Category Archives: Truyện ngắn

Chuyện tình vợ chồng lợn

Ban đêm, lợn đực lúc nào cũng thức để trông cho lợn cái. Nó sợ, thừa lúc chúng ngủ say, người ta sẽ đến bắt lợn cái đem đi thịt.
Ngày lại ngày, lợn cái càng béo trắng nõn nà, lợn đực càng gầy đi trông thấy.
… Đến một ngày, lợn đực tình cờ nghe được ông chủ nói chuyện với tay đồ tể.
Ông ta muốn thịt lợn cái đang béo tốt.
Lợn đực nghe vậy mà lòng đau khổ khôn cùng.

Thế là từ lúc đó, tính tình lợn đực thay đổi hẳn. Mỗi lần ông chủ mang đồ ăn đến là lợn đực ta giành ăn bằng sạch, ăn xong nó lại nằm ườn ra ngủ như chết.
Nó còn nói với lợn cái, từ giờ ban đêm phải canh gác thay cho nó. Nếu phát hiện ra không chịu canh thì nó sẽ không bao giờ quan tâm đến lợn cái nữa.

Chuyện tình nhà heo
Chuyện tình nhà heo – Ảnh minh họa

Thời gian qua đi, lợn cái cảm thấy lợn đực càng ngày càng không để ý gì đến mình nữa. Lợn cái buồn bã, thất vọng vô cùng. Còn lợn đực hàng ngày vẫn vô tư, vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra.
Ngoảnh đi ngoảnh lại một tháng qua đi, ông chủ dẫn tay đồ tể đến chuồng lợn.
Ông ta thấy lợn cái trước đây đẫy đà, nõn nường là thế giờ chẳng còn lại được bao nhiêu thịt. Còn lợn đực lại trở nên béo trắng hẳn ra. Lúc này, lợn đực ta liền chạy thục mạng xung quanh chuồng, nó muốn thu hút sự chú ý của ông chủ, chứng tỏ nó là con lợn béo tốt, khỏe mạnh.
Cuối cùng thì tay đồ tể cũng bắt lợn đực đi.
Khoảnh khắc bị lôi ra khỏi chuồng, lợn đực vẫn cười và nói với lại với lợn cái:
“Sau này em nhớ đừng ăn nhiều nhé!” Lợn cái đau xót cùng cực, định xông ra theo chồng, nhưng cửa chuồng đã đóng sầm trước mặt nó. Qua hàng rào tre lợn cái vẫn nhìn thấy ánh mắt chớp chớp của lợn đực.
Tối hôm đó, lợn cái nhìn nhà chủ vui vẻ, quây quần bên nhau ăn thịt lợn, nó buồn bã thả mình nằm xuống nơi trước đây lợn đực vẫn nằm. Đột nhiên nó phát hiện thấy trên tường có dòng chữ: “Nếu tình yêu không thể diễn đạt được bằng lời, anh nguyện dùng sinh mạng để chứng minh” .

Lợn cái đọc xong dòng chữ mà lòng đau quặn thắt, âu sầu, vì nhớ và thương chồng lợn, lợn vợ bỏ ăn rồi qua đời…

Sưu tầm

Chén cơm thừa còn lại

Tôi về đến nhà đã hơn 7h tối, Mẹ và em đang ăn cơm. Thấy tôi, Mẹ liền hỏi:
– Sao con về tối thế ?
– Dạ , hôm nay học 5 tiết.
Rồi không biết tôi đã ăn gì chưa Mẹ liền lấy chén đũa bảo tôi ngồi vào mâm. Bữa ăn thật đạm bạc, chỉ vài con cá nhỏ và một đĩa rau luộc. Như thế cũng là quý lắm rồi. Gia đình đanh lúc khó khăn bữa ăn làm sao sung túc được.


Lúc trưa vì sợ trễ học nên tôi không ăn cơm, chỉ lót bụng bằng một ổ bánh mỳ.Chính vì thế mà giờ này tôi ăn một cách ngon lành, cảm thấy ngon miệng hơn bao giờ hết.


Tôi vùi đầu vào mâm cơm mà không hay Mẹ tôi đã đứng lên tự lúc nào, rồi lại mang lên một đĩa trứng chiên.


– Con và em cứ ăn cho no đi.


– Mẹ ăn thêm cơm, Tôi nói!


– Khi chiều Mẹ có ăn mấy củ khoai luộc ở nhà cô Hai nên vẫn còn no.


Tôi nhìn kỹ Mẹ, những nếp nhăn lại hằng sâu hơn và tóc Mẹ cũng bạc nhiều hơn. Mẹ ngồi nhìn hai anh em tôi ăn, đôi mắt người ánh lên niềm sung sướng.

Chén cơm thừa lại
Chén cơm thừa lại – Ảnh minh họa


Thì ra một hạnh phúc nữa của Mẹ là được nhìn thấy những đứa con ăn uống ngon miệng. Hạnh phúc của người Mẹ sao mà đơn giản và nhỏ bé.

Cơm nước xong tôi dạo bước ra trước hiên nhà thì gặp thằng bạn.


– Về lúc nào đó?


– Mới về


– Có ca nhạc ở nhà văn hoá. Đi xem với mình nhé!


Tôi vào nhà thay áo quần rồi xuống bếp xin Mẹ đi xem ca nhạc.


Tôi sững sốt khi nhìn thấy Mẹ đang ăn chén cơm thừa còn lại hồi nãy cùng với một chút rau.

Tôi đứng như trời trồng, cổ họng ngẹn lại không nói nên lời..!

Sưu tầm

 

Điều giản dị của tình yêu

Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông rất nghèo sống với vợ. Một ngày nọ, vợ ông, người có mái tóc rất dài hỏi chồng về chuyện mua một chiếc lược mới hơn để dùng.

