh doanh máy tính cho rằng, hiếu thảo với cha mẹ có nghĩa là người đó có thể tự làm việc nuôi sống bản thân, tự khẳng định việc qua thăng tiến trong nghề nghiệp, tự chứng minh khả năng cạnh tranh của mình trong xã hội là cách đền đáp cho cha mẹ thiết thực nhất. Theo Văn thì để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh trong công việc hiện nay, lớp trẻ phải không ngừng đầu tư cho việc trang bị kiến thức. Văn đặt vấn đề: “ Nếu tôi không đủ tiền để học thêm các khoá ngoại ngữ, marketing, vi tính, mua sắm các trang thiết bị cho cá nhân – mục đích cũng chỉ phục vụ cho công việc (như điện thoại di động, máy tính, máy ảnh) – rồi thua sút bạn bè, bị đào thải khỏi “sân chơi” thì cha mẹ có vui không?”. Chính vì thế mà theo Văn, không thể đo trách nhiệm đối với cha mẹ bằng việc đưa tiền phụ giúp gia đình mỗi tháng.

Cho bản thân là trên hết

Mỹ An, 20 tuổi làm nghề trang điểm cô dâu có mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Nhưng từ lúc đi làm đến nay, An chưa hề đưa về cho mẹ tháng lương nào ngoài món quà tặng là chiếc áo dài lúc An nhận tháng lương đầu tiên. Bản thân An sống rất tiết kiệm và mọi khoản kiếm được cô để dành theo học trang điểm và thiết kế thời trang ở Úc. An nói: “Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải làm được điều mình ưa thích mà không phiền đến cha mẹ. Khi bản thân tôi tự đạt được mong ước và trên hết là có thể sống tốt và đi lên với nghề nghiệp của mình thì chắc chắn cha mẹ tôi sẽ thích hơn là mỗi tháng tôi đưa tiền chợ cho mẹ”.

Có nhiều người cho rằng không lấy tiền cha mẹ là tốt lắm rồi, trách nhiệm với gia đình không nhất thiết là phải góp tiền hàng tháng… không chỉ có ở những gia đình khá giả, cha mẹ có của ăn của để, không đặt vấn đề tiền bạc thành gánh nặng. Nhưng thực tế những suy nghĩ này có thể gặp ở cả những gia đình có mức thu nhập khá lẫn sống theo kiểu ăn đong từng bữa. Chẳng hạn như bạn Huỳnh Thanh Tùng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng marketing chỉ tính toán đến việc đi làm thêm kiếm tiền để mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân, thậm chí gầy dựng tương lai sau này mà chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ phải đi làm kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ dù Tùng luôn được người thân đánh giá là ngoan ngoãn và biết suy nghĩ.

Ðúng hay sai?

Bà Ngọc Mỹ luôn than thở với hàng xóm về cậu con vô trách nhiệm. Theo bà, dù con trai làm giám đốc một công ty lớn, đi xe hơi hàng ngày, chăm lo khá tốt đời sống cho gần 300 công nhân nhưng chẳng thèm đưa về cho cha mẹ đồng nào đã làm cho bà thất vọng. Trong khi đó, anh Ngọc Quang, con trai bà lại có suy nghĩ khác: “Ba má tôi nội cái việc cho thuê nhà mặt tiền, ngoài chi dùng hàng ngày, ông bà còn có thể đi du lịch nước ngoài hàng năm, do vậy tôi cảm thấy việc mình thành đạt và được nhiều người yêu mến tin tưởng sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn. Theo anh, chính sự thành công của con cái mới là món quà xứng đáng để đền công dưỡng dục sinh thành chứ không phải là một ít tiền hàng tháng. Chính sự khác nhau trong suy nghĩ này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng, có lúc bà Mỹ đã giận không thèm nói chuyện với anh gần một năm. Bà Mỹ luôn cho rằng: con đem tiền bạc về biếu cha mẹ chi tiêu hàng tháng là trách nhiệm, cho dù bà có nhiều tiền đến đâu chăng nữa thì con cái phải thực hiện nghĩa vụ này. Còn tiền của bà dư nhiều thì sau này cũng để lại cho con cái mà thôi.

Bà Sáu, mẹ của Mỹ An cũng vậy, khi con gái đi làm không đưa tiền chi tiêu hàng tháng, bà rất buồn nhưng không nói ra. Bản thân bà cũng biết Mỹ An đang dành dụm để đi du học. Bà nói: “Thấy con tự biết dành dụm để phấn đấu cho tương lai là rất tốt, nhưng đôi lúc tôi vẫn cảm thấy buồn”. Thương con, hiểu ý nghĩa của con làm nhưng bà vẫn muốn gia đình theo thói quen từ xưa đến nay: con lớn đi làm hàng tháng góp tiền cho cha mẹ.

