Tag Archives: đàn ông

Sung sướng “ngất trời” khi mình may mắn lấy chồng giàu

Nói chắc nhiều người không tin chứ lấy chồng giàu, mình thèm chè Thái là có thể bay sang Thái Lan thưởng thức, muốn mua áo quần thì cuối tuần đặt vé sang Singapore luôn, muốn tránh trời nóng nực thì qua Paris, Maldives. Đi nhiều đến nỗi, mình có luôn thẻ hạng bạch kim của các hãng hàng không lớn.

Trước khi bước vào hôn nhân, ở cái tuổi 26, mình không còn mơ mộng hão huyền nữa. Khác với những cô bạn mình cứ cho rằng, chỉ cần yêu là đủ, không cần biết người đó giàu nghèo, cha mẹ ủng hộ hay không, mình thì thấy yêu nhau thôi chưa đủ. Do đó, mình cứ ngầm chọn lọc những người đàn ông nào hình thức trung bình cũng được nhưng phải ổn định kinh tế, nhà có điều kiện nữa thì càng tốt.

Và may mắn thay, mình đã gặp được người đàn ông có điều kiện ấy. Chúng mình cũng hợp duyên hợp số nên kết hôn với nhau nhanh chóng. Từ khi cưới nhau đến giờ tròn 5 năm, mình càng thấy quyết định của mình là chín chắn và đúng đắn.

Lấy chồng giàu có
Với riêng mình, không gì sướng bằng việc lấy chồng có điều kiện. Bởi cuộc sống của mình mấy năm qua, khổ đâu không thấy, chỉ thấy những ngày hạnh phúc bất tận (Ảnh minh họa)

Với riêng mình, không gì sướng bằng việc lấy chồng có điều kiện. Bởi cuộc sống của mình mấy năm qua chỉ thấy những ngày hạnh phúc bất tận. Nhân một ngày phấn khích vì được chồng tặng xe mới nên mình xin chia sẻ niềm vui với mọi người.

Chồng mình không phải là giám đốc gì, song được cái việc làm khôn lanh, biết đầu tư đúng chỗ nên thu nhập cứ phải gọi là không thể đếm bằng tiền mặt. Nhờ đó mà đời mình được hưởng phúc an nhàn, sung sướng, mình đi làm cho vui, về đến nhà hết nằm khoèo ăn ngon mặc đẹp lại dậy đi mua sắm. Nói chung cuộc sống này của mình không khác gì thiên đường.

Nhà mình đang ở hiện tại thuộc cụm chung cư cao cấp của toàn sao xịn ở. Đỡ phải khản cổ gào hét lên thần tượng trong khi chỉ được thấy trên ti vi, mình gặp nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu hàng ngày.

Đến họ còn phải chủ động chào và thầm ngưỡng mộ mình, người thu nhập cao chưa chắc đã được ở đây, phải là siêu siêu cao mới đủ đẳng cấp. Lên mạng đọc tin thấy sao này sao kia hết khoe nhà đến nội thất, mình thấy khinh khinh thế nào, đồ dùng trong nhà mình nói thật còn “luxury” hơn cả họ ấy mà chưa thèm khoe đây.

Có tiền sướng hơn tiên, bgày trước mình chưa lấy chồng, tuy cũng khá giả nhưng đến bây giờ mới thực sự là “thượng đế”. Đi shopping, chỉ cần thấy xe mình là nhân viên đã đón từ ngoài đường rồi. Đi ăn, đi coffee cũng thế, bất cứ nơi đâu mình xuất hiện, mọi người đều thể hiện sự tôn trọng và phục tùng tuyệt đối. Chính anh đã mang thiên đường đến với mình.

Nhiều người hỏi mình về kế hoạch chi tiêu trong gia đình. Không hẳn là mình vụng về nhưng thật sự là mình không có kế hoạch. Thường thì thích gì tiêu đấy, chẳng tích cóp hay tiết kiệm, thế mà tiền vẫn đầy ra.

Với khả năng của chồng, túi tiền của vợ chồng mình như túi Thạch Sanh, vơi lại đầy rất nhanh. Tiền lương trong thẻ ATM của mình đến 9 tháng rồi vẫn chưa rút vì không cần dùng đến. Chồng mình thường trêu “vợ cứ việc tiêu, kiếm tiền để mình chồng lo”, sướng kinh người.

Nhờ thế mà vợ chồng êm ấm, gia đình hai bên nội ngoại cũng không mấy khi hục hặc mâu thuẫn. Cơ bản mọi xích mích đều xuất phát từ tiền, nên có tiền mọi thứ đều được giải quyết.

Nói chắc nhiều người không tin chứ mình thèm chè Thái là có thể bay sang Thái Lan thưởng thức, muốn mua áo quần thì cuối tuần đặt vé sang Singapore luôn, muốn tránh trời nóng nực thì qua Paris, Maldives vài tuần rồi về. Đi nhiều đến nỗi, mình có luôn thẻ hạng bạch kim của các hãng hàng không lớn. Mà đâu chỉ đi riêng hai vợ chồng, hứng thì mình mời thêm bạn bè, bố mẹ và tất nhiên là bao ăn ở sắm sửa từ a đến z.

Chị gái mình làm văn phòng, nay muốn tập tành mở shop áo quần qua mạng tăng thu nhập. Mình sợ chị thất bại rồi gia đình lục đục nên bảo thôi, để từ nay mỗi tháng cho chị thêm vài triệu để nuôi cháu. Số tiền ấy mình chỉ cần mè nheo xin thêm tiền tiêu vặt từ chồng là được.

Đi đón cháu ở trường mẫu giáo, thấy mặt cháu bị xước không hiểu vì sao, lúc ngồi trên xe thì nôn ra toàn bún, rõ là chế độ nuôi dạy và ăn uống ở trường rất kém. Mình xót quá nên xin chồng chuyển cho cháu đến trường quốc tế, học phí gấp 5 -6 lần nhưng được cái an toàn và đẳng cấp. Lại một lần nữa mới biết sự sung sướng vô biên của lấy chồng giàu. Mình chẳng cần phép màu nào xa xôi, chỉ cần chồng có điều kiện là có được tất cả mọi thứ.

Có chồng giàu đi nước ngoài mua sắm ăn uống du lịch thoải mái
Có chồng giàu đi nước ngoài mua sắm ăn uống du lịch thoải mái – Ảnh minh họa

Chồng mình tuy rất giàu có nhưng cũng không lắm tài nhiều tật như người ta. Anh thật sự đam mê kinh doanh và yêu vợ con nên chỉ lấy công việc và gia đình làm niềm vui. Anh tận tụy trong công việc thế nào thì về nhà yêu chiều vợ con như thế ấy. Mình được chăm bẵm không chỉ về vật chất và còn về cả tinh thần.

