All posts by admin

Tâm sự 8/3 vì em là đàn bà – nên em luôn muốn nghe những lời yêu thương

Vì em là đàn bà – nên em luôn muốn nghe những lời yêu thương. Cho dù những lời khen, lời yêu có được nói cả triệu lần thì em vẫn cứ muốn nghe trong từng giây từng phút.

Vì em là đàn bà – đàn bà nhiều khi như con nít, vẫn thường hay hỏi những điều ngớ ngẩn mà mình biết câu trả lời sẽ là gì – cho dù cũng biết câu trả lời đôi khi là gian dối nhưng vẫn muốn hỏi muốn nghe. Chẳng hạn “anh có thương em không?”. Dù lòng anh lúc ấy đang rối bời và tình yêu tình thương lúc nhiều lúc ít nhưng là đàn bà em vẫn cứ muốn được nghe một tiếng “rất nhiều”.
Vì em là đàn bà – nên em luôn cần những cử chỉ nhỏ nhoi thể hiện sự quan tâm. Em ngồi, anh kê cho em cái gối sau lưng. Em mải mê bên máy tính, anh lẳng lặng rót ly nước đặt trước mặt. Em cặm cụi trong bếp, anh nhẹ nhàng vòng tay từ phía sau. Em tung chăn tung gối vội vàng đến bàn trang điểm, anh gấp chăn gấp màn cho tinh tươm. Em loay hoay với dây kéo, anh đứng sau lưng tự bao giờ gỡ tay em ra dành cho mình “trách nhiệm” kéo lên ấy và không quên kèm theo nụ cười ma mãnh… Ấy đấy, những điều nhỏ nhoi thế làm trái tim em tan chảy!
Vì em là đàn bà – nên đôi khi em thích thú khi biết anh ghen tuông. Em kể vô tư có vài người nhắn tin gọi điện, em muốn thấy anh cau mày. Khi anh hỏi “cái này ai làm cho em” với một việc mà anh hay thường làm, em cảm thấy hả hê trong dạ. Anh nói bóng gió “em đẹp”, là em biết anh hàm ý “chắc có nhiều anh theo đuôi” dù có khi anh chẳng nghĩ vậy mà em muốn nghĩ vậy để biết anh còn ghen còn thương yêu mình.
Vì em là đàn bà – nên em cần quà dù em không đòi quà  Cho dù trong năm biết bao nhiêu lần chẳng có dịp gì anh cũng mua hoa mua quà cho em nhưng em vẫn muốn nhận hoa nhận quà trong những ngày cả thế giới người ta tặng cho nhau. Em không thích cách nói “ngày này có gì đặc biệt đâu” hay là “anh là quà của em rồi”, cách giải thích khôn khéo ấy nhiều khi em gật gật nhưng lại không vui vì thể hiện sự nhàm chán theo thời gian. Em luôn cần sự mới mẻ trong cuộc sống. Vậy nên em thích những món quà bất ngờ, như thỏi son đỏ tươi chẳng hạn, bó hoa gởi từ xa khi anh đi công tác, một chiếc ví tay, một bữa ăn lãng mạn cho cả hai – những thứ nhỏ và không cần đắt tiền nhưng làm em sướng tê dại!
Vì em là đàn bà – nên em cần những thứ trên và muôn triệu những thứ khác nữa


Mừng 8/3.

 

Theo FB: Le Quynh Thu

8/3, em không cần quà, em cần được yêu thương!

– Sau bao nhiêu yêu thương chóng vánh đã qua, sau những lần đỗ vỡ, người ta càng sợ tình yêu thì lại càng muốn được yêu thương nhiều hơn… lắp đầy những khoảng trống hụt hẫng vô hình trong tim ấy… Em cũng vậy! Nhưng em có đòi hỏi quá nhiều không anh?

8-3 em không cần quà
8-3 em không cần quà, em chỉ cần anh yêu chân thành

Từ khi em biết, tình yêu không thuộc thể loại cổ tích hay tiểu thuyết ngôn tình, em đã không mơ về chàng hoàng tử lí tưởng hay một tình yêu không tưởng nữa.

Từ khi em biết, tình yêu là sau rất nhiều lời yêu thương vẫn một người cất bước đi, một người đứng lại với những lời hứa chỉ còn trong quá khứ… Từ khi em biết, tình yêu không chỉ là những món quà, những đóa hoa, những buổi chiều hẹn hò nhau trên phố, mà lại là những giọt nước mắt thiếu mất âm thanh cùng nỗi đau chừng như tim vụn nát…. Em đã không cho phép mình đi quá xa trong bất cứ mối quan hệ nào, không đặt niềm tin quá nhiều, không cho yêu thương quá nhiều….

 

Và rồi khi sự mạnh mẽ cố hữu trong em không đủ sức bướng bỉnh, cứng đầu trước anh, em như chú mèo ngoan chỉ muốn nằm gọn trong vòng tay anh mà ủ ấm.
Sau bao nhiêu yêu thương chóng vánh đã qua, sau những lần đỗ vỡ, người ta càng sợ tình yêu thì lại càng muốn được yêu thương nhiều hơn… lắp đầy những khoảng trống hụt hẫng vô hình trong tim ấy… Em cũng vậy! Nhưng em có đòi hỏi quá nhiều không anh?!
Em bắt anh hát cho em nghe những bản tình ca ẩm ướt nước mưa giữa trưa Sài Gòn nắng nóng.
Em bắt anh thử nghiệm những món ăn em tự phát minh vì không nhớ cách làm.
Em bắt anh vượt xa xôi đến tìm em trong đêm mưa tầm tã… chỉ vì em bất cẩn bị ngã giữa dòng xe ồn ã nơi này.
Em không cho anh hứa hẹn tương lai, vì em sợ hy vọng quá nhiều rồi thất vọng bao nhiêu.
Em không cho anh mua hoa tặng em ngày 14/2, vì em sợ một ngày Valentine nào đó, nhìn thấy người khác cầm hoa, em sẽ khóc… Nhưng em chỉ bảo anh rằng “vì ngày đó hoa rất đắt” mà thôi…
Và em sẽ không cho anh mua hoa tặng em vào 8/3.
Và em sẽ bắt anh mua hoa tặng mẹ em, em cũng sẽ mua hoa tặng mẹ anh vào mỗi 8/3.
Vì con gái khi yêu không cần quà, không cần hoa đâu anh! Cái con gái khi yêu cần chính là yêu thương – cảm giác được yêu thương khi nhận những món quà yêu thương ấy!
Vậy nên, 8/3, em không cần quà, em cần được yêu thương! Anh có biết…?
Tiểu Linh Lung  – GocTamSu.com