Ngọc Thy, quản lý nhãn hiệu của một công ty khá bề thế luôn coi việc con cái trưởng thành, dù đã lập gia đình ra ở riêng hay còn độc thân sống chung với cha mẹ thì việc góp chi phí là bắt buộc. Bởi theo Ngọc Thy, sống cùng một nhà nếu ai cũng không góp tiền cho sinh hoạt chung không lẽ để cha mẹ già lo mãi. Ðồng tình với quan điểm của Thy, anh Minh Hiếu cho biết: “Cha mẹ thương con có thể hy sinh mà không đòi hỏi con cái phải có trách nhiệm lại với mình nhưng không vì thế mà con cái ỷ lại lơ là trách nhiệm với gia đình. Bởi theo tôi hễ là con người sống là phải có trách nhiệm, trách nhiệm đối với gia đình và đối với xã hội”.

Minh Thành

Thư tình thời số hóa

Nhà tôi nằm cạnh một ngôi trường cấp 2 nên hầu như giờ chào cờ nào cũng nghe rõ mồn một giọng cô hiệu trưởng nhắc nhở các em học sinh: tan trường thì về thẳng nhà, không được la cà ở các tiệm net. Sáng ra, đi tập thể dục, lại nghe các cô xì xầm với nhau “bọn trẻ bây giờ biết yêu sớm quá. Có nhiều đứa chỉ mới 12, 13 tuổi mà đã chát chít trên mạng với bạn gái, bạn trai. Loạn cả lên”.

Chị Lan Hương năm nay 38 tuổi, đang là  nhân viên văn phòng tại một công ty cung ứng lao động cho biết, con trai chị mới học lớp 9 đã bắt đầu biết yêu. Thằng bé cũng tập tành giống người lớn nhưng thời đại của tụi nó hiện đại hơn nhiều. Nếu như cha mẹ không tinh ý thì không thể nào phát hiện được. Phải mất công lắm, chị mới “điều tra” được thiên tình sử của thằng con trai. Thời đại “số” nên tụi nhỏ cũng “tỉnh tò” theo kiểu “số”, không hề có một lá thư viết tay nào mà chỉ toàn trao đổi qua email, chat, thậm chí còn lấy điện thoại di động của chồng chị để nhắn tin. Cũng vì những tin nhắn “chưa kịp xoá” trong máy của chồng mà gia đình chị “xém” xảy ra cảnh tan đàn xẻ nghé. Lần đó chị giận quá nên bắt thằng bé phải mở email của nó cho chị kiểm tra. Tụi nó chỉ mới “yêu nhau” được 2 tháng. Vậy mà trong hộp mail đã có đến 30 cái, mà cái nào cũng dài thườn thượt với những lời lẽ y như phim Hàn Quốc. Trong mail, bọn trẻ quy ước “khi nào em gọi cho anh bằng máy bàn thì khi đó em đang giữ điện thoại của ba em, lúc đó anh hãy nhắn tin nhe”. Đọc đến đây, chị Hương thấy xung quanh quay cuồng và không còn thốt lên được câu nào. Tối hôm đó, hai vợ chồng hết nhìn lên trần nhà lại quay sang nhìn nhau mà không biết phải làm gì với chuyện tình của thằng con trai 14 tuổi.

Trường hợp yêu sớm như con chị Hương không phải là hiếm vì chị Thanh Hằng  cũng đang sốt ruột bởi đứa con gái 12 tuổi của mình. Chỉ mới học lớp 7, con bé đã rất rành về net. Hầu như, tối nào nó cũng trốn ra đầu hẻm để… online. Vì bận rộn với cửa hiệu uốn tóc nên chị ít có thời gian để mắt đến con gái. Thêm nữa, chị nghĩ đơn giản rằng, nó mới 12 tuổi thì chắc chỉ biết  ăn với học,thêm lắm nữa chắc cũng chỉ sưu tầm hình ảnh của diễn viên điện ảnh hay ca sĩ như những cô bé, cậu bé cùng tuổi. Vì thế,  hầu như chị không bao giờ quan tâm tới bạn bè của con bé. Một bữa nọ, chị tình cờ nghe được cuộc đối thoại qua điện thoại thì mới vỡ lẽ, con gái chị “đang yêu”. Chị cứ ngồi thẫn thờ nhìn con mà không biết phải làm sao?

