Tag Archives: vợ giỏi

Sợ làm vợ giỏi

Không hiểu sao thời gian chừng nửa năm trở lại đây, mỗi lần nghe chồng khen “vợ tôi giỏi quá” là tôi… run cầm cập. Bởi liền sau đó sẽ là một việc anh nhờ ngoài tầm tay nhưng tôi khó lòng từ chối.

Nói đi còn nói lại, hồi mới cưới, cứ nghe anh khen “vợ anh giỏi quá” là mũi tôi như sắp nổ tung vì vui sướng. Mà việc giỏi của tôi hồi lúc đó, so với bây giờ thật đơn giản làm sao. Giỏi vì tôi nấu món anh thích khá ngon. Giỏi vì tôi lau nhà một lần là sạch chứ không như anh đánh vật cả mấy tiếng đồng hồ mà căn phòng hai mươi mét vuông vẫn long tong nước, nhớp nháp lông của con Kiki. Giỏi vì tôi ủi áo quần cho anh những đường li xếp bén đến suýt đứt tay chứ không như anh chỉ qua loa đại khái phần lưng áo, còn phần dưới thì “bỏ vào quần rồi ai thấy gì đâu”. Nhờ bao nhiêu lời có cánh của anh nên ngày từng ngày tôi trui rèn cái sự giỏi lên cấp độ càng cao, sao cho xứng tầm với bao lời khen ấy.

Sợ vợ giỏi
Sợ vợ giỏi – Ảnh minh hoạ

Để bây giờ…

Anh kêu thằng bạn thân “sa cơ lỡ vận” cần giúp đỡ một việc làm mà với cương vị công việc của tôi, tìm giúp bạn anh không mấy khó. Lái xe- công việc anh bạn này cần, tôi “hê” lên một tiếng sẽ có người nhận lời giúp đỡ. Nhưng tôi muốn biết, vì sao anh ta “sa cơ” khi trước kia công việc ổn định, nhà cửa thênh thang, vợ đẹp con ngoan? Anh gãi đầu, xoay tay một lúc mới ngắc ngứ nói “Là vì… vì… nó có bồ nhí!”. Tôi tức sôi gan nhưng vẫn giả vờ thông cảm ừ… à rằng chuyện say nắng say mưa thời buổi này không hiếm, nhưng để đến nổi mất việc làm là sao?

Thấy vợ không “chằn lửa” như tưởng tượng nên anh hồ hởi kể chuyện, y như rằng đó là “chiến công oanh liệt” lắm của bạn mình vậy! Rằng cô bồ nhí rất đẹp, một lần bạn anh lái xe đưa sếp đi ăn tiệc thì gặp cô chủ nhóm nấu ăn. Quen nhau hơn tháng, vài món “tủ” của anh này cô ấy đều chế biến rất “ngọt”. Vậy là “cảm” nhau. Cô không chồng, nuôi một thằng con đang tuổi ăn tuổi học nên vốn liếng chỉ đắp đổi qua ngày. Muốn nhận thầu mấy tiệc lớn đều không thể. Cô ước… phải chi có năm bảy chục triệu làm vốn. Bạn anh ra tay cho mượn ngay. Cũng chẳng dư dả gì, mượn tiền trừ quỹ lương thôi, nhưng nói là mượn cho bà xã làm ăn. “Cô bạn” ban đầu hứa ngon hứa ngọt sau một năm sẽ hoàn lại.

Hết một năm, nợ cũ chưa thấy trả mà gặp nhau thường xuyên hơn, “con đường đi đến tình yêu phải qua cái bao tử” càng nhiều. Món nào cũng ngon lành nóng sốt mà mặt mũi người nấu cứ long lanh xinh xinh vì sức nóng của bếp, chứ không nhăn nhúm càu nhàu chém to kho mặn như vợ nhà. Vậy là anh bạn mượn bên trái, mượn bên phải cho cô bồ “mượn” thêm hai trăm triệu nữa để “phát triển công việc”.

 

Vợ giỏi ...
Vợ giỏi …

 

Lương tháng anh ấy bây giờ còn không đủ xăng xe bản thân. Và chuyện gì đến đã đến. Cô bồ ra mặt “xù” nợ, bảo anh ‘Bắc thang lên hỏi ông trời…”. Buồn tình, anh ấy nghỉ việc, nợ cơ quan một mớ dài nhằng vợ phải đứng ra hẹn trả. Vậy là ly thân. Bây giờ anh ấy không tiền bạc, không công việc, chồng tôi muốn “cứu” bạn, vợ anh giỏi mà, giúp tụi anh nhé!

Một doanh nghiệp vận tải qua lời nhờ của tôi đã nhận bạn anh vào. Xem như tôi “giỏi” lần nữa. Nhưng khi nghe chủ doanh nghiệp bảo phải nộp chục triệu gọi là “cổ phần” thì bạn anh chạy té khói. Còn nói người ta “bắt chẹt” kẻ khó, rằng nếu phải nộp ngần ấy tiền thì tội gì xin vô doanh nghiệp này, nhiều chỗ khác đang trải thảm mời anh ta kìa…Tôi nghe mà nóng mặt, bảo chồng rằng tôi không thể giúp gì được nữa nhưng chồng tôi cứ nằn nì, câu cửa miệng luôn là “vợ của anh giỏi mà”.

