Đám cưới thời khốn khó

TT – Cũng như mọi người, cuối năm là mùa xây tổ uyên ương của công nhân nhập cư ở TP.HCM. Thời buổi kinh tế khó khăn, đám cưới công nhân vốn đã nghèo nay lại càng heo hắt hơn…

Đám cưới thời khốn khó


Tận dụng quán nhậu để làm đám cưới cho công nhân

Hơn 23g. Tại nhà hàng tiệc cưới Tân Vĩnh Lộc, một giọng nam nghe dường như đã ướt đẫm hơi men, nhừa nhựa hát bài Chim sáo ngày xưa hòa cùng điệu đàn uể oải lẫn tiếng dzô… dzô, tiếng cười nói. Đó là khung cảnh đám cưới của một cặp công nhân đang làm việc trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM). Như nhiều đám cưới công nhân nhập cư khác, tiệc cưới của họ diễn ra thật muộn, tới khoảng 0g khách mới lục tục kéo nhau về. Và sau khi tiệc tan là thời điểm lo lắng, gay cấn nhất của các cặp uyên ương.

Bể “sô”

Chị Trần Cẩm Hồng, chủ nhà hàng tiệc cưới Đại Nam (tỉnh lộ 10, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân), cho biết do đang vào mùa cưới nên mỗi tháng có 60-70 đám cưới diễn ra tại khu vực này. Nhưng khác hẳn các năm trước, đám cưới của công nhân vốn đã eo sèo, lặng lẽ thì năm nay càng đạm bạc.

Chị Hồng kể tuần trước có đám cưới của cô dâu công nhân tên Lương Thị Lan, đặt chín bàn. Đám cưới dự định diễn ra lúc 17g30 nhưng chờ tới hơn 20g mà khách mời vẫn vắng hoe, lác đác một vài người. Cô dâu chú rể vào ra đứng ngồi không yên. Chẳng thể đợi lâu hơn, cuối cùng buổi tiệc cũng phải bắt đầu. Sau buổi tiệc, kiểm lại tiền mừng chị Lan mặt buồn so, “lỗ vốn” quá nặng! “Sau cùng vợ chồng Lan đành “ôm” ba bàn tiệc dư về nhà. Là công nhân, tiền không có mà lại gặp tình cảnh như thế thật tội” – chị Hồng thông cảm nói.

Rất nhiều cặp công nhân tổ chức đám cưới vào mùa cưới năm nay khi được hỏi đều cho rằng sợ nhất chuyện “bể sô”. Nguyên nhân “bể sô” có nhiều nhưng tựu trung do khách mời cũng là công nhân nên thường phải tăng ca, giờ giấc không ổn định. Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, lương bổng phập phù, công nhân lâm cảnh thất nghiệp nên nhiều khách mời cũng cân nhắc trước khi đi dự đám cưới.

Anh Đào Văn Khoa rời quê nhà Ninh Bình vào TP.HCM làm công nhân tại Công ty Dewberry (Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương), vừa tổ chức đám cưới đầu tháng mười hai. Liệu cơm gắp mắm, Khoa chỉ đặt sáu bàn cho đám cưới của mình. Do đám cưới tổ chức vào ngày thường, bạn bè phải tăng ca, người thì bị thất nghiệp, khách mời không đủ, cuối cùng vẫn dư hơn một bàn. Khoa rầu rầu nhớ lại: “Sau đám cưới hai vợ chồng buồn hết mấy ngày vì cái vụ “bể sô” ấy. Hiện món nợ 2 triệu đồng để làm tiệc cưới tôi vẫn chưa thể trả được”.

Từng đứng ra tổ chức đám cưới cho công nhân lâu năm nên chị Mai Thị Duy Phương, quản lý nhà hàng tiệc cưới Tân Vĩnh Lộc, lý giải: “Ngoài việc nhận đặt tiệc chỉ bốn hoặc năm bàn, chúng tôi còn để đám cưới kéo dài thoải mái, nếu không các công nhân không dám đặt đám cưới”. Theo chị Phương, có những đám cưới phải kéo dài đến tận 23g, thậm chí đến 0g khách mới ra về. “Tất cả cũng là do đời sống công nhân đang gặp khó khăn nên chúng tôi thông cảm” – chị Phương chia sẻ.

Đám cưới nghèo

Cuối năm, tình hình kinh tế khủng hoảng chung nên ảnh hưởng đến đời sống công nhân là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng “cưới vợ phải cưới liền tay…” nên nhiều công nhân vẫn chắt bóp để có một “đám cưới nghèo” ra mắt bạn bè, họ hàng hai bên.