Điều giản dị của tình yêu
Điều giản dị của tình yêu – Ảnh minh họa

 

Người đàn ông cảm thấy rất buồn vì không mua nổi cho vợ một cái gì đó. Ông không đủ tiền để mua được cho vợ một chiếc lược mới bởi sồ tiền kiếm được chỉ đủ để lo cho miếng cơm hàng ngày. Thậm chí, ông cũng không dám mang chiếc đồng cũ đã đứt dây đi sửa. Người vợ biết vậy nên bà không bao giờ gặng hỏi chồng mình một lần nào.

 

Một hôm, khi đang trên đường đi làm về ngang qua cửa hàng đồng hồ, ông quyết định bán nó. Với số tiền ít ỏi có được người chồng mua một chiếc lược mới cho vợ.

 

Ông trở về nhà vào buổi tối và mang tặng cho vợ món quà nhỏ bé này. Tuy vậy, ông đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy người vợ thân yêu với mái tóc ngắn. Bà đã bán tóc của mình và mua tặng cho ông một chiếc đồng hồ mới.

 

Nước mắt lăn dài trên gò má của hai vợ chồng, họ ôm nhau khóc trong hạnh phúc. Tuy cuộc sống hiện tại khá khó khăn, nhưng bù lại họ đã có được tình yêu và sự sẻ chia trong cuộc sống. Đó là món quà quý giá nhất mà hai vợ chồng ông nhận được từ thượng đế.

 

Yêu và được yêu là một điều mà bất kỳ ai khi sinh ra đều mong muốn. Có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian và công sức để kiếm tìm cho mình một nửa đích thực, thậm chí có những người phải đến nửa cuộc đời mới tìm được tri kỷ. Nhưng bạn tôi ơi, có thể bạn đang theo đuổi một bóng hình mà chỉ có trong mơ. Hãy quay về với thực tại, với cuộc sống và những niềm vui, nỗi buồn hàng ngày. Hạnh phúc và tình yêu đôi khi chỉ xuất phát từ những điều đơn giản và nhỏ nhoi nhất trong cuộc sống, thậm chí ngay cả trong những lúc khó khăn. Hãy trân trọng hiện tại và làm theo những gì con tim mình mách bảo.

 

Hãy quay về với thực tại với cuộc sống và những niềm vui nhỏ nhoi hàng ngày.

 

P/s: truyện ngắn đọc xong thấy hay thì ấn like page nhé, cùng chia sẻ về wall của mình nữa…

Một chuyện tình đẹp và cảm động

Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời
Trong những cuộc hôn nhân như câu chuyện, người ta chung sống với nhau, nhẹ vì tình, nặng vì nghĩa. Người phụ nữ trong câu chuyện là ngưới có phước phận, có cho đi và có nhận lại, là người có hạnh phúc . Người đàn ông trong câu chuyện là người đạo đức, có trước, có sau, biết hy sinh đền đáp. Cuộc đời ông lo trả nghĩa cho người. Không biết liệu ông có cảm nhận được tình yêu? Nhưng chắc chắc đời ông sẽ có được sự ấm áp và thanh thản trong tâm hồn.

Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời

Khi được gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi.
Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.

1. Sung túc
Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói phải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.

Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.

2. Cảnh nghèo
Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi.

Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.
Vì thế bà mối đến, réo rắt: “Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha,
còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà”.

Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa? Nhưng chị xin: “Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha!”.
Tiếng kèn đón dâu thổi váng đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị.

Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư!

Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài.

Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mẹ, tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.

Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri.

3. Cười xót xa

Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng.
Anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái.

Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm
chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.
Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.
Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v…
Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình:
“Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?”.
Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to:
“Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì? Tắt đèn, thổi nến, lên giường…”
Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong chăn nói:
“Chị ơi, em yêu chị!”.
Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.

4. An ủi nhỏ nhoi

Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay.
Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.
Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua.
Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.
Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hóa bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc, làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi.
Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói:
“Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành”.
Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.
Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình rốt cuộc là vợ, là chị hay là mẹ của anh?

Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học.
Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.
Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học Sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường.
Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra chị không nói thêm điều gì nữa.
Nhưng anh vẫn nói: “Chị, chờ tôi quay về nhé!”.

Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khóe miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy. Khóe cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.

5. Kiếp này
Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi.
Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc.
Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói: Chị đừng gửi tiền nữa. Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.

Lúc đó chị đã 29 tuổi.

Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát ly đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa.

Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa!

Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê: Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường đi xa: “Chị, chờ tôi quay về nhé!”; hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.
Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng.
Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về.

Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất, dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết.
Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực.
Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu.
Chị không dám ngờ anh đã nói với chị:

“Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!”.

Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị?
Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng cười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.

5. Xin lỗi
Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng.
Họ có với nhau một con trai, một con gái.
Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình.
Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng.
Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường.
Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà.
Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói:
“Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn?”.
Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị.
Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi.
Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch:
“Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi”.
Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.

6. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa
Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.
Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.
Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói:
“Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy”.
Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ.

Bình yên bên sóng

Mỗi lần ra biển, nhìn dấu chân in trên cát loang dần dưới từng đợt sóng, em hay lẩn thẩn nhớ những người từng bước qua trong cuộc đời mình.

