Nước mắt trộn vữa của những người phụ hồ

Cuộc sống khó khăn, nhiều người đã khăn gói vào những thành phố lớn kiếm sống bằng nghề phụ hồ mong có chút tiền gửi về cho con đóng học. Nhiều người đã đi mà không trở về, có về thì bị thương tật suốt đời phải sống như “cây tầm gửi”.

>>Tái hiện vụ sập nhà kinh hoàng

>>Sập nhà 5 tầng đang hoàn thiện, vùi hơn 10 người

Máu chảy trên công trường

Khi mới 16 tuổi, ba mẹ lại ly thân, quê nhà không có việc gì để làm kiếm sống nên Nguyễn Văn Tuấn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã quyết định vào Nam để kiếm việc. Tuấn quyết định chọn TP HCM để tìm nơi mưu sinh. Năm nay mới 21 tuổi nhưng Tuấn đã có 6 năm “thâm niên” trong nghề phụ hồ.

Khi hỏi sao có biệt danh “Tuấn què” thì được Tuấn kể lại lịch sử: “Em vào được một tuần thì mấy anh cùng quê kiếm cho công việc phụ hồ tại một công trường trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Nước mắt trộn vữa của những người phụ hồ

Một nạn nhân trong vụ sập nhà.

Làm được khoảng 2 tháng em lên tầng 4 để chuyển đồ cho mấy anh thợ xây thì bất ngờ trượt chân rơi xuống. Lúc tỉnh dậy em thấy mình nằm trong bệnh viện, chân tay bị băng bó vì gẫy. Sau 2 tháng xuất viện chân em không còn lành lặn nữa nên mọi người đặt cho em biệt danh như vậy cho dễ gọi.”Khi hỏi nằm viện như vậy thì ai trả tiền viện phí thì “Tuấn què” không hề giấu giếm: “Mình nằm viện thì mình trả chứ ai nữa hả anh, vì làm cái nghề của bọn em lấy đâu ra có hợp đồng lao động nên mình bị thì mình chịu thôi. Khi em vào viện trong túi có 200.000đ, tiền đóng viện phí lúc đó mấy anh em làm cùng gom góp cho em mượn rồi khi ra viện em đi làm trả dần.”Trên các công trường không chỉ có những người đàn ông làm nghề “cơ bắp” mà còn có rất nhiều những phụ nữ “chân yếu tay mềm” vì hoàn cảnh khó khăn nên cũng phải xa nhà, xa con để đi kiếm sống nới đất khách quê người.

Chị Nguyễn Thị T., quê ở Bình Thuận, chồng nghiện rượu còn 3 người con đang đi học. Ở quê không có việc làm nên chị quyết định gửi con về nhà mẹ đẻ để rồi khăn gói vào TP HCM làm nghề phụ hồ ở công trường nhà cao tầng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, (Q.1), lương chỉ được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trừ tất cả các chi phí mỗi tháng chị để cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 1 triệu gửi về quê cho 3 đứa con ăn học.

Chị T. tâm sự: “Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tai nạn luôn rình rập xảy ra bất cứ lúc nào, làm từ sáng đến tối, có khi còn tăng ca để kịp tiến độ. Tuy tiền công được nhà thầu trả cao hơn chút. Mới đây bị sốt xuất huyết phải đi nằm viện mất gần 10 ngày mà không có thẻ bảo hiểm y tế nên phải chi trả hết 2 triệu đồng nên 2 tháng tới chắc không có. Những lúc nằm bệnh không đi làm được nghĩ đến con ở nhà đang chờ mẹ gửi tiền đóng học mà ứa cả nước mắt. Tội nghiệp chúng quá…”.

Xảy ra tai nạn, người phụ hồ “chịu án”

Trong khi đó, nỗi lo thất nghiệp đã “dẫn dắt” hàng trăm ngàn người vào nghề thợ xây. Họ chấp nhận rủi ro, chấp nhận thách thức với chính tính mạng của mình trên độ cao hàng 100m để đổi lấy những đồng lương ít ỏi.

Cũng chính tại một số công trường đã xảy ra những cái chết thương tâm của công nhân mà chủ yếu là những người phụ hồ. Những cái chết đó được chủ thầu “giấu kỹ” rồi đưa ra những thỏa thuận miệng để vụ việc chìm vào yên lặng.

Nhiều năm làm thợ xây, phụ hồ cho các công trình xây dựng nhưng khi chúng tôi hỏi có ký hợp đồng lao động, nhiều công nhân chỉ cười, nói chưa bao giờ thấy mặt mũi của bản hợp đồng. Nếu có hợp đồng giữa chủ thầu và người phụ hồ thì chỉ là những “hợp đồng miệng” – một công nhân cho biết. Hầu hết những công nhân đi làm phụ hồ, thợ xây đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi tai nạn xảy ra, đơn vị thi công nhanh chóng “chi” ra khoảng chi phí từ 40 đến 50 triệu gọi là “tiền phí hỗ trợ mai táng” cho gia đình nạn nhân. Cái chết đó được “chìm” đi, chỉ có người lao động ôm trọn nỗi thiệt thòi, bấp bênh, cực nhọc và cơ quan chức năng khó mà phát hiện.Anh Nguyễn Hòa, quê Tây Ninh là công nhân phụ hồ làm việc ở các tòa đang xây trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) tâm sự: “Lên Sài Gòn làm đã gần 10 năm nhưng đã chứng kiến 8 lần bạn làm cùng rơi từ trên cao xuống.

Trong những lần rơi đó có 3 người phải bỏ mạng, còn những người khác thương tật suốt đời phải về quê nhờ người thân cưu mang. Nhiều lần về quê tôi ghé qua thăm mấy người bạn bị nạn thấy gia cảnh lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Nhưng giờ biết làm sao được?” Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: “Qua quá trình kiểm tra, hầu như công trình nào cũng có lỗi vi phạm và bị phạt hành chính nhưng biện pháp chế tài hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Tình trạng tai nạn xảy ra ở cao ốc văn phòng là đáng báo động! Phía Sở cũng mong muốn các cơ quan chức năng liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tốt hơn nữa về an toàn lao động.”

Theo Bee

Source: Zing

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.