Câu chuyện người Nhật quan niệm ăn mì sợi đón năm mới

Đó là câu chuyện về đêm giao thừa, người Nhật quan niệm ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của họ, cho đến ngày họ coi đó là một nghề kinh doanh phát đạt để kiếm tiền.

Chúc mừng năm mới Giáp Ngọ
Chúc mừng năm mới Giáp Ngọ

Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày cuối năm mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ quán Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.

– Xin mời ngồi!

Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:

– Có thể… cho tôi một… bát mì được không?

Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.

– Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.

Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:

– Cho một bát mì.

Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. “Ngon quá” – thằng anh nói.

– Mẹ, mẹ ăn thử đi – thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.

Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon! Cám ơn!” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.

– Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ – ông bà chủ cùng nói.

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.

– Có thể… cho tôi một… bát mì được không?

– Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:

– Cho một bát mì.

Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:

– Vâng, một bát mì!

Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:

– Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?

– Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.

Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: “Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!”

Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

– Thơm quá!

– Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!

– Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!

Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.

– Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!

Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.

Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”. Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.

– Mời vào! Mời vào! – bà chủ nhiệt tình chào đón.

Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:

– Làm ơn nấu cho chúng tôi… hai bát mì được không?

– Được chứ, mời ngồi bên này!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: “Hai bát mì”.

– Vâng, hai bát mì. Có ngay.

Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.

Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.

– Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!

– Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?

– Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.

– Chuyện đó thì chúng con biết rồi – đứa con lớn trả lời.

Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.

– Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!

– Hả, mẹ nói thật đấy chứ?

– Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.

– Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.

– Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!

– Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!

– Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.

– Có thật thế không? Sau đó ra sao?

– Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn”. Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!”

Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.

– Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.

– Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?

– Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con.”

Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:

– Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

Lại một năm nữa trôi qua.

Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.

Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.

“Việc này có ý nghĩa như thế nào?” Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.

Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.

Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.

Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.

Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:

– Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?

Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:

– Các vị… các vị là…

Một trong hai thanh niên tiếp lời:

– Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.

Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:

– Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!

Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:

– Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.

Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:

– Có ngay. Ba bát mì.

Sưu tầm internet

Tai nạn tin nhắn trong tình yêu hôn nhân gia đình

Dẫu biết rằng có rất nhiều người tai nạn vì tin nhắn, dẫn đến kết cục cuộc sống gia đình vợ chồng cơm không lành canh chẳng ngọt, thậm chí tan đàn sẻ nghé  và kết cục bi thảm cuối cùng là li hôn.

Hoàn cảnh của tôi hiện giờ cũng nằm trong tình trạng đó. Điều mà hoàn toàn tôi không bao giờ nghĩ nó lại xảy ra với mình, bởi điều đó chỉ là đùa mà thôi, nhưng chồng tôi đã nghi  ngờ và cho rằng tôi đã ngoại tình.

Vợ chồng tôi yêu nhau một tình yêu rất đẹp chúng tôi đã không thể sống thiếu nhau cho dù khi đang yêu cha mẹ người thân hai bên không đồng ý. Nhưng rồi sức mạnh của tình yêu chúng tôi đã vượt qua để đến với nhau thành vợ thành chồng sinh được 2 con một trai, một gái. Vợ chồng tôi thật sự yêu thương nhau tin tưởng tuyệt đối về sự chung thủy của cả vợ và chồng. Trong suốt 23 năm chung sống tuy có lúc sóng to, sóng nhỏ xô bờ nhưng về cơ bản vẫn là hạnh phúc.

Câu chuyện của vợ chồng tôi bắt đầu dạn nứt, chồng tôi nghi ngờ và hiểu lầm về sự chung thủy của tôi bắt đầu từ  khi chồng tôi đọc được tin nhắc của tôi với một người đàn ông khác. Thực sự giữa hai chúng tôi hoàn toàn không có một tình cảm, tình ý riêng tư nào cả. Nội dung tin nhắn đó chỉ là tếu táo đùa cho vui trên điện thoại, bởi người đàn ông đó ở cách tôi rất xa (khác tỉnh) cách nhau 700  km.

Trong tư tưởng tôi chưa làm một điều gì sai trái, hẹn hò vượt quá giới hạn của hai người khác giới, chứ chưa nói là thực tế đã đi đến đến đâu cả. Đúng là chỉ có hai chúng tôi người trong cuộc mới biết đó là những lời tếu táo đùa cợt trên điện thoại thực tế không có gì cả và chỉ có trời, có đất chứng giám cho việc này và cho sự trong sáng, thủy chung của tôi đối với chồng. Nhưng chồng tôi nào có hiểu cho tôi tất cả mọi việc chồng tôi đều suy diễn và tưởng tượng ra đủ mọi thứ của những đôi tình nhân mây mưa trăng gió để mà mắng nhiếc, sỉ nhục tôi.

