Category Archives: Tâm sự cuộc sống

ANH TÀI XẾ GRAB BIKE HÀO PHÓNG NHẤT SÀI GÒN

Đã định không kể chuyện anh Thành nhưng cả mấy ngày nay newfeed toàn thấy chuyện buồn Thủ Thiêm nên mình lại kể chuyện này để thấy đời vẫn đẹp rực rỡ vì còn có nhiều người quá chừng dễ thương.

Câu chuyện cảm động của người chạy Grab Bike
Câu chuyện cảm động của người chạy Grab Bike

Anh Thành là người gốc Nhà Bè. Ba mẹ chia cho mảnh đất, anh làm nghề xây dựng nên tích cóp cất được cái nhà nhỏ rồi cưới vợ rồi có hai cậu con trai. Chị làm y tá ngoài trạm y tế xã. Cuộc sống gia đình ven đô cũng được coi là ổn định cho tới ngày anh bị ngã giàn giáo. Anh bị gãy tay không làm được việc nặng nữa nên chị bảo anh ở nhà lo đưa rước mấy đứa nhỏ. Chị tính về bên ngoại xin mảnh đất cất mấy căn nhà trọ cho thuê. Anh bảo là đàn ông mà ở nhà vợ nuôi coi không đặng. Mình cưới con gái người ta về không báo đáp cha mẹ vợ được thì thôi chớ mặt mũi nào để vợ về xin đất bên ngoại.

Thế là anh chạy xe ôm. Anh chạy từ sáng sớm đến giờ đón con thì về nhà rước hai ông nhỏ rồi lo phụ vợ chuyện cơm nước. Anh siêng chạy và cũng không cà phê, thuốc lá gì nên cũng có tiền đưa vợ mỗi ngày lo cho cả nhà.

Rồi anh gia nhập Uber. Uber khai tử anh bị cưỡng ép thành Grabiker. Anh kể Grab cho phép tài xế thấy điểm đến của khách nên nhiều tài chế gần, chê xa, chê không tiện đường sẽ không nhận khách. Anh thì chẳng chê khách bao giờ. Cứ có khách là xa gần gì anh chạy tuốt.

Bữa đó trời mưa sầm sập, khách book xe ra tận bến Miền Tây. Cuốc xe có 86 ngàn mà khách chỉ còn 80 ngàn để trả anh. Anh quay đầu xe được 1 đoạn thì khách gọi anh để nói cổ đánh rớt tờ 500 ngàn. – (Mình nghe đến đoạn này bụng bảo dạ, hóa ra cổ có tiền mà còn xù 6 ngàn tiền xe). – Mà anh Thành không nghĩ giống mình. Anh nghĩ có 6 ngàn mà cổ còn phải thiếu thì 500 ngàn với người ta phải quan trọng lắm. Thế là anh quay đầu xe tìm tờ 500 ngàn trong mưa. Mà tìm được mới hay chứ. Anh bảo hôm đó hên trời mưa nên tờ tiền dính mưa nằm chèm bẹp trên đường. Lượm được tờ tiền anh mừng húm báo lại cho khách thì khách bảo xe đã chuyển bánh rồi nên nhờ anh giữ giùm. Mấy bữa nữa ở quê lên cổ sẽ nhờ anh đi đón và nhận lại tiền.

Mấy bữa sau cô gọi anh ra bến xe đón. Bữa nay không mưa. Anh đưa cô về phòng trọ bên quận 8. Phòng trọ bé xíu có bà già và thằng bé cỡ 3 tuổi. Cái thằng bé dặt dẹo tới nỗi ảnh phải dừng đầu hẻm mua mấy hộp sữa vòng rồi vòng lại dúi cho mẹ nó rồi mới yên tâm quay về.

Rồi cổ thành khách quen. Anh hay đưa cô tới khám ở bệnh viện Hùng Vương. Có lần từ viện về cổ khóc như mưa. Hóa ra bác sĩ bảo khối u trong tử cung của cô không trì hoãn được nữa phải phẫu thuật nếu không sẽ có nguy cơ chuyển sang ác tính bất kỳ lúc nào. Tiện lúc có nước mắt cổ mới kể hôm anh chở cô lần đầu tiên là cô đi xuống miền Tây về nhà nội thằng nhỏ ốm nhom đó. Cô xin ông bà nội nhận thằng nhỏ về nuôi vì cô bệnh quá không nuôi nổi cả mẹ già và thằng nhỏ nữa. Mà người ta vẫn làm ngơ y như hồi cô bụng mang dạ chửa 3 năm trước.

Anh Thành an ủi, bác sĩ nói còn mổ kịp thì lo mổ đi chứ khóc lóc nỗi gì.

Bác sĩ nói tiền mổ không bảo hiểm, tiền thuốc men, viện phí cũng phải mất hơn 40 triệu. Cô đi làm công nhân khu chế xuất tằn tiện lắm mới đủ tiền trả tiền trọ và nuôi một mẹ già, 1 con dại thì lấy đâu ra ngần ấy tiền. Mấy chị em trong cùng dây chuyền sản xuất mỗi người cho mượn 1 chút cũng chỉ được hơn chục triệu chẳng thấm vào đâu.

Chở cô về phòng trọ rồi anh cứ nghĩ vẩn vơ. Cô mà chết thì đâu phải 1 mạng người. Mẹ già và con dại cũng chỉ có đường chết mà thôi.

Hôm sau cô không gọi xe nhưng anh đến nhà đưa cho cô 30 triệu. Anh chở cô vào nhập viện. Anh đóng tiền viện phí cho cô. Cô nhắn tin cám ơn anh và hỏi anh muốn gì cổ cũng đền đáp. Ngày cô xuất viện anh đến đón cô về nhà rồi anh chặn số máy của cô luôn.

30 triệu anh đi vay đóng lãi 3 triệu / tháng. Anh bảo cổ đẹp gái, khỏe mạnh rồi may mắn sẽ tìm được người đàn ông tử tế yêu thương, chăm sóc cho mấy mẹ con. Anh giúp cổ vì không đành lòng nhìn cả ba mạng người có thể mất đi chỉ vì thiếu 30 triệu viện phí. Anh không muốn cô hiểu lầm rằng anh giúp cô vì ý gì khác. Anh có vợ con rồi. Anh cũng chẳng thể giúp gì cô thêm được nữa.