Bình yên trước biển
Bình yên trước biển – Ảnh minh họa

Có người để lại đau thương tưởng như đem cả trái tim và hơi thở của em mà đi, có người dùng dằng luyến tiếc, có người tưởng như vẫn còn đâu đó ở một ngăn sâu thẳm trong tâm hồn …

Em nhớ sân trường những chiều muộn hoàng hôn loang trên tóc và hoa điệp vàng dưới chân. Cô bạn thập thò cười lém lỉnh đòi quà mới trao thư. Những cánh thư mà chỉ nghĩ đến thôi em vẫn còn thấy lòng mình như một cánh điệp chao xuống trong làn gió. Cậu bạn cao gầy đeo kính đứng từ xa không dám nhìn, em bước qua nghe cả hai đều lặng đi một nhịp thở mà sao tim vẫn đập rộn rã …

 

Đã nhiều năm rồi, em vẫn tủm tỉm cười mỗi khi nghĩ đến mối tình gà bông “thầm lặng” đúng nghĩa của mình, chưa một lần nào ai dám nói với ai câu gì, chỉ ngượng ngùng lén nhìn nhau. Để đến bây giờ, tình cờ tìm thấy facebook của người ấy, em ngỡ ngàng thấy một gia đình với mấy bé con nụ cười như những bông hoa hướng dương quay về phía mặt trời. Dường như đó là cuộc sống bình yên của một người khác hẳn, xa lạ chứ không còn là người em vẫn day dứt, đau đáu về những lời chưa kịp nói.

Sóng vẫn tràn lên mêng mang, ngoảnh đầu lại chỉ còn thấy trời và nước. Phía trước người đàn ông đang xây lâu đài cát, đứa bé con rối rít vẫy tay với em, gọi “Mẹ ơi mẹ ơi, bảo vệ lâu đài mẹ ơi!” Cái giọng non nớt vẫn còn ngọng líu ngọng lo. Người đàn ông ngước nhìn em mỉm cười. Từ đâu vọng về lời hát nghe thoảng nhẹ “Một chút lắng đọng sau ngày ồn ã, một chút bình yên trong tâm hồn … Bình yên một thoáng cho tim mềm, bình yên ta vào đêm …”.

Em đã thấy bình yên bên sóng…

 

THỦY ANH

Thư gửi cậu! người bạn suốt đời tớ không quên.

Cậu! Nhỏ Phương Ngọc miền tây đáng ghét tới mức làm tớ không sao quên được và đôi khi không nhìn thấy khuôn mặt ấy có lẽ tớ nghĩ mình phát điên lên mất.

Giảng đường đại học - Ảnh minh họa
Giảng đường đại học – Ảnh minh họa

Giờ đây ngồi trên giảng đường đại học tớ chẳng biết mình còn nhớ bài vở không nữa nhưng tớ khẳng định rằng có một người mà suốt cuộc đời này tớ nguyện khắc sâu ấy chính là cậu. Cậu là gái miền tây sông nước mang trên mình làn da ngăm ngăm,  khuôn mặt trái xoan trắng hồng rạng rỡ cùng đôi môi chúm chím đỏ như những cánh hồng đang đón chờ nắng sớm, không chỉ thu hút tớ ở đó mà cậu còn có chiếc răng khểnh duyên quá trời khiến tớ ghét tới độ thương cậu khi nao không hay. Cậu là cô bí thư thông minh năng động hài hước ngược lại tớ là chàng công tử đào hoa ham chơi quậy thì có tiếng trong trường. Tớ học thật tệ còn cậu thì giỏi khó ai qua được.

Cậu có biết tại sao tới giờ đã thấm thoắt một năm trôi qua tuy hai đứa ở mỗi phương trời nhưng bóng dáng cậu vẫn ám ảnh trong tâm trí tớ hay không đặc biệt tớ nhận ra mình yêu cậu mất rồi.

Tớ yêu sao cái ngày hai đứa đạp xe tung tăng trên nẻo đường từ nhà cậu tới trường mặc dù suốt chặng đường  tớ nhận được những món quà từ cái lườm nguýt tới sởn “gai óc” của cậu. Tớ biết khi ấy cậu ghét tớ tới mức cậu mong sao có thể lao vào cắn xé tớ ra hàng trăm mảnh thậm chí nghiền nát ra thành từng miếng thịt bằm cũng nên. Tớ đã làm gì cậu nhỉ?

À! Đúng rồi hình như ngày 8/3 năm cuối cấp thì phải. Khi ấy cậu đóng vai trò khá thú vị: Mc kiêm luôn vai mẹ trong vở kịch “đứa con nghịch ngượm” còn tớ đảm nhận nam nhân vật chính. Quậy phá ham chơi lì lợm là tính cách của anh ấy , sao giống tớ thế nhỉ.

Nhớ lắm chứ khi bóng dáng cậu thướt tha trong chiếc áo dài tung bay trên mục giảng , hôm ấy cậu không phấn không son nhưng sao đẹp quá trời đến nỗi đôi lần tớ suýt khen” mẹ “đẹp thì tiêu.

–         Mẹ đã bảo con nhiều lần mà sao con vẫn phá làng phá xóm vậy Long?

Tiếng cậu đó ư hay tiếng người đàn bà tội nghiệp trong kịch bị hàng xóm tới nhà mắng vốn đứa con trai hư thân phá phách của mình.

Tớ dửng dưng trước lời nói ấy chỉ mong sao tới cảnh tớ tự nghĩ ra cho màn diễn sinh động hấp dẫn. Cậu không cho tớ diễn cảnh đó vì  lớp ta được dự giờ và trong kịch bản không có .

Mẹ đang khóc còn người hàng xóm vẫn ra sức sỉ vả .  Tớ thích chí vì cả lớp sắp có trò hay để xem. Tớ tung trưởng liền :

–          Rầm!

–         Ui da!

Tớ khoái chí cười hả hê trong khi cậu từ đầu tới chân đỏ bê bết bởi cà chua. Cậu nhìn tớ với ánh mắt hình viên đạn. Tự dưng tớ chột dạ và biết mình nghịch hơi quá khi thấy cậu rơi lệ. Có thể cậu khóc không phải vì xấu hổ mà cậu khóc vì thằng Long siêu quậy này mãi chẳng hề thay đổi trước bao nhiêu công sức cậu bỏ ra. Cậu bỏ về trước ánh mắt nài nỉ của mọi người.Và khi ấy tớ biết mình phạm phải sai lầm. Bất chợt ánh mắt ấy hằn sâu vào tâm trí  thằng con trai siêu quậy như mình.