Thực sự tôi không biết phải làm thế nào để chồng tôi hiểu được đó chỉ là đùa thôi và tôi cũng đã biết lỗi của mình là đùa như thế là không được xin chồng tha thứ rộng lòng độ lượng của người chồng để cho cuộc sống tình cảm vợ chồng vui vẻ trở lại nhưng cũng chỉ được vài hôm chồng tôi lại nhắc lại chuyện cũ và còn ghi lại tin nhắn hàng đêm khi vợ chồng lên giường ngủ là mở ra đọc, suy ngẫm, phân tích từng câu từng chữ để mà  tượng tượng để mà suy diễn cho rằng vợ mình là thế. Tôi thực sự hoang mang, lo sợ vì chuyện tưởng chừng là nhỏ mà giờ chồng tôi như người bị bệnh hoạn, hoang tưởng do ghen tuông mà nghĩ ra đủ thứ, cái gì cũng liên quan đến quan hệ trai gái, quan hệ tình dục để mà suy diễn, tưởng tưởng… thực sự tôi vô cùng hoang mang lo sợ chồng mình lại mắc bệnh hoanng tưởng đến như vậy. Đây cũng là bài học quá đắt cho tôi và cũng là lời nhắn nhủ của tôi đến với mọi người đừng bao giờ đùa giỡn như thế. Hãy cho tôi và chồng tôi lời khuyên để cứu vẵn hạnh phúc nhé.

Trân trọng cảm ơn./.

 

Đi thăm chồng ốm, thấy anh đang chăm bồ đẻ

Đến giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt hốt hoảng của anh lúc đó. Anh đứng như trời trồng, miệng há hốc. Tôi cũng vậy.

Tôi nhớ cái ngày vét hết tất cả những thứ có giá trị trong nhà, kể cả cặp nhẫn cưới đem bán lấy tiền cho anh đi thành phố làm ăn, anh ôm tôi rất lâu: “Em ở nhà ráng lo cho mẹ, anh sẽ cố gắng làm kiếm thật nhiều tiền rồi rước em lên”.

Tôi nói rằng tôi không mơ giàu có mà chỉ muốn anh được thỏa chí bay nhảy và cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn. “Còn cái chuyện lên thành phố thì sau này tính vì em quen sống ở đây rồi, trên đó ồn ào lắm”. Tôi nói để anh đỡ lo chớ thật ra ai cũng bảo tôi chồng đâu thì vợ đó mới chắc ăn vì ở thành phố mọi thứ không đơn giản, nhất là đàn ông, không có vợ con bên cạnh, họ rất dễ sa ngã. “Nhớ là không được lo lắng bậy bạ nghe chưa. Anh chỉ có một mình em thôi”- anh ôm hôn tôi trước khi đi.

Anh lên thành phố hùn hạp với bạn bè mua bán phế liệu; được hơn 2 thành thì lập cơ sở gia công cơ khí. Có lẽ ông trời thương tình, cộng với tính tình chăm chỉ của anh nên chỉ 5 năm sau anh đã kiếm được 5 cây vàng mua miếng đất ở Bình Chánh cất căn nhà nhỏ. Khi nghe anh nói tôi rất mừng vì có nhà rồi, anh sẽ đỡ vất vả; hơn nữa có nhà rồi thì ngày vợ chồng sum hợp cũng không còn xa nữa.

Có lần mẹ chồng tôi bảo: “Hay là con dọn lên ở với nó, để mẹ về Cà Mau với con út chớ vợ một nơi, chồng một ngã như vầy, mẹ thấy không được”. Ý mẹ tôi nói chuyện con cái vì cưới nhau như vậy là đã được hơn 8 năm mà tôi vẫn chưa sinh cho mẹ thằng cháu nội. Đâu phải tôi không muốn có con mà vì thời gian đầu mới cưới còn nghèo quá nên vợ chồng kiêng cữ; còn kể từ khi anh đi Sài Gòn thì mỗi tháng anh về một lần rồi đi, tôi cũng van vái trời phật phù hộ cho tôi có một đứa con để hủ hỉ cho vui cửa, vui nhà nhưng mãi vẫn không thấy.

Cho đến một lần cách đây chưa lâu, anh gọi điện nói rằng anh bị bệnh nên không về được. Anh bảo tôi đừng lo, tiền chi tiêu trong tháng của hai mẹ con, anh đã bỏ vô thẻ cho tôi đầy đủ. Tự dưng tôi muốn khóc. Cái mà tôi cần là hơi ấm của một người chồng chứ đâu phải những đồng tiền vô tri mà tháng tháng anh gởi vào tài khoản cho tôi? Anh đâu biết rằng, tôi không hề đụng đến những đồng tiền đó. Lương giáo viên của tôi cộng với thu nhập từ tiệm tạp hóa của mẹ, hai mẹ con chi xài tằn tiện thì cũng đã đủ.

“Tháng này thằng Tuấn không về hả con?”- tối thứ bảy, mẹ tôi đột ngột hỏi. Tôi cứ tưởng mẹ quên, ra là mẹ vẫn nhớ. “Dạ, ảnh bệnh rồi mẹ”- tôi nói để bà đừng trông. Không ngờ bà bảo tôi: “Vậy thì con phải lên coi nó bị làm sao”. Bà giục tôi đi Sài Gòn. Thú thật nghe nói là tôi đã sợ. Tôi xem tivi thấy trên đó đủ thứ phức tạp thì rất sợ. Hơn nữa đường đi nước bước tôi đâu có biết, lỡ mà đi lạc thì không biết làm sao? “Đường đi trong miệng mình, cứ hỏi người ta thì ra hết”- mẹ tôi gắt.

Tôi biết bà nóng ruột con trai nên mới như vậy chớ trước nay lúc nào bà cũng nhẹ nhàng với tôi. “Dạ, để con đi thăm ảnh, mẹ đừng lo, mẹ ngủ đi”. Tôi trấn an bà trong khi cả đêm tôi gần như không ngủ được. Tôi cũng không dám gọi cho Tuấn vì biết tính anh, một khi anh đã nói không được làm thì không được cãi lời.

