All posts by admin

Cơm gia đình: mỗi nhà một kiểu

Bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên luôn được xem là biểu tượng của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng hiện nay, càng ngày, những bữa cơm gia đình càng có vẻ như hiếm đi dưới áp lực của công việc và sự vắng mặt của ai đó trong gia đình…

Cơm gia đình và suy nghĩ của trẻ con

Quang Minh, học sinh lớp 4 trường tiểu học Lê Hoàn, Gò Vấp cho biết hiếm khi nào gia đình em có bữa cơm chung vì buổi tối hai chị em của Minh phải học bài nên được ăn cơm sớm. Mẹ của Minh bữa thì phải đi học thêm, bữa làm ngoài giờ, ba thì hay đi chơi với mấy chú cùng cơ quan hay bàn việc làm ăn nên ít khi nào về nhà trước 9 giờ tối. Bởi các thành viên trong gia đình đều “bận rộn” như thế nên hiếm hoi lắm gia đình Minh mới có bữa cơm chung. Minh cũng rất muốn có ba mẹ ngồi ăn cơm chung như nhiều bạn học cùng lớp nhưng “nếu có ăn chung thì ba mẹ lại hay bàn chuyện làm ăn, chuyện cơ quan chứ ít khi nói chuyện với tụi em”. Minh kể mỗi khi em thắc mắc hay muốn kể chuyện gì đó, ba mẹ lại thường gạt đi “con ăn cơm lẹ đi rồi còn đi học, để ba mẹ bàn chuyện làm ăn”.

Ngọc Bảo, học sinh lớp 4 cho biết mẹ em buôn bán ngoài chợ, nhưng chỉ làm buổi sáng, còn ba chạy tắc xi ban ngày nên cả gia đình cũng thường hay ăn tối cùng nhau “nhưng cả nhà vừa ăn vừa xem ti vi, không thì chuyển sang coi phim hay đọc truyện, xem báo…”. Những câu chuyện trong bữa ăn của gia đình Bảo thường chỉ là bàn về nội dung hay chi tiết của các nhân vật trong bộ phim đang theo dõi hay các vấn đề thời sự đăng tải trên báo. Cũng có khi cả mấy anh em dắt nhau ra ngõ chơi, khi nào đói bụng mới về ăn tối, mẹ Bảo cũng không la mắng. Với gia đình Bảo, bữa cơm tối chỉ là dịp tình cờ “rảnh thì ngồi ăn chung” chứ không mấy quan trọng.

Còn Mai Khanh, cựu sinh viên khoa tài chính doanh nghiệp Ðại học Kinh tế cho biết với gia đình cô bữa cơm tối cuối tuần mới có mặt đầy đủ mọi người, còn những ngày khác thì thường chỉ có ba mẹ Khanh ngồi ăn với nhau. “Không riêng gì tôi mà các anh chị em trong nhà đều cảm thấy mất tự nhiên, không thoải mái khi phải ngồi ăn chung với… ba. Nói ra thì kỳ nhưng do ba tôi khó tính quá, không một bữa ăn nào là ông không càu nhàu hay chê bai chuyện này, chuyện kia nên dần dà ai cũng ngán ngẩm”. Khi chị em cô còn nhỏ, ba của Khanh thường sử dụng thời gian của bữa cơm gia đình với nhiều mục đích khác nhau: khi thì thuyết giảng hết chuyện này đến chuyện kia, từ chuyện ăn mặc, đi đứng đến chuyện chọn bạn để chơi, tiêu xài… mà chỉ toàn “độc thoại”, khi thì lại so sánh chị em Khanh với con của ông A., bà B. nào đó… nên càng ngày Khanh càng dị ứng và ngán ngẩm với bữa cơm đình. Lớn lên, lấy cớ là bận học, bận làm… chị em Khanh thường hay thoái thác các bữa ăn có ba mẹ “bữa nào tránh được thì tránh, còn không thì ăn thật nhanh rồi đứng lên đi, ngay cả ăn cũng bị ép buộc, có cảm giác không thoải mái thì khổ lắm”.

Người lớn: bữa cơm chung vẫn quan trọng

Chị Mỹ Hạnh đặt vấn đề: Tại sao cứ phải có bữa cơm gia đình, có nhất thiết mọi người cùng ngồi ăn chung không trong khi ai cũng có thời khoá biểu riêng, sở thích riêng, theo tôi mạnh ai nấy ăn là tốt nhất. Nhà chị có 5 người – hai vợ chồng và hai con trai, một đang học lớp 9, một lớp 5 và chị giúp việc. Chồng chị là thầu xây dựng nên thời gian làm việc không theo giờ giấc nhất định, chị hùn hạp với bạn bè mở shop bán quần áo sáng đi tối về, cậu con trai sáng đến lớp, chiều học thêm các môn cơ bản, tối rèn Anh văn. Ðể tiện phục vụ cho người nào việc nấy nên chị giúp việc cứ đến bữa thì nấu, ai về giờ nào ăn giờ đó, hiếm khi gia đình chị có bữa cơm chung. Chị lập luận: “Lúc đầu gia đình tôi cũng có bữa cơm chung nhưng hễ cứ đến giờ cơm là ông xã tôi đem chuyện thằng con lớn học “không bằng ai” ra la, tôi can thì ổng kêu bênh con làm nó hư. Riết rồi thôi luôn. Ðến giờ tôi đành chấp nhận mạnh ai nấy ăn để mọi người được vui vẻ còn hơn tụ họp lại rồi chì chiết, gây gổ nhau thêm mất tình cảm”. Tuy là nói như vậy nhưng chị vẫn mong muốn có một bữa cơm gia đình theo đúng nghĩa của nó.

Khác với chị Hạnh, anh Minh Tiến, hiện đang là kỹ sư tại một công ty xây dựng ở quận 10 cho biết, do tính chất công việc nên anh thường hay đi sớm, về muộn. Thế nhưng nếu không đi công tác xa, mỗi tuần gia đình anh phải có ít nhất hai bữa cơm chung. Thời gian không ấn định vào ngày nào, giờ nào – có thể là bữa ăn sáng, cũng có thể là bữa tối cuối tuần. Anh Tiến quan niệm bữa cơm gia đình rất quan trọng vì nó làm cho các thành viên trong nhà gần gũi và hiểu về nhau hơn. “Tôi học được điều này từ ba má tôi. Ngày còn nhỏ, đi đâu thì thôi chứ nếu có mặt ở nhà là tất cả các anh em chúng tôi đều không ai được phép vắng mặt hay bê trễ giờ cơm. Trong bữa ăn, ba má tôi thường hỏi han con cái về chuyện bạn bè, trường lớp hay học hành… Nói chung là những chuyện nhẹ nhàng và không gây nhức đầu, chán nản”.