Câu cũng ác lắm tới tận bây giờ vẫn không tha thứ cho tớ mặc dù tớ dùng rất nhiều cách hối lỗi. Biết rằng cậu đi du học bên sin nhưng cũng nên cho tớ chút tin tức chứ im lặng mãi như thế cậu sẽ vô tình làm tổn thương trái tim tội lỗi của tớ.

Trước và cho tới giờ tớ chỉ mong sao ở nơi nào đó xa xôi cậu có thể đọc được bài viết này xem đây thay cho lời xin lỗi, một lời xin lỗi đem cậu tới bên tớ suốt đời.

Hoa Vũ

Chiêu độc kiếm vợ của gã thợ hồ

Đều đặn suốt nửa năm, tuần nào hắn cũng “đổ” 2 chỉ. Không biết bà chủ nói gì, chỉ thấy cô con gái xuất hiện nhiều hơn và thay mẹ thu tiền, giao vàng cho hắn.

Đổ vàng - Ảnh minh họa
Đổ vàng – Ảnh minh họa

Hắn hơn 20 tuổi, lên thành phố làm phụ hồ, trẻ khỏe và có nét rất đàn ông nên không ít cô gái ở thành phố dù biết hắn là thợ hồ vẫn chết mê chết mệt. Ở quê lam lũ từ nhỏ nên hắn rất chín chắn và khôn lỏi hiếm ai bằng. Lên thành phố với đồng lương chỉ dư dả chút ít, sau khi thuê nhà trọ, có sẵn cái xe máy mang ở quê ra, hắn chăm chỉ làm việc và nhận thấy người ở thành phố sướng thật, có đủ mọi thứ chứ không như ở quê. Hắn mơ ước đến một ngày nào đó “trời cho” một cô vợ con nhà khá giả, có nhà cửa đàng hoàng, vậy là mãn nguyện như gặp được tiên. Dù viển vông nhưng hắn vẫn ước mơ.

Điều đầu tiên để thực hiện mơ ước là hắn không ăn nhậu như đám thợ làm cùng, luôn chỉn chu sau giờ làm việc và đặc biệt là biết thu vén từ tiền lương không lấy gì cao cho lắm. Hắn không nói tục, chửi thề, càng không tham gia ba cái chuyện gái gú, cờ bạc mà mấy cha dù là lao động tiền lương còm cõi nhưng xa quê đều dính phải. Cuối ngày mỗi khi đám thợ cùng làm sát phạt đỏ đen mỗi ván vài nghìn hay chém gió nói tục, kể chuyện hoang, khoe khoang chiến tích tán tỉnh, lừa tình cô này cô khác, hắn đều im lặng, không tham gia hay kiếm cớ lảng tránh. Hắn nhận ra, đã “phàm phu, tục tĩu” thì khó mà bỏ được tính xấu, hễ mở miệng ra toàn những lời nói, câu chuyện, cười cợt người tử tế nghe khó mà “tiêu hóa” nổi.

Ở đời, cái gì cũng có cái giá cả. Hắn tu chí nên vài tháng đều tích lũy đủ tiền mua được chỉ vàng. Nhiều lần đến tiệm “đổ vàng” hắn phát hiện con bà chủ tiệm hiền và xinh thi thoảng xuất hiện, tự dưng hắn “chết” và ngày đêm mơ tưởng. Nhưng hoàn cảnh của hắn, làm sao có thể chinh phục nổi trái tim cô chủ tiệm nhà giàu luôn có cả tá “cây si” trồng quanh nhà, bà chủ tiệm còn khó hơn bởi đó cũng là “khối tài sản” mà vợ chồng bà tích góp được. Cái đầu khôn ranh của hắn nghĩ ra một kế rất hiểm. Cứ đều đặn vào cuối tuần, hắn đến tiệm “đổ” chiếc nhẫn 2 chỉ, với bà chủ có khách mua thì bán, miễn là có tiền.

Sau vài ba tháng, bà chủ dần quen và tò mò, thằng này có vóc dáng ngon lành, cao to đến gần mét tám chứ ít đâu, chí thú làm ăn và biết lo toan mới có tiền đổ vàng thường xuyên. Một bận bà hỏi: “Cháu làm nghề gì mà thu nhập cũng khá”, hắn đáp tỉnh rụi: “Thưa bác, con làm bên xây dựng, nhà con ở quê’. Bà chủ không hỏi nữa và tự dưng cảm mến hắn. Bà là dân kinh doanh nên tính rất nhanh, mỗi tuần “đổ” 2 chỉ, mỗi tháng có 8 chỉ, mỗi năm chục cây, không tài giỏi nhưng hiếm có đứa nào còn trẻ mà tu chí, không ăn chơi, tự lập, ở thành phố dễ gì tìm ra.

Đều đặn suốt nửa năm, tuần nào hắn cũng “đổ” 2 chỉ. Không biết bà chủ nói gì, chỉ thấy cô con gái xuất hiện nhiều hơn và thay mẹ thu tiền, giao vàng cho hắn. Hắn vẫn giả nai coi như chuyện bình thường, sau nhiều lần trao đổi vài câu giá cả, giao vàng, cảm ơn. Một lần cô chủ mạnh dạn hỏi: “Anh tên là gì” rồi như thân quen lúc nào không hay biết. Chỉ thời gian ngắn, cả hai quấn quýt, cà phê, pinic, đi chơi… tất cả đều được bà chủ “bao” hết vì nghĩ nhà mình giàu có, ai lại bắt nó trả tiền. Cô gái vui ra mặt, “lửa gần rơm lâu ngày ắt cháy to”, bà chủ phải tổ chức vội đám cưới.