Nhiều lúc ngớ ngẩn mình tự hỏi đã bao lâu rồi mình không buồn, không khóc? Hình như từ sau khi lấy chồng, tâm trạng mình luôn phấn khởi, hạnh phúc như thế. Với mình, dù một cái nhíu mày lo lắng cũng chưa hề có. Thế mới biết lấy được người như chồng mình, cuộc sống của mình hoàn toàn thay đổi. Mình phải tu ngàn kiếp mới được may mắn làm vợ anh. Giờ, nhiệm vụ của mình là chỉ cần vỗ béo để sau 5 năm, vợ chồng mình sẽ chào đón đứa con thứ 2 nữa.

Đời phụ nữ có gì hạnh phúc hơn mỹ mãn hơn là may mắn lấy chồng giàu và tốt phải không mọi người? Chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một người chồng như thế là đủ. Mình rất muốn qua đây, những chị em có cùng hoàn cảnh hãy chia sẻ và lập hội những người lấy chồng dư dả để tiện “buôn dưa” đi. Còn các bạn gái đang yêu, hãy phấn đấu và tỉnh táo khi lựa chọn chồng lý tưởng cho mình nhé!

 

Tâm sự: Người vợ hạnh phúc – Theo Trí Thức Trẻ

Sao chồng lại khô như ngói?

Chồng thức suốt đêm chăm sóc vợ ốm, sáng ra hỏi: “Hôm nay thấy thế nào? Còn đau không?”. Người ấy đến thăm, hỏi: “Hôm nay em thấy thế nào? Còn đau không em?”.

Sao chồng khô như ngói
Sao chồng khô như ngói -Ảnh minh họa

Chồng hì hụi nấu cho vợ bát cháo, bưng đến, nói: “Ăn đi cho toát mồ hôi…”
Người ấy đến đúng lúc bát cháo còn để trên bàn, bảo: “Em ăn đi kẻo nguội…”.

Sáng thấy trời trở gió, chồng đưa cho cái áo khoác bảo: “Trời lạnh đấy…”
Người ấy nhìn thấy quấn kín mít trong đống áo quần, hỏi: “Có lạnh không em?”.

Chỉ thêm một từ “em” mà sao nghe lòng cứ rưng rưng. Người ấy thật dịu dàng, thật trìu mến, thật đáng yêu.
Chỉ thiếu một từ “em” mà thấy lòng lạnh tanh, ngao ngán thấy ông chồng thật khô khan, cục mịch.
Chỉ vì một từ em mà chị đã xao lòng. Chỉ thiếu một từ em mà chị cảm thấy hụt hẫng, người đâu mà khô như ngói.

Chị thật chóng quên. Trước kia anh đâu có thế. Nhưng…

Anh vừa hoàn thành công trình được nghiệm thu xuất sắc, vội lao về nhà để đưa vợ đi nhà hàng chiêu đãi, mặc cho đồng nghiệp í ới rủ rê đi nhậu, nhưng gặp ngay nét mặt lạnh lùng của vợ:

– Hôm nay thất nghiệp hay sao mà giờ này đã về…

Nguội cả niềm vui.

Vui quá vì nhận được một hợp đồng béo bở, về thấy vợ đang lúi húi nấu cơm, thương vợ quá nên bàn:

– Em tìm thuê lấy người giúp việc cho đỡ vất…

Vợ cau có:

– Sợ vợ vất vả hay thích có bà bé trong nhà?

Tình yêu vụt tắt.

Có hôm tự nhiên nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa thấy yêu vợ lạ lùng, chẳng kìm được lòng đến bên vợ hôn một cái. Vậy mà vợ quay ngoắt lại, giương mắt lên hỏi:

– Hôm nay lại làm gì nên tội hả? Anh khai ngay. Hôm nay anh gặp lại người yêu cũ phải không?

Nói là vì yêu vợ quá thì vợ lại phì vào mặt bảo: “Đừng giả dối, đừng đánh trống lảng…”. Buồn cả người.

Có hôm công việc không suôn sẻ, vừa mệt, vừa chán, chỉ mong được về nhà nằm nghỉ bên vợ con cho quên hết sự đời, vậy mà vừa mở cửa, mới bước được có một chân vào nhà vợ đã nhìn lom lom hỏi:

– Hôm nay cãi nhau với con nào hả? Sao mặt mũi trông như thất tình vậy?

Cứ nghĩ, giá như vợ chỉ hỏi một câu: “Anh có chuyện gì mà trông mệt thế?”, chắc sẽ bật khóc mà nói: “Không có em chắc anh không sống nổi…”.
Vợ bước từ phòng tắm ra, trông vợ mát mẻ cứ như thiên thần, yêu thật là yêu, chạy ra ôm vợ vào lòng, ghé tai nói khẽ: “Em xinh thật là xinh. Thơm thế, cứ như được ướp bằng ngàn loài hoa ấy…”.

Vợ hất tay, nguýt dài: “Đừng có tán, tính chuyện vớ vẩn hả… người ta đang mệt đây, để cho người ta yên”. Trăm ngàn tình yêu đều sun cả lại, cụt cả hứng.

Ngày sinh nhật vợ, nhân có tiền thưởng, hứng chí mua cho vợ một bó hoa lan cực đẹp. Cầm bó lan đi đường bao cô gái phải trầm trồ khen, sướng run cả người, tin chắc vợ sẽ vui lắm đây. Vậy mà vợ chỉ nhìn bó hoa đã hỏi ngay: “Bao nhiêu tiền thế? Anh mua hay cô nào mua hộ?”.

Niềm vui chợt tắt.

Nhưng nào đã xong, vợ truy mãi đành phải nói giá bó hoa (mà chỉ là nửa giá thật thôi đấy), vợ giãy lên đành đạch tưởng bị đứt ruột, kêu rầm: “Kỳ sau đến ngày sinh nhật tôi ông cứ mua cho tôi con gà để tôi ôm là được, đừng có hoa hoét làm gì phí tiền…”.

Cứ thế mà những lời có cánh, những hành động galăng dần dần mai một, héo hon, khô đét.

Có nhiều lúc khao khát được nói những lời yêu thương, khao khát được bày tỏ tình cảm với vợ mà miệng chẳng dám nói lời ngọt ngào âu yếm, sợ phải nhìn ánh mắt nghi ngờ của vợ, sợ phải nghe vợ nói: “Đừng có mà giả tạo, đừng có mà nói điêu…”.

