Gặp lại những mảnh đời da cam ngày ấy

(Dân trí) – Chiến tranh đã qua đi, nhưng còn đó những nỗi đau da cam chẳng bao giờ dứt. Tuy vậy, họ không hề cô đơn bởi bên họ luôn có cả cộng đồng, cùng sẻ chia nỗi đau bằng cả trái tim rộng lớn và tình người bao la!

Ngót một năm chúng tôi quay trở lại xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Tiến Mai – nhân vật trong bài viết: “Một gia đình, bảy nỗi đau da cam”. Vẫn còn đó, ngôi nhà chất chứa những nỗi nhọc nhằn, bảy con người ngoi ngóp vì bệnh tật. Khi nghe câu nói của người cha: “Bây giờ tôi thấy cuộc đời vẫn đầy ý nghĩa”, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Vợ chồng ông Mai và 4 người con tâm thần do ảnh hưởng chất độc da cam trong ngôi nhà mơ ước

Cơn mưa như trút của áp thấp nhiệt đới vô tình giúp chúng tôi được gặp tất cả các  thành viên trong gia đình ông Mai. Ngôi nhà của đôi vợ chồng nghèo vẫn thế, không một tài sản giá trị, chỉ có cái không khí lạnh lẽo bao trùm. Vợ chồng ông Mai vẫn đang làm một cái việc khâu vá áo quần thuê như thường lệ để kiếm thêm chút đỉnh lo cho các con mớ rau, ký gạo.

4 người con chung một nỗi đau mang trong mình chất độc chết người điôxin, nhưng lại khác nhau về tính cách. Hai chị em Minh và Vân chỉ sống quanh quẩn ở nhà, thường lên cơn co giật, nhiều hôm tưởng không qua khỏi. Hai đứa con trai còn lại, Nguyễn Tiến Hưng gần như nằm liệt ở nhà, còn Nguyễn Tiến Hải vẫn thường bỏ nhà đi khiến vợ chồng ông Mai phải tá hoả đi tìm như bao năm qua.

Tâm sự với vợ chồng ông Mai, một năm trôi qua vẫn là nỗi vất vả, khốn khó đủ đường, nhưng có lẽ đó cũng là quãng thời gian hạnh phúc, ý nghĩa nhất đối với gia đình ông. Mọi việc được bắt đầu sau khi báo chí, trong đó có Dân trí đăng tải bài viết: “Một gia đình, 7 nỗi đau da cam” cuộc sống của gia đình ông đã có nhiều thay đổi. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và bà con lối xóm, gia đình ông Mai đã nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn đọc gần xa.
 
“Từ hôm báo đăng hoàn cảnh nhà tôi, nhà đỡ buồn hơn. Có hôm nhận được tiền qua bưu điện, hôm lại được chính người có lòng hảo tâm tới thăm và cho quà. Cảm động hơn, nhiều người hoàn cảnh cũng khốn khó mà vẫn quan tâm đến chúng tôi, họ gửi thư chia sẻ nỗi bất hạnh với gia đình”, ông Mai sụt sùi nước mắt, kể lại.

Sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm như một liều thuốc nhiệm mầu với vợ chồng ông Mai. Những món quà đã giúp ông trang trải thuốc men, sự động viên tinh thần thì giúp ông có nghị lực điều trị chứng bệnh viêm xương hành hạ ông hàng chục năm sau ngay giải ngũ. Ông Mai tâm sự: “Cuộc sống của vợ chồng tôi còn lắm khó khăn, nhưng bây giờ tôi đã thấy cuộc đời vẫn còn ý nghĩa!”.

Chia tay gia đình ông Mai, PV Dân trí tiếp tục cuộc hành trình hàng trăm cây số đến với gia đình ông Nguyễn Hữu Vy: xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình nhân vật trong bài: “Tiếng kêu cứu của đôi vợ chồng già”.