Không có chỗ ở và vì là con một, bà chủ yêu cầu ở rể để tiện quản lý hắn và để hắn không “thoát” vì thời buổi này kiếm được chàng trai khỏe mạnh, có nét và giỏi thu vén như hắn đâu dễ, đám thanh niên ở thành phố bây giờ hầu hết ăn chơi, phá gia hay phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Ở rể và khi đã là vợ chồng, một thời gian khi cái thai đã lớn, cô gái mới dám hỏi: “Anh ơi, nhà em tuy khá nhưng là của bố mẹ, vợ chồng mình cũng phải có trách nhiệm chuẩn bị, sắm sửa để sau này sinh em bé còn chăm sóc, nuôi nấng. Số vàng anh tiết kiệm lâu nay nên gửi mẹ kinh doanh, sinh lợi, gửi ở ngân hàng coi như đồng vốn chết”.

Ngẫm ra mấy năm qua, mỗi tuần “đổ” 2 chỉ, trong tay hắn ít nhất có dăm cây vàng chứ đâu ít. Hắn không từ chối, rất vui vẻ: “Ngày mai anh sẽ rút ở ngân hàng về, tùy em sử dụng. Của chồng công vợ chứ mất đi đâu”. Chiều hôm sau hắn mang về cho vợ đúng 4 chỉ vàng, cô vợ tròn mắt “Sao chỉ có vậy thôi anh, hơn 4 năm, tuần nào anh cũng đổ 2 chỉ, không lẽ anh cho ai hết”. Hắn tỉnh rụi: “Anh có cho ai bao giờ đâu, mỗi tuần đổ 2 chỉ là bị lỗ mấy chục nghìn, vì anh làm gì có nhiều tiền, vì yêu em nên mua của mẹ xong, ngày hôm sau anh mang qua tiệm khác, bán lỗ. Tuần sau phải thêm mấy chục, lại mua 2 chỉ. Vị chi hơn 4 năm lỗ mất một chỉ, nhưng được rất nhiều vì có em và con”.

Cô gái chết sững, không dám nói gì, lẳng lặng đem 4 chỉ vàng giao cho mẹ và nói dối, còn lại chồng con cho bạn vay làm nhà. Linh tính của người làm kinh doanh khiến bà mẹ lắc đầu, ngao ngán, hóa ra nó tinh ranh quá mức, lừa quá cao thủ. Rồi bà cũng ngẫm ra, nó hơn mình và cũng biết cách để đạt mục đích chứ đâu có trộm cắp của ai, lỗi do mình ảo tưởng, suy diễn mà ra. Dù có vẻ man trá nhưng còn hơn mấy đứa thanh niên suốt ngày ăn chơi, lêu lổng. Tự dưng hắn có vợ đẹp, nhà mặt tiền giàu có và cha mẹ vợ coi hắn như báu vật.

Ở đời có ai nghĩ anh thợ hồ giàu có lại chinh phục con bà chủ tiệm vàng dễ như vậy. Để giữ thể diện và danh giá cho con mình, ông bà chủ “nghiến răng” mua cho vợ chồng nó cái ôtô gọi là “thằng rể nó tự tích lũy, chỉ dám mua sau khi có vợ”, thi thoảng hắn lại chở vợ con về quê. Cả làng lác mắt, đám bạn hắn dù là kỹ sư, cử nhân cũng lắc đầu bái phục. Chỉ có hắn và gia đình vợ hiểu rõ nhất nhưng chẳng ai dại nói ra nên ở đời sẽ còn không ít cô gái chấp nhận “mắc lừa” chiêu độc của hắn.

Theo Công / VnEpxress

Ba lần lấy chồng – Chồng thứ nhất đẹp trai

Tối qua nhậu với Trần Tiến, lão cho mình uống rượu cà cuống, nói đó là rượu trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, mình uống tì tì say gần chết phải cáo lui sớm. Ra đến cửa bỗng gặp một bà to béo phốp pháp, bà cười toe toét vỗ vai mình đánh bốp, nói nhớ ai đây không. Ngước lên thấy con Tím, bạn học hồi cấp 2 với mình, mình cười nói đi mô đó, ra đây kiếm chồng à. Nó cười he he he lại vỗ vai mình đánh bốp, nói kiếm ông cố nội mi.

Đọc thêm: https://goctamsu.com/ba-lan-lay-chong-ong-thu-hai-hi-chua-sach-mui/2013/05/

Lấy chồng 2 - Ảnh minh họa Ảnh: Nam Phương
Lấy chồng 2 – Ảnh minh họa Ảnh: Nam Phương

Xưa nay đều vậy, mình với con Tím gặp nhau đều tau tau mi mi, đến khi già khú vẫn tau tau mi mi như thời con nít. Mình thân nó từ hồi lớp năm đến bây giờ. Rất ít khi gặp nhau, có khi cả chục năm mới gặp nhau một lần, nhưng hễ gặp nhau là líu lo suốt ngày không chán. Con gái thông minh, lại tính con trai, mười cô thì có mười một cô chả coi con trai ra cái gì, nó cũng vậy. Một mình nó đứng ra bênh hết cả đám con gái trong lớp, thích cãi thì cãi, thích đấm đá thì đấm đá, chả sợ.