Vợ chẳng biết chính mình đã biến chồng thành mảnh ngói khô khan để rồi cứ thế mà hờn trách, xa rời chồng. Để rồi xao lòng với người đàn ông khác bởi một tiếng “em”…

Từ FB

 

Tôi bị chồng phát hiện “tân trang” lại trinh tiết

Tôi đã sai khi đã yêu hết mình với mối tình đầu tiên, dể bây giờ tôi phải trả giá bằng chính cuộc hôn nhân của mình.

Chồng khinh khi biết tôi không còn trinh tiết
Tôi đã sai khi đã yêu hết mình với mối tình đầu tiên, dể bây giờ tôi phải trả giá bằng chính cuộc hôn nhân của mình.

Tôi và chồng cưới nhau năm tôi 25 tuổi, lúc ấy tôi là một cô gái đã không còn nguyên vẹn, cũng chỉ tại tôi nghĩ về hôn nhân và tình yêu khá đơn giản. Tôi cứ nghĩ trong tình yêu thì không nên ích kỷ, cứ yêu, cứ sống hết mình trong tình yêu thì sẽ được đền đáp. Nhưng chẳng phải như vậy.

Đàn ông không hề đơn giản như tôi nghĩ, khi yêu, họ muốn người con gái yêu họ phải hết mình, nhưng họ lại không đủ can đảm để cưới người con gái ấy làm vợ. Dù họ thừa biết rằng, cô gái ấy chỉ “hết mình” với riêng họ thôi.

Người đàn ông đầu tiên của tôi cũng vậy, anh ta không đủ can đảm cưới tôi làm vợ dù tôi đã trao cho anh tất cả những gì ngọt ngào nhất của tình yêu, và chẳng tiếc anh ta bất cứ thứ gì.

Anh ta bảo, anh hiểu tình yêu của tôi dành cho anh là có thật, nhưng cái thứ tình yêu “chẳng còn lại gì” ấy chỉ hợp để yêu, không phải để cưới. Anh quyết tâm chia tay với tôi cho dù tôi quỳ xuống van xin anh nghĩ lại, trước khi ra đi, anh tặng tôi một lời khuyên, anh bảo: “Nếu em muốn một người đàn ông cưới em làm vợ, thì khi yêu hãy giữ lại chút gì đó cho riêng mình”.
Tôi nhớ mãi câu nói hôm đó của anh, và suy nghĩ rất nhiều về nó. Có thể anh đúng, tôi đã sai lầm trong tình yêu nên đã yêu hết mình với mối tình đầu tiên và bây giờ phải trả giá. Thế mới biết, sự “nhiệt tình” của phụ nữ trong tình yêu đôi khi lại mang đến những phiền toái cho chính họ, bởi sự ích kỷ của người đàn ông họ yêu.
Cuộc tình đầu nguôi ngoai hơn khi người yêu tôi đi lấy vợ, vì lúc đó tôi biết tất cả đã chấm dứt, anh sẽ không bao giờ thuộc về tôi nữa. Tôi cũng bắt đầu mở lòng mình ra đón nhận tình yêu, nhưng rút kinh nghiệm tình yêu đầu, tôi kín đáo hơn và chín chắn hơn trong tình yêu. Tôi quyết nói không với sex trước hôn nhân, và cũng không dành sự nhớ nhung cho người yêu quá nhiều, vì tôi sợ anh sẽ lại bỏ tôi đi vì nghĩ tôi là người con gái dễ dãi, tôi sợ cho nhiều rồi lại mất đi nhiều.
Rồi tôi cũng “trói” được người đàn ông ấy. Để giữ được anh suốt cuộc đời mình, tôi đã phải đi “tân trang” lại trinh tiết. Nhưng mọi chuyện thật tồi tệ, khi đêm tân hôn anh phát hiện ra tôi là một cô gái chẳng còn trong trắng, anh bảo anh đã “qua tay” nhiều gái trinh, nên ai còn, ai mất anh biết hết, đồ giả, đồ thật anh biết hết. Nếu không khai thật với anh, anh sẽ đưa tôi trả về với bố mẹ sau đêm tân hôn.
Chẳng còn cách nào khác, tôi phải thú nhận với anh tất cả mọi chuyện. Anh đồng ý không trả tôi về với bố mẹ, nhưng từ đó luôn tỏ thái độ xem thường tôi. Anh bảo, cái loại con gái ngủ với trai trước khi cưới thì còn có giá trị gì?.
Tôi biết mình sai, biết mình có lỗi với anh nên cố gắng chịu đựng, tôi chỉ mong có đứa con là sợi dây gắn kết tình cảm vợ chồng thì chồng tôi sẽ thay đổi tính nết.
Nhưng có con rồi, mà chồng tôi vẫn chẳng buông tha tôi, mỗi khi cáu, khi giận, khi công việc không diễn ra theo đúng ý của anh là anh lại chửi bới tôi và coi thường tôi.
Nhiều lần quá mệt mỏi, tôi đề nghị anh hãy tôn trọng mình, nhưng anh bảo, con gái chưa chồng đã ngủ với đàn ông thì còn giá trị gì đâu mà đòi hỏi. Lẽ nào giá trị người con gái lại nằm ở màng trinh hay sao hả các anh?
Dịu

“Chọn người như ba mà lấy”

So với nhiều người đàn ông khác, ba tôi không bằng một góc của người ta, không chức quyền, không giàu sang, không thành đạt, không to cao vạm vỡ. Nhưng ít ra, với những người phụ nữ trong gia đình tôi, ba là người đàn ông vĩ đại nhất thế gian này.

Ba chở con
Ba chở con – Ảnh minh họa

 

Cái hồi ba mẹ còn tán nhau, nghe đâu ba hay phì phèo điếu thuốc để làm thơ, đến lúc lấy mẹ về, tôi mon men ra đời thì ba bỏ hẳn thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con nhỏ. Đã vậy, rượu bia ba không đụng đến một giọt, ba minh chứng ngược lại cho cái lý “nam vô tửu như cờ vô phong.”

 

Lúc gặp gỡ ban đầu, mẹ chẳng thèm để ý tới ba, mẹ cao ráo xinh đẹp trong khi ba nom già nua và xấu trai lắm. Thế mà, duyên số đưa đẩy thế nào, ba gặp ông bà ngoại, lọt vào mắt xanh của hai người. Ông ngoại nhất nhất nói với mẹ “chỉ có thằng này là được”. Mẹ chẳng hiểu cái “được” mà ông ngoại chấm là sao, khi mà ba chẳng có gì nổi trội so với đám trai làng dập dìu trước ngõ.