Anh nói cổ lấy số máy lạ gọi anh mấy lần nhưng anh nghe giọng cô thì chỉ lặng lẽ tắt máy.

Từ lúc có khoản nợ 30 triệu. Anh Thành chạy xe thêm cả buổi tối. Tiền chạy xe ban ngày anh vẫn đưa đủ cho vợ. Tiền chạy xe buổi tối anh để dành đóng tiền lãi. Còn gốc thì chả biết mấy mùa mưa nữa mới trả xong.

Anh dừng xe ở Takashimaya. Anh bảo tiền tôi đã thanh toán qua thẻ rồi chỉ cần trả nón bảo hiểm là đi được. Tôi dúi vào tay anh ít tiền, bảo rằng tôi phụ anh chút tiền trả tiền lời tháng này. Mặt anh lúc ấy khó diễn tả lắm. Anh từ chối không nhận với 1 lý do chớt quớt: “Tôi có biết anh là ai đâu mà đưa tiền. Anh kể chuyện chỉ để tôi biết rằng ai cũng có thể làm điều tử tế thôi chứ không phải để xin tiền.”

Tôi phải thuyết phục anh rằng anh dám vay nợ để giúp người dưng mà, tôi chỉ có chút ít phụ anh. Anh nhận cho tôi thì tôi coi như cũng được làm điều tử tế.

Tôi bước đi thật nhanh để khỏi mất công anh từ chối thêm.

Tôi kể chuyện với 1 người bạn. Bạn tôi cười cười bảo tôi dễ bị lừa thật.

Rồi buổi trưa hôm ấy anh gọi điện thoại cho tôi. Anh bảo hồi sáng anh đứng khóc ở ngã tư. Anh hỏi khi nào tôi về nhà để anh mang tiền vào trả tôi chứ anh không nhận tiền của tôi được.

Tôi từ chối nhận lại tiền thì anh lại nhắn tin để anh chở tôi đi để trừ vào khoản tiền tôi đưa cho anh.

Hóa ra người tử tế vẫn chưa bị tuyệt chủng, đời vẫn còn tươi đẹp lắm phải không?

Thật ra mỗi chúng ta, ai cũng có thể là anh Thành của một ai đó theo cách của riêng mình.

câu chuyện trên, bạn tin cũng được, không tin cũng không sao. nhưng tôi thì tin. cứ tin đi để thấy cuộc đời sau bao sóng gió, thăng trầm, lừa lọc lẫn nhau… thì vẫn còn những người tốt. và bản thân chúng ta, hãy cứ sống tốt theo cách của mình.

“nhân chi sơ tính bổn thiện mà”, có phải không!

#tinvaodieutotdep

© from Tracy Vu

Ngày 8/3 không có hoa

Sáng nay đi xe ôm và được trọ chuyện với bác xe ôm về chủ đề chính của ngày 8 tháng 3:

Mình: sáng nay bác hơi bận thì phải ?

Bác xe ôm: Ừ, sáng giờ chạy giao hoa 8/3 muốn đừ luôn.

Mình: Ồ đúng rồi bác giúp em mua hoa đễ tặng các đồng nghiệp được không ?

Bác xe ôm: x#?%…Em còn trẻ mà sao mà dở hơi vậy ? Phụ nữ không cần hoa, họ chỉ cần sự tôn trọng mà thôi. Không cần phải hô hào, quà cáp theo kiểu hình thức. Quan trọng là khi phụ nữ làm cùng công việc thì nên đảm bảo cho họ có quyền lợi như nam giới và hơn thế nữa, cần có sự công nhận sự đóng góp của họ một cách bình đẳng.

Mình: Em thì thấy tích cực hơn đó bác, vì có thể có sự khác biệt trong cách ứng xử tùy theo thành thị hay nông thôn hoặc thậm chí hoàng cảnh cũa từng người mà có thể có nơi chưa bình đẳng, nhưng nhìn chung thì xã hội cũng khá công bằng đó chứ, với nhiều sếp trong các tập đoàn lớn cũng như trong bộ máy quản lý công quyền cũng có cán bộ cao cấp là phụ nữ rồi.

8-3 khong co hoa
8-3 không có hoa

Bác xe ôm: Trong thời gian qua đúng là có tiến bộ, riêng ở VN thì sự chênh lệch giữa nam/nữ chỉ có 600k đồng và cũng có các nữ tướng trong các cty lớn trong nước được truyền thông trong nước cũng như nước ngoài công nhận. Tuy nhiên, không phải có nữ lãnh đạo nổi bật là đồng nghĩa với sự bình đẳng trong xã hội. Cụ thể là Obama làm Tổng Thống Mỹ thì không có nghĩa là nước Mỹ có sự bình đẳng đối với người thiểu số trên nước Mỹ. Chính vì sự nổi bật của tổng thống Obama mà một số người cứ ngộ nhận rằng nước Mỹ không có sự phân biệt chủng tộc. Đôi khi sự nổi bật đó lại làm lu mờ đi các những vấn đề cần sự quan tâm của mọi người.

Mình: Cũng có lý nhưng em và những người bạn của em không thấy mình có sự thiên vị nào cả. Vậy thì làm sao biết được là trong mổi người chứng ta có thật sự là nhân tố góp phần trong việc bất bình đẳng giới tính ?

Bác xe ôm: Rất dễ để biết mổi người chúng ta có trọng nam khinh nữ hay không. Em chỉ cần trả lời câu hỏi là khi đến nhà một người thân, nếu thấy nhà bê bối không ai dọn dẹp thì người đầu tiên trong nhà mà xã hội chúng ta chỉ trách có phải là người vợ hay người phụ nữ trong nhà hay không ? Nếu em trả lời là phải hoặc em trả lời là xã hội sẽ trách ông chồng vì không biết dạy vợi thì em không cần đi mua hoa vì những gì phụ nữ cần không phải là hoa mà cần sự tôn trọng, cách nhìn đúng đắng. Cụ thể là em cần truyền thông cho mạng xã hội của em rằng phụ nữ có thể làm tất cả mọi việc nhưng không đồng nghĩa với việc là họ phải làm tất cả.

Mình: Em hiểu ý bác. Cám ơn bác nhiều.

Theo Fb: Tước Huỳnh.

Những người thầy/cô đã thay đổi cuộc đời của em.