Sáng sớm, tôi đón xe đi Sài Gòn. Lên tới Bến xe miền Tây thì đã 11 trưa. Tôi đưa địa chỉ cho một anh xe ôm nhờ anh chở đi. Anh ta săm soi tờ giấy rồi lắc đầu: “Ghi vầy ông nội tui tìm cũng hỏng ra nói chi tui”. Nhưng có lẽ thấy vẻ mặt thất vọng của tôi, anh ta tội nghiệp nên lại nói: “Thôi thì để tôi chở cô đi tìm nhưng nói trước là tôi coi đồng hồ để tính tiền đó nghen”.

Đúng là cái địa chỉ mà Tuấn nói và tôi ghi lại chẳng tồn tại trên đời này. Nó là một khu nhà xây dựng trái phép, chẳng có số nhà, cũng không có tên đường. Tôi nói với anh xe ôm: “Thôi, anh để tôi đi hỏi từng nhà, thế nào cũng kiếm được”. Anh xe ôm có vẻ ái ngại cho tôi: “Lỡ cô kiếm không ra thì sao?”. Tôi bảo anh đừng lo, kiếm không được tôi sẽ đón xe ra bến xe để về quê. Anh chỉ lấy 50 ngàn tiền xe dù phải mất cả buổi trưa chở tôi đi vòng vòng.

Cuối cùng rồi tôi cũng tìm được nơi cần tìm. Đó là nhờ tôi nhanh trí, kiếm nhà tổ trưởng dân phố để hỏi. Nhưng bà tổ trưởng cũng nghĩ nát nước mới nhớ ra: “À, nhớ rồi, hai vợ chồng ông này ở tuốt luốt trong hẻm. Nghe đâu vợ mới đẻ. Cháu là em ổng hả? Dưới quê mới lên hả?”. Tôi nghe vậy thì tin chắc rằng bà tổ trưởng đã nhầm lẫn, thế nhưng đã lỡ nhờ người ta dắt đi tìm, thôi thì cứ đến rồi cảm ơn và đi chỗ khác cũng không sao.

Thế nhưng bà tổ trưởng không lầm, chỉ có tôi lầm. Nhà đó đúng là có một người tên Tuấn, đúng là họ có hai vợ chồng và đúng là vợ anh ta vừa đẻ… Đến giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt hốt hoảng của anh lúc đó. Anh đứng như trời trồng, miệng há hốc. Tôi cũng vậy. Nhưng rồi chính tôi lại người giải vây cho anh. Tôi cố nén để đừng khóc: “Anh hai, mẹ nghe nói anh bệnh nên bảo em lên coi anh sao rồi”.

Bà tổ trưởng tươi cười: “Thôi, ở chơi với anh chị nghen, dì về đây”.

Khóc thâm trong nhà tắm khi chồng có vợ và con
Vào phòng tắm. Dường như sức chịu đựng của tôi chỉ đến đó. Tôi ngồi sụp xuống, ôm mặt bật khóc

Tôi chết sững nhìn chồng mình. Ra lý do anh không về là đây. Tôi nhìn vào buồng, nơi có tiếng con nít khóc oe oe rồi lại nhìn anh. “Ra là vậy!”. Tôi chỉ nói được có bấy nhiêu rồi quay lưng bỏ chạy. Anh đuổi theo kéo tôi lại: “Nghe anh nói, chuyện dài dòng lắm, không phải như em nghĩ đâu”. Tôi hất tay anh ra: “Tôi không muốn nghe”.

Tôi chạy như bị ma đuổi khỏi ngôi nhà không số, không có tên đường ấy. Đất trời như đổ sụp dưới chân. Đầu óc tôi quay cuồng.

Hôm đó tôi về tới nhà đã 11 giờ đêm. Mẹ chồng tôi vẫn còn thức chờ. Nghe tiếng kêu cửa, bà lật đật chạy ra: “Nó sao rồi con? Vô tắm rửa rồi ăn cơm. Để mẹ hâm đồ ăn”. Thấy mẹ luýnh quýnh, tôi thương bà đến nghẹn lời: “Ảnh chỉ bị cảm sơ sơ thôi mẹ”. Rồi tôi vào phòng tắm. Dường như sức chịu đựng của tôi chỉ đến đó. Tôi ngồi sụp xuống, ôm mặt bật khóc.

Giờ thì mẹ tôi đã biết. Bà nằm vùi mấy ngày. Bà khóc và xin lỗi tôi vì “con dại cái mang” nhưng trong chuyện này, tôi làm sao có thể trách mẹ? Nếu có trách là trách chồng tôi, anh đã không giữ được lòng mình, không giữ vẹn chữ thủy chung như đã từng thề thốt. Anh gọi điện về nói rằng, anh không dám về để gặp tôi, gặp mẹ. Anh nói do hoàn cảnh đưa đẩy chứ anh vẫn một dạ với tôi…

Thế nhưng giờ đây niềm tin trong tôi đã sụp đổ. Những tháng ngày trước mặt, tôi không biết phải làm sao với cuộc hôn nhân đã rạn vỡ của mình. Tôi phải buông bỏ để anh đi với người đàn bà kia hay là giành giật, níu kéo một con người đã không còn trọn vẹn thuộc về mình?

(Theo NLĐ)

Những chấm lạnh mùa đông Hà Nội

Hà Nội vào mùa thương

Hoa sữa nhạt dần hương

Con đường hoa sữa vắng

Vì thiếu bước chân thương

Vào một ngày của mùa thương năm ấy em rời xa anh mãi mãi, cái lạnh sáng mùa đông trong bệnh viện cùng cái lạnh trong lòng làm người anh như hóa đá. Vậy mà đã mười năm có lẻ rồi em nhỉ. Sớm hôm nay, sương giăng lại mờ trên khắp phố phường Hà Nội, làm quá khứ tưởng đã ngủ yên trong anh lại dội về.

