Tag Archives: vợ chồng

Đũa có đôi

Năm nào cũng vậy, sau ngày giỗ ba là má tổ chức một chuyến trở về nhà cũ, nơi cả gia đình từng sống hơn 20 năm trời. Má nói, trước thăm bà con lối xóm, sau là nhắc nhở con cái nhớ lại những năm tháng gia đình đầm ấm để thương nhau nhiều hơn.

Còn một điều má giấu trong lòng, nhứt định không chịu nói ra, mà con cháu thì biết hết ráo, đó là má muốn hình dung lại bóng dáng của ba qua từng gốc cột, mái hiên, giếng nước, cây ổi, cây mít, cây mãng cầu…

 

Sáng nay, khi mọi người chuẩn bị lên xe thì Út chạy tới báo tin: “Đêm qua ba chồng con bị khó thở phải nhập viện. Giờ chỉ con với hai đứa nhỏ đi thôi. Chồng con về quê từ hồi khuya rồi”.

 

Má chưng hửng, lớn giọng, hỏi mà không cần nghe trả lời: “Sao con không đi về quê với chồng? Bậy, bậy, con làm vậy là bậy lắm… Rồi má biết ăn nói làm sao với anh chị ở bển”.

 

Út gân cổ cãi: “Tại ảnh biểu, nói một mình ảnh về được rồi, bệnh ba chồng con là bệnh già mà. Con đi sẵn dịp cho hai đứa nhỏ tắm biển luôn”.

 

Má không nói gì, ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết định: “Tất cả lên xe, theo má thăm anh sui”. Trên đường đi, má phân bua, “chuyện về thăm nhà cũ hay ghé biển cho mấy đứa nhỏ chơi khi này không được thì khi khác, thiếu gì dịp. Còn sức khỏe của ông sui thì không biết ngày mai ra sao. Thời khắc này con cần có mặt bên cạnh chồng, để cùng sớt chia nặng nhẹ với nhau”.

 

Út xưa nay vốn cứng đầu, bực mình vì không được đi biển, lầm bầm trách má lo xa, người ta không nghĩ như mình đâu, mọi thứ đơn giản lắm, mắc công chuyện thì không về, đông người càng thêm rối… Giọng má nhẹ bâng: “Ờ, nhưng mà cuộc đời đâu đơn giản như mình nghĩ. Tao mà như tụi bây…”.

 

Má bỏ lửng câu nói. Cả nhà biết má muốn nói đến chuyện hồi xưa. Lúc đó đã có anh Hai, ba làm công chức, má làm thợ may. Đùng một cái, ba bị chuyển nhiệm sở về một vùng biển heo hút. Ba đi tháng trước, tháng sau má tém dẹp tiệm may, ôm con ra theo. Nhà tập thể chật chội, trống trước trống sau, lại không có nước ngọt, mùa nắng mua được đôi nước cũng trần ai khoai củ. Bà ngoại lặn lội đi thăm, thấy cảnh sống của con cháu rớt nước mắt biểu, mày không thương thân mày thì cũng phải thương con, bắt nó ở đây thiếu thốn trăm bề. Má cương quyết: “Người ta sống được, mình sống được”.

 

Ít tháng sau, má mở tiệm vừa bán tạp hóa vừa may vá quần áo. Thu nhập tất nhiên không nhiều nhưng biết sống căn cơ cũng đủ ăn. Ba yên tâm, làm việc tốt, được thăng chức, lên lương. Rồi ba má mua đất cất nhà, sắm sửa xe cộ, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn. Bởi vậy, hồi nghe anh Hai báo tin đang làm thủ tục ra nước ngoài học lấy bằng tiến sĩ, để chị Hai và cu Bin ở lại, má đâu chịu. Anh Hai nói, vợ chồng đã bàn tính kỹ rồi, sự nghiệp của chị đang phát triển, thu nhập lại cao ngất ngưởng, đi theo chồng có nghĩa là mất hết, mai mốt phải làm lại từ đầu, cực lắm. Phần anh thì dứt khoát không thể bỏ lỡ cơ hội này. Anh còn ghẹo má lo xa quá mau già, da nhăn hết trơn, tới đâu hay tới đó cho khỏe. Vậy rồi anh đi, năm đầu về thăm nhà, thấy vợ hơi khang khác, năm thứ hai về, vợ chìa tờ đơn ly hôn với lý do không còn tình cảm, anh bị stress, phải dở dang việc học để trị bệnh. Giờ thì chị Hai đã đưa con sang Úc sống với ông chồng mới, thằng con thỉnh thoảng gọi điện thoại về thăm ba, thăm nội, chỉ nói vỏn vẹn được vài câu chào hỏi rồi thôi.