Năm tôi học lớp 6, không có xe đạp nên đi ké bạn học, giữa đường tôi bị 1 chiếc xe máy quẹt phải, biển số xe đã cắt đứt gần hết phần đầu gối tôi. Nhà nghèo, chưa có tiền nộp bảo hiểm nhà trường, chi phí điều trị khá cao. Rồi một người thầy lúc đó dạy tôi môn sinh học, thầy ở quanh trường, sáng thấy thầy cầm cuôc đi làm rẫy, chiều thầy vào dạy chúng tôi. Thầy đã tìm cách và cuối cùng cũng giúp tôi có được bảo hiểm để điều trị cái chân, nếu không thì chắc sẽ khó có 1 đôi chân lành lặn. Đó là thầy A Quân Trần cùng với các giáo viên khác – Em cám ơn thầy!

Cũng vào lớp 6, một thầy mà trước đó đi lái máy cày, dạy tôi Tiếng Anh. Thầy khó tính nhưng vô cùng có trách nhiệm và thương yêu học trò. Thầy có chất giọng chuẩn của 1 người được Mỹ đào tạo… tôi chả có bằng cấp gì tiếng Anh, cũng chả được thằng Tây nào dạy, chỉ được Thầy dạy, đó chính là thầy Van Long Hung. Sau này thầy còn giúp cho có thu nhập bằng cách dạy lại Toán-Lý-Hóa cho các con Thầy.- Em cám ơn Thầy!. Sau Thầy còn có cô Trang tiếp tục dạy mình tiếng Anh. Em cám ơn Thầy/Cô đã giúp mình có được chất giọng tốt từ nhỏ để làm hành trang vào đời.

20-11 em chúc toàn thể thầy cô có nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp trồng người. Những người thầy/cô đã thay đổi cuộc đời của em.

Phan Thanh Giản

Tình yêu thương Tạo hóa ban tặng riêng chỉ có ở “Con Người”.

Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.

Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.

Mẹ tôi khuyên: “Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm”.

Tiếng của đêm khuya
Tiếng của đêm khuya

Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm.

Có người khuyên: “Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu…”

Rồi người ấy nói tiếp: “… Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời, người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được.

Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm !”.

Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. Tôi tự nhủ: “Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi”.

Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở.

Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: “Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn…”

Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.

Mẹ tôi an ủi: “Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được”

Rồi… khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất.

Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.

Tôi nói với mẹ: “Mẹ nói đúng thật !”.

Nhưng tôi bỗng bất ngờ … khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ.

Mẹ tôi nghẹn ngào nói: “Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn, nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi. ”

Trong tình làng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy.

Cậu bé cúi thấp đầu tiến đến gần tôi và nói: “Dì! Nhiều lần cháu làm dì mất ngủ, cháu xin dì tha lỗi”.

Rồi cậu nói trong tiếng nấc : “Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, Nay mẹ cháu không còn nữa, dì ạ …”

Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra …

Tôi thấy mình quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác.

Cảm thông là tối cần trong các mối quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời,

Xin bạn đừng bao giờ khép lại lòng mình, Cầu mong cho con người chúng ta luôn hướng đến một nhịp đập trái tim quảng đại, một tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy tâm tình yêu thương Tạo hóa ban tặng riêng chỉ có ở “Con Người”.

Mẹ đau khổ tìm kẻ cưỡng gian để lấy tuỷ cứu con và câu chuyện đẫm nước mắt…

Tha thứ cho bản thân mình có lẽ là một việc không mấy dễ dàng khi người ta cứ dằn vặt và đau khổ mãi về quá khứ đau thương. Câu chuyện xúc động dưới đây sẽ cho bạn hiểu, ai cũng có thể thay đổi nếu chưa trút hơi thở cuối cùng.

Tìm tuỷ sống cứu con
Tìm tuỷ sống cứu con

 

Vào những ngày cuối năm 2002, trên các trang báo của Ý đã xuất hiện một thông báo tìm người rất đặc biệt:

Ngày 17/5/1992,

Ở bãi đậu xe đường số 5, khu thương nghiệp thành phố Avenue, một người phụ nữ da trắng bị một chàng trai da đen cưỡng hiếp. Không lâu sau, người phụ nữ kia đã sinh ra một bé gái da đen. Hiện tại cô bé bị bệnh máu trắng, cần phải làm phẫu thuật cấy ghép tủy gấp, ba ruột của cô bé chính là niềm hy vọng duy nhất để cứu sống cô, hy vọng người năm xưa sau khi đọc được lời nhắn này, hãy mau chóng liên hệ với bác sĩ Adrew làm việc tại bệnh viện Elizabeth.

Bản tin đã nhanh chóng tạo ra một chấn động trong dư luận.

Đây là một câu chuyện có thật, và nó sẽ có kết cục như thế nào? Đối diện với một kẻ cưỡng bức… Bạn có tha thứ cho anh ta không? Xin hãy xem tiếp…

Cô bé bị bệnh máu trắng liên quan đến một bí mật …

Ở một khu dân cư thuộc thành phố Foyer nước Ý, Marda 35 tuổi là người phụ nữ luôn bị mọi người xì xào bàn tán, bởi cô và chồng cô Peter đều là người da trắng, nhưng trong hai đứa con của họ lại có một đứa là da đen.

Điều này đã khiến cho những người hàng xung quanh không khỏi cảm thấy tò mò, Marda luôn cười nói với họ rằng, do bà nội của mình là người da đen, ông nội là người da trắng, nên đứa con gái Monica mới xuất hiện sự lại giống như vậy.

“Chuyện xảy ra vào tháng 5/1992, lúc đó là 10h tối, trời mưa rất to. Marda vừa tan ca làm. Khi cô đi ngang qua một bãi đậu xe bị bỏ hoang, Marda nghe thấy sau lưng có tiếng bước chân; cô sợ hãi quay đầu lại nhìn, là một chàng trai da đen đang đứng phía sau cô. Anh ta tay cầm một khúc cây, đánh cô ngất đi, và làm nhục cô. Không lâu sau đó, Marda phát hiện mình đã mang thai. Họ đã vô cùng sợ hãi, lo sợ rằng đứa con này chính là của người da đen kia. Marda muốn phá bỏ cái thai, nhưng Peter đã ngăn cản cô bởi anh vẫn hi vọng đứa bé trong bụng chính là con của họ.