Anh bỗng nhớ bóng hình đến em quay quắt, anh thèm được tắm mình trong sóng mắt yêu thương của em biết bao.

Lục tìm lại trong ký ức, ngày đó khi anh bước chân vào giảng đường đại học, anh chẳng muốn quan hệ cùng ai trong lớp vì các bạn trong lớp hầu hết là dân tỉnh lẻ.

Bạn bè anh là những người có gia đình giàu có ở Hà Nội để bọn anh có điều kiện tụ tập chơi bời.

Cũng chỉ vì ham chơi hơn ham học mà anh đã phải thi lại nhiều môn, anh đã lo sợ vì mình là niềm tự hào trong nhà mà lại phải ở lại lớp.

Rồi anh phải tìm vào ký túc xá để nhờ vả em, cô lớp phó học tập. Em đã ra điều kiện là sẽ giúp anh ôn tập để thi lại nếu anh đệm đàn cho em hát trong đêm trung thu tại ký túc xá.

Mặc dù đã có kế hoạch đi chơi với đám bạn nhưng anh đành phải gác lại để đáp ứng yêu cầu của em.

Thật bất ngờ là anh đã có cảm giác vui vẻ cùng các bạn trong ký túc xá đến vậy, một cảm xúc chưa từng có khi anh đi chơi cùng đám bạn của anh.

Cũng từ đó anh không còn xa cách với các bạn trong lớp nữa mà tích cực tham gia các hoạt động Đoàn của lớp cùng các phong trào tình nguyện, nhóm bạn chơi bời của anh cũng vì thế xa lánh anh dần.

Nhưng anh không hề buồn vì đã có những người bạn mới tuyệt vời hơn.

Quãng đời sinh viên mà anh biết rằng nếu không có em thì anh chẳng có được tháng ngày vui đến thế.

Ngày sinh nhật của anh, em đã tặng anh những bông hoa mà em gọi là hoa Lung Linh cùng lời chúc mừng đẹp nhất mà anh từng nhận được.

Rồi anh đã yêu em, anh đã tìm hiểu và được biết rằng bố em – một người trai Hà Nội là cán bộ địa chất, một người đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho việc tìm ra nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước. Em tự hào về bố và mong muốn được sống đẹp như bố.

Lúc nhận bằng tốt nghiệp để có thể thực hiện ước mơ của chúng mình thì lại nỡ rời bỏ những người thương yêu em nhất.

Nỗi đau mất em làm anh gục ngã, nhưng lời hứa anh phải sống cho cả em đã giúp anh đứng dậy.

Thực hiện cả ước mơ của em, mặc dù có sự phản đối của gia đình, anh đã nộp đơn xin việc vào một chương trình hỗ trợ nông dân nghèo của Bộ Nông nghiệp.

Anh xin xung phong đi công tác tại các tỉnh khó khăn nhất của đất nước khiến anh Trưởng phòng sửng sốt.

Khỏa lấp nỗi đau bằng công việc cùng những ngày tháng phiêu du trên khắp nẻo đường đất nước, anh của em đã phần nào được như em mong muốn ‘ có sự tự tin để trở nên mạnh mẽ, có lòng nhân hậu để yêu cuộc sống này”.

Nước mắt anh đã ứa ra khi soi mình trong ánh mắt trong veo, tràn ngập niềm vui của các em nhỏ nơi anh đến lập dự án, khi chúng sung sướng chia nhau những chiếc kẹo anh đưa.

Nhưng những giọt nước mắt và ánh mắt lo âu của mẹ mỗi khi xếp tư trang cho anh lên đường đi công tác đã trả anh phải về đúng quỹ đạo mà gia đình mong muốn.

Cho đến tận bây giờ, khi được làm việc trong môi trường có điều hòa nhiệt độ của văn phòng sang trọng hay chiếc xe hơi vẫn chưa làm anh quen được.

Anh nhớ lắm bầu không tinh khiết của núi rừng tây bắc trong sắc trắng hoa ban, hay một mình nơi đảo vắng ngắm Thái Bình Dương xanh thẳm.

Ở những nơi đó anh mới cảm thấy như có em ở bên đang nhìn anh với ánh mắt yêu thương.

Trải lòng mình theo trang viết này để tìm thanh thản, anh phì cười khi nhớ lại câu nói của người bạn thân nhất nói với anh ngày hôm qua “ Trên đời này tôi sợ nhất người tốt ông ạ”.

Có lẽ đúng như vậy em à, nếu như anh không gặp được người tốt như em thì anh đã không phải mang nợ cả kiếp người.

Phải chăng anh có mối quan hệ bên ngoài khi tuổi xế chiều

Tôi 52 tuổi, chồng tôi 51 tuổi, con gái đầu 23 tuổi, con gái sau 16 tuổi.

Từ đó đến giờ, nhà chúng tôi ở không có phòng riêng.

Khi con cái lớn, vợ chồng chỉ tranh thủ quan hệ 1 lần/tuần khi các con đi váng.

Chồng tôi thường ngày phải lao động nặng, giờ giấc bất thường vì phải phục vụ theo yêu cầu khách hàng.

Hơn 1 năm nay chồng tôi không đòi hỏi gì về chuyện chăn gối với vợ, thường về nhà trễ có hơi men của rượu bia, quần áo thì lấm lem dầu nhớt vì tính chất nghề nghiệp.

Sau khi về nhà, chồng tôi thường ngủ ngay và nói là phải uống rượu bia để giảm đau nhức gân cốt do lao động cả ngày.