Chị Thu Thảo, nhân viên phòng xuất nhập khẩu của một công ty tại Thủ Ðức cho biết chị cũng rất coi trọng bữa ăn gia đình, dù cả hai vợ chồng đều bận rộn với hết công việc ở cơ quan đến việc làm ăn riêng với bạn bè. “Nhưng dù gì thì mỗi tuần cũng phải về nhà ăn cơm với con vài ba bữa, để chúng biết được ba mẹ có quan tâm đến chúng. Hơn nữa đó là thời gian mình tranh thủ để tìm hiểu con cái xem chúng đang nghĩ gì, làm gì để có cách giải quyết thích hợp”. Gia đình chị Thảo cũng có một nguyên tắc là “không bàn chuyện làm ăn, không la mắng con cái vì bữa ăn là thời gian chung của cả gia đình”.

Ðể duy trì được một bữa cơm gia đình vui vẻ, ông Minh chủ nhà của một đại gia đình đông đúc (tính cả con cháu, dâu rể đến 15 người) đưa ra quy luật: đúng 7 giờ mỗi buổi chiều, mọi người phải tề tựu bên bàn ăn, trong giờ cơm không được nói đến công việc, học hành, những sai phạm của lũ nhỏ – những việc này nếu có là phải sau bữa ăn. Vì thế trong giờ cơm mọi người có thể kể những câu chuyện vui mà họ nghe được, thấy được trong cơ quan hay lớp học… Ông Minh thú nhận: “Tôi phải mất nhiều năm mới gầy dựng được bửa cơm gia đình như thế”.

Tuy mỗi gia đình có cách tổ chức bữa cơm gia đình khác nhau nhưng đều thống nhất rằng: bữa cơm gia đình là quan trọng, nó không chỉ là chất keo kết dính mọi người với nhau mà còn ảnh hưởng đến cách cư xử, nề nếp sống của các thành viên trong gia đình sau này.

Thục Quyên

Gánh nặng của người vừa làm chồng vừa làm vợ

Thế là một lần nữa người ta thấy anh chị cùng nhau ra tòa. Và không ai – kể cả người “trong cuộc” và các vị thẩm phán- nhớ được đây là lần thứ bao nhiêu. Cứ mỗi lần đến phút cuối cùng chuẩn bị đặt bút ký cho chia ly, sự tự do hay gì gì… đó nữa theo cách cảm nhận của mỗi người là anh lại nằn nì xin chị nghĩ lại, quay trở về.

Họ hàng bên nội bên ngoại cũng vào cuộc và lý do ai cũng đưa ra để thuyết phục chị xé bỏ đơn ly hôn là “Nam (chồng chị ) có lỗi gì? Thời buổi này có được người chồng như nó là phúc lắm rồi, tứ đổ tường không dính vào cái nào hết. Người ta được ông chồng như vậy đã là mãn nguyện lắm, con còn đòi hỏi gì nữa?”. Ngay cả ba má của chị cũng hiểu nỗi khổ tâm của con lắm, thương con nhưng vẫn khuyên chị “chín bỏ làm mười, ở đời chẳng có cái gì trọn vẹn hết”. Khuyên không được, hai cụ lại đâm ra giận chị. Thế là chị không còn một ai có thể cảm thông, đã cô đơn rồi lại càng cảm thấy cô đơn hơn.

Anh tốt nghiệp đại học và từ ngày ra trường yên vị với cái chức nhân viên phòng kế toán. Còn chị thì mới học xong cao đẳng sư phạm. Ước mơ được làm cô giáo đã có từ tuổi ấu thơ nhưng sau đám cưới và một đứa con ra đời: chưa có chỗ ở, con ốm đau, đồng lương ít ỏi không đủ sống một tuần… đã khiến chị phải bỏ nghề, bươn chải thử tìm đủ việc để mong vực được cuộc sống gia đình. Ngày tháng trôi đi, chồng chị cứ sáng xách ô đi chiều xách ô về, ở cơ quan làm đúng một việc từ ngày ra trường, không học thêm, không phấn đấu. Ở nhà anh chưa bao giờ nhìn thấy một việc gì trong nhà đang cần có đôi tay của anh, chưa bao giờ anh giúp chị điều gì: từ sửa lại cái bóng đèn đến nấu nướng, giặt giũ… bởi vì theo anh “cô ấy đảm đang lắm, mọi việc đâu vào đó”. Lương tháng anh giữ để tiêu vặt và thỉnh thoảng bù khú với bạn bè vì nghĩ cũng chẳng cần đưa cho chị bởi “cô ấy còn kiếm được nhiều tiền hơn tôi nhiều, mọi việc trong nhà đã có cô ấy lo”. Cứ thế, chị thì tất bật, bươn chải và kiệt sức vì mệt nhọc, cố gắng vun vén cho cái gia đình chung, lo lắng cho hai con được học hành. Anh bao giờ cũng ung dung nhàn nhã, xem ti vi, đọc báo chờ bữa cơm chị dọn ra. Anh tồn tại như “một ông chồng không có thói xấu nhưng cũng không có trách nhiệm với vợ con”, mặc nhiên đón nhận mọi sự quan tâm chăm sóc của vợ con.

Anh đã quen với việc đi làm về đã thấy chị có mặt ở nhà và chuẩn bị những bữa ăn hợp khẩu vị, không biết rằng khi đã xong việc nhà chị lại phải thức khuya làm nốt phần việc ở công ty, khi anh đã ngủ, chẳng bao giờ nhìn thấy những giọt mồ hôi nhọc nhằn của chị, không bao giờ chia sẻ nỗi lo lắng khi thiếu hụt tiền nong, không nhìn thấy vẻ cô đơn còm cõi của chị. Anh chỉ biết mọi người vẫn bảo là chị giỏi giang, tháo vát và có bản lĩnh, chị có thể làm tốt mọi việc một cách hoàn hảo. Bề ngoài đã đánh lừa mọi người. Chị là phụ nữ và cũng có những phút giây mềm yếu, những lúc muốn được chở che, được tựa vào vai một người đàn ông. Vậy mà mười mấy năm qua chị vẫn cố làm ra vẻ cứng rắn bởi vì nếu chị gục ngã thì cả gia đình cũng đổ sụp theo. Vô tình chị vừa là người đàn ông vừa là người đàn bà của gia đình.