Cứ như vậy, họ đã thấp thỏm chờ đợi…

Tháng 3/1993, Marda hạ sinh một bé gái, là da đen. Họ đã hoàn toàn tuyệt vọng, và quyết định sẽ đem đứa bé cho cô nhi viện, nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng khóc của nó thì lại không nhẫn tâm. Và cuối cùng họ quyết định sẽ nuôi nấng cô bé này như con gái….

Mắt Peter bắt đầu nhòe đi, anh tiếp tục nói:

Dù sao thì Marda cũng đã mang thai nó, đứa bé không có tội gì cả. Nó xứng đáng được sống và yêu thương.

Sống mũi bác sĩ Andrew cũng đã cay cay, ông im lặng một lúc rồi cuối cùng mở lời: “Ông bà phải tìm được cha ruột của Monica, nói không chừng tủy xương của anh ta, hoặc tủy xương của con cái anh ta có thể thích hợp với Monica”.

“Nhưng… ông bà có bằng lòng để cho anh ta xuất hiện trong cuộc đời mình lần nữa hay không?”

Marda nói: “Vì Monica, chúng tôi bằng lòng tha thứ cho anh ta, nếu như anh ta chịu bước ra để cứu đứa bé, tôi hứa sẽ không khởi tố”.

Bác sĩ Andrew không khỏi chấn động sâu sắc bởi tấm lòng lòng thương con của người mẹ này.

Marda và Peter suy nghĩ hết lần này đến lần khác, quyết định dùng hình thức giấu tên, để đăng một bản tin tìm người trên báo.

Tháng 11/2002, trên hầu hết các tạp chí thành phố Foyer đều đăng một bản tin tìm người. Nhưng trong biển người mênh mông, huống hồ chuyện đã nhiều năm như vậy, biết đi đâu để tìm tên cưỡng dâm năm xưa?

Tình mẫu tử cảm động lòng người đã tình cờ giúp đỡ nhiều bệnh nhân bất hạnh…..

Câu chuyện này đã làm cảm động rất nhiều người, một làn sóng hiến tủy lan khắp cả nước, không ít người tự nguyện làm xét nghiệm tủy để xem mình có thích hợp hay không. Và điều đó đã cứu được rất nhiều bệnh nhân bị bệnh máu trắng, nhưng Monica lại không nằm trong số những người may mắn.

Bản tin cũng truyền đến tai những tội phạm da đen năm đó. Rất nhiều người đã tự nguyện trình báo để làm xét nghiệm xương tủy, hi vọng có thể hiến tủy cho Monica. Cả những tù nhân da trắng cũng bị cảm động trước tình mẫu tử của Marda, họ bày tỏ sự quan tâm chân thành đến cô và cung cấp nhiều manh mối hỗ trợ cảnh sát và gia đình tìm ra kẻ cưỡng gian năm xưa.

Nhưng đáng tiếc thay, họ vẫn không thể tìm ra cha ruột của Monica. Hơn hai tháng trôi qua, người đàn ông da đen kia vẫn không xuất hiện… Marda và Peter vẫn hồi hộp lo lắng chờ đợi phép màu sẽ đến với con gái của họ.

Người đàn ông bí ẩn…dần lộ diện 

Sau khi bản tin tìm người này xuất hiện trên trang báo ở thành phố Napoli, trong lòng ông chủ của một nhà hàng cao cấp là Achlia bắt đầu dậy sóng.

Ngày 17/5/1992, trong cuộc đời anh đã trải qua một đêm gió bão bùng tựa như ác mộng, anh rất có thể là người được nhắc đến trong câu chuyện trên.

Không ai có thể ngờ được rằng triệu phú Achlia của ngày hôm này từng là một người rửa chén thuê trong một nhà hàng ở thành phố Foyer. Cha mẹ mất sớm, anh phải nghỉ học, lăn lộn kiếm sống ngoài xã hội. Trớ trêu thay, ông chủ của anh lại là một kẻ phân biệt chủng tộc. Dẫu anh có cố gắng làm việc chăm chỉ thế nào thì vẫn luôn phải chịu sự đánh đập chửi mắng từ ông ta.

Đó là sinh nhật lần thứ 20 của Achlia. Anh dự định sẽ nghỉ làm sớm để đón mừng sinh nhật của mình, không ngờ trong lúc loay hoay đã vô tình làm rơi một cái đĩa, ông chủ túm chặt lấy cổ anh bắt anh phải nuốt hết những mảnh vỡ đó. Achlia phẫn nộ cho ông ta một đấm, rồi xông ra khỏi quán.

Anh quyết tâm báo thù người da trắng. Buổi tối hôm đó trời mưa tầm tã, trên đường dường như không có một bóng người đi lại, trên bãi đậu xe anh gặp Marda, căm phẫn dâng trào trong anh về sự phân biệt chủng tộc, lòng căm thù đối với người da trắng đã khiến anh phạm phải tội ác lớn nhất trong cuộc đời mà đến tận bây giờ anh vẫn không thể tha thứ cho chính mình: anh đã cưỡng bức người phụ nữ vô tội đó.

Hối hận vô cùng, anh đã mua vé xe lửa đến thành phố Napoli, rời xa khỏi thành phố này trong đêm hôm đó, hi vọng có thể quên đi cảm giác tội lỗi mà anh đã gây ra.

Về sau, Achlia đã tìm được công việc thuận lợi ở nhà hàng của một người Mỹ, đôi vợ chồng đó rất quý sự cần cù của anh, còn đem cô con gái Lina gả cho anh, về sau còn giao cho anh quản lý toàn bộ công việc kinh doanh của nhà hàng.

Mấy năm trở lại đây, anh đã phát triển nhà hàng thành một nhà hàng cao cấp sang trọng. Anh và Lina cũng có với nhau ba đứa trẻ vô cùng đáng yêu. Đối với mọi người, Achlia thật sự là một ông chủ tốt, người chồng tốt và người cha tốt.

Achlia vẫn không sao quên được tội ác năm xưa. Anh luôn cầu nguyện Thượng Đế, xin Người hãy phù hộ người phụ nữ đã từng bị anh làm hại kia, hy vọng cô có thể bình an vô sự sống một cuộc sống hạnh phúc, và không bị tổn hại bởi tội lỗi anh đã gây nên. Nhưng anh trước giờ chưa từng đem bí mật trong lòng này nói với bất kỳ ai.

