Tag Archives: con đầu lòng

Con đầu lòng, con giữa và con út

Ðứa con đầu lòng bao giờ cũng đem lại cho đôi vợ chồng trẻ niềm hạnh phúc to lớn. Nếu cưới nhau đã lâu, hai vợ chồng đã lớn tuổi, mới sinh được con muộn thì đứa con đó lại càng quý.

Con đầu lòng

Người xưa hay chúc tụng vợ chồng đó bằng câu “lão bạng sinh châu” (con trai đã già mà còn sinh được ngọc). Trong một đại gia đình, nhiều anh em, người nào có con đầu lòng đầu tiên thì đứa con đó sẽ được các chú, bác yêu chuộng gấp bội. Nhiều gia đình cho rằng có đứa con sẽ làm cho tình cảm gia đình bền chặt, thắm thiết hơn. Trong các gia đình Á Ðông, phong tục trọng nam khinh nữ còn nặng, đứa con đầu lòng là con trai thường được quý hơn con gái. Có con đầu lòng là con trai coi như dòng họ đã có người nối dõi tông đường. Trong một xã hội mà gia đình chỉ có một con như xã hội Trung Quốc, việc sinh con trai đầu lòng lại càng quan trọng.

Con đầu lòng cũng là nạn nhân của sự thiếu kinh nghiệm của cha mẹ, do mới sinh lần đầu. Do vị trí đặc biệt trong gia đình, con đầu lòng vừa là niềm hy vọng vừa là chỗ dựa của cha mẹ. Cha mẹ thường giao cho nó trách nhiệm coi sóc và làm gương cho các em. Giúp đỡ cha mẹ, làm “anh hai” (hay “chị hai”) của các em, là điều tự nhiên và hợp lẽ nhất trong các gia đình lao động nghèo và neo đơn. Nhưng các nhà giáo dục và tâm ý học khuyên các bậc cha mẹ không nên quên rằng các cháu đầu lòng dẫu sao cũng là những đứa trẻ như những đứa trẻ khác, nếu có điều kiện hãy để cho nó được sống tuổi thơ ngây của nó. Tuổi thơ ngây, đời người chỉ có một lần, thật đáng tiếc là trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta, các cháu bắt buộc phải già trước tuổi, và nếu có thể thì cha mẹ không nên làm cho chúng già thêm.

Con giữa

Ðứa (hoặc những đứa) con giữa – tức là giữa anh cả và em út – có vị trí bình thường hơn, ít đặc biệt hơn. Nó có thuận lợi là có thể “liên minh” hoặc với anh cả hoặc với em út, tuỳ theo trường hợp. Nhưng các nhà tâm lý lại cho rằng chính đứa con (hoặc những đứa con) ở giữa là những đứa mà cha mẹ thường ít quan tâm hơn. Cháu không có đặc quyền của con đầu lòng cũng như của con út. Nếu cha mẹ không chú ý thì nó sẽ cảm thấy ít được yêu thương và không quan trọng bằng những đứa khác. Nó sẽ tự co mình lại, dồn nén tình cảm hoặc tìm cách để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Nhưng mặt khác, cũng có khía cạnh tích cực trong vị trí này: ít được cha mẹ chú ý có nghĩa là sẽ ít chịu áp lực hơn. Nó dễ có nhiều quan hệ tốt với mọi người, có thể đóng vai trò người hoà giải và xoa dịu những bất đồng hàng ngày trong anh em.

Con út

Cha mẹ thường có xu hướng cho nó là “bé” ngay đến lúc nó không còn bé nữa, coi nó là “thằng nhỏ” còn những đứa khác là “thằng lớn”. Ðặc biệt là khi cha mẹ đã quyết định thôi sinh đẻ thì thằng út dù lớn đến đâu cũng được coi là đứa bé nhất. Sự nuông chiều đặc biệt của cha mẹ và các anh chị lớn thường là nguyên nhân hư hỏng của nhiều con út. Nhưng nhiều khi ngược lại, có không ít phân bì ganh tỵ từ phía anh chị lớn. Thương yêu con thì cha mẹ phải đòi hỏi ở con như những đứa khác và giao cho nó những trách nhiệm tuỳ theo lứa tuổi, tạo điều kiện phát triển bình thường như các anh chị nó.

Con sinh đôi

Ðối với những đứa con sinh đôi (hay sinh ba), người ta khuyên cha mẹ nên coi các cháu như anh em, chị em bình thường không hơn, không kém. Ðiều đó có nghĩa là mỗi cháu sẽ trưởng thành bình thường, phát triển nhân cách riêng của mình mà không lệ thuộc người anh em song sinh. Nếu các cháu muốn sống chung, chơi chung với nhau thì cha mẹ không nên bắt buộc các cháu phải tách ra, nhưng nên khuyến khích các cháu sống tự lập, mỗi đứa tìm lấy con đường phát triển riêng của mình và có các bạn riêng. Không nên nhấn mạnh sự giống nhau giữa các cháu. Phải gọi chúng bằng tên riêng của mỗi đứa. Phải chú ý đến đặc điểm của từng đứa. Thí dụ: “Con biết rõ hoa lá, con hái cho mẹ một bông hoa…”, còn “con thích bơi cuối tuần sẽ về nhà dì ba để bơi…”. Tuyệt đối không nên cho hai đứa hai cái áo, một cái bánh như nhau, cùng một lúc. Trái lại, phải chú ý đến tính tình của từng đứa, như thế các cháu sẽ thấy cha mẹ yêu mình hơn.

Anh Tuấn