 

Có ông bà ngoại hỗ trợ, ba dần dần chinh phục trái tim mẹ. Mẹ nhận ra, ở con người ấy có khối điều hay ho, tài giỏi mà những người cùng trang lứa không có. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn bảo, ba là chọn lựa đúng đắn nhất trong cuộc đời của mẹ.

 

Nhờ sự lựa chọn tuyệt vời đó, chị em tôi lần lượt ra đời.

 

Nhà nội vốn có truyền thống học giỏi nhưng không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Ba học lực xuất sắc, văn hay chữ đẹp nhưng phải nghỉ học từ năm lớp mười. Thi thoảng gặp bạn ba, mấy chú vẫn hay đùa “Ba con không học, chứ học hành tới nơi chắc phải làm to.” Nhìn ánh mắt đầy tôn trọng của họ dành cho ba, tôi thấy tự hào lắm lắm.

 

Ba ở nhà phụ nội mấy năm rồi xung phong đi bộ đội. Khi trở về, ba đã hơn ba mươi tuổi và mang theo một vết thương ở đầu. Huân chương kháng chiến treo ở góc nhà chẳng giúp được gì trong cuộc mưu sinh nhưng nó là minh chứng cho những năm tháng tuổi trẻ sống hết mình.

 

Lập gia đình, ba lại bắt đầu gồng gánh cho gia đình nhỏ. Ba làm đủ nghề để kiếm sống từ rà tìm phế liệu, xay gạo, buôn bán…

 

Ba vốn cẩn thận, đặc biệt trong việc chăm con. Mùa hè miền Trung nóng nực, tối đến cái nóng còn theo sát. Chị em tôi nằm ngủ thường để quạt ở đầu giường từ hôm đến sáng. Có lúc nằm ngủ mê man, chợt nghe tiếng lục đục, hóa ra, ba bê mấy chậu nước đặt trước quạt vì sợ con gái khô da.

 

Thời tiết chỉ hơi se lạnh, con cái nhà hàng xóm tung tăng đi ngoài đường, chị em tôi buộc phải ở trong nhà, áo ấm khăn quàng kín mít. Ba sợ mấy đứa bị cảm.

 

Lúc học tiểu học, hai chị em tôi thường dắt tay nhau đi bộ. Mỗi lúc trời mưa, ba lấy mảnh áo mưa che vội vào người rồi hốt hoảng đi đón chúng tôi. Dù ở cách xa mấy, tôi vẫn có thể nhận ra dáng đạp xe của ba, trên đầu đội chiếc nón tơi, tay cầm chiếc áo mưa cho hai chị em, khuôn mặt lo lắng, thất thần. Về đến nhà, thể nào ba cũng ướt nhẹp trong khi hai chị em tôi khô ráo.

 

Thế nhưng, ba cực kỳ nghiêm khắc và khó tính. Nếu làm một phép so sánh, có lẽ ba là người cha nghiêm khắc nhất so với những người cha của bạn bè từ nhỏ đến lớn của tôi.

 

Lúc nhỏ tới giờ, ba luôn hạn chế chị em tôi đi chơi, nhất là buổi tối. Ba khó tính đến nỗi bạn bè của chúng tôi đều e ngại khi đến chơi nhà. Tôi đã từng mường tượng trẻ con rằng, ước gì ba của mình được như ba của bạn này bạn kia, chiều con như vầy. Để rồi càng lớn, càng nhận ra rằng, chính sự nghiêm khắc của ba đã rèn giũa chúng tôi nên người, rèn sự bản lĩnh và tỉnh táo trước mọi điều không hay trong cuộc sống.

 

Ba hay vì người khác, hay thương người quên cả mình, nhiều độ mẹ giận lắm vì lòng tốt của ba. Ví như, năm nào đó ba đi khám bệnh, có người bệnh cần máu kịp thời, ba chẳng ngần ngại hiến máu cho người ta. Về nhà, ba giấu mẹ vì sợ mẹ lo, nhìn vẻ mặt xanh xao của ba, mẹ chẳng nỡ trách cứ.

 

Lúc trước, khi điện đài còn chập chờn, chưa có mạng lưới như bây giờ, mỗi lần cúp điện, nguyên cả xóm ngồi chờ ba. Chẳng hiểu sao, thanh niên trai tráng không thiếu nhưng chẳng ai đủ dũng cảm và hiểu biết để trèo lên sửa. Mỗi lúc thấy ba lúi húi trèo thang sửa điện, tôi đứng từ xa, mắt dõi theo không yên, giận luôn mấy anh mấy chú trong xóm.

 

Ba không bao giờ trau chuốt vẻ ngoài cho mình và cũng không hề khuyến khích chúng tôi điều ấy. Tôi từng có cảm giác xấu hổ khi ba xuất hiện trước mắt bạn bè tôi với vẻ nhàu nhĩ, xộc xệch. Tự hỏi sao ba chẳng thơm phức và chỉnh chu, bóng láng như ba của người ta. Hỏi rồi cũng tự trả lời, vì chị em mình nên ba như thế. Ba luôn bảo, vẻ ngoài chẳng quan trọng, người ta tôn trọng mình vì cái bên trong mình có chứ không phải bộ đồ bên ngoài. Càng lớn, tôi càng tự hào về ba.

 

Nếu được vẽ một bức tranh về ba, tôi không thể vẽ hình ảnh một người cha bác sĩ mặc áo blu trắng tinh, một người cha giáo viên mực thước, một người cha thành đạt chức cao vọng trọng. Tôi chỉ vẽ người cha chân thực với bàn tay thô ráp, gương mặt khắc khổ, mái tóc điểm màu thời gian, sẽ điểm tô nhiều nhất là mồ hôi. Mồ hôi ướt áo mỗi khi ba chở hàng cho người ta, mồ hôi lấm tấm khi ba hì hụi ngồi sửa đồ, mồ hôi chảy dài khi hai cha con ngồi đợi tàu tiễn tôi lúc tôi vào thành phố… Có nhiều lắm mồ hôi ba đã rơi, cũng nhiều lắm yêu thương ba dành cho cả gia đình, cho mẹ và mấy chị em tôi. Tất thảy đều không đong đếm được.

 

Mẹ chỉ nói với chúng tôi một câu ngắn gọn rằng, lấy chồng, hãy chọn người như ba mà lấy.

 

Diệu Ái

Lại chuyện “ngàn vàng”

Hiện giờ tôi là sinh viên năm thứ tư, nhưng tới cuối năm thứ ba tôi mới quen và có cảm tình với một bạn gái. Cô ấy ngoan, xuất thân từ gia đình gia giáo, nói chuyện lễ độ, dễ thương và rất hiền.