Điều làm chúng tôi bất ngờ là căn nhà cũ nát năm xưa được thay bằng một căn nhà mới khang trang. Vẫn chỉ là căn nhà cấp 4 nhưng đã được xây mới với những bức tường vôi trắng tinh, đẹp đẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc đời vợ chồng ông.
 

Qua báo Dân trí, vợ chồng ông Vy gửi đến bạn đọc lời biết ơn sâu sắc và chân thành!

Không giấu nổi niềm vui, ông Vy niềm nở khoe: “Nhờ sự giúp đỡ của báo Dân trí và bà con gần xa mà vợ chồng tôi có được một số tiền lớn, lớn nhất đời tôi rồi. Chúng tôi bàn nhau trích một phần số tiền đó, cộng với thằng con trai cho một ít để làm căn nhà mới. Sổ tiết kiệm cho 3 đứa nó chúng tôi vẫn dự phòng để sau này vẫn có điều kiện chữa bệnh cho con. Hàng tháng, bà Lê Thị Cảnh ở tận Sài Gòn vẫn đều đặn gửi cho ba đứa con tôi 500 nghìn đồng. Hiện nay, hoàn cảnh gia đình tôi đã phần nào đỡ hơn trước rồi, tôi vẫn làm thêm được sào ruộng chú ạ”.

Ngồi bên cạnh ông Vy, bà Gián thỉnh thoảng cũng xen vào một vài chuyện như để góp thêm niềm vui của chồng. Họ như quên đi nỗi đau, sự nhọc nhằn vẫn còn phía trước để tận hưởng niềm vui hiếm hoi của hiện tại.

Ông Vy không quên nhắc đến những người đã giúp đỡ gia đình ông có được niềm vui ngày hôm nay. Quỹ nhân ái đã 5 lần giúp ông Vy và rất nhiều bạn đọc của báo đã gửi tiền về giúp đỡ gia đình ông giảm bớt những khó khăn. Nói đến đây, ông Vy xúc động rơi nước mắt: “Cả đời tôi sẽ không quên lòng tốt của mọi người. Có những người giấu cả tên khi gửi tiền cho mấy đứa con tôi. Nhờ các chú giúp tôi chuyển lời cảm ơn đến họ nhé!”.

Sau khi báo Dân trí đăng tải các bài viết về các gia đình đang gánh chịu nỗi đau da cam, ngoài sự giúp đỡ của bạn đọc Dân trí, Ban đối ngoại VTV4 – Đài Truyền hình Việt Nam đã trao cho 18 gia đình mỗi gia đình 10 triệu đồng.

Danh sách 18 gia đình được báo Dân trí đăng tải nhận quà của VTV4

TÊN BÀI VIẾT

NGÀY ĐĂNG

Tấm lòng cao thượng của một người mẹ

22/10/2008

Nỗi đau màu da cam

3/1/2009

“Người cựu chiến binh già và những đứa con điên dại”

8/4/2008

“Cậu bé da cam” và ngôi nhà mơ ước

7/9/2008

Cầm cố sổ thương binh để nuôi con dị dạng

30/03/2008

Một gia đình, bảy nỗi đau da cam

12/6/2008

Người mẹ trẻ níu những mảnh đời tàn úa

7/1/2009

“Nỗi đau gia đình một thương binh”

18/02/2008

Cậu bé ăn xin nhiễm chất độc dioxin

7/8/2008

Cảm thương cho một gia đình da cam

25/08/2008

Cô giáo bán bánh tét nuôi 2 con tàn tật

23/10/2008

Tiếng kêu cứu của đôi vợ chồng già

19/10/2008

“Ước gì tôi có một đứa con lành lặn”

31/10/2008

“Em muốn sống mãi để được đi học”

12/11/2008

Không phải “người bình thường” nào cũng làm được như Phương!

29/08/2008

Anh thương binh và 4 người con bất hạnh

22/07/2008

Một thanh niên bại liệt cần giúp đỡ

29/07/2008

“Cặp đôi vợ chồng già xích, nhốt hai con trai”

10/3/2008

Văn Dũng, Văn Được, Thu Hà

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.