Hồi lớp năm mình ngồi bàn sau nó ngồi bàn trước. Tụi mình chỉ mười một, mười hai tuổi thôi, chỉ là đám hỉ chưa sạch mũi. Nhưng lớp nào cũng thế, thỉnh thoảng lại lọt vào các anh chị lớn tuổi, có khi hơn tụi mình cả chục tuổi chứ không ít. Bàn mình có anh Đoàn mười bảy tuổi. Bàn nó có chị Điểm mười sáu tuổi. Anh Đoàn mê chị Điểm lắm, thỉnh thoảng lại sai mình làm thơ để anh chép lại, ném sang cho chị Điểm. Thơ phú gì đâu, chỉ là vè con cóc, đại loại: Điểm ơi Điểm có nhớ Đoàn, đêm nào anh cũng mơ màng nhớ em…

 

Mùa trải nghiệm

Tôi trải qua tuổi thơ của mình trong cái khó khăn chung của thời bao cấp, nhiều gia đình vất vả kiếm cái ăn, cái mặc cho con cái đã khó, chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện cho con đi học hè. Các thầy cô giáo cũng chẳng mặn mà với việc dạy thêm. Hè về, thầy cô tự tạo công ăn việc làm cho mình bằng nhiều cách như tăng gia trồng trọt, chăn nuôi, có người tranh thủ ra chợ bán buôn vặt vãnh. Lũ học trò thì mong đến hè để được vui đùa thỏa thích, bày đủ trò chơi.

Mùa trải nghiệm
Mùa trải nghiệm – Ảnh minh họa

Để chuẩn bị cho năm học mới, lũ trẻ cũng làm thêm ngày hè, phụ cha mẹ đóng tiền học phí, quần áo, giày dép, sách vở. Còn nhớ mấy mùa hè liền, chúng tôi nhận bóc vỏ đậu phộng, rồi sau đó phân loại đậu, cứ “có ký có tiền”. Chúng tôi là con nhà nông thứ thiệt, nên chơi là chơi, làm là làm. Đứa nào cũng hăng say, cạnh tranh nhau để vượt chỉ tiêu do mình tự đề ra. Tiền công được mẹ nhận giúp vào mỗi cuối tuần. Tiền được bỏ vào ống, đến đầu năm học mới, mẹ đập heo. Nhà đông con, nên chỉ có cách ấy mẹ mới nhẹ gánh. Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã có những trải nghiệm kiếm tiền, và kiếm một cách khó nhọc, nên đồng tiền luôn ý nghĩa và giá trị. Dù không học hè, nhưng chị em chúng tôi, đứa lớn chỉ bày cho đứa nhỏ, dùng sách cũ của anh chị mình. Chúng tôi tự củng cố kiến thức để bước vào năm học mới.

Mới sáng sớm, nắng đã lên cao, chúng tôi cũng theo chân cha mẹ ra đồng, cốt là để gặp gỡ bạn bè. Đồng ruộng mênh mông, gió hè lồng lộng, mang theo hơi nước mát dịu từ dòng kênh xanh, nên chẳng đứa nào muốn về nhà, dù bụng đã đói, mặt mày đỏ lưỡng vì những trận rượt đuổi, trốn bắt. Độ ba, bốn giờ chiều, chúng tôi lại tụ tập. Con trai con gái phân chia “lãnh địa” để bày trò. Có đứa vừa chăn trâu vừa ham chơi, để trâu ăn mất một khoảnh lúa to, về nhà no đòn. Khi mặt trời khuất bóng, đứa nào cũng nhem nhuốc. Tất cả cùng ào xuống dòng nước trong vắt, tắm táp, nô đùa “cú chót” rồi mới lên bờ.

Mùa hè cứ thế chợt đến, chợt đi, năm này qua năm nọ, đọng lại trong tiềm thức trẻ thơ những kỷ niệm đẹp, khó phai. Nhớ khi mệt lử, tất cả ngồi phịch xuống thở dốc, một bạn trai tinh nghịch đố cả bọn: “Hoa gì nở nhiều nhất vào mùa hè?”. Đứa nào cũng tranh nhau trả lời. Phần nhiều chọn hoa phượng, vì đấy là loài hoa học trò đáng yêu nhất, nở nhiều nhất vào mùa hè. Ai cũng chắc mẩm vì câu đố quá đơn giản ấy, nhưng bạn trai trả lời: mùa hè nắng như đổ lửa, hoa nở nhiều nhất vào mùa hè chỉ có thể là “hoa mắt”. Cả bọn ngớ người, rượt đuổi đứa bạn trai tinh nghịch. Tiếng cười, tiếng hét vang cả cánh đồng.

Hoa phượng đã lác đác. Một mùa hè lại về. Với học trò, đó là mùa chia tay bạn bè, nhưng cũng là mùa được trải nghiệm nhiều điều thú vị, được xem là những ký ức đẹp đẽ trong tuổi thơ mỗi người.

 Song Nguyên

Ba lần lấy chồng, ghét của nào trời trao của ấy

Sau bữa cà phê với con Tím, tết mình đem vợ con về quê. Nghe tin mình về quê chị Điểm nhắn hai ba nhắn, nói cu Lập tranh thủ lên nhà chị chơi, có việc. Không lên chị giận đó nghe. Mình lên.

Dưới Trăng
Dưới Trăng – Ảnh minh họa Lê Quang Châu

Mình hỏi chị Điểm, nói tụi nó răng rồi chị? Chị thở hắt, nói răng nữa. Lấy nhau chơ răng. Nhưng tao nghi kiểu đó không được ba bảy hăm mốt ngày mô. Mình hỏi sao, chị chép miệng nói tính con Tím tau biết, thích thì chết cũng đeo lấy, hết thích ba vạn cũng bỏ. Tính thằng cu nhà tau cũng rứa. Bây giờ chúng nó đang hạnh phúc nhưng ngó bộ éo le lắm em ơi. Mình nói chị đừng lo xa quá, chuyện hạnh phúc gia đình không ai biết trước được, chị cứ để vậy, đến đâu hay đó chị ạ. Chị lắc đầu thở dài, nói để răng được mà để, tau gọi mi lên để tính giùm cho chị đây.