Chồng tôi vẫn quan tâm nhiều đến con cái nhưng lơ là với vợ.

Thoạt đầu tôi vẫn yên tâm về chồng tôi vì từ đó đến giờ chồng tôi không hề ăn diện và vẫn lo chú tâm công việc.

Nhưng khi tình trạng này kéo dài thì tôi có linh cảm không hay về chồng tôi và nỗi buồn tăng theo từng ngày.

Vì tự ái và cũng vì không còn nhu cầu “giường chiếu” như lúc trước nên tôi không đề cập gì đến “chuyện vợ chồng”.

Nhưng tôi rất muốn biết nguyên nhân gì đã khiến chồng tôi như vậy? Có phải chăng chồng tôi đang có một mối quan hệ khác bên ngoài hay vì quá vất vả nên chồng tôi đã mãn dục?
Rất mong được các bạn giúp ý kiến để tôi có những quyết định đúng đắn.

Cám ơn rất nhiều.

Mùa đông thương nhớ

Gửi Em, mùa đông yêu thương.

Kỷ niệm mối tình đầu sẽ theo Tôi mãi suốt quãng đường đời còn lại, dẫu cho năm tháng có xoá nhoà đi phần nào ký ức, nhưng kỷ niệm vẫn nguyên vẹn bên Tôi như thưở ban đầu.
Xa quê hương, Tôi định cư bên xứ người, Tôi phải tập học cuộc sống mới, hoà nhập với văn hoá mới. Cuộc sống trôi nổi bên xứ người, định mệnh cho Tôi gặp Em, mùa đông ơi…
Phải, mùa đông se lạnh làm cho mọi thứ xung quanh trở nên hữu tình, đặc biệt với người con trai mới lớn như Tôi, càng làm trái tim thêm rung động.

Tôi và Em tuy ở bên Mỹ nhưng hai người ở cực xa nhau, chỉ có những chuyến bay mới đưa ta gặp được nhau.
Lần đầu gặp Em, ở phong cảnh thật đẹp, như tô vẽ thêm một phần kỷ niệm của giây phút ban đầu. Em, cô gái nhỏ bé, nhưng đầy bản lĩnh, một mình đón xe điện ra tận phi trường đón Tôi…

Ôi, kỷ niệm…

Tiểu bang Tôi lạnh, bên Em cũng không khác gì, lại hay mưa, nên Tôi gọi Thành Phố Mưa Bay.
Đi giữa phố Portland cùng Em, thời tiết lạnh hoà nguyện vào những giọt mưa bụi rơi nhạt nhoà trên khuôn mặt nhỏ bé của Em sao mà yêu quá. Xung quanh đông người mà sao Tôi thấy chỉ có Em và Tôi, nét trinh trắng, tinh khiết thoát ra từ Em như làm Tôi điên dại, Em hồn nhiên và ngây thơ lắm.

Cùng em lang thang trên phố, ngắm dòng người qua lại, những ngôi nhà cao trót vót mà Tôi cứ ngỡ mình đang ở thiên đường. Em cho Tôi những giây phút ngọt ngào,Em cho Tôi hương vị hạnh phúc của yêu đương, Tôi khi đó tuy 19 nhưng bên cạnh Em tôi vẫn vui cười hạnh phúc như đứa trẻ mới lớn vậy, cô bé nhỏ hơn tôi 1 tuổi ạ.

Rồi Tôi trở về, Em tiễn Tôi đi với nỗi buồn giấu sâu trong lòng, Tôi lên máy bay mà lòng nặng trĩu. Không biết khi nào mới có thể được gặp lại Em, mối tình đầu của Tôi.

Em và Tôi giờ đã là hai người của thế giới khác rồi, Tôi và Em đều đã có gia đình riêng, bận rộn với công việc. Nhưng giữa bộn bề cuộc sống, cứ mỗi đông về, trời se lạnh, tuyết rơi, hay đơn giản là những giọt mưa bụi lắm tắm rơi thì những kỷ niệm của mối tình đầu như sống lại trong Tôi.

Chúc Em hạnh phúc nhé.

Christmas 2013
Wichita, Kansas

Chồng dùng bạo lực để nói chuyện với tôi và con

Chồng không những đánh tôi mà còn làm như vậy để dạy dỗ con gái. Con bé hơn 2 tuổi, đi chơi bên hàng xóm không biết giờ về. Lúc cháu về đang uống sữa, anh tức giận lấy chân giúi lên đầu con bé.

Lúc viết những dòng này vợ chồng tôi đã không nói chuyện với nhau được ba tháng dù vẫn ở chung trong một ngôi nhà, vẫn ngủ chung trên một chiếc giường. Tôi không muốn nghĩ nhiều đến chuyện này, bởi những cuộc chiến tranh cả nóng và lạnh đã xảy ra trong nhà tôi không phải ít lần. Nhưng chả lẽ cứ để cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị ấy kéo dài ra mãi? Chúng tôi vẫn còn trẻ, tôi trân trọng hạnh phúc của mình nhưng nếu không có hạnh phúc thì biết phải trân trọng cái gì đây?

Tôi, một người phụ nữ vừa bước qua tuổi 30, anh hơn tôi 6 tuổi. Chúng tôi có học thức và đều là viên chức nhà nước, đồng lương tuy ít ỏi, nhưng cuộc sống không đến mức thiếu thốn. Anh là mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của tôi. Tôi chọn anh, tin tưởng anh vì thấy anh là người đàn ông mạnh mẽ, hiếu thảo, có trách nhiệm. Tôi nghĩ người đàn ông như thế nhất định sẽ không bỏ rơi vợ con, không phải kẻ hèn nhát. Trong mắt tôi, anh là một người tuyệt vời.