 

Chuyện của Út chưa đến nỗi như anh Hai, nhưng rõ ràng là nguy cơ ngày càng lớn… Nguyên nhân bắt đầu từ chuyện Út quyết định xin nghỉ việc ở xí nghiệp chế biến xuất khẩu, rời quê chồng, đưa hai đứa con lên thành phố lập nghiệp với nghề buôn bán thủy hải sản. Chồng Út không chịu vì còn cha mẹ già phải phụng dưỡng. Út nói, cứ làm công ăn lương thì lâu giàu lắm, con cái không có tương lai. Vậy là gia đình nhỏ chia hai. May là bây giờ đường sá dễ dàng, vài ba bữa, nhớ vợ con, chồng Út lại phóng xe cái vèo lên thăm, mất chừng hơn hai giờ là tới. Nói nghe dễ ợt chớ đêm nằm không có vợ con chắc là chồng Út buồn lắm. Chừng một năm trở lại đây, dòm tướng mất phong độ hẳn, ốm nhom, già sọm, hỏi Út, con nhỏ xì một cái: “Nhậu quá mà”. Nhưng hỏi biết tại sao chồng nhậu sa đà vậy không, Út nín thinh.

 

Tất nhiên má đâu có tha cho Út. Cứ mỗi lần Út tạt qua nhà, má tụng cho một bài… Má nói, đũa mà tách ra mỗi chiếc một nơi thì làm nên trò trống gì. Trừ những trường hợp bất khả kháng, như trong thời chiến, còn thì theo má cứ chồng đâu vợ đó, dẫu nghèo dẫu khổ mà chia hai cũng đỡ nhọc nhằn hơn. Chuyến này hình như má đang quyết liệt bắt Út quay về quê chồng. Kinh nghiệm cho thấy, má bao giờ cũng có lý.

 

Theo PNO

Gã xe ôm của đời em

Anh nhắn tin: “Bị điều về tổng công ty làm rồi!”. Em tiện tay nhắn lại: “Về thì về, chứ sao!”. Một lát sau, em chợt nghĩ, vậy là chồng mình lên hay xuống chức? Vội nhắn lại cho anh: “Vậy là lên hay xuống hả anh?”. Anh trả lời ngay: “Lên hay xuống gì thì cũng đưa rước vợ con đi học, đi làm. Suốt đời làm xe ôm mà!”. Em bật cười.

Xe ôm đời em - Ảnh minh họa
Xe ôm đời em – Ảnh minh họa

Kiểm điểm lại, em giật mình nhận ra chúng mình đã 17 năm chồng vợ. 17 năm anh làm xe ôm cho em, rồi cho con, đúng như lời hứa buổi ban đầu. Nhớ hồi mới về công ty, thấy em ngày nào cũng “bị” anh đưa đưa đón đón, mấy chị trong cơ quan cứ trêu: “Buộc chồng chặt như vậy, ai kéo ra cho nổi”. Em cũng mấy lần dùng dằng: “Thôi, cho em đi một mình”. Anh kiên quyết không cho. Không phải em không biết chạy xe, nhưng anh cứ muốn được người ngồi sau “ôm chơi” vậy đó. Thật tình, nói là anh đưa đón nhưng một năm đã hết sáu, bảy tháng chúng mình phải xa nhau vì anh đi công tác, tu nghiệp ở nước ngoài liên tục. Em một mình ở nhà gồng gánh, cũng phải “chạy xe ôm” đến bở hơi tai lo cho hai thằng nhóc. Em biết rõ, anh cố tình đưa đón là để bù đắp cho em những ngày vất vả…