Ba năm trước anh Nguyễn Xuân Thông từ Hà Tĩnh vào TP.HCM lập nghiệp bằng nghề bốc vác tại chợ đầu mối Tam Bình. Tại khu nhà trọ trên đường Linh Trung (Q.Thủ Đức), anh quen chị Đinh Thị Hải, quê Nghệ An, làm công nhân may tại Công ty Freetrend (Q.Thủ Đức). Thu nhập hai anh chị gộp lại cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Lần lữa mãi, ngày 14-11 vừa qua hai người cố gắng tổ chức một đám cưới nho nhỏ, tiệc chỉ đặt vỏn vẹn năm bàn. Chị Hải nhớ lại: “Bọn tôi ráng ki cóp mãi, tiết kiệm lắm nhưng làm tiệc cưới cũng hết 5,8 triệu đồng. Vậy mà phải vay mượn, nợ nần tùm lum”.

Chị T., công nhân may trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, cũng mới tổ chức đám cưới tại nhà hàng tiệc cưới Tân Vĩnh Lộc đầu tháng 11. Chị T. chỉ đặt tám bàn với giá 650.000 đồng/bàn. Tuy nhiên do khách đi quá ít, cộng với việc không dự trù trước nên sau khi tiệc tan, hai vợ chồng T. kiểm phong bì mừng thì thiếu 4 triệu đồng mới đủ trả tiền tiệc. Chồng chị T. đành gọi điện khắp nơi nhờ bà con họ hàng đem tiền đến “giải cứu”. “Sau khi trả tiền xong, ức và quá tủi thân, chị T. ném luôn chiếc bánh kem và ngồi sụp xuống cổng nhà hàng bưng mặt khóc…” – chị Phương, quản lý nhà hàng, kể lại.

Chuyện cô dâu chú rể thiếu tiền tiệc rất thường gặp trong thời điểm kinh tế, công ăn việc làm khó khăn như năm nay. “Có đám cô dâu còn phải gỡ cả nhẫn cưới, bông tai ngay khi tiệc vừa tàn để trả cho đủ số tiền còn thiếu nhưng chúng tôi không nỡ nhận. Tôi mà làm cô dâu gặp cảnh ấy chắc không chịu được” – Phương xúc động.

Trước đám cưới thì lo bạc cả tóc, sau khi tiệc tan hai vợ chồng vừa kiểm phong bì vừa run. Hú hồn, cuối cùng tiền mừng đủ trả cho nhà hàng. Đó là tâm trạng của hai vợ chồng trẻ Nguyễn Hải Hảo và Dương Thị Thắng mới tổ chức đám cưới tại nhà hàng tiệc cưới Tân Vĩnh Lộc ngày 14-12. Hảo tâm sự: “Công việc lúc có lúc không, thu nhập hai đứa bình quân gần 3 triệu đồng/tháng. Hai đứa bàn với nhau thôi thì tổ chức đám cưới chỉ gói gọn trong sáu bàn. Thế nhưng sau đó phát sinh một bàn, cộng với tiền bia, nước ngọt, thuê ban nhạc cũng mất đứt gần chục triệu đồng. May là tiền mừng vừa đủ để trả cho nhà hàng, nếu không bọn tôi cũng chẳng biết “bòn” đâu ra tiền để bù vào”.

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN

Có tiệc cưới chỉ vỏn vẹn… một bàn

Chị Lê Thị Bích Thúy, chủ nhà hàng tiệc cưới Liên Thúy, đường số 7 nối dài, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, cho biết mùa cưới năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, mỗi tháng nhà hàng chỉ tổ chức được khoảng 10 đám cưới cho các cặp cô dâu chú rể đều là công nhân, giảm hơn rất nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân là do nhiều cặp đã đặt cọc trước nhưng phải hoãn vì thất nghiệp, thu nhập quá thấp… Có đến trên 50% trong số tiệc cưới ấy chỉ gói gọn từ năm bàn trở lại.

Có tiệc cưới chỉ vỏn vẹn… một bàn và nhiều tiệc cưới tổ chức chỉ một mâm cơm, canh tại phòng trọ. Thường mỗi bàn tiệc công nhân cũng chỉ dám đặt giá 600.000-800.000 đồng. Chị Thúy tâm sự: “Thôi thì thông cảm, tình hình khó khăn chung, cuộc sống công nhân cũng nghèo và cơ cực quá rồi. Giúp các em có được “đám cưới nghèo” mà tươm tất mình thấy cũng vui lây…”.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.