Gánh nặng của người vừa làm chồng vừa làm vợ

Thế là một lần nữa người ta thấy anh chị cùng nhau ra tòa. Và không ai – kể cả người “trong cuộc” và các vị thẩm phán- nhớ được đây là lần thứ bao nhiêu. Cứ mỗi lần đến phút cuối cùng chuẩn bị đặt bút ký cho chia ly, sự tự do hay gì gì… đó nữa theo cách cảm nhận của mỗi người là anh lại nằn nì xin chị nghĩ lại, quay trở về.

Họ hàng bên nội bên ngoại cũng vào cuộc và lý do ai cũng đưa ra để thuyết phục chị xé bỏ đơn ly hôn là “Nam (chồng chị ) có lỗi gì? Thời buổi này có được người chồng như nó là phúc lắm rồi, tứ đổ tường không dính vào cái nào hết. Người ta được ông chồng như vậy đã là mãn nguyện lắm, con còn đòi hỏi gì nữa?”. Ngay cả ba má của chị cũng hiểu nỗi khổ tâm của con lắm, thương con nhưng vẫn khuyên chị “chín bỏ làm mười, ở đời chẳng có cái gì trọn vẹn hết”. Khuyên không được, hai cụ lại đâm ra giận chị. Thế là chị không còn một ai có thể cảm thông, đã cô đơn rồi lại càng cảm thấy cô đơn hơn.

Anh tốt nghiệp đại học và từ ngày ra trường yên vị với cái chức nhân viên phòng kế toán. Còn chị thì mới học xong cao đẳng sư phạm. Ước mơ được làm cô giáo đã có từ tuổi ấu thơ nhưng sau đám cưới và một đứa con ra đời: chưa có chỗ ở, con ốm đau, đồng lương ít ỏi không đủ sống một tuần… đã khiến chị phải bỏ nghề, bươn chải thử tìm đủ việc để mong vực được cuộc sống gia đình. Ngày tháng trôi đi, chồng chị cứ sáng xách ô đi chiều xách ô về, ở cơ quan làm đúng một việc từ ngày ra trường, không học thêm, không phấn đấu. Ở nhà anh chưa bao giờ nhìn thấy một việc gì trong nhà đang cần có đôi tay của anh, chưa bao giờ anh giúp chị điều gì: từ sửa lại cái bóng đèn đến nấu nướng, giặt giũ… bởi vì theo anh “cô ấy đảm đang lắm, mọi việc đâu vào đó”. Lương tháng anh giữ để tiêu vặt và thỉnh thoảng bù khú với bạn bè vì nghĩ cũng chẳng cần đưa cho chị bởi “cô ấy còn kiếm được nhiều tiền hơn tôi nhiều, mọi việc trong nhà đã có cô ấy lo”. Cứ thế, chị thì tất bật, bươn chải và kiệt sức vì mệt nhọc, cố gắng vun vén cho cái gia đình chung, lo lắng cho hai con được học hành. Anh bao giờ cũng ung dung nhàn nhã, xem ti vi, đọc báo chờ bữa cơm chị dọn ra. Anh tồn tại như “một ông chồng không có thói xấu nhưng cũng không có trách nhiệm với vợ con”, mặc nhiên đón nhận mọi sự quan tâm chăm sóc của vợ con.

Anh đã quen với việc đi làm về đã thấy chị có mặt ở nhà và chuẩn bị những bữa ăn hợp khẩu vị, không biết rằng khi đã xong việc nhà chị lại phải thức khuya làm nốt phần việc ở công ty, khi anh đã ngủ, chẳng bao giờ nhìn thấy những giọt mồ hôi nhọc nhằn của chị, không bao giờ chia sẻ nỗi lo lắng khi thiếu hụt tiền nong, không nhìn thấy vẻ cô đơn còm cõi của chị. Anh chỉ biết mọi người vẫn bảo là chị giỏi giang, tháo vát và có bản lĩnh, chị có thể làm tốt mọi việc một cách hoàn hảo. Bề ngoài đã đánh lừa mọi người. Chị là phụ nữ và cũng có những phút giây mềm yếu, những lúc muốn được chở che, được tựa vào vai một người đàn ông. Vậy mà mười mấy năm qua chị vẫn cố làm ra vẻ cứng rắn bởi vì nếu chị gục ngã thì cả gia đình cũng đổ sụp theo. Vô tình chị vừa là người đàn ông vừa là người đàn bà của gia đình.

Bạn bè bảo vì chị cứ ôm hết việc vào người nên Nam mới ỷ lại, cứ để đấy thì anh ấy khắc phải lo. Chị đã có lúc mặc kệ buông xuôi, đã có lúc bàn bạc việc nhà cùng anh, đã có lúc nói về sự cô đơn và chán chường của mình nhưng anh vẫn cho rằng chẳng có gì quan trọng, đàn bà mưa nắng thất thường, hôm nay cô ấy nói vậy nhưng ngày mai vẫn lo lắng việc nhà chu đáo. Anh vô tư sống cuộc sống nhàn hạ, không lo toan, vui vẻ cùng bạn bè. Còn chị vì không chịu được cảnh hai đứa con phải ăn uống thiếu thốn, ngôi nhà chật chội nên lại lao đi kiếm tiền. Chị cũng chẳng cần chồng mình phải làm ông nọ bà kia, cũng chẳng cần anh ấy phải mang về nhiều tiền như ai nhưng chị muốn được chồng mình hiểu và chia sẻ những nỗi lo toan trong cuộc sống gia đình, mà nỗi lo thì nhiều lắm. Nếu anh không thể bươn chải trong cuộc sống thì anh hãy là một điểm tựa tinh thần cho chị, chia sẻ những lo lắng của chị, cảm thông với nỗi vất vả của chị, chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ, một lời nói thôi, bấy nhiếu thôi cũng là đủ để chị đứng vững và làm việc cật lực.

Chị ước ao được như vợ chồng nhà người đàn bà bán hàng rong bên kia, mỗi chiều khi vợ quẩy gánh hàng về thì người chồng thương binh cụt một chân ra đỡ lấy và đưa cho vợ ly nước mát. Còn chị nếu có nhỡ đi làm về muộn, nhà cửa cơm nước không tươm tất thì anh đã vội cằn nhằn khó chịu như là chị vừa phạm một lỗi lầm ghê gớm.

Chị quá mệt mỏi và cô đơn vì cứ phải lầm lũi một mình gánh vác gia đình. Và cả những suy nghĩ, niềm khao khát từ lâu không được chồng chia sẻ đã làm tình yêu của chị dành cho anh không còn nữa. Và chị muốn chạy trốn, không phải giáp mặt với sự vô tâm đến mức ích kỷ của anh.

Nhưng những lời khuyên của người thân, sự im lặng cam chịu của hai đứa con một lần nữa khiến chị lại chùng tay.

Lam Hà

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.