Nhớ ngày hai đứa quen nhau ở giảng đường đại học, là con gái thành phố, em có xe gắn máy đi lại. Anh dân tỉnh lẻ, chỉ đi xe đạp. Mỗi lần tan học, đi chơi, anh luôn bắt em ngồi sau xe đạp để anh đưa đi. Anh hứa: “Em cố ngồi, từ từ anh sẽ sắm cho em chiếc yên êm ái hơn”. 20 tuổi, em tin tuyệt đối lời hứa của gã sinh viên nghèo. Năm em 23 tuổi, chúng mình cưới nhau, yên xe mới là chiếc cúp 78 cũ kỹ mà anh sắm được sau một năm dành dụm. Quả là có êm hơn! Rồi chúng mình tích cóp, đổi xe, những chiếc yên xe mới thật êm ái, dễ chịu. Anh đã thực hiện lời hứa với em một cách cần mẫn, từ từ. Tin yêu anh tuyệt đối, em nhẫn nại đợi chờ. Có hôm chờ đến tận 7, 8 giờ tối mới được xe ôm tới rước vì đường ngập nước, kẹt xe. Có hôm, vợ chồng con cái lụng thụng đội mưa, đạp nước, về đến nhà không kịp nấu cơm, đổ bình thuỷ, chế nước, húp mì ăn liền nhưng cũng ngon quá đỗi…

Xe ôm đời em - Ảnh minh họa 2
Xe ôm đời em – Ảnh minh họa 2

Hôm nay, anh “hứa” lại sẽ làm xe ôm, lại sẽ tiếp tục đưa đón vợ con dù cuộc đời anh “lên” hay “xuống”. Lời hứa đơn giản, bình thường mà sao em nghe ấm áp, tin tưởng quá chừng. Cảm ơn anh, “gã xe ôm của đời em”.

TINH CHÂU

Khổ vì thói trăng hoa của người chồng tuổi trung niên

Anh dùng internet để tán gái, những cô gái chưa chồng, dễ dụ vì những comment ngọt ngào và những bài thơ tình nóng bỏng. Anh đã dụ rất nhiều cô gái trên blog, và đã đưa được 2 cô lên giường từ blog.

Chồng tôi năm nay 53 tuổi, tôi kém anh 8 tuổi. Anh ấy làm việc ở một tòa báo nhỏ, với đồng lương tạm đủ sống qua ngày. Tôi làm thiết kế thời trang từ 20 năm nay. Cuộc sống của chúng tôi không giàu có, nhưng với sự chắt chiu cần kiệm, chịu khó cũng đủ để nuôi 2 con đều đang học đại học, một cháu trai đang học ở Việt Nam, và một cháu gái đang học ở nước ngoài.

Khi cháu thứ 2 bắt đầu vào đại học, tôi thấy rất mãn nguyện và yên tâm vì gia đình mình giờ đây đã bước qua giai đoạn nuôi nấng con cái khó khăn nhất. Những tưởng hạnh phúc bình yên luôn tồn tại trong gia đình tôi, vì giờ đây chồng đã đứng tuổi, có nhiều dấu hiệu lão hóa, thì thói quen tán tỉnh phụ nữ đã hết. Nhưng không, tôi đang rơi vào một sự khủng hoảng tinh thần, chỉ muốn hét lên, gào lên, đập phá hết, nếu không chắc tôi sẽ phát điên.

Cách đây 2 năm, chồng tôi mới biết đến blog trên mạng. Tôi cũng thấy đây là diễn đàn cho mọi người giao lưu văn hóa và biết đến những khả năng của mỗi người nên động viên chồng tham gia, vì anh ấy muốn nổi tiếng về thơ và báo. Thế là anh ấy ngày càng ham thích blog và trở nên nghiện lúc nào không hay. Anh có rất nhiều thời gian rảnh rỗi, vì làm ở cơ quan nhà nước, làm trong văn phòng, mà máy tính lại để trước mặt.