Buổi sáng hôm đó, Achlia đã đọc đi đọc lại bản tin đó đến mấy lần, trực giác mách bảo rằng anh chính là kẻ cưỡng gian được tìm trên tờ báo đó. Anh không bao giờ nghĩ rằng, người phụ nữ đáng thương đó đã mang thai và đã nuôi dưỡng đứa con vốn không thuộc về mình.

Cả ngày hôm đó, Achlia đã gọi điện thoại cho bác sĩ Andrew mấy lần, nhưng điện thoại còn chưa quay xong anh liền vội cúp máy. Trong lòng anh đang giãy giụa đau đớn. Nếu như đứng ra thừa nhận tất cả, mọi người sẽ biết được quá khứ xấu xa của anh, những đứa con sẽ không còn yêu thương anh nữa, anh sẽ mất đi gia đình hạnh phúc và người vợ xinh đẹp, cũng sẽ mất đi sự tôn trọng của xã hội đối với mình. Anh đã rất khó khăn để có một cuộc sống như ngày hôm nay, anh không thể để hạnh phúc tuột mất được.

Bữa tối hôm đó, mọi người trong nhà đều bàn luận về những tin tức có liên quan đến Marda trên báo chí như những lần trước. Người vợ Lina nói:

Em thật sự rất khâm phục người phụ nữ này. Nếu như đổi lại là em, em sẽ không đủ can đảm để nuôi dưỡng con gái đã được sinh ra vì bị cưỡng hiếp. Em càng khâm phục chồng của cô ấy, anh ta quả thật là một người đàn ông đáng được tôn trọng, có thể chấp nhận một đứa con như thế”.

Achlia im lặng hồi lâu rồi hỏi: “Vậy em nhìn nhận kẻ cưỡng hiếp đó như thế nào?”

Lina căm phẫn nói: “Em tuyệt đối không thể tha thứ cho hắn ta được. Năm xưa đã làm sai rồi, vào thời khắc then chốt của bây giờ, hắn ta lại rụt cổ trốn tránh. Hắn ta thật đúng là quá đê tiện, quá ích kỷ, thật là quá ghê tởm! Hắn ta là con quỷ hèn nhát!”

Nghe Lina nói vậy, Achlia càng không dám nói ra sự thật với vợ. Anh trằn trọc suốt đêm không sao ngủ được, cảm giác bản thân như bị đày đọa dưới địa ngục, những khung cảnh trong đêm mưa gió tội ác đó không ngừng xuất hiện trước mắt. Anh dằn vặt tự hỏi: “Mình rốt cuộc là người tốt, hay là người xấu?

Mấy ngày sau, Achlia không cách nào im lặng được nữa, tình thương của người cha đã bùng lên từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn anh, anh muốn cứu con gái mình. Anh đã phạm sai lầm một lần rồi, bây giờ không thể phạm sai lầm tiếp nữa. Anh gọi cho bác sĩ Andrew bằng điện thoại công cộng.

Cũng trong tối hôm đó, anh lấy hết can đảm để nói với vợ tất cả. Lina bật khóc, cô không thể nào có thể chấp nhận được người chồng rất mực yêu thương cô lại chính là một tên tội phạm. Cô chạy ào ra khỏi cửa, lái xe đi suốt đêm trong vô vọng, cô chưa từng trải qua đêm nào khủng khiếp như vậy trong cuộc đời. Sau một đêm dằn vặt đau khổ, cô đã quyết định trở về. Achlia ra mở cửa, hai mắt đỏ hoe. Lina kiên định nói: “Achlia, anh hãy đến chỗ bác sĩ Andrew! Em sẽ đi cùng với anh!

Trong tuyệt vọng luôn xuất hiện ánh sáng hy vọng….

Ngày 8/2/2003, vợ chồng Achlia đã đến bệnh viện Elizabeth và làm xét nghiệm ADN, kết quả anh thật sự chính là cha ruột của Monica.

Khi biết được người đàn ông da đen từng làm nhục mình cuối cùng đã dũng cảm bước ra, những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng lăn dài trên má Marda. Cô đã căm hận trong suốt 10 năm, nhưng thời khắc này đây cô vô cùng cảm động.

Đây quả thật là một câu chuyện hy hữu chấn động tâm can, xúc động lòng người…

Có lẽ bạn cũng đã từng làm sai, đi lầm đường, nhưng chỉ cần có lòng sửa lỗi thì bạn có thể “bình thản mà đối mặt với tương lai”. Bởi chỉ khi ta thành thật với bản thân mình, dũng cảm chấp nhận con người mình dù là những điều xấu xa nhất, chúng ta mới có thể nhìn thấy ánh sáng của sự tốt đẹp. Trong tận cùng của cái ác chính là bản tính lương thiện bị che giấu. Đừng ngại ngần đối diện với nó mà vươn lên, đó mới là sự tốt đẹp chân chính và vĩnh hằng trong cuộc đời.

Theo Cmoney

Linh An

Đơn giản mình là thế!

1.Mình chưa bao giờ cho phép có ý nghĩ lấy chồng cho có tấm chồng, cho giống mọi người nên chưa gặp người phù hợp thì cứ ở vậy cho lành. Với mình, lấy chồng không chỉ là chuyện ăn cùng và lên giường với nhau mà người đàn ông là khát vọng và giấc mơ của mình…

2.Mình cũng chẳng có nhu cầu phải nhiều bạn, bởi từ bé trong chuyện bạn bè mình luôn là đứa cô đơn, từ thời đi học đến khi đi làm hay va đập cuộc sống. Mình rút ra được một điều, cái thói muôn đời của đàn bà An Nam là ganh tỵ kiểu bạn xinh đẹp hơn họ ganh, bạn được nhiều đàn ông yêu họ ganh, bạn có chồng yêu họ ganh, bạn thành công hơn họ ganh… Nếu gặp những người như vậy thì thà chơi với dế còn hơn! Đàn bà với nhau mà không biết thương lấy nhau thì thử hỏi làm sao bọn đàn ông thương được?

3.Mình đi làm bỏ chất xám, sức lao động chứ không phải xin xỏ nên kiểu rẻ rúng nhân viên hay đì nhân viên hay lấy chức vụ ra mà làm le, o ép nhân viên quá… mình cực ghét. Cũng may là đời mình từ khi đi làm đến giờ toàn gặp môi trường tốt, sếp luôn biết điều và ưu ái cùng một nhân cách lừng lững… chứ không giờ này mình đang ở quê chăn gà với mẹ rồi.