Rồi hôm trước, em trai út của anh bỗng dưng điện thoại khóc bù lu bù loa nói rằng không có anh “cứu” phen này chắc chắn chú sẽ chết ngay lập tức (!). Rằng cái công ty mới thành lập chưa đầy bốn năm của chú và hai người bạn đang đứng trước nguy cơ giải thể. Mặt hàng “nhận thu mua thanh lý nhà xưởng, phế liệu” bây giờ ế ẩm quá. Bao nhiêu công trình, nhà xưởng công ty chú đặt mua tự dưng trở chứng không thanh lý nữa. Tiền cọc xem như đóng băng, phế liệu nằm tại công ty thì bán ve chai chẳng mấy đồng. Mà tiền nhân công, tiền mặt bằng… thì ngày nào cũng tốn. Vậy nên chú “xin” anh trai khoảng vài trăm triệu để “chữa cháy”. Chồng tôi xót em, lại khen “vợ anh giỏi mà” và bảo vợ có thể giúp chú ấy “vài trăm chai” không? Tôi suýt… đứng hình, hỏi chồng nhà mình làm sao dư đến vài trăm triệu để giúp chú ấy? Mà là “xin” luôn cơ đấy! Nhưng thật sự thì chú ấy cũng đâu quá khó khăn, vẫn còn chiếc Morning chạy tà tà cà phê mỗi sáng? Chồng tôi cau mặt: giúp được thì giúp, không thì thôi chứ chị dâu gì mà xeo nạy tài sản riêng của em chồng? Muốn gì đây? Tôi… á khẩu.

Chồng dịu giọng bảo, không có tiền nhà thì em mượn đâu đó, bè bạn, cơ quan, đối tác… Giỏi như vợ anh, uy tín như vợ anh, mà không có vài trăm triệu giúp em chồng sao? Rồi chồng lại kêu, uổng công có con vợ giỏi mà đụng việc nhà chồng là có thái độ không mấy thân thiện. Thế thì làm sao sống bền với nhau được? Xong chồng đi tới khuya mới về, người nồng nặc mùi men.

Chồng ơi! Tôi muốn gào lên. Sao không nghĩ giùm vợ một chút. Mượn nợ thì em có thể mượn được, nhưng phương pháp trả thì thế nào? Nhà mình bốn con người, tháng không đau không bệnh, ít đám tiệc thì còn dư chút ít. Chồng bảo vợ không “thân thiện” với việc nhà chồng, chắc là khó sống bền với nhau. Vậy chồng có thử đổi lại, nếu đó là việc của nhà vợ, chồng sẽ “thân thiện” được mấy phần?

Không phải là vợ không có cách giải quyết nợ giúp chú Út, nhưng nếu bảo rằng “giúp” luôn phần nợ đó thì vợ không làm được. Nó sẽ là tiền đề cho chú ấy không biết trách nhiệm với bản thân mình về sau đấy, chồng có biết không?

Và bây giờ, tôi không muốn là vợ giỏi nữa!

Chồng nhu nhược vì lấy phải vợ ghê gớm

Và hậu quả bây giờ là Tính luôn phải “chào thua” vợ trong mọi trận chiến. Trong mắt thiên hạ, anh trở thành người chồng nhu nhược dưới “ách thống trị” của cô vợ ghê gớm.

Chồng nhu nhược - Ảnh minh họa
Chồng nhu nhược – Ảnh minh họa

Còn nhớ, trước khi cưới, không ít lần bố mẹ ra sức ngăn cản Tính đến với Trang. Đơn giản vì tính tình Trang đanh đá, hễ có gì không ưa là làm “loạn” cả nhà.

Chưa cưới nhau mà mỗi lần qua nhà Tính, cô chỉ đạo mọi việc từ A-Z, ngay cả mẹ chồng cũng bị “nạt” dù lúc ấy cô mới là dâu hờ. Điều đó khiến mẹ Tính sống chết bắt Tính phải bỏ Trang. Nhưng nghĩ, Trang chỉ “khẩu xà tâm Phật”, thẳng tính nên dễ mất lòng người khác. Vì vậy, dù bị phản đối, Tính vẫn “rước nàng về dinh”.

Và hậu quả bây giờ là Tính luôn phải “chào thua” vợ trong mọi trận chiến. Trong mắt thiên hạ, anh trở thành người chồng nhu nhược dưới “ách thống trị” của cô vợ ghê gớm.

Hai vợ chồng bàn bạc xây nhà, có vợ giúp thì cũng tốt, nhưng giúp như Trang chắc không có bà vợ thứ 2 nào làm được. Từ mọi việc cơm nước cho thợ, trông coi tiến trình xây dựng đến vay mượn để làm thêm đều do một mình Trang quyết hết.