Không phải bất cứ bậc cha mẹ nào cũng biết cách xử lý trước những tình huống dở khóc dở cười như thế. Chị Hằng cho biết, khi chồng chị biết tin, anh đã cho con bé một trận đòn nhừ tử và hạ lệnh, nếu còn hẹn hò chát chít nữa, anh sẽ cạo đầu và cho nghỉ học luôn. Thế nhưng, không phải lúc nào biện pháp mạnh cũng mang lại kết quả. Thậm chí, điều đó vô tình làm “người trong cuộc” nhầm tưởng “tình yêu” của mình đang gặp sóng gió, thử thách và càng tìm đủ mọi cách để được yêu nhau.

Anh Tuấn Khôi đã từng có kinh nghiệm trong việc giải quyết chuyện yêu đương của đứa con trai 13 tuổi mà không hề để lại “dấu ấn” gì giữa hai cha con. Anh kể, vì muốn con trai tiếp cận với công nghệ thông tin nên anh đã hướng dẫn cho thằng bé sử dụng internet từ khi mới vào lớp 6. Những khi anh không có ở nhà, thằng bé thường lên mạng vào các forum rồi cũng tập tành làm quen với đủ thứ người. Một thời gian sau, anh vô tình phát hiện, con trai anh đang “yêu” một cô bé lớn hơn 2 lớp và cả hai thường hay hẹn nhau chat vào lúc ba mẹ đều đi làm. Ban đầu, anh vô cùng tức giận nhưng vì nghĩ đến “tâm lý của một thằng con trai 13 tuổi” nên anh đã không đánh nó roi nào. Đầu tiên, anh cắt mạng và đăng ký cho nó một lớp học năng khiếu. Thế là, thằng bé không còn thời gian rảnh rỗi để la cà trên mạng. Tiếp theo, anh treo giải thưởng “nếu đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, sẽ được một chuyến du lịch Trung Quốc”. Thỉnh thoảng, anh dành thời gian chơi điện tử với con và  tặng thằng bé những quyển sách mang tính giáo dục. Anh cũng âm thầm kiểm tra con trai có còn liên lạc với bạn gái nữa không. Và đúng nghĩa, “tình yêu học trò”, thằng bé không còn dấu hiệu gì là “ yêu” nữa.

Các nhà tâm lý cho rằng, việc phát sinh tình cảm của những em ở độ tuổi cấp 2, 3 là hoàn toàn bình thường. Hãy bình tĩnh trước những bức thư tình thời số và biết đưa ra cách xử sự đúng thì mọi việc đều êm xuôi theo hướng tích cực.

NGUYÊN PHONG

Tình dục trước hôn nhân: Đèn xanh hay đèn đỏ?

90% các cô gái trẻ chấp nhận quan hệ tình dục với bạn trai trước hôn nhân chỉ cần… yêu nhau!

51,6 % bạn nam cho rằng người yêu và bạn đời là hai người khác nhau!

Sống trẻ xin được “khai trương” diễn đàn trao đổi về vấn đề tình dục trước hôn nhân, mong được sự tham gia hàng tuần của đông đảo bạn đọc để cùng trao đổi về vấn đề tế nhị và không kém thú vị này.

Ngoài việc được “nói… xả láng”, đảm bảo bạn còn có nhuận bút của toà soạn!

Sống trẻ chờ thư!

Khi mắt trao mắt, tay trao tay, môi trao môi và… lửa tình rần rật cháy khắp mình, thôi thúc bạn bước vào mê lộ của cảm xúc, của thăng hoa tình yêu, sự hiến dâng. Cứ coi như  bạn đang đứng trước một ngã tư có cột đèn xanh đèn đỏ. Và chọn lựa của bạn lúc bấy giờ là gì, bật đèn xanh cho những ham muốn hỏi đòi và “trao nhau”  hay bật đèn đỏ bởi vì sợ… tai nạn, nguy hiểm?

Văn hoá phương Đông coi trọng chữ trinh. Chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Cáisự ngàn vàng ấy gắn với phẩm tiết, đức hạnh và vẹn toàn của người phụ nữ (Về khoản này, đàn ông được tạo hoá nương tay hơn, vì nếu không tự khai thì ít ai biết đến). Trong quan niệm đạo đức truyền thống, chữ trinh là một biểu hiện cho những giá trị tâm hồn trong trắng của cô gái khi về nhà chồng.