Bạn bè bảo vì chị cứ ôm hết việc vào người nên Nam mới ỷ lại, cứ để đấy thì anh ấy khắc phải lo. Chị đã có lúc mặc kệ buông xuôi, đã có lúc bàn bạc việc nhà cùng anh, đã có lúc nói về sự cô đơn và chán chường của mình nhưng anh vẫn cho rằng chẳng có gì quan trọng, đàn bà mưa nắng thất thường, hôm nay cô ấy nói vậy nhưng ngày mai vẫn lo lắng việc nhà chu đáo. Anh vô tư sống cuộc sống nhàn hạ, không lo toan, vui vẻ cùng bạn bè. Còn chị vì không chịu được cảnh hai đứa con phải ăn uống thiếu thốn, ngôi nhà chật chội nên lại lao đi kiếm tiền. Chị cũng chẳng cần chồng mình phải làm ông nọ bà kia, cũng chẳng cần anh ấy phải mang về nhiều tiền như ai nhưng chị muốn được chồng mình hiểu và chia sẻ những nỗi lo toan trong cuộc sống gia đình, mà nỗi lo thì nhiều lắm. Nếu anh không thể bươn chải trong cuộc sống thì anh hãy là một điểm tựa tinh thần cho chị, chia sẻ những lo lắng của chị, cảm thông với nỗi vất vả của chị, chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ, một lời nói thôi, bấy nhiếu thôi cũng là đủ để chị đứng vững và làm việc cật lực.

Chị ước ao được như vợ chồng nhà người đàn bà bán hàng rong bên kia, mỗi chiều khi vợ quẩy gánh hàng về thì người chồng thương binh cụt một chân ra đỡ lấy và đưa cho vợ ly nước mát. Còn chị nếu có nhỡ đi làm về muộn, nhà cửa cơm nước không tươm tất thì anh đã vội cằn nhằn khó chịu như là chị vừa phạm một lỗi lầm ghê gớm.

Chị quá mệt mỏi và cô đơn vì cứ phải lầm lũi một mình gánh vác gia đình. Và cả những suy nghĩ, niềm khao khát từ lâu không được chồng chia sẻ đã làm tình yêu của chị dành cho anh không còn nữa. Và chị muốn chạy trốn, không phải giáp mặt với sự vô tâm đến mức ích kỷ của anh.

Nhưng những lời khuyên của người thân, sự im lặng cam chịu của hai đứa con một lần nữa khiến chị lại chùng tay.

Lam Hà

Yêu nàng mù bếp núc

Nhiều người bảo “biết nấu ăn ngon cũng giống như có thêm một lá bùa để giữ chồng”. Ngặt thay, ngày nay, không ít nàng coi thường tấm bùa hộ mạng này.

Đã yêu nhau rồi thì “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội”, vì thế mà chuyện phụ nữ tề gia, nội trợ ngày nay có lẽ được xem chỉ là… chuyện nhỏ. Đến ra mắt gia đình chàng, nhiều cô nàng đã phải đóng phim buồn, giọt ngắn, giọt dài, thậm chí phải chào thua vì gia đình người yêu quá xem trọng bữa cơm gia đình.

Chuyện nhỏ đắm tàu

Bảo Trân, nhân viên một công ty dược trên đường Trường Sơn, Q.10 tâm sự: ba mẹ bạn trai cô hơi khó tính nên ngày anh đưa cô về ra mắt gia đình, cô luôn chú ý từng cử chỉ của mình để ba mẹ anh vừa lòng. Nhưng Trân đâu ngờ ba mẹ anh muốn thử tài nấu nướng của cô. Mẹ anh rủ cô đi chợ, mặt cô cười tươi mà lòng thì đánh lô tô. Không hiểu cô lóng nga lóng ngóng thế nào mà lúc về nhà chặt thịt, nó cứ bay tứ tung. Đến phần nấu canh chua thì canh vừa mặn vừa chua, còn món thịt bò xào cứ dai nhách. Khi ăn, ba mẹ anh khen khéo làm cô ngượng đến mức muốn độn thổ. Thì ra cô cắt thịt bò sai thớ và xào quá lâu, canh chua thì quên cho đường. Sau lần đó, anh động viên cô học nấu ăn vì gia đình anh rất coi trọng chuyện nội trợ. Nhưng cô cũng tự bào chữa mình… không có thời gian. Sau vài tháng, cô về chơi nhà anh, thấy chuyện nấu ăn của cô vẫn như cũ, mẹ anh nói khéo để cô hiểu. Cuối cùng, không thắng nổi “chuyện nhỏ”, cô và anh nói lời chia tay. Cô chỉ còn biết trách chính mình kém chuyện bếp núc.

Không đến mức gặp gia đình bạn trai hơi khó tính, nhưng chị Bích Thuỷ, nhà ở chung cư Thanh Đa, Q.Bình Thạnh phải dở khóc, dở cười với người chồng kén ăn của mình. Cưới nhau về gần một năm mà vợ chồng chị cơm không lành, canh không ngọt cũng hết nửa năm vì mỗi chuyện cơm nước. Chị than, lúc yêu nhau cả hai thường xuyên ăn ngoài có nghe anh nói gì đâu? Nhưng lấy nhau chỉ một thời gian anh thấy ngán ngẩm vì cảnh thường xuyên phải dắt xe đèo vợ đi ăn, nay bún bò mai cháo, phở. Chị ấm ức, “nấu mệt anh ăn khen ngon còn thấy mát ruột mát gan, đằng này anh toàn chê là chê”. Tuy nói vậy nhưng chị cũng thấy lo lo, “chắc cũng phải nhờ bạn bè chỉ bí quyết nấu ăn để giữ chồng thôi, chứ không có ngày anh chán phở thèm cơm của người khác thì nguy lắm”, chị nói.

Tầm sư học nấu ăn

Anh Nhật Huy, nhà ở hẻm 575 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 cho biết cô người yêu của anh cái gì cũng được, riêng nấu ăn thì miễn bàn luận, nghĩa là cô không hề biết món gì khác ngoài mấy món sở trường: trứng luộc, rau luộc và trứng chiên. Trái lại, bố mẹ Nhật Huy là chủ quán ăn nên tài nấu nướng của anh cũng có tay nghề. Vì thế Huy tìm mọi cách để Thu Giang chịu học và tập nấu ăn, dù chỉ là các món ăn cơ bản trong bữa cơm gia đình. Lúc đầu cô nước mắt ngắn dài một phần vì tự ái, một phần vì quan niệm thời buổi bây giờ kiếm tiền mới quan trọng. Cô nghĩ: có tiền mướn người làm giúp, đi ăn ngoài cho khoẻ tội gì cả ngày cứ chúi mũi vào mấy chuyện nhỏ nhặt đó. Hai người suýt chút nữa thì chia tay. Khi mới bắt đầu học, cô nấu mà anh cứ chỉ tay 5 ngón, bảo phải làm cái này, cái nọ làm cô thêm bực. Lâu ngày Giang quen dần và thấy thú vị hơn vì nấu được món ăn ngon và còn được người yêu động viên khuyến khích.