Chúng tôi yêu nhau và đã bàn bạc rất nhiều về tương lai. Tôi cũng từng đặt câu hỏi: Liệu rằng tôi có phải “người đầu tiên” của cô ấy không? (không phải ích kỷ, nhưng tôi muốn biết cô ấy có đúng như những gì cô ấy vẫn nói và theo cảm nhận của riêng tôi). Câu trả lời: “Tất nhiên, anh là người đầu tiên. Trước anh em chưa từng yêu ai cả”…

 

Lần đầu “chăn gối”, tôi không thấy cô ấy ra máu và cảm giác không giống những gì sách báo mô tả. Khi tôi nói điều đó thì cô ấy phản ứng ngay: “Em đi vệ sinh và có thấy máu”. Tôi cứ vu vơ tin rằng có thể như vậy thật. Sau đó, mỗi lần tôi hỏi về chuyện trinh tiết cô ấy lại tỏ ra cáu gắt, trách móc, tôi đành phải nịnh nọt và cầu hòa. Tôi vẫn cứ yêu và tôn thờ cô ấy, vì tôi biết thời nay yêu được một người con gái như thế khó lắm. Tôi dự tính khi ra trường sẽ cưới luôn.

Nhưng cách đây vài hôm tôi đã phát hiện ra sự thật phũ phàng: Trong thời gian yêu tôi, cô ấy vẫn nhắn tin ngọt ngào với người yêu cũ, thậm chí đã quan hệ rất nhiều lần với anh ta (từ năm lớp 12 tới giờ) và uống thuốc tránh thai liên tục. Tôi cũng không phải người thứ hai của cô ấy mà có lẽ là người thứ ba, thứ tư gì đấy. Vậy mà có lần cô ấy hỏi tôi: “Sức khỏe em không tốt, yếu đuối lắm, nếu em không thể có con thì anh có cưới không?” tôi trả lời là “có”, vì tôi yêu cô ấy và sẵn sàng chấp nhận tất cả khi cô ấy đã dâng hiến cho mình.

Giờ thì tôi đã biết cô ấy sống giả tạo, lừa dối tôi một cách trắng trợn, những gì cô ấy thể hiện và nói về quá khứ không có chút nào là sự thật. Khi bị tôi phát hiện, cô ấy nói không có ý định lừa dối tôi suốt đời, định sau này sẽ nói… Nhưng nếu không bị phát hiện, liệu cô ấy và người yêu cũ có tiếp tục ngọt ngào và làm những chuyện mờ ám sau lưng tôi và sẽ vẫn giả tạo như thế, mặc cho tôi tôn thờ và yêu cô ấy biết chừng nào?…

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc tại sao phụ nữ thường nói dối về trinh tiết. Phải chăng một số phụ nữ ngày nay cho rằng “thời đại đã thay đổi” và sex trước hôn nhân là chuyện bình thường, do đó họ từ bỏ quan niệm “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” để được sống và yêu một cách tự do, thông thoáng hơn? Nghe qua có vẻ hiện đại và hợp lý, song chính phụ nữ lại là những người dễ bị tổn thương và khủng hoảng nhất bởi quan niệm dễ dãi của mình. Vì sự thực “trinh tiết” vẫn là câu chuyện quan trọng trong xã hội Á Đông, và đàn ông nói chung vẫn khó có thể chấp nhận người phụ nữ đã từng “qua tay” nhiều người. Bởi vậy, nhiều phụ nữ có “vết đen” trong quá khứ thường phải nói dối, và lời nói dối sẽ theo họ suốt cuộc đời, bởi nếu thú nhận sự thật, biết đâu sẽ mất tất cả?

Đa số phụ nữ không hiểu hết tầm quan trọng mà đàn ông đặt vào hai chữ “trinh tiết” khi họ đi tìm một mối quan hệ nghiêm túc. Họ rất trân trọng người phụ nữ biết kiểm soát bản thân, có chuẩn mực và nguyên tắc trong vấn đề tình dục, vì điều này cho họ cảm giác yên tâm, tin tưởng vào người bạn đời và nhất là cảm thấy mình xứng đáng. Những phụ nữ chia sẻ bản thân mình với bất kỳ ai cô ấy thích mà không quá bận tâm đến giá trị của mình thường không biết rằng: càng nhiều người sử dụng chung một thứ gì đó thì nó càng mất giá trị và ít được quý trọng. Phụ nữ có thể nói: “Đàn ông có quyền tự do tình dục, sao chúng tôi lại không?”. Nếu thực sự tin như vậy thì tại sao khi đối mặt với câu hỏi “Em đã ngủ với bao nhiêu đàn ông?”, những chị em chung đụng nhiều nhất lại thường phải nói dối? Có phải vì đàn ông ích kỷ, độc đoán, hay vì chính bản thân họ cũng cảm thấy mình tồi tệ và không xứng đáng?

Với tôi, nếu trung thực, thủy chung, đáng tin cậy và có trách nhiệm trong đời sống tình dục tức là phụ nữ đã nắm trong tay thứ vũ khí mạnh nhất để chinh phục đàn ông. Ngược lại, nếu họ lạm dụng sức mạnh đó với nhiều đàn ông, nó sẽ mất hiệu lực và đem lại kết quả trái ngược.

Theo Lao Động Cuối Tuần

Lại yêu lần nữa

GocTamSu.com – Một buổi chiều tháng Ba năm 2010, tôi vào trang cá nhân của mình, bất chợt liếc qua phần “tình trạng hôn nhân”. Frank, người chồng 42 tuổi của tôi vừa mất được một tháng, nhưng ở đó vẫn ghi “có gia đình”.

Yêu lại lần nữa
Yêu lại lần nữa – Ảnh minh họa

Trong sự dứt khoát thoáng chốc của kẻ đang ngồi ở thế kỷ 21, tôi chuyển tình trạng hôn nhân của mình thành “góa bụa”. Chẳng từ nào diễn tả được chính xác hơn thế, “độc thân” nói lên quá ít. Tôi cũng nghĩ đến một lựa chọn khác là “Rất phức tạp” (có sự mất mát nào không phức tạp cơ chứ?), nhưng rồi lại thôi. Một số từ khác như “Chia cách” cũng hiện ra trong đầu, nhưng tình trạng của tôi còn bi đát hơn chia cách nhiều. Có những người vẫn hy vọng có thể tìm lại nhau dù chia cách. Còn với tôi, sự ra đi này là mãi mãi.