Đó là chuyện của ngày hôm qua. Thời đại internet, phim ảnh và văn hoá Tây phương đầy “thoáng mát” du nhập, tác động lên quan niệm, xu thế của người trẻ hiện đại. Nhiều rạn nứt trong quan niệm, đặc biệt là quan niệm về giới tính, lối sống và ứng xử tình dục của người trẻ hôm nay đang thực sự  là vấn đề nóng và thu hút sự quan tâm nhiều người, nhiều thế hệ. Thế hệ trước nhìn con cháu họ hôm nay và bảo, tụi nhỏ hư hỏng và dễ dãi quá trong chuyện yêu đương, cho và nhận. Người trẻ không ít người cho rằng yêu nhau, trao thân cho nhau là chuyện bình thường khi gặp đúng đối tượng có thể chia sẻ, hoà hợp được, tình yêu phải gắn với tình dục. Tình dục trước hôn nhân là chuyện cần thiết bởi trinh tiết không nằm ở đó mà ở… tâm hồn, nên sống thử với nhau trước khi đi đến kết hôn để có thể thích nghi, hoà hợp và họ tự mở đèn xanh cho mình, cho sự đòi hỏi của người yêu… Rồi cũng có những người trẻ không dám bứt khỏi quan niệm cũ, nói cách khác, họ dùng dằng, dè dặt khi nghĩ đến tương lai, đến hậu quả phải chịu và quyết định chọn… đèn đỏ dù có khi phải chấp nhận “chiến đấu tới cùng”, có khi… “mất bồ”  vì không chịu bước vào cuộc phiêu lưu đầy mê say mang tên tình dục!

Vẫn phải thừa nhận rằng, chuyện “cho hay giữ” là một trăn trở lớn trong tình yêu thời hiện đại khi quan niệm cũ còn gây ảnh hưởng nhiều và quan niệm mới, lối sống mới chỉ manh nha thể hiện. Những mâu thuẫn trong chính bản thân bạn là có thật, những mâu thuẫn giữa người này với người kia, giữa người yêu với người yêu về “chuyện ấy” ngày càng quyết liệt và sôi nổi trên những diễn đàn, website… chứng tỏ sự băn khoăn chọn lựa “đèn xanh hay đèn đỏ” đang được xới lên…

SỐNG TRẺ

Tình yêu sau thời sinh viên: Khi những “đoạn kết” không có hậu!

Lẽ ra không nên phân biệt tình yêu sinh viên với những tình yêu khác. Song, vì tính “hên xui” của nó được biểu hiện khá rõ, nên người viết mạnh dạn kể ra một số chuyện trong vô số chuyện bất thành phía sau giảng đường mà mình từng chứng kiến…

Khoảng cách từ mộng…

Liêm kể với tôi về chuyện “ngày xưa” của mình nghe như cổ tích: suốt bốn năm ở đại học Đà Lạt, Liêm vẫn đèo Đào trên chiếc Chaly đến giảng đường với một cuộc tình đầy hứa hẹn. Những dịp nghỉ, tết, họ tranh thủ dẫn nhau vềnhà ra mắt gia đình họ hàng hai bên. Chỉ cần ra trường là cưới nhau. Nhưng ngày Liêm ra trường là ngày Đào chán nản tuyệt vọng vì nợ một học phần, phải ở lại thi. Liêm xuống Sài  Gòn đi làm thêm, theo đuổi giấc mơ vào cao học. Xa mặt cách lòng. “Nói thật, mình nối dài cũng chỉ để dằn vặt những ngày tụi mình sống với nhau thời sinh viên. Nhưng càng ngày mình càng nhận ra: tụi mình không thể tiến xa hơn”. Một năm sau, ngày Đào được chứng nhận ra trường cũng là ngày mình chủ động chia tay nhau… Cả hai cùng lao đao một thời gian dài mới ổn định được.

Châu và Bình chung lớp với nhau từ thời phổ thông, họ rủ nhau thi vào cùng ngành ngữ văn và học cùng lớp. Khi chân ướt chân ráo vào đại học, họ đã tìmđến nhau để chia sẻ những tháng ngày thiếu thốn vật chất lẫn tình cảm. “Thật tình – Châu cho biết – tụi mình cần nhau nhiều lắm. Những lần nằm trên giường bệnh, không có gia đình, chỉ cần một sự chăm sóc ân cần của Bình, mình thấyđỡ tủi thân. Những chuyện nho nhỏ thời sinh viên như thế làm tụi mình yêu nhau tự khi nào không biết…”. Ra trường, Châu được phân công về dạy một trường vùng sâu còn Bình thì nghe lời cha mẹ về quê làm việc cho một văn phòng cấp sở. Thư qua tin lại một thời gian, vài tháng trời mới gặp nhau một lần. Cả hai phải mòn mỏi đợi chờ cho đến khi cuộc tình họ như ngọn nến một thời đã cháy cạn.