Nếu như Thu Giang may mắn có người yêu biết nấu ăn để dạy cho mình thì Hải Duyên (hẻm 322 Lạc Long Quân, Q.Tân Bình) sau giờ đi làm về phải tất tả chạy đến Nhà văn hoá Phụ nữ học nấu ăn theo yêu cầu mà cũng là điều kiện của người yêu và gia đình. Duyên nói: phải chi hồi bé được bố mẹ kèm cặp chuyện nấu ăn cũng đỡ, lúc còn bé ở quê đã có mẹ lo hết. Vào thành phố học đại học, mẹ thương cô, giúp cô có cả người lo chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Giờ đây chuẩn bị lập gia đình, nấu ăn với cô là cả một vấn đề… không nhỏ. Vậy là  phải chịu khó học để trở thành dâu thảo, vợ hiền trong mắt anh và bố mẹ chồng.

Không nội trợ… vẫn hạnh phúc

Nghe chuyện những người bị điêu đứng chuyện tình duyên vì không thạo bếp núc, chị Hồng Nga tự hào khoe: “Con gái không biết nội trợ không có gì phải sợ ế. Nga không hề nấu ăn nhưng đã lập gia đình hơn 5 năm, sống chung với bố mẹ chồng mà vẫn hạnh phúc”. Chị là người rất sành ăn, có thể nhận xét món ăn này thiếu gia vị gì, thêm gì cho ngon nhưng lại là người không bao giờ chịu vào bếp cho dù chỉ để nấu một vài món ăn đơn giản. Lúc mới về gia đình chồng, ba mẹ chồng chị cũng lời nặng, tiếng nhẹ nhưng chị đã có bí quyết riêng để gia đình hạnh phúc. Bù cho những “yếu kém” đó, chị luôn quan tâm đến mọi người trong nhà và luôn sống vui vẻ. Không nấu ăn được nên chị thường mua những món ngon cho bữa cơm. Chị  thủ thỉ với mẹ chồng giúp để chị có thời gian kiếm tiền và lo cho con cái hơn.

Trường hợp như chị Hồng Nga, có lẽ không phải là hiếm trong cuộc sống ngày nay nhưng để được chồng và bố mẹ chồng thông cảm, san sẻ công việc gia đình thì còn tuỳ thuộc vào mỗi gia đình, mỗi người. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, người phụ nữ dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Các bạn gái trẻ nếu biết thêm công việc bếp núc, chợ búa và chăm sóc gia đình thì vẫn không bao giờ thừa vì nó luôn là thiên chức của người vợ và người mẹ.

QUỲNH NHƯ

Con đầu lòng, con giữa và con út

Ðứa con đầu lòng bao giờ cũng đem lại cho đôi vợ chồng trẻ niềm hạnh phúc to lớn. Nếu cưới nhau đã lâu, hai vợ chồng đã lớn tuổi, mới sinh được con muộn thì đứa con đó lại càng quý.

Con đầu lòng

Người xưa hay chúc tụng vợ chồng đó bằng câu “lão bạng sinh châu” (con trai đã già mà còn sinh được ngọc). Trong một đại gia đình, nhiều anh em, người nào có con đầu lòng đầu tiên thì đứa con đó sẽ được các chú, bác yêu chuộng gấp bội. Nhiều gia đình cho rằng có đứa con sẽ làm cho tình cảm gia đình bền chặt, thắm thiết hơn. Trong các gia đình Á Ðông, phong tục trọng nam khinh nữ còn nặng, đứa con đầu lòng là con trai thường được quý hơn con gái. Có con đầu lòng là con trai coi như dòng họ đã có người nối dõi tông đường. Trong một xã hội mà gia đình chỉ có một con như xã hội Trung Quốc, việc sinh con trai đầu lòng lại càng quan trọng.

Con đầu lòng cũng là nạn nhân của sự thiếu kinh nghiệm của cha mẹ, do mới sinh lần đầu. Do vị trí đặc biệt trong gia đình, con đầu lòng vừa là niềm hy vọng vừa là chỗ dựa của cha mẹ. Cha mẹ thường giao cho nó trách nhiệm coi sóc và làm gương cho các em. Giúp đỡ cha mẹ, làm “anh hai” (hay “chị hai”) của các em, là điều tự nhiên và hợp lẽ nhất trong các gia đình lao động nghèo và neo đơn. Nhưng các nhà giáo dục và tâm ý học khuyên các bậc cha mẹ không nên quên rằng các cháu đầu lòng dẫu sao cũng là những đứa trẻ như những đứa trẻ khác, nếu có điều kiện hãy để cho nó được sống tuổi thơ ngây của nó. Tuổi thơ ngây, đời người chỉ có một lần, thật đáng tiếc là trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta, các cháu bắt buộc phải già trước tuổi, và nếu có thể thì cha mẹ không nên làm cho chúng già thêm.

Con giữa

Ðứa (hoặc những đứa) con giữa – tức là giữa anh cả và em út – có vị trí bình thường hơn, ít đặc biệt hơn. Nó có thuận lợi là có thể “liên minh” hoặc với anh cả hoặc với em út, tuỳ theo trường hợp. Nhưng các nhà tâm lý lại cho rằng chính đứa con (hoặc những đứa con) ở giữa là những đứa mà cha mẹ thường ít quan tâm hơn. Cháu không có đặc quyền của con đầu lòng cũng như của con út. Nếu cha mẹ không chú ý thì nó sẽ cảm thấy ít được yêu thương và không quan trọng bằng những đứa khác. Nó sẽ tự co mình lại, dồn nén tình cảm hoặc tìm cách để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Nhưng mặt khác, cũng có khía cạnh tích cực trong vị trí này: ít được cha mẹ chú ý có nghĩa là sẽ ít chịu áp lực hơn. Nó dễ có nhiều quan hệ tốt với mọi người, có thể đóng vai trò người hoà giải và xoa dịu những bất đồng hàng ngày trong anh em.

Con út

Cha mẹ thường có xu hướng cho nó là “bé” ngay đến lúc nó không còn bé nữa, coi nó là “thằng nhỏ” còn những đứa khác là “thằng lớn”. Ðặc biệt là khi cha mẹ đã quyết định thôi sinh đẻ thì thằng út dù lớn đến đâu cũng được coi là đứa bé nhất. Sự nuông chiều đặc biệt của cha mẹ và các anh chị lớn thường là nguyên nhân hư hỏng của nhiều con út. Nhưng nhiều khi ngược lại, có không ít phân bì ganh tỵ từ phía anh chị lớn. Thương yêu con thì cha mẹ phải đòi hỏi ở con như những đứa khác và giao cho nó những trách nhiệm tuỳ theo lứa tuổi, tạo điều kiện phát triển bình thường như các anh chị nó.