 

Vậy nên, ở tuổi 39, sau 7 năm kết hôn, tôi không còn là phụ nữ có gia đình. Tôi là bà góa. Bệnh tật và cái chết của Frank thuộc về anh ấy, nhưng chúng cũng làm thay đổi cuộc đời tôi, đưa ra những yêu cầu và đòi hỏi hy sinh. Con đường biến tôi từ một người vợ sang một bà góa rất dài, gập ghềnh và đau đớn. Hai năm trước khi Frank mất, tôi ở đó bên anh ấy, nhìn anh chống chọi với bệnh tật, không lúc nào không nuôi hy vọng và luôn nhắc mình phải lạc quan lên. Frank mắc một loại ung thư thực quản rất hiếm và quái ác. Khi tình trạng ung thư được kiểm soát, tôi vui với anh, khi nó xuất hiện trở lại, tôi đau nỗi đau của anh, tuyệt vọng cùng anh. Tôi nhào theo khi xe cấp cứu chở anh đến bệnh viện lúc nửa đêm, hỏi bác sĩ hàng ngàn câu hỏi về ung thư và ghi chép. Tôi khóc trên điện thoại khi gọi điện làm việc với bảo hiểm y tế. Rồi một sáng, khi tôi rời phòng bệnh có một lát để đi gọi điện, thì Frank qua đời. Lúc người ta thông báo, tôi quỵ xuống sàn, khóc lóc, đau đớn, dày vò tột độ vì đã không ở bên anh đúng giây phút cuối cùng.

 

Cho dù đã quyết định sẽ vẫn tiếp tục đeo nhẫn cưới suốt 1 năm sau khi Frank mất, 6 tháng sau, tôi cảm thấy vết thương đã dịu đi rất nhiều và có thể hẹn hò trở lại. Tôi bắt đầu nhớ cảm giác có đôi, có một người đàn ông làm bạn đồng hành. Thế nhưng khi quay lại hẹn hò, “góa bụa” lại trở thành vấn đề quá lớn. Đàn ông tránh nói về chủ đề đó với tôi.

 

Người đàn ông đầu tiên tôi thử hò hẹn là một vận động viên thể thao. Sau 2 tháng, anh ấy cố nặn nụ cười để nói với tôi lời “anh rất tiếc” trước khi đổi chủ đề từ “góa bụa” sang nói chuyện thể thao. Đó là một phản ứng thích hợp, nhưng chẳng cần nói tôi cũng đủ cảm thấy tiếc cho mình rồi. Sau chuyện này, tôi khó lòng chịu nổi việc ở bên ai đó cảm thấy tiếc cho tôi, thương hại tôi.

 

Một người đàn ông khác, khi biết “tiểu sử” của tôi thì “chạy” ngay tắp lự. Nhìn chung, đàn ông đến với tôi, cứ khi nào tôi thấy đủ thoải mái để kể chuyện của mình cho họ, thường là sau vài lần hẹn hò, thì họ sẽ ngãng ra, không email, không điện thoại nữa.

 

Tôi thừa nhận, việc tôi vẫn còn đeo nhẫn cưới và nói về Frank có thể là dấu hiệu để người ta nghĩ tôi chưa sẵn sàng sống tiếp. Nhưng tôi thực sự bị giằng xé giữa cảm giác quá gắn bó với những kỷ niệm về Frank và mong muốn bước tiếp về tương lai mà không có anh ấy.

 

Góa bụa dường như có một ảnh hưởng lạ kỳ nào đó lên cách đàn ông tiếp nhận tôi. Một số họ gọi tôi là “đầy nghị lực”, đến nỗi có lúc tôi thấy như họ đang nhìn tôi là một vị thánh sống. Còn cuộc hôn nhân đã qua của tôi trong mắt họ thì hoàn hảo đến không tì vết, mặc dù thực tế không phải vậy.

 

Cuộc hôn nhân ấy bình thường như hôn nhân của bao người khác, cũng có lúc thăng trầm. Một năm trước khi Frank ốm, chúng tôi có lúc còn phải gõ cửa trung tâm tư vấn, thậm chí đã thử chia tay, nhưng chưa bao giờ chúng tôi đặt câu hỏi liệu tôi có ở bên Frank không khi anh ấy ốm.

 

Dẫu thế, có vẻ như sự ra đi của Frank đã làm dịu tất cả, những sần sùi, gai góc của cuộc hôn nhân, chỉ để lại điều gì đó thật lý tưởng đến không thể chạm vào, như một mối đe dọa với những người đàn ông định đến bên tôi vậy.

 

Cứ thế tôi hò hẹn được 2 năm, có những người chỉ gặp gỡ, chuyện trò duy nhất 1 lần, có người vài tháng. Dường như luôn có rào cản giữa tôi với họ, và đó thường là Frank. Ở tuổi còn trẻ, tôi đã kết luận rằng, “bà góa” khác với những người đàn bà khác, khác với mọi người. Và tôi thì là một trong những người đàn bà góa bụa.

 

Rồi gần đây, tôi gặp một người đàn ông – bạn của bạn. Anh ấy gặp tôi khi đang từ Châu Âu du lịch khắp New York. Chúng tôi hẹn nhau đi uống nước và có khoảng thời gian vui vẻ, kể nhau nghe những câu chuyện về thời thơ ấu, chia sẻ về cuộc sống của mình như thế nào khi là một nhà văn. Tôi cho rằng người bạn chung đã nói với anh ấy việc tôi mất chồng. Thực ra thì người bạn ấy không nói, nhưng tôi cứ cảm giác thoải mái trong khi trò chuyện như thể anh biết rõ về điều đó vậy. Có lẽ vì cuộc trò chuyện đó không thực sự giống một buổi hẹn hò. Thay vì “rất tiếc”, anh ấy phản ứng bằng sự đồng cảm: Anh ấy muốn nghe nhiều hơn, anh ấy hiểu, được nói ra hết quan trọng với tôi thế nào.

 

Đó là điều những người đàn ông khác còn thiếu. Buổi tối của chúng tôi kết thúc rất trong sáng, nhưng lại ngân lên những rung động lớn trong tôi, nhắc tôi một điều rằng mình vẫn có khả năng gắn kết với đàn ông.

 

Tôi không tin cái chết đồng nghĩa với một bài học nào đó cho chúng ta. Nhưng tôi biết Frank khi ốm chẳng mong muốn gì hơn là được sống thêm một ngày. Và đó là điều đáng ghi nhớ: Nên trân trọng mỗi ngày mà mình có. Tôi không chắc rồi mình có kết hôn nữa hay không. Cho dù có kết hôn lần nữa, cho dù “tình trạng hôn nhân” trên trang cá nhân của tôi lại thay đổi, tôi vẫn mãi mang theo trải nghiệm về cuộc sống của một phụ nữ góa chồng.

