Nắng mưa phải có…

TT – Mấy chục năm trước, thi sĩ Nguyễn Bính đã thốt lên lời ghen với cô người yêu nhỏ xinh của mình: Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười/ Những lúc có tôi và mắt chỉ/ Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.

Nắng mưa phải có…

Ghen tuông chỉ nên là gia vị trong tình yêu… – Ảnh: Đức Hiếu

Mấy chục năm sau, các cô gái/ chàng trai thế kỷ mới cũng cứ ghen và xem ghen như là chuyện nắng mưa phải có trong cuộc tình.

“Tôi thấy thông thường đa số trường hợp ghen tuông rồi gây hại cho người yêu như báo đã đăng đều là những tình yêu đứng trước nguy cơ đổ vỡ, và người ta nhân danh ghen để níu kéo, để ngụy biện cho cách hành xử của mình. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng ghen không bao giờ là cách tốt để giữ lại tình yêu. Nếu đủ yêu thương và tin tưởng thì sẽ không ghen tuông vô lý”

Nhà thơ Đinh Lê Vũ

Ghen cả với… chiêm bao

Hoàng Xuân, một thư ký văn phòng, chia sẻ nỗi lòng mình về sự hay ghen của người yêu: “Bạn trai tôi có lối ghen lạ lắm. Anh ấy hay hỏi tôi tối qua nằm mơ thấy gì. Tôi thật tình kể hết. Có hôm thì mơ thấy ảnh, có hôm chiêm bao thấy đồng nghiệp… Mơ thấy gì kể đó. Vậy mà bữa tôi kể nằm mơ thấy anh bạn đồng nghiệp, ảnh liền ghen lên. Nói là chắc tại ban ngày tôi tơ tưởng nên tối nằm mơ thấy…”.

Người yêu của Hoàng Xuân có lẽ học theo bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính chăng? Dặn dò người yêu đừng gặp gã trai nào trong cả giấc mơ.

Tuy không đến nỗi ghen cả với chiêm bao nhưng Thùy Mi – một sinh viên ngữ văn – lại có lối ghen khá buồn cười qua lời kể của Hưng – người yêu cô: “Mi hay kêu tôi nhìn mấy cô đẹp đẹp đi ngang qua, tôi nhìn xong Mi hỏi có đẹp không. Tôi nói đẹp thì Mi ghen, giận không thèm nói chuyện nữa…”.

Hỏi chuyện Mi sao ghen kỳ cục vậy, cô cười đỏ hồng má: “Tôi cũng không biết sao nữa… Kiểu như ảnh phải nói là mấy cô ấy không đẹp thì tôi thấy vui hơn…”. May cho Hưng (và cho cả Mi) là cô chỉ ghen cho vui thôi và giả vờ giận dỗi, một thoáng lại vui vẻ. “Chứ nếu ghen kiểu đó thật sự thì chắc tôi bái bai quá” – Hưng cười to.

Có yêu thì mới ghen, nhiều người lấy tình yêu ra làm lý do cho việc hờn ghen của mình. Nghe cũng có lý nhưng thật ra ngẫm kỹ lại thấy vô lý. Ghen thường đi kèm với nghi ngờ. Nếu đã tin tưởng, đã yêu thương thì sao lại nghi ngờ?

Trên diễn đàn văn hóa học, nhiều bạn trẻ bình luận xôm tụ về văn hóa ghen trong tình yêu, và sau khi miệt mài tranh luận thì cuối cùng ai cũng thống nhất rằng: ghen là gia vị của tình yêu, nhưng nếu ghen quá thì tình yêu sẽ sợ hãi mà bay mất. Khi ghen cũng phải có văn hóa chứ không phải động gì cũng ghen, vì ghen tuông vô lối chứng tỏ mình không tin người ta và cũng không tin chính bản thân mình.

Minh Châu kể: “Mình là một người không xinh, được nhiều người khen là dịu dàng, chu đáo, trong khi bạn trai mình rất đẹp trai. Mình suýt mất tình yêu khi cứ xét nét, kiểm soát đủ thứ. Cho đến một ngày, người yêu nói nếu mình không tự tin, không tin vào tình yêu của chúng mình thì nên chia tay. Anh nói yêu mình vì tính tốt, vì sự quan tâm đến người thân, vì sự dịu dàng chu đáo chứ không phải yêu vì nhan sắc…Anh hỏi mình một câu nghe hài hước nhưng không phải không có ý trách mình: Chẳng lẽ bây giờ anh xấu xí thì em mới tin anh?”.

Học nghệ thuật ghen

Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy từng định nghĩa về ghen: “Ghen có thể hiểu là một trạng thái bất an khi cảm thấy “vật sở hữu” có nguy cơ bị đánh cắp hoặc tuột mất khỏi tầm kiểm soát của mình. Vì quá lo lắng về những nguy cơ có thể xảy ra với “chủ quyền” của mình, nhiều người cứ khư khư giữ chặt đối tác như vật chứng của một quan hệ đóng khung, để chứng tỏ khả năng “bảo quản”, để phô trương với đối tác về sức mạnh và uy lực của mình”.

Từ định nghĩa này cho thấy hoàn toàn có thể học nghệ thuật ghen và điều chỉnh hành vi của mình để ứng xử có văn hóa, giữ cho ghen là một thứ gia vị cho tình yêu thêm đậm đà hơn là giết chết tình yêu.

Hiện nay có không ít người trẻ vì ghen mà phạm tội: giết người, tạt axit, hay nhẹ hơn là gây áp lực tinh thần cho người mình yêu…Nguyên nhân của những kiểu ghen kinh dị nói trên phần lớn đều xuất phát từ việc những người trong cuộc thiếu tự tin vào chính mình, thiếu tin tưởng vào người mình yêu và sống quá lệ thuộc vào cảm xúc, đánh mất sự bình tĩnh của lý trí.

Để ghen như thế nào cho đúng đắn đòi hỏi bản lĩnh và cả việc…phải học nghệ thuật ghen nữa. Nhà văn Đinh Hương chia sẻ: “Tôi không ghen vô cớ, phải có chứng cứ, lý do rõ ràng tôi mới ghen. Khi ghen thì không làm ầm ĩ lên và cũng không dùng cách thức thâm độc như Hoạn Thư. Làm ầm ĩ thì xấu chàng hổ thiếp, như Hoạn Thư thì xúc phạm và làm tổn thương lâu dài… Tôi luôn bày tỏ để người ta hiểu mình ghen nhưng không làm người ta bị tổn thương, xúc phạm lòng tự trọng của người ta”.

Bên cạnh tình yêu con người còn có tình bạn, những tình thân ái khác. Vì thế, một cách khá đơn giản mà hiệu nghiệm để tránh đau khổ hay ghen cuồng mà bạn Xuân Anh chia sẻ là: “Không gửi tất cả hi vọng vào một người, không trút tất cả yêu thương vào một người. Khi không dồn trút tất cả cảm xúc như vậy mình sẽ dễ tỉnh táo hơn”.

AN LAM

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.