Thời sinh viên, với cuộc sống xa nhà, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, có không ít bạn trẻ lao vào yêu đương để lấp những khoảng trống hoặc cũng có thể bị choáng ngợp và sống theo sự điều khiển của… cảm tính. Họ sẵn sàng sống cho những lý tưởng bay bổng về tương lai. Câu nói “học xong rồi cưới” trở thành một… mục đích trước mắt. Mục đích ấy cũng quyết định lối sống vàứng xử của họ với tình yêu. Có những nữ sinh viên suốt bốn năm đại học đã nuôi cái khát vọng “học xong sẽ cưới” với… vài ba người bạn trai. Và mỗi một cuộc tình, nàng đều là người tình nguyện chuyển đồ đạc sang “góp gạo thổi cơm chung” với chàng như cách sống thử trước hôn nhân. Cái khẩu hiệu “trái tim nóng và cái đầu lạnh” được không ít người cho là sến.

Chuyện tình yêu ở giảng đường bây giờ “thoáng đãng” hơn xưa. M – một nữsinh viên năm 3, khoa ngữ văn Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Chẳng có lý gì phải tránh né khi tôi và anh ấy yêu nhau và sẽ cưới nhau trong nay mai. Chúng tôi tin vào tình yêu của mình…”. Khi hỏi về những dự định việc làm và đời sống vật chất chuẩn bị cho tương lai, cô bạn lắc đầu: “Chúng tôi là dân nhập cư. Sau khi cưới nhau cùng lắm là thuê nhà trọ, làm có tiền sẽdành dụm mua nhà sau”. Nhưng khi hỏi về công việc tương lai thì cô bạn không giấu nổi sự mơ màng vì: “Ra trường rồi tính…”.

… Đến thực

Có ngàn lẻ một nguyên nhân dẫn đến việc lý tưởng tình yêu thời giảngđường bị sụp đổ. Trong đó, không thể không kể đến tác động của môi trường công việc, sự xa mặt cách lòng, những va chạm vật chất đầu tiên gây thất vọng về nhau, cũng có thể do áp lực từ phía gia đình… Quả thật, khi ra trường, sinh viên phải lao vào làm việc, kiếm tiền, tìm một công việc ổn định. Thời gian lo đầu tư vào công việc mưu sinh, kiếm tiền làm cho họ thực tế hơnđể có thể lo sợ trước những giấc mơ ngày hôm qua. Họ nhận ra hôn nhân không đơn giản như mình tưởng.

Còn đi học, những nhu cầu vật chất là không đáng kể, thậm chí có người làm thêm cũng chỉ là ngẫu hứng, còn thì gia đình trợ cấp thường xuyên. Có khi kẹt lắm thì”dìu nhau đi dưới bóng nợ nần” cũng chẳng sao, càng thêm thơmộng. Bây giờ, phải tự “bơi” là chính, những nhu cầu và sự chuẩn bị tương lai cuộc sống càng dữ dội và khắc nghiệt khiến họ hẫng hụt và quay cuồng. Vàđiều kiện để có thể chung vai sát cánh bên nhau như ngày xưa không phải làđơn giản.

Trường hợp của Lan và Tuấn là một ví dụ. Sau khi họ tốt nghiệp khoa tin trường đại học Đà Lạt, cả hai chuyển xuống Sài Gòn lê la tìm việc mấy tháng trời, kể cả xin phụ việc cho những quán cà phê, nhưng mãi không tìm được việc ổn định. Một lần vào thăm con gái, mẹ của Lan đã “lôi đầu” con về quê và lo cho một việc làm ổn định ở xã. “Con đường hơn 400 cây số cộng với những khó khăn, sự nghi ngờ, thiếu cảm thông, khiến bọn mình chia tay… Đau khổ lắm, vì bọn mình vẫn còn yêu nhau!” .

Trường hợp của Đoan thì khác. Đoan kể: “Cả hai may mắn ra trường là có chỗ làm, cách nhau cũng không xa. Thời gian đầu, ảnh còn đến thăm mỗi tuần một lần. Sau thấy thưa vắng. Hỏi ra mới biết ảnh có quen bạn gái cùng ngành. Mình đã chủ động chia tay. Và khủng hoảng một thời gian. Còn ảnh thì không thấy nói năng gì…”. Đoan kể về thời sinh viên của mình như những ngày tháng đẹp và buồn.