Con sinh đôi

Ðối với những đứa con sinh đôi (hay sinh ba), người ta khuyên cha mẹ nên coi các cháu như anh em, chị em bình thường không hơn, không kém. Ðiều đó có nghĩa là mỗi cháu sẽ trưởng thành bình thường, phát triển nhân cách riêng của mình mà không lệ thuộc người anh em song sinh. Nếu các cháu muốn sống chung, chơi chung với nhau thì cha mẹ không nên bắt buộc các cháu phải tách ra, nhưng nên khuyến khích các cháu sống tự lập, mỗi đứa tìm lấy con đường phát triển riêng của mình và có các bạn riêng. Không nên nhấn mạnh sự giống nhau giữa các cháu. Phải gọi chúng bằng tên riêng của mỗi đứa. Phải chú ý đến đặc điểm của từng đứa. Thí dụ: “Con biết rõ hoa lá, con hái cho mẹ một bông hoa…”, còn “con thích bơi cuối tuần sẽ về nhà dì ba để bơi…”. Tuyệt đối không nên cho hai đứa hai cái áo, một cái bánh như nhau, cùng một lúc. Trái lại, phải chú ý đến tính tình của từng đứa, như thế các cháu sẽ thấy cha mẹ yêu mình hơn.

Anh Tuấn

Lấy nhau rồi mới biết…

Ngày cưới, bạn bè mừng vì anh lấy được người con gái xinh đẹp, dịu dàng. Ba mẹ anh vốn khó tính nhưng cũng hài lòng với con dâu. Nào ngờ, cưới nhau chưa đầy ba tháng, vợ chồng anh đã ra tòa ly hôn. Cả hai thuận tình ly hôn, lý do đưa ra là “không hợp nhau”.

Nhưng, nguyên nhân thực sự là do họ thất vọng về nhau ngay từ những ngày đầu chung sống. Cũng vì khi yêu, ai cũng cố tạo cho mình vẻ ngoài thật hoàn hảo…
Vợ làm biếng
Lấy nhau rồi mới biết vợ làm biếng – Ảnh minh họa
Lấy nhau rồi anh mới biết, vợ mình lười nhác và thích đùn đẩy việc cho người khác. Ngày trước, khi còn yêu, nhà anh có việc gì cô đều về phụ giúp nhiệt tình, thể hiện mình là người đảm đang, khéo léo. Anh tự hào về vợ và cảm thấy mình may mắn. Nhưng, sau ngày cưới, những ngày giỗ chạp, vợ anh luôn tìm cách trốn việc, kiếm cớ để khỏi tham gia hoặc đến thật trễ, khi cỗ bàn đã xong xuôi. Áo quần bẩn của hai vợ chồng, cô dồn thành từng đống, anh thấy chướng tai gai mắt thì tự đi mà giặt. Nhà cửa bừa bộn cô cũng không thèm dọn dẹp, chỉ thích ngủ khi rảnh rỗi. Những bữa cơm gia đình trở nên nặng nề khi vợ nấu những món không thể nuốt nổi, anh kêu ca thì bị dội ngay gáo nước lạnh “tháng đưa có nhiêu tiền mà đòi hỏi này nọ”…
Còn vợ anh, ngày mới quen, nghe anh giới thiệu đang làm tại dự án X, cô đã nhẩm tính ngay tiền lương hàng tháng của anh và rất hài lòng. Lúc đó, có anh chàng đang làm hải quan ngấp nghé nhưng cô không thèm để ý. Vì vậy, khi nhận tháng lương đầu tiên từ tay chồng, cô suýt xỉu vì vỏn vẹn chưa đầy bốn triệu. Hình ảnh người đàn ông tháo vát, giỏi kiếm tiền của chồng sụp đổ thê thảm. Trái tim cô lại nghĩ về anh chàng nọ và hối tiếc vì sự lựa chọn của mình.

Chỉ chừng ấy thôi đã khiến vợ chồng anh thất vọng về nhau, không ngừng tung hê những cái xấu của nhau ra ngoài. Vợ anh công khai nhắn tin hò hẹn với người tình cũ, anh tìm đến rượu để giải sầu. Tổ ấm nhỏ vừa xây hoang tàn lạnh lẽo…

Giá như hai người chịu tìm hiểu kỹ trước khi cưới thì đâu đến nỗi phải “vỡ mộng” nhanh đến vậy…
Theo PNO

Chọn gia đình hay sự nghiệp?

Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ đôi khi phải đứng trước sự chọn lựa: gia đình hay sự nghiệp. Và sự chọn lựa nào cũng có cái giá phải trả dù nhiều hay ít.

1. Trước kia vì hoàn cảnh gia đình, chị Bích Ngọc học hết cấp 3 rồi phải đi làm để phụ giúp gia đình. Anh Minh, chồng chị làm công nhân trong xưởng mộc, văn hoá chỉ tới cấp 2. Ðược cơ quan khuyến khích, chị thi vào đại học khi đứa con thứ ba tròn 5 tuổi.

Trong thời gian vừa học vừa làm, chị được sự giúp đỡ nhiệt tình của chồng vì theo anh “con cái ngày càng lớn, cha mẹ cần phải có văn hoá kha khá mới dạy được con”. Tưởng như thế là đã đủ cho một gia đình hạnh phúc, thế nhưng một năm sau ngày tốt nghiệp đại học, chị quyết định ra nước ngoài học lấy bằng cao hơn để “cống hiến được nhiều hơn cho xã hội”. Ngày tiễn vợ lên đường, anh Minh thở dài ngao ngán. Không phải anh là người ích kỷ nhưng theo anh, người phụ nữ dù giỏi giang đến đâu, dù có làm bà này bà nọ ngoài xã hội vẫn phải xem gia đình là trọng khi hai đứa con đang tuổi mới lớn rất cần bàn tay chăm sóc giáo dục của người mẹ.

Vì cha mẹ hai bên đều còn ở quê, thế nên anh vừa phải đi làm kiếm tiền vừa kiêm luôn việc dạy dỗ ba đứa trẻ. Anh nói: “Cực khổ vì mưu sinh tôi không ngại nhưng để dạy bọn trẻ nên người, theo tôi đó mới là chuyện “đại sự”. Tôi học ít, lo quần quật kiếm tiền, thời gian đâu có nhiều để theo sát mấy đứa nhỏ, nhất là hai đứa con gái đầu lòng. Ở tuổi này chuyện riêng tư gì nó đâu có nói với tôi”.

Hơn hai năm xa gia đình, ngày trở về cũng là ngày chị biết một sự thật đau lòng: hai đứa con gái bỏ học theo đám bạn ăn chơi lêu lổng, thằng con trai thì cứ hai năm một lớp. Chị trách móc anh không biết dạy dỗ con cái nên người, anh bảo hậu quả này do chị gây ra bởi chị chỉ nghĩ đến sự thành đạt của mình mà lơ là trách nhiệm làm mẹ. Không ai chịu ai, hai vợ chồng cãi nhau suốt ngày. Cuối cùng anh đành khăn gói ra đi bởi không “đấu lại trình độ lý luận sắc bén của vợ”, điều này đồng nghĩa với chuyện con cái không ra gì là tại anh.