Nhưng cuộc sống gia đình đã không như tôi tưởng. Ngày cưới anh gắt gỏng, cằn nhằn với tôi chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt. Tôi đã không có hạnh phúc trọn vẹn trong ngày lẽ ra là hạnh phúc nhất của đời người. Khi có thai 5 tháng, trong ngày mồng 2 Tết, anh đi đến đâu cũng nửa đùa nửa thật chê vợ mang bầu con gái. Con gái có tội tình gì chứ? Tôi thấy thương mình, thương con, nước mắt tuôn rơi, nhưng cố kìm nén. Đến khi vừa bước về nhà tôi òa khóc, anh hỏi, tôi không nói được, chỉ nước mắt tuôn trào. Anh đạp tôi, một vết bầm tím dưới bắp chân. Tôi đã lờ mờ nhận thấy viễn cảnh cuộc đời sau cú đạp đó của anh. Người đàn ông này đã nói sẽ không bao giờ đánh vợ, giờ đã làm điều ngược lại.

Rồi tôi tha lỗi cho anh. Sinh con được một tháng, anh đi học xa nhà vì đó là cơ hội. Tôi không cản dù lúc này cần anh nhất. Con vừa được hơn 2 tháng, tôi đi làm để không mất cơ hội việc làm, có thể trang trải cuộc sống gia đình. Quãng đường 50 km mỗi ngày tuy có vất vả nhưng đó không phải là trở ngại lớn nhất cho tôi. Mẹ anh, rồi mẹ tôi (có khi không có ai) thay phiên nhau chăm sóc cháu đến khi được 11 tháng rưỡi.

Bắt đầu từ đó, cuộc sống của tôi chỉ có 2 mẹ con. Có hôm đi làm về đã hơn 18h, thấy con sốt, tôi lại đi nhờ người chở hai mẹ con đi khám. Bố mẹ chồng ở xa, không thông cảm, lại trách tôi không thường xuyên gọi điện về thăm hỏi ông bà (dù chồng tôi đi học tuần nào cũng về giúp đỡ ông bà, và ông bà thì quan niệm chỉ con cái mới phải thăm hỏi cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ thăm hỏi con).

Chồng tôi, để vừa lòng bố mẹ cũng quay ra trách móc tôi. Thậm chí, nếu tôi không làm vừa lòng ông bà thì “tôi cho cô tự do luôn”. Anh nói thương tôi đi làm vất vả, chăm con vất vả, nhưng khi con bệnh anh bảo: “Làm cái gì mà để cho nó bệnh”, rồi giận dỗi, cả tháng trời không hỏi thăm mẹ con tôi một câu. Năm đầu tiên khi anh đi học, vì có mẹ ở chăm sóc cháu nên anh phải gửi thêm tiền về cho tôi.

Năm thứ hai, chỉ hai mẹ con nên tôi nói anh không cần gửi tiền về nữa. Khi con được 2 tuổi, anh học xong, về nhà, tôi giao số tiền ít ỏi tiết kiệm được để anh sửa nhà. Ai cũng nói chồng tôi đi học, vậy mà về còn có tiền sửa nhà. Tôi những tưởng như thế là đã qua cơn bĩ cực để tới hồi thái lai, vậy mà hơn 3 năm qua, chúng tôi đã có không biết bao nhiêu những giận hờn, cãi cọ. Đau đớn nhất là việc chồng tôi không chỉ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ mà còn thường xuyên làm như vậy để dạy dỗ con gái.

Con bé hơn 2 tuổi, đi chơi không biết giờ về, ba mẹ chạy bổ đi tìm, mãi mới thấy con đang ở bên nhà hàng xóm. Tôi đem cháu về, đang cho uống sữa thì anh về, tức giận lấy chân giúi lên đầu con bé. Tôi phản đối, nói “Nó còn nhỏ, biết gì đâu mà đánh nó như vậy”, anh ta thẳng tay tát vào mặt tôi. Tôi đi làm xa, trời mưa, đường ngập, về đến nhà than thở với chồng, anh không an ủi mà còn gắt: “Ngu, đi đường kia không đi còn kêu cái gì”. Tôi nói: “Đường kia cũng ngập, lại toàn xe tải, đi sao được mà đi”. Thế là qua vài câu nói đi nói lại, anh ta xông vào phòng tắm giữa lúc tôi không có mảnh vải che thân, đánh tôi. Đó là lần đầu tiên tôi chống cự, sau 3-4 lần bị chồng đánh, một nỗi nhục nhã, ê chề, là nỗi đau mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ quên được.

Vào mùa hè, khi con tôi 4 tuổi, gia đình về thăm quê, trước mặt bố mẹ anh, anh lại đánh tôi. Tôi nấu cơm không ngon, trước mặt bố mẹ anh, anh cằn nhằn mắng chửi. Ngồi xuống mâm cơm, con bé ăn chậm, anh đánh mắng con. Tôi giận không ăn, anh chửi đuổi mẹ con tôi đi. Tôn trọng bố mẹ anh, tôi đã nín nhịn tất cả. Đi tàu, tôi say tàu, lấy dầu gió ra bôi, anh cằn nhằn “Bôi dầu thì ra ngoài mà bôi”. Tôi chán nản không muốn nói gì, chiến tranh lạnh lại xảy ra. Có lần, ức quá, tôi mua thuốc ngủ về uống hơn chục viên, không phải để chết mà để ngủ một giấc cho dài, sâu.

Có lần, không sao ngủ được, tôi lấy rượu ra uống rồi nói ra tất cả những đắng cay, uất ức phải chịu, tất cả những gì tôi đã không muốn nói, muốn kể. Anh xin lỗi, thừa nhận sai nhiều hơn tôi, rồi kể tội tôi: “Em cũng phải xem lại, em còn gọi tôi là lão trước mặt bạn, như thế có được không”. Tôi hỏi còn gì nữa không, anh ta không kể được gì mà nói “Em tự xem lại mình đi”. Sau lần nói chuyện cởi mở đó, tôi tưởng đã hiểu nhau, nghĩ anh sẽ không bao giờ còn sử dụng vũ lực trong gia đình nữa.

