Tôi để ý, chỉ trong nửa giờ đồng hồ, anh Ba đã hai lần rời chỗ ngồi, lăng xăng chạy xuống hỏi vợ: “Phụ gì không em? Để anh giúp cho, nhặt rau hen!”. Chị Ba tôi trừng mắt: “Ông đi lên giùm, chuyện đàn bà, rớ vô chi, bầy hầy ra hết!” khiến cả nhà bật cười. Anh Hai cũng cười, một cái cười khinh khỉnh. Rồi anh chặc lưỡi: “Chuyện đàn bà, chú xía vô chi mệt vậy. Ngồi yên đây đi”. Anh Hai nói xong, tôi phát hiện nụ cười trên môi chị Hai tắt ngúm. Chợt nhớ có lần, má tôi vu vơ: “Con Ba ôm đồm, sợ chồng nhúng tay hư việc, còn con Hai ngược lại, thèm được chồng chìa tay san sẻ, giúp đỡ mà không được”.
Có lần ghé chị Ba chơi, tôi thấy chị áo quần xộc xệch, vừa nấu cơm vừa giặt đồ. Chồng chị đi làm về, liền nhào xuống bếp trở con cá đang chiên. Thấy vậy, chị Ba la lên: “Để đó em, anh lên nhà đi”. Muốn giúp vợ nhưng không biết làm gì, xớ rớ một lúc, anh lấy cây chổi định quét nhà, lại bị vợ nạt tiếp: “Trời ơi, mắc công em quét lại”. Vô bữa cơm, thiếu mất đôi đũa, anh vừa đứng dậy, chị đã chạy trước ba bước: “Em lấy cho nhanh”. Tôi hỏi sao không để chồng san sẻ bớt, chị cười trừ: “Đàn bà có “giang sơn” đàn bà. Mấy ổng mà chen vô, rách việc lắm”. Cứ thế, chuyện gì mặc định là của mình chị không cầu viện sự giúp đỡ. Tính chị lại cầu toàn, tự mình làm mới thấy ưng. Một hôm anh rể đi làm về, thấy vợ ngồi chồm hổm trên mái nhà, sửa lại ống thoát nước nên bực mình mắng vợ sao giành chuyện đàn ông, chị chậm mồ hôi, kêu: “Em làm cũng được vậy, chờ anh phải đến Chủ nhật mới rảnh”. Má tôi nghe chuyện, mấy bận kéo chị về nhỏ to: “Cứ chia việc cho chồng, để nó giúp mình mới có thời gian nghỉ ngơi. Con như thế là dễ làm hư chồng lắm đó nghen!”. Chị phân trần: “Nhìn ảnh làm, con ngứa mắt lắm, không ưng”.
Anh rể tôi cứ thế dần bỏ mặc vợ. Thời gian rỗi, lẽ ra về giúp vợ dăm ba chuyện nhà anh lại bù khú bạn bè. Suy cho cùng, có về nhà, anh cũng chỉ biết cắm mặt vào laptop, xem ti vi… Trong khi chị một bên việc công ty, một bên giành gánh cả “giang sơn” của mình, đầu bù tóc rối, bận bịu đến nỗi giấc ngủ mỗi ngày chỉ tròm trèm còn năm tiếng đồng hồ. Đến một ngày, chị nghe đồn anh thường đưa một cô gái đi dạo phố, cà phê, mua sắm sau giờ làm. Chị ngất xỉu, nhập viện nằm ba ngày, bác sĩ nói do thiếu ngủ, suy nhược, rối loạn tiền đình, cần nghỉ ngơi. Chị khóc hết nước mắt, trách móc chồng: “Em có cầu toàn, giành làm mọi việc cũng chỉ mong mọi thứ được tròn trịa, vun đầy trong mắt anh”…
Cũng áo quần xộc xệch, tóc tai rối bù nhưng chị Hai trông còn… thảm hơn vì gánh giang sơn nhà mình trong nỗi tủi thân. Ghé qua thăm chị, thấy chị chênh chao đứng trên hai chiếc ghế đẩu, vói tay lau từng cánh cái quạt trần. Chị giải thích: “Ngày mai giỗ ba chồng nên phải dọn dẹp”. Chị khoe, mạng nhện đã một mình quét xong, góc vườn cũng dọn sạch, cả buổi sáng còn đi chợ mua sắm đủ thứ. Tôi hỏi anh rể không giúp gì sao, chị cười mà ứa nước mắt: “Ảnh có bao giờ động tay vô mấy chuyện này. Đưa cho cục tiền rồi thôi, hết trách nhiệm”. Tính anh rể gia trưởng, quan niệm đàn ông có “giang sơn” của mình, chỉ cần kiếm tiền; chuyện bếp núc, thu vén cửa nhà, lễ nghĩa họ hàng, làng xóm là bổn phận của đàn bà. Anh bỏ mặc vợ như thế nên có hôm, chị gọi điện hỏi tôi cách thay cái cầu chì ổ điện. Xe hư, chị hì hụi đẩy ra tiệm, trong khi chồng ngồi khểnh đọc sách. Chị Hai nói tủi: “Chị cũng khéo léo, ý nhị nhờ giúp đỡ nhưng anh ấy cứ ậm ờ, kêu để đấy. Cái “để đấy” có khi kéo dài mấy tuần chưa xong”.
Chị Hai về chơi, nhấm nhẳng với má: “Điệu này chắc ly hôn. Chồng gì mà thờ ơ, vô tình với công việc của vợ quá”. Nói xong, chị búi tóc đứng lên, xin phép về vệ sinh cái tủ lạnh, chiều hôm qua chồng bảo hôi… Chị đi rồi mà má còn bần thần. “Đàn bà mà ôm đồm, cầu toàn như con Ba cũng khổ, bị “lâm trận” kiểu con Hai càng khổ gấp bội”. Má thở dài tiếp: “Vợ chồng phải san sẻ công việc nhà với nhau. Giang sơn của ai thì cũng vì cái giang sơn chung là hạnh phúc, đầm ấm, yên ổn của gia đình. Có vậy mới yêu thương, khắng khít hơn, hôn nhân mới không mỏi mệt”.
NGÂN DU/ Theo PhuNuOnline