4.Ai nói mình ế mình chảnh rồi còn ham chơi trong khi người khác cặm cụi đi làm, mình chỉ muốn đập dép vào mồm thôi. Mình không xen vào cuộc sống của mọi người, thì cũng đừng xen vào cuộc sống riêng tư của mình. Sắp xếp cuộc sống và cách hưởng thụ cuộc sống như thế nào là cách của mỗi người, đừng giở thói ganh tỵ nhỏ mọn kiểu An Nam như vậy!

5.Mình là kiểu người không biết nịnh nọt, luồn cuối, mình ghét thích ai thì cứ dán chữ lên mặt hết, vui thì cười, buồn thì tu tu khóc, chả phải trầm lắng hay sâu sắc cái khỉ mốc gì, tính thì như đàn ông, thẳng băng ruột ngựa (thật ra mình cũng chưa thấy cái ruột ngựa nó thẳng như thế nào) nhưng người mình đã không ưa mình chẳng thèm nhếch mép, kiểu mình khinh… nếu ai gần mình thì sẽ rất rõ điểm này ở mình… Đời mình nhạt lắm chứ chả mặn cái khỉ mốc gì đâu. Được cái mình biết hài lòng với cách sống của mình.

6.Cuối cùng mình sẽ tập yêu bản thân mình trước khi yêu một kẻ khác (bất luận là ai) mà nói nống hơn kiểu nổ banh ta lông là yêu hết thảy nhân loại này.

p/s: đơn giản là mình

Vân Thuỳ

Lời xin lỗi

Hôm nay ở chỗ tôi làm, có bà khách nọ, sau hơn một tiếng relax với pedicure và manicure thì hốt hoảng báo bị mất chiếc nhẫn.
Bà khá lớn tuổi. Là khách quen của tiệm. Những câu chuyện bà kể thường không đầu, không đuôi. Có lẽ do trí nhớ của bà bị sút giảm, là điều vẫn thường hay gặp ở tuổi già.
Bà khách không dám đổ lỗi cho hai người thợ vừa làm cho mình, nhưng xin được đi lục tất cả các thùng rác để kiếm. Nhìn bà thất thần bới tung tất cả những bịch dơ, chai lọ trong tiệm mà vẫn không tìm thấy, ai nấy cũng đều ái ngại, nên bảo bà hãy về đi, nếu tìm được nhẫn sẽ gọi cho bà.
Thật ra thì đó chỉ là một chiếc nhẫn inox rất đỗi bình thường, không đắt tiền, nhưng vì nó có giá trị kỷ niệm cao nên bà khách rất quý nó.
Cuối cùng, bà khách đành thất thểu bỏ về sau hơn nửa giờ tìm kiếm không kết quả.
Bỗng dưng, khoảng chừng hai giờ đồng hồ sau, bà ấy lại xuất hiện trước cửa tiệm.
Trên tay bà khệ nệ ôm hai lọ hoa nhỏ có dòng chữ “I’m sorry” và hộp bánh cho tất cả mọi người.
Banh kem Hoa Xin Lỗi
Bánh kem Hoa Xin Lỗi
Bà bật khóc, ôm hai người thợ vừa làm cho mình khi nãy, thì thầm:
– Tôi xin lỗi! Tôi thật là lẩm cẩm quá! Hôm nay, tôi đã không đeo nhẫn khi đi ra ngoài. Tôi vừa trở về nhà và đã tìm thấy nhẫn của mình! Tôi xin lỗi..
Tất cả chúng tôi đều im lặng vì cảm thấy quá xúc động.
Người đàn bà kia, từ đầu đến cuối, bà chưa hề mở miệng ra để trách móc, hay đổ lỗi cho hai người thợ đã làm cho mình nửa lời.
Thế mà, bà vẫn cảm thấy vô cùng ân hận, vì nghĩ rằng mình đã làm tổn thương họ.
Bà đã lụm cụm đi mua hoa để xin lỗi họ, mua bánh để mời tất cả chúng tôi, vì nghĩ rằng mình đã làm phiền mọi người.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta vô tình làm tổn thương những người bên cạnh, hay gây ra lầm lỗi với người xung quanh, nhưng vì sĩ diện hay tự cao, chúng ta vẫn thờ ơ, ngại mở miệng ra để nói lời xin lỗi đến họ.
Lời xin lỗi, bản thân nó không hề làm giảm giá trị của chủ nhân, mà ngược lại, còn tôn giá trị họ lên trong mắt người khác rất nhiều!
Hang Vuong

Chuyện tử tế: Tối Hôm Qua

– Con bị té xe, đầu đập xuống đất, chảy máu…
Giọng con trong điện thoại run run, hai vợ chồng chạy ào ra, từ nhà mình qua nhà Thầy giáo chỉ khoảng 600 mét đường nội bộ trong khu dân cư, nên mấy tháng nay tập cho con gái tự đi xe đạp, ngày nào cũng hồi hộp lo âu, chỉ quá 5 phút mà chưa thấy con về tới nhà là chạy qua kiếm, vậy mà…

Cơn mưa
Cơn mưa

Đèn đường không sáng như mọi khi, con ngồi dưới lề đường, một cậu bạn dựng xe đứng ngoài che để các xe khác thấy mà tránh, hai cậu bạn khác đứng xa hơn vì quá sợ khi nhìn thấy máu, vài người lớn hỏi thăm, con bình tĩnh trả lời các cô bác, giữ để không ai chạm vào vết thương vì e không đúng cách sẽ nhiễm trùng, mình thầm cám ơn con điều này khi đưa về nhà lau rửa vết thương.

Có lẽ lúc đạp xe, con đã cán phải hòn sỏi nên trật bánh xe, mất thăng bằng, té đập mặt xuống đường, mắt kính bị gãy, chính cái chốt của gọng kính đã cắt vào đuôi chân mày một đường dài khoảng 4cm, sâu, và nham nhở làm chảy máu, một bên má sưng và trầy sướt, bàn tay chống xuống đường nên đau và hơi sưng, nhưng vẫn cử động bình thường. Vợ chồng mình đưa con vào bệnh viện để khâu vết thương và kiểm tra xương khớp.