Con tôi 5 tuổi, anh bắt cháu học, tối nào cũng bắt viết bài. Con bé thông minh, nhanh nhẹn, nhưng nó không kiên trì và viết không được đẹp lắm, anh ngồi kè kè bên con, quát mắng, rồi tiện tay đập con bất cứ chỗ nào. Anh còn đâm đầu nhọn bút chì vào tay con rỉ máu. Anh lấy thành tích đó ra dọa con: “Nhanh lên nào, có muốn ba đâm bút chì vào tay con không”. Con bé nước mắt ngắn dài trong suốt 2 tiếng được ba dạy.

Tôi nói: “Con mới 5 tuổi, đâu cần thiết phải học nhiều như vậy. Bé ở lớp bị nhốt trong phòng cả ngày, tối về phải được chơi chứ”. Anh không nghe, nói “Chơi nhiều hư ra, mai mốt lên lớp một không theo kip”. Tôi nói: “Viết chữ đâu phải là tất cả, con cần nhiều kỹ năng khác nữa: nhận thức, kỹ năng sống, những cái đó quan trọng hơn, sao anh không dạy”. Dù không muốn con học sớm, nhưng tôi vẫn phải giành lấy việc dạy con, để con đỡ bị đánh.

Ấy vậy mà tôi cho con nghỉ sớm anh nhảy vô bắt con học tiếp. Tôi cho con tự viết, anh lại bảo để ba dạy. Tôi can, không cho anh đánh con, anh xô tôi ngã sấp xuống nhà, giận dữ, tôi xé cuốn tập của con, nói: “Học để sống hay học để chết”. Anh làm con bị tổn thương ghê gớm, đến mức cho con đi chơi mà nhất định không cho mẹ rủ ba đi cùng. Con tưởng tượng chuyện: “Bé học thật giỏi, nên được cô khen, bé múa cũng đẹp, nên cô cho quà. Bé mang về nhà, tặng cho mẹ, mẹ đi mua quà, cho bé đồ nhỏ, cho mẹ đồ to”. Tôi hỏi: “Đồ của ba đâu”, con nói “Không có đồ của ba vì ba đánh con, ba đâm bút chì vào tay con chảy máu, ba còn ném mẹ ngã nữa nè”.

Ba tháng qua, vì chuyện đó mà chúng tôi không nói chuyện. Anh không góp tiền xài chung nữa mà giữ lương xài riêng. Các khoản tiêu trong gia đình ai thấy thiếu, ai cần tự đi mua bằng tiền của mình. Gia đình anh có chuyện, dù giận nhau nhưng tôi vẫn đưa tiền, giục anh phải về. Anh không lấy tiền cũng không về. Chúng tôi cũng không có chuyện gì để nói nữa, tôi đã nghĩ đến chuyện dọn ra ngoài sống để đi làm cho gần hơn, cho cuộc sống bớt ngột ngạt. Nhưng như thế có tốt hơn không nhỉ? Cuộc sống của chúng tôi sẽ đi về đâu đây?

Yên

Một chuyện tình đẹp và cảm động

Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời
Trong những cuộc hôn nhân như câu chuyện, người ta chung sống với nhau, nhẹ vì tình, nặng vì nghĩa. Người phụ nữ trong câu chuyện là ngưới có phước phận, có cho đi và có nhận lại, là người có hạnh phúc . Người đàn ông trong câu chuyện là người đạo đức, có trước, có sau, biết hy sinh đền đáp. Cuộc đời ông lo trả nghĩa cho người. Không biết liệu ông có cảm nhận được tình yêu? Nhưng chắc chắc đời ông sẽ có được sự ấm áp và thanh thản trong tâm hồn.

Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời

Khi được gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi.
Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.

1. Sung túc
Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói phải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.

Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.

2. Cảnh nghèo
Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi.

Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.
Vì thế bà mối đến, réo rắt: “Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha,
còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà”.

Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa? Nhưng chị xin: “Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha!”.
Tiếng kèn đón dâu thổi váng đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị.

Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư!

Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài.

Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mẹ, tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.

Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri.

3. Cười xót xa

Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng.
Anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái.

Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm
chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.
Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.
Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v…
Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình:
“Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?”.
Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to:
“Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì? Tắt đèn, thổi nến, lên giường…”
Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong chăn nói:
“Chị ơi, em yêu chị!”.
Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.

4. An ủi nhỏ nhoi

Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay.
Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.
Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua.
Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.
Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hóa bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc, làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi.
Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói:
“Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành”.
Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.
Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình rốt cuộc là vợ, là chị hay là mẹ của anh?

Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học.
Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.
Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học Sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường.
Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra chị không nói thêm điều gì nữa.
Nhưng anh vẫn nói: “Chị, chờ tôi quay về nhé!”.

Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khóe miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy. Khóe cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.

5. Kiếp này
Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi.
Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc.
Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói: Chị đừng gửi tiền nữa. Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.

Lúc đó chị đã 29 tuổi.

Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát ly đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa.

Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa!

Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê: Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường đi xa: “Chị, chờ tôi quay về nhé!”; hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.
Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng.
Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về.

Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất, dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết.
Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực.
Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu.
Chị không dám ngờ anh đã nói với chị:

“Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!”.

Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị?
Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng cười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.

5. Xin lỗi
Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng.
Họ có với nhau một con trai, một con gái.
Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình.
Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng.
Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường.
Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà.
Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói:
“Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn?”.
Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị.
Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi.
Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch:
“Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi”.
Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.

6. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa
Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.
Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.
Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói:
“Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy”.
Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ.