Tag Archives: dân Sài Gòn

Tình yêu tuổi học trò Tiếng nói của người trong cuộc

Từ “yêu em cho nó đỡ buồn” đến tình yêu hộ khẩu “made in thành phố”, yêu kiểu “một chân đạp hai xuồng”, một số sinh viên tỉnh léng phéng đi đêm và… đã gặp ma.

Nguyễn Văn Tân (sinh viên năm 2) có một câu thơ về tình yêu rất ấn tượng: Yêu em cho nó đỡ buồn. Ðến khi tốt nghiệp anh chuồn về quê. Tân cho biết, câu thơ trên đã trở thành “phương châm” của nhiều sinh viên tỉnh lên thành phố đi học.

Yêu “sơ cua”

Trước khi khăn gói lên đây dùi mài kinh sử, Tân đã có một mối tình “vắt vai” gần ba năm. Thời gian đầu, tình cảm của hai người hết sức tốt đẹp. Tuần nào, Tân cũng gửi thư về quê hỏi thăm và kể chuyện học hành. Cả hai còn hứa hẹn khi nào Tân tốt nghiệp ra trường sẽ tính tới. Vậy mà chưa đầy một năm, Tân đã bắt đầu chuyển hướng sang một cô bạn khác để “đỡ cô đơn nơi xứ lạ quê người”. Thế là một chân đạp hai xuồng, ở thành phố Tân ung dung thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng học, cùng ở) với cô người yêu mới; đến khi về quê lại “ân cần” chăm sóc người xưa. Còn Thanh Thảo (sinh viên năm 2) được mệnh danh là hoa khôi trong trường. Không biết có phải vì “hiểu” được ưu thế của mình hay không mà Thảo luôn “niềm nở” với bất cứ anh chàng nào muốn kết bạn với mình. Khi thì chàng X. với chiếc Spacy láng coóng, khi thì chàng Y. đưa đón tận sáng chiều. Mấy cô bạn học khuyên Thảo đừng chơi trò tay ba tay tư, Thảo đã “hồn nhiên” trả lời: “Mình chỉ giả vờ đưa đẩy vậy thôi chứ người yêu chính hiệu đang học bên Pháp kìa. Khi nào anh ấy về thì coi như kết thúc, còn bây giờ có người nhờ vả thì ngu gì không tận dụng”.

Tú Linh (sinh viên năm 2) đã duy trì mối tình “sơ cua” của mình hai năm qua mà chưa hề xảy ra tình huống “đáng tiếc” nào. Quê Linh ở vùng sông nước miền Tây, một năm Linh chỉ về thăm nhà hai lần vào dịp hè và tết. Trong khi đó, anh người yêu đã “theo” Linh suốt ba năm trời thì tháng nào cũng lặn lội lên thành phố thăm người yêu dù lương công nhân chỉ đủ dẫn Linh vào một quán ăn hạng xoàng. Vậy mà hình như Linh vẫn chưa bằng lòng với tấm chân tình của người yêu cho nên trước mặt bạn bè, Linh “trịnh trọng” giới thiệu “đây là anh họ”. Thế là, như một người hoàn toàn tự do, Linh đường đường chính chính đi lại với một anh chàng cùng trường mà không hề “sợ” đụng độ. Vì mỗi lần người yêu dưới quê lên thăm, Linh lại “nói nhỏ” với anh chàng cùng trường: “Em dẫn ông anh đi đây đi đó cho biết Sài Gòn”.

Yêu “hộ khẩu”

Có lẽ thật buồn cười khi một cô gái mới lớn vô tư phát biểu: “Tiêu chí chọn người yêu của em rất bình thường… chỉ cần ảnh có hộ khẩu thành phố là được”. Ðó là tiêu chuẩn chọn người yêu của Thanh Mai, sinh viên năm cuối. Từ ngày lên thành phố, Mai đã lọt vào mắt xanh của một anh chàng bán báo gần trường. Có mấy người bạn thấy trình độ hai người không tương xứng, khuyên nhưng Mai chỉ cười “cần gì trình độ, chỉ cần ảnh có hộ khẩu thành phố thì sau này khi tốt nghiệp, mình chẳng cần phải lo không có việc làm. Vả lại được trở thành người thành phố thì ai mà hổng thích”.