“Thực tế không như mình tưởng!” đó là điều đọng lại sau mỗi cái kết không có hậu của tình yêu phía sau giảng đường. Cái khoảng cách từ mộng đến thực quá xa. Có những cặp đã sống trọn vẹn cho tình yêu ấy mà không nghĩđến những khó khăn về sau. Để rồi phía sau đó, đối với bản thân những người bạn gái, khi đứng trước thực tế của những con đường mới phải chọn lựa, họ có nhiều mối dằn vặt khổ tâm riêng. Đã có người không muốn lập giađình nữa, vì mặc cảm trong quá khứ, thời sinh viên, đã sống hết mình với người yêu mà không ngờ đến đoạn kết không có hậu.

Họ đã cùng nhau đi trên một con đường tươi đẹp. Họ nhắc về chuyện hôm qua như kể về một giấc mơ không sao lý giải nổi. Một giấc mơ ngắn ngủi trong thời thanh xuân, để sau đó, mỗi người quay lưng tìm cho mình một conđường khác. Một con đường mà họ không có quyền mơ mộng để bước hẫng một lần nữa sau những kinh nghiệm chua xót và kể cả trả giá… như conđường ngỡ thơ mộng mà họ đã đi qua.

Tình yêu thời “hậu sinh viên”, còn nhiều điều để nói!

NGUYỄN YÊN DU

8 điều làm nên hạnh phúc gia đình

1. Sau ngày cưới, hai người nên có được những thoả thuận cần thiết trong cuộc sống gia đình. Về tâm lý, đây chính là thời điểm thuận lợi nhất để bàn bạc vì khi mới lấy nhau, cả hai người còn có nhiều sự quan tâm đến nhau, thông cảm và tha thứ cho nhau.

2. Khi bước vào tuổi trưởng thành thì tính cách của con người đã bền vững và khó thay đổi, trong cuộc sống mỗi người đều có ưu, nhược điểm, cho nên bạn muốn sửa ngay thì thật là sai lầm. Ðôi khi bạn cần phải biết dung hoà, tế nhị, mềm dẻo để uốn nắn những khuyết điểm của người bạn đời, đừng nên nóng vội, muốn “thiết quân luật” ngay. Muốn thế, bạn phải bớt “yêu mình đi” một chút để nghĩ đến gia đình, con cái. Khi lấy nhau thì tình yêu của tuổi trẻ biến thành tình nghĩa vợ chồng, cho nên cần có sự quan tâm, trách nhiệm yêu thương lẫn nhau.

3. Sự hấp dẫn về bề ngoài lẫn tâm hồn là rất cần
thiết để giữ gìn hạnh phúc. Việc kiếm tiền là quan trọng song nó không phải là tất cả. Khi có đồng tiền, nhiều khi chúng ta cũng không thể mua được những gì chúng ta cần. Tiền chỉ là phương tiện để phục vụ cuộc sống. Vì thế bạn đừng vì nó mà đánh mất đi những khoảng thời gian dành cho việc xây đắp “tình yêu vợ chồng”. Với người phụ nữ, việc nâng cao trình độ hiểu biết để không tụt hậu so với chồng là cần thiết.

4. Hôn nhân không thể không
có tình dục (dù người châu Á chúng ta sẽ hơi khó chịu khi đề cập vấn đề này), vì thế không nên xem nhẹ nó trong đời sống vợ chồng. Quan hệ tình dục ở con người không chỉ là vấn đề sinh lý đơn thuần mà là một vấn đề gần gũi yêu thương đặc trưng của loài người. Trong quan hệ cần có sự thống nhất và chia sẻ, nên có chuyện hoà hợp, người này biết chiều chuộng, đáp ứng người kia. Vì vậy cả hai đừng để một phe rơi vào tình trạng bị… ăn chay. Người chồng cũng không nên có cách hành xử thô bạo sẽ khiến để lại ấn tượng không thoải mái cho người vợ, ngoài ra còn ảnh hưởng về mặt tâm lý trong quan hệ sau này. Khi gặp những “khó khăn trong quan hệ”, đừng nên ngại mà hãy hỏi những người có chuyên môn.

5. Phải biết quên những quá khứ không hay để tìm hạnh
phúc hiện tại và tương lai, vì thế đôi bạn đừng bao giờ nhắc lại những quá khứ đó cũng như lấy nó để so sánh với hiện tại. Hãy biết xem xét cuộc sống hiện tại của mình để có thể xây đắp cho tương lai.

6. Biết quan tâm, không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà cả những công việc của nhau. Vui cùng sự thành công và chia sẻ nỗi buồn trong những lúc thất bại là việc nên làm. Ðây là động lực thúc đẩy hai người hiểu nhau hơn. Trong lúc thất bại, vất vả mà có lời động viên của chồng sẽ làm tan biến mọi sự mệt mỏi của người vợ; còn với người vợ, một lời nói ngọt ngào đúng lúc có thể giúp người chồng làm được việc gì khó nhất.