Chẳng may, tới trước siêu thị Lotte, sau khi xi-nhan, xe quẹo phải, khi đã qua hết phần đường xe 2 bánh thì va phải một chị chạy Spacy khi chị vượt qua mặt rồi thắng lại vì đèn đỏ. Chị bị té ngồi xuống đường, xe gắn máy đè lên bàn chân một lõm tròn, chảy máu khá nhiều, quần rách gối và đầu gối bị lát, chị đau quá, không đứng dậy nổi, mình hỏi nhà chị gần đây không, gọi người nhà ra đem xe gắn máy về, sẳn mình chở con vô bệnh viện, chở chị vô chụp, khám, kiểm tra tổng thể luôn.

Vào bệnh viện đầu tiên gần nhất, bác sĩ coi qua rồi khuyên nên qua chấn thương chỉnh hình, nhưng sau khi bàn bạc, chị và mình thống nhất qua bệnh viện Đại học Y Dược vì cả hai đều có người quen. Mình điện thoại nhờ người nhà tìm giúp Bác sĩ đang trực đêm để khâu thẩm mỹ cho con bé, và cho cả chị nữa, chở 2 người đang chảy máu trên xe, một máu đầu, một máu chân, thiệt là… choáng. Mà mình choáng váng thế nào lại đóng sập cửa xe vào ngón tay út, thêm một em chảy máu tay, sưng vù, chắc đi tong móng tay luôn rồi…

Phải công nhận bệnh viện chăm sóc vết thương rất kỹ lưỡng, may mà xương bàn chân chị không sao, có lẽ cái chống xe hình tròn cắt phần mô mềm ở bàn chân nên chảy máu nhiều, bác sĩ cắt luôn ống quần để xem vết xướt ở đầu gối. Con gái nghe phải may vết thương thì không giữ bình tĩnh nữa, hơi mếu và ôm mẹ nói nhỏ “con sợ kim lắm, con không may được không?”, nói xong thì nước mắt rơi, tội nghiệp con, giờ mới khóc.

Có lẽ nhờ vào sự cần mẫn, dịu dàng, nụ cười và ánh mắt hiền lành của Bác sĩ mà con gái dần lấy lại bình tĩnh khi bước vào phòng tiểu phẩu, không ngờ vết cắt sâu và nát nhiều như vậy, đất hòa lẫn với máu nằm sâu trong vết thương nhìn thiệt là xót. Mình không biết nói sao cho hết sự cảm kích với Bác sĩ Nhất, bác gợi hỏi chuyện con bé rất tâm lý, xử lý vết thương hết sức nhẹ nhàng, mỗi khi phun sương lớp thuốc tê lên vết thương, lại hỏi có đau không, khi đưa kim tiêm thuốc tê thận trọng bơm từng chút một. Bác khéo léo may nối từng lớp cơ bé xíu bên trong, cố gắng ráp những chổ bị cào làm mấy ngã bị nát li ti, tập trung cao độ vậy mà vẫn luôn trò chuyện dịu dàng với con bé…

Khi mình đưa con quay lại phòng cấp cứu thì chồng chị cũng vừa tới, những người em đã về bớt, lúc nãy mình có nghe các cuộc điện thoại từ mấy người em gọi cho anh nên biết anh nóng ruột lắm, anh trên đường đi công tác ở tỉnh về và chạy thẳng vào bệnh viện.

Thật bất ngờ, ông xã chị cùng làm chung công ty T. với mình ngày trước, do khác mảng phụ trách, thường chỉ gặp trong các cuộc họp giao ban, nên thoạt đầu mình chưa kịp nhận ra. Hóa ra chị và mình cùng ở trong một khu dân cư và nơi con gái bị té xe lúc nãy xéo xéo nhà chị vài mét.

Anh cám ơn tôi đã nhiệt tình chăm sóc cho chị, còn tôi thì cám ơn chị và những người em, dù rất xót, đã không buông một lời than vãn trách móc nào…

Thêm một chuyện cảm động, khi tới quầy đóng phí bệnh viện, người quản lý không nhận tiền phần chăm sóc con bé, cô nói lúc nãy Bác C. điện vào bảo lãnh rồi. Thiệt tình là mình chưa quen biết Bác C. có lẽ người nhà đã nhờ giúp đỡ và Bác ấy đã hết lòng.

Trên đường về, mình hỏi con gái, con thấy buổi tối hôm nay ra sao? Con trả lời:
– Con hiểu về lòng tử tế!

Chợt nhớ năm kia, con gái hỏi mình, lòng tử tế là gì và mình đã post lên FB nhờ bạn bè giúp tìm câu trả lời tốt nhất.

Bây giờ thì mình đang nghĩ làm sao bày tỏ lòng biết ơn tới Bác sĩ Nhất, Bác C. và cả Chị nữa một cách tử tế nhất, lịch sự nhất.

Tuổi thơ trong tôi là…..

Chiều nay có việc đi ngang trường cũ, hơi ngỡ ngàng và hụt hẫng vì ngôi trường gắn với bao kỉ niệm thời thơ ấu của mình nay không còn nữa. Chỉ còn là đống gạch hoang tàn. Ngôi trường mình giờ được xây lại ở chỗ mới khang trang, tráng lệ, theo tiêu chuẩn quốc gia nhưng sao nhìn vào thấy xa lạ quá. Cũng là kết cấu của một ngôi trường như bình thường, cũng sân trường thênh thang, những dãy lớp học vừa cao vừa rộng mới tinh tươm nhưng không có sự thân quen nào.

Ngôi trường ngày xưa của mình cũ lắm, những tán phượng già đến mùa hè nở dường như là chỗ “treo dép” của bọn mình. Nhớ lắm, cả nhóm cùng lấy dép quăng lên cho hoa phượng rụng xuống rồi đem về ghép thành hình con bướm trao đổi với nhau. À, còn có cả mấy cây bàng nữa, mình thì ghét cây bàng ấy lắm, vì mỗi khi làm sai cô đều phạt đi quét lá bàng, mà cây bàng già ấy sao nó cứ rụng nhiều lá thế, nhưng cái vị của trái bàng thì chắc không ai quên được. Mấy bạn trẻ bây giờ chắc không còn được cảm giác đi cà nhắc về nhà vì chỉ còn mỗi chiếc dép đâu nhỉ?

canh phuong hong

Những cánh phượng hồng được ép khô để tặng nhau ngày chia tay. Ảnh: sưu tầm

Mình còn nhớ ngày bé được mẹ đưa đi học mỗi ngày, ngày nào mẹ cũng dấm díu cho vài ba đồng mua bánh ăn, mà mình thì cực ghét cái căn tin của trường, nó vừa xa lại vừa cũ, đồ ăn thì chả ngon bằng mấy hàng bánh trước cổng, nhưng một lần bị ngộ độc thực phẩm mình mới hiểu vì sao nhà trường hay phạt chúng mình mỗi khi mua quà bánh ngoài trường, lần ấy ói đến mật xanh mật vàng nên đến bây giờ mình cũng không dám mua đồ ngoài hàng ấy thêm lần nào nữa.