Luôn được thầy cô và bạn bè tin yêu, Thành Vinh trở thành tấm gương cho những chàng trai nông thôn lên thành phố học. Thế rồi Vinh lại được cô con gái của ông chủ tịch một phường trong quận X. để ý. Ban đầu, Vinh chẳng hề quan tâm vì mục tiêu của anh là tốt nghiệp loại giỏi và trở về quê . Thế nhưng trong một lần nghe mấy đứa bạn chỉ dẫn: “Cưới được nhỏ đó thì cuộc đời mày coi như lên hương vì không những được nhập hộ khẩu mà còn được ông già vợ giới thiệu cho việc làm, sướng cả đời…”. Người ta nói mưa dầm thấm lâu quả không sai vì kể từ đó, Vinh bắt đầu hẹn hò với con ông chủ tịch.

Là con gái lại lần đầu tiên đặt chân lên thành phố nên Quỳnh Chi luôn mong muốn được làm quen với anh chàng nào đó, miễn sao là “dân Sài Gòn”. Mỗi lần lên mạng tìm bạn, hễ thấy cái nick nào mang tên “trai Sài Gòn” là Chi mải mê chat không dứt ra được. Cuối cùng Chi cũng quen được một anh chàng thành phố. Qua những lần hẹn gặp trên mạng, Chi rất hy vọng vào “tình yêu” của mình. Ai cũng tưởng từ đây, Chi vớ được của bở, nào ngờ…chuyện đời không đơn giản như là “đang giỡn”…

Bi kịch

Ði đêm ắt có ngày gặp ma, điều đó không sai vì Tân, người được nhắc đến phía trên, đã thú thật về chuyện “một chân đạp hai xuồng” của mình đã “không hay chút nào”. Thì ra, qua một người quen, cô người yêu ở quê đã biết được chút ít về chuyện Tân thuê phòng ở với người yêu. Ðến nước này thì chẳng còn gì để mất, “nàng 1” tiến thẳng lên lớp “tuyên truyền” về “bộ mặt thật” của Tân không một lời thương tiếc. Không chỉ có “nàng 1” ra tay mà “nàng 2” cũng nhất quyết làm cho ra lẽ. Chuyện thì đã kết thúc từ lâu nhưng “tiếng thơm” còn theo mãi Tân những năm học về sau. Với Thanh Thảo, người có quan niệm “có người nhờ vả ngu gì không tận dụng”, đã phải gánh chịu hậu quả khi cả hai anh chàng cùng đụng độ. Mặc dù Thảo đã cố gắng giải thích nhưng cuối cùng hỗn chiến vẫn xảy ra. Sau lần ấy, tai tiếng về cô nàng hoa khôi Thảo không cần quảng cáo cũng nhanh chóng lan khắp toàn trường.

Không chỉ dừng lại ở chuyện “cảnh cáo”, trường hợp của Tú Linh còn dẫn đến sứt đầu mẻ trán. Chuyện xảy ra khi anh chàng người yêu ở thành phố phát hiện ra người mà Linh luôn miệng “khẳng định” là anh họ lại “thản nhiên ôm hôn” Linh ngay ghế đá khu nhà tập thể. Thế là không cần đắn đo, anh ta đã “tặng” cho ông anh đáng kính một cú đấm như trời giáng. Kết quả Linh mất trắng “cả chì lẫn chài”, đã vậy vì quá xấu hổ, Linh bỏ học về quê trong khi bạn bè đang háo hức bước vào giai đoạn chuyên ngành. Trong phút chốc, công lao cha mẹ nuôi ăn học bỗng tan thành mây khói chỉ vì bản thân quá dễ dãi trong tình yêu.

Thanh Mai – người đã bất chấp sự khác biệt về học thức để yêu một anh chàng bán báo lớn hơn mình gần một con giáp chỉ vì cái hộ khẩu “made in thành phố”, cuối cùng cũng rơi vào bi kịch khi cuộc hôn nhân diễn ra. Những tưởng khi mình lấy chồng thành phố sẽ có được một vị trí “hơn người” nào ngờ về làm vợ chưa được bao lâu, Mai đã phải ra sạp báo phụ chồng thay vì được đi làm ở một công ty nào đó. Không những thế, chỉ được dăm bữa nửa tháng, hai vợ chồng lại cãi một lần mà cốt lõi chỉ vì Mai nói nhiều mà “ổng” chẳng hiểu được bao nhiêu. Mỗi lần gặp lại bạn cũ, Mai chua xót bảo rằng “biết vậy về quê sướng hơn…”.

Còn rất nhiều trường hợp những chuyện tình yêu bắt đầu bằng vụ lợi và hậu quả mà nó để lại không chỉ làm tổn thương người trong cuộc mà còn gây nên nhiều “định kiến” xấu của người chung quanh. Phải chăng, một số người trẻ đã không biết được giá trị đích thực của tình yêu hay chính họ mới là người huỷ hoại cuộc sống của chính mình?

NGUYÊN PHONG