Chưa dừng ở đó, mặc dù Tính đã thuê người về thiết kế cho ngôi nhà, nhưng Trang vẫn không ưng ý. Cô yêu cầu phải sửa nhà bếp theo ý cô, bể nước phải ở chỗ này. Rồi cô liên tục chê thiết kế dở ngay trước mặt thợ làm Tính nhiều phen mất mặt mà đành im lặng.

Nhà xây xong, đến màu sơn, rèm cửa, kê giường tủ ở đâu… Trang cũng quyết định toàn bộ. Hễ Tính muốn làm chỗ này, Trang lại ngay lập tức chuyển đồ đi chỗ khác với hàng ngàn lí do biện luận hùng hồn. Dù đúng hay sai Tính cũng phải theo ý cô.

Xây nhà là một chuyện, sinh con năm nào, tuổi gì cũng phải do cô lựa chọn khiến Tính vô cùng chán nản.

 

Để sinh được con trai, Trang nhờ bác sỹ tư vấn nào là canh trứng, canh ngày, canh giờ… Cô bắt Tính nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của mình, thành ra đến lúc “lâm trận” Tính chẳng còn hứng thú gì. Aanh đáp ứng vợ như một cái máy mà trong đầu toàn nghĩ chuyện đâu đâu.

Mỗi lần anh mở miệng định góp ý, giải thích, ngay lập tức Trang đã “chặn họng”: “Em biết anh định nói gì rồi, không bàn nữa, em đã quyết thì cứ thế mà làm” hay “Anh xem, có việc gì anh làm là hợp lý đâu, lần nào em cũng phải sửa”. Sau nhiều lần như vậy, anh ít chia sẻ với vợ hơn.

Cho đến một lần, công ty Tính làm ăn khó khăn, Tính bị cho nghỉ trong đợt giảm biên chế. Trong khi đó, công việc kinh doanh của Trang lên như diều gặp gió. Cô từ nhân viên được tiến cử lên trưởng phòng và đang được đề xuất lên chiếc ghế phó giám đốc còn trống.

Nhân việc này, Trang dứt khoát: “Nhà mình một tay em cũng kiếm đủ nuôi 2 bố con anh. Anh ở nhà chăm sóc cu Bin, chăm lo cơm nước cho em là được rồi”. Nói là làm, hôm sau Trang liệt kê hàng dài danh sách ăn gì, mua ở đâu, chăm con thế nào… và đưa cho Tính lo, còn cô chỉ tập trung lo toan kinh tế.

Tìm việc 2 tháng mà không thấy hy vọng, Tính đành ngậm ngùi ở nhà và mọi việc diễn ra đúng ý sắp đặt của Trang. Tính vốn ít nói giờ lại càng ít nói hơn. Anh chép miệng, thôi thì vợ lo kiếm tiền, mình lo chăm con, âu cũng là lẽ thường tình!

Nhưng cũng từ ngày đó, hễ bực tức ở công ty Trang lại về nhà “đá thúng đụng nia”, liếc xéo rồi chửi khéo Tính khi anh chưa kịp nấu xong bữa cơm, khi con khóc, con quấy, khi mấy cái áo chưa kịp giặt…

Hàng trăm thứ chuyện lặt vặt nhỏ tí cũng khiến Trang tức giận. Vậy mà Tính cũng không nói gì. Nếu Trang có hỏi thì anh chỉ buông vài lời quen thuộc: “Em làm gì cũng được” hay “Mọi việc đều do em quyết”, khiến máu nóng trong người Trang càng được đà sôi lên. Cô giận dữ: “Vậy tôi ly hôn cũng được phải không?” mà Tính vẫn im lặng.

Một hôm, mẹ chồng lên chơi, thấy Tính đang lúi húi lau nhà, xót con bà nạt: “Cái Trang đâu không làm mà lại để thằng Tính làm thế này. Đàn ông con trai lo việc lớn chứ sao lại lúi húi ở nhà như đàn bà thế…”.

Chưa kịp nói hết câu, Trang khó chịu ra mặt: “Tiền nhà này một tay con lo, anh ấy có mỗi việc ở nhà làm mấy việc đó thôi, có gì ghê gớm đâu. Con còn nhiều khách hàng, hợp đồng đang chờ, không rảnh để làm mấy việc đó”.

Mẹ Tính tức sôi máu mà không nói được câu nào. Bà tức giận quay sang trách con trai: “Từ mai đi tìm việc ngay, mày định làm chồng hay làm vợ?” rồi sa sầm mặt mày bỏ về. Trang cũng bỏ vào phòng nhưng vẫn không quên cằn nhằn: “Anh làm nhanh lên, được ngày nghỉ mà cũng không yên thân”.

Tính định nói gì đó, song anh lại thôi. Nếu anh không quá nhu nhược có lẽ vợ anh đã không trở nên ghê gớm đến vậy. Ngay ngày mai, anh sẽ đi tìm việc thôi. “Nhất định là phải đi làm” – Tính nghĩ thầm.

Cảm giác bất lực ùa về, anh thấy mình thật đúng như lời vợ nói: “Anh là người chồng nhu nhược!”.

 

Lam Phong – Theo Trí Thức Trẻ