Tôi không ngờ rằng anh dùng internet để tán gái, những cô gái chưa chồng, dễ dụ vì những comment ngọt ngào và những bài thơ tình nóng bỏng. Anh đã dụ rất nhiều cô gái trên blog, và đã đưa được 2 cô gái lên giường từ blog. Tôi đã khốn đốn vì thói ghen ngược của các cô, phải dùng tất cả tình cảm, sự hỗ trợ của bạn bè, và suýt ra tòa ly hôn.

Chồng khăng khăng bảo vệ quyền tham gia blog, không chấm dứt quan hệ với cô ta, lấy làm tự hào vì có nhiều gái theo, và khùng lên ký đơn ly dị. Về sau, tôi phải dùng cách khác, tâm lý chiến do tác động khác thì cô gái kia mới tự động rút lui. Và sau đó anh ấy lại tiếp tục đi tìm các cô gái khác để câu bằng thơ tình mật ngọt.

Giờ đây, có một cô gái 23 tuổi, học đại học, đang mắc vào lưới câu của chồng tôi 5 tháng nay. Mỗi ngày, 2 người đều gửi cho nhau những lời yêu đương nồng thắm, qua blog, qua thơ tình, qua chát, mail. Anh đã tìm mọi cách để đăng thơ lên tờ báo nơi anh làm để lấy điểm với cô ta, và đã gửi đến nhà cô ta những bài thơ tình viết tay (có bài đã tặng nhiều em khác rồi).

Sau nhiều lần ngọt ngào, mưu kế, anh ta đã đạt được mục đích. Cô gái này ngày đêm mong chờ thương nhớ những dòng viết qua mạng, vì chưa có điều kiện gặp nhau, cô ta ở rất xa. Cô ấy nói rằng yêu chồng tôi rất nhiều, muốn sinh con cho chồng tôi, và bất chấp tất cả đạo lý để đến với nhau, coi tình yêu là nhất.

Tôi đã nói chuyện thẳng với chồng “anh muốn tôi sẽ nhường”. Nhưng chồng luôn né tránh mọi câu hỏi của tôi, và ngày càng lún sâu vào mối quan hệ đó. Anh bảo tôi rằng, đừng vào mạng, đừng đọc blog, đừng đọc những gì anh ấy gửi cho người phụ nữ khác thì sẽ không sao cả. Rồi còn ngụy biện rằng đó là giải trí, là tình cảm ảo không bao giờ có thật.

Tôi thấy anh thật hèn nhát. Tôi đã làm hết khả năng của mình nhưng không thay đổi được tình hình. Chúng tôi đã ngủ riêng từ tháng nay, anh cũng không cần gì cả. Anh không quan tâm gì đến con cái, không có trách nhiệm gì với con, với công việc trong gia đình, và hàng ngày đi làm từ sáng đến 8h tối mới về, ở lại phòng làm thơ, comment, chat chit. Về đến nhà ăn cơm xong lại tiếp tục ôm cái máy tính đến khuya. Cuộc sống gia đình tôi lạnh lùng vô cùng.

Các bạn hãy đọc bài này của tôi, tôi rất xấu hổ vì đã lớn tuổi mà vẫn không thể giải quyết việc gia đình của mình. Nhưng vì tôi không thể có một giải pháp nào khác, hãy giúp tôi, để tôi bình tâm sống và làm việc như những ngày thường. Xin chân thành cảm ơn các bạn.

Những người sợ “đeo gông vào cổ”

Tuần rồi, khi Hải Minh (37 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 3, TPHCM) buông lời “không cưới xin gì nữa!”, đồng nghiệp chung phòng chưng hửng bởi mới cách đây vài tháng, cô báo tin sẽ lấy chồng.

Sợ mất tự do

Hải Minh sống một mình trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Cuộc sống của cô khiến nhiều người ghen tị và thường tiếc cho cô là chỉ còn thiếu… một tấm chồng. Chồng tương lai của Hải Minh có một con gái 6 tuổi (với người vợ quá cố). Anh dễ gần, hoạt bát, chịu khó, không uống rượu bia, không hút thuốc. Theo bàn bạc với Hải Minh, anh sẽ về sống ở nhà cô vì trước đây, anh sống cùng cha mẹ vợ.