Chị Điểm ngước lên nhìn mình đầy van lơn. Mình nói em chẳng có cách chi mô, thấy có một cách cổ điển thiên hạ vẫn hay dùng. Chị hỏi cách chi, mình nói nên để thằng cu đi xuất khẩu lao động chừng dăm năm…Sang đó trước sau nó cũng quên con Tím, nếu không quên được sẽ có cô gái trẻ đẹp khác giúp nó quên. Mắt chị Điểm sáng lên, nói ừ, e phải đó hè. Em giúp chị nghe. Mình ok liền, nói việc này em lo được, đang có đợt công nhân xuất khẩu sang Đức. Hai tay chị Điểm chụp lấy tay mình nói rối rít giúp chị nghe em, giúp chị nghe em.

Ra tết mình vô Huế gặp con Tím bàn chuyện cho thằng cu đi xuất khẩu, chị Điểm cũng đã gọi điện bàn với nó rồi. Nhưng thằng cu không chịu đi, dứt khoát không. Con Tím nhìn mình buồn buồn, nói hay là mi xin cho tau đi. Mình nói cũng được nhưng nếu thằng cu cũng không chịu thì răng. Con Tím dướn mắt lên cười nhạt, nói quyền chi hắn? Mình nói mi đã cho hắn được cái quyền làm chồng thì hắn phải có cái quyền đó chớ. Con Tím ngồi trơ thở hắt, nói ừ hè. Tự nhiên con Tím bật cười, nói cái số tau vô duyên chi lạ. Dứt lời nước mắt nó chảy ròng ròng.

Bây giờ mình mới nhìn thấy vệt thâm tím dưới mang tai con Tím. Vệt thâm tím chỗ đó không thể nói dối vấp ngã được. Mình nói thằng cu đánh mi à, hắn ghen quá phải không? Con Tím khẽ gật đầu. Mình nói lần nào đánh xong hắn cũng quì lạy xin lỗi mi phải không? Con Tím khẽ gật đầu. Mình nói mi tính bỏ hắn nhưng không được phải không? Con Tím khẽ gật đầu. Mình nói mi sợ bỏ hắn thì hắn sẽ đâm đầu vào tàu hỏa tự tử phải không? Con Tím giật mình trợn mắt, nói ủa chớ răng chuyện chi mi cũng biết.

Mình chả biết gì hết nhưng trò đời là vậy. Chuyện này mình gặp nhiều rồi. Xưa có chị H. yêu thằng cu con, nó ghen đánh chị ghê quá. Mình bảo chị bỏ quách đi, chị nói chị cũng muốn bỏ lắm nhưng nó đã dọa rồi, nếu chị bỏ nó thì nó đâm đầu vào đầu tàu hỏa chết ngay lập tức. Mình nói chị cứ bỏ đi xem nó có chết không nào. Chị H. bỏ thằng cu, chẳng thấy nó đâm vào đầu tàu hỏa mà đâm đầu vào một cô ả khác. Lại còn viết thư cho chị than thở nó phải yêu một người khác để “quên đi một nỗi đau”. Mẹ sư bố thằng cu con, hi hi.

Chuyện xuất khẩu lao động cho con Tím dừng ở đó, phần vì mình phải lo chuyển cả nhà ra Hà Nội, phần vì chị Điểm có gọi điện cho mình, nói thằng cu có việc làm khá tốt ở Sài Gòn rồi. Ừ thôi, đi Sài Gòn cũng như đi nước ngoài vậy, miễn là con Tím tách được thằng cu. Mãi đến cuối năm 2002, mình vào Sài Gòn tìm nấm Linh Chi cổ, nghe nói nấm này chữa được bệnh của mình. Mình ở khách sạn gì quên rồi, phố nào đường nào cũng quên nốt. Chỉ nhớ Hồng Ánh thuê khách sạn này vì nó sát ngay công viên để cho mình sáng sáng ra công viên tập tểnh đi bộ. Hai tuần ở sài Gòn, sáng nào mình cũng đi bộ trong công viên từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Một hôm mình đang chấm chấm phẩy phẩy trong công viên, một người chạy qua mình bỗng quay ngoắt lại nhìn mình trân trố rồi vỗ tay đánh bốp kêu to, nói oa chà Nguyễn Quang Lập! Mình định thần mất gần một phút mới nhận ra đó là anh Đoàn.

Anh Đoàn ôm lấy mình cười hể hả, nói tưởng đến chết không gặp được nhau nữa, té ra quả đất tròn thiệt bay ơi! Anh lại nhấc bổng mình lên nhún mấy nhún, nói mi vô đây con Tím mừng lắm đây. Mình ngạc nhiên nhìn anh Đoàn, nói anh cũng còn nhớ con Tím à. Anh cười cái hậc, nói thằng ni nói chi lạ, làm răng quên được đứa con gái cầm cu mình từ hồi lớp 5. Hi hi.

Anh Đoàn đưa mình đi ăn sáng uống cà phê. Anh làm nghề sửa xe máy. Hiệu sửa xe của anh ở gần đây, sáng nào anh cũng ra công viên chạy mấy vòng, đi ăn sáng uống cà phê xong thì mở hiệu làm đến chín mười giờ đêm. Anh nói nhưng bữa ni tau đóng cửa hiệu chơi với mi cả ngày. Mình nói anh cứ đi làm đi, chỉ cần anh báo con Tím giùm em là được. Anh nói tất nhiên rồi, biết mi vô mà không cho con vợ tau gặp thì có mà chết với hắn. Mình sửng sốt nhìn anh Đoàn, nói con Tím là vợ anh à? Anh Đoàn nhăn răng cười, nói tất nhiên. Nó không vợ tao thì vợ ai.