 

Song gánh nặng đã nhẹ hơn. Ở chính nơi mà ý nghĩ về việc yêu thêm lần nữa dường như chẳng bao giờ thành hiện thực, tôi đã mang một cảm giác khác. Tôi không cảm thấy bi kịch, dị thường. Tôi thấy sẵn sàng. Gần như là thế.

 

Huyền Anh
Lược dịch theo Rosie Schaap/MC

 

Mất hai người đàn ông vì những cô gái trẻ

Cả hai người đàn ông đều nói rằng tôi là người phụ nữ của gia đình và chu đáo. Nhưng họ đều chạy theo những cô gái trẻ hơn tôi, có nước da trắng ngần và cơ thể đẹp. Họ đều cho rằng những cô gái đó dịu dàng hơn tôi.

 

Tôi là vợ cũ của anh LDD trong bài viết “Mất tất cả khi chung sống với bồ”, tôi cho là như vậy vì hoàn cảnh giống hệt hoàn cảnh của gia đình tôi và cái tên cũng là tên viết các chữ cái đầu của anh. Tôi ngạc nhiên là anh cũng vào chuyên mục Tâm sự này đọc và tâm sự, cái điều mà trước đây anh cười khẩy tôi và nói rằng tôi rỗi hơi, đọc bài “lá cải”. Có thể là liên quan đến câu chuyện mà tôi đã nói với anh rằng tôi gặp người đàn ông sau này của tôi cũng từ chuyên mục này.

Khi cuộc hôn nhân tan vỡ, tôi không cho là nguyên nhân hoàn toàn do chồng. Tôi cũng có lỗi khi thường xuyên phải đi công tác dài ngày ở nước ngoài. Tôi không muốn đi ăn nhà hàng quá nhiều lần trong tháng, bởi tôi cho rằng một bữa ăn đó cho khoảng 10 người ăn có thể lên tới hơn chục triệu, và số tiền đó là một khoản tiền không nhỏ trong khi ở quê chồng tôi còn rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi muốn xây căn nhà ở quê, gần biển để hàng năm về nghỉ dưỡng. Trước đây những gì đẹp và ngon nhất tôi dành cho chồng con, tôi có thể mua chiếc áo hàng hiệu hơn 200$ cho chồng để chồng đi tiếp khách, đồ của chồng đều do tôi mua và là đồ xịn. Còn với bản thân, mua chiếc váy giá gần một triệu là tôi nâng lên đặt xuống vì cho rằng đặc thù công việc của tôi phải mặc đồng phục và khi đứng lớp thì phải ăn mặc kín đáo.

Tôi chưa từng dám đến spa hay các cơ sở làm đẹp để tự thưởng cho mình vì không có thời gian và tiếc tiền. Trong cách ứng xử tôi rất dứt khoát, tôi yêu cầu chồng không về ăn cơm thì điện thoại cho tôi một lần, hoặc đi qua đêm thì đừng tắt máy. Trong những lần tranh luận, chồng tôi có nói “nhà này chỉ có một ý kiến” và tôi dám cãi rằng “đồng ý có một ý kiến nhưng phải là ý kiến chung cuối cùng và hợp lý chứ không phải chỉ ý kiến của anh”.

Tôi đã không khép nép sợ chồng như người đàn bà sau này của anh. Tôi thẳng thắn chỉ rõ những điều chưa bằng lòng với anh bằng cách nói chuyện ngang hàng chứ không thỏ thẻ và anh cho đó là tôi không sợ và nể anh. Đó cũng là những nguyên nhân làm người đàn ông của tôi chán tôi. Sau này tôi có đọc bài báo, họ cho rằng đàn bà dù có thông minh đến đâu thì cũng nên giả vờ nhỏ bé và ngu hơn chồng một chút. Liệu điều này có đúng, có cần thiết cho xã hội chúng ta hiện nay hay không?

Tôi cũng là người viết bài “Chồng tôi đi karaoke ôm nhưng về nhà tỏ ra mẫu mực”và tôi đã gặp được người đàn ông sau này của tôi qua chuyên mục đó. Nhưng tôi cũng bị phản bội và họ nói dối cho dù tôi đã sống hết lòng với họ. Cả hai người đàn ông đều nói rằng tôi là người phụ nữ của gia đình và chu đáo. Nhưng họ đều chạy theo những cô gái trẻ hơn tôi, có nước da trắng ngần và cơ thể đẹp. Họ đều cho rằng những cô gái đó dịu dàng hơn tôi.

Điều đáng buồn là người đàn ông sau này của tôi lại yêu một người đang có chồng và hiện nay cô ta có bầu nhưng không biết là của chồng hay của bồ. Gia đình cô ta hãnh diện vì cô ấy “phải như thế nào thì mới được cả hai người đàn ông yêu”. Người đàn ông thì cho rằng anh ta yêu cô ta thật và chịu trách nhiệm. Có thể đó là tình yêu thật và tôi lần nữa bị thua.

Tôi đã qua giai đoạn suy sụp và hụt hẫng. Hiện nay tôi tập trung vào công việc và rất may mắn trong lĩnh vực này. Tôi đã xinh đẹp hơn, biết thương bản thân mình hơn. Tôi đã bỏ học bổng toàn phần đi Mỹ du học và chọn một nước Châu Á để có thể về với con bất cứ khi nào và có cảm giác được gần con hơn, hiện nay mẹ chồng cũ đang giúp tôi chăm cháu. Tôi vẫn được cả gia đình chồng thương yêu và coi như con gái trong nhà.

Tôi và chồng cũ vẫn giữ mối quan hệ như những người bạn. Anh vẫn đến nhà dạy con học toán, hết giờ thì về. Đôi khi cuối tuần con yêu cầu, chúng tôi vẫn cùng nhau đưa con đi ăn và chơi ở ngoài, nhưng hoàn toàn không còn cảm xúc. Tôi đã lựa lời giải thích cho con rằng bố mẹ đã chia tay và bố cần chăm sóc em. Con tôi hiểu và chấp nhận điều đó, cháu hiểu và không buồn vì trong cuộc sống của cháu vẫn hiện diện sự chăm sóc của cả hai bố mẹ và chúng tôi không hề nói xấu nhau với cháu.

Ly hôn không hẳn là phải kết thúc mối quan hệ mà chỉ là chuyển từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác, khi chúng ta cư xử với nhau một cách có văn hóa. Chỉ có điều nếu như đứa con sau này của anh không bị tự kỷ, nếu như tình hình bất động sản ăn nên làm ra như những năm trước, tôi cũng không dám tin rằng anh lại cần mẹ con tôi đến vậy.