Continue reading Những người sợ “đeo gông vào cổ”

Thư gửi chồng nhân ngày phụ nữ Việt Nam

Vợ chồng mình cưới nhau hơn 10 năm rồi, có với nhau 3 con. Vậy mà với vợ chồng vẫn rất cảnh giác, thờ ơ. Vợ cảm giác chồng chỉ xem vợ là công cụ, là ôsin của chồng thôi chứ không phải là một người chia sẻ cùng nhau xây dựng hạnh phúc với chồng. (Thanh)

Chào chồng!

Vợ buồn quá, tự nhiên rất buồn không biết nói chồng có hiểu không nhỉ?

Vợ chồng mình cưới nhau hơn 10 năm rồi, có với nhau 3 con. Vậy mà với vợ chồng vẫn rất cảnh giác, thờ ơ. Vợ cảm giác chồng chỉ xem vợ là công cụ, là ôsin của chồng thôi chứ không phải là một người chia sẻ cùng nhau xây dựng hạnh phúc với chồng.

Continue reading Thư gửi chồng nhân ngày phụ nữ Việt Nam

Chồng chu đáo với gia đình nhưng vẫn hẹn hò bên ngoài

Anh luôn bảo rằng đối với anh, gia đình là quan trọng nhất và không có người phụ nữ nào thay thế được tôi trong gia đình. Thế nhưng tôi không hiểu vì sao thỉnh thoảng trong điện thoại của anh vẫn xuất hiện những tin nhắn hẹn hò thân mật. (Nga)

Vợ chồng tôi chung sống đã 16 năm, trong mắt tất cả mọi người từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm thì chúng tôi luôn là một gia đình hạnh phúc với nhà cửa khang trang, công việc có thu nhập tốt, có đầy đủ cả con trai lẫn gái, các con khoẻ mạnh, học giỏi, có xe hơi cuối tuần chở nhau đi ăn, đi du lịch. Nhưng phải ở trong hoàn cảnh một người vợ như tôi mới biết nỗi đau âm thầm để tìm ra một câu trả lời cho mình.

Continue reading Chồng chu đáo với gia đình nhưng vẫn hẹn hò bên ngoài

Không thể chia tay – Kỳ 6: Em đợi anh về

Phạm Đức Sơn kể về vợ mình với chan chứa yêu thương và sự biết ơn. Anh tâm sự ngày anh mời cưới năm 1994, bà con xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên kháo nhau: “Cái thằng Sơn nghiện lòi mà cưới được con bé Kim ngoan thế à?”. Continue reading Không thể chia tay – Kỳ 6: Em đợi anh về

Không thể chia tay – Kỳ 2: Hoa trong sỏi đá

TT – Tháng 5 giao mùa xuân hạ ở Thái Bình, đồng chiêm ngai ngái mùi lúa non. Tìm nhà anh trong con ngõ nhỏ bên bờ sông ven thành phố Thái Bình, mấy bà cụ hóng mát ở đầu ngõ nhiệt tình: “Vợ chồng anh nhà thơ nằm liệt một chỗ mới có em bé à? Nhà số 10 có mấy chậu hoa trước sân đấy”. Continue reading Không thể chia tay – Kỳ 2: Hoa trong sỏi đá

Không thể chia tay – Kỳ 1: Bức tranh hạnh phúc

TT – “Để giữ được hạnh phúc này, tôi đã phải chấp nhận mất đi một phần tình cảm thiêng liêng nhất của những người thân, nhưng tôi vẫn hi vọng đến một ngày nào đó bố mẹ sẽ hiểu, sẽ cảm thông và tha thứ cho con gái mình, bởi đôi lúc trái tim có những lý lẽ mà lý trí không sao lý giải nổi”, Nguyễn Thị Lý bắt đầu kể về cuộc đời mình bằng một chất giọng Huế nhẹ nhàng nhưng trĩu nước mắt. Continue reading Không thể chia tay – Kỳ 1: Bức tranh hạnh phúc