2. Chị Thu Ba là người không nhanh nhẹn cũng không thông minh, nhưng cái cần mẫn, chăm chỉ đã giúp chị vượt qua 4 năm đại học một cách dễ dàng.

Trở về nhiệm sở cũ công tác thêm hai năm, chị được cơ quan ưu ái cho cái học bổng ở Thái Lan. Nhiều người trong cơ quan bàn tán, đa phần là phản đối. Không phải vì họ ghen tỵ mà vì chị “không có năng lực, học làm chi cho tốn tiền, phí thời gian” và “hai vợ chồng đang lục đục, chị cần ở nhà để củng cố tình cảm chứ đi vài năm e mất chồng”… Với mong muốn bằng chị bằng em, Thu Ba gạt bỏ mọi trở ngại quyết tâm lên đường du học.

Ðối với người ta, thời gian học hành ở xứ người cực một, còn chị phải cực tới… hai lần. Bởi vốn liếng tiếng Anh không khá, lên giảng đường nghe tiếng được tiếng mất. Ðể khắc phục, chị phải thu băng tất cả lời giảng của giáo viên, tối rã băng nghe lại, phải tra tự điển từng từ, ráp nối câu cú. Dù cố gắng cách mấy thì cũng câu được câu mất. Ðã thế lớp học không có người Việt nào cả, vì thế việc trao đổi thông tin bài vở với nhau cũng hạn chế. Ðêm nào cũng vậy chị thức đến 3 – 4 giờ sáng, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Ðầu óc chị lúc nào cũng chỉ có một chữ học. Nó ám ảnh đến nỗi năm học thứ nhất vừa chấm dứt thì chị mắc luôn chứng bệnh tâm thần nhẹ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn trong 6 tháng.

Tiếc công “gieo hạt gần tới ngày gặt hái”, chị vẫn tiếp tục học bất chấp lời khuyên của bác sĩ. Lần này còn dữ dội hơn bởi phải hoàn thành bài luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Căng thẳng quá, thế là chị “bứt” luôn, trở nên người ngớ ngẩn phải bỏ ngang việc học về nước. Ở nhà, chồng chị đã có người phụ nữ khác. Mất chồng, việc làm cũng chẳng còn, chị phải về sống nương tựa vào ba má và mấy đứa em.

 

3. Khi con trai Minh Nhật được 6 tháng tuổi, hai vợ chồng chị Ánh Hồng gửi con cho ông bà nội để lên đường du học, anh học tại Mỹ còn chị làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Bốn năm ở nước ngoài, hai lần về phép thăm gia đình vỏn vẹn 30 ngày. Ra trường, chồng chị trở về nước nhận công tác còn chị nhận lời mời cộng tác với một công ty tầm cỡ quốc tế bên đó ba năm. Thời gian xa cách đủ để chồng chị có vợ khác. Ðứa con trai sau bao nhiêu năm thiếu thốn tình mẫu tử nay được bù đắp từ bà mẹ kế.

Vì vậy khi chị trở về, đứa bé không gọi chị bằng mẹ, mà cái từ thiêng liêng này nó dành cho bà mẹ kế, người đã thương yêu chăm sóc nó trong những năm qua. Rất đau khổ nhưng chị không nỡ tách con mình ra khỏi cái nôi hạnh phúc mà nó đang hưởng.

4. Bạn tôi tháng trước nhận được học bổng nghiên cứu sinh ở Mỹ, chị đã mạnh dạn từ chối. Bởi theo chị, kiến thức có thể đến bằng nhiều con đường một khi mình có chí cầu tiến. Vả lại chị đang có hai cô con gái đang tuổi mới lớn cần có mẹ ở kế bên chăm sóc dạy dỗ. Không chút băn khoăn tiếc nuối về quyết định này, chị cho biết: “Mặc dù vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong xã hội, nhưng vai trò “nội tướng” vẫn được coi là nghĩa vụ quan trọng nhất của người phụ nữ. Vì vậy một khi mình thấy không thể chu toàn cả công việc xã hội lẫn gia đình một cách tốt nhất, là người phụ nữ, mình chấp nhận hy sinh cho gia đình.

Quyết định trên của chị bạn tôi chưa chắc đúng nhưng cũng có thể giúp bạn tham khảo, cân nhắc trước khi chọn lựa: sự nghiệp hay gia đình?

Ý HẢO

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được đổi

Khổ vì gia đình vợ

Dường như chuyện các cô con dâu “ngại” gia đình chồng đã là chuyện bình thường, chẳng có gì để nói, riêng tôi – một người con rể – lại thấy “ngán” gia đình bên vợ. Nói cho ngay, chẳng riêng gì tôi mà chính vợ tôi cũng có vẻ ái ngại với những người thân của mình.

Gia đình vợ có tất cả năm người con, trong đó, bốn người đã lập gia đình, vợ tôi là trưởng nữ. Khách quan mà nói, vợ chồng tôi làm ăn tương đối “ngon lành” nhất. Theo quy ước mỗi tháng, bốn cặp vợ chồng đều gửi cho bố mẹ vợ của tôi một số tiền để lo cho ông bà và lo cho thằng em út đang đi học, số tiền đó tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi người. Chuyện đó là phải đạo, chẳng có gì đáng phàn nàn. Thế nhưng, cứ lâu lâu, tôi lại được ba vợ hỏi mượn tiền. Kể từ khi về hưu, chẳng biết có phải do rảnh rang mà ông bỗng sinh tật đỏ đen, ghiền đánh số đề như điếu đổ. Thỉnh thoảng ông cũng trúng, số tiền trúng ấy chẳng đáng là bao. Mấy người em vợ của tôi lúc đầu cũng dấm dúi cho ông chút đỉnh, nhưng về sau, họ nại lý do làm ăn thất bại, khó khăn này nọ để từ chối sự đòi hỏi liên tục của ông. Vợ tôi cũng biết điều đó, tội nghiệp, dù rất bực mình nhưng cô ấy chỉ biết khóc, biết ba mình làm như thế là sai trái nhưng con cái làm sao dám “góp ý” ? Mà ông nhạc khi cần tiền chỉ toàn gặp riêng tôi để hỏi chứ không hề nói qua vợ tôi. Ðã thế làm sao tôi dám từ chối ?