Nhớ lắm mấy đứa bạn thời ngô nghê, đến dịp lễ hay tết là mua thiệp viết tặng nhau, mình còn cả một bộ sưu tập thiệp luôn đấy. Haizz, đến giờ nhớ lại cứ gần đến lễ lại để dành tiền mua thiệp rồi lên danh sách mấy đứa mình thích, rồi suy nghĩ sao cho lời chúc của mình thật lạ, thật hay. Trẻ con bây giờ còn bao nhiêu đứa thích trò đó nữa nhỉ?

choi-dua-vo-tu-1

Tuổi thơ tôi gắn liền với những trò chơi dân gian. Ảnh: sưu tầm

Oài, nói đến thiệp là lại nhớ đến tranh ảnh. Ta nói chứ ngày xưa mình cũng thuộc dạng fan cuồng không kém mấy bạn mê Kpop bây giờ đâu, có điều ngày đó mình cuồng Hoàn Châu Cách Cách, sáng nào cũng nhịn ăn mua ảnh của mấy cô chú diễn viên về dán khắp nhà, còn bị mẹ đánh cho một trận vì làm cái nhà giống cải lương. Còn nữa nhé, mình thần tượng anh Bo đẹp trai nữa cơ nhưng làm gì đủ tiền mà mua vé xem hát, mãi đến lần đầu tiên được đi xem hát là đêm giao thừa đứng mỏi cả chân, mà anh Bo chả để ý tâm tư mình đâu, đi chạy show mãi ở đâu mà mãi đến 12h mới về đến, làm đứng muốn rụng chân và nghĩ chơi anh Bo từ đó luôn.

 

Còn một kỉ niệm đáng nhớ không kém là mình được các bạn ngưỡng mộ là có cái áo dài đẹp – độc – lạ. Mà cái nguồn gốc lịch sử để có cái áo dài huyền thoại đó là do sự lười biếng của mình. Số là mẹ bắt giặt áo dài phải giặt bằng máy, cơ mà mình lười nên lén mẹ quẳng ngay vào cái máy giặt. Mà ta nói cái máy giặt cũ thời xa xưa á, nó cuốn luôn cái tà áo dài mình vào luôn, nên kết quả là phải tháo ốc vít ra mới lấy được cái áo ra. Khỏi nói là sau cái đòn “sư tử rống” của mẹ, mình khóc như mưa không phải vì bị mẹ mắng mà vì không có áo dài đi học, mẹ phải đi chợ mua bông về kết vào để giấu những lỗ rách ấy, mà ta nói mẹ mình khéo ta dã man con ngan nên cái áo còn đẹp hơn lúc chưa rách. Nên vì thế mà mình được chúng bạn ngưỡng mộ khen nức mũi.

Ta nói chứ còn có thằng bạn có lòng từ bi bác ái lắm cơ. Cứ gặp chuyện bất bình là ra tay nghĩa hiệp, nên có một lần phải khóc vì suýt bi ăn đấm. Chuyện là hắn đi học ngang qua cái hồ cá người ta nuôi. Động lòng trắc ẩn nghĩ “cá thỉ phải được tự do bơi lội dưới sông, chứ ai lại nuôi trong hồ thế kia”. Chàng ta đem “nàng” thả xuống sông, kết quả là ba mẹ chàng phải đền cho bác chủ nhà vài triệu để “chuộc thân” cho “nàng” cá ấy.

Tự nhiên ngồi nhớ lại tuổi thơ mình cũng tinh ranh quá chừng, nhớ mấy đứa bạn “nhất quỷ, nhì ba” chả biết bao giờ có cơ hội gặp lại. Giờ mà gặp lại chắc mình lại điên đầu vì cái lũ con cái “nhì ma, nhất quỷ” của chúng mình mất thôi. Mơ ước mình không lớn, mình mong cho con cái chúng mình sẽ có được tuổi thơ bình dị và đẹp đẽ đó chứ không phải là những chiếc Iphone, Ipad vô tri, vô giác kia.

 

Khả Lạc

Danh ngôn sống đẹp

Con gái! Hãy tìm cho con một người đàn ông trung thực làm chồng, và hãy giúp anh ta mãi trung thực. Anh ta giàu hay không không quan trọng, miễn là anh ta độc lập. Hãy coi trọng niềm kiêu hãnh và sự đức hạnh của anh ta hơn bất cứ điều gì khác. Đừng nghĩ về bất cứ sự ưu việt nào ngoài sự ưu việt của linh hồn, và bất cứ sự giàu có có nào ngoài sự giàu có của con tim. Một người trung thực, biết xét đoán và nhân đức, vượt lên trên những điều nhỏ mọn của thói hão huyền và sự ngông cuồng của trí tưởng tượng, coi trọng việc làm điều tốt đẹp hơn sự giàu sang, trở nên hữu ích hơn là khoe mẽ, sống đơn giản khiêm tốn trong khả năng của mình và không mắc nợ nần, đó là người đáng kính nhất trong xã hội. Hãy làm anh ta và tất cả những gì về anh ta trở thàn người hạnh phúc nhất.

Daughter! Get you an honest man for a husband, and keep him honest. No matter whether he is rich, provided he be independent. Regard the honor and moral character of the man more than all other circumstances. Think of no other greatness but that of the soul, no other riches but those of the heart. An honest, sensible, humane man, above all the littleness of vanity and extravagances of imagination, laboring to do good rather than be rich, to be useful rather than make a show, living in modest simplicity clearly within his means and free from debts and obligations, is really the most respectable man in society, makes himself and all about him most happy.

John Adams

   3