Hiện nay tôi hài lòng với cuộc sống, có đứa con thông minh, nhanh nhẹn. Tôi có công việc tốt và đồng nghiệp tin cậy, bạn bè luôn bên tôi giúp đỡ. Tôi luôn gặp may mắn, chỉ trừ trong lĩnh vực tình yêu. Tôi không nghĩ rằng cuộc đời của tôi lại được đưa ra trên báo mạng thế này, hoặc hoàn cảnh của tôi là điển hình cho cuộc sống gia đình hiện nay ở Việt Nam? Hy vọng sai lầm của tôi và cuộc sống gia đình tôi có thể giúp ai đó tham khảo cách sống và làm cho cuộc sống hôn nhân tốt hơn.

Lan

Hư một chút mới… là đàn ông!

Mẹ tôi thường nhắn nhủ, tìm chồng phải chọn người như bố tôi: không hút thuốc, không bia rượu, không trăng hoa, hết việc thì về với vợ con, thi thoảng còn chui vào bếp nhặt rau giúp vợ. 

Từ khi cưới nhau đến lúc có mấy mặt con, ít khi nào bố mẹ cãi nhau. Thường, mẹ tôi là người kết thúc vấn đề nếu phải tranh luận. Con gái nào chẳng thần tượng bố. Và tôi cũng đã đi tìm một nửa bên kia na ná bố. Nhưng…

Ngày ra mắt, bố mẹ tôi quá hài lòng về chàng rể tương lai: anh không biết hút thuốc, rượu bia mới vài ly đã lăn ra ngủ như chết. Anh còn được cái đúng giờ, đi chơi với tôi vui cỡ nào anh cũng phải có mặt ở nhà trước mười giờ đêm. Một lần có lễ hội, hai đứa rủ nhau đi xem pháo bông. Lúc về đường tắc nghẽn, mà đồng hồ thì chỉ hơn mười một giờ rồi, thấy anh quáng quàng lo lắng phải về nhà cho kịp giờ nhà xe chung cư đóng cửa, tôi giả vờ: “Thì anh cứ về hướng của anh cho nhanh. Em đi xe ôm cũng được”. Ai ngờ anh ngừng xe, gọi xe ôm, trả tiền trước và động viên tôi: “Em thông cảm, về giờ này may ra còn kịp, chứ còn không biết ở đâu đêm nay”. Nghe chồng tương lai nói vậy, tôi như trên mây rớt xuống. Thế là tôi giận đến chục hôm, anh cũng nhìn ra vấn đề và xin lỗi rối rít: “Từ nhỏ đến giờ anh đã quen cái nguyên tắc kia rồi, đi chơi về nhà quá mười một giờ thấy mình sa đà thế nào ấy”.

Đàn ông hư một chút
Đàn ông hư một chút – Ảnh minh họa

Có lần tôi giả vờ rủ anh qua đêm ở đâu đó, anh quát lên như gặp phải quái vật: “Em sao thế? Chưa cưới xin mà vậy à!” Ối giời, có khi anh khiến tôi hư thật cũng nên! Đi ra đường, có nhiều cô đẹp đến tôi còn phải quay lại nhìn, nhưng người yêu tôi thì tuyệt đối không với lý do, “đã có người yêu thì không nên nhìn ngó xung quanh”. Có phải anh nói thế để tôi yên lòng? Chứ theo những kiểm chứng từ người thân và bạn bè anh, thì từ thời sinh viên đến giờ, tôi là người yêu đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của anh.

Cớ sao có người chồng tương lai hiền, tốt, chung thuỷ như vậy mà tôi lại hoang mang? Tâm sự với mẹ, tôi chỉ nhận được lời mắng của bà: “Không biết giữ, có ngày mất thì hối không kịp. Đào ra đâu một đứa như vậy”. Còn thủ thỉ với lũ bạn thân, tụi nó phản ứng: “Kiểu người như vậy chán thật, phải hư một chút thì nửa kia mới thấy thú vị chứ”. Tôi không thiên về ý kiến bên nào, nhưng quả thật, gần đây tôi cảm thấy hơi nhàm mỗi lần đối diện với anh. Nhất là cái khoản đi ăn chỉ uống nước suối, đúng mười giờ phải về nhà; làm điều gì, về nhà mấy giờ, thậm chí ho lên một tiếng anh cũng nhắn tin cho tôi. Ngày nào cũng từng ấy nội dung thì chán quá còn gì.

Phải chăng tôi đòi hỏi anh quá nhiều, hay anh phải đổi thay một chút, “hư” một chút để còn hấp dẫn được mình?

Cuộc sống đen tối khi bị hai người đàn ông hại đời

Khi no xôi chán chè, sếp xem tôi như một món đồ chơi; khi cần dùng đến, không cần đá đi. Trong công việc sếp luôn tạo áp lực với tôi, thậm chí chuyển tôi sang vị trí khác và tuyển người mới vào. Sếp còn không nhận giọt máu đang mang trong người tôi.

Khi viết những dòng tâm sự này cũng là lúc tôi nói lên hết tất cả nỗi lòng của mình, nỗi lòng không thể bày tỏ cùng ai. Tôi hy vọng mọi người đừng ném đá, đừng chỉ trích vì những điều đó tôi đã trải qua và chịu đựng rất nhiều rồi. Tôi hy vọng mọi người dùng một tấm lòng để chia sẻ cùng tôi.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, khi được một tuổi mẹ tôi bị tai biến nằm một chỗ, ba tôi đau yếu liên miên, mọi gánh nặng đổ lên hai người anh tôi, khi đó mới 11, 12 tuổi phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền nuôi cả nhà. 7 tuổi tôi đã biết bón từng thìa cháo cho mẹ. Cuộc sống khốn khổ theo tôi đến lớn, vừa đi học vừa chăm sóc cha đau mẹ yếu nên chưa bao giờ tôi cảm nhận được vòng tay thương yêu dạy dỗ của gia đình, vì mặc cảm bản thân nên tôi hay tự ti nhút nhát.

Continue reading Cuộc sống đen tối khi bị hai người đàn ông hại đời

Lâm Tâm Như nhận 999 bông hồng trong ngày Tình yêu

Nữ diễn viên khiến người hâm mộ bất ngờ khi chụp ảnh cùng một người được cho là bạn trai mới của cô cùng 999 bông hoa hồng anh tặng cô trong ngày Tình yêu 6/8 vừa qua.> Lâm Tâm Như, Lâm Chí Dĩnh bất đắc dĩ gặp mặt Continue reading Lâm Tâm Như nhận 999 bông hồng trong ngày Tình yêu