Chưa hết. Thằng em út của nàng vốn ham chơi hơn ham học. Nghĩ dù sao cũng là người một nhà nên tôi không tiếc những món tiền nho nhỏ lâu lâu dúi cho “cậu út” khi thì để đi sinh nhật bạn, lúc thì để đóng tiền học. Là đàn ông, tôi rất thông cảm với nó – một thanh niên mới lớn có biết bao nhiêu nhu cầu để tiêu xài. Thế nhưng nó chẳng biết nghĩ cho tôi mà thậm chí có lần còn đến tìm tôi với chiếc xe gần như nát bét để “mượn” tiền sửa lại, sợ về nhà sẽ bị mẹ mắng. Tôi thừa biết thói quen lạng lách của “cậu út” nên dù bực mình nhưng vẫn bấm bụng móc ra cho nó vài trăm ngàn kèm theo lời hứa sẽ không méc chị nó vì nó biết tính vợ tôi vốn nghiêm khắc, nếu biết được sẽ làm cho nó một trận ra trò.

Mới đây cô em kế của vợ tôi đến hỏi mượn một số tiền khá lớn để hùn hạp làm ăn gì đó và hứa hẹn sẽ trả “cả gốc lẫn lời” khi công việc đã xong đâu vào đấy. Biết chắc món tiền đó nếu cho mượn cũng sẽ một đi không trở lại hoặc có lấy lại cũng trầy vi tróc vẩy như những lần trước đây vợ tôi từ chối với lý do chúng tôi sắp sửa sang lại căn nhà nên không thể cho mượn. Vì giận hai vợ chồng tôi nên gặp ai cô em vợ đều nói: “Ổng bả giàu như vậy mà khi em út có chuyện cần đến nhờ vả một chút cũng không được. Tình nghĩa anh em đâu chẳng thấy”. Nghe vậy, vợ tôi giận lắm định gặp hai vợ chồng cô em mắng cho một trận, thà là “mất lòng trước được lòng sau”; cũng may mà tôi biết nên ngăn lại kịp.

Tôi quan niệm chẳng thà cho luôn chứ nói tiếng “mượn” mất công người cho mượn cứ nghĩ đến lúc trả. Mà phải đâu tôi chưa cho bao giờ? Cứ mỗi khi có người em nào của vợ có con bệnh, gia đình cần tiền gì đó là vợ chồng tôi lại bàn với nhau giúp cho một ít mà không hề mong được trả lại, nói gì đến chuyện ơn nghĩa. Với mỗi người, lập gia đình riêng đâu phải là đã đặt dấu chấm hết với những mối quan hệ ruột thịt máu mủ của mình, vợ tôi cũng cần sống với gia đình mình, tôi hiểu điều đó nhưng thú thật mỗi khi nghĩ đến những người thân của vợ, tôi chỉ thấy… sợ. Nhưng chẳng lẽ tôi bảo vợ mình đừng qua lại với họ nữa? Vợ tôi là một người giàu lòng tự trọng, nàng cũng rất hay tự ái nên việc gia đình mình “quấy rầy” tôi như thế thật sự làm mất mặt dù tôi không tỏ ra phân biệt “nhà em” hay “nhà anh” gì cả. Những rắc rối, hục hặc nho nhỏ như thế liên tục xảy ra giữa chúng tôi, vợ tôi bực mình vì gia đình mình, còn tôi bực mình vì những điều bức xúc nhưng không tiện nói ra.

Với không ít người, tiền là một công cụ để người ta làm đẹp lòng nhau nhưng với tôi, tiền chẳng khác nào một con dao hai lưỡi, sẵn sàng cắt đứt tình nghĩa giữa những ai không khéo cư xử. Tôi không muốn kể xấu gia đình vợ bởi tính tôi vốn chẳng nhỏ nhen, hẹp hòi nhưng trong một số trường hợp, chính quan niệm “cái gì của anh cũng là của em” đã hại tôi. Tôi không tiếc tiền mà chỉ khó chịu vì cảm giác bị làm phiền, bị lợi dụng lòng tốt quá nhiều. Nếu tôi là con ruột hẳn không có gì để bàn, nhưng đằng này, ở vào vị trí con rể tôi rất sợ “há miệng mắc quai”, sợ bị quy chụp vào cái tội bủn xỉn, hà tiện với gia đình vợ trong khi thực tâm tôi nào phải thế. Hơn nữa, nếu nói ra “xấu chàng” thì “hổ thiếp” chứ có được gì.

Tôi không biết mình còn phải sống trong tình trạng này đến bao giờ nữa…

V. N. T. L

Đòn ghen

Thanh suýt làm rơi điện thoại khi đọc tin nhắn mới được gửi đến từ một địa chỉ mail lạ. Vậy là việc Thanh và Dũng có quan hệ với nhau đã bị vợ Dũng phát hiện.

Đòn ghen
Vậy là việc Thanh và Dũng có quan hệ với nhau đã bị vợ Dũng phát hiện.

Là sinh viên trường nghệ thuật với ngoại hình xinh đẹp, ngoài giờ học, Thanh làm thêm công việc hướng dẫn viên cho một công ty du lịch rồi quen Dũng trong chuyến đi Quảng Ninh. Vẻ ngoài lịch thiệp, hào nhoáng và từng trải của người đàn ông thành đạt đã gây ấn tượng mạnh với Thanh. Trở về sau chuyến đi, Dũng thường xuyên liên lạc và thể hiện những hành động quan tâm khiến Thanh dù biết anh đã có gia đình mà không cưỡng lại được. Cô trở thành vợ bé chỉ để được bên anh. Đổi lại, Dũng chu cấp cho cô một cuộc sống đầy đủ. Mỗi tuần anh đến chung cư Thanh sống 3 lần, thỉnh thoảng đưa cô đi dự tiệc.

Cách đây không lâu, Dũng dẫn Thanh đến một nhà hàng nhỏ vùng ngoại thành. Đợi họ đã có 3 người đàn ông khác được Dũng giới thiệu là đối tác công ty. Bữa cơm diễn ra được nửa chừng thì Dũng có điện thoại. Anh cáo lỗi vì nhà có việc gấp, song nói rằng sẽ quay lại ngay. Có chút hẫng hụt nhưng vì là đang làm việc với đối tác nên Thanh vui vẻ ngồi lại. Không còn Dũng, những người đàn ông ấy trở nên bạo dạn hơn, họ nói cười vui vẻ, liên tục khen ngợi và buông lời tán tỉnh. Dù đã chuếnh choáng nhưng vì khó từ chối, Thanh vẫn phải uống cạn ly rượu mạnh những người đàn ông ấy mời. Chợt cô thấy trước mắt tối sầm, đổ gục xuống bàn và chỉ lờ mờ cảm nhận được cơ thể mình bị nhấc bổng lên.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, cô hoảng loạn khi thấy mình không mảnh vải che thân trong căn phòng lạ, ba người đàn ông kia đã biến mất. Suốt quãng thời gian sau cô đau đớn và nhục nhã. Đã mấy lần cô định nói cho Dũng biết nhưng khi nghe anh nói “đó là đối tác rất quan trọng” thì cô lại im bặt. Cũng bởi cô sợ khi anh biết chuyện sẽ không tin, hoặc có thể sẽ ghê tởm mà bỏ rơi cô.