7. Khi ăn cơm là lúc nghỉ ngơithưởng thức. Vì thế nên nói những câu chuyện vui. Ðừng bao giờ đem những sự bực dọc tức giận ra để nói, hãy để lúc khác.

8. Trong mọi công việc, kiềmchế được bản thân luôn mang lại thắng lợi. Trước thiếu sót của người bạn đời mà mình không kiềm chế được thì chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”… Sự ghen tuông quá mức cũng không tốt. Nó không đem lại cái gì mà còn gây hại cho mình, dễ đánh mất sự trân trọng mà người bạn đời dành cho mình. Sự khéo léo tế nhị là cần có song nếu quá mức cũng không tốt. Trong gia đình nên chân tình, cởi mở và nhiều khi phải nhẹ nhàng nhắc yêu sự vô tâm của nhau, điều đó mới là cách cư xử tốt.

MINH MINH (từ Internet)

Những người đàn ông keo

Chuyện quản lý chi tiêu trong gia đình lâu nay thường vẫn do các bà vợ làm chủ. Nhưng một thực tế cho thấy có rất nhiều người đàn ông bị buộc phải quản lý hầu bao của gia đình chỉ vì một lý do nào đó. Liệu có công bằng khi nhiều người xếp họ vào dạng “keo”?

Nắm nửa hầu bao

Cả hai vợ chồng anh Khánh đều làm việc cho các công ty nước ngoài nên thu nhập hàng tháng không dưới 10 triệu đồng. Hai vợ chồng anh thoả hiệp: mỗi tháng anh lo các khoản tiền điện, nước, điện thoại và tiền học cho con cái, còn chị lo ăn uống, quần áo và các vật dụng khác trong gia đình. Cách chi tiêu ấy xem ra có hiệu quả, gần 6 năm qua chưa bao giờ vợ chồng anh phải lời qua tiếng lại về tiền bạc.

Còn vợ của anh Khuê tuy không phải là người giỏi tính toán, tiền tháng nào là gần như vừa đủ hay chỉ dư chút đỉnh nhưng vẫn có thể chu toàn cho cuộc sống gia đình. Nhưng đó chỉ là chuyện trước đây, còn bây giờ để được bằng chị bằng em nên vợ anh rất chịu chơi trong việc chi tiêu, mua sắm quần áo, mỹ phẩm… Góp ý bao nhiêu lần vợ mình vẫn “chứng nào tật ấy”, cuối cùng anh đành chọn giải pháp: lương của vợ dùng để lo cái ăn cái mặc, anh lo khoản học hành cho con, mua sắm các vật dụng có giá trị kha khá. Vậy mà từ ngày phân chia rạch ròi như thế, không những vợ chồng bớt gây gổ nhau về chuyện tiền nong mà anh còn có thể gửi tiết kiệm mỗi tháng một ít.

Ðến quản lý 100%

Nhiều người chê anh Trọng Nghĩa là đàn ông gì mà lúc nào cũng tính toán chi li. Chuyện tiền bạc, chi tiêu trong gia đình phải do người vợ quản lý. Nhưng làm sao họ hiểu được nỗi khổ của một người có vợ lúc nào cũng chi xài không hề tính toán. Nếu như kinh tế gia đình thoải mái một chút thì có thể chấp nhận được, đằng này thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ khoảng 3 triệu đồng cho tất cả các khoản chi tiêu và tiết kiệm. Anh tâm sự: “Lúc mới cưới, bao nhiêu tiền lương đều đưa cho cô ấy, tôi chẳng quan tâm gì nhiều về vấn đề tiền bạc vì nghĩ phụ nữ tính toán và chi tiêu dè sẻn hơn. Ðến khi con trai bị bệnh, phải nhập viện để mổ thì tôi mới biết số tiền dành dụm mấy năm nay chỉ còn một ít. Như biết lỗi, cô ấy hứa sẽ thay đổi, nhưng chỉ được thời gian đầu, sau đó mọi việc như cũ. Vì vậy, tôi thà chịu tiếng keo để quản lý “hầu bao” cho có “trật tự”.

Cùng hoàn cảnh, anh Minh Quốc cũng phải chịu tiếng “Bùi Kiệm”. Vợ anh có cái “tội” là chạy theo mốt với các lý do nghe ra cũng khá thuyết phục: làm đẹp cho chồng mở mày mở mặt với bạn bè, còn trẻ đẹp không diện thì sau này già rồi muốn diện cũng không được… Không còn cách nào khác, anh đành phải quản lý để hạn chế bớt sở thích tốn kém đó. Anh chẳng vui sướng gì với việc giữ tiền và sẵn sàng bàn giao cho vợ nhưng “khi nào cô ấy có thể biết tính toán chi tiêu”.