Thấy mình cứ đứng trơ nhìn, anh Đoàn kéo mình ngồi xuống ghế, nói ngồi xuống đi để tau kể cho nghe. Oa chà, nhiều chuyện hay tàn bạo mi ơi. Anh kể sau vụ bị con Tím cầm cu , anh bỏ học đi lái máy cày. Sau bỏ máy cày đi lái xe tải. Được ít vốn liếng anh bỏ lái xe tải đi buôn trầm, phất lên rất nhanh và cũng sụp xuống rất nhanh vì cờ bạc. Trắng tay, năm 1995 anh bỏ vô Sài Gòn mở hiệu sửa xe máy vỉa hè, đêm ngủ nhờ dưới gầm cầu thang khu tập thể gần đó. Cuối năm 2000 một hôm con Tím dắt xe máy vào hiệu, vừa trông thấy anh nó đã rú lên vội vàng dắt xe đi ra. Con Tím sợ, nó nghĩ vì nó mà anh Đoàn bỏ học, chắc anh thù nó lắm. Anh Đoàn đuổi theo giữ nó lại, mắng nó te tua, nói anh em lâu ngày mới gặp nhau, chi mà sợ tau như sợ cọp rứa mi.

Từ đó anh em thân nhau, con Tím tháo khoán cái xe máy cho anh Đoàn. Bất kì xe hỏng ở đâu, hễ nó gọi là anh Đoàn xách đồ đến liền. Được hơn một năm anh Đoàn mới biết chồng con Tím là con chị Điểm. Thằng cu vào Sài Gòn làm việc, ép con Tím phải bán nhà vào theo. Dạo này vợ chồng nó đã hục hặc lắm rồi, thằng cu đánh con Tím như cơm bữa. Nó ghen tứ tung, ghen cả với anh Đoàn. Nhiều lần con Tím phải chạy đến cầu cứu anh Đoàn. Anh Đoàn xách dao phay đến tận nhà chỉ mặt thằng cu dọa nó. Thằng cu không sợ, nó biết anh Đoàn là bạn học của chị Điểm, chắc chắn không dám làm gì nó.

Thấy con Tím bị đánh đòn mà mình không làm gì được, anh Đoàn tức lắm chửi um lên, nói con ni ngu chi ngu tàn bạo, lấy ai lại đi lấy cái thằng mất dạy đó, thà lấy tao còn hơn. Con Tím cười, nó nhắc đến chuyện xưa, nói bộ anh không mất dạy à. Anh cười khì, nói tao có thể mất dạy cả thế giới, riêng vợ thì không. Con Tím lại cười, nói được rồi, khi mô tui gặp chị hỏi xem anh có mất dạy với vợ không. Anh Đoàn hỏi chị mô. Con Tím nói chị vợ anh đó. Anh Đoàn cười cái hậc, nói vợ con mô rứa hè.

Con Tím tròn xoe mắt, nói anh không có vợ thiệt à. Anh nói thiệt chớ răng không thiệt. Tại mi đó. Con Tím nói tại tui cái chi. Anh Đoàn trợn mắt lên, nói tại mi cầm cu tao, từ đó không có đứa mô dám cầm cu tao nữa. Con Tím cười rũ, đấm anh huỳnh huỵch.

Con Tím cứ tưởng anh Đoàn nói đùa, người như anh Đoàn không có vợ thật khó tin. Nó nghĩ chắc anh có vợ con rồi, nếu không thì cũng do bỏ nhau chứ không thể không có, té ra anh Đoàn chưa hề lấy ai thật. Mấy lần con Tím đòi đến nhà anh chơi, anh nói tao không có nhà. Con Tím cứ tưởng anh đùa, đến khi mục sở thị anh ngủ tại gầm cầu thang nó mới tin anh Đoàn nói thật, từ nhà cửa đến vợ con anh Đoàn đều không có.

Chuyện gì đến rồi phải đến. Một hôm con Tím gọi điện cầu cứu, anh Đoàn bỏ việc chạy đến. Thằng cu cài chặt cửa, anh Đoàn khỏe như trâu đạp mấy đạp là cửa bung ra. Con Tím đang nằm trên vũng máu, nó bị thằng cu lột truồng ra đánh cho tơi tả . Anh Đoàn hét to một tiếng, nói cha tổ mi thằng mất dạy!… Anh lao vào đánh thằng cu túi bụi. Anh bóp cổ thằng cu, nói mi cút ngay. Mi lấy con Tím không hôn thú, nhà này là của con Tím, con Tím đuổi mi mấy lần mi không chịu đi. Giờ chính thức tao đến để đuổi cổ mi ra khỏi nhà. Cút ngay không oong- đơ chi hết. Thằng cu nói quyền gì ở chú mà đuổi tui, anh Đoàn nói quyền chớ răng không. Từ giây phút này tao là chồng con Tím, nghe rõ không thằng chó!

Thằng cu bị tóng cổ ra khỏi nhà. Anh Đoàn quyết định ở lại canh cửa nhà con Tím mười ngày. Anh bỏ hết việc ngồi canh cửa. Đêm đến anh cũng ngồi canh cửa từ đầu hôm cho đến sáng. Đến ngày thứ mười không thấy thằng cu lai vãng gì nữa anh Đoàn mới chào con Tím ra về. Con Tím kéo áo anh níu lại, nói anh về mô nữa, đây là nhà của anh rồi mà. Thế là họ thành vợ chồng.

Mình hỏi anh Đoàn, nói lấy nhau kiểu rứa con Tím có hạnh phúc không. Anh Đoàn trợn mắt lên, nói răng không, thằng ni hỏi chi lạ rứa hè! Con vợ tao nói trong ba thằng chồng, tau là thằng làm nó hạnh phúc nhất đó. Anh Đoàn ngửa cổ cười kha kha kha, nói đàn ông không bần tiện, không ngoại tình, không đánh đập vợ con, chim cò lại không suy thoái thì không một con vợ nào trên đời lại không hạnh phúc. Tau nói rứa có đúng không nhà văn?

He he.

NQL