Nội dung tin nhắn và file ảnh mà cô nhận được ngày hôm nay còn làm cô sợ hãi hơn. Những tấm ảnh chụp cô lõa lồ bên ba người đàn ông trong đủ mọi tư thế, có cả ảnh chụp bố mẹ và nhà cô dưới quê được gửi đến điện thoại kèm tin nhắn: “Hoặc chấm dứt với chồng tôi, hoặc cô sẽ được làm người nổi tiếng!”.

Toàn thân cô run lên, đau đớn và sợ hãi lấn át lý trí. Cô gọi cho Dũng nhưng không được. Bây giờ cô biết phải làm sao? Cô không thể báo công an bởi như vậy mọi chuyện sẽ vỡ lở, càng không dám tưởng tượng đến cảnh những tấm hình đáng ghê tởm ấy bị phát tán khắp nơi…
Theo Dân Trí

Khi tình cảm bắt đầu chông chênh

Trúc là giáo viên, chồng cô là một nhà kinh doanh lớn. Hai công việc của họ hoàn toàn độc lập nhau. Chuyện ai nấy làm nên vợ chồng chưa hề có mâu thuẫn trong công việc. Nhưng có phải vì việc ai nấy làm mà chồng của Trúc lại thực hiện luôn “tiền ai nấy giữ”? Hàng tháng, anh quy định đưa Trúc một số tiền vừa đủ chi tiêu trong gia đình mà anh đã ngầm cộng luôn tiền lương của Trúc vào.

Chông chênh
Chông chênh

Ban đầu, Trúc rất buồn nhưng rồi cô cũng dần quen. Vốn giàu lòng tự trọng, lại dễ tự ái, nên Trúc chẳng buồn bàn bạc vấn đề này với chồng nữa. Có lần, trong tháng đó, cô chưa kịp lãnh lương, mà số tiền chồng đưa hàng tháng thì đã hết, cô hỏi “mượn” chồng 500.000đ. Anh ta đưa mà vẻ mặt không được vui, lại còn hạch hỏi vài câu. Trúc giận quá. Ngay hôm sau, Trúc đi mượn tiền bạn trả lại cho chồng. Ðiều Trúc hơi bất ngờ là chồng cô đã đưa tay nhận lại số tiền ấy. Nỗi buồn càng lan rộng trong lòng Trúc. Tình yêu, lòng tôn trọng chồng hình như cũng vơi đi.
Trúc tâm sự với Mai, một người bạn thân, cùng là giáo viên trong trường. Mai tỏ vẻ ngạc nhiên. Gia đình của Mai cũng gần giống như Trúc, nhưng chồng cô đưa hết tiền bạc cho cô cất giữ. Thậm chí, chồng Mai, tuy làm ra nhiều tiền, nhưng hễ cần chi tiêu những khoản lớn nào đều hỏi Mai. Việc hàng tháng chu cấp cho cha mẹ chồng, cũng có sự bàn bạc, thoả thuận của cả hai vợ chồng. Trúc chạnh nghĩ tới hoàn cảnh mình, Trúc biết chồng mình nuôi cả nhà nhưng chưa bao giờ cô được biết cụ thể chút gì. Thực ra, Trúc chưa bao giờ có ý suy tính thiệt hơn với nhà chồng, nhưng việc Trúc không hề được biết sự gì đã khiến cô tủi thân. Mai chợt hỏi: “Có khi nào ổng cất giữ tiền để nuôi bồ nhí?”. Trúc giật mình, nghe nhói trong lòng. Mai kiên quyết: “Bạn phải đưa vấn đề ra, người vợ cất giữ tiền bạc là điều hợp lý, bình thường. Trừ phi vợ hoang phí, hoặc cờ bạc thì chồng mới cất giữ tiền. Nhưng bạn đâu phải là hạng đàn bà đó. Bạn còn quá tốt nữa là đàng khác. Kiểu sống như vậy là không bình thường đó. Cần phải xem lại, điều chỉnh lại!”.

Những lời nói của Mai làm Trúc suy nghĩ nhiều. Nhưng rồi cô chỉ biết im lặng chấp nhận sự việc. Trúc là người phụ nữ nhu mì, quen chịu đựng, sợ giông bão trong nhà. Trúc biết tính khí chồng nóng như lửa khó lòng mà có được cuộc trò chuyện ra đầu ra đũa… Hơn nữa, xưa nay, giữa vợ chồng chưa bao giờ cãi nhau về chuyện tiền bạc. Trúc vốn rất quý trọng đồng tiền, cô rất tiết kiệm trong chi tiêu, thế nhưng cô không bao giờ đặt đồng tiền lên trên tình cảm, trên giá trị con người. Cuộc sống gia đình cô vẫn tiếp tục như vậy, cô đành chấp nhận.
Có điều, tự đáy lòng, cô luôn cảm thấy buồn, cảm thấy mình không được tôn trọng, cảm thấy bất an về chồng. Và điều kinh khủng nhất là cô cảm thấy… dường như quan hệ giữa cô và chồng có cái gì đó chông chênh…

ÁI QUÊ

Người đàn ông muốn có con ngoài giá thú

Gửi các anh chị.
Thật sư giờ em đang rối bời không biết phải làm gì để thoát ra hoàn cảnh này.
Em xin nêu ngắn gọn như thế này.
Em đã có người yêu được 5 năm. Sau khi ra trường, cả 2 đều đang dần ổn dịnh công việc và dự định đi đến hôn nhân.
Nhưng trớ trêu thay, trong khoảng thời gian này, em bị 1 người đồng nghiệp cưỡng hiếp.
Anh ta đã có vợ và vợ chồng anh ta khá thân với em và người yêu của em.
Nếu chuyện diễn ra 1 lần thôi thì em ngậm miệng mà bỏ qua.
Nhưng do tính chất công việc phải thường xuyên đi công tác và anh ta cứ viện lí do để gặp em.
Em đã cố gắng để chuyện đó không xảy ra nữa. Nhưng những lần đi công tác đó, anh ta buông những lời nói em nghe mà rất bàng hoàng. Anh ta muốn em có con với anh ta.
Giờ em rất muốn tố anh ta ra ánh sáng nhưng nếu sự việc vỡ lỡ thì em thấy có lỗi với vợ anh ta va hạnh phúc của em sẽ biến mất.
Em đã nhiều lần muốn nghỉ việc nhưng cứ đắn đo mãi.
Nhờ anh chị cho em lời khuyên ạ.
Tâm sự của bạn Ch. Tran xin lời khuyên.