Khi hết tiền thì ký sổ nợ, ăn chịu hàng quen, thích trò đỏ đen, chơi hụi… là chuyện thường ngày của vợ anh Bảo. Vì thế bao nhiêu tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm đều không cánh mà bay mặc dù những khoản có được ấy không phải ít nếu biết tính toán chi tiêu. Anh Bảo cho biết cũng đã nhiều lần góp ý nhưng chẳng ăn thua gì, vì thế anh quyết định “nắm cái hầu bao”. Kể từ ngày bị soán ngôi, đi đâu, gặp ai chị cũng đều kêu ca vì ông chồng nhỏ mọn, tính toán chi ly với vợ con. Anh than: “Chỉ mong cô ấy thay đổi tính tình, không lẽ vì chuyện tiền bạc mà gia đình tan đàn xẻ nghé nên tôi chịu thiệt để bảo vệ mái ấm gia đình”.

Trước khi kết hôn anh là người tiêu xài lãng phí, gia đình hy vọng sau khi anh cưới vợ rồi thì sẽ có người quản lý tiền bạc giùm. Nhưng anh lại phải gặp một tình huống dở khóc dở cười, vợ anh xài tiền còn hơn cả chồng. Nhà chỉ có hai vợ chồng, lương tháng khoảng 4 – 5 triệu đồng vậy mà chỉ nửa tháng là hết tiền, những ngày còn lại sống nhờ bên nội vài ngày, bên ngoại ít hôm. Từ một người không biết tính toán, anh đành phải làm người đàn ông “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Nhưng theo anh: “Chẳng thấy vợ tôi có chút buồn phiền hay khó chịu. Gánh nặng này chắc tôi đành phải mang dài dài”.

Anh Phương Nam lại là người chồng rất hiểu và thông cảm cho việc mua sắm hoang phí của vợ. Anh thường hay bông đùa, đôi lúc trong cái hoang phí của phụ nữ lại có cả tình người và tấm lòng nhân hậu. Vợ anh đi chợ mua quá số tiền ngoài dự kiến cũng chỉ vì: hôm nay cô bán rau ế quá nên em mua giùm, mấy em sinh viên ở tỉnh lên đi bán hàng tận nhà giữa trời nắng không mua cũng thấy tội nghiệp. Kết quả là bữa ăn nhà anh lúc nào cũng đầy ắp thức ăn, nhiều lúc ăn không hết phải bỏ. Giải pháp cuối cùng mà anh chọn là hạn chế đưa tiền cho vợ để dành một khoản riêng để lúc cần không phải vay mượn ai.

Các bà vợ nghĩ gì?

Là người chưa bao giờ phải nắm giữ một số tiền lớn, chị Thanh Mai cho biết: “Tôi rất vụng về trong việc chi tiêu vì vậy mà chồng tôi phải nhận lấy trọng trách ấy. Ðã là vợ chồng thì không nên tính toán thiệt hơn, ai giữ tiền không quan trọng mà chủ yếu là phải biết sống hoà hợp và chi tiêu đúng mực. Tôi chẳng bao giờ thấy mặc cảm hay xấu hổ vì mình có phần lép vế để chồng quyết định mọi thứ”.

Không phải thuộc loại người phụ nữ như chị Thanh Mai, chị Anh Thư (nhân viên văn phòng của công ty nước ngoài ) cho rằng đàn ông giữ hầu bao gia đình thì khỏi phải bàn tới nữa. Nếu gặp một người chồng như vậy chắc có lẽ chị không thể chịu đựng được lâu. Ðàn ông mà như vậy thì phải thuộc loại người kỹ tính và khó chịu. Cùng quan điểm với chị Thư, chị Thảo, cho biết khi đàn ông giữ tiền thì đa số các phụ nữ thường rất dễ gặp tình huống bị áp đặt trong việc chi tiêu hoặc mỗi lần mua sắm thứ gì đều phải xin tiền chồng, khó chịu lắm.

Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình mà người nắm ngân quỹ gia đình có thể là vợ hay chồng, nhưng theo các ông chồng – “Người phụ nữ quán xuyến chi tiêu là tốt nhất vì họ giỏi tính toán, chu đáo và tiết kiệm hơn. Chứ đàn ông mà giữ tiền vừa nặng gánh vừa bị mang tiếng là ky bo, khổ lắm”